Chánh Vị Tiền

27/06/20219:21 SA(Xem: 4421)
Chánh Vị Tiền

CHÁNH VỊ TIỀN
Kệ của Thanh Nguyên Hành Tư

Dịch và giải: HT. Thích Thanh Từ
Tranh của Tuệ Nguyễn

 

chanh vi tienBài kệ trên bức tranh là bài Chánh Vị Tiền của thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư do HT. Thích Thanh Từ dịch ở trong cuốn Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục Giảng Giải, (nxb. tp.HCM, 1999). Phần sau là trích trong cuốn này:

Rảnh rang(Hương Hải) thường ngâm lại những bài kệ dạy chúng:

Ngài đọc lại những bài kệ của người xưa. Trong nhà thiền thường có câu: “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.” Dù bài kệ đó là của vị nào, của người xưa, nếu chúng ta đọc bài kệ đó có tâm đắc thì nó liền có ý nghĩa mới, không phải bài kệ có nghĩa mới, mà chính là người nhắc lại gởi gắm tâm tư mình trong đó nên gọi là mới. Những bài kệ của Ngài đọc trong lúc rảnh rang này, không phải của Ngài mà là của các vị Tổ sư trước và gần Ngài, nhưng vì thích nên Ngài rảnh rang ngâm nga lại để dạy chúng.

Bài 12

Khô mộc nham tiền sai lộ đa,
Hành nhân đáo thử tận tha đà.
Lộ tư lập tuyết phi đồng sắc,
Minh nguyệt lô hoa bất tự tha.
Liễu liễu liễu thời vô sở liễu,
Huyền huyền huyền xứ diệc tu ha.
Ân cần vị xướng huyền trung khúc,
Không lý thiềm quang yết đắc ma?

Dịch:

Cây khô trước núi dễ lạc đàng,
Người đi đến đó thảy mơ màng.
Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc,
Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng.
Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu,
Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông.
Ân cần hát khúc trong huyền ấy,
Ánh trăng giữa trời nắm được không?

Bài này của Thanh Nguyên Hành Tư (660-740), là bài Chánh Vị Tiền trong Thập Huyền Luận.

Cây khô trước núi dễ lạc đàng. Ở đây diễn tả cảnh người tu đi tới chỗ không còn thấy tâm niệm dấy khởi nữa. Lúc đó giống như cây khô, chỗ vô sanh người ta dễ lầm mà buông hết mọi việc.

Người đi đến đó thảy mơ màng. Ngài Duyên Quán ở núi Lương Sơn, đệ tử tông Tào Động, khi vị Tri sự hỏi “giặc nhà khó giữ thì phải làm sao”, Ngài trả lời: “biết nó thì không phải oan gia”.

Hỏi:

- Sau khi biết thì phải làm gì?

- Đày đến nước vô sanh đi!

Tri sự nói:

- Nước vô sanh đâu không phải là chỗ an thân lập mạng của y?

Thường mình tu tới chỗ yên lặng thanh tịnh thì ưa thích, hài lòng. Đây là vô sanh, là chỗ người ta dễ lầm cho nên Ngài mới nói: “nước chết không chứa được rồng”. Chỗ nước vô sanh đó là nước chết không chứa được rồng, tới chỗ im phăng phắc, không còn niệm khởi như cây khô, như núi lạnh chưa phải là rồi, phải có cái gì nữa. Ngài Duyên Quán nói chỗ đó là nước chết. Những nơi khác nói đó là Niết-bàn của Nhị thừa, còn hỏi “thế nào là nước sống” Ngài nói: “dậy mòi mà không thành sóng”. Nghĩa là tới chỗ lặng lẽ rồi còn phải giác, chớ không phải là vô tri, chỗ đó mới là chứa được rồng, dậy mòi mà không thành sóng (sóng ví dụ cho tâm niệm theo duyên), dậy mòi mà hằng giác, không có cái im lặng như nước chết. Rồi hỏi thêm: “Khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?” Ngài bước xuống giường thiền nắm đứng nói: “Không ướt cái góc ca-sa của Lão tăng.” Chừng nào được nước sống chứa rồng chừng đó mới thong dong tự tại, không có cái gì quấy nhiễu được, đó là chỗ chí lý.

Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc. Tuyết đóng trên cây trên lá trắng phau phau, với con cò trắng, cả hai đều trắng hết, nhưng tuyết là vô tri, cò trắng là hữu tri. Hai thứ dường như không khác mà khác. Đứng về màu trắng thì như nhau, nhưng một bên vô tri một bên hữu tri.

Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng. Hoa lau và trăng cũng sáng cũng trắng nhưng hai cái khác. Trăng là cái sáng trùm cả bầu trời. Còn cái sáng của hoa lau chỉ một cành nhỏ. Như vậy chúng ta đừng lầm, tới chỗ yên tưởng đó là cùng tột, giống như là lầm tuyết trắng với cò trắng, hoa lau với trăng sáng.

Như vậy thì phải còn cái gì nữa?

Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu. Mình phải liễu liễu, mà khi liễu không có cái gì để liễu.

Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông. Ngộ tức là liễu ngộ tuy thâm thúy sâu xa, nhưng chỗ huyền đó cũng cần quở trách.

Ân cần hát khúc trong huyền ấy, ánh trăng giữa trời nắm được không? Tới chỗ cứu kính thì mình mới hát khúc mầu nhiệm, nhưng chỗ đó như ánh trăng trong hư không, không nắm bắt được. Người tu phải đến nơi đến chốn đừng có mắc kẹt, được một chút chớ tưởng đó là xong, mà phải tiến tới chỗ cuối cùng. Liễu liễu, liễu tức là liễu ngộrốt cuộc không còn sở liễu. Huyền huyền tức là mầu nhiệm, huyền diệu được một lần, hai lần, nhưng rồi cũng dẹp huyền diệu đó đi, vì còn có ngộ còn có nhiệm mầu, thì chưa phải là chỗ cứu kính chân thật. Cứu kính chân thật là chỗ tự tại, trong sáng trùm khắp không có giới hạn. Bài kệ này là cảnh tỉnh những người tu được ít cho là đủ, rồi hài lòng thỏa mãn, cho nên bị kẹt.

Tạo bài viết
07/12/2023(Xem: 4930)
07/08/2023(Xem: 2982)
Chỉ vài ngày nữa, là Ngày Bầu Cử của Hoa Kỳ. Cử tri Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 11/2024 sẽ bầu phiếu để chọn lên một tân Tổng Thống, từ hai ứng cử viên của hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ với hai chính sách dị biệt nhau. Lựa chọn này có thể sẽ định hình những chuyển biến tương lai cho cả thế giới khi cách nhìn của hai ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã lộ rõ trái nghịch nhau hoàn toàn về cuộc chiến ở Ukraine, trái nghịch nhau một phần về cuộc chiến Trung Đông, xung khắc nhau về cách kềm chế Trung Quốc, và về cam kết ở Biển Đông.
Khi ngày bầu cử đến gần, nhiều người trong chúng ta bị cuốn vào những cuộc trò chuyện chính trị, đôi khi khiến chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc muốn nổi giận, muốn văng tục và chửi thề như nhiều chính trị gia Hoa kỳ ngày nay khi vận động tranh cử thường dùng “chữ F”. Mặc dù cảm giác đó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nó cũng có thể gây tổn hại lâu dài cho tâm trí, cơ thể và các mối quan hệ của chúng ta. Vậy, chúng ta có thể làm gì với sự tức giận mà chúng ta có thể phải trải qua trước tình hình chính trị ngày nay?