Thiền và vũ sĩ đạo

09/08/20184:07 SA(Xem: 6204)
Thiền và vũ sĩ đạo

THIỀN VÀ VŨ SĨ ĐẠO 
(Zen and the Samurai) 
Nguyên tác: Suzuki Daisetsu 
Dịch chú: Nguyễn Nam Trân

Đôi lời giới thiệu:

Bài viết dưới đây là bản dịch Chương IV của tác phẩm Zen and Japanese Culture (Thiền và văn hóa Nhật Bản, bản hiệu đính năm 1958, từ trang 61 đến 85) của học giả Suzuki Daisetsu. Ông là một triết gia chuyên về triết học Phật giáo, tên thật là Suzuki Teitarô (Linh Mộc Trinh Thái Lang). Ông ra đời vào năm 1870 tại thành phố Kanazawa, thuộc Ishikawa, một tỉnh miền trung đảo Honshuu nhìn về hướng đại lục. Tốt nghiệp khoa triết Đại học đế quốc Đông Kinh, từng tham thiền tại chùa Viên Giác (Engakuji) ở Kamakura, nhận đạo hiệu Daisetsu (Đại Chuyết) nghĩa là Kẻ Hết Sức Vụng Về. Năm 1897 ông sang Mỹ và làm việc trong ngành xuất bản ở bang Illinois. Trong thời gian đó, đã viết Discourse on the Awakening of Faith in the Mahayana (Đại thừa khởi tín luận, 1900) và Outlines of Mahayana Buddhism (Đại thừa Phật giáo khái luận, 1907). Sau khi về nước, dạy học ở Đại học Gakushuuin (Tôkyô) rồi Đại học Ôtani (Kyôto). Đã viết tất cả trên 30 tác phẩm bằng tiếng Anh và trên 120 tác phẩm tiếng Nhật. Được biết đến như một người có công truyền bá tư tưởng Thiền tông đến cộng đồng quốc tế. Mất năm 1966, thọ 96 tuổi.

 Suzuki Daisetsu (1870-1966)Suzuki Daisetsu (1870-1966)

Có thể chúng ta lấy làm lạ khi nghe nói rằngThiền có liên quan với đời sống tinh thần của giai cấp vũ sĩ Nhật Bản dưới một dạng nào đó. Khi Phật giáo hưng thịnh ở bất cứ nước nào và cùng với tông phái nào, bao giờ cũng là tín ngưỡng của lòng từ bi. Trong suốt quá trình lịch sử biến thiên của Phật giáo, không bao giờ ta thấy tôn giáo này vướng vào những hành vi hiếu chiến. Thế thì cớ gì Thiền lại có thể là yếu tố nung nấu tinh thần chiến đấu nơi người vũ sĩ?

Trên đất Nhật, Thiền đã gắn bó chặt chẽ từ những ngày đầu tiên với lối sống của người samurai. Tuy nhiên, Thiền không kích thích một cách lộ liễu những hành vi đẫm máu vốn là chức nghiệp của lớp người này mà chỉ âm thầm hỗ trợ cho họ những khi vì một lý do nào đó, họ tìm đến với Thiền. Thiền chi viện trên hai phương diện: đạo đứctriết học. Lý do là về mặt đạo đức, Thiền là giáo lý dạy con người không được nhìn lại đằng sau mỗi khi đã dứt khoát quyết định một hướng đi, còn về mặt triết học, Thiền coi sự sống và cái chết chẳng có gì khác nhau. Thái độ không ngoái đầu nhìn nếu có cũng là nhờ ở một sự xác tín có tính triết lý. Thế nhưng, vì Thiền vốn là tôn giáo của ý chí nên ảnh hưởng đến khía cạnh đạo đức hơn là triết học trong tâm hồn của người vũ sĩ. Nếu nhìn từ quan điểm triết học, ta thấy Thiền trọng trực giác hơn luận lý bởi vì, đối lập với luận lý, trực giác mới là phương tiện ngắn nhất để tìm đến chân lý. Do đó, nơi Thiền, về cả hai mặt đạo đứctriết học, đã có những yếu tố hấp dẫn tầng lớp quân nhân. Tâm hồn quân nhân khá đơn thuần và đó là bản chất của người vũ sĩ. Họ không thể chìm đắm trong những mày mò của tư duy triết học nên dễ hòa hợp với tinh thần Thiền tông. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến người samurai cảm thấy gần gũi với Thiền.

Hai nữa, phương pháp tu hành của Thiền giản dị, trực tiếp, tự phán và khắc kỷ. Những giới luật này đi đôi với tinh thần chiến đấu. Người chiến sĩ bao giờ cũng chỉ nghĩ theo một hướng và có mục đích duy nhất là chiến đấu, không bao giờ ngoái lại đằng sau hay nhìn hai bên lề. Đối với họ, tiến thẳng ra đằng trước để tiêu diệt kẻ thù là điều quan trọng nhất. Do đó, họ không muốn bị một lực nào khác cản trở cho dù nó đến từ thân xác, tình cảm hay trí thức. Nếu đầu óc họ còn nuôi dưỡng một số hoài nghi về mặt tri thức thì con đường tiến ra phía trước sẽ bị ngăn chặn, trong khi đó những bám víu tình cảm và thân xác cũng trở thành chướng ngại vật khi họ muốn tiến hành nghề nghiệp của mình một cách có hiệu quả. Người chiến sĩ lỗi lạc phải biết cấm dục hay khắc kỷ, nghĩa là có ý chí sắt thép. Và điều này, Thiền có thể mang đến cho họ lúc cần thiết.

Thứ ba là giữa Thiền và tầng lớp quân nhân Nhật Bản vốn có một quan hệ lịch sử. Đại sư Eisai (栄西Vinh Tây, 1141-1215) được xem như người đầu tiên du nhập Thiền vào đất Nhật, thế nhưng hoạt động của ông có phần bị cản trở ở vùng Kyôto, lúc đó là trung tâm của các tông phái Phật giáo truyền thống. Mở ra một tông phái mới nơi đây là một việc hầu như bất khả vì sẽ gặp sự chống đối của Cựu Phật giáo. Ở một chừng mực nào đó, Eisai đã phải đi đến thỏa hiệp khi có thái độ hòa giải với hai giáo phái Tendai (Thiên Thai) và Shingon (Chân Ngôn). Tuy vậy, trở ngại có tính cách lịch sử này không hề xảy ra ở vùng Kamakura, cứ điểm của chính quyền do họ Hôjô (北条Bắc Điều) lãnh đạo. Mặt khác, Hôjô là một tập đoàn quân nhân kế nghiệp nhà Minamoto, vốn đã dấy binh để chống lại nhà Taira và quí tộc cung đình ở Kyôto. Giới công khanh quí tộc sở dĩ đánh mất quyền kiểm soát chính trị vì họ đã trở nên quá ẻo lả và nho nhã, thiếu quyết đoán, rốt cuộc thoái hóasuy sụp. Chính quyền Hôjô thì khác, họ nổi tiếng là những người cấm dục và có kỷ luật đạo đức cao, đã xây dựng được một hệ thống hành chánh vững chãi và một thiết bị quân sự hùng hậu. Những người đứng đầu hệ thống quyền lực mạnh mẽ đó đã biết tham Thiền, xem nó như chỉ nam tinh thần cho mình, và về mặt tôn giáo, không đoái hoài đến hệ thống tôn giáo có sẵn. Do đó, Thiền đã ảnh hưởng trên rất nhiều phương diện đời sống văn hóa của người Nhật kể từ thế kỷ 13, qua suốt thời Ashikaga và đến cả thời Tokugawa.

Thiền không có một triết học hay lý thuyết nào, cũng không phải là một tập hợp những khái niệm hay mẫu mực trí thức, ngoại trừ việc nó muốn kéo con người ra khỏi sự ràng buộc của sinh tử bằng sự hiểu biết thông qua trực giác, phương tiện đặc thù của nó. Chính vì thế mà Thiền rất nhu nhuyễn để có thể thích ứng với bất cứ triết học hay chủ thuyết đạo đức nào, chỉ cần là chúng không đi ngược với giáo lý về trực giác của nó. Do đó, Thiền có thể kết hợp với chủ nghĩa vô chính phủ hay chủ nghĩa phát xít, cộng sản hay dân chủ, vô thần luận hay duy tâm luận cũng như mọi thứ giáo điều chính trị và kinh tế. Dù sao, Thiền luôn luôn cổ vũ cho một tinh thần cách mạng. Khi mọi sự rơi vào ngõ cụt (chuyện xảy ra vào thời điểm khi người ta chôn chân trong tập quán, chủ nghĩa hình thức hay những chủ nghĩa có tính bảo thủ chấp nê), Thiền sẽ thể hiện oai phong của nó và chứng tỏ mình là một thế lực cách tân bằng cách phá vỡ hiện trạng. Về phương diện này, tinh thần của thời đại Kamakura đã tỏ ra hòa điệu với tinh thần đầy nam tính (viril) của Thiền tông.

Người Nhật có câu:"Giáo phái Thiên Thai dành cho hoàng tộc, Chân Ngôn dành cho quí tộc, Thiền là của người vũ sĩ và Tịnh Độ là của đại chúng bình dân". Lời nói này rất phù hợp với thực trạng của từng tông phái Phật giáo Nhật Bản. Hai phái Thiên ThaiChân Ngôn có nhiều nghi thức. Lễ lạc do họ tổ chức đều phiền toái, xa hoatráng lệ, tương xứng với sở thích của tầng lớp quí tộc tao nhã. Tịnh Độ thì nhờ ở sự đơn giản của tín ngưỡnggiáo lý nên thỏa mãn được đòi hỏi tinh thần của người bình dân. Thiền là tôn giáo dựa trên sức mạnh của ý chísức mạnh này là cái mà người chiến sĩ cần thiết cấp thời cho dù họ bắt buộc phải được soi sáng bởi trực giác.

Nhân vật đầu tiên trong đại tộc Hôjô đã tìm đến với Thiền là Tokiyori (北条時頼1227-1263), người kế nghiệp Yasutoki, cha mình, lãnh chức Shikken (執権Chấp quyền). Ông cho mời những thiền tăng Nhật Bản từ Kyôto cũng như một số đại sư Trung Quốc trực tiếp từ Nam Tống đến Kamakura rồi chuyên chú tham thiền dưới sự hướng dẫn của họ. Cuối cùng, Tokiyori đã quán triệt được thiền ý sâu xatrở thành một tấm gương sáng, kích thích gia thần của mình noi theo.

Ngột Am (兀庵Gottan, 1197-1276), thiền sư Trung Quốc, người năng nổ chỉ đạo về Thiền cho Tokiyori suốt 21 năm trời đến ngày ông ngộ đạo, đã để lại một bài kệ cho người học trò danh giá của mình như sau:

Ngã vô Phật pháp nhất thời thuyết, 
Tử diệc vô tâm vô sở đắc. 
Vô thuyết vô đắc vô tâm trung, 
Thích Ca thân kiến Nhiên Đăng Phật.

(Phật pháp ta chưa từng phát biểu 
Ngài lại vô tâm, không thấu hiểu.  
Không nói, không hiểu, lòng trống không,  
Thích Ca mới gặp Nhiên Đăng thật).

Tokiyori nắm vai trò chấp chính một cách gương mẫu, năm 1263, ông qua đời ở tuổi 37. Khi biết cái chết sắp đến kề bên, bèn mặc áo cà sa, ngồi tọa thiền, tỉnh táo đọc bài thơ giã biệt cuộc đời (jise no shi = 辞世の詩từ thế thi):

Nghiệp kính cao huyền, 
Tam thập thất niên. 
Nhất chùy đả toái, 
Đại Đạo đản nhiên,

(Băm bảy năm trời,  
Kính nghiệp cao vời.  
Một chày đập nát,  
Đường Lớn nay khơi).

Hôjô Tokimune (北条時宗1251-1284) là con trai độc nhất của ông. Năm 1268, vừa 18 tuổi, Tokimune đã nối nghiệp cha. Ông là nhân vật vĩ đại nhất mà quê hương Nhật Bản đã sinh thành. Nếu không có ông, có lẽ lịch sử đã đổi dòng và Nhật Bản không sao có được một đất nước như ngày hôm nay. Ông giữ chức Shikken từ năm 1268 cho đến 1284 và trong khoảng thời gian ấy, người đã lập đại nghiệp hai lần đánh đuổi giặc Mông Cổ (Nguyên khấu元寇) sang xâm lăng chính là ông vậy. Có thể xem ông như sứ giả trời sai xuống để cứu nước nhà thoát khỏi một hiểm họa tày đình. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cứu vớt quê hương thì ông lìa trần. Cuộc đời ngắn ngủi của ông rất đơn giản, hình như ông chỉ sinh ra để giải quyết biến cố lịch sử nói trên. Lúc đó, ông là điểm tựa của toàn thể quốc dân. Tinh thần kiên cường bất khuất của ông đã dẫn đường cho cả một dân tộc. Tâm hồn và thể xác của ông kết hợp với một quân đội đoàn kết nhất trí đã tạo thành bức tường kiên cố ngăn chặn ba đào trên biển miền Tây.

 Hôjô TokimuneHôjô Tokimune (ảnh minh họa)

Hãy còn có thêm một câu chuyện đáng ngạc nhiên nữa về nhân vật hầu như siêu nhân này. Đó là chuyện ông còn đủ thời giờnghị lực để theo đuổi việc tu Thiền dưới sự hướng dẫn của các cao tăng đến từ Trung Quốc. Ông đã xây chùa cho họ, đặc biệt là cho Phật Quang quốc sư (仏光国師Bukkô Kokushi, 1226-1286) [1] với mục đích an ủi vong linh nạn nhân chiến cuộc của cả hai bên, Trung QuốcNhật Bản, trong thời gian quân Mông xâm lấn. Ngày nay vẫn còn dấu tích ngôi mộ của ông trong ngôi chùa Engakuji (Viên Giác Tự円覚寺) [2], vốn được dựng lên vào thời đó. Một số thư từ các bậc sư phó gửi cho ông hãy được bảo tồn, qua đó, chúng ta có thể biết ông đã học Thiền một cách nghiêm cẩn và đầy nhiệt tình như thế nào. Câu chuyện sau đây, tuy không hoàn toàn xác thực, có thể giúp cho chúng ta tưởng tượng được thái độ của ông đối với Thiền.

Người ta kể rằng có một lần Tokimune hỏi đạo Phật Quang: "Kẻ địch lớn nhất trong cuộc đời chúng ta là sự hèn nhát, làm sao có thể thoát khỏi nó?". 
Phật Quang đáp: "Thế thì phải cắt bỏ nguồn gốc nơi nó xuất phát!" 
Tokimune lại hỏi: "Nó đến từ đâu vậy?" 
Phật Quang: "Từ chính Tokimune" 
Tokimune: "Sự hèn nhát là cái đệ tử ghét nhất trên tất cả mọi thứ, làm sao nó có thể bắt đầu từ đệ tử cho được?". 
Phật Quang: "Ngài hãy xem mình cảm thấy gì khi vứt bỏ được cái tự ngã có tên là Tokimune. Khi thực hiện được điều đó rồi, xin hãy đến gặp bần tăng". 
Tokimune: "Làm sao có thể thực hiện được?" 
Phật Quang: "Loại trừ mọi ý nghĩ của mình". 
Tokimune: "Làm cách nào để bắt mọi ý nghĩ đứng bên ngoài cõi ý thức?" 
Phật Quang: "Ngồi xếp bằng thiền định và nhìn vào bên trong nguồn cội của mọi ý nghĩ mà ngài tưởng tượng chúng là của Tokimune". 
Tokimune: "Đệ tử có bao nhiêu việc quốc gia phải lo liệu, thật khó lòng dành thời giờ thiền định". 
Phật Quang: "Bất cứ khi nào nghĩ về quốc gia đại sự, hãy xem chúng như là cơ hội giúp ngài nhìn thấu nội tâm của mình. Đến ngày nào đó, ngài sẽ thấy được một Tokimune mà ngài cảm thấy thân thiết". 
Câu chuyện trên dường như đã xảy ra giữa Thiền sư Phật Quang và Tokimune. Khi Tokimune nhận được tin tức chắc chắn là quân Mông Cổ xâm lược đã đến vùng biển Tsukushi (phía bắc đảo Kyuushuu), ông bèn đến gặp Phật Quang Quốc Sư và nói: 
"Cuối cùng, cái biến cố quan trọng nhất của cuộc đời đệ tử đã xảy ra!". 
Phật Quang: "Thế thì ngài làm sao để đối phó?" 
Tokimune hô lên: "Katsu! 喝" [3] như thể muốn nạt nộ những địch thủ đang đứng trước mặt mình. 
Phật Quang vui mừng bảo: "Đúng là sư tử con rống lên giống như sư tử vậy!" (Chân sư tử nhi năng sư tử hống) 
Với lòng can đảm đó, Tokimune đã đương đầu được kẻ địch có binh lực cực kỳ đông đảo đến từ lục địa và đánh đuổi chúng quay về.

Dầu sao, dưới nhãn quan sử gia, ta thấy Tokimune không thể nào làm nên chiến công hiển hách nhất của Nhật Bản chỉ với lòng can đảm. Ông đã lập kế hoạch chi li về những gì cần để thực hiện điều đó và chiến lược ông hoạch định được quân sĩ trên chiến trường cả nước tuân thủ để chống cự đội quân xâm lăng mạnh mẽ ấy. Ông không hề ra khỏi căn cứ Kamakura nhưng binh đoàn của ông ở chiến trường miền Tây xa xôi đã chấp hành mệnh lệnh răm rắp và có hiệu quả. Thực là một điều hết sức kỳ diệu vì thời xa xưa ấy, chưa có phương tiện giao thông nào khác ngoài ngựa trạm. Nếu Tokimune không có một lòng tin thiết thạch đối với bộ hạ của mình thì nhất định ông không thể nào đạt được thành tựu vinh quang như thế.

Bài điếu văn của Phật Quang đọc trong tang lễ của Tokimune có thể tóm tắt nhân cách của nhà lãnh đạo:

"Có 10 điều phi thường trong cuộc đời ngài và nó tái hiện được 10 đại nguyện (pranidhâna) của chư Bồ Tát. Đối với mẹ, ngài là người con hiếu, đối với thiên hoàng, là bậc tôi trung. Ngài chân thành lo lắng cho hạnh phúc của thần dân, khi học Thiền lại giác ngộ chân lý. Hành sử quyền lực quốc gia suốt 20 năm trời mà không bao giờ tỏ ra vui hay giận. Ngài đã dấy lên một luồng gió lớn quét sạch đám mây đen của quân xâm lược nhưng không hề kiêu ngạo. Ngài lại xây lên chùa Enkakuji (Viên Giác Tự) để an ủi vong linh nạn nhân chiến cuộc của cả hai bên đối thủ[4]. Ngài biết kính trọng những người thầy đã soi sáng cho mình. Tất cả những điều đó chứng minh rằng Đạo Pháp đã đưa đường ngài đến với chúng tôi. Và khi sắp sửa từ giã thế gian, ngài còn lấy hết hơi tàn để khoác lên tâm thân yếu ớt tấm áo cà sa mà ta đem đến cũng như bình tĩnh chép bài thơ tuyệt mệnh. Một người như ngài thật xứng đáng được gọi là kẻ giác ngộ hay là hiện thân của một vị Bồ Tát..."

Dĩ nhiên khi Tokimune sinh ra đã có địa vị cao sang nhưng nhất định là sự tu học Thiền đã giúp đỡ ông rất nhiều trong việc lãnh đạo nhà nước cũng như trong cuộc sống riêng tư. Phu nhân của ông cũng là một nhà tu Thiền thuần thành và sau khi ông chết, bà đã cho xây một chùa sư nữ trên khu đồi núi đối diện với chùa Engakuji.

Khi chúng ta nói rằng Thiền là tôn giáo dành cho người vũ sĩ thì câu nói này có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh của thời Kamakura. Tokimune không chỉ là một chiến tướng, ông còn là một chính khách mà mục đíchgìn giữ hòa bình. Lời khấn nguyện của ông trong một buổi lễ Phật ở chùa Kenchôji (建長寺Kiến Trường Tự) do nhà sư trụ trì chủ lễ, lúc vừa nhận được tin quân Mông Cổ sắp qua xâm lăng lần đầu, được biết đến như sau:

"Đệ tử Tokimune chỉ có lời cầu xin tha thiết nhất là sao cho vương thất được bền vững, Thiên hoàng mãi mãi là kẻ bảo vệ Phật pháp, bốn bể phẳng lặng mà không tốn một mũi tên, tất cả ác ma quỉ sứ đều bị qui phục mà không cần đến ngọn giáo. Xin cho dân chúng được được hưởng sự cai trị khoan dung của nhà cầm quyền để họ có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, mong sao đầu óc u mê của con người được ánh sáng đuốc tuệ soi sáng, để cho kẻ thiếu thốn được no đủ, kẻ lâm nguy được giải cứu bởi vì có những tấm lòng từ ái luôn luôn rộng mở. Xin chư thần gia hộ cho tất cả mọi người và cũng mong sao các vị hiền thánh âm thầm giúp đỡ để cho cuộc đời này mãi mãi tràn ngập điềm lành."

Tokimune là một Phật tử vĩ đại và là một nhà tu Thiền chân chính, nhờ ở sự khuyến khích của ông mà Thiền đã lập được cơ sở vững chắc ở vùng Kamukura, sau lan đến Kyôto và bắt đầu đem ảnh hưởng tinh thầnđạo đức của nó trải rộng đến các tầng lớp vũ sĩ. Sự qua lại thường xuyên và những cuộc giao lưu giữa các thiền tăng Trung Hoa và Nhật Bản còn vượt lên trên cả mối liên lạc thuần túy tôn giáo có chung. Sách vở, tranh vẽ, đồ gốm, đồ sứ, đồ dệt, đồ thêu...và nhiều mỹ thuật phẩm khác đã được mang đến từ Trung Quốc, ngay cả thợ mộc, thợ nề, chuyên viên kiến trúc và đầu bếp cũng theo chân các thiền tăng vào đất Nhật. Như thế, mậu dịch với Trung Quốc phát triển vào thời Ashikaga sau này vốn đã bắt nguồn tự thời Kamakura.

Được hướng dẫn bởi những nhà lãnh đạo có cá tính mạnh như Tokiyori và Tokimune, Thiền đã may mắn đi vào cuộc sống hằng ngày của người Nhật , đặc biệt là trong sinh hoạt của giới vũ sĩ. Sau khi đã ảnh hưởng trên vùng Kamakura, Thiền mở rộng phạm vi đến Kyôto, nơi đây nó được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thiền sư Nhật Bản có mặt. Ở đó, Thiền đã chinh phục được một số tín đồ trong vòng hoàng tộc, cao hơn cả là các thiên hoàng Go Daigo後醍醐, Hanazono 花園và những vị khác. Những ngôi thiền viện đồ sộ đã được xây lên ở vùng Kyôto, các bậc đại sư khai sơn và những pháp tự của họ bắt buộc phải là người gồm đủ đạo đức và học vấn. Những vị Shôgun của Mạc phủ Ashikaga đều cổ vũ cho Thiền tông. Nhiều tướng tá dưới quyền họ tự nhiên cũng theo gương chủ. Nhân tài đương thời hầu như chỉ có thể chọn một trong hai con đường: trở thành thiền sư hay vũ tướng. Sự kết hợp tinh thần của hai lớp người này sẽ cống hiến cho sự thành lập của một định chế mà người ta thường nhắc tới dưới cái tên Bushidô (武士道 Vũ sĩ đạo).

Ở đây, chúng ta hãy thử đề cập đến một trong những liên hệ nội tại giữa cách cảm nhận của người vũ sĩ và Thiền. Cái cuối cùng đã làm nên Vũ sĩ đạo – như chúng ta thường hiểu về nó – là hành động xem mình như một vị thần có sứ mạng bảo vệ một cách cẩn trọng sự tôn nghiêm của người vũ sĩ. Sự tôn nghiêm này bao hàm lòng trung thành, lòng hiếu đễ và sự khoan thứ. Thế nhưng để hoàn thành được nghĩa vụ này, họ cần phải thỏa mãn hai điều kiện: một là rèn luyện bản thân theo một tinh thần khắc kỷ, không những qua hành động thực tiễn mà cả trong tư duy triết học dọn đường cho nó, hai là luôn luôn sẵn sàng đón nhận cái chết, điều này có nghĩa là hy sinh bản thân không chút chần chờ một khi tình thế đòi hỏi. Làm được chuyện đó, cần phải được rèn luyện kỹ càng về tri thức lẫn tinh thần.

Có một tư liệu người ta hay nhắc đến khi nói về những chiến dịch quân sự của quân đội Nhật ở Trung Quốc vào thập niên 1930. Tư liệu ấy có tên là Hagakure (葉 隠 Diệp ẩn) [5], dịch nôm na là "Nấp dưới lá" bởi vì theo đó, một trong những đức tính cần thiết của người samurai là làm điều tốt cho người mà chẳng cần phơi bày cái tôi, không bao giờ khua chiêng gióng trống nhưng giữ kín về mình. Trong việc biên soạn quyển sách này, gồm các chú thích, giai thoại, lời giáo huấn...có sự đóng góp của một thiền sư. Công trình đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 17 vào đời của Nabeshima Naoshige鍋島直茂, lãnh chúa phiên Saga 佐賀trên đảo Kyuushuu. Quyển sách nhấn mạnh rất nhiều về việc người samurai phải sẵn sàng xả thân vào bất cứ lúc nào, bởi gì sách cho rằng không có một sự nghiệp nào có thể hoàn thành nếu con người không biết "điên rồ", nói cách khác, nếu con người không vượt ra ngoài trạng thái ý thức bình thường để cho phép sức mạnh tiềm ẩn của mình được bung ra. Sức mạnh ấy nhiều khi có tính ác ma (devilish) nhưng chắc chắn là một hành động siêu phàm đáng cho mọi người kinh ngạc. Khi nào cái nắp của cõi vô thức bật ra, nó sẽ chỗi dậy và vượt qua những hạn chế của cá nhân. Lúc đó cái chết không còn làm cho người ta biết đau đớn và đây là khi mà hình thức tu dưỡng của người võ sĩ có thể kết hợp được với Thiền.

Thử đưa ra một câu chuyện có chép trong Hagakure. Yagyuu Tajima no kami Munenori [6] 柳生但馬の守宗矩 là một danh sư về kiếm thuật và là thày dạy kiếm cho Shôgun đương thời, Tokugawa Iemitsu徳川家光. Một hôm, có người thuộc bộ đội cận vệ thân tín (hatamoto旗本) của Shôgun tìm gặp ông xin được chỉ dạy về kiếm thuật. Tajima bèn nói: "Theo chỗ ta nhìn, anh đã là một bậc sư phó trong nghề kiếm. Hãy cho ta biết anh thuộc trường phái nào trước khi chúng ta trở thành thày trò."

Người cận vệ trả lời: "Tôi rất đỗi xấu hổ phải thưa với tôn sư rằng tôi chưa từng học kiếm với ai cả."

"Anh định đùa ta hay sao chứ? Nên nhớ rằng ta giữ vai trò chỉ nam (thày dạy) cho Shôgun và nhận xét của ta chưa một lần lầm lẫn".

"Dám xin tôn sư tha thứ cho nhưng tình thực, tôi chưa học ở đâu hết"

Vì người khách cứ khăng khăng là mình chưa học ai, Tajima bèn trầm ngâm một lúc rồi cuối cùng mới nói: "Nếu anh đã quả quyết như thế thì chắc phải vậy thôi, nhưng ta vẫn nghĩ anh đã đạt đạo trong một lãnh vực nào đó mà hiện nay, ta chưa hình dung được"..

"Vâng, nếu tôn sư đã khẳng định như thế thì tôi xin thưa. Đúng là tôi có thành thạo một việc. Khi tôi còn bé, ý tưởng một ngày nào đó mình sẽ trở thành samurai và phải coi thường cái chết đã làm cho tôi từ đó, luôn luôn tranh đấu với nó và cuối cùng vấn đề này không còn ám ảnh tôi nữa. Có phải đây là điều mà tôn sư muốn ám chỉ?"

Tajima reo lên: "Đúng thế! Đó là cái mà ta muốn nói. Ta rất vui vì đã xét đoán không lầm. Bí quyết của nghề kiếm là giải thoát khỏi sự ám ảnh của cái chết. Ta đã từng thao dượt với hàng trăm đồ đệ nhưng không ai xứng đáng được nhận ấn khả kiếm thuật từ ta. Anh không cần phải học hỏi về kỹ thuật đánh kiếm nữa vì anh đã là một kiếm sĩ rồi". [7]

Chết là một vấn đề trọng đại đối với mỗi chúng ta.Thế nhưng, ở nơi người samurai, nó còn bức bách hơn vì họ là những chiến sĩ, cuộc đời chỉ biết chiến đấu, mà chiến đấu nghĩa là cái chết sẽ có thể xảy ra cho cả hai bên đối thủ. Dưới thời phong kiến, không ai dự đoán được một cuộc tranh phong chí tử có thể đến với mình lúc nào cho nên một người samurai đúng nghĩa bao giờ cũng bị đặt trong tình trạng báo động. Văn nhân kiêm vũ sĩ vào thế kỷ 17, Daidôji Yuusan (大道寺友山Đại Đạo Tự, Hữu Sơn), đã viết những dòng sau đây trong Budô Shoshinshuu (Vũ đạo sơ tâm tập武道初心集), tác phẩm của ông:

"Ý tưởng có tầm quan trọng sống còn đối với một người samurai liên quan đến cái chết, điều họ phải đặt trước mặt mình hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, từ buổi sáng ngày nguyên đán cho đến phút cuối đêm trừ tịch. Khi điều này gắn bó chặt chẽ với anh, anh có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu toàn. Anh sẽ trung trinh với chủ, hiếu hạnh với song thândĩ nhiên tránh được mọi thảm họa. Không những anh có thể kéo dài được tuổi thọ mà uy đức của anh cũng được nâng cao. Nghĩ mà xem, đời người hết sức mong manh, nhất là cuộc đời của một samurai. Do đó, anh phải coi mỗi ngày anh sống là ngày cuối và phải dùng nó để hoàn thành nghĩa vụ. Không nên mơ ước mình sẽ sống một cuộc đời dài lâu vì như thế anh sẽ dễ bị quyến rũ bởi những việc chỉ làm lãng phí ngày giờ và sẽ chấm dứt đời mình trong ô nhục. Đó là lý do tại sao mà tướng Kusunoki Masashige đã căn dặn Masatsura[8], con trai mình, là phải luôn sẵn sàng trực diện với cái chết".

Tác giả của quyển "Vũ đạo sơ tâm tập" đã biết diễn tả một cách chính xác những gì thường xuất hiện trong cõi vô thức của tâm hồn người vũ sĩ. Ý thức về cái chết một mặt giúp cho người ta biết nghĩ xa hơn ranh giới cố định của cuộc đời hữu hạn, còn mặt khác siết chặt họ lại để cho người ấy biết dùng thời gian của cuộc đời mình sao cho đúng. Đương nhiên những người samurai nghiêm túc sẽ tìm đến với Thiền để học cách thức đối phó với cái chết. Nhân vì Thiền cho ta thấy nó có thể giải quyết vấn đề này mà không cần thông qua học vấn, sự rèn luyện đạo đức hay cả nghi thức, cho nên nó khá hấp dẫn đối với tâm hồn đơn sơ chất phác của người samurai. Như vậy, giữa trạng thái tâm lý của họ và đường lối giáo huấn trực tiếp và thực tiễn của Thiền đã có một mối liên hệ hợp lý.

Ngoài ra, xin hãy đọc những dòng sau đây trong Hagakure:

"Vũ sĩ đạo có nghĩa là ý chí sẵn sàng chết. Khi anh đang đứng ở một ngã ba, hãy mau mắn chọn lấy con đường gần cái chết nhất. Không cần phảilý dođặc biệt ngoại trừ việc lòng anh lúc ấy đã sẵn sàng. Có người sẽ cho rằng nếu anh chết mà chưa đạt được mục đích thì chỉ là chết uổng, chết như con chó (khuyển tử). Khi anh đang đứng giữa ngã ba đường, xin đừng nghĩ đến việc đạt được mục đích hay không. Ai cũng muốn sống, chẳng ai thích chết và khi chúng ta mưu toan việc gì đó, đương nhiên đều vì cuộc sống. Nhưng nếu lúc đó anh vuột mất mục đích mà hãy tồn sinh thì anh đúng là một thằng hèn. Đây là một phán đoán nghiêm trọng.Trong trường hợp anh chết khi vẫn không đạt mục đích, có thể là chết như con chó – làm một hành động điên rồ - nhưng trưởng hợp đó, anh không có gì phải hổ thẹn. Đối với Vũ sĩ đạo, danh dự phải đặt lên trên hết. Vì vậy, mỗi sáng mỗi tối, hãy cho ý thức về cái chết hiện rõ trong đầu anh. Khi đủ quyết tâm để có thể chết bất cứ lúc nào là anh đã đạt đến trình độ tối thượng của Vũ sĩ đạo, đời anh không còn rơi vào lầm lạc và anh sẽ hoàn thành được nghĩa vụ"

(Trích Hagakure, quyển INhà bình luận có thêm vào đó mấy câu thơ của Tsukahara Bokuden塚原卜伝 [9]:

Mononobu no / manabuoshie wa / oshinabete 
Sono kiwame ni wa / shi no hitotsu nari

(Con nhà võ chỉ phải /Học tập một điều thôi / 
Điều cuối cùng cần thiết /Là không e cái chết)

Theo Nagahama Inosuke長浜猪之助, và thấy chép trong Hagakure, thì:

"Yếu quyết của binh pháp là vận dụng toàn thể thân xác và tinh thần vào mục đích đánh bại đối thủ. (Khi hãy còn lo lắng cho sự an nguy của riêng mình, ta không thể nào thắng cuộc). Nếu như địch thủ của ta cũng sẵn sàng xả thân để dành lấy chiến thắng thì người ấy là một kẻ đáng gờm. Kết quả cuộc thi đấu lúc ấy sẽ tùy thuộc vào lòng cương quyết hay là số phận".

Một lời bình như sau đây đi kèm:

"Araki Mataemon (荒木又右衛門 tay kiếm lừng lẫy dưới thời Tokugawa) đã chỉ dạy người cháu của ông ta, Watanabe Kazuma渡辺数馬, khi cả hai sắp đối đầu với kẻ địch của họ trong trận đánh một mất một còn: " Cứ để địch thủ cắt sém da ngươi nhưng ngươi phải đâm vào thịt hắn; cứ để hắn đâm vào thịt ngươi nhưng ngươi phải xẻ xương hắn; cứ để hắn xẻ xương ngươi nhưng ngươi phải lấy được tính mạng hắn". Ở một chỗ khác, Araki lại có lời khuyên: "Khi ngươi so kiếm với kẻ địch, phải luôn luôn sẵn sàng chết dưới tay hắn. Khi nào ngươi còn nuôi ý nghĩ làm sao để thoát chết thì ngươi sẽ toi mạng".

Một đoạn sau của Hagakure có chép:

"Người samurai chỉ xứng đáng nếu anh ta biết vượt khỏi vòng sinh tử. Khi cho rằng mọi sự đều bắt đầu từ cái tâm (vạn năng nhất tâm) là muốn khẳng định rằng có một trạng thái gọi là tâm (hữu tâm). Thế nhưng vấn đề là khi cái tâm của ta còn bám vào vòng sinh tử thì phải vứt bỏ nó đi nếu muốn làm nên những chuyện phi thường".

Điều này có nghĩa là mọi việc sẽ thành tựu khi ta đạt đến trạng thái "vô tâm" 無心 (no-mind-ness) như trong câu nói của Thiền sư Takuan沢庵禅師, sẽ được nhắc đến bên dưới. "Vô tâm" là trạng thái tinh thầncon người không còn bị phiền nhiễu bởi vấn đề sống chết (tử/ bất tử).

Thiền sư Takuan SôhôThiền sư Takuan Sôhô  
(Trạch Am Tông Bành, 1573-1645)

Chúng ta vừa nhắc đến tên tuổi của Tsukahara Bokuden. Ông là một trong những kiếm sĩ đã thấu hiểu đâu là sứ mệnh của kiếm thuật. Ông không xem kiếm như vũ khí sát thương nhưng là một công cụ để rèn luyện tinh thần. Trong truyện ký về cuộc đời ông, có hai giai thọai nổi tiếng:

Có lần Bokuden đi trên chiếc thuyền chèo qua hồ Biwa với một số hành khách. Trong bọn có một samurai dáng điệu mạnh bạo, cử chỉ hung hãn, ngang ngược. Anh ta khoe khoang tài nghệ, tự cho rằng mình là tay kiếm cừ khôi nhất trần đời. Đám khách trên thuyền ngồi lắng tai nghe những lời kênh kiệu ấy trong khi Bokuden đôi mắt cứ lim dim như không thèm để ý đến sự có mặt của anh ta. Điều đó làm phật ý anh chàng nên hắn mới đến gần Bokuden và lay vai ông hỏi: 
- Nhà ngươi cũng là kẻ đeo hai thanh kiếm, sao ngươi không có lấy một lời? 
Bokuden bình tĩnh đáp: 
- Kiếm thuật của tôi khác hẳn ông. Tôi không dùng nó để thắng người khác nhưng chỉ làm sao để khỏi bị đánh bại. 
Câu nói của Bokuden chỉ làm cho anh chàng giận dữ: 
- Thế ngươi thuộc trường phái nào? 
- Trường phái của tôi là mutekatsu 無手勝 (hay "thắng với tay không" nghĩa là đánh bại địch thủ mà không cần tới kiếm). 
- Cớ sao ngươi lại mang theo kiếm để làm gì? 
- Để mà đánh đuổi những động cơ ích kỷ chứ không nhắm giết ai cả. 
Lúc ấy, người kia tỏ ra chịu đựng hết nổi nên bực tức đặt câu hỏi: 
- Như vậy ngươi dám dùng tay không để đấu với kiếm của ta chăng? 
- Tại sao không? 
Người samurai hung hãn mới bảo phu trạo tấp thuyền vào bờ gần đó nhất nhưng Bokuden gợi ý là nên đi đến một hòn đảo xa hơnđất liền để khỏi liên lụy đến những người kéo tới xem vì hiếu kỳ. Con thuyền bèn bơi đến một hòn đảo lẻ loi nằm xa hơn chỗ đó. Lúc chưa cập bến thì người samurai kia đã nhảy ra khỏi khoang lên bờ, tuốt ngay kiếm chuẩn bị giao đấu. Trong khi ấy, Bokuden chậm chạp tháo giây đeo kiếm và trao vũ khí của mình cho người phu trạo. Mọi người đang tưởng là Bokuden sẽ nhảy lên bờ như người kia thì thoắt cái, ông đã chụp lấy mái dầm, ấn mạnh nó vào vạt đất, đẩy con thuyền quay ngược ra giữa hồ. Thế rồi, thuyền lướt nhanh khỏi đảo, đi vào vùng nước sâu hơn và không còn bị người kia quấy nhiễu nữa. Bokuden lúc đó mới mỉm cười và bảo: 
- Đây là trường phái "không dùng kiếm" của tôi.

Một giai thoại thú vị khác đã được kể lại để mô tả trình độ chế ngự lưỡi kiếm của Bokuden đã vượt xa kỹ năng đánh kiếm bình thường như thế nào. Ông có ba người con trai, cả ba đều theo đòi kiếm thuật. Ông muốn thử trình độ võ nghệ của họ nên đem đặt một cái gối ở bên trên tấm màn ở lối vào gian phòng mình, làm sao cho hễ có ai vén màn bước vào, chỉ cần động nhẹ cánh màn sẽ làm cho chiếc gối rơi xuống đầu. 
Bokuden gọi người con cả vào phòng trước. Khi tiến tới gần, cậu ta nhận ra có cái gối đặt bên trên bức màn nên lấy nó xuống rồi đi vào, xong đặt gối lại chỗ cũ. Ông cho gọi người con thứ. Cậu này vén tấm màn lên và khi chiếc gối rơi xuống bèn nhanh tay bắt lấy nó và cũng cẩn thận đưa về chỗ cũ. Sau đến lượt cậu út vén tấm màn của bước vào phòng. Cậu ta đột ngột đi vào làm cho cái gối rơi trúng ngay cần cổ. Nhưng cậu đã chém nó làm đôi trước khi chiếc gối chạm mặt sàn. 
Bokuden lúc đó mới bình phẩm: "Này thằng cả, con là kẻ đã đạt đạo trong kiếm thuật". Nói xong, ông tặng cho cậu ta một thanh kiếm. Đối với cậu hai, ông bảo: "Con còn phải trau giồi chăm chỉ hơn nữa!" nhưng về cậu út, ông tỏ ra vô cùng nghiêm khắc vì ông xem cậu ta như một sự hổ thẹn của dòng họ.

Takeda Shingen 武田信玄(1521-1573) và Uesugi Kenshin 上杉謙信(1530-1578) là hai danh tướng Nhật Bản vào thế kỷ 16, thời mà đất nước này không ngừng có những cuộc chiến tranh giữa các tiểu quốc. Tên của hai ông thường được đặt bên cạnh bởi vì lãnh địa của họ, một ở phía bắc và một ở miền trung Nhật Bản, vốn nằm sát với nhau và cả hai đã nhiều lần có những cuộc thư hùng. Hai ông tỏ ra đồng tài cân sức trong lãnh vực quân sự cũng như cai trị, và cả hai đều là nhà tu Thiền. Khi Kenshin nghe tin dân chúng trong phần đất Shingen quản hạt đang bị thiếu muối trầm trọng, ông bèn cung cấp muối cho họ từ tỉnh của mình, bởi vì phần đất Echigo của ông nhìn ra biển Nhật Bản nên sản xuất được rất nhiều [10]. Trong một trận đánh ác liệt ở Kawanakajima川中島, Kenshin thiếu kiên nhẫn khi thấy binh đoàn của mình tiến quân chậm chạp nên quyết định dứt điểm trận đánh nội ngày hôm ấy bằng cách tự mình đem quân xông thẳng vào bản bộ của Shingen. Chợt thấy viên đại tướng của địch đang ngồi yên trên chiếc ghế chỉ huy giữa doanh trại và bên cạnh chỉ có vài ba cận vệ, Kenshin bèn tuốt kiếm ra và bổ xuống đầu Shingen, vừa hỏi một câu thông thường của nhà Thiền: "Khi gặp trường hợp thế này, ngươi phải nói thế nào?". Shingen không hề dao động, đã trả lời: "Một hạt tuyết bên trên lò hồng" (Hồng lô thượng nhất điểm tuyết! 紅炉上一点雪) và ông ta đã đánh bật lưỡi kiếm hăm dọa của địch thủ bằng cái quạt sắt dùng để chỉ huy (thiết bài). Đối đáp (mondô問答) đầy thiền vị nói trên có thể chỉ là hư cấu nhưng câu chuyện được kể lại cho thấy hai vị tướng lãnh kiêm nhà tu hành kia là những người rất ái mộ Thiền.

Hồng lô thượng nhất điểm tuyếtHồng lô thượng nhất điểm tuyết  
(ảnh minh họa)

Kenshin đã tích cực tham thiền dưới sự chỉ giáo của một cao tăng tên là Ekiô 益翁 (Ích Ông) và mọi sự bắt đầu như sau đây. Lúc đó Ekiô thuyết pháp về "bất thức" 不識 ( = "Ta không biết"), một yếu quyết của Bồ Đề Đạt Ma [11] và Kenshin đang đứng trong cử tọa. Ông đã có sẵn một số kiến thức về Thiền và muốn thử sức vị tăng này nên mới ăn mặc như một samurai bình thường để không ai nhận ra và đang chờ cơ hội. Bất ngờ vị cao tăng quay mặt nhìn Kenshin, đặt ngay câu hỏi: "Này tướng công! Chẳng hay Ngài có biết ý nghĩa về chữ "bất thức" của Đạt Ma không vậy?". Kenshin bị hỏi thình lình, không chuẩn bị kịp câu trả lời nên đâm ra lúng túng. Thấy thế Ekiô mới tiếp tục: "Thưa tướng công, tại sao ngài không trả lời tôi hôm nay trong khi vào những dịp khác, lúc nào ngài cũng tỏ ra hùng biện?" [12] Kenshin không còn dám tự phụ nữa và từ đó chịu khó chăm chỉ tham Thiền dưới sự chỉ đạo của Ekiô. Nhà sư thường khuyên ông: "Nếu muốn thấu hiểu Thiền, tướng công cần sẵn sàng quên đi tính mạng và phải dám đâm đầu xuống vực thẳm của cái chết".

Kenshin đã để lại lời di huấn như sau cho đám gia thần:

"Kẻ nào bám víu lấy sự sống sẽ bị chết, còn kẻ dám thách đố cái chết mới sống còn. Cái quan trọng nhất là tâm chí của mình. Phải nhìn thẳng vào nội tâm và khi nắm chặt lấy nó rồi, các ngươi sẽ thấy trong lòng mình có cái gì cao cả hơn sống chết. Vật đó dù dìm xuống nước cũng không chìm, thui trong lửa cũng không cháy. Bản thân ta đã có kinh nghiệm tìm ra cái samâdhi (tam muội) mà ta đã nói cho các ngươi biết, khi ta nhìn vào bên trong con người mình. Kẻ nào còn chần chờ không vứt bỏ sự sống và không gắn bó với cái chết thì không phải là người chiến sĩ thực sự."

Shingen cũng đề cập đến Thiền và cái chết trong "Shingen Kahô" (Tín Huyền gia pháp信玄家法), tiêu chuẩn đạo đức áp dụng cho gia đình và bộ hạ:

"Các ngươi hãy biết tôn kính Thần Phật. Khi sự suy nghĩ của mình bắt nguồn từ Phật tâm, các ngươi sẽ được tăng thêm sức mạnh. Thế nhưng nếu vì những động cơ xấu xa mà muốn chiến thắng kẻ khác thì các ngươi sẽ lâm vào cảnh nguy khốn và đi đến chỗ diệt vong. Thứ đến, các ngươi hãy chuyên chú tu Thiền. Thiền không có một bí quyết nào khác hơn là sự suy nghĩ nghiêm túc về lẽ sinh diệt".

Qua những lời phát biểu trên đây, chúng ta thấy giữa Thiền và cuộc sống của người chiến sĩ vốn có một liên hệ nội tại rất mật thiết. Điều đó đã được thấy qua hành động của các vị thiền sư, nhiều khi họ coi cái chết như trò đùa. Thầy của Shingen là hòa thượng Khoái Xuyên 快川(Kaisen), trụ trì chùa Erinji 恵林寺(Huệ Lâm Tự) vùng Kai甲斐. Sau khi Shingen mất, ngôi chùa này bị quân đoàn Oda Nobunaga bao vây vào ngày mùng 3 tháng 4 năm 1582 vì các tăng nhân ở đấy từ chối nộp những kẻ địch của Nobunaga đang tị nạn bên trong. Toán quân đã buộc chư tăng kể cả Khoái Xuyên phải leo lên trên ngôi lầu cao nhất của sơn môn. Kế hoạch của họ là sẽ đốt rụi khu vực và thiêu sống những kẻ ương ngạnh muốn chống trả. Các nhà sư theo lệnh của hòa thượng trụ trì, tụ tập lại và bình tĩnh ngồi kiết già trước tượng Phật. Hòa thượng Khoái Xuyên mới thuyết pháp cho họ lần cuối với cung cách bình thường mọi ngày. Ông bảo: "Ngọn lửa sẽ bao phủ chúng ta, các ngươi chuyển dịch Thiền luân của Đạt Ma bằng cách nào trong hoàn cảnh nguy ngập này? Mỗi người hãy lần lượt đọc một câu kệ nói lên bản ý!". Chư tăng bèn trình bày quan điểm tùy theo trình độ giác ngộ của họ. Khi tất cả phát biểu xong, đến lượt hòa thượng trụ trì đọc bài kệ của mình rồi tất cả bắt đầu tư thế hỏa định tam muội (samâdhi). Bài kệ của Khoái Xuyên như sau:

An Thiền bất tất tu sơn thủy, 
Diệt khước tâm đầu hỏa tự lương. 
(Muốn Thiền lọ kiếm nơi sơn thủy 
Diệt hết tâm mình, lửa mát thôi)

Từ một góc nhìn nào đó, Nhật Bản của thế kỷ 16 là thời điểm đã hun đúc những con người biết sống đẹp như thế. Lúc đó đất nước này bị xâu xé tan hoang về cả hai mặt chính trị lẫn xã hội. Trên toàn cõi, các lãnh chúa không ngừng giao tranh. Dĩ nhiên, dân chúng là kẻ phải hứng chịu nhiều đau khổ nhất. Thế nhưng những cuộc tranh phong chết chóc để dành lấy ưu thế và mặt quân sự và chính trị này lại đẻ ra cơ hội rèn luyện sức mạnh tinh thầnđạo đức của con người đến chỗ cùng cực. Tinh thần hào hùng ấy được biểu lộ trong nhiều tình huống của cuộc sống. Chúng ta có thể khẳng định rằng những đức tính làm nên Vũ sĩ đạo đã thành hình vào giai đoạn này. Shingen và Kenshin lại là những nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp lãnh chúa quân nhân đó. Họ đều can đảm và không hề xao xuyến khi phải trực diện cái chết. Họ thông minh, đởm lược không chỉ trên chiến trường mà cả trong việc cai trị thần dân; họ không hề là những vũ sĩ ngu độn và vô cảm nhưng đầy văn tài và có lòng tin tôn giáo sâu sắc. Điều đáng chú ý là Shingen và Kenshin đều là những Phật tử vĩ đại. Tên thế tục của Shingen là Harunobu ((Tình Tín晴信) và Kenshin là Terutora (Huy Hổ輝虎) nhưng cả hai được biết nhiều hơn dưới pháp danh hơn là tục danh. Thời trẻ, họ được nuôi dạy trong các thiền viện, đến tuổi trung niên, hai người đều xuống tóc và được gọi là nyuudô 入道(nhập đạo) [13] tức cư sĩ Phật giáo. Kenshin độc thânăn chay trường chẳng khác một nhà tu.

Như những người Nhật có văn hóa, hai ông cùng yêu thiên nhiên và đã làm thơ bằng Hòa văn lẫn Hán văn. Một trong những bài thơ do Kenshin sáng tác, có một bài ông viết trong lúc hành binh ở một tiểu quốc bên cạnh, như sau đây:

Sương mãn quân doanh thu khí thanh, 
Sổ hàng quá nhạn nguyệt tam canh. 
Việt sơn bình đắc Năng châu cảnh,[14] 
Già mạc gia hương hoài viễn chinh. 
(Sương che doanh trại, lạnh hơi thu /  
Đàn nhạn giăng trời, đêm đã sâu / 
Núi Việt đảo Năng nào khác cảnh /  
Quê hương chừng ngóng bóng chinh phu).

Lòng yêu thiên nhiên của Shingen không hề kém người đối thủ vùng Echigo (越後Việt Hậu). Có lần khi ông đến thăm ngôi chùa nằm một nơi xa xôi trong lãnh địa, nơi thờ Bất Động Minh Vương 不動明王(Fudô Myô-ô, Acalavidyâ-râya), hòa thượng trụ trì thiền viện bên cạnh đã mời ông ghé chơi trên đường về. Lúc đầu Shingen thoái thác, cho biết mình đang chuẩn bị cho một cuộc hành binh trong những ngày sắp tới nên không có thời giờ đến viếng và hẹn rằng khi xong chiến dịch, ông nhất định sẽ đến thăm nhà sư. Thế nhưng hòa thượng trụ trì (không biết có phải là một trong những người về sau sẽ chịu thiêu sống dưới bàn tay của bộ hạ Oda Nobunaga hay không) đã khẩn khoản: "Hoa anh đào giờ đây đang độ nở, bần tăng đã sửa soạn một chỗ ngồi thật đắc địa để ngài có thể ngắm cảnh sắc mùa xuân. Xin ngài chớ từ chối đến đây thưởng hoa". Shingen lúc đó mới chấp thuận và bảo: "Không gặp mặt hoa đã là chuyện khó tha thứ mà ta cũng không thể nào phụ lòng chiếu cố của hòa thượng được." [15]

Để tỏ lòng biết ơn đối với dịp may hiếm có được xem hoa và đàm đạo với nhà sư, Shingen đã viết nên những lời thơ sau đây bằng Hòa văn:

Saso hazuba / kuyashi kara mashi / sakurabana /sate kon haru wa / yuki no furu tera.

(Nếu không nhận lời mời / Sẽ tiếc mãi dịp may / Ngắm anh đào nở đầy / Xuân sau nhỡ khi đến / Chùa nằm giữa tuyết bay)

Niềm vui tao nhã tìm thấy nơi thiên nhiên của hai vũ tướng Shingen và Kenshin, cho dù khi họ đang sống giữa cảnh chiến tranh, được xem như là cái thú fuuryuu 風流 (phong lưu). Ở Nhật, ai không biết đến thú fuuryuu đều bị xem như là kẻ vô văn hóa. Tình cảm này không chỉ có tính cách thẩm mỹ mà còn hàm ý tôn giáo nữa. Điều đó có lẽ cũng là tâm cảnh đã đẻ ra tập quán nơi những người Nhật có văn hóa là viết một câu thơ bằng chữ Hán (shi) hay bằng chữ Nhật (uta) trước khi giã biệt cuộc đời. Câu thơ đó có tên là jise no shi 辞世の詩 (từ thế thi), jise no uta 辞世の歌 (từ thế ca). Người Nhật đã được huấn luyện để biết dành lấy một giây phút nhàn tĩnh giúp cho họ thoát ra ngoài tình trạng phấn khích mà nhiều khi họ phải đương đầu. Cái chết là một tình trạng nghiêm trọng tập trung mọi sự chú ý nhưng những người Nhật Bảnvăn hóa đều nghĩ rằng họ bắt buộc phải siêu việt lên trên hoàn cảnh đó để có thể nhìn nó một cách khách quan. Tập quán để lại một bài thơ lúc lâm chung, cho dù không được áp dụng một cách phổ quát nơi mọi nhà trí thức Nhật Bản ngay cả dưới thời phong kiến, dường như đã bắt đầu trong đám các thiền sưtín đồ của họ dưới thời Kamakura. Khi Đức Phật nhập diệt, ngài đã cho gọi chư đệ tử đến bên mình và thuyết pháp một lần cuối. Việc này hình như đã được Phật giáo đồ ở Trung Quốc bắt chước nhưng đặc biệt nơi Thiền tông thì thay cho di huấn gửi lại người đi theo, các thiền sư thường để thi ca tóm tắt nhân sinh quan của họ.

Từ thế thi của Takeda Shingen là câu nói ông trích dẫn từ văn học Thiền tông:

Đại để hoàn tha cơ cốt hảo, 
Bất đồ hồng phấn tự phong lưu 
Xương thịt mất đi về chỗ cũ /  
Chẳng tô hồng phấn cũng xinh tươi)

Hai câu này nói lên sự hoàn hảo tuyệt đối của Hiện Thực (Reality), từ nơi đó tất cả chúng ta đã đến và đều sẽ trở về. Đó là một thế giới muôn màu muôn vẻ, thoắt hiện thoắt biến, trở lại không ngừng nhưng bên trong vẫn giữ y nguyên một vẻ đẹp toàn bích.

Uesugi Kenshin thì sáng tác, ông để lại 2 bài, một bằng Hán thi, một bằng thơ Waka:

Nhất kỳ vinh hoa nhất bôi tửu, 
Tứ thập cửu niên nhất thụy mộng. 
Sinh bất tri tử diệt bất tri, 
Tuế nguyệt chỉ thị như mộng trung.

(Một kiếp vinh hoa, một chén say /  
Bốn mươi chín tuổi, mộng hồ đầy /  
Sống không biết, chết làm sao biết /  
Năm tháng chi hơn giấc bướm dài).

Gokuraku mo / 
jigoku mo madzu wa /  
Ariake no / tsuki no kokoro ni /  
kakaru kumo nashi

(Cực lạcđịa ngục 
Nghĩ đến chỉ thêm rầy /  
Như vầng trăng về sáng /  
Lòng không vương gợn mây )

Sau đây xin nói đến cái chết của những người samurai thời Kamakura được thuật lại trong bộ sử truyện Taiheiki 太平記 (Thái Bình Ký). Cùng với câu chuyện về các nhà sư chùa Erinji bên trên, nó sẽ chứng minh được ảnh hưởng của Thiền đối với Vũ sĩ đạo, đặc biệt qua thái độ của người samurai trước cái chết.

Trong số gia thần của Hôjô Takatoki北条高時, chức Shikken cuối cùng dòng họ Hôjô, có người tên là Shiaku Shinsakon Nyuudô塩飽新左近入道. Ông không phải là chức sắc cao cấp cho lắm trong hàng ngũ samurai ở Kamakura. Khi sắp sửa tự sát để tùy tùng chủ quân, người đã đến bước đường cùng, ông cho gọi Saburôzaemon Tadayori三郎左衛門忠頼, cậu trưởng nam của mình đến và nói: "Kamakura đã đến ngày tàn, địch quân đang bao vây tứ phía. Ta sẽ chia sẻ số phận với tướng công như một bầy tôi trung của ngài. Riêng con còn trẻ, chưa ra hầu việc và chưa hề nhận ơn mưa móc. Vậy con hãy lánh nạn và khi tính mạng được bảo toàn, tìm cách xuất gia, nương nhờ cửa Phật để tụng kinh siêu độ cho chúng ta. Sẽ không có ai chê trách con về điều ấy đâu!"

Tuy vậy, Saburôzaemon không muốn tuân theo lời khuyên hợp lý của cha chút nào. Anh thưa: "Cho dù bản thân con chưa hề xuất sĩ và không được phục vụ tướng công nhưng con là con của cha nên đã được nuôi dạy và lớn lên dưới sự bảo bọc quảng đại của ngài. Nếu con đã đi tu thì đó là một chuyện khác. Nhưng sinh ra trong một gia đình vũ sĩ, làm sao con có thể bỏ tướng công và phụ thân để thoát hiểm bằng cách trở thành tăng lữ. Không có sự nhục nhã nào to lớn hơn điều đó! Nếu như cha muốn chia sẻ định mệnh với tướng công, hãy cho phép con làm kẻ dẫn đường cho cha về bên kia thế giới." Chưa dứt lời, anh ta đã tuốt đoản đao tự mổ bụng mình và chỉ còn là cái xác không hồn.

Em của Saburô 三郎là Shirô 四郎 nhìn thấy cảnh tượng đó cũng dợm theo gương anh. Thế nhưng Nyuudô入道, người cha, ngăn anh lại: "Chớ hấp tấp. Con phải theo thứ tự, cho ta đi trước đã!". Shirô bèn tra đoản đao vào vỏ và cung kính ngồi trước mặt cha, chờ ông ra lệnh. Người cha mới bảo con đem một cái ghế tới rồi tự mình ngồi xếp bằng trên đó theo tư thế của một thiền sư và bắt đầu mài mực để viết bài thơ tuyệt mệnh như sau lên trên một mảnh giấy:

Đề trì xuy mao, 
Tài đoạn hư không. 
Đại hỏa tụ lý, 
Nhất đạo thanh phong.

(Lưỡi kiếm bén ngót /  
Hư vô chém ngọt /  
Trong lửa phừng phừng /  
Một làn gió mát).

Khi viết xong đâu đấy, ông cũng làm nghi thức tự quyết như một người vũ sĩ can đảm mà cuộc sống của ông từng chứng tỏ. Shirô đã kết thúc gọn ghẽ bằng cách chém đầu hộ cha đúng theo phong cách của giới samurai. Đến phiên mình, Shirô cũng dùng chính mũi kiếm ấy để rạch bụng và ngã xuống chết.

Vào thời dòng họ Hôjô bị tuyệt diệt, có một người samurai khác tên là Nagasaki Jirô Takashige長崎次郎高重. Anh đã đến gặp một vị thiền sư, người ấy cũng là kẻ từng hướng dẫn tinh thần của Takatoki. Anh đặt câu hỏi: "Trong trường hợp này, một vũ sĩ can trường phải xử sự như thế nào?". Vị thiền sư đáp ngay: "Vung lưỡi kiếm và tiến về phía trước!" Takashige hiểu tức khắc ý nghĩa của câu nói. Anh ta đã chiến đấu với địch một cách dũng cảm cho đến khi kiệt sức và ngã gục trước mặt chủ mình là Takatoki.

(Theo quyển 10 của Taiheiki)

Trên đây có lẽ là tinh thần Thiền tông nơi những người vũ sĩ đã chọn con đường ấy. Thiền thấy không cần thiết phải tranh luận với họ về sự bất tử của linh hồn, của chính nghĩa hay của những hành động thiêng liêngđạo đức. Thiền thúc giục họ tiến về phía trước cho dù kết luận họ chọn là hợp lý hay phi lý. Triết học chỉ dành cho và được giữ lại ở những tâm hồn trí thức. Thiền muốn hành động và hành động một cách hữu hiệu nhất. Một khi đã quyết định điều gì, phải xông ra phía trước và không hề ngoái đầu. Về phương diện này, Thiền đúng là tôn giáo của người vũ sĩ.

"Phải chết (shinu) kiểu isagi-yoku"(潔く死ぬkhiết tử = thác trong) là câu nói phản ánh một trong những lối suy nghĩ thiết thân của người Nhật. Có một số cái chết, nếu hàm chứa đặc tính này, thì dù là tội ác gây ra bởi một can phạm cũng được xem như có thể tha thứ. "Isagi-yoku" có thể dịch là "không tiếc gì" (bất hối), "với lương tâm trong sáng", "như một người can đảm", "không chần chờ", "với đầy đủ sự sáng suốt" vv...Người Nhật ghét những cái chết nhiêu khê hay chậm chạp; họ chỉ muốn rơi rụng tan tác như cánh hoa anh đào trước cơn gió và, không còn ngờ chi nữa, thái độ về cái chết của họ rất phù hợp với giáo huấn của Thiền tông. Có thể người Nhật không có một triết lý đặc biệt nào về cuộc sống (nhân sinh quan) nhưng nhất quyết họ có một triết lý về cái chết (sinh tử quan), dù đôi khi trong đó cũng thấy có sự thiếu suy xét. Tinh thần thần đẫm chất Thiền nơi người vũ sĩ đã lan tỏa ra như một triết lý đến mọi giai tầng trong đại chúng. Những người này cho dù không được rèn luyện theo phong cách chiến sĩ cũng đã hấp thụ được tinh thần ấy và sẵn sàng hy sinh cho một mục đích nào đó mà họ nghĩ là xứng đáng. Điều đó đã được minh chứng rất nhiều lần vào những khi đất nước họ lâm vào cảnh chiến tranh. Một nhà nghiên cứu ngoại quốc về Phật giáo Nhật Bản [16] đã nhận xét một cách chí lý rằng Thiền chính là đặc tính của quốc dân Nhật Bản. 
 

Dịch xong tại Tokyo ngày 1 tháng 4 năm 2017 
NNT


Thư mục tham khảo:

1) Daisetzu T. Suzuki, 1988, Zen and Japanese culture, Tuttle Publishing, Tokyo, (from p. 61 to p. 85).

2) Suzuki Daisetsu, 1940, Zen to Nihon Bunka, Iwanami Shoten, ấn bản lần thứ 37 năm 1977. Kitakawa Momo.o dịch từ bản Anh ngữ Zen Buddhism and its Influence on Japanese culture, Kyôto, 1938.

Chú Thích

[1] - Còn gọi là Viên Mãn Thường Chiếu Quốc Sư tức cao tăng Vô Học Tổ Nguyên (Mugaku Sôgen無学祖元), thiền sư Nam Tống, đã đến Nhật năm 1279.

[2] - Chùa xếp hàng thứ hai trong Ngũ Sơn của vùng Kamakura. Hôjô Tokimune cho xây lên năm 1282. Tăng Lâm TếVô Học Tổ Nguyên khai sơn.

[3] - Là tiếng hét để biểu lộ uy lực và sự quyết tâm như Blitz trong tiếng Đức. Người dùng chữ này lần đầu tiên là Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一 ? – 788). Thiền sư Lâm Tế còn chia Katsu ra làm 4 loại với cách sử dụng khác nhau. Xin được phép giản dị hóa ở đây.

[4] - Quan niệm Phật giáo cho rằng dầu thuộc về một phe phái nào, theo một lý tưởng nào, địch cũng như ta, đã là con người thì đều có Phật tính.

[5] - Nguyên tác gồm hai quyển, do Kyôzaisha (Tôkyô) xuất bản năm 1937.

[6] - Yagyuu Munenori (1571-1646), một lãnh chúa, trấn thủ vùng Tajima, kiếm khách và nhà binh pháp trứ danh của thế kỷ 17, cận thần kiêm cố vấn về kiếm thuật của 3 đời Shôgun họ Tokugawa..

[7] - Xem thêm bức thư luận về kiếm đạoThiền sư Takuan đã gửi cho Yagyuu Tajima trong Chương V liên quan đến Bất Động Trí (Prajnâ Immovable)..

[8] - Hai cha con trung thần của Nam Triều. Kusunoki Masashige (楠木正成Nam Mộc, Chính Thành, 1294-1336) được xem như người samurai tận trung báo quốc số một và là gương mẫu của mọi thời đại. Masatsura (正行Chính Hành, 1326-1348), con trai ông, cũng tử tiết như cha và em sau khi thua trận.

[9] - Một trong những kiếm sĩ nổi tiếng, Tsukahara Bokuden sinh năm 1490 và chết vào năm 1572.

[10] - Vùng Kai, lãnh địa của Shingen vây bọc bởi núi non nên bị thiếu muối trầm trọng vì phải đi thật xa về phía Thái Bình Dương mới có muối. Tuy là một địch thủ lợi hại trong việc tranh bá đồ vương nhưng Kenshin không bắt chước các lãnh chúa khác trong vùng mà phong tỏa kinh tế Shingen. Ông cho rằng đã là samurai thì phải giải quyết mâu thuẫn bằng gươm giáo trên chiến trường chứ không được phép lảm khổ dân nên đã viết thư đề nghị giúp muối cho vùng Kai và được Shingen vui vẻ hấp nhận.

[11] - Xem Thiền Luận (Essays on Zen) của S.D., quyển I, trang 187.

[12] - Chuyện này cũng giống như câu chuyện giữa lãnh chúa Date Masamune ở Sendai với Thiền sư Rin.an khi nhà sư đến dinh để gặp ông. Nói chung, võ tướng thời xưa hay dùng uy vũ để thử thách đạo lực của các thiền sư nhưng ngược lại, thường bị họ chinh phục.

[13] - "Nhập đạo" nôm na là "đi vào con đường" hay vào Phật đạo, tức là qui y Phật.

[14] - Việt sơn ý nói vùng núi non Echigo (Việt Hậu) thuộc tỉnh Niigata ngày nay, đất do Kenshin quản lãnh. Năng châu là bán đảo Nôtô (Năng Đăng) về hướng Kaga (thành phố Kanazawa), nơi ông tiến binh để nới rộng thế lực. Ý nói người viễn chinh là ông đang nhớ quê hương và chắc đêm nay, chung một vầng trăng sáng, quê hương cũng đang nhớ kẻ xa nhà.

[15] - Việc người Nhật yêu hoa anh đào đã đẻ ra nhiều giai thoại, trong đó có câu chuyện về loài hoa anh đào mang tên Asatsuma. Đó cũng là tên một nữ tử tù thời Edo bị giam trên vọng lâu thành Koishikawa. Bà đã xin và được phép ngắm hoa lần cuối trước khi bị đem ra hành hình.

[16] - Suzuki Daisetsu muốn nói đến Sir Charles Eliot, một nhà ngoại giao, từng viết sách về Phật giáo Nhật Bản. Nhận xét của Eliot cũng được Sir George Samson nhắc lại ở một nơi khác. 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/12/2023(Xem: 2763)
07/08/2023(Xem: 2063)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.