- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
THẤY NHƯ HUYỄN
Tu Bồ Đề! Nếu có người đem bảy báu đầy vô lượng a tăng kỳ thế giới dùng để bố thí thì phước đức cũng không bằng phước đức của người thiện nam người thiện nữ phát tâm Bồ đề, giữ gìn kinh này, dù chỉ bốn câu kệ, thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói.
Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động.
Vì sao thế?
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương như điện chớp
Phải quán thấy như vậy.
Một lần nữa, lần sau cùng của Kinh, Đức Phật nói phước đức người thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói thì hơn mọi bố thí có thể tưởng tượng ra được. Bố thí dầu lớn lao đầy vô số thế giới vẫn là phước đức hữu vi, giới hạn trong ba cõi. Còn người trì kinh, vì người diễn nói thì khiến cho mình và cho người ngộ nhập tánh Không, tuy thân ở trong ba cõi mà thoát khỏi ba cõi.
Thế nào là vì người diễn nói? Đó là người ở trong tánh Không diễn nói cho người cũng ở trong tánh Không. Thế nên càng thọ trì đọc tụng, càng vì người diễn nói thì càng đi sâu vào tánh Không.
Ngay lúc này, bất cứ ai mà “chẳng giữ lấy tướng, như như chẳng động” bèn đang ở trong Nền tảng tánh Không. Rồi cứ ở trong đó, cứ trụ trong đó cho đến khi không thể ra nữa. Nhìn thấy sắc nào cũng là sắc Không, nghe âm thanh nào cũng là thanh Không, nghĩ đến pháp nào cũng là pháp Không… Đây chính là tự mình đã trả lời cho câu hỏi, “Trụ thế nào?”. Đây chính là tự mình “thọ trì đọc tụng” trong từng niệm niệm.
“Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”, đây chính là tánh Không. Thâm nhập tánh Không đến Địa thứ Tám, địa này được gọi là Bất động địa, hay còn gọi là Đồng chân địa, hoàn toàn giải thoát khỏi sanh tử. Bất động nghĩa là sanh tử chẳng chuyển động nữa, sanh tử đã chết. Đồng chân nghĩa là chưa từng nhiễm ô, chưa từng có sanh tử.
Tại sao chẳng giữ lấy tướng và do đó như như chẳng động? Bởi vì các tướng và các tưởng thì chẳng thể nắm lấy vì “như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như điện chớp”.
Các tướng và tưởng do ba yếu tố chính là căn, trần, thức nương dựa nhau, duyên khởi lẫn nhau mà thành, do đó hình như có hiện nhưng là như huyễn, như mộng. Càng thấy tướng như huyễn như mộng chừng nào thì tánh không chỗ trụ càng hiện rõ chừng ấy. Ngược lại, càng trụ trong tánh không chỗ trụ chừng nào thì tướng càng được chứng thực là như huyễn như mộng chừng ấy.
Thấy được tâm (các tưởng) và pháp (các tướng) là như mộng, huyễn, bọt, ảnh… thì ngay lúc đó người ta thấy sự giải thoát ngay trước mắt. Bởi vì lúc ấy người ta không còn giữ lấy tướng và do đó trở lại tâm không chỗ trụ bổn nguyên.
Nếu giữ được cái thấy như mộng, như huyễn ấy không mất, thì người ta sẽ thật sự giải thoát, vì sanh tử không còn bóng dáng.
Lúc ấy là sự thành tựu những câu Kinh ở trước “phàm hễ có tướng đều là hư vọng”, và “lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”.
Trong các bản dịch khác ngoài sáu thí dụ này còn có ba cái nữa, “như sao, như đèn, như mây”. Tất cả đều nói lên tính chất vô tự tánh, sanh diệt trong từng niệm niệm, ảo ảnh, không có thật như người thường vẫn thấy.
Cho nên thấy các pháp như huyễn, như mộng… thì tự nhiên an trụ trong tánh Không. Càng thấy các pháp như huyễn như mộng thì sanh tử càng tan rả, càng mất đi dáng vẻ “một hợp tướng”.
Quán thấy như vậy thì gọi là chánh quán. Gọi là chánh quán vì nó phá tan cái tà quán thấy có sanh tử khổ đau của chúng ta.
Chẵng giữ lấy tướng như huyễn, bèn ngay đó ở trong tánh vốn như như chẳng động. “Chẳng giữ lấy tướng, như như chẳng động”, tâm hoàn toàn không ô nhiễm như vậy, thì đó là tâm giải thoát, huệ giải thoát, mà Kinh này gọi là tâm không chỗ trụ, trí huệ Bát nhã.
Phật nói kinh này rồi, Trưởng lão Tu Bồ Đề và các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, tất cả thế gian trời người a tu la…nghe Phật nói đều rất hoan hỷ, tin nhận vâng làm.
Đoạn kết thúc kinh Đức Phật nói quán thấy như huyễn. Như vậy là trong toàn bộ kinh, Đức Phật đã nói về ba phương diện chính trong nhiều phương diện của tánh Không. Thực hành Chỉ, Quán, Thiền theo ba phương diện ấy chúng ta sẽ ngộ hay thấy trực tiếp tánh Không, và sau đó nhập hay sống trong tánh Không cho đến lúc tròn vẹn.
Ba phương diện ấy là:
- Tánh Không: là vô tự tánh, cho nên vô sở hữu, bấc khả đắc. Do đó tâm chúng ta không trụ và toàn khắp như tánh Không không có chỗ trụ.
- Tánh Như: là phương diện Chân Như hay Diệu Hữu của tánh Không. Tâm chúng ta không ngả về có, không ngả về không, do đó an trụ trong tánh Như.
- Như Huyễn: các tướng và tưởng là không thật, không thể nắm bắt. Do đó tâm không bị các tướng và tưởng níu kéo, trói buộc.Ba phương diện ấy bổ túc nhau, không lìa nhau, hỗ trợ cho nhau để chúng ta càng ngày càng thấy rõ thực tại nền tảng là tánh Không. Chỉ cần đi vào một phương diện thì cũng thấy ra hai phương diện kia của tánh Không.
Người ta đi vào tánh Không với ba phương diện ấy bằng Chỉ, Quán và Thiền. Thực hành một hay cả ba pháp môn này, người ta vượt qua bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và dần dần cảm nghiệm được tánh Không. Đến một thời điểm quyết định, người ta thấy trực tiếp tánh Không, xác quyết nó và tiếp tục sống với nó qua những hạnh Bồ tát cho đến khi viên mãn.
Sự đầy đủ của cái thấy biết tánh Không như thế cũng đồng thời với sự đầy đủ của hạnh, hay sự đầy đủ của công đức. Con đường hợp nhất của cái thấy hay trí huệ Bát nhã và hạnh hay công đức đi đến chỗ viên mãn thì thành Phật.