Tựa của Bản Dịch tiếng Pháp
Thực tế Tây phương đang khám phá về Phật giáo Thiền, giáo lý phi thường đã sinh ra ở Trung hoa vào thế kỷ thứ VI của K.N.,về cách giải thích Vê-đan-ta (Vedanta) theo thiên tài Viễn Đông. Những ai trong chúng ta thích tò mò về định mệnh con người đều dự cảm được giá trị vô song của giáo lý này với độ chính xác ngày càng cao hơn.
Tiến sĩ D. T. Suzuki, Giáo sư Triết học Phật giáo ở Đại học Kyoto (Nhật bản), sinh năm 1869. Tri thức của ông về các vấn đề tâm linh, tầm văn hóa rộng lớn, sự uyên bác, kiến thức tuyệt vời của ông về tiếng Phạn (Sanskrit), tiếng Pali, tiếng Trung hoa, tiếng Nhật khiến ông trở thành người có thẩm quyền cao nhất hiện thời về Thiền. Ông cũng biết một cách sâu sắc về tư tưởng và các ngôn ngữ chính của phương Tây, điều này khiến ông có đủ tư cách để dạy ctúng ta. Tác phẩm của ông gồm đến ba mươi quyển mà mười hai quyển được viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Không may cho chúng ta, những người Pháp, đến nay chỉ có bộ “Essais sur le Bouddhisme Zen” (Thiền Luận) của ông là đã được xuất bản bằng ngôn ngữ của chúng ta.
Cuốn “The Zen Doctrine of No-Mind” (Pháp môn Vô niệm của Thiền), theo chúng tôi, là một trong những tác phẩm chủ yếu của Tiến sĩ Suzuki. Những luận giải về cuốn Kinh của Lục tổ Huệ Năng, thực sự luận về vấn đề trọng yếu của Thiền; ở điểm tối hậu đó, chúng ta có thể đạt được trực giác trí tuệ của thể tánh con người khi nó tự nghi vấn về chính nó. Tư tưởng của Huệ Năng diễn đạt hình tướng với hình thức thanh tịnh nhất, vi diệu nhất và thâm đạt nhất toàn bộ giáo lý Thiền.
Chúng tôi xin báo trước với độc giả rằng tập sách này đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân đáng kể, sự hợp tác trí tuệ đích thực. Trước hết vì tính cách cực kỳ vi tế của tư tưởng. Một tư tưởng càng vi diệu, “đơn giản” trong tính cách tinh nhuệ, nó càng dễ lĩnh hội với tất cả biên độ của nội dung tiềm tàng và những phát triển mà nó đem lại sự gần gũi. Những tư tưởng của Lục Tổ phấn khích chúng ta thuộc loại tư tưởng uyên nguyên giải thích “vạn pháp” mà bản thân những tư tưởng ấy không có gì giải thích chúng, những chân lý biểu hiện này làm sáng tỏ mọi sự vật nhờ một thứ ánh sáng trực tiếp đến từ Chân Lý Nền Tảng không thể diễn đạt được. Nghĩa là, nếu tư tưởng chúng ta không thể thừa nhận các chân lý này bằng con đường chứng minh diễn dịch cũng như qui nạp mà chỉ bằng một cái nhảy vọt tự do của trực giác trí tuệ thuần túy. Sự biểu lộ tinh thần này đòi hỏi sức mạnh, sự bạo dạn và quên đi vô số những thành kiến mà kiến thức vô bổ đã tích lũy. Cuốn sách này còn khó hiểu vì một lý do khác nữa, thuộc loại kỹ thuật, mà Tiến sĩ Suzuki giải thích cho chúng ta bằng những lời này: “Tôi thường đứng trước một khó khăn không thể vượt qua được khi tôi muốn diễn đạt chính xác tư tưởng của các tác giả Trung hoa được dịch trong luận này. Các ngữ cú Trung hoa được kết hợp theo cách thức rất tự do và mỗi chữ tạo thành ngữ cú có một ý nghĩa rất mãnh liệt. Khi người ta đọc nguyên tác, ý nghĩa hiện ra rõ ràng nhưng khi cần diễn đạt ý nghĩa này trong lời dịch sự gọn rõ lớn nhất, thì cần phải theo ngôn ngữ người ta dùng. Vì thế bắt buộc phải làm việc bạo hành đối với tinh thần riêng của ngôn ngữ Trung hoa và của sự sáng tạo trong một bản dịch, sự sắp xếp, sự giải thích, sự giảng giải dài dòng; do đó không thể tránh được sự đứt quãng trong tính liên tục của sợi chỉ kết quanh những chữ Trung hoa nguyên tác với tất cả những đặc tính ngữ pháp và cấu trúc. Điều mà người ta có thể gọi là hiệu quả nghệ thuật của bản văn nguyên tác tất yếu đã bị mất.”
Lời phiền hà này Tiến sĩ Suzuki đã đưa ra trong bản văn của ông, huống chi bản tiếng Pháp của chúng tôi hiển nhiên là thích đáng, bởi vì nó là bản dịch cam go của một bản dịch hầu như không thể đạt được. Tuy nhiên, thực tế chướng ngại ấy không phải là không thể vượt qua được nếu người đọc được khuyến cáo theo cách phải đọc. Khi chúng ta đọc một tác phẩm triết học, theo thói quen chúng ta muốn hiểu nó một cách rõ ràng từng giai đoạn phát triển của nó, từ chối sự nhảy đoạn, nhảy câu hay chữ mà chúng ta không hiểu rõ. Không nên đọc tập sách này theo cách ấy. Ở đây ý nghĩa quan trọng nhất nằm bên dưới các chữ hơn là ở bên trong các chữ ấy. Phải thông qua hình thức mà nắm lấy bằng trực giác cái hiểu không có hình thức. Cũng như không cần chú trọng vào các chữ, không cần ngăn chận tính năng động của thuyết văn mà chúng truyền đạt cho chúng ta tư tưởng bao gồm trong chính sự vận hành; bởi vì có một ý nghĩa chung, quí giá nhất, không thuộc về ý niệm miêu tả biệt lập mà thuộc về các mối tương hợp nối kết chúng lại, thuộc về sự giao thoa của những ý nghĩa đặc thù. Như vậy, quyển sách này phải được đọc với sự chú ý linh hoạt, năng động, bay lên trên bằng cách nào đó những cái bất toàn không thể tránh được của ngôn từ; cần tích lũy những hiểu biết tường cận để thiết lập dần sự hiểu biết rõ ràng. Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy thuật ngữ “vô niệm,” hay các thuật ngữ “Không”, “Tánh Không”, “Tự Tánh” làm thí dụ; hiển nhiên là sẽ mất thì giờ nếu chúng ta dừng lại ở các thuật ngữ này ngay lúc đầu. Khi chúng ta đọc trọn quyển sách này lần đầu, chúng ta sẽ bắt đầu lãnh hội điều mà các thuật ngữ này gợi ý, chúng ta sẽ hiểu khá hơn sau những lần đọc kế tiếp, nhờ sự vận hành vô thức sẽ tác động trong tinh thần chúng ta.
Nhiều người theo đuổi việc thu thập vô định các kiến thức đặc thù và họ đọc hàng ngàn tác phẩm. Nỗ lực hướng về cái hiểu phổ quát các sự vật như chúng hiện hữu, nghĩa là hướng về sự minh tri, không đáng hơn sao? Vì thế, rất ít quyển sách cần thiết cho chúng ta. Khi chúng ta hân hạnh gặp được một trong những quyển sách thiết yếu, tại sao chúng ta lại từ chối cái việc làm kiên nhẫn mà trong thâm sâu chỉ có nó mới có thể tiết lộ bản thể với chúng ta?
Hubert Benoît