- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
TRƯỞNG LÃO TU BỒ ĐỀ THƯA HỎI
Bấy giờ Trưởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, gối bên hữu quỳ xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
Thế Tôn, thật là ít có, Như Lai khéo thường hộ niệm các Bồ tát, khéo phó chúc cho các Bồ tát.
Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm mình?
Đức Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Tu Bồ Đề! Như lời ông nói, Như Lai khéo thường hộ niệm các Bồ tát, khéo phó chúc cho các Bồ tát. Nay ông lắng nghe, ta sẽ nói cho ông. Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên trụ như vậy, hàng phục tâm mình như vậy.
Thưa vâng, Thế Tôn! Con xin vui mừng được nghe.
Trụ là dừng lại, ở yên. Dừng lại cái tâm, hàng phục tâm mình là vấn đề then chốt của chúng sanh chúng ta. Bởi vì tâm không dừng lại được, không hàng phục được thì tâm ấy tạo ra sanh tử và luân chuyển trong sanh tử.
Với người Bồ tát phát tâm tu Bồ tát hạnh giúp đỡ chúng sanh thì vấn đề càng quan trọng hơn: làm sao dừng lại được trong khi vẫn hoạt động trong sắc thanh hương vị xúc pháp, trong thế gian sanh diệt, vì lòng bi với chúng sanh?
Làm sao an trụ, làm sao hàng phục vọng tâm? Đó là chủ đề của Kinh này với tất cả những biến tấu trong mọi vấn đề đời sống. Làm sao giải thoát đồng thời vẫn giúp người khác giải thoát? Trụ chỗ nào, đứng ở chỗ nào để cứu giúp chúng sanh mà không bị lôi theo dòng nước sanh tử đang cuốn trôi chúng sanh?
Và lạ lùng thay, thật là ít có thay. Đức Phật không trả lời dài dòng mà chỉ nói: “nên trụ như vậy, nên hàng phục tâm mình như vậy” .Như vậy nghĩa là trước như vậy, bây giờ như vậy, và sau như vậy. Có lẽ toàn bộ cuốn kinh là để giảng dạy “trụ như vậy” là trụ như thế nào, “hàng phục tâm mình như vậy” là hàng phục tâm mình như thế nào.
Nếu quay về ba pháp môn căn bản của Phật giáo được nói rõ trong Kinh Viên Giác, là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu hay Thiền, thì:
“Nên làm sao trụ”, làm sao trụ vào tánh Không, đây là Chỉ hay Thiền Định.
“Làm sao hàng phục tâm mình”, làm sao xử lý các vọng niệm, đưa chúng trở về tánh Không, là Quán hay Thiền Quán.
Và “nên trụ như vậy, hàng phục tâm mình như vậy” là Chỉ Quán song tu, hay Thiền.
Khi học tập Kinh theo ba phạm trù thực hành này, chúng ta dễ thấy cách tu tâm, và cả ba pháp thực hành này đều để đưa tâm chúng ta trở về Tâm Kim Cương, hay là Pháp thân của chư Phật, và cũng là bản tánh của tâm thức hiện giờ của chúng ta.