5- Chương Di Lặc

05/06/201012:00 SA(Xem: 12006)
5- Chương Di Lặc

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC KINH LƯỢC GỈAI
Dịch giả: HT. Thích Giải Năng
Nhà xuất bản: Tôn Giáo PL. 2550 – DL. 2006



II. QUYẾT TRẠCH SÂU XA

BÀI THỨ SÁU

 blank

blank

blank

blank

blank

blank

 

DỊCH NGHĨA

5- CHƯƠNG DI LẶC

a2- Cảnh ngộ tha

b1- Lời thỉnh

Khi ấy, ở trong đại chúng, ngài Di Lăïc Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, đi quanh bên hữu ba vòng, quỳ dài chắp taybạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn ! Phật đã rộng vì Bồ-tát mở kho bí mật khiến các đại chúng thâm ngộ luân hồi, phân biệt tà chánh; thí cho chúng sanh đời mạt Đạo nhãn vô úy, đối với đại Niết-bàn sanh lòng tin quyết định, không trở lại theo cảnh giới luân chuyển. khởi ra kiến chấp tuần hoàn.

Thưa Đức Thế Tôn ! Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt muốn dạo trong biển Đại tịch diệt của Như Lai, phải làm cách nào đoạn dứt căn bản luân hồi? Trong các luân hồi có bao nhiêu chủng tánh? Tu Phật Bồ-đề có mấy bậc khác nhau? Trở vào trần lao độ các chúng sanh, phải lập bao nhiêu phương tiện giáo hóa?

Cúi mong đấng Bất xả cứu thế Đại bi khiến cho tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt, những người tu hành mắt huệ được nghiêm tịnh, chiếu soi tâm cảnh, viên ngộ tri kiến Vô thượng của Như Lai !”.

Hỏi lời ấy rồi năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần.

b2- Lời hứa

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ngài Di-lặc Bồ-tát rằng: “Quý thay ! Quý thay ! Này Thiện nam tử ! Như các ông mới có thể vì các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt thưa hỏi Như Lai về ý nghĩa sâu xa kín nhiệm vi diệu để cho các Bồ-tát mắt huệ sáng tỏ và khiến cho tất cả chúng sanh đời mạt hằng dứt luân hồi, tâm ngộ thật tướng, đủ Vô sanh nhẫn. Ông nay nghe kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói”.

Khi ấy, ngài Di-lặc Bồ-tát vui mừng vâng lời dạy bảo cùng các đại chúng yên lặng mà nghe.

b3- Lời đáp

c1- Đáp về vấn đề căn bản luân hồi.

Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh từ ngằn vô thỉ, vì có các thứ ân ái, tham dục, nên có luân hồi. Như tất cả chủng tánh trong thế gian: Noãn sanh, Thai sanh, Thấp sanh, Hóa sanh đều nhân dâm dục mà thành tánh mạng. Phải biết luân hồi Ái là căn bản. Do có các Dục giúp phát Ái tánh, vì thế có thể khiến cho sanh tử nối nhau. Dục nhân Ái sanh, Mạng nhân Dục có, Ái mạng của chúng sanh lại nương nơi gốc Dục. Ái dục là NHÂN, Ái mạng là QUẢ.

c2- Đáp về vấn đề luân hồi có mấy chủng tánh.

Do nơi cảnh dục khởi ra các thứ thuận nghịch. Cảnh trái tâm ưa thì sanh chán ghét, tạo các thứ nghiệp, thế nên lại sanh ra địa ngục, ngạ quỷ. Biết dục đáng chán, mới thích cái đạo chán nghiệp, bỏ ác ưa thiện lại hiện ra cõi Trời và Người. Lại vì biết các Ái đáng chán ghét, nên bỏ Ái ưa Xả, rồi lại tươi nhuận gốc Ái, mới hiện ra thiện quả hữu vi (lần lần) tăng thượng; nhưng vì đó đều là luân hồi không thành Thánh đạo. Thế nên chúng sanh muốn thoát sanh tử khỏi các luân hồi, trước phải đoạn tham dụckhát ái.

Này Thiện nam tử ! Bồ-tát biến hóa thị hiệnthế gian chẳng phải do gốc ái, chỉ vì lòng từ bi muốn cho chúng sanh bỏ ái nên giả mượn các sự tham dục mà vào sanh tử.

c3- Đáp về vấn đề tu Phật Bồ-đề có mấy bậc khác nhau.

Nếu tất cả các chúng sanh đời mạt bỏ được các dục và trừ yêu ghét, dứt hẳn luân hồi cần cầu cảnh giới Viên giác của Như Lai, thì ở nơi tâm thanh tịnh liền được khai ngộ.

Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh do tham dục sẵn có phát huy vô minh, hiện ra năm tánh sai biệt không đồng, rồi nương nơi hai thứ chướng mà hiện ra sâu cạn.

Hai chướng là gì? Một là Lý chướng, ngại Chánh tri kiến; hai là Sự chướng, nối các sanh tử.

Năm tánh là gì? Này Thiện nam tử ! Nếu hai chướng này chưa được đoạn diệt, là chưa thành Phật. Nếu các chúng sanh hằng xả tham dục, trước trừ Sự chướng, chưa đoạn Lý chướng thì chỉ có thể ngộ nhập Thanh-văn, Duyên-giác, chưa thể biểu hiện được sự an trụ cảnh giới Bồ-tát.

Này Thiện nam tử ! Nếu tất cả chúng sanh đời mạt, muốn rong chơi trong biển đại Viên giác của Như Lai, trước phải phát nguyện siêng đoạn hai chướng, hai chướng đã phục liền được ngộ nhập cảnh giới Bồ-tát. Nếu Sự Lý chướng đã dứt sạch hẳn rồi liền được ngộ nhập Viên giác vi diệu của Như Lai, đầy đủ Bồ-đề và đại Niết-bàn. 

Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh đều chứng Viên giác, gặp Thiện tri thức, rồi y nơi Nhơn địa của vị đó đã thực hànhtu tập, bấy giờ lại có đốn tiệm: Nếu ngộ được con đường tu hành chơn chánh Vô thượng Bồ-đề của Như Lai, căn không Đại, Tiểu thì đều thành được Phật quả.

Còn như các chúng sanh tuy cầu bạn tốt mà gặp người ác kiến, chưa được chánh ngộ, như vậy gọi là ngoại đạo chủng tánh; sự lỗi lầm kia chỉ do tà sư, chẳng phải lỗi ở chúng sanh. Ấy gọi là năm tánh sai biệt của chúng sanh.

c4- Đáp về vấn đề phương tiện nhập trần độ sanh.

Này Thiện nam tử ! Bồ-tát chỉ lấy Đại bi phương tiện vào các thế gian, mở bày những người chưa ngộ, cho đến hiện ra các thứ hình tướng, cảnh giới thuận nghịch, cùng họ đồng sự, dạy cho thành Phật, ấy đều là y nơi nguyện lực thanh tịnh từ vô thỉ.

b4- Khuyên tu

Nếu tất cả chúng sanh đời mạt đối với đại Viên giác khởi tâm tăng thượng phải phát đại nguyện thanh tịnh của Bồ-tát. Khi phát đại nguyện nên nói như vầy: “Nguyện con ngày nay, trụ trong Viên giác của Phật, cầu Thiện tri thức, không gặp ngoại đạo và hàng Nhị thừa, y nguyện tu hành lần đoạn các chướng, chướng hết nguyện đầy, được lên Pháp điện thanh tịnh giải thoát và chứng được Viên giác đại trang nghiêm thành”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này, nên nói kệ rằng:

Di-lặc ông nên biết !

Tất cả các chúng sanh,

Chẳng được đại giải thoát,

Vì đều do tham dục,

Đọa lạc trong sanh tử !

Nếu đoạn được yêu, ghét,

Cùng với tham, sân, si.

Chẳng nhân tánh phân biệt,

Đều được thành Phật đạo.

Hai chướng hằng tiêu diệt.

Tìm thầy được chánh ngộ,

Tùy thuận nguyện Bồ-tát,

Nương nhờ đại Niết-bàn.

Các Bồ-tát mười phương,

Đều vì nguyện Đại bi.

Thị hiện vào sanh tử,

Người hiện tại tu hành,

chúng sanh đời mạt,

Siêng đoạn các ái kiến,

Liền về nơi Viên giác.

CHÚ THÍCH

Đạo nhãn: Con mắt thấy được đạo. Vì con mắt này đến quả vị tu đạo chứng được gọi là Đạo nhãn.

Mắt huệ: Con mắt có trí huệ, do dịch chữ huệ mục ra. Nghĩa có khác với Huệ nhãn.

Tri kiến: Sự thấy biết. Đứng về ý thức gọi là TRI, đứng về Nhãn thức gọi là KIẾN, cũng có nghĩa: Tìm tòi là KIẾN, biết rõ gọi là TRI. Lại cũng có chỗ nói: Ba trí gọi là TRI, Năm trí gọi là KIẾN.

Vô sanh nhẫn: Nói đủ là Vô sanh pháp nhẫn. Vô sanh pháp là chỉ cho Lý thể Chơn như thật tướng xa lìa sanh diệt; nhẫn là nhận chịu, là lãnh thọ, là an trụ, tức là Chơn trí an trụ nơi Lý thể mà không động, gọi đó là Vô sanh pháp nhẫn. Nói một cách khác là: Dùng Chơn trí không biến động để an trụ trong pháp không sanh diệt. Đây là sự chứng ngộ của hàng Sơ địa hay Thất, Bát và Cửu địa

Kinh Bảo Tích nói: “Vô sanh pháp nhẫn là: Vì nhận được tất cả các pháp không sanh không diệt” (Vô sanh pháp giả, nhứt thiết chư pháp vô sanh vô diệt nhẫn cố).

Luận Trí Độ nói: “Vô sanh pháp nhẫn là đối với pháp rất nhỏ bé còn không thấy có huống gì là pháp lớn, gọi là Vô sanh; chứng được pháp Vô sanh này thì không tạo tác, không khởi ra các nghiệp ở nơi hành vi, gọi là Vô sanh pháp nhẫn; Bồ-tát chứng được Vô sanh pháp nhẫn gọi là A-bệ-bạt-trí” (Vô sanh nhân giả nãi chí vi tế pháp bất khả đắc, hà huống đại, thị danh Vô sanh, đắc thử Vô sanh pháp, bất tác bất khởi chư nghiệp hạnh; đắc Vô sanh pháp nhẫn Bồ-tát , thị danh A-bệ-bạt-trí ).

Năm tánh: 

1- Phàm phu tánh: Tức là những người phàm phu chưa đoạn được một chút hoặc nào, nhưng có lòng tin muốn cầu Viên giác.

2- Nhị thừa tánh: Tức là Thanh-văn và Duyên-giác tánh; hai hạng này chỉ mới trừ được Sự chướng (Kiến hoặcTư hoặc) chứ chưa đoạn được Lý chướng (Trần saVô minh hoặc).

3- Bồ-tát tánh: Lần lần đoạn được hai chướng và chứng được đại Viên giác.

4- Bất định tánh: Tức không định Đốn và không định Tiệm; cũng có nghĩa là không định thời gian, có thể trong nhứt thời ngộ nhập Viên giác.

5- Xiển đề tánh: Xiển đề nói đủ là Nhứt xiển đề (Iccha(ntika). Theo trong Kinh Niết Bàn thì: NHỨT XIỂN dịch là TIN; ĐỀ dịch là BẤT CỤ. Những người “Không đủ lòng tin” gọi là Nhứt xiển đề. Những hạng người này không tin nhân quả, không tin nghiệp báo, không biết hổ thẹn, không theo giáo giới của chư Phật đã nói, tức là không có chủng tử Phật tánh.

Xiển đề tánh còn được gọi là Ngoại đạo tánh.

Di Lặc (Maitreya): Cũng gọi là Di-đế-lệ, Mai-để-lê, Mê-để-lệ, Mai-đát-lê, Mỗi-đát-rị, Mỗi-đát-lệ-dược, Muội-đát-lệ-đệ, là họ của Bồ-tát; dịch là Từ Thị, tên là A-dật-đa (Ajita) dịch là Vô Năng Thắng; cũng có chỗ nói: A-dật-đa là họ, Di-lặc là tên. Ngài sanh trưởng ở Nam Thiên Trúc, dòng Ba-la-môn, là vị Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ sẽ nối dõi Phật vị sau Đức Thích Ca Như Lai. Ngài nhập diệt và sanh lên nội viện cung trời Đâu Suất trải qua bốn ngàn tuổi mới hạ sanh xuống nhân gian (Bốn ngàn tuổi ở cung trời Đâu Suất thì ở nhân gian là: Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, tức là 5.607.000 x 10.000 = 56.070.000.000 năm hay Năm mươi sáu tỷ không trăm bảy mươi triệu năm), ở nơi vườn Hoa Lâm dưới cây Long Hoa thành bậc Chánh giác.

Ngài Di-lặc, vì ở đời quá khứ, gặp Phật tu được Từ tâm Tam muội trước nhứt, do đó mới có tên là Từ Thị và đến khi thành Phật cũng vẫn lấy tên ấy.

Theo trong Huyền Ứng Âm Nghĩa thì: Vì có hai nguyên nhân mà được gọi là Từ: một là do gặp Đức Từ Phật mà phát tâm, hai là do chứng được Từ tâm Tam muội trước hết.

ĐẠI Ý

Chương này ngài Di-lặc vì muốn cho chúng sanh nhận rõ được căn nguyên sanh tử, dứt sự tham ái, nên liên tiếp đưa ra bốn câu hỏi để hiển bày Giác tánh nơi quả địa để thực hiện việc hạ hóa chúng sanh.

LƯỢC GIẢI

Chương trước nói về việc tự ngộ, tức là bàn về cảnh giới của Căn bản trí, vì đã ngộ được “Giác tánh sẵn đủ bản lai thành Phật”, nên có thể phát khởi lòng tin quyết định, thượng cầu Phật đạo. Còn chương này là nói về việc ngộ tha, chính là nói đến cảnh giới của Hậu đắc trí để biện minh căn bản của luân hồi do đâu. Luân hồi có mấy thứ để lập các phương tiện giáo hóa, nên có thể phát khởi tâm Đại bi hóa độ chúng sanh.

Ngài Di-lặc là vị Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ, đã được Đức Thích Tôn thọ ký sẽ kế vị Đức Phật giáo hóa ở cõi này, khéo léo rõ thấu được Tâm và Cảnh của chúng sanh nên Ngài phát lời thưa hỏi ở bổn chương.

Trong đoạn b1, từ: “Đại bi Thế Tôn… đến …khởi ra kiến chấp tuần hoàn”, là nhắc lại nghĩa cương yếu ở chương trước để cảm tạ công ơn Đức Phật đã làm lợi ích cho Pháp chúng, sanh được lòng tin quyết định.

Bí mật tạng, là chỉ cho “Viên giác sẵn đủ” của chúng sanh “Bản lai thành Phật”. Nhưng Phật tánh này hiện bị ẩn một trong tâm chúng sanh đang ở trong sanh tử luân hồi vô minh hừng hẩy, cái nghĩa này chẳng phải phàm tình có thể biết được, cũng chẳng phải hàng kiến thức nông cạn có thể suy lường được nên gọi là “Bí mật”. Như vàng ở trong mỏ thì gọi là “Bảo tàng”, do đó mới gọi là “Kho bí mật”.

Nhiều lớp pháp dụ, Đức Phật đã rộng vì đại chúng khai thị, nên khiến cho ai nấy đều được thâm ngộ luân hồi. Vì có tâm tư duy mới khởi ra thấy biết luân hồi, tức là Tà kiến; còn tùy thuận tâm Viên giác thanh tịnh, tự ngộ “Phật tánh sẵn đủ”, ấy là Chánh kiến, nên nói là “Phân biệt tà chánh”. Bởi vì trí huệ phân biệt được tà chánh chẳng khác nào con mắt thấy được tỏ rõ, nên gọi đó là “Đạo nhãn”. Đối với Phật tánh sâu xa khó nổi đo lường, chưa thể rõ biết ắt sanh ra nghi sợ; khi đã rõ biết không còn nghi sợ, khi đã rõ biết không còn nghi sợ, nên gọi là “Đạo nhãn vô úy”. Đại Niết-bàn duy có Phật mới chứng, nhưng do vì biết rõ được “Phật tánh sẵn đủ, Phật đạo vốn thành” cũng có thể sanh ra được lòng tin quyết định, không trở lại đem cái tâm luân hồi khởi ra thấy biết luân hồi, nên nói rằng: “Đối với đại Niết-bàn sanh lòng tin quyết định”.

Từ câu: “Thưa Đức Thế Tôn ! Nếu các Bồ-tát… đến …tri kiến Vô thượng của Như Lai” là tỏ bày lời hỏi. Trong đây có bốn nghĩa: 

1- Do vì chương trước nói: “Bồ-tát tu hành trước phải đoạn căn bản luân hồi”. Nên ở đây trước tiên hỏi rằng: “Phải làm cách nào đoạn dứt?” Ý hỏi: Những gì là căn bản luân hồi? Nên ở sau Phật đáp: Ân ái, tham dục, là căn bản luân hồi.

2- Hỏi: Luân hồi có bao nhiêu chủng tánh? Phật đáp: Vì nhân nơi hai chướng mà có năm tánh sai biệt.

3- Hỏi: Tu hành có mấy bậc khác nhau? Phật đáp: Vì năm tánh mà hiện ra sai biệt.

4- Hỏi: Bồ-tát độ sanh có bao nhiêu phương tiện? Phật đáp: Chỉ có dùng Đại bi, Đồng sựNguyện lực.

Các ý hỏi ở đây chỉ nhắm vào công việc tu hànhlợi sanh. Vì Bồ-tát tu hành chỉ do độ sanh mà có và cũng không bỏ chúng sanh giới, vì độ sanh tức là tu hành.

Biển Đại tịch diệt tức là chỉ cho Viên giác; mắt huệ là chỉ cho Đạo nhãn; Tâm cảnh là dụ tâm như gương. Mắt huệ đã trong thì tâm cảnh tự sáng, nên nói là “Viên ngộ”.

Trong đoạn b2, câu: “Tâm ngộ Thật tướng đủ Vô sanh nhẫn”, Thật tướng là đối với tất cả pháp bất động, chính là cái tướng của “Không tướng”. Cái thể của Không tướng tức là Viên giác. Nhẫn có năm bậc:

- Tư lương vị gọi là Phục nhẫn.

- Kiến đạo vị từ Sơ địa đến Tam địa gọi là Tín nhẫn.

- Tu đạo vị từ Tứ địa đến Lục địa gọi là Thuận nhẫn.

- Thông đạt vị từ Thất địa đến Cửu địa gọi là Vô sanh nhẫn.

- Vô học vị từ Thập địa đến Diệu giác gọi là Tịch diệt nhẫn.

Ở chương trước thì nói: Tất cả chúng sanh chưa ngộ được luân hồi vọng thấy có sanh diệt; còn chương này thì nói: Đã ngộ được Thật tướng rồi, vọng tâm chẳng sanh, luân hồi hằng dứt, như thế cũng có thể gọi là Vô sanh nhẫn.

Trong phần chánh thuyết có chia làm năm đoạn:

Đoạn c1 là trực tiếp giải đáp về căn bản luân hồi.

Từ câu: “Thiện nam tử… đến …nên có luân hồi” là trước nói luân hồi do đâu mà có, tức là do ân áitham dục; ân ái, tham dục chẳng phải một thứ, nên nói là: “Các thứ”. “Từ ngằn vô thỉ” là chúng sanh từ xưa đến nay tức đã có vô minh lần lượt vọng tưởng mà có các thứ ân ái, tham dục, chẳng thể bảo rằng: Ân ái, tham dục xưa nay chẳng có, chỉ mới có trong một thời kỳ nào đó; cũng như vàng ở trong mỏ, từ xưa đến nay đã lẫn lộn trong cát đá chẳng phải mới lẫn lộn trong một độ nào.

Từ câu: “Như tất cả chủng tánh… đến …Ái là căn bản” chính là biện minh căn bản luân hồi nguyên do từ đâu.

Noãn sanh, như là loài chim, loài cá. Thai sanh, như là loài người, loài thú. Thấp sanh như là loài cuốn chiếu. Hóa sanh, có thể từ loài này hóa ra loài khác như con lăng quăng hóa ra con muỗi.

Bốn loài sanh đều có tánh âm dương, nên có dâm dục, tùy tánh dục nặng nhẹ của mỗi loài mà thành tựu chủng tánh và sanh mạng của loài ấy, nên nói rằng: “Đều nhân dâm dục mà thành tánh mạng”.

Từ câu: “Phải biết luân hồi… đến …Ái mạng là quả” là nêu lên Ái là căn bản của luân hồi.

Hai chữ Ái Dục ở trong đây, chữ Ái nghĩa rộng hơn chữ Dục. Chữ Dục lấy cái nghĩa dâm dục làm quan trọng; kế đó mới nói đến cái nghĩa Thô và Tế của Ngũ dục. Nghĩa Thô của Ngũ dục là: Tài, sắc, danh, thực, thùy; nghĩa Tế của Ngũ dục là; Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Bốn loài sanh thành tựu được tánh mạng đều do ở nơi Dục tánh. Như con người khi nhập thai là do Dục tánh thúc đẩy. Tánh mạng đã lấy Dục làm nhân mà thành tựu, thì ở đây tiếp nối trong một thời kỳ và những sự thọ dụng đều là Dục cảnh. Vì thế có thể nói thẳng rằng: “Dục còn thì sanh mạng còn, sanh mạng còn thì Dục còn”.

Ái là một trong mười hai nhân duyên, hữu tình y nơi Ngã và Ngã sở mà sanh ra Ái trước, như con chim ở trong bộng cây, tức là đã lọt vào trong phạm vi lẩn quẩn, nương nơi cái hạn lượng đó mà thành ra có Phần đoạn sanh tử.

Suy nguyên cái nguồn gốc của sanh tửtừ ÁI làm duyên cho THỦ, THỦ làm duyên cho HỮU, tiếp nối lưu chuyển trong ba đời, tuần hoàn chẳng dứt, nên nói là: “Luân hồi ái là căn bản”.

Câu: “Do có các Dục giúp phát ái tính” là nói rõ sự khác biệt giữa Ái và Dục, cũng như nguyên do vì sao khởi ra chủng tánh luân hồi.

Trong câu này nói “Các dục” chẳng phải chỉ nói riêng về nghĩa hẹp của dâm dục mà còn gồm luôn cả nghĩa Thô và Tế của Ngũ dục. “Các dục giúp phát ái tính” là như: Nước sanh ra sóng rồi sóng trở lại làm chao động nước; Ái làm nhân cho Dục nương đó phát sanh; Dục lại giúp Ái tiếp nối khiến cho Ái tính không dứt, nên nói là: “Sanh tử nối nhau”. Ở đây vì y cứ trên nguyên lý “Lưu chuyển môn” của mười hai nhân duyên hẳn phải như vậy, nên “Hoàn diệt môn” liễu thoát sanh tử, vẫn phải đoạn Ái làm đầu.

Câu: “Dục nhân Ái sanh… đến …Ái mạng là quả” là nương thế văn trên để chỉ rõ sự quan hệ giữa Ái, Dục và Mạng.

“Dục nhân Ái sanh” là nam, nữ có thương yêu nhau rồi sau mới có việc dâm dục phát sanh. “Mạng nhân Dục có” là nhân có việc dâm dục rồi sau thân mạng nhờ sự ký thác đó mới có. Thân là gốc của dâm dục, mạng lại nương nơi thân mà tồn tại. Cái tâm yêu mến bảo hộ sanh mạng cũng do tâm yêu mến bảo hộ thân mà ra, nên nói rằng: “Ái mạng của chúng sanh là nương nơi gốc Dục”.

Khi sanh thì nương nơi Dục mà đến; sanh rồi giữ Mạng mà trụ, nên nói rằng: “Ái dục là NHÂN, Ái mạng là QUẢ”. Đó là một nguyên lý mà từ quá khứ đến hiện tại và suy ra ở vị lai cũng đều là như thế, nếu chúng ta rõ được nguyên lý này thì có thể biết được luân hồi có bao nhiêu chủng tánh.

Đoạn c2 tiếp theo là đáp về luân hồi có bao nhiêu chủng tánh, chính là đáp có ba thứ chủng tánh: Thiện tánh, Ác tánhBất động tánh.

Từ câu: “Do nơi cảnh Dục khởi ra các thứ thuận nghịch… đến …thế nên lại sanh ra địa ngục, ngạ quỷ” là nói về nguyên do tạo nghiệp và ÁC CHỦNG TÁNH. Do vì tạo nghiệp thập ác, nếu Thượng phẩm thì sanh vào địa ngục, Trung phẩm thì sanh vào ngạ quỷ, Hạ phẩm thì sanh vào bàng sanh.

Những cảnh Dục trái với tâm ưa thích đó là NGHỊCH; những cảnh Dục đúng với tâm ưa thích đó là THUẬN, nên nói là: “Do nơi cảnh Dục khởi ra các thứ thuận nghịch”. “Chán ghét” là do cảnh trái với tâm ưa thích mà sanh ra, nên nói rằng: “Cảnh trái tâm ưa thì sanh chán ghét”. Chán ghét đã sanh thì thập ác nổi dậy, nên nói rằng: “Tạo các thứ nghiệp”. Do Ác chủng tánh hình thành mới sanh ra các ác thú, nên nói rằng: “Lại sanh ra địa ngục, ngạ quỷ”.

Trong đây không nói đến loài bàng sanh là đã dụng ý khái quát bao gồm trong đó.

Từ câu: “Biết Dục đáng chán… đến …lại hiện ra cõi trời và người” là nói về THIỆN CHỦNG TÁNH. “Đạo chán nghiệp” tức là cái Đạo do chán bỏ ác nghiệp mà sanh ra. Đã chán Ác nghiệp siêng tu Thiện nghiệp: Thượng phẩm thì sanh về cõi trời ; Trung phẩm thì sanh về cõi người; Hạ phẩm thì sanh vào Tu-la, nên nói rằng: “Bỏ ác ưa thiện lại hiện ra cõi trời và người”. Ở đây không nói đến Tu-la cũng tĩnh lược như ở trên không nói bàng sanh, nhưng đã gồm có rồi vậy. 

Từ câu: “Lại vì biết các Ái đáng chán ghét… đến …mới hiện ra thiện quả hữu vi tăng thượng” là nói về BẤT ĐỘNG TÁNH.

Ở văn trước nói Thượng phẩm thiện được sanh lên cõi trời, phải nên nhận đoán rằng: Đó chỉ là nói đến Lục dục thiên, nhân vì “Biết dục đáng chán” chứ chưa phải “Ly dục” nên vẫn chưa ra khỏi Dục giới.

Ở đây nói đến Bất động nghiệp tức là do Thiền định cảm ra, nên thông chỉ về Sắc giớiVô sắc giới.

Sắc giới là: 

1- Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc địa.

2- Nhị thiền Định sanh hỷ lạc địa.

3- Tam thiền Ly hỷ diệu lạc địa.

4- Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh địa.

Vô sắc giới là: 

1- Không vô biên xứ địa.

2- Thức Vô biên xứ địa.

3- Vô sở hữu xứ địa.

4- Phi phi tưởng xứ địa.

Nay đây nói: “Bỏ Ái ưa xả”, đó là từ Tứ thiền trở lên, còn Tam thiền trở lại thì đại khái có thể biết.

Cõi Sắc thì có thân, cõi Vô sắc thì có tâm, đã có thân và tâm thì có Ái trước. Phá được Ái trước đó là thiền định đang tu tập, nên nói rằng: “Rồi lại tươi nhuận gốc ái”. Tuy biết ái đáng chán nhưng chưa thể “Ly ái”, tức là chưa thể giải thoát, nên các thiện quả được phát hiện ra đó, rốt cuộc rồi cũng thuộc về Hữu vi pháp, nên so với thiện phápDục giới cũng chỉ đã được lần lần tăng thượng.

Câu: “Nhưng vì đó đều là luân hồi không thành Thánh đạo”, là tổng kết đoạn văn trước nói: Ác chủng tánh, Thiện chủng tánhBất động tánh đều là luân hồi, để đáp vấn đề luân hồi có bao nhiêu chủng tánh.

Tứ câu: “Thế nên chúng sanh muốn thoát sanh tử… đến …trừ khát ái” là lời khuyên đoạn Dục và Ái. Đoạn dục tức là trước phải dứt sự trợ lực của nó; đoạn ái tức nhiên trước phải dứt cái căn nguyên của nó, đây là công việc ra làm khi muốn thoát sanh tử khỏi luân hồi. Khát ái là dụ cái tâm tham ái như khát mà thèm nước vậy.

Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Bồ-tát biến hóa… đến …mà vào sanh tử” là giải thích nghi ngờ. Vì e rằng có kẻ nghi ngờ: Bồ-tát có cha mẹ, vợ con tất phải thật có ái dục, thật có sanh tử, nên trước phải nói rõ ràng: Bồ-tát chỉ biến hóa thị hiệnthế gian chớ vẫn biết Tam giớimộng huyễn, Ngã và Ngã sở đều không, không thể ái trước, thế nên chẳng phải do Ái làm gốc.

Đoạn c3 là nói về năm tánh sai biệt, tức là Đức Phật đáp về lời hỏi: “Tu Phật Bồ-đề có mấy đẳng cấp?”. 

Từ câu: “Nếu tất cả chúng sanh… đến …liền được khai ngộ” là nói muốn xả Dục và trừ Ái tức phải từ trên căn bản luân hồiứng dụng công phu, khiến cho chủng tánh luân hồi không được tái khởi, nên nói rằng: “Dứt hẳn luân hồi”. Tâm thanh tịnh tức là tâm không đi đôi với vô minh cấu huyễn, khi đã đoạn được chủng tánh luân hồi. Nghĩa là một mặt thì đoạn dứt căn bản luân hồi, một mặt thì mong cầu cảnh giới Viên giác, chính là từ trên tâm thanh tịnh này có thể khai ngộ Viên giác, nên nói rằng: “Ở nơi tâm thanh tịnh liền được khai ngộ”.

Lại nữa, câu: “Liền được khai ngộ”, cũng có nghĩa là: Tu Phật Bồ-đề vốn không có gì khác lạ, chỉ cần đoạn dứt luân hồi, mong cầu Viên giác liền được khai ngộ. Nói một cách dứt khoát như vậy thật là rõ ràng và ổn đáng, cũng chính là ý chỉ của bổn Kinh: Đốn giáo Đại thừa. Nếu ai có thể đốn đoạn, đốn ngộ thì triệt tiêu hết thảy mà không cần phải có mấy bậc khác nhau; còn như không được vậy thì đoạn văn sau sẽ tiếp nói: Y nơi hai chướng mà biểu hiện năm tánh.

Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh… đến …mà hiện ra sâu cạn” là nêu chung năm tánh và năm tánh này do đâu hiển xuất? Tức là do tham dục sẵn có của tất cả chúng sanh phát huy vô minh, vì thế hiện ra năm tánh, năm tánh này sai biệt chẳng đồng. Vậy cái trình độ không đồng kia nương đâu để phán quyết? Tức là nương nơi hai chướng mà hiện ra sâu, cạn.

Trong đây, về ranh giới của chúng sanh cũng cần phải được bàn rõ. Chúng sanh đại lược có ba nghĩa:

1- Chỉ cho phàm phu lưu chuyển sanh tử gọi là chúng sanh.

2- Chỉ cho những người từ vô thỉ đến nay thọ rất nhiều sanh tử hiện chưa dứt hết, như: Bồ-tát, La-hán cũng còn Biến dịch sanh tử, nên vẫn còn gọi là chúng sanh. Nghĩa này kể ra thì rộng, nên chỉ trừ Phật vị, còn tất cả đều là chúng sanh.

3- Do nhiều pháp hợp lại mà sanh, gọi là chúng sanh. Y cứ trên nghĩa này thì Phật cũng là chúng sanh, như Ứng hóa thân là do rất nhiều công đức vô lậu tập hợp mà sanh. Lại như Viên mãn báo thân cũng là do phước đức, trí huệ tích tập mà thành.

Nhưng nghĩa của hai chữ chúng sanh trong đây, chẳng phải nghĩa thứ nhứt và thứ ba, mà chính là nghĩa thứ hai, có nghĩa là đối với Phật mà gọi là chúng sanh. Vậy thì, nếu còn một mảy may vô minh chưa đoạn hết thì vẫn còn phải mang cái tên “chúng sanh”, mà sự phát huy vô minh là do tham dục sẵn có, tham dục lại không đồng đều, nên tất cả chúng sanh trong việc tu đoạn, căn cứ ở chỗ gặp Phật pháp và không gặp Phật pháp vẫn có thể có năm tánh. Lại y trên hai chướng có sự sâu, cạn đối với hai hạng người: Hoặc ít, hoặc phục mà hiện ra sự sai biệt không đồng.

Từ câu: “Hai chướng là gì... đến …nối các sanh tử”, là nói rõ về hai chướng là Lý chướngSự chướng.

Lý chướng cũng gọi là Sở tri chướng. Sở tri là chỉ cho pháp Sở tri, Chướng là che ngăn, chướng ngại, là che ngăn cái pháp Sở tri làm cho cái trí Năng tri không nhận biết được thật đúng, gọi là Sở tri chướng, như Chơn lý là cái pháp phải biết lại mê mờ chẳng biết. Nghĩa là Chơn trí phải nhận biết Chơn lý, nhưng bị cái tâm hiểu biết sai lầm (Tâm có vô minh) nó làm chướng ngại Chơn trí, khiến cho Chơn trí không nhận biết được Chơn lý. Đây là đứng trên pháp bị chướng mà lập danh.

Chánh tri kiến tức là Chánh giác, tiếng Phạn gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-Bồ-đề.

Pháp bị chướng tức là Chơn lý; pháp Năng chướng tức là vô minh, vô minh tức là không sáng suốt, không hiểu biết. Đối với tất cả Sự Lý, Tánh Tướng, nếu còn một chút xíu không hiểu biết tức là còn một phần vô minh chưa trừ, nếu còn một phần vô minh chưa trừ thì lực lượng, công dụng của tâm chưa được viên mãn, do đó mà sự hiểu biết không được sáng suốt, thấu triệt, nên không được cứu cánh, vẫn còn thiên lệch, lầm lẫn, vì vậy mà ngại Chánh tri kiến.

Sự chướng cũng gọi là Phiền não chướng. Vì chúng sanh không rõ được các pháp hòa hiệp, hư giả mới chấp có Ngã mà thành Tứ đảo; chấp ngã là Si, nhân Si có Tham, trái với Ngã là Sân; y nơi Ngã mà có kiêu mạn khởi ra các phiền não, nên có thể làm chướng ngại sự giải thoát (Niết-bàn). Đây là căn cứ trên pháp Năng chướng mà đặt tên. Vì chính bản thể chướng ngạiphiền não, còn pháp bị chướng ngại là các công đức vô lậu, hữu vivô vi. Bởi vì do tâm phiền não phát động tạo ra các thứ nghiệp hữu lậu, bất tịnh, hễ thiện thì sanh lên cõi trời và người, còn ác thì đọa lạc Tam đồ, theo nghiệp báotuần hoàn, nên nói rằng: “Nối các sanh tử”.

Câu: “Năm tánh là gì… đến …chưa thành Phật” là do vì ở trước nói Dị sanh tánh chưa đoạn được chướng mà ra. Dị sanh tánh tức là Phàm phu tánh, phàm phu ví như viên ngọc chưa được trau giồi, tuy có: “Viên giác sẵn đủ bản lai thành Phật” nhưng vì chưa biết đoạn chướng và chưa thể đoạn chướng, nên dù có tên Dị sanh mà chỉ có thể gọi là “chưa thành Phật”, chứ chẳng thuộc vào trong số năm tánh; như văn trước nói: “Năm tánh sai biệt, y nơi hai chướng mà hiện ra sâu cạn”. Phàm phu đã chưa đoạn chướng, nên tuy mang tên là Dị sanh tánh, nhưng thật chẳng phải là một tánh trong năm tánh.

Lý chướngPháp chấp, Sự chướngNgã chấp, phá được hai chấp này tức là lìa được hai chướng. Phàm phu tuy cũng có tất cả thiện pháp thế gian nhưng vẫn chưa đến chỗ đoạn chướng, cũng như công phu của các bậc Hiền Thánh thế gian cũng có thể khiến cho Tham, Sân và Mạn v.v… bớt dần, nhưng Ngã chấp vẫn còn, nên chẳng lìa được Si, chẳng ra khỏi được pháp của Nhơn thiên thừa mà việc đoạn chướng là vượt ngoài Nhơn thiên.

Năm tánh sai biệt đã y nơi hai chướng mà hiện ra sâu cạn, Dị sanh tánh đã không có đức đoạn chướng, nên tánh đức sẵn đủ cũng nhân đó mà chưa hiển. Do không đủ đức, nên chẳng thể so sánh với người đã tu sâu và cạn kia; nhưng vì có đủ tánh đức, nên có thể gọi là “chưa thành Phật”.

Lại nữa, năm tánh sai biệt chỉ nói y nơi hai chướng đã cho ta thấy chẳng phải nói có chủng tử, hay không chủng tử, chẳng nên ngộ nhận.

Từ câu: “Nếu các chúng sanh hằng xả… đến …cảnh giới Bồ-tát” là nói hai tánh trong năm tánh, tức là Thanh-văn tánh và Duyên-giác tánh mà thông thường gọi là Nhị thừa tánh. Hai tánh này thẳng đến quả vị tuy đồng mà pháp tu chẳng đồng, nên chia ra làm hai tánh để: Một phần thì lập ra Thanh-văn tánh, một phần thì lập ra Duyên-giác tánh. Hằng xả tham dục tức là làm cho sanh tử tiếp nối do Ái khởi ra hằng dứt, nên có thể đoạn trừ về Sự chướng tiếp nối sanh tử. Đây cũng đồng là chúng sanh, tuy xả Ngã chấp trước trừ Sự chướng nhưng Pháp chấp vẫn còn, nên nói rằng: “Chưa đoạn Lý chướng”. Cảnh giới của họ ngộ nhập, nếu y nơi Tứ đếtu đoạn thì đó là Thanh-văn tánh; nếu y nơi Mười hai nhân duyêntu đoạn thì đó là Duyên-giác tánh, cả hai đều chưa có thể đến cảnh giới của Bồ-tát.

Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Nếu tất cả chúng sanh đời mạt… đến …đầy đủ Bồ-đề và đại Niết-bàn” là nói tánh thứ ba trong năm tánh, tức là Bồ-tát tánh. Muốn rong chơi trong biển Đại tịch diệt của Như Lai, tức là muốn cầu Viên giác. Cũng như muốn thả thuyền đi biển, cần phải phát cái đại tâm đi biển, đây chính là người muốn từ nơi phàm phu địa vượt đến Như Lai địa mà thềm vị của Bồ-tát chính là quá trình của những chúng sanh này vậy.

Công việc tu tập của họ, trước phải phát khởi nguyện lực siêng đoạn hai chướng, nên nói rằng: “Trước phải phát nguyện siêng đoạn hai chướng”. Ở đây khi siêng năng ứng dụng công phu, siêng năng tu đoạn thì Hiện hànhTập khí của họ thứ lớp phần phục, như những hạng người ở địa vị Tam hiền. Đến như hai chướng đã phục ấy là Đăng địa Bồ-tát, nên nói rằng: “Liền có thể ngộ nhập cảnh giới Bồ-tát”. Nhưng vì đã Phục chứ chưa Đoạn, vẫn còn ở trong quá trình từ chúng sanh đến Phật vị, nên mang tên là Bồ-tát tánh.

Câu: “Sự lý chướng đã đoạn diệt” có nghĩa là Lý chướng ngại Chánh tri kiến đã đoạn diệt, tức là đầy đủ Bồ-đề; Sự chướng nối các sanh tử đã đoạn diệt thì được đầy đủ đại Niết-bàn.

Đầy đủ Bồ-đề là Trí đức, đầy đủ Niết-bàn là Đoạn đức. Bồ-tát song phục, song đoạn đến chỗ cứu cánh tứcPhật quả, nên nói rằng: “Liền được ngộ nhập cảnh giới Viên giác vi diệu của Như Lai”.

Trong đây không thành lập Như Lai tánh là vì công phu tu tập của Như Lai đã đến chỗ cứu cánh, không phải luận sự sai biệt, nên Bồ-tát tánh chính là Như Lai tánh.

Lại nữa, có Ngã chấp tất có Pháp chấp, Lý chướng đoạn thì Sự chướng tất đoạn, nên Tiểu thừa có thể ngộ được Nhân không thì đoạn được Sự chướng; còn Đại thừa Bồ-tát căn khí mạnh mẽ, nên đối với hai chướng có thể đồng Phục, đồng Đoạn, hoặc có thể ngay trong việc Phục đoạn Lý chướng mà đoạn Sự chướng.

Từ câu: “Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh… đến …đều thành Phật quả” là nói về tánh thứ tư trong năm tánh tức là Bất định tánh. “Tất cả chúng sanh” là thông chỉ cho những người có thể biết được “Viên giác sẵn đủ” và tùng sự tu tập, nên nói rằng: “Đều chứng Viên giác”. Những chúng sanh này muốn cầu đoạn chướng tất phải cầu Thiện tri thức để làm thầy bạn, rồi y nơi những “Nhơn địa pháp hạnh” của những vị đó ra làm mà tu tập. Thí như: Gặp Thiện tri thức Thanh-văn thừa thì tu Tứ đế; gặp người Duyên-giác thừa, thì tu Thập nhị nhân duyên; gặp người Bồ-tát thừa, thì tu Lục độ.

Giáo có Đốn Tiệm như thế, thừa có Đại Tiểu như thế, đều y cứ vào vị Thiện tri thức đã gặp mà tu tập chứ không có nhứt định, nên nói rằng: “Tu tập bấy giờ lại có Đốn Tiệm !”. Nhưng những chúng sanh này, ban sơ không nhân nơi Đại Tiểu y theo thói cũ của họ mà có khác như thế, nếu gặp giáo pháp của Như Lai dùng con đường tu hành chơn chánh Vô thượng Bồ-đề, đều có thể được thành Phật quả. Thế nên người có tâm cầu đạo không thể không cẩn thận ở chỗ lựa chọn thầy bạn.

Bất định tánh cùng với Phàm phu tánh không đồng, vì một đằng thì “chẳng biết cầu đạo, chưa biết tu tập”; một đằng thì đã được phát tâm muốn cầu đoạn chướng.

Từ câu: “Còn như các chúng sanh… đến …chẳng phải lỗi ở chúng sanh” là nói về chủng tánh thứ năm, tức là Xiển đề tánh. Xiển đề tánh là chỉ cho những người có tâm hướng đạo nhưng rất tiếc không gặp Thiện tri thức mà lại gặp những người tà kiến, rồi nương theo đó để tu tập; mặc dù có tu tập nhưng chỉ là tà kiến, nên nói rằng: “Chưa được chánh ngộ”. Bởi vì tà ngộ không thể vào được Chánh đạo, nên gọi là ngoại đạo.

Người tu Phật Bồ-đề mà muốn đoạn được hai chướng đã là việc khó, huống gì lại nhập trong tà ngộ ! Một khi tà ngộ đã thành thì tâm đã quyết định, nên gọi là ngoại đạo chủng tánh.

Từ trước đến đây đã nói về Thanh-văn tánh, Duyên-giác tánh và Bồ-tát tánh, tuy có Đại, Tiểu khác nhau, nhưng đều là Chánh ngộ nên vẫn có cái nhân để thành Phật; chỉ riêng hàng Ngoại đạo chủng tánh trái ngược với chánh nhân thành Phật; là đoạn Phật chủng, ắt phải đợi đến khi quả mãn mới có thể chuyển hóa được, nên gọi đó là Xiển đề tánh. Những hạng người này chỉ vì tu tập lầm lẫn, đều do tà sư người nào cũng tự cho rằng mình đã được đạo Vô thượng, rồi tự lầm và lầm người. Chỉ vì người tầm đạo lầm vào con đường hiểm ác, chứ chẳng phải do ý muốn của họ, nên nói rằng: “Sự lầm lỗi kia chỉ do tà sư chẳng phải lỗi ở chúng sanh”.

Câu: “Ấy là năm tánh sai biệt của chúng sanh” là lời tổng kết về năm tánh. Năm tánh sai biệt này chỉ y cứ vào sự đoạn chướng sâu cạn, nên chẳng phải là chủng tử; lại vì y cứ vào sự đoạn chướng sâu can nên hàng phàm phu chẳng dự vào.

Đây chỉ riêng chỉ cho những hạng người tu Phật Bồ-đề gặp được nhân duyên như thế nào mà thành sai biệt, còn phân ra đại tiểu, tà chánh là do ở nhân duyên thầy bạn.

Lời hỏi của ngài Di-lặc đối với chúng sanh đời mạt pháp được sự lợi ích rất là sâu xa vậy.

Đoạn c4 là đáp về vấn đề vào chốn trần lao phải lập ra bao nhiêu phương tiện để hóa độ chúng sanh.

Đại bi là Tâm đồng thể đại bi, Bồ-tát nhập trần độ sanh dùng tâm Đại bi làm chủ mà khởi ra bao nhiêu phương tiện. Vì thế gian chẳng phải một nên nói là “Vào các thế gian”. Bồ-tát vào đời vì để mở mang cho người chưa ngộ, khai hóa chẳng phải chỉ có ngôn giáo, nên nói rằng: “Cho đến hiện ra các thứ hình tướng”. Các thứ hình, như đức Quan Thế Âm tùy loại hiện ra 32 Ứng thân; các thứ tướng là tùy loại hoặc hiện ra tướng Từ bi, hoặc hiện ra tướng uy nghiêm v.v… Cảnh giới thuận nghịchcảnh giới thuận và cảnh giới nghịch. Tu các chánh hạnh gọi là cảnh giới thuận, còn làm các việc phi pháp gọi là cảnh giới nghịch. “Cùng họ đồng sự” tức là cùng làm một công việc với chúng sanh để được gần gũi đặng dễ giáo hóacuối cùng làm cho họ thành Phật quả.

Những điểm cơ bản vừa nói trên, chỉ có từ nơi nguyện lực phát ra ở nơi Nhơn địa, nên nói rằng: “Đều là y nơi nguyện lực thanh tịnh từ vô thỉ.”

Lời đáp ở đây có thể biểu diễn một cách thật dễ hiểu, thì: Bồ-tát nhập trần độ sanh chỉ dùng tâm Đại bi làm chủ, mà phương tiện lại nhiều môn không nhứt định, đại khái: Hoặc dùng ngôn giáo để mở mang, hoặc thị hiện hình tướng để quán cảm, hoặc cùng họ đồng sự để nhiếp hóa, với mục đích là: Khiến cho họ chứng thành quả Phật mà điểm cơ bản là ở Đại nguyện.

Đoạn b4 là lời khuyên tu và phát nguyện. Tâm tăng thượng là tâm tăng tiếnhướng thượng. Tâm tăng thượng này chẳng phải chỉ được ở hiện tại mà cho là đủ, tất phải luôn luôn mong cầu thêm lớn và tiến lên, tức là đem tâm hướng về Phật quả mà mong cầu không lúc nào ngừng nghỉ. Khi đã khởi tâm tăng thượng rồi, liền phải phát Đại nguyện. Từ câu: “Nguyện con ngày nay… đến …Đại trang nghiêm thành” là lời phát Đại nguyện. Khi đã phát Đại nguyện rồi liền phải y Đại nguyện mà khởi tu.

Vì trong hai chướng có chập chồng nhiều lớp chướng, nên nói là “các chướng”; các chướng ắt phải lần phục và lần đoạn nên nói là “Lần đoạn các chướng”.

Chướng hết tức được giải thoát; nguyện đầy tức được trang nghiêm, nên nói rằng: “Được lên Pháp điện thanh tịnh giải thoát và chứng được Viên giác đại trang nghiêm thành”.
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59192)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…