Iii. Kệ Kiến Tánh Đoạn 5

25/06/201112:00 SA(Xem: 6567)
Iii. Kệ Kiến Tánh Đoạn 5

KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
Biên Soạn: Thiền Sư Chân Nguyên
Dịch Giải: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. PL. 2544 – DL. 2000

B. GIẢNG GIẢI

III- KỆ KIẾN TÁNH (Đoạn 5)

Hỏi: Ở trong ba cõi, trên trời dưới đất, cõi này phương khác, sáu đường bốn châu, quần sanh muôn loài, tất cả đều học Phật, chẳng biết thuở xưa Phật trước học ai mà chứng Bồ-đề, đời tôn là Phật ?

Câu hỏi này nói gọn cho dễ hiểu: Hiện giờ tất cả chúng ta tôn sùng Phật, học theo đức Phật. Vậy khi xưa Phật học ai mà thành Phật ?

Đáp: Phật vốn không học, do tỏ ngộ trí tự nhiên vô sư, pháp thân rộng lớn, tròn đồng thái hư, chân không trong lặng nhiệm mầu, lặng sáng không gì trên, cao vượt khỏi ba cõi, ngang khắp mười phương, suốt cả xưa nay, nghiễm nhiên thường trụ, vô vi vô tướng, chánh giác Bồ-đề, chẳng sanh chẳng diệt, ứng hiện còn mãi, tuyệt khôngsánh bằng, đời tôn là Phật. Lại nói: Phật là tánh giác, chúng sanh là tình mê. Phật giác ngộ pháp tánh tròn sáng, lóng trong, nhất như không tịch; chúng sanh thì mê tình vọng khởi mãi mãi thọ thân trong ba cõi. Nên kinh Lăng Nghiêm nói: "Thanh tịnh sẵn vậy, tại sao chợt sanh núi sông, quả đất ?".

Hỏi xưa đức Phật học ai, đáp rằng đức Phật không học ai, Ngài tỏ ngộ trí tự nhiên vô sư rồi Ngài nhận ra Pháp thân rộng lớn tròn đồng thái hư, thường trụ chẳng sanh chẳng diệt, nên người đời tôn xưng Ngài là Phật.

Như chúng ta đã biết, ngày xưa đức Phật lúc còn là Thái tử, Ngài rời hoàng cung để đi tu, Ngài cũng tìm tới các vị đạo sĩ để tu. Đầu tiên Ngài gặp nhóm đạo sĩ Bạt-già, nhóm này tu khổ hạnh để cầu sanh về cõi Trời chớ không cầu giác ngộ, giải thoát. Thái tử thấy cách tu của họ không đúng với mục tiêu mình nhắm, nên Ngài bỏ đi. Ngài tìm đến núi Tần-già gặp đạo sĩ A-la-lam, chỉ trong một thời gian ngắn Thái tử đã thâu nhiếp hết pháp yếu của A-la-lam chứng từ sơ thiền đến vô sở hữu xứ định. Nhưng hướng tu của A-la-lam không đạt đến chỗ giải thoát như ước nguyện của Thái tử, nên Ngài từ giã ra đi, tìm đến đạo sĩ lừng danh là Uất-đầu-lam-phất. Ở Uất-đầu-lam-phất Ngài tu không bao lâu đạt được tầng Thiền cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng định. Pháp tu Uất-đầu-lam-phất không khác đạo sĩ A-la-lam, nên Thái tử cũng từ giã vị này vào rừng tu khổ hạnh một mình. Thái tử tu khổ hạnh trong rừng theo sử kể lại đến sáu năm, thân thể còn da bọc xương mà vẫn không đạt được mục đích, cho nên Ngài từ bỏ. Sau cùng Ngài ăn uống lại bình thường rồi đến dưới gốc cây Bồ-đề ngồi Thiền, sau bốn mươi chín ngày đêm Ngài chứng đạo tức là tỏ ngộ pháp thân. Như vậy sự tỏ ngộ của Ngài không có ai dạy, nên Ngài tuyên bố ta học đạo không có thầy. Do thiền địnhtrí vô sư Ngài sáng tỏ, tức là ngộ được Pháp thân thành Phật. Điều này cho chúng ta thấy rằng mục đích của Thái tử đi tu là giải thoát sanh tử, muốn đạt được điều đó phải nhận ra Pháp thân bất sanh bất diệt. Thế nhưng các vị đạo sĩ dạy tu cuối cùng chỉ chứng đến phi tưởng phi phi tưởng định, nên Ngài không chấp nhận từ giã họ ra đi. Vì giác ngộ thành Phật tức là ngộ được trí vô sư hay Pháp thân không sanh không diệt tròn sáng trùm khắp. Từ đó Ngài tuyên bố thoát ly sanh tử, không còn sanh trở lại trong tam giới nữa. Mục tiêu mà Ngài tìm kiếm bao năm đã được khám phá. Như vậy thành Phật, tỏ ngộ trí vô sư, hay chứng pháp thân tên gọi tuy khác nhưng chỉ có một kết quả là giác ngộ giải thoát

Nơi Thái tửtrí vô sư, vậy nơi chúng ta có không ? - Trí vô sư ai ai cũng có, muốn chứng được chúng ta phải thiền định như Thái tử Tất-đạt-đa khi xưa. Chúng ta tu chủ yếu là gạn lọc hết vọng tưởng cho tâm an định. Khi tâm an định trí vô sư hiển hiện rõ ràng, chúng ta thấy biết đúng như thật. Thấy biết như thế không ai dạy chúng ta cả, Phật Tổ, thầy bạn chỉ trợ duyên thôi, chính chúng ta phải tự tu, chớ không ai tu thế được. Chúng ta học nơi sách vở thì sách vở chỉ là phương tiện, còn tu để phát minh trí vô sư mới là đạt đến chỗ cứu cánh. Như những nhà bác học muốn có những phát minh mới, họ phải đóng cửa phòng thí nghiệm, ngồi trong đó nghiền ngẫm suốt tháng suốt năm, cho tới một lúc nào đó họ phát minh ra điều mà họ đang tìm kiếm. Vậy sự phát minh đó ai dạy ? Nếu có người dạy thì không gọi là phát minh, không có người dạy mà biết là do trí vô sư phát sáng chớ gì ? Như vậy bất luận là người thế gian hay người tu nếu dồn hết tâm lực vào một việc, tâm an định thì trí vô sư nơi mình hiện sáng, chớ không có gì lạ hết. Ai có trải qua những kinh nghiệm này thì không có nghi ngờ. Nếu ngộ lớn thì nhận ra pháp thân, ngộ nhỏ thì chợt hiểu nghĩa lý thâm sâu của câu kệ hay bài kinh mình học từ lâu mà không hiểu. Lúc đó đâu có thầy dạy, chỉ do tâm định rồi phát sáng, đó là trí vô sư đã có sẵn nơi mỗi người, không phải là cái mới lạ hay ai cho, cũng không phải một mình Thái tử mới có mà chính là cái có sẵn nơi mỗi người. Thái tử ngộ trí vô sư nên người đời mới tôn Ngài là Phật. Trí vô sư chỉ cho Phật pháp thân, Phật pháp thân mới không sanh không diệt. Còn Phật Thích CaẤn Độ thì có sanh có diệt, nếu Ngài không diệt thì ngày nay chúng ta gặp Ngài. Như vậy, tất cả chúng ta ai cũng có Phật pháp thân và ai cũng có sắc thân phàm thế tục, sắc thân phàm thế tục thì tạm bợ sanh diệt, pháp thân thì bất sanh bất diệt thoát ly sanh tử mới là tối thượng, ai nhận ra Phật pháp thân và hằng sống với pháp thân gọi là chứng quả Phật. Còn nếu mang thân này mà không ngộ được Phật pháp thân, dù cho tài giỏi tới đâu cũng chưa phải là Phật. Sau đây Ngài dẫn kinh Lăng Nghiêm: Bản thể vốn thanh tịnh, tại sao chợt sanh ra núi sông, quả đất, con người muôn vật. Thì đây trả lời:

Dạy rằng:

Chân tánh lóng trong, vốn không có mờ tối. Vọng từ không dấy lên mà cảm đến gió thức. Song do gió thức thổi cho tâm động, nhân tâm lay động mà kích phát thêm gió cảnh. Nhân gió cảnh nổi dậy mãnh liệt nên khởi vọng niệm. Do một niệm vọng sanh mà ba cõi bắt đầu thành lập. Ba cõi bên trong là sắc thân của ta; ba cõi bên ngoài tức là trời đất, thế giới, núi sông, quả đất, hết thảy muôn vật.

Đứng về mặt chân tánh thì bản thể lóng trong không mờ tối, nhưng vọng từ tâm rỗng lặng dấy khởi, do đó sanh ra gió thức, gió thức thổi làm cho tâm động, do tâm dao động kích phát thêm gió cảnh, nhân gió cảnh nổi dậy mãnh liệt nên khởi vọng niệm. Tại sao tâm đang yên lặng lại chợt sanh gió thức ? Ví dụ như chúng ta đang ngồi yên, tâm không suy nghĩ gì hết. Bất chợt nhớ đến chuyện hôm qua, vừa dấy niệm nhớ là thức phân biệt theo liền, nào là chuyện hôm qua hay dở, tốt xấu, đúng sai, thành ra có vọng tưởng nhất định. Đó là gặp gió cảnh thổi tới làm tâm dao động. Tâm dao động rồi khởi suy nghĩ thêm về việc xảy ra hôm qua hay dở, đúng sai, tốt xấu... Vọng niệm dấy khởi liên miên, nên vọng sanh ra ba cõi. Ba cõi bên trong là sắc thân, ba cõi bên ngoài là trời đất núi sông muôn vật. Như vậy để thấy rằng có lúc tâm mình rất yên tỉnh, chợt có một niệm dấy lên tức là gió thức nổi dậy, nếu chúng ta chạy theo niệm phân biệt thì gió nghiệp cảnh thổi đến làm cho tâm ta dao động nhiều hơn.

Ví dụ chúng ta đang ngồi yên chợt nhớ hôm qua cô A nói mình câu: Cô đó giả bộ tu hành. Vọng niệm này vừa dấy lên chúng ta liền phân biệt cô A nói như vậy là khinh khi mình. Niệm phân biệt tiếp theođộng lực thúc đẩy mình đứng dậy đi kiếm cô A để trách móc. Do đó sanh ra đủ thứ chuyện lôi thôi. Như vậy để thấy rằng chúng ta ai cũng sẵn có tâm thể thanh tịnh, nhưng chợt bất giác để vọng niệm dấy khởi, mà vọng niệm dấy khởi thì có đủ thứ âm thanh hình tướng, đủ chuyện phải quấy, hơn thua, vui buồn, sướng khổ v.v... Nếu người biết tu ngay lúc vừa dấy niệm biết nó là hư dối, không theo thì lần hồi vọng niệm sẽ thưa dần. Đối với cảnh bên ngoài cũng bớt tâm phân biệt trở về với cái tâm nguyên thủy sẵn có của mình. Tóm lại khởi niệm phân biệt, nên tạo nghiệp đi trong sanh tử. Niệm khởi không theo thì sống với tâm như như dứt sanh tử, rất đơn giản. Thế nên biết thì thấy ý nghĩa của sự tu hành, không biết thì thấy cực nhọc, ngồi lâu đau chân, gục lên gục xuống không ích lợi chi cả. Tuy nhiên, tu đạt tới chỗ thông suốt rồi thì công phu nhẹ nhàng và tâm lúc nào cũng sáng suốt an vui.

Giải rằng:

Thanh tịnh đến tột cùng thì sáng thông, đạt tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, rồi nhìn trở lại thế gian, giống như việc trong mộng. Pháp thân trong trẻolặng lẽ vốn không có nhơ sạch riêng khác, chân tánh lắng trong, đâu có Thánh phàm sai biệt. Đều bởi có mê ngộ, đến nỗi khiến thành chẳng đồng. Kinh nói: Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Từ không mà khởi vọng, rồi vọng sanh mọi thứ sắc. Đã trái với lẽ không sanh không hóa, lại hằng có hóa, có sanh. Trọn là buông tâm phóng chạy, hoàn toàn không giác tánh hồi quang, lấy huyễn làm chân, trái không theo sắc. Bản tánh chân như từ ban sơ, vốn tròn sáng, rỗng lặng vô vi, từ khi huyễn có sắc thân, vọng thức, mà kết nhân kết quả, vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm thêm vào sự mê hoặcthành thân, đi đi lại lại, theo nghiệp thọ báo. Thức thần đã theo nghiệp, rồi theo nghiệp thọ thân, ra nơi này vào nơi kia, bỏ kia sanh đây, lên xuống trong sáu đường, qua lại nơi ba cõi lành dữ chẳng đồng, muôn loài sai khác, giàu sang nghèo hèn, tùy hạnh nghiệp mà sanh, chẳng phải không nhân mà mong được quả. Thế gian mộng huyễn, há được dài lâu ? Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, học đạo vô thượng, vượt cao lên quả thù thắng. Đạo vô thượng, tức là pháp tánh chân như. Nếu ngộ pháp tánh chân như, trong trẻo tròn đầy, rỗng rang vắng lặng, thì vọng tình dần dần dứt sạch, chánh giác trong sáng tròn thành, không xưa không nay, vượt cao lên ba cõi, chẳng sanh chẳng diệt, ngang khắp mười phương, tròn đồng thái hư, bình đẳng như vậy, hằng chứng Bồ-đề.

Thanh tịnh đến tột cùng thì sáng thông, đạt tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, rồi nhìn trở lại thế gian, giống như việc trong mộng. Nếu tâm thanh tịnh thì thấu suốt lý tịch và chiếu. Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói "tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh vọng tưởng sai". Tỉnh tỉnh là chiếu, lặng lặng là tịch. Ngược lại "lặng lặng tỉnh tỉnh phải, lặng lặng hôn trầm sai". Lặng lặng là tịch, tỉnh tỉnh là chiếu. Đó là gốc của sự tu, nếu thiếu một trong hai cái thì sự tu không đạt kết quả. Tịch mà chiếu, chiếu mà tịch. Chúng ta ngồi Thiền tỉnh sáng mà không vọng tưởng thì đúng, còn tỉnh táovọng tưởng đủ thứ thì sai. Ngược lại nếu ngồi Thiền tâm lặng lẽ mà tỉnh sáng thì đúng, nếu tâm lặng lẽ nhưng mơ mơ ngủ gục thì sai. Như vậy chiếu mà tịch hoặc tịch mà chiếu thì đúng, nếu chiếu mà loạn tưởng hoặc tịch mà hôn trầm vô ký thì sai. Tự mình xét lại công phu của mình thì biết đúng sai, không nên để lệch hai yếu tố chính đó. Chúng ta rà soát lại pháp mình đang tu thì không lầm lẫn. Nếu đạt được tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, nhìn lại thế gian thấy như việc trong mộng.

Những pháp hữu vi hữu hình thì hữu hoại, vô thường chi phối không chừa một ai, từ những cảnh vật chung quanh cho đến thân này, chẳng khác nào nằm ngủ mê, mộng thấy đủ thứ, khi thức dậy thì không có gì cả. Đó là lẽ thật mỗi người chúng ta nên chiêm nghiệm cho kỹ để lo tu.

Pháp thân trong trẻolặng lẽ vốn không có nhơ sạch riêng khác, chân tánh lắng trong, đâu có Thánh phàm sai biệt. Đều bởi có mê ngộ, đến nỗi khiến thành chẳng đồng. Kinh nói: Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Từ không mà khởi vọng, rồi vọng sanh mọi thứ sắc. Đã trái với lẽ không sanh không hóa, lại hằng có hóa, có sanh. Trọn là buông tâm phóng chạy, hoàn toàn không giác tánh hồi quang, lấy huyễn làm chân, trái không theo sắc.

Ý đoạn này nói rằng chúng ta có tánh giác sáng suốt mà bỏ giác chạy theo mê, tức là bối giác hiệp trần. Pháp thân hay chân tánh của chúng ta vốn trong trẻo lặng lẽ, không nhơ sạch không Thánh phàm, bởi có mê có ngộ nên chẳng đồng nhau. Thân tứ đại chẳng thật có, năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không. Do từ cái thể chân không không giữ tự tánh, nên khởi vọng tưởng thành ra có đủ thứ sắc, như vậy đã trái với cái lẽ không sanh không hóa của pháp thân, cho nên sanh sanh hóa hóa liên tục. Chúng ta mãi buông tâm chạy theo ngoại cảnh, không chịu xoay lại tánh giác của mình - tức là không hồi quang phản chiếu. Chúng ta lầm cho cái sắc thân bốn đại năm uẩn tạm bợ giả dối này là thật, bỏ cái thể không, chạy theo hình sắc bên ngoài. Như trước có nói chúng ta chạy theo âm thanh sắc tướngquên mình có cái hay nghe hay thấy không tướng mạo, không có gì phá hoại được nó.

Bản tánh chân như từ ban sơ, vốn tròn sáng, rỗng lặng vô vi, từ khi huyễn có sắc thân, vọng thức, mà kết nhân kết quả, vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm thêm vào sự mê hoặcthành thân, đi đi lại lại, theo nghiệp thọ báo. 

Đoạn này Ngài nói cũng hết tình hết lý. Từ ban sơ bản tánh của chúng ta vốn tròn sáng rỗng lặng, nhưng khi huyễn có sắc thân rồi thì sanh vọng thức, kết nhân kết quả và sanh ra đủ thứ vọng sau này. Ngài thấy thân là huyễn, còn chúng ta thấy thân huyễn hay thật ? Trả lời được điều này là xác định rõ rệt hướng đi của mình. Nếu thấy thân huyễn thì đang đi trên con đường giác ngộ, nếu thấy thân thật thì đang đi trên con đường mê lầm. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta tự mâu thuẫn với mình, miệng thì nói tôi muốn đi đường giác ngộ, nhưng ý lại tham đắm sắc thân, vì cho sắc thân là thật. Như vậy, tu thì muốn giác ngộ, mà thấy sắc thân này là thật, ý muốntồn tại lâu dài, thế là mê. Do đó chúng ta thường bị cái mâu thuẫn làm khổ mình: đi tu thì nguyện đi theo con đường giác ngộ của Phật Tổ, mà cứ quay đầu nhìn theo hướng mê của phàm phu, làm sao thấy đường giác mà đi ? Cho nên tiến không nổi mà lùi cũng không xong. Có người tu năm bảy năm mà chẳng thấy an lạc chỉ thấy toàn phiền não ! Thỉnh thoảng tôi nghe một số người tu kể người này sân giận nhiều, người kia lắm phiền não, người nọ hay cãi lẫy với huynh đệ, ít nghe họ nói đến tâm định trí sáng, thấy thân này như huyễn, mọi việc xảy ra không còn dính mắc. Nếu nói chuyện đang đi trên đường giác ngộ như ý nguyện ban đầu của mình thì vui lắm. Như vậy muốn tu tiến chúng ta phải khẳng định hướng nhắm của mình, đi đường nào phải hướng theo lối ấy. Việc này rất dễ và đơn giản, chúng ta nhất định phải chọn một bỏ một: hoặc thấy thân này huyễn, hoặc thấy thân này thật.

Thấy thân huyễn là thấy bằng tâm chớ không phải nói suông bằng miệng. Thấy thân huyễn thì bị mắng chưởi thậm tệ cũng không buồn, được khen ngợi tâng bốc cũng không mừng, khổ vui được mất không làm động tâm v.v... Nếu miệng nói thân tôi huyễn hóa, nhưng ai chê một câu là mặt bí xị ý không vui, ai khen một lời là mặt mày hớn hở, nhớ mãi không quên, đó là thấy thân tôi thật. Cứ lấy cây thước tám gió đo lòng mình thì biết rõ ta thấy thân huyễn hay thật. Chúng ta phải mạnh dạn chọn một bỏ một, để khẳng định hướng đi của mình. Trong số Tăng Ni ở đây (Thiền Viện Trúc Lâm), khi đi tu ai cũng phát nguyện đi trên con đường giác ngộ cho đến ngày viên mãn, quyết chí như vậy thật là phi thường. Song vào chùa một thời gian cạo tóc, thọ giới xong, lý đáng phải tu tiến, nhưng thỉnh thoảng cũng có người sụt lùi, hoặc lọt hẳn xuống hố mê. Tôi thấy thương quá đưa gậy kéo họ lên, đẩy đi một hồi lại lọt xuống nữa. Cứ kéo lên lọt xuống hoài, thật khổ cho kẻ rơi xuống mà cũng nhọc nhằn cho người kéo lên ! Thế nên tôi mong quí vị phát tâm đi tu phải giữ tâm nguyện như lúc ban đầu thì thành đạo có dư. Muốn thế phải thật sự thấy thân như huyễn. Chúng ta sống mấy mươi năm tưởng chừng dài lắm, thật ra ngày qua ngày, hết sáng tới tối, loay hoay nhìn lại mấy chục năm thấy như giấc mộng. Nếu thấy thân này như huyễn, cuộc sống như giấc mộng thì không có chuyện phiền não xảy ra. Tại không chịu hồi quang phản chiếu, cứ phóng tâm chạy theo cảnh, nên mới sanh ra các thứ: vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm sâu vào tạng thức trở thành mê hoặc, do hoặc tạo nghiệp, mà có thân thọ báo đi trong tam giới.

Thức thần đã theo nghiệp, rồi theo nghiệp thọ thân, ra nơi này vào nơi kia, bỏ kia sanh đây, lên xuống trong sáu đường, qua lại nơi ba cõi lành dữ chẳng đồng, muôn loài sai khác, giàu sang nghèo hèn, tùy hạnh nghiệp mà sanh, chẳng phải không nhân mà mong được quả. Thế gian mộng huyễn, há được dài lâu ? Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, học đạo vô thượng, vượt cao lên quả thù thắng.

Đây Ngài nói thêm, nếu chúng ta mê muội thì thần thức sẽ theo nghiệp thọ thân trong ba cõi sáu đường, tùy theo nghiệp đã tạo mà thọ quả báo tốt xấu khác nhau. Thế nên, trên thế gian từ thân người cho đến cảnh sống chung quanh không ai giống ai cả. Trong đoạn này có một câu. Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, tôi xin sửa "Muốn chứng chân thường hãy khéo tu học Phật" cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Vì người tại gia hay xuất gia nếu khéo tu học Phật đều có lợi ích. Theo quan niệm của quần chúng, muốn giác ngộ giải thoát thì phải xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm vào chùa ở. Như thế thì những người lỡ có gia đình con cái muốn giác ngộ giải thoát phải làm sao ? Bỏ gánh nặng cho người khác gánh để đi tu phải không ? Một người cho đến một ngàn người như thế thì ai lo cho gia đình, ai lo xây dựng xã hội đất nước ? Con cái lớn rồi nó tự lo liệu còn có thể được, nếu con mới năm ba tuổi bỏ lại cho vợ hoặc chồng nuôi làm sao nuôi nổi ? Có những trường hợp ban đầu ham tu quá bỏ vợ con vô chùa, tu một thời gian thấy vợ con nheo nhóc rồi hoàn tục lo cho vợ con. Như vậy đạo đời gì cũng dở dang không trọn vẹn. Cho nên tôi khuyên quí vị đã lỡ có gia đình, muốn giác ngộ giải thoát hãy noi theo gương ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài làm quan, thê thiếp nhiều, mà lúc sắp tịch, quí bà khóc lóc, Ngài vẫn tự tại ra đi không chút lưu luyến. Tu như Ngài mới giỏi, học tu theo Phật mà không xa lánh gia đình xã hội, tu như vậy không ai than phiền trách móc mình chi cả. Nếu ai cũng vô chùa tu hết thì nguy lắm.

Đạo vô thượng tức là pháp tánh chân như. Nếu ngộ pháp tánh chân như, trong trẻo tròn đầy, rỗng rang vắng lặng thì vọng tình dần dần dứt sạch, chánh giác trong sáng tròn thành, không xưa không nay, vượt cao lên ba cõi, chẳng sanh chẳng diệt, ngang khắp mười phương, tròn đồng thái hư, bình đẳng như vậy, hằng chứng Bồ-đề.

Đoạn này nói về kiến tánh tức là nhận được bản tánh của mình, nên mới diễn tả bản tánh tròn sáng trong trẻo lặng lẽ. Nhưng vì dấy niệm tạo nghiệp mà có sanh tử. Nếu biết thân sanh tửhuyễn hóa, cảnh vật không thật thì trở về thể tánh trong sáng tròn lặng ấy. Ngược lại thì cứ chìm đắm không biết chừng nào ra khỏi.

Thân Phật siêu ba cõi,
Tịch quang đầy thái hư.
Hiện hình trăng trong nước,
Mãi làm thầy trời người.
Âm :
Phật thân siêu tam giới,
Tịch quang mãn thái hư.
Hiện hình thủy trung nguyệt,
Vĩnh tác thiên nhân sư.
Thân Phật siêu ba cõi, tịch quang đầy thái hưThân Phật tức là Pháp thân vượt ra ba cõi: dục giới, sắc giớivô sắc giới, lặng lẽ sáng suốt đầy cả thái hư. Tịch là lặng, quang là sáng tức là tỉnh, ai ngồi Thiền mà tâm lặng và tỉnh là đang sống với Pháp thân của chính mình. Hiện hình trăng trong nước, mãi làm thầy trời người. Báo thân hay ứng thân do Pháp thân ứng hiện, giống như có bóng mặt trăng hiện trong nước là do mặt trăng thật trên hư không. Ví dụ đêm rằm trời không mây, chúng ta nhìn vào hồ nước trong thấy có bóng mặt trăng hiện dưới đáy nước, mặt trăng dưới đáy hồ nước là bóng chớ không phải mặt trăng thật ? Nếu thật thì ta thử vớt xem có vớt được không ? Nếu nói không thì sao có mặt trăng dưới nước ? Thấy có mặt trăng mà vớt không được, cho nên không phải thật có. Thấy rõ ràng có bóng mặt trăng nên không phải thật không. Cũng vậy hóa thân, báo thân của Phật hiện ra để làm thầy trời người đó là từ pháp thân ứng hiện, giống như bóng mặt trăng hiện trong nước, không phải thật có cũng không phải thật không. Cho nên Phật Thích Ca đã thành Phật, thân ba mươi hai tướng tốt sáng chói như vàng ròng mà vẫn bị vô thường chi phối, ngày nay chỉ còn một chút ít xá lợi Phật thờ trong các bảo tháp rải rác trên khắp thế giới mà thôi.


Hỏi: Hai ngôi Phật và pháp, ngôi nào trước, ngôi nào sau ? Nếu nói Phật có trước, Phật nàynương theo pháp nào mà được thành đạo nên gọi là Phật ? Nếu bảo pháp có trước, pháp này do Phật nào nói nên gọi là pháp ?

Lại hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau ?

Đáp: Phật vốn có trước pháp, cũng có sau pháp.

Hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau ?

Đáp: Nếu y cứ chân như thật tế, thì chân Phật không hình, tròn đồng thái hư, đối diệntrước mắt, lặng sáng không gì trên, đây là Phật thật không hình tướng, Phật có trước.

Đoạn này nêu lên câu hỏi: Phật có trước hay pháp có trước, nếu Phật có trước thì Phật nương pháp nào tu để được thành Phật ? Nếu nói pháp có trước thì pháp này do Phật nào nói ? Câu trả lời không dứt khoát: Phật có trước pháp mà cũng có sau pháp. Hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau ? Đáp rằng: Nếu y cứ Phật pháp thân thì Phật có trước.

Lại nói:
Ta có một thân Phật,
Người đời ít kẻ biết.
Không một giọt tro bùn,
Không một điểm màu sắc.
Vàng ròng khó đúc thành,
Gỗ đá khó chạm khắc.
Thợ trời tạo chẳng nên,
Trộm đất trộm chẳng được.
Nước lửa chẳng can chi,
Nghiễm nhiên gió chẳng khác.
Lặng sáng đầy thái hư,
Đoan nghiêm rất kỳ đặc.
Tròn sáng có một thân,
Hóa thân ngàn trăm ức.
Âm :
Ngô hữu nhất khu Phật,
Thế nhân thiểu giả thức.
Vô nhất trích hôi nê,
Vô nhất điểm thái sắc.
Hoàn kim nan đào dung,
Mộc thạch nan tạc khắc.
Thiên công tạo bất thành,
Địa đạo thâu bất đắc.
Thủy hỏa bất thường can,
Nghiễm nhiên phong bất thắc.
Tịch quang mãn thái hư,
Đoan nghiêm thậm kỳ đặc.
Viên minh hữu nhất khu,
Hóa thân thiên bá ức.
Ngài nói thêm bài kệ để giải thích ý nghĩa Phật có trước: Ta có một thân Phật, người đời ít kẻ biết. Ai cũng có một vị Phật mà ít ai biết đến vị Phật đó. Không một giọt tro bùn, không một điểm màu sắc. Vị Phật đó không do tro bùn làm nên, cũng không có điểm màu sắc gì cả. Vàng ròng khó đúc thành, gỗ đá khó chạm khắc. Dùng vàng ròng đúc không được vị Phật này, dùng gỗ khắc chạm cũng không được. Thợ trời tạo chẳng nên, trộm đất trộm chẳng được. Thợ khéo ở trên trời cũng không tạo được, mà kẻ trộmdưới đất cũng không ăn cắp được vị Phật này. Nước lửa chẳng can chi, nghiễm nhiên gió chẳng khác. Vị Phật này vào nước không chìm, gặp lửa không cháy, gió thổi chẳng rung rinh. Lặng sáng đầy thái hư, đoan nghiêm rất kỳ đặc. Phật pháp thân lặng lẽ rỗng sáng tròn đầy như thái hư, rất trang nghiêm và kỳ đặc. Tròn sáng có một thân, hóa thân ngàn trăm ức. Thể thì tròn sáng có một, khi ứng hóa thì có trăm ngàn muôn ức thân. Phật pháp thân là Phật thật có sẵn nơi mọi người, chớ không riêng của ai. Về sau, người đời không nhận được Phật pháp thân, nên mới dùng phương tiện đắp thành tượng Phật. Tượng Phật là Phật có hình tướng phỏng theo dáng hóa thân hoặc báo thân mà đắp, chớ Phật thật thì không có thân.

Nên Thiền sư Xuyên Lão nói: "Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật đất chẳng độ nước".

Tụng:
Ba Phật hình nghi chẳng phải chân,
Con ngươi trong mắt trước mặt xem.
Nếu hay biết được trong nhà báu,
Hoa núi chim kêu một dáng xuân.
Ứng Phật, Hoá Phật, đều không thật,
Bóng hình muôn thứ thảy là quyền.
Cái gì có tướng đều hư vọng,
Chân Phật không hình vốn tự nhiên.
Âm :
Tam Phật hình nghi tổng bất chân,
Nhãn trung đồng tử tiền diện nhân.
Nhược năng thức đắc gia trung bảo,
Đề điểu sơn hoanhất vạn xuân.
Ứng Phật, Hóa Phật giai vô thật,
Ảnh tượng thiên bang tổng thị quyền.
Phàm sở hữu tướng giai hư vọng,
Chân Phật vô hình bổn tự nhiên.
Nên Thiền sư Xuyên Lão nói: "Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật đất chẳng độ nước. Câu này Thiền sư Xuyên Lão lặp lại câu nói của ngài Triệu Châu. Ngài Triệu Châu nói: Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong. Tượng Phật bằng vàng nếu để vào lò đúc thì không độ được lò đúc, mà bị lò đúc nung chảy ra nước; tượng Phật bằng gỗ đem để vào lửa bị lửa đốt thành tro. Tượng Phật bằng đất đem để vào nước, nước thấm ướt, đất rã ra. Bây giờ có thêm Phật xi-măng, Phật thạch cao không độ được cáicái búa, vì búa đập vào thì xi-măng bể, thạch cao bể. Chỉ có ông Phật ngồi ở trong điện Tỳ-lô của mỗi người, là không có thứ gì làm tiêu hoại được. Khi Phật ấy hóa hiện thân ra thì độ được tất cả mọi chúng sanh. Ngài Xuyên Lão tụng thêm: Ba Phật hình nghi chẳng phải chân, con ngươi trong mắt trước mặt xem. Ba hình chỉ cho Phật bằng vàng, Phật bằng gỗ, Phật bằng đất. Phật được tạc bằng một trong ba chất loại ấy dù có khéo đẹp thế mấy cũng không thật. Phật thật ở trong thân giả của mỗi người giống như con ngươi sáng nằm trong mắt ở trước mặt. Phải ngay đó mà nhận chớ đừng tìm kiếm ở đâu xa.

Nếu hay biết được trong nhà báu, hoa núi chim kêu một dáng xuân. Nếu biết được mình có kho báu, tức là nhận được tánh Phật chân thật của mình thì nhìn hoa dại mọc ở kẽ đá trên núi, nghe tiếng chim hót trên cành cây, thấy đâu đâu cũng là cảnh xuân tươi đẹp. Ai biết trở về tánh Phật chân thật của chính mình thì tất cả cảnh, tất cả hiện tượng bên ngoài đều tươi sáng đẹp đẽ như hoa chim trong mùa xuân.

Ứng Phật, Hóa Phật đều không thật, bóng hình muôn thứ thảy đều quyền. Phật ứng thân, Phật hóa thân đều không phải Phật thật, vì có hình có bóng tất cả đều là quyền là tạm không phải thật. Cái gì có tướng đều hư vọng, chân Phật không hình vốn tự nhiên. Chỉ có vị Phật chân thật không hình tướngtự nhiên sẵn vậy. Ngài Xuyên Lão tụng như thế để nhắc chúng ta nhớ trở về với vị Phật thật của mình, không mắc kẹt nơi âm thanh, sắc tướng giả dối bên ngoài.

Hỏi: Thế nào Pháp có trước ?

Đáp: Nếu y cứ pháp tánh tịch diệt, thì chân kinh không quyển, rỗng trơn bặt dấu vết, nghĩa ấy như sao trời sáng rực, lặng lẽ quên lời, biển chân giáo sóng bủa mênh mông, bao la pháp giới, lặng lẽ sáng soi tự tại, suốt tột xưa nay, dọc ngang khắp trời đất, đây là chân kinh không quyển, pháp có trước. Nếu y cứ pháp tịch diệt, đó là pháp trước Phật sau.

Thông thường ai cũng hiểu theo lịch sử thì, đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo nói pháp trong bốn mươi chín năm, dạy cho mọi người tu hành hiện còn ghi chép trong Tam tạng kinh điển, pháp đó có sau, Phật có trước, vì Phật thành đạo rồi mới nói pháp. Nhưng ngài Chân Nguyên lại nói pháp có trước, nên ở đây nêu câu hỏi: Thế nào là pháp có trước ? Đây giải thích pháp có trước là pháp tánh tịch diệt sẵn có của tất cả chúng ta, do ngộ được pháp đó mới thành Phật, nên nói pháp có trước, Phật có sau. Pháp này cũng gọi là chân kinh không quyển. Bởi vì pháp này chỉ cho thể chân thật không có tướng mạo, nên không có dấu vết của văn tự, không có lời ghi chép, không có sách in thành quyển, đó là cái tịch diệt sẵn có muôn đời.

Kinh nói :
Các pháp từ xưa nay,
Tướng thường tự vắng lặng.
Phật tử hành đạo rồi,
Đời sau được làm Phật.
Âm :
Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Phật tử hành đạo dĩ,
Lai thế đắc tác Phật.
Tất cả chư Phật đều nhân nơi pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Nên kinh Lăng Già nói: "Lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, dứt mọi hí luận, mới có thể chứng Phật". Nên biết, pháp tánh tịch diệt là thầy chư Phật, đây là pháp trước Phật sau. Vì vậy kinh nói: "Có Phật không Phật, pháp tánh vẫn thường trụ. Có kinh không kinh, pháp thân vẫn hằng như vậy". Một pháp mà có ngàn tên, ứng với duyên mà lập hiệu, chân Phật, chân kinh, pháp tánh pháp thân vốn đồng một thể, không có tướng khác. Nếu có người huệ lớn, trí bậc thượng, chóng ngộ chân không, pháp tánh như vậy, chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời, sẽ sớm được viên chứng quả Bồ-đề. Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hành đạo rồi, đời sau được làm Phật. Các pháp từ xưatớigiờ, tướngnóthườngvắng lặng, người Phật tử đời này hành đạo rồi, đời sau sẽ được làm Phật. Ngày xưa có một Thiền tăng nghe hai câu kệ đầu: "Các pháp từ xưa nay tướng thường tự vắng lặng", Ngài nghi ngờ tại sao các pháp từ xưa đến nay tướng thường tự vắng lặng ? Ngài ôm ấp thắc mắc mãi trong lòng. Một sáng mùa xuân đang ngồi trước cửa chùa, thấy muôn hoa đua nở và nghe chim hoàng oanh đậu trên cành hót líu lo, Ngài hoát nhiên ngộ đạo, liền đọc tiếp hai câu thơ:
Xuân đến trăm hoa nở,
Hoàng oanh hót trên cành.(1)

 

Ngài ngộ là vì nhận ra rằng, các pháp thể tánh nó vốn lặng lẽ, mà tướng của nó thì tùy duyên, duyên hợp thì muôn sự muôn vật hiện tiền, như hoa nở chim hót khi mùa xuân đến. Ngộ đạo là thấy cùng tột bản thể của sự vật, cũng như nhận ra thể tánh của chính mình, đồng thời cũng biết rõ tướng dụng sinh động của các pháp không lầm lẫn. Người học đạo thấu suốt cùng tột chỗ này thì không những đời sau thành Phật mà ngay hiện tại cũng đã giác ngộ.

Tất cả chư Phật đều nhân nơi pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Nên kinh Lăng Già nói: "Lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, dứt mọi hí luận, mới có thể chứng Phật". Chứng Phật quả là không mắc kẹtvăn tự, không mắc kẹtlời nói, cũng không mắc kẹt ở cái tâm duyên theo cảnh, dứt hết những bàn luận suông mới chứng được Phật quả. Chứng Phật quả là ngộ được pháp tánh tịch diệt, pháp tánh ấy lìa tất cả tướng văn tự, ngôn ngữ, tâm duyên, hí luận. Nên biết pháp tánh tịch diệt là thầy chư Phật, đây là pháp trước Phật sau. Phật do ngộ pháp tánh tịch diệtthành Phật, nên nói pháp có trước, Phật có sau. Vì vậy kinh nói: Có Phật, không Phật, pháp tánh vẫn thường trụ, có kinh không kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy. Dù cho có Phật ra đời hay không Phật ra đời, pháp tánh vẫn thường trụ không biến đổi. Dù có kinh hay không có kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy. Pháp tánh hay Pháp thân không rời nhau. Một pháp mà có ngàn tên, ứng với duyên mà lập hiệu, chân Phật, chân kinh, Pháp tánh, Pháp thân vốn đồng một thể, không có tướng khác. Nói thì có nhiều tên như chân Phật, pháp tánh, pháp thân... nhưng thể của nó thì đồng không khác.

Nếu có người huệ lớn, trí bậc thượng chóng ngộ chân không, pháp tánh như vậy, chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời, sẽ sớmđược viên chứng quả Bồ-đề. Nếu người có trí tuệ lớn bậc thượng thì mau ngộ được lý chân không. Đây nói chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời. Bây giờ chúng ta thấy tượng Phật đúc bằng đồng hay thạch cao, xi-măng, hoặc gỗ, đó là Phật tượng, có tướng giả dối. Còn chân Phật thì không hình tướng, vì Phật thật là Phật pháp thân bất sanh bất diệt. Còn Phật hóa thân như Phật Thích CaẤn Độ sống tám mươi năm cũng là Phật sanh diệt. Chân kinh không quyển là chỉ cho pháp tánh, không phải quyển kinh bằng giấy mực chữ nghĩa. Chân đạo thì không có lý lẽ còn lý lẽ không phải là chân. Chân pháp không có lời, lời nói ngôn ngữ là do niệm khởi; niệm khởi lời nói là tướng sanh diệt không phải là chân. Người ngộ được như thế thì chứng quả Phật viên mãn.

Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng,
Tịch quang tròn lặng đồng hư không.
Hình nghi chẳng mượn dùng tiếng cầu,
Dung mạo dính gì với sắc pháp.
Muôn pháp đồng về biển tánh chân,
Một trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh.
Rành rành hiển hiện chân thân Phật,
Lồ lộ Như Lai đối mặt luôn.
Âm :
Thanh tịnh pháp thân vô tướng Phật,
Tịch quang viên trạm đẳng hư không.
Hình nghi phi giả dĩ thanh cầu,
Dung mạo khởi quan ư sắc pháp.
Vạn tượng đồng qui chân tánh hải,
Nhất trần bất nhiễm bổn linh nguyên.
Đường đường hiển hiện Phật chân thân,
Lộ lộ Như Lai thường đối diện.
Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng, tịch quang tròn lặng đồng hư không. Pháp thân tức Phật thân không tướng mạo, nhưng ánh sáng lặng lẽ trùm cả hư không. Hình nghi chẳng mượn dùng tiếng cầu, dung mạo dính gì với sắc pháp. Hình tướng không thể dùng tiếng mà cầu được, dung mạo không dính dáng gì với sắc pháp. Tóm lại: Pháp thân thanh tịnh lặng lẽ, hằng giác hằng tri không có tướng mạo nên không dính dáng gì với mọi hình sắc, âm thanh. Muôn pháp đồng về biển tánh chân, một trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh. Biển pháp tánh chân thật là thể của muôn pháp, nên muôn pháp thảy đều trở về đó. Nếu không nhiễm một tí bụi trần ấy là trở về nguồn linh của chúng ta. Rành rành hiển lộ chân thân Phật, lồ lộ Như Lai đối mặt luôn. Người trở về nguồn linh thì chân thân Phật hiện rõ ràng, không bị che khuất, cho nên nói: Như Lai luôn luôn đối diệntrước mắt. Như Lai là tên khác của Pháp thân, Pháp thân thường hiển lộ ngay trước mắt của mọi người. Trong nhà thiền có một từ ngữ kiến tánh, kiến tánh tức là nhận ra Pháp thân hay thấy tánh, nhưng thấy bằng cách nào, bằng cái nhìn của con mắt phải không ? Thấy tánh tức là nhận ra nơi mình có tánh thấy chân thật, nếu khôngtánh thấy thì chúng ta không thể nhận thấy được tất cả người vật chung quanh. Tuy nhiên, người sáng mắt thấy người thấy vật biết mìnhtánh thấy, vậy người mù mắt không thấy cảnh vật họ có tánh thấy không ? Họ không thấy sự vật nhưng họ thấy tối đen, cái nhận biết của họ hiển lộ ở các cơ quan khác như mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm v.v...

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy Ngài A-nan về tánh thấy qua ví dụ nắm tay và con mắt. Phật dạy người không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, còn người mù mắt thì không phải hoàn toàn không thấy. Cho nên Phật bảo ngài A-nan:

- Ông thử ra đường hỏi những người mù anh thấy cái gì ? Chắc chắn người mù trả lời: thấy trước mắt tối đen.

Ngài A-nan bạch Phật:

- Người mù thấy tối đen sao gọi là thấy ?

Phật dạy:

- Người mù thấy tối đen so với người sáng mắt ở trong phòng tối, hai cái tối ấy có khác nhau không ?

- Không khác.

- Nếu người mù khi chữa lành bệnh, mắt sáng thấy được cảnh vật, cũng giống như người mắt sáng ở trong nhà tối có đèn sáng, họ cũng thấy cảnh vật.

Như vậy, ai cũng có cái thấy hết, nhưng người sáng mắt thì nhìn thấy người thấy vật rõ ràng, người mù thì thấy ở trước tối đen. Tánh thấy lúc nào cũng hiện tiền trước mắt mình, nhưng không bao giờ mình dùng mắt thấy nó được, song biết mìnhtánh thấy là khi mình thấy người vật bên ngoài. Vì nó không có hình tướng làm sao thấy được nó ? Như vậy thì mọi người đều có cái hay thấy, tức là có tánh thấy, mà có tánh thấy là một phần Pháp thân hiển lộ, đó là Như Lai lồ lộ ngay trước mặt. Nên nhớ lồ lộ trước mặt không phải Phật hiện trước mặt mình thấy bằng mắt, mà Như Lai lồ lộ ở sáu căn của mình, tại mình không chịu nhận. Chúng tathói quen hễ thấy người thì khởi nghĩ người đó tên gì, đẹp xấu, tánh tình dễ chịu hay khó chịu, dòng suy tư kéo đi một mạch, cái thấy không dừng ngang chỗ thấy, mà cái thấy theo dòng nghĩ tưởng nên quên mất tánh thấy, nên chư Tổ dạy chúng ta đối duyên xúc cảnh thấy như mù, nghe như điếc. Nếu thấy người thấy vật mà không khởi niệm đẹp xấu, nghe mà không phân biệt dở hay đó là thấy như mù nghe như điếc. Giả sử chúng ta thấy có một người đi ngang qua, nếu không để ý phân biệt, có ai đó hỏi: Cô có thấy người đi ngang qua không ? - Có. Nhưng hỏi: Người ấy đẹp hay xấu, cao hay thấp... ? Đáp: Không biết. Như vậy là thấy tức như không thấy. Chúng ta thì không như thế mà thấy cái gì là phải phăng tìm cho ra gốc rễ, đó là chạy theo vọng tưởng phân biệt, mà quên Như Lai ở nơi mình đang hiển lộ.

Nếu luận về pháp văn tự đó là Phật trước, pháp sau. Vì sao ? Bởi chư Phật lúc tột ban đầu tu hành, là tự chứng căn bản trí tuệ, pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Đến khi thành Phật xong, mới nương nơi hóa thân trăm ức ở cõi biến hóa, vận dụng thần thông, thị hiện mọi thứ, sau đó nói rộng các thứ ngôn từ, các thứ thí dụ, các thứ cơ quan, các thứ nghĩa lý, sắn bìm lá bối, kết tập văn tự, nương sự mà đặt tên, kinh này luận nọ, sắp xếp thứ tự rồi gom lại làm từng quyển, thành tạng kinh mười hai bộ, rồi để lại lời dặn dò, lưu truyền ở đời, mở rộng phương tiện chỉ đường, chỉ lối mà tiếp hóa chúng sanh.

Nếu căn cứ vào ba tạng giáo điển thì Phật có trước, pháp có sau, vì đức Phật Thích Ca thành Phật rồi mới thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Pháp do Phật nói được ghi chép lại thành pho thành quyển, đó là Phật trước pháp sau. Trong đoạn này có những từ ngữ hơi khó hiểu đó là "sắn bìm lá bối". Ngày xưaẤn Độ ghi chép những lời Phật dạy trên lá bối rồi kết lại thành thiên. Sau này con người văn minh tiến bộ, sản xuất giấy mực, những lời Phật dạy được in trên giấy thành quyển hẳn hoi, lưu truyền cho chúng ta học đến ngày nay. Chữ sắn bìm là chỉ cho những dây leo, ý nói những lời Phật dạy dù được ghi chép để lại thành ba tạng Kinh, Luật, Luận, cũng chỉ là phương tiện để cho chúng sanh nương theo tu hành, nó không phải là Pháp thân chân thật của chúng ta.

Lời Phật dạy được kết tập lại thành tạng gồm mười hai bộ.

1- Khế kinh: Là những lời Phật dạy đúng với chân lý được ghi lại bằng văn xuôi.

2- Ứng tụng: Khi có duyên cớ gì đó, Phật phát lên những lời tụng.

3- Ký biệt: Thọ ký riêng từng đệ tử tu hành bao nhiêu kiếp thành Phật ở đâu... 

4- Trùng tụng: Khi giảng xong bài kinh, Phật lập lại ý trên bằng bài tụng.

5- Tự thuyết: Phật tự kêu các Tỳ-kheo lại thuyết giảng, không chờ thưa hỏi.

6- Nhân duyên: Tùy theo nhân duyên mà Phật giải thích về nhân duyên các pháp.

7- Thí dụ: Khi giảng muốn cho dễ hiểu Phật cho ví dụ.

8- Bổn sự: Kinh kể lại những đời quá khứ của Ngài.

9- Bổn sanh: Kinh Phật kể lại những đời quá khứ của đệ tử.

10- Phương quảng: Những bài kinhý nghĩa rộng lớn.

11- Vị tằng hữu: Kinh nói lên điều chưa từng có ở đệ tử. Ví dụ ngài A-nan là thị giả chưa từng có. Phật cần cái gì vừa ngó là Ngài biết đem tới liền.

12- Luận nghị: Kinh bàn luận, phán đoán đúng sai, chân giả để cho người học nắm vững để tu.

Mười hai bộ kinh không phải là mười hai bộ riêng biệt, mà là mười hai thể loại nói kinh của Phật, trong một quyển kinh có nhiều thểloạinhưkinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm... Trong kinh có mỗi phần riêng nói về lý nghĩa riêng gọi là một bộ. Kinh điển có mấy ngàn quyển, Phật nói không ngoài mười hai thể loại này.

Chúng sanh ban đầu nương theo kinh giáoxuất gia học đạo, minh tâm kiến tánh, thành công chứng quả, đây là Phật trước pháp sau. Nếu người lượng cao, đủ đại trí tuệ, liền chóng ngộ trí tự nhiên, không Phật, không kinh, không thầy, Pháp thân vốn rỗng lặng, cùng Phật bình đẳng, quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy. Bởi, quán thật tướng của thân, tức là Pháp thân rỗng rang diệu hữu, Phật và ta đều vô tướng, trong lặng nhiệm mầu, nhất như, tròn đồng thái hư, chân không bình đẳng. Dù học ngàn kinh muôn luận, rốt ráo cũng không vượt ngoài lý này, cuối cùng là viên chứng Phật Pháp thân.

Chúng sanh nương theo Pháp Phật dạy tu hành ngộ đạo chứng quả Phật cũng gọi là Phật trước pháp sau. Nếu người nào có trí tuệ rộng lớn, chóng ngộ trí vô sư không Phật không kinh, không thầy, Pháp thân vốn rỗng lặng, cùng Phật bình đẳng. Chúng ta học tất cả Kinh tất cả Luận và tu để chứng đượcPhápthân, Phápthânthìkhông còn ngôn ngữ, không còn giáo lý để học, chỉ là thể tánh tịch diệt sẵn có của tất cả chúng ta. Phật chứng được Pháp thân, chúng ta tu cũng chứng được Pháp thân, đó là chỗ bình đẳng rốt ráo.

*


(1) Pháp Hoa Giảng giải (Thích Thanh Từ) trang 112
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.