Iii. Truyền Giới, Thọ Giới

19/06/201012:00 SA(Xem: 36064)
Iii. Truyền Giới, Thọ Giới

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU

Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550

Chương 2
CÁC PHÁP YẾT-MA

III. TRUYỀN GIỚI, THỌ GIỚI

1. Bước đầu xuất gia

1.1. Thành phần đệ tử của Phật.

Thông thường các đệ tử của Phật được chia làm 7 chúng như sau: 1. Chúng Tỳ-kheo; 2. Chúng Tỳ-kheo-ni; 3. Chúng Thức-xoa-ma-na; 4. Chúng Sa-di; 5. Chúng Sa-di-ni; 6. Chúng Ưu-bà-tắc, 7. Chúng Ưu-bà-di.

Mục đích cứu cánh của hàng đệ tử Phật là giác ngộgiải thoát mà muốn giải thoát thì phải lấy giới luật làm căn bản. Do đó, có vài nguyên tắc tổng quát liên quan đến giới luật, chúng ta cần lưu ý:

- Theo luật quy định không bao giờ cho phép bất cứ người nào tự thọ giới pháp (ngoại trừ quan điểm của đạo Bồ-tát).

- Hàng đệ tử Phật lấy giới pháp để phân biệt tôn ti. Một người cư sĩ tại giatrình độ tu học cao đến đâu cũng không được ở trên vị trí của người xuất gia.

- Giới thể biểu hay vô tác được xem là bản chất tồn tại của giới pháp. Giới thể này được thành tựu do ba điều kiện khi thọ giới: 1. Giới tử chí thành; 2. Giới sư thanh tịnh; 3. Giới đàn trang nghiêm.

- Một thành viên của đệ tử Phật tiến hay thoái không phải chỉ đưa đến thành hay bại riêng cá nhân vị ấy, mà còn liên quan đến sự thịnh suy của đạo pháp.

1.2. Tư cách làm thầy.

Một Tỳ-kheo muốn làm thầy, thu nhận đệ tử phải đủ 5 điều kiện sau đây: 1. Phải đủ 10 tuổi hạ; 2. Phải am tường giới luật, biết rõ các trường hợp trì phạm và khinh trọng; 3. Phải có kiến thức văn hóa tổng quát. 4. Phải có kinh nghiệm tu tập để hướng dẫn đệ tử có kết quả; 5. Phải có chánh kiến để đoạn trừ tà kiến cho đệ tử (Tăng Chi Bộ Kinh III B, 73-79).

Ngoài ra, kinh này còn để cập đến 7 điều kiện như sau: 1. Biết có phạm; 2. Biết không phạm; 3. Biết phạm nhẹ; 4. Biết phạm nặng; 5. Đầy đủ uy nghi chánh hạnh; 6. Chứng đắc tứ thiền; 7. Đoạn trừ các lậu hoặc, giác ngộ giải thoát. (như trên III A, 136).

Tại nhiều nơi khác, Phật còn dạy: nuôi đệ tử mà không biết dạy dỗ để họ làm tổn thương đến đạo pháp thì tội lỗi còn nặng hơn một người đồ tể sát sinh. Vì người đồ tể gây nghiệp ác chỉ làm hại đến bản thân mình, còn một người xuất gia mà làm trái giáo pháp sẽ khiến cho chánh pháp vì thế mà diệt vong.

1.3. Yết-ma súc chúng.

Yết-ma súc chúng là thể thức Yết-ma để chấp nhận một Tỳ-kheo được phép thu nhận đệ tử xuất gia truyền giới Sa-di và Cụ túc.

Luật quy định một Tỳ-kheo được 10 hạ đầy đủ điều kiện làm thầy, muốn nuôi dạy đệ tử thì phải xin phép Tăng. Nếu chưa được Tăng cho phép mà một Tỳ-kheo tự tiện thu nhận đệ tử và truyền trao giới pháp thì đó là hành vi phi pháp.

Tỳ-kheo muốn độ người xuất gia, phải lễ thỉnh chư Tăng Yết-ma cho phép. Sau khi Tăng tập họp, vị này bước ra lễ Tăng một lễ, quỳ xuống chắp tay bạch:

Bạch Đại đức Tăng, tôi Tỳ-kheo,........ nay xin Tăng được độ người xuất gia, truyền giới Cụ túc. Kính mong Tăng cho phép tôi được độ người, truyền giới Cụ túc. Từ mẫn cố (bạch 3 lần).

Sau khi Tăng nghiệm xét, nếu thấy vị ấy đủ điều kiện, thì Tăng tiến hành Yết-ma cho phép súc chúng.

Yết-ma sư bạch:

Kính bạch Đại đức Tăng, Tỳ-kheo,........ nay thỉnh cầu Tăng cho phép độ người xuất gia, truyền giới Cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận cho phép Tỳ-kheo… được độ người xuất gia, truyền giới Cụ túc. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận, hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ đã chấp thuận cho Tỳ-kheo… được độ người xuất gia, truyền giới Cụ túc. Tôi ghi nhận như vậy.

1.4. Thế phát xuất gia, thọ giới Sa-di

a. Duyên khởi hình thành chúng Sa-di.

Trong giai đoạn đầu, đức Phật chưa quy định rõ số tuổi tối thiểu để thọ giới Tỳ-kheo, nhưng về sau, vì nhóm thiếu niên 17 người, đệ tử của Tôn giả Mục-kiền-liên (Đ.23, tr.15 a) chưa đủ 20 tuổi, thọ giới Cụ túc rồi mà không đủ sức kham nhẫn nếp sống Tỳ-kheo, không chịu đựng nổi việc không ăn phi thời, nên ban đêm kêu khóc. Do đó, Phật chế định tuổi tối thiểu để thọ giới Cụ túc là 20 tuổi (Đ.22, 679a). Và một người muốn xuất gia thọ giới Cụ túc cần phải trải qua một giai đoạn chuẩn bị, đó là thực hành nếp sống Sa-di.

Sa-di là cấp bậc đầu tiên của giới xuất gia. Thành phần này được chia thành ba hạng:

_ Từ 7 đến 13 tuổi gọi là Khu ô Sa-di, nghĩa là Sa-di có phận sự đuổi quạ cho chúng Tăng.

_ Từ 14 đến 19 tuổi gọi là Ứng pháp Sa-di, nghĩa là Sa-di đúng pháp.

_ Từ 20 đến 70 tuổi gọi là Danh tự Sa-di hay hình đồng Sa-di, nghĩa là Sa-di trên danh nghĩa hay hình thức giống như Sa-di.

Theo thông lệ, khi một người được thầy cho cạo tóc xuất gia, phải thọ trì tam quy ngũ giới, làm người tập sự trong thời gian ba tháng, sau đó mới thọ giới Sa-di. Mặc dù Luật tạng không quy định nhưng điều này đã trở thành một truyền thống cần thiết. Người thọ giới Sa-di đầu tiên là La-hầu-la, và Tôn giả Xá-lợi-phất làm Hòa thượng truyền giới, Tôn giả Mục-kiền-liên làm A-xà-lê. (Đ.22, tr.575).

b. Thể thức thỉnh thầy truyền giới, thọ tam quythọ giới Sa-di.

* Thỉnh Hòa Thượng:

Đại đức nhất tâm niệm, con (nói tên hay pháp danh) nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng truyền 10 giới. Nguyện Đại đức vì con làm Hòa thượng truyền 10 giới, con nương Đại đức mà được thọ giới Sa-di. Cúi xin thương xót. (3 lần)

* Thỉnh A-xà-lê: (như trên chỉ thay đổi những tiếng cần thiết)

Vị Yết-ma bạch Tăng:

Kính bạch Đại đức Tăng! Giới tử (nói tên hay pháp danh giới tử) nay cầu xin xuất gia theo Tỳ-kheo (pháp danh). Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho………… xuất gia. Đây là lời tác bạch.

* Thọ tam quy.

(Theo Tùy Cơ Yết-ma của Đạo Tuyên thì phải hỏi các già nạn trước khi truyền thọ Tam quy).

Con ……… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con nay theo Phật xuất gia, Hòa thượng của con là (……), Đức Như Lai, bậc chí chân đẳng Chánh giácThế Tôn của con. (3 lần)

* Thọ 10 giới Sa-di.

Hòa thượng hỏi:

1- Trọn đời không sát sanh, đây là giới của Sa-di, ngươi có thể thọ trì được không?

Giới tử đáp: - Mô Phật, được.

2- Trọn đời không trộm cắp. (nt)

Giới tử đáp: - Mô Phật, được.

3- Trọn đời không dâm dục. (nt)

- Mô Phật, được.

4- Trọn đời không nói dối. (nt)

- Mô Phật, được.

5- Trọn đời không uống rượu. (nt)

- Mô Phật, được.

6- Trọn đời không dùng các thứ trang sức, không thoa ướp hương thơm, trang điểm phấn son như thế tục. (nt)

- Mô Phật, được.

7- Trọn đời không đàn ca nhảy múa và đi xem nghe. (nt)

- Mô Phật, được.

8- Trọn đời không ngồi trên giường ghế cao rộng, đẹp đẽ. (nt)

- Mô Phật, được.

9- Trọn đời không ăn phi thời. (nt)

- Mô Phật, được.

10- Trọn đời không cầm nắm và cất giữ vàng bạc, châu báu, tiền của (nt)

- Mô Phật, được.

Đây là 10 giới của Sa-di, suốt đời không được hủy phạm.

Ghi chú:

Trong bộ Tùy Cơ Yết-ma của Đạo Tuyên thêm vào phần bạch Tăng, và bộ Tăng Yết-ma của Hoài Tố thêm vào việc thỉnh Hòa thượng và A-xà-lê: Những việc làm này cốt tăng thêm tầm mức quan trọng của việc thọ giới Sa-di, cho nên có thể tùy nghi châm chước. Ngoài ra, việc hỏi các già nạn đối với Sa-di Khu ô và Ứng pháp xét ra có những điều chưa thích hợp, nhưng đối với Sa-di Hình đồng có thể áp dụng, tuy không hoàn toàn bắt buộc.

1.5. Ngoại đạo xuất gia.

Giai đoạn đầu Phật chưa quy định chặt chẽ việc ngoại đạo xuất gia, nhưng do trường hợp một ngoại đạo tên là Bố-tát, sau khi xuất gia đã gây ra rắc rối trong hàng ngũ Tăng chúng nên Phật mới đặt ra những điều kiện cần thiết về vấn đề này.

Ông Bố-tát là một ngoại đạo, giỏi biện luận, nhưng khi tranh luận với Tôn giả Xá-lợi-phất, ông thua cuộc, do thế sinh lòng cảm phục, quyết định tìm đến Tăng đoàn xin xuất gia. Nhưng khi đến Tăng già lam, thấy Bạt-nan-đà có nhiều bạn tri thức ông bèn xin làm đệ tử Bạt-nạn-đà, Bạt-nan-đà liền cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Sau đó, Bố-tát hỏi nghĩa lý của Luật nghi, Bạt-nan-đà giải đáp không thông, nên Bố-tát bỏ tu, trở về đạo cũ.

Phật nghe được chuyện này bèn chế định, ngoại đạo muốn xuất gia làm Tỳ-kheo phải trải qua thời gian thử thách ở chung với Tăng chúng bốn tháng. Thời gian ấy, nếu ông nghe người ta chỉ trích đạo cũ của mình mà không nổi giận, nghe ca ngợi đạo Phậthoan hỷ, thì chứng tỏ ông đã dứt khoát tư tưởng, quyết chí xuất gia, Tăng có thể cho ông thọ giới Cụ túc.

Lại một trường hợp khác: ông Ưu-ba-ly là đệ tử xuất sắc của Ni-kiền-thân-tử (không phải trưởng lão Ưu-ba-ly chuyên về giới luật), sau khi tìm đến tranh luận với Phật, bị Phật chinh phục, Ông liền quyết định cải giáo theo Phật. Mặc dù việc cải giáo của ông gặp nhiều trắc trở, nhưng nhờ uy tín và sự khôn ngoan, ông đã dàn xếp mọi việc khá ổn thoả. Hơn nữa, đức Phật cũng khuyên ông phải đối xử tử tế với thầy trò Ni-kiền-thân-tử, mặc dù ông đã là đệ tử của Phật.

Nghiên cứu lịch sử Phật giáo Ấn Độ, chúng ta thấy sau Phật Niết-bàn khoảng 100 năm, Phật giáo bắt đầu phân hóa thành nhiều bộ phái, mà nguyên nhân chính là do sự trà trộn của ngoại đạo gây nên.

Trong lịch sử nước ta, những sự việc tương tự như thế ít thấy xảy ra, vì tình trạng tôn giáo của nước ta không quá phức tạp như Ấn Độ. Hơn nữa, nhân dân ta lại có khuynh hướng hòa đồng tôn giáo với quan niệm Tam giáo đồng nguyên, nên vấn đề ngoại đạo xuất gia theo Phật giáo tương đối ít rắc rối.

Theo luật Tứ phần quy định, một người ngoại đạo muốn xuất gia trước hết phải cho họ thọ Tam quy ngũ giới. Văn tác bạch như sau:

Kính bạch Đại đức Tăng. Con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xuất gia theo Đức Thế Tôn, Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là thầy của con (nói 3 lần).

Tiếp theo tác bạch xin bốn tháng sống chung:

Kính bạch Đại đức Tăng. Con (nói tên), nguyên là ngoại đạo đã xuất gia, nay thỉnh cầu Tăng cho bốn tháng sống chung. Mong Tăng từ mẫn cho con bốn tháng sống chung (nói 3 lần).

Tác bạch xong, lui ra ngoài đứng chờ tại chỗ có thể thấy mà không nghe rõ Tăng đang bàn bạc. Bấy giờ vị Yết-ma bạch Tăng:

Kính bạch Đại đức Tăng. (nói tên) nguyên là ngoại đạo đã xuất gia, nay thỉnh cầu Tăng cho bốn tháng sống chung. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận cho vị ấy bốn tháng sống chung. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng. (nói tên) nguyên là ngoại đạo đã xuất gia, nay thỉnh cầu Tăng cho bốn tháng sống chung. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận cho vị ấy bốn tháng sống chung. Tôi ghi nhận như vậy.

Trong bốn tháng thử thách, người này vẫn phục sức như ngoại đạo, nhưng việc chấp tác thì như một Sa-di.

Sau bốn tháng, nếu thấy vị ấy đã nhu thuận, Tăng có thể trao giới Sa-di. Trái lại, nếu thấy chưa được nhu thuận, Tăng sẽ bạch nhị Yết-ma gia hạn thêm bốn tháng sống chung nữa.

Thể thức trên đây là theo luật Thập Tụng (Đ.23, tr.1031b).

2. Tổng quát về giới Cụ túc.

2.1. Ý nghĩa của giới Cụ túc.

Tiếng Phạn Upasampadà, Hán dịch là giới Cụ túc, hoặc dịch là Cận viên. Cụ túc nghĩa là thành tựu trọn vẹn; cận viên nghĩa là gần đến Niết-bàn viên mãn.

 Giới này được gọi là Cụ túcbao gồm bốn yếu tố:

a- Giới thanh tịnh: Những giới điều đưa đến thanh tịnh an lạc. Nguyên tiếng Phạn là Pratimoksa được phiên âm là Ba-la-đề-mộc-xoa, dịch nghĩa là biệt giải thoát, hay biệt biẹât giải thoát; tức là giữ được điều khoản nào thì giải thoát được phạm vi đó.

b- Căn thanh tịnh: Hộ trì các căn, tiết độ trong sự ăn uống. Khi các căn tiếp xúc với các trần phải luôn luôn cảnh giác, không để cho các căn bị nhiễm ô.

c- Mạng thanh tịnh: Nuôi mạng sống bằng những điều kiện chân chính; tức là sống theo bốn sự cúng dường chánh pháp. Nói cách khác là sống theo bốn thánh hạnh để đối trị căn bệnh tham dục: 1. Mặc y phấn tảo: đối trị căn bệnh sắc dục (ham mê sắc đẹp); 2. Sống bằng khất thực: đối trị căn bệnh thực dục (ham mê ăn uống); 3. Ngủ dưới gốc cây: đối trị căn bệnh thùy dục (ham mê ngủ nghỉ); 4. Thân tâm tịch tĩnh: đối trị căn bệnh tài dục (ham mê của cải).

d- Niệm thanh tịnh: luôn giữ chánh niệm tỉnh giác. Khi ăn biết mình đang ăn, khi ngủ biết mình đang ngủ, khi đi tới đi lui, biết rõ việc mình đang làm, không để cho những tà niệm xen vào.

2.2. Vấn đề đắc giới:

Theo các nhà giải thích luật của phái Tỳ-bà-sa thì có 10 trường hợp đắc giới Cụ túc như sau:

a. Tự nhiên đắùc giới: chỉ cho những trường hợp đặc biệt của đức Phật và các vị Độc giác.

  1. Kiến đế đắc giới: chỉ cho những vị chứng đắc tứ thánh đế thành tựu thánh đạo, như nhóm tôn giả Kiều-trần-như.
  2. c. Do Phật ấn chứng, hay còn gọi là Thiện lai Tỳ-kheo: đây là trường hợp đắc giới trực tiếp do chính đức Phật truyền cho, như Tôn giả Da-xá.
  3. Do xác nhận Phật là Đại Sư: đây chỉ cho trường hợp Tôn giả Đại Ca-diếp, khi gặp đức Thế Tôn, ông tuyên bố: “Đây là bậc Đại Sư của tôi”.
  4. Do khéo trả lời: đây là trường hợp đặc biệt của Tô-đà-di đã khéo trả lời câu hỏi của Phật khi mới 7 tuổi. Phật hỏi: “Nhà con ở đâu?” Tô-đà-di đáp: “Ba cõi không đâu là nhà”. Do thế, Phật khiến Tăng bạch Yết-ma cho ông thọ giới Cụ túc.
  5. f. Do thọ tám kính pháp: chỉ cho trường hợp bà Kiều-đàm-di.
  6. Do gởi Đại diện thọ giới: trường hợp Ni Pháp Dữ, vì nổi tiếng đẹp nhất trong xứ, nên khi cô sắp đi thọ giới, các thanh niên định đón đường bắt cóc. Do thế, Phật cho phép cô gởi đại diện đến thọ giới, rồi trở về truyền lại (trong trường hợp chánh pháp Yết-ma).
  7. Thọ giới theo thủ tục đặc biệt: những nơi biên địa có ít Tỳ-kheo, chỉ cần năm Tỳ-kheo truyền giới cũng hợp lệ.
  8. Thọ giới đúng thủ tục luật định: dành cho mọi trường hợp, có đủ 10 Giới sư truyền giới.
  9. Tự nói ba lần quy y Tam bảo: trường hợp này áp dụng trước khi Phật quy định pháp Yết-ma truyền giới.
  10. Ngày nay chỉ có trường hợp bạch tứ Yết-ma truyền giới Cụ túc là hợp quy cách, ngoài ra các trường hợp khác chỉ xảy ra trong thời đức Phật còn tại thế mà thôi.

2.3. Điều kiện của giới tử:

Theo luật quy định, một giới tử muốn thọ giới Cụ túc phải là người có 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đầy đủ. Đây là điều kiện chung, chủ yếu, từ xưa tới nay các bộ phái đều nhất trí chấp hành. Những điều kiện này bao gồm cụ thể trong 13 già nạn và 15 khinh già hay chướng nạn. Ngoài ra, nếu giới tử quá đông và phức tạp thì trước lúc truyền giới cần mở một cuộc thi tuyển, để loại bớt những giới tử thiếu các điều kiện cần thiết.

2.4. Tư cách của giới sư:

Những đức tánh cần thiết của Giới sư truyền giới đã đề cập trong mục tư cách làm thầy. Ở đây nhấn mạnh về tư cách của Hòa thượng truyền giới. Từ Hòa thượng là phát xuất từ tiếng Phạn Upàdhyàya. Nó được phiên âm gần đúng là Ô-ba-đà-da hay Ưu-ba-đà-da và được dịch là Lực sanh hay Thân giáo sư. Lực sanh nghĩa là có đạo lực làm cho đệ tử phát sanh trí tuệ. Thân giáo sư nghĩa là bậc Tôn sư thường thân cận dạy dỗ đệ tử.

Có ba hạng Hòa thượng được kể đến là: 1. Hòa thượng thế độ: cho cạo tóc xuất giatruyền giới Sa-di; 2. Hòa thượng truyền giới: Hòa thượng truyền giới Cụ túc; 3. Hòa thượng y chỉ: Hòa thượng truyền dạy Kinh Luật, hướng dẫn tu học.

Theo luật định, mỗi năm Hòa thượng chỉ được nuôi dạy một Sa-di và truyền giới Cụ túc cho một người. Tuy nhiên, điều này được áp dụng rất uyển chuyển. Bởi vì ngày nay các Phật Học Viện có Ban Giám Viện và Ban Giảng Huấn cùng chia sẻ công tác giáo dục Tăng chúng. Do đó, một Hòa thượng có thể nuôi nhiều đệ tử cùng một lúc, và mỗi lần có thể truyền giới cho nhiều giới tử. Tuy thế, việc dạy dỗ đệ tử thông hiểu Kinh Luật được xem là trách nhiệm rất khẩn thiết mà người làm thầy không được chểnh mảng. Những ai không chu toàn trọng trách ấy được xem là người đắc tội vói Phật Pháp.

2.5. Các điều kiện cần thiết để Yết-ma thành tựu.

Muốn Yết-ma truyền giới được thành tựu cần phải có bốn điều kiện sau đây:

  1. Giới thành tựu: Tất cả các pháp Yết-ma của Tăng đều phải thực hiện trong phạm vi cương giới đã được ấn định. Phạm vi này là giới trường hay tiểu giới. Nếu giới trườngchánh điện của già lam, thì phải dùng tấm màn che trước điện Phật, để phân biệt giữa Phật và Tăng. Vì công việc truyền giới là công việc của Tăng, do Tăng chủ trì.
  2. Tăng thành tựu: Theo luật định, túc số Tăng để tác pháp Yết-ma truyền giới Cụ túc là 10 Tỳ-kheo thanh tịnh. Tuy nhiên, những nơi biên địa số Tỳ-kheo quá ít, có thể châm chước cho phép năm Tỳ-kheo thanh tịnh truyền giới cũng vẫn hợp lệ.
  3. Yết-ma thành tựu: Tức pháp thành tựu như đã nói ở chương Yết-ma. Trên nguyên tắc, mỗi lần tác pháp chỉ một giới tử. Nhưng trường hợp đặc biệt có thể cho phép tối đa ba giới tử. Luật không cho phép bốn giới tử tác pháp một lần. Vì bốn người đã thành Tăng số; mà Tăng thì không thể tác pháp Yết-ma với Tăng.
  4. Sự thành tựu: Giới tử không phạm các chướng nạn. Nguyên tiếng Phạn là Antàrayika-dharma, Hán dịch là Già nạn, chướng pháp hay chướng đạo pháp. Nghĩa là những điều làm trở ngại giới tử trên con đường chứng đắc Thánh quả.

Già nạn này gồm 13 khoản, liệt kê như sau:

1- Phạm biên tội: tức người đã thọ giới Cụ túc mà phạm một trong bốn tội Ba-la-di.

2- Phá tịnh hạnh của Tỳ-kheo-ni: chỉ cho người trước khi xuất gia đã có lần phạm hạnh bất tịnh với Tỳ-kheo-ni.

3- Tặc trú: chỉ cho người chưa thọ giới pháp mà khoác áo cà-sa, len lỏi vào hàng ngũ Tăng chúng, tham dự các việc thuyết giới, Tự tứ.

4- Phá nội ngoại đạo: người ngoại đạo xuất gia thọ Cụ túc, rồi trở về ngoại đạo, sau lại đến xin xuất gia lần nữa.

5- ® 9. Những người phạm tội ngũ nghịch.

10- Hoàng môn (bất năng nam): những người này gồm có năm loại: a.- Sanh Hoàng môn: sinh ra đã bị bệnh, nam căn không phát triển; b.- Kiền Hoàng môn: bị thiến; c.- Đố Hoàng môn: khi thấy nam nữ giao hoan, sinh tâm ganh tị, nam căn trở nên bất lực; d.- Biến Hoàng môn: cơ quan sinh dục gặp nam biến thành nữ căn, gặp nữ biến thành nam căn; đ.- Bán Hoàng môn: nửa tháng có tác dụng, nửa tháng không tác dụng.

11- Phi nhân: chỉ cho loài quỷ thần, A-tu-la.

12- Súc sinh: rồng hay rắn thần biến ra hình người.

13- Nhị hình: có cả hai căn nam nữ

Ngoài ra còn đề cập đến 15 khinh già, hay khinh nạn như sau:

1- Không biết tên mình.

2- Không biết tên hiệu Hòa thượng Bổn sư.

3- Tuổi chưa đủ 20.

4- Y bát không đủ.

5- Cha mẹ chưa cho phép xuất gia.

6- Mắc nợ người khác.

7- Làm đầy tớ kẻ khác.

8- Quan viên tại chức.

9- Không phải là đàn ông.

10- Bị bệnh hủi.

11- Bị bệnh ung thư.

12- Bị bệnh ghẻ mủ.

13- Bị bệnh động kinh.

14- Bị bệnh lao phổi.

15- Bị bệnh điên cuồng.

Các khinh nạn này Nam tông và Bắc tông tương đối giống nhau.

3. Tiến hành tác pháp

Theo Luật chế túc số Tăng để Yết-ma truyền giới Cụ túc là 10 Tỳ-kheo (tại những nơi biên địa túc số có thể là 5 người), nhưng nếu nhiều hơn cũng không trái luật. Do đó, theo truyền thống, tại các giới đàn thường có một hoặc hai vị điển lễ, cũng gọi là dẫn thỉnh, phụ trách công việc hướng dẫn giới tử thọ giới. Mặc dù theo đúng luật thì sự hướng dẫn này thuộc về vị giáo thọ đảm trách.

3.1. Thỉnh giới sư

Thông thường thầy điển lễ hướng dẫn các giới tử học thuộc thể thức thỉnh cầu giới sư để họ tự làm lấy.

Trước hết là thỉnh Hòa thượng. Các giới tử đến trước Hòa thượng đảnh lễ 1 lạy, quỳ xuống bạch:

Kính bạch Đại đức (Hòa Thượng …), con pháp danh là (... . ) nay kính thỉnh Đại đức làm Hòa thượng. Con nương theo Đại đức mà được thọ giới Cụ túc. Cúi mong thương xót con (3 lần).

Hòa thượng đáp:

Lành thay, vậy các ngươi hãy chí thành, thanh tịnh, chớ có buông lung.

Giới tử nói: Y giáo phụng hành.(3 lần)

Thỉnh Yết-ma và Giáo thọ sư theo thể thức trên đây, chỉ thay đổi những gì cần thiết. Việc thỉnh các tôn chứng trong Luật không thấy ghi, nhưng nếu có càng tốt.

3.2. Yết-ma sai Giáo thọ.

Thầy Yết-ma hỏi, một trong các vị tôn chứng hoặc thầy điển lễ đáp:

- Tăng đã họp chưa?

- Tăng đã họp.

- Hòa hợp không?

- Hòa hợp.

- Người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?

- Đã ra.

- Tăng nay tập họp để làm gì?

- Yết-ma truyền giới Cụ túc.

(Một tiền phương tiện này chung cho tất cả các Yết-ma tiếp theo).

Thầy Yết-ma tiếp:

Kính bạch Đại đức Tăng. Nay có Sa-di (pháp danh) cầu xin thọ giới Cụ túc với Hòa thượng (pháp hiệu), nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, xin Tăng chấp thuận Tỳ-kheo (...) làm Giáo thọ. Đây là lời tác bạch. (thuộc đơn bạch)

3.3. Giáo giới giới tử.

Thầy giáo thọ dẫn giới tử đến chỗ khuất giới trường, ngồi trên một chiếc ghế, trước có kê bàn. Giới tử dâng lên 3 y, bát và tọa cụ. Thầy giáo thọ đưa ra từng cái và hỏi:

Đây là An-đà-hội, đây là Uất-đa-la-tăng, đây là Tăng-già-lê, đây là bát, đây là tọa cụ. Ba y, bát và tọa cụ này có phải là của ngươi không?

Giới tử đáp: Bạch, phải.

Giáo thọ nói: Này (kêu pháp danh giới tử), hãy lắng nghe. Lát nữa ta sẽ hướng dẫn ngươi đến chỗ cao tột. Lúc này là thời gian cần phải chí thành, thời gian cần phải chân thật. Những điều ta sắp hỏi ngươi đây, lát nữa Tăng cũng sẽ hỏi như vậy. Những gì có thật hãy trả lời là có, những gì không có hãy trả lời không có; đừng bối rối, đừng khiếp sợ.

Thầy Giáo thọ hỏi các già nạn:

1- Ngươi có phạm biên tội không?

Giới từ đáp:

- Bạch, không.

2- Ngươi có phá tịnh hạnh của Tỳ-kheo-ni không?

- Bạch, không.

3- Ngươi có phải là tặc trú không?

- Bạch, không.

4- Ngươi có phải là kẻ phá nội ngoại đạo không?

- Bạch, không.

5- Ngươi có giết cha không?

- Bạch, không.

6- Ngươi có giết mẹ không?

- Bạch, không.

7- Ngươi có giết A-la-hán không?

- Bạch, không.

8- Ngươi có phá hòa hợp Tăng không?

- Bạch, không.

9- Ngươi có gây thương tích Phật với ác ý không?

- Bạch, không.

10- Ngươi có phải là bất năng nam không?

- Bạch, không.

11- Ngươi có phải là phi nhân không?

- Bạch, không.

12- Ngươi có phải là súc sanh không?

- Bạch, không.

13- Ngươi có phải là nhị hình không?

- Bạch, không.

Tiếp theo hỏi các khinh nạn:

1- Pháp danh ngươi là gì?

- Con pháp danh là.. . 

2- Hòa thượng của ngươi hiệu gì?

- Hòa thượng của con hiệu, thượng.. . hạ.. 

3- Tuổi đủ 20 chưa?

- Bạch, dạ đủ.

4- Y, bát có đủ không?

- Bạch, có đủ.

5-- Cha mẹ đã cho phép chưa?

- Bạch, đã cho phép.

6. Ngươi có phải là người trốn nợ không?

- Bạch, không.

7- Ngươi có phải là người đầy tớ trốn chủ không?

- Bạch, không.

8- Ngươi có phải là quan viên tại chức không?

- Bạch, không.

9- Ngươi có phải là trượng phu (đàn ông) không?

- Bạch, phải.

10- – 15. Đàn ông có các bệnh sau đây: hủi, ung thư, ghẻ mủ, động kinh, lao phổi, điên cuồng, ngươi có mắc các chứng bệnh ấy không?

- Bạch, không.

Giáo thọ nhắc nhở các giới tử: Lát nữa đây Tăng cũng sẽ hỏi ngươi và ngươi cũng phải trả lời đúng như vậy.

3.4. Bạch Tăng dẫn giới tử vào.

Kính bạch Đại đức Tăng, Sa-di (... ) cầu thọ giới Cụ túc với Hòa thượng (.. . ), tôi đã giáo giới xong. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi sẽ gọi Sa-di (... ) vào.

Thầy Yết-ma nói: Nếu thanh tịnh hãy cho vào.

3.5. Giới tử bạch Tăng xin giới.

Giới tử đem y bát vào để trên bàn đã kê sẵn đảnh lễ giới sư ba lạy, quỳ xuống bạch:

Kính bạch Đại đức Tăng, con Sa-di (... ) cầu thọ giới Cụ túc với Hòa thượng (...), nay xin Tăng được thọ giới Cụ túc với Hòa thượng (...), cúi xin Tăng rủ lòng thương xót đưa con lên chỗ cao tột (nói 3 lần).

3.6. Yết-ma hỏi các chướng pháp.

Thầy Yết-ma bạch: Kính bạch Đại đức Tăng. Sa-di (... ) này cầu thọ giới Cụ túc với Hòa Thượng (... ), nay cầu xin Tăng được thọ Cụ túc với Hòa thượng (... ). Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi sẽ hỏi các chướng pháp.

Giới tử dâng y bát của mình lên cho thầy Yết-ma xem. Xem xong, thầy Yết-ma hỏi:

- Đây là An-đà-hội, đây là Uất-đa-la-tăng, đây là Tăng-già-lê, đây là bát, đây là tọa cụ. Ba y, bát và tọïa cụ này có phải của ngươi không?

Giới tử đáp: - Bạch, phải.

Thầy Yết-ma nói:

- Này (kêu pháp danh giới tử) hãy lắng nghe. Lúc này là thời gian cần phải trung thực. Những điều ta sắp hỏi ngươi đây, điều nào có thật hãy trả lời có, điều nào không có hãy trả lời là không có.

(Hỏi như Giáo thọ sư đã hỏi ở trên mục ba)

3.7. Hòa thượng khai đạo giới tử.

Này các giới tử, chúng sanh trong sáu đường phần nhiều bị chướng duyên không thể lãnh thọ giới pháp, chỉ có loài người mới có thể thọ trì. Nhưng, nếu bị các chướng nạn thì cũng không thọ được. Nay các vị may mắn không có các chướng nạn. Vậy hãy phát tâm cao thượng, trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh, khiến cho họ thoát khỏi ba đường ác, cùng chứng quả Bồ-đề.

Giới pháp này là gốc của tất cả điều lành, là chánh nhân hướng đến tam thừa, là mạng mạch khiến cho Phật pháp tồn tại lâu dài. Chỉ có đạo Phật mới có giới pháp cao quý này, ngoài ra, các đạo khác không thể có. Đây là cơ hội hy hữu đối với các vị. Vậy các vị phải phát tâm chí thành, khát ngưỡng mà lã¸nh thọ.

Giới tử đáp: Y giáo phụng hành. (3 lần)

3.8. Bạch tứ Yết-ma truyền giới Cụ túc.

Thầy Yết-ma bạch Tăng:

Kính bạch Đại đức Tăng. Sa-di (...) này cầu thọ giới với Hòa thượng)…, nay xin Tăng được thọ Cụ túc. Đã tự nói là thanh tịnh, không có các chướng pháp, tuổi đủ 20, y bát đều đủ. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận cho thọ giới Cụ túc với Hòa thuợng (…). Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng. Sa –di (…) này cầu thọ Cụ túc với Hòa thượng (…). Nay xin Tăng được thọ Cụ túc. Đã tự nói là thanh tịnh, không có các chướng pháp, tuổi đủ 20, y bát đều đủ. Các Đại đức nào chấp thuận cho Sa- di (…) thọ Cụ túc với Hòa thượng (…) thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Đây là Yết-ma lần thứ nhất.

(tiếp theo lần thứ 2 và thứ 3 như trên)

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận cho Sa-di (…) thọ Cụ túc với Hòa thượng (.. .). Tôi ghi nhận như vậy.

3.9. Truyền pháp tứ khí.

Tứ khí là 4 Ba-la-di hay 4 trọng cấm. Chữ phạn pàrajika, Hán âm là Ba-la-di, dịch nghĩa là đoạ, khí hoặc tha thắng. Nghĩa là Tỳ-kheo phạm 1 trong 4 điều này thì sẽ đọa lạc, coi như đã vứt bỏ, bị kẻ khác hơn mình.

Hòa thượng hay Giới sư nói:

Này các giới tử, Đức Như Lai chí chân Đẳng chánh giác đã nói bốn pháp Ba-la-di, nếu Tỳ-kheo phạm một trong bốn pháp này thì không còn là Sa-môn, không phải là Thích tử nữa.

- Thứ nhất: Tỳ-kheo không được hành pháp dâm dục, làm hạnh bất tịnh, cho đến cùng với loài tật. Tỳ-kheo nào hành pháp dâm dục, làm hạnh bất tịnh, người đó không còn là Sa-môn, không phải là Thích tử. Đức Thế Tôn ví người đó như kẻ đã bị chặt đầu, không thể sống được nữa. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo phạm pháp Ba-la-di này thì phẩm chất Tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thế nên, Tỳ-kheo phải thọ trì pháp này suốt đời không hủy phạm, các vị có thể giữ được không?

Đáp: - Mô Phật giữ được.

- Thứ hai: Ty- kheo không được cố ý lấy vật không cho dù là một cọng cỏ. Nếu Tỳ-kheo lấy trộm vật trị giá từ 5 tiền trở lên, tự mình lấy hoăïc bảo người khác lấy, tự mình phá hoặc bảo người khác phá, tự mình chặt hoặc bảo người khác chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc hủy hoại màu sắc, thì không còn là Sa-môn, không phải là Thích tử, cũng như cây đa-la bị chặt đứt lõi không thể sinh trưởng được nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo phạm pháp Ba-la-di này, phẩm chất Tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thế nên, Tỳ-kheo phải thọ trì pháp này suốt đời không hủy phạm, các vị có thể giữ được không?

Đáp: - Mô Phật, giữ được.

- Thứ ba: Tỳ-kheo không được cố ý giết hại mạng sống, dù là một con kiến. Tỳ-kheo nào cố ý tự tay mình cầm dao giết người hay đưa dao cho người khác giết, hoặc xúi giục người ta tự sát, đưa thuốc độc cho người, hoặc làm cho người trụy thai, hoặc giết người bằng chú thuật... Người ấy không còn là Sa-môn, không phải là Thích tử, như cây kim đã sứt lỗ, không còn dùng được nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo phạm pháp Ba-la-di này thì phẩm chất Tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thế nên, Tỳ-kheo phải thọ trì pháp này suốt đời không hủy phạm, các vị có thể giữ được không?

Đáp: - Mô Phật, giữ được.

- Thứ tư: Tỳ-kheo không được nói dối, dù nói dối mà chơi. Nếu Tỳ-kheo tự mình không thực chứng đắc mà nói rằng: “Tôi đã chứng đắc pháp thượng nhân, đắc thiền, đắc định, đắc tứ không định, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đã giải thoát, trời, rồng, quỷ thần đến cúng dường tôi”, thì người ấy không còn là Sa-môn, không phải là Thích tử, như tảng đá lớn bị vỡ làm hai không còn dính lại được nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo phạm pháp Ba-la-di này thì phẩm chất Tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa.

Thế nên, Tỳ-kheo phải thọ trì pháp này suốt đời không hủy phạm, các vị có thể giữ được không?

Đáp: Mô Phật, giữ được.

3.10. Truyền pháp tứ y

Tứ y tức là bốn chỗ nương tựa căn bản cho đời sống của mỗi Tỳ-kheo, cũng gọi là bốn thánh chủng.

Hòa thượng hay giới sư nói:

Này giới tử, Đức Như Lai bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã nói bốn pháp sở y, Tỳ-kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo.

- Thứ nhất: Tỳ-kheo sống y trên y phấn tảothọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì. Trường hợp đặc biệt được phép thọ dụng y do đàn việt cúng dường, y đã được cắt rọc hay hủy hoại màu sắc.

- Thứ hai: Tỳ-kheo sống y trên sự khất thựcthọ giới Cụ túc thành phẩm chất Tỳ-kheo. Người phải trọn đời thọ trì. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là Tăng sai thọ thực, hay đàn việt cung cấp các bữa ăn định kỳ mỗi tháng vào các ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm hoặc các bữa ăn thường của Tăng, hay được đàn việt mời.

- Thứ ba: Tỳ-kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một ngôi nhà nóc nhọn, một căn phòng nhỏ, một hang đá hay hai căn phòng có chung một cửa.

- Thứ tư: Tỳ-kheo sống y nơi các loại thuốc đã chế biến mà xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đờøi thọ trì. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là tô, sanh tô, dầu, đường phèn và mật.

3.11. Giáo giới giới tử.

Này tân Tỳ-kheo, việc thọ giới của ngươi đã xong, bạch tứ Yết-ma pháp thành tựu, xứ sở thành tựu, Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, chúng Tăng đầy đủ túc số. Vậy ngươi phải khéo thọ trì giới pháp, khuyến hóa mọi người làm việc phước thiện, như cúng dường Phật, Pháp, Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê. Tất cả những gì các Ngài đã dạy như pháp thì không được trái nghịch. Ngươi phải siêng năng học hỏi, đọc tụng kinh điển, nỗ lực để chứng đắc các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán thì sơ tâm xuất gia của ngươi mới không uổng phí, kết quả mới viên mãn. Còn những điều nào ngươi chưa biết thì hãy thưa hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.

(Những tiết mục chính trong nghi thức thọ giới đến đây là hoàn tất. Ngoài ra, việc xả và thọ y bát, việc xin y chỉ, có thể xem trong Yết-ma yếu chỉ).

4. Ni xuất giathọ giới

4.1. Vấn đề Thức-xoa-ma-na.

Bước đầu nữ giới xuất gia làm Sa-di-ni, về thể thức và tuổi tác tương tự như Sa-di, đã được đề cập ở trên. Nhưng đặc biệt, Sa-di-ni muốn thọ giới Cụ túc phải trải qua hai năm thọ học sáu pháp Thức-xoa-ma-na, trước khi thọ Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na là dịch âm tiếng phạn (Siksamànà) và dịch nghĩa là chánh học, nghĩa là người nữ đang học tập các học xứ của Tỳ-kheo ni.

a. Giới pháp của Thức-xoa-ma-na.

Các học pháp mà Thức-xoa-ma-na phải thọ trì trong 2 năm, gồm có sáu pháp: 1. Không sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không dâm dục, 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không ăn phi thời (chi tiết, xem trong Yết-ma yếu chỉ).

Ngoài sáu pháp kể trên, còn có 18 tuỳ pháp cần phải học, như được nói rõ trong Ni Luật.

Trong lúc Thức-xoa-ma-na thọ trì sáu học pháp trên đây nếu vi phạm nghiêm trọng 1 trong 4 pháp đầu tương đương với Ba-la-di sẽ bị đuổi hẳn ra khỏi Ni chúng. Nếu vi phạm ít nghiêm trọng hơn sẽ phải thọ học lại từ đầu, nghĩa là bắt đầu tính lại từ ngày thứ nhứt cho tới hai năm, còn thời gian trước khi phạm hoàn toàn xóa bỏ.

b. Hạn tuổi để thọ Thức-xoa-ma-na.

Chỗ đề cập đến độ tuổi này là giới Ba-dật-đề 125 của Tỳ-kheo-ni: “Nếu Tỳ-kheo-ni độ cho người nữ 10 tuổi đã có chồng, thì phải cho hai năm học giới, đến khi đủ 12 tuổi, cho họ thọ giới Cụ túc. Nếu chưa đủ 12 tuổi mà cho thọ giới Cụ túc, phạm Ba-dật-đề.”

Luật Tứ Phần viết: “Người nữ 10 tuổi đã có chồng và người nữ 18 tuổi còn đồng trinh đều cho hai năm học giới.”

(Tứ phần luật, Đ.22, quyển 28, tr 759a)

Luật Ngũ Phần viết: “Người nữ đồng trinh 18 tuổi và người nữ đã có chồng 10 tuổi, đều cho hai năm bọc giới, đủ 20 tuổi và 12 tuổi, mới cho thọ giới Cụ túc”. (Di sa tắc Yết-ma bản, Đ. 22, tr. 218b - 1 quyển)

Đại ái đạo Cù-đàm-di hỏi Phật: “Người nữ đã có chồng tuổi chưa đủ 20, có thể thọ giới Cụ túc được không?”.

Phật đáp: “Được” (Ma ha tăng kỳ luật, Đ. 22, tr. 535c).

Theo tinh thần chung của các bộ luật trên đây thì người nữ đồng trinh đủ 18 tuổi nên cho hai năm thọ học Thức-xoa-ma-na, khi đủ 20 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc. Nhưng nếu người nữ 10 tuổi đã lấy chồng thì cũng cho hai năm học giới, khi đủ 12 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc. Quan điểm của Pháp sư Thánh Nghiêm trong sách “Giới luật học cương yếu” và Ni sư Phật Oánh trong sách “Tứ phần Tỳ-kheo-ni giới bổn chú giải” đều nhất trí về điểm này.

Theo các bộ luật, cho Sa-di-ni hai năm thọ trì pháp Thức-xoa-ma-na là khoảng thời gian cần thiết để học tập đầy đủ các học xứ của Tỳ-kheo-ni. Nhưng, Thập Tụng Luật thì nói thời gian hai năm là để tránh trường hợp có thai mà không biết đến khi thọ giới Cụ túc rồi mới phát hiện.

4.2. Những dị biệt giữa Ni và Tăng trong việc xuất gia thọ giới.

- Ni phải đủ 12 tuổi hạ mới được làm thầy, độ người xuất gia truyền giới Cụ túc; Tăng phải đủ 10 tuổi hạ.

- Ni chỉ xuất gia 1 lần, khi hoàn tục không được xuất gia trở lại; Tăng được xuất gia tối đa 7 lần.

- Ni khi thọ giới Cụ túc có hai trường hợp: nếu là đồng nữ tuổi phải đủ 20, nếu ngườêi nữ 10 tuổi đã có chồng, tuổi phải đủ 12; Tăng nhất định phải đủ 20 tuổi.

- Ni khi thọ giới Cụ túc phải trải qua hai giai đoạn: bản bộ Yết-ma và chánh pháp Yết-ma; Tăng chỉ 1 giai đoạn Yết-ma.

- Trong số giới sư chánh pháp Yết-ma phải đủ 20 người: 10 Tỳ-kheo và 10 Tỳ-kheo-ni; Tăng chỉ cần 10 Tỳ-kheo.

- Trong số 10 Tỳ-kheo Giới sư này, 1 vị làm Yết-ma còn các vị khác làm tôn chứng, không có Hòa thượng truyền giới, vì Hòa thượng truyền giới thuộc về Tỳ-kheo-ni.

- Trong số 13 già nạn có những điểm giống và khác nhau:

Tỳ-kheo

Tỳ-kheo-ni

1. Ngươi có phạm biên tội không?

1. Ngươi có từng thọ giới Tỳ-kheo-ni chưa?

2. Ngươi có phá tịnh hạnh Tỳ- kheo-ni không?

- Không có

3. Ngươi có phải là kẻ tặc trú?

- Giống nhau

4. Ngươi có phá nội ngoại đạo không?

- Không có

5 > 9. Các tội ngũ nghịch.

- Giống nhau.

10. Ngươi có phải là Hoàng môn không?

- Không có.

11 > 13. Phi nhân, súc sinh, nhị hình

- Giống nhau.

- Phần lớn 15 khinh nạn của Tỳ-kheo-ni giống như Tỳ-kheo chỉ thêm một ít về các chứng bệnh, và khi chánh pháp Yết-ma còn hỏi thêm hai câu: 1.- Ngươi đã học giới chưa? 2.- Học giớithanh tịnh không?

- Ni có đến 8 giới Ba-la-di (4 giới đầu giống như giới của Tăng).

- Ngoài những điểm dị biệt kể trên, còn 1 yếu tố đặc biệt nữa của Ni giới mà Tăng không có, đó là 8 Kính pháp. Nội dung như sau:

1- Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ mà khi thấy Tỳ-kheo, dù mới thọ giới, cũng phải đứng dậy chào đón, thăm hỏi, mời ngồi.

2- Tỳ-kheo-ni không được trách mắng Tỳ- kheo.

3- Tỳ-kheo-ni không được cử tội Tỳ-kheo.

4- Thức-xoa phải đến Tỳ-kheo thỉnh cầu thọ đại giới sau 2 năm học pháp.

5- Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng tàn, phải đến hai bộ Tăng, nửa tháng làm pháp ý hỉ.

6- Tỳ-kheo-ni phải đến Tỳ-kheo cầu giáo thọ trong dịp Bố-tát mỗi nửa tháng.

7- Tỳ-kheo-ni không được kiết hạ an cư tại những nơi không có Tỳ-kheo.

8- Ty-kheo-ni an cư xong phải đến Tỳ-kheo cầu ba việc Tự tứ (thấy, nghe và nghi).

GHI CHÚ:

Thể thức thực hiện và các chi tiết liên quan đến việc Ni xuất giathọ giới, xem thêm Yết-ma Yếu Chỉ.



 Trường hợp phạm ngũ nghịch: Trong tội phá hoà hợp Tăng thì chỉ có phá pháp luân Tăng mới thành già tội, còn phá Yết-ma Tăng không kể là già tội.

 - Chỗ cao tột: vì trong các cõi Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn thì Tỳ-kheo là cao cả hơn hết, nên nói là chỗ cao tột.

 - Trượng phu: nhịn chịu được lạnh, nóng, gió, mưa, đói, khát, giữ giới, ngày ăn một bữa; chịu được lời ác, độc trùng. Đó là 10 điều của trượng phu.

 Điểm này liên quan đến già nạn thứ nhất.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 57789)
29/06/2010(Xem: 52152)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.