Khái Quát Về Quá Trình Truyền Dịch Kinh Trung A-hàm

30/04/20206:26 SA(Xem: 8418)
Khái Quát Về Quá Trình Truyền Dịch Kinh Trung A-hàm

KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN DỊCH
KINH TRUNG A-HÀM

Chúc Phú

một trang kinh Trung A hàm, bản Đại Tạng kinh Vạn Lịch (1)
Một trang kinh Trung A hàm, bản Đại Tạng kinh Vạn Lịch

Tác phẩm Đại Đường Tây Vức ký của ngài Huyền Tráng đã ghi nhận rằng, có một số hậu duệ của dòng họ Thích Ca sau vương nạn Tỳ-lưu-ly đã thiên di đến một số quốc gia thuộc về khu vực phía Bắc Ấn Độ nói chung[1]. Trong số những hậu duệ tiêu biểu của dòng họ Thích Ca ở khu vực này có ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà (瞿曇僧伽提婆 - Gautama Saṃghadeva), vị Tôn giả đã góp phần giữ gìn và truyền dịch bản kinh Trung A-hàm hiện còn lưu lại đến hôm nay.

Tôn giả Cù-đàm Tăng-già-đề-bà người nước Kế-tân (罽賓), không những rất giỏi về luận A-tỳ-đàm tâm[2] mà còn quán thông cả Tam tạng[3]. Nơi ngài sinh trưởng thuộc nước Kế-tân, về sau được gọi  là Ca-thấp-di-la ( - Kashmir)[4], vốn là vùng đất Thánh của bộ phái Phật giáo Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda). Đồng thời, đây cũng là nơi sinh trưởng của những luận sư nổi tiếng thuộc Nhất thiết hữu bộ như ngài Tăng-già-bạt-đà-la (僧伽跋陀羅 - Saṁghabhadra) [5], ngài Sách-kiến-địa-la (索建地羅 - Skandhila)[6].

Vào giữa niên hiệu Kiến Nguyên (365-385) đời vua Tần Phù Kiên, ngài Tăng-già-đề-bà đến Trường An. Lúc bấy giờ, kinh Trung A-hàm đã được ngài Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提 - Dharmanadi) dịch sang Hán ngữ, ngài Đạo An và ngài Pháp Hòa cùng khảo chính. Tuy nhiên, việc khảo chính kinh Trung A-hàm chưa hoàn thành thì triều đại nhà Tần phải liên tục đối diện với những cuộc biến loạn của thân tộc dòng họ Mộ Dung (慕容)[7]. Khi nhà Tần diệt vong thì cũng vào năm đó, tức vào niên hiệu Thái Nguyên năm thứ 10, ngài Đạo An cũng viên tịch. Vì chiến loạn xảy ra liên miên và cũng do ngài Đạo An viên tịch nên việc khảo chánh bản kinh Trung A-hàm do ngài Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提 - Dharmanadi) dịch vẫn chưa thực hiện được.

Vốn là bạn đồng học với ngài Đạo An[8] và cũng là một trong những vị cao tăng cùng san định bản kinh Trung A-hàm do ngài Đàm-ma-nan-đề dịch, ngài Pháp Hòa () biết rõ về những điều bất cập trong những dịch phẩm kinh điển đời trước[9], trong số đó có cả kinh Trung A-hàm. Vì vậy khi ngài Tăng-già-đề-bà đến Trung Hoa thì ngài Pháp Hòa đã cùng vị Tôn giả này giảo chánh lại một số bộ kinh đã được dịch trước đó, nhưng vẫn chưa đủ duyên để dịch lại kinh Trung A-hàm[10].

Khi Ngài Tăng-già-đề-bà du hóa miền Giang Tả, lúc đó có vị cưtại gia với tước vị là Đông Đình Hầu, Thượng Thư Lệnh, Vệ Tướng Quân tên là Vương Nguyên Lâm (王元琳)[11] đã phát tâm hộ trì Phật Pháp. Vị cư sĩ này đã xây dựng tinh xá, cung thỉnh nhiều bậc cao tăng và đã cúng dường tứ sự liên tục nhiều năm. Trong số hơn 40 vị cao tăng được thỉnh cầu về tinh xá thì có ngài Thích Tuệ Trì (釋慧持)[12], vốn là pháp đệ ưu tú của ngài Tuệ Viễn và cũng là người giữ vai trò quan trọng trong việc san định kinh Trung A-hàm. Đặc biệt nhất là có ngài Tăng-già-la-xoa (), vị cao tăng cũng thuộc nước Kế-tân, chuyên về việc học thuộc lòng và trì tụng kinh điển, gọi là Kinh sư (經T01n0026_p0809b23║ 師- Bhāṇaka)[13].

Nhân duyên hội đủ, cư sĩ Vương Nguyên Lâm đã phát nguyện làm đại thí chủ của dịch trường dịch kinh Trung A-hàm, được thực hiện tại tinh xá của mình ở quận Đan Dương, Dương Châu, thuộc huyện Kiến Khang (建康). Trong dịch trường này, ngài Tăng-già-la-xoa tay cầm bản Phạn rồi tuyên đọc Phạn văn, ngài Tăng-già-đề-bà dịch sang Hán ngữ[14], Sa-môn người Dự Châu tên là Đạo Từ bút thọ[15], hai vị Lý Bảo và Khang Hóa người nước Ngô viết ra chữ Hán. Công việc dịch kinh Trung A-hàm được khởi đầu từ ngày mùng 10 tháng 11 năm Đinh Dậu, niên hiệu Long An năm đầu (năm 397) cho đến ngày 25 tháng 6 năm sau (năm 398) thì hoàn tất bản thảo. Bản dịch Trung A-hàm này gồm Năm tụng[16], 18 phẩm, 220 kinh được phân thành 60 quyển. Tuy nhiên, vào lúc đó thì đất nước lại xảy ra loạn lạc nên bản thảo chưa kịp giảo chánh, phải chờ mãi đến năm năm sau mới có thể giảo định để lưu truyền[17]. Bản kinh Trung A-hàm này là để bản duy nhất để chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới và cũng là để bản của những dịch phẩm tiếng Việt kinh Trung A-hàm.

Bản kinh Trung A-hàm hiện được giữ gìn trong Đại tạng kinh Đại chánh tân tu (ĐTK/ĐCTT) mang số hiệu 26 với tên người dịch sang Hán ngữ là ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà. Sự ghi nhận đặc thù này có lẽ xuất phát từ vai trò chủ yếu của ngài Tăng-già-đề-bà trong việc truyền dịch bản kinh. Vì lẽ, ngài Tăng-già-la-xoa tuy có công lao nhưng chỉ đóng vai trò là người trùng tụng bản Phạn ngữ. Một điểm đặc thù cần ghi nhận là bản dịch Trung A-hàm này được dịch trên cơ sở Phạn bản, chứ không phải được dịch từ sự học thuộc lòng như bản kinh Trường A-hàm do ngài Phật-đà-da-xá đã từng dịch trước đây. Cơ sở Phạn ngữ thể hiện bằng văn bản là một trong những tiêu chuẩn góp phần khẳng định tính chân thực của mọi bản kinh, mà ở đây chính là kinh Trung A-hàm.

Mãi đến ngày hôm nay, Phạn bản kinh Trung A-hàm về cơ bản vẫn chưa tìm thấy đầy đủ. Mặc dù vậy, vào đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ đã phát hiện trong một cổ tháp ở miền Đông Turkestan có nhiều phiến đoạn kinh điển và trong số chúng có hai phiến đoạn thuộc kinh Trung A-hàm. Hai phiến đoạn này thuộc về kinh số 133, tức kinh Ưu-bà-ly (優婆離經) và kinh số 170, tức kinh Anh Vũ (鸚鵡經) thuộc Trung A-hàm. Hai phiến đoạn này được ghi lại trên giấy với tự dạng Phạn ngữ thuộc ngữ hệ Gupta, gọi là Slanting Gupta[18]. Đáng chú ý là, nội dung kinh Anh Vũ thuộc Trung A-hàm cũng là một thể tài quan trọng trong nghệ thuật Phật giáo Gandhara. Vì lẽ, các nhà khảo cổ ở Pakistan ngày nay đã phát hiện nội dung bản kinh này cũng được thể hiện trên một bức phù điêu bằng đá, có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ ba[19]. Cũng bàn về vấn đề ngôn ngữ, tác giả Tân Đảo Tĩnh Chí (辛嶋静志 - Seishi Karashima), vị giáo sư hiện đang giảng dạy tại Đại học Soka, Nhật Bản, sau những tỉ giảo từ ba ngôn ngữ Sanskrit, Prakrit và Gandhari về một vài từ khóa trong kinh Trung A-hàm như: Di-hê (彌醯), Na-lợi-ương-già (那利鴦伽), A-di-la-bà-đề (阿夷羅婆提)… đã đi đến kết luận rằng, ngôn ngữ chủ yếu của kinh Trung A-hàm chính là Phạn ngữ chính thống (Sanskrit), được kết hợp với một vài yếu tố thuộc về ngôn ngữ  Prakrit và cả Gandhari[20].

Kinh Trung A-hàm hiện đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ở Việt Nam, dịch phẩm tiếng Việt đầu tiên của kinh Trung A-hàm phải kể đến là công trình của tập thể học Tăng thuộc Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang, được thực hiện dưới sự hướng dẫn và hiệu đính của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu. Bản dịch này đã được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức ấn hành vào năm 1992. Hơn mười bảy năm sau, bản kinh Trung A-hàm đã được Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch và chú, được nhà xuất bản Phương Đông ấn hành vào năm 2009. Đến năm 2013, thư quán Hương Tích đã tổ chức tái bản dịch phẩm này.

Có thể nói, so với kinh Trường A-hàm và kinh Tăng nhất A-hàm thì kinh Trung A-hàm có cấu trúc văn pháp với nhiều điểm đặc dị, nếu không nói là hơi khúc chiết, cô đọng hơn so với hai bộ kinh vừa nêu. Vì lẽ, có những cấu trúc Hán ngữ khá tối nghĩa trong kinh Trung A-hàm vẫn chưa được những dịch phẩm tiếng Việt hiện có giải mã hợp lý. Đơn cử cho những trường hợp đó, có thể điểm qua một số cấu trúc từ ngữ đặc thù như: Thích-ki-sấu (釋羇瘦); Như kỳ tượng (); Thí chủ đàn việt (施主檀越); Vũ bảo chi xa (寶羽之車); Chi-ly-di-lê (支離彌梨); Tiên dư tài chủ (仙餘財主); Ngũ dục công đức (五欲功德); Nhân, duyên, chánh, văn, hý ngũ cú thuyết (因, 緣, 正, 文, 戲 五句說); Bích Chi Phật (辟支佛); Nhược vương đại tượng, hoặc hữu thất bảo, hoặc phục giảm bát (若王大象,或有七寶,或復)… Trong ấn bản tiếng Việt kinh Trung A-hàm lần này, những cú ngữ vừa nêu phần lớn đã được giải thích thỏa đáng, dựa trên những tư liệu tham chiếu khả tín.

Từ gợi mở trong Lời giới thiệu dịch phẩm tiếng Việt kinh Trường A-hàm của cố HT.Thích Đức Nhuận, Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt nam, từ sự mong mỏi của chư tôn đức hữu tâm trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022; từ sự phát tâm của nhiều pháp hữu quan tâm đến sự nghiệp phiên kinh của Phật giáo nước nhà; hội đủ nhân duyên, Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, gọi tắt là Trung tâm Trí Tịnh, một tổ chức Phật giáo mang tính dân lập và tự nguyện đã được hình thành và đang tiến hành kiện toàn thủ tục pháp lý. Ngay từ cuối năm 2018, Trung tâm đã bắt tay vào san định, hiệu chú và dịch lại nhiều bản kinh chữ Hán đã được dịch sang tiếng Việt mà lựa chọn đầu tiên là bốn bộ A-hàm.  Bộ kinh Trung A-hàm được Trung tâm Trí Tịnh chọn làm để bản san định, đó là dịch phẩm do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành từ năm 1992. Căn cứ vào thành tựu từ những dịch phẩm kinh Trung A-hàm hiện có, gồm bản tiếng Việt[21], tiếng Trung[22], tiếng Anh[23]… nhưng trên hết vẫn là để bản Hán ngữ được lưu giữ trong ĐKT/ĐCTT; Trung tâm Trí Tịnh lấy bản Việt dịch kinh Trung A-hàm của Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang làm bản gốc, để kiện toàn bản dịch tiếng Việt lần này, cùng với sự cẩn trọng cao nhất có thể, tuân theo tôn chỉ xuyên suốt mà Trung tâm đã đề ra. Trong việc phân bổ nhân sự phụ trách hiệu chú kinh Trung A-hàm, Trung tâm Trí Tịnh đã phân công cho bảy vị Tăng, Ni thực hiện liên tục từ tháng 12 năm 2018 và đã hoàn tất vào tháng 5 năm 2020.

Như vậy, ngay từ ban đầu, kinh Trung A-hàm đã có những liên hệ nguồn cội với dòng họ Thích Cabộ phái Phật giáo Nhất thiết hữu bộ. Trải qua bao biến chuyển thịnh suy của thế cuộc, nhưng nguồn mạch của Phật giáo được gìn giữ trong bộ kinh này vẫn được lưu truyềntiếp nối. Xuyên qua vài nét chấm phá của lịch sử đã chứng tỏ rằng, sứ mạng giữ gìntruyền thừa kinh điển là một trong những sứ mạng vô cùng trân trọng và rất mực thiêng liêng. Chỉ xét riêng bản dịch tiếng Việt đầu tiên về kinh Trung A-hàm cũng đủ thấy sự cần mẫn, sự nỗ lực, sự kiên định của chư tôn đức tiền nhân đáng quý trọng muôn phần. Trong điều kiện nguồn tư liệu dùng để tham khảo bị hạn chế, trong bối cảnh những điều kiện phụ trợ cho việc dịch thuật còn khó khăn trăm bề, nhưng quý ngài đã hoàn thiện dịch phẩm kinh Trung A-hàm với nỗ lực cao nhất có thể. Trân trọng những cống hiến đó, Trung tâm Trí Tịnh nguyện nối gót tiền nhân, cố gắng làm sáng tỏ thêm những điều mà những bản dịch Trung A-hàm trước đây còn bỏ ngõ. Cũng chính vì vậyTrung tâm Trí Tịnh chỉ xem đây như là bản hiệu chú kinh Trung A-hàm, từ bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang.

Có sống với kinh điển mới phần nào hiểu được lời dạy của Đức Phật, có trầm tư vào kinh điển mới nhận ra sự khổ nhọc của bao thế hệ truyền dịch thời xưa. Bản hiệu chú kinh Trung A-hàm này, nếu như có được một phần công đức bé nhỏ, thì xin nguyện kính dâng lên chư Phật, chư Tổ, chư vị truyền dịch tiền nhân, những bậc đã tận hiến đời mình vì sự xương minh của Phật Pháp.

 



[1] 大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第六, 劫比羅伐窣堵國.

[2] A-tỳ-đàm tâm luận (阿毘曇心論), gồm bốn quyển, do ngài Tăng-già-đề-bà và ngài Tuệ Viễn cùng dịch tại Lô Sơn. Xem, 大正新脩大藏經第 28 冊 No. 1550 阿毘曇心論.

[3] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一.

[4] Theo, Câu-xá-luận ký (俱舍論記), quyển thứ hai.

[5] Tác giả luận Thuận chánh lý gồm 80 quyển. Xem, 大正新脩大藏經第 29 冊 No. 1562 阿毘達磨順正理論.

[6] Tác giả của luận Chúng sự phần Tỳ-bà-sa (眾事分毘婆沙論), tác phẩm này hiện nay vẫn chưa tìm thấy.

[7] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一, 曇僧伽提婆.

[8] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第五. Nguyên tác: 少與安公同學.

[9] 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第九, 中阿鋡經序第八. Nguyên tác: 並違本失旨名不當實, 依悕屬辭句T55n2145_p0063c26║味亦差. 良由譯人造次未善晉言故使爾耳. Xem thêm, 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第十[4], 僧伽提婆傳第十二. Nguyên tác: 方知先所出經多有乖失。T55n2145_p0099c13║歎恨未定.

[10] 大正新脩大藏經第 1 冊 No. 26 中阿含經, 卷第六十, 後出中阿含經記.

[11] 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第九, 中阿鋡經序第八. Nguyên tác: 尚書T55n2145_p0064a07║令衛將軍東亭侯優婆塞王元琳. Trong Cao tăng truyện, truyện ngài Tăng-già-đề-bà thì vị đại thí chủ này tên là Vương Tuần (珣).

[12] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第六, 釋慧持.

[13] 大正藏第 28 冊 No. 1548 論, 序; 大正藏第 23 冊 No. 1435 十誦律, 九十波逸提之十; 大正藏第 54 冊 No. 2125 南海寄歸內法傳. 卷第二, .

[14] 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一. Nguyên tác: 罽賓沙T50n2059_p0329a24║門僧伽羅叉執梵本.

[15] Nguyên tác: Dự Châu sa-môn Đạo Từ bút thọ (豫州沙門道慈T01n0026_p0809b28║ 筆受). Thực tế đã có sự nhầm lẫn ở dòng phụ chú kinh Trung A-hàm, quyển thứ nhất, khi ghi nhận rằng, người bút thọ là ngài Đạo Tổ (道). Hai bản dịch tiếng Việt kinh Trung A-hàm hiện có đều đi theo sự nhầm lẫn này. Cả ba bản Tống, Nguyên, Minh trong Hán tạng không ghi dòng này. Đọc lại Cao tăng truyện, quyển thứ sáu, truyện của ngài Đạo Tổ cũng không ghi nhận chi tiết ngài đảm trách bút thọ kinh Trung A-hàm. Trong khi đó, tác phẩm kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất Tam tạng ký Tập, quyển thứ chín, ở bài Tựa kinh Trung A-hàm, đã ghi rõ là ngài Đạo Từ chấp bút viết bài tựa này và cũng ghi rõ là chính ngài Đạo Từ bút thọ Trung A-hàm. Tác phẩm kinh lục Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ ba, cũng xác tín rằng, người bút thọ kinh Trung A-hàm, bản dịch của ngài Tăng-già-đề-bà chính là Sa-môn Đạo Từ, người Dự Châu.

[16] Bản dịch dịch Trung A-hàm này tụng suốt năm ngày, nên gọi là Năm tụng.

[17] 大正新脩大藏經第 1 冊 No. 26 中阿含經, 卷第六十, 後出中阿含經記.

[18] Rudolf Hoernlé. Manuscript Remains of Buddhist Literature Found in Eastern Turkestan: Facsimiles with Transcripts, Translation and Notes, Vol. 1. Oxford Clarendon Press. 1916, p.27; 46.

[19] Ihsan Ali - Muhammad Naeem Qazi. Gandharan Sculptures in the Peshawar Museum (Life Story of Buddha). Pakistan: Hazara University Mansehra NWFP, 2008, p.214.

[20] Seishi Karashima, The Underlying Language of the Chinese Translation of the Madhyama-āgama, Research on the Madhyama-Āgama, Dhammadinnā ed (2017). Taipei: Dharma Drum Publishing Co., p.205.

[21] Tiểu tạng kinh, Trung A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB.Phương Đông, 2009.

[22] 中阿含經譯註, 悟慈和尚譯述.

[23] Bhikkhu Analayo, Marcus Bingenheimer, Rodney S. Bucknell, Co-editors. (2013). The Madhyama Agama: Middle-length Discourses. BDK English Tripitaka, Berkeley, California: Bukkyo Dendo Kyokai America.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.