Chương Thứ Năm: Sự Sinh Hoạt Của Đàn Na Tín Đồ

10/10/201012:00 SA(Xem: 21042)
Chương Thứ Năm: Sự Sinh Hoạt Của Đàn Na Tín Đồ

THIỀN LÂM TẾ NHẬT BẢN

Nguyên tác Matsubara Taidoo - Thích Như Điển dịch
Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2006

Chương thứ năm
Sự Sinh Hoạt của Đàn Na Tín Đồ

I. “Tọa Thiền Hòa Tán“ 
II Văn Phát Nguyện của Bồ Tát 
III Phương Pháp Ăn Uống 
IV. Niềm TinTín Điều trong sinh hoạt 
V. Những Lễ Lộc Trong Năm 
VI. Cách Bài Trí ở Bàn Thờ Phật 
Lời cuối sách

I. “Tọa Thiền Hòa Tán“

Như trên đã đề cập, tông chỉ của tông Lâm Tế rất rõ ràng, không chủ trương bắt buộc tụng đọc một kinh điển nào nhất định, song vẫn hành trì tụng đọc các kinh như: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn v.v..hoặc là tụng đọc bản “Toạ Thiền Hoà Tán“ của Thiền Sư Bạch Ẩn, viết theo lối văn tiếng Nhật, mỗi khi đọc lên có một sự hoà âm giữa người xuất giatại gia với nhau thật gần gũi dễ thương.

Lão Sư Sài Sơn Toàn Ứng nguyên là Quản Trưởng của chùa Nguyên Nam, giải thích về “Toạ Thiền Hoà Tán“ như sau:

Toạ Thiền Hoà Tán“ là bài ca nói về công đức của pháp toạ thiền. Nội dung của tác phẩm Hoà Tán nầy chẳng phải chỉ ca ngợi việc ngồi Thiền, mà trong đó tinh tuý của Thiền được ca ngợi gọi là “Thiền Hoà Tán“ hay “Thiền Đạo Hoà Tán“ 
Trích từ tác phẩm Thiền Phong của Lâm Tế trang 157 NXB Xuân Thu

Như Sài Sơn Lão Sư giải thích, trong Toạ Thiền Hoà Tán, Thiền được xem là tông chỉ của Thiền Lâm Tế, được trình bày từ chỗ cao đến chỗ thấp giống như nội dung kinh Pháp Hoa, như Thiền sư Trí Khang ở Ichigawa thuộc Nhật Liên chỉ rõ.

Sau khi nghiên cứu thêm và căn cứ vào những lý do đã nêu trên, trong chương nầy, tôi (tác giả) xin trình bày tông chỉ của Lâm Tế Tông qua giáo nghĩa của “Toạ Thiền Hoà Tán.“

Toàn văn bài “Toạ Thiền Hoà Tán“ của Bạch Ẩn Thiền Sư như sau:

(1) Bổn lai chúng sanh vốn là Phật
Như nước và băng chỉ là một
Lìa nước làm sao tìm băng được
Ngoài chúng sanh ra, không có Phật
(5) Quá gần, chúng sanh không hề biết
Chỉ lo tìm kiếm ở nơi xa
Giống như bơi lội ở trong nước
Vẫn khát
Như con nhà giàu
(10) Lang thang vào nơi nghèo
Vì tạo nhân của lục thú luân hồi
Ta si mê vào đường tăm tối
Mang mang mịt mịt mờ mờ
Chưa biết khi đi ra sanh tử
(15) Như học Thiền định Đại Thừa
Vẫn còn xưng tán nữa
Bố thí, trì giới Ba La Mật
Niệm Phật, Sám hối, tu hành v.v…
Với những việc lành ấy
(20) Tất cả đều trở về
Công phu toạ thiền thành một người
Như đã tích chứa vô lượng tội
Rơi vào đường ác thú
Thì Tịnh Độ cũng chẳng xa
(25) An nhẫn thọ pháp
Một khi nghe lọt vào tai
Có người tán thán tuỳ hỉ
Công đức vô cùng chẳng giới hạn
Huống nữa tự mình hồi hướng
(30) Ngay nơi tự tánh chứng biết
Tự tánh tức vô tánh
Việc ấy rời hý luận
Nhân quả nhất như đà mở cửa
Chẳng hai chẳng ba mà thẳng lối
(35) Âm thanh vô tướng vẫn là tướng
Đến đi đều chẳng có
Vô niệm chính là niệm 
Múa hát cũng đều là tiếng pháp
Rộng mở tam muội Không và Vô ngại
(40) Rực rỡ mặt trăng Tứ Trí viên minh
Đâu có cần tìm
Hiện tiền tịch diệt cho nên
Chính nơi đó là nước Liên Hoa
Thân nầy chính là Phật

Thiền sư Bạch Ẩn, tác giả của “Toạ Thiền Hoà Tán”, sanh tại Tuấn Hà, huyện Sizuoka thời kỳ Giang Hộ, được ngưỡng mộ như là một Thiền giả, một vị Tổ của Thiền Lâm Tế thời Trung Hưng. Toạ Thiền Hoà Tán được Ngài viết lúc đã về già.
Toàn bài văn “Toạ Thiền Hoà Tán“ có 22 dòng và 44 câu được viết theo lối văn đơn giản rõ ràng. Mỗi câu được đánh số thứ tự để tiện việc giải thích. Như Ngài Sài Sơn Lão Sư đã đề cập. Những gì được trình bày trong Toạ Thiền Hoà Tán đều thuộc Thiền Phong của Lâm Tế. Càng phân tích kỹ lưỡng càng thấy rõ ràng tông chỉ của Toạ Thiền Hoà Tántông chỉ của Lâm Tế, qua 3 câu sau đây.

Chúng sanh bổn lai vốn là Phật,
Ngay nơi tự tánh được chứng biết,
Thân nầy chính là Phật.

Chỉ cần đọc ba câu nầy là biết được nội dung chính của Toạ Thiền Hoà Tán rồi. Như ai đó hỏi về giáo nghĩatông chỉ của Lâm Tế, được trả lời rằng: “Chúng sanh bổn lai vốn là Phật. Ngay nơi tự tánh được chứng biết. Thân nầy chính là Phật” 

Đây chính là tất cả những gì đặc trưng Tông Lâm Tế. Tuy Ngài vừa nói vừa cười như thế, nhưng cho đến bây giờ, với tôi (tác giả) vẫn chưa hài lòng. Sài Sơn Lão Sư giải thích rộng hơn về ba câu ấy như vầy.

“Chúng sanh bổn lai vốn là Phật“ nghĩa là bản thể của Thiền.
“Ngay nơi tự tánh được chứng biết“ là diệu dụng của Thiền.
“Thân nầy chính là Phật“ là tướng trạng của Thiền.

Ngoài ra cũng có thể giải thích đơn giản hơn về ba câu như sau: Người trí vốn có khả năng tánh thành Phật. Nhờ có Phật tánh, bản tánh giác ngộ và qua sự thể nghiệm, người trí giác ngộtrở thành con người toàn thiện.

(1)“Chúng sanh bổn lai vốn là Phật“ hay chúng sanh đều có Phật Tánh, cũng có thể nói là khái luận thuộc Đại Thừa Phật Giáo hay là tư tưởng Đại Thừa. Hai phạm trù chúng sanh và Phật; phiền nãogiác ngộ đều tương quan tương duyên với nhau. Một cách cụ thể, Bạch Ẩn nói rằng (2) “Giống như nước và băng, (3) Lìa nước, làm sao có băng được (4) ngoài chúng sanh ra, không có Phật.

Nước ví dụ cho giác ngộ và băng ví dụ cho phiền não. Dù là nước hay băng đi nữa, bản chất phân tử H2O không có gì thay đổi, song về hình tướng, có sự khác nhau giữa nước và băng. Băng tan ra thành nước. Nước đóng lại thành băng. Nước và băng không thể tách rời nhau được. Thật là mê mờ cho những ai không hiểu đạo lý, đi tìm cầu chân lý ở đâu xa.

(9) (10) Như con nhà giàu lang thang vào nơi nghèo” như gã cùng tử con của Trưởng giả trong phẩm Tín Giải, kinh Pháp Hoa. Tuy sinh ra trong nhà giàu, nhưng do mê muội làm kẻ cùng tử nghèo khó lang thang trên khắp nẻo đường 
(15) Như học Thiền Định Đại Thừa có nhiều sai khác đối với Thiền Định của Tiểu Thừa chẳng phải chỉ là một trong sáu Ba La Mật (17) Bố Thí, Trì Giới các Ba La Mật và (18) Niệm Phật sám hối tu hành, mà tất cả đều là Thiền. Đó là nói một cách bao quát (20) Tất cả đều trở về.

Phải nói rằng “Thiền” chẳng phải chỉ là Thiền Tông như các Tông Phái khác. Song như Ngài Huệ Năng nói: Thiền là gọi của Tâm, là cái bổn tâm của chúng sanh, là Phật Tâm, là bổn tánh. Vả lại đức Thế Tôn rõ biết sự thật rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn cái Phật tâm nầy. Phật Tâm ấy cũng gọi là Thiền. Vì vậy cho nên Bạch Ẩn đem tất cả pháp tu Lục Ba La Mật (trong đó kể cả Thiền) trở về Thiền. Đạo Nguyên gọi Thiền là “Toàn Đạo Phật Pháp”. Sài Sơn Lão Sư nói rằng Thiền là bản thể của tâm. 

“Chúng sanh bổn lai vốn là Phật” là tư tưởng chính yếu của Phật Giáo Đại Thừa, là giáo lý căn bản các tông phái Phật Giáo. Ngoài ra, cũng có thể nói rằng cho dù các quan điểm của các tông phái có thể khác nhau nhưng chân lý vẫn là chúng sanh bổn lai vốn là Phật”. Hiểu và lãnh hội được “Chúng sanh bổn lai vốn là Phật“ là tự giác, đó là quan ải đầu tiên cần phải vượt qua. Một khi đã vượt qua trình tự ấy để giác ngộ, trí tuệ liền phát sinh. Đó là lúc mà Bạch Ẩn nói (30) ngay nơi tự tánh đều chứng biết”. Chữ “ngay” ở đây có nghĩa là tự tánh của chính mình là bổn tánh là Phật tánh ấy. Ngoài tánh ấy ra không thể chứng được. 

“Chúng sanh bổn lai vốn là Phật” chẳng phải là một định nghĩa cần giảng giải. Nếu không phải xuất phát từ kinh nghiệm của mình, các quan niệm luận ấy coi như bặt dứt. Với Thiền, càng nghi ngờ cái quan niệm đầy hí luận ấy.
Câu (29) ”huống nữa là tự mình hồi hướng” cho thấy rằng ánh mắt của chúng ta đa phần hướng ra ngoài. Song ở đây, Bạch Ẩn muốn nói một điều là hồi hướng nghĩa là chuyển vào bên trong 180 độ của chính mình, chứ không phải hướng ra bên ngoài.

Chữ “hồi hướng” có nghĩa là hồi trở lại. Thông thường, ý nghĩa chữ nầy thường được dùng khi cúng giỗ cho người thân đã mất. Hồi hướng có nghĩa là hướng tới, hồi đầu. Song với tư tưởng Phật Giáo, nghĩa là tự chính mình thọ nhận cái phước đức đó, rồi đem cái đức hạnh truyền lại cho người khác.

Cúng giỗ là dịp làm phước và đem phước đức hồi hướng đến người đã khuất, vì nghĩ rằng người đã khuất không thể làm phước được nữa, cho nên người còn sống đại diện làm phước để hồi hướng cho hương linh.

Bởi vì, ý nghĩa của chữ hồi hướng không phải chỉ một chiều mà theo hình xoắn ốc tiến tới. Khi việc hồi hướng đến với người đã khuất, không có nghĩa là chấm dứt sự lãnh thọ, mà người đã khuất cũng hồi hướng lại cho chúng ta nữa. Nói cách khác là hồi hướng cho nhau. Thật sự, có một hình ảnh thật dễ thấy thường ngày và thật dễ hiểu ý nghĩa hồi hướng là khi chúng ta dâng hoa cúng Phật, hay cúng hoa cho hương linh, cành hoa ấy đặt ngay ở giữa và hướng ra phía chúng ta. Hình ảnh đó là hồi hướng, nghĩa là hướng về lại phía chúng ta. Đó là sự thật chẳng phải sao?

Trong trường hợp nầy, vấn đề “Tha Lực” và “Tự Lực” có thể được nghiên cứu để hiểu rõ hơn. “Tha Lực“ được hiểu là năng lực của người khác, thật sự, không phải là tinh tuý của tư tưởng Phật Giáo. Theo nghĩa rộng, “Tha Lực“ là “sự gia hộ của Phật và Bồ Tát”. Tông Tịnh Độ cho rằng đó là “Nguyện lực của Đức Phật A Di Đà giúp cho chúng sanh vãng sanh về thế giới Cực Lạc”. Tông Chơn Ngôn gọi là “Bổn nguyện niệm Phật vãng sanh của Đức Phật A Di Đà”.

“Bổn nguyện“ là lời nguyện căn bản cứu độ tất cả chúng sanh của chư Phật, Bồ Tát. Một khi lời nguyện của Phật được phát lên trở thành bổn nguyện, chính là tha lực. Ngài Thân Loan phát biểutính cách định nghĩa “Tha Lực là bổn nguyện lực của Như Lai”. Nói cách khác “Sức lực tu hành, hành giả hoàn toàn không đủ năng lực”. Truyền thống giáo dục nầy được gọi là “Tha Lực Môn“.

“Tự Lực”, nói chung là ngược lại với “Tha Lực”. Có thể hiểu rằng “phải nỗ lực tu hành mới được giác ngộ” Truyền thống tu tập nầy gọi là “Tự Lực Môn”. Điển hình, các truyền thống Thiên Thai, Chơn Ngôn và Thiền đều có.

Tuy nhiên, “Tha Lực“ chẳng phải là trợ lực từ bên ngoài; “Tự Lực“ cũng chẳng phải chỉ có năng lực độc lập của riêng mình. Nghĩ vậy là ngộ nhận tư tưởng của Phật Giáo. Nghĩ rằng tu hành không cần trợ lực bên ngoài, chỉ cần năng lực chính mình, chẳng phải “Tự Lực“, đó là ý thức tự ngã cá nhân hơi mạnh. Ý nghĩ nầy cách tư tưởng của Phật Giáo xa lắm. Vì sao vậy? Vì không hiểu rõ thế nào là “Tự Lực“; thế nào là “Tha Lực“, cần phải điều chỉnh lại “cái ta” có tính cách ngã mạn, ngõ hầu mới đúng lời Phật dạy.

Thật ra, “Tự Lực“ là mình rõ biết năng lực tự nhiên của mình mỗi khi hành hoạt. Chữ tự nhiên ở đây vừa là không có bàn tay con người thêm vào đó, vừa là chân lý, mắt thường không thể thấy được, dù chúng vẫn là những hiện tượng hiện ra trước mắt. Ví dụ, quả táo từ cành cây rơi xuống do lực hút trái đất. Lực vạn vật hấp dẫn nầy là lực tự nhiên.

Phật Giáo cho rằng tất cả mọi hiện tượng trên thế gian nầy là chơn lý biểu trưng đặc tánh “Tự Lực“ trong Phật Pháp, Đạo Nguyên nói:

“Màu sắc của núi đồi, khe suối giao hưởng với nhau tạo thành tiếng nói của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật”. 

Rõ ràng trong lời ấy, màu sắc núi đồi, âm thanh suối chảy v.v..., tất cả đều là những bài thuyết pháp hùng hồn của Thế Tôn. Không có gì không tượng trưng pháp thân của Đức Thế Tôn cả.

Lần đầu tiên ngồi Thiền, chúng ta tự nỗ lực và nghĩ rằng phải “tự mình“ tinh tấn tu hành, song qua thời gian sự tu hành tiến bộ hơn thì ý nghĩ “tự mình“ dần dần thu gọn lại. Chừng nào cái tự ngã ấy được tiêu trừ một cách rốt ráo, chừng ấy tâm giác ngộ mới lớn mạnh được. Phải chăng Đạo Nguyên đồng hoá thế giới tự nhiên núi sông và tâm thức đồng một thể tánh Như Lai

Cũng thế, khi năng lực tự nhiên của mình hoạt động, tự giác là “Tự Lực”, song thật ra, có một sự liên hệ mật thiết với “Tha Lực” rất vi diệu. Trong tư tưởng Phật Giáo, “Tha Lực“ và “Tự Lực“ vốn không đối lập nhau. Không chỉ “Tự Lực“ là Phật Lực mà “Tha Lực“ cũng gọi là Phật Lực nữa.

Trong Pháp môn Tịnh Độ, “Tha Lực Hồi Hướng“ cũng gọi là “Nguyện Lực Hồi Hướng”. Theo giáo nghĩa Chơn Ngôn, Phật A Di Đàdanh hiệu để chúng sanh niệm. Trong khi với tín tâm của Tịnh Độ, “Cái danh hiệu đó không phải tự nhiên xưng tán, mà do Đức Như Lai chỉ dạy pháp môn Niệm Phật”

Ngược với “Tha Lực Hồi Hướng” là “Tự Lực Hồi Hướng”. “Tự Lực Hồi Hướng“ nghĩa là nhờ nỗ lực tu hành, đạt được công đức viên mãn, nhưng cố gắng hướng đến người khác, ngõ hầu không chấp trước vào công đức. Thế nhưng, tự mình nỗ lực một cách tự nhiên sẽ thành tựu viên mãn một cách tự nhiên vậy.
Tôi (tác giả) nghĩ rằng, với hành giả tu Thiền, đặc biệt toạ thiền là một cách hồi hướng. Khi vừa sanh ra, Phật tánh đã hiện hữu trong con người, cho nên lúc nào cũng phải niệm ân được ra đời. Toạ Thiền là cơ hội để hồi hướng đến chư vị Bồ Tát và Phật. Hiểu như vậy mới toạ thiền được. Phật và chúng sanh phàm phu hổ tương với nhau để hồi hướng, nên gọi là Phật Phàm Nhất Thể. Không lệ thuộc vào giáo lý Tha Lực. Trong tác phẩm Toạ Thiền Hoà Tán, Bạch Ẩn kết luận một cách rõ ràng rằng: “Thân nầy chính là Phật”.

Thật là ngu muội cho những ai nghĩ rằng có sự đối lập giữa “Tự Lực“ và “Tha Lực“. Giáo lý Tha Lực của Tịnh Độ cho rằng không thích dùng lực để đẩy cánh cửa Thánh Đạo, như Nhật Liên nói “Thiền là Thiên Ma” và phê phán về Tâm vọng động ấy.

Trong “Tọa Thiền Hoà Tán”, Bạch Ẩn lúc nào cũng hô hào đề xướng là “khi nhìn ra bên ngoài tìm cầu chân lý, hãy hồi hướng vào bên trong thấy tánh của mình. Nhìn vào bên trong tức là hướng về Phật Tâmđối diện với Trí Tuệ ấy.”

Chữ “chứng” ở đây đọc là Satori . Chứng và chứng được là cách gọi về tự thân của mình chứng minh cái kinh nghiệm thực tiễn. Với thiền, gọi là Kiến Tánh, nghĩa là thấy rõ cái bổn tánh của chính mình là Phật Tánh, vốn hiện hữu khi vừa sanh ra, song không ít người bỏ quên không biết.

Tại sao quên? Bởi vì qua thời gian tri thức của con người chồng chất lên nhau và tâm Phật ngày càng bị phiền não che lấp và chìm sâu. Tuy nhiên, dù tâm Phật bị chôn vùi và dần dần tồn tại trong ký ức như thế, nhưng đó cũng chỉ là một hiện tượng nhất thời mà thôi. Thật tế, tâm Phật không bao giờ mất đi và cũng chẳng bị chuyển dời sang nơi khác.

Vấn đề quan trọng là phải luôn luôn lưu tâm đến sự thật là do quên lãngtâm Phật đã bị chôn chặt. Có rất nhiều chướng ngại vật chồng lên trên che khuất tâm Phật, chỉ cần lấy đitâm Phật hiện ra. Để xua tan sự lãng quên ấy, để thấy rõ tâm Phật hiện hữu, điều chính yếu nhất mà Thiền Lâm Tế chủ trương là phải “Toạ Thiền”, nếu nói theo thuật ngữ Thiền học là “thỉ giác”. Đó là lập trường của Thiền Lâm Tế vậy.

Tuy có đầy đủ tâm Phật, như đã trình bày, nhưng khi tâm Phật chưa hiển lộ gọi là “bổn giác”, lúc hiển lộ ra bên ngoài gọi là “thỉ giác”. Nói một cách cụ thể, thật không sai khi nói rằng “bổn giác“ tức là “Chúng sanh vốn có tánh Phật“, nhưng tâm Phật ấy đã bị lãng quên, dù chỉ là một hiện tượng mong manh. “Toạ Thiền“ để nhận rõ “chúng sanh bổn lai vốn là Phật” gọi là mở mắt. Thật ra, mục đích “Toạ Thiền“ của tông Lâm Tếkiến tánh, “thỉ giác” vậy.

Khác với Thiền Lâm Tế, tông Tào Động gọi “thỉ giác” là “bổn giác”. “Bổn giác“ có nghĩa là vốn đầy đủ tâm Phật từ trước rồi, cho nên Bạch Ẩn gọi “chúng sanh bổn lai vốn là Phật”. “Phật chính là bổn giác” cũng là lập luận của Thiền Tào Động. Dù được phô diễn ra bên ngoài bằng tay chân nhưng vẫn đều là “bổn giác”. Nói tính cách cụ thể, “bổn giác” là năng lực làm rung động để người tu hành truy tầm năng lực rung động ấy. Thiền Tào Động quan niệm chẳng phải ngồi Thiền để thấy Tánh, mà trong tâm vốn có “bổn giác“, chẳng cần dùng đến công án. Từ đó, giữa Tào ĐộngLâm Tế có sự khác biệt về tông phong. Sài Sơn Lão Sư nói rằng: “Điểm khác biệt là với Bạch Ẩn, để thể nghiệm cần phải chứng ngộ tự tánh, còn với Lâm Tế, để kiến tánh phải tu hành tinh tấn.“

Câu cuối cùng số (44) của Toạ Thiền Hoà Tán, Bạch Ẩn cho rằng “thân nầy tức là Phật”. Sài Sơn Lão Sư đánh giá lối kết luận nầy như: “Thiền Lâm Tếtôn giáo đầy tính nhân bản” Lão Sư còn nói thêm “Chỉ cần đọc ba câu: chúng sanh vốn là Phật đã thành, ngay nơi ấy chứng thấy tự tánh và thân nầy chính là Phật trong Toạ Thiền Hoà Tán cũng đủ rồi. Giả như hỏi Thiền là gì, ba câu ấy cũng đủ để trả lời.“

Thật sự, chúng sanh bổn lai vốn là Phật là “bổn giác” cũng chỉ là khái luận hay khái niệm. Khái niệm ấy “ngay nơi đây chứng biết được tự tánh” và nhờ tu hành trong khi toạ thiền, nên “thân nầy tức là thân Phật”. Mỗi người, ngay trong thân tâm mình rõ biết khái niệm chân thật ấy chính là nhân bản, được sáng tỏ qua sự hướng dẫn của Thiền Lâm Tế. Chân lý ấy một khi được thực hiện, dù là một cá nhân hay một đoàn thể vẫn chứa đầy ý nghĩa nhân bản.

“Nhơn bản” chẳng phải điều cao khiết thông thường của con người, mà chú tâm vào vấn đề tự giác ngộ Phật tánh. Để khẳng định sự hiện hữu của Phật tánh, Tổ Sư Lâm Tế gọi là “vô vị chân nhân”.

Sài Sơn Toàn Ứng Lão Sư nói rằng “chúng sanh bổn lai vốn là Phật” và “Thiền chính là chơn lý Tôn Giáo”, tôi (tác giả) thầm mĩm cười đồng ý với Lão Sư. Câu thứ nhất của “Toạ Thiền Hoà Tán” là “chúng sanh vốn là Phật sẽ thành“ là sự tôn nghiêm nhân bản”. Thật ra, trong hiện tại, có rất nhiều cơ hội để tôn nghiêm nhân bản rằng mọi người có đầy đủ Phật Tánh nhưng không biết con ngườilưu tâm đến sự tôn nghiêm để trở thành Phật chăng?

Qua sự thể nghiệm Thiền, Sài Sơn Lão Sư chỉ dạy rằng “tự ngay nơi mình hãy chứng cái tự tánh” nghĩa là tôi sẽ thành tôi. Câu nầy có nghĩa là cảm thọ về tự giác của Thiền. Với Phật Giáo không có một vị thần linh, đấng tạo hoá tạo ra thế giới nầy. Bởi vì, mỗi người đều tin có Phật tánh và nhờ tánh tự giác, có thể làm cho họ vượt qua tất cả.

Trong “Toạ Thiền Hoà Tán”, câu cuối “thân nầy chính là Phật”, theo Sài Sơn Lão Sư, là nhân bản Thiền, với tôi (tác giả) là “thành tựu nhân bản trong ta”, thật cảm động, không thể nào không ghi nhớ. Vả lại, với Thiền Lâm Tế, để giải thích nhân bản nầy, phải tích luỹ công đức, giác ngộ tâm Phật, thấy rõ bổn tánh bị vùi lấp trong lãng quên của chúng ta. Một khi đã tự giác, dần dần thành tựu nhân bản ấy.

Thật vậy, như trên đã đề cập, tác phẩm “Toạ Thiền Hoà Tán” của Bạch Ẩn Thiền Sư trao cho chúng ta giáo nghĩatông chỉ của Thiền Lâm Tế. Ai muốn tham khảo thêm về tác phẩm “Toạ Thiền Hoà Tán“ có thể tìm đọc những tác phẩm bình giải sau đây:

- “Bạch Ẩn Thiền Sư Toạ Thiền Hoà Tán” của Thiên Du Tiếp Tam 

- “Bạch Ẩn Thiền Sư Toạ Thiền Hoà Tán Thiền Thoại” của Sài Sơn Toàn Khánh, Nhà Xuất Bản Xuân Thu.

- “Thiền Phong của Lâm Tế” của Sài Sơn Toàn Khánh, Nhà Xuất Bản Xuân Thu.

- “Bạch Ẩn Thiền Sư Toạ Thiền Hoà Tán giảng thoại” của Sơn Điền Vô Văn, Nhà Xuất Bản Xuân Thu

- “Toạ Thiền Hoà Tán Giảng Thoại” của Đại Tây Lưu Khánh, Nhà Xuất Bản Đại Pháp Luân

II Văn Phát Nguyện của Bồ Tát

Văn Phát nguyện của Bồ Tát

“Đệ tử tên là ....... nguyện xin thấy được thật tướng của các Pháp, diệu tâm chơn chánh của Như Lai và thấy được hào quang chiếu sáng soi trong từng giây lát, nhiều như vi trần không thể nghĩ bàn. Ôi! Ân đức từ bi của tiên đức chiêu cảm muôn loài chúng sanh, từ chim muông cho đến thú vật đều hàm triêm lợi lạc. Mong đức từ bi thuỳ từ gia hộ. Ngày nay, phải chăng gạo cơm nuôi dưỡng thân thể nầy, áo quần ấm áp thịt da nầy đều do quyền hiện của đấng từ bi phân thân tế độ. Với những vật vô tình ấy, còn phải cảm niệm thâm sâu, sao lại ngu muội đối với người thân nở xem như thù địch mà mạ lỵ nhau. Thật là khổ thay! Từ vô lượng kiếp nay, chư vị Bồ Tát vẫn trải lòng từ vô biên, sử dụng phương tiện hoán tỉnh người mê, vốn đầy tội lỗi mà sớm vội quay về.............

Lời quê mộc mạc nhưng niềm tin sâu dày, từng niệm từng niệm con thấy hoa sen hé nở. Trên mỗi cành hoa, có một đức Phật thật là trang nghiêm theo từng quốc độ. Nay con nguyện trang trải tâm con đến với tất cả chúng sanh, nguyện mọi loài mọi người đồng viên chủng trí”

Toàn bài văn “Bồ Tát Nguyện Hạnh Văn” có 351 chữ và đã được Lão Sư Gian Cung Anh Tông dịch ra tiếng Nhật. Lão Sư Anh Tông đắc Thiền với Lão Sư Thích Tông Diễn, chùa Viên Giác, Kamakura. Theo những tác phẩm biên soạnthuyết giảng, “Bồ Tát Nguyện Hạnh Văn” là một bài văn ngắn chẳng phải chỉ diễn đạt về Thiền mà còn trình bày tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa nữa. Bản dịch tiếng Nhật dễ hiểu và thường được đọc tụng trong những buổi giảng Thiền, những ngày lễ thường nhật v.v...

Trong “Bồ Tát Nguyện Hạnh Văn”, “Bồ Tát” theo tiếng Phạn nghĩa là Bodhisattva, còn gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, người đang tìm cầu giác ngộtu hành theo con đường của Phật. “Nguyện hạnh” là thệ nguyện, không phải nguyện để làm, mà thệ nguyện thực hành cái hạnh nguyện ấy. Đó là lời nguyện trở thành Phật (hoàn thành nhân gian). Chữ nguyện (thệ) có nghĩa như tường thuật trên.

Trong câu “Đệ tử tên là ........ nguyện xin thấy được thật tướng của các Pháp, diệu tâm chơn chánh của Như Lai và thấy được hào quang chiếu sáng trong từng giây lát, nhiều như vi trần không thể nghĩ bàn”, chữ “Pháp” không chỉ là chơn lý, là lời dạy, là tất cả mà còn có nhiều ý nghĩa thuộc về hiện tượng nữa; nói cách khác tất cả mọi hiện tượng “sum la vạn tượng” đều là pháp. Nếu quán sát các pháp thật kỹ trong từng người sẽ nhận ra rằng tất cả đều là Phật và chẳng có sự vật hiện tượng nào chẳng thể hiện chân lý. Ví dụ, tách trà trên tay bỗng rơi xuống sàn nhà cho biết có sức hút trái đất, hay có chân lý vô thường biến dịchmắt thường không thể thấy được.

Trong câu “các cõi nhiều như vi trần”, chữ “vi trần” ám chỉ vật rất nhỏ như hại bụi, không thể thấy được. Chữ giây lát” chỉ cho thời gian ngắn nhất. Nghĩa là vật nhỏ như hạt bụithời gian ngắn nhất trong khoảng giây lát, chẳng có ai nghĩ đến. Thấy được ánh sáng ấy gọi là bất tư nghì. Có ai đó từng hát lời ca: “Từng hạt bụi trong mười phương, chẳng có nơi nào không có Phật”.

“Ôi! Ân đức từ bi của tiên đức chiêu cảm muôn loài chúng sanh, từ chim muông cho đến thú vật đều hàm triêm lợi lạc. Mong đức từ bi thuỳ từ gia hộ. Ngày nay, phải chăng gạo cơm nuôi dưỡng thân thể nầy, áo quần ấm áp thịt da nầy đều do quyền hiện của đấng từ bi phân thân tế độ.”

Từ xưa những bậc cao đức không những được con người cung kính lễ báiđộng vật cũng được chiêu cảm đức từ bi mà kính ngưỡng. Vào thế kỷ thứ 13, có một vị Cao Tăng tên là Minh Huệ Thượng Nhơn , thuộc tông Hoa Nghiêm ở Mẫu Vĩ chắp tay gọi thú vật là “Ông chó” “Bà Mèo”. Ngài Liên Như Thượng Nhơn, tịch năm 1499, được Phái Chơn Ngôn tạo tượng rất lớn để thờ, từng dạy: Một tờ giấy cũng thuộc Phật Pháp. Nhờ niệm Phật, thân tâm được thông suốt, nhận thấy nhờ cơm ăn áo mặc, được ấm no. Tuy nhiên, tất cả đều là ân đức của tiên đức, chẳng phải đơn thuần là nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hằng ngày.

Chữ “quyền hiện” nghĩa là Như Lai vận dụng lòng từ bi phân thân biến hiện ra những đồ ăn, thức uống, đồ mặc v.v..., mà mắt thường không thể thấy được. Cũng có nghĩa là dùng phương tiện để tạo thành các pháp. Vì sự nghiệp cứu độ chúng sanh, Đức Phật biến ra muôn hình vạn trạng đồ ăn, thức uống, đồ mặc v.v..., cho nên chúng ta phải có tâm cung kính cảm niệm tri ân.

Với những vật vô tình ấy, còn phải cảm niệm thâm sâu, sao lại ngu muội đối với người thân, nở xem như thù địch mà mạ lỵ nhau. Thật là khổ thay! 

“Vô tình” là những vật thể trong thế gian không mang tính chất tình cảm, không có tâm thức con người như: đồ vật, dụng cụ, thức ăn, nước uống, đồ mặc v.v..., tất cả đều là pháp của Phật khai thị chúng ta. Phải xem các pháp ấy như người quyến thuộc, sao lại ngu muội không có niệm ái trước. Như đã có lần đề cập, Minh Huệ Thượng Nhơn từng nói: “Đối với những người mù chữ vô trí, còn phải kính trọng như là Phạm Vương Đế Thích. Ngay cả kẻ vô trí, không đọc được chữ cũng không ngoài Như Lai mà có. Phạm Vương Đế Thích cũng phải kính trọng lễ bái”. Ngược lại dù mạ lỵ kẻ ác thù oán địch đi nữa cũng là khổ vậy.
Từ vô lượng kiếp nay, chư vị Bồ Tát vẫn trải lòng từ vô biên, sử dụng phương tiện hoán tỉnh người mê, vốn đầy tội lỗi mà sớm vội quay về. ……..

Lời quê mộc mạc nhưng niềm tin sâu dày, từng niệm từng niệm con thấy hoa sen hé nở. Trên mỗi cành hoa, có một đức Phật thật là trang nghiêm theo từng quốc độ

Với chúng sanh đang đau khổ vì ác thù hay oán địch, chư Bồ Tát hoá thân từ bi để cứu độ. Lòng từ bi ấy như những ái tình thiêng liêng tươi đẹp và ấm áp xua tan nỗi sân si, bực tức hại người. Trước sức từ bi ấy những tội nghiệpchúng ta đã tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay, do ngã kiến, biên kiến, kiến chấp, đều bị tiêu diệt. Chư Phật dùng nhu nhuyến đối trị chấp trước cứng rắn, dùng phương tiện đưa chúng ta ra khỏi khổ đau, vì thế cho nên phải cung kính lễ bái.
Tâm phải có “nhất tâm quy mệnh”, có lòng tin sâu sắc đối với lời dạy của Như Lai, phải khiêm tốn lùi lại một bước, phải nói khiêm nhường và càng ngày càng tăng trưởng niềm tin một cách chân thành. Từng niệm, từng niệm như thế là một hoa sen đang nở, hoa tâm đã nở, mỗi hoa sen có một đức Phật, đâu đâu cũng là Tịnh Độ, như Thiền Sư Lâm Tế nói “Tuỳ nơi làm chủ, nơi ấy thành chơn” 
“Tịnh Độ” không phải là một nơi chốn nào cố định, trái ngược với cảnh giới nầy. Khi việc làm, lời nóitư duy được tĩnh thức và điều phục thì đó là Tịnh Độ. Trong “Toạ Thiền Hoà Tán”, Bạch Ẩn Thiền Sư nói: “Chính nơi đây là nước Liên Hoa”. Như vậy, vì mong mõi thành tựu trí tuệ Như Lai, (Phật Tánh) vốn chôn chặt tận đáy tâm hồn, chúng ta nương theo ánh sáng từ bitrí tuệ của Như Lai, chúng ta cúi đầu lạy xuống chân Ngài.

“Nay con nguyện trang trải tâm con đến với tất cả chúng sanh, nguyện mọi loài mọi người đồng viên chủng trí.”

Lời nguyện ấy ấp ủ trong tâm cầu mong cho tất cả các chúng sanh, sống trong thế giới nầy có tâm thức hay không có tâm thức, đều được khai mở trí tuệ của Như Lai một cách viên mãn.

Toàn bộ tư tưởng trên là đại ý văn phát nguyện của Bồ Tát. Theo Thiền Lâm Tế, đã từ lâu tâm nguyện nầy bị chôn vùi, nay đủ nhân duyên Phật tánh được khai phát trong tâm nguyện, trở thành yếu tố tác động ba nghiệp thân, khẩu và ý. Đó là tính thực tiễn của bài văn phát nguyệnchúng ta cần nên học.

III Phương Pháp Ăn Uống

Ngày nay, ở Nhật ngay trong trường học đã có chế độ cung cấp thức ăn cho nên học sinh không phải lo lắng việc mang cơm theo nữa. Vả lại ăn ở trường cũng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Theo chữ nghĩa thường dùng là “cấp thực” dành cho việc ăn và phương pháp ăn có lẽ chưa rõ ràng lắm! Thường thì, chúng ta quên cảm niệm ân đức thực phẩm và người nấu ăn khó nhọc làm ra món ăn ngon, để chúng ta thưởng thức và nuôi thân thể ta ngày càng lớn mạnh. Chỉ thuần ăn thể như là sống để ăn vậy cho nên lắm khi ăn uống thô bạo không khác gì động vật. Phải chăng ăn cũng liên quan đến những vấn đề bạo lực trong gia đình

Sau đây, phương pháp dùng cơm ở Thiền Môn. Trước khi ăn xướng lên “Ngũ quán kệ” mà ta nên học, phải nghĩ rằng trong khi ăn uống, tâm và thân phải là một. Chữ “kệ” tiếng Phạn là Gatha và dịch thành “kệ tụng”. Thật ra, để dễ hiểu, dễ thuộc lời tán tụng xưng dương cái đức của Phật được trình bày thành thơ.
“Ngũ quán kệ” là năm điều phải nhớ nghĩ đến trong lúc ăn cơm vừa là năm cách suy nghĩ đứng đắn khi ăn vừa là tư lương để nuôi dưỡng tâm mình 

Ngũ Quán Kệ

Một kể công nhiều ít, so kia chỗ đem đến,
Hai xét đức hạnh mình, đủ thiếu mới dùng,
Ba đề phòng tâm tội lỗi, vì tham là cội gốc,
Bốn là vị thuốc hay, để chữa bệnh gầy,
Năm thành đạo nghiệp, mới thọ cơm nầy.
Kể công nhiều ít

Câu kệ thứ nhất của Ngũ Quán nói về cách thọ dụng thức ăn, đại ý là “đồ ăn được mang đến cho chúng ta trải qua nhiều khó nhọc, cho nên khi ăn phải khởi lên quán niệm”. 

Nguyên văn: “Một kể công nhiều ít, so kia chỗ đem đến”. Chữ “công” nghĩa là “việc làm”, nghĩa là phải dùng nhiều công sức mới có được. Ví dụ, một hạt cơm đưa vào miệng có biết bao nhiêu liên hệ với những công sức của người khác, tất cả công sức ấy hợp lại gọi là “công”. Nói cách khác, để dùng một hạt cơm chúng ta cũng phải bỏ ra nhiều công sức cho nên phải xem thử công sức của ta nhiều ít. Chữ “nhiều ít” không chỉ có nghĩa là ít hay nhiều mà còn làm mạnh lên, làm rõ nghĩa chỗ nhiều, nên phải dùng chữ ít để so sánh. Đó là thủ pháp của chữ Hán vậy.

Nếu dịch ý sẽ dịch là: “Những đồ ăn nầy trước khi mang đến để dùng đã có người bỏ biết bao công sức, phải nhớ nghĩ và cảm ơn, nhất là Thần Phật gia hộ”. Đâu đó, có một bài ca dao về chữ “Mễ” rằng: “Muốn có Mễ (hạt gạo), phải có 88 bàn tay”. Thật vậy, nếu viết bằng chữ Hán phân tích ra rõ ràng biểu hiện như vậy. Thật là ý nghĩa.

Tuy nhiên, cách nhìn không giới hạn công sức ở con số 88. Khi ăn cơm, nâng bát cơm phải nghĩ rằng một hạt tấm, một hạt gạo cho đến khi cho vào miệng của chúng ta, là công sức của nhiều người, là ơn huệ của đất trời. Như mừng thọ 88 năm của một cụ già, lễ ấy gọi là “Mễ Thọ”. Như bài ca dao đã nói, gộp ba lần chữ bát, số 8 mới thành chữ “Mễ” hay nói ngược lại, chữ “Mễ” tổng hợp của 88 lần mà thành. Bản thân tôi (tác giả) từ nhỏ nghe cha mẹ dạy rằng:

“Con ơi phải trân quý hạt cơm, bởi vì một hạt gạo cho đến khi đưa vào miệng phải trải qua 88 bàn tay”. 

Số 8 là con số có nhiều ý nghĩa, mà ở đây chỉ giới hạn nói về sự công sức trong “kể công nhiều ít” mà thôi. Ngoài ra chữ “Mễ” cũng đọc là “Yone” mà tên của người con trai hay con gái vẫn hay dùng. “Yone” có nghĩa là “căn bản cuộc đời” là cái gốc của cuộc đời, nên sống trong đời phải bảo tồn cái gốc ấy trước tiên.
Phật giáo cũng nghi ngờ Motoori Norinaga , một vị học giả quốc gia thời Tokugawa viết tác phẩm “Ngọc Thắng Gian” trong đó ghi rằng “Hạt Gạo là Bồ Tát”. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng “Tiếng Triều Tiên xưa gọi mễ là “Sar”. Chữ “Sar” và “Posar” nghe âm gần nhau. Mà “Posar” đọc âm trại như là “Bồ Tát” Tổ tiên ông bà gọi hạt gạo là “ ông Bồ Tát”. Vì thế cho nên trước khi dùng cơm phải chắp tay lại cảm niệm. Điều nầy không phải là mê tín, mà phải hiểu rằng đó là một niềm tiný nghĩa thật sâu sắc.

Tôi (tác giả) có quen một vị Bác Sĩ Y Khoa có một câu phát biểu thật là ý nghĩa:

“Mỗi một chén súp canh tương là ơn huệ của đất trời, hổ trợ cho chúng ta tiếp tục đời sống để đạt được giác ngộ. Ai có niềm vui và tin như thế không đau bao tử”.

Không ai có thể tự sống cô độc một mình. Năm 1732, Hương Bảo năm thứ 77 đời Kiết Tông tướng quân Tokugawa đời thứ 8, khắp cả nước Nhật bị nạn đói hoành hành, đặc biệt ở địa phương Sikoku bị hại nặng nhất. Đói và Chết mỗi ngày một nhiều. Có một người nông dân làm lính bảo vệ ở Y Dự Tùng Sơn Phiên, có một sự hy sinh vô cùng cao cả. Anh chứng kiến cha anh ta, cả người vợ xinh đẹp của anh và con trai đầu lòng của anh lần lượt vĩnh viễn ra đi vì đói. Thế nhưng người nông dân làm lính nầy quyết ăn gốc cỏ và trái cây và vui vẻ ra đồng làm việc với lòng bảo lòng: “Việc nông là việc của mình”. Ngày gieo lúa, anh vừa cõng người con gái trên lưng vừa làm ruộng, nhưng đói quá không còn đủ sức lực đứng nổi và con gái của anh ta nằm chết ngay trên lưng anh. Trước cảnh tình như vậy nhưng anh vẫn không dám bóc một hạt lúa mạch bỏ vào miệng con. Thấy vậy, có người hỏi anh, tại sao không cho con ăn một ít lúa mạch đi, anh trả lời trong niềm đau xót vô vàn: “Nếu ăn hết giống, không lấy gì mà gieo, sang năm không có lúa mạch. Một hạt lúa mạch bây giờ nhưng sang năm sẽ sinh ra cả vạn cây. Bỏ một hạt lúa mạch vào miệng con tôi, cũng không thể kéo dài mạng nầy qua khỏi một năm. Nhưng gieo một hạt lúa mạch vào ruộng, sang năm nhiều người có thể sống được”. Gieo vụ mùa xong, anh ta cũng chết. Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc đến “người nông dân làm lính vệ ấy” ở Y Dự, người ta đều cảm phục. Chuyện nầy tôi (tác giả) học được trong sách giáo khoa từ lúc còn học tiểu học, vẫn còn lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng. Hiện tại, đang sống trong thời buổi đồ ăn uống dồi dào, nhưng chưa chắc trên thế giới nầy không còn ai giống như người lính nông dân kia, đang sống một cuộc đời bi thảm. Sự thật ít ai có thể nghĩ đến được.

Chẳng phải chỉ là vấn đề thực phẩm, chúng ta sống ở đây sự thật nhờ biết bao nhiêu duyên khác nữa; nên phải nhận thức một cách chân thành rằng sử dụng tự lực, chúng ta không thể tồn tại trên đời nầy.

Đức Hạnh là gì?

Câu kệ thứ hai trong Ngũ Quán về “Đức hạnh” nguyên văn là: “Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng” nghĩa là phải tự xét “có đủ đức hạnh để nhận lãnh bát cơm nầy không? Đủ thiếu thế nào”. “Đức Hạnh” là hành vi của cái đức. “Đức” là những điều lành, vốn chìm ẩn bên trong không thể biết được. “Đức Hạnh” không phải là tri thức cho nên không thể truyền trao chỉ dạy được. Mỗi người tự biết rằng ngoài mình không ai làm được. Khi đức hạnh ngày càng cao hơn, càng được mọi người thương yêutin tưởng. Hơn nữa, đức hạnh càng dày năng lực hoạt động càng rộng lớn hơn. Những người tăng sĩ đức hạnh cao thượng thường có cuộc sống đơn giản nghèo khó, được mọi người quý mến hỏi thăm. Đức hạnh đầy đủ, việc ăn mặc được phụng dưỡng đầy đủ. “Đức hạnh” không những là phẩm chất cao đẹp mà còn là tiết kiệm lãnh thọ để tích đức nữa.

Trong nhà Thiền, vị Tăng chăm lo phần nấu nướng trong đạo tràng gọi là “Điển Tọa”. Vị Điển Toà làm công việc, không được phí một giọt nước, một cọng cải, bởi vì người tu hành phải tích đức vậy.

Ngược lại với tích đức là tổn đức, nghĩa là chỉ biết đến người khác và tạo nên những hành vi xấu. Việc thô lỗ và có hành vi hại đến người khác, nên gọi là tổn đức. Vị Điển Toà cái gì cũng phải chú ý. Ví dụ như khi vo gạo, không để gạo chảy mất, vì sợ tổn đức. Chỉ riêng việc ấy thôi, vị Điển Toạ cũng phải tích chứa cái công đức cho Tam Bảo. Ngoài ra, vị Điển Toà nấu thức ăn cho tăng chúng, phải dụng tâm thế nào để chư tăng dùng không bị tổn đức, mà tích đức thêm. Đại ý của câu kệ thứ hai trong ngũ quán là “phải xem đủ thiếu” nghĩa là có đầy đủ không? có khiếm khuyết không? có tích chứa được các đức hạnh chăng? hoặc đã chẳng làm được gì cả? nên suy nghĩ như thế để nhận của cúng dường, mới có thể ăn cơm. 

Nếu dịch ý của câu kệ thứ hai trong ngũ quán có thể dịch như sau: “Không đầy đủ đức hạnh, mà nhận đồ ăn, thật là thái quá”. Đồ ăn không chỉ giới hạn là cơm, bánh mà tất cả những tư lương để nuôi thân, tâm của ta được lớn khôn vậy, là những đồ vật mình phải cảm ơn. Bởi vì nhờ đó mà ta có thể ăn để sống. Đem công việc làm của mình mà so sánh với những thực phẩm được thọ nhận, lòng hỏi lòng có đủ tư cách để lãnh thọ hay không”.

Thọ dụng với trí tuệ.

“Luật lao động” bảo hộ quyền lợisinh hoạt tối thiểu của người lao động theo luật pháp chế định, không để xảy ra bi kịch của người lính nông dân, như đã đề cập. Nhưng đối với chúng ta, mục đích của luật lao động quy định giá trị cuộc sống của con người, cho nên luật lao động tất yếu cần phải có. Chính phủ chế định luật pháp, bổn phận người dân phải tin tưởng, thực hiện nghiêm túc, giống như vậy, đối với bản thân, mỗi người phải chế định luật pháp trong tâm để tuân thủchế ngự chính mình.

Khi chúng ta bưng bát cơm và đôi đũa lên phải ý thức rằng mình đang dùng cơm. Hoặc giả dùng giấy lau miệng, húp canh, nhai cơm v.v... phải làm sao không được to tiếng. Ngay cả, khi gắp thức ăn, cho thức ăn vào miệng, phải biết liệu cơm gắp đồ ăn, từ từ, nhẹ nhàng và khiêm tốn. 

Hiện tại, có nhiều nơi dạy cách ăn uống, nhưng nhiều người mang thái độ xem đó như chuyện không cần thiết và số người mang khuynh hướng nầy càng ngày càng nhiều. Bởi vì, họ quan niệm rằng cứ ăn uống tự nhiên, tại sao phải bận tâm đến cái phương thức ăn uống cũ xưa đó làm gì, để rồi mất tự do. Nhưng với những người biết suy nghĩ, như thế sự tiến bộ của con người ở đâu, nêu không có gì tiến bộ, con người có khác gì động vật đâu?

Ngoài ra, sống, làm việc và ăn uống là nhu cầu của cuộc sống nên không ai không bị miếng ăn chi phối. Tuy nhiên không thể nói rằng để sống và làm việc nên cần phải ăn, không có gì gọi là cảm ân cả! Thái độ cho rằng tất cả là khả năng của mình chỉ biểu thị sự khoa trương đầy tham vọng mà thôi, thật tế không có tinh thần khiêm nhường trong đời sống. Đó là sự thật. Câu kệ thứ hai trong ngũ quán ý nói phải “cảm ơn cái ân huệ đó” vì thọ nhận là đạo lý sống của con người vậy.

Tự ngã tiêu trừ, tâm liền tỉnh lặng.

Tôi (tác giả) chân thành xin lỗi trình bày một việc riêng, nhưng việc riêng nầy với tôi, rất ý nghĩa. Khi tôi hoàn thành một tác phẩm, tôi đem toàn bộ nguyên cảo tác phẩm nhà in gửi đến đặt lên án thờ cùng phẩm vật cúng dường để tạ ơncầu nguyện cho việc xuất bản thành tựu. Không riêng việc sáng tác, với tôi việc gì tôi cũng đem dâng lên bàn Phật chứng minh và để cảm niệm ân đức Bồ Tát Quan Âm, hồi hướng cho cha mẹ tôi và đứa cháu vừa mới mất của tôi. Ngoài ra, cảm niệm biết bao nhiêu năng lực hổ trợ cho tôi hoàn thành công việc của mình. Khi hiện hữu trong tâm niềm “cảm ơn được nhờ Ngài”, lòng hiểu rằng “con đã được gia hộ” ngay khi ấy tự ngã tiêu trừ, tâm liền tỉnh lặng.

Riêng tôi (tác giả), tín tâm cũng tiêu diệt tự ngã của mình. Niềm tin càng lớn càng thiết tha bao nhiêu, tâm mình càng an ổn bấy nhiêu.

Chẳng phải thích hay không thích.

Câu thứ ba của ngũ quán là “đề phòng tâm tội lỗi, vì tham là cội gốc”. Chữ “đề phòng tâm” là đề phòng phiền não. Phiền não nói chung là những bệnh hoạn của tâm gây ra não phiền, mang lại khổ đau không chỉ nơi tâm mà còn nơi thân nữa. Trước khi cầm đũa, phải nhớ nghĩ thật sâu xa:

“Lìa Tâm si mê, vì tham dục đã tích chứa sâu dày”. Triển khai câu kệ thứ ba sẽ là “Dầu đồ ăn ngon, dầu không ngon, không nên khởi tâm thích hay không thích, phải đề phòng tâm tham lam khởi lên, khi dùng thức ăn.”

Vả lại “phòng cái Tâm tội lỗi, vì tham là gốc”và “vượt qua Tâm không thích ăn” nữa. Câu trước thuộc về Thiền Lâm Tế và câu sau là cách đọc theo phái Tào Động. Tuy cùng là Thiền, nhưng giữa Tào ĐộngLâm Tế có cách đọc khác nhau. Nhưng dẫu sao đi nữa, điều quan trọng vẫn là quan niệm đối với việc ăn uống không được chê, khen thích hay không thích.

Đối việc không ưa thích cũng phải yêu mến nỗ lực làm việc tiếp tục.

Trong hiện tại đời sống vật chất quá dư thừa, cho nên cả người lớn, lẫn trẻ con đều phung phí và càng ngày càng hảo ngọt. Điển hình là thức ăn, người ta đề cập đến thích hay không thích rất nhiều. Nhưng dù chẳng thích đi nữa cũng phải ăn vì ngoài thức ăn ấy ra không có gì khác để ăn. Không được bỏ phải ăn tiếp tục, từ từ sẽ thấy ngon. 

Ngay cả Nhật Bản thời trước chiến tranh không phải là nước giàu có về vật chất như bây giờ, trẻ con hoàn toàn khác với bây giờ, có quan niệm thích hay ghét. Bản thân tôi, còn nhỏ không thích rau đắng, bữa ăn nào cũng lãi nhãi rằng “Con ớn rau đắng quá!”. Cha mẹ tôi ngày nào cũng luộc cho tôi cả rổ rau đắng và nói như ra lệnh ”Chỉ có rau đắng thôi, không có rau nào khác”. Tôi cũng phải ăn và nhờ vậy mà sau nầy tôi (tác giả) không còn ớn rau đắng nữa.

Ngài Takada quản trưởng chùa Dược Sư, lúc nhỏ cũng thích và ghét, bị mẹ mắng tơi tả. Ngày nào trong ba bữa ăn, bà cũng dọn cho Takada những món không thích. Nhờ vậy bây giờ Ngài ăn món gì, cũng thấy ngon và rất nhớ ơn từ mẫu. Hiện tại những bậc làm cha mẹ nghiêm khắc như thế hầu như không còn nữa. Thật ra, đồ ăn thích hay không thích cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người đó. Trên thật tế chính mình thích điều gì thì làm việc đó, không thích thì bỏ đi, thật ra phải chấp nhận và nổ lực làm việc để trở thành tốt đẹp hơn. Đồng thời phải có cái tâm ôn hoà với người lo cho mình và hãy trân quý cái công phu đó. Đặc biệt, tôi (tác giả) có đứa cháu hầu như không thích rau cải. Ngày nào dâu tôi và bà vợ tôi (tác giả) cũng bàn với nhau xay rau và thịt thật nhuyễn nhồi vào trong cơm, cho nó ăn. Đồ ăn một khi qua khỏi cổ, nó cũng giảm phần phân biệt thích hay không thích đi. Thật ra, điều thích hay không thích ấy chẳng còn lệ thuộc vào thức ăn nữa. Ngay cả đối với người mình ghét hay sự việc chẳng như ý, trong tâm mình khởi lên niềm yêu thương, chẳng cần phải phí sức phấn đấu vượt qua. Nên nhớ rằng, con người cũng giống như mùi vị của thức ăn vậy.

Mùi vị của cuộc sống cũng xếp thành hàng.

Nếu suy nghĩ như trên, thức ăn không lệ thuộc vào phương pháp tiêu hoá. Cảnh ngộ thuận nghịch trong cuộc sống không lệ thuộc vào bản thân chúng ta hay thời gian dài ngắn. “Đề phòng tâm tội lỗi vì tham là cội rễ” là câu kệ thứ ba đã chỉ rõ, chúng ta đã hiểu. Lại nữa, nếu biết rõ hơn phải tư duy thêm bài kệ ngũ quán nầy.

Trong một làng nhỏ ở huyện Ty Thành, có một tiệm bán thực phẩm bán rượu gia truyền đặc biệt. Cách hấp rượu của ông chủ quán thật giỏi và đặc biệt nên rượu rất ngon, danh tiếng khắp trong thiên hạ. Ca sĩ Yoshii Isamu cũng ghiền mùi vị của rượu do người chủ ấy chưng. Có một chuyên gia nghiên cứu rượu, tên là Honjò Kasò tìm đến ông chủ phỏng vấn bí quyết cất rượu như thế nào, ông chủ nói:

“Cất rượu là phải sống với rượu. Chỉ vậy thôi! Nhưng khó lắm! Thành phẩm rượu nhì khác với rượu nhất đều từ bàn tay của mình cả. Khi cất rượu nhì, mình phải sống thật với rượu nhì. Mang rượu ấy ra mà phân chất, thấy toàn là sự sống cả. Đó là bí quyết cất rượu vậy”.

Nghe câu chuyện của ông già nấu rượu, tôi (tác giả) nghĩ rằng cuộc sống của con người cũng thế! Lúc nào cũng phải để tâm vào.

Con người không có hạng một, hạng hai, thế nhưng cái mùi vị của cuộc đời tạo cho con người phải xếp hàng. Khi mình nói một cách bất bình rằng “mình ớn loại rau ấy” và đẩy cái dĩa rau ra xa thì mình thuộc về loại rượu nhì. Nhưng dù đồ ăn không thích đi nữa, nhưng nghĩ đến người nấu nướng khổ nhọc, mình ăn để đền ân, đó là người hạng nhất.

Muốn việc buôn bán có lời một cách dễ dàng mà quên đi kẻ khác, đó là người buôn bán hạng hai. Kẻ biết đủ, biết chế ngự dục vọng, đó là người thương nhân được xếp vào loại rượu hạng nhất. 

Mỗi ngày siêng năng tinh tấn để sống.

Muốn đạt được địa vị trên người khác trong cuộc sống và chỉ muốn sử dụng người có năng lực, là người quản lý thuộc loại rượu nhì. Còn lúc nào cũng nhìn ra phía sau, thấy còn biết bao nhiêu người và biết xử sự theo phong thái sống giúp đỡ mọi người, đó là người quản lý thuộc loại rượu hạng nhất. Như Nishioka Tsunekazu người làm công việc sửa chùa Dược Sư và chùa Pháp Long ở Đại Hoà phát biểu như sau:

Vấn đề cây cong, méo cũng là cây, nhưng chúng ta phải sử dụng cây nầy như thế nào để không phí phạm. Phải đặt cây ấy nơi nào và làm sao cho nó hợp với cách của nó cho sống độngtrở thành đống lương (rường cột) của công trình, qua bàn tay của mình.”

Đối với cuộc sống của chúng ta mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Với chúng ta mùa mưa và tuyết gió vừa là thuận cảnh, cũng vừa là nghịch cảnh. Cho nên “trời trong, thích hợp với trong, ngày mưa thích hợp với mưa. Nếu có niềm vui ở chỗ vui cũng vui và ở chỗ không vui cũng làm cho vui. Đối với bệnh tật, mở ra một thế giới khác “ Những ý tưởng ấy đều là cuộc sống của loại rượu hạng nhất. Tương tợ như thế, trong cuộc sống mỗi ngày mỗi ngày dù được danh tiếng hay không tiếng tăm cũng phải tuỳ thuận mà sống hợp với tinh thần câu kệ thứ ba trong ngũ quán.

Tham lam là cội gốc của mê lầm.

Chữ “Tham” trong câu kệ thứ ba chỉ cho dục vọng, sự ham muốn càng ngày càng tăng, không dừng nghỉ. Trong tư tưởng Phật Giáo, tham là cội gốc của sự mê muội. Đức Thế Tôn từng dạy không nên tham lam.

Trong Giáo Đoàn, khi đi khất thực cũng chính là tu, như trước đã đề cập. Luật dạy khi nhận được thực phẩm cúng dường không được khen nhiều chê ít, chẳng có ý nghĩ phân biệt tốt, xấu, chỉ một lòng nhận của cúng thôi, không được khen ngon chê dở.

Khi bưng bình bát lên dùng, trước tiên dùng thức ăn theo sự nhu cầu, dùng đúng lượng, cho nên phải cho thức ăn vào trong bình bát, “Ứng Lượng Khí”. Khi đi khất thực, nếu bát đầy rồi không cầu xin thêm đồ ăn nữa. Vì làm như thế, đối với kẻ tu hànhtham lam.

Lại nữa, dù bình bát chưa đầy nhưng thời gian khất thực trước giờ ngọ đã hết, không nên tiếp tục khất thực nữa, phải dùng cơm đúng giờ Ngọ. Dù bụng còn đói, người tu hành phải nhẫn chịu, đè nén tâm tham lam. Ngoài ra, Đức Phật dạy trong kinh Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm rằng: “Nầy các Tỳ Kheo! Khi đi khất thực, các Tỳ Kheo phải lìa bỏ tâm tham cầu”

Khi ăn uống không được tham lam, bởi vì tham dẫn tâm chúng ta đến chỗ mê hoặc; không còn an lạc. Ngay cả mùi vị của thức ăn, mỗi người phải tuỳ theo hoàn cảnh, cảnh ngộtuỳ thuận. Hãy tuỳ thuận ý nghĩa cuộc sống và hãy mạnh mẽ dưỡng nuôi sự sống ấy.

Tất cả nên cảm tạ khi ăn

Ngài Đạo Nguyên dạy rằng: “Người tu không được phép thích đồ ăn ngon, dù nhận được đồ ăn dở đi nữa, cũng phải vui vẻ cảm ơn như nhận đồ ăn ngon vậy. Miệng của Tỳ Kheo giống như cái bếp không cần biết gì cả”. Ngày nay không còn dùng cái bếp nữa, có chỗ gọi là lò. Lò là nơi nồi chảo được bắt lên, đốt lửa ở dưới để nung chín đồ ăn. 

“Miệng của các Tỳ Kheo như miệng cái lò” nghĩa là một khi lửa đã cháy, bất cứ nhiên liệu gì đưa vào miệng lò, dầu củi tốt hay củi xấu đi nữa, đều cháy cả. Giống như miệng của Tỳ Kheo không được phép nói thích hay ghét, mà tất cả những đồ ăn nhận được đều phải dùng. Đó là lời dạy của Ngài Đạo Nguyên trích ra từ câu chuyện trong kinh “Tạp Bảo Tạng Kinh” quyển thứ 7 như sau:

Ngày xưaẤn Độ, có một vị Thánh Vương mời Tôn Giả Ca Chiên Diên, một trong 10 vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, đến để cúng dường thức ăn. Tôn Giả ăn không kể ngon dở, tất cả đều bình đẳng và trên gương mặt không có gì hiện ra thích hay không thích. Thấy vậy, nhà Vua mới hỏi, Ngài trả lời rằng:

“Cái miệng cũng giống như cái bếp. Với Chiên Diên, vật đốt dù là phân bò hay gỗ thơm cũng giống nhau. Vì nó là cái lò. Cái miệng của tôi cũng thế không tuyển chọn thức ăn gì cả. Miễn sao đầy bụng là được rồi”

So sánh lời của Đạo Nguyên và của Tôn Giả Ca Chiên Diên, có thể nhận ra bài học: “Không niệm phân biệt”. 

Vả lại, Tôn Giả Ca Chiên Diên còn là vị biện tài vô ngại về những bài thuyết pháp của Thế Tôn. Những khi bình luận lời Phật, trong Giáo Đoàn của Đức Thế Tôn, Ngài là người giỏi nhất, không ai hơn; cho nên xưng tán Ngài là Luận Nghị đệ nhất, một trong mười vị Đại Đệ Tử của Đức Phật.

Sự ăn uống cũng giống như dùng thuốc để chữa bệnh

Nội dung của câu kệ thứ tư của Ngũ Quán là: “Đồ ăn uống giống như thang thuốc” Nguyên văn: “Điều thứ tư thức ăn như thuốc tốt để chữa bệnh gầy” Nếu dịch ý như thế nầy: “xin nhận đồ ăn nầy dùng để nuôi thân như là vị thuốc hay” Chữ “hình khô” trong đó chữ “hình” nghĩa là thân nầy, chữ “hình khô” có nghĩa là thân thể con người bị suy nhược. Khi đồ ăn cho vào miệng, giống như uống thuốc, cho nên dù thích hay không thích, không nên nêu lên lý do, mà nhẫn chịu như câu kệ nầy vậy.

Trong kinh Di Giáo, Đức Thích Tôn dạy rằng: “Các ngươi khi thọ nhận đồ ăn phải xem như là vị thuốc để giữ gìn thân, để trừ sự đói khát”. Đọc câu kệ thứ tư chúng ta hiểu rõ lời dạy nầy. Đức Thế Tôn khuyên không nên ăn uống phi thời dạy rằng: ”Bởi vì đối với người tu là phòng đói nên khi ăn phải lượng biết nhu cấu vừa đủ. Chúng ta có thể suy nghĩ về phương pháp ăn để sống là khi lấy thức ăn giống như dùng thuốc vậy”

Buổi ăn tối gọi là Dược Thạch

Vào thời Ấn Độ cổ đại, người tu theo đạo Phật mỗi ngày ăn một bữa trước giờ Ngọ mà thôi, sau giờ Ngọ không được phép cho cái gì vào miệng cả. Đó là điều giới luật để tiến vào con đường Phật Đạo. Thế nhưng, khi Phật Giáo được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, vì khí hậu, phong thổ khác biệt, nên ngày ăn ba bữa để sống. Trong Thiền Môn mới gọi buổi ăn chiều là “Dược Thạch”. Phật Giáo Ấn Độ thực hành tác pháp theo giới luật mỗi ngày ăn một bữa đã quen, nhưng vì phòng ngừa bệnh tật do đói khát việc xem ăn uống như là phương pháp chữa bệnh cho nên buổi ăn chiều gọi là “Dược Thạch”.

Ngày xưa người ta dùng thạch châm để chữa bệnh vì thế áp dụng vào việc ăn uống chỉ đổi từ thành “Dược Thạch”. Vả lại chữ “Thạch” cũng có nghĩa là “Ôn Thạch” trộn đá và đất lại với nhau dùng lửa và muối nung lên rồi áp vào bụng, bụng sẽ ấm lên. Ngày xưa trong các Thiền ViệnTrung QuốcNhật Bản, chẳng phải chỉ dùng phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp để bụng đói mà còn dùng ôn thạch để chữa nữa.

Sưởi ấm tâm, xem tâm như “cái túi đựng đồ”

Nhật Bản, khi uống trà người ta mời dùng một loại đồ ăn nhẹ gọi là “Hoài Thạch Liệu Lý” với công dụng “làm cho cái bụng trống ấy được ấm lại” nhờ “ôn thạch” qua cái đồ ăn nhẹ đó. Hơn nữa, “ôn thạch” là dùng thức ăn nhẹ làm ấm tâm của mình. 

Ông Thập Gia Nhất, một người hữu danh trong vấn đề thức ăn của Nhật Bản phát biểu rằng: “Hoài Thạch Liệu Lý” là một thức ăn căn bản trong gia đình người Nhật. “Hoài Thạch” còn có thể ăn chung với cơm.

“Cơm viết chỉ một chữ, nhưng thật sự để có cơm phải trải qua một quy trình từ cái chảo và cái muỗng dùng để nấu và cho vào cái chén. Một muỗng cơm chứa cả cái Tâm gói theo hình tròn của cái chén. Cơm được nấu xong đơm vào chén với những hạt cơm trắng tinh như ngọc cùng một chén canh tương để trên một cái khay, mang ra đặt trước người khách. Khói thơm bay lên nghi ngút mang đầy tâm thức của người chăm sóc” 

“Hoài Thạch Liệu Lý” là món ăn được làm với cả tấm lòng. Khi khách dùng cơm cũng cảm thấy ấm lòng. Mùi vị “Hoài Thạch” cũng đã mang đầy ý nghĩa “cái túi đựng đồ thức ăn” rồi. Cái túi ấy nó không phải chỉ đơn thuần là sức khoẻ cho thân thể của chủ nhà và con cái, mà còn là niềm mong muốn thay đổi đời sống con người một cách lành mạnh, theo sự lớn mạnh có tính cách tinh thần ấy. Người ăn cũng thế, nếu tâm không hoàn toàn sâu sắc, không thể nào hiểu rõ cách ăn nầy. Khi đó, thật là tiếc thức ăn không còn ý nghĩa nữa.

Mỗi ngày ba lần nhận thức ăn xem như ba lần uống thuốc để phụng dưỡng thân tâm nầy, cho nên phải nói rằng “thuốc hay để chữa bệnh gầy”. Nếu dịch ý thì “Đồ ăn nầy do trời đất đã ban cho như thuốc hay để nuôi thân và xin được thọ nhận.”

Tam Thành học cách sống luôn yêu tiếc thân mình. Vào thời kỳ Đào Sơn, có vị tướng quân tên là Ishida Mitsunari được ông Tú Kiết giàu có ủng hộ. Nhưng Tú Kiết chết, thiên hạ hướng về Đức Xuyên Gia Khang nhiều hơn, nên Gia Khang làm cuộc đảo chính, Tam Thành bị bại trận tại Quan Quan Nguyên, cuối cùng bị giết tại Kyoto. Trên đường giải về Kyoto sau khi bị bắt, Tam Thành khát nước quá bảo người cai ngục rằng: “Khát nước quá!!!”. Những người giải ngục chạy vào nhà dân ở hai bên đường kiếm nước, nhưng không có. Cuối cùng có người đem cho một trái thị, Tam Thành không nhận và nói: “Trong trái Thị có chất độc, tôi không ăn” Lúc bấy giờ, người cai ngục cười bảo rằng: “Ông sắp bị xử tử, thuốc uống hay chất độc còn có mệnh hệ gì nữa”. Nhưng Tam Thành vẫn thản nhiên nói rằng: “Với ta, còn sống được giây nào thì hay giây ấy. Dù rằng chỉ trong khoảng một sát na nữa là chết, ta cũng quý trọng lấy ta. Ta không thể chết một cách phi lý được”. Thạch Điền Tam Thành là một tướng quân nổi tiếng về chính trị, kinh tế. Rất hiếm người hiểu nổi lời phát biểu của ông.

Chẳng phải là vấn đề thức ăn, mà ngay cả rượu ngon nơi bàn tiệc, nếu uống cũng phải uống “như là thuốc” không nên phóng túng uống nhiều đến say mềm. Ăn bạo, uống bạo nghĩa là không có trách nhiệm với sanh mạng của mình, không biết phương thức sống. Đó chẳng qua là “con người thuộc rượu hạng hai vậy”. Đời người bất cứ lúc nào, ngay cả bây giờ phải sống một cách có ý thức và sống hết mình. Đó mới thật sự bảo hộ cho đời sống vậy.

Đồ ăn cũng là một đời sống

“Một giọt nước. một cộng rau, tất cả đều là sự sống của đất trời đã giúp cho ta”. Thơ của ai đó, tôi (tác giả) quên rồi, nhưng tôi có ghi lại trong sổ tay như sau:

Hoa nở
Chim hót
Trí Tuệ
Chúng ta
Sống trong ấy
Trí Tuệ
Với trí tuệ chẳng có hai
Riêng chỉ là một
Chấp hai bàn tay

Chắp tay lại và “riêng chỉ là một”. Ta đã nhận được loại thuốc tốt. Cho nên trước khi ăn thì vì cái lễ mà nói Itadakimasu và sau khi ăn nói Gochisosama.

Việc ăn uống chẳng đơn thuần chỉ là ăn mà chữ “thực dục” còn có nghĩa là “thực tư” nữa. “Thực tư” cũng có nghĩa thông thường là “thực dục”; nhưng đối với tôi, “thực tư” có thể giải thích là: “Đối với việc ăn phải nhớ đến và tư duy về việc nầy”

Tư duy chánh niệm trong khi ăn là trước tiên phải biết rằng đồ ăn nầy giúp cho thân thểđời sống chúng ta phát triển, để làm việc và sanh sản. Do vậy, tư duy phải có chánh niệm chân chánh bao dung. Ăn là một tác pháp cần yếu, ta phải cảm nhận như thế.

Ăn để thành tựu đạo nghiệp

Câu kệ thứ năm của ngũ quán về vấn đề ăn uống là: “Nhận đồ ăn nầy, vì sự sống chính đáng”. Đó là lời phát nguyện và nguyên văn là:

Năm là nguyện thành đạo nghiệp mới thọ cơm nầy”. Chữ “đạo nghiệp” là mục đích hướng tới của người tu, phải hoàn thành trên con đường Phật Đạo, giống như ý nghĩa thành đạo vậy.

Ở đây, “đạo nghiệp” được chia ra thành hai chữ “đạo” và chữ “nghiệp”. Chữ “nghiệp” phát âm là Gò nghĩa là tất cả những hành vi của con người. Vả lại những việc làm thuộc về thân, thì gọi là thân nghiệp; về khẩu như lời nóikhẩu nghiệp; về ý như sự suy nghĩ gọi là ý nghiệp. Nói chung là “tam nghiệp”. Chỉ có Phật hay “con người chân thật” mới đạt được sự thanh tịnh hoàn toàn của ba nghiệp. Để cho ba nghiệp được điều hoà đứng đắn khi nhận thức ăn, cho nên phải đọc lời nguyện của câu kệ nầy.

Tiếp đến chữ “Nghiệp” mà đọc là Gyò mang ý nghĩa thông thường như là: chức nghiệp, chức vụ, chức trách v.v... Chúng ta thệ nguyện tự mình phải hoàn thành công việc, bởi vì nhận thức ăn nầy, chứ chẳng phải vì chuyện ăn. Bởi vì phải làm gì đó mới ăn, chứ chẳng phải vì ăn mà làm việc.

Chúng ta nên học lời kinh trong Thánh Kinh 4.4 như sau: “Con người sống nhờ bánh mì, nếu không có thì không được” Jésus tu khổ hạnh trong rừng hoang, chịu đựng bụng đói hành hạ. Lúc đó ác ma nói rằng: “Cái gì vậy? nếu là con của Thần, hãy ra lệnh cho hòn đá nầy thành bánh mì đi” Lúc đó đói lắm nhưng Jésus đáp rằng: “Con người sống nhờ bánh mì ư, nếu không có không được sao”
Với lời nói ấy, cựu ước Thánh kinh gọi là “thân mệnh ký” bèn ghi lại rằng “Với người, phải có bánh mì, nếu không, không thể sống được” (8.4) đã được trích dẫn. Ngày xưa dân tộc Do Thái còn là dân du mục, cũng nhận được đồ ăn từ Thần rồi, nhưng họ gọi là Mana.

Con người không thể thiếu thức ăn được, thế nhưng chỉ vì vấn đề ăn uốngtư duy đến bao nhiêu điều nguy hại, theo Jesus, là hơi quá đáng.

Bản năng để dưỡng nuôi thuộc về trí tuệ

Câu kệ thứ năm nầy giữa Thiền Lâm Tế và Thiền Tào Động đọc có chỗ khác nhau như phía trước đã đề cập.

“Vì sự thành đạolãnh thọ đồ ăn nầy” Chữ “thành đạo” có nghĩa là “thành Phật, đắc đạo”. Cách giải bày càng ngày càng đi đến chỗ chuyên môn. Nguyên lai chữ “thành đạo” nghĩa là Đức Thế Tôn được thành Phật vào ngày mồng 8 tháng 12 năm 428 trước kỷ nguyên Thế nhưng, ngày nay thành Phật và sự thành đạo ấy không chỉ dành riêng cho một mình Đức Thích Tôn, mà bất cứ ai cũng có khả năng thành Phật một cách bình đẳng. Đó là sự thật. Vì Đức Phật thị hiện thành Phật nên gọi là “thành đạo”. Với chúng ta, lý tưởng tối caonỗ lực thành Phật, cho nên qua ăn uống cũng không ngoài mục đích thành đạo ấy. Thế nhưng, ăn uống chẳng phải là vấn đề bản năng của con ngườiăn uống đầy đủ để thành đạo

Bản năng ăn uống chắc chắn một điều không sai để dưỡng nuôi cái thân mệnh nầy. Đó là vấn đề căn bản, không thể thiếu. Thế nhưng, cái mệnh lệnh của bản năng hành động, phải biết rằng, mang đến cho con người nhiều điều bất hạnh, cho nên trí tuệ siêu việtcon người có được thật sự quý giá hơn và đẹp đẽ hơn. Bản năng nuôi dưỡng sinh mệnh của con ngườitính cách sanh vật ấy chẳng có giá trị gì cả, nếu không nỗ lực một cách cao thượng. Cho đến khi nào hiểu rõ con người vốn là con người chân thực, khi ấy mới nói được: “Bây giờ tôi xin được ăn cơm”. Đây là cái ý nghĩa của câu kệ thứ năm về ngũ quán vậy.
Vì làm con người nên có thể “thành đạo”.

Thế gian từ xưa đến nay, cuộc đời vẫn là một chốn kịch trường, cho nên gọi là “nhân gian kịch trường ” một danh tác của Khước Bổn đã được diễn xuất. Con đường đi hết cuộc đời như một sân khấu, tất cả chúng ta đều là người diễn kịch đang lên sân khấu, để đóng tròn những vai diễn. Lúc ấy, người phê bình chúng ta là khán giả. Như kỷ thuật múa hát diễn xuất, nếu không có khán giả, không sao diễn được, con mắt của khán giả trở thành kết quả của người diễn viên. Nhưng nhận thức khác nhau của con người không phải hình thức sang, hèn, chẳng phải vì mắt thấy sai khác. Nếu tự chính mình diễn cho mình xem và tự mình đồng hoá việc làm ấy với mình, mới thật sự là tối ưu. Nói theo lối chưng cất rượu, diễn xuất hay dở tuỳ thuộc vào đôi mắt khán giả, là diễn viên loại rượu thứ hai. Thật sự trong ánh mắt không có phân biệt cao thấp, nhưng từ tâm sanh ra sang hèn. Giống như vậy, ai siêng năng làm việc sẽ trở thành hạt ngọc quý, còn kẻ lúc nào cũng chối từ mọi việc sẽ làm bia miệng cho đời. Dù cho đóng một vai trò nào đi nữa, với người nhiệt tâm cố gắng, sẽ thành tựu đạo nghiệp
Trong câu kệ thứ 5 của ngũ quán mỗi khi ăn là “xin nhận thức ăn nầy” chẳng phải bởi đồ ăn, mà trước mắt là cái kết quả thọ nhận đồ cho, phải biết cảm tạ cho tương đương với thức ăn nầy vậy. Nếu được như vậy, sự chu cấp và niềm cảm tạ đó tương đương nhau và dưới bất cứ hình thức nào cũng luôn luôn hiện hữu ở trong đầu.

Itadakimasu và Gochisosama

Chúng ta đã nghiên cứu xong về kệ ngũ quán như trên đã trình bày. Nếu áp dụng ngôn ngữ ở chùa thường dùng trước khi ăn vào gia đình tại gia có phần hơi khó. Cho nên sau đây tôi dịch thành văn tiếng Nhật để dễ đọc và dễ hiểu. Thật ra, ngũ quán kệ nầy cũng đã dịch thành văn tiếng Nhật rồi, xin tóm lại như sau:

1. Đối với đồ ăn được mang đến nầy phải nghĩ rằng do công lao của nhiều người cho nên phải cảm tạ, trong đó có sự gia hộ của chư Thần và Phật nữa.

2.Tuy chưa đủ đức hạnh, nhưng tôi phải nhận thức ăn nầy cho nên tôi rất lo lắng.

3. Thấy thức ăn, tôi cố giữ không cho tâm tham lam khởi lên.

4. Đồ ăn nầy là phương thuốc hay, trời đất đã ban cho để nuôi thân mệnh nầy.

5. Mong sớm thành tựu đạo nghiệp, nên dùng cơm nầy.

Ngắn gọn hơn, tôi dịch như sau:

1. Vì huệ mệnh, tôi nhận thức ăn nầy và nghĩ đến tâm tha thiết của người mang tới khi dùng. Câu nầy đọc trước khi ăn.

2. Ăn xong tôi xin cầu nguyện cho mọi người mau thành Phật và xin cảm tạ. Câu nầy đọc sau khi ăn.

Dẫu cho có bận rộn bao nhiêu đi chăng nữa, hãy chắp hai tay lại, trước và sau khi ăn, để xướng lên rằng: “Con xin dùng cơm nầy và cảm niệm ân Phật”. Đây là một tập quán hay không nên quên.

Hiện nay có nhiều gia đình ít nói đến chữ: “Con xin dùng và xin cảm niệm ân Phật”. Đây là một bằng chứng cho thấy sự cảm ơn không còn chú trọng nữa. Trên phương diện phát triển, đời sống ngày càng trở nên tiện lợi, có lẽ đến một ngày nào đó, sự niệm ơn sẽ bị lãng quên, quả là tâm người đã trở thành lãnh cảm mất rồi.

Ông Suzuki đảm nhận chương trình câu chuyện gia đình trên đài truyền hình NHK, sau khi đi khắp thế giới để tìm hiểu về món ăn loan tải trên truyền hình cho dân chúng, được biết rằng: “ Trước khi ăn mà không cầu nguyện, chỉ có người Nhật”. Ông cho rằng điều nầy người Nhật phải suy nghĩ lại (lược bớt)

Càng sống đời sống giàu có sung túc, tâm mình cũng như cái cung cách cảm tạ ấy nó đi đâu rồi, vì sao như thế? Hãy nghĩ lại và đừng quên cảm tạ ngay cả với đồ vật. Trước khi cầm đũa và sau khi ăn xong nên nói: “Con xin ăn” và “xin cảm tạ Phật”. Nếu việc ấy thành thói quen, rất tốt cho tự thân. 

IV. Niềm TinTín Điều trong sinh hoạt

Phật Giáo không mang một chủ nghĩa nào cả. Không có chủ nghĩa là một đặc trưng của Phật Giáo. Chữ “Chủ Nghĩa” thật sự ra ở Á Châu không có. Thời Meiji chữ Principle của tiếng Anh được các học giả, văn sĩ, trong số đó, ký giả Phước Địa Anh Si người đầu tiên dịch là “chủ nghĩa”. Danh từ nầy được dịch nhưng phải đến một thế kỷ sau, chữ nầy mới trở nên thông dụng. “Chủ nghĩa” có nghĩa là xác định cái lập trường về tư tưởnghọc thuyết chủ trương. Khi chấp nhận chủ nghĩa, chính mình chủ trương, suốt đời phụng sự chủ nghĩa ấy và ra sức bài xích chủ nghĩa khác, bởi vì nghĩ rằng chỉ có cái suy nghĩ của mình là đúng, trong khi đó, ở Phật Giáo không có vấn đề nầy.

Thế nhưng, chẳng biết từ khi nào Phật giáo được gọi là “tôn giáo của chúng ta”. Thật ra, có nhiều người thích thấy phái như là ”tông ngã”; nên dùng chữ “tông ngã tâm” ấy. Cho nên, với các tín đồ Phật Giáo, không có chủ nghĩa, chỉ có “tín điều”. Tín điều nghĩa là tín tâm vào các sự việc. Ví dụ như nói rằng “Tôi tin về điều nầy” và tín tâm vào mỗi một việc như thế.

Với cơ hội nầy, chúng ta nên nghiên cứu về chữ “tín tâm” và “tín ngưỡng”. Nhiều người cho rằng “tín tâm” và “tín ngưỡng” giống nhau, nhưng về phương diện chữ nghĩa cũng như cách phát âm không giống nhau. “Tín ngưỡng” có nghĩa là tin tưởng và ngưỡng vọng, nghĩa là thái độ đứng ở chỗ thấp ngưỡng vọng lên chỗ cao, nơi vị thần nào đó đang ngự trị. Thiên Chúa Giáo gọi đó là tín ngưỡng. Còn với Phật Giáo, như chúng ta nghiên cứu, tất cả ai ai cũng tin rằng mọi người đều đầy đủ Phật tâm ở bên trong. Vì tin rằng có Phật Tâm ấy, nên gọi là tín tâm. Khi chúng ta đứng trước pho tượng lớn hay các bức hoạ, chúng ta đều nhìn lên ngưỡng vọng vẫn gọi là tín tâm. Vì sao vậy? Vì tượng Phật hay bức hoạ với chúng ta, không phải là vật vô tri, mà nơi đó cũng tượng trưng cho Phật tâm của mình.

Đã nghiên cứu về lòng tintín điều của Tông Lâm Tế, sau đây sẽ nghiên cứu về sự sinh hoạt tín điềungôn ngữ của tín tâm.

Sinh hoạt tín điều.

- Mỗi ngày nên có một lần ngồi tỉnh toạ, điều phục thân và tâm bằng hơi thở.

- Hãy tôn trọng người khác. Phải quý trọng sự sinh hoạt của người khác như quý trọng sự sinh hoạt của mình.

- Hãy tích luỹ việc báo âncảm tạ trong cuộc sống chính mình.

Thứ nhất “Mỗi ngày nên có một lần ngồi tỉnh toạ, điều phục thân và tâm bằng hơi thở”. Đối với Lâm Tế Tông, quả thật tọa thiền rất cần thiết hơn bất cứ cái gì khác. Thế nhưng, với người tại gia mỗi ngày ngồi yên một lần chẳng biết là có khó khăn chăng. Phương pháp ngồi xếp bằng hai chân, hẳn nhiên chẳng phải ngồi thiền, mà chỉ là an định cái tâm mình. Tuy nhiên, với cái tâm thuần thành, dù đi đường, ngồi trên xe Bus, ngồi trong xe điện hoặc ở nơi làm việc, đều có thể thiền được. Chỉ cần ngồi xếp bằng thẳng lưng và thân tâm buông thả là tốt rồi.

Ngay cả người phụ nữ ngồi trước kiếng để hoá trang, hãy dùng tâm buông thả giống như ngồi thiền cũng hiệu quả vậy. Nếu mình ngồi yên nhìn mặt mình trong kiếng, cũng có thể nhìn thấy tự tâm một cách đầy đủ. Khi tâm thanh tịnh, nét mặt của mình sẽ đẹp, mình sẽ thấy rằng thật vi diệu khi ngắm dung nhan mỹ miều của mình, lúc ấy thân thể mình cũng cảm nhận được.

“Hãy thở và quán thân mình, điều chỉnh tâm”. Do vậy, thật là cần thiết ngồi thiền để điều phục thân, khẩu, ý. Phải kiểm soát thân, khẩu, ý tự nhiên con người được hoàn hảo. Được gọi là Như Lai, Điều Ngự Sư hay Điều Ngự Trượng Phu, bởi vì Ngài là bậc đạo sư như người giỏi điều ngự (cỡi) ngựa. Nói cách khác, ai giỏi chế ngự thân nghiệp, khẩu nghiệpý nghiệp, chế ngự không cho các hành vi ác khởi lên được gọi là Như Lai.

Ba nghiệp thân khẩu ý một khi được kiểm soát, những việc làm, lời nóisuy nghĩ theo lời dạy của Phật cộng thêm mỗi ngày có một lần ngồi yên tịnh giữ hơi thở, điều phục thân và điều phục tâm thế là Thiền, chứ không phải chỉ có ngồi mà thôi.

Thứ hai “Hãy tôn trọng người khác. Phải quý trọng sự sinh hoạt của người khác như quý trọng sự sinh hoạt của mình”. Với chúng ta, như trước đã đề cập, tôn trọng người khác vì ai cũng có Phật Tánh. Đó là một sự thật cần biết. Khi lễ Phật cũng có thể hiểu là Phật mà chúng ta đang đảnh lễ thuộc về Tôn Giáo. Nhưng Phật dạy chẳng phải chỉ có con người mới có Phật Tánh mà tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cho nên chúng ta phải lễ bái tất cả chúng sanh. Phương pháp lễ bái ấy chỉ là hành động biểu lộ cái Phật Tâm của mình mà thôi.
Nghĩa Huyền, vị khai tông của Lâm Tế, đến đảnh lễ Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vận bằng cách ngũ thể đầu địa, hai đầu gối, hai tay và đầu lễ bái sát đất. Hoàng Bá trên trán nổi một cục u, cho nên gọi Hoàng Bá “lễ bái cục u”. Vì vậy cho nên hình vẽ của Hoàng Bá thường thấy cục u nơi trán. Lúc bấy giờ Huyền Tông Hoàng Đế mới hỏi Hoàng Bá rằng:

-Tại sao phải lễ bái đến nổi như vậy?

Hoàng Bá đáp lại rằng:

- Chúng ta không cầu làm Phật, không cầu nơi Pháp, không cầu nơi Tăng, chỉ có lễ bái mà thôi.

Theo Hoàng Bá, mục đích của sự lễ bái chẳng là gì cả, không phải lễ Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng. Lễ bái chỉ là vì sự lễ bái mà thôi. Nói cách khác lễ bái chính là đảnh lễ Phật của chính mình, chứ không có cái gì khác nữa. 

Những vị Thiền sư chào nhau thường chắp hai tay lại là tôn trọng Phật Tánh vốn có sẵn trong tâm của người kia. Đó là điều cần lưu tâm. Ngày nay tín đồ của tông Lâm Tế, dù không có chắp tay nhưng rất thành kính, lễ phépthân thiện chào nhau khi gặp nhau. Nghi thức, lời nói và động tác ấy cho chúng ta ý nghĩ rằng đó là điều căn bản chào nhau của Thiền ngữ “Ai tạt” .

Chữ Hán viết là “Ai” nghĩa là người đối diện gần mình. Chữ “tạt” nghĩa là dẫn dắt. Người tu Thiền cần gần gũi Thầy, người hướng dẫn để khi có việc cần hỏi, Thầy sẽ chỉ dạy. Khi Thầy gạn hỏi về tâm đã bị chôn vùi ấy, chỉ rõ Phật tánh gọi là “Ai tạt“ 

Chào hỏi của Thiền giả là một phương pháp giáo dục rất quan trọng và cần thiết. Thầy xuất hiện để chỉ rõ chân lý cho mình. Đệ tử xuất hiện đúng với chân lý và nói lời “chào” ấy. Suy nghĩ về sự thật nầy, tín đồ của tông Lâm Tế khi gặp người khác, không phải lúc nào cũng dùng nghi lễ chào hỏi, để chỉ Phật tánh bị chôn vùi kia, như hai chữ Aisatsu thường dùng, mà chỉ cần kính nể, lễ phép chào nhau là được rồi, không thể thiếu sót được.

Thứ ba “hãy tích luỹ việc báo âncảm tạ trong cuộc sống chính mình”. Nghĩa là chúng ta không sống riêng lẽ một mình. Mấy năm trước, một cựu quân nhân Nhật Bản bị lạc trong rừng sâu 30 năm, sinh hoạt một mình; nhưng không phải không ăn, không uống, mà được các con thú giúp đỡ mang trái cây đến cho, người ấy mới sống được.

Với chúng ta, thật sự không thể tự lực mà lúc nào cũng nhờ người khác, mình mới sống được. Sự thật nầy phải nói là “sống nhờ sự sống”. Không có nước và muối, chúng ta không thể sống được, vì muối và nước duy trì sự sống của chúng ta, nhưng muối và nước cũng là năng lực thiên nhiên giúp ta sống rất thích hợp với sinh hoạt chúng ta. Sự sinh sôi nẩy nở của thức ăn cũng là năng lực, mà chúng ta nhờ đó tồn tại.

Như thế, không biết bao nhiêu công sức giúp chúng ta duy trì mạng sống, để sống ngày hôm nay hiện hữu ở đây mà chẳng biết cảm ơn. Không biết bao nhiêu sức lực giúp chúng ta nuôi sống mình, cho nên cảm tạ là việc đương nhiên. Nhưng chỉ nói cảm tạ vẫn chưa đủ, mà còn phải tích cực làm sao cho những thứ ấy được sinh sôi nẩy nở càng ngày càng nhiều, nếu không thế, cảm tạ ấy không có giá trị.

Vả lại, nếu hiểu một cách đúng đắn về sự sống, phải hiểu rằng chúng ta được sống chính nhờ những người và sự vật đã hiện hữu trước đây vì chúng ta đang nhận được sự sống tốt đẹp từ họ. Một giọt nước, một tờ giấy không nên khinh thường, mà phải sử dụng nó một cách có hiệu quả. Phải cúi đầu xuống để cảm tạ con người và sự vật.

Báo ân là việc mà chúng ta phải cảm tạ người khác về sự sống nầy. Sự sống của chúng ta được nối kết từ cuộc sống của họ, cho nên báo ân là bổn phận rất thiết thực. Nói cách khác: “sống nhờ sự sống” nhờ cuộc sống người khác, ta sống được cho nên phải nhớ ân và phải cảm ân vì người kia đã ban ân cho mình, nên cuộc đời mình mới tồn tại. Vì thế, tín đồ của tông Lâm Tế rất tuân thủ tín điều phải tôn trọng người khác.

Chữ “Ân” viết theo lối chữ Hán gồm chữ “Nhân” và chữ “Tâm” hợp lại mà thành. Nếu nói rõ là dùng Tâm để biết nguyên nhân; nếu không, không thành chữ Ân được. Thật ra, cuộc sống chúng ta ngày hôm nay có được nhờ đã được cái gì đó và trồng được nhân nào đó. Tự nơi sâu thẳm của tâm hồn của mỗi người nhận biết rõ ràng về ân đức đó.

Tiến sĩ Nakamura Hajime dịch chữ Ân từ chữ Katannyu của tiếng Phạn, nghĩa là khi việc thành tựu, người biết cảm ơn. Nhưng ở chữ Hán chữ Ân có nghĩa là dùng Tâm để nhận thấy nguyên nhân và lưu ân ấy trong tâm. Người tu theo đạo Phật phải nghĩ rằng đây là một yếu tố rất cần thiết vậy .

Đối với sanh hoạt tín điều của tín đồ tông Lâm Tế điều thứ 3 nầy minh chứng được điều ấy.

Ngôn ngữ của Lòng Tin

- Hãy ngồi yên lặng quán thấy thân nầy trở về với không.
- Hãy lễ báitin tưởng rằng tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành.
- Hãy sống luôn nhớ chữ Hoà, giống như vườn hoa tâm trong xã hội.

Trên đây là ba điều thuộc về ngôn ngữ của niềm tin. Ngôn ngữ của niềm tin được nghiên cứu và tổng hợp lại.

- “hãy ngồi yên lặng quán thấy thân nầy trở về với Không.”

Chữ “Không” ở đây chẳng phải là không có hay không gì cả, mà với cái thân của chúng ta khi bịnh, khi già, mỗi giờ mỗi khắc đều thay đổi bởi sự vô thường. Rõ ràng là ta đang tồn tại nhưng cho đến khi chết, tự mình có rõ biết là ta đang sống ở chốn nầy là sự thật chăng? Sự sống là một cảm nhận thật bất khả tư nghì. Hãy quý trọng nó. Vì không có gì hơn, sự sống dưỡng thành cái nhân tánh cho mình, một cách phong phú thêm.

Bây giờ được sống nơi đây, như trước đã đề cập trong phần“sanh hoạt tín điều” rằng chúng ta học hỏi và biết được có rất nhiều công sức khó nhọc khác nuôi nấng ta, không phải chỉ riêng sức lực ta thôi có thể sống được. Vả lại, chính mỗi người tồn tại, không thể khônghiện hữu của người khác được. Cái chân lý nầy được gọi là “vô ngã”

“Không” ở đây có nội dung thuộc về vô thườngvô ngã. Vô thường nghĩa là luôn luôn biến đổi. Hoa nở rồi tàn là vô thường. Thế nhưng khi cái mầm mỗi ngày mỗi tăng trưởng cho đến khi nở ra hoa đẹp cũng là vô thường. Đây chính là tư tưởng không. Điều nầy nhằm để chỉ cho thấy tính cách sáng tạo một cách tích cực của công việc.

“Vô ngã” nghĩa là bình đẳngnương nhờ vào người khác. Ngoài ra, vô ngã cũng có thể hiểu vấn đề đạo lý đối với bản thân khi tồn tại phải nhờ đến người khác. Nghĩ rằng mình cần sự hiện hữu của kẻ khác, điều “thuộc về tôi” “của tôi” sẽ vượt lên khỏi cái “tự ngã” ấy. Khi “tự ngã” bị đánh bạt ra khỏi, sẽ hiểu rõ sự hiện hữu của kẻ khác, để an lạc trong niềm tin nầy.

Giống như thế, một khi chúng ta nhận thức thân nầy vốn là “không, vô thường, vô ngã”, có thể ngồi yên lặng quán thấy thân nầy trở về với không, dần dần việc toạ thiền có thể thực hiện dễ dàng.

Hãy lễ báitin tưởng rằng tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành” hay “Chúng sanh bổn lai vốn là Phật” như trước đây chúng ta nghiên cứu trong “Toạ Thiền Hoà Tán”. Phải tin rằng con người ai ai cũng có khả năng tánh trở thành Phật. Khi giao tiếp phải giữ tâm cung kính họ.

Thời Meiji Lão Sư Thích Tông Diễn , vị Quản Trưởng hai ngôi chùa Tổ: Viên Giác TựKiến Tường Tự ở Kamakura, đến đầu thời Đại Chánh trở thành cao tăng Quản Trưởng phái Viên Giác Tự. Thưở còn là một thiếu niên tăng, Lão sư tham học ở chùa Kiến Nhân, tại Kyoto. Một buổi trưa hè Hoà Thượng Tông Tuấn có việc phải đi xa, các học tăng tranh nhau tìm chỗ mát ngủ trưa. Chẳng may lúc ấy, Hoà Thượng Tông Tuấn quên đồ nên trở lại chùa. Thật may, một người học tăng lớn tuổi thấy Thầy về đã kịp thời thông báo cho huynh đệ biết nên không ai bị rầy cả. Chỉ có tiểu tăng Tông Diễn nằm ngay hành lang trước phòng Hoà Thượng nên cho đến khi Hoà Thượng đứng một bên mà Tông Diễn hoàn toàn không biết.

Hòa Thượng Tông Tuấn thấy tiểu tăng ngủ như vậy nhưng chẳng động đậy, chẳng kêu dậy. Thế nhưng, con đường hành lang hẹp quá nếu không gọi tiểu tăng Tông Diễn vật cái thân ấy dậy, Hoà Thượng không thể đi qua được. Nghe tiếng động nhẹ, mở mắt ra tiểu Tông Diễn hết hồn khi thấy Hoà Thượng đang đứng một bên chắp tay nói nhỏ “xin lỗi nghe” với tiểu tăng ngủ vụng trộm như mình.

Sau nầy Lão Sư Tông Diễn thuật lại chuyện xưa và nói thêm rằng: “lúc ấy tôi là một chú tiểu, xấu hổ vô cùng mặt tôi đỏ gay. Đã trốn ngủ trưa là đáng bị mắng trăm phần trăm, nhưng Hoà Thượng không la mà còn chắp tay lại nói “xin lỗi nghe” nữa. Lúc ấy toàn thân chẳng mặc đồ, thật là tội lỗi với một vị ân sư có lòng từ bi như thế”.

Lão sư Tông Diễn nói tiếp trong cảm động: “vì biết “chúng ta là chúng sanh sẽ thành Phật” như trong “Toạ Thiền Hoà Tán” của Thiền Sư Bạch Ẩn, cho nên Hoà Thượng có thể chắp hai tay lại với tiểu tăng ngủ trộm như thế. Phải học phương pháp giáo dục theo quan điểm Phật tánh của ân sư Tông Tuấn nhiều lắm”

Tôi (tác giả) biết được câu chuyện của Lão Sư Tông Diễn, trong tác phẩm của Thầy Thu Nguyệt Long Miên. Trong đó, câu chuyện nầy là một trong những câu chuyện hay, tôi không thể nào quên. Phải chăng rất cần thiết nên tiếp nhận phương pháp giáo dục nầy để hướng dẫn người thời nay?

Hãy sống luôn nhớ chữ Hoà, giống như vườn hoa tâm trong xã hội“. Có thể thấy điều nầy trong kinh Duy Ma trình bày về xã hội và nghĩ đến vườn hoa của tâm, nơi nguyện ước Phật quốc được thành lập. Thành lập nước Phật không chỉ có nghĩa là tạo lập nhà cửa đất đai và xây dựng đẹp đẽ lại, mà thành lập quốc độ Phật còn là xây dựng một xã hội lý tưởng theo quan niệm chân chánh của Phật Pháp đầy ý nghĩa. Điều ấy phải có cái tâm mới thực hiện được.
Trong kinh Duy Ma Cật, mong muốn tạo lập quốc độ Phật chẳng phải là lý tưởng luận mà cũng chẳng phải là quan niệm luận mà là thực hiện phương pháp chính trị kinh tế theo tinh thần phụng sự của Bồ Tát hành lục Ba La Mật và tạo cho mọi người đều có thể thực hành lời dạy của đức Phật một cách chính xác. Đó cũng là lý tưởng thiết thựctrong đời.

Hãy sống trong sự hoà hợp” chẳng phải đơn thuầnhy vọng có cuộc sống yên ổn, không có chuyện gì với nhau, mà chữ “hoà” theo toán học là “kết quả thêm trên con số hai”. Theo Phật Giáo, kết quả của nhiều nhân và nhiều duyên thì gọi là Hoà. Thời Thánh Đức Thái Tử hiến pháp 7 điều, có điều 1 ghi “nên quý trọng cái Hoà”. Có thể được giải thích như trân trọng cái “pháp nhân duyên”. Tin vào pháp nhân duyên và nhờ pháp nhân duyên, mọi người cùng sống trong một xã hội sẽ được hoà bình an lạc. Đó là vườn hoa của Phật quốc được tạo thành.
Về nhân sanh luận, “hãy quý trọng chữ Hòa” khi mỗi người gặp nhau, đối diện phải tôn trọng nhau. Lại nữa, Thánh Đức Thái Tử cũng chỉ rõ “không tôn trọng sự ngỗ nghịch, không đối chọi lại với bậc trưởng thượng bên trên”. có thể giải rõ pháp nhân duyên ấy. Pháp nhân duyên với mọi người là cái nguyên nhânđiều kiện hàm chứa đạo lý sống mà nếu ai xem thường đạo lý nầy, cuộc sống trở nên bất hạnh.

V. Những Lễ Lộc Trong Năm

Trong Thiền môn, mỗi năm quy định những ngày lễ như “nhị Tổ tam Phật”. Lễ kỵ “Nhị Tổ” là kỵ Tổ Đạt Ma vào ngày mồng 5 tháng 10 và kỵ Tổ Bách Trượng vào ngày 17 tháng giêng. Còn “Tam Phật” đó là ba lễ kỵ: Phật Đản ngày mồng 8 tháng 4; Thành Đạo ngày mồng 8 tháng 12 và Nhập Niết Bàn ngày 15 tháng 2.

Đối với Thiền Tông Trung Hoa, Tổ Đạt Masơ Tổ viên tịch ngày mồng 5 tháng 10, ngày nầy trở thành ngày lễ kỵ Tổ Sư. Tổ Bách Trượng viên tịch năm 814, là người chấn hưng Thiền Phong ở núi Đại Hùng, thuộc tỉnh Giang Tây, cũng gọi là núi Bách Trượng. Ngài là một vị cao tăng ở Đời Đường, được truyền thừa từ Lục Tổ Huệ Năng ngày nay khắp bốn phương đều ngưỡng mộ và cảm niệm ân đức Tổ Bách Trượng. Thời ấy những bậc danh tăng thạc đức đều quy tụ về ở với Ngài và chính Ngài cải biến sinh hoạt của Tăng Đoàn theo thể thức của Ấn Độ, từ việc khất thực biến thành làm việc để thích nghi với phương thức tu hành thuộc Thiền phong Trung Quốc.

Ngài Bách Trượng soạn tác phẩm “Bách Trượng thanh qui” bây giờ trở thành quy tắc của Thiền môn. Trong lịch sử Thiền Tông Trung Quốc, công đức của Tổ vẫn còn đó vô cùng vĩ đại. Tổ Bách Trượng viên tịch vào ngày 17 tháng giêng, vào ngày ấy hằng năm đều cử hành giỗ kỵ. Ngoài ra, mỗi Bổn Sơn mỗi phái, khi cử hành lễ khai sơn, thường kỵ Tổ khai sơn cũng như kỵ Nhị Tổ chung một ngày.
Lễ Phật đản là một trong ba ngày kỵ “Tam Phật”, có lễ tắm Phật ngày nay còn có lễ xem hoa gọi là “Hana Matsuri” không những ở các tự viện mà cả các Hội Phật Giáo cũng đều cử hành. Thành Đạo là kỷ niệm ngày Đức Thích Tôn ngộ đạo, theo truyền thống Thiền Môn, ngày ấy chư tăng tu hành nghiêm mật. Niết Bàn là ngày lễ kỷ niệm ngày Đức Thích Tôn nhập diệt.

Hầu như, các Bổn Sơn và các chùa lớn đều có: Khai sơn đường, trong đó thờ tượng khai sơn, thông thường làm bằng gỗ, mỗi ngày phải lau bụi tượng cho sạch và cúng dường cơm, phụng sự như lúc Ngài còn tại thế.

VI. Cách Bài Trí ở Bàn Thờ Phật

Tượng Phật, Tượng Bồ Tát Quan Âm, Long Vị Tổ được bài trí trong chánh điện với tượng Phật Thích Ca chính giữa, bên phải tranh hoặc tượng của Sơ Tổ Đạt Ma Đại Sư và vị khai sơn chùa, Bổn Sơn (chùa Tổ). Ví dụ như vị khai sơn chùa Bồ Đề v.v…, hoặc là tượng, hoặc Long Vị, hoặc là ảnh thờ cũng được.

Bài vị của Tổ Tiên Ông Bà thờ bên trái vị Bổn Tôn. Ngày giỗ cử hành lễ cầu siêu tại bàn Phật Thích Tôn trước, sau đó đến các Long Vịcuối cùng nơi những người quá cố. Nơi đây có thể để gia phả hoặc ghi những ngày kỵ của những người mất.

Đồ cúng, đồ cấp. Hãy xem hình bàn thờ phía sau, nếu loại nào là một cặp,hai cặp trở lên, được trang trí cân xứng hai bên.

Nước trà: cúng nước trà mới và nóng, hoặc cũng có thể cúng nước trong. Đèn hoa: một cặp đèn, đèn cầy, và hoa. Hương: Nếu trường hợp đốt hương riêng, phải có hộp thiêu hương để trong góc. 

Chuông mõ: theo hình phía sau, nên để chuông mõ như thế. Khi tụng kinh một mình, thuận tay nào để chuông mõ theo phía ấy, không sai.

Bàn Kinh: bên trên bàn kinh nên để quyển kinh cho ngay ngắn, xem hình 13.

Hình 13: Cách bài trí bàn thờ

Trong tất cả Bổn Tôn, những tấm hình người quá cố được bài trí trang nghiêm cung kính. Khi thực hành nghi thức tụng kinhcúng dường dâng lên Đức Phật phải một lòng thành kính thiết tha. Công đức cúng dường ấy là sự phát nguyện dâng lên Đức Phật, mong rằng đồ cúng ấy từ tâm thành dâng cúng và nguyện Phật chứng minh.

Lời cuối sách 

Cho đến khi nhà xuất bản Đại Pháp Luân đảm nhận việc xuất bản và phát hành toàn tập: “Tông Lâm Tế“ “Tôn Giáo của Chúng Ta“ đầu tôi (tác giả) mới nhẹ nhỏm về nội dung của cuốn sách. Đối với Thiền Lâm Tế, có rất nhiều tác phẩm liên quan đã xuất bản nhưng lại có quá ít độc giả quan tâm đến Thiền và cũng có rất ít người có niềm tin về giáo nghĩa của Lâm Tế Tông. Bởi thế, trong niềm thao thức muốn cống hiến cho đời một phương pháp sống theo Thiền, tôi soạn tác phẩm nầy như là một cơ duyên ý nghĩa.

Tôi (tác giả), một thành viên trong Giáo Đoàn Tông Lâm Tế, chẳng dám nghĩ rằng tư tưởng của Lâm Tếưu việt hơn những tông phái khác. Như tác phẩm nầy trình bày rằng: “Thiền là tên gọi của Tâm. Do vậy, để hiểu Thiền và nghiên cứu Thiền, chúng ta phải rõ tâm chúng ta, ngoài ra không sao hiểu được”.

Trong cuộc đời nầy, mỗi người đều cưu mang một cuộc sống khúc chiết riêng và cố làm sao phù hợp với khúc chiết đó, để sống có ý nghĩaan lạc. Với Tôn Giáo, Phật Giáo bao gồm cả niệm PhậtToạ Thiền đều đề xướng tuỳ duyên hoá độ, cho nên Tôn giáo không phải là vô bổ đối với việc điều phục thân tâm của chúng ta. Không cần phân biệt Tự lực hoặc tha lực, Tịnh Độ Môn hay Thánh Đạo Môn v.v...

Đặc biệt người Nhật, đối với vấn đề tín ngưỡng rất khoan dung. Khi đứa trẻ chào đời, cha mẹ mang đến đền thờ để cầu nguyện, khi kết hôn, làm lễ ở nhà thờ Thiên Chúa và khi chết, mang về chùa. Ở đây giống như một “chốn tạp cư“ tổng hợp tinh thần của Thần, Phật, chẳng quan tâm đến tín ngưỡng. Dù sao đi nữa, tín ngưỡng không phải chỉ “tôn trọng cái tông của mình“ chê bai những việc làm khác, có hại đến tôn giáo chung. Phải chăng đó không phải là tinh thần chân chánh của Tôn Giáo ư!

Người Phật tử luôn luôn tin và hành theo lời dạy của Đức Phật một cách thuần thành, nhưng đối với lời dạy của các tôn giáo khác, vẫn lý giải với tâm khoan dung, cao thượng và trong sáng. Dù đề xướng Niệm Phật hay Toạ Thiền đi nữa, việc trước tiên vẫn là hiểu rõ Phật phápáp dụng Phật Pháp vào đời sống con người để ngày càng phong phú, giàu có hơn, Thiền chính là hướng dẫn và chỉ đạo cho mọi người trở nên nhu nhuyến, mang lại lợi lạc cho nhiều người.

Tôi (tác giả) cố gắng dùng ngòi bút của mình vẽ cho đời một con người tiêu biểu. Tác phẩm nầy chẳng phải dành riêng cho Phật Tử của Tông Lâm Tế mà là một hình thức nhập môn Lâm Tế. Rộng hơn, tác phẩm còn là cơ duyên để mọi người thâm nhập kinh điển, nghiên cứu tư tưởng của Phật Giáo. Ấy mới là niềm mong muốn cao nhất của tôi. Tuy nhiên, trong tác phẩm nầy cũng không sao nói hết nguyện vọng của tôi và nếu quý vị thấy có chỗ nào thiếu sót, xin chỉ giáo cho. Thành thật xin cảm tạ.

Với ý nghĩa nầy, xin độc giả đọc phần sau về cách sống trước, sau đó mới đọc những trang đầu từ chương một. Vả lại, nhà xuất bản Đại Pháp Luân đã xuất bản tác phẩm “Tào Động Tông“, “Tôn Giáo của chúng ta“ của ông Đông Long Chơn. Lần nầy đến tông Lâm Tế, chắc độc giả sẽ hiểu rõ tư tưởng Thiền Tào Động thêm nữa. 

Chiêu Hoà (Showa) năm thứ 59 vào mùa Hạ
Kitakaruizawa (Bắc Khinh Tỉnh Trịnh)
Nơi Thiền Đường của Nhựt Nguyệt Cốc
Matsubara Taido (Tùng Nguyên Thái Đạo)

Sa môn Thích Như Điển dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 2005 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi.

 







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :