- Mục Lục
- Lời Nói Đầu
- Quyển Thứ Nhất
- Quyển Thứ Hai
- Quyển Thứ Ba
- Quyển Thứ Tư
- Quyển Thứ Năm
- Quyển Thứ Sáu
- Quyển Thứ Bảy
- Quyển Thứ Tám
- Quyển Thứ Chín
- Quyển Thứ Mười
- Quyển Thứ Mười Một
- Quyển Thứ Mười Hai
- Quyển Thứ Mười Ba
- Quyển Thứ Mười Bốn
- Quyển Thứ Mười Lăm
- Quyển Thứ Mười Sáu
- Quyển Thứ Mười Bảy
- Quyển Thứ Mười Tám
- Quyển Thứ Mười Chín
- Quyển Thứ Hai Mươi
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
- Quyển Thứ Hai Mươi Hai
- Quyển Thứ Hai Mươi Ba
- Quyển Thứ Hai Mươi Bốn
- Quyển Thứ Hai Mươi Lăm
- Quyển Thứ Hai Mươi Sáu
- Quyển Thứ Hai Mươi Bảy
- Quyển Thứ Hai Mươi Tám
- Quyển Thứ Hai Mươi Chín
- Quyển Thứ Ba Mươi
- Quyển Thứ Ba Mươi Mốt
- Quyển Thứ Ba Mươi Hai
- Quyển Thứ Ba Mươi Ba
- Quyển Thứ Ba Mươi Bốn
- Quyển Thứ Ba Mươi Lăm
- Quyển Thứ Ba Mươi Sáu
- Quyển Thứ Ba Mươi Bảy
- Quyển Thứ Ba Mươi Tám
- Quyển Thứ Ba Mươi Chín
- Quyển Thứ Bốn Mươi
Đại Tạng Số
1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt
Quyển Thứ Ba Mươi Lăm
NÓI RÕ PHÁP OAI NGHI THỨ HAI
CÁCH THỨC ĐI KINH HÀNH.
Khi Phật an trú tại
vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá, lúc ấy có một Tỉ-kheo mang guốc gỗ đi
kinh hành trước một Tỉ-kheo khác đang ngồi thiền, khiến Tỉ-kheo này tâm không
được định. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi
vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:
- Ông có việc đó thật
không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn!
- Từ nay trở đi phải đi
kinh hành như sau: Không được đi kinh hành trước Tỉ-kheo đang ngồi thiền, trước
chúng Tăng, trước đồ chúng, trước Hòa thượng, A-xà-lê và trước Tỉ-kheo trưởng
lão. Nhưng nếu có bệnh uống sữa, thuốc xổ thì được đi kinh hành trước họ. Khi
đi không được quay lưng mà nên quay mặt, quay tay phải về phía họ. Nếu cùng đi
kinh hành với Hòa thượng, A-xà-lê thì không được đi trước, không được đi ngang
hàng mà phải đi sau. Khi trở về, không được đi trước mà phải đi sau, hướng mặt
và tay phải về phía các ngài. Không được đi kinh hành trước dâm nữ, trước kẻ đánh
bạc, trước quán rượu, trước lò mổ thịt, (507a) trước tù nhân, trước kẻ giết
người. Không được đi kinh hành những nơi âm u, mà nên đi kinh hành những nơi
không âm u, không trống trải quá. Phép đi kinh hành phải như thế. Nếu không làm
như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo ngồi theo thế ngồi của lạc đà. Các Tỉ-kheo
bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến.
Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:
- Các ông có việc đó
thật không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn!
- Từ nay về sau không
được ngồi theo kiểu lạc đà mà nên ngồi kiết già. Nếu ngồi lâu mỏi mệt thì nên
duỗi từng chân một ra để thư giãn, chứ không được duỗi cả hai chân cùng một
lúc, hoặc là đứng dậy đi kinh hành. Khi ngồi trong phòng thiền không được trùm
đầu, nhưng nếu vì già bệnh thì được trùm một nửa đầu và một bên tai. Nếu ở nơi
vắng vẻ, dưới gốc cây thì trùm đầu không có tội. Khi ở trước Hòa thượng,
A-xà-lê, Thượng tọa, Tỉ-kheo trưởng lão đang ngồi hoặc đứng thì mình không được
ngồi. Không được ngồi trước dâm nữ cho đến ngồi nơi âm u mà nên ngồi những nơi
không âm u, không trống trải quá. Tỉ-kheo nên ngồi như vậy. Nếu ai không ngồi
như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng bên trái.
Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo. Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:
- Các ông có việc đó
thật không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn!
- Từ nay về sau, phải
nằm như thế này: Không được nằm như ngạ quỉ, không nằm như a-tu-la, không được
nằm như kẻ tham dục. Nếu nằm ngửa tức là nằm như a-tu-la, nằm sấp là nằm như
ngạ quỉ, nằm nghiêng bên trái là nằm như kẻ tham dục. Tỉ-kheo phải nằm như sư
tử vua của loài thú, quay đầu về hướng mình. Khi duỗi chân tay không được duỗi về
phía bên trái mà nên duỗi về phía bên phải, đầu hướng về phía giá y. Không được
hướng chân về phía Hòa thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão. Đầu đêm không được
kêu lên: "Mỏi mệt quá", rồi nằm, mà phải tư duy chân chánh về đạo
nghiệp của mình, đến lúc nửa đêm mới nằm. Khi nằm nên nằm nghiêng về bên phải
như sư tử chúa, đặt chồng hai chân lên nhau, ngậm miệng lại, đặt lưỡi trên nóc
họng, gối đầu lên tay phải, tay trái để dọc theo thân mình, không bỏ niệm tưởng
tư duy hành đạo. Không được ngủ cho tới lúc mặt trời mọc mà đến cuối đêm nên
thức dậy ngồi tư duy về đạo nghiệp của mình. Nếu trong đêm ngủ say không trở
mình thì không có tội. Nếu vì già yếu hay bên phải có mụt nhọt nên không nằm
nghiêng về bên phải được thì không có tội. Cách thức nằm của Tỉ-kheo phải như
thế. Nếu ai không nằm như thế thì vượt pháp oai nghi.
(507b) Kệ tóm tắt:
"Vá y, rèm ngăn
cách,
Phòng xá và khạc nhổ,
Sóng bát, cháo, đi, đứng,
Ngồi, nằm, phần thứ ba"
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo đóng cổng tinh xá, ngồi nói chuyện phiếm.
Khách Tỉ-kheo đến gõ cửa, gọi mà họ không nghe. Khách Tỉ-kheo bèn leo tường vào.
Cựu Tỉ-kheo liền hỏi khách Tỉ-kheo:
- Trưởng lão đi vào từ
lối nào vậy?
- Leo tường vào.
- Vì sao thầy lại leo
tường vào?
- Thế thì vì sao các vị
đóng cửa, tôi gọi mà không trả lời?
Do vậy, hai đàng cãi
nhau, rồi họ cùng nhau đi đến bạch với Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về
sau không được đóng cổng ngồi nói chuyện phiếm, cũng không được leo tường mà
vào. Khách và cựu Tỉ-kheo nên xử sự như sau: Khách Tỉ-kheo khi ra đi phải đem
theo chìa khóa cửa, đãy lọc nước, ống đựng kim, trong đoàn lữ hành có một người
đem theo thì tất cả không có tội. Trái lại, nếu không có ai đem theo cả thì mọi
người đều có tội. Trên đường đi, nếu có người bệnh thì phải thay họ gánh giúp y
bát, không được bỏ đi trước mà phải giúp đỡ nhau cùng đi. Nếu người bệnh không
thể đi được thì nên thuê mướn xe cộ chở đi. Nếu ở giữa đường có chỗ ẩm thấp thì
người trẻ nên đi trước. Nếu sợ quân giặc, cọp, sói thì nên để người già ở giữa.
Nếu muốn cho quân giặc sinh từ tâm thì nên để người già đi trước. Khi đi ngang
qua xóm làng, nếu thấy có chùa tháp thì nên đi theo con đường mòn, không được
đi theo con đường tắt ngang qua bên trái, bên phải. Nếu muốn nghỉ lại thì trước
hết nên sai hai Tỉ-kheo trẻ đi vào thôn xóm xin chỗ tạm trú, xin nước giải
khát, dầu thoa chân, bữa ăn trước, bữa ăn sau. Khi ra đi các Tỉ-kheo ấy phải
buộc lại đai y, bạch về việc mình đi vào thôn xóm phi thời. Khi đã xin được chỗ
trú phải trở về báo lại rằng: "Đã xin được chỗ trú". Nếu có ao nước,
giếng nước thì nên tắm rửa, buộc lại đai y, thưa hỏi lẫn nhau rồi mới vào. Nếu
muốn uống nước đường phèn thì nên uống ở ngoài thôn xóm, đừng để người ta trông
thấy, họ sẽ nghi ngờ người xuất gia mà ăn phi thời. Không được gồng gánh đi vào
mà nên chia y vật ra cùng cầm đi vào. Nếu được người ta tuyên bố rằng:
"Tùy ý mà an trú", thì người đi sau không bạch, vào không có tội. Khi
vào không được đi con đường khác. nhưng nếu con đường trước bị trở ngại thì đi
con đường khác không có tội. Nếu trong xóm làng có tinh xá thì nên đến đó trú.
Nếu tại A-luyện-nhã có ao nước, giếng nước thì cũng nên tắm rửa rồi mới vào.
Không được gồng gánh cồng kềnh mà nên chia y vật giày dép, tháo đòn gánh cùng
nhau cầm đi. Nếu thấy có chùa tháp thì nên đi vòng bên phải, không được nói
năng lớn tiếng khi đi vào. (507c) Nếu thấy Tỉ-kheo quen biết từ trước thì không được la lên: "Ôi chao, thầy vẫn còn ở
đây ư? Thầy sống nơi đây rồi chết nơi đây, mà không rời khỏi thức ăn của
dã can này".
Cựu Tỉ-kheo cũng không
được nói: "Ôi chao, giống như tù nhân vừa thoát khỏi gông cùm, đã 4, 5 năm
rồi chúng ta không gặp nhau".
Khách Tỉ-kheo cũng
không được hỏi: "Thầy bao nhiêu tuổi? Tôi phải ở phòng này", cũng
không được hỏi: "Ngày mai ai làm bữa ăn trước, bữa ăn sau? Có thức ăn gì
ngon không?"
Cựu Tỉ-kheo không được
đóng cổng ngồi nói chuyện. Nếu muốn tô tường ở sau nhà hay làm các việc khác
thì nên sai người làm vườn, Sadi hay Duy na giữ cửa. Nếu cửa đóng thì khách Tỉ-kheo
không được leo tường vào mà nên cầm chìa khóa mở cửa vào. Nếu đã gọi mở cửa vào
rồi thì cựu Tỉ-kheo nên hỏi: "Thầy bao nhiêu tuổi?". Nên đáp:
"Tôi chừng ấy tuổi". Cựu Tỉ-kheo nên nói: "Nếu chừng ấy tuổi thì
được giường nệm như vậy".
Thế rồi, khách Tỉ-kheo
nên hỏi chỗ đại tiểu tiện, không nên để đến khi bức bách rồi mới hỏi. Tiếp đến
nên hỏi xem chúng Tăng có những hạn chế gì. Cựu Tỉ-kheo nên trình bày tất cả
những hạn chế của chúng tăng như: "Nhà mỗ giáp kia Tăng đã làm Yết-ma phú
bát chớ nên đến. Nhà mỗ giáp có chó dữ. Nhà mỗ giáp không có niềm tin".
Khách Tỉ-kheo sáng thức
dậy không nên đi khất thực liền mà nên hỏi xem trú xứ ấy có bữa ăn trước, bữa
ăn sau hay không, Cựu Tỉ-kheo nên nói: "Trưởng lão chớ đi khất thực, khất thực
vất vả, hoặc không vừa ý, ở đây có bữa ăn trước, bữa ăn sau". Nếu thấy bạn
mình muốn ra đi thì không nên nói: "Trưởng lão, những người khách buôn đã
đi rồi, đi theo vẫn còn kịp", mà nên nói: "Trưởng lão hãy nghĩ lại ít
lâu rồi sẽ có bạn". Nếu bạn có việc gấp phải ra đi thì nên cung cấp lương
thực, chúc bạn lên đường.
Khách Tỉ-kheo, cựu
Tỉ-kheo phải xử sự như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo vừa rửa chân vừa nói chuyện thế tục và
dùng nước đùa giỡn. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền
dạy: "Từ nay trở đi, khi rửa chân nên làm như Xá-lợi-phất".
Khi Phật an trú tại
vườn Trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá, lúc ấy Xá-lợi-phất khoác y, cầm bát vào
thành tuần tự khất thực, oai nghi tề chỉnh, đi đứng nghiêm trang, nhìn ngó đoan
chính, co duỗi cúi ngửa mặc y cầm bát, gìn giữ các căn tâm không tán loạn,
giống như tướng trạng của người đã được diệu pháp nhiệm mầu. Có một người
Bà-la-môn thấy thế thầm nhủ: "Ông samôn Thích tử này ở nơi nhân gian hiện
ra tướng giữ gìn oai nghi, nhưng khi đến nơi vắng vẻ ắt hẳn sẽ không giữ phép
tắc. Ta sẽ theo dõi, nếu thấy ông ta phóng túng, ta sẽ dùng tay tát vào
đầu". (508a) Nghĩ thế rồi, y bèn đi theo tôn giả.
Khi ấy, Xá-lợi-phất ở
trong thôn xóm cũng như nơi hoang vắng đều không thay đổi oai nghi. Lúc về lại
trú xứ, thầy liền cầm bát cất một chỗ, đập giũ y Tăng-già-lê xếp lại cất vào
chỗ cũ, sắp đặt giường ghế, cầm tấm ván rửa chân đặt bên cạnh lu nước, đến ngồi
tại đó. Đoạn, thầy lấy đôi dép đập giũ, đặt xuống đất. Tiếp đến, lấy khăn lau
ống chân, cầm đôi dép lót cái đế vào, rồi dùng khăn lau qua. Tiếp theo, nhúng
nước cái khăn, cầm một chiếc dép lau từ mũi, thân rồi đến gót, đoạn lau chiếc thứ
hai cũng thế. Thế rồi, lau lại chiếc thứ nhất ở phần đế phía trước, rồi phần đế
phía sau, tiếp theo lau chiếc thứ hai cũng tuần tự như vậy. Kế đến, thầy giặt
cái khăn, vắt ráo nước rồi đem phơi. Tiếp đến, thầy rửa tay, dùng tay phải xối
nước, lấy tay trái rửa ống chân trái, rồi rửa ống chân phải, kế đến rửa đôi bàn
chân. Ông Bà-la-môn thấy vậy sinh tâm hoan hỷ thầm nhủ: "Tôn giả sạch sẽ
như vậy, thứ nước còn thừa kia dùng để uống cũng được nữa, phép thờ nước sạch của
Bà-la-môn chúng ta không thể sánh kịp". Lúc ấy, Xá-lợi-phất nhân thấy
Bà-la-môn phát tâm hoan hỷ, liền thuyết pháp cho ông nghe, khiến ông được pháp
nhãn thanh tịnh.
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc đó bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, ông Bà-la-môn này rất là hiền thiện,
nhân thấy Xá-lợi-phất rửa chân có oai nghi thanh tịnh mà phát tâm hoan hỷ đến
như thế".
Phật liền dạy:
"Không những ngày nay ông sinh tâm hoan hỷ mà trong thời quá khứ cũng đã
từng có như thế, như trong kinh Bổn Sinh đã nói rõ. Con ông trưởng giả thuở ấy
thì nay là Xá-lợi-phất, còn tên giặc lúc ấy thì nay là ông Bà-la-môn. Lúc bấy
giờ, chư Thiên thấy vậy liền đọc kệ:
"Thanh khiết oai
nghi đẹp,
Nhân đó được lợi ích,
Như nước trong ảnh hiện.
Học oai nghi tối thắng,
Kẻ mang tâm ác đến,
Thấy rồi sinh hoan hỷ.
Nếu không học oai nghi,
Kẻ ác đã sát hại".
Khi Tỉ-kheo từ thôn xóm
trở về phải cởi y mặc vào thôn xóm đập giũ, xếp lại rồi cất vào chỗ cũ, mặc y
làm vườn, sắp giường ghế, trải tấm ván rửa chân, múc nước đổ đầy lu, tới ngồi
tại đó, dùng khăn lau bụi đất trên chân. Kế đến, cầm đôi dép đặt cái lót đế
vào, lấy khăn lau qua, rồi nhúng nước cái khăn lau từng chiếc một từ mũi, thân
cho đến đế giày, đoạn lau chiếc thứ hai cũng thế. Tiếp đến, lau lại chiếc thứ
nhất ở phần chân đế phía trước rồi phần chân đế phía sau, đoạn lau chiếc thứ
hai cũng như vậy. Kế đến, giặt khăn vắt ráo nước rồi đem phơi chớ để bụi dính
và côn trùng gặm nhắm, rồi mới rửa tay. (508b) Nếu lu nước ở phía bên phải thì nên
rửa ống chân trái trước rồi rửa ống chân phải sau. Không được dùng cái tay bưng
nước kỳ cọ dưới chân mà nên dùng một tay xối nước, một tay kỳ cọ. Nếu có hai người
thì một người xối nước, một người rửa. Không được dùng nước nhiều hao phí mà
nên trù tính dùng vừa đủ. Không được trùm đầu, trùm vai phải mà nên trật vai áo
khi ngồi. Khi rửa chân, không được ngồi thiền, ngồi ngủ, không được quán bất
tịnh và tụng kinh. Khi rửa xong nên dời đi để khỏi trở ngại người khác. Nhưng
nếu mình là người sau cùng thì có thể tụng kinh không có tội. Nếu thấy hết nước
thì không được làm thinh để yên như vậy mà phải báo cho người lo việc múc nước
đổ nước đầy vào. Nếu không thể làm được như vậy thì ít nhất tự mình cũng đổ vào
chừng một ca nước cho đủ một người dùng. Phép tắc rửa chân phải làm như vậy.
Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-Vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo rửa chân, chân còn ướt mà họ mang dép vào
khiến cho màu của dép thấm vào chân, làm cho giường nệm của chúng Tăng bị dơ
bẩn. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm
sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:
- Các ông có việc đó
thật không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Từ
nay trở đi, khi rửa chân phải làm như sau: Phải để đôi dép dựng đứng rồi chờ
cho chân khô mới mang vào. Nếu có đông người chờ đợi thì dùng tay vuốt nước,
lấy khăn lau khô rồi mới mang dép. Không được dùng chân ướt dẫm lên nền nhà của
Tăng khô ráo sạch sẽ mà phải làm cho chân khô rồi mới đi vào. Nếu chỗ rửa chân chỉ
có một người thì không cần lau chân mà nên chờ cho chân khô rồi mới mang dép và
phải giữ gìn bụi đất. Nếu vì gấp gáp muốn ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành thì
có thể dùng khăn lau lau sạch bụi đất mà đi. Phép tắc rửa chân phải làm như thế.
Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo lấy nước mà Tăng dùng để làm phép rửa chân,
tay, mặt và bát, sau khi dùng xong bèn lấy dây ràng lại trên miệng, niêm phong,
rồi vào thôn xóm khất thực. Sau đó, khách Tỉ-kheo đến, thấy vậy nổi giận trách
móc: "Vì sao lại đóng cửa nhà chứa nước niêm phong rồi bỏ đi?".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, vào tháng
xuân nên bố trí nước như sau: Nếu là lu lớn, lu nhỏ thì nên lấy vật gì sạch sẽ
phủ lên miệng, rồi dùng gạch, đá hoặc gỗ đè lên trên, bên trong để cái ca múc
nước, trong nước nên bỏ các thứ hoa như ba-đa-lê, chiêm-ba, tu-ma-na, (508c)
đại loại các thứ hoa như thế để nước có mùi thơm. Có các loại nước nổi tiếng
như ở ấp Ba-liên-phất có nước Thâu-nô, ở thành Vương Xá có nước Ôn tuyền, thành
Ba-la-nại có nước ao chỗ Phật đi kinh hành, ở nước Chiêm-bà có nước sông Hằng,
ở thành Xá-vệ có nước Thạch-mật, ở nước Sa-kỳ có nước Huyền-chú, ở nước
Tăng-gìa-thi có nước Thạch-mật, ở nước Ma-thâu-la có nước Diêm-phù-na, đại loại
các thứ nước như thế không được dùng để rửa chân, tay, mặt và bát. Nếu người
bệnh cần nước thì nên cho một bát đầy. Nếu khi ăn muốn rót nước thì trước hết
nên dùng nước sạch rửa tay, rửa chén rồi mới rót. Người nhận nước nên giữ tay
trái cho sạch khi lấy nước, nếu tay bẩn phải rửa, hoặc dùng lá lót dưới chén,
hoặc dùng lá chùi sạch bẩn rồi mới lấy. Khi uống, không được chạm môi vào chén
nước, không được để cho mép chén chạm vào trán mà phải để đứng môi khi uống,
hơn nữa, không được uống hết mà nên chừa một ít nước súc miệng rồi nhổ đi.
Người rót nước phải khéo giữ chén nước cho sạch. Nếu thấy chén nước đã bị chạm
môi, đụng trán vào thì nên để một chỗ rồi lấy cỏ làm dấu để người khác biết là chén
nước không sạch. Nếu có thể dùng nước rửa sạch thì nên làm. Nếu rót nước uống
phi thời thì người rót nước trước hết phải rửa tay, rửa chén sạch rồi mới rót.
Đồng thời người nhận nước cũng phải rửa tay sạch để nhận. Nếu tay không sạch
thì nên dùng lá hoặc chéo y sạch lót dưới chén để nhận như trên đã nói, cho đến
súc miệng rồi nhổ ra. Nếu uống nước trong phòng tắm thì nên dùng lá lót dưới
chén kê môi dựng đứng mà uống, ngoài ra như trên đã nói. Nếu uống nước trong
phòng thiền mà dưới nền nhà có lót thảm thì nên dùng cái mâm bưng nước. Nếu hai
người ngồi cách nhau thì một người bưng chén, một người rót nước, ngoài ra như
trên đã nói. Các loại nước có tiếng mà như trên đã kể không được dùng để rửa chân,
tay, mặt và bát, cũng không được uống thừa rồi đem đổ. Nếu khi làm các việc về
y bát cần đến nước thì có thể mượn dùng tạm rồi trả lại. Nếu nước cho dùng thả
ga thì tùy ý dùng không có tội. Khi dùng nước phải theo cách thức đó. Nếu ai
không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
vườn xoài của đồng tử Kỳ-Vức nơi thành Vương Xá, lúc ấy đồng tử Kỳ-Vức đi đến
chỗ Phật, cúi đầu, đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên bạch với Phật:
"Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn cho phép các Tỉ-kheo tắm nước nóng, vì tắm nước
nóng có thể trừ được bệnh nhiễm lạnh và sống an lạc".
Phật dạy: "Vâng,
Ta cho phép các Tỉ-kheo tắm nước nóng".
Lại nữa, khi Phật an
trú tại thành Xá-vệ, sau khi Ngài cho phép các Tỉ-kheo tắm nước nóng, rồi đến
giờ tắm, nghe tiếng bảng đánh, nhóm sáu Tỉ-kheo liền đi vào trước trong phòng tắm,
lập tức chất củi đốt lửa, đóng cửa lại, đứng đợi cho mồ hôi ra. Các (509a)
Tỉ-kheo ở bên ngoài gọi mở cửa thì họ không chịu mở mà nói: "Các trưởng
lão hãy đợi đốt lửa đã". Thế rồi, họ dùng hết sạch củi đốt và nước rồi mới
mở cửa, gọi: "Các trưởng lão có thể vào được rồi".
Khi các Tỉ-kheo vào
xong, họ bèn đóng cửa bên ngoài lại. Các Tỉ-kheo bị nóng bức, gọi mở cửa, thì
họ đáp: "Này các trưởng lão, hãy đứng cho ra mồ hôi thì có thể trừ được bệnh
ghẻ chóc". Thế rồi, họ ở ngoài dùng hết lu nước, bèn úp lu xuống đất, đoạn
mở cửa, nói: "Các trưởng lão có thể ra được rồi".
Khi các Tỉ-kheo ra rồi
bị nóng bức tìm nước, thì họ bảo: "Này các trưởng lão, hãy dùng ít ít nước
như Thế Tôn đã dạy", cho đến: "Nước cũng phải dùng một cách tiết kiệm".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Cách làm nhà tắm và cách
tắm phải áp dụng như sau: Nhà tắm nên làm vuông hoặc tròn, đặt cửa và chừa lỗ
thông gió. Lỗ thông gió nên làm bên trong rộng, bên ngoài hẹp, làm một hay hai
cái, để khai thông đường khói. Trong phòng, nên dùng gạch, đá lót ở dưới rồi
đặt ông táo lên trên. Ông táo phải kê ở dưới rộng, ở trên hẹp, cách đất chừng
nửa khuỷu tay, thông đường khói, bên cạnh để một cái gắp lửa. Nếu đặt ông táo ở
bên phải thì trổ cánh cửa ở bên trái. Nếu đặt ông táo ở bên trái, thì trổ cánh
cửa ở bên phải, đồng thời nên làm một cái chốt cửa ngắn để dễ đóng mở. Ở trước
nên làm cái nhà để áo, đặt móc áo để móc áo. Khi muốn tắm, trước hết nên bảo
người làm vườn quét dọn bụi bặm, màn nhện trong phòng, dùng nước rưới trên mặt
đất, quét cho sạch, đem củi than, nồi nấu nước, để trước vào trong đó rồi mới
đánh bảng. Cũng không được đốt lửa sớm quá khiến cháy hết rồi mới đánh bảng.
Khi nghe tiếng bảng đánh, nên phân biệt xem đó là hiệu lệnh tắm tất cả Tăng
chúng hay chỉ dành cho đồ chúng, hoặc dành cho phòng riêng, tùy theo trường hợp
mà đi. Nếu tất cả đều tắm thì nên lần lượt mà đi; và khi đến nơi, mỗi người nên
dùng đai lưng buộc áo làm dấu, rồi móc vào giá áo. Khi đi vào không được đánh
đàng xa hai tay mà đi, mà nên dùng một tay che phía trước mà vào. Một người vào
thì một người đi ra. Khi người sau vào thì người trước phải nhường chỗ. Không
được băng ngang qua các vật dụng hay qua mặt các Tỉ-kheo trưởng lão, mà phải
vào từ từ. Nếu Hòa thượng, A-xà-lê đang ở trong thì không được đứng đợi ở
ngoài, hỏi: "Chừng nào ra?", mà nên cởi y vào kỳ cọ cho các ngài. Nếu
muốn kỳ cọ cho người khác thì nên bạch với Hòa thượng, A-xà-lê; nhưng nếu trước
đó đã bạch rồi, thì không có tội. Nếu trường hợp bếp lửa cháy mạnh thì nên để
người trẻ ở gần bếp lửa. Nếu lửa yếu thì nên để người già ở gần. Phải dùng nước
từ từ, không được làm văng bẩn người ở gần đó. Nếu được đệ tử kỳ cọ, thì không đưa
cả hai tay lên một lúc, mà trước hết nên kỳ cọ một tay còn một tay che đàng
trước. Xong rồi mới kỳ cọ tay thứ hai. Khi đổ nước vào lu tắm xong rồi, nên
đóng cửa lại (509b) mà ngồi cho thân ra mồ hôi. Khi rót dầu thì nên dùng chén
đong hoặc là dùng tay đo lường mức độ; dùng bột tắm cũng như vậy. Nếu đàn việt
nói: "Cho dùng thả cửa", thì cũng phải trù tính mà dùng nước. Nếu
trong lu đã chia mức độ dùng cho từng người, thì nên dùng ngang mức độ đã qui
định, không được dùng thâm phần người khác. Nếu được qui định mỗi người phải tự
xách nước mà dùng, thì ai có nước được vào, ai không có nước, không được vào.
Nếu có đệ tử nói: "Hòa thượng, A-xà-lê cứ vào, để con xách nước cho",
thì cũng phải trù tính mà dùng. Nếu Ưu-bà-tắc hay người làm vườn nói:
"Thầy cứ vào, để con múc nước cho", tuy vậy, cũng phải dùng một cách tiết
kiệm. Nếu chỗ tắm ở gần hồ nước thì được dùng thả cửa, không có tội. Không được
tắm lõa thể ở chỗ trống, nhưng nếu nước ngập đến rún, đến nách thì được tắm,
không có tội; hoặc ngồi tắm mà nước ngang rún thì cũng được tắm. Khi ra khỏi
phòng tắm, thì mặc áo mới, sửa soạn chỉnh tề, rồi cầm đồ cũ mà trở về. Khi tắm xong,
nếu muốn đi liền thì phải bảo người làm vườn dẹp cất thùng tắm. Nếu Tỉ-kheo đến
sau nói: "Trưởng lão cứ đi đi, để con dẹp cất cho", thì hãy đi. Người
tắm sau cùng phải thu dọn và dùng vật gì dập tắt lửa.
Khi tắm phải áp dụng
như thế. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, bấy giờ, đức Thế Tôn cứ năm hôm đi thị sát phòng ốc các Tỉ-kheo
một lần; trông thấy các vật dụng bỏ bừa bãi đó đây dưới nhà bếp, tuy biết nhưng
Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Đây là vật dụng của ai mà bỏ ngổn ngang thế
này?" Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau không được bỏ các vật dụng
lung tung như thế. Thầy tri sự hay thầy trực nguyệt khi thấy các vật dụng bỏ
bừa bãi thì phải bảo người làm vườn hoặc Sa-di thu dọn. Nếu thầy tri sự hay
thầy trực nguyệt không để ý đến thì ai thấy như vậy phải bảo tịnh nhân thu dọn.
Nếu là nồi niêu, soong chảo bằng đồng, thiếc thì nên bảo tịnh nhân đem rửa
sạch, dùng bùn trét lên trên, rồi úp trên nền nhà bếp. Nếu nồi, niêu, soong
bằng đất thì cũng làm như vậy. Khi úp chúng xuống đất rồi, nên dùng gạch, ngói
đằng lên trên. Nếu thùng, gáo bằng gỗ thì cũng phải rửa sạch rồi đem cất. Nếu
là chiếu đan thì phải đem phơi nắng rồi treo lên cất. Nếu là nong, nia, giần,
sàng bằng tre cũng phải đem treo lên cất đừng để mối mọt gặm nhấm. Cái rá đựng
cơm, cái thìa xới cơm cũng phải rửa sạch rồi treo cất. Cái rây và đãy lọc nước
cũng phải treo cất đừng để côn trùng cắn phá. Chày giã thuốc và cối không được
dùng xong rồi vất dưới đất mà phải đem rửa sạch rồi cất lại chỗ cũ. Không được
trông thấy nhà bếp, nhà kho bị dột nát mà không sửa chữa. Nếu nó được lợp bằng
cỏ thì dùng cỏ giọi lại, cho đến nếu nó được tô bằng đất thì dùng đất tô lại.
Nếu nó bị nứt nẻ, vỡ bể thì phải sửa chữa lại. Đồng thời phải thường quét dọn
sạch sẽ. Nếu đem củi vào trong nhà bếp để đốt thì phải chất cho gọn gàng tại
một chỗ. Thùng nấu thuốc nhuộm và thau dùng nhuộm đồ không được dùng rồi vất
bừa bãi mà phải rửa sạch, đem cất vào chỗ cũ. (509c) Cái thùng giặt y bằng gỗ
khi dùng xong cũng phải đem rửa sạch rồi cất lại chỗ cũ. Dây phơi y cũng không
được dùng rồi bỏ bừa bãi trên đất mà phải quấn lại đem cất vào chỗ cũ. Rìu,
búa, cưa, đục, mai, xẻng, thang gỗ, những thứ này đều là vật dụng của Tăng 4
phương, khi dùng rồi phải thu dọn đem cất vào chỗ cũ, để cho người sau khi cần
lấy dùng dễ dàng không phải tìm kiếm vất vả. Nếu ai cần dùng thì nên đưa cho
họ. Nếu hai người cùng đòi một lúc thì nên đưa cho Thượng tọa trước. Nếu Thượng
tọa dùng lâu, còn người trẻ dùng ít, thì nên đưa cho người trẻ trước. Nếu hai
người đều dùng ít thì nên đưa cho Thượng tọa trước.
Phép dùng vật dụng phải
như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy có nhiều Tỉ-kheo ở chung một phòng. Bấy giờ có một Tỉ-kheo
lấy y của mình trên giá, lôi y của người khác rơi xuống đất. Các Tỉ-kheo khác
ban đêm dậy đi đại, tiểu, dẫm lên y ấy. Người chủ y khi tìm y không thấy, chung
cục lại tìm được y dưới đất. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn.
Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, vấn đề y phải xử sự như sau: Nếu nhiều
người cùng ở chung một phòng thì y của ai người ấy phải tự xếp lấy, rồi lấy lá
để làm dấu bên trong. Nếu móc y trên giá thì phải lấy dây lưng buộc lại; không
được đem y của Hòa thượng, y của A-xà-lê gói y của mình, mà phải dùng y của
mình gói y của Hòa thượng, A-xà-lê. Nếu mùa Xuân nhiều bụi bặm thì phải dùng y
của mình tủ lên trên y của Hòa thượng, A-xà-lê. Nếu vào mùa Hạ đất ẩm ướt, thì
nên lấy y của mình lót dưới y của Hòa thượng, A-xà-lê. Không được để cho trong
phòng có bụi bặm mà phải thường thường rưới nước rồi lau sàn nhà. Không được
dùng y lót trong tay để cầm ống nhổ, bô đựng đại tiểu tiện, giày dép, cũng
không được dùng y để đựng rác rưới hoặc giẻ lau. Nếu y bị dơ bẩn thì nên đem
giặt, nhuộm lại. Phải xem y như da thịt của mình.
Phép sử dụng y phải làm
như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Kệ tóm tắt:
"Khách và cựu
Tỉ-kheo,
Rửa chân cùng lau chân.
Nước sạch và nước uống,
Phòng sưởi cùng tắm rửa.
Nhà bếp và y phục,
Kết thúc phần thứ tư".
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, bấy giờ, Tỉ-kheo ở thôn xóm và Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã cùng thọ trai
chung một chỗ. Lúc ấy, các Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã thường đúng giờ đến trai
đường, thì các Tỉ-kheo ở thôn xóm bỗng nhiên đánh bảng sớm rồi ăn trước. Các
Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã khi đúng giờ đi đến, liền hỏi các Tỉ-kheo ở thôn xóm:
- Đã đánh bảng chưa?
- Đã ăn xong rồi.
Lúc ấy, các Tỉ-kheo ở
a-luyện-nhã (510a) bèn trở về. Ngày hôm sau, họ liền đến sớm, lấy hết đồ ăn rồi
mang đi. Các Tỉ-kheo ở thôn xóm đến đòi đồ ăn, thì tịnh nhân nói: "Các
Tỉ-kheo a-luyện-nhã đã đem đi hết rồi".
Các Tỉ-kheo ở thôn xóm
bèn hỏi các Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã: "Các trưởng lão vì sao lại đến sớm rồi
mang thức ăn đi hết?"
Các Tỉ-kheo ở
a-luyện-nhã nói: "Thế thì vì sao các vị lại dậy sớm đánh bảng rồi ăn hết
mà không đợi chúng tôi".
Hay đàng tranh cãi
nhau, rồi cùng dẫn đến chỗ Phật, trình bày đầy đủ sự việc kể trên với Thế Tôn.
Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã và Tỉ-kheo ở thôn xóm
phải xử sự như sau: "Nếu Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã và Tỉ-kheo ở thôn xóm cùng
thọ trai một chỗ thì Tỉ-kheo ở thôn xóm không được dậy sớm đánh bảng báo tin bữa
ăn trước, bữa ăn sau và bữa ăn được mời mà phải đợi Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã. Và
Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã cũng không được nói: "Ta từ từ đến, họ sẽ phải đợi
ta" mà phải đến trước, hoặc là nhờ người nhận phần, hoặc dặn để dành chỗ.
Đồng thời Tỉ-kheo ở thôn xóm nên hỏi xem Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã đã đến chưa. Nếu
có người lấy phần giúp hay chừa chỗ thì hãy chỉ cho họ biết. Nếu Ưu-bà-tắc mời
Tăng thì Tỉ-kheo ở thôn xóm nên nói với Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã: "Trưởng lão
ngày mai hãy đến sớm, có mỗ giáp mời bữa ăn trước, bữa ăn sau, đừng khất thực
chỗ khác". Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã nghe vậy, ngày mai nên đến sớm. Khi tới
rồi, nếu đồ ăn chưa chín thì không nên ngồi đợi mà nên lễ tháp, tụng kinh, vấn
đạo. Tỉ-kheo ở thôn xóm nên đổ nước vào trong nồi trước, chụm lửa, đợi Tỉ-kheo ở
a-luyện-nhã đến rồi mới bỏ gạo vào. Nếu trường hợp Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã vì bị
nạn quỉ, nạn nước lửa, hoặc nạn giặc không đến được mà phải bỏ gạo, hoặc khi
thức ăn đã chín đàn việt muốn đánh bảng, thì nên khuyên: "Này lão trượng,
mặt trời vẫn còn sớm, nên đợi Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã đến đã". Nếu mặt trời
gần đứng bóng thì nên đánh bảng. Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã nên dùng bóng cây hay
tường vách làm dấu mức thời gian để biết mặt trời sớm hay muộn mà đi đến. Giả
sử các Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã chưa đến kịp, thì phải để dành chỗ ngồi. Nếu bữa
ăn được nấu tại a-luyện-nhã cũng phải làm như vậy.
Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã
không được khinh Tỉ-kheo ở thôn xóm rồi nói rằng: "Các vị chắc là có đầu
lưỡi sắc bén, ít mùi vị nên mới ở nơi đó", mà nên tán thán: "Các vị ở
nơi thôn xóm thuyết pháp giáo hóa, vì pháp mà che chở, bảo vệ cho chúng
tôi".
Các Tỉ-kheo ở thôn xóm
cũng không được khinh thường Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã rồi nói: "Các vị ở
a-luyện-nhã có ý hy vọng danh lợi, hươu nai cầm thú cũng ở a-luyện-nhã. Các vị
ở a-luyện-nhã từ sớm đến chiều chỉ lo đếm năm, đếm tháng mà thôi", mà nên
tán thán: "Các vị xa rời thôn xóm ở a-luyện-nhã nhàn tĩnh tư duy về đạo
nghiệp cao quí. Đó quả thực là nơi rất khó sống (510b) mà các vị có thể ở đó để
lắng đọng tâm tư".
Tỉ-kheo ở a-luyện-nhã
và Tỉ-kheo ở thôn xóm đều phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt
pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy các cựu Tỉ-kheo đang cãi lộn với nhau thì có khách Tỉ-kheo
đi đến, ôm chân đảnh lễ. Mấy hôm sau, thầy trở lại, đảnh lễ lần nữa, thì cựu
Tỉ-kheo hỏi:
- Thầy đến mấy ngày rồi?
- Độ 4, 5 ngày.
- Thầy tới đã chừng ấy
ngày mà sao không đến gặp tôi?
- Tôi đã tham kiến và
đảnh lễ rồi, nhưng vì trưởng lão mắc cãi lộn nên không trông thấy tôi.
- Vì sao thầy thấy tôi
đang cãi lộn mà lại đảnh lễ?
- Vậy thì tại sao thầy
lo cãi lộn mà không thấy tôi đảnh lễ?
Thế rồi hai người cãi
nhau rồi cùng dẫn đến chỗ Phật. Cuối cùng Phật dạy: "Từ nay trở đi nên
đảnh lễ và thưa hỏi như sau: Khi người ấy đang tranh cãi, đang nói chuyện thì không
được đảnh lễ, mà chỉ nên cúi đầu tỏ sự cung kính. Nếu người ấy hết cãi thì nên
đảnh lễ. Khi vị ấy đang làm nhà, tô tường thì không nên đảnh lễ. Cũng vậy, khi
vị ấy đang làm các việc như: đun bát, giặt y, nấu nước nhuộm để nhuộm y, vá y,
tắm rửa, thoa dầu vào mình, rửa chân tay, rửa mặt, rửa bát, lễ tháp, đang ngậm cơm,
nhỏ thuốc vào mắt, đọc kinh, tụng kinh, chép kinh, đi kinh hành, đang xuống
gác, lên gác, đang đại tiện, lúc không mặc y, lúc chỉ mặc có quần đùi, đều
không nên đảnh lễ. Hoặc lúc đang ở trong bóng tối thì không nên đảnh lễ. Lúc
dạy kinh không nên đảnh lễ. Lúc mặc quần cụt, lúc đang mặc y, lúc đang đi gấp,
đều không nên đảnh lễ. Khi đảnh lễ không được trùm đầu, choàng kín vai phải, mang
giày dép. Không được đảnh lễ nơi đầu gối, ống chân, gót chân, mà phải ôm lấy
bàn chân mà đảnh lễ. Nếu trên chân vị ấy có mụt nhọt thì phải bảo vệ chớ có chạm
đến. Người thọ lễ không được làm thinh như dê câm, mà phải hỏi han. Khi hỏi,
không nên hỏi như thế này: "Ở nơi nào có nhiều thức ăn uống ngon?" mà
nên hỏi: "Thầy có ít bệnh, ít phiền não, được an lạc không? Đi đường không
vất vả đấy chứ?"
Còn khách Tỉ-kheo thì
nên hỏi: "Ai là vị Thượng tọa của chúng Tăng? Ai là đệ nhị, đệ tam Thượng
tọa?" Rồi nên đảnh lễ dưới chân.
Cựu Tỉ-kheo nên hỏi:
"Trưởng lão bao nhiêu tuổi?" Nếu khách Tỉ-kheo còn nhỏ thì nên đưa
ghế bảo ngồi. Nếu có khả năng thì nên cung cấp bữa ăn trước, bữa ăn sau, dầu
thoa chân, nước uống phi thời.
Khách Tỉ-kheo và cựu
Tỉ-kheo phải xử sự như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo gọi nhau theo cách của người thế tục như:
cha, mẹ, anh, em. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến (510c) bạch lên Thế Tôn. Phật
liền hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo:
- Các ông có việc đó
thật không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn!
- Từ nay trở đi, khi
nói chuyện nên gọi như sau: Khi nói chuyện với cha, không được gọi là ông, cha,
ông lão, mà nên gọi là Bà-lộ-ê-đa. Khi nói chuyện với mẹ, không được gọi là mẹ,
bà, mà nên gọi là Bà-lộ-ê-đế. Khi nói chuyện với anh không được gọi là anh mà
nên gọi là Bà-lộ-ê-đa. Khi nói chuyện với chị không được gọi là chị mà nên gọi
là Bà-lộ-ê-đế. Khi nói chuyện với Hòa thượng, không được gọi là Bạt-đàn-đế, mà
nên gọi là Ưu-ba-thượng. Khi nói chuyện với A-xà-lê (thầy) không được gọi là
Bạt-đàn-đế, mà nên gọi là A-xà-lê. Nếu có nhiều A-xà-lê thì nên gọi là A-xà-lê
mỗ giáp. Khi nói chuyện với Hạ tọa thì được gọi tên, gọi là Cự-đế, gọi là tuế.
Khi nói chuyện với Thượng tọa thì nên gọi là Bạt-đàn-đế, hoặc là Tuệ mạng, hoặc
là A-xà-lê. Khi có người gọi thì không được hỏi trổng trổng: "Nói gì đó?
Việc gì đó?". Nếu Hòa thượng gọi thì nên đáp: "Dạ". Nếu A-xà-lê
gọi thì nên đáp: "Dạ". Nếu Thượng tọa gọi cũng nên đáp: "Dạ". Nếu người trẻ gọi thì nên hỏi:
"Vì sao mà gọi?". Nếu mẹ hay đàn ông gọi thì nên hỏi: "Vì
sao mà gọi?". Khi có người hỏi: "Hòa thượng, A-xà-lê của ông tên
gì?", thì không được nói thẳng tên của Hòa thượng, A-xà-lê, mà nên nói
nghĩa, nói rằng vì nhân duyên như vậy mà có tên là mỗ giáp.
Khi nói năng phải vận
dụng như thế, nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, chúng Sát-lợi tập họp để bàn luận, thì Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà
bèn đến ngồi trước tại hội trường. Do đó, bọn họ chê trách rằng: "Hôm nay
chúng ta tập họp để bàn luận mà ông Sa-môn này làm phương hại đến việc nghị
luận của chúng ta".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, khi
đi vào trong chúng Sát-lợi phải xử sự như sau: Nếu có lý do thì mới đến, và
trước khi đến nên nói rõ lý do mà mình cần đến với người lớn nhất trong chúng
ấy. Nếu họ nói rằng có thể đến được, thì mình mới đến. Khi đến, không được cầm
dù, lọng, giày, dép. Khi vào rồi nên cởi các thứ ấy để một chỗ. Không được hỏi:
"
Phép tắc đi vào trong
chúng Sát-lợi phải như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy chúng Bà-la-môn đang tập họp thì Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến
ngồi trước tại nơi đó. Các Bà-la-môn bèn trách cứ: "Chúng ta có việc phải bàn
luận mà vị Sa-môn này đến phá hỏng công việc của chúng ta". Thế rồi, Phật
dạy: "Từ nay trở đi, khi vào trong chúng Bà-la-môn phải xử sự như sau: Nếu
có duyên sự muốn đi đến đó, thì trước hết nên trình bày lý do mình muốn đến với
người lãnh đạo trong bọn họ. Nếu họ đồng ý thì mình mới đi đến. Lúc sắp đến
nơi, nên xếp dù lọng, cởi giày dép, không được thấy họ rồi mới cởi. Cũng không
được mượn ô dù, giày dép mang đi đến. Không được hỏi: "
Phép tắc vào trong
chúng của Bà-la-môn nên làm như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai
nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, cho đến Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi có nhân duyên thì mới
nên đi đến chúng cư sĩ. Và khi họ chỉ chỗ cho mình ngồi rồi, không được nói: "Ngươi
rửa tay chân sạch sẽ, ngồi ở quán xá, dùng cân nhẹ, đấu non lừa gạt người ta,
còn quá hơn bọn trộm cướp", mà nên nói: "Có hai loại bánh xe: Bánh xe
pháp và bánh xe thức ăn. Có bánh xe thức ăn mới vận chuyển được bánh xe pháp,
như Thế Tôn đã nói với các Tỉ-kheo: "Bà-la-môn, cư sĩ cung cấp y thực,
ngọa cụ, thuốc trị bệnh, làm lợi ích rất nhiều, đó là việc khó làm". Ta
nhờ các ngươi mà được tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Như Lai, vượt qua
dòng sinh tử. Tất cả đều nhờ công ơn và lòng tin của các ngươi". Nếu có điều
chi bàn luận thì nói xong rồi ra về.
Khi vào trong chúng cư
sĩ nên làm như thế, nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, cho đến Phật nói: "Khi vào trong chúng ngoại đạo nên xử sự
như sau: Khi họ chỉ chỗ ngồi rồi thì nên ngồi. Không được khen chê kiến giải của
họ. Cũng không được chê bai bằng hình ảnh cụ thể rằng: "Các ngươi tà kiến,
không có niềm tin, không biết hổ thẹn", mà nên khen ngợi bằng những sự
thật: "Các ngươi có thể xuất gia, cởi mở trói buộc, vứt bỏ phục sức thế
tục, ở nơi thanh vắng, suy nghĩ sâu xa, thật là một việc làm rất khó
khăn". Được ca ngợi tất cả các sự thật như vậy, nhưng không được (511b)
nói những lỗi lầm của họ. Nếu muốn bàn luận điều gì thì nói xong rồi liền ra đi.
Phép tắc đi vào trong
chúng ngoại đạo phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai
nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, cho đến Phật nói: "Từ nay trở đi, phép nhập chúng phải làm
như sau: Nếu muốn luận bàn việc gì ở giữa Tăng thì lúc còn ở ngoài nên quyết đoán
cho dứt khoát, không được vào trong Tăng rồi mới quyết đoán. Nếu sự việc khó
khăn thì nên thưa với Hòa thượng, A-xà-lê. Nếu việc ấy không cần Tăng quyết
đoán thì nên khuyên họ chấm dứt. Nếu việc ấy cần phải thông qua Tăng, và người
nêu vấn đề đáng tin cậy thì nên giải quyết cho hòa hợp, đúng pháp, đúng luật.
Khi đã được Hòa thượng, A-xà-lê cho phép
thì nên đến trước vị Thượng tọa của Tăng hỏi: "Con có việc muốn
nói, Thượng tọa có cho phép không?". Thế rồi, Thượng tọa nên xem xét lời
nói của người ấy.
Khi vào trong chúng
không được mang giày dép, trùm đầu, che kín vai phải, mà nên cởi giày dép, trật
vai áo mà vào.
Phép đi vào trong chúng
phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Kệ tóm tắt:
"A-luyện-nhã,
thôn xóm,
Lễ dưới chân hỏi nhau.
Gọi nhau, dòng Sát-lợi,
Bà-la-môn, cư sĩ.
Ngoại đạo chúng hiền thánh,
Kết thúc phần thứ năm".
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo cởi nội y mặc trong chùa rồi ở trần đi
tìm nội y mặc đi vào thôn xóm. Sau khi từ trong thôn xóm trở ra, họ lại cởi nội
y mặc vào thôn xóm, ở trần đi tìm nội y mặc ở tại chùa. Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Phép mặc y phải làm như
sau: Khi muốn vào thôn xóm, không được cởi nội y mặc ở trong chùa rồi ở trần đi
tìm nội y mặc vào thôn xóm; cũng như không được cởi nội y mặc đi vào thôn xóm
rồi ở trần đi tìm nội y mặc ở trong chùa; mà khi muốn vào thôn xóm, trước hết nên
lấy nội y mặc đi vào thôn xóm để gần một bên. Cũng không được mặc y vào thôn
xóm rồi ở bên dưới mới cởi nội y ở chùa ra, mà nên một bên mặc vào, một bên cởi
ra. Khi ra khỏi thôn xóm, cởi nội y đi vào thôn xóm, mặc nội y ở chùa cũng làm
như vậy. Phép mặc nội y phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt
pháp oai nghi".
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo muốn vào thôn xóm bèn cởi y mặc trong chùa
rồi mặc một nội y đi tìm y mặc đi vào thôn xóm. Khi ra khỏi thôn xóm, họ lại
cởi y đi vào thôn xóm, rồi mặc một nội y đi tìm y mặc ở trong chùa. Các Tỉ-kheo
bèn đem việc ấy đến (511c) bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay
trở đi, phép mặc y phải làm như sau: Không được cởi y mặc trong chùa rồi mặc
một nội y đi tìm y mặc vào thôn xóm, mà trước hết nên lấy y mặc đi vào thôn xóm
để gần một bên, cởi y mặc trong chùa xếp lại ngay ngắn, cất vào chỗ cũ, rồi mới
mặc y đi vào thôn xóm. Khi từ thôn xóm đi ra cũng phải lấy y mặc ở trong chùa
để gần một bên, đập giũ y đi vào thôn xóm, cất vào chỗ cũ, rồi mặc y ở trong
chùa.
Phép mặc y phải làm như
vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy Ưu-ba-nan-đà đi vào thôn xóm, kéo lê y mà đi, khiến bùn đất
làm bẩn y, chỗ móc y bị rách, chỗ chắp lại bị lủng, đường đột đi qua nơi đường
hẻm chật hẹp, khiến đệ tử than phiền rằng: "Chúng ta giặt nhuộm may vá khổ
sở mà thầy không biết thương tiếc gìn giữ".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi vào
thôn xóm phải mặc y như sau: Không được kéo lê y đi trong thôn xóm để cho lủng
rách. Nếu vào mùa Xuân, khi còn ở cách xa thôn xóm, nên xếp y lại để trên vai
mà đi. Lúc đến gần thôn xóm, nếu gặp hồ nước, đầm nước, nên rửa chân tay, mặc
y, buộc lại rồi mới đi vào. Nếu không có nước thì nên dùng lá cây hoặc cỏ chùi
đất bụi trên chân, mặc y rồi mới đi vào. Nếu vào mùa Đông thì nên mặc y mà đi.
Nếu gặp voi, ngựa, xe cộ chạy nhanh, thì nên đi ở phía trên gió, kẻo bụi bặm bám
vào làm bẩn y. Nếu bị vướng gai làm rách thì không được kéo lê y rách mà đi.
Nếu đường xóm chật hẹp thì không được đường đột đi qua. Nếu gặp cửa nhỏ hẹp thì
nên nghiêng mình mà đi qua. Nếu cửa thấp thì khom lưng xuống đi qua.
Khi mặc y đi vào thôn
xóm phải làm như vậy, nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà không trải tọa cụ mà ngồi, lại dùng y
gói trái cây hư, bánh có chất dầu mỡ làm bẩn y, nên đệ tử than phiền rằng:
"Ta khó nhọc giặt nhuộm sửa chữa mà thầy không biết thương tiếc, giữ
gìn".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, mặc y đi
vào nhà cư sĩ phải làm như sau: Nếu giường có bụi đất dơ bẩn mà không có vật
trải lên thì không được ngồi. Nếu thấy có người quen biết cũ thì nên bảo họ
trải đồ lên. Nếu họ nói: "Vị Sa-môn này kiêu căng, coi thường người khác
khó mà phục vụ", thì tự mình nên lau chỗ ngồi, trải tọa cụ, rửa tay rồi
mới ngồi. Không được dùng y gói tất cả các loại bánh trái, hoa ướt, hoặc lau
miệng.
Khi ngồi trong nhà cư
sĩ phải giữ gìn y như vậy, nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
PHÉP
TẮC CỦA TIỀN VÀ HẬU SA-MÔN.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy Ưu-ba-nan-đà nói với đệ tử đồng hành của Nan-đà như sau:
"Ta muốn đi với ngươi vào thôn xóm khất thực. Nếu ở nơi đó ta có làm điều
gì trái oai nghi thì ngươi đừng đem nói với người khác. Vì ta là thúc phụ của
ngươi".
Người đệ tử nói:
"Giả sử cha của tôi hay ông nội tôi có làm điều gì trái oai nghi thì tôi
cũng phải nói", như trên đã nói rõ, cho đến thầy đáp: "Có thật như
vậy, bạch Thế Tôn".
Thế rồi, Phật dạy:
"Từ nay trở đi, tiền Sa-môn và hậu Sa-môn phải cư xử như sau: Nếu tiền
Sa-môn được thức ăn thì nên ăn chung với hậu Sa-môn. Nếu không có thì nên bảo
hậu Sa-môn trở về lấy thức ăn. Hậu Sa-môn không được đi cách quá xa với người
đi trước, khiến cho không trông thấy nhau; cũng không được đi quá gần chạm gót
nhau, mà nên cách nhau chừng hơn một cánh tay. Nếu thấy ở trước voi, ngựa, bò
dữ thì nên nói: "Thưa Hòa thượng, A-xà-lê, ở trước có ác thú nên tránh qua
một chỗ". Nếu vị Sa-môn đi trước già yếu thì nên đi trước để che chở. Nếu
ở trước có người muốn đảnh lễ thì nên thưa: "Có mỗ giáp đảnh lễ". Nếu
có người mời thọ trai, thì hậu Sa-môn phải ghi nhớ để lúc về lại trú xứ thưa
lại rằng: "Vừa rồi nhà mỗ giáp có mời thọ trai". Nếu tiền Sa-môn
không có thể chú nguyện được thì nên bảo người nào có thể chú nguyện được chú
nguyện. Người được sai chú nguyện không được nói: "Thầy ngồi trước, lấy
nước trước, ăn trước mà lại bảo tôi chú nguyện".
Phép tắc cư xử của tiền
Sa-môn và hậu Sa-môn phải như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai
nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy có một Tỉ-kheo nhờ người khác lấy thức ăn giúp, thầy đưa
bát xong rồi bỏ đi. Vị Tỉ-kheo đi lấy thức ăn, mang thức ăn đến, đi tìm mà
không biết ở đâu, bèn để cái bát trong nhà thiền rồi bỏ đi. Đến hôm sau, vị
Tỉ-kheo nhờ lấy thức ăn hỏi vị kia:
- Hãy trả cái bát lại
cho tôi.
- Tôi đã để cái bát ở
trên thiền đường rồi.
- Vì sao thầy đem cái
bát của tôi bỏ nơi thiền đường trống không?
- Vậy thì tại sao thầy
nhờ tôi đi lấy thức ăn rồi lại bỏ đi?
Hai người cãi nhau, rồi
cùng dẫn đến chỗ Phật trình bày lại đầy đủ sự việc trên với Thế Tôn. Phật liền
dạy: "Từ nay trở đi, khi nhờ người lấy thức ăn và lấy thức ăn giúp người
khác phải làm như sau: Không được nhờ người lấy thức ăn rồi bỏ đi, và không
được lấy thức ăn giúp cho người, rồi đem cái bát để trong nhà thiền trống không
rồi bỏ đi. Người lấy thức ăn giúp trước hết nên nói: "Trưởng lão, nay tôi
lấy thức ăn thầy đừng có đi đâu mà hãy chuẩn bị đợi tôi".
(512b) Người đi lấy
thức ăn nên để ý giờ giấc. Nếu thì giờ gấp, thì nên đem đưa trước thức ăn lấy
giúp. Nếu thì giờ còn sớm, thì nên ngồi theo thứ tự để nhận lấy phần ăn. Khi
lấy, không được trộn chung lại mà mỗi thứ phải để riêng ra, ăn phần mình xong
rồi mang đến. Nếu thì giờ gấp rút thì không được ăn tại trai đường mà phải mang
cả hai phần ăn trở về. Khi trở về, phải xem chừng mặt trời, thấy tới giờ nên
mang đến cho người kia. Nếu như không kịp giờ, thì nên ăn tại trai đường, đừng
để cả hai người đều bị mất ăn.
Người nhờ người khác
lấy thức ăn không được nghĩ: "Ta đã nhờ được người", rồi bỏ đi, mà
trước hết phải tìm tăm xỉa răng, xách nước, trải giường ghế, rửa tay, rồi ngồi chờ.
Thỉnh thoảng nên xem mặt trời, nếu thì giờ đã đến, thì phải xách bình nước đến
lấy phần. Nếu gặp người kia ở dọc đường thì cùng nhau ăn. Nếu như thì giờ vẫn còn
sớm thì nên đợi đến giờ rồi ăn. Nếu thức ăn còn thừa thì nên cho người đi lấy
thức ăn mà không nên cho người khác. Nếu người ấy không cần thì có thể cho
người khác.
Nguyên tắc đi lấy thức
ăn phải làm như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vê, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo vào thành khất thực; họ lầm lũi cúi đầu đi
qua mặt người khác để vào nhà bạch y, bị người đời chê cười rằng: "Sa-môn
Thích tử mà giống như dê con, vượt qua mặt, đụng vào người khác!"
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, phép tắc khất
thực phải làm như sau: Không được làm như dê con, cứ gầm đầu đi thẳng tới trước.
Cũng không được đứng ở quá xa khiến thí chủ không trông thấy, mà nên đứng ở chỗ
vừa tầm thấy của họ. Không được nói: "Cúng dường thức ăn cho tôi, bà sẽ được
phước đức lớn", mà chỉ nên đứng im lặng. Không được ngó bên trái, bên
phải, khiến người ta nghi ngờ mình là kẻ gian phi, mà nên thu nhiếp sáu căn,
quán tưởng lẽ vô thường. Cũng không được đứng đợi quá lâu. Nếu phụ nữ nhà ấy
đang giã gạo, chưa trông thấy mình, thì có thể đứng chờ một lát. Nếu họ thấy
rồi mà vẫn tiếp tục giã gạo, thì nên đi. Nếu thấy phụ nữ đang may vá, họ nhìn
thấy mình mà vẫn tiếp tục may vá, thì biết là ý họ không muốn cúng dường, nên
đi. Nếu người phụ nữ thấy mình rồi, họ vào trong nhà rồi trở ra tay không thì
nên đi. Nếu nhà ấy giàu có, họ để bảo vật rải rác đó đây, thì không nên đi
liền, mà phải chỉ cho họ thấy rồi mới ra đi.
Phép tắc đi khất thực
phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy Ưu-ba-nan-đà cùng với đệ tử đồng hành vào thôn khất thực,
khi thầy mang thức ăn từ trong thôn đi ra, tìm đệ tử thì không thấy; thầy bực
bội, nói: "Ta đem thức ăn đến, mà hắn lại bỏ ta mà đi!".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, khi khất
thực, vị Sa-môn đi sau phải làm như sau: (512c) Khi vị Sa-môn trước khất thực,
không được đứng cách quá xa, cũng không được đứng quá gần để nhìn, khiến chủ
nhân nghĩ rằng: "Vị này không biết đi khất thực mà chỉ mong được thức ăn
thừa của người khác", mà nên đứng ở một khoảng cách vừa phải. Nếu được mời
ăn thì nên ăn. Nếu không được mời thì nên đi khất thực. Sau đó, đem thức ăn đến
bên giếng hay bên ao nước mà ăn, ăn xong, rửa bát rồi đi, thì không có tội. Khi
ăn phải đợi nhau như vậy, nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Kệ tóm tắt:
"Nội y, y tụ
lạc,
Vào thôn xóm, mặc y.
Nhà cư sĩ, giữ y,
Sa-môn trước và sau.
Nhờ người lấy thức ăn,
Lấy giúp cho người khác.
Khất thực nên đợi nhau,
Kết thúc phần thứ sáu".
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ-kheo đi vào phòng thiền trong bóng tối, bị té ngã
xuống đất. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ
nay trở đi, Ta cho phép thắp đèn".
Khi ấy, nhóm sáu
Tỉ-kheo dùng miệng thổi; hoặc dùng tay quạt, hoặc dùng y quạt cho tắt ngọn đèn
đang cháy, rồi hạ phong làm nhiễu loạn các Tỉ-kheo đang ngồi thiền. Các Tỉ-kheo
bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, khi
đốt đèn phải làm như sau: Theo thứ tự từ người thấp nhất trở lên phải chuẩn bị
gỗ lấy lửa hoặc phân bò nhóm lửa để dưới nhà bếp. Không được đốt đèn một cách
đột ngột mà phải để lửa tại một chỗ rồi đốt dần dần. Khi đốt đèn, trước hết nên
đốt những cây đèn trước xá-lợi và các hình tượng, lễ bái xong rồi tắt đi. Kế
đến, đốt đèn trong nhà vệ sinh. Nếu đến giờ ngồi thiền, thì nên đốt đèn trong
phòng thiền, đồng thời nên loan báo: Xin các đại đức tùy hỷ chú nguyện đèn. Kế
đến, đốt đèn nơi chỗ đi kinh hành. Kế đến, đốt đèn nơi đầu đường lên gác. Nếu
có nhiều dầu thì nên đốt đèn nơi nhà vệ sinh suốt đêm. Nếu dầu ít, thì người đi
cầu xong nên tắt đèn. Khi tắt đèn nơi nhà vệ sinh xong, tiếp đến, tắt đèn nơi
chỗ đi kinh hành; tiếp đến, tắt đèn ở đầu thang lên gác; tiếp đến, tắt đèn trong
phòng ngồi thiền. Khi tắt đèn trong phòng ngồi thiền không được tắt đột ngột mà
phải nói: "Tôi sắp tắt đèn, các đại đức hãy trải mền ra", rồi dùng
tay che đèn, nói: "Đèn sắp tắt, đèn sắp tắt". Khi tắt, không được dùng
miệng thổi, dùng tay quạt hay dùng y quạt, mà phải cắt đầu tim đang cháy. Đến
cuối đêm, khi thức dậy, trước hết nên đốt đèn trong nhà vệ sinh; tiếp đến, đốt
đèn nơi đi kinh hành; tiếp đến, đốt đèn nơi đầu cầu thang lên gác; tiếp đến,
đốt đèn trong phòng thiền. Khi đốt đèn trong phòng thiền, không nên đột ngột
vào đốt liền, (513a) mà phải nói: "Thưa các đại đức, đèn sắp đem vào, đèn
sắp đem vào", rồi sau đó đọc kệ. Đến lúc mờ sáng, muốn tắt đèn, thì trước
hết nên tắt đèn ở đầu cầu thang lên gác; kế đến, tắt đèn ở lối đi; kế đến, tắt đèn
trong nhà vệ sinh; kế đến, tắt đèn trong phòng thiền.
Phép đốt và tắt đèn
phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ-kheo ngồi thiền mà ngủ gà ngủ gật trong phòng
thiền. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ
nay trở đi (trong khi ngồi thiền) nên vác thiền trượng đi tuần hành".
Khi nhóm sáu Tỉ-kheo
vác thiền trượng đi tuần hành, (thấy người ngủ gục) liền đâm thiền trượng vào
xương sườn bên hông của Tỉ-kheo ấy, khiến vị ấy kinh hoảng kêu lên: "Chết tôi
rồi trưởng lão!"
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi vác
thiền trượng đi tuần hành phải làm như sau: Trước hết nên dùng tre, nứa làm
thiền trượng, dài chừng 8 khuỷu tay, rồi bọc kín hai đầu. Hạ tọa nên làm việc
này. Khi đi tuần hành, không được trùm kín đầu, kín vai, mang giày dép, mà phải
để hở vai áo bên phải. Nếu thấy có người ngủ gật, không được đột ngột gọi họ
dậy, không được đâm vào hông, mà phải đến đứng bên cạnh, dựng đứng thiền trượng
ở trước mặt, rồi lay chuyển chừng ba lần. Nếu họ không tỉnh giấc, mà mình đang
đứng ở bên trái, thì nên dựng thiền trượng ở bên đầu gối phải của họ. Nếu mình
đang đứng bên phải thì nên dựng thiền trượng ở bên đầu gối trái của họ. Khi hay
biết, họ phải đứng dậy vác thiền trượng đi tuần hành. Khi đi, cũng không được
trùm đầu, trùm kín vai phải mà nên để hở vai mà đi. Nếu nhiều người ngủ, thì
không được đánh thức tất cả cùng một lúc giống như bò đứng dậy mà nên đánh thức
một lúc chừng hai người, ba người. Người trẻ nên vác thiền trượng đi tuần hành;
nếu thấy Hòa thượng, A-xà-lê ngủ cũng phải đánh thức dậy. Vì tôn trọng nguyên
tắc, nên khi thức dậy Hòa thượng cũng phải cầm lấy thiền trượng, nhưng đệ tử
không được trao thiền trượng cho Hòa thượng mà phải tiếp tục đi tuần hành. Người
đi tuần hành không được tùy tiện thiên vị hay giận dữ tìm lỗi lầm kẻ khác mà
phải thu nhiếp lục tình, nhất tâm tư duy. Nếu thấy có người ngủ thì nên trao
thiền trượng cho họ. Người nhận thiền trượng không được oán hận mà phải suy
nghĩ: "Vị ấy nay trừ khử tăm tối che mờ, giúp cho ta, làm lợi ích cho ta
không ít". Nghĩ thế rồi, nên đứng dậy đi tuần hành, nếu thấy ai ngủ thì
lại trao thiền trượng cho họ.
Phép vác thiền trượng
đi tuần hành phải làm như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, vị Tỉ-kheo vác thiền trượng đi tuần hành, vì trời lạnh nên
tay run lập cập. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền
dạy: "Từ nay trở đi nên đưa vòng".
Khi nhóm sáu Tỉ-kheo đi
đưa vòng bèn ném vào ngực, vào mặt người khác, khiến vị Tỉ-kheo ấy kinh hãi kêu
lên: "Chết tôi rồi".
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, khi làm vòng và
ném vòng phải làm như sau: Khi làm vòng nên dùng chỉ sợi, lông hoặc lụa mà làm,
không được làm cứng quá, (513b) không được làm mềm quá. Phép đi đưa, trước hết
nên đưa cho người ở chính giữa. Nếu thấy có người ngủ thì không được đi thẳng
đến ném vào đầu, vào mặt, mà nên ném trước mặt người ấy. Vì tôn trọng phép tắc
nên người ấy phải đứng dậy lấy vòng, rồi ngồi xuống lại. Nếu thấy Hòa thượng,
A-xà-lê ngủ thì không được để yên như vậy, mà cũng phải trao cho vòng. Vì tôn
kính phép tắc nên Hòa thượng cũng phải đứng dậy. Thế rồi, đệ tử nên thay thế
Hòa thượng đi ném vòng, còn Hòa thượng thì ngồi xuống lại. Khi đi đưa vòng
không được oán hận, tìm lỗi lầm người khác, đồng thời người nhận được vòng nên
suy nghĩ: "Nay vị ấy trừ tăm tối che mờ cho ta, làm lợi ích cho ta không
ít".
Phép đi ném vòng phải
làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo cởi giày trước phòng thiền, cầm hai cái
đế vỗ vào nhau, rồi xách vào giống như xách cá khô, làm não loạn Tỉ-kheo đang ngồi
thiền. Các Tỉ-kheo bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy:
"Từ nay trở đi, khi cởi giày trong phòng thiền phải làm như sau: Không
được dùng hai chiếc giày vỗ vào nhau ở trước phòng thiền. Nếu nền phòng có trải
thảm thì nên cởi giày cầm đi vào, và không được cầm như cầm cá khô mà nên gập
hai cái đế vào nhau mà cầm, đồng thời dùng y phủ lên trên mà cầm đi vào. Khi
vào tới phòng, phải để bên phải và ở dưới tọa cụ. Nếu nền phòng không trải
thảm, thì nên mang đi vào nhẹ nhàng, rồi cởi ra mà ngồi.
Phép mang giày trong
phòng thiền phải làm như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo đứng trong phòng thiền đập giũ tọa cụ kêu
vang, làm náo loạn các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế
Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay trở đi, khi xử dụng tọa cụ trong phòng thiền
phải làm như sau: Không được đập giũ tọa cụ trong phòng thiền mà nên gấp đôi
lại để trên vai mà đi. Khi đến nơi, mở ra, gấp lại mà ngồi. Khi trở về cũng
phải gấp đôi lại, để trên vai mà về. Nếu muốn cất lại chỗ cũ cũng phải gấp đôi
lại mà cất. Lúc trở về rồi, nên từ từ mà ngồi.
Phép sử dụng tọa cụ
trong phòng thiền phải làm như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai
nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo ho lớn kêu vang trong phòng thiền, làm
náo loạn các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi,
Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi ở trong phòng thiền muốn ho phải xử trí như
sau: Khi muốn ho không được phóng túng ho lớn tiếng, mà phải che miệng lại ho
từ từ. Nếu ho mạnh quá không thể kiềm chế được thì nên đi ra ngoài; (513c) khi
ra ngoài ho xong rồi trở vào. Nếu vẫn còn, không dừng được, thì nên nói cho
thầy tri sự biết rồi ra đi. Phép ho phải xử trí như vậy. Nếu ai không làm như
vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo dùng rễ cỏ, chỉ sợi ngoái vào mũi, hoặc
dùng bột mịn bỏ vào mũi, khiến nhảy mũi liên tục làm náo loạn Tỉ-kheo đang ngồi
thiền. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
"Từ nay trở đi, khi nhảy mũi phải làm như sau: Khi ở trong phòng thiền mà
nhảy mũi thì không được phóng túng để bộc ra tiếng lớn. Khi muốn nhảy mũi thì
nên kiềm chế, dùng tay bịt mũi lại. Nếu không thể nhịn được thì nên dùng tay
che mũi lại mà khịt, đừng để nước mũi làm nhơ bẩn người ngồi bên cạnh. Nếu muốn
nhảy mũi thì không được nói. Nếu thấy Thượng tọa nhảy mũi thì nên nói:
"Xin kính lễ". Nếu thấy Hạ tọa nhảy mũi thì nên giữ im lặng.
Phép nhảy mũi phải làm
như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo hả miệng ra ngáp, giang tay, uốn mình thư
giãn gân cốt gây ra tiếng động, làm não loạn các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem việc
ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi thư giãn,
ngáp phải làm như sau: Nếu đang ngồi trong phòng thiền mà muốn ngáp thì không
được phóng túng ngáp lớn và vươn mình gây tiếng động mà phải tự kiềm chế. Nếu
không thể kiềm chế được thì phải dùng tay che miệng lại từ từ mà ngáp, không
được gây rối loạn những người ngồi bên cạnh. Khi thư giãn thân thể thì trước hết
nên đưa lên một tay, lúc tay ấy hạ xuống rồi mới đưa lên tay khác.
Phép ngáp và thư giãn
thân thể phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo đang ngồi trong phòng thiền gãi sồn sột
gây nên tiếng động làm náo loạn các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch
lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi, khi muốn gãi phải làm như
sau: Không được gãi sồn sột kêu lớn tiếng; không được dùng móng tay hay thanh
gỗ để gãi. Nếu bị ngứa quá thì nên dùng bàn tay chà, hoặc dùng đầu ngón tay cào.
Phép gãi ngứa phải làm
như thế, nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.
Khi Phật an trú tại
thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo ăn bún, đậu, uống nhiều sữa, rồi chia
nhau ngồi bốn góc phòng thiền, tiếp tục nhau phóng khí (hạ phong) phát ra tiếng
lớn, tiếng nhỏ, đoạn, hỏi: "Trưởng lão, tiếng kêu này hài hòa hay quá phải
không?" Thế rồi, họ dùng tay nắm khí hạ phong đưa trước mũi người khác,
hỏi: "Trưởng lão, có thơm không?"
Các Tỉ-kheo bèn đem
việc ấy (514a) đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay trở đi,
khi hạ phong phải xử trí như sau: Không được ăn những chất có nhiều hơi để sinh
hạ phong mà đùa cợt. Khi đang ngồi trong phòng thiền mà bắt hạ phong thì phải
kiềm chế. Nếu không thể kiềm chế được thì phải hướng về chỗ ngồi ở dưới. Nếu
chỗ ngồi ở dưới có Thượng tọa thì phải hướng trở lại về chỗ ngồi ở trên. Khi hạ
phong, không được để kêu lớn tiếng làm nhiễu loạn người bên cạnh. Nếu đang ngồi
ăn mà muốn hạ phong thì cũng phải hướng về chỗ ngồi dưới, đừng để nhiễu loạn
người bên cạnh. Nếu đang ở trước Hòa thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão thì
phải đi ra ngoài hạ phong, đừng để mùi hôi bay đến các ngài. Nếu đang đi với
thương khách trên đường thì không được tùy tiện hạ phong ở trước họ. Nếu hơi
tống ra không thể kiềm chế được thì phải ra ngoài lề đường về phía dưới gió mà
hạ phong.
Khi muốn hạ phong phải
làm như thế, nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.
Kệ tóm tắt:
"Đốt đèn, hành
thiền trượng,
Ném vòng, cầm giày dép.
Tọa cụ và ho hen,
Nhảy mũi, thư giãn, ngáp.
Gãi ngứa và hạ phong,
Kết thúc phần thứ bảy".
Thế nào gọi là oai
nghi, thế nào gọi là không phải oai nghi? Tùy thuận làm theo hai bộ Luật thì
gọi là oai nghi, không tùy thuận làm theo hai bộ Luật thì gọi là không phải oai
nghi. Oai nghi, Chúng học, không có ác tâm, vô ý xúc chạm người nữ, tất cả các
pháp này thuộc về Việt tì-ni tâm hối.
Đến đây hết phần Oai
Nghi.
LUẬT MA
HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ ba mươi lăm.