Thư Viện Hoa Sen

Khúc Đại Hùng Trường Ca Vesak

24/05/20152:15 CH(Xem: 12049)
Khúc Đại Hùng Trường Ca Vesak
blank
KHÚC ĐẠI HÙNG TRƯỜNG CA VESAK
( Kính mừng Đại Lễ Vesak 2015-PL 2556)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

blank
Những đêm Washington DC, Virginia
Và Houston-Texas
Trăng, mây trời che bàng bạc
Nhưng đón Vesak về 
Tôi nghe sáng ấm cả không gian
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm
Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ
NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng
Phúc lành vô khả tỷ
Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
Đại lễ Vesak hôm nay
Thông điệp viết giữa nhân gian
Về tự do tâm linh
Đã gần ba ngàn năm mà chưa hề ráo mực!

Tuy nhiên,
NGƯỜI hiện giữa chúng ta
Đúng tháng Vesakha tròn trăng
Như người phàm mắt thịt
Từ thai bào mười tháng mẹ sinh ra
Bảy bước của hài nhi trên biểu tượng liên hoa
Do công hạnh sâu dày
Do vẹn toàn ba-la-mật
Bú sữa mẹ mà nên hình nên vóc
Do trái tim của di mẫu yêu thương
Rồi lớn lên như bao người, học tập, mài gương...
Trai tuấn mỹ đã nên trang kiệt hiệt
Dòng dõi Sakya 
Hy vọng sẽ kế thừa vương quốc
Nhưng NGƯỜI đã quá sớm ưu tư...
Thao thức, trở trăn...
Ôi! Những câu hỏi mịt mù...
Sinh tử nghìn trùng
Thân phận chúng sanh
Là bài toán khổ đau không nghiệm số...

Mười sáu tuổi
Vua cha cho kén tìm mỹ nữ
Lấy sợi tóc giai nhân 
Buộc đôi cánh chim hồng
Và thế rồi lầu ngọc, điện vàng
Ba toà báu Cung Vui
Bày cảnh thiên đường dục lạc
Yến tiệc, vũ khúc, đàn ca du dương, dìu dặt
Quyến rũ mê hồn hương sắc, hương tình
Võng lọng, kiệu xe 
Sơn hào, hải vị linh đình
Chư tiên nữ tuổi son kề bên nâng khăn, sửa túi...

Nhưng rồi
Đêm từng đêm 
Bên người vợ hiền yêu dấu
Chàng trai vương giả kia
Nghe hư vô cất tiếng gió thở dài
Đối diện với hố thẳm lòng mình
Chẳng dám tỏ cùng ai
Tăm tối, u minh, kiếp người khổ nạn
Lục dục, thất tình bủa vây chán ngán
Bị tử sinh thúc buộc
Bị già lão vướng vây
Trăm mối phiền ưu nung đốt đêm ngày
Đâu an lạc
Đâu hạnh phúc
Những câu hỏi rơi vào thinh không vắng lặng...

Hai chín tuổi, cung vàng quyết tránh
Bỏ thê nhi, châu báu, ngai vàng
Làm đạo sĩ xin ăn
Ôm bát lang thang
Tìm Đạo Lớn thì nề chi chướng ngại
Mưa nắng, tuyết sương, phong trần... đi mãi
Ý chí kiêu hùng bước qua những thử thách gian lao
Hai vị thầy đầu tiên
Đạt hai tầng định tối cao
Nhưng NGƯỜI thấy
Vẫn chưa phải là đáp số tận cùng, rốt ráo
Vẫn chưa phải đã tận trừ tham sân, phiền não
Trong vô thức vẫn còn tăm tối mịt mùng...

Và thế rồi,
NGƯỜi lễ độ quay lưng
Rừng KHỔ HẠNH, Uruvela
Cùng năm thầy Kiều-trần-như đạo sĩ
Nếm mật, nằm gai, nhịn ăn, bế thở
Muốn chế ngự thân để dục vọng tiêu mòn
Khổ hạnh sáu năm
Sờ bụng thì đụng lưng
Thế xác khô kiệt
Thì tinh thần suy vi, mệt mỏi
Dây đàn quá căng thì dây sẽ đứt
Dây quá chùng, chẳng rõ được âm giai
TRUNG ĐẠO từ đây
lựa chọn của NGƯỜI
Bỏ khổ hạnh
Lợi dưỡng cũng khước từ
Đỡ dạ qua lòng
Mỗi ngày ăn mỗi bữa...

Dưới cội cây Ambattha bên sông Ni-liên
Cũng tháng Vesakha
NGƯỜI lặng im suy nghĩ
Nhớ thuở theo vua cha dự lễ Hạ Điền 
Khi thấy những nhát cày quằn quại thân giun
Rồi bầy chim trời 
Cùng nhau tranh giành cắn mổ
Không chịu đựng nổi
NGƯỜI xót đau quay mặt
Ôi! Lẽ sinh tồn kinh khiếp dường bao!
Bèn nhiếp tâm nghe hơi thở ra vào
Dòng cảm xúc một hồi chợt trở nên yên lặng
Đã trở lại
Tâm thức trẻ thơ hồn nhiên trong sáng
NGƯỜI dễ dàng vào định Sơ Thiền
Trở lại cận hành
Hướng quá khứ xa xăm, đắc Túc Mạng Minh
Vào canh một khi trăng đầu cây lấp ló
Thấy tử sinh kiếp này, kiếp kia, rõ ràng, sáng tỏ
Làm thú, trời, người
Họ tên, gia tộc, nhân thân
Như những mặt nạ hoá trang thay đổi, chuyển vần
Vẫn tới lui, nổi trôi dòng nghiệp!

Thế rồi,
Thiên Nhãn Minh,
Cuối canh hai, NGƯỜI vừa chứng đắc 
Lúc trăng vừa chênh xế phương Tây
Thấy rõ nghiệp báo trả vay
Đời này, đời kế
Giàu nghèo, trí ngu, khổ vui cũng không biệt lệ
Nhân ra sao thì quả vậy rồi
Xấu ác, tốt lành 
Chúng sanh tự tạo mà thôi
Chẳng có thượng đế, thần linh nào can dự...
Rồi nội quán thâm sâu
NGƯỜI đoạn trừ tuỳ miên kiết sử
Phiền não tâm, phiền não trí thoát ly
Vô lượng gốc rễ tử sinh
Tuệ giác bứng lìa
NGƯỜI thấy rõ giải thoát
Giữa bầu trời Tánh Không vô tận
Cái Ta và cái của Ta
Chợt rỗng không, phù phiếm
Mối tương hệ nhân duyên chằng chịt trong ngoài
Duyên hệ duyênsinh tử vần xoay
Lực tạo khởi là Vô minh, Ái dục
Cắt lìa một khoen là luân hồi chấm dứt
Giữa vô tận thiêng linh
Chợt vang vọng trầm hùng 
Khúc giải thoát khải hoàn ca!
Đấy là vào cuối canh ba
Lúc trăng lặn và sao mai vừa mọc
Đắc Lậu Tận Minh, toạ ngôi CHÁNH GIÁC 
Trời thần báo tin
Rúng động cả tam thiên
Chư thiên, Đế Thích, Phạm vương
Nhã nhạc, hoa trời tung bay hoan hỷ
Đồng quy ngưỡng, 
Đón chào bình minh chân lý
Toả hào quang rạng ngời ba cõi, sáu miền...

Thế rồi,
Dưới cội Bồ Đề
49 ngày đêm
Đức Đại Giác an trú tuệ, tâm giải thoát
Vừa quán pháp mới vừa chứng đắc 
Năm uẩn vô thường, vô ngã chảy trôi
Và chúng khởi duyên tạo tác luân hồi
Tưởng lầm NGÃ rồi lầm luôn NGÃ SỞ
Từ CÁI TA là cội nguồn đau khổ
Rồi những phiền não tế vi ẩn giấu ra sao
Tuệ quán minh nhiên thấy rõ thế nào
Ngài chiêm nghiệm cả bề sâu, bề rộng
Toàn bộ giáo pháp quang minh sống động
Đều tuần tự hiển bày như thực như chơn...

Tuy nhiên
Đức Phật lại do dự Chuyển Luân
Sự Thật vừa chứng đắc vô cùng vi tế
Mắt chúng sanh lấm bụi làm sao có thể
Thấy được pháp mầu vô nhiễm, sạch trong?
Chúng đã quen mê đắm giữa dòng
Việc cứu độ, có phải chăng là dã tràng xe cát?
Đức Phạm thiên Sa-ham-pa-tí
Chợt hiện một bên cung kỉnh chấp tay:
" Chúng sanh bụi phủ lâu ngày,
Không chùi rửa sẽ dày sâu thêm nữa
Cầu Đại Giác lên đường Chuyển Pháp
Mắt kẻ hữu duyên 
Ít buị cũng nhiều
Nếu chúng thấy được diệu pháp cao siêu
Thì có thể vào dòng Bất Tử!"

Thế rồi,
Đức Đại Giác lặng im hứa khả
Ôm bát lên đường 
Nhắm hướng Vườn Nai
Và tại đây
Kinh Chuyển Pháp Luân
Được thuyết giảng 
Cho nhóm Kiều-trần-như đạo sĩ 5 ngài
Tứ Diệu Đế là nội dung
tuyên ngôn Bất Tử
4 Sự Thật hiển bày Diệu Lý
Cho chúng sanh thoát khổ ách trầm luân...

Rồi cứ thế,
45 năm Chuyển Luân quanh lưu vực sông Hằng
Muôn triệu Trời, Người đi vào dòng
Tự do tâm linh giải thoát
80 tuổi
Khi cái cỗ xe đã hao mòn, suy kiệt
Tại Kusinara Phật chọn Niết-bàn
Cả rừng cây Sala hoa nở ngạt ngào hương
Như đưa tiễn
Vào thiên thu một hiện thân siêu việt
Cũng đúng độ trăng tròn Vesakha Ấn Độ
Và Xá-lợi di lưu vạn thuở còn đây...

Vậy thì kỷ niệm 
Đản Sanh, Thành Đạo, Niết-bàn hôm nay
Ba Đại Lễ 
Đồng cử hành khắp năm châu bốn bể
Thông điệp của Ngài,
Từ ngàn xưa
Mà như vẫn còn hiện tiền, mới mẻ
Vì sự khổ đau muôn thuở của con người
Vào lúc mà bạo tàn, độc áckhủng bố lên ngôi
Gốc sanh khởi vẫn là Vô minh, Ái dục
Trong bóng tối si mê
Giác tuệ là ánh huy quang sáng rực
Soi vào lòng người ngã mạn, cuồng điên
Rồi còn suối từ bi lấp lánh tình thiền
Chảy vào những ngõ ngách thâm u
Đói nghèo và bất hạnh...

Ôi!
Trăng tròn Vesak
Mưa gió lòng ai
Bầu trời ráo tạnh
Cho ước mơ thanh cao
Nẩy hoa trái phúc lành
Này mẹ cha
Này quyến thuộc
Này bạn hữu
Này em anh...
Muôn triệu thuở, một lần
Học tuyên ngôn bên kia bờ sinh tử
Để sống thanh cao, an bình
Bằng trái tim rộng mở
Hương Bồ-đề
Vẫn dịu dàng, thơm thoảng cõi u mê
Hãy tỉnh thức
Này nhân loại kia ơi!
Đang say ngủ bốn bề
Hư vô réo gọi
Và mây trời lang thang ngàn năm
Mừng vui rỏ lệ
Và vùng tinh đẩu ngân hà
Cùng nhau kể lể
Và quả đúng là chân thật bất hư...!
Hiện tiền bây giờ
Đương xứ nhiên như!

Houston-Texas, 23/5/2015
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Tạo bài viết
10/05/2018(Xem: 12538)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: