Quyển Thứ Hai Mươi Bốn

17/06/201012:00 SA(Xem: 8557)
Quyển Thứ Hai Mươi Bốn

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

Quyển Thứ Hai Mươi Bốn

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ HAI.

25/ Quan Viên.

Khi Phật an trú tại vườn Trúc Ca Lan Đà, nơi Thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-Kheo độ một quan viên xuất gia, Thọ cụ túc. Viên quan hình sự thấy thế, liền bắt Tỉ-Kheo tống đến chỗ quan tòa, nói như sau: "Vị Sa-môn nầy lén độ quan viên". 

Vị quan tòa nói: "Đem Hòa Thượng ra bẻ gãy ba xương sườn, [420a] dẫn giới sư đến kéo lưỡi ra, lôi thập sư ra đánh mỗi người tám roi. Còn kẻ Thọ cụ túc kia thì dùng cực hình trị tội". 

Khi đám đông đang hộ tống các tội nhân ra khỏi thành thì nhằm lúc vua Tần Bà Ta La trên đường đi đến Thế Tôn, trông thấy đám đông nầy, vua liền hỏi tả hữu: "Đó là những người nào vậy?". 

Quân hầu liền đem sự việc kể trên tâu đầy đủ với vua. Vua nghe xong, giận dữ cực độ, liền ra lệnh thả ra, nói: "Từ nay về sau, ai muốn xuất gia thì cho phép Thầy được tiếp độ". 

Đoạn, vua bảo gọi quan tòa đến. Khi y đến, vua hỏi:

- Trong nước nầy ai là vua?

- Đại vương là vua.

- Nếu Trẫm là vua thì vì sao ngươi trị tội người mà không tâu với Trẫm?

Đoạn, vua ra lệnh quan hữu Ty cách chức viên quan tòa, đồng thời tịch thu hết tài sản sung vào công khố. Quan hữu Ty liền thi hành mệnh lệnh của vua, lột chức quan của y, và tịch thu hết tài sản của y nhập vào công khố.

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-Kheo: 

--"Ước gì tất cả các vì vua đều có lòng tin như thế! Từ nay về sau, Ta không cho phép thu nhận quan chức xuất gia. Quan chức có bốn loại: 1/ Hoặc có danh mà không có bổng lộc; 2/ Hoặc có bổng lộc mà không có danh; 3/ Hoặc vừa có bổng lộc vừa có danh; 4/ Hoặc không có danh, không có bổng lộc. Trong đây, có danh mà không có bổng lộc, có danh và có bổng lộc, thì ở nước nầy không cho xuất gia và các nước khác cũng không cho. Còn loại có bổng lộc mà không có danh thì ở đây không cho, nhưng ở nơi khác thì cho. Còn hạng không có danh, không có bổng lộc thì ở đây cho và các nơi khác cũng cho. Tóm lại, không nên cho quan chức xuất gia, (cho đến...) phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là quan chức.

26/ Kẻ mắc nợ.

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-Kheo độ kẻ mắc nợ xuất gia. Chủ nợ gặp được, liền thôïp cổ đem đến quan tòa, nói: "Người nầy mắc nợ tôi chưa trả mà xuất gia". 

Viên quan tòa vốn có lòng tin Phật pháp, bèn nói với chủ nợ: "Người nầy đã xả bỏ tài sản xuất gia, vì sao lại mắc nợ?", liền tha cho đi. 

Chủ nợ bèn than trách: "Người nầy vốn đang mang nợ của tôi chưa trả, vì sao Sa-môn Thích tử lại cho y xuất gia? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-Kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau, những người mắc nợ không nên cho xuất gia. Nếu họ đến định xin xuất gia thì trước hết phải hỏi: "Ngươi có mắc nợ người ta không?". Nếu nói: "Có mắc nợ, nhưng nhà tôi có vợ con ruộng đất tài sản, tôi sẽ trả", thì nên cho xuất gia. Nếu nói: "Không mắc nợ", thì nên cho xuất gia. [420b] Sau khi xuất gia mà chủ nợ đến đòi, nếu món nợ ít thì lấy y bát của người ấy trả cho chủ nợ. Nếu không đủ thì phải đem y bát của mình mà trả. Hoặc xin thêm để giúp vào mà trả. Nếu số nợ nhiều không thể trả nổi, thì nên nói: "Trước đây ta đã hỏi ngươi có mắc nợ hay không thì ngươi nói là không mắc nợ, vậy ngươi hãy tự đi xin tiền của để trả nợ người ta". Tóm lại, người mắc nợ không nên cho xuất gia. nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Cho đến... phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là mắc nợ.

27/ Bị bệnh.

Khi Phật an trú tại vườn Trúc Ca Lan Đà, thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có một người bệnh đến chỗ lương y Kỳ-vức, nói như sau:

- Kỳ-vức, trị bệnh cho tôi rồi Tôi sẽ trả cho ông năm trăm lượng vàng và hai cây lụa mỏng.

- Tôi không thể trị. Tôi chỉ trị cho hai hạng bệnh nhân: Một là đức Phật, Tỉ-Kheo Tăng; hai là nhà vua và các phu nhân hậu cung của vua.

Người bệnh liền đi đến phòng Nan Đà, Ưu Ba nan Đà. Tới rồi, Nan Đà hỏi:

- Lão trượng, bốn đại có điều hòa không?

- Bị bệnh, không được điều hòa. Tôi đến chỗ Kỳ-vức, dùng năm trăm lượng vàng, hai cây lụa mỏng thuê ông trị bệnh mà ông không chịu trị, lại nói: "Tôi chỉ trị hai hạng bệnh nhân: Phật, Tỉ-Kheo Tăng và nhà vua cùng các phu nhân hậu cung".

- Ông bỏ năm trăm lượng vàng, hai cây lụa mỏng làm chi cho uổng. Ông chỉ cần bỏ hai thứ: một là bỏ tóc, hai là bỏ y phục thế tục là được.

- Thưa Thầy, thầy muốn Tôi xuất gia sao?

- Dĩ nhiên.

Nan Đà liền độ ông ta xuất gia cho Thọ cụ túc. Thế rồi, sáng sớm thầy khoác y thường mặc, đi đến nhà Kỳ-vức, nói như sau:

- Đồng tử, tôi có đệ tử đồng hành bị bệnh, hãy trị giúp giùm tôi.

- Được thôi. Con định đem thuốc đến đây.

Kỳ-vức bèn mang thuốc đến tu viện, thấy người bệnh, ông nhận diện ra ngay, liền hỏi:

- Tôn giả đã xuất gia rồi sao?

- Vâng.

- Tốt lắm. Giờ tôi sẽ trị bệnh cho Thầy.

Thế rồi, Kỳ-vức liền dùng thuốc chữa trị. Khi trị lành còn đem hai cây lụa mỏng cúng dườngcầu chúc: "Mong tôn giả hãy sống trong Phật pháp tịnh tu phạm hạnh".

Người bệnh ấy nhận vật cúng dường rồi liền bãi đạo, cởi áo ca sa, mặc hai tấm lụa mỏng, đi vào trong đường hẻm, chửi xéo như sau: "Lương y Kỳ-vức có rất nhiều con. Tôi đem năm trăm lượng vàng, hai cây lụa mỏng thuê ông trị bệnh mà ông không chịu trị. Nhưng khi thấy tôi xuất gia liền chữa trị, lại còn cúng dường nữa chứ".

Kỳ-vức nghe thế, lòng rất căm hận, liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, người bệnh kia nhờ con mới được sống mà trái lại còn nhục mạ con. Bạch Thế Tôn, con là Ưu-bà-tắc, vì muốn cho Phật pháp được tăng trưởng, kính xin Thế Tôn từ nay về sau đừng cho các Tỉ-Kheo [420c] độ người bệnh xuất gia".

Bấy giờ, Thế Tônđồng tử Kỳ-vức tùy thuận thuyết pháp, chỉ bảo những điều lợi ích, khiến ông hoan hỉ, đảnh lễ dưới chân rồi ra đi. Thế rồi, Thế Tôn đi đến chỗ có đông các Tỉ-Kheo, trải tọa cụ ngồi, thuật lại đầy đủ sự việc kể trên cho các Tỉ-Kheo nghe. Đoạn, Phật nói: 

--"Từ này về sau, những người bệnh không nên cho xuất gia. bệnh nghĩa là bệnh ghẻ, bệnh lở lóet, bệnh hủi, bệnh ung thư, bệnh trĩ, bệnh đái tháo, bệnh vàng da, bệnh sốt rét, bệnh suyển, bệnh gầy còm, bệnh điên cuồng, bệnh nhiệt, bệnh phong thũng, thủy thũng, bụng chướng v.v..., nói chung, nếu uống thuốc chưa bình phục thì không nên cho xuất gia. Nếu bệnh sốt rét trong vòng từ một đến bốn ngày mà không tái phát thì nên cho xuất gia. Tóm lại, nếu là người bệnh thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, Thọ cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là bệnh.

28/ Ngoại đạo.

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-Kheo độ ngoại đạo xuất gia. Sau khi xuất gia, hễ ai nói về những thói xấu của ngoại đạo như: Ngoại đạo không có lòng tin, tà kiến, phạm giới, không có tàm quí. Khi nghe chê bai về những thói xấu của ngoại đạo như thế, thì ông ta liền bênh vực: "Nầy trưởng lão, chớ nói như thế. Trong hàng ngũ ấy cũng có những bậc hiền Thiện, cũng giữ giới. Tất cả đều đạt được Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán".

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-Kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Vì sao ngoại đạo chưa được thử thách mà ông cho họ xuất gia? Từ nay về sau, nếu ngoại đạo chưa được thử thách, thì không nên cho xuất gia. Nếu ngoại đạo đến xin xuất gia thì phải cho họ sống chung trong bốn tháng để thử thách. Vị Tỉ-Kheo nhận họ phải bạch Tăng. Khi bạch Tăng rồi, trước hết Tăng nên cho vị ấy pháp yết-ma cầu thính, rồi sau mới cho cầu xin. Người làm yết ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp ngoại đạo muốn xuất gia theo giáo pháp của Như Lai. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho mỗ giáp ngoại đạo xin sống bốn tháng trong Tăng để thử thách.

Xin các đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp ngoại đạo muốn xin sống bốn tháng trong Tăng để thử thách.

Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Thế rồi người nầy phải theo Tăng xin như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Con là ngoại đạo mỗ giáp, muốn xuất gia Thọ cụ túc trong giáo pháp của đức Như Lai. Con là mỗ giáp theo Tăng xin sống bốn tháng thử thách. Kính xin chư đại đức Tăng thương xót cho con sống bốn tháng. (xin như vậy ba lần).

Thế rồi, Thầy yết-ma nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. [421a] Ngoại đạo mỗ giáp muốn xuất gia, Thọ cụ túc trong giáo pháp Như Lai, đã xin Tăng bốn tháng thử thách. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay Tăng cho ngoại đạo mỗ giáp sống bốn tháng thử thách. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Ngoại đạo mỗ giáp muốn xuất gia Thọ cụ túc trong giáo pháp của đức Như Lai, đã theo Tăng xin bốn tháng thử thách. Tăng nay cho ngoại đạo mỗ giáp sống bốn tháng thử thách. Đại đức nào bằng lòng Tăng cho ngoại đạo mỗ giáp sống bốn tháng thử thách thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói.

Tăng đã bằng lòng cho ngoại đạo mỗ giáp sống bốn tháng thử thách xong, vì Tăng đã im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Sau khi làm yết-ma xong, nếu người nầy có thể theo Tăng làm các công việc như Sa-di, thì xếp dưới Sa-di theo thứ tự lấy thức ăn. Nếu không thể làm việc được thì nên bảo: "Ông tự tìm lấy Thức ăn". Thế rồi, hằng ngày nên chỉ trích ngoại đạotrước mặt y như sau: Ngoại đạo không có niềm tin, tà kiến, phạm giới, không biết hổ thẹn v.v. khi chỉ trích các điểm như vâïy mà y nói: "Trưởng lão đừng nói như vậy, trong hàng ngũ ấy cũng có người hiền Thiện, có người giữ giới, tất cả đều đạt được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán", thì nên nói với y: "Ngươi hãy trở về nơi đó mà cầu A-la-hán". Nếu y nói: "Đúng như Trưởng lão nói, ngoại đạotà kiến, (cho đến...) không biết xấu hổ, gây nghiệp địa ngục, xin Trưởng lão hãy cứu vớt con". Đồng thời qua bốn tháng thử thách mà tâm y bất động không dời đổi thì nên cho xuất gia. Nếu nửa chừng mà được Thánh pháp thì chấm dứt sự thử thách. Nếu người ấy bỏ hình thức ngoại đạo mặc sắc phục của người đời đến xin xuất gia thì nên cho xuất gia. Nếu họ mặc hình thức ngoại đạo đến mà không cho bốn tháng thử thách, liền cho xuất gia, Thọ cụ túc, thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là ngoại đạo .

29/ Trẻ con.

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, bên cây ni-câu-luật, nước Ca-duy-la-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có đồng tử con nhà họ Thích cha mẹ không cho mà các Tỉ-Kheo độ cho xuất gia. Sau đó, các đứa con còn lại khi cha mẹ dạy bảo, thì chúng giận dữ, nói: "Đức Thế Tôn lúc sắp trở thành Chuyển Luân Thánh Vương, còn bỏ nhà xuất gia, con còn luyến tiếc điều gì mà không xuất gia?". Khi ấy, các người họ Thích liền đến chỗ vua Bạch Tịnh tâu rằng: "Tâu đại vương, con của tôi không cho mà các Tỉ-Kheo độ cho xuất gia, cho nên những đứa còn lại không thể dạy bảo được. Nếu có dạy bảo chúng, thì chúng hậm hực, nói: "Đức Thế Tôn khi sắp trở thành Chuyển Luân Thánh Vương mà còn bỏ đi xuất gia, thì con còn luyến tiếc điều gì mà không xuất gia?". Kính mong đại vương đến Thế Tôn xin một nguyện vọng: "Nếu cha mẹ không cho thì đừng cho xuất gia".

Khi ấy, vua Bạch Tịnh cùng với các người họ Thích đến chỗ Thế Tôn [421b], cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên. Đoạn, nhà vua bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, các đồng tử dòng họ Thích cha mẹ không cho mà các Tỉ-Kheo cho xuất gia. Cho nên những đứa còn lại nếu có dạy bảo điều gì thì chúng hậm hực đòi xuất gia, nói: "Đức Thế Tôn sắp đạt địa vị Chuyển Luân Thánh Vương mà còn bỏ đi xuất gia, vậy thì con còn luyến tiếc thứ gì mà không xuất gia?" Bạch Thế Tôn, cha mẹ nghĩ đến con nhớ thương thấu suốt xương tủy. Tôi cũng đã từng như vậy. Trong thời gian bảy năm Thế Tôn xuất gia, khi ngồi đứng, ăn uống, không lúc nào là tôi không thầm khóc. Kính mong Thế Tôn chế định: Nếu cha mẹ chưa cho phép thì các Tỉ-Kheo đừng cho xuất gia".

Bấy giờ đức Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp cho vua Bạch Tịnh, khiến vua phát tâm hoan hỉ, đoạn, vua cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi ra đi. Khi vua đi không bao lâu, Thế Tôn liền đến chỗ đông đúc các Tỉ-Kheo, trải tọa cụ ngồi, tường thuật lại đầy đủ sự việc kể trên cho các Tỉ-Kheo. Rồi Phật nhấn mạnh

--"Từ nay về sau (đứa con nào) cha mẹ không cho phép thì không nên cho xuất gia. Con gồm có ba loại: Con ruột, con nuôi và con đến (xin làm con nuôi). Con ruột: tức là con do cha mẹ sinh. Con nuôi: tức cha mẹ xin trẻ con còn nhỏ đem về nuôi dưỡng. Con tự đến: tức người tự đến nương tựa xin làm con. Ở đây, con ruột thì nước nầy không cho phép (cha mẹ không cho mà độ họ xuất gia) mà các nước khác cũng không cho phép. Còn con nuôi và con tự đến xin nương tựa, thì nước nầy không cho phép, nhưng các nước khác thì cho phép. Tóm lại, nếu đứa con cha mẹ không cho thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, Thọ cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là con.

30/ Đầy tớ.

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, dưới cây Ni-câu-luật, nước Ca-duy-la-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một người đầy tớ của dòng họ Thích, chủ nhà không đuổi mà các Tỉ-Kheo độ y xuất gia. Do thế, bọn đầy tớ còn lại khi được chủ nhà dạy bảo, phân công công việc, chúng không chịu phục tùng mà hậm hực, nói: "Tôn giả Xiển Đà mà còn xuất gia, thì tôi còn luyến tiếc thứ gì, thà bỏ đi xuất gia còn được người ta lễ bái cung kính cúng dường". 

Khi ấy, các người họ Thích bèn đi đến chỗ vua Bạch Tịnh, tâu: "Thưa đại vương, bọn gia nô của chúng tôi, chúng tôi không đuổi mà các Tỉ-Kheo độ họ xuất gia. Do thế, số còn lại khi được phân công công việc thì chúng hậm hực, nói: "Tôn giả Xiển Đà mà còn xuất gia thì tôi còn luyến tiếc thứ gì; bỏ đi xuất gia còn được người ta lễ bái tôn kính cúng dường". Thưa đại vương, dòng họ Thích chúng tôi có nhiều đầy tớ dùng để sai khiến làm các công việc. Kính mong đại vương đến Phật, cầu xin một nguyện vọng: những đầy tớ nào chủ không đuổi thì đừng cho xuất gia". Thế rồi, vua Bạch Tịnh cùng với các người họ Thích đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi sang một bên, đem sự việc kể trên bạch đầy đủ với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chế định rằng từ nay về sau những nô bộc nào chủ không đuổi thì các Tỉ-Kheo đừng cho xuất gia".

[421c] Khi ấy, đức Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp cho vua Bạch Tịnh, khiến ông phát tâm hoan hỉ, rồi vua cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn mà ra về. Khi vua đi không bao lâu, Thế Tôn bèn đi đến chỗ có đông Tỉ-Kheo, trải tọa cụ ngồi, trình bày lại đầy đủ sự việc kể trên với các Tỉ-Kheo. Đoạn, Phật nói: 

--"Từ nay về sau, những nô bộc nào chủ không đuổi thì không nên cho xuất gia. Nô bộc gồm có năm loại: Sanh ra từ trong nhà; mua về; bắt được; người ta cho; tự đến.

1) Sinh ra từ trong nhà: Do tì thiếp trong nhà sinh ra.
2) Mua về: Đem tiền đi mua về.
3) Bắt được: Bắt được quân của nước láng giềng.
4) Người ta cho: Do người khác đem đến cho.
5) Tự đến: Tự đến xin làm nô bộc.

Ở trong đây, ba loại đầy tớ: sinh từ trong nhà, mua về và bắt được thì ở đây không cho phép (nếu chủ không đuổi thì không được độ xuất gia) mà các nơi khác cũng không cho phép. Còn hai loại: do người ta cho, tự đến làm nô bộc, thì ở đây không cho phép, nhưng ở các nơi khác thì cho phép. Tóm lại, nếu gia chủ không đuổi thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai cho họ xuất gia Thọ cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là đầy tớ.

31/ Thân thể dị dạng.

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ-Kheo độ những người mà các phần trên thân thể dị dạng xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ những người thân thể dị dạng? Người xuất gia lẽ ra thân thể phải hoàn hảo, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-Kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Từ nay về sau, những người thân thể dị dạng không nên cho xuất gia. Thân thể dị dạng nghĩa là mắt lé, lưng gù, chân què, gót lệch, răng hô, đầu bự; những người có thân thể dị dạng như vậy không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia Thọ cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là thân thể dị dạng.

32/ Hình dáng xấu xí.

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên, được chư Thiên và người đời cúng dường. Bấy giờ, các Tỉ-Kheo độ những người có hình dáng xấu xí xuất gia, như quá đen, quá trắng, quá vàng, quá đỏ, quá cao, quá lùn, quá lớn, quá bé, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ những kẻ có hình dáng xấu xí xuất gia? Người xuất gia thì hình dáng phải đoan trang, mà những người nầy thì hình dáng xấu xí, không ai thích nhìn cả. Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!". Lại có người chế nhạo: "Những Sa-môn nầy chỉ có hai hạng người họ không độ mà thôi, một là người chết, hai là người không thích xuất gia. Nếu không độ thì đồ chúng không tăng trưởng".

[422a] Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-Kheo ấy đến. Khi Thầy đến, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự kiện kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

--Từ nay về sau, những người có hình dáng xấu xí không nên độ xuất gia. Hình dáng xấu xí nghĩa là quá đen, quá trắng, quá vàng, quá đỏ, quá cao, quá lùn, quá thô, quá bé. Vì lẽ, những kẻ có hình dáng xấu xí thì khi người ta vui vẻ còn không muốn nhìn, huống gì khi người ta tức giận. Do đó, những người có hình dáng xấu xí không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia Thọ cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là những hình dáng xấu xí.

Nếu rơi vào trong 32 trường hợp trên thì không thể gọi là Thọ cụ túc. Trái lại, nếu thanh tịnh, như pháp thì gọi là Thọ cụ túc.

Bây giờ đề cập đến vấn đề yết-ma và việc yết-ma.

YẾT-MA.

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, các Tỉ-Kheo ở Chiêm Ba nổi lên tranh chấp, sống không hòa hợp. Một Tỉ-Kheo cử tội một Tỉ-Kheo, hai Tỉ-Kheo cử tội hai Tỉ-Kheo, nhiều Tỉ-Kheo cử tội nhiều Tỉ-Kheo. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép một người cử tội một người, cho đến nhiều người cử tội nhiều người". Đoạn, Phật nói với các Tỉ-Kheo: "Từ nay về sau nên làm yết-ma.

Yết-ma gồm có: bốn loại yết-ma, hai loại yết-ma, một lần bạch một lần yết-ma, một lần bạch ba lần yết-ma, bốn người làm yết-ma, năm người làm yết-ma, mười người làm yết-ma, hai mươi người làm yết-ma, nếu thành tựu năm điều phi pháp, không hòa hợp thì làm yết-ma xong phải sám hối; nếu thành tựu năm điều như pháp, hòa hợp thì làm yết-ma xong không sám hối".

1/ Bốn loại yết-ma: gồm có: phi pháp hòa hợp yết-ma; như pháp bất hòa hợp yết-ma; như pháp hòa hợp yết-ma; bất như pháp bất hòa hợp yết-ma. Đó gọi là bốn loại yết-ma.

2/ Hai loại yết-ma: Bố-tát yết-ma; cung kính yết-ma. Đó gọi là hai loại yết-ma.

3/ Một lần bạch một lần yết-ma: Gồm có hai mươi tám vấn đề, đó là: 1) Xuất yết-ma; 2) Ngủ không lìa y; 3) Ngủ rời y; 4) Chỉ chỗ làm phòng; 5) Chỉ chỗ làm phòng lớn; 6) Chỉ chỗ làm phòng trước; 7) Người chia bát; 8) Người chia thăm (thẻ); 9) Thử nghiệm ngoại đạo; 10) Cột túi xách vào gậy vác đi; 11) Trông coi giường nệm; 12) Trông coi việc nấu ăn; 13) Trông coi việc phân phối người đi ăn; 14) Trông coi việc chia phòng; 15) Trông coi việc giữ y; 16) Trông coi việc thưởng y; 17) Trông coi việc chia y; 18) Trông coi việc lấy vải; 19) Trông coi việc cắt vải; 20) Trông coi việc chia vải; 21) Trông coi việc chia hoa; 22) Trông coi việc chia hương; 23) Trông coi việc chia quả; 24) Trông coi việc chia nước nóng; 25) Trông coi việc chia bánh; 26) Trông coi việc tùy ý cử tội; 27) Trông coi việc chia cháo; 28) Trông coi việc chia các vật lặt vặt. Đó gọi là 28 việc.

4/ [422b] Một lần bạch ba lần yết-ma: Gồm có tám trường hợp, đó là: 1) Chiết phục; 2) Không nói; 3) Tẫn xuất; 4) Phát hỉ; 5) Cử tội; 6) Biệt trú; 7) Ma-na-đỏa; 8) Xuất tội. Đây thuộc về một lần bạch ba lần yết-ma.

5/ Yết-ma gồm bốn người: Như Yết-ma Bố-tát và các trường hợp cử người thì bốn người có thể làm được. Đó gọi là yết-ma gồm bốn người.

6/ Yết-ma gồm năm người: Gồm các trường hợp: Thọ Tự tứ; Thọ cụ túc ở Thâu-na biên địa; tất cả các tội Ni-tát-kì thì năm người có thể làm được. Đó gọi là yết-ma gồm năm người.

7/ Yết-ma gồm mười người: Gồm các trường hợp: Tỉ-Kheo Thọ cụ túc; Tỉ-Kheo-ni thọ cụ túc, thì mười người được làm. Đó gọi là yết-ma gồm mười người.

8/ Yết-ma gồm hai mươi người: Xuất tội Tỉ-Kheo, xuất tội Tỉ-Kheo-ni (?) thì hai mươi người được làm. Đó gọi là yết-ma gồm hai mươi người.

9/ Làm yết-ma trong năm trường hợp phi pháp thì làm xong phải sám hối: 1) Đương sự không hiện diện; 2) Không hỏi; 3) Không nêu lỗi; 4) Làm phi pháp; 5) Không hòa hợp. Đó gọi là làm yết-ma trong năm trường hợp phi pháp, làm xong phải sám hối.

10/ Làm yết-ma trong năm trường hợp như pháp, làm xong không sám hối: 1) Đương sự hiện diện; 2) Có hỏi; 3) Hỏi xong bèn nêu lỗi; 4) Làm đúng pháp; 5) Tăng hòa hợp. Đó gọi là làm yết-ma thuộc năm trường hợp đúng pháp, làm xong không sám hối.

Trường hợp nào cần hai mươi người làm yết-ma thì mười người làm không thành tựu. Trường hợp cần mười người làm yết-ma thì năm người làm không thành tựu. Trường hợp cần năm người làm yết-ma thì bốn người làm không thành tựu. Trường hợp cần một lần bạch ba lần yết-ma thì một lần tác bạch không thành tựu. Trường hợp cần một lần bạch một lần yết-ma thì một lần bạch không thành tựu. Trường hợp đơn bạch yết-ma mà làm yết-ma cầu thính thì không thành tựu.

Trái lại, cần làm yết-ma cầu thính mà tác bạch thì thành tựu. Cần tác bạch yết-ma mà bạch nhất yết-ma thì thành tựu. Cần bạch nhất yết-ma mà bạch Tam yết-ma thì thành tựu. Cần làm yết-ma với bốn người mà làm yết-ma với năm người thì thành tựu. Cần làm yết-ma với năm người mà làm yết-ma với mười người thì thành tựu. Cần làm yết-ma với mười người mà làm yết-ma với hai mươi người thì thành tựu. Đó gọi là yết-ma.

VIỆC YẾT-MA

1/ Việc yết-ma Tỉ-Kheo Thọ cụ túc; 2/ Việc yết-ma Tỉ-Kheo-ni Thọ cụ túc; 3/ Việc yết-ma Chi mãn; 4/ Việc yết-ma già pháp thanh tịnh; 5/ Việc yết-ma bất cụ túc thanh tịnh; 6/ Việc yết-ma không sinh giới; 7/ Việc yết-ma tội căn; 8/ Việc yết-ma không xả căn; 9/ Việc yết-ma xả căn; 10/ Việc yết-ma hòa hợp căn.

1/ Việc yết-ma Tỉ-Kheo Thọ cụ túc:

Người Thọ cụ túc cầu xin Hòa Thượng; Hòa Thượng dạy tìm y bát; dạy cầu Tăng chúng; dạy cầu giới sư; dạy cầu Thầy giáo Thọ dạy bảo ở chỗ thanh vắng. Do các việc ấy phát sinh ra yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy [422c] đều thuộc về việc yết-ma Thọ cụ túc của Tỉ-Kheo.

2/ Việc yết-ma Tỉ-Kheo-ni Thọ cụ túc:

Khi Tỉ-Kheo-ni cho giới tử Thọ cụ túc xong, liền dẫn đến giữa chư Tăng, Tăng nên hỏi Tỉ-Kheo-ni: "Giới tử thanh tịnh, không có già nạn đấy chứ?" Giới sư Ni đáp: "Thanh tịnh". Do các việc ấy phát sinh yết-ma và bạch yết-ma. Hai việc đó đều thuộc về trường hợp yết-ma khi Tỉ-Kheo-ni Thọ cụ túc.

3/ Việc yết-ma chi mãn:

Người Thọ giới cụ túc đã cầu Hòa Thượng, Hòa Thượng đã dạy tìm y bát, dạy cầu thỉnh chúng Tăng, dạy cầu thỉnh giới sư, dạy cầu thỉnh Thầy giáo Thọ để dạy bảo ở chỗ thanh vắng, Thầy giáo Thọ dẫn giới tử vào giữa Tăng, xin Tăng Thọ cụ túc, hỏi về các già nạn, nói về bốn pháp y cứ. Do các việc đó mà phát sinh yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy được gọi là việc yết-ma Chi mãn.

4/ Việc yết-ma già pháp thanh tịnh.

Việc ngăn cản hợp lệ. Do vấn đề nầy sinh ra yết-ma và bạch yết-ma. Hai việc nầy đều thuộc về việc yết-ma già pháp thanh tịnh (ngăn cản hợp lệ).

5/ Việc yết-ma không đủ thanh tịnh.

Do các chi tiết không hợp lệ mà phát sinh ra yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma không đủ thanh tịnh (không hợp lệ).

6/ Việc yết-ma không sinh giới .

Phá hoại Tịnh hạnh của Tỉ-Kheo-ni, sống trong tăng với tâm trộm pháp, kẻ lừa đảo, mắc tội ngũ nghịch, phạm tội Ba-la-di, Sa-di có tà kiến. Do các việc nầy phát sinh yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma không sinh giới (không phát huy giới thể).

7/ Việc yết-ma tội căn:

Gồm năm Thiên tội là Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dạ-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Việt-tì-ni. Do các việc nầy phát sinh ra yết-ma và bạch yết ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma tội căn.

8/ Việc yết-ma không xả căn.

Tỉ-Kheo được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần, ở giữa chúng Tăng ba lần mà không bỏ lỗi lầm, do đó, phát sinh ra yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma không xả căn (bỏ gốc tội).

9/ Việc yết-ma xả căn.

Người được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần, khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần liền bỏ gốc của tội. Do các việc nầy phát sinh yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma xả căn (bỏ gốc của tội).

10/ Việc yết-ma hòa hợp căn:

Tỉ-Kheo Tăng tập họp phát thẻ, người không đến thì gởi dục, xướng việc Tăng hòa hợp, do các việc nầy phát sinh ra yết-ma và bạch yết-ma. Hai vấn đề nầy đều thuộc về việc yết-ma hòa hợp

Các vấn đề vừa nêu thuộc về việc yết-ma. (Bây giờ đến các pháp yết-ma khác).

1.Yết ma chiết phục:

Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, các Tỉ-Kheo tại Chiêm-ba tranh chấp, cãi vã nhau, sống không hòa hợp. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến [423a] bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Nên cho phép yết-ma chiết phục". Pháp yết-ma chiết phục nầy gồm có tất cả năm việc, được Phật chế định tại thành Xá-vệ. Đó là: 1) Tám trường hợp quan hệ thân mật; 2) Thường thường phạm tội; 3) Đi đến những bạn bè xấu ác tại chỗ không nên đến mà đi sớm về trễ; 4) Tranh chấp cãi vã nhau; 5) Tôn kính người nhỏ tuổi.

(1) Tám trường hợp quan hệ thân mật:

a. Khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, Tỉ-Kheo Từ Địa dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật (với người khác).

Dùng thân quan hệ thân mật nghĩa là cùng ngồi chung một giường, ngủ chung một giường, ăn chung một bát, mặc chung y phục, cùng đi cùng về. Đó gọi là dùng thân quan hệ thân mật.

Dùng miệng quan hệ thân mật nghĩa là hai bên có tâm ô nhiễm, nói những lời quyến luyến nhau. Đó gọi là dùng miệng quan hệ thân mật.

Dùng thân miệng quan hệ thân mật nghĩa là cùng ngồi một giường, ngủ một giường, ăn một bát, mặc y phục chung, cùng đi cùng về. Khi nói, thì nói những lời quyến luyến nhau với tâm ô nhiễm. Đó gọi là dùng thân miệng quan hệ thân mật.

Thế rồi, các Tỉ-Kheo khuyên can: "Trưởng lão Tỉ-Kheo Từ Địa, thầy đừng dùng thân quan hệ thân mật, dùng miệng quan hệ thân mật, dùng thân miệng quan hệ thân mật (với người khác)". Khuyên can như vậy một lần không bỏ, thậm chí đến ba lần cũng không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Nếu Tỉ-Kheo Từ Địa nầy dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật (với người khác) mà khuyên can ba lần không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật (với người khác). Thầy yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo từ Địa dùng thân quan hệ thân mật (với người khác), đã được khuyên can ba lần mà không bỏ. Tăng nay cho Tỉ-Kheo Từ Địa pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật (với người khác). Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo từ Địa dùng thân quan hệ thân mật với người khác, Tăng đã khuyên can ba lần mà không bỏ. Nay Tăng cho Tỉ-Kheo Từ Địa pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật với người khác. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỉ-Kheo Từ Địa pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật với người khác, thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.)

Tăng đã bằng lòng cho Tỉ-Kheo Từ Địa pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật với người khác, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy như vậy.

Vấn đề dùng miệng quan hệ thân mật, dùng thân miệng quan hệ thân mật cũng nói như thế.

b. Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, bấy giờ Ưu-đà-di dùng thân quan hệ thân mật, dùng miệng quan hệ thân mật, dùng thân miệng quan hệ thân mật với Tỉ-Kheo-ni Hiếu Sinh. Dùng thân quan hệ thân mật nghĩa là tay nắm trong tay, cùng ngồi, cùng mặc chung y phục. Đó gọi là dùng thân quan hệ thân mật.

Dùng miệng quan hệ thân mật nghĩa là nói những lời quyến luyến với nhau bằng tâm ô nhiễm. Đó gọi là dùng miệng quan hệ thân mật.

[423b] Dùng thân miệng quan hệ thân mật nghĩa là tay nắm trong tay cùng ngồi, cùng mặc chung y phục, dùng tâm ô nhiễm nói với nhau bằng những lời quyến luyến. Đó gọi là thân miệng quan hệ thân mật.

Khi ấy, các Tỉ-Kheo khuyên can: "Trưởng lão Ưu-đà-di, thầy đừng dùng thân quan hệ thân mật, dùng miệng quan hệ thân mật, dùng thân miệng quan hệ thân mật với Tỉ-Kheo-ni Hiếu Sinh". Khuyên can một lần, hai lần, ba lần như vậy mà không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-Kheo: "Ông Ưøu-đà-di nầy với Tỉ-Kheo-ni Hiếu Sinh dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mậtcan gián ba lần không bỏ thì Tăng nên cho pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Thầy Ưu-đà-di nầy với Tỉ-Kheo-ni Hiếu Sinh dùng thân quan hệ thân mật, Tăng đã khuyên can ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Ưu-đà-di pháp yết-ma chiết phục về việc dùng thân quan hệ thân mật. Đây là lời tác bạch.

Bạch xong, ba lần yết-ma, cho đến... Vì Tăng bằng lòng nên im lặng, tôi ghi nhận như vậy.

Về miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật cũng nói như trên.

chúng sinh). Lại nữa, lúc bấy giờ Tỉ-Kheo Bạt-đà-lê với Tỉ-Kheo-ni Bạt-đà-thi-lê dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật, cũng giống như trong trường hợp Ưu-đà-di ở trên đã nói rõ.

d. Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-Kheo Tô Tì Đề cùng với Tỉ-Kheo-ni Tô Tì Đề Di sống quan hệ thân mật về thân, quan hệ thân mật về miệng, quan hệ thân mật về thân miệng như trong trường hợp Tỉ-Kheo-ni Hiếu Sinh ở trên đã nói rõ.

đ. Lại nữa, bấy giờ có Tỉ-Kheo đến nhà cư sĩ cùng với vợ ông dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật. Thân quan hệ thân mật nghĩa là cùng với phụ nữ tay nắm trong tay cùng ngồi, đem hương, hoa, quả, dưa đưa cho nhau, nhờ người khác làm liên lạc. Đó gọi là dùng thân quan hệ thân mật.

Miệng quan hệ thân mật nghĩa là nói với nhau bằng những lời quyến luyến với tâm ô nhiễm. Đó gọi là miệng quan hệ thân mật.

Thân miệng quan hệ thân mật thì giống như hai trường hợp trên đã nói đầy đủ. Đó gọi là thân miệng quan hệ thân mật.

Khi ấy, các Tỉ-Kheo khuyên can: "Trưởng lão, Thầy đừng dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật với đàn bà", khuyên can như vậy đến ba lần mà không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cũng như trường hợp Ưu-đà-di đã nói rõ ở trên.

e. Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, bấy giờ có Tỉ-Kheo cùng với người bất năng nam (lại cái) dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật. Thân quan hệ thân mật nghĩa là tay nắm trong tay, cùng ngồi, cùng đi cùng về. Đó gọi là thân quan hệ thân mật.

Miệng quan hệ thân mật nghĩa là [423c] nói với nhau bằng những lời thân thiện với tâm ô nhiễm. Đó gọi là miệng quan hệ thân mật.

Thân miệng quan hệ thân mật thì như hai việc trên đã nói đầy đủ. Đó gọi là thân miệng quan hệ thân mật.

Khi ấy, các Tỉ-Kheo khuyên can: "Trưởng lão, Thầy đừng dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật với kẻ bất năng nam". Khuyên can như vậy đến ba lần mà không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cũng như trường hợp Ưu-đà-di ở trên đã nói rõ.

g. Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Ưu-đà-di với đệ tử đồng hành, dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật, cũng như trong trường hợp Tỉ-Kheo Từ Địa ở trên đã nói rõ.

h. Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Xiển Đà dùng thân quan hệ thân mật, miệng quan hệ thân mật, thân miệng quan hệ thân mật với đồng tử, cũng như trong trường hợp Tỉ-Kheo Từ Địa ở trên đã nói rõ.

Trên đây là tám trường hợp sống quan hệ thân mật.

(2) Thường thường phạm tội:

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-Kheo Thi Lợi Da Bà thường thường vi phạm các tội thuộc năm Thiên tội. Các Tỉ-Kheo khuyên can rằng: "Trưởng lão, thầy đừng vi phạm các tội thuộc năm Thiên tội". Được khuyên can như vậy một lần không bỏ, khuyên can lần thứ hai không bỏ, khuyên can đến lần thứ ba cũng không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-Kheo: "Nếu ông Thi Lợi Da Bà thường thường phạm các tội trong năm Thiên tội, thì hãy làm pháp yết-ma chiết phục về việc thường thường phạm tội ấy. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Thi-Lợi Da Bà nầy thường thường phạm tội, đã được khuyên can ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay Tăng cho Tỉ-Kheo Thi Lợi Da Bà pháp yết-ma chiết phục về việc thường thường phạm tội. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Thi-Lợi Da Bà thường thường phạm tội, đã được khuyên can đến ba lần mà không bỏ. Nay Tăng cho Tỉ-Kheo Thi Lợi Da Bà pháp yết-ma chiết phục về việc thường thường phạm tội. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỉ-Kheo Thi Lợi Da Bà pháp yết-ma chiết phục về việc thường thường phạm tội thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy).

Tăng đã bằng lòng cho Tỉ-Kheo Thi Lợi Da Bà pháp yết-ma chiết phục về việc thường thường phạm tội, vì Tăng đã im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Đó gọi là thường thường phạm tội.

(3) Đi vào Thôn xóm quá sớm, đi về quá tối, làm bạn với kẻ xấu, kẻ ác, cùng đi đến những chỗ không nên đến.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-Kheo Ca-lộ đi vào Thôn xóm quá sớm, đi về quá tối, kết bạn với kẻ ác, kẻ xấu, đi đến những nơi không nên đến.

Đi đến quá sớm nghĩa là đi vào Thôn xóm khất thực quá sớm. Đi về quá tối nghĩa là rời khỏi Thôn xóm quá tối. Kết bạn với kẻ ác nghĩa là kết bạn với kẻ quản tượng, chăn ngựa, kẻ cắp, quân ăn cướp, đứa đánh xúc xắc, kết thân với những kẻ như vậy gọi là kết bạn với kẻ ác. [424a] Làm bạn với kẻ xấu thì cũng như các bạn ác kể trên. Đi đến chỗ không nên đến nghĩa là đến nhà đàn bà góa, nhà con gái lớn tuổi chưa có chồng, nhà dâm nữ, nhà kẻ lại cái, Tỉ-Kheo-ni bị tiếng xấu, Sa-di-ni bị tiếng xấu. Đó gọi là đến chỗ không nên đến.

Trong các trường hợp ấy, các Tỉ-Kheo khuyên can: "Trưởng lão, Thầy đừng ra đi quá sớm, trở về quá tối, (cho đến...) đi tới chỗ Sa-di-ni bị tiếng xấu". Nhưng khuyên can một lần, hai lần, ba lần vẫn không bỏ. Do vậy, các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-Kheo: "Nếu Tỉ-Kheo Ca Lộ ra đi quá sớm, trở về quá tối, cho đến đi tới những chỗ không nên đến, rồi được khuyên can đến ba lần mà không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma chiết phục về việc đi vào Thôn xóm quá sớm. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Ca-Lộ đi vào Thôn xóm quá sớm, rồi được khuyên can đến ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Tỉ-Kheo Ca Lộ pháp yết-ma chiết phục về việc đi vào Thôn xóm quá sớm nầy. Đây là lời tác bạch. (bạch xong, ba lần yết-ma, cho đến) Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Vấn đề trở về quá tối, kết bạn với kẻ xấu, kẻ ác, đi đến những chỗ không nên đến (cách khuyên can và làm yết-ma) cũng như thế.

(4) Tranh chấp cãi vã nhau.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-Kheo Mã Túc tự cao, tự đại tranh luận cãi vã với người khác. Các Tỉ-Kheo bèn khuyên can: "Trưởng lão Tỉ-Kheo Mã Túc, Thầy đừng có tranh cãi". Khuyên can như vậy một lần không bỏ, hai lần, ba lần cũng không bỏ. Các Tỉ-Kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-Kheo: "Khi năm điều sau đây hiện hữu thì biết là sự tranh cãi sẽ phát sinh. Đó là: 1) Yết-ma đúng pháp mà nói là phi pháp; 2) Tập họp đúng pháp mà nói là phi pháp; 3) Xuất tội đúng pháp mà nói là phi pháp; 4) Xả vật đúng pháp mà nói là phi pháp; 5) Kết tội đúng pháp mà nói là phi pháp. Đó gọi là năm điều phi pháp. Trái với năm điều trên thì gọi là đúng pháp. Các Tỉ-Kheo nên khuyên bảo như sau: "Này Trưởng lão, Tỉ-Kheo cần phải thành tựu năm pháp sau đây khi vào trong chúng. Đó là:1) Nói nhỏ nhẹ khi vào trong chúng; 2) Khi nghe yết-ma phải tin tưởng; 3) Đã tin tưởng thì phải tuân hành; 4) Nếu thấy yết-ma không đúng pháp mà không thể ngăn cản được thì nên gởi dục; 5) Nếu không thể gởi dục thì nên cho Tỉ-Kheo ngồi bên cạnh biết là mình không bằng lòng". Khi Tỉ-Kheo nghe những lời khuyên bảo ấy liền nói: "Tôi biết nói năng khéo léo, vì sao phải nói nhỏ khi vào trong chúng? Tôi cũng là kẻ đa văn, vì sao nghe yết-ma liền phải tin? Tôi biết rõ phép tắc, vì sao nghe liền phải tuân hành? Tôi cũng thông thạo yết-ma, vì sao nghe yết-ma không đúng pháp lại không thể ngăn cản mà phải gởi dục? Tôi đã đến được, vì sao phải báo người ngồi bên cạnh biết là mình không bằng lòng? Tôi sẽ ngăn cản".

Phật nói với các Tỉ-Kheo: "Khi năm pháp hiện hữu khiến sự tranh chấp phát sinh, thì Tăng nên làm yết-ma chiết phục. Năm pháp đó là: 1) Tự cao; 2) Tính tình thô lỗ, hung ác; [424b] 3) Nói những lời vô nghĩa; 4) Nói không đúng lúc; 5) Không thân cận với người thiện. Đó gọi là năm pháp hiện hữu Tăng nên làm yết-ma chiết phục. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Mã Túc tự cao, tranh luận cãi vã với người khác, được khuyên can ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Mã Túc về tính tự cao. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Mã Túc tự cao, tranh luận cãi vã với người khác, đã được khuyên can ba lần mà không bỏ. Nay Tăng làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Mã Túc về tính tự cao. Các đại đức nào bằng lòng Tăng làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Mã Túc về tính tự cao thì im lặng. Ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy).

Tăng đã bằng lòng làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Mã Túc về tính tự cao xong, vì Tăng im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Bốn việc sau cũng nói như thế.

(5) Tôn kính người nhỏ tuổi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ-Kheo Xiển Đà độ một chàng trai trẻ xuất gia, rồi tự mình lo cung cấp các thứ. Buổi sáng sớm Thầy đến vấn an, đem đổ đồ đại tiểu tiện và ống nhổ cho y, rồi đem để lại chỗ cũ. Thầy lại xoa bóp thân thể, trao cho y bát, rồi cùng vào xóm làng, nhường cho y đi trước. Khi đến nhà đàn việt, Thầy lại bảo y ngồi ở chỗ cao, nhận phần cúng dường trước. Khi y ăn xong, Thầy lấy bát đem rửa sạch rồi cất lại chỗ cũ, đồng thời nhuộm y, hơ bát, trải giường nệm cho y. Khi đêm đến, Thầy thắp đèn, đem ống nhổ và bô đại tiểu tiện đến cho y. Các Tỉ-Kheo thấy thế bèn khuyên can: "Nầy trưởng lão, thầy đừng cung cấp cho người trẻ, người trẻ phải cung cấp cho thầy chứ". Thầy đáp: "Đúng như trưởng lão nói. Nhưng chàng trai trẻ nầy trước kia vốn là nhạc sĩ xuất gia, cho nên tôi rất ái mộ, tôn kính và tự thấy hổ thẹn, phải lo cung cấp cho y".

Các Tỉ-Kheo khuyên can như vậy một lần không bỏ, rồi khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng không bỏ. Do thế, các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Xiển Đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự việc kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Này kẻ ngu si! Đối với Như Lai, ông không ái mộ, tôn kính, hổ thẹn, tùy thuận, mà trái lại, đối với anh chàng tuổi trẻ, ông lại tỏ ra ái mộ, tôn kính, hổ thẹn, tùy thuận như thế.

Đoạn, Phật bảo các Tỉ-Kheo: "Vì Tỉ-Kheo Xiển Đà ái mộ người còn trẻ, vậy Tăng nên làm yết-ma chiết phục về việc ái mộ, cung cấp cho người còn trẻ. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà ái mộ, tôn kính cung cấp hầu hạ người còn trẻ, đã được khuyên can ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc ái mộ, cung cấp [424c] cho người còn trẻ. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà ái mộ, cung cấp cho người còn trẻ, đã được khuyên can ba lần mà không bỏ. Tăng nay làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc ái mộ, cung cấp cho người còn trẻ. Các đại đức nào bằng lòng Tăng làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc ái mộ, cung cấp cho người còn trẻ thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là lần yết-ma thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng làm yết-ma chiết phục Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc ái mộ, cung cấp cho người còn trẻ, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Về các vấn đề tôn kính, hổ thẹn, tùy thuận cũng nói như thế. Đó gọi là yết-ma chiết phục.

2. Yết-ma không nói chuyện.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-Kheo Mã Túc đã được Tăng làm yết-ma chiết phục mà không tuân hành, việc đáng làm mà không làm, việc đáng bỏ mà không bỏ. Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Nếu Tỉ-Kheo Mã Túc đã được Tăng làm yết-ma chiết phục mà không tuân hành, việc nên làm thì không làm, việc nên bỏ thì không bỏ, thì Tăng nên làm yết-ma không nói chuyện. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Mã Túc nầy đã được Tăng làm yết-ma chiết phục mà không tuân hành, việc nên làm thì không làm, việc nên bỏ thì không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma không nói chuyện với Tỉ-Kheo Mã Túc. Đây là lời tác bạch. (Bạch xong, ba lần yết-ma, cho đến) Tăng bằng lòng nên im lặng, tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ có một người lẩn thẩn xuất gia, thường phạm các giới nhỏ như ăn riêng chúng, ăn nhiều chỗ, cất thức ăn mà ăn, cùng ăn chung bát với người khác, ngủ cùng phòng với phụ nữ, ngủ chung với người khác quá ba đêm, cùng ngủ chung một giường, cùng ngồi một giường, ăn trái cây không hợp lệ, nhận thịt sống, nhận thóc, nhận vàng bạc. Các Tỉ-Kheo bèn khuyên can: "Trưởng lão, không nên làm những việc đó". Thầy đáp: "Trưởng lão đã bảo tôi, tôi sẽ tuân hành". Các Tỉ-Kheo tự nhủ: "Ông Thầy lẩn thẩn nầy có tâm tu hành". Nhưng sau đó, Thầy thường thường phạm các tội nhỏ như ăn riêng chúng, cho đến nhận vàng bạc. Các Tỉ-Kheo lại khuyên can: "Nầy ông thầy lẩn thẩn, Thầy không nên làm những việc ấy". Thầy đáp: "Trưởng lão đã cho tôi biết, tôi sẽ tuân hành". Thế nhưng, sau đó lại thường thường vi phạm. Các Tỉ-Kheo tự nhủ: "Ông Thầy lẩn thẩn nầy xuất gia mà không biết tri ân, không thuận theo lời chỉ bảo, quanh co, không thật, không muốn tu học". Rồi các Tỉ-Kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Ông Thầy lẩn thẩn ấy xuất gia mà không biết tri ân, không thuận theo lời chỉ bảo, [425a] vậy Tăng nên làm yết-ma không nói chuyện. Người làm yết-ma nên nói như sau 

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Ông Thầy lẩn thẩn nầy xuất gia mà không biết tri ân, không thuận theo lời chỉ bảo. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng làm yết-ma không nói chuyện với ông thầy lẩn thẩn nầy. Đây là lời tác bạch. (bạch xong, ba lần yết-ma, cho đến) Vì Tăng bằng lòng nên im lặng, tôi ghi nhận việc nầy là như vậy. 

Đó gọi là pháp yết-ma không cùng nói chuyện.

3. Pháp yết-ma tẫn xuất.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ nhóm sáu Tỉ-Kheo đang ở tại ấp Ca Thi, làm những việc trái oai nghi, nói những lời trái oai nghi, hành động và nói năng trái oai nghi ; thân làm điều tai hại, miệng nói lời tai hại, thân miệng gây tai hại; thân làm việc tà vạy, miệng nói điều tà vạy, thân miệng đều tà vạy, như trong giới Tăng-già-bà-Thi-sa, khi nhóm sáu Tỉ-Kheo ở thôn Hắc Sơn trên kia đã nói rõ. Đó gọi là yết-ma tẫn xuất.

4. Pháp yết-ma phát hỉ.

Pháp yết-ma nầy gồm có các trường hợp: 1) Hỉ-Ưu Bà Di; 2) Xá-na-giai; 3) Du Ngao Ngư tử; 4) Ca-lộ; 5) Ma-ha-nam; 6) Nhóm sáu Tỉ-Kheo.

(1) Hỉ Ưu Bà Di.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Nan Đà du hành các nước, rồi trở về Xá-vệ. Vào buổi sớm, thầy khoác y thường mặc, cầm bát, đi đến nhà Ưu Bà Di. Hỉ Ưu Bà Di trông thấy, rất hoan hỉ, đon đả chào hỏi: "Lành thay sư phụ! Vì sao mà ít đến quá vậy?", liền mời ngồi. Ngồi xong, Nan Đà nói:

- Tôi ít khi đến, vậy bà định cúng dường thứ gì đây?

- Tùy Thầy cần gì thì cúng dường nấy, hoặc bữa ăn trước, hoặc bữa ăn sau, hoặc cháo, bánh, trái, tùy Thầy cần thứ gì, thì con sẽ làm.

- Tôi cần bữa ăn trước, hãy nấu cho ngon.

- Y theo lời dạy, con sẽ nấu thật ngon, xin thầy sáng mai hãy đến sớm.

Nan Đà nói thế rồi, liền ra đi. Sau đó, Ưu Bà Di sáng sớm thức dậy, sắm sửa bữa ăn sớm ngon lành, trải chỗ ngồi, rồi lần hồi chờ đợi. Nhưng Nan Đà vì nhiều việc nên quên mất, không đến. Ưu Bà Di chờ đợi đã quá giờ mà không thấy đến, bèn chọn những thức ăn ấy thứ nào để dành được thì để dành, thứ nào không để dành được thì ăn. Đợi như thế đến ngày thứ hai, thứ ba vẫn không thấy đến, liền đem ra ăn hết. Tới ngày Thứ tư, Nan Đà mới đến, hỏi: "Ưu Bà Di khỏe chứ?". Ưu Bà Di nổi sùng, nói:

- Sư phụ đã nhận lời mời của con đến ăn bữa ăn sớm, vì sao không tới?

- Ưu Bà Di tức giận sao?

- Tức giận.

- Nếu vậy, tôi xin sám hối.

- Thầy hãy đến sám hối với đức Thế Tôn.

Nan Đà bèn đi đến sám hối với Phật. Phật hỏi: "Vì cớ gì mà sám hối?". Nan Đà liền đem sự việc kể trên bạch đầy đủ với Phật. Phật khiển trách: "Nầy kẻ ngu si! Ưu Bà Di nầy đối với Phật và các Tỉ-Kheo Tăng không hề tiếc rẻ một thứ gì. Vậy, vì sao ông lại nhiễu loạn người ta?". Thế rồi, Phật bảo các Tỉ-Kheo: "Ưu Bà Di nầy là một người có niềm tin kiên cố, thế mà Nan Đà đã nhiễu loạn [425b] khiến cho bà không vui. Vậy nay Tăng nên cho Nan Đà pháp yết-ma phát hỉ. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Nan Đà đã nhiễu loạn người thế tục sinh tâm không hoan hỉ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Nan Đà pháp yết-ma làm cho người thế tục sinh tâm hoan hỉ. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Nan Đà đã nhiễu loạn người thế tục, làm cho họ không hoan hỉ. Tăng nay cho Nan Đà pháp yết-ma làm cho người thế tục sinh tâm hoan hỉ. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cho Nan Đà pháp yết-ma làm cho người thế tục sinh tâm hoan hỉ thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.(lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng cho Nan Đà pháp yết-ma làm cho người thế tục sinh tâm hoan hỉ, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Đó gọi là hỉ Ưu Bà Di (làm cho Ưu Bà Di sinh tâm hoan hỉ).

(2) Xá-na-giai.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, cư sĩ Chất Đế Lệ mời Tăng về cúng dường thuốc. Nhóm sáu Tỉ-Kheo nghe thế, liền bảo nhau: "Cư sĩ mời Tăng về cúng dường thuốc, chúng ta hãy đến thử nghiệm ông ta". Thế rồi đến giờ khất thực, bèn khoác y thường mặc, cầm bát đi đến nhà ấy, chào hỏi nhau xong, liền hỏi:

- Tôi nghe nói cư sĩ mời Tăng về cúng dường thuốc, có thật thế không?

- Đúng như vậy. Thầy cần thuốc sao?

- Tôi cần một gánh xá-na-giai.

- Đợi con tìm có rồi sẽ đưa.

- Kỳ quái, không chuẩn bị thuốc trước mà lại mời Tăng? Ông không biết sao? thuốc của một Tỉ-Kheo uống bằng Thức ăn của con voi chúa to lớn trên núi Tuyết. Ông không thực tâm cúng dường, mà chỉ cầu danh.

- Thưa Thầy, trong kho của nhà vua cũng chưa đủ chừng ấy thuốc, huống gì nhà con, đợi con tìm có rồi sẽ đưa thầy.

- Cho hay không cho tùy ý ông.

Nói xong, Thầy liền bỏ đi. Sau đó, cư sĩ sai người đến xóm Tượng, nước Câu Lân Đề, tìm được Xá Na Giai, bèn đến thưa: "Thưa thầy, con đã tìm được Xá Na Giai Thầy hãy tới lấy". Nghe nói thế, họ bèn nhìn nhau cười khúc khích. Cư sĩ liền chê trách:

- Vì sao lại nhìn nhau cười khúc khích mà không lấy? Những vật sở hữu trong nhà con, đối với Phật và Tỉ-Kheo Tăng không hề tiếc bất cứ một thứ gì, tôn giả vì sao lại thử con?

- Cư sĩ nổi giận sao?

- Nổi giận chứ sao nữa.

- Nếu nổi giận thì tôi xin sám hối.

- Thầy hãy đến đức Thế Tônsám hối.

Như trường hợp hỉ Ưu Bà Di ở trên đã nói rõ.

(3) Du ngao ngư tử.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, cư sĩ Chất Đế Lệ, sắm một trăm món ăn dùng để đãi Tăng. Khi Tăng ăn xong trở về tinh xá, cư sĩ bèn ra lệnh cho vợ con trong nhà: "[425c] Hãy xử lý các thức ẩm thực còn thừa, đem cho các nhà láng giềng, tôi muốn đến thăm viếng đức Thế Tôn". 

Lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-Kheo đang ở trước cổng tinh xá Kỳ-Hoàn, bàn luận về những việc thế tục. Cư sĩ thấy thế, suy nghĩ: "Đây là những kẻ phi giới luật, nhưng nếu ta không đến chào thì họ sẽ oán hận", liền đi tới chào hỏi chúc tụng. Tỉ-Kheo bèn đáp:

- Lành thay đàn việt đã đến đây, giống như thớt voi lớn.

Cư sĩ liền hỏi:

- Hôm nay tôn giả có đến thọ trai nhà con không?

- Có đến thọ trai.

- Thưa tôn giả, thức ănvừa ý không?

- Thật tuyệt vời, chỉ thiếu có một thứ thôi.

- Thiếu thứ gì vậy?

- Nếu được Du diêm ngao ngư tử (một thức ăn nổi danh) thì thí chủ được tiếng tốt trọn vẹn.

- Thưa tôn giả, trước đây con không biết. Nếu biết trước thì con sẽ sắm thật nhiều, để cho mỗi người một bát. Nhưng thưa tôn giả, hãy nghe con nói ví dụ: Trong thời quá khứ, có một bầy gà sống trong rừng Nại Lâm, rồi có một con chồn, bắt ăn thịt dần các con gà trống, cuối cùng, chỉ còn một con gà mái. Sau đó, có con quạ đến giao phối, bèn sinh một gà con. Khi gà con kêu, người chủ bèn đọc kệ:

"Gà nầy chẳng giống ai,
Cha hoang, mẹ dân dã.
Cả hai hợp lại sinh,
Chẳng quạ, cũng chẳng gà.
Nếu muốn học tiếng cha,
Thì là do mẹ sinh.
Nếu học theo tiếng mẹ,
Thì cha lại là quạ.
Học quạ thành tiếng gà,
Học gà thành tiếng quạ,
Quạ, gà đều cùng học,
Cả hai hóa bất thành".

Cũng vậy đó tôn giả, thầy không phải là người thế tục mà cũng chẳng phải kẻ xuất gia.

- Cư sĩ nổi giận sao?

- Nổi giận.

- Nếu nổi giận, thì tôi xin lỗi.

- Hãy đến Thế Tônxin lỗi.

Thế rồi, nhóm sáu Tỉ-Kheo bèn đi đến chỗ Phật, hướng về Ngài mà sám hối. Phật liền hỏi: "Vì cớ gì mà sám hối?". Nhóm sáu Tỉ-Kheo bèn đem sự kiện trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật khiển trách: "Nầy kẻ ngu si, những vật sở hữu trong nhà của cư sĩ Chất-đế-lệ, đối với Phật và các Tỉ-Kheo Tăng, ông không hề luyến tiếc bất cứ một thứ gì, vì sao lại quấy nhiễu ông?" Đoạn, Phật nói với các Tỉ-Kheo: "Ông cư sĩ nầy dùng túc mạng Thông, thấy nhóm sáu Tỉ-Kheo ngày xưa từng làm con của gà và quạ, cho nên nói như thế. Vậy, Tăng nên cho nhóm sáu Tỉ-Kheo pháp yết-ma làm cho người thế tục vui lòng. Cách làm giống như trong trường hợp làm vui lòng Ưu Bà Di ở trên đã nói rõ."

(4) Ca-lộ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ có Tỉ-Kheo đến giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát vào thành khất thực, lần lượt đến cổng một nhà kia, thấy ông chồng [426a] đang ngồi giữa sân, bảo bà vợ:

- Bà hãy cúng dường Thức ăn cho người xuất gia.

- Xuất gia theo đạo nào?

- Xuất gia theo dòng họ Thích.

- Không cho.

- Vì sao không cho?

- Vì người ấy phi phạm hạnh.

Lúc ấy, Tỉ-Kheo nói:

- Này chị em, tôi không phải là người phi phạm hạnh.

- Tôn giả Ca Lộ còn không thể tu phạm hạnh, huống gì là ông mà có thể tu phạm hạnh được sao?

Tỉ-Kheo nghe lời nói ấy, cảm thấy buồn bực không vui, bèn không đi khất thực, trở về tọa thiền. Đến xế, thầy xuất Thiền, thấy thân thể đói khát rã rời, bèn đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ-Kheo, vì sao ông có vẻ đói lả như thế?

- Vì con không được ăn, bạch Thế Tôn.

- Ông không thể đi khất thực sao?

Thầy bèn đem sự kiện kể trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-Kheo: "Tỉ-Kheo Ca Lộ nầy đã làm cho người thế tục không vui, vậy Tăng nên làm yết-ma khiến Ca-lộ phải làm cho người thế tục hoan hỉ, như trong trường hợp làm vui lòng Ưu Bà Di ở trên kia đã nói rõ. Đó gọi là Ca Lộ".

(5) Ma-ha-nam.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ một người họ ThíchMa Ha Nam mời Tăng về nhà cúng dường thuốc. Khi nghe thế, Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà bảo nhau: "Chúng ta đến thử ông nầy chơi". Thế rồi, đến giờ khất thực họ bèn khoác y, đi đến nhà ấy, cùng chào hỏi, rồi nói: 

- Tôi nghe nói đàn việt định mời Tăng về cúng dường thuốc, có đúng thế không?

- Đúng vậy. Nhưng tôn giả cần thuốc sao?

- Vâng. Tôi cần chừng ấy bình sữa, chừng ấy bình dầu, chừng ấy bình mật, chừng ấy đường phèn, chừng ấy rễ thuốc, lá thuốc, hoa thuốc, trái thuốc.

- Thưa tôn giả, ngay ngày hôm nay thì không thể có chừng ấy thuốc, phải tìm rồi mới đưa được.

Nan Đà liền nói:

- Sao kỳ vậy, Đàn việt không chuẩn bị thuốc trước mà lại mời các Tỉ-Kheo Tăng. Ông không biết sao, thuốc một Tỉ-Kheo uống bằng Thức ăn của một thớt voi lớn trên núi tuyết kia chứ? Ông không muốn cúng dường mà chỉ mong cầu danh thôi.

- Thưa tôn giả, trong kho của vua còn chưa đủ chừng ấy thuốc huống gì nhà con, để con tìm đủ rồi con sẽ đưa cho.

- Cho hay không cho mặc ý ông.

Nói thế xong, thầy liền bỏ đi. Sau đó, cư sĩ tìm được thuốc, liền đến bạch: "Thưa tôn giả, hôm nay Thầy có thể đến lấy". Hai người nghe thế, bèn nhìn nhau cười chúm chiếm. Đàn việt liền chê trách: "Vì sao lại thử con rồi nhìn nhau mà cười? Khi chưa có thì đến đòi gấp rút, bây giờ tìm có rồi thì lại không lấy". Nan Đà nói:

- Đàn việt nổi giận sao?

- Nổi giận.

- Nếu nổi giận thì tôi xin sám hối.

- Thầy hãy đến Thế Tônsám hối.

Nan Đà bèn đi đến chỗ Phật sám hối. Phật hỏi: "Vì cớ gì mà sám hối?". Thầy liền đem sự việc trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Đức Phật khiển trách: "Nầy kẻ ngu si. [426b] Những vật sở hữu trong nhà của Ma-ha-nam, đối với Phật và các Tỉ-Kheo Tăng, ông không hề tiếc rẻ một thứ gì, vì sao lại quấy nhiễu ông ta?" Đoạn, Phật nói với các Tỉ-Kheo: "Tăng nên cho Nan Đà pháp yết-ma làm cho người thế tục vui lòng, như trường hợp làm vui lòng Ưu Bà Di ở trên đã nói rõ". Đó gọi là Ma Ha Nam.

(6) Nhóm sáu Tỉ-Kheo.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ nhóm sáu Tỉ-Kheo ở tại ấp Ca Thi, thân trái oai nghi, miệng trái oai nghi, thân miệng trái oai nghi; thân làm hại, miệng làm hại, thân miệng làm hại; thân tà mạng, miệng tà mạng, thân miệng tà mạng, cho đến... làm cho người thế tục không hoan hỉ

Phật liền bảo các Tỉ-Kheo: "Tăng nên cho nhóm sáu Tỉ-Kheo pháp yết-ma làm cho người thế tục vui lòng, như trường hợp làm vui lòng Ưu Bà Di ở trên đã nói rõ. Đó gọi là nhóm sáu Tỉ-Kheo.

Tóm lại, trên đây là sáu pháp yết-ma phát hỉ.

"Thọ cụ túc phi pháp,
Chi mãn, không Thanh tịnh.
Yết-ma, sự yết-ma,
Chiết phục, không nói chuyện.
Tẫn xuất, phát hoan hỉ.
Hết Bạt-cừ thứ nhất".

5. Yết-ma cử tội.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội trong năm Thiên tội. Các Tỉ-Kheo liền nói:

- Trưởng lão, Thầy có thấy tội nầy không?

- Không thấy. Thầy hỏi tôi thấy hay không thấy để làm gì?

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-Kheo: "Tỉ-Kheo Xiển Đà nầy thường phạm các tội trong năm Thiên tội mà tự nói không thấy tội thì Tăng nên làm yết-ma cử tội không thấy tội. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội trong năm Thiên tội mà tự nói không thấy tội. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết-ma cử tội Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc không thấy tội. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội trong năm Thiên tội mà tự nói không thấy tội, Tăng nay làm yết-ma cử tội Tỉ-Kheo Xiển Đà về việc không thấy tội. Đại đức nào bằng lòng thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng làm yết-ma cử tội Tỉ-Kheo Xiển Đàvề việc không thấy tội, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Sau khi Tăng làm yết-ma cử tội xong, Xiển Đà nói với các Tỉ-Kheo: "Thưa trưởng lão, tôi thấy những việc cần phải làm đối với tội ấy nên đã tùy thuận chấp hành. Nay xin Tăng thương xót xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội cho tôi".

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy [426c] đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-Kheo: "Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội trong năm Thiên tội mà tự nói không thấy. Vì muốn cho ông được lợi ích, Tăng đã làm pháp yết-ma cử tội. Những việc cần làm, ông đã tùy thuận chấp hành. Tự nói đã thấy tội. Vậy Tăng nên xả pháp yết-ma cử tội về việc không thấy tội. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội trong năm Thiên tội, mà tự nói không thấy tội. Vì muốn cho Thầy được lợi ích nên Tăng đã cho pháp yết-ma cử tội về việc không thấy tội. Những việc cần làm Thầy đã tùy thuận chấp hành. Nay tự nói đã thấy tội. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Tỉ-Kheo Xiển Đà vào giữa Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội về việc không thấy tội.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà muốn vào giữa Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội về việc không thấy tội. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Thế rồi, người này nên vào giữa Tăng xin như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tôi là Tỉ-Kheo Xiển Đà, thường phạm các tội trong năm Thiên tội, mà nói không thấy. Vì muốn cho tôi được lợi ích, Tăng đã làm pháp yết-ma cử tội không thấy tội. Những gì cần làm, tôi đã tùy thuận chấp hành. Tự nói đã thấy tội. Nay theo Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội. Kính mong đại đức Tăng thương xót, xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội cho tôi. (xin như vậy ba lần).

Thế rồi, người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội thuộc năm Thiên tội, mà tự nói không thấy. Vì muốn cho Thầy được lợi ích, Tăng đã làm pháp yết-ma cử tội không thấy tội. Những gì cần làm Thầy đã tùy thuận chấp hành. Nay thầy tự nói đã thấy tội, nên theo Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội cho Tỉ-Kheo Xiển Đà. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội thuộc năm Thiên tội, mà tự nói không thấy. Vì muốn cho Thầy được lợi ích, Tăng đã làm yết-ma cử tội không thấy tội. Những gì cần làm Thầy đã tùy thuận chấp hành. Nay tự nói đã thấy tội, nên theo Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội. Các đại đức nào bằng lòng Tăng xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội cho Tỉ-Kheo Xiển Đà thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy).

Tăng đã bằng lòng xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội cho Tỉ-Kheo Xiển Đà xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Sau khi Tăng đã xả pháp yết-ma cử tội không thấy tội xong, các Tỉ-Kheo liền nói với Xiển Đà: "Này trưởng lão, tội nầy nên làm đúng như pháp". [427a] Thầy đáp: "Ông dạy tôi làm đúng như pháp để làm gì? Tôi không thể làm".

Các Tỉ-Kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỉ-Kheo: "Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội thuộc năm Thiên tội mà không thể cải hóa đúng như pháp, thì Tăng nên làm yết-ma về việc phạm tội mà không thể cải hóa. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội thuộc năm Thiên tội mà không chịu cải hóa đúng pháp. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Tỉ-Kheo Xiển Đà pháp yết-ma cử tội về việc phạm tội mà không chịu cải hóa đúng như pháp. Đây là lời tác bạch.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-Kheo Xiển Đà thường phạm các tội thuộc năm Thiên tội mà không chịu cải hóa đúng như pháp. Tăng nay cho Tỉ-Kheo Xiển Đà pháp yết-ma cử tội về việc phạm tội mà không chịu cải tạo đúng như pháp. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỉ-Kheo Xiển Đà pháp yết-ma cử tội về việc phạm tội mà không chịu cải hóa đúng như pháp thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng cho Tỉ-Kheo Xiển Đà pháp yết-ma về việc phạm tội mà không chịu cải hóa đúng như pháp xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ hai mươi bốn.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 57523)
29/06/2010(Xem: 52027)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.