Kinh An Trú Thanh Tịnh Trong Thời Gian Đi Khất Thực

10/10/201012:00 SA(Xem: 40103)
Kinh An Trú Thanh Tịnh Trong Thời Gian Đi Khất Thực

KINH AN TRÚ THANH TỊNH
TRONG THỜI GIAN ĐI KHẤT THỰC
(Thanh Tịnh Khất Thực Trú Kinh, Tạp A Hàm kinh 236)
Thích Đức Thắng dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong; cầm tọa cụ vào trong rừng, tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi từ đâu lại?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại.” 

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trụ thiền Không tam-muội[22].”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, hôm nay ngươi đã nhập thiền trú bậc thượng tọatọa thiền[23]. Nếu các Tỳ-kheo nào, muốn nhập thiền thượng tọa, thì phải học như vầy

“Khi vào thành, khi đi khất thực, hoặc lúc ra khỏi thành, thì phải tư duy như thế này: ‘Hôm nay mắt ta thấy sắc, có khởi lên dục, ân ái, ái lạc, niệm tưởng, đắm nhiễm không?’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo quán sát như vậy, nếu nhãn thức đối với sắc mà có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này vì để đoạn ác bất thiện nên phải phát khởi quyết ý tinh cần, có khả năng buộc chặt ý niệm để tu học. Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, vì muốn dập tắt hết lửa, nên phải phát khởi nỗ lực quyết tâm để dập tắt lửa. Tỳ-kheo này lại cũng phải như vậy, phải phát khởi quyết ý tinh cần, buộc chặt ý niệm để tu học

“Nếu Tỳ-kheo khi quán sát, hoặc ở giữa đường, hoặc đi khất thực ở trong làng xóm, hoặc đi ra khỏi làng xóm, ngay trong lúc đó mà nhãn thức đối với sắc không có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này ước nguyện bằng thiện căn hỷ lạc này, ngày đêm tinh cần cột niệm tu tập. Đó gọi là Tỳ-kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh. Cho nên kinh này gọi là Thanh tịnh khất thực trụ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

______________________________


BẢN DỊCH CỦA THẦY THÍCH NHẤT HẠNH:

Kinh An trú Thanh tịnh
trong Thời gian đi khất thực
Thích Nhất Hạnh dịch

(Thanh Tịnh Khất Thực Trú Kinh, Tạp A Hàm kinh 236)

Đây là những điều tôi được nghe trong thời gian Bụt ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc ở thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất, vào buổi sáng khoác y, ôm bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khất thực xong, thầy trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, mang tọa cụ vào rừng, thực tập tọa thiền buổi ban ngày. Sau đó, thầy Xá Lợi Phất xuất thiền, tới chỗ Đức Thế Tôn ở, làm lễ dưới chân Bụt, rút lui và ngồi xuống một bên, phía trước Đức Thế Tôn.

Lúc bấy giờ, Bụt hỏi thầy Xá Lợi Phất: “Thầy từ đâu tới đây?”

Thầy Xá Lợi Phất đáp: “Lạy Đức Thế Tôn, con vừa mới thực tập thiền tọa buổi ban ngày trong rừng. Thực tập xong, con tới đây.”

Bụt hỏi Thầy Xá Lợi Phất: “Trong buổi thiền tập hôm nay, thầy an trụ trong loại thiền định nào?”

Thầy Xá Lợi Phất trả lời Bụt: “Thế Tôn, con ở trong rừng, đi vào an trú trong pháp thiền định “không tam muội”.

Bụt bảo Thầy Xá Lợi Phất: “Hay lắm, hay lắm, Thầy Xá Lợi Phất. Đó là Thầy đang thực tập một loại thiền định cao cấp gọi là thượng tọa thiền.

“Này Xá Lợi Phất, nếu các vị tì khưu nào muốn đi vào thượng tọa thiền thì phải thực tập như sau:

“Trong khi đi vào thành phố để khất thực, hoặc trong khi đi ra khỏi thành phố, (vị khất sĩ) phải thực tập tư duy như sau: trong khi mắt tôi đang thấy sắc, thì tâm tôi có phát khởi dục tưởng (vào sắc ấy) hay không? Tôi đang có bị tâm niệm ân ái ràng buộc hay không?

“Này Xá Lợi Phất, nếu trong khi vị khất sĩ thực tập quán niệm như thế, mà thấy trong khi mắt đối sắc có tâm niệm ái nhiễm phát sinh thì vị khất sĩ ấy lập tức tìm cách đoạn trừ ngay tâm niệm ái nhiễm ấy, tâm niệm không có lợi lạc cho đường tu ấy. Vị khất sĩ ấy phải có thao thức tìm ra những phương pháp có thể giúp mình nắm lấy tâm ý mà tu tập (hệ niệm tu học).

“Ví như có một người kia biết là lửa đang cháy trên chiếc khăn chít đầu của mình, liền lập tức tìm mọi cách dập tắt ngọn lửa, vị khất sĩ cũng phải làm như thế, nổ lực tìm ra phương tiện để nắm lấy tâm ý mà tinh tiến tu học. Nếu vị khất sĩ đang đi trên đường, hoặc đang đi khất thực ở trong xóm làng, hoặc đang rời bỏ xóm làng mà biết phát khởi chánh niệm để quan sátnhận thấy rằng khi con mắt mình tiếp xúc với hình sắc, mà trong tâm mình không có sự nhiễm trước của ái niệm, thì vị khất sĩ này nên có ý nguyện gìn giữ gốc rễ tốt đẹp của cái niềm vui và cái hạnh phúc này để tinh cần nắm lấy tâm mình mà tu học ngày đêm. Như vậy vị khất sĩ này trong bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, thực tập được pháp tịnh hóa trong suốt thời gian đi khất thực. Ta có thể gọi kinh này là Kinh Thanh Tịnh Khất Thực.”

Bụt đã nói kinh này xong. Tôn giả Xá Lợi Phất nghe lời Bụt dạy vui mừng đem ra thực tập theo những lời ấy.

(Tạp A Hàm, kinh thứ 236)







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.