ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG
VIÊN GIÁC KINH LƯỢC GỈAI
Dịch giả: HT. Thích Giải Năng
Nhà xuất bản:
DỊCH NGHĨA
BÀI THỨ TƯ
DỊCH NGHĨA
3- CHƯƠNG PHỔ NHÃN
a2- Nói về bậc Địa tiền vào hạnh Địa thượng
b1- Lời thỉnh
Khi ấy, ở trong đại chúng ngài Phổ Nhãn Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, đi quanh bên hữu ba vòng, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn ! Mong Phật vì những chúng Bồ-tát ở trong hội này và vì tất cả chúng sanh đời mạt, giảng nói thứ lớp tu hành của Bồ-tát là: Làm sao tư duy? Làm sao trụ trì? Chúng sanh chưa ngộ làm phương tiện gì khiến cho hết thảy đều được khai ngộ?
Thưa Đức Thế Tôn ! Nếu chúng sanh kia không Chánh phương tiện và Chánh tư duy, nghe Phật Như Lai nói Tam muội này, tâm sanh mê muộn thì đối với Viên Giác không thể ngộ nhập. Mong Phật khởi lòng từ bi vì bọn chúng con và chúng sanh đời mạt, giả nói những pháp phương tiện”. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần.
b2- Lời hứa
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ngài Phổ Nhãn Bồ-tát rằng: “Quý thay ! Quý thay ! Này Thiện nam tử ! Như các ông mới có thể vì các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt, hỏi về thứ lớp tu hành, tư duy, trụ trì, cho đến giả nói các pháp phương tiện ở nơi Như Lai. Ông nay lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói”. Khi ấy, ngài Phổ Nhãn Bồ-tát vui mừng vâng lời dạy bảo cùng các đại chúng yên lặng mà nghe.
b3- Lời đáp
c1- Xa lìa Sự tướng vô minh
Này Thiện nam tử ! Những tân học Bồ-tát kia và chúng sanh đời mạt, muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh của Như Lai phải nên chánh niệm xa lìa các huyễn, trước y theo hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, giữ kỹ cấm giới, xử an đồ chúng, yên ngồi nơi tịnh thất; rồi hằng phải suy nghĩ như vầy: “Thân ta ngày nay đây, đều do bốn đại hòa hiệp, ấy là: Lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, cũng là chất bẩn đều thuộc về ĐẤT; nước miếng, nước mũi, máu, mủ, nước dãi, nước bọt, đờm, nước mắt, tinh khí, và vật tiểu tiện đều thuộc về NƯỚC; hơi ấm thuộc về LỬA; chuyển động thuộc về GIÓ; khi bốn đại chia lìa, thân hư giả ngày nay đây hiện ở chỗ nào? Như vậy liền biết: Thân này rốt ráo không có tự thể, hòa hiệp làm tướng, thật đồng huyễn hóa.
Bốn duyên giả hiệp vọng có sáu căn; sáu căn bốn đại, trong ngoài hiệp thành, vọng có duyên khí; trong ấy tích tụ như có duyên tướng giả gọi là Tâm.
Này Thiện nam tử ! Tâm hư vọng này, nếu không sáu trần thì không thể có. Bốn duyên rời rã, không một mảy trần có thể tìm được. Trong đây trần, duyên khi đều tan mất, rốt ráo không có duyên tâm có thể thấy được.
Này Thiện nam tử ! Vì huyễn thân của các chúng sanh kia diệt, nên huyễn tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt. Vì huyễn diệt cũng diệt, nên cái phi huyễn chẳng diệt. Thí như lau gương, bụi hết sáng hiện.
Này Thiện nam tử ! Phải biết thân tâm đều là cấu huyễn, tướng cấu hằng dứt, mười phương thanh tịnh.
Này Thiện nam tử ! Thí như Ma-ni bảo châu trong sáng, tùy phương đều hiện, ánh ra năm sắc. Những người mê muội cho ngọc Ma-ni thật có năm sắc.
Này Thiện nam tử ! Cũng thế, tánh thanh tịnh của Viên giác tùy mỗi loài mà ứng, hiện ra thân tâm, những người ngu si kia cho tánh Viên giác thanh tịnh thật có tự tướng thân tâm như thế. Do đây, họ không thể xa lìa được huyễn hóa, thế nên Ta nói là thân tâm cấu huyễn; đối với người xa lìa cấu huyễn, Ta gọi tên là Bồ-tát. Cấu hết đối trừ, tức không còn có đối cấu và gọi tên.
c2- Công năng tùy thuận Viên giác
d1- Nhờ Lý thành Sự
Này Thiện nam tử ! Những Bồ-tát đây và chúng sanh đời mạt, vì chứng được “Ảnh tượng các huyễn tận diệt”, nên lúc bấy giờ liền được sự thanh tịnh vô ngần, tánh giác rộng lớn như hư không được hiển phát. Vì tánh giác tròn sáng, nên hiển tâm được thanh tịnh; vì hiển tâm thanh tịnh, nên thấy trần được thanh tịnh; vì thấy trần thanh tịnh, nên Nhãn căn được thanh tịnh; Vì Nhãn căn thanh tịnh, nên Nhãn thức được thanh tịnh. Vì Thức thanh tịnh, nên nghe tiếng được thanh tịnh; vì nghe tiếng thanh tịnh, nên Nhĩ căn được thanh tịnh; vì Nhĩ căn thanh tịnh, nên Nhĩ thức được thanh tịnh. Vì Thức thanh tịnh, nên Giác trần được thanh tịnh; như thế, cho đến: Tỷ, Thiệt, Thân, Ý lại cũng như vậy.
Này Thiện nam tử ! Vì Căn thanh tịnh, nên Sắc trần được thanh tịnh; vì Sắc trần thanh tịnh, nên Thinh trần được thanh tịnh; Hương, Vị, Xúc, Pháp lại cũng như vậy.
Này Thiện nam tử ! Vì Sáu trần thanh tịnh, nên Địa đại được thanh tịnh; vì Địa đại thanh tịnh, nên Thủy đại được thanh tịnh; Hỏa đại, Phong đại lại cũng như vậy.
Này Thiện nam tử ! Vì Bốn đại thanh tịnh, nên Mười hai xứ, Mười tám giới, Hai mươi lăm hữu đều được thanh tịnh.
Vì những pháp kia thanh tịnh, nên Thập lực, Tứ vô sở úy, Tứ vô ngại trí, Mười tám pháp bất cộng của Phật và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều được thanh tịnh; như thế cho đến tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni tất cả đều được thanh tịnh.
Này Thiện nam tử ! Vì tánh của tất cả Thật tướng đều thanh tịnh, nên một thân thanh tịnh, vì một thân thanh tịnh nên nhiều thân thanh tịnh; vì nhiều thân thanh tịnh, như thế cho đến tánh Viên giác của chúng sanh trong mười phương đều được thanh tịnh.
Này Thiện nam tử ! Vì một thế giới thanh tịnh, nên nhiều thế giới được thanh tịnh; vì nhiều thế giới thanh tịnh; như thế, cho đến khắp cõi hư không, gồm hết ba đời, tất cả đều bình đẳng, thanh tịnh không động.
d2- Sự được Lý dung thông
Này Thiện nam tử ! Hư không bình đẳng không động như thế, nên biết Giác tánh bình đẳng không động. Vì bốn đại không động, nên biết Giác tánh bình đẳng không động. Như thế cho đến tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni bình đẳng không động, nên biết Giác tánh bình đẳng không động.
Này Thiện nam tử ! Vì Giác tánh cùng khắp thanh tịnh không động, viên mãn không ngằn mé, nên biết Sáu căn cùng khắp pháp giới; vì Căn cùng khắp, nên biết Sáu trần cùng khắp pháp giới; vì Trần cùng khắp, nên biết Bốn đại cùng khắp pháp giới; như thế cho đến môn Đà-la-ni cùng khắp pháp giới.
Này Thiện nam tử ! Do vì tánh Diệu giác kia cùng khắp, nên Căn tánh, Trần tánh không hoại không tạp, vì Căn Trần không hoại, như thế cho đến môn Đà-la-ni không hoại không tạp. Ví như trăm ngàn ngọn đèn chiếu sáng trong một căn nhà, ánh sáng của nó cùng khắp không hoại không tạp.
c3- Tướng Giác tâm thành tựu
Này Thiện nam tử ! Vì Giác thành tựu nên biết Bồ-tát chẳng cùng pháp trói buộc, chẳng cầu pháp cởi mở, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết-bàn, chẳng kỉnh người trì giới, chẳng ghét người phá giới, chẳng trọng kẻ quen lâu, chẳng khinh người mới học.
- Vì cớ sao?
- Vì tất cả đều là Giác tánh. Thí như ánh mắt (nhãn quan) nhận rõ cảnh trước, ánh sáng kia viên mãn không có ưa, ghét. Vì sao? Vì thể sáng không hai, nên không có sự ưa, ghét.
Này Thiện nam tử ! Những Bồ-tát đây và chúng sanh đời mạt tu tập tâm này được thành tựu, ở đây, không tu cũng không thành tựu, tánh Viên giác chiếu khắp, lặng dứt không hai; ở trong đó trăm ngàn muôn ức A-tăng-kỳ thế giới của Phật như cát sông Hằng không thể đếm hết, cũng như không hoa loạn khởi loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói không mở, mới biết chúng sanh bản lai thành Phật, sanh tử, Niết-bàn cũng như giấc mộng đêm qua.
Này Thiện nam tử ! Vì như giấc mộng đêm qua, nên biết sanh tử cùng với Niết-bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Nơi cảnh sở chứng, không được không mất, không lấy không bỏ; nơi người năng chứng, không Tác không Chỉ, không Nhậm không Diệt. Trong cảnh Chứng ấy, không năng không sở; rốt ráo không có cảnh chứng cũng không người chứng, tất cả pháp tánh bình đẳng không hoại.
b4- Lời kết
Này Thiện nam tử ! Những Bồ-tát kia tu hành như thế, thứ lớp như thế, tư duy như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế cũng chẳng mê muộn.
Bây giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này, nên nói kệ rằng:
Phổ Nhãn ông nên biết !
Tất cả các chúng sanh,
Thân tâm đều như huyễn.
Thân tướng thuộc bốn đại,
Tâm tánh thuộc sáu trần,
Thể bốn đại đều lìa.
Cái gì là hòa hiệp?
Thứ lớp tu như vậy,
Tất cả đều thanh tịnh,
Khắp pháp giới không động,
Không: Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt,
Cũng không người năng chứng,
Hết thảy thế giới Phật
Cũng như hoa hư không,
Ba đời đều bình đẳng,
Rốt ráo không lai khứ
Bồ-tát mới phát tâm,
Cùng chúng sanh đời mạt,
Muốn cầu vào Phật đạo,
Phải như thế tu tập.
CHÚ THÍCH
Khai ngộ: Khai Trí ngộ Lý, tức khai phá vô minh làm cho trí huệ phát sinh mới có thể hiểu biết được Chơn lý.
Chánh phương tiện: Phương tiện chơn chánh, tức không lạc vào Vô vi.
Chánh tư duy: (Sainkalpa, Pali: Saipapa): Suy nghĩ chơn chánh, tức là một trong tám thứ Thánh đạo. Khi đã thấy được chơn lý rồi còn cần phải suy nghĩ để cho chơn lý được tăng trưởng, dùng tâm vô lậu làm thể. Theo trong Kinh này thì: Không lạc vào vô vi là CHÁNH PHƯƠNG TIỆN, nhờ chánh phương tiện đoạn các vọng tưởng là CHÁNH TƯ DUY.
Mê muộn: Mê lầm. Phàm phu thì mê, Nhị thừa thì lầm. Phàm phu vì mê mà chấp có NGÃ, Nhị thừa vì lầm mà chấp có PHÁP. Vì chấp có ngã nên bị ngã tướng làm loạn, vì chấp có pháp (Niết-bàn) nên bị pháp tướng ngăn che, do đó không thể ngộ nhập được Viên giác. Cũng có chỗ nói: Mê thì bất giác, Muộn thì bất thông.
Tân học Bồ tát: Bồ-tát mới phát tâm học tập Phật đạo.
Xa-ma-tha (Samatha): Trung Hoa dịch là CHỈ, TỊCH TỊNH hay NĂNG DIỆT. Chỉ tức là ĐỊNH, có nghĩa là dứt hết các vọng tưởng.
Duyên khí: Duyên là Phan duyên hay Duyên lự; Khí là Khí phần (thuộc về vô hình) tức là cái khí phần hay duyên lự của tâm. Tâm này là do một phần khí chất từ trên Chơn tâm phát hiện.
Cũng có chỗ giải thích như sau: Duyên là các duyên, Khí là tập khí (vô hình), vọng tưởng. Duyên khí là sắc tâm hư vọng từ các duyên mà hiện.
Duyên tướng: Hành tướng Phan duyên, tức là chỉ cho cái tướng Duyên lự. Khi Căn, Trần, và Thức hòa hiệp thì ở trung gian vẫn sanh ra vọng tâm phân biệt, gọi đó là Duyên tướng.
Duyên tâm: Cái tâm Phan duyên sự vật (đeo theo cảnh vật mà phân biệt).
Ma-ni (Mani): Là một thứ ngọc báu. Trung Hoa dịch là Châu hay Như ý. Như ý tức là Như ý châu. Tiếng Phạn cũng viết là Cinta(mani. Thứ châu này sản sanh từ nơi Long vương hoặc từ bộ óc của một loài cá rất lớn dài đến hai mươi tám vạn dặm (lối 161.280.000m) có tên là Ma-kiệt. Ngọc này cũng do xá lợi của Phật biến thành. Vì ai được ngọc báu này thì muốn gì được nấy, nên gọi là Như ý châu.
Hiển phát: Phát hiện rõ ra.
Hiển tâm: Cái tâm biểu hiện ra bên ngoài.
Sắc trần: Trần cảnh thuộc về sắc tướng có thể thấy được. Trần có nghĩa là nhiễm ô, nên cái gì làm nhiễm ô chơn tánh đều gọi là Trần.
Thinh trần: Trần cảnh thuộc về âm thanh có thể nghe được.
Mười hai xứ: Là một trong Tam khoa (Tam khoa cũng gọi là Tam môn. Tam khoa là 5 ấm, 12 xứ và 18 giới). Tức là Sáu căn và Sáu trần.
Sáu căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn.
Sáu trần: Sắc trần, Thinh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần và Pháp trần.
Mười tám giới: Mười tám giới gồm có Sáu căn, Sáu trần và Sáu thức. Sáu căn và Sáu trần như trên đã biết rồi; còn Sáu thức là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Đức Phật vì hàng phàm phu chấp có thật ngã mà thành lập ra Tam khoa. Đối với hạng người mê tâm nhiều, mê sắc ít thì nói Ngũ uẩn để “Hiệp sắc khai tâm” mà đối trị. Đối với hạng người mê sắc nhiều mê tâm ít thì Đức Phật nói Thập nhị xứ để “Khai sắc hiệp tâm” mà đối trị. Còn đối với hạng người tâm sắc đều mê thì Đức Phật lại nói Thập bát giới để khai cả tâm sắc mà đối trị.
Hai mươi lăm
hữu: Riêng chữ Hữu có 4 nghĩa:
1- HỮU đối với KHÔNG và VÔ mà nói. Chữ Hữu ở trường hợp này có nghĩa là: Thật hữu, Giả hữu, và Diệu hữu. Ba đời thật có là Thật hữu; các pháp nhân duyên Y Tha là Giả hữu; Viên Thành thật tánh là Diệu hữu.
2- HỮU là một trong mười hai nhân duyên, HỮU ở đây có nghĩa là tạo nghiệp để dẫn dắt đến cái quả Vị lai. Do đó có tên là HỮU.
3- HỮU là tên của Quả, có nghĩa là nhân quả không mất. Như: Tam hữu (dị danh của Tam giới), Nhị thập ngũ hữu.
4- Do ngoại đạo chấp Thiền định và Thân Sở y của cõi Sắc và Vô sắc cho là giải thoát, vì muốn ngăn phá lối chấp này, nên gọi đó là HỮU, có ý nói cảnh giới ấy là cảnh giới sanh tử, có nhân có quả, chứ không phải là cảnh giới Chơn diệt (Niết-bàn chơn thật).
Hai mươi lăm hữu; người ta có thể tóm tắt trong bài tụng như dưới đây:
Tứ châu, Tứ ác thú : Có 8
Lục dục tinh Phạm thiên : Có 7
Tứ thiền, Tứ không xứ : Có 8
Vô tưởng cập Bất hoàn : Có 2
Tổng cộng : 25 hữu.
Lục dục có 14 Hữu:
- Bốn châu:
1- Nam Thiệm bộ châu
2- Đông Thắng thần châu.
3- Tây Ngưu hóa châu.
4- Bắc Cu lô châu.
- Bốn ác thú:
5- Địa ngục.
6- Ngạ quỷ.
7- Súc sanh.
8- A-tu-la.
- Sáu cõi dục:
9- Tứ Thiên vương thiên.
10- Đao Lợi thiên.
11- Dạ Ma thiên.
12- Đâu Suất đà thiên.
13- Hóa Lạc thiên (Lạc biến hóa thiên)
14- Tha Hóa tự tại thiên.
- Sắc giới có 7 Hữu:
15- Đại Phạm thiên (thuộc Sơ thiền)
16- Sơ thiền thiên.
17- Nhị thiền thiên.
18- Tam thiền thiên.
19- Tứ thiền thiên.
20- Tịnh Cư thiên (Bất Hoàn thiên)
21- Vô Tưởng thiên (thuộc Tứ thiền).
- Vô sắc giới có bốn Hữu:
22- Không vô biên xứ
23- Thức vô biên xứ.
24- Vô sở hữu xứ.
25- Phi tưởng phi tưởng xứ.
Thập lực: Là mười thứ Trí lực của Phật.
1- Tri giác xứ phi xứ trí lực: Xứ có nghĩa là Đạo lý. Trí lực biết được đạo lý và phi đạo lý của sự việc. Như: Làm thiện nghiệp thì được quả vui, ấy là thị xứ; còn làm ác nghiệp mà muốn được quả vui ấy là phi xứ.
2- Tri tam thế nghiệp báo trí lực: Trí lực biết được nhân quả, nghiệp báo trong ba đời của tất cả chúng sanh.
3- Tri chư thiền định giải thoát Tam muội trí lực: Trí lực biết được các thứ Thiền định, Bát giải thoát, Tam tam muội.
4- Tri chư căn thắng liệt trí lực: Trí lực đối với căn tánh cao, thấp của tất cả chúng sanh, được quả báo lớn, nhỏ đều biết một cách tường tận.
5- Tri chưởng chưởng giải trí lực: Trí lực biết được bao nhiêu trí giải của tất cả chúng sanh.
6- Tri chưởng chưởng giới trí lực: Trí lực biết được bao nhiêu cảnh giới của tất cả chúng sanh trong thế gian không đồng.
7- Tri nhứt thiết chí sở đạo trí lực: Trí lực biết tướng nơi đến của tất cả đạo. Như: Thực hành Ngũ giới, Thập thiện thì đến được cõi người và cõi trời; còn tu pháp Vô lậu của hàng Tam thừa thì sẽ đến được Niết-bàn.
8- Tri Thiên nhãn vô ngại trí lực: Trí lực dùng Thiên nhãn thấy chúng sanh sanh tử và thiện ác nghiệp duyên không bị chướng ngại.
9- Tri Túc mạng vô lậu trí lực: Trí lực biết mạng sống nhiều kiếp của tất cả chúng sanh và Niết-bàn vô lậu.
10- Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực: Trí lực biết đúng như thật đối với tất cả vọng hoặc, dư khí, dứt hẳn không còn sanh nữa.
Tứ Vô sở úy: Cũng gọi là Tứ vô úy, tức là bốn thứ tâm hóa tha không e sợ. Tứ vô sở úy có chia làm hai loại: Một của Phật và một của Bồ-tát.
Tứ vô sở úy của Phật:
1- Nhứt thiết trí vô sở úy: Đức Thế Tôn đối trong đại chúng, Ngài dùng lời lẽ như tiếng Sư tử nói: Ta là người Nhứt thiết chánh trí mà tâm không một chút sợ sệt.
2- Lậu tận vô sở úy: Đức Thế Tôn đối trong đại chúng, Ngài dùng lời lẽ như tiếng Sư tử nói: Ta đã đoạn hết tất cả phiền não mà tâm không một chút sợ sệt.
3- Thuyết chướng đạo vô sở úy: Đức Thế Tôn đối trong đại chúng, Ngài dùng lời lẽ như tiếng Sư tử, nói cái pháp đó chướng ngại đạo Niết-bàn mà tâm không một chút sợ sệt.
4- Thuyết lậu tận vô sở úy: Đức Thế Tôn ở trong đại chúng. Ngài dùng lời lẽ như tiếng Sư tử, nói Đạo hết khổ mà tâm không một chút sợ sệt.
Bốn tâm vô úy trên đây là y theo Trí Độ Luận mà giải thích; còn như trong Câu Xá Luận, quyển 27 thì nói rằng: Tứ vô sở úy của Phật như các Kinh rộng nói như sau:
1- Chánh đẳng giác vô úy.
2- Lậu vĩnh tận vô úy.
3- Thuyết chướng pháp vô úy.
4- Thuyết xuất đạo vô úy.
Tứ vô sở úy của Bồ-tát:
1- Tổng trì không quên nên nói pháp không sợ: Bồ-tát nghe và giữ gìn giáo pháp, ghi nhớ các nghĩa không hề quên sót, nên đối trong đại chúng nói pháp mà không chút sợ sệt.
2- Biết hết pháp dược, căn, dục, tâm, tánh của chúng sanh nên nói pháp không sợ: Pháp dược có hai nghĩa: Một là pháp dược thế gian, hai là pháp dược xuất thế gian. Căn, dục, tâm, tánh của chúng sanh có rất nhiều, Bồ-tát có thể biết rõ tất cả, nên ở trong đại chúng nói pháp mà không chút sợ sệt.
3- Khéo léo hỏi đáp và nói pháp không sợ: Bồ-tát đối với tất cả những kiến chấp khác nhau đều có thể đốn phá, tất cả Chánh pháp đều có thể thành lập, và dù cho vô lượng chúng sanh nhứt thời vấn nạn, Bồ-tát cũng có thể nhứt thời đối đáp, nên ở trong đại chúng nói pháp mà không chút sợ sệt.
4- Đầy đủ khả năng dứt các nghi ngờ cho người nên nói pháp không sợ: Chúng sanh vấn nạn Bồ-tát tùy ý hiểu biết mà nói pháp có thể khéo léo dứt các sự nghi ngờ của chúng sanh đúng như pháp. Nhờ tài năng này, nên ở trong đại chúng nói pháp mà không chút sợ sệt.
Tứ Vô ngại trí: Tứ Vô ngại trí còn gọi là Tứ vô ngại biện hay Tứ vô ngại giải, đây là Trí biện thuyết pháp của các bậc Bồ-tát. Nếu đứng về Ý nghiệp thì gọi là GIẢI; còn như đứng về Khẩu nghiệp thì gọi là BIỆN.
1- Pháp vô ngại: Danh, Cú, Văn thuộc về giáo pháp năng thuyên, gọi là Pháp. Bồ-tát đối với giáo pháp này không bị ngăn trệ, gọi là Pháp vô ngại.
2- Nghĩa vô ngại: Biết nghĩa lý của giáo pháp sở thuyên một cách thông suốt, gọi là Nghĩa vô ngại.
3- Từ vô ngại: Đối với lời nói, từ ngữ của từng địa phương, thảy đều thông suốt, gọi là Từ vô ngại.
4- Lạc thuyết vô ngại: Lạc thuyết vô ngại còn gọi là Biện thuyết vô ngại. Nhờ ba thứ trí ở trên vì chúng sanh vui vẻ thuyết pháp một cách tự tại, gọi là Lạc thuyết vô ngại.
Lại vì khế hợp với Chánh lý phát khởi lời nói không bị ngăn trệ, gọi là Biện vô ngại (Biện tức là lời nói không bị bế tắc).
Mười tám pháp Bất cộng: Mười tám pháp công đức này chỉ giới hạn trong vòng Phật vị không cùng chung với hàng Nhị thừa, Bồ-tát, nên gọi là pháp Bất cộng. Mười tám pháp Bất cộng là:
1- Thân vô thất: Vì Đức Phật từ vô lượng kiếp đến nay, thường dùng Giới, Định, Huệ và Từ bi để tu thân tướng của Ngài, công đức ấy được đầy đủ; tất cả phiền não đều dứt sạch, nên gọi là Thân vô thất.
2- Khẩu vô thất: Phật đủ vô lượng trí huệ, biện tài, nên pháp của Ngài nói ra đều tùy cơ nghi của chúng sanh mà làm cho được chứng ngộ, nên gọi là Khẩu vô thất.
3- Niệm vô thất: Đức Phật tu các pháp Thiền định đến chỗ vi diệu, đối với các pháp tâm không nhiễm trước, được sự an ổn của Đệ nhứt nghĩa, nên gọi là Niệm vô thất.
4- Vô dị tưởng: Đức Phật đối với tất cả chúng sanh bình đẳng độ hết, tâm không lựa chọn, không có một ý tưởng khác, nên gọi là Vô dị tưởng.
5- Vô bất định tâm: Bốn oai nghi của Đức Phật là Hành, Trụ, Tọa, Ngọa, luôn luôn không rời thắng định sâu nhiệm, nên gọi là Vô bất định tâm.
6- Vô bất tri dĩ xả: Đức Phật đối với tất cả pháp thảy đều hiểu biết tường tận, nhưng sau liền xả, không hề chấp trước một pháp nào, nên gọi là Vô bất tri dĩ xả.
7- Dục vô diệt: Đức Phật đầy đủ các pháp lành, thường muốn độ các chúng sanh mà tâm không bao giờ nhàm chán và cho là đủ, nên gọi là Dục vô diệt.
8- Tinh tấn vô diệt: Thân tâm của Phật đầy đủ tinh tấn thường độ tất cả chúng sanh không lúc nào ngừng nghỉ, nên gọi là Tinh tấn vô diệt.
9- Niệm vô diệt: Phật hòa hợp đầy đủ, không hề thối chuyển đối với pháp của chư Phật trong ba đời và tất cả trí huệ, nên gọi là Niệm vô diệt.
10- Huệ vô diệt: Phật đầy đủ trí huệ, không giới hạn, không cùng tận, nên gọi là Huệ vô diệt.
11- Giải thoát vô diệt: Đức Phật xa lìa tất cả chấp trước, đầy đủ hai thứ giải thoát: Một là Hữu vi giải thoát; hai là Vô vi giải thoát. Hữu vi giải thoát là sự giải thoát tương ứng với trí huệ vô lậu. Vô vi giải thoát là sạch hết tất cả phiền não, nên gọi là Giải thoát vô diệt.
12- Giải thoát tri kiến vô diệt: Phật đối với tất cả pháp giải thoát thấy biết rõ ràng, phân biệt không ngại, nên gọi là Giải thoát tri kiến vô diệt.
13- Nhứt thiết thân nghiệp tùy trí huệ hành: Đức Phật hiện ra các tướng thù thắng để hàng phục chúng sanh xứng với trí huệ mà diễn nói tất cả các pháp khiến cho hết thảy đều được giải thoát chứng nhập, nên gọi là Nhứt thiết thân nghiệp tùy trí huệ hành.
14- Nhứt thiết khẩu nghiệp tùy trí huệ hành: Đức Phật dùng lời lẽ thanh tịnh vi diệu theo trí huệ mà vận chuyển hóa đạo lợi ích cho tất cả chúng sanh, nên gọi là Nhứt thiết khẩu nghiệp tùy trí huệ hành.
15- Nhứt thiết ý nghiệp tùy trí huệ hành: Phật dùng ý nghiệp thanh tịnh tùy theo trí huệ mà vận chuyển vào trong tâm của chúng sanh, vì họ thuyết pháp để phá trừ màn vô minh si hoặc, nên gọi là Nhứt thiết ý nghiệp tùy trí huệ hành.
16- Trí huệ tri quá khứ thế vô ngại: Phật dùng trí huệ chiếu biết tất cả bao nhiêu đời quá khứ, hoặc pháp chúng sanh, hoặc pháp phi chúng sanh cùng khắp không bị chướng ngại, nên gọi là Trí huệ tri quá khứ thế vô ngại.
17- Trí huệ tri vị lai thế vô ngại: Phật dùng trí huệ chiếu biết tất cả bao nhiêu đời vị lai hoặc pháp chúng sanh, hoặc pháp phi chúng sanh cùng khắp mà không bị chướng ngại, nên gọi là Trí huệ tri vị lai thế vô ngại.
18- Trí huệ tri hiện tại thế vô ngại: Phật dùng trí huệ chiếu biết tất cả bao nhiêu pháp chúng sanh hoặc pháp phi chúng sanh đời hiện tại, cùng khắp mà không bị chướng ngại, nên gọi là Trí huệ tri hiện tại thế vô ngại.
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo: Cũng gọi là Ba mươi bảy phần Bồ-đề. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là:
Tứ niệm xứ có 4
Tứ chánh cần có 4
Tứ như ý túc có 4
Ngũ căn có 5
Ngũ lực có 5
Thất giác chi có 7
Bát chánh đạo có 8
Tổng cộng: 37 phẩm.
I- TỨ NIỆM XỨ: Bốn pháp quán sát nhớ nghĩ. Cựu dịch là Tứ niệm xứ, Tân dịch là Tứ niệm trụ. Về Tiểu thừa sau khi tu Ngũ đình tâm quán thì tu Tứ niệm xứ quán. Y nơi Ngũ đình tâm quán để dứt loạn tâm của hành nhơn, ấy là Xa-ma-tha (chỉ) ; y nơi Tứ niệm xứ để phát huy quán huệ của hành nhơn, ấy là Tỳ-bà-xá-na (quán). Bốn pháp Niệm xứ là:
1- Thân niệm xứ: Quán Thân là bất tịnh. Thân là do thân huyết nhục của cha mẹ sanh ra, trong và ngoài thân đầy dẫy ô uế, không một chỗ nào là sạch sẽ, nên phải quán Thân bất tịnh.
2- Thọ niệm xứ: Quán Thọ là khổ. Thọ là cảm thọ khổ và vui. Vui từ nơi nhân duyên khổ mà sanh rồi lại sanh ra khổ và vui. Ở thế gian này không có cái vui chơn thật, nên phải quán Thọ là khổ.
3- Tâm niệm xứ: Quán Tâm là vô thường. Tâm là Tâm thức, tức là Nhãn thức v.v… niệm niệm sanh diệt không có lúc nào thường trụ, nên quán Tâm là vô thường.
4- Pháp niệm xứ: Quán Pháp là vô ngã. Pháp đây là trừ pháp ở trên là Thân, Thọ và Tâm, ngoài ra đều bao gồm hết thảy. Pháp không có tánh tự chủ tự tại, nên quán Pháp là vô ngã.
Ở đây là y cứ trên một Khổ đế mà tu Tứ niệm xứ. Khổ đế y nơi thân của chúng ta có bốn nghĩa: Thân, Thọ, Tâm, Pháp nên phải y cứ trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp mà quán Bất tịnh, Khổ, Vô thường, Vô ngã, để thứ lớp phá bốn thứ điên đảo là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên chỉ có bốn xứ mà không thêm không bớt. Bốn xứ này dùng Huệ làm thể; sức của Huệ có thể khiến cho ghi nhớ nơi pháp sở quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp, nên gọi là Niệm xứ. Lại: Sức của Huệ có thể khiến cho Niệm trụ ở nơi pháp sở quán, nên gọi là Niệm trụ.
II- TỨ CHÁNH CẦN: Cũng còn có những tên như sau: Tứ ý đoạn, Tứ chánh đoạn, Tứ chánh thắng. Một lòng siêng năng thực hành bốn pháp này, nên gọi là Tứ chánh cần; có thể dứt tâm biếng nhác, nên gọi Tứ chánh đoạn; đối với việc sách tấn Thân, Ngữ, Ý trong đường chơn chánh, bốn pháp này rất là thù thắng, nên gọi là Tứ chánh thắng. Bốn pháp siêng năng chơn chánh này là pháp được tu hành kế sau Tứ niệm xứ. Bốn pháp siêng năng chơn chánh là:
1- Đối với việc ác đã sanh, phải siêng năng trừ diệt.
2- Đối với việc ác chưa sanh, phải siêng năng khiến cho không sanh.
3- Đối với việc thiện chưa sanh, phải siêng năng làm cho sanh.
4- Đối với việc thiện đã sanh, phải siêng năng làm cho tăng trưởng.
III- TỨ NHƯ Ý TÚC: Đây là hạnh phẩm tu tập kế sau Tứ chánh cần, tức là bốn thứ Thiền định. Ở trước, trong Tứ niệm xứ là tu về Thật trí huệ, trong Tứ chánh cần là tu về Chánh tinh tấn. Như vậy, Tinh tấn và Trí huệ được tăng nhiều mà định lực thì yếu kém. Nay được bốn thứ định để nhiếp tâm thì Định và Huệ bằng nhau, việc mong muốn đều được, nên gọi là Như ý túc, lại cũng gọi là Thần túc.
Như ý là tùy ý muốn mà được, tức Thân như ý thông trong Lục thông. Lục thông là cái quả của định sanh ra. Chữ TÚC nghĩa là chỗ nương; chữ THAÀN là đức linh diệu. Cái QUẢ như ý của Lục thông là nương nơi bốn thứ định này mà phát khởi, nên gọi bốn thứ định này là TÚC. Lại vì bốn thứ định này là chỗ nương sanh ra Quả đức linh diệu, nên cũng gọi là TÚC.
Danh mục của bốn thứ Như ý túc này có nhiều thuyết khác nhau:
Theo trong Trí Độ Luận và Pháp Giới Thứ Đệ thì: Dục, Tinh tấn, Tâm, Tư duy.
Trong Phụ Hành quyển bảy thì: Dục, Tinh tấn, Nhứt tâm, Tư duy. Hai thuyết này đồng nhứt. Còn trong Câu Xá thì: Dục, Cần, Tâm, Quán và trong Tứ Giáo Nghi thì: Dục, Niệm, Tâm và Huệ.
Nay đây, căn cứ theo sự giải thích của Câu Xá Quang Ký (quyển 25) để giải thích bốn thứ định này. Theo trong đây thì y cứ trên Gia hạnh mà lập danh:
1- Dục thần túc: Dục (mong muốn) ở nơi vị Gia hạnh mà khởi ra định, nương nhờ sức của Dục, nên Định dẫn phát mà khởi ra Dục thần túc.
2- Cần thần túc: Ở nơi Gia hạnh vị siêng năng tu tập định này, nhờ sức siêng năng, nên Định được dẫn phát mà khởi ra Cần thần lúc.
3- Tâm thần túc: Ở nơi Gia hạnh vị, nhứt tâm chuyên trụ, nhờ sức của Tâm nên Định dẫn phát mà khởi ra Tâm thần túc.
4- Quán thần túc: Ở nơi Gia hạnh vị quán sát Chơn lý, nhờ nơi sức Quán dẫn phát mà khởi ra Quán thần túc.
Trong Vị gia hạnh tuy có nhiều pháp, nhưng bốn pháp này rất là thù thắng, nên phải từ nơi bốn pháp này mà đặt tên.
IV- NGŨ CĂN: Căn có nghĩa là Năng sanh và Tăng thượng. Nhân Nhãn căn của mắt mà có sức mạnh sanh ra Nhãn thức thì gọi là Nhãn căn. Nhân nơi Tín có sức sanh ra thiện pháp khác thì gọi là Tín căn. Tánh của con người có sức sanh ra thiện, ác, tác nghiệp (phi thiện phi ác) thì gọi là Căn tánh.
Ngũ căn có hai loại: Một là Căn của Ngũ thức, hai là Căn của Tín v.v… Ngũ căn trong Ba mươi bảy phẩm Trợ đạo thuộc loại thứ hai.
1- Tín căn: Tín về Tam bảo và Tứ đế.
2- Tấn căn: Tấn căn còn gọi là Cần căn. Là dũng mãnh tu Thiện pháp.
3- Niệm caên: Ghi nhớ Chánh pháp.
4- Định căn: Khiến cho tâm chuyên chú ở một cảnh mà không bị tán động.
5- Huệ căn: Tư duy chơn lý.
Năm pháp này là nguồn gốc sanh ra tất cả thiện pháp khác, nên gọi là Ngũ căn. Năm căn này, chúng ta thấy nói ở Trí Độ Luận quyển 19, Pháp Giới Thứ Đệ quyển trung, Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 4.
Theo trong Câu Xá Luận nói, thì: “Trong tất cả pháp thanh tịnh Tín v.v… Năm căn có cái dụng tăng thượng, nhờ thế lực này mà hàng phục được các phiền não, dẫn sanh Thánh đạo”.
V- NGŨ LỰC: Là do Ngũ căn tăng trưởng tạo thành năng lực đối trị Ngũ chướng, nên gọi là Ngũ lực.
Nếu đứng về phương diện tu tập thì gọi là Ngũ căn, còn đứng về phương diện đối trị thì gọi là Ngũ lực.
1- Tín lực: Tín căn tăng trưởng có năng lực diệt trừ được các Tà tín.
2- Tấn lực: Tấn căn tăng trưởng có năng lực diệt trừ được sự giải đãi của thân.
3- Niệm lực: Niệm căn tăng trưởng có năng lực phá trừ được các Tà niệm.
4- Định lực: Định căn tăng trưởng có năng lực phá trừ được các loạn tưởng.
5- Huệ lực: Huệ căn tăng trưởng có năng lực phá trừ được Hoặc trong Tam giới.
VI- THẤT GIÁC CHI (Saptabodhyanga): Thất giác chi cũng gọi là Thất giác phần hay Thất Bồ-đề phần. Chữ Giác có nghĩa là Giác liễu hay Giác sát (rõ biết hay xét biết). Những pháp này làm cho Trí và Huệ được quân bình, nên gọi là Đẳng giác. Giác pháp này có chia ra làm bảy thứ, nên gọi đó là Chi hay là Phần. Bảy Giác chi là:
1- Trạch pháp giác chi: Dùng Trí huệ để lựa chọn các pháp chơn thật và hư giả.
2- Tinh tấn giác chi: Dùng tâm dũng mãnh xa lìa hạnh tà, tu các pháp chơn.
3- Hỷ giác chi: Tâm được pháp lành sanh ra vui mừng.
4- Khinh an giác chi: Chi này theo trong Chỉ Quán và Pháp Giới Thứ Đệ còn gọi là TRỪ GIÁC CHI, nghĩa là đoạn trừ sự nặng nề ray rứt của thân, tâm; làm cho thân, tâm được nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, an ổn và thư thái.
5- Niệm giác chi: Thường ghi nhớ rõ ràng ở nơi Định và Huệ không để quên mất, làm cho Định, Huệ được quân bình.
6- Định giác chi: Làm cho tâm trụ ở một cảnh không bị tán loạn.
7- Hành xả giác chi: Buông bỏ những điều lầm lộn và tất cả pháp, giữ tâm bình thản, không nhớ lại cảnh đã qua. Đây chính là tâm sở thuộc về Hành uẩn, nên gọi là Hành xả.
Bảy pháp này, nếu khi tâm của hành giả bị xao động thì có thể dùng ba Giác chi: Trừ (khinh an), Xả và Định mà nhiếp phục nó, còn như khi tâm bị hôn trầm (buồn ngủ, tâm thần mờ ám) thì nên dùng ba chi: Trạch pháp, Tinh tấn, và Hỷ phát khởi nó. Riêng Niệm giác chi thì luôn luôn ghi nhớ về Định và Huệ, nên không thể phế bỏ một giây phút nào. Vì vậy, trừ Niệm giác chi ra, sáu chi kia theo sự cần thiết, Hành giả tùy nghi chọn dùng. Nhờ bảy pháp này mà Hành giả chứng được quả Vô học.
VII- BÁT CHÁNH ĐẠO ((ryama(rga, Pali: Ariyamagga): Bát chánh đạo cũng gọi là Bát chánh đạo phần. Câu Xá Luận thì gọi là Bát Thánh đạo chi. Chữ THÁNH nghĩa là CHÁNH. Nếu ai đi theo con đường này sẽ xa lánh được những thiên chấp, tà vạy, nên gọi là CHÁNH ĐẠO. Lại vì đây là Đạo của bậc Thánh, nên cũng gọi là THÁNH ĐẠO.
Theo trong Huyền Ứng Âm Nghĩa, Bát Thánh đạo còn gọi là: Bát du hành, Bát đạo hành, Bát trực hành, Bát trực đạo, danh từ tuy khác nhưng chỉ là một. Bát chánh đạo tức là tám con đường chơn chánh. Tám con đường chơn chánh là:
1- Chánh kiến (Smyak Drsti, Pali: Samma( Ditthi. Chữ: Samyak và Samma( có nghĩa là CHÁNH): Thấy biết chơn chánh, tức là thấy rõ được lý Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Dùng Huệ vô lậu làm Thể. Huệ là cột trụ của tám thứ Thánh đạo này.
2- Chánh tư duy (Samyak Samkalpa, Pali: Samma( Samkappa): Suy nghĩ chơn chánh. Đã thấy được lý Tứ đế rồi, còn phải tư duy để cho chơn trí được tăng trưởng. Dùng Tâm vô lậu làm Thể.
3- Chánh ngữ (Samyak Va(c, Pali: Samma( Va(ca(, Sama(-Va(ca(): Lời nói đúng Chánh pháp, tức là dùng Chơn trí tu Khẩu nghiệp, không nói tất cả những lời phi lý. Dùng Giới vô lậu làm Thể.
4- Chánh nghiệp (Samyak Karma(nta, Pali: Samma( Kammanta): Nghề nghiệp chơn chánh, tức là dùng Chơn trí trừ tất cả những nghề nghiệp không chánh đáng, an trụ nơi thân nghiệp thanh tịnh. Dùng Giới vô lậu làm Thể.
5- Chánh mạng (Samyak (jiva, Pali: Samma( (jiva): Đem thân mạng sống theo Chánh pháp, tức là giữ Thân, Khẩu, Ý cho được thanh tịnh, thuận với Chánh pháp mà sống, xa lìa năm pháp tà mạng. Dùng Giới vô lậu làm Thể.
6- Chánh tinh tấn (Samyak Vya(ya(ma, Pali: Samma( Va(ya(ma): Siêng năng chơn chánh, tức là phát cái dụng Chơn trí tu đạo Niết-bàn. Dùng Cần vô lậu làm Thể.
7- Chánh niệm (Samyak smrti, Pali: Samma( Sati): Ghi nhớ chơn chánh. Dùng Chơn trí ghi nhớ Chánh đạo, không cho Tà niệm xen vào. Dùng Niệm vô lậu làm Thể.
8- Chánh định (Samyak Sama(dhi, Pali: Samma( sama(dhi): Thiền định chơn chánh. Dùng chơn trí để nhập Thiền định vô lậu. Dùng Định vô lậu làm Thể.
Tu tám pháp này dứt hết tà phi, nên gọi là CHÁNH; đến được Niết-bàn, nên gọi là ĐẠO.
Trong đây, tám pháp đều nói là Vô lậu, tức là không thể do theo Hữu lậu mà tu đến kết quả viên mãn được.
Thất giác chi là pháp hạnh của bậc Tu đạo, còn Bát chánh đạo là pháp hạnh của bậc Kiến đạo.
Tám muôn bốn ngàn môn Đà la ni: Vì có tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao, nên đối lại có tám muôn bốn ngàn (84.000) pháp môn: Vì tám muôn bốn ngàn trần lao mỗi mỗi đều thanh tịnh, nên có tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni thanh tịnh.
Số tám muôn bốn ngàn chỉ là con số tổng quát để chỉ cho số lượng rất nhiều của người Ấn Độ, cũng như người Việt Nam, khi muốn nói đến con số quá nhiều thì thường nói là: Ba vạn, cả ngàn hay trăm ngàn vậy. Người Ấn Độ khi chỉ số lượng quá nhiều của sự vật thì họ thường dùng con số “Bát vạn”. Như muốn nói đến số nhiều của phiền não thì nói là: “Tám muôn bốn ngàn trần lao”; pháp môn nhiều thì nói: “Tám muôn bốn ngàn pháp môn”; Núi Tu-di quá cao thì nói: “Tám muôn bốn ngàn do-tuần”. Sự thọ mạng lâu dài của người ở cõi trời Phi phi tưởng thì nói: “Tám muôn bốn ngàn tuổi…”
Tánh Diệu giác: Là một trong sáu chủng tánh, tức là Diệu cực giác mãn, chính là Phật quả. Có nghĩa là Giác hạnh viên mãn một cách cùng cực vi diệu.
Căn tánh: Tánh của căn. Nguồn gốc phát sanh ra khí lực gọi là Căn; tập quán của thiện ác gọi là Tánh. Theo trong Phụ Hành quyển hai thì giải thích rằng: “Năng sanh là CĂN; Tập quán là TÁNH”.
Trần tánh: Tánh của trần. Tất cả pháp và mọi việc trong thế gian là TRẦN, bản chất nhiễm ô gọi là TÁNH.
ĐẠI Ý
Chương này, ngài Phổ Nhãn muốn Đức Phật mở bày môn phương tiện để khai ngộ cho hàng Tân học Bồ-tát và chúng sanh trong đời mạt pháp, nên đứng lên thưa hỏi về thứ lớp tu hành, Tư duy và Trụ trì của Bồ-tát để cho chúng sanh có thể từ bậc Địa tiền tiến tu vào bậc Địa thượng.
LƯỢC GIẢI
Chương Văn Thù là đứng về hàng căn cơ tối thượng, đốn ngộ, đốn siêu tức là không sanh tử lưu chuyển. Chương Phổ Hiền lại cũng nêu người tu Đại thừa: Biết huyễn tức là ly huyễn chẳng cần đến phương tiện, tiệm thứ, cho thấy ý của Kinh này là độ cơ tại đốn. Và Như huyễn Tam muội ở chương trước nói cũng là Hạnh của bậc Địa thượng Bồ-tát, hàng sơ tâm khó mà theo kịp. Biết được như thế, ngài Phổ Nhãn khéo léo quán sát căn tánh của chúng sanh, thương xót kẻ Tân học nên mở lời thưa hỏi ở chương này để cho những Bồ-tát Địa tiền có thể vào hạnh Địa thượng.
Đoạn b1, từ câu: “Khi ấy ở trong… đến …bạch Phật rằng” là tỏ bày nghi thức thưa hỏi.
Từ: “Đại bi Thế Tôn… đến …đều được khai ngộ” là lời thưa hỏi của ngài Phổ Nhãn thỉnh Phật mở bày cái hạnh tiệm thứ, để giải thích cái nghĩa “Giác tướng thanh tịnh viên chiếu” Nguyên vì chương Văn Thù ở trước nói thẳng rằng: “Biết là Không hoa thì không luân chuyển cũng không thân tâm thọ sanh tử kia”. Chương Phổ Hiền nói: “Biết huyễn tức Ly, không làm phương tiện, ly huyễn tức Giác cũng không tiệm thứ”. Đó là Đốn ngộ nhứt tâm, tức thời Đốn chứng chẳng theo lộ trình, chẳng cần tu hành chỉ có một chữ BIẾT mà thôi. Như vậy, chỉ có người thượng thượng căn mới có thể theo kịp, nhưng chúng sanh trong thời mạt pháp thượng căn thì ít; trung, hạ lại nhiều, nếu không tu hành thì trường lưu sanh tử, nếu tu hành mà không Chánh phương tiện thì không có cửa ngõ để vào, nếu không có thứ lớp thật khó mà thành công. Hỏi về Tư duy chính là hỏi về công phu hạ thủ tu tập Chỉ quán của hàng sơ tâm; Trụ trì là phép tắc an tâm, cả hai đều là phương tiện khai ngộ.
Trong câu hỏi, ngài Phổ Nhãn chỉ nêu lên: “Những chúng Bồ-tát và những chúng sanh đời mạt” mà không nói đến người tu Đại thừa là ý muốn chỉ cho kẻ sơ tâm, cốt để hỏi về thứ lớp tu hành, tư duy, trụ trì và giả nói phương tiện. Ý ngài Phổ Nhãn muốn hỏi rằng: “Những Tân học Bồ-tát khi nghe nói đến cảnh giới Viên giác này tư duy quan sát như thế nào mới được thuần thục? An trụ, thọ trì như thế nào mà chẳng bị lay chuyển?”.
Theo ý hỏi trên, ta có thể tóm tắt như sau: “Nếu những người đối với cảnh giới Viên giác này chưa được khai ngộ phải làm những phương tiện gì khiến cho họ được khai ngộ?”.
Trong đây ta thấy ý của ngài Phổ Nhãn muốn khai ngộ luôn cho hàng Trung căn và Hạ căn, chứ không chỉ riêng cho những bậc Thượng thượng căn mà thôi.
Từ câu: “Thưa Đức Thế Tôn… đến …đối với Viên giác không thể ngộ nhập” là Bồ-tát tỏ bày cái ý quyết hỏi về thứ lớp phương tiện là tất yếu. Ba chữ: “Chúng sanh kia” là chỉ cho những Tân học Bồ-tát ở trong hội này và những kẻ sơ tâm trong thời mạt pháp. Ý đoạn trên nói rằng: “Những Tân học Bồ-tát và chúng sanh đời sau vừa nghe Phật nói: Bồ-tát tu hành Như huyễn Tam muội là phải xa lìa tất cả cảnh giới huyễn hóa hư vọng, chẳng làm thứ lớp phương tiện” thì những người căn cơ tối thượng hẳn nhiên có thể ngộ nhập, nhưng đối với những người mới phát tâm nếu không có Chánh phương tiện và Chánh tư duy e cho khi nghe nói đến pháp Tam muội này tâm lại sanh ra mờ mịt buồn chán. Do vì buồn chán, nên không thể ngộ nhập được Viên giác.
Từ câu: “Mong Phật khởi lòng từ… đến …giả nói pháp phương tiện” là lời tỏ bày cái ý sau câu hỏi để nói lên lòng tha thiết thỉnh cầu ở trong chỗ không phương tiện quyền biến nói ra pháp phương tiện, nên nói rằng: “Giả nói pháp phương tiện.”
Đoạn b2, là Đức Thế Tôn hứa đáp ba vấn đề: Tư duy, Trụ trì và Giả nói các pháp phương tiện đã nêu ở trong câu hỏi trước.
Đoạn b3, Đức Phật chính thức đáp lời hỏi của ngài Phổ Nhãn và Ngài rất chú trọng đến phương tiện tu hành. Trong đoạn này có chia làm ba tiểu đoạn là:
Đoạn c1, nói về Sự tướng vô minh. Trong đoạn này mặc dù câu hỏi không có nêu rõ những hạng người nào, nhưng Đức Phật vẫn biết ý ngài Phổ Nhãn Bồ-tát là nhắm vào hàng Tân học, nên Ngài đáp ngay rằng: “Những Tân học Bồ-tát kia”.
Từ câu: “Muốn cầu tâm Viên giác… đến …yên ngồi nơi tịnh thất” là Đức Phật nói về thứ lớp tu hành. Ý nói rằng: Những hàng Sơ học người nào muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh, trong việc tu hành điều cốt yếu là phải LY HUYỄN. Do vì Ly huyễn tức Giác, nên phải Chánh niệm, Chánh niệm tức là Vô niệm. Nói: “Các huyễn” chính là chỉ cho huyễn cảnh (thân tâm) ở chương trước nói.
Về thứ lớp thì trước phải y theo hạnh Xa-ma-tha của Như Lai; kế đó giữ gìn cấm giới; thứ nữa là An xử đồ chúng; rồi đến yên ngồi nơi tịnh thất.
Xa-ma-tha tức là CHỈ. Chỉ là ngăn dứt. Ngoài là dứt ác hạnh, trong thì dứt tán tâm. Xa-ma-tha là cái hạnh ở nơi Nhơn địa của tất cả chư Phật, nên gọi là HẠNH XA MA THA CỦA NHƯ LAI, chính là Xa-ma-tha của Đại thừa vậy.
Giới cấm là Ngũ giới, Bát quan trai giới cho đến Tỳ-kheo và Bồ-tát giới, hành tướng rất phức tạp, không thể nói hết. Đại khái là phải giữ kỹ những giới nào mà mình đã thọ, không cho trái phạm. Đồ chúng là chỉ cho những người theo học gần gũi. An xử là không để cho họ quấy rầy làm bận rộn. Tịnh thất là nơi xa hẳn tất cả sự ồn ào, không phải như chỗ ở tầm thường. Chuẩn bị đầy đủ mọi việc như trên, bấy giờ mới có thể yên ổn mà tấn tu Thiền quán.
Từ câu “Rồi hằng phải suy nghĩ như vầy… đến …không có Duyên tâm có thể thấy được” là Phật trả lời về Tư duy: Trước quán thân, sau quán tâm.
Câu: “Rồi hằng phải suy nghĩ như vầy” là nương thể văn trên mà nói xuống văn dưới; tức là khi ở yên nơi tịnh thất, tức nhiên phải quán sát suy xét thân tâm đều là hư giả.
Từ câu: “Thân ta ngày nay… đến …thật đồng huyễn hóa” là chỉ rõ về quán Thân. Thử đem thân thể của một con người ra để phân tích quán sát toàn bộ, ta sẽ thấy: Những chất cứng thuộc về ĐẤT, những chất lỏng thuộc về NƯỚC, hơi ấm thuộc về LỬA, biến động thuộc về GIÓ. Như vậy toàn bộ cơ thể con người đều thuộc về bốn đại, rốt lại thân này thuộc về Đại nào? Hoàn toàn không có tự thể, nó chỉ là bốn đại hòa hiệp mà có ra tướng trạng hư vọng; nên nói rằng: “Hòa hiệp làm tướng thật đồng huyễn hóa”.
Từ câu: “Bốn duyên giả hiệp… đến …không có Duyên tâm có thể thấy được” là nói rõ về quán Tâm. Nói “bốn duyên giả hiệp, vọng có sáu căn” là vì bốn đại làm duyên mà có sáu căn hư vọng; Sáu căn ở trong, bốn đại ở ngoài giữa khoảng giao tiếp đó, tạo thành một thứ tập khí kinh nghiệm, nên nói rằng: “Trong ngoài hiệp thành vọng có Duyên khí”.
Thứ Duyên khí này tích tụ ở bên trong ta cảm thấy mơ hồ như có cái trạng thái Năng duyên, cái trạng thái Năng duyên này, người ta gọi nó là Tâm, tức là Đệ lục Ý thức, nên nói rằng: Trong ấy tích tụ như có Duyên tướng giả gọi là TÂM.
“Tâm hư vọng này” là chỉ cho Đệ lục Ý thức, Đệ lục Ý thức cùng với Sáu căn và Sáu trần đối nhau mà khởi, nếu không có Trần làm Sở duyên tức không có cái tâm Năng duyên, nên nói rằng: “Nếu không Sáu trần thì không thể có”. Lại quán sát Sáu trần thì chỉ thấy do tứ đại giả hiệp, nếu tứ đại rã rời thì Trần kia không phải có, nên nói rằng: “Bốn duyên rời rã không một mảy trần có thể tìm được”. Một khi trần cảnh Sở duyên đều trở về nơi tán diệt, thì rốt lại cái Năng duyên cũng không thể có, nên nói rằng: “Rốt ráo không có Duyên tâm có thể thấy được”.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Vì huyễn thân của các chúng sanh… đến …phi huyễn chẳng diệt”, là Phật trả lời về TRỤ TRÌ. Từ đoạn này đến hết phần Trường hàng của bổn chương là nói về công hạnh của Bồ-tát sau khi nhập địa tu hành.
Tư duy là Tư sở thành huệ; Trụ trì là Tu sở thành huệ. Chữ KIA trong câu “Các chúng sanh kia” là chỉ cho người muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh. Nếu y theo THỨ LỚP và TƯ DUY v.v… đã nói ở trước để tu tập thuần thục, thì lần lần có thể KHÔNG được cái tướng Ngã Pháp, đó là “Tùy thuận Viên giác”. Những chúng sanh kia có thể như trước đã nói quán thân vô thể, đồng với huyễn hóa rồi an trụ nhậm trì trong cảnh giới như huyễn này, thì cái huyễn của thân sẽ không, nên nói rằng “Huyễn thân diệt”. Duyên tâm y trên Sáu căn mà thân đã diệt, thì Duyên tâm không thể tìm thấy, nên nói rằng: “Vì huyễn thân diệt, nên huyễn tâm cũng diệt”. Trần thác gá nơi tâm mà hiện, nếu Tâm diệt thì Trần cũng không tồn tại, nên nói rằng: “Vì huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt”. Đối với Trần mà nói Diệt, khi Trần diệt rồi thì cái Diệt kia cũng không dùng, nên nói rằng: “Vì huyễn trần diệt, nên cái huyễn diệt kia cũng diệt”. Đến đây thì một pháp cũng không thành lập mà cái tướng của pháp cũng không. Như thế, từng lớp từng lớp diệt huyễn, mỗi bước mỗi bước Trụ trì. Cái huyễn diệt đã diệt tức là pháp pháp đều chơn, vì chơn nên chẳng diệt, do đó mới nói rằng: “Vì huyễn diệt đã diệt, nên cái phi huyễn chẳng diệt”. Đến đây, Phật đưa ra thí dụ để cho chúng ta nhận được rõ ràng:
Bụi hết là dụ cho các huyễn tận diệt ; sáng hiện là dụ cho cái phi huyễn chẳng diệt. Chữ “Thân tâm” ở trong đoạn này là chỉ cho bốn lớp: Thân, Tâm, Trần, Diệt ở văn trước nói. Cái huyễn của bốn lớp cũng như bụi của gương, nên nói rằng: “Phải biết thân tâm đều là cấu huyễn”. Khi bốn lớp diệt hết thì không có chỗ nào là không thanh tịnh, nên nói rằng: “Tướng cấu hằng dứt, mười phương thanh tịnh”.
Mặc dù Phật đã đưa ra thí dụ gương và bụi để chỉ rõ cái huyễn của vô minh, nhưng vẫn còn e cho chúng sanh hiểu lầm cái tâm Viên giác thanh tịnh thật có cái thật tánh vô minh, nên tiếp theo Phật đưa ra thí dụ thứ hai để chỉ rõ. Viên giác vốn thanh tịnh, huyễn cấu vọng sanh. Nếu đem dụ hợp pháp thì cái ý nghĩa tàng ẩn kia sẽ được thấy rõ.
Bảo châu tùy phương ánh hiện ra năm sắc là dụ cho Viên giác tùy loại ứng hiện ra năm căn. Tùy loại là chúng sanh thọ thân tâm ngũ ấm ở trong đạo nào thì tùy đó mà ứng hiện ra ảnh tượng thân tâm ở đạo ấy.
Ma-ni không có tướng năm sắc là dụ cho Viên giác không có tự tướng thân tâm năm ấm.
Thế mà người ngu chấp cho là thật có, tức là không thể hiểu rõ được huyễn hóa hư vọng, lại chấp ngã pháp, vì thế thường ở trong huyễn hóa không thể ra khỏi, nên nói rằng: “Do đây họ không thể xa lìa được huyễn hóa”.
Từ câu: “Thế nên Ta nói… đến …và gọi tên” là lời kết thúc để chỉ rõ Viên giác vốn thanh tịnh. Ý nói rằng: Vì chúng sanh ngu si kia vọng chấp cái tướng thân tâm, nên nói thân tâm là cấu huyễn. Cấu huyễn thì có thể đối trị và xa lìa. Nếu ai có thể đối trị và xa lìa được cấu huyễn tức nhiên gọi người ấy là Bồ-tát. Nếu như cấu huyễn diệt hết, thì việc đối trị cũng phải trừ, chẳng khác nào bệnh hết thì thuốc cũng dẹp. Nghĩa là việc đối trị, xa lìa cấu huyễn cũng không còn mà người đối trị, xa lìa cấu huyễn cũng không còn gọi tên. Vì Diệu tâm Viên giác vốn không tất cả.
Đoạn c2, là chỉ bày về công năng do tu hành Chỉ quán mà được tùy thuận Viên giác. Trong đoạn này có chia làm hai tiểu đoạn:
Đoạn d1, là nói về cái tướng Viên chiếu, tức là Giác tướng thanh tịnh (Sự tướng) phải nương nhờ nơi Lý thể là Tâm thể Diệu viên tức là Tâm thể chơn không mà được thành tựu.
“Những Bồ-tát đây và chúng sanh đời mạt” là chỉ cho những người đối trị, xa lìa cấu huyễn cho đến khi cấu hết đối trừ ở văn trước nói. Câu: “Chư huyễn diệt ảnh tượng” trong văn chữ Hán phải đọc là “Chư huyễn diệt ảnh tượng tận diệt”. Nghĩa là: Ảnh tượng các huyễn tận diệt, tức là khi chứng được ảnh tượng các huyễn diệt hết thì được sự thanh tịnh cùng cực. Thanh tịnh là không cấu huyễn. Trước thì chỉ nhận cái hư không mông lung vô tận kia, nay thì Giác tánh đã hiển phát, chuyển thành thanh tịnh tròn sáng, nên nói rằng: “Tánh giác rộng lớn như hư không đã được hiển phát.” Ở đây chính là đem cái tâm vô minh trên Căn bản trí cải tạo trở thành cái tâm Giác ngộ Viên minh, tức là Căn bản vô phân biệt trí thân chứng Chơn như Lý thể; tiêu Sự tướng mà hiển Lý tánh.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Những Bồ-tát… đến …như hư không được hiển phát” là nói về phần Tướng của Viên giác; còn sau đoạn này là rộng dẫn tất cả pháp để hiển bày cái Tánh thanh tịnh, bình đẳng không động của nó.
Từ câu: “Vì Giác tánh tròn sáng… đến …Tỹ, Thiệt, Thân, Ý cũng lại như vậy” là tiếp ý đoạn văn trước nói rằng: Các huyễn hằng dứt, tức là Giác tánh được tròn sáng, nếu đã tròn sáng thì sẽ được thanh tịnh cùng cực; mà hễ nói Giác tánh được tròn sáng tức là đã chứng tỏ rằng: Tâm này xưa nay vốn thường thanh tịnh, chẳng phải dùng duyên ảnh làm tướng, nên nói rằng: “Vì Giác tánh tròn sáng, nên Hiển tâm được thanh tịnh”. Nếu như tâm đã thanh tịnh, thì thấy, nghe, hay, biết nương nơi tâm phát khởi cũng trở thành thanh tịnh. Do đây suy rộng ra: Sáu căn là chỗ nương gá của thấy, nghe, hay, biết và Sáu thức do Sáu căn phát khởi cũng đều thanh tịnh.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Vì Căn thanh tịnh… đến …hai mươi lăm hữu được thanh tịnh” là nói: Vì Sáu căn đã thanh tịnh thì Sáu trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp là đối tượng của Căn cũng phải thanh tịnh; Sáu trần do bốn đại mà có, nếu Sáu trần đã trở thành thanh tịnh rồi, thì bốn đại tất nhiên cũng trở thành thanh tịnh; mà bốn đại đã thanh tịnh thì những XỨ là Căn, Trần cũng như GIỚI là Căn, Trần và Thức do bốn đại tạo thành và suy cùng đến Hai mươi lăm hữu, là chỗ nương của chúng sanh trong ba cõi, cũng đều thanh tịnh. Hai mươi lăm hữu, chỉ là con số ước lược đưa ra để gồm nói tất cả pháp thế gian vậy.
Từ câu: “Vì những pháp kia thanh tịnh… đến …tất cả đều được thanh tịnh” là thừa tiếp ý đoạn văn trước, đoạn văn trước nói rằng: “Vì Giác tánh được tròn sáng, nên Hiển tâm được thanh tịnh”. Vì tâm thanh tịnh mà hiển bày tất cả các pháp thế gian thanh tịnh. Xét kỹ thì các pháp thế gian đều y nơi nhiễm duyên, nay vì Giác tánh hiển bày ra nó nên trở thành thanh tịnh, tức là y nơi Lý tánh thanh tịnh của Chơn như mà mỗi mỗi pháp không pháp nào là không thanh tịnh.
Chữ KIA trong câu: “Vì những pháp kia thanh tịnh” là chỉ các pháp thế gian ở văn trên. Các pháp thế gian đã y nơi Giác tánh là Chơn như lý tánh mà trở thành thanh tịnh, thì các pháp xuất thế gian dù Nhân dù Quả, hẳn nhiên là phải thanh tịnh, nên trong đoạn văn này đề cử Thập lực cho đến môn Đà-la-ni để kết luận: Tất cả pháp thảy đều thanh tịnh.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Vì Tánh của tất cả Thật tướng… đến …thanh tịnh không động” là lời tổng kết để thấy rằng nhờ nơi Lý tánh mà Sự tướng được thành tựu.
Chữ “Tất cả” trong câu trên là chỉ cho các pháp thế gian và xuất thế gian ở văn trước.
Xét ra khi từ Căn bản trí chứng Chơn như lý, Sự tướng tiêu dứt Lý tánh hiển bày thì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều lấy Chơn như làm Thật tướng. Tánh của Chơn như thanh tịnh, nên tất cả Thật tướng đồng ở trong Chơn như, tánh nó cũng thanh tịnh. Do vì tánh của tất cả Thật tướng thanh tịnh, nên y báo, chánh báo đồng một Thật tướng thì tánh nó cũng thanh tịnh, do đó văn Kinh nói rằng: “Một thân nhiều thân, cho đến mười phương chúng sanh; một thế giới, nhiều thế giới cho đến tận cõi hư không, gồm hết ba đời thảy đều thanh tịnh”.
BÌNH ĐẲNG là đứng về không gian mà nói. Nghĩa là tất cả pháp tận cõi hư không đồng quy về một tánh thanh tịnh, mới là Chơn tịnh chứ không phải là TỊNH đối với NHIỄM mà nói, nên nói là Bình đẳng.
BẤT ĐỘNG là đứng về thời gian mà nói. Nghĩa là tất cả các pháp suốt trong ba đời đều là thường tịnh, nên nói là Bất động.
Đoạn d2, là nói về Sự Lý dung thông để giải thích về Lý Sự vô ngại và Sự Sự vô ngại.
Ở trước từ câu: “Chứng được ảnh tượng các huyễn tận diệt…” là y Lý mà thành Sự, tức y nơi Vô phân biệt trí mà chứng Chơn như Lý tánh cũng chính là để rộng thành tựu tất cả pháp thế gian và xuất thế gian: Y báo, chánh báo bình đẳng thanh tịnh và không động ; còn từ câu: “Này Thiện nam tử ! Hư không bình đẳng… đến …nên biết Giác tánh bình đẳng không động” là “Tiêu Sự hiển Lý, khiển Tướng chứng Tánh”, tức là rộng nêu tất cả pháp để chỉ rõ Giác tánh bình đẳng không động.
Vì hư không, thế giới và chúng sanh nhân mê Giác tánh mà có, nay tất cả pháp hiệp với Giác tánh thì tất cả đều bình đẳng lặng dứt không hai, nên nói là không động. Đây là triệt tiêu tất cả pháp, chính là cái nghĩa của KHÔNG QUÁN vậy. Do vì SỰ quy về LÝ, nên Lý biến mãn thì Sự cũng theo đó mà biến mãn.
Nói Hư không và Tứ đại tức là Ngũ đại là để gồm nói hết các pháp thế gian.
Câu: “Bình đẳng không động như thế” là tiếp ý văn trước nói tất cả pháp bình đẳng không động. “Như thế cho đến…” là lời nói tắt lược, ý nói biến lập tất cả pháp thế gian và xuất thế gian cho đến tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni hết thảy đều bình đẳng không động để hiển bày Giác tánh bình đẳng không động, tức là đem mỗi mỗi Sự để hiển Lý Chơn như.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Vì Giác tánh cùng khắp… đến …như thế cho đến môn Đà-la-ni cùng khắp pháp giới” là chỉ bày Lý Sự vô ngại.
Đã y Lý để thành Sự, rồi lại tiêu Sự mà hiển Lý, bây giờ thì Sự tùy Lý biến, tức muốn nói rằng: Sự y Lý mà thành tựu, nhưng Lý đã biến mãn thì Sự cũng theo Lý mà biến mãn, để hiển bày Lý Sự vô ngại.
Giác đã hiển phát trong cõi hư không vô biên kia trọn suốt ba đời bình đẳng không động, nên biết Giác tánh cùng khắp Pháp giới mà Căn, Trần và Bốn đại cho đến tám muôn bốn ngàn Đà-la-ni đều lấy Chơn như thật tánh làm tánh, đó chính là Giác tánh, nên mỗi mỗi pháp đều cùng khắp Pháp giới. Một pháp có cùng khắp mà các pháp khác không hề bị ẩn một, nên hễ một pháp cùng khắp, thì các pháp khác cũng cùng khắp không chướng ngại nhau, nên mỗi mỗi pháp đều viên mãn không ngăn ranh giới. Đó là Lý Sự vô ngại pháp giới vậy.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Do vì tánh Diệu giác… đến …không hoại không tạp” là nói Sự Sự vô ngại.
HOẠI là như nước, lửa, trắng, đen tranh lấn lẫn nhau. TẠP là như lúa, gạo, cát, đá lẫn lộn vào nhau. Có Hoại, có Tạp là không còn tánh chất biến mãn vô cùng tận. Nay đây muốn nói rằng: Do vì cái tánh chất cùng khắp, tròn đầy không cùng tận của Giác tánh, không bị hoại tạp theo thường tình, mà Căn tánh, Trần tánh, cũng như Giác tánh cùng khắp, tròn đầy không cùng tận nên không Hoại không Tạp. Suy rộng ra cái tánh của Đà-la-ni cũng không Hoại không Tạp.
Cái tánh không Hoại không Tạp này không thể đem cái tâm sở tầm thường mà suy cứu đến được; cũng không thể dùng lời nói phổ thông mà phô diễn được, nên Đức Phật đem trăm ngàn ngọn đèn cùng chiếu để thí dụ.
Trăm ngàn ngọn đèn là dụ cho mỗi mỗi pháp; ánh sáng là dụ cho pháp biến mãn; nhà dụ cho pháp giới; nhiều ánh sáng đều tràn đầy trong nhà là dụ cho mỗi mỗi pháp đều cùng khắp pháp giới. Mỗi mỗi ánh sáng lẫn nhiếp lẫn nhập, lẫn dung lẫn biến, đó là cái nghĩa không Hoại không Tạp, cũng chính là cảnh giới Bất tư nghì Tánh tướng không hai, tức là Sự Sự vô ngại pháp giới vậy.
Đoạn c3, là nói nhờ dụng công theo thứ lớp tu tập Chỉ quán mà Giác tướng thanh tịnh được thành tựu.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Vì Giác thành tựu… đến …không sự ưa ghét” là nói Nhứt tâm lặng dứt, bình đẳng không hai, chính là chỉ bày Giác tướng thanh tịnh. Vì trói mở, ghét ưa v.v… đều là hai tướng, đó là do vô minh vọng kiến mà chúng ta thấy có hai tướng, nay đã viên chiếu thì tất cả đều Giác, nên không có hai tướng.
Nhãn quan đối trong tám thức nó là hiện lượng; đối với các căn nó là Viên chiếu (chiếu cảnh trong đệ nhứt sát-na không khởi phân biệt), nên đem dụ cho cái thể của Viên giác khắp chiếu không hai.
Câu: “Vì Giác thành tựu” là gồm ý văn trước nói về thứ lớp quán tu thành công mà được ngộ nhập Diệu tâm Viên giác.
(Nếu đứng về Gia hạnh vị, khi quán nhập Căn bản trí thì tiêu vong Sự tướng hiển bày Lý thể; khi phát khởi Hậu đắc trí thì chứng được Lý Sự vô ngại pháp giới; khi được Tánh Tướng không hai, thì chứng được Sự Sự vô ngại pháp giới)
Bồ-tát thành tựu được Diệu tâm Viên giác thì chứng biết được Giác tánh thanh tịnh mà bình đẳng không động; cùng khắp mà không Hoại không Tạp, nhờ vậy nên hiểu suốt các pháp đều không, do đó mà chẳng cùng pháp trói buộc, chẳng cầu pháp cởi mở. Cùng pháp trói buộc như phàm phu bị các pháp làm cho dời đổi; trói buộc bao vây chẳng được tự do tự tại. Cầu pháp cởi mở là cầu pháp giải thoát của hàng Nhị thừa. Sanh tử, Niết-bàn chỉ là giả danh đối lập. Bồ-tát rõ Lý sanh tử tức không, nên biết Niết-bàn cũng chẳng thật có, do đó mà không chán không ưa. Trì giới, hủy phạm chỉ là sức dụng công khác biệt; quen lâu, mới học cũng chỉ do nhân duyên sớm muộn mà thôi.
Bồ-tát chứng được Giác tánh tất cả bình đẳng, nên không kỉnh không ghét, không trọng không khinh. Đó là cái nghĩa Bát bất, hàng thiển thức khó mà thông đạt.
Xét ra, chẳng cầu pháp cởi mở tức là cùng pháp trói buộc; chẳng cùng pháp trói buộc tức cầu pháp cởi mở cho đến sanh tử, Niết-bàn, trì giới, hủy phạm, quen lâu, mới học tự nó vẫn khác, thì làm sao tất cả đều bình đẳng được ư ! Nhưng do vì Bồ-tát thành tựu được Giác tánh không hai, nên đối với tất cả đều bình đẳng.
Trong thí dụ: Ánh mắt (nhãn quan) là dụ cho Giác tánh; cảnh trước là dụ cho tất cả pháp; nhận rõ là chỉ cho ánh mắt chiếu vật khi tâm thức chưa khởi phân biệt. Trong khi ấy, ánh mắt viên mãn, màu sắc tốt xấu tùy cảnh mà hiện, chẳng theo sự suy nghĩ đắn đo, do đó không có sự ưa ghét. Còn thể sáng không hai không có sự ưa ghét là nói: Không có hai tướng, nên không có tất cả sự phân biệt.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Những Bồ-tát đây… đến …như giấc mộng đêm qua” là giải thích thêm về cái tướng lặng dứt khắp chiếu của Viên giác để hiển bày sự chứng ngộ rốt ráo cùng cực của Nhứt tâm. Vì trong Như Lai tạng vốn không có các tướng mê ngộ, sanh tử, khứ lai. Sanh tử, Niết-bàn đều là việc trong giấc mộng vô minh, nay giấc mộng vô minh đã được phá vỡ quay nhìn lại việc đã qua cũng như giấc mộng vừa tàn.
“Tâm này” là chỉ cho tâm Viên giác thanh tịnh, “Những Bồ-tát đây và chúng sanh đời mạt” là chỉ cho những người tu tập “tâm này”. Tu tập tâm Viên giác thanh tịnh được thành tựu tức là tu Quán thành công. Nghĩa là từ Gia hạnh trí vào Căn bản vô phân biệt trí. “Ở đây” là ở tâm Viên giác thanh tịnh chính là lúc Căn bản trí chứng Chơn như tâm. Ở trong đó không thấy cái Hạnh có thể tu, nên nói rằng: “Không tu”; không thấy cái Quả có thể chứng, nên nói rằng: “Cũng không thành tựu”. Nhân vì Căn bản trí chẳng phải đợi tạo tác, nghĩa là tâm Viên giác chẳng phải đợi tu chứng mới thành tựu. Duy là một tâm Viên giác thanh tịnh thuần nhứt. DỤNG thì chiếu khắp TÁNH thì lặng dứt, lại không một pháp nào riêng khác, nên nói rằng: “Tánh Viên giác chiếu khắp lặng dứt không hai”. “Ở trong đó” là ở trong tâm Viên giác. “Trăm ngàn muôn ức A-tăng-kỳ thế giới của Phật như cát sông Hằng không thể đếm hết” là một danh số giả lập để chỉ cho con số quá nhiều không thể tính đếm được. Ý nói rằng: “Quán những thế giới nhiều không thể tính đếm kia tràn đầy trong cõi hư không vô tận ở trong tâm Chơn như chẳng khác nào không hoa tùy duyên hiện khởi không có tự tánh, nên nói rằng: “Loạn khởi loạn diệt”. Những thế giới ấy không phải tức Giác tâm, cũng chẳng phải rời tâm, chẳng phải từ trước có trói buộc, chẳng phải nay mới cởi mở, nên nói rằng: “Chẳng tức chẳng ly, không trói không mở”. Đã chẳng phải từ trước trói mà nay mở, tức chẳng phải trước kia chúng sanh mà nay là Phật, nên nói rằng: “Mới biết chúng sanh bản lai thành Phật”. Do đây sanh tử của phàm phu, Niết-bàn của Thánh nhơn đều như cảnh mộng chứ không phải là thật. Vì trong Giác tánh không có sanh tử và Niết-bàn. Đây chính là cái nghĩa trói mở không hai, chúng sanh và Phật đồng thể.
Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Ví như giấc mộng… đến …bình đẳng không hoại” là chỉ bày cái thể tịch diệt của Nhứt tâm rốt ráo không hai. Ở văn trước nói rằng: “Trong tánh Viên giác lưu xuất ra tất cả Chơn như thanh tịnh, Bồ-đề, Niết-bàn và pháp Ba-la-mật”. Nghĩa là vì mê Chơn như thanh tịnh mà thành ra pháp Ngũ uẩn chúng sanh, sanh tử. Bồ-đề, Niết-bàn chính là cái quả Sở chứng; các pháp Ba-la-mật là cái hạnh Năng chứng. Do vì trong Như Lai tạng vốn không có khứ lai, mê ngộ, sanh tử, Niết-bàn đều như giấc mộng đêm qua. Đã như giấc mộng đêm qua thì đâu có việc tu chứng, đắc thất và thủ xả; đã không tu chứng thì không có ảnh tượng Năng Sở, rốt ráo vắng lặng. Như thế, pháp pháp đều thường trụ chơn thật không hoại. Đây là cùng cực Giác tướng thanh tịnh viên chiếu pháp giới vậy.
Câu: “Vì như giấc mộng đêm qua” là tiếp ý văn trước, nói khi chưa giác ngộ. Nghĩa là nhân nơi phiền não mà khởi ra sanh tử, và diệt sanh tử mà chứng Niết-bàn. Cái tướng sanh tử đến cái tướng Niết-bàn đi đều là mê tình như mộng. Nay do vì Giác thành tựu tức như giấc mộng đã tỉnh, nhìn lại cái tướng sanh tử, Niết-bàn, khởi diệt, khứ lai, tự nó không có. Ấy là Căn bản trí khế chứng Chơn như. Tâm Chơn như này thường hằng như vậy, tịch diệt không hai, lại không có mộng sự, nên nói rằng: “Không khởi không diệt, không đến không đi”.
Sở chứng là pháp Niết-bàn, Năng chứng là các thứ hạnh cầu chứng Niết-bàn. Khi chưa chứng được thì không thể rời được vọng tình: Được mất, lấy bỏ; và sức công phu: Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt.
TÁC là dùng sức tạo tác, tức là làm các huyễn hạnh tu tập; CHỈ là tâm ngăn dứt các vọng niệm; NHẬM là nhậm kỳ tự nhiên (nhậm vận), tức là dụng công thuần thục tự nhiên đưa đến kết quả; DIỆT là diệt trừ huyễn vọng. Nay thì ở trong tâm Viên giác: Thủ cũng không được, xả cũng không mất, mà công phu: Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt cũng không nơi nương gá. Trong cảnh chứng ấy ngộ biết không có pháp sở chứng cũng không người năng chứng. Do vì Chơn như thuần nhứt, Giác tánh không hai, tất cả pháp đều lấy Chơn như làm Tánh, nên vượt không gian mà bình đẳng, lướt thời gian mà bất hoại, do đó mới nói rằng: “Tất cả pháp bình đẳng bất hoại”. Bình đẳng thì không chỗ nào là không cùng khắp; bất hoại nên chẳng đồng với đoạn diệt.
Đoạn b4, là kết đáp lời hỏi, chỉ thú đều đem về Chánh hạnh, nên mỗi câu đều dùng hai chữ “như thế”.
Trong đoạn này “Những Bồ-tát kia” là chỉ cho những người mới phát tâm ở trong hội này và chúng sanh đời mạt. Tu hành như thế là chánh đáp về: Thứ lớp, Tư duy và Trụ trì.
Thứ lớp là chỉ cho “Chánh niệm xa lìa các huyễn, trước hết phải y theo hạnh Xa-ma-tha v.v…”. Tư duy là chỉ cho đoạn “Hằng phải suy nghĩ như vầy”. Trụ trì là chỉ cho đoạn “Huyễn thân của chúng sanh kia diệt v.v…”. Phương tiện như thế là chánh đáp các nghĩa. Đây đều là giả nói các thứ phương tiện. Khai ngộ như thế là y theo các thứ phương tiện giả nói từ cạn đến sâu mà được khai ngộ. Cầu pháp như thế cũng chẳng mê muộn là đáp câu hỏi Tâm sanh mê muộn ở trước.