Thư Viện Hoa Sen

Kinh Bát Đại Nhân Giác

13/06/201012:00 SA(Xem: 83586)
Kinh Bát Đại Nhân Giác
KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC
Tổ An Thế Cao
Thượng tọa Thích Trí Thủ

 

Kinh Bát đại nhân giác này, nguyên bản dịch chữ Hán của Tổ An Thế Cao là kinh nhật tụng của mọi Phật tử. Lâu nay đã có vài vị phiên dịch ra Việt ngữ nhưng toàn văn xuôi, nay Thượng tọa Thích Trí Thủ lược dịch ra văn vần, bản ý của Thượng Tọa làm việc này là muốn cho hàng Phật tử được thuận tiện trong việc tụng niệm hằng ngày, để bồi bổ thân tâm, tăng phần phước trí. (LỜI TÒA SOẠN LIÊN HOA SỐ 4 VÀ 5 TRANG 30, NĂM 1958)

Làm người Phật tử ở đời
Đêm ngày tụng niệm những lời dạy khuyên
Tám điều giác ngộ kinh truyền
Ghi lòng tạc dạ tinh chuyên tu hành

Thứ nhất tâm thành giác ngộ
Cảnh thế gian quốc độ vô thường
Sắc, tâm, sanh diệt khôn lường
Tứ đại, ngũ uẩn, theo đường khổ, không.
Nguồn tội ác bởi lòng dục vọng
Nghiệp oan gia như bóng theo hình
Suy đi nghĩ lại cho tinh
Lần lần giải thoát tử sinh luân hồi.

Thứ hai là ghi lời giác ngộ
Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều
Dạt dào sanh tử bao nhiêu
Cũng vì tham dục mọi điều gây nên
Muốn sống đời bình yên tự tại
Hãy mở lòng quảng đại vô vi.

Thứ ba là nhớ ghi tâm trí
Lòng tham cầu như ý khó vừa
Chất chồng tội ác ngàn xưa
Cũng vì không chán, không chừa cầu mong.
Bậc Bồ tát giữ lòng biết đủ,
An phận nghèo quy củ tu hành
Trau dồi trí thức thông minh,
“Huệ là sự nghiệp” bình sinh đạo thường.

Thứ tư là nhớ đường giác ngộ
Lười biếng gây gốc khổ lầm than
Thường tu tinh tấn không ngần
Dẹp giặc phiền não ma quân phục tùng
Phá địa ngục muôn trùng kiên cố
Thoát thành sầu cùng khổ ấm, duyên.


Thứ năm giác ngộ cơ thiền
Ngu si là gốc nhân duyên mê lầm
Bậc Bồ tát chuyên tầm học vấn
Nghe thấy nhiều diệt tận nguồn mê
Khai thông tâm trí bồ đề
Biện tài thành tựu đề huề chúng sanh
Thường giáo hóa an lành tất cả
Ban nguồn vui hỷ xả cho nhau.

Thứ sáu là nhớ câu giác ngộ
Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều
Nợ oan vay trả bao nhiêu
Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay
Bậc Bồ tát ra tay bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Quên điều tội cũ thương phần khổ đau.

Giác thứ bảy thân dầu ở tục
Lòng thường vui ngũ dục tránh xa
Giữ gìn ba áo ca sa
Tay bưng bình bát yên hà vui say
Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ
Phẩm hạnh lành đức cả cao xa
Sao cho trong sạch lòng ta
Từ bi cứu thoát hằng hà chúng sanh.

Thứ tám là đinh ninh giác ngộ
Lửa tử sanh đau khổ vô cùng
Bồ đề tâm phát bao dung
Thề đều tế độ thoát vòng truân chuyên
Chúng sanh khổ lòng nguyền thay thế
Dầu lao đao chẳng kể chẳng phiền
Miễn cho muôn loại đều yên
Hoàn toàn giải thoát lên miền chân như.

Tám điều ấy lời chư Phật dạy
Bậc đại nhân như vậy tu hành
Đạo tâm tinh tấn chí thành
Giong thuyền lên bến vô sanh niết bàn.

Thừa nguyện lực nhân hoàn trở gót
Bể trầm luân cứu vớt sanh linh
Y theo tám việc thực hành
Tuyên dương tiếp dẫn siêu sinh giác đài
Ngộ tử sanh đêm dài đau khổ
Thoát năm trần siêu độ tâm linh

Là người Phật tử chân thành
Hằng ngày nhất niệm, phước sanh tội trừ
Đoạn sanh tử lên bờ giải thoát
Chứng bồ đề cực lạc huy hoàng
Cúi đầu lạy đấng Giác Hoàng
Cầu xin chứng giám đạo tràng từ bi.

Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật.


Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: