Kinh 17 Phi Ngã

02/12/20151:29 CH(Xem: 11433)
Kinh 17 Phi Ngã


KINH TẠP A-HÀM
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La 
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
Nhà xuât bản Phương Đông

KINH 17. PHI NGÃ

blankTôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, chắp tay bạch Đức Phật rằng:

“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngươi đã nói như vậy phải chăng?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn.”

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Này Tỳ-kheo, pháp nào không thích ứng đối với ngươi thì nên nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài.”

Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ!”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đối với những pháp đã được nói tóm tắt, ngươi hiểu rộng ý như thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài. Cho nên, bạch Thế Tôn, đối với pháp mà Thế Tôn đã nói tóm tắt con đã hiểu rộng nghĩa của nó như vậy.”

Đức Phật dạy:

“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đối với những pháp đã được nói tóm tắt của Ta, ông đã hiểu nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì sắc chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài.”

Sau khi vị Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung. Sau khi siêng năng tu tập, sống không buông lung, thầy tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được giải thoát.

(Trích từ Q1. Kinh Tạp A Hàmhttp://thuvienhoasen.org/p16a11438/4/tap-a-ham-quyen-1 )

Kinh liên quan:
Kinh Saṃyuktāgama 17: Bứng Gốc Và Buông Bỏ (Nguyên Giác)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.