CHÍNH NIỆM - THỰC TẬP THIỀN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Chương
Mười Hai
Đối trị với sự xao lãng - Phần II
Bây giờ đây, ta đang ngồi thiền thật đẹp. Thân ta bất động và vững chãi, tâm ta
an vui và tĩnh lặng. Chúng ta nhẹ nhàng chú tâm theo dõi hơi thở của mình, ra,
vào, ra, vào... Tĩnh lặng và an định. Mọi việc đều thật hoàn hảo.
Bỗng dưng có một tư tưởng không biết từ đâu đột ngột khởi lên trong đầu: “Phải
chi bây giờ mình có được một cây kem thì tuyệt biết mấy!” Đó rõ ràng là một sự
xao lãng. Ta ghi nhận nó, và đem mình trở lại chú tâm vào hơi thở, nhẹ nhàng
theo dõi, ra, vào...
Và rồi: “Mình đã trả tiền nước tháng này chưa nhỉ?” Lại là một sự xao lãng. Ta
lại ghi nhận nó, và mang sự chú ý trở về với hơi thở. Ra, vào, ra, vào... “Cuốn
phim mà mình chờ đợi sẽ ra ngày hôm nay. Chắc là mình sẽ đi coi tối thứ Ba này.
Không, thứ Ba không được, nhưng mà thứ Tư cũng bận lắm. Chắc là phải thứ
Năm...” Lại thêm một sự xao lãng nữa!
Bạn lại kéo mình ra khỏi nó và trở về với hơi thở, nhưng có điều là khi bạn chưa
kịp làm việc ấy thì đã có một giọng nói nhỏ trong đầu: “Ái chà, nhức mỏi lưng
quá! Chịu không nổi!” Và rồi cứ tiếp tục mãi, hết xao lãng này đến xao lãng
khác, dường như là bất tận...
Thật là bực mình! Nhưng thật ra thiền tập là chỉ có vậy thôi. Những sự xao lãng
đó là vấn đề chính. Chủ yếu là làm sao để đối trị được chúng, học cách ghi nhận
chúng mà không để bị dính mắc. Đó là lý do chúng ta ngồi thiền. Những sự xao
lãng, lo nghĩ vu vơ ấy rất là phiền toái, nhưng cái tâm bình thường của ta hoạt
động như vậy đó. Đừng bao giờ cho nó là kẻ thù. Nó chỉ đơn giản là một thực tại
của ta. Và nếu như bạn muốn thay đổi bất cứ một điều gì, trước hết bạn phải
thấy được thực chất của nó.
Lần đầu tiên, khi bạn mới ngồi xuống tập trung sự chú ý vào hơi thở, bạn sẽ nhận
thấy rằng tâm ý của mình lung tung vô cùng. Nó như một con ngựa bất kham, chạy
nhảy khắp nơi. Nó húc đầu này, đá vó đầu kia. Nó rượt đuổi chính nó, chạy theo
một vòng tròn bất tận. Nó nói chuyện không ngừng. Nó suy nghĩ. Nó tưởng tượng
và mơ mộng viển vông. Nhưng bạn đừng bao giờ bực tức vì những chuyện ấy. Đó
cũng là tự nhiên thôi. Mỗi khi tâm ta xao lãng, không còn chú tâm vào đề mục
thiền quán, ta chỉ cần quán sát sự xao lãng ấy trong chính niệm.
Trong thiền quán, khi chúng ta nói đến sự xao lãng là nói đến bất kỳ một vấn đề
nào lôi kéo sự chú ý rời xa hơi thở. Điều này khiến ta có thêm một quy luật mới
rất quan trọng trong sự hành thiền. Đó là, mỗi khi có một trạng thái tâm thức
nào khởi lên, đủ mạnh để kéo ta ra khỏi đề mục thiền quán, hãy tạm thời chú tâm
vào chính sự xao lãng ấy. Tạm thời dùng sự xao lãng ấy làm đối tượng thiền quán
trong lúc đó. Xin bạn nhớ rõ là chỉ tạm thời. Điều đó rất quan trọng. Tôi không
bao giờ khuyên bạn giữa đường đổi ngựa. Và tôi cũng không khuyên bạn cứ vài ba
giây lại đổi đề mục thiền quán của mình một lần. Hơi thở lúc nào cũng là đối
tượng tập trung chủ yếu của ta. Bạn chuyển sự chú ý của mình sang sự xao lãng
chỉ trong thời gian vừa đủ để có thể nhận diện được những đặc tính của nó. Nó
là gì? Nó mạnh đến đâu? Và nó kéo dài đến bao lâu?
Vừa khi bạn có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy, không cần bằng lời, là
bạn đã xong việc với nó và có thể đem sự chú ý trở về với hơi thở. Ở đây cũng
vậy, xin bạn để ý đến cụm từ không cần bằng lời. Những câu hỏi ấy không phải là
sự mời gọi chúng ta “nhiều chuyện” thêm. Vì làm như thế là chúng ta đang đi
ngược chiều về phía gia tăng sự suy nghĩ. Chúng ta muốn mình bớt lại sự suy
nghĩ. Chúng ta muốn trở về với một kinh nghiệm thuần túy của hơi thở, không cần
ngôn từ, không cần ý niệm. Những câu hỏi ấy là để giúp bạn thoát ra được sự xao
lãng, thấy được tự tính của nó, chứ không phải để bạn trở nên bị dính mắc hơn.
Chúng có mục đích, chỉ trong một bước, giúp bạn nhận diện được cái gì làm mình
xao lãng và rồi buông bỏ nó - một công mà hai chuyện!
Vấn đề là thế này: Khi một sự xao lãng, hay bất cứ một trạng thái tâm thức nào
khác khởi lên trong tâm, nó xuất hiện trước trong phần tiềm thức của ta. Và
ngay sau đó, nó mới hiển lộ lên trên phần ý thức. Cái khoảnh khắc sai biệt ấy
rất là quan trọng. Vì chính ngay trong khoảng thời gian tích tắc ấy, sự dính
mắc xảy ra. Sự dính mắc ấy có mặt gần như là tức thì, và nó xảy ra ngay trong
phần tiềm thức của mình. Khi sự dính mắc ấy khởi lên trên phần ý thức, khi ta
bắt đầu nhận diện được, là ta đã bị nó kiềm chế mất rồi! Và chừng ấy, mỗi lúc
ta quán sát nó, ta lại càng bị nó trói chặt vào thêm. Lúc này, thật ra ta không
còn có khả năng quán sát bằng một sự nhận diện đơn thuần nữa, ta chỉ suy nghĩ
về nó mà thôi. Những việc ấy diễn ra trong một chớp mắt. Và vấn đề nằm ngay ở
chỗ đó. Khi ta có ý thức về một sự xao lãng nào, thì ta đã bị sự xao lãng ấy
kiềm chế mình rồi!
Ba câu hỏi: “Nó là gì? Nó mạnh đến đâu? Và, nó kéo dài bao lâu?” là một phương
thuốc thần diệu để chữa trị cho chứng bệnh này. Muốn trả lời được ba câu hỏi
đó, ta bắt buộc phải hiểu được tính chất của sự xao lãng ấy một cách sâu sắc.
Và muốn làm được việc ấy, ta phải tách rời ra khỏi nó, bước lùi lại một bước,
và nhìn một cách khách quan. Chúng ta phải thôi không suy nghĩ cái tư tưởng ấy,
hoặc cảm nhận cái cảm thụ ấy, thì mới có thể quán sát nó một cách khách quan
được. Tiến trình đó chính là một bài thực tập về chính niệm, một ý thức và sự
nhận diện đơn thuần. Năng lực kiềm hãm của sự xao lãng sẽ bị phá vỡ và chính
niệm sẽ được thiết lập trở lại. Và từ đó, chính niệm sẽ nhẹ nhàng trở về với
đối tượng chính của nó là hơi thở.
Khi bạn mới bắt đầu thực tập phương pháp này, có lẽ bạn sẽ phải nhờ đến ngôn
từ. Bạn đặt câu hỏi thành lời và bạn có câu đáp lại cũng bằng lời. Nhưng chỉ
sau một thời gian ngắn, bạn sẽ không phải cần đến chúng nữa. Một khi bạn thực
tập quen rồi, bạn chỉ cần đơn giản ghi nhận sự xao lãng, nhận diện những đặc
tính của nó, và trở về với hơi thở. Đó là một quá trình không cần ý niệm và rất
nhanh. Sự xao lãng tự nó có thể là bất cứ một điều gì: một tiếng động, một cảm
giác, một cảm thụ, một mơ tưởng, bất cứ là một điều gì... Nhưng cho dù là gì đi
chăng nữa, ta cũng đừng bao giờ đàn áp nó, đừng cố xua đuổi nó ra khỏi tâm
mình. Việc ấy hoàn toàn không cần thiết. Chỉ cần quán sát nó trong chính niệm,
bằng một sự nhận diện đơn thuần. Lặng lẽ khảo sát sự xao lãng ấy, rồi tự nó sẽ
biến mất. Và tự nhiên bạn sẽ thấy sự chú ý tự nhiên nhẹ nhàng trở về với hơi
thở. Cũng đừng bao giờ tự trách mình vì đã có những xao lãng ấy. Sự xao lãng là
tự nhiên. Chúng đến và chúng đi.
Nhưng cho dù đã có những lời khuyên, rồi bạn vẫn sẽ tự trách mình sau mỗi lần
xao lãng. Và điều đó là tự nhiên. Hãy quán sát cảm giác hối trách ấy như là một
sự xao lãng khác, và rồi trở lại với hơi thở của mình.
Hãy theo dõi chuỗi tiến trình ấy: Thở. Thở. Một tư tưởng vu vơ khởi lên. Sự bực
mình khởi lên vì thấy mình suy nghĩ. Tiếp đó, một sự tự trách mình. Bạn trở về
với hơi thở. Thở. Thở. Nó là một chu kỳ rất tự nhiên và nhịp nhàng, nếu bạn
biết thực hành cho đúng. Dĩ nhiên, chìa khóa của vấn đề là sự kiên trì. Nếu bạn
có thể nhận diện những xao lãng này mà không bị dính mắc, mọi việc sẽ trở nên
rất dễ dàng. Bạn sẽ nhẹ nhàng lướt xuyên qua những xao lãng ấy, và trở về với
hơi thở.
Lẽ dĩ nhiên, cũng cùng một sự xao lãng ấy có thể sẽ khởi lên trong giây phút kế
tiếp. Nhưng ta chỉ cần nhận diện nó bằng chính niệm. Nếu đó là một tư tưởng xao
lãng có gốc rễ lâu đời, nó có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài,
nhiều khi là hàng năm. Nhưng đừng bao giờ bực mình. Đó cũng là chuyện tự nhiên.
Hãy nhận diện sự xao lãng ấy và trở về với hơi thở. Đừng chống cự lại chúng,
chỉ tốn công vô ích mà thôi. Mỗi năng lượng bạn đưa vào sự chống cự sẽ nuôi
dưỡng cho những tư tưởng ấy, và làm cho chúng mạnh thêm. Vì vậy, đừng bao giờ
cố gắng xua đuổi những tư tưởng ấy ra khỏi tâm mình. Bạn sẽ không bao giờ thắng
được trận chiến đó. Chỉ cần quán sát nó bằng chính niệm, và tự nó cuối cùng sẽ
đi mất. Thật kỳ lạ, nhưng bạn càng đơn thuần nhận diện nó bao nhiêu thì nó sẽ
càng trở nên yếu đi bấy nhiêu. Nếu bạn quán sát đủ lâu, và đủ năng lực của
chính niệm, nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Còn khi bị chống cự lại, nó sẽ càng mạnh
thêm. Hãy quán sát nó một cách khách quan, nó sẽ héo hon và tàn tạ đi.
Chính niệm là một chức năng có thể tháo gỡ và hoá giải sự xao lãng. Những xao
lãng nho nhỏ có thể được giải trừ chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua thôi. Đem
ánh sáng chính niệm chiếu lên nó, và lập tức nó tan biến ngay, không bao giờ
trở lại nữa. Còn những ý tưởng có gốc rễ sâu xa, đã trở thành tập quán thói
quen, đòi hỏi ta phải có nhiều kiên trì, dùng chính niệm tinh chuyên quán chiếu
cho đến khi nào sợi dây trói buộc bị đứt tung. Thật ra, sự xao lãng cũng giống
như một con cọp giấy! Tự nó không có một quyền lực nào hết. Nó phải được nuôi
dưỡng thường xuyên, nếu không nó sẽ chết. Và khi ta từ chối không nuôi dưỡng nó
bằng sự sợ hãi, sân hận và lòng ham muốn của mình nữa, nó sẽ bị tiêu diệt.
Chính niệm là khía cạnh quan trọng nhất của thiền quán. Nó là yếu tố chủ yếu mà
ta đang cố gắng trau giồi. Vì vậy, ta không cần phải chống lại sự xao lãng.
Điều quan trọng là có chính niệm về việc gì đang xảy ra chứ không phải kiểm
soát những gì đang xảy ra. Bạn nên nhớ, định lực chỉ là một phương tiện. Nó là
thứ yếu so với sự nhận diện đơn thuần. Dưới cái nhìn của chính niệm thì không
có một cái gì là xao lãng hết. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm cũng đều được
xem như một cơ hội để giúp ta thực tập chính niệm. Hơi thở được chọn làm đối
tượng cơ bản giúp ta tập trung tâm ý. Và sự xao lãng là đối tượng thứ hai để giúp
ta chú tâm. Nó cũng có thật và là một phần của thực tại, cũng như hơi thở. Thật
ra, đối tượng chính niệm của ta là gì, việc ấy không quan trọng. Bạn có thể có
chính niệm về hơi thở, hoặc có chính niệm về sự xao lãng của mình. Bạn có thể
có ý thức rõ rằng tâm mình đang an tĩnh và có định lực mạnh mẽ, hoặc thấy rõ
rằng tâm mình đang hỗn độn, rối ren và định lực hoàn toàn suy sụp. Tất cả đều
là chính niệm. Ta chỉ cần tiếp tục duy trì sự chính niệm đó, và cuối cùng định
lực sẽ được phục hồi.
Mục đích của thiền quán không phải là để chú tâm vào hơi thở mãi mãi và không
bị gián đoạn. Đó là một mục tiêu vô cùng vô ích. Mục đích của thiền quán cũng
không phải để đạt được một tâm hoàn toàn bất động và an tĩnh. Mặc dù đó là một
trạng thái rất tốt đẹp, nhưng tự nó không thể nào đưa ta đến giải thoát được.
Mục tiêu của thiền quán là để có được một chính niệm liên tục, không gián đoạn.
Chính niệm, và chỉ có chính niệm, mới có thể đưa ta tới giác ngộ.
Sự xao lãng có đủ mọi hình tướng, mức độ, và mùi vị. Tâm lý học Phật giáo phân
chia chúng ra thành nhiều loại. Một trong những loại đó là chướng ngại. Chúng
được xem như là chướng ngại vì chúng ngăn trở hai yếu tố thiền quán của ta:
chính niệm và định lực. Ta cũng nên thận trọng chỗ này: Chữ “chướng ngại” có vẻ
mang một ý niệm hơi tiêu cực, mà thật ra chúng là những trạng thái tâm thức mà
ta muốn loại trừ. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta phải đàn áp chúng, trốn
tránh hoặc ghét bỏ chúng.
Chúng ta hãy lấy lòng ham muốn làm một ví dụ. Ta muốn tránh không kéo dài bất
cứ một trạng thái ham muốn nào khi nó khởi lên, vì nó sẽ dẫn đến sự ràng buộc
và phiền não. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi khi có những tư tưởng ham
muốn khởi lên, ta phải xua đuổi nó ra khỏi tâm mình. Chúng ta chỉ cần đừng
khuyến khích và nuôi dưỡng nó ở lại mà thôi. Ta để cho nó đến, và ta để cho nó
đi.
Khi ta nhận diện lòng ham muốn một cách đơn thuần, sẽ không có sự phê phán,
khen chê nào hết. Chúng ta chỉ đơn giản bước lùi lại và nhìn nó khởi lên. Cả
quá trình sinh động của sự ham muốn, từ đầu cho đến cuối, cần được quán sát với
cùng một thái độ ấy. Chúng ta không giúp thêm, cũng không ngăn chận, và cũng
không xen vào một chút nào hết. Nó ở bao lâu thì nó sẽ ở bấy lâu. Và trong khi
nó có mặt, ta sẽ học hỏi hết những gì mình có thể học được. Chúng ta quán sát
tác dụng của sự ham muốn. Ta nhận thức việc nó gây phiền não cho ta và là gánh
nặng cho kẻ khác như thế nào. Ta ý thức rằng nó khiến ta lúc nào cũng cảm thấy
không thoả mãn, luôn ở trong một trạng thái thèm khát và thiếu thốn. Từ kinh
nghiệm trực tiếp đó, ta hiểu được sâu sắc sự ham muốn là một chướng ngại cho
ta. Và sự hiểu biết đó không phải là lý thuyết, mà là một thực nghiệm.
Tất cả những chướng ngại khác cũng được đối trị cùng bằng một phương thức ấy,
và ở đây chúng ta sẽ xem xét chúng từng cái một.
Ham muốn
Giả sử như trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm dễ chịu nào đó khởi lên
khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một mơ tưởng thú vị hoặc một ý nghĩ tự hào.
Nó có thể là một cảm giác hãnh diện. Nó có thể là một ý tưởng thương yêu hoặc
một cảm giác an vui do thiền quán mang lại. Cho dầu đó là gì đi nữa, chắc chắn
theo sau sẽ là một trạng thái ham muốn - ta muốn có được những gì mình đang mơ
tưởng, hoặc muốn kéo dài cảm giác thú vị, dễ chịu ấy. Và cho dầu bất cứ nó là
gì, bạn cần đối trị những sự ham muốn ấy như sau.
Ghi nhận tư tưởng hoặc cảm xúc dễ chịu ấy khi nó khởi lên. Ghi nhận trạng thái
ham muốn đi kèm theo nó như là một cái gì riêng biệt. Ghi nhận chính xác cường
độ và tầm mức của sự ham muốn ấy. Và rồi, ghi nhận xem nó kéo dài bao lâu và
khi nào nó biến mất. Sau khi làm xong những việc ấy, bạn đem sự chú ý trở về
với hơi thở của mình.
Ghét bỏ
Giả sử như trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm khó chịu nào đó khởi lên
khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một cái gì làm bạn sợ hãi hoặc một sự lo
âu, phiền toái nào đó. Nó có thể là một mặc cảm tội lỗi, buồn chán hoặc một cái
đau. Cho dù ý nghĩ hoặc cảm thụ đó là gì đi nữa, bạn sẽ thấy mình tìm cách xua
đuổi hoặc đàn áp nó - cố gắng trốn tránh, chống cự hoặc chối bỏ nó. Và phương
cách đối trị của ta ở đây cũng tương tự. Hãy theo dõi sự phát sinh của tư tưởng
hoặc cảm thụ khó chịu ấy. Ghi nhận trạng thái ghét bỏ đi kèm theo nó. Quán sát
xem nó kéo dài bao lâu và khi nào thì qua mất. Và rồi đem sự chú ý trở về với
hơi thở.
Hôn trầm
Hôn trầm có nhiều cấp bậc và cường độ khác nhau, nó bao gồm từ một chút uể oải
cho đến một trạng thái hôn mê, không còn biết gì hết. Ở đây, chúng ta nói về
một trạng thái của tâm thức, chứ không phải là của cơ thể. Buồn ngủ hoặc sự mệt
mỏi của cơ thể là những điều hoàn toàn khác hẳn và trong hệ thống phân loại của
Phật học thường được xếp vào những cảm thụ vật lý. Hôn trầm rất gần gũi với sự
ghét bỏ, vì nó là một cách khéo léo để tâm ta trốn tránh những vấn đề nào nó
cảm thấy khó chịu. Hôn trầm cũng giống như là ta tắt đi bộ máy tâm thức của
mình, làm lu mờ đi những tri giác và nhận thức của ta. Nó là một sự giả vờ ngu
ngốc như mình đang ngủ.
Kích động
Những trạng thái bất an và lo lắng là những biểu hiện của sự kích động trong
tâm. Tâm ta phóng nhảy khắp nơi, không chịu ở yên một chỗ. Bạn có thể cứ suy
đi, nghĩ lại loanh quanh chỉ có một vài vấn đề. Cái mạnh nhất ở đây là một cảm
thụ không an ổn. Tâm ta từ chối không chịu dừng yên ở bất cứ nơi nào. Nó chạy
nhảy không ngừng. Và phương thuốc cho tình trạng này cũng tương tự. Sự bất an
truyền đạt một cảm thụ đặc biệt đến tâm thức ta. Bạn có thể cho nó là có một
mùi vị hoặc một kết cấu đặc biệt nào đó. Gọi đó là gì đi chăng nữa, cảm giác
bất an ấy vẫn có những đặc tính riêng biệt mà ta có thể nhận diện được. Hãy tìm
nó. Khi bạn đã thấy nó, hãy ghi nhận sự có mặt của nó. Ghi nhận khi nào nó khởi
lên. Theo dõi xem nó kéo dài bao lâu, và khi nào chấm dứt. Và rồi trở lại với
hơi thở.
Nghi ngờ
Nghi ngờ cũng có một cảm giác cá biệt của nó trong tâm thức. Kinh điển Pali
diễn tả tâm trạng nghi ngờ rất hay. Nó cũng giống như cảm giác của một người bị
lạc lối hoang mang trong sa mạc, và anh ta đến một ngã tư đường không có bảng
chỉ dẫn. Nên đi theo lối nào đây? Không làm sao biết được. Và anh ta cứ đứng đó
phân vân mãi.
Một trong những hình thức nghi ngờ có mặt trong lúc ngồi thiền là những câu độc
thoại trong đầu, tương tự như thế này: “Tại sao mình lại cứ ngồi yên như thế
này để làm gì? Có thật sự ích lợi gì không chứ? Ồ! Nhất định là có rồi. Nó giúp
ích cho mình nhiều lắm. Trong sách nói như vậy mà. Không đâu, việc này thật là
điên rồ. Mất công sức, mất thì giờ thôi, chứ chẳng có ích lợi gì hết. Nhưng
không, mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Mình nói mình cố gắng học thiền, và mình
sẽ nhất định học thiền. Mà mình có cứng đầu quá không? Chẳng biết nữa. Mình
chẳng biết gì hết...” Đừng để bị rơi vào chiếc bẫy này. Nó cũng chỉ là một
chướng ngại mà thôi. Một làn hỏa mù của tâm thức, với mục đích không cho ta
nhìn thấy được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Muốn đối trị tâm
ngờ vực, ta chỉ cần ý thức được trạng thái thay đổi không yên này của tâm, như
là một đối tượng thiền quán. Đừng để bị kẹt trong chiếc bẫy ấy. Bước lùi lại và
nhìn nó cho rõ. Xem nó mạnh đến đâu. Xem khi nào nó đến và kéo dài bao lâu. Rồi
xem nó từ từ qua đi, và ta lại trở về với hơi thở.