Chương 8
Phật Hạnh
1. Quan tâm tính khí của người học,
các phương tiện để huấn luyện họ,
các môn huấn luyện thích hợp với tính khí,
những cử động đúng nơi và đúng lúc,
trong hành động của các ngài
sự bình đẳng luôn luôn tự phát.
Chương này được chia thành Phật hạnh tự phát xảy ra một cách tự nhiên không có bất cứ nỗ lực nào và Phật hạnh không đoạn diệt không bao giờ ngừng.
Chư Phật luôn luôn hành động một cách tự phát. Chư Phật biết tính khí của chúng sinh khác nhau, tính tình của chúng sinh khác nhau, những khuynh hướng ngự trị và những nguyện vọng của họ. Thấy tính khí của họ cho phép các ngài biết dùng phương tiện gì để giáo dục họ. Một vài người được giúp ích nhiều nhất bằng cách cho họ thấy một thí dụ của một loại hành xử nhất định nào đó. Thí dụ, nếu họ thấy sự hành xử bình hòa và rất có kiểm soát của một vị Phật, họ sẽ có một cảm giác tin tưởng to lớn và niềm tin này sẽ dẫn họ đến với pháp. Nhưng những người khác đáp ứng với các phép thần thông, vì chư Phật sẽ thị hiện thần thông cho họ. Một vài người chỉ đáp ứng với giáo lý, vì thế chư Phật sẽ chỉ ban cho họ giáo lý. Chư Phật cũng biết rằng một vài chúng sinh sẵn sàng làm việc ở những mức độ cao hơn và những người khác sẵn sàng cho sự giải thoát hoàn toàn, vì thế các ngài đưa họ vào con đường tương ứng với trình độ khả năng và nguyện vọng của họ.
Chư Phật biết một cách chính xác lúc nào và ở đâu cần các ngài làm việc mà không cần suy nghĩ, và các ngài hành động không chút gắng sức đúng vào lúc hoàn toàn thích hợp với nhu cầu của chúng sinh.
2. Phú bẩm biển tuệ giác phi thường,
đầy những phẩm tính như ngọc.
với ánh sáng mặt trời đức hạnh và tuệ giác,
chư Phật đã lập nên tất cả các thừa.
Không có giữa hay cuối – quá bao la,
Giác ngộ thấm nhập tất cả, như hư không.
Hoàn toàn thấy rằng kho tàng
những phẩm tính không ô nhiễm này
ở nơi mọi chúng sinh, không phân biệt,
đánh tan những lưới mây ô nhiễm và tri kiến.
bằng cơn gió bi tâm toàn hảo.
Phật hạnh thì không đoạn diệt. Những phẩm tính của chư Phật là tổng số tất cả những phẩm tính tốt của thiền định và những con đường khác nhau của chư Phật thì giống như đại dương chứa nhiều ngọc quí. Chư Phật cũng được ví với mặt trời. Các ngài đã hoàn thành hai sự tích lũy đức hạnh và nội kiến và những tích lũy ấy được ví như mặt trời bởi vì rau, cỏ, cây, và mọi vật cần ánh sáng mặt trời để phát triển. Cũng vậy, với ánh sáng mặt trời toàn hảo những tích lũy của chư Phật, tất cả chúng sinh có thể được đưa đến sự thuần thục tâm linh. Cuối cùng, chư Phật được ví với hư không bởi vì chư Phật không có đầu, giữa, hay cuối; các ngài thâm sâu và bao la bởi vì các ngài đã lập thành tất cả các thừa (Phạn: yāna).
Ba thí dụ này cho thấy những điều khiến các ngài thành Phật. Các ngài có thể thấy rằng không có gì khác nhau dù cho chúng sinh hiện tại ở trong cõi hữu cao hơn hay thấp hơn. Các ngài cũng thấy không có gì khác nhau giữa một người có đang tu đạo hay không; hạt giống bên trong tất cả chúng sinh không có phân biệt nào cả. Kho tàng này hiện tại bị những bất tịnh che giấu, nhưng các ngài biết làm sao đem nó ra khỏi sự che giấu đó. Những đám mây ám chướng có thể loại bỏ được bằng bi tâm của chư Phật mà nó tương tự như một cơn gió thổi bay tất cả những đám mây khỏi mặt trời. Một cách chi tiết hơn:
3. Vì những ý nghĩ “cho ai,” “bằng phương tiện gì,”
“qua huấn luyện gì,” “ở đâu” và “khi nào” không phát sinh,
những chủ nhân của trí tuệ này luôn luôn tự phát.
4. “cho ai” – tính khí của người tu tập,
“bằng phương tiện gì” – kỹ thuật nào trong nhiều
kỹ thuật huấn luyện,
“qua huấn luyện gì,” – những hành động nào
dùng để huấn luyện họ,
“ở đâu và khi nào” – vào cơ hội nào.
5. Phật hạnh không đoạn diệt vì nó không có khái niệm
về chân giải thoát, hộ trợ giải thoát, quả giải thoát,
sự sở hữu chính thống quả này, những ám chướng che màn
và các duyên cần thiết để phá tan ám chướng.
Phật hạnh thì tự phát bởi vì qua tri kiến sai biệt, các ngài không cần nghĩ “Ta đang làm cái này cho ai?” hay “Ta nên làm việc này theo cách nào?” bởi vì các ngài tự động biết cho ai và hành động bằng cách nào. Qua tri kiến như thực các ngài hiểu rằng mọi vật không hiện hữu, bất sinh, và không có thực tại thực tế nào cả. Vì thế khi đang hành động các ngài không có sự ngần ngại thắc mắc mọi vật có thật chăng. Biết chân tính không, các ngài biết một cách chính xác hành động như thế nào. Bằng cách này Phật hạnh tự phát và không có bất cứ ý nghĩ nào và đồng thời đáp ứng một cách chính xác nhu cầu của chúng sinh các ngài đang trợ giúp.
6. Chân giải thoát là mười địa;
nhân của nó là hai tích lũy.
Quả của nó là giác ngộ vô thượng;
và sự giác ngộ chúng sinh thực sự sở hữu.
Có sáu điểm miêu tả sự hoạt động không đoạn diệt của chư Phật: giải thoát hay sự tự tại nhất định với luân hồi; đạt được tự tại nhờ hai sự tích lũy; quả của sự giải thoát này là đạt Giác ngộ; tất cả chúng sinh có thể đạt được quả này; sự đạt được quả này; tất cả chúng sinh đều có Phật tính; nhưng họ không thể thấy nó bởi vì nó bị ám chướng che phủ; và cuối cùng sự loại bỏ tất cả những ám chướng này. Một cách chi tiết hơn:
7. Những tấm màng che mờ là những ô nhiễm không dứt,
những ô nhiễm phụ trợ và những rỉ lậu tiềm tàng.
Đại bi là duyên để hủy diệt những [tấm màn] này.
Điểm thứ nhất là qua Phật hạnh, chư Phật giúp tất cả mọi chúng sinh đi vào đường đạo giúp họ giải thoát khỏi luân hồi. Qua Phật hạnh một chúng sinh sẽ đạt đến địa thứ nhất của Bồ-tát, rồi địa thứ nhì, và như thế cho đến khi y ra khỏi luân hồi. Thứ nhì, sự tự tại đạt được bằng cách đi vào con đường Bồ-tát và tu tập hai tích lũy đức hạnh và nội kiến. Thứ ba, thành quả của chúng sinh xác minh trong mười địa khác nhau của Bồ-tát là cảnh giới của một vị Phật. Thứ tư, khi chúng sinh cố gắng tiến bộ qua nhiều địa khác nhau của Bồ-tát, họ gặp phải những chướng ngại của sở tri và phiền não và những dấu ấn trong tiềm thức do nghiệp để lại. Thứ năm, tất cả những ám chướng có thể loại bỏ được khi đạt giác ngộ. Và thứ sáu, đại bi của chư Phật cung cấp tất cả những duyên cần thiết để tiêu diệt những chướng ngại này.
8. Sáu điểm này nên biết theo thứ tự là
như đại dương, mặt trời, hư không,
kho tàng, mây, và gió.
Sáu điểm này được minh họa bằng sáu tỉ dụ. Ba tự tại đầu đạt được bằng sự làm chủ mười địa của Bồ-tát được minh họa bằng thí dụ đại dương. Sự tu tập hai tích lũy được tượng trưng bằng thí dụ mặt trời. Sự thành Phật được tượng trưng bằng hư không và tất cả những chúng sinh đạt được như vậy được ví với kho tàng. Và những ám chướng khác nhau được tượng trưng bằng những đám mây.
9. Các địa như đại dương mà nước là tuệ giác
sở hữu những phẩm tính như ngọc của đại dương.
Hai tích lũy thì như mặt trời,
vì tất cả chúng sinh nhờ đó mà tồn tại.
10. Giác ngộ thì như hư không,
bao la, không tâm điểm, và không cùng tận.
Bản tướng của chúng sinh giống như kho tàng,
là bản tính của giác ngộ viên mãn.
11. Ô nhiễm giống như những đám mây che phủ,
chóng vánh, thấm nhập và không có thực thể.
Bi tâm thì như cơn gió mạnh,
luôn luôn hiện diện để đánh tan ô nhiễm.
Đây là những lý do dùng các tỉ dụ này. Mười địa của con đường Bồ-tát được tượng trưng bằng đại dương bởi vì khi chúng sinh bước vào các địa kế tiếp nhau của con đường Bồ-tát, họ được phú cho một số lớn những phẩm tính giống như ngọc quí. Cảnh giới của một Bồ-tát ở địa thứ mười được ví với đại dương bởi vì đại dương chứa nhiều ngọc quí được ví với nhiều phẩm tính của thiền định, những năng lực của trí nhớ, nhận thức trực giác, và những năng lực tương tự mà một Bồ-tát sở hữu ở địa này.
Hai tích lũy được tượng trưng bằng mặt trời bởi vì nếu không có mặt trời, sẽ không có hơi ấm và không một vật gì có thể phát triển được; như vậy những điều kiện duy trì sự sống vắng mặt. Cũng vậy, hai tích lũy thì giống như mặt trời trong đó chúng là hai yếu tố cần để đạt giải thoát.
Thứ ba, giác ngộ được ví với hư không bởi vì nó không có đầu, giữa, hay cuối vì thế người ta không thể nói rằng hư không là cái này hay cái kia bởi vì không có sự hiện hữu kiên cố. Giác ngộ cũng tương tự như vậy, nó rất bao la, rất sâu xa, và không thể miêu tả được bằng bất cứ cách nào.
Sự sở hữu Phật tính được ví với kho tàng bị chôn vùi bởi vì kho tàng có thể cung cấp tất cả những nhu cầu vật chất của một người. Nhưng nếu nó bị che khuất dưới đất, nó chỉ có tiềm năng làm như vậy thôi. Tuy nhiên, nếu có người nỗ lực đem kho tàng ấy ra khỏi đất, người ta có thể có mọi điều mình ước muốn. Cũng vậy, Phật tính ở bên trong tất cả mọi chúng sinh nhưng nó bị ô nhiễm che khuất. Nhưng nếu có người loại bỏ tất cả những ô nhiễm đó bằng nỗ lực gom góp hai thứ tích lũy, cuối cùng có thể đạt Giác ngộ.
Trong thí dụ thứ năm, ám chướng được ví như những đám mây. Mây xuất hiện trên bầu trời và đôi khi che khuất mặt trời, nhưng nó không phải là phần vốn có của bầu trời hay mặt trời. Nó chỉ là hiện tượng nhất thời có thể loại bỏ được. Khi mây che phủ mặt trời, người ta không thể cảm thấy mặt trời sáng; khi mây tan, mặt trời được nhận thức trong sự trong sáng nguyên thủy của nó. Cũng vậy, có những bất tịnh nhất thời che mờ Phật tính của chúng ta, nhưng những bất tịnh này có thể loại trừ bởi vì chúng không phải là phần vốn có của Phật tính chúng ta.
Thứ sáu là so sánh đại bi của chư Phật với cơn gió lớn. Bao lâu mây còn che phủ mặt trời, nó không thể chiếu sáng. Chừng nào bất tịnh còn hiện diện, chúng sinh không thể đạt giải thoát. Họ cần bi tâm của Phật để loại bỏ các bất tịnh đang che mờ chân tính của họ; bi tâm này hành động giống như cơn gió mạnh loại bỏ tất cả những bất tịnh của chúng sinh.
12 . Giải thoát vì lợi người,
bình đẳng với chúng sinh
việc làm chưa hoàn tất,
hoạt động không gián đoạn
đến khi hết luân hồi.
Phật hạnh có đặc tính không ngừng bởi vì ngay từ đầu, chư Phật đã tự nguyện đạt mục đích Giác ngộ vì người khác. Thứ nhì, chư Phật đã thấy sự tương tự giữa các ngài và những chúng sinh khác và hiểu rằng nếu các ngài tìm cách đạt Giác ngộ thì mọi người khác cũng có thể thành Phật. Lý do thứ ba của sự không ngừng này là số chúng sinh thì vô cùng và chư Phật sẽ không bao giờ ngừng làm việc để giúp họ cho đến khi chấm dứt luân hồi. Bao lâu còn có chúng sinh trong luân hồi, chư Phật vẫn còn tiếp tục.
- 1. Như Đế-thích, trống, mây, Phạm thiên, mặt trời,
ngọc như ý, hư không, và trái đất là như lai.
Có chín thí dụ để giải thích phẩm tính tự phát và không ngừng của Phật hạnh áp dụng như thế nào đối với chúng sinh. Thí dụ thứ nhất về phẩm tính tự phát là một thí dụ giả tưởng về thần Đế-thích là thần chủ quản của 33 vị thần trong thần thoại Ấn độ. Thí dụ thứ nhì về cái trống của các thần minh họa làm sao Phật ngữ có thể hiện ra mọi nơi mà không có sự nỗ lực về phần đức Phật. Cái trống của các thần thì ở trên cõi trời của 33 vị thần và là một thí dụ đúng về chỗ này. Dĩ nhiên, có sự hoang tưởng hiện diện trong cách thí dụ này. Thí dụ thứ ba về mây thì không cần nỗ lực ý thức nào để tạo ra mưa và minh họa tâm của đức Phật làm việc như thế nào. Thí dụ thứ tư dùng thần Phạm thiên minh họa tất cả mọi hóa thân của đức Phật. Thí dụ thứ năm so sánh tuệ giác của Phật với mặt trời chiếu sáng bởi vì mặt trời chiếu sáng khắp mọi nơi và cũng như vậy tuệ giác của Phật biết tất cả mọi thứ một cách hoàn toàn rõ ràng. Cuối cùng, ba thí dụ cuối cùng minh họa sự huyền bí, không thể nghĩ bàn của ý, ngữ, và thân của đức Phật làm việc một cách không gắng sức để giúp chúng sinh. Ý của Phật được minh họa bằng ngọc như ý. Thí dụ thứ bảy về ngữ của Phật là âm hưởng dội lại minh họa tính bất khả tư nghị của pháp mà những người đã sẵn sàng có thể nghe được khắp mọi nơi mà không cần bất cứ ý nghĩ có ý thức nào do Phật tạo ra. Thí dụ thứ tám minh họa sự bất khả tư nghị của nhục thân của đức Phật và dùng thí dụ hư không xảy ra mọi nơi, bất cứ lúc nào, và trong bất cứ hình tướng nào chúng sinh cần có. Một cách chi tiết hơn:
14. Nếu mặt đất ở đây có phẩm tính
của ngọc lưu ly không tì vết,
thì sẽ thấy hiện ra ở đó, do tính trong sáng,
loại thần có những đám nữ thần trẻ tùy tùng.
15. “chiến thắng toàn hảo” – cung điện huy hoàng,
những nơi thần ngụ, những nơi khác
với những thứ kỳ diệu khác nhau
và tất cả nhiều loại thú vui mà các thần sở hữu.
16. Thấy những hiện tướng này, nhiều người
nam và nữ sống trên mặt đất giải thích:
17. Ôi! Nguyện cho chúng con cũng sớm
giống như vị thiên vương này.”
Khi đã nguyện như vậy mà được chứng ngộ,
họ sẽ thực sự sống đức hạnh và kiên trì.
18. Dù họ không thể nhận ra đây chỉ là hiện tướng,
song nhờ đức hạnh họ sẽ được tái sinh cõi trời
khi họ giã từ mặt đất.
19. Những hiện tướng này tuyệt đối
không có chủ ý và không thay đổi.
Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng trên trái đất
có phúc lợi to lớn đi kèm.
Nhục thân của đức Phật được ví với một thí dụ có tính cách tưởng tượng về thần Đế-thích (Indra). Hãy tưởng tượng mặt đất của toàn thể thế giới biến thành ngọc lưu ly trong sáng như gương phản chiếu cõi trời bên trên nơi thần Phạm thiên ở có nhiều nữ thần xinh đẹp vây quanh. Ở trong cung điện gọi là “chiến thắng toàn hảo” thần hưởng thụ nhiều lạc thú thế gian. Ngọc lưu ly trong sáng đến nỗi mọi sự xảy ra trên cõi trời đều có thể thấy được phản chiếu trên mặt đất. Kết quả là những cá nhân cảm thấy rằng họ sẽ lập nguyện và tích tụ đức hạnh cần thiết như vậy họ có thể hưởng thụ những thú vui như thế. Điều này xảy ra không có bất cứ hành động hay ý định nào của Đế-thích, nó chỉ là sự suy tư sinh ra hành động đức hạnh.
20. Tương tự, những chúng sinh với
niềm tin không tì vết, và v.v…
qua tu tập những phẩm hạnh này, sẽ
thấy Phật toàn hảo hiện ra nơi tâm họ –
21. được phú cho các tướng chính và phụ đầy ý nghĩa.
Họ thấy ngài đi, đứng, ngồi, nằm,
thực hiện tất cả những cách hành xử khác nhau.
22. tuyên thuyết giáo lý hòa bình, hay không nói,
trong thiền định thị hiện các thần thông,
đầy trang nghiêm và tráng lệ.
23. Thấy như vậy và nguyện đạt Giác ngộ như thế,
họ tự mình áp dụng một cách tuyệt vời.
Do theo đúng nhân duyên, họ đạt cảnh giới mong ước.
24. Những hiện tướng này hoàn toàn vô niệm
và không dính dáng gì với thay đổi,
nên đem lại cho thế gian lợi ích phi thường.
25. Hạng phàm phu chấp trước không hiểu,
“đây là những thị hiện của tâm mình
song thấy những hình tướng như thế là họ được lợi ích.”
26. Dần dần, qua những gì thấy được, xác lập trong thừa,
họ sẽ thấy chân Pháp thân bên trong qua tuệ nhãn.
Cũng vậy, những Bồ-tát đầy niềm tin, tinh tấn, thông minh, và dấn mình vào tu tập đức hạnh có thể thấy Báo thân một cách trực tiếp trái với những chúng sinh tầm thường không có khả năng gặp được Hóa thân tối thượng, nhưng biết giáo lý của Phật do dấu chân ngài để lại sau khi đã đia qua. Như vậy những Bồ-tát có niềm tin và tất cả những phẩm tính tốt này có thể thấy Phật với 32 tướng tốt và tất cả những vẻ đẹp. Họ sẽ thấy chư Phật đi, đứng, ngồi, nằm và tuyên thuyết những giáo lý hòa bình. Đôi khi họ thấy ngài trong thiền định không nói và đôi khi họ thấy các phép thần thông. Vì thế những chúng sinh với đức hạnh chân chính sẽ thấy Phật mà không có Phật suy nghĩ, “Ta phải làm việc này.” Cái thấy Phật này sẽ phấn khích họ đạt Giác ngộ và họ sẽ nhiệt thành sùng mộ và tự áp dụng trong cách hành xử của họ để thành Phật.
Tất cả những thị hiện của Phật hoàn toàn không có ý nghĩ về phần ngài; tuy nhiên, người thế gian sẽ thấy và nghe Phật chuyển pháp luân đem số chúng sinh vô cùng tận lên con đường đến giác ngộ. Khi những chúng sinh tầm thường thấy hình tướng của Phật và nghe những lời nói của ngài, họ không nhận ra rằng đây là những hiện tướng trong tâm họ. Dù cho họ không hiểu điều này, nó rất quan trọng bởi vì những người ít mở mang có hạt giống giác ngộ trong tâm họ. Rồi dần dần tùy vào kinh nghiệm, họ sẽ nhập vào con đường đại thừa và đương nhiên thấy được đức Phật bên trong, đó là Pháp thân, bằng huệ nhãn.
27. Nếu trái đất không còn những nơi đầy sợ hãi
và trở thành ngọc lưu ly không tì vết,
trong suốt và đẹp với tất cả
những phẩm chất của ngọc này –
tinh khiết, mỹ lệ và trơn láng,
các mặt đều đặn, vì trong suốt,
sẽ hiện ra chỗ ở của các thần
và hình tướng của vua Đế-thích.
Do các phẩm tính như thế của
mặt đất dần dần biến mất
những thứ này một lần nữa biến mất theo.
28. Để đạt cảnh giới như thế,
nhiều người nam và nữ
quay về “giữ giới luật nghiêm minh” –
bố thí, và v.v…, rải hoa,
làm những việc tương tự, đầy tâm nguyện.
Và để trở thành vị “vua chiến thắng phi thường”
đã hiện ra trong tâm họ, có thể sánh với ngọc lưu ly,
những người con của bậc chiến thắng
phát triển tâm toàn hảo,tinh thần đầy hân hoan.
Bàn rộng thí dụ này, nếu tất cả những chỗ gây sợ hãi như vách đá và hố sâu đều bị loại bỏ và được phủ lên bằng ngọc lưu ly hoàn toàn không có bất tịnh khiến nó trở thành tấm gương rất đẹp, người ta có thể thấy những thiên đường khác nhau. Nhưng về sau, dần dần, mặt đất sẽ dần dần mất sự bóng láng và từng chút một sự phản chiếu thiên đàng sẽ bắt đầu biến mất. Nhưng khi thấy ảnh phản chiếu, chúng sinh phấn khởi, nhiều người cả nam lẫn nữ tiếp tục tu tập và cúng dường để vào thiên đàng.
29. Tựa như ảnh phản chiếu hình tướng của thần ấy
hiện ra trên mặt đất ngọc lưu ly trong sáng,
ảnh phản chiếu hình tướng của bậc thánh phi thường
cũng hiện ra trong đất tâm thanh tịnh của chúng sinh như vậy.
Cũng vậy, khi Phật hiện ra trong mặt ngọc lưu ly thanh tịnh của tâm, người ta được phấn khích để đạt đến cùng cảnh giới như Phật. Do đó, những khúc ca này của các bậc chiến thắng (Bồ-tát) sẽ vun quén tâm bồ-đề, như vậy sẽ có niềm mong ước mãnh liệt và niềm hân hoan to lớn cố gắng nuôi dưỡng tất cả những phẩm tính hiểu biết, như vậy họ có thể đạt được giác ngộ.
30. Với chúng sinh, sự hiện ra và biến mất
của các ảnh phản chiếu này
xảy ra là do tâm họ có bị ô nhiễm hay không.
Tương tự, sự thị hiện hình tướng trong các cõi,
không nên xem đó là “thực” hay “không thực.”
Những hình ảnh phản chiếu này có thể thay đổi khi mặt đất rất tinh khiết, ngọc lưu ly giống như tấm gương; nhưng khi mặt đất kém tinh khiết, sự phản chiếu biến mất. Cũng vậy, khi chúng sinh có nhiều tin tưởng và sùng mộ và nhiều phẩm chất thanh tịnh, họ có thể thấy Phật; nhưng khi tâm họ kém thanh tịnh, họ không thể thấy Phật nữa. Như thế Đế-thích và chư Phật luôn luôn hiện diện và sự xuất hiện của các ngài tùy thuộc vào sự thanh tịnh của chúng sinh.
31. Do sức mạnh đức hạnh trước kia của các thần,
trống pháp ở các cõi trời,
không dùng sức, địa điểm, tâm, sắc hay khái niệm,
32. cổ vũ tất cả các thần chểnh mảng nhiều lần với những
cú đánh “vô thường,” “khổ,” “vô ngã,” và “an tĩnh.”
33. Cũng vậy, bậc thâm-nhập-tất-cả không dùng sức, v.v…,
song Phật-ngữ thấm nhuần tất cả chúng sinh không ngoại lệ,
dạy diệu pháp cho những ai xứng đáng.
34. Như tiếng trống trời vang lên cho chư thiên,
do nghiệp của họ,
pháp ngữ của bậc thánh xuất hiện nơi thế gian
cũng là do nghiệp.
Như âm thanh ấy, không gắng sức, cội nguồn,
sắc hay tâm, đem đến an tĩnh,
cũng vậy, không gắng sức và v.v…,
là sự an tĩnh do pháp đem lại.
35. Tiếng trống nơi thiên thành là nguyên nhân
ban cho vô úy, để chiến thắng các đoàn quân A-tu-la
khi do ô nhiễm chiến tranh xảy ra,
và chấm dứt cuộc vui chơi thần thánh.
Cũng vậy, sự phát sinh từ những ưa thích thiền định vô tướng
nơi các cõi, tuyên bố đạo vô thượng là đạo an tĩnh,
đánh bại hoàn toàn những ô nhiễm và đau khổ của chúng sinh.
36. Phổ biến, lợi ích vui vẻ, và có ba thần thông,
giai điệu của các bậc thánh hơn hẳn não bạt cõi trời.
37. Tiếng trống cõi trời hùng mạnh nhưng tai người thế gian
không thể đến được.
Song chúng sinh hạ giới luân hồi có thể nghe
Phật ngữ âm vang.
38. Nơi các cõi trời, mười triệu não bạt của chư thiên
vang dội để tăng cường lửa dục.
Song những ai bản thân là bi tâm
dù một giai điệu đơn độc
cũng dập tắt hoàn toàn lửa đau khổ.
39. Tiếng não bạt đẹp và thích thú ở các cõi trời
làm rối loạn gia tăng trong tâm họ.
Lời nói của chư Như lai mà bản tính là bi tâm,
chuyển tâm hướng về thiền định và kích thích tư duy.
40. Vắn tắt, người ta nói rằng nguyên nhân của hạnh phúc,
đối với chúng sinh khắp các đại thiên, trên trời hay dưới đất,
hoàn toàn tùy thuộc vào giai điệu đó
mà mọi thế giới thị hiện thấm nhuần tất cả.
41. Như người điếc không thể nghe âm thanh vi diệu,
dù tai thần cũng không thể nghe tất cả mọi âm thanh,
cũng vậy là pháp vi diệu, lãnh vực của tuệ giác vi tế nhất,
chỉ một ít người tâm không ô nhiễm có thể nghe.
Trong thí dụ thứ nhì, trống thần chỉ là thuật ngữ chỉ sự tự động thị hiện của pháp âm. Bởi vì đức hạnh trước kia của chư thần, có thể tự động nghe pháp âm ở một vài cõi trời. Người ta có thể nghe âm thanh liên tục của những tiếng “vô thường,” “khổ,” “vô ngã,” và “an tĩnh” mà không có người ở đó tạo ra âm thanh.
Thí dụ này minh họa làm sao ngữ âm của Phật có thể thị hiện mà không có bất cứ sự gắng sức hay ý nghĩ nào về phần ngài. Những cá nhân mà tâm linh đã phát triển có thể nghe được lời dạy của Phật ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, ngữ âm của Phật ở xa bên kia tiếng trống của các thần bởi vì những chúng sinh không phải thần không thể nghe tiếng trống thần trong khi có thể nghe ngữ âm của Phật.
42. Mây của mùa mưa liên tục và không gắng sức
đổ xuống trần gian những lượng nước mênh mông
là nguyên nhân của hoa màu phong nhiêu và ân huệ.
43. Cũng vậy, mây bi tâm, vô niệm,
mưa xuống nước diệu pháp của các bậc chiến thắng
và tạo nên những vụ gặt đức hạnh cho chúng sinh.
44. Miễn là thế gian bước vào con đường đức hạnh,
Mây do gió sinh sẽ khiến mưa rơi.
Cũng vậy, gió bi tâm khiến mây Phật thành thác
mưa chính pháp làm gia tăng đức hạnh nơi chúng sinh.
45. Trụ nơi thế gian, do đại bi và tuệ giác,
chủ nhân của những đám mây tất cả thánh nhân
trụ giữa hư không không bị ô nhiễm
dù thay đổi hay không thay đổi.
Vì tự tính không hư hoại, các ngài có nước đà-la-ni
chánh định,
là nguyên nhân cho mùa gặt đức hạnh này.
46. Nước mát, ngọt, mềm, nhẹ từ mây rơi xuống
được rất nhiều vị do tiếp xúc với những vùng đất mặn, và v.v…
Cũng vậy, mưa tám loại nước tuyệt vời
rơi xuống từ trái tim mây từ bi bao la nhất,
mang nhiều mùi vị tùy theo tâm địa sai biệt của chúng sinh.
47. Những người có niềm tin tán thưởng,
những người trung dung, và những kẻ oán ghét
tạo thành ba nhóm có thể so với người, công, và quỉ đói.
48. Cuối xuân, khi trời không mây, là người và
những con chim không biết bay này,
vào hạ, khi trời mưa, những con quỉ đói bị khổ.
Dùng thí dụ này là tùy theo có hay không
mưa pháp từ những đám mây bi mẫn,
chúng sinh thế gian sẽ ưa thích hay oán ghét pháp.
49. Tạo thành cơn mưa mãnh liệt, ném xuống
những cục mưa đá hay lưỡi sấm sét,
mây không quan tâm những con vật nhỏ bé
hay những con thú chạy đến các vùng đồi.
Cũng vậy, những đám mây tri kiến toàn hảo và từ bi,
với những giọt tinh hay thô, không quan tâm
rằng một ít sẽ tẩy sạch những ô nhiễm của họ
và những người có khuynh hướng tin ngã.
50. Trong luân hồi sinh tử không có khởi đầu này,
có năm loại chúng sinh.
Như trong phân không có chút gì thơm,
trong năm loại đó không có sự hài lòng.
Sự khổ của họ giống như sự đau đớn không ngừng
vì bị cháy, bị thương, bị bỏng vì hóa chất, v.v…
Mây bi tâm tạo nên cơn mưa mạnh
chánh pháp sẽ xoa dịu tất cả những vết thương này.
51. Những người được phú cho trí tuệ không ước mong
ngay cả quyền ngự trị cõi trời cao nhất hay cõi người,
khi đã hiểu chết và sự chuyển sinh thần diệu,
cũng như sự tìm kiếm liên tục của con người, là “khốn khổ.”
Họ cũng đã thấy, do trí tuệ và những giáo lý
tuyệt vời của chư Như lai với lòng tin tưởng;
“đây là khổ,” và “đây là nguyên nhân của khổ,”
và “đây là sự diệt khổ do giác ngộ.”
52. Như bệnh cần chẩn đoán và loại trừ nguyên nhân,
khỏe mạnh, trạng thái đạt được, và phương thuốc dùng.
cũng vậy, khổ, nguyên nhân khổ, diệt khổ, và con đường đạo
nên biết, loại trừ, thành công, và quyết tâm thực hiện.
Thí dụ thứ ba ví tâm của Phật với mây. Ở miền quê với gió mùa,
mây liên tục tạo ra những lượng mưa khổng lồ trong mùa hè, dĩ nhiên, cho phép hoa màu phát triển. Cũng vậy, tâm và lòng bi mẫn của đức Phật liên tục tạo ra mưa pháp như thế hoa màu đức hạnh của chúng sinh có thể sinh trưởng. Mưa này là mưa bốn diệu đế: (1) Nếu một người bị bệnh thì, (2) phải tìm nguyên nhân của chứng bệnh để chữa trị. Kế tiếp, (3) phải có thiện chí trải qua sự chữa trị chứng bệnh và (4) rồi phải dùng thuốc. Nói theo bốn đế: người ta phải biết rằng có khổ, (2) phải tìm ra nguyên nhân của khổ này mà nó là nghiệp và ô nhiễm. Kế tiếp, (3) khi đã loại bỏ được các nguyên nhân của khổ, khổ sẽ dừng lại. Cuối cùng, (4) đạo đế thì giống như thuốc giải thoát người ta khỏi khổ. Như thế đây là những gì người ta muốn nói bằng cách nói rằng đức Phật đã đổ những cơn mưa bốn chân lý xuống chúng sinh.
53. Không gắng sức và không lìa cõi Phạm-thiên,
Phạm-thiên có thể thị hiện ở bất cứ nơi nào thần cư ngụ.
54. Cũng vậy, không bao giờ lìa khỏi Pháp thân,
bậc đại chiến thắng không gắng sức nhưng
hiện thân ở bất cứ cõi nào, đối với người thuần thục.
55. Không rời cung điện, Phạm-thiên hiện thân trong cõi dục.
Thấy Thần ở đó khiến các thần bỏ tìm thỏa mãn dục lạc.
Các bậc Thiện thệ, trong khi không bao giờ rời khỏi Pháp thân,
mà chúng sinh đã sẵn sàng thấy các ngài ở tất cả mọi cõi.
Thị kiến này luôn luôn khiến họ lìa bỏ điều bất tịnh.
56. Do năng lực của những lời nguyện trước kia của mình
và đức hạnh của thần, Phạm-thiên hiện ra không nhọc sức;
hóa thân của bậc Tự phát cũng hiện ra giống như vậy.
Phật hóa thân như thế nào được minh họa bằng thí dụ thứ tư thần Phạm-thiên. Trong ba cõi luân hồi: cõi dục, sắc, và vô sắc, thần Phạm-thiên ở cõi trời của mình trong sắc giới. Phạm-thiên ở đó liên tục và không có ý nghĩ thị hiện ở bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, hóa thân của thần có thể thấy được ở tất cả các cõi trời khác mà không có bất cứ ý định suy tính kỹ lưỡng nào về phần Phạm-thiên. Cũng vậy, Phật xuất hiện trong hình tướng báo thân đối với những cá nhân thuần thục về mặt tâm linh và đối với những cá nhân tâm linh ít thuần thục hơn trong hình tướng hóa thân trong khi chính Phật vẫn trụ trong Pháp thân.
57. Giáng xuống, nhập thai, đến cung điện của cha, thụ hưởng,
tu tập một mình, chiến thắng điều bất thiện, đạt giác ngộ,
dạy con đường đi tới thành bình an –
khi đã chứng minh những điều này,
bậc đại thánh trở thành vô hình đối với
những người chưa thuần thục.
Khi đã có năm thị kiến, đức Phật hiện tại của chúng ta, đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đã rời cõi trời Đâu-suất nhập vào thế giới của chúng ta. Mẹ ngài đã có giấc mộng con voi sáu ngà và ngài đã sinh ra trong vườn Lâm-tì-ni (Lumbini). Rồi ngài sống nhiều năm trong cung điện của vua cha học nhiều kỹ năng khác nhau và vui chơi với bạn bè và thê thiếp. Không bị ảo tưởng vì luân hồi, ngài từ bỏ hoàng cung và trong sáu năm kế tiếp ngài đã tu đại khổ hạnh. Rồi ngài chống lại tất cả những sức mạnh tiêu cực và đánh bại các sức mạnh ấy và đạt Giác ngộ dưới cây bồ-đề. Đạt giác ngộ rồi, ngài đến Vārāṇasī và ở vườn nai ngài đã chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên. Như vậy trong khi Phật có thể làm lợi ích cho những người đã sẵn sàng về mặt tinh thần vào lúc đó, Phật có thể thấy được trong Pháp thân chứng tỏ rằng Phật có thể thị hiện bằng nhiều cách mà không bao giờ rời Pháp thân.
58. Khi mặt trời chói sáng, hoa sen và các hoa khác nở ra;
là lúc hoa kumuta[1] hoàn toàn khép lại.
Mặt trời không nghĩ “tốt” hay “xấu” mà
những hoa “sinh trong nước” đó nở ra hay khép lại.
Cũng giống như “mặt trời” ấy là bậc giác ngộ toàn hảo.
59. Mặt trời, không ý nghĩ, khi phát ra ánh sáng.
đồng thời làm hoa sen nở và những vật khác trưởng thành.
60. Cũng vậy, không ý nghĩ, mặt-trời-Như-lai rọi
ánh sáng chánh pháp lên những “hoa sen” đó –
là chúng sinh được rèn luyện.
61. Qua pháp và các sắc thân, mặt trời toàn tri
mọc trên bầu trời tự tính giác ngộ
phóng những tia sáng tuệ giác vào chúng sinh.
62. Từ đấy, mặt-trời-Thiện-thệ trong vô số ảnh phản chiếu
tức thời hiện ra trong tất cả những “khí cụ chứa nước” đó,
là những chúng sinh sẽ được rèn luyện thanh tịnh hơn.
63. Liên tục, từ giữa bầu trời pháp tính thâm nhập tất cả,
theo cách do công đức gì họ đã có quyết định,
mặt-trời-Phật liên tục chiếu lên những học nhân như núi.
64. Như mặt trời mọc, với hằng nghìn tia sáng tráng lệ,
chiếu sáng đại thiên thế giới, rồi lần lượt chiếu sáng
những đỉnh núi cao nhất, trung bình và đồng bằng,
cũng như mặt trời, bậc chiến thắng
tiến hành ban ánh sáng cho vô số chúng sinh.
65. Mặt trời không thể chiếu đến
những nơi sâu thẳm của hư không các cõi,
cũng không thể chỉ ra nghĩa của cái khả tri
cho những ai bị vô minh ám chướng.
Bậc mà bản thân là bi tâm chỉ cho chúng sinh
nghĩa của cái khả tri – tính trong sáng, qua dải màu rực rỡ.
66. Khi Phật vào thành phố, những người không mắt thấy.
Qua cái thấy đó, họ kinh nghiệm những điều đầy ý nghĩa,
tự tại với những mặt khác nhau của những gì không lợi ích.
Trí của họ được ánh sáng của mặt-trời-Phật chiếu sáng,
những người mù vì vô minh, rơi vào biển thế gian
đã bị những tà kiến che mờ, thấy tự tính họ chưa từng thấy.
Thí dụ thứ năm dùng thí dụ mặt trời minh họa tuệ giác của Phật vận hành như thế nào. Mặt trời không có suy nghĩ có thể chiếu sáng mọi nơi trên trái đất cùng một lúc. Những loại hoa khác nhau phản ứng khác nhau đối với ánh sáng mặt trời; hoa sen nở và hoa kumuta thì tự động khép lại. Cũng vậy, chư Phật chiếu ánh sáng pháp lên hoa sen tâm của chúng sinh và một vài người sẽ mở ra, cảm thấy sùng mộ và tu tập những lời dạy ấy trong khi những người khác sẽ phản ứng như hoa kumuta khép lại và riếp tục lang thang trong luân hồi. Khi điều này xảy ra, ấy không phải là lỗi của Phật chỉ như mặt trời không thể trách được vì hoa kumuta khép lại.
Khi chư Phật đang chuyển bánh xe pháp, các ngài không có bất cứ ý nghĩ đặc biệt nào hay đối tượng nào trong tâm, chẳng hạn, các ngài không nghĩ, “Ta phải thiết lập bánh xe pháp đầu tiên ở Ấn độ như thế nó sẽ hưng thịnh ở nơi này” và v.v… Thay vì các ngài dạy pháp bất cứ khi nào có người cần và bất cứ ai có thể được lợi ích. Qua năng lực tự nhiên của Phật hạnh, các giáo lý xảy ra và chúng sinh nhận lấy và tu tập để đạt giải thoát.
Thí dụ mặt trời bị giới hạn bởi vì sự hoạt động tuệ giác của Phật đi xa hơn mặt trời nhiều. Mặt trời chỉ có thể phá được bóng tối bình thường trong khi tuệ giác của Phật có thể đánh tan sự u tối của vô minh và ban cho tri kiến chính xác về chân tính của tất cả các pháp.
67. Ngọc như ý, dù không có ý nghĩ, hoàn thành cùng một lúc
tất cả ước muốn của những ai trong tầm tay của nó.
68. Cũng vậy, qua những người có nguyện vọng khác nhau
nghe những lời dạy khác nhau
khi nương vào phật ban cho như ý, ngài không suy nghĩ.
69. Viên ngọc quí như thế ban cho người khác
sự giàu sang mong muốn,
một cách toàn hảo, không gắng sức và không ý nghĩ.
Cũng vậy, không gắng sức, tuy nhiên thích hợp,
bậc thánh đại hùng vẫn luôn ở lại nơi thế gian
để giúp bao lâu người khác còn cần đến.
70. Khó cho chúng sinh ở đây ham muốn gặp được
một viên ngọc như thế, bởi vì nó nằm dưới đại dương,
cũng vậy nên biết khó thấy được bậc Thiện thệ,
vì chúng sinh ở đây, có số nghèo và ở trong tầm ô nhiễm.
Thí dụ thứ sáu minh họa sự huyền bí của tâm Phật. Huyền bí bởi vì nó thật không thể nghĩ bàn và rất vi tế. Nó được ví với ngọc như ý. Khi có được ngọc như ý, người ta nhận được bất cứ cái gì họ ước muốn. Dù cho họ có thể muốn nhiều vật khác nhau, những mong ước của họ đều được thực hiện mà viên ngọc thì không có ý nghĩ hay ý định nào cả. Cũng vậy, có nhiều chúng sinh có những nguyện vọng, ước muốn, và sở thích khác nhau và chư Phật ban cho họ bất cứ giáo lý nào liên quan đến nhu cầu của họ – nếu nó đưa đến cõi hữu cao hơn. Một số chúng sinh cần giáo lý tiểu thừa, một vài chúng sinh cần giáo lý đại thừa, và một số chúng sinh cần giáo lý kim cương thừa và tất cả những giáo lý này đến mà Phật không có bất cứ ý nghĩ nào cả.
71. Tiếng dội phát sinh là do khả năng nhận thức của người khác.
Vô niệm, không gắng sức, không ở ngoài cũng không ở trong.
72. Cũng vậy, lời Như lai phát sinh là do khả năng nhận thức
của người nghe
không khái niệm, không gắng sức, không ở ngoài cũng
không ở trong.
Thí dụ thứ bảy ví sự huyền bí linh hoạt của Phật ngữ, không thể nghĩ bàn và vi tế, giống như tiếng vang. Tiếng vang phát sinh là do khả năng nhận thức của những người khác, trong khi chính tiếng vang thì không có bất cứ ý nghĩ hay ý định nào. Tiếng vang không đến từ bên trong hay bên ngoài. Cũng vậy, Phật ngữ hiện ra tùy theo sự thuần thục tâm linh của cá nhân, trong khi pháp âm tự nó không có ý niệm hay gắng sức nào. Nó không ở trong hay ngoài
thân Phật.
73. Dù hư không không là gì cả, không thị hiện,
không là đối tượng của tâm, không nền tảng,
hoàn toàn không thể thấy,
không hình tướng và không thể diễn đạt,
74. nó được “thấy” như là “lên” hay “xuống” –
nhưng hư không không giống vậy.
Cũng vậy, mọi vật thấy được có liên hệ với Phật
thì không có gì giống như ngài.
Thí dụ thứ tám ví sự huyền bí của hình tướng Phật với hư không không thể nghĩ bàn và vi tế. Hư không không có bất cứ bản chất gì, song nó cung cấp bối cảnh cho mọi sự xảy ra. Cũng vậy, thân của Phật không có bất cứ sự thực hữu nào, nhưng nó ở đó để giúp chúng sinh khắp mọi nơi. Phật cũng không nghĩ, “Ta sẽ ở trong hình tướng này và ở chỗ đặc biệt này,” nhưng bất cứ nơi nào chúng sinh đã sẵn sàng, một hình tướng của Phật sẽ hiện ra để giúp họ.
75. Mọi vật mọc lên từ đất phát triển, trở nên vững chắc,
và trưởng thành do tùy thuộc vào đất không-ý-nghĩ.
76. Cũng vậy, mọi gốc rễ đức hạnh của chúng sinh,không ngoại lệ,
tăng trưởng do tùy thuộc đất phật vô niệm.
Thí dụ thứ chín ví tâm đại bi của Phật với trái đất. Trái đất vô niệm cung cấp cái căn bản cho mọi vật phát sinh và một khi đã phát triển nó cho phép mọi vật tiếp tục sống. Như vậy, trái đất là căn bản của sự sống không có ý nghĩ nào cả. Cũng vậy, chư Phật có tri kiến đầy đủ và trực tiếp về bản tính của mọi vật, và một cách tự phát các phẩm chất của thân, ngữ, và ý cung cấp cái nền cho tất cả mọi đức hạnh và phẩm tính tốt để phát triển và cho phép những phẩm tính này nẩy nở trên trái đất.
Mục Đích của Các Thí Dụ Này
77. Vì chúng sinh bình thường không thể
nhận thức hành động mà không gắng sức,
dạy chín thí dụ này để xóa bỏ
những nghi ngờ của người học.
Trong đời sống hằng ngày, khi muốn đạt được một cái gì đó,
chúng ta phải đưa nỗ lực vào đấy. Như thế khi nghe nói về Phật hạnh chúng ta có thể có những nghi ngờ bởi vì khó mà suy tưởng về hành động không gắng sức. Chín thí dụ này được cho để loại bỏ những nghi ngờ làm sao Phật hành động hoàn toàn không gắng sức.
78. Chín thí dụ này đã được dạy một cách tuyệt vời, đầy đủ
trong một kinh có tên giải thích mục đích các thí dụ này.
79. Bậc trí, được trang nghiêm bằng tuệ quang vĩ đại
sinh ra do tham cứu như thế sẽ nhanh chóng
nhập vào tất cả các cõi Phật ngự trị.
80. Chín thí dụ, như ảnh Đế-thích phản chiếu
nơi ngọc lưu ly, đã dạy điểm này.
Nghĩa chúng minh họa rất là chính xác:
Chín thí dụ này đã được dạy chi tiết trong kinh Trang Nghiêm Ánh Sáng Tuệ Giác[2] và có hai lý do để nghiên cứu các thí dụ đó: để tẩy trừ bất cứ nghi ngờ nào về sự hành động không gắng sức [vô công dụng hạnh] của Phật và ở một mức độ sâu hơn, đem Bồ-tát nhanh chóng đến Phật quả.
81. Thị hiện, lời nói, thâm nhập tất cả, các hóa thân,
sự chiếu sáng gủa tuệ giác, “huyền bí” của thân, ngữ, ý
và sở hữu bản tính từ bi.
82. Tâm vô niệm của các ngài,
tất cả các kênh gắng sức đã hoàn toàn an định,
giống như ảnh phản chiếu của Đế-thích
và v.v… hiện ra nơi ngọc lưu ly không tì vết.
83 Ở đây, là đề nghị “an định sự gắng sức”
Biện giải hợp lý là “tâm vô niệm.”
Các thí dụ, hình tướng của Đế-thích và v.v…,
giúp minh xác điểm trọng yếu tính bản nhiên.
84. Điểm trọng yếu ở đây là bậc thầy, người ở bên kia sinh tử,
thị hiện một cách không gắng sức chín điều này –
xuất hiện và v.v…
85. Hành động vì người một cách không gắng sức bao lâu
còn có tồn sinh –
như hành động của Đế-thích, trống, mây, Phạm thiên, mặt trời,
ngọc như ý của vua, tiếng vang, hư không,hay trái đất –
chỉ một mình đại hành giả yoga hiểu được.
Chín thí dụ này minh họa sự thị hiện của thân, ngữ, ý, và tính thấm nhập tất cả của Phật tâm, các hóa thân của Phật, những phẩm tính ôm trùm tất cả của tuệ giác của ngài, khía cạnh huyền bí của thân, ngữ, ý, và bi tâm của ngài.
Trong cuộc sống bình thường chúng ta chỉ biết hoạt động quan hệ với nỗ lực thể xác hay tinh thần. Điều này tương phản với đức Phật, hoạt động của ngài là không gắng sức bởi vì ngài không có bất cứ ý nghĩ nào để hoàn thành hoạt động của ngài. Sự vắng mặt của ý ghĩ này là bởi vì Phật sở hữu tuệ giác như thực cho phép ngài hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng đều là không. Ngài không cần suy nghĩ, “Bây giờ ta có thể hành động theo cách này.” Và với tuệ giác sai biệt, Phật có thể hành động hoàn toàn không gắng sức và tự phát.
86. Tương tự sự hiện ra nơi ngọc của Đế-thích –
sự thị hiện như trống trời –
ban cho sự chỉ dạy toàn hảo, những đám mây –
những ai có tri kiến toàn hảo và từ bi
sự bao trùm tất cả thâm nhập chúng sinh vô giới hạn
đến tuyệt đỉnh của tồn sinh tùy thuộc.
87. Giống như Phạm thiên, ngài thị hiện nhiều hóa thân
mà không bao giờ lìa khỏi cõi không cấu uế.
Như mặt trời, ngài phát ra tuệ quang cùng khắp
và như ngọc như ý, thanh tịnh toàn hảo, ý của ngài.
88. Như tiếng vang, vô ngôn là lời của bậc chiến thắng,
Như hư không, thấm nhập tất cả, vô tướng và
thường hằng, sắc tướng của ngài,
như trái đất, cái nền phổ biến của các loài dược thảo
là đức hạnh của chúng sinh, là cảnh giới của Phật.
89. Thấy chư Phật trong tâm này, có thể ví với ngọc lưu ly
trong suốt,
qua tâm thanh tịnh – phát triển năng lực của niềm tin
không thối chuyển.
90. Vì đức hạnh này hiện ra và biến mất,
các tướng của chư Phật cũng hiện ra và biến mất.
Tuy nhiên, như Đế-thích, Pháp thân của bậc đại thánh
ở bên kia sinh và diệt.
91. Giống như vị thần ấy, theo cách không gắng sức,
từ Pháp thân này không có sinh và tử,
ngài dấn thân hành động, thị hiện như thế,
chừng nào sự tồn sinh tùy thuộc vẫn còn.
Trong các thí dụ này, sự hiện thân của Phật được tượng trưng bằng mặt đất ngọc lưu ly, ngữ của Phật bằng trống thần, và ý của Phật bằng những đám mây và v.v…
92. Đây là nghĩa tóm lược của các thí dụ
được dạy theo thứ tự mà những bất đồng
bị loại bỏ từ cái trước đến cái sau.
93. Phật thì giống như ảnh phản chiếu, nhưng không giống –
ảnh phản chiếu không có giai điệu của ngài.
Ngài giống như trống trời, nhưng không giống –
trống trời chẳng lợi ích khắp mọi nơi.
Có người có thể nghĩ, “À, một thí dụ cũng đủ rồi, sao phải đưa ra đến chín thí dụ?” Lý do là Phật hạnh rất vi tế đến độ không thể trình bày nó bằng một thí dụ duy nhất. Thí dụ có những giới hạn và giới hạn của mỗi thí dụ kêu gọi một thí dụ khác. Trong thí dụ thứ nhất mặt đất ngọc lưu ly, giới hạn của thí dụ ấy là ảnh phản chiếu của Đế-thích chỉ là sự phản chiếu thân xác; nhưng khi Phật hiện ra sự phản chiếu này cũng có pháp âm đi kèm đem lại một thí dụ khác về pháp âm. Thí dụ thứ nhì về trống thần minh họa sự thị hiện không gắng sức của Phật ngữ; nhưng nó đi không đủ xa bởi vì trống thì đôi khi có lợi ích và đôi khi không tùy thuộc người ta có chú ý những gì nghe được hay không. Tuy nhiên, tất cả những lời của Phật ngữ giúp chúng sinh đạt đến sự thuần thục tâm linh trong tất cả thời gian.
94. Ngài giống như đám mây bao la, nhưng không giống –
mây không loại bỏ những hạt giống vô dụng.
Ngài giống như Đại phạm thiên, nhưng không giống –
Đại Phạm thiên không tạo được sự thuần thục lâu dài.
Thí dụ thứ ba về mây mưa đi không đủ xa bởi vì một đám mây mưa có thể đem lại cho chúng sinh lợi ích ngắn hạn, nhưng nó không thể loại bỏ những cái bất tịnh. Phật hạnh có lợi ích dài hạn phụ thêm làm giảm bớt sự tiêu cực của chúng sinh như thế cần thí dụ thứ tư về Phạm thiên. Phạm thiên có thể có ảnh hưởng rất tích cực đối với những kẻ trực tiếp quanh thần, nhưng thần không thể sánh được với Phật bởi vì Phạm thiên không thể loại bỏ hạt giống tiêu cực.
95. Ngài giống như hình mặt trời, nhưng không giống –
mặt trời không thể chiến thắng bóng tối mãi mãi.
Ngài giống như ngọc như ý, nhưng không giống –
sự xuất hiện của ngọc như ý thì không khó gặp.
Trong thí dụ thứ năm, mặt trời đánh tan bóng tối nhưng mặt trời chỉ có thể đánh tan bóng tối ban ngày và ban đêm bóng tối trở lại, trong khi Phật hạnh có thể đánh tan bóng tối của vô minh mãi mãi. Điều này khiến cần có một thí dụ thứ sáu để chứng tỏ việc làm vô tận của Phật hạnh. Trong thí dụ thứ bảy, ngọc như ý thì cứng chắc, trong khi Phật thực hiện hoạt động của ngài, trong khi hoàn toàn không hiện hữu, tạo ra sự cần có một thí dụ khác cho thấy tính không.
96. Ngài giống như tiếng vang, nhưng không giống –
tiếng vang phát sinh do nhân duyên.
Ngài giống như hư không, nhưng không giống –
hư không không phải là căn bản cho điều thiện.
Tiếng vang trong thí dụ thứ bảy, minh họa phẩm chất không hiện hữu nhưng tiếng vang phải có một người và một tảng đá để phản hồi âm thanh của tiếng vang, trong khi Phật hạnh thì luôn luôn hiện diện mà không có bất cứ điều kiện nào khác. Vì thế trong thí dụ thứ tám, hư không được ví với Phật hạnh bởi vì nó luôn luôn ở đó và tự nhiên không thay đổi, nhưng người ta không thể nói hư không là cái nguồn của tất cả những phẩm tính tốt phát sinh, trong khi Phật hạnh là cái nền từ đó tất cả hạnh phúc và tất cả những
phẩm tính tốt của Tính giác phát sinh. Như thế cần thí dụ thứ chín
về trái đất.
97. Ngài giống như một man-đa-la trái đất,
là cái nền chống đỡ tuyệt đối
cho mọi điều thiện trong đời sống hữu tình –
thế tục và siêu thế tục.
98. Bởi vì con đường siêu thế tục
phát sinh trên căn bản giác ngộ của Phật,
cũng vậy là con đường đức hạnh, thiền định không ngừng,
những chiêm nghiệm không giới hạn và những cái vô tướng.
Thí dụ cuối cùng ví Phật hạnh với trái đất chứng tỏ rằng Phật hạnh là căn cứ mà từ đó tất cả những phẩm tính giác ngộ phát sinh. Phật hạnh là cái nền từ đó những phẩm tính tối hậu của Phật, các địa của Bồ-tát, những phẩm chất của thiền định, và những đức hạnh vô lượng của Phật phát sinh.
Đây là chương thứ tư, về các hạnh của chư Như lai, theo sự Phân tích Tiềm năng những điều Hy hữu và Siêu việt trong “Luận Đại thừa Cứu cánh về Tính Liên tục Bất biến” này.