Ngài Jampa Jungne sinh ra trong gia đình Zhol Danak của Tu viện Kham Riwoche. Trong hai truyền thừa chư đạo sư chính yếu của Học viện, những vị được biết đến là “cặp Je và Phak[2]”, Ngài là một vị trong chư Tulku gọi là Jedrung. Khi Ngài nghiên cứu với Khenchen Lhagyal (một học trò của Đức Khyentse Wangpo[3]) và nhiều đạo sư uyên bác và thành tựu khác, các thiên hướng của Ngài từ nhiều đời trước được đánh thức và bản thân Ngài đạt đến mức độ uyên bác tuyệt hảo.
Về đạo sư phi phàm của gia đình Phật, Ngài nương tựa đại thành tựu giả thực sự tuyệt vời, Đức Jo Rigdzin, vị thành tựu trong cách tiếp cận Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn và đạt được cấp độ được biết đến là “vượt khỏi thiền”, thành trì nguyên sơ của Pháp thân. Ví dụ, Ngài đã thọ các khẩu truyền cho phiên bản mở rộng, trung bình và cô đọng của Kinh Bát Nhã Ba La Mật trong một linh kiến, thứ kéo dài chỉ một thời thiền[4].
Ngài Jampa Jungne cũng nghiên cứu với Đức Karmapa Khakhyab Dorje, Đức Jamgon Kongtrul[5] và nhiều vị thầy khác, trở thành một đạo sư vĩ đại của các giáo lý từ truyền thừa thành tựu tâm linh. Đặc biệt, Ngài thọ nhận từ Đức Jamyang Khyentse Wangpo trao truyền vĩ đại về các giáo lý Đại Viên Mãn Nyingtik, cũng như Mật điển, nghi quỹ, quán đỉnh, khẩu truyền, chỉ dẫn cốt tủy và lời khuyên từ trường phái Nyingma và Sarma. Tâm và ý định của thầy và trò hòa quyện bất khả phân và Đức Jamyang Khyentse Wangpo giao phó các giáo lý để Ngài Jampa Jungne trở thành tâm tử bên trong.
Trong phần trước của cuộc đời, Ngài Jampa Jungne chuyển Pháp luân cho vô số người may mắn tại Tu viện Kham Riwoche của chính Ngài cũng như tại các trung tâm như Riwoche trong vùng Nangchen và Chamdo. Như thế, Ngài phụng sự là trụ cột của giáo lý từ truyền thừa thành tựu tâm linh. Trong phần sau của cuộc đời, Ngài chuyển đến Pemako, một vùng ẩn mật linh thiêng của Guru Rinpoche và khai mở vùng đất như một địa điểm của sức mạnh tâm linh. Sau đấy, Ngài nhận được lệnh từ Đức Dalai Lama Thubten Gyatso phải di chuyển đến miền Trung Tây Tạng. Do vậy, Ngài thiết lập trụ xứ của Ngài ở phía Bắc của Lhasa tại Tu viện Taklung. Ở đó, Ngài phụng sự là đạo sư của giáo lý, trao truyền Kinh và Mật – Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh, Kangyur quý báu và v.v. – cho các cộng đồng hàng trăm người ở Lhasa và khắp miền Tây, Trung và Đông Tây Tạng. (Ngài Jampa Jungne là một trong ba đạo sư căn bản mà từ chư vị, Kyabje Dudjom Rinpoche[6] thọ nhận truyền thừa phi phàm về giáo lý Dzogchen.)
Nhìn chung, Đức Jampa Jungne đã có những linh kiến về và thọ nhận dẫn dắt từ hàng ngũ bao la của chư đạo sư và Bổn tôn thiền định cá nhân. Đặc biệt, các linh kiến của Ngài về Guru Padma [Đạo Sư Liên Hoa] đánh thức khuynh hướng tâm linh từ đời trước là Langdro Konchok Jungne và Ngài thọ một trao truyền cá nhân về các Terma sâu xa. Nhiều Terma của Ngài, chẳng hạn [Terma] với Yeshe Tsogyal là khía cạnh nữ và nghi quỹ trường thọ Giọt Tâm Bí Mật Của Đức Liên Hoa, vẫn còn tồn tại. Ngài Jampa Jungne phát lộ nhiều hộp Terma – chẳng hạn Đạo Sư Phổ Ba – Phạm Vi Của Tâm Giác Ngộ – cùng với Kangyur Lama[7], vị đã được Guru Rinpoche tiên đoán là vị trông giữ những giáo lý của Ngài. Các Terma này và mười ba quyển trước tác tuyển tập của Ngài Jampa Jungne xuất hiện như mặt trời lớn, chiếu tỏa giáo lý của cả trường phái Kagyu và Nyingma.
Nguồn Anh ngữ: Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje, A Marvelous Garland of Rare Gems – Biographies of Masters of Awareness in the Dzogchen Lineage [tạm dịch: Tràng Ngọc Báu Hiếm Có Tuyệt Diệu – Tiểu Sử Chư Đạo Sư Giác Tính Trong Truyền Thừa Dzogchen], Padma Publishing.
Richard Barron (Lama Chokyi Nyima) chuyển dịch Tạng-Anh.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.
[2] Các tên gọi Tây Tạng thường được gọi tắt thành những tên quen thuộc với sự kính mến. Ở đây, Je và Phak là dạng tắt của Jedrung và Phakchok.
[3] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a34299/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[4] Sự trao truyền như vậy thường liên quan đến việc đọc hơn mười bảy quyển kinh lớn.
[5] Về Đức Jamgon Kongtrul, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35061/tieu-su-van-tat-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso-lodro-thaye-1813-1899-1900-.
[6] Về Kyabje Dudjom Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35008/tieu-su-van-tat-dudjom-rinpoche-jigdral-yeshe-dorje-1904-1987-.
[7] Tức Kangyur Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a34905/tieu-su-van-tat-kangyur-rinpoche-longchen-yeshe-dorje.