Quyển Thứ Ba Mươi Sáu

17/06/201012:00 SA(Xem: 9101)
Quyển Thứ Ba Mươi Sáu

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

Quyển Thứ Ba Mươi Sáu

GIỚI PHÁP CỦA TỈ-KHEO-NI:

NÓI RÕ PHẦN ĐẦU CỦA TÁM BA-LA-DI.

1- GIỚI: DÂM DỤC.

Đức Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lúc ban đầu phát tâm tu đạo nay đã thành tựu, đang an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, nơi thành Ca-duy-la-vệ, được chư Thiên, người đời tôn kính cúng dường, như trên đã nói rõ. Lúc ấy, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di cùng với năm trăm cô gái dòng họ Thích như: Xiển-đà-di, Xiển-đà-ba-la, Đà-bà-xiển-đà, mẹ Xiển-đà v.v..., (514b) đi đến chỗ Phật, cúi đầu, đảnh lễ đứng hầu một bên. Thế rồi, Đại Ái Đạo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Phật ra đời khó gặp, được nghe pháp cũng khó, nay gặp đức Như Lai xuất hiện trên đời, diễn thuyết diệu pháp cam lồ, khiến cho các chúng sinh chứng được đạo quả tịch diệt". Như trong Kinh Đại Ái Đạo xuất gia đã nói rõ. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay về sau, Tỉ-kheo ni Đại Ái Đạo là bậc Thượng tọa của Ni Tăng, phải tuân thủ như thế".

Lúc ấy, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã chế định bốn trọng giới cho các Tỉ-kheo, vậy chúng con có được phép nghe hay không?"

Phật dạy: "Được! Này Cù-đàm-di, nếu một thiện nữlòng tin, muốn được 5 việc lợi ích, cần phải thọ trì hết giới bổn này. Năm việc lợi ích đó là:

1- Nếu một thiện nữlòng tin muốn xây dựng Phật pháp, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.

2- Nếu muốn cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.

3- Nếu muốn không còn nghi ngờ, phải thưa hỏi người khác, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.

4- Nếu muốn làm chỗ nương tựa cho các Tỉ-kheo-ni do phạm tội mà đâm ra sợ hãi, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.

5- Nếu muốn du hóa 4 phương mà không gặp trở ngại, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.

Đó gọi là người thiện nữlòng tin vững chải được 5 điều lợi ích khi giữ gìn giới bổn này. Ngoài ra, như ở phần đầu trong 5 nhân duyên của Tỉ-kheo trên kia đã nói rõ: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng mà thọ (hành) dâm, thậm chí hành dâm với loài súc sinh, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng.

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Là người nữ đủ 20 tuổi chứ không phải không đủ, đã thọ Cụ-túc một cách hoàn hảo giữa hai bộ Tăng, đúng pháp chứ không phải không đúng pháp, hòa hợp chứ không phải hòa hợp, một lần bạch, ba lần yết-ma, không có ai cản trở. Đó gọi là Tỉ-kheo-ni.

Không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng: Như ở phần Tỉ-kheo ở trên đã nói rõ.

Thọ: Thụ hưởng với lòng dục.

Dâm: phi phạm hạnh. Nếu Tỉ-kheo-ni cùng với người nam, bất năng nam, phi nhân nam, súc sinh giống đực đang thức hoặc ngủ, hoặc thây chết hành dâm tại ba chỗ là miệng, đường tiểu tiện hay đường đại tiện, mà trong mỗi trường hợp đều thọ lạc, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng

Ba-la-di: Đối với Pháp trí bị thoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di. Cũng thế, cho đến đối với Tận trí, Vô sinh tríthoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di.

Ba-la-di còn có nghĩa là: Đối với Niết-bàn bị thoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, (514c) đó gọi là Ba-la-di.

Ba-la-di còn có nghĩa là: Đối với phạm hạnh bị thoái hóa, đọa lạc, đó gọi là Ba-la-di.

Ba-la-di còn có nghĩa là: Loại tội mà khi vi phạm không thể phát lồ sám hối được, đó gọi là Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm nhiễm ô muốn nhìn nam giới thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối. Nếu dùng mắt nhìn họ, dùng tai nghe tiếng họ, thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu khỏa thân hướng vào nhau thì phạm tội Thâu-lan; thậm chí, nếu hai căn chạm vào nhau chỉ bằng hạt mè, thì phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni không nói mình trả giới, không nói mình không trả giới, vì giới yếu kém mà làm người thế tục, thì tùy theo mức độ phạm mà kết tội. Nếu làm ngoại đạo thì cũng như thế. Nếu người này lõa thể, người kia mặc y phục, hoặc người kia lõa thể, người này mặc y phục; hoặc cả hai cùng mặc y phục; hoặc cả hai cùng lõa thể; mà hễ hai căn chạm vào nhau chừng một hạt mè thì đều phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng, rồi mặc đồ thế tụcphạm giới, thì tùy theo mức độ vi phạm mà kết tội.

Nếu Tỉ-kheo-ni cưỡng dâm Tỉ-kheo thì Tỉ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di. Nếu khi ấy Tỉ-kheo thọ lạc thì cũng phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni cùng hành dâm thì cả hai đều phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni hành dâm với Sa-di thì Tỉ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di, còn Sa-di phải bị trục xuất. Nếu Tỉ-kheo-ni hành dâm với người thế tục thì cũng như thế.

Nếu Tỉ-kheo-ni cùng với ba loài: người, phi nhân, súc sinh, hành dâm tại ba chỗ là miệng, đường tiểu tiện và đại tiện, trong ba trường hợp: đang thức, ngủ, hoặc là đã chết thì đều phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni ngủ hoặc bị cuồng trí hay nhập định mà có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết mà giai đoạn đầu, giữa và cuối thọ lạc thì phạm tội Ba-la-di. 

Nếu Tỉ-kheo-ni ngủ, bị cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng lúc đầu không thọ lạc mà lúc giữa và cuối có thọ lạc, thì cũng phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni đang ngủ, cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng lúc đầu, lúc giữa không thọ lạc mà cuối thọ lạc thì cũng phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni đang ngủ, cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng giai đoạn đầu, giữa và cuối đều không thọ lạc, thì không có tội.

Thế nào là thọ lạc? Thế nào là không thọ lạc?

Thọ lạc: Ví như người đói mà được các thức ăn mỹ vị, người ấy lấy việc ăn làm lạc thú; lại như người đang khát mà được các thức uống ngon lành; người ấy lấy việc uống làm thú vị; người thọ dục lạc cũng như vậy.

Không thọ lạc: Ví như người ưa sạch sẽ mà phải dùng các thứ thây chết quàng vào cổ, hoặc là phải dùng thanh sắt nóng áp vào mụt nhọt bị vỡ; không thọ lạc cũng như vậy.

Nếu Tỉ-kheo-ni thọ dâm do mua được, do thuê được, do ân nghĩa mà được, do quen biết mà được, do đùa bỡn mà được, do thí nghiệm mà được, (515a) do tò mò mà được, đều phạm tội Ba-la-di. Nhưng nếu vì cuồng trí hay không biết, thì không có tội. Thế nên nói:

- Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng mà thọ dâm, thậm chí với cả súc sinh, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di; không được sống chung với Ni chúng.

Ngoài ra, các giới thứ hai, thứ ba, thứ tư thì giống như trong giới của Tỉ-kheo đã nói rõ.

2- GIỚI: TRỘM CẮP.

-- Nếu Tỉ-kheo-ni lấy vật mà người ta không cho tại thôn xóm hay nơi hoang dã, rồi tùy theo vật đã lấy mà nhà vua hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc trục xuất, nói: "Ôi kẻ nữ nhân! Ngươi là quân trộm cướp, là kẻ ngu si", thì Tỉ-kheo-ni lấy trộm này phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng

3- GIỚI: SÁT NHÂN.

-- Nếu Tỉ-kheo-ni tự tay mình giết người, hoặc đi tìm dao đưa cho họ tự sát, bảo họ chết, khen ngợi sự chết, nói: "Ôi, người ta sống mà xấu xa như thế để làm gì! Thà chết còn hơn sống". Suy nghĩ như thế, tưởng tượng như thế, tìm phương tiện khen ngợi rằng chết là khoái trá. Nhân đó mà họ chết chứ không có lý do nào khác, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di không được sống chung với Ni chúng

4- GIỚI: ĐẠI VỌNG NGỮ.

-- Nếu Tỉ-kheo-ni chưa biết, chưa tỏ rõ, mà tự xưng mình được pháp hơn người, có tri kiến thù thắng của bậc thánh, rằng mình thấy như vậy, biết như vậy, rồi sau đó, hoặc bị thẩm tra, hoặc không bị thẩm tra về việc phạm tội, nhưng muốn được thanh tịnh bèn nói như sau: "Thưa thánh giả! Con không biết mà tự nói là biết, không thấy mà tự nói là thấy. Đó là lời nói hư dối không thật", thì Tỉ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng; ngoại trừ sự tăng thượng mạn.

5- GIỚI: NHIỄM TÂM XÚC CHẠM NAM TỬ.

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, bên cây Ni-câu-loại, nước Ca-duy-la-vệ, đức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ-kheo-ni ở a-luyện-nhã. Nhưng lúc này tại thôn xóm chưa có tinh xá nên Tỉ-kheo-ni Lại-tra đến tạm trú nơi nhà của người họ Thích, rồi dạy kinh cho người con trai của họ. Thân sắc của Tỉ-kheo-ni Lại-tra đoan chính nhưng chưa ly dục, chàng thanh niên kia cũng đoan chính mà chưa ly dục, mỗi ngày chàng đến học kinh ba lần. Lúc ấy, Tỉ-kheo-ni thường thường trông thấy anh ta nên sinh dục tâm nhiễm trước, đến nỗi sinh bệnh, nhan sắc vàng vọt. Các Tỉ-kheo-ni bèn đến vấn an cô:

- Thưa thánh giả, người đau bệnh gì vậy? Có cần thuốc gì không? Nếu cần sữa, dầu, mật, đường phèn thì chúng con sẽ cung cấp.

- Không cần, tự nhiên sẽ khỏi thôi.

Các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng đến vấn an như thế. Đồng thời chàng thanh niên họ Thích kia cũng hỏi cô:

- Thưa thánh giả, người đau bệnh gì vậy? Có cần thuốc gì không thì con sẽ cung cấp cho. Nếu trong nhà có thì con sẽ đưa, nếu không có thì con sẽ đi tìm nơi khác đem về đưa cho thánh giả

- Này hiền hữu, không phải những thứ thuốc ấy có thể chữa khỏi.

- Thưa thánh giả, thế thì bệnh này không phải là thân bệnh mà là tâm bệnh chăng?

- (515b) Đúng như ngươi nói.

- Thế thì bệnh này làm sao cho khỏi?

- Ngươi có muốn cho ta khỏi không?

- Muốn cho khỏi, nhưng người cần thứ gì con sẽ đi tìm về đưa cho?

- Hãy đến đây cùng làm việc ấy với ta.

- Con không dám. Những người xuất gia khác mặc áo cà-sa, con còn không dám sinh tâm như thế, huống gì Ni sư, người mà con tôn trọng?

- Nếu không thể làm như thế, thì chỉ cần ôm ta nói lời âu yếm, ôm chặt ta vuốt ve từ trên xuống dưới.

- Nếu chỉ cần có vậy thì con có thể làm được.

Đoạn, chàng ta đến ôm cô bày tỏ tình cảm, nắm hai cái vú rờ rẫm vuốt ve từ trên xuống dưới, khiến cô thích ý; rồi sau đó cứ thường thường làm như thế. Như đức Thế Tôn đã dạy: "Nghĩ về sắc đẹp luôn luôn thì tâm nhiễm ô sẽ sinh khởi, giống như người nữ tưởng nhớ người nam hay người nam tưởng nhớ người nữ".

Từ đó trở đi, hai người cứ tiếp tục làm như thế không ngừng. Các Tỉ-kheo-ni khác liền đến khuyên can cô:

- Thánh giả đừng làm như thế. Điều đó không được làm.

- Nhưng tôi làm việc ấy lại cảm thấy thích thú.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy trình bày với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo nghe thế liền đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Lại-tra đến. Khi cô đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi đem tâm ô nhiễm cùng với người nam tử có tâm ô nhiễm, xúc chạm, vuốt ve từ vai xuống, từ đầu gối trở lên để tìm lạc thú phải không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này Lại-tra! Đó là việc xấu. Ngươi không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện chê trách dâm dục, rằng dục là thứ rượu mê, dục giống như ngọn lửa dữ đốt hết thiện căn của người, dục là tai họa lớn hay sao? Đồng thời, Ta cũng dùng các phương tiện để khen ngợi ly dục, đoạn dục, vượt qua dục. Vì sao nay ngươi lại làm việc xấu xa ấy? Đó là việc phi pháp, phi luật, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Đoạn, Phật bảo Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại Ca-duy-la-vệ phải tập họp lại tất cả. Sau khi họ đã tập họp xong, đức Thế Tôn bèn đem sự việc vừa rồi nói với các Tỉ-kheo-ni, nhấn mạnh về những tai họa do việc xảy ra vừa rồi. Đồng thời, Ngài tùy thuận thuyết pháp, tuyên bố về 10 lợi íchđức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, vì các đệ tử, chế định việc tụng Ba-la-đề-mộc-xoa. Mười lợi ích đó là:

1- Vì để nhiếp phục Tăng chúng.
2- Vì để nhiếp phục tuyệt đối Tăng chúng.
3- Vì để Tăng chúng được an lạc.
4- Vì để chiết phục những người không biết hổ thẹn.
5- Vì để những người biết hổ thẹn được sống yên ổn.
6- Vì để cho người không tin sinh khởi lòng tin.
7- Vì để cho người đã có niềm tin càng tin tưởng hơn.
8- Vì để cho người đang sống trong pháp luật đoạn tận các lậu hoặc.
9- Vì để cho các lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.
10- Vì để cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, (515c) nhằm mở cửa cam lồ cho chư Thiên và người đời.

Đó là 10 việc lợi ích. Vì 10 việc này mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế định việc tụng Ba-la-đề-mộc-xoa cho các đệ tử. Thế nên, những ai chưa nghe thì hãy nghe, những ai đã nghe rồi thì phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm rờ rẫm vuốt ve người đàn ông với tâm ô nhiễm, từ vai trở xuống, từ đầu gối trở lên để thọ lạc thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Người đàn ông có tâm ô nhiễm: Tức là tâm ái dục.

Từ vai trở uống: Từ vú trở xuống.

Từ đầu gối trở lên: Từ bắp vế trở lên đến rún.

Vuốt ve: Di chuyển bàn tay rờ rẫm.

Thọ lạc: Hưởng thụ khoái lạc.

Nhiễm trước: Tỉ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di.

Ba-la-di: Như trên đã nói.

Không được sống chung: Không được sống với Tỉ-kheo-ni để hưởng pháp thực và vị thực, hễ trước thế nào thì sau cũng thế ấy, hễ sau thế nào thì trước kia cũng thế. Vì phạm tội Ba-la-di nên không được sống chung.

Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm rờ rẫm, vuốt ve người nam cũng có tâm ô nhiễm, từ vai trở xuống, từ đầu gối trở lên để tìm lạc thú, thì phạm tội Ba-la-di, không được sống chung. Nếu làm như vậy với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni dùng tâm ô nhiễm vuốt ve người nam không có tâm ô nhiễm, cũng phạm tội Ba-la-di. Nếu làm như vậy với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni không có tâm ô nhiễmvuốt ve người nam có tâm ô nhiễm thì phạm tội Thâu-lan-giá. Đối với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu Tỉ-kheo-ni không có tâm ô nhiễm mà xúc chạm người nam cũng không có tâm ô nhiễm thì phạm tội Việt tì-ni. Đối với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối.

Nếu Tỉ-kheo-ni bảo người nam cạo đầu thì nên nhờ hai người nữ vịn vào đầu để có cảm giác cái đau do người nữ chứ không phải người nam. Cũng vậy, khi bảo người nam lể đầu chảy máu, hay lể ở tay, ở chân thì nên nhờ người nữ cầm chỗ đó, để có cảm giác cái đau do người nữ chứ không phải do người nam. Nếu từ vai trở lên, từ đầu gối trở xuống có mụt nhọt, nên bảo người nữ cầm giữ rồi nhờ người nam nặn mủ thì không có tội. Nhưng nếu mụt nhọt ở chỗ kín thì không được làm như vậy. Chỗ kín nghĩa là từ vai trở xuống, từ đầu gối trở lên. Nếu tại nơi ấy có bệnh thì nên nhờ người nữ chữa trị. Thế nên nói (như trên).

6- GIỚI: NHIỄM TÂM THÂN CẬN NAM TỬ.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, được chư Thiên, người đời cung kính, cúng dường, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ-kheo-ni Lại-tra-ba-la dạy kinh cho đồng tử Li-xa, cho đến đồng tử nói:

- Những người xuất gia khác mặc áo cà-sa, con còn không dám sinh tâm như thế, huống gì Ni sư là người mà con tôn trọng.

- Nếu không làm như vậy, thì hãy đến đứng gần nói chuyện với tôi, nắm tay tôi, nắm y tôi, lại gần vui vẻ, mời ngồi, gập mình xuống, (516a) hẹn cùng đi chung.

- Nếu chỉ có như vậy thì có thể được.

Thế rồi, anh ta làm cho cô thích ý, và thường xuyên làm như vậy không ngừng, đúng như đức Thế Tôn nói: "Nếu nghĩ đến sắc đẹp không quên thì tâm ô nhiễm phát sinh, như trường hợp người nữ tưởng nhớ người nam, người nam tưởng nhớ người nữ".

Bấy giờ, các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc đó trình bày với Đại Ái Đạo, Đại Ái Đạo lại đem nó bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Lại-tra-ba-la đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc trên:

- Ngươi có làm việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi đem tâm ô nhiễm đưa tay ra kéo người nam có tâm ô nhiễm vào sát bên mình và hò hẹn cùng đi chung? Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng tâm ô nhiễm đưa tay ra kéo người nam có tâm ô nhiễm lại kề bên mình, cho đến hẹn nhau cùng đi chung.

Đoạn, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại Tì-xá-li phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi íchchế giới cho các Tỉ-kheo-ni, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni đem tâm ô nhiễm, đưa tay ra đụng vào người nam cũng có tâm ô nhiễm, cùng nói chuyện, để cho họ cầm tay, cầm y, họ đến hoan hỉ, mời ngồi, khom mình xuống, hẹn nhau cùng đi chung, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm, người nam có tâm ô nhiễmCả hai đều có tâm dâm dục.

Đưa tay ra đụng vào người nam: Đưa cánh tay ra tới chỗ họ.

Nói: Cùng nói thủ thỉ.

Để cho họ cầm tay: Hoặc nắm bàn tay, hoặc nắm cổ tay, hoặc nắm ngón tay cái, hoặc nắm ngón tay út.

Hoặc để cho họ cầm y: Như y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, áo lót, áo che mưa.

Họ đến tỏ vẻ hoan hỷ: Họ đi đến mình tỏ ra vui vẻ, và thường thường đi đến.

Mời ngồi: Như nói: "Tôi đã trải giường nệm, mời anh ngồi".

Khòm mình xuống: Gập mình xuống sát vào họ.

Hẹn cùng đi: Nếu Tỉ-kheo-ni hò hẹn với người nam tại trước quán xá, nơi vườn ao, hoặc chỗ thường đi lại, thì phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Ba-la-di: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm, cùng với người đàn ông có tâm ô nhiễm, đưa tay ra cho họ, cùng nói chuyện, để cho họ cầm tay, cầm y, họ đến tỏ ra hoan hỷ, mời ngồi, gập mình xuống, hò hẹn cùng đi chung, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Nếu Tỉ-kheo-ni đối xử với người bất năng nam hay người nữ như trên thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm cùng với người đàn ông không có tâm ô nhiễm làm những việc như trên thì cũng phạm tội Ba-la-di. Nhưng nếu xử sự như thế đối với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni không có tâm ô nhiễm cùng với người đàn ông có tâm ô nhiễm làm những việc như trên, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu làm như vậy với người bất năng nam, với phụ nữ thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu cả hai đều không có tâm ô nhiễm, thì phạm tội Việt tì-ni. Đối với người bất năng nam và phụ nữ thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối.

Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm ô nhiễm cùng với người đàn ông có tâm ô nhiễm, đưa tay cho họ cầm cho đến hò hẹn cùng đi chung, thì phạm tội Ba-la-di.

(516b) Nếu lần lượt phạm từng việc một, đủ tám việc thì thành tội Ba-la-di. Nếu phạm gián cách mà khi đủ tám việc cũng thành tội Ba-la-di. Nếu phạm một khoản liền sám hối tội Thâu-lan-giá, sau khi sám hối lại phạm nữa, cho đến bảy lần cũng thuộc Thâu-lan-giá, nhưng khi đủ tám lần thì thành tội Ba-la-di. Thế nên nói (như trên).

7- GIỚI: GIẤU TỘI NGƯỜI KHÁC.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, nói rộng như trên. Bấy giờ, có gia đình Li-xa kia, lúc đầu sinh được hai bé trai, sau đó sinh một bé gái. Họ cho thế là điềm không tốt nên thầm nhủ: "Ngày nay đứa bé gái không tốt này không biết có ai lấy không?" Thế rồi có người hỏi:

- Bà có muốn gởi đứa bé gái này đến chỗ an ổn không?

- Muốn.

- Nếu vậy thì nên đem đến cho Tỉ-kheo-ni Ca-lê nhờ cô ấy nuôi dưỡng.

Gia đình ấy nghe thế liền cho mời Ca-lê đến, thưa: "Thưa thánh giả! Nay tôi sinh đứa bé gái không tốt lành này không có ai lấy, nhờ cô nuôi lớn, độ nó xuất gia, tôi sẽ cung cấp y thực".

Tỉ-kheo-ni liền nhận đem về nuôi, cho xuất gia. Và gia đình ấy cứ hằng ngày đưa thức ăn, hằng năm gởi đến y phục. Khi đứa bé lớn, Ni sư cho học giới, rồi cho thọ Cụ túc. Nhưng bản chất của người nữ vốn nhiều dâm tính, cho nên càng lớn thì dục tình càng mạnh mẽ không thể kiềm chế được. Do thế, cô ta bạch với sư phụ:

- Kiết sử của con sinh khởi, con không thích xuất gia, nay con muốn hoàn tục.

- Quái lạ thay! Ở trong cõi tục cũng giống như hầm lửa, làm sao mà có thể vui được!

Từ đó trở đi, dần dầnthông dâm với người thế tục và các ngoại đạo, rồi mang thai. Tỉ-kheo-ni bèn trục xuất, và nói với sư phụ cô:

- Ni sư không biết đệ tử mình thông dâm với người thế tụcngoại đạo sao?

- Tôi cũng đã biết từ sớm, nhưng gia đình ấy hằng ngày đưa thức ăn đến, hằng năm cung cấp y phục; nếu tôi bạch với Tăng thì Tăng sẽ trục xuất. Vì ham hai món lợi kia, nên tôi không bạch.

Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ca-lợi đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Này Ca-lợi, vì sao ngươi biết Tỉ-kheo-ni phạm trọng tội mà che giấu? Đấy là việc phi pháp, phi luật, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại Tì-xá-li phải tập họp lại tất cả, (cho đến) dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết Tỉ-kheo-ni kia phạm trọng tội mà không nói với người khác, sau đó, Tỉ-kheo-ni kia hoặc rời khỏi trú xứ, hoặc chết, hoặc hoàn tục, mới nói với người khác rằng: "Trước đây tôi đã biết Tỉ-kheo-ni ấy phạm trọng tội, nhưng tôi không nói với người khác, vì không muốn cho người khác biết", thì Tỉ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di, không được sống chung. 

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Biết: Hoặc tự biết, hoặc nghe từ người khác mà biết. (516c) 

Trọng tội: Nếu phạm một trong tám tội Ba-la-di tức là trọng tội.

Không nói với người khác: Không nói với một người, nhiều người hoặc là chúng Tăng.

Rời khỏi trú xứ: Tức bị trục xuất.

Chết: Sự vô thường xảy đến (qua đời).

Hoàn tục: Rời khỏi pháp luật đang hành trì, làm người thế tục, ngoại đạo. Nếu đến lúc ấy mới nói: "Trước đây tôi đã biết người ấy phạm tội, nhưng không muốn cho người khác biết", thì Tỉ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Ba-la-di: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni lúc bình minh thấy Tỉ-kheo-ni khác phạm tội mà không có tâm che giấu, đến lúc mặt trời mọc lại khởi tâm che giấu cho đến bình minh hôm sau, thì Tỉ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di. Đó gọi là hai thời. Cũng vậy cho đến tám thời, như trong vấn đề che giấu của Tỉ-kheo trên kia đã nói rõ.

Nếu Tỉ-kheo-ni thấy Tỉ-kheo-ni phạm trọng tội thì phải nói với người khác. Nếu thấy đệ tử cùng sống chung, đệ tử y chỉ phạm trọng tội, mà vì yêu thương cố tình che giấu tội lỗi của đệ tử, nghĩ rằng: "Nếu ta nói với các Tỉ-kheo-ni thì họ sẽ trục xuất nó", thì phạm tội Ba-la-di. 

Trong trường hợp, Tỉ-kheo-ni ấy nghe lời nói kia, rồi đem nói với Tỉ-kheo-ni quen biết rằng: "Mỗ giáp phạm trọng tội, nếu tôi đem nói với người khác thì Tỉ-kheo-ni tăng sẽ trục xuất người ấy; vì thế mà tôi che giấu", Tỉ-kheo-ni ấy nghe thế lại suy nghĩ: "Nếu ta nói ra thì cả hai người đều bị trục xuất", liền che giấu, thì tất cả đều phạm tội Ba-la-di. Cũng vậy, nếu tất cả đều che giấu thì tất cả đều phạm tội Ba-la-di.

Nếu Tỉ-kheo-ni thấy người khác phạm trọng tội rồi đem nói với Tỉ-kheo-ni khác rằng: "Tôi thấy mỗ giáp phạm trọng tội", mà Tỉ-kheo-ni này quở trách rằng: "Nay ngươi làm việc ác, vì sao lại đem nói với ta, chớ có nói nữa", thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni thấy có người phạm trọng tội thì phải nói với người khác. Nếu kẻ phạm tội ấy hung ác đáng sợ, có thế lực, e họ sẽ giết mình hoặc làm tổn thương phạm hạnh, thì nên suy nghĩ: "Hễ gây nghiệp thì có quả báo, họ tự biết lấy. Ví như hỏa hoạn xảy ra cháy nhà, ta chỉ nên tự cứu mình, hơi đâu mà lo việc người khác". Nếu tâm tương ưng như thế thì không có tội. Thế nên nói (như trên).

8- GIỚI: THEO TỈ-KHEO PHẠM TỘI.

Khi Phật an trú tại vườn Cù-sư-la, tại Câu-diệm-di, lúc ấy Xiển-đà phạm một hoặc hai trọng tội trong 5 thiên tội; các Tỉ-kheo hỏi:

- Trưởng lão Xiển-đà, thầy có thấy tội ấy không?

- Ông muốn hỏi tôi có thấy hay không thấy, nhưng tôi không thấy.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Ông Xiển-đà này thường phạm một, hai tội trong 5 thiên tội mà nói không thấy, thì Tăng nên làm (517a) yết-ma cử tội không thấy tội".

Sau khi Tăng làm yết-ma cử tội không thấy tội rồi, thầy bèn đi đến tinh xá của Tỉ-kheo-ni, nói với mẹ mình:

- Bà-lộ-ê-đế, Tăng làm yết-ma cử tội tôi, không cho tôi hưởng chung pháp thực, vị thực.

- Quái lạ thay, thế thì nay hãy hưởng chung pháp thực, vị thực với ta.

Thế rồi, người mẹ tùy thuận Xiển-đà, Tỉ-kheo-ni bèn can bà rằng:

- Này mẹ của Xiển-đà, Tỉ-kheo Xiển-đà này đã được Tăng hòa hợp làm yết-ma cử tội đúng pháp, nhưng thầy chưa làm đúng pháp, cô chớ có tùy thuận.

- Tôi là mẹ, ông ta do tôi sinh ra, nếu tôi không tùy thuận thì ai sẽ tùy thuận?

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Nếu Xiển-đà đã được Tăng làm yết-ma cử tội đúng pháp mà Tỉ-kheo-ni mẹ của Xiển-đà lại tùy thuận ông ấy, thì các ngươi nên can gián ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần và ở giữa chúng Tăng ba lần cho bỏ việc ấy. Khi can gián ở chỗ vắng nên hỏi như sau: "Có thật cô biết Xiển-đà đã được Tăng làm yết-ma cử tội đúng pháp mà vẫn tùy thuận không?" Nếu đáp: "Có thật như vậy", thì nên khuyên can: "Này mẹ của Xiển-đà, Tăng đã làm yết-ma cử tội đúng pháp mà chưa thực hiện đúng thì đừng có tùy thuận. Nay tôi vì lòng từ khuyên can là muốn cho cô được lợi ích. Một lần khuyên đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, cô có bỏ việc đó không?" Khuyên can lần thứ hai, thứ ba cũng làm như vậy. Rồi khuyên can ba lần ở giữa nhiều người cũng làm như vậy mà nếu như không bỏ thì nên làm pháp yết-ma cầu thính (xin nghe sự trình bày) giữa chúng Tăng. Người làm yết-ma nên nói như sau: 

- Xin các thánh giả Tăng lắng nghe. Tăng đã làm yết-ma cử tội Xiển-đà đúng pháp, nhưng Xiển-đà chưa thực hiện đúng, mà mẹ của Xiển-đà lại tùy thuận thầy. Thế rồi, đã được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ nhiều người để cô bỏ việc ấy mà cô không bỏ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay Tăng cũng nên khuyên can ba lần để cho bỏ việc ấy.

Thế rồi, nên hỏi mẹ của Xiển-đà ở giữa chúng Tăng: "Có thật cô biết Tăng đã hòa hợp làm yết-ma cử tội Xiển-đà, song Xiển-đà chưa thực hiện đúng mà cô tùy thuận, thế rồi, Tăng đã khuyên can cô ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần, cho cô bỏ việc ấy mà cô vẫn không bỏ phải không?' Nếu đáp: "Có thật như vậy", thì nên khuyên can: "Tăng đã hòa hợp làm yết-ma cử tội Xiển-đà đúng pháp, cô chớ nên tùy thuận (Xiển-đà). Nay Tăng muốn cho cô được lợi ích nên khuyên can, cô nên tùy thuận lời khuyên của Tăng. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa, cô có bỏ việc đó không?' Nhưng cô đáp: "Không bỏ". Rồi Tăng tiếp tục khuyên can như vậy đến lần thứ hai, thứ ba, cô vẫn nói: "Không bỏ".

Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi cô đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Ngươi không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện chê trách tính bướng bỉnh khó khuyên bảo, ca ngợi sự dễ khuyên bảo hay sao? Đó là việc phi pháp, phi luật, (517b) trái lời Ta dạy. Không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được. Vì sao ngươi lại tùy thuận Tỉ-kheo bị cử tội? Từ nay về sau, Ta không cho phép tùy thuận Tỉ-kheo bị cử tội.

Thế rồi, Phật bảo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại Câu-diệm-di phải tập họp lại tất cả, dù cho ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni nào biết Tăng đã hòa hợp, như pháp, như luật làm yết-ma cử tội Tỉ-kheo, song vị Tỉ-kheo ấy chưa thi hành đúng mà tùy thuận, thì các Tỉ-kheo-ni nên khuyên can Tỉ-kheo-ni ấy rằng: "Này thánh giả, vị Tỉ-kheo ấy đã được Tăng hòa hợp, như pháp, như luật, làm yết-ma cử tội, song thầy ấy chưa thi hành đúng, cô chớ có tùy thuận". Nếu khi các Tỉ-kheo-ni khuyên can mà nói như sau: "Tôi không tùy thuận thì ai tùy thuận", thì các Tỉ-kheo-ni nên khuyên can đến lần thứ hai thứ ba cho bỏ việc ấy. Nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

Giải thích:

(Một số từ ngữ ở trên đã giải thích).

Hòa hợp: Không biệt chúng.

Như pháp như luật: Khi thấy không có tội thì không vạch tội về việc không bỏ ba ác kiến là: hủy báng khế kinh, tà kiếnbiên kiến.

Bị cử (tội): Không được sống chung.

Chưa thi hành đúng pháp: Chưa tùy thuận Tăng, Tăng chưa giải tội.

Tùy thuận: Cùng hưởng pháp thực và vị thực.

Khi các Tỉ-kheo-ni khuyên can Tỉ-kheo-ni ấy như sau: "Này thánh giả, vị Tỉ-kheo ấy đã được Tăng làm yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật mà thầy chưa thi hành đúng, vậy cô chớ có tùy thuận hưởng chung pháp thực và vị thực", mà Tỉ-kheo-ni ấy nói: "Tôi không tùy thuận thì ai tùy thuận", thì nên khuyên can tiếp cho đến ba lần. Sau ba lần nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di.

Ba-la-di: Như trên đã nói.

Khi khuyên can ở chỗ vắng ba lần mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Việt tì-ni. Khi khuyên can ở chỗ nhiều người cũng như vậy.

Khi khuyên can ở giữa chúng Tăng, lúc bắt đầu khuyên can thì phạm tội Việt tì-ni, khuyên can xong thì phạm tội Thâu-lan-giá. Khi bắt đầu khuyên can lần thứ hai thì phạm tội Việt tì-ni, khuyên can xong thì phạm tội Thâu-lan-giá. Khi bắt đầu khuyên can lần thứ ba thì phạm tội Thâu-lan-giá, khuyên can xong thì phạm tội Ba-la-di.

Sau khi được khuyên can ở chỗ vắng, ở chỗ nhiều người, ở giữa chúng Tăng, gồm tất cả các tội Việt tì-ni, tất cả các tội Thâu-lan-giá thành một trọng tội là Ba-la-di. Nếu đang lúc khuyên can mà bỏ thì tùy theo bỏ ở chỗ nào trị tội ở khoản đó.

Kệ tóm tắt:

"Dâm, trộm và giết người,
Nói dối rằng đắc đạo.
Vai xuống, đầu gối lên,
Tâm nhiễm ô, tám việc.
Giấu tội, theo người phạm,
Hết tám Ba-la-di".

NÓI RÕ PHẦN THỨ NHẤT CỦA 19 PHÁP TĂNG TÀN

1- GIỚI: NHẬN LÀM MAI MỐI.

Vấn đề nhận làm mai mối như trong giới của Tỉ-kheo đã nói rõ. Thế nên đức Thế Tôn dạy:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni nhận làm mai mối, tác hợp nam nữ, hoặc cưới vợ, hoặc tư thông với nhau, dù trong chốc lát thì đó là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

2- GIỚI: VU KHỐNG NGƯỜI KHÁC.

Vu khống như trong giới của Tỉ-kheo đã nói rõ. Thế nên đức Thế Tôn dạy: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni vì sân hận không vuivô cớ vu khống Tỉ-kheo-ni thanh tịnh vô tội rằng phạm Ba-la-di, nhằm phá hoại sự thanh tịnh của Tỉ-kheo-ni ấy, rồi sau đó, hoặc bị thẩm vấn, hoặc không bị thẩm vấn, bèn nói rằng: "Việc đó không có căn cứ, vì tức giận nên tôi nói như thế", thì đó là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

3- GIỚI: XUYÊN TẠC NHẰM VU KHỐNG.

Thế nên đức Thế Tôn dạy: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni vì sân hận không vui rồi dùng một khía cạnh của một việc khác không phải Ba-la-di để vu khống người khác phạm tội Ba-la-di, nhằm phá hoại phạm hạnh của họ, sau đó, hoặc bị thẩm vấn, hoặc không bị thẩm vấn bèn nói rằng: "Chỉ vì tôi tức giận nên dùng một khía cạnh của một việc khác để vu khống", thì Tỉ-kheo-ni này phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

4- GIỚI: TRANH CHẤP VỚI NGƯỜI KHÁC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ bức tường ngăn cách giữa Tăng-già-lam của Tỉ-kheo-ni với ni ngoại đạo bị sụp đổ, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nói với ni ngoại đạo:

- Ngươi phải sửa chữa lại; bọn ngươi là những kẻ không biết xấu hổ, đồ chúng đi lại, ra vào đều trần truồng. Ni chúng của ta đây lương thiện tốt đẹp, biết hổ thẹn, khi thấy bọn ngươi thì tăng thêm phiền não.

- Lúc này đang mùa mưa không thể xây được, phải đợi qua khỏi mùa mưa rồi mới xây được.

- Phải sai người làm ngay bây giờ, không được đợi sau này mới làm.

- Tôi không thể làm được.

Tỉ-kheo-ni nổi giận mắng:

- Quân chết yểu! Con lừa ăn bã rượu. Ngươi dám không làm chăng, quân không biết hổ thẹn, tà kiến, không có niềm tin? Ngươi phải sửa chữa gấp.

Ni ngoại đạo cũng nổi giận mắng lại:

- Này Sa-môn ni bụng bự sinh nhiều con, dù ngươi có giết ta thì rốt cuộc ta cũng không làm.

Tỉ-kheo-ni bèn đi đến chỗ quan xử kiện trình bày đầy đủ sự việc trên: "Thưa Đại quan! Xin ngài hãy vì tôi ra lệnh cho người kia xây lại bức tường ngăn cách".

Viên quan xử kiện lúc ấy vốn là người có niềm tin đối với Phật pháp, nên ông liền sai lính đi bắt ni ngoại đạo kia về. Khi bắt về rồi, ông mắng:

- Này kẻ ngoại đạo tà kiến! Quân tệ ác chết yểu, con lừa ăn bã rượu. Vì sao ngươi không xây lại bức tường? Các ngươi không biết xấu hổ, ở trần truồng đi ra đi vào, giả sử thánh giả phạm hạnh này trông thấy các ngươi thì càng tăng thêm phiền não. Ngươi phải xây lại gấp đi. Nếu không xây, ta sẽ gia tội ngươi.

Ni ngoại đạo bèn xây lại; nhưng ban ngày xây xong thì ban đêm bị mưa phá hỏng; do thế, ba tháng Hạ xây không thành tựu. Vì vậy, ngoại đạo than trách với các Ưu-bà-tắc:

- Hãy xem phước điền của các ngươi kìa! Ỷ thị vào thế lực của quan quyền, bắt ni của ta làm suốt ba tháng.

Những bà vợ của các Ưu-bà-tắc nghe thế (518a) liền nói với các Tỉ-kheo-ni. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Này Thâu-lan-nan-đà! Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi lại gây lộn với người khác? Đấy là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi íchchế giới cho các Tỉ-kheo-ni, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni tranh tụng với người thế tục hoặc người xuất gia, ban ngày, trong khoảnh khắc, thậm chí đấu tranh với người làm vườn, Sa-di, thì đó là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa . 

Giải thích:

Tranh tụng: Tranh cãi bằng miệng.

Người thế tục: Tức người tại gia.

Người xuất gia: Hàng ngoại đạo xuất gia cho đến Xà-trí-la.

Ban ngày: (Từ lúc bình minh) cho đến khi mặt trời lặn.

Trong khoảnh khắc: Trong giây lát. Nếu Tỉ-kheo-ni gây sự - thậm chí với Sa-di, người làm vườn (thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa).

Sơ tội: Không đợi đến lần can gián thứ ba.

Tăng già: Chỉ cho tám Ba-la-di (?)

Bà-thi-sa: Vì tội này còn có dư tàn, Tăng phải làm yết-ma trị phạt, nên gọi là Tăng-già-bà-thi-sa.

Lại nữa, vì tội này phải phát lồ giữa Tăng để sám hối, nên gọi là Tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu Tỉ-kheo-ni đến tố cáo người khác với viên quan xử kiện của nhà vua thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu nói với ông về những việc phải quấy thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni đến nhà Ưu-bà-tắc, nhà của người có niềm tin nói chuyện phải trái với họ thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu có tâm hiềm khích họ, thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối.

Nếu Tỉ-kheo-ni đến tố cáo người khác với nhà vua thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu nói với nhà vua bằng những lời oán hận thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối.

Thế nên, đức Thế Tôn nói (như trên).

5- GIỚI: ĐI MỘT MÌNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy người em gái của Tỉ-kheo-ni Lại-tra lấy chồng ở một thôn khác đang lâm bệnh, bèn sai người báo tin cho Lại-tra rằng: "Chị hãy đến sớm trước khi em chưa chết thì mới có thể thấy được nhau". Lại-tra liền đến thăm, nhưng chưa tới nơi thì người em gái đã mệnh chung. Khi cô tới đó, người em rể bèn nói với cô: "Em gái của chị đã qua đời rồi, ai sẽ chăm sóc việc nhà, trông nom con cái đây? Xin chị hãy thay thế, chăm sóc giùm em".

Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn suy nghĩ: "Người này thốt ra lời khả ố, y có thể cưỡng bách xâm phạm đến ta", liền cảm thấy hoảng sợ, rồi giả vờ đi ra ngoài. Đoạn, cô trở về thành Xá-vệ, nói với các Tỉ-kheo-ni: "Quái thay! Kẻ kia sẽ phá hoại phạm hạnh tôi mất!". Các Tỉ-kheo-ni liền hỏi: "Có việc gì thế?" Cô bèn trình bày lại đầy đủ sự việc trên.

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế (518b) liền nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Lại-tra đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi đi đường một mình? Từ nay về sau, Ta không cho phép đi đường một mình.

Lại nữa, khi các Tỉ-kheo-ni đi đường, có một Tỉ-kheo-ni trẻ mắc đi đại tiện nên rớt lại phía sau. Thế rồi, các khách buôn đi đến trông thấy cô đoan chính bèn chận lại, hỏi:

- Cô đang trẻ trung đoan chính, lẽ ra nên hưởng thụ dục lạc, vì sao lại xuất gia, xin nói rõ nguyên nhân?

- Ta xuất gia thì can gì các ngươi mà phải hỏi?

- Không phải vậy! Hình như cô có ý gì, hãy nói thử xem?

Cô vẫn đáp như trước. Bọn khách buôn đùa cợt một lúc rồi thả cô đi. Khi đến thôn xóm, lòng sinh nghi ngờ (mình phạm tội), cô bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy: "Không có lòng dục thì không có tội".

Lại nữa, khi các Tỉ-kheo-ni cùng đi đường, có một Tỉ-kheo-ni lâm bệnh, đi không kịp bạn, phải đi sau một mình. Khi đến nơi, cô sinh nghi, bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy: "Bị bệnh thì không có tội".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi, cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không có Tỉ-kheo-ni khác để kết bạn cùng đi, thì không được ra khỏi ranh giới của thôn xóm, ngoại trừ khi khác; khi khác tức là khi không có lòng dục và bị bệnh, đó gọi là khi khác. Đây là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Giải thích:

Không có Tỉ-kheo-ni bạn: Chỉ đi đường có một mình như trên đã nói rõ.

Trừ khi khác: Khi không có lòng dục, khi bệnh, đức Thế Tôn nói là không có tội.

Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ-kheo-ni đang đi trên đường mà chưa ra khỏi ranh giới thì không có tội. Nếu đi đến ranh giới của xóm làng, thành ấp, thì nên cách nhau trong vòng một cánh tay giang ra. Nếu cách nhau xa hơn một cánh tay giang ra mà đi quá một bước thì phạm tội Thâu-lan-giá; quá hai bước thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Một người đứng ở ranh giới trung gian thì phạm tội Thâu-lan-giá. Cũng vậy, những người khác cách quá (một bước) cũng phạm tội Thâu-lan-giá. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

6- GIỚI: SỐNG MỘT MÌNH.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy trong thành Vương Xá có một người tên Yết-Mô tử cưới một Yết-Mô nữ làm vợ. Cô này đoan chính vô song, đang bưng cơm cho chồng. Khi đến giờ khất thực, đức Thế Tôn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đi đến nhà ấy. Bấy giờ, người vợ suy nghĩ: "Nếu chồng ta thấy Phật, ắt sẽ đứng dậy xem, sẽ bỏ phế việc ăn uống, ta nên đứng chắn giữa cửa". Vì người ấy có duyên với Phật, nên đức Thế Tôn phóng ánh sáng (518c) chiếu vào trong nhà, khiến cho ông chồng nhìn ra, trông thấy Phật. Ông liền nói với bà vợ:

- Ngươi thật là kẻ chẳng có một chút thiện tâm nào, chỉ muốn làm tổn hại ta.

- Không phải tôi muốn làm tổn hại mà vì tôi sợ anh thấy Thế Tôn sẽ bỏ phế việc ăn uống mà thôi.

Ông chồng nổi giận, nói:

- Người nữ tình ý cạn cợt, muốn làm lợi ích một tí mà thành ra tổn hại quá nhiều.

- Xin đại gia cho phép tôi xuất gia.

- Cô muốn xuất gia theo đạo nào?

- Xuất gia theo Phật pháp.

- Tôi đồng ý.

Thế rồi, cô đi đến chỗ Tỉ-kheo-ni Ưu-bát-la xin xuất gia. Ni sư liền độ xuất gia, cho thọ Cụ túc. Đầu đêm, cuối đêm, cô tinh cần không biếng nhác, đến ngày thứ tám thì dứt hết lậu hoặc, tự biết mình đã chứng ngộ, được tam minh, lục thông, tâm tư tự tại, ngồi nương tựa dưới gốc cây. Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân đi đến chỗ cô ngồi, rồi đọc kệ:

"Đế Thích từ thiên cung,
Giáng phàm xin đảnh lễ.
Thấy Yết-mô nữ này,
Xuất gia mới tám ngày,
Lậu hết chứng lục thông.
Hoa Ưu-bát Tỉ-kheo,
Việc làm đã thành tựu.
Đức lực đều tự tại,
Chiết phục mọi tình tưởng,
Nhắm mắt ngồi dưới cây.
Thế nên tôi đảnh lễ,
Phước điền của thế gian".

Vị Tỉ-kheo-ni này có âm thanh trong trẻo, giỏi tán tụng kinh điển, được một Ưu-bà-tắc mời về nhà tụng kinh. Sau khi nghe tụng, ông rất hoan hỉ, cúng dường cho cô một tấm lụa lớn và đẹp. Lúc ấy, chư thiên ở trên không trung liền đọc kệ tán thán:

"Nay cô được lợi ích,
Phước đức đã tột vời.
Mọi nhiễm trước dứt hết,
Nhận y cúng thanh tịnh.
Các nam nữ cư sĩ,
Trong thành Vương Xá này,
Vì sao không mời cô,
Thuyết giảng vi diệu pháp?
Không mời thì không giảng,
Thân cận sẽ lìa khổ.
Nghe pháp rồi tu tập,
Ắt đến nơi thắng diệu".

Lúc ấy, mọi người, mọi nhà đều mời cô về tụng kinh; sau khi nghe tụng, họ rất hoan hỉ (phát tâm cúng dường), vì thế cô nhận được rất nhiều lợi dưỡng. Các Tỉ-kheo-ni thấy thế đều sinh tâm ganh tị, bèn nói rằng: "Đây là những lời ca tụng ủy mị làm mê loạn lòng người". 

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Có thật ngươi ca tụng theo kiểu thế gian (519a) chăng?

- Con không biết ca tụng theo kiểu thế gian.

Phật bèn nói với các Tỉ-kheo-ni: "Tỉ-kheo-ni này không phải ca tụng theo kiểu của thế gian. Trong thời quá khứ có vị vua cai trị thành Ba-la-nại tên là Cát-lợi. Ông có bảy người con gái: Người thứ nhất tên là Sa-môn; người thứ hai tên là Sa-môn-hữu; người thứ ba tên là Tỉ-kheo-ni; người thứ tư tên là Tỉ-kheo-ni-tì; người thứ năm tên là Đạt-ma-chi; người thứ sáu tên là Tu-đạt-ma; người thứ bảy tên là Tăng-tì. Những người này từng phát nguyện trước Phật Ca-diếp như trong kinh Thất Nữ đã nói rõ".

Bấy giờ, có Tỉ-kheo-ni muốn tách rời Ni chúng cư trú một mình, rồi một Tỉ-kheo-ni khác đem việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Có phải ngươi định tách rời Ni chúng cư trú một mình không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay trở đi, Ta không cho phép tách rời chúng để sống một mình.

Lại nữa, khi vua Lưu Li chinh phạt nước Ca-duy-la-vệ nên được nói rộng; lúc ấy các Tỉ-kheo-ni sống một mình ở ngoài thành, cho đến... trừ nạn vua.

Lại nữa, lúc ấy các Tỉ-kheo-ni đi đường, có người già cả bệnh hoạn theo không kịp chúng bạn phải nghỉ một mình, tâm sinh nghi, đến hỏi Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Người không có lòng dục thì không có tội". Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni sống tách rời Tỉ-kheo-ni khác trong một đêm - trừ khi khác, khi khác tức là lúc bệnh hoặc bị bọn giặc nổi loạn vây thành, đó gọi là khi khác - thì phạm sơ tội.

Giải thích:

Nghỉ một đêm: Từ lúc mặt trời chưa lặn đến bình minh hôm sau xuất hiện.

Trừ khi khác: Không có lòng dục, sống cách ly, già bệnh, bị bọn giặc nổi loạn vây thành, nếu lúc ấy đang ở trong thành thì không nên ra ngoài, hoặc đang ở ngoài thành thì không nên đi vào. Đó gọi là khi khác. Đây là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni tách rời Tỉ-kheo-ni khác mà ngủ từ khi mặt trời chưa lặn cho đến bình minh xuất hiện, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu tách rời Ni chúng từ khi mặt trời đã lặn cho đến bình minh xuất hiện, thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu Tỉ-kheo-ni ngủ chung với nhau trong phòng ở Tăng-già-lam thì nên nằm cách nhau trong vòng một cánh tay giang ra, rồi trong một đêm nên dùng tay sờ tìm người kia ba lần; nhưng không được sờ tìm ba lần trong một lúc, mà phải đầu đêm một lần, giữa đêm một lần và cuối đêm một lần. Nếu đầu đêm không sờ tìm người kia thì phạm tội Việt tì-ni; giữa đêm không sờ tìm cũng phạm tội Việt tì-ni; cuối đêm không sờ tìm cũng phạm tội Việt tì-ni. Nếu cả ba thời đều có tìm xem thì không có tội.

Nếu người ngủ trên gác, kẻ ngủ dưới gác khác chỗ nhau thì một đêm phải đi qua lại trông nom ba lần. Nếu ngủ trong trường hợp như vậy tại Tăng-già-lam thì phạm tội Thâu-lan-giá. (519b) Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

7- GIỚI: ĐỘ NGƯỜI CHỦ CHƯA CHO PHÉP.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy ở trong thành Vương Xá có một trưởng giả tên Tu-đề-na, ông có một cô vợ trẻ trung, đoan chính. Khi chồng chết, cô ta không thích cánh đàn ông, nhưng người chú muốn lấy cô, cô bèn nói với các phụ nữ khác:

- Tôi không thích bọn đàn ông, nhưng người chú muốn lấy tôi làm vợ

- Cô có muốn được thoát ly không?

- Muốn được thoát ly.

- Cô hãy đến thành Xá-vệ, chỗ Tỉ-kheo-ni Ca-lê, vị ấy sẽ độ cô xuất gia.

Người đàn bà này theo lời chỉ dẫn ấy đi đến thành Xá-vệ, hỏi dân chúng: "Tăng-già-lam của Tỉ-kheo-ni ở nơi nào vậy?" Họ bèn chỉ chỗ. Khi cô vào đến nơi, liền hỏi: "Tỉ-kheo-ni Ca-lê là ai vậy?". Họ bèn chỉ phòng. Cô vào phòng, rồi hỏi:

- Thánh giả có phải Ca-lê không?

- Phải! Hỏi để làm gì?

- Con muốn xuất gia.

Ca-lê bèn độ người này xuất gia cho thọ Cụ túc. Sau đó, người chú đi tìm nhưng không biết ở đâu, rồi có người mách với ông: "Tỉ-kheo-ni Ca-lê ở thành Xá-vệ đã độ cho cô ấy xuất gia rồi". Ông bèn đi đến thành Xá-vệ, hỏi dân chúng: "Tăng-già-lam của Tỉ-kheo-ni ở nơi nào vậy?" Họ bèn chỉ chỗ. Ông đi vào đó, rồi hỏi: "Phòng nào là phòng của Tỉ-kheo-ni Ca-lê?". Họ lại chỉ phòng. Ông vào phòng rồi hỏi: 

- Thánh giả có phải là Ca-lê không?

- Phải,nhưng ông hỏi để làm gì?

- Tôi không bỏ vợ, vì sao Ni sư độ vợ tôi xuất gia?

- Này lão trượng, ông từ đâu đến vậy?

- Từ thành Vương Xá đến.

Tỉ-kheo-ni liền mắng: "Quân chết tiệt! Ngươi là quân giặc. Người ở thành Vương Xá thường đến đây để làm gián điệp, dò la tin tức nước ta". Thế rồi, cô nói với đệ tử: "Lấy y Tăng-già-lê lại đây cho ta, rồi trói tên chết tiệt này đem giam vào trong ngục".

Ông ta nghe thế hoảng sợ, liền suy nghĩ: "Cặp mắt của người này thật đáng sợ, có thể bà làm thật chứ chẳng chơi!". Thế rồi đôi mắt vừa láo liên ngó chừng, ông vừa từ từ rút lui. Khi ra ngoài rồi, ông nổi giận mắng: "Tỉ-kheo-ni này đã độ vợ ta phi pháp, lại còn muốn bắt trói ta".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế liền nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô đến rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này Ca-lê! Đó là việc sai trái. Vì sao ngươi độ người mà chủ không cho phép? Từ nay về sau, Ta không cho phép độ người mà chủ không đồng ý.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni độ người mà chủ không cho phép thì phạm sơ tội Tăng-già-(519c) bà-thi-sa.

Giải thích:

Không cho phép: Con gái chưa lấy chồng thì phải hỏi cha mẹ, nếu đã lấy chồng thì phải hỏi chồng, cha mẹ chồng và chú chồng; nếu họ không cho phép mà độ xuất gia, cho thọ Cụ túc, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói, thuộc về sơ tội.

Nếu Tỉ-kheo-ni độ người mà chủ của họ không cho phép thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu cho họ học giới thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu cho họ thọ Cụ túc thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

8- GIỚI: ĐỘ NGƯỜI PHẠM TỘI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có người vợ của lực sĩ ở ấp A-ma-la còn trẻ, đoan chính, tư thông với người khác. Chồng cô nói: "Em đừng làm như vậy nữa, nếu còn tiếp tục thì anh sẽ trị tội em như vậy, như vậy". Thế nhưng người vợ vẫn tiếp tục tư thông không bỏ. Người chồng bèn theo dõi bắt gặp hai người đang hành sự, trói lại đem đến quan xử kiện, nói: "Vợ tôi tư thông với người này, xin quan trên dùng pháp luật trị tội giúp tôi". Viên quan hình pháp nói: "Nếu người nữ tư thông với kẻ khác thì phải trình diện trước hai chúng trong bảy ngày. Sau khi trình diện bảy ngày, phải bị phanh thây trước hai gia đình". Đoạn, viên quan nói với người vợ ấy: "Ngươi hãy trở về, nếu trong nhà có của thì phải chuẩn bị các dụng cụ bố thí ẩm thực. Nếu trong nhà không có của thì tùy ý. Sau khi đủ bảy ngày sẽ bị phanh thây trước hai chúng".

Thế rồi, cô ấy trở về nhà, sắm sửa các thứ ẩm thực bố thí cho hai chúng; rồi cô ngồi ở chỗ vắng khóc lóc. Các bà mẹ thấy thế hỏi:

- Vì sao mà con khóc?

- Sau bảy ngày nữa con sẽ bị phanh thây trước hai chúng mà không khóc sao được?

- Con có muốn được sống không?

- Muốn.

- Con hãy đến chỗ Tỉ-kheo-ni Ca-lê ở thành Xá-vệ cầu xin xuất gia thì có thể được sống.

mọi người đang say rượu nên cô này theo kế hoạch lặng lẽ lén đi, đến thành Xá-vệ, cô hỏi người ta: "Tăng-già-lam của Tỉ-kheo-ni ở chỗ nào vậy?". Họ bèn chỉ chỗ. Cô đi vào đó, rồi hỏi người khác: "Phòng của Tỉ-kheo-ni Ca-lê ở đâu vậy?". Họ bèn chỉ phòng. Cô liền vào phòng, bạch:

- Thưa thánh giả, con muốn xuất gia.

- Phu chủ đã cho phép con chưa?

- Cho phép như thế nào?

- Nếu chưa lấy chồng thì cha mẹ cho phép; nếu đã lấy chồng thì cha mẹ chồng, chồng và chú chồng cho phép. Đó là cho phép.

- Nếu như vậy thì con phải tự cho phép, vì các người trong thân tộc đều muốn con phải bị phanh thây, đã vứt bỏ con rồi.

- Nếu quả như vậy thì họ đã quyết tâm bỏ con.

Thế là Ca-lê độ cô ấy xuất gia cho thọ Cụ túc. Chồng cô đi tìm kiếm để trị tội mà không thấy. Anh ta nghe nói có Tỉ-kheo-ni ở thành Xá-vệ đã độ cho xuất gia rồi, (520a) bèn đi đến thành Xá-vệ hỏi dân chúng: "Tinh xá Tỉ-kheo-ni ở nơi nào vậy?" Dân chúng chỉ chỗ. Rồi ông đi vào tinh xá hỏi: "Phòng của Tỉ-kheo-ni Ca-lê ở đâu vậy?". Họ liền chỉ chỗ. Ông bước vào phòng hỏi:

- Thánh giả là Tỉ-kheo-ni Ca-lê phải không?

- Hỏi để làm gì?

- Tôi không bỏ vợ, vì sao Ni sư độ cho xuất gia?

- Này thiện sĩ, nhà ông ở đâu vậy?

- Ở tại ấp A-ma-lặc.

- Quân chết tiệt, ngươi là quân giặc, ngươi không biết sao? Người ấp A-ma-lặc thường đến đây dò la tin tức của nước ta để làm gián điệp.

Đoạn, Ca-lê nói với đệ tử: "Lấy y của ta đưa đây, ta sẽ đi báo cho vua tóm cổ tên chết tiệt này".

Anh ta nghe thế, suy nghĩ: "Tỉ-kheo-ni này trương mắt ra nhìn hung tợ, có thể làm việc ác". Nghĩ thế, anh ta từ từ rút lui. Khi ra ngoài rồi, nổi giận mắng: "Vị Sa-môn ni này lén độ vợ ta mà còn muốn bắt trói ta".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni Ca-lê đến. Khi cô tới rồi, Phật liền quở trách: "Này Ca-lê, đó là việc phi pháp. Vì sao ngươi biết kẻ đó phạm tội, những người thân của họ muốn trị tội mà độ cho xuất gia? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy. Từ nay về sau, Ta không cho phép, khi biết người nữ kia phạm tội, mọi người muốn trị tội, mà độ cho xuất gia". 

Lại nữa, tại ấp Kiền-đề của dòng họ Thích Ca có người con gái - Như trên đã nói - cho đến, cô nói với Tỉ-kheo-ni:

- Xin độ con xuất gia?

- Trước đây con đã phạm tội như thế thì không thể xuất gia được.

Thế rồi, cô đi đến các Tỉ-kheo-ni khác, nhưng họ đều không độ. Cô bèn đi đến ngoại đạo xin xuất gia. Người chồng muốn tìm cô về trị tội, nhưng không biết ở đâu, thì nghe nói cô đã được ngoại đạo độ cho xuất gia tại thành Xá-vệ. Anh ta suy nghĩ: "Người này vốn là con của Ưu-bà-tắc mà nay bị rơi vào trong hàng ngũ ngoại đạo tà kiến, cần phải trị tội, nhưng không thể tìm ra".

Nếp sống của các ngoại đạo là uống nước vo gạo và nước rửa chảo, sống lõa thể vô liêm sỉ, mà còn đánh vợ không biết tiếc thương. Thế nên, người phụ nữ ấy chán ngán, tự nhủ: "Đây không phải là phép tắc xuất gia", liền bỏ đi, đến tinh xá của Tỉ-kheo-ni bạch rằng: "Con từ trên bờ vỡ rơi xuống hầm sâu, sắp sa vào địa ngục, xin hãy kéo con lên, cho con xuất gia".

Các Tỉ-kheo-ni đều không dám độ. Thế là, cô đến bạch với Đại Ái Đạo: "Thưa thánh giả, con vốn là con gái của dòng họ Thích, mà nay bị rơi xuống hầm sâu, xin độ con xuất gia". Đại Ái Đạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Được phép độ. Nếu trước đó ngoại đạo đã độ, thì sau đó cho phép xuất gia".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ (520b) phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết người nữ phạm tội, những người thân thích muốn trị tội, mà độ họ - trừ khi khác; khi khác là khi ngoại đạo đã độ trước, đó gọi là khi khác - thì phạm sơ tội.

Giải thích:

(Một số từ trên đã giải thích).

Chúng: Hai chúng tập họp, nghĩa là gồm những người bên phía cha mẹ đẻ và những người bên nhà chồng.

Thân thích: Tức tộc họ Bà-la-môn, tộc họ Sát-lợi, tộc họ Tì-xá, tộc họ Thủ-đà-la.

Trị tội: Hoặc trói, bọc lại để thiêu; hoặc bỏ vào trong bao cát, cột miệng bao lại, thả chìm dưới nước; hoặc dùng lửa đốt đầu; hoặc cắt tai, cắt mũi; hoặc dùng thanh sắt đốt nóng áp vào âm hộ; hoặc đem phân thây, quốc pháp có các loại khác nhau như thế. Ngoại trừ trước đó họ đã xuất gia theo ngoại đạo, rồi độ họ xuất gia, thì Thế Tôn bảo là không có tội.

Ngoại đạo: Như Ni-kiền-đế-lê, Đàn-trì-già, đại loại các ngoại đạo như thế.

Đấy là sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ-kheo-ni biết người nữ phạm tội đáng trị phạt mà độ cho xuất gia thì phạm tội Việt tì-ni.

Nếu cho họ học pháp thì phạm tội Thâu-lan-giá.

Nếu cho thọ Cụ túc thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

9- GIỚI: QUA SÔNG MỘT MÌNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có nhiều phụ nữ đang ở bờ bên kia của sông A-kì-la, còn bờ bên này thì Tỉ-kheo-ni tăng vân tập. Thế rồi, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà cởi y phục ném xuống đất, rồi bơi qua bên kia bờ sông. Các phụ nữ thấy thế bàn tán nhau: "Hãy xem Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà bơi trên mặt nước mà qua đây". Sau khi qua đến nơi, cô bèn ngồi trên chỗ đất trống một lát rồi lại bơi trở về. Khi ấy, các phụ nữ bèn chê bai rằng: "Vì sao mà Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà này làm như kẻ hung ác, bơi qua rồi lại bơi về!".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà đến. Khi cô tới rồi, Phật quở trách: "Đó là việc xấu. Vì sao tại chỗ có đò qua lại mà ngươi lại bơi qua? Từ nay về sau, Ta không cho phép một mình bơi qua chỗ bến đò".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni một mình bơi qua sông tại chỗ bến đò thì phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Giải thích:

Bơi một mình: Rời khỏi bờ sông bên này đến bờ bên kia thì phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

10- GIỚI: TỰ Ý THA TỘI NGƯỜI KHÁC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Tỉ-kheo-ni Ca-lê đi du hành trong thôn xóm. (520c) Sau khi cô đi, Ni tăng làm yết-ma cử tội đệ tử y chỉ của cô. Đến khi cô trở về, đệ tử liền bạch: "Ni tăng làm yết-ma cử tội con, không cho con cùng hưởng pháp thực, vị thực". Cô bèn quở trách đệ tử: "Ngươi hãy giữ im lặng, nhưng phải bảo Ni tăng tập họp", bèn tập họp tăng. Các Tỉ-kheo-ni ai nấy đều suy nghĩ: "Vị Tỉ-kheo-ni này đi xa trở về rồi tập họp Tăng, thường thích có vật bố thí, không hiểu chúng ta hôm nay sẽ được vật gì đây?". Do suy nghĩ thế nên mọi người đều hoan hỷ tập họp nhanh chóng. Sau khi tập họp, cô bèn tuyên bố như sau:

- Xin thánh giả Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo-ni mỗ giáp đã bị Tăng làm yết-ma cử tội. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay Tăng xả pháp yết-ma cử tội cho Tỉ-kheo-ni mỗ giáp. Đây là lời tác bạch.

- Xin thánh giả Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo-ni mỗ giáp đã bị Tăng làm yết-ma cử tội; nay Tăng xả pháp yết-ma cử tội cho Tỉ-kheo-ni mỗ giáp; thánh giả Tăng nào bằng lòng xả pháp yết-ma cử tội cho Tỉ-kheo-ni mỗ giáp thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là lần yết-ma thứ nhất (lần thứ hai, thứ ba cũng làm như thế).

Các Tỉ-kheo-ni thấy đôi mắt của Tỉ-kheo-ni này đáng sợ nên không ai dám ngăn cản cả. Thế rồi, các Tỉ-kheo-ni bàn tán nhau: "Đây là lời nói gì vậy?" Đoạn, ai nấy đều bảo: "Tôi cũng chả hiểu lời nói này".

Các Tỉ-kheo-ni bèn bạch với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc phi pháp. Vì sao ngươi biết Tỉ-kheo-ni Tăng đã làm yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật, người ấy chưa tùy thuận, chưa thi hành đúng pháp, ngươi không thưa trước với Tăng mà tự ý xả yết-ma? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết Tỉ-kheo-ni Tăng hòa hợp làm yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật; người phạm tội chưa thi hành đúng pháp, mình không thưa trước với Tăng mà tự ý xả tội, thì phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa. 

Giải thích

(Một số từ đã giải thích ở trước).

Như pháp, như luật: Không thấy tội thì không vạch tội ba lần để cho thấy.

Chưa xả pháp yết-ma cử tội: Không được sống chung.

Chưa làm đúng pháp: Chưa tùy thuận, tâm chưa điều phục, Tăng chưa xả tội.

Không thưa trước: Chưa làm pháp yết-ma cầu thính trước Tăng mà tự ý xả tội giữa Tăng, thì phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói.

Nếu đệ tử bị Tăng hòa hợp làm yết-ma cử tội thì Hòa thượng ni hoặc A-xà-lê ni nên đến chỗ Tỉ-kheo-ni trưởng lão (521a) nói như sau: "Ai mà không ngu si, không có lỗi, lúc nào cũng có trí tuệ, vì không biết cho nên mới như vậy, người ấy sẽ không dám tái phạm nữa". Phải nói với tất cả mọi người như vậy để cho tâm họ nhu nhuyến, rồi mới làm yết-ma cầu thính ở giữa Tăng. Người làm yết-ma nên nói như sau: 

- Xin các thánh giả Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo-ni mỗ giáp có việc ấy nên Tăng làm yết-ma cử tội. Nay người ấy đã tùy thuận, tâm đã nhu nhuyến. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay mỗ giáp muốn đến giữa Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội.

Các thánh giả Tăng xin lắng nghe. Mỗ giáp muốn vào giữa Tăng xin xả pháp yết-ma cử tội. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng; việc ấy cứ như thế mà thi hành.

Phải làm yết-ma như vậy xong rồi mới xin. Nếu có người ngăn cản thì Hòa thượng nên dùng lời nhỏ nhẹ khuyên họ thôi đi.

Nếu Tỉ-kheo-ni biết Tăng hòa hợp làm yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật mà tự ý xả yết-ma thì phạm tội Việt tì-ni.

11- GIỚI: NHẬN VẬT CỦA NGƯỜI CÓ TÀ TÂM.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy có một trưởng giảlòng dục mà mời Tỉ-kheo-ni Thọ Đề cúng dường y, bát, ẩm thực, thuốc trị bệnh, nói như sau:

- Thánh giả có biết tôi cúng vì lẽ gì không?

- Biết.

- Biết như thế nào?

- Vì muốn được phước đức.

- Đương nhiên rồi, nhưng còn gồm cả lòng ái dục nữa.

Lúc ấy, Thọ Đề là người đã ly dục nên nghe lời nói kia tâm cô vẫn thản nhiên không thèm để ý, do thế mà không ngăn cản. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thọ Đề đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi lại đầy đủ sự việc trên:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Ngươi không làm mẫu mực cho người đời sau sao? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Vương Xá phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không có tâm ô nhiễm mà nhận y, bát, thức ăn uống, thuốc trị bệnh của người đàn ông có tâm ô nhiễm, thì phạm sơ tội Tăng-già-bà-thi-sa. 

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Như Tỉ-kheo-ni Thọ-Đề.

Không có tâm ô nhiễm: Không có tâm ái dục.

Bát: Gồm ba loại, thượng, trung và hạ.

Y: Gồm có y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, Tăng-kì-chi và y tắm mưa.

Thức ăn uống: Như thức ăn Khư-đà-ni, bồ-xà-ni.

Thuốc: Mật, đường phèn, sanh tô và mỡ; đây thuộc về sơ tội.

Nếu có người cúng dường cho Tỉ-kheo-ni y, bát, thức ăn uống, thuốc trị bệnh mà nói như sau: "Tôi vì lý do đó mà cúng dường", thì không nên nhận, mà nên nói: "Tôi không cần, (521b) đã có những nhà khác cung cấp rồi". Nếu như nhận thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu họ không nói mà cử động tay chân, liếc mắt, khảy móng tay, viết chữ dưới đất, làm các dấu hiệu như vậy, thì biết họ có lòng dục đối với mình, mình không nên nhận. Nếu nhận thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu họ có lòng tin thanh tịnh, tình ý chân chính, thì mình nhận không có tội.

Nếu người nữ có lòng dục khi cúng dường cho Tỉ-kheo mà cử động chân tay, liếc mắt nhìn, thì biết là họ có lòng dục; không nên nhận. Nếu nhận thì phạm tội Việt tì-ni. Trái lại, nếu họ có lòng tin thanh tịnh, tình ý chân chính thì mình nhận không có tội.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ ba mươi sáu

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 57519)
29/06/2010(Xem: 52027)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.