- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
Y VÀO TÁNH KHÔNG MÀ THỌ TRÌ
Bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Chúng con phụng trì như thế nào?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Kinh này tên là Kim Cương Bát nhã Ba la mật, ông nên phụng trì danh tự ấy.
Thấy rõ sự cao trọng của Kinh, ngài Tu Bồ Đề thưa hỏi Đức Phật tên kinh này, mặc dù chưa đến hồi kết của Kinh.
Tên Kinh nói đủ Lý, Cảnh, Hạnh Quả của toàn bộ Kinh. Nếu phụng trì được thì đó là đang tu Lý Phật, cảnh Phật, hạnh Phật, quả Phật.
Nói theo hệ thống của Ấn-Tạng, thì tên Kinh gồm đủ cái Thấy, Thiền định, Hạnh, Quả của con đường Phật đạo.
Bởi vì sao thế? Tu Bồ Đề! Bát nhã ba la mật mà Phật nói, tức chẳng phải Bát nhã ba la mật, đó là Bát nhã ba la mật.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có nói pháp không? Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Bao nhiêu vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới có là nhiều chăng? Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
Tu Bồ Đề! Những vi trần, Như Lai nói chẳng phải vi trần, đó gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng? Bạch Thế Tôn, không. Không thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy được Như Lai. Vì sao thế? Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức là chẳng phải tướng, đó gọi là ba mươi hai tướng.
Tu Bồ Đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, nếu lại có người ở trong kinh này dù chỉ thọ trì bốn câu kệ, nói cho người khác, thì phước đức người này hơn rất nhiều.
Tất cả thế giới chúng ta đang sống chỉ là danh tướng. Vì lạc lầm trong danh tướng rồi bồi đắp thêm danh tướng mà càng lúc càng lún sâu vào sanh tử luân hồi. Đâu có biết rằng sang tử chỉ là danh tướng, do chúng ta tự dệt thành để trói buộc chính mình. Thật biết thế giới chẳng phải là thế giới, sanh tử chỉ là danh tướng, ắt sanh tử không còn bóng dáng, thì đó là giải thoát, Niết bàn tánh Không.
Tất cả chúng sanh đều sống trong thế giới tướng và tưởng do nghiệp thức mình dệt nên. Như một trái cây thối, con người thì vất đi, nhưng con sâu lại cho nó là thế giới no đủ của nó. Nước là thế giới sống của con cá, nhưng đối với con người đó là cái chết của nó; ngược lại, không khí là thế giới sống của con người, lại là thế giới chết của con cá.
Lầm tưởng cho chân lý quy ước, tương đối (tục đế) là chân lý tối hậu, tuyệt đối (chân đế), vi trần là vi trần, thế giới là thế giới, có thật như chúng hiện ra đối với chúng ta, đó là cái thấy dẫn dắt chúng ta đi mãi trong sanh tử.
Thấy vi trần chẳng phải là vi trần, thế giới chẳng phải là thế giới, tục đế chẳng phải là tục đế, bèn thấy ra tánh Không chân đế. Thấy các bóng trong gương chẳng phải thật, do duyên sanh nên vô tự tánh, có đến có đi, có tăng có giảm, có sanh có diệt, bèn thấy ngay tấm gương hằng hằng trong sáng, chưa từng có đến có đi, có tăng có giảm, có sanh có diệt.
Thấy được Như Lai chưa từng thuyết pháp, chưa từng có chút tướng nào sanh ra, các pháp vốn không sanh không diệt, thì đó là thấy trực tiếp tánh Không đang hiện tiền.
Thấy Như Lai không tất cả mọi tướng, ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, bèn đó là thấy Pháp thân của mười phương chư Phật ở trước mặt.
Cái thấy ấy thì phước đức vô lượng, vượt hơn tất cả mọi phước đức có thể tạo được từ vũ trụ hữu vi. Kinh Lăng Nghiêm nói, vũ trụ này sanh ra trong Tánh Giác như một bọt nước trong biển cả, như một vẫn mây trong hư không mười phương. Làm sao lấy cái sanh để so sánh với cái Vô Sanh?
Chỉ một chữ “chẳng phải” này mà thiền định thiền quán cho thông suốt, thì sanh tử nào cũng phải tan rã, phiền não chướng và sở tri chướng nào cũng phải sụp đổ, bấy giờ Bát nhã ba la mật bèn hiện tiền, vì xưa nay nó vẫn hiện tiền như vậy.