Đức Phật, nàng Savitri và tôi (PDF)

28/05/20201:01 SA(Xem: 6957)
Đức Phật, nàng Savitri và tôi (PDF)
ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI
Hồ Anh Thái | Nxb Đà Nẵng & Công ty Văn Hóa Phương Nam, 2007

Đức Phật, nàng Savitri và tôiTruyện kể về cuộc đời của đức Phật bằng một cách rất khác. Sẽ hay hơn cho những ai đã đọc quyển Đường Xưa Mây Trắng- quyển sách kể chi tiết hành trình của Đấng Giác Ngộ .

Nội dung của câu chuyện là tình yêu mê muội đầy dục vọng của cô công chúa với vị hoàng tử Tất Đạt Đacố gắng chiếm đoạt lấy thân xác của Người bất chấp Người đã trở thành đức Phật. Hồ Anh Thái kể câu chuyện thật xuất sắc về cuộc đời của những vị khất sĩ đắc đạo nổi tiếng của Phật đều trải qua những khoảng thời gian rất “con người” và từng chung đụng thể xác với cô công chúa xinh đẹp nóng bỏng và đầy sinh lực.

Cuộc rượt đuổi và đấu tranh giữa dục vọng, niềm tin, đạo đức … Của những con người đi tìm ánh sáng. Trong mỗi con người bên cạnh những dục vọng cá nhân cũng tồn tại sâu thẳm trong lòng khao khát được hướng tới sự thông thái, bình yên. Khi sinh ra, những dục vọng đã ngẫu nhiên tồn tại hẳn trong mỗi người, bởi vậy nên Phật mới bảo Đời là bể khổ.

Một quyển tiểu thuyết hay khi nó phản ánh được tiếng nói bên trong của độc giả một cách trần trụi. Thưởng thức xong một quyển tiểu thuyết hay bạn sẽ cảm thấy mình lớn hơn được một chút và bớt cô đơn hơn. Cách nhân vật chạy trốn, tự vấn bản thân, rồi sai lầm bị bỏ rơi, cô độc… Đó là những điều rất con người.

Hãy đọc và theo dõi hành trình các nhân vật hướng đến ánh sáng bằng cách đối mặt với những điều tăm tối nhất. Một quyển tiểu thuyết sáng rực vì trong đó có sự góp mặt của một vị Giác Ngộ.


pdf_download_2
Đức Phật nàng Savitri va Tôi


Xem thêm:

ĐỌC ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI,
TIỂU THUYẾT CỦA HỒ ANH THÁI,
NXB ĐÀ NẴNG VÀ CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM, 2007

Hoài Nam

 

Tinh thần giải thiêng cũng xuyên thấm trong quan điểm của tác giả về quá trình Đức Phật hoằng dương đạo phápxây dựng giáo hội. Để một triết thuyết có thể trở thành một ý thức hệ tư tưởng – như sau này Phật giáo trở thành quốc giáo ở nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á - thì sự tỏa sáng từ bản thân nó chưa đủ.

1. Từ Phật sử...

Trong tâm thức nhân gian, các bậc đại tôn sư, những người khai sinh các tôn giáo lớn trên thế giới hầu như tồn tại bằng sắc màu lấp lánh của huyền thoại nhiều hơn là bằng di sản tư tưởng hoặc hành trạng thực tế của cuộc đời họ. Đức Jesus Christ của đạo Thiên Chúa, hay Đức Phật Thích Ca của đạo Phật đều là những nhân vật như vậy. Điều này không khó lý giải. Ở thời nào cũng vậy, quần chúng (đám đông thì chính xác hơn) bao giờ cũng có nhu cầu được gửi gắm niềm tin của mình vào một bản ngã siêu việt, ngoài mình. Họ tìm thấy ở các nhà tư tưởng khai sinh tôn giáo một đấng Thượng đế nhân hình, một quyền năng sinh tạo và huỷ diệt mạnh mẽ đến mức có thể thoả mãn mọi cầu khấn của chúng sinh. Trong ý hướng ấy thì tất nhiên, những phương diện Người của đại tôn sư khai môn lập giáo đều bị trừu tượng hoá, cái còn lại là những phương diện Thần thánh, nổi bật và phổ quát (ở đây, một ý tưởng của Nietzsche được chứng minh: nhân loại tỏ lòng biết ơn với các vĩ nhân bằng cách luôn luôn hiểu lầm họ!). Nói chung, đám đông không thích chấp nhận cái thực tế rằng Jesus Christ hay Thích Ca Mâu Ni trước hết cũng là những cá thể người như họ, cũng phải chịu sự chế định của những quy luật sinh – hoá trên thân xác vật chất và sự tác động của vi khí hậu văn hoá đương thời trên hành trình tập thành tư tưởng. Nhưng với các nhà nghiên cứu tôn giáo theo tinh thần duy vật luận thì khác. Tôi dùng cụm từ “các nhà nghiên cứu tôn giáo” với nội dung không chỉ nhằm vào giới học giả hàn lâm, mà mở rộng hơn, nó còn là các tiểu thuyết gia đã cất công sục sạo trong bề bộn tư liệu, ngõ hầu phục dựng cuộc đờichân dung tinh thần của nhà tư tưởng đã khai sinh một tôn giáo, một triết thuyết. Về Jesus Christ, người ta thường kể tới Cuộc mưu sát các ảo ảnh của Tendriakov, Và hòn đá ấy đã trở thành Đấng cứu thế của Silva Otero, Đoạn đầu đài của Aitmatov, Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa (The last temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis và nhất là kiệt tác Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov v.v... Về Đức Phật, theo những gì tôi đọc được, ở ta đến nay đã có Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường và Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh [ 1]. Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái có thể kể là cuốn thứ ba.

 

Cuốn sách của Hồ Anh Thái được hình thành trên cấu trúc luân phiên (không đều nhau) giữa các chương Tôi, Đức Phật, Savatri. Trong đó, các chương Đức Phật được kể lại bằng giọng điệu khách quan của một nhân vật người kể chuyện “biết tất cả”. Nó khác với các chương Savatri, vốn là tự thuật của nàng Savatri về tiền kiếp của mình (người kể xưng Ta); khác với các chương Tôi, vốn là lời kể của nhà nghiên cứu Ấn Độ học về quá trình cùng Savatri hành hương trên đất Phật (người kể xưng Tôi). Không ngẫu nhiên có sự khác biệt về điểm nhìn trần thuật này giữa ba phần của tác phẩm. Bởi lẽ, các chương Đức Phật chính là topic chủ yếu trong toàn bộ cuốn sách: kể lại lịch sử đời Phật ở những mốc quan trọng nhất. Để tạo ra ấn tượng mạnh về tính chân xác của những điều được kể lại, lựa chọn nhân vật người kể chuyện “không là ai cả” nhưng lại “biết tất cả” là một lựa chọn tối ưu.

Nhưng nếu chỉ như vậy thì các chương Đức Phật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái có lẽ cũng sẽ không đem lại điều gì mới khi ta đối chiếu chúng với những sự kiện đã được ghi lại trong kinh Phật. Cái mới ở đây, theo tôi, là quan điểm cá nhân của tác giả về Đức Phật, và từ đó, là cách tác giả xử lý những tư liệu liên quan xa gần đến Đức Phật mà anh đã dày công thu thập được trong suốt sáu năm sống trên đất Ấn Độ. Quan điểm ấy, nói một cách ngắn gọn, là tinh thần giải thiêng triệt để. Giải thiêng theo nghĩa quét sạch những mây mù huyền thoại bao quanh cuộc đời Đức Phật để hiển lộ chỉ một hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát. Thường xuyên có một sự phản biện ngầm của tác giả trước những chi tiết mang màu sắc huyền thoại về Đức Phậtkinh điển Phật giáo đã ghi lại. Sự kiện Đức Phật ra đời chẳng hạn, đã được tác giả giải thiêng chỉ bằng hai câu bình luận của người kể chuyện: 1/ “Hoàng hậu chửa trâu, người ta bảo nhau, có mang mười tháng rồi mà vẫn chưa lâm bồn”. 2/ “Hoàng tử mới ra đời thì hoàn toàn tỉnh táo. Trắng hồng bụ bẫm. Xứ Ấn da trắng như vậy thì cũng coi như tỏa hào quang”. Cũng có thể thấy, tác giả đã “lờ”đi nhiều chi tiết huyền thoại khác - việc Đức Phật dùng phép thần thông để dẹp trừ các ma vương chẳng hạn - trong khi rất chú ý tăng cường các chi tiết hết sức đời thường về Đức Phật: Phật chỉ có thể làm chậm lại, chứ không thể ngăn cản việc bộ tộc Thích Ca của Ngài bị tàn sát dưới ngọn lửa hận thù của vua Vidudabha. Sự kiện Đức Phật nhập diệt cũng khá trớ trêu: Người chết vì những thứ bệnh hết sức “người đời” như đau khớp, đường ruột, huyết lỵ; trước thi thể của bậc đại giáo chủ, các đệ tử tại gia bàn qua bàn lại mãi mới đóng góp được một chút tiền mọn lo cho cho việc tang lễ, để rồi trên giàn hỏa táng “đôi chân Phật bọc trong vải trắng vẫn còn chìa ra khỏi bệ củi. Lượng củi gỗ thu thập được quá ít ỏi”.

Tinh thần giải thiêng cũng xuyên thấm trong quan điểm của tác giả về quá trình Đức Phật hoằng dương đạo phápxây dựng giáo hội. Để một triết thuyết có thể trở thành một ý thức hệ tư tưởng – như sau này Phật giáo trở thành quốc giáo ở nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á - thì sự tỏa sáng từ bản thân nó chưa đủ. Cần phảisức mạnh bảo trợ từ phía chính quyền. Và ở đây thì tác giả đã tái sử dụng khá nhiều chi tiết cho thấy Đức Phật là một lãnh đạo giáo đoàn khôn khéo đến thế nào trong việc tranh thủ cảm tình của các đại vương vùng bắc Ấn. Cuộc đối đáp – do Ngài tổ chức – giữa Phật và giáo sĩ danh tiếng Kassapa của đạo thờ Thần Lửa ngay trước mắt đại vương Bimbisara là một ví dụ rất sinh động: chính sự quy phục của vị giáo sĩ này đã gây ấn tượng mạnh cho Bimbisara và dẫn đến việc đại vương trở thành người bảo trợ tự nguyện cho giáo đoàn của Phật. Mặt khác, ở nhiều chi tiết rải rác, tác giả cũng chủ ý làm nổi bật một thực tế, rằng nguyên tắc tổ chức giáo hộihệ thống giáo lý, giới luật của Phật giáo không hề là kết quả của sự mặc khải “một lần cho tất cả”. Nó là một quá trình điều chỉnh liên tục để đi dần đến hoàn thiện. Luật cấm người xuất gia uống rượu (giới tửu) chẳng hạn. Chẳng phải luật này đã có ngay từ ban đầu, mà phải chờ đến khi một nhà sư say rượu tại kinh đô Kosambi của tiểu vương quốc Vamsa, gây ra bê bối khiến vua Udena thiếu thiện cảm với giáo hội, lúc ấy Phật mới ban lệnh cấm rượu cho toàn thể tăng đoàn, không một ngoại lệ. Việc các nữ nhân có mặt trong giáo đoàn khất sĩ của Phật cũng vậy. Thoạt đầu Ngài không chấp thuận, dù đó là bà dì ruột Pajapati hay nàng Yasodhara, vợ Ngài (trước khi xuất gia). Chỉ tới khi lời cầu khẩn và nước mắt của những người thân khiến Ngài phải động lòng, cộng thêm sự thuyết phục tài giỏi của tôn giả Ananda, lúc ấy Đức Phật mới đồng ý trong giáo hội của Ngài ngoài tăng còn có thể có ni... Cứ thế, nhẩn nha trong cách kể chuyện và kiên trì với tinh thần giải thiêng triệt để, tác giả rút tỉa từ khối tư liệu của mình những chi tiết khả tín và đắc dụng, sắp xếp chúng để tạo nên một truyện kể của riêng mình về cuộc đời Đức Phật. Đức Phật đã trở thành nhân vật của Hồ Anh Thái. Nhân vật này hiện lên với diện mạo của một hiền giả, một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại, nhưng vẫn không thôi đậm chất Người!

2. ...đến hư cấu văn chương

Tuy nhiên, để có thể chính danh gọi Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái là một tiểu thuyết, cần phải căn cứ vào những chương Savitri, nơi mà tác giả để trí tưởng tượng tháo cũi sổ lồng, tự do hết mực trong hư cấu văn chương. Và chắc chắn, đây cũng là phần thú vị nhất của toàn bộ cuốn sách này.

Savitri là một cựu Kumari (tức Nữ thần Đồng Trinh) theo tập quán phong thờ ở thung lũng Kathmandu thuộc xứ Nepal. Savitri hành nghề hướng dẫn viên du lịch, cô kể chuyện đời Phật và kể chuyện đời mình, mà cả hai cuộc đời ấy thì đều ở thế kỷ thứ VI, thứ V trước Công nguyên, tức là cách 25, 26 thế kỷ khi câu chuyện bắt đầu được kể lại! Người đọc hãy chú ý đến câu đầu tiên của chương Savitri đầu tiên: “Ta cũng có mặt trong lễ kén vợ của hoàng tử Siddhattha”. Chỉ bằng một thông báo ngắn gọn này thôi, ngay lập tức cái hố thẳm thời gian 25, 26 thế kỷ ngăn cách giữa lúc Savitri kể và lúc câu chuyện thực sự xảy ra đã bị san lấp. Chúng ta bị tác giả kéo tuột vào một thực tại không tưởng của thế giới nghệ thuật do anh tạo ra, rằng cô Savitri – người kể chuyện, và nàng công chúa Savitri có mặt trong lễ kén vợ của hoàng tử Siddhattha, là một! Và chính là với tư cách của người chứng kiến, hơn thế, người tham dự vào những sự kiện xảy ra ở thì quá khứ mà nhân vật nàng Savitri đã trở thành điểm mấu chốt để tác giả triển khai nhiều ý tưởng của mình.

Trước hết, Savitri là nhân tố bổ trợ cho tinh thần giải thiêng hóa Đức Phật mà tôi đã đề cập ở trên. Trong niềm ngưỡng vọng tuyệt đối trước bậc Đại Giác ngộ, các Phật tử thường có thói quen phóng đại mọi chi tiết của lịch sử đời Phật. Chẳng hạn, sự thờ ơ với những niềm hoan lạc trần thế mà Ngài hoàn toàn có thể tận hưởng khi còn là hoàng tử Siddhattha luôn được xem là dấu hiệu đầy quan trọng cho một sự ra đi vĩ đại, nhưng từ sự đánh giá của Savitri, thì: “Hoàng tử như lạc sang cõi khác. Hoàng tử hờ hững với cõi tục. Hoàng tử làm việc này mà đầu óc nghĩ sang việc khác. Mơ mơ màng màng hâm hâm hấp hấp”. Giọng điệu giễu nhại này – chừng như được tác giả mang từ tiểu thuyết Mười lẻ một đêm [ 2] sang – dứt khoát là một đối trọng với quan điểm thần thánh hóa Đức Phật. Hoặc, ở chương Savitri cuối cùng - được đặt ngay sau chương Đức Phật cuối cùng, như một “ngoại sử” được đặt bên cạnh “chính sử” về thời điểm Đức Phật nhập diệt – có chi tiết: “Giữa đám tín đồ địa phương nhốn nháo đùn đẩy việc cho nhau, ta tình nguyện nhận ngay việc tắm rửa cho giáo chủ... Giờ thì ta đã được tận tay múc nước tắm cho chàng. Lần duy nhất. Ta đã đi đến tận cùng thoả nguyện”. Sự thoả nguyện thấm đẫm một niềm ngậm ngùi của người đàn bà suốt đời ôm ấp hình bóng người yêu trong mộng tưởng. Nhưng điều có ý nghĩa hơn, là nó đã “người đời hoá” cái chết của một bậc đại tôn sư khai môn lập giáo: Ngài cũng không tránh khỏi cái chết, và khi chết rồi, Ngài hoàn toàn mất quyền tự quyết đối với tấm thân Tứ đại của mình!

Mặt khác, nhân vật nàng Savitri – cả ở tiền kiếphiện kiếp của mình – lại là một chứng nghiệm cho những tư tưởngĐức Phật đã giác ngộ cách đây 26 thế kỷ. Xuất thân đẳng cấp võ tướng (Kashtriya), xinh đẹp, và nhất là lại được giáo dục trong bầu khí quyển của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, nơi đã sản sinh ra Dục Lạc Kinh (Kama Sutra), Savitri là người cực kỳ phóng túng trong quan hệ nam nữ. Nàng hưởng thụ khoái lạc nhục dục một cách tham lam, hối hả (ngay cả khi đã là một lão phụ, Savitri vẫn cần tới hơi trai trẻ hàng đêm!) Hưởng thụ như thể đó mới chính là mục đích sống của cuộc đời nàng. Đa tình tới mức gần như là một thứ nòi tình (mới bốn tuổi, gặp hoàng tử Sidattha lần đầu, nàng đã quyết tâm lớn lên sẽ lấy chàng bằng được), Savitri trọn đời ôm ấp trong tâm tưởng hình ảnh của nhà hiền triết xứ Kasi, thế nhưng, đó cũng là thứ tình yêu đầy những khát khao thể xác. Chung cuộc, nàng được cái gì? Các bạn tình lần lượt rời bỏ nàng ra đi, kẻ thì chết vì sắc dục quá độ, người thì trở thành khất sĩ trong giáo đoàn của Đức Phật. Hai lần nàng được chạm vào thân thể của “người yêu trọn đời trong tâm tưởng” (lần thứ nhất là lúc Phật tọa thiền trong đêm mưa bão, lần thứ hai là khi Ngài nhập diệt), nhưng cả hai lần nàng đều ôm trong vòng tay mình một thân xác không hồn, một thực thể trơ trơ trước ngọn lửa tình hừng hực. Suốt cuộc đời tiền kiếp Savitri chưa bao giờ ý thức được về cái khổ của phận người, nàng đắm chìm trong dục vọng thể xác, và cùng với nó, nàng bị đẩy vào bánh xe luân hồi. Có lẽ, đây chính là chiếc chìa khoá để mở ra bí mật của cái thực tại không tưởng mà nhà văn đã tạo tác ngay từ đầu (hai nàng Savitri ở hai thời đại cách nhau 26 thế kỷ, là một). Dấu chỉ để nhận ra yếu tố luân hồi chính là chi tiết về chiếc khăn xếp màu đỏ: ở tiền kiếp, công chúa Savitri đã xin hoàng tử Siddattha chiếc khăn xếp và giữ gìn nó như một bảo vật; ở hiện kiếp, cô bé Savitri được phong làm Nữ thần Đồng Trinh khi chỉ chọn lấy chiếc khăn xếp trong một căn phòng cơ man đồ vật.

Trong một chương Tôi, nhà nghiên cứu Ấn Độ học - người kể chuyện xưng Tôi - đã cho biết thêm một chi tiết khá lạ lùng về nàng Savitri - hướng dẫn viên du lịch: cô luôn bật cười khanh khách mỗi khi chuẩn bị bước vào cuộc giao hoan với đàn ông. Không nén được. Vì khả năng nhìn xuyên qua bóng tối khiến cái trần trụi lố bịch và sự khiếm khuyết của bạn tình cứ đập vào mắt cô. Cô không muốn cười mà tiếng cười vẫn cứ bật ra, như dội một gáo nước lạnh dập tắt cái dục vọng đùng đùng của đám đàn ông, cuộc giao hoan bất thành. Tôi cho rằng, đây không phải là chi tiết nhằm cá biệt hoá nhân vật. Cái sự bật cười không đúng lúc này có lẽ là một thứ án phạt khiến cho Savitri phải trở thành Nữ thần Đồng Trinh vĩnh viễn (dù cô đã bị truất ngôi), khiến cho cô không bao giờ được biết đến một trong tứ khoái của người đời. Nếu liên hệ với tiền kiếp của cô - nàng công chúa Savitri luôn khao khát và hầu như luôn thoả mãn với lạc thú thân xác - có thể nói, ở đây chúng ta đang chứng kiến kết quả vận hành của Nghiệp, của quy luật nhân quả tương tục trên các kiếp của một chúng sinh chưa được giải thoát.

“Có thể kể chuyện mà không lục tay trong những cái bao tải hay không?”

“Savitri là một cái đĩa CD. Anh có thể nghe được âm thanh trong một cái đĩa CD mà không cần máy đọc CD không?”

Đó là một đối thoại giữa Tôi và Savitri. Câu trả lời của Savitri là sự giải thích cho việc cô cứ luôn lục tay vào trong sáu chiếc bao tải khi kể chuyện đời Phật và kể về tiền kiếp của mình. Sáu chiếc bao tải, mỗi bao là một ký âm, hợp lại thành một câu thần chú: Om mani padme hum (úm ma ni bát mê hồng). Savitri không nói rõ cái gì ở trong sáu chiếc bao tải. Nhà nghiên cứu Ấn Độ học không hỏi. Nhà văn Hồ Anh Thái cũng không giải thích. Còn tôi, người viết bài này, thì đồ rằng trong đó là những công tắc điện. Khi Savitri thò tay vào, bật lên, cả một luồng ánh sáng mạnh đã hắt ngược trở về 26 thế kỷ trước, soi rọi diện mạo xã hội Ấn Độ thời Đức Phật. Người ta nhìn thấy ở đó đời sống xa xỉ và sự lộng quyền của các giáo sĩ Bà La Môn. Người ta nhìn thấy ở đó những nghi thức của lễ thanh tẩy và tập tục hỏa thiêu người phụ nữ chết theo chồng. Người ta nhìn thấy ở đó sự thác đọa trụy lạc của đám tiểu thư công tử con nhà quan quyền phú hộ, nhìn tận mắt những ngón chơi bời của họ. Người ta cũng nhìn thấy ở đó rất nhiều phương cách tu hành kỳ lạ mà con người mày mò tìm đến để mong có được sự an lạc tinh thần... Tất cả những hoạt cảnh ấy hợp lại, mang đến cho người đọc cái khoái cảm được du hí xuyên thời gian. Nhưng quan trọng hơn, nó mang đến một sự lý giải – theo cách của văn chương – rằng vì sao mà Đức Phậttư tưởng của Ngài lại xuất hiện trên cõi thế.

Ở những trang đầu của cuốn sách, tác giả tả không gian vùng biên giới Ấn Độ – Nepal khi bất chợt có sương mù: “Trắng đục. Xốp. Rất mỏng rất nhẹ. Không thể biết bao giờ nó tan. Không thể nhìn thấy bất cứ cái gì ngay trước mặt mình”. Tất cả đều trở nên mù lòa trong màn sương ấy, chỉ có Savitri là nhìn xuyên qua nó, cũng như nàng có thể nhìn xuyên qua đêm đen. Nhưng ở cuối cuốn sách, khi “không gian tự dưng vàng phơ phơ ra... Vàng nhờn nhợt. Vàng như một cái kẹo nhạt. Đất trời cứ bợt dần ra chờ đến khi trời tối” thì Savitri lại trở nên mù trong cái cảnh tranh tối tranh sáng nhập nhoạng ấy. Cô dắt nhà nghiên cứu Ấn Độ học đi trong sương mù, đi trong đêm đen. Còn khi “một ban ngày đang nhợt ra thoi thóp để sửa soạn nhập diệt vào đêm tối” thì nhà nghiên cứu Ấn Độ học lại chỉ lối cho cô. Vô minh có muôn hình vạn trạng. Chúng sinh nương tựa vào nhau mà mò mẫm đi trong các vùng vô minh. Thoát hẳn khỏi vô minh có lẽ chỉ có một người, nhưng người ấy nhập diệt đã từ rất lâu, phải vậy chăng?

(Nguồn: Báo Văn Nghệ, 12/5/2007)


Xem thêm:
https://thuvienhoasen.org/a13787/duong-xua-may-trang-thich-nhat-hanh




.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 6680)
04/05/2015(Xem: 10858)
06/01/2020(Xem: 2799)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.