- Lời Người Dịch
- Tựa Của Tác Giả
- Mục Lục
- Công Án 01-14
- Công Án 15-29
- Công Án 30-44
- Công Án 45-59
- Công Án 60-74
- Công Án 75-89
- Công Án 90-100
- Tưởng Niệm Thiên Khi Như Huyễn
- Vài Nét Tiểu Sử
- Thiên Khi Như Huyễn Nói Về Thiền Đường Của Mình
- Phụ Luc I: Tham Đồng Khế - Thạch Đầu Hy Thiên
- Phụ Lục Ii: Tín Tâm Minh - Tam Tổ Tăng Xán
- Phụ Lục Iii: Bản Đối Chiếu Các Tên Việt-hoa-nhật
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
TIẾNG SÁO THÉP
(100 CÔNG ÁN THIỀN)
Lời Người Dịch
Từ khi Thiền sư Phật Quả Viên Ngộ (1063-1135) bình và tụng100 tắc trong Tuyết Đậu Tụng Cổ của Tuyết Đậu Trùng Hiển (908-1052), Bích Nham Lục thành hình và lưu hành rộng rãi trong giới học Thiền xưa cũng như nay. Bích Nham Lục đã có lần là trở ngại lớn cho người tham thiền và cũng trải qua trở ngại lớn. Trở ngại lớn vì văn chương trác việt, ý đạo thâm huyền, người học khó thấy lối thoát ra chỉ vì bám vào chữ và nghĩa. Thấy rõ cái nguy đó, Đại Huệ Tông Cảo (1069-1163), người thừa kế Pháp của Phật Quả Viên Ngộ, đã thu góp hầu hết các bản in lưu hành thời bấy giờ, chất thành đống trước cửa chùa, cho một mồi lửa đốt sạch, khiến sách hầu như thất truyền trong một thời gian, nên gọi là trải qua trở ngại lớn.
Đốt Bích Nham Lục chỉ là một trong những việc làm chấn động để cảnh tỉnh người tham học đương thời và cũng cho các thế hệ sau. Mặt khác, khi còn hành cước cũng như lúc dừng trụ để dạy chúng, Đại Huệ đã mãnh liệt tấn công những người tu pháp môn mặc chiếu của tông Tào Động đã hiểu và thực hành sai, gọi đó là “mặc chiếu tà thiền.” Đối thủ lớn của sư là Hoằng Trí Chánh Giác (1091-1157), thuộc dòng Tào Động, đã chọn 100 tắc, làm tụng cho mỗi tắc, gọi là “Tụng Cổ Bách Tắc.” Tác phẩm này tương tự như tác phẩm của Tuyết Đậu, và sau đó được Vạn Tùng Hành Tú, cũng thuộc dòng Tào Động, đem ra bình và tụng từng tắc một, giống như Phật Quả Viên Ngộ đã làm đối với Tuyết Đậu Tụng Cổ. Từ đó giới học Thiền có thêm Thung Dung Lục, là tập công án thiền đầu tiên của tông Tào Động, cho đến ngày nay nó vẫn còn được dùng song song với Bích Nham Lục, Vô Môn Quan, Truyền Quang Lục . . . trong giới dạy và học Thiền ở Nhật.
Tiếng Sáo Thép, hay Thiết Địch Đảo Xuy, cũng được hình thành tương tự như Bích Nham Lục và Thung Dung Lục. Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc dòng Thiền Tào Động Nhật, viết và xuất bản vào năm 1783, cũng chọn 100 câu chuyện hay tắc, làm tụng và lời bình cho mỗi chuyện. Hầu hết các câu chuyện và lời bình và tụng trong tác phẩm này khác hẳn với những công án đã có trong các tác phẩm nói trên. Thêm vào đó còn có lời nhận xét riêng, câu đối câu, của Thiền sư Fugai, người thừa kế Pháp của Genro, tất cả ngắn gọn, hàm súc và bắn đúng tâm điểm.
Gần đây, Thiết Địch Đảo Xuy được Thiên Khi Như Huyễn (Nyogen Senzaki, 1876-1958), một đệ tử nối Pháp của Hồng Nhạc Tông Diễn (Kogaku Soen) -- cũng gọi là Thích Tông Diễn (Soen Shaku), thuộc dòng Thiền Bạch Ẩn Nhật bản và cũng là Thiền sư đầu tiên đến châu Mỹ -- dịch sang tiếng Anh từng chuyện một và kèm theo lời bình riêng của ông, vốn là để cho các đệ tử nói tiếng Anh trên đất Mỹ tham học. Việc làm này được ông bắt đầu từ năm 1939 cho đến khi nó thành tập sách này vào năm1945. Mỗi khi ông dịch và viết lời bình xong cho một chuyện, ông đem ra đọc cho các đệ tử của ông nghe như một bài nói Pháp, rồi đưa cho người học chuyền tay nhau chép làm tài liệu để dùng riêng. Cho đến khi Ruth Trout Mccandles bắt đầu góp nhặt tất cả những gì đã có, tu sửa câu văn tiếng Anh cho ông, thì tác phẩm thành hình như hiện tại, và nhà Charles E. Tuttle Company xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964 và tái bản lần này vào năm 2000 với nhan đề là “The Iron Flute”.
Thiên Khi Như Huyễn kiêm thông cả Thiền Lâm Tế lẫn Thiền Tào Động và cũng thâm hiểu ba Tạng kinh điển Phật giáo. Ông đã từ chối danh vị Thiền sư và nếp sống chùa chiền Nhật bản để sống lang thang trên đất Mỹ và đã lập Thiền đường “nổi” của mình ngay giữa lòng thành phố Nữu Ước ồn náo. Vì Thiên Khi Như Huyễn đã sống hầu hết quảng đời hành đạo của ông trên đất Mỹ, hiểu được tâm lý, phong tục tập quán người Mỹ, biết và hiểu một số tôn giáo, huyền học khác như Sufism, Rinds, Dervishes, Meister Eckhart... và các học thuyết triết học lớn của Tây phương như Hegel, hay các nhà khoa học lớn như Albert Einstein . . . nên lời bình của ông không những phát xuất từ nguồn Thiền Bạch Ẩn mà còn phù hợp với con người tu học hiện đại, giúp chúng ta hiểu Thiền xưa dễ hơn. Vì vậy khi dịch The Iron Flute sang tiếng Việt, tôi chỉ cố gắng giữ tinh thần ấy cũng như tinh thần công án thôi. Do đó, trong bản dịch tiếng Việt này, nếu có độc giả nào đem đối chiếu với nguyên văn chữ Hán của các câu chuyện hay lời nói của các sư xưa sẽ thấy có chỗ khác nhau về mặt ngôn ngữ diễn đạt hay kết cấu câu chuyện. Nhưng đó chẳng phải tham thoại đầu hay tham công án, vậy xin dành lại việc này cho nhà nghiên cứu từ và nghĩa. Vả lại, nguyên văn chữ Hán cũng có những bản khác nhau, cách đọc và hiểu của người Nhật và người Việt đối với một bản văn chữ Hán cũng có chỗ khác nhau, nhất là khi nó đã được chuyển sang một ngôn ngữ Tây phương, như tiếng Anh trong trường hợp này. Hơn nữa, khi học Thiền tham công án, người tham trước tiên được thầy trao cho công án, một câu, một lời của Phật, của Tổ hay các Sư xưa, rồi tập trung tất cả thân tâm mình bám lấy nó, lúc ngồi cũng như lúc nằm, lúc đứng cũng như lúc đi, lúc ngủ cũng như lúc thức, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi . . . để trở thành một với thoại đầu, trong ngoài trở thành một mảnh, rồi cứ tiếp tục nữa cho đến khi bất chợt rơi vào chỗ xưa nay vẫn ngay dưới gót chân mình. Nếu đến được chỗ ấy, công án chẳng còn, một mảy cũng không, thân tâm thoát lạc. Há chẳng vui sao?
Frederick, ngày 22 tháng 11 năm 2000
Đỗ Đình Đồng