GIẢI THÍCH THẺ QUY Y
Garchen Rinpoche giảng | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Mọi người đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của quy y và vì lý do đó, thầy đã thiết kế thẻ quy y mới này. Danh tiếng của [Truyền thừa] Drikung Kagyu đến từ Tổ Jigten Sumgon, vị sở hữu nhiều phẩm tính độc đáo của thân, khẩu và ý giác ngộ. Thầy sẽ chia sẻ điều gì đó về những phẩm tính này từ sự hiểu của bản thân thầy.
Để đại diện cho các phẩm tính của thân giác ngộ, trên thẻ quy y có hình của Tổ Jigten Sumgon. Đó không chỉ là một bức hình bất kỳ. Đó là hình của bức tượng được gọi là “Vị In Răng” và đây là một trong những đối tượng linh thiêng quan trọng nhất tại Tu viện Gar, nơi mà bức tượng được lưu giữ bởi chứa đựng nhiều ân phước gia trì.
Trong quá khứ, Đức Gardampa Chodingpa du hành đến Nepal, nơi Ngài làm nhiều bức tượng Tổ Jigten Sumgon. Ngài làm các bức tượng theo hai kích cỡ: những bức lớn hơn cao khoảng mười lăm xen-ti-mét và những bức còn lại rất nhỏ. Khi Đức Gar Chodingpa cúng dường những bức tượng này để thánh hóa, Ngài hỏi Tổ Jigten Sumgon, “Ngài có nghĩ rằng nó trông giống Ngài?”.
Tổ Jigten Sumgon cầm một trong những bức tượng lớn lên nhìn. Ngài nói, “Nó thực sự trông giống Ta” và cắn vào đầu của bức tượng, để lại dấu răng trên đầu của bức tượng. Kể từ đó, một dấu răng tự nhiên xuất hiện trên đầu của tất cả những bức tượng lớn của Tổ Jigten Sumgon. Các bức tượng này vì thế được gọi là “Vị In Răng”.
Tổ Jigten Sumgon sau đấy cầm một trong những bức tượng nhỏ lên và đặt nó vào trong miệng. Ngài trao lại bức tượng cho Đức Gar Chodingpa và bảo rằng, “Bây giờ, nó đã được thánh hóa”. Do đó, các bức tượng nhỏ được gọi là “Vị Bỏ Miệng”.
Tất cả những bức tượng này đều cực kỳ quý báu. Bản thân thầy đã thấy khoảng ba hay bốn mươi bức tượng lớn và chúng đều có dấu răng. Chúng là những bức tượng rất cổ và mọi người thường thu thập chúng: Nhiều vị Lama vĩ đại từ mọi truyền thống trên khắp Tây Tạng sở hữu những bức tượng Tổ Jigten Sumgon này. Để giới thiệu cho mọi người biết về lịch sử này, thầy đã thêm hình của bức tượng lớn vào thẻ quy y.
Về phẩm tính của khẩu giác ngộ, thẻ quy y nói rằng: Con quy y trí tuệ, tâm yếu của Đức Phật. Trong Ý Định Duy Nhất Của Thánh Pháp (Gongchig) của Tổ Jigten Sumgon có nói rằng: “Bất cứ điều gì được tiến hành trong phạm vi của những điều có thể được biết đều được chư Phật tiến hành”.
Tất cả đều sở hữu Phật tính; không có chúng sinh nào không sở hữu phẩm tính trí tuệ này trong tâm họ. Chính nhờ trí tuệ này mà họ có thể trải qua hạnh phúc tạm thời và có thể rốt ráo đạt giác ngộ. Trạng thái Phật quả được cho là sự hoàn thiện của trí tuệ. Nói ngắn gọn, trí tuệ là gì? Chừng nào mà người ta chưa chứng ngộ bản tính của tâm, họ còn vô minh và trong bối cảnh đó, tâm được nhắc đến là thức nhị nguyên. Nhưng khi bản tính của tâm được chứng ngộ, nó được nhận ra là trí tuệ tự thấu biết. Đấy là lý do thẻ quy y nói rằng trí tuệ là tâm yếu của Đức Phật.
Sau đấy, thẻ quy y nói rằng: Con quy y tình yêu thương và lòng bi mẫn, tâm yếu của Giáo Pháp. Người ta nói rằng, “Tám vạn bốn nghìn Pháp môn được cô đọng trong Bồ đề tâm”. Chư Phật ba thời đều giảng dạy con đường thù thắng của Bồ đề tâm. Có hai kiểu Bồ đề tâm: tương đối và tuyệt đối. Để chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối, người ta phải nhận ra rằng không có ngã. Và để chứng ngộ sự vô ngã đó, họ phải phát khởi tâm vị tha.
Kế đó, thẻ quy y nói rằng: Con quy y các thiện tri thức, tâm yếu của những vị đồng hành. Trong bối cảnh của giới quy y, vị đồng hành là thiện tri thức tâm linh hay đạo sư tâm linh. Thực sự, nếu con xem bất cứ vị thầy nào trong một hệ thống thế tục hay tâm linh là thiện tri thức của con, con có thể đạt được hạnh phúc trong hệ thống đó. Thầy tin rằng điều quan trọng là bày tỏ niềm tin và sự kính trọng với tất cả những vị thầy. Do đó, tinh túy của những vị đồng hành là thiện tri thức. Ý định của khẩu giác ngộ của chư vị đều giống nhau.
Về phẩm tính của ý giác ngộ, Tổ Jigten Sumgon nói trong Gongchig rằng: “Tâm yếu của ba giới luật là một trong hành động”. Rốt ráo, ba cấp độ giới luật – Biệt Giải Thoát, Bồ Tát và Kim Cương thừa – là một. “Một” bởi khi tình yêu thương vô lượng khởi lên và người ta chứng ngộ tri kiến của Đại Thủ Ấn, họ tự nhiên sẽ từ bỏ việc làm hại chúng sinh khác và theo cách này, họ tự nhiên hoàn thành lợi lạc của chúng sinh khác. Vì thế, tấm thẻ nói rằng:
Khi tổn hại với chúng sinh khác và nguyên nhân của nó bị từ bỏ, các giới luật của Biệt Giải Thoát được trọn vẹn. Khi sự giúp đỡ dành cho chúng sinh khác và nguyên nhân của nó được hoàn thành, các giới luật của chư Bồ Tát được trọn vẹn. Khi người ta khéo léo trong nhận thức thanh tịnh về vũ trụ và mọi chúng sinh, các giới luật của Mật thừa được trọn vẹn.
Ví dụ, nếu tâm vị tha của Bồ đề tâm khởi lên bên trong, thì như Đức Milarepa từng nói, “Mười thiện hạnh sẽ trở thành sự hiển bày tự nhiên của hành động”. Theo cách này, làm hại chúng sinh khác sẽ tự nhiên chấm dứt. Khi họ từ bỏ việc làm hại chúng sinh khác, giúp đỡ chúng sinh khác và các nguyên nhân của nó sẽ được hoàn thành. Khi họ giữ gìn Bồ Tát giới, lợi lạc của chúng sinh khác sẽ tự nhiên được hoàn thành. Tinh túy của Bồ Tát giới là sáu ba la mật.
Khi người ta khéo léo trong nhận thức thanh tịnh về vũ trụ và mọi chúng sinh, các giới luật của Mật thừa được trọn vẹn. Đức Drikung Dharmaraja nói rằng, “Vũ trụ của những sự xuất hiện và tồn tại cần được hiểu là hình tướng của Bổn tôn. Đó là sự hoàn thiện của giai đoạn phát triển trong Mật thừa”.
Khi những che chướng tạm thời của hữu tình chúng sinh được tiêu trừ, chẳng còn tìm được hữu tình chúng sinh thực sự. Vũ trụ và mọi chúng sinh vốn thanh tịnh ở nền tảng; họ chỉ bị che lấp bởi những ô nhiễm tạm thời. “Thanh tịnh” nghĩa là gì? Các nhận thức nhị nguyên, chẳng hạn những nhãn được tạo ra về “luân hồi và Niết Bàn” và v.v. đều khởi lên bởi vô minh và vì thế là “bất tịnh”. Người ta phát triển một tri kiến thanh tịnh về vũ trụ và tất cả chúng sinh khi tất cả bám chấp nhị nguyên như vậy được tịnh hóa.
Thức nhìn nhận mọi thứ theo cách thức nhị nguyên và chừng nào còn bám chấp nhị nguyên thì vẫn còn luân hồi. Khi người ta thấy bản chất của thức, họ trở nên thoát khỏi bám chấp nhị nguyên và khi bám chấp nhị nguyên được tịnh hóa, mọi thứ sẽ xuất hiện tự nhiên thanh tịnh. Một cõi của sự thanh tịnh vô biên mở ra khi họ thấy vũ trụ và mọi chúng sinh là thanh tịnh. Tâm Kinh nói về “nhìn thẳng vào trải nghiệm của sự hoàn thiện trí tuệ sâu xa”. Tri kiến thanh tịnh khởi lên từ sự nhận ra như vậy về bản tính chân thật của thức. Do đó, trong khi thức mê lầm nhìn nhận một sự nhị nguyên, khi chẳng còn nhận thức nhị nguyên nữa, nó được gọi là trí tuệ nguyên sơ. Marpa Lotsawa nói rằng: “Khi con chứng ngộ nó, nó là giác tính tự thấu biết”.
Sau đấy, thẻ quy y nói rằng: Không phạm điều ác. Thực hành thiện hạnh. Điều phục tâm mình. Đó là giáo lý của Phật. Khi Bồ đề tâm quý báu khởi lên trong tâm con, mười bất thiện hạnh sẽ tự nhiên được tịnh hóa và con sẽ tự nhiên thực hành mười thiện hạnh. “Điều phục tâm” nghĩa là gì? Thứ chúng ta phải điều phục là chấp ngã. Khi chẳng còn chấp ngã, bản thân và chúng sinh khác trở nên không thể tách rời. Ví dụ, điểm khác biệt duy nhất giữa con và chúng sinh khác thì giống như điểm khác biệt giữa đá và nước. Bản chất của đá là nước; nó chỉ tạm thời trong trạng thái đóng băng, điều giống như ô nhiễm tạm thời của việc tin tưởng vào sự tồn tại của ngã. Vì thế, điều phục tâm nghĩa là điều phục chấp ngã. Tám vạn bốn nghìn Pháp môn đều được giảng dạy như là các phương pháp để tịnh hóa chấp ngã.
Cũng có hình của Phật Thích Ca Mâu Ni trên thẻ quy y. Đó là hình bức tượng Phật chính yếu ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi mà Đức Phật đạt giác ngộ. Bức tượng này tọa lạc ở chính nơi mà Đức Phật đạt giác ngộ và bức tượng này được tin là giống hệt với Ngài. Bởi thật quý báu khi thoáng nhìn thấy hình tướng của Đức Phật trong vũ trụ bao la này, thầy đã thêm hình này vào thẻ quy y.
Trên thẻ quy y cũng có hình Độ Mẫu Tara, Mẹ Vĩ Đại, Sự Hoàn Thiện Trí Tuệ. Do đó, Tam Bảo đều được đại diện trên thẻ quy y này. Đức Phật được đại diện bởi hình Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo Pháp bởi hình Pháp Thân Vĩ Đại Mẹ Tara và bởi thầy là vị đang truyền giới quy y cho các con, cũng có hình của thầy để đại diện cho Tăng. Thân, khẩu và ý giác ngộ của tất cả chư Phật ba thời đều trọn vẹn trong đạo sư tâm linh.
Ina Bieler chuyển dịch Tạng-Anh; Dan Clarke hiệu đính năm 2019.
Nguồn Anh ngữ: Explaining the Refuge Card (http://garchen.tw/English/Texts).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.