- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
TẤT CẢ THANH TỊNH
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Các ông chớ bảo Như Lai có ý nghĩ thế này: Ta có độ chúng sanh. Này Tu Bồ Đề, chớ nghĩ như thế. Tại sao thế? Thật không có chúng sanh để Như Lai độ. Nếu có chúng sanh Như Lai độ, thì Như Lai bèn có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói ngã, tức chẳng phải có ngã, mà người phàm phu cho là có ngã. Tu Bồ Đề! Phàm phu ấy, Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu, đó gọi là phàm phu.
Trong cái biết của Phật, “tất cả các pháp đều đều là Phật pháp”, nghĩa là tất cả các pháp đều rốt ráo thanh tịnh.
Trong pháp tánh thanh tịnh này, tất cả đều thanh tịnh. Không có cái gì đã thanh tịnh độ cho cái chưa thanh tịnh. Tất cả đều bình đẳng một vị thanh tịnh.
Nếu cho rằng Như Lai có thấy mình thành Phật, có nghĩ rằng ‘Ta độ chúng sanh’ thì đó là phỉ báng Như Lai, vì cho rằng Như Lai cũng bị trói buộc trong bốn tướng.
Tại sao “Phật không có độ chúng sanh và…thật không có chúng sanh để Như Lai độ”? Vì tất cả pháp rốt ráo vô sanh vậy. Vì tất cả pháp đều là Phật pháp vậy.
Phật hẳn là không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nhưng ngay cả chúng sanh cũng không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, bởi vì bốn tướng này vốn là vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc. Chúng sanh cũng rốt ráo vô sanh, nên không có chúng sanh để được độ. Không có chúng sanh thì đây hẳn là Tịnh độ của Phật.
Thế nên trong cái thấy của Phật, “phàm phu thì chẳng phải phàm phu”. Phàm phu chẳng phải là phàm phu, thì phàm phu bèn vốn tự giải thoát, bèn là Phật, như đoạn trước của kinh đã nói, “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”, “Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp”.
Trong Mật tông, sự thành tựu, sự hoàn tất con đường, đưa đến một cái thấy biết như vậy: Tất cả sắc tướng đều là quang cảnh của cõi Tịnh độ, tất cả âm thanh đều là thần chú, âm thanh thiêng liêng của bậc giác ngộ, và tất cả chúng sanh đều là Phật.
Niết bàn vô trụ xứ của Đại thừa không phải là một Niết bàn tách lìa và từ bỏ sanh tử. Niết bàn vô trụ xứ là “bản tánh của sanh tử tức là Niết Bàn”. Trong đó chúng sanh chẳng phải là chúng sanh, vì “tất cả chúng sanh chính là tướng Giác ngộ (Bồ Đề)”. Đó là những điều Kinh Duy Ma Cật nói.
Công phu tu hành tánh Không, tánh Như qua ba pháp Chỉ, Quán, và Thiền sẽ đưa hành giả đến cái thấy biết của Phật. Đó là chỗ nói theo Kinh Hoa Nghiêm, “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”.