- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
KHUÔN MẶT CỦA GIÁC NGỘ
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật đắc Vô thượng Chánh giác là không có chỗ đắc, có phải thế không?
Phật bảo: Đúng như vậy, đúng như vậy. Tu Bồ Đề! Ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thậm chí không có một chút pháp có thể đắc, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả mà tu tất cả pháp thiện tức đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu Bồ Đề! Nói rằng pháp thiện ấy, Như Lai nói chẳng phải pháp thiện.
Giác ngộ Vô thượng không có chút gì chủ thể khách thể, cho nên không có tướng gì để lấy hay bỏ, thêm hay bớt, cho nên nói “không có một chút pháp có thể đắc”. Ban sơ cũng là Nó, bây giờ cũng là Nó, mai sau cũng là Nó. Có cái gì ở ngoài nó đâu để gọi là đắc? Nó có bao giờ thiếu hụt cái gì đâu để gọi là tu hành và chứng đắc?
Vô sở đắc, không có chỗ đắc, vì cái gì cũng là Nó, chưa từng có cái gì không là Nó, từ xưa đến nay và mãi mãi như vậy.
Đó là cái bình đẳng suốt ba thời, bình đẳng khắp cả mười phương. Không có khoảnh khắc nào kém sút, không có vi trần nào thiếu hụt, cho nên nói là “không có cao thấp”, vì nó là bản tánh của tất cả mọi sự. Thế nên bất cứ khoảnh khắc nào, bất cứ không gian nào chúng ta cũng có thể gặp gỡ Nó, làm quen với Nó cho đến khi thân thuộc và là một với Nó. Thủy giác và Bản giác hợp nhất.
Nó thì bình đẳng, “không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả”, nên để tương ưng được với Nó, chúng ta cũng phải “không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả”. Còn nếu không, chúng ta cứ tiếp tục chống trái Nó từ đời này sang đời khác. Nó thì vô lượng công đức, cho nên để tương ưng được với Nó, chúng ta cũng phải “thực hành tất cả pháp thiện”. Còn nếu không, chúng ta cứ tiếp tục làm chàng cùng tử lang thang.
Con đường Phật đạo, từ giai đoạn đầu, Tư Lương vị, là tích tập trí huệ và tích tập công đức. Cho đến Giác ngộ vô thượng thì sự tích tập trí huệ và tích tập công đức này viên mãn. Không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đó là tích tập trí huệ. Thực hành tất cả pháp thiện, đó là tích tập công đức.
Có điều, đây là Quả thừa, không phải chúng ta tạo ra trí huệ và công đức. Tất cả đã sẵn có từ sơ thủy. Sắc nào cũng là Không, nên sắc nào cũng đầy đủ công đức, chẳng cần sửa sang, thêm bớt gì. Chúng ta chỉ việc tương ưng với những cái đã có sẵn ấy thôi. Tu hành là tương ưng với Nó, thấy Nó, làm quen hay tham thiền về Nó, và hoạt động như là Nó đang biểu lộ. Nó là bản tánh của tâm thức chúng ta và của tất cả hiện hữu.