Phần 4: Chúng Ta Dụng Công Có Bị Sai Và Nhầm Theo Cách Hành Trì Của Các Pháp Thiền Khác Hay Không?

08/07/20204:52 SA(Xem: 5327)
Phần 4: Chúng Ta Dụng Công Có Bị Sai Và Nhầm Theo Cách Hành Trì Của Các Pháp Thiền Khác Hay Không?

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ
THÍCH TÂM HẠNH
ĐẶC TRƯNG TRONG PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ 
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


PHẦN 4:
 
CHÚNG TA DỤNG CÔNG CÓ BỊ SAI VÀ NHẦM
THEO CÁCH HÀNH TRÌ CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC HAY KHÔNG?

 

1.   ĐIỂM KHÁC BIỆT NỔI BẬT ĐỂ NHẬN RA ĐÓ LÀ THIỀN TÔNG (Thiền Thượng Thừa).

-  Trước hết là tin, biết có chân tâm.

-  Không thấy vọng tưởng, các pháp và sanh tử là có thật.

-  Không đoạn trừ, dứt sạch, mà chỉ dùng trí tuệ để hàng phục, vô hiệu hóa.

-  Không có một cõi Niết-bàn cố định để an trú, mà nơi nơi đều Niết-bàn

2.  HIỂU SAI PHÁP, VÔ TÌNH ĐI VÀO CÁC PHÁP THIỀN KHÁC.

Cách thực hành “Pháp Tri Vọng” Thượng Thừa đã được nêu rõ tại mục 4, phần 3 của chương 1 này. Nếu hành giả biết vọng mà còn dính kẹt vào một trong các trường hợp sau thì đã vô tình rơi vào con đường thực tập của các pháp thiền khác; trái với tính chất, nguyên lý và tinh thần Thiền Thượng Thừa:

- Thấy vọng tưởng là có thật, cảm thấy khó chịu và muốn hết mau cho khỏe. Xa hơn, còn thấy thân này, hoàn cảnh này là thật, đáng sợ.

- Có tấn công, dẹp trừ, dứt trừ cho sạch hết vọng.

- Khởi biết để biết về, biết theo đuôi vọng tưởng.

- Cầu mong vọng tưởng thưa dần để chứng đạt được từng bậc

3. ĐÚNG PHÁP, HÀNH TRÌ ĐÚNG THEO TINH THẦN THIỀN PHÁT TRIỂN (THIỀN TÔNG), CỤ THỂ LÀ THIỀN THƯỢNG THỪA.

3.1. Tin, biết mìnhPhật tánh, có khả năng tu hành thành Phật.

Dụng công thẳng đến tự tánh, hướng đến pháp “Tánh biết vọng” hay “Biết là chân tâm”.

3.2. Dùng trí Bát nhã thấy rõ vọng tưởngsanh tử không thật.

Dùng trí tuệ Bát nhã thấy tột, thấu suốt các pháp, trong đó có vọng tưởng, tất cả đều rỗng tuếch, không thực thể.

- Từ đó hạ thủ công phu, hành giả chỉ lặng lẽ, giác sáng, biết rõ ràng, không theo niệm khởi.

- Ngay biết là chân tâm biết, không can thiệp đến vọng tưởng.-Công phu chín muồi, tự tánh giác sáng bùng vỡ, hiển hiện rành rẽ, rõ ràng.

3.3. Không nhầm lẫn cho rằng Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là một.

Nếu Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là giống nhau thì vì sao lại có nhiều tên gọi, nhiều cách nhìn và dụng công tu tập khác nhau? Hơn nữa, Phật giáo có nhiều Tông phái và mỗi phái đã hình thành được hệ thống tu hành chuyên nghiệp rõ ràng. Không giống nhau từ sự nhìn nhận về giới luật, sanh tử, cho đến Kinh điển, phương pháp hành trì, kể cả tinh thần giác ngộ, giải thoát... Như thế, Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác không thể là một được.

Nếu hành giả chưa xác định rõ từng chi tiết một cách cụ thể, khúc chiết thì không khỏi thấy biết bị sai, dụng công lầm. Từ đó cho rằng pháp Tri Vọng của Thiền Thượng Thừa gần giống với các pháp thiền khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến không chuyên tâm một đường, công phu không đắc lực, không thể nhập được tự tánh, không nhận ra được giá trị của Thiền Thượng Thừa. Cũng do đây, quý vị đi khắp mọi miền tìm học mỗi nơi một ít để gom vào làm công phu, tu hành theo kiểu chắp vá. Có phước mới nhận ra sớm hơn. Nếu không, cuối đời ngồi lại mới thấy mình không đến đâu. Cả đời chỉ đem mình làm phòng thí nghiệm và kết quả thì chỉ là những rút kinh nghiệm mà thôi.

3.4. Không rơi vào trầm không trệ tịch.

Với tinh thần Phát triển, nhất là Thiền Thượng Thừa, chư vị Tổ sư, các Thiền sư chưa chấp nhận tại cơ lặng yên. Trong nhà thiền vẫn thường gọi là “Trầm không trệ tịch”, hoặc “Nước chết không chứa được rồng”, “Đầu sào trăm trượng”, “Vô tâm còn cách một lớp rào”.

a. Vô tâm còn cách một lớp rào.

Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:

Chớ bảo vô tâm gọi là đạo,

Vô tâm còn cách một lớp rào.

(Mạc vị vô tâm vân thị đạo,

Vô tâm du cách nhất trùng quan).

Vô tâm ở đây là do làm cho được vô tâm. Là do dứt sạch, vắng lặng mà được vô tâm. Tương đương với Bức Tranh Chăn Trâu số 8 trong nhà thiền. Hành giả đến điền địa này chỉ hay sáng sạch, lặng trong. Nhưng còn thiếu một tiếng sét giữa tầng không, tiếng chim vang lên trong khung trời thanh vắng, hay một tiếng “à” lên trong vỡ òa, hoặc chợt hay ra mọi thứ đang hiện bày ra đó... Cụ thể là trí chiếu phá sanh tử chưa hiển lộ cho nên các Thiền sư nói còn cách một lớp rào, chưa thấy tánh. Vì thế, Thiền sư Cảnh Sầm nói:

Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa,

Mười phương thế giới hiện toàn thân.

b. Ngộ bản tâm thì tâm thiền vốn tự vô (không). Cho nên ngay vô tâm, sức sống thiền đang hiển hiện.

Với tinh thần Thiền Thượng Thừa, Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam nói:

...Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Vì đã nhận ra của báu tức là ngộ tâm thì tâm ấy vốn tự vô, trong tâm ấy không một vật. Đến đây hành giả sẽ ngộ ra, ngay tánh sáng biết này vốn tự tịnh, tự định, muốn động cũng không được. Không phải làm cho được định thì tuệ mới sáng ra, mà ngay trí tuệ giác sáng biết khắp ấy vốn tự không động. Vì thế, định tuệ không trước không sau, cho nên Lục Tổ nói: “Định tuệ đồng thời”.

 Tâm thiền sáng rỡ không động ấy vốn không một vật, vốn tự không tâm nhưng linh thông hơn cả chủ động. Đồng thời tánh này hay sanh muôn pháp một cách tự tại, nhưng tánh thể vẫn thế, bất động. Đâu nhất thiết phải khởi phân biệt mới thấy biết mọi vấn đề? Đối trước tất cả trạng huống, cảnh vật đều thấy biết rành rẽ rõ ràng mà không phải phân biệt của ý thức. Sức sống thiền đã sáng rỡ ra đó, nhìn cảnh gì, đối diện hoàn cảnh nào mà chẳng phải là thiền. Đâu cần hỏi tìm thiền ở đâu nữa! Đây chính là sức sống của Thiền Thượng Thừa.

c. Tóm lại.

tu tập theo kiểu tạo tác làm thế nào đó để được vô tâm cho nên Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Vô tâm còn cách một lớp rào”. Do đó Ngài dạy: “Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa” thì sẽ ngộ ra tâm vốn tự không; sẽ hay ra lời Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm mới là thiền”.Hành giả tự soi lại công phu của mình để không rơi vào cơ lặng yên, không bị kẹt giữa đường để phải bị các Thiền sư quở. Thứ lớp như trên là do công phu của mỗi hành giả chứ không nhất thiết ai tu cũng phải trải qua tầng bậc cố định như vậy. Nếu khéo hạ thủ công phu, ngay mọi thứ trước mắt đây liền nhận thẳng tánh, không cần trải qua giai đoạn thuần tịnh, rơi vào cơ lặng yên. Nếu hành giả đã rơi vào đây thì cần biết cách phấn phát để tiến thêm.

3.5. Không trụ trong chỗ thanh tịnh chưa được đại tự tại.

Thiền sư Trạm Đường Chuẩn nói với ngài Đại Huệ Tông Cảo“Dạy ông nói cũng nói được. Bảo ông làm cũng làm được. Niêm cổ, tụng cổ, tiểu tham, phổ thuyết thảy được. Chỉ có một sự kiện chẳng phải, ông có biết chăng?... Ông chỉ thiếu một cái à! Vì thế khi nói thì có, khi chẳng nói liền không. Khi vào phương trượng thì có, khi ra phương trượng liền không. Khi tỉnh tỉnh thì có, khi ngủ mê liền không. Làm sao địch được sanh tử?”.

“Tâm ấy” chỗ này có, chỗ kia không, rõ ràng chưa phải thênh thang trùm khắp, vẫn còn chút vướng kẹt trong thuần thanh tuyệt điểm. Cho thấy, chưa phải là đại định hiện tiền của Thiền tông, do đó chưa được tự tại vô ngại.

Khi hành giả đạt đến chỗ thanh tịnh trong ngần tuyệt đối, không động, không còn vọng niệm. Có khi mạnh đến mức đi đứng nằm ngồi cho đến chạy nhảy, nói năng, làm tất cả việc vẫn được sáng trưng trong ngần như thế, không hề thấy động. Tuy nhiên, do vì trí chiếu phá sanh tử chưa được phát minh cho nên trong sâu thẳm vẫn còn ngăn ngại vi tế. Dấu hiệu dễ phát hiện là thích yên tĩnh, thầm thầm hơi ngán mọi công việc bề bộn, rộn ràng, ồn ào, áp lực... Dù không còn kềm giữ, nhưng vẫn thích sống trong môi trường thích hợp để vui với tâm không ấy. Như vậy thì cũng đã vi tế âm thầm có chăn giữ tâm rồi, cho nên lúc nào cũng như còn một cái gì đó chưa suốt thông tuyệt đối. Tự hỏi, nếu đối diện với cảnh chiến tranh, không có một nơi nào cho mình trú ngụ thì sẽ dụng công tu tập thế nào? Không bàn đến các điều kiện hay phương tiện tạm thời tu hành như thế nào đó, nếu thấy được sức sống đặc biệt này thì mới có chút phần tương ưng Phật Tổ.

3.6. Không trụ trong chỗ thanh tịnh, dễ phát sanh các tướng lạ, lầm đường.

Hơn nữa, khi còn ở trong chỗ thanh tịnh vô ngần này sẽ thấy thỏa mãn, khó nhận ra chỗ này chưa phải rốt ráo. Cho đến khi nào tỏ ngộ bản tâm, vượt qua rồi mới nhận biết. Trong chỗ thanh tịnh này chưa hết chướng ngại công phu. Còn là phàm phu thô phù thì chướng ngại cũng thô phù, không nguy hiểm, dễ điều trị. Nhưng đến chỗ thanh tịnh này mà chấp vào đó thì căn thức ngủ ngầm sẽ biến hiện nhiều điều khó lường. Tất cả các tướng của tưởng trong công phu lúc này không phải là nằm trong phạm trù của tưởng tượng để hành giả nhận biết. Cái căn thức trong thanh tịnh ấy nó tự biến hiện thành các tướng thù thắng khiến hành giả ưa thích, hoặc các tướng không tốt khiến cảm thấy khó chịu. Có khi hành giả tự thấy tất cả trong veo như lưu ly trong cõi Phật, hoặc phát hào quang; có trường hợp khác thì thấy bóng đen... Tất cả đều làm chướng ngại công phu. Lúc này căn thức tự nó làm việc của nó và chúng ta không thể thấy. Hành giả chỉ thấy biết được kết quả là các tướng đã hiện hình rồi, chứ không thể nhận ra sự tạo nên của căn thức. Nếu không có bậc thầy đã tỏ ngộ thì không thể giúp được. Nếu chấp sâu hơn thì sẽ còn nhiều sai lầm dẫn đến hậu quả đáng tiếc hơn. Điều này quý thầy không tiện nêu ra cụ thể ở đây. Bởi đến chỗ này, tâm thức con người rất tinh vi, đến nỗi chúng ta không thể nhận ra để tự kiểm tra mình được. Có khi đáng ra quý vị không bị chướng ngại A, nhưng khi nghe nói rõ ra thì tâm thức mình tự nó sanh ra chướng ngại đó. Đó là điều rất thật đã từng xảy ra. Do đó quý thầy nói, khi hạ thủ công phu tiến bộ, cần có vị thầy tỏ ngộ chứng minh và chỉ bày tiếp là vậy. Nhưng không phải ai tu cũng rơi vào chỗ khó khăn này. Đây là đề cập đến số ít hành giả nào công phu mà thích chỗ thanh tịnh rồi chấp và an trú trong đó thì mới sanh các tướng lạ. Nếu người nắm vững pháp tu thì một bề thẳng tiến, ngộ thẳng chứ không bị trở ngại này. Điều chính yếu ở đây là hành giả không được chấp và an trụ vào chỗ thanh tịnh trong ngần này rồi cho là đã chứng đắc. Cần phấn chấn quyết tâm cầu tiến thì công phu sẽ đắc lực, tất cả đều tốt, không bị chướng ngại gì.

3.7. Cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn.

Chúng ta có thể nhận ra cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn trình cho sư huynh mình là Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch.

Khi Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn triệt ngộ và làm bài tụng, Thiền sư Qui Sơn nghe được, nói với ngài Ngưỡng Sơn: “Kẻ này đã triệt ngộ.” Nhưng ngài Ngưỡng Sơn xin đến kiểm nghiệm lại.

Ngưỡng Sơn đến thăm ngài Trí Nhàn và bảo:

- Hòa thượng khen ngợi Sư đệ đã phát minh đại sự, thử nói tôi nghe?

Sư đọc bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe. Ngưỡng Sơn bảo:

- Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành, nếu thật chánh ngộ hãy làm bài tụng khác.

Sư nói tụng:

Năm xưa nghèo chưa thật nghèo,

Năm nay nghèo mới thật nghèo.

Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi,

Năm nay nghèo dùi cũng không.

(Khứ niên bần vị thị bần,

Kim niên bần thủy thị bần.

Khứ niên bần du hữu trác chùy chi địa,

Kim niên bần chùy dã vô).

Ngưỡng Sơn bảo:

Sư đệ ngộ Như Lai thiền mà chưa ngộ Tổ sư thiền.

Đất và dùi đều không, hay sạch hết tất cả nhưng chưa có cơ sống dậy. Thiền sư Ngưỡng Sơn bảo, mới ngộ được Như Lai thiền, còn Tổ sư Thiền (Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, hay Thiền Thượng Thừa) thì chưa.

Thiền sư Trí Nhàn nói tiếp bài tụng:

Ta có một ki (cơ),

Chớp mắt chỉ y.

Nếu người chẳng hội,

Riêng gọi Sa-di.

(Ngã hữu nhất ki (cơ),         

Thuấn mục thị y.

Nhược nhân bất hội,

Biệt hoán Sa-di).

Ngưỡng Sơn gật đầu và về thưa lại Qui Sơn:

- Rất mừng! Sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ sư thiền.

“Chớp mắt chỉ y” chính là đã có cơ sống thấu tột Thiền Thượng Thừa. Không bàn đến sự thanh tịnh vô ngần. Không còn thấy có tâm đáng giữ, có pháp đáng lìa... Chỉ là khắp nơi toàn tai mắt, nhúc nhích chính là “kẻ ấy”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo rồi cho nên khi ngài đi khất thực cũng là Phật, tọa thiền cũng là Phật, nói pháp cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho đến khi đi vệ sinh cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni chứ đâu có ai khác vào đó? Đã là Phật thì tất cả động tĩnh đều là Phật. Đã ngộ tột tánh mình thì nhất cử nhất động đều chính là tánh này. Cho nên nói: “Chớp mắt chỉ y”. Nhướng mày chớp mắt, đi đứng nằm ngồi, làm việc sinh hoạt... Tất cả đều là “y”, nào có ai khác chen vào? Khí phách Thượng Thừa là chỗ này. Vô tướng, bặt hết các tướng dù đó là tâm hay cảnh mà hay tự tại tùy duyên ứng hiện sanh các tướng, nhưng vẫn chưa từng sanh diệt bao giờ.

 

4.  NẾU TU THEO PHÁP TRI VỌNG MÀ DỤNG CÔNG NHẦM VÀO CON ĐƯỜNG CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC THÌ SAO?

Tu pháp này mà nhầm qua pháp khác thì không có pháp nào đúng cả.

Muốn đi lên một đỉnh núi nào đó, trước tiên chúng ta phải xác định cho được vị trí của đỉnh đến, tiếp theo cần xác định lộ trình, lối đi. Nếu không như thế thì càng đi càng bị sai lạc, loanh quanh, không đến đâu cả. Cũng thế, muốn hạ thủ công phu tu tập, hành giả phải tìm hiểu cho tường tận rồi xác quyết một hướng đi cho mình. Nếu muốn tu theo các pháp thiền khác thì nên đến gặp chư Tôn đức có kinh nghiệm bên pháp thiền ấy hướng dẫn. Nếu có duyên với Thiền Thượng Thừa thì nên tìm các bậc Thiện Tri Thức đã đạt ngộ chỉ bày cho mình. Sau khi đã xác định rồi thì quyết tâm đi theo một hướng mà mình đã chọn. Đã quyết định hướng đi rồi thì cứ một mạch thẳng tiến, không nên đứng núi này trông núi nọ. Nếu không xác định một cách rõ ràng, không quyết chí dứt khoát, tu học theo kiểu chắp vá thì sẽ đưa đến nhiều điều không như mong muốn; như là bệnh thiền hoặc không đến đâu.

 

5. GIẢ SỬTRƯỜNG HỢP DÙNG PHƯƠNG TIỆN ĐỐI TRỊ THÌ SAO?

Thời Phật còn tại thế, Ngài nói pháp, giáo hóa, chúng đệ tử vâng theo tu hành, Phật giáo chỉ thuần là Phật giáo, chưa có Tông phái. Đồng thời Phật nói pháp bình đẳng cho tất cả mọi người, không thiên vị nhắm đến một cá nhân. Hơn nữa, Pháp Phật là của tất cả những người hữu duyên, ai cũng có quyền ứng dụng để tu hành. Không có một pháp nào cố định là của một tông phái hay dòng thiền nào cả. Chỉ do cách nhận hiểu và ứng dụng có khác mà phương pháp ấy mang màu sắc riêng của từng dòng thiền hoặc Tông phái khác nhau. Các pháp phương tiện đối trị cũng vậy.

Lục Tổ nói: “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm thì đâu cần dùng tất cả pháp”. Ví dụ hành giả A nhẹ với tập khí sân thì khi gặp chuyện, chỉ cần tỉnh giác liền hết, không cần làm thêm gì cả. Nhưng với hành giả B, nghiệp sân này nặng hơn và do mới tu chưa có lực thì có thể dùng pháp quán từ bi, quán nhân duyên thấy tất cả đều huyễn hóa... để điều trị. Thì đây cũng là ứng dụng pháp của Phật, là bình thường. Khi công phu đã đủ mạnh, huynh B chỉ cần giác sáng thì lòng sân tự hết, lúc này huynh cũng đâu cần phải quán thêm gì nữa?

Vấn đề ở đây là hành giả tu Thiền Thượng Thừa biết rõ và tin chắc nơi mình có tánh Phật, có khả năng tu hành thành Phật. Đồng thời hướng tiến đến ngộ tâm, thành tựu Phật đạo. Lấy đó làm nền tảng căn bản và kim chỉ nam để tu tiến. Còn các phương tiện khác chỉ là tạm thời, không chấp và kẹt vào phương tiện. Nếu có trường hợp dùng phương tiện mà biết rõ như thế thì cũng chỉ là phương tiện tạm thời cho một cá nhân trong một hoàn cảnh hay giai đoạn tạm thời nhất định nào đó mà thôi. Đã xác định và có tầm nhìn trước như vậy thì không phải là rơi vào con đường thực hành của các Tông phái hoặc dòng thiền khác.

6.  KẾT LUẬN.

Bản chất của “Pháp tri vọng” là con đường hướng tiến của Thiền Thượng Thừa. Nếu hành giả khéo léo ứng dụng làm sao để không rơi vào tướng, không dính mắc, chấp trước hoặc tạo tác thì sẽ không sai với bản chất vốn có của nó. Càng mất hút dấu vết thì công phu càng đắc lực, tự tánh giác sáng hiện tiền. Đến khi sức giác đủ lớn, căn thức mê mờ yếu ớt nhỏ nhiệm thì sẽ có lúc thời tiết nhân duyên chín muồi. Không trước không sau, bất chợt giác tánh vụt sáng, thức mê chợt tan, chân trời tự tánh rành rành trước mắt, tự mình rõ ràng, nói không thể đến. Sống thẳng ngay đây là tu hành, là sống thẳng đến chánh nhân vô sanh. Từ nhân vô sanh để tu, công viên quả mãn, mới thành tựu được quả vị vô sanh mà chư Phật đã đạt đến viên mãn.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34453)
08/11/2018(Xem: 13372)
08/02/2015(Xem: 51499)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.