Độc Ngữ Tâm Kinh

09/04/20184:42 SA(Xem: 14313)
Độc Ngữ Tâm Kinh
BẠCH ẨN HUỆ HẠC
Đỗ Đình Đồng dịch
ĐỘC NGỮ TÂM KINH
(Bạch Ẩn bình Tâm Kinh)
Nguyên tác: Dokugo Shingyō | Tác giả: Hakuin Ekaku
Anh dịch: Norman Waddell | Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

zen worlds for the heartMục Lục 
Lời người dịch,   
Dẫn nhập của dịch giả bản tiếng Anh  
Độc Ngữ Tâm Kinh,   
Bản văn Tâm Kinh,   
Vài nét về tác giả, tác phẩm
và dịch giả bản tiếng Anh,   
Thư Mục,   

Lời người dịch

 

     Nói đến Bát-nhã Tâm Kinh, hay một cách ngắn gọn hơn, Tâm Kinh, thì đa số Phật tử theo các tông phái Phật giáo Đại thừa [trừ tông Tịnh Độ niệm danh hiệu Phật A-di- đà] đều biết, tụng, niệm hay đọc thuộc lòng. Tùy theo căn cơcông phu tu tập của người hành trì, mức độ thâm nhập và cái hiểu của họ có khác nhau. Có người niệm nó như một thần chú xua đuổi tà ma, tiêu trừ nỗi sợ hãi và sự đau đớn trong cơn hoạn nạn của mình. Có người hành trì nó để làm rỗng lặng tâm mình và thấy tánh không của tâm hay tự tánh mình. Nói chung, nó được đọc tụng trong các chùa hay tự viện của nhiều tông phái Phật giáo Đại thừa.

     Có thể nói Tâm Kinh bản kinh ngắn gọn nhất do Pháp sư Huyền Trang dịch (năm 694) gồm hai trăm bảy mươi chữ Hán, là bản tóm lược tinh yếu nhưng đầy đủ của Kinh hệ Bát-nhã, là bản văn phổ biến nhất. Tâm Kinh đã được dịch sang nhiều thứ tiếng ở châu Á như Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, v.v… và rồi sau này sang các ngôn ngữ châu Âu và châu Mỹ như Anh, Đức, Pháp, v.v…, chủ yếu từ bản dịch chữ Hán của Pháp sư Huyền Trang.

     Các dịch giả tin vào tri kiến của mình mà dịch Tâm Kinh theo cách họ hiểu. Vào thế kỷ 13, Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Kigen, 1200-1253), khai tổ của Phật giáo Thiền Tào Động Nhật Bản cũng đã chuyển Tâm Kinh sang tiếng Nhật theo phong cách của sư và nó chiếm vị trí thứ nhì, theo thời gian sáng tác, sau bài “Biện Đạo Thoại,” ở đầu pho sách quan trọng của mình, Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shobo Genzo). Vào năm 1987, trong một khóa nhập thất gồm khoảng năm sáu chục hành giả ở một thung lũng của núi Los Padres Mountains thuộc Ojai, bang California, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã cống hiến bản dịch mới và những lời bình bằng tiếng Anh về Tâm Kinh theo phong cách của Hòa thượng. Bản dịch và những lời bình ấy đã được Peter Levitt biên tập trong quyển The Heart of Understanding, Commentaries on the Prajñaparamita Heart Sutra và nhà Parallax Press xuất bản năm 1988 tại Hoa Kỳ. Vào năm 2002, Kazuaki Tanahashi và Joan Halifax đã dịch Tâm Kinh sang tiếng Anh cũng từ bản chữ Hán của Pháp sư Huyền Trang và họ gọi bản dịch của mình là “A New Translation” (Bản Dịch Mới) in trong quyển The Heart Sutra, A Comprehensive Guide to the Classic of Mahayana Buddhism do nhà Shambhala Publications, Inc. xuất bản năm 2014 tại Hoa Kỳ.

     Các nhà nghiên cứu Tâm Kinh thì đi sâu về mặt xuất xứ của nguyên tác hay truy tìm nguyên tác Phạn ngữ của nó mà đến nay vẫn chưa tìm được vì họ không chấp nhận lời dịch Tâm Kinh trong Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa (năm 404) và trong Luận Đại Trí Độ (năm 406) của Pháp sư Cưu-ma-la-thập, vì nó không thật trùng khớp với bản dịch đã được công nhận của Pháp sư Huyền Trang, hơn nữa nguyên tác Phạn ngữ của Luận Đại Trí Độ cũng bị thất lạc. Họ cũng quan tâm đến sự khác nhau của các bản dịch, bản ngắn gọn hay bản dài hơn, hoặc một số từ ngữ khác nhau được dùng trong các bản dịch. Thậm chí, có người gợi ý rằng bản văn Phạn ngữ của Tâm Kinh có thể là bản dịch ngược từ chữ Hán sang chữ Phạn và Tâm Kinhtác phẩm của một tác giả vô danh nào đó của Trung Hoa đã trao cho Huyền Trang khi sư trên đường sang Thiên Trúc thỉnh kinh[1].

     Trong tập sách này, Độc Ngữ Tâm Kinh (Dokugo Shingyō), Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1686-1768), một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Nhật Bản thời cận đại, người phục hưng dòng Thiền Lâm Tế ở Nhật, đã phương tiện bình Tâm Kinh theo ngôn ngữ và phong cách riêng của sư để giúp hành giả chứng ngộ tánh không như chính Tâm Kinh đã dạy. Vì vậy, nó đã trở thành một trong những tác phẩm có tính kinh điển trong giới tu ThiềnNhật Bản.

     Bản Việt ngữ của Độc Ngữ Tâm Kinh này được chúng tôi dịch từ bản dịch tiếng Anh Zen Words for the Heart: Hakuin’s Commentary on the the Heart Sutra của giáo sư Norman Waddell thuộc bộ phận Nghiên Cứu Quốc Tế của Đại Học Otani ở Kyoto, Nhật Bản, do nhà Shambhala Publications, Inc. xuất bản năm 1996 tại Hoa Kỳ. Một cách cụ thể hơn khi dịch, chúng tôi đã dựa theo bản chữ Hán của Pháp sư Huyền Trang kết hợp với bản dịch tiếng Anh của giáo sư Norman Waddell. Về việc Thiền sư Bạch Ẩn đã dùng bản văn chữ Hán nào để bình thì chính sư cũng như dịch giả bản dịch tiếng Anh không nói rõ. Trong một câu kệ khi bình, sư chỉ nói, “Cưu-ma-la-thập không lời để dịch” cùng với một chi tiết khác mà sư cảnh báo độc giả về sự “tam sao thất bản” khi đọc bản văn. Nhưng trong quá trình dịch thuật, người dịch thấy bản dịch tiếng Anh của giáo sư Norman Waddell hầu như là dịch từ bản văn chữ Hán của Pháp sư Huyền Trang. (Xem toàn văn các bản Hán, Anh, Việt ở cuối sách). Những tranh vẽ và thư pháp trong tập sách là của Thiền sư Bạch Ẩn, và tất cả những chú giải là của dịch giả bản tiếng Anh, giáo sư Norman Waddell.

     Tập sách nhỏ này, Độc Ngữ Tâm Kinh, cũng là Quyển Mười (Book Ten) trong bộ ngữ lục gồm mười một quyển là Kinh Tòng Độc Nhị (Keisō Dokuzui) của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, cũng do giáo sư Norman Waddell dịch sang tiếng Anh, với nhan đề “Complete Poison Blossoms from Thicket of Thorn” mà nếu có dịp người sẽ giới thiệu toàn bộ tác phẩm với độc giả.

     Như thường lệ, người dịch tự biết lời dịch của mình không thể đạt đến mức toàn hảo dù đã cố gắng nhiều, nghĩa là dịch còn sai sót và diễn đạt còn vụng về, mong các bậc cao minh rộng lượng chỉ bảo cho. Xin đa tạ.

Frederick, mùa lạnh đầu năm 2018

               Đỗ Đình Đồng



[1] Vào năm 1992, Jan Nattier, một giáo sư của Đại học Indiana University, Hoa Kỳ, đã xuất bản một bài nghiên cứu về Tâm Kinh gây chấn động, nhan đề “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?” đã đề xuất ý kiến trên. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn trong vòng tranh luận. Xem The Heart Sutra của Kazuaki Tanahashi, các trang 73- 6.

 

pdf_download_2
ĐỘC NGỮ TÂM KINH



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.