- ● Dẫn Nhập
- ● Nhân Ngày Hội Lớn Của Nhân Loại, Nhớ Về Tập Ngũ Đai Thư Của Thiền Sư Kiếm Sĩ Musashi
- ● Phật Tử - Con Số Và Con Người
- ● Tu Chính Hiến Chương - Một Tiền Đề Để Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam
- ● Ngỗn Ngang Trăm Mối Tơ Vò - Tản Mạn Về Một Chuyến Đi Xuyên Việt
- ● Tôi Lúng Túng Với Hai Chử “Đồng Hành”
- ● Trước Thềm Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc, Chợt Nhớ Đến Thầy Mật Thể ..
- ● Đại Hội Phật Giáo 2007: Một Thách Thức Cổ Điển
- ● Lễ Tam Hợp Vesak 2008: Kỳ Vọng Của Người, Thách Thức Của Ta
- ● Sám Phổ Hiền, Vesak Hà Nội 2008, Và “Đàn Áp Phật Giáo” …
- ● Một Số Suy Nghĩ Về Vài Con Số Của Vesak 2008
- ● Từ Tượng Vua Lý ở Hà Nội Đến Tượng Đài Bồ Tát Thích Quảng Đức ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- ● Nhân “Ngày Tàn Của Phật Giáo”, Góp ý Thêm Về Chuyện Cư Sĩ Nước Ta
- ● Sen Xa Hồ, Sen Khô Hồ Cạn - Nhân Đọc Bài Viết “Từ Một Chuyến Đi …” Của Tác Giả Hoàng Nam
- ● Từ Tông Huấn Á Châu Của Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Ii Đến Hịch Xuất Quân Của Vua Quang Trung
- ● Giao Thoa Giữa Nội Dung Tôn Giáo Và Chính Sách Quốc Gia – Suy Nghĩ Về Cách Tiếp Cận Từ Góc Độ Nhà Nước Việt Nam
NHƯ THỊ NGÃ VĂN
TỪ XA, NGHĨ VỀ VÀI VẤN ĐỀ CỦA PHẬT GIÁO TẠI NƯỚC TA
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - 2008,
NHÀ XUẤT BẢN TÂN VĂN - 2008
Ấn Bản Điện Tử 2009 USA
TU
CHỈNH HIẾN CHƯƠNG
Một tiền
đề để chấn hưng Phật giáo Việt Nam
Hiến chương và Tu chỉnh
Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là văn kiện cơ bản nhất để qua đó, Giáo hội (i) trình hiện căn cước và viễn kiến văn hóa, (ii) thiết kế khung sườn tổ chức, và (iii) quy định quy trình vận động của Giáo hội. Ở một góc độ nào đó, nó có thể được xem như là sự tổng hợp thu nhỏ của một Hiến pháp của một quốc gia và Nội quy của một tập đoàn Đại học lớn . Chỉ khác là ở kích thước nhân văn, và không gian hoạt động đặc thù cho một tổ chức tôn giáo.
Không có Hiến chương thì không ai biết diện mạo của Giáo hội, vóc dáng của Giáo hội và hành hoạt của Giáo hội ra sao. Nhưng nguy hại hơn, nếu Hiến chương không phản ánh đúng đắn diện mạo, vóc dáng, và hành hoạt, thì Giáo hội sẽ như thân-tâm đôi ngã, hiện diện không quân bằng, hoạt động thiếu cân xứng, bước xiêu vẹo gãy đổ trong giòng lịch sử dân tộc. Vì vậy mà Hiến chương nào cũng cần được tu chỉnh, và Hiến chương nào cũng có một điều khoản tu chỉnh, cho phép tổ chức được tự thay đổi để cho thân và tâm được hòa hợp nhịp nhàng.
Ngoài ra, tu chỉnh Hiến chương còn là dịp để Giáo hội “sửa” (tu) và “đổi” (chỉnh) chính mình cho phù hợp với những yêu cầu của thời đại, và chuẩn bị đón đầu những cơ hội và thách thức của tương lai. Nghĩa là phải biết điều gì là hằng số bất biến, điều gì là thông số tùy duyên để trên cơ sở đó, thay đổi để làm rõ thêm bản chất và chức năng của Giáo hội, làm chắc thêm cấu trúc và vận hành của Giáo hội, và như một hệ luận, làm cho hoạt động của Giáo hội đi đúng hướng và thêm hiệu quả.
Vì sao phải tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội
Có ba trường hợp xảy ra mà ta không cần phải tu chỉnh Hiến chương:
1. Thứ nhất, tình hình sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, cơ chế cũng như chương trình hoạt động để phát triển của Giáo hội, là tốt đẹp rồi, cứ thế mà tiếp tục, không cần phải sửa đổi gì cả.
2. Thứ nhì, con người Phật tử vẫn như cũ, môi trường xã hội bên ngoài vẫn như cũ, quy luật vận động của cuộc sống vẫn như cũ.
3. Và thứ ba, bạn bè năm châu bốn biển, nhân dân và chính quyền Việt Nam, và nhất là Tăng Ni cũng như Phật tử Việt Nam, xem Hiến chương như một văn bản vô giá trị, chỉ là hình thức mà thôi.
Nếu cả ba điều trên đều đúng thì không cần phải sửa đổi Hiến chương làm gì. Nhưng nếu chỉ cần một trong ba điều trên không đúng thì đã phải xét lại Hiến chương rồi. Huống gì không đúng ... cả ba !
Có nhiều lý do để tu chỉnh Hiến chưong, nhưng tựu trung có thể chia thành hai mảng lớn: (i) Nâng cao hiệu quả bên trong, và (ii) Đối trị với đổi thay bên ngoài. Cả hai đều nhằm kiện toàn và tối ưu hóa tổ chức cũng như hoạt động để hoàn thành mục đích mà Giáo hội đã đúng đắn đề ra là “điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình an lạc cho thế giới” (Điều 4).
Hiến chương hiện nay của Giáo hội được ban hành năm 1981, và lần cuối cùng được tu chỉnh là tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 11 năm 1997. Còn hai Nội quy (của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự Tỉnh / Thành Hội) thì được tu chỉnh lần cuối cùng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 9 năm 1998. Nghĩa là toàn bộ văn bản quan trọng nhất nầy của Giáo hội đã được soát xét lại và tái chấp nhận cách đây 8, 9 năm. Tám chín năm, một thời gian tương đối dài trong thời đại mà con người Việt Nam, xã hội Việt Nam và cuộc sống Việt Nam đang thay đổi với tốc độ vũ bảo. Mà thế giới, trong hầu hết mọi lãnh vực, cũng từng ngày đổi thay, để thiết lập những quy luật tương giao trong một trật tự toàn cầu mới, để giải quyết những khủng hoảng mới phát sinh, để khai thác những cơ hội mới khám phá, và nhất là để xử lý những nhu cầu càng lúc càng phức tạp, càng lúc càng ẩn chứa nhiều thách thức trong cuộc sống con người.
Thật vậy, thử liệt kê một số thay đổi lớn, cả ở trong lẫn ngoài nước, có tác động lên giá trị của một bản Hiến chương từ 8, 9 năm trước.
Trước hết là từ năm 1997, trên thế giới:
- Cuộc cách mạng tin học tiếp tục đem lại những công cụ đa năng, đa dụng và phổ quát, giúp con người hiểu biết nhiều hơn, sâu hơn và nhanh hơn. Những công cụ nầy “thân thiện” và phổ quát đến nỗi người lao động bình dân với thu nhập giới hạn cũng thủ đắc và sử dụng được. Tri thức không còn là sở hữu độc quyền của giới trí thức chuyên gia, cho nên mọi người trên quả đất đều đưọc tự do tiếp cận và bình đẳng chia phần gia tài kiến thức tổng quát chung của nhân loại. Ba tạng Kinh Luật Luận vươn cánh, thoát ra khỏi những ngôi chùa cổ kính và những kho tàng thư phủ bụi, để bay vào không gian Cyberspace sôi động, cọ xát, đối chiếu, thử thách với các triết thuyết và học thuật khác của nhân loại. Chưa bao giờ nguyên lý “Duy Tuệ Thị Nghiệp” của Phật giáo phát huy mạnh mẽ như trong thời đại này.
- Những khám phá mới trong ba ngành khoa học tự nhiên là vật lý, thiên văn và sinh học đã làm đảo lộn những nề nếp nhận thức cũ trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người. Kéo theo một số suy nghiệm triết học và thần học mới về những vấn đề siêu hình học, xã hội học và tôn giáo học. Phật giáo, như một biệt lệ lạ lùng, và ở một số chuyên ngành nào đó, bổng trở thành bảng chỉ đường, nguồn hứng khởi và tia ánh sáng cho ba ngành khoa học nầy.
- Tôn giáo, và những động thái nhập thế của nó, bổng trở thành nguyên ủy của các cuộc tranh chấp đẩm máu, đẩy nhiều quốc gia và dân tộc vào các mâu thuẫn khó hàn gắn. Phât giáo cũng bị lôi cuốn vào các tranh chấp đó (tuy chỉ giới hạn rất nhỏ ở Thái Lan và Tích Lan mà thôi), nhưng chính các tôn giáo độc thần thờ cùng một Chúa (Hồi giáo và Thiên Chúa giáo), mới chủ yếu dẫn đạo cho hai khuynh hướng quyền lực cực đoan và bất khoan dung, khống chế và sắp đặt lại cảnh quan chính trị của thế giới... vô tình tạo tiền đề xã hội cho sự phát triển nhanh chóng của một đạo Phật nhân bản, hiện đại và khai phóng.
- Lực lượng Tân Bảo thủ trong chính quyền Bush-cha, rồi Clinton, rồi Bush-con của nưóc Mỹ, đại cường quốc duy nhất sau chiến tranh lạnh, đã thiết kế, phát động và triển khai chiến lược toàn cầu hóa kinh tế trên mọi vùng lục địa, làm thay đổi đến tận gốc rễ nếp sống kinh tế và văn hóa trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chủ nghĩa hưởng thụ vật dục, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy lợi phát huy sức mạnh của chúng và trở thành khuôn mẫu tư duy, điều động tâm thức và hành trạng của đông người dân trên nhiều vùng của thế giới . Do đó, song song với những tiện ích vật chất mới là những tác hại vào các giá trị truyền thống của gia đình và xã hội. Trưóc những cuộc khủng hoảng nhân văn đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm đến, một phần hay toàn phần, giáo lý của Đức Phật như một giải pháp trị liệu hữu hiệu.
- Bắt nguồn từ, và còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa, quan niệm sai lầm cho rằng thiên nhiên là nguồn cung cấp nguyên liệu để phục vụ con người vô điều kiện, tất cả các quốc gia trên thế giới, từ phát triển đến chậm tiến, đều đua nhau khai thác không nương tay tài nguyên thiên nhiên để tăng tốc phát triển kinh tế . Đất, nước, núi, rừng, sông ngòi, bờ biển, ao hồ, quặng mỏ, không khí, chim muông, cầm thú, ... bị tận dụng và lạm dụng tối đa, làm tổn hại đến tình trạng quân bằng và cọng sinh bền vững của các hệ sinh thái. Thiên nhiên bị tổn thương và lồng lộn phản ứng lại: hiệu ứng lồng kính, địa cầu tăng nhiệt độ, bảo lụt trái mùa, động đất trái chứng, hạn hán trái lúc, sóng thần tsunami, giông bảo katrina, núi lữa Phi Luật tân, dịch người Phi châu, dịch gia cầm Á châu ... tác động tiêu cực lên nếp sống, lên ứng xử, lên tập quán của nhiều vùng dân cư trên địa cầu. Trong tình trạng đó, đã có (và đang mở rộng) những phong trào nghiên cứu và ứng dụng lời dạy của Đức Phật (ví dụ, Kinh Địa tạng) để tìm một giải pháp cho con người, deep ecology, cần tôn trọng và sống chung với thiên nhiên một cách hài hòa và bền vững.
Chỉ với năm hiện tượng nói trên mà thôi, năm hiện tượng mà Phật giáo hiện sinh và nhân bản được thế giới trân trọng yêu cầu đưa ra những giải pháp, ta đã thấy trình hiện (manifestation) của nội dung Phật giáo vào năm 2006 không thể là trình hiện của năm 1997. Mà trình hiện là hoằng pháp. Hoằng pháp với ngôn ngữ mới, hành trạng mới, phong thái mới, tư duy mới. Hoằng pháp với một đội ngũ Tăng Ni và Cư sĩ hiện đại, sản phẩm của những Giáo hội Phật giáo tiền tiến.
Để thoát ra khỏi một số trì trệ và vướng mắc hiện nay, mọi Giáo hội, định chế, tổ chức, đoàn thể Phật giáo trên thế giới (chứ không riêng gì Giáo hội Việt Nam) cần đổi mới, mà đổi mới đầu tiên của tất cả mọi đổi mới là tu chỉnh lại Hiến chương cách đây 8, 9 năm của mình.
Riêng tại Việt Nam, cũng từ năm 1997 đó cho đến nay[5] :
- Dân số Việt Nam tăng thêm gần 12,9 triệu người [6] , nghĩa là số Phật tử cũng đã tăng thêm gần 1,55 triệu (12%, theo tỉ số của nhà nước), hoặc 6,45 triệu (50%, theo tỉ số của Wikipedia [7] ). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng tăng từ 66,4 lên đến 70,8 năm.
- Số sinh viên các trường đại học và cao đẳng, công cũng như tư, tăng từ 662 nghìn lên đến 1,4 triệu, nghĩa là tăng 211%. Số giáo sư đại học thì tăng từ 24 nghìn lên 47 nghìn (196%).
- So sánh số lượng đầu sách xuất bản hàng năm thì 15 nghìn cho năm 2006 (tăng 188%), 27,5 nghìn cho văn hóa phẩm (tăng 174%), và 670 nghìn báo và tạp chí giấy (tăng 121%).
- Thu nhập bình quân đầu người hàng năm, tính cả thành thị lẫn nông thôn, tăng từ 2, 8 triệu/năm lên đến 6,1 triệu/năm (tăng 218%).
- Tổng trị giá xuất nhập khẩu từ 20,7 triệu USD lên đến 60,8 triệu USD (tăng 294%).
- Số điện thoại nhà và điện thoại di động tăng 920%, và số người sử dụng Internet tăng 1.670%.
- Công giáo và Tin Lành quốc tế, với sự hợp tác chặt chẻ của các giáo hội địa phương, đã phát động những kế sách truyền đạo tại Việt Nam để tranh dành tín đồ với những tôn giáo truyền thống bản địa, trong đó có Phật giáo. Những kế sách nầy thì tinh vi và hung hăng, nhiều khi dẩm nát nền văn hóa dân tộc (Tông huấn Á châu của Công giáo), hoặc mang theo những mưu đồ chính trị (quốc gia tự trị Dega của Tin Lành ở Tây nguyên).
- Tương quan giữa Giáo hội Phật giáo và chính quyền thoáng ra, dân chủ hơn và bình đẳng hơn, dù vẫn còn nhiều vướng mắc từ cả hai phía.
Chỉ với hai hiện tượng và sáu số liệu này mà thôi (trong hàng chục hiện tượng và hàng nghìn số liệu khác), và giả dụ những tỉ số phần trăm đó cũng áp dụng cho cộng đồng Phật tử, thì ta thấy số lượng Phật tử cũng đã tăng thêm rất nhiều, trình độ trí thức cao hơn, đòi sống kinh tế bức xúc hơn, và tiếp cận với thế giới bên ngòai, kể cả các tôn giáo khác, nhiều hơn. Từ bốn chỉ dấu này, chắc chắn người Phật tử của năm 2006 không còn là người Phật tử của năm 1997 nũa. Từ tâm tình cho đến hành xử, từ quan hệ giữa người với người cho đến quan hệ của họ với xã hội, trong đó có sự thay đổi về cảm nhận của họ về đạo Phật và về Giáo hội. Đó cũng là điều hiển nhiên, có tính quy luật, của lý duyên sanh và pháp vô thường.
Nói tóm lại, bên ngoài thì thế giới chuyển mình vào một hệ quy chiếu với những thuộc tính mới. Bên trong thì tứ chúng Phật tử, mà trên nền tảng đó tiến hành các Phật sự, cũng đã đổi thay sâu sắc.
Phật tử là lý do tồn tại của Giáo hội, mà Giáo hội lại vận hành theo Hiến chương. Cho nên khi con người Phật tử đã đổi thay trong một môi sinh mới, thì Hiến chương cũng phải thay đổi vậy. Mà trong trường hợp nầy, đáng lẽ phải là một sự thay đổi toàn diện và triệt để.
Đề nghị một phương pháp luận
1- Văn bản làm cơ sở cho những đề nghị thay đổi Hiến chương là ấn bản “Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” do Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, số xuất bản 1236-2/XB-QLXB, ngày 23-12-98, in xong và nộp lưu chiếu tháng 07-2002. Trong văn bản nầy, Điều 46, 47 (của Hiến chương), Điều 22 (của Nội quy Ban Thường trực Hội đồng Trị sự) và Điều 25 (của Nội quy Hoạt động của Ban Trị sự Tỉnh – Thành hội Phật giáo trực thuộc Trung ương Giáo hội) là căn bản pháp lý.
2- Đối tượng để tu chỉnh có thể chia thành ba lãnh vực: (i) Hình thức, là các Chương hoặc Điều mà một văn kiện căn bản như Hiến chương cần phải có; (ii) Nội dung chỉ đạo, là những Điều đề cập đến bản chất và chức năng của Giáo hội, hay của từng bộ phận của Giáo hội; và (iii) Cơ cấu và vận hành, là những điều đề cập đến khung sườn tổ chức và trách nhiệm hoạt động của mỗi bộ phận vận hành của Giáo hội.
3- Nói chung, Hiến chương hiện hành, về cả hai mặt nội dung và hình thức, là tương đối hoàn chỉnh. Những đề nghị thay đổi là chỉ để làm tăng hiệu quả của hoạt động Giáo hội, và làm cho Giáo hội phù hợp với yêu cầu của hiện thực cuộc sống. Vả lại, hiện tình Phật giáo Việt Nam chưa thuận tiện cho những thay đổi đột biến và quá sâu sắc. Phật giáo Việt Nam cần những thay đổi căn bản, liên tục nhưng tiệm tiến.
4- Để thực hiện điều 3. ở trên, những tu chỉnh cần phát huy được năm đặc tính:
4.1 Có tính dân chủ. Hai thuộc tính quan trọng của dân chủ là (a) Thiểu số phải được lắng nghe, ghi nhận và thảo luận; và (b) Tính đại diện đa nguyên trong việc hoạch định chính sách, đường lối và nhân sự.
4.2 Có tính minh bạch thì thông tin mới được tự do lưu chuyển và truy cập, các dự phóng, đánh giá và hoạch định mới chính xác. Và quan trọng hơn cả, mới nâng cao niềm tin vào Giáo hội, để thành viên nổ lực thi hành và tham gia các chương trình hoạt động cuả Giáo hội.
4.3 Có tính tản quyến để tổ chức cơ sở của Giáo hội có nhiều quyền tự quản tự trị, trở nên linh động hơn với tình hình thực tế phức tạp và không đồng bộ của hoạt động Phật sự tại Việt Nam và ở nước ngoài.
4.4 Có tính hiện thực, lấy cuộc sống xã
hội làm hệ quy chiếu và lấy hiệu quả làm thang giá trị
về cách tổ chức và phương pháp vận hành của Giáo hội
.
4.5 Có tính toàn diện để huy động được
toàn lực bốn chúng Phật tử, trong đó Ni giới (chiếm 42%
tổng số Tăng Ni) và Cư sĩ (với tỉ số phân bố 1 tu sĩ
/ 380 cư sĩ [8] ), hai bộ phận năng động và đa năng của
Phật giáo Việt Nam, vẫn chưa được sử dụng đúng mức
và đúng tầm tiềm năng.
Kết luận tạm
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đứng trưóc một ngã rẽ quan trọng: Một mặt, từ gần mười năm nay, thời đại, lòng dân và chính sách nhà nước đang có những chuyển biến sâu rộng; nhưng ở mặt khác, Giáo hội, dù đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong 25 năm qua, có vẽ vẫn chưa bắt kịp được những yêu cầu to lớn để hoá thân thành một Phật giáo mà nội dung nhập thế của nó đã chứng tỏ khả năng hiện đại hóa, thích nghi hóa là không chối cải được.
Giáo hội sẽ có hai chọn lựa: Triệt để và toàn diện thay da đổi thịt, hay hài lòng với tiến độ phát triển hiện nay. Nỗ lực và kết quả Tu chỉnh Hiến chương trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI sắp tới (2007) sẽ là câu trả lời.
[5]
Số liệu trong phần nầy được lấy từ hai nguồn Tổng
cục Thống kê Việt Nam (http://www.gso.gov.vn
) và World Bank (http://devdata.worldbank.org/external/CPProfile.asp?CCODE=VNM&PTYPE=CP
). Tuy nhiên, hai định chế nầy chỉ cho số liệu đến năm
2004, lại có nhiều lãnh vực không có số liệu cho những
năm trước 2000. Phần phỏng đoán (guesstimate/extrapolation),
do đó, là của tác giả bài viết và của nguồn http://cia.gov/cia/publications/factbook/fields .
[6]
Nếu lấy dân số cuả nước ta, theo Tổng cục Thống kê Việt
Nam, năm 2004 là 82.032.300 người và mức gia tăng dân số là
1.8% mỗi năm (www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=387&idmid=3&ItemID=3161
)
[7]
Xem thêm Nguyễn Kha, Phật tử - Con số và Con người, tạp
chí Văn Hóa Phật giáo số 20, 15-9-2006.
[8]
Tĩ số nầy căn cứ trên số liệu của Giáo hội (26,268 Tăng
Ni, trong đó Ni chúng chiếm 11.185), và của Nhà nước
(10 triệu Phật tử , 12% tổng dân số), nhưng trên thực tế,
số Phật tử thì đông hơn nhiều.