Chương 13: Quán Hành

03/07/201012:00 SA(Xem: 14596)
Chương 13: Quán Hành

LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội PL. 2546 - DL. 2003

CHƯƠNG XIII: QUÁN HÀNH

Hỏi: 

154)Như kinh Phật có nói,

Pháp bị cướp[1] là dối.

Các hành bị cướp đoạt,

Cho nên là hư dối. [1] 

Trong kinh Phật có nói: “Pháp bị (vô thường) cướp đoạt, là hư dối.” Pháp chân thật đệ nhất được gọi là Niết-bàn, không phải là pháp bị (vô thường) cướp đoạt. Vì kinh có nói như vậy, cho nên biết rằng có các hành, vốn là pháp hư dối, vì bị vô thường cướp đoạt.

Đáp:

155)Hư dối, bị cướp đoạt;

Cái gì bị cướp đoạt?

Phật dạy việc như thế,

Muốn chỉ bày nghĩa không. [2] 

Nếu pháp bị cướp đoạt là hư dối, thì trong các hành ấy cái gì bị cướp đoạt? Phật nói điều đó nên biết, đó là nói về tánh Không.

Hỏi: Làm thế nào biết tất cả các “hành” đều là tánh “không”.

Đáp: Vì tất cả các hành có tính chất hư đối, cho nên không. Các hành sanh diệt không dừng nghỉ, không tự tánh nên không. Các hành là năm ấm. Từ hành sanh ra, nên năm ấm được gọi là hành. Năm ấm đó đều hư dối, không có tướng quyết định. Vì sao?

Như sắc của đức bé khi là hài nhi không phải như sắc đứa bé lúc biết bò; sắc đứa bé lúc biết bò chẳng phải như sắc đứa trẻ khi biết đi; sắc của đứa trẻ lúc biết đi không phải như sắc của trẻ thiếu niên; sắc tướng của trẻ khi thiếu niên không phải như sắc lúc tráng niên; sắc tướng của người lúc tráng niên không phải như sắc tướng của người già nua. Như thế sắc từng sát na không đình trụ, do đó khi phân tích, không thể tìm thấy tính chất quyết định. Sắc của đứa hài nhi chính là sắc của đứa bé biết bò, cho đến sắc lão niên, hay là khác? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Nếu sắc của hài nhi tức là sắc biết bò cho đến sắc lão niên, như thế chỉ có một sắc đều là hài nhi, không có sắc khi biết bò cho đến lão niên. Lại như đất sét chỉ là đất sét thì không bao giờ thành cái bình. Tại sao? Vì sắc luôn luôn cố định. Nếu sắc khi hài nhi khác với sắc khi biết bò thì hài nhi không thể trở thành bé biết bò, biết bò không thể làm nên hài nhi. Tại sao? Vì hai sắc khác nhau. Như thế sắc của đồng tử thiếu niên, tráng niên cho đến lão niên, không thể tương tục, sẽ sai lầm ở chỗ mất pháp thân thuộc; Không cha, không con. Nếu thế chỉ có hài nhi mới có cha, ngoài ra, từ biết bò cho đến già đều không thể có phần. Thế nên cả hai đều có lỗi.

Hỏi: Sắc tuy không quyết định, nhưng sắc của hài nhi diệt rồi tương tục tái sanh khởi; cho đến tái sanh khởi sắc khi lão niên; như vậy không có lỗi như trên.

Đáp: Sắc của hài nhi nếu tương tục sanh khởi; là hủy diệt rồi tương tục sanh, hay là không diệt mà tương tục sanh? Nếu sắc hài nhi hủy diệt, làm thế nào có tương tục? Bởi vì không nhơn. Ví như, tuy có củi bị đốt nhưng lửa đã diệt nên không có tương tục. Nếu mà hài nhi không hủy diệt mà tương tục thì sắc hài nhi không diệt là thường trú bổn tướng cũng không tương tục.

Hỏi: Đây tôi không nói do hủy diệt hay không hủy diệt mà tương tục phát sanh; tôi chỉ nói nó không định trụ, mà sanh khởi theo tính chất tương tợ cho nên nó đã tương tục sanh khởi.

Đáp: Nếu ông nói thế ấy thì đã có sắc xác định rồi lại phát sanh nữa, như thế sẽ có nghĩa là có muôn vạn thứ sắc sanh ra, song điều ấy không đúng. Thế là cũng không có tương tục. Như thế, trong tất cả mọi trường hợp, tìm kỹ các sắc, không có tướng quyết định; chỉ vì do ngôn ngữ thế tục mà có thôi. Như nơi cây chuối, tìm lõi thật không thể có, chỉ có bẹ lá. Như thế, người trí suy nghiệm về sắc tướng, mỗi niệm mỗi niệm hoại diệt, không có thật sắc nào có thể có được. Sắc hình sắc tướng không định trụ, tương tợ tiếp nối phát sanh; khó có thể phân biệt. Như nơi ánh lửa, phân biệt sắc quyết định của nó chẳng thể được. Thế nên, sắc do không có tự tánh, nên không, chỉ do ngôn ngữ thế tục mà nói có.

Thọ v.v.. cũng như thế. Người trí quán sát bằng mọi cách, thấy rằng vì nó tiếp nối tương tợ nên sanh và diệt; khó có thể phân biệt mà biết. Như dòng nước tương tục chảy. Chỉ do sự giác tri mà nói có ba thứ thọ ở thân. Thế nên, phải biết thọ cũng được nói như sắc.

Tưởng, do bởi danh tướng mà phát sanh, nếu lìa danh tướng thì không sanh. Thế nên Phật dạy, “Phân biệt, biết danh tự tướng nên gọi là tưởng.” Nó không phải quyết định có trước. Từ các duyên phát sanh nên không có tánh quyết định. Vì không có định tánh, như bóng theo hình; nhân hình có bóng; không hình thì không bóng. Bóng không có tánh cố định. Nếu quyết định có, thì lìa hình, nên có bóng; mà thật không như thế. Thế nên từ các duyên phát sanh vì không tự tánh nên không thể hiện hữu. Tưởng cũng như thế, chỉ nhân danh tướng bên ngoài, do ngôn ngữ thế tục mà có.

Thức do bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc; và mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mà phát sanh. Vì các căn mắt v.v.. riêng biệt, nên thức nó có sự riêng biệt. Thức ấy ở mắt hay là ở nơi sắc, hay là ở khoảng giữa? Không có quyết định, chỉ có phát sanh rồi mới nhận thức trần cảnh, nhận thức người này, nhận thức người kia. Cái nhận thức về người này chính là cái nhận thức với người kia, hay hai cái khác nhau, cả hai đều khó có thể phân biệt. Như cái nào là thức con mắt, cái nào là thức lỗ tai cũng khó phân biệt. Do vì khó phân biệt, nên dù có một, hay nói khác đều không có sự phân biệt quyết định. Vì nó từ các duyên mà phát sanh. Mắt v.v.. do phân biệt nên không có tự tánh. Như con hát ngậm hạt châu, sau khi nhả ra, rồi lại cho người khác thấy, người ta sẽ nghi ngờ, đó có phải là hạt châu cũ không, hay là hạt khác? Thức cũng như thế. Sanh rồi lại sanh; thức ấy vốn là cái thức gốc hay là cái thức nào khác? Thế nên biết, thức không đình trú nên không có tự tánh, hư dối như huyễn.

Các hành cũng như thế. Các hành là thân, khẩu, ý. Hành có hai thứ; tịnh và bất tịnh. Những gì là bất tịnh? Những sự tham trước gây tổn hại cho chúng sanh gọi là bất tịnh. Làm các việc gì chẳng não hại chúng sanh; nói lời chân thật, không tham trước v.v.. gọi là tịnh. Hành có tăng, có giảm; Hành thuần tịnh sẽ sanh trong cõi người và các cõi trời, Dục, Sắc, Vô sắc; thọ quả báo rồi thì giảm, lại tạo nữa gọi là tăng. Hành bất tịnh cũng như thế. Ở trong địa ngục, ngạ qủy, súc sanh, A tu la thọ quả báo rồi thì giảm; trở lại tạo nên gọi là tăng. Thế nên, các hành vi có tăng có giảm, do đó không dừng trụ. Như người có bịnh, tùy trường hợp chữa trị thích hợp thì bịnh được lành, nếu không thích hợp, bịnh sẽ trở lại. Các hành cũng như thế, có tăng có giảm nên không cố định; chỉ do ngôn thuyết của thế tục mà có. Nhơn thế tục đế mà thấy được đệ nhất nghĩa đế. Đó là, duyên vô minh có các hành, từ các hành mà có thức kết sanh, do thức kết sanh nên có danh sắc, từ danh sắcsáu nhập, từ sáu nhập có xúc, từ xúc có thọ, từ thọ có ái, từ ái có thủ, từ thủ có hữu, từ hữu có sanh, từ sanh có lão tử, ưu bi khổ não, ân ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ v.v. Như thế các khổ đều do hành làm gốc. Đức Thế Tôn theo thế tục đế mà nói. Nếu chứng đắc đệ nhất nghĩa đế, phát sanh trí huệ chân thật, thì dứt được vô minh. Vô minh dứt, các hành cũng không tập khởi. Các hành không tập khởi thì các phiền não bị đọan trừ ở kiến đạo như thân kiến, nghi, giới cấm thủ v.v.. cũng bị đoạn trừ, và các phiền não bị đoạn trừ bởi tư duy (tu đạo) như tham, nhuế, sắc ái, vô sắc ái, vô minh cũng đoạn. Do sự đoạn trừ như vậy mà từng phần một bị hủy diệt. Tức là vô minh, các hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, ưu bi khổ não, ân ái biệt ly, oán tăng hội khổ v.v. đều diệt. Do sự diệt trừ như vậy mà thân năm ấm hoàn toàn bị diệt không còn nữa, duy chỉ có tánh không. Thế nên, đức Phật vì muốn chỉ bày nghĩa không, nên Ngài nói các hành là hư dối.

Lại nữa, vì các pháp không tự tánh nên hư vọng, vì hư vọng nên không. Như bài tụng nói:

156)Các pháp vì dị biệt,

Nên biết không tự tánh.

Pháp không tánh cũng không,

Vì tất cả Pháp không.[2] [3] 

Các pháp không có tánh. Vì sao? Các pháp tuy sanh khởi, nhưng không trú tự tánh, thế nên Không tánh. Như đứa hài nhi nếu quyết định thường trú tự tánh sẽ không bao giờ trở nên đứa bé biết bò cho đến lão niên. Nhưng đứa hài nhi theo sự tương tục tiếp nốixuất hiện tướng dị biệt từ biết bò cho đến lão niên. Thế nên nói, vì thấy tướng dị biệt của các pháp nên biết không tự tánh.

Hỏi: Nếu các pháp do tướng dị biệt nên không có tự tánh; vậy thì có pháp vốn vô tánh, điều ấy có lỗi gì?

Đáp: Nếu không tự tánh làm thế nào có pháp? Làm gì có tướng. Vì sao? Vì không cội gốc, mà chỉ do phá tánh nên nói không có tánh. Pháp vô tánh nếu có thì không nói rằng tất cả pháp đều không, nếu tất cả pháp đều không, làm thế nào có pháp vô tánh?

Hỏi: 

157)Các pháp nếu vô tánh,

Làm sao nói hài nhi.

Cho đến lúc lão niên,

Có rất nhiều dị biệt? [4] 

Các pháp nếu không tự tánh thì không có tướng dị biệt; mà ông nói có tướng dị biệt nên mới có tánh của các pháp. Nếu khôngtự tánh của các pháp làm sao có tướng dị biệt?

Đáp:

158)Nếu các pháp có tánh,

Làm sao có dị biệt?

Nếu các pháp vô tánh,

Làm sao có dị biệt? [5] 

Nếu các Pháp quyết định có tánh, làm thế nào có thể có tánh dị biệt? tánh nghĩa là hiện hữu cố định, không thể biến đổi. Như vàng ròng chẳng thể biến đổi. Lại như tánh tối không thể biến đổi thành sáng, tánh sáng chẳng thể biến thành tối.

Lại nữa:

159)Pháp này không dị biệt,

Pháp khác cũng không dị.

Như trẻ không thành gia,

Già cũng chẳng thành trẻ. [6] 

Nếu pháp có dị biệt, tất phải có tướng dị biệt. Vậy chính pháp ấy dị biệt, hay pháp khác dị biệt? Cả hai đều không đúng. Nếu chính pháp ấy là dị biệt, thì sự già mới trở thành già. Nhưng thật ra sự già không trở thành già. Nếu pháp khác là dị biệt thì già và trẻ khác nhau mới có thể trẻ trở thành già. Nhưng thật ra, trẻ không trở thành già. Cả hai đều có lỗi.

Hỏi: Nếu chính Pháp ấy là dị biệt, có lỗi gì? Như ngày nay mắt thấy, thiếu niên trải qua bao nhiêu ngày, tháng, năm thành già.

Đáp:

160)Nếu chính pháp ấy dị, cộng

Sữa phải chính là bơ.

Lìa sữa có pháp gì,

Có thể trở thành bơ. [7] 

Nếu chính pháp ấy là dị biệt, thì sữa lẽ ra phải là bơ, chứ không cần nhân duyên; điều ấy không đúng. Vì sao? Về sữa và bơ có nhiều sự sai khác nhau, nên sữa không thể chính là bơ. Thế nên, chính pháp đó không phải là dị biệt. Nếu cho rằng, pháp khác là dị biệt, cũng không đúng. Vì lìa sữa chẳng có vật gì thành ra bơ. Như thế suy nghĩ chính pháp đó không phải là dị biệt. Nếu cho rằng pháp khác là dị biệt, cũng không đúng. Vìa lìa sữa chẳng có vật gì thành ra bơ. Như thế suy nghĩ chính pháp đó không dị biệt, pháp khác cũng không dị biệt. Do đó, không nên có sở chấp phiến diện.

Hỏi: Dù bác bỏ không phải chính cái đó hay cái khác, vẫn còn có tánh không. Tánh không chính là pháp?

Đáp: 

161)Nếu có pháp bất không,

Thì mới có pháp không.

Thật không pháp bất không,

Làm sao có pháp không? [8] 

Nếu có pháp bất không, do quan hệ nhau, có thể có pháp không. Mà từ trước đến nay đã dùng mọi cách phá pháp bất không. Không có pháp bất không, thì không có sự đối đãi nhau; do không có sự đối đãi nhau, làm thế nào có pháp không?

Hỏi: Ông nói vì pháp bất không không có nên pháp không cũng không có. Nếu thế, đó chính là nói về không. Nhưng vì không có sự quan hệ đối đãi, cho nên không nên có chấp trước. Nếu có sự tương đối thì phải có quan hệ đối đãi. Nếu khôngtương đối, thì không quan hệ đối đãi. Không có quan hệ đối đãi nên không có tướng, vì không có tướng, nên không có chấp. Như thế chính là chủ trương có tánh không.

Đáp:

162)Đại thánh nói pháp không,

Vì để lìa kiến chấp.

Nếu lại thấy có không,

Chư Phật khó hóa độ. [9] 

Đức Đại Thánh vì phá 62 thứ kiến chấp và các phiền não như vô minh, tham ái v.v… nên nói tánh không. Nếu người đối với tánh không lại phát sanh kiến chấp, người ấy không thể hóa độ. Thí như, người có bịnh cần uống thuốc để điều trị, nếu thuốc lại thành bịnh thì không thể điều trị. Như lửa từ củi phát xuất, dùng nước tưới có thể mát; nếu nó từ nước phát sanh lửa thì dùng gì để dập tắt? Như tánh không là nước, hay hủy diệt được các lửa phiền não. Có người tội nặng, tâm tham lam chấp trước sâu dày, trí tuệ cạn cợt, nên đối với tánh không phát sanh kiến chấp, hoặc nói, có tánh không, hay nói không có tánh không. Nhơn nơi có, không trở lại sinh khởi phiền não. Nếu dùng không mà hóa độ người này, thì họ nói rằng, “Tôi lâu nay đã biết không ấy.” Nếu lìa không, chẳng có đại Niết-bàn. Như kinh dạy, “Lìa ba môn không, vô tướngvô tác mà có thể giải thoát, ấy chỉ là nói suông.”


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Hán: vọng thủ tướng, tướng của sự chấp thủ một cách sai lầm. Bản Phạn nói: mowa-dharma: pháp hư vọng, cũng có nghĩa pháp bị cướp đoạt. Luận Câu-xá phẩm 1 tụng 7 nói: “các pháp bị vô thường nuốt chững.”

[2] Quán hànhquán tưởng các hành nghiệp hư ảo vô minh. Trong kinh đức Phật thường diễn bày, những thứ vọng tưởng và các thứ thủ chấp mê hoặc. Và Ngài cũng chỉ bày phương pháp các hạnh tu hành chỉ quán, để dẹp trừ các hư vọng thủ chấp. Việc làm của đức Phậttùy theo phương tiện, cơ duyên, khi nói có, khi nói không. Nói có để dẹp thành kiến chấp không; nói không để gạt bỏ quan niệm thủ hữu. Sự thật tất cả đều vô tánh. Vô tánh nên không có cái gì gọi là thật có thủ chấp hư vọng. Nhưng nếu lại chấp có cái không tánh, đó cũng là rơi vào hư vọng, mê chấp.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/11/2012(Xem: 16607)
15/04/2017(Xem: 8257)
19/05/2022(Xem: 5774)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.