Truyện ngắn đại ca hạnh phúc

12/09/20185:18 CH(Xem: 2649)
Truyện ngắn đại ca hạnh phúc

 TRUYỆN NGẮN
ĐẠI CA HẠNH PHÚC
Tâm Không Vĩnh Hữu

           Tàu đã vào ga. Và rồi tàu lại sắp sửa lăn bánh. Người qua kẻ lại vội vàng lăng xăng. Tiếng gọi nhau í ới hoà âm cùng những tiếng rao lanh lảnh, tiếng nhạc, tiếng còi xe ngang lại trên đường chạy qua trước nhà ga tạo thành một bản nhạc không tên nghe muốn đinh tai nhức óc. Không khí nhà ga thật đúng là nhộn nhịp xô bồ.

           Công viên đối diện với nhà ga thì đang vắng vẻ, không ai ghé chân vào làm gì trong lúc này. Người ta chỉ tụ tập trong công viên khi tàu còn ở một nơi nào đó xa lắc chưa về, và đã lật đật lưởi đưởi rời khỏi những băng ghế đá khi vừa nghe tiếng còi tàu hú vọng từ hướng cửa ngõ vào thành phố…

          Trên một băng ghế đá nằm dưới bóng mát của tàng cây dương liễu được cắt xén khéo léo trông như một mái nhà màu xanh thẫm, thằng Minh đang ngồi vắt chân chữ ngũ, rít từng hơi thuốc lá the the ém vào lồng ngực, lặng lẽ đưa mắt nhìn qua bên kia đường quan sát mọi động tịnh trước nhà ga náo nhiệt. Nó bỗng phì cười. Nó cười một nụ đầy tự mãn và tự hào. Không tự hào sao được khi nó đã và đang là “đại ca”của một nhóm chuyên móc túi, chôm chỉa đến bốn đứa đều đang ở độ tuổi mười hai, mười ba.

          Nó là “ông trùm”của băng “Ngũ Quỷ” hoạt động không mệt mỏi trên khu vực nhà ga trong suốt một năm qua. Thằng Minh nghĩ mình xứng đáng làm đại ca lắm chứ. Nó có võ này, võ Thái Cực Đạo ngon lành học luyện từ hồi còn học lớp 4 ở Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi cho đến năm học lớp 7 mới thôi, đã từng thi đấu nhiều trận qua mấy cuộc tuyển chọn năng khiếu, tuy không đạt đến tuyệt học, nhưng cũng đủ sức một mình chấp bốn đứa đàn em mở một trận thư hùng cho biết đá biết vàng. Nó còn giỏi chữ, giỏi toán hơn cả bọn, vì học được đến lớp 8 mới nghỉ ngay sau khi cha mẹ nó ra toà ly hôn; trong khi bọn đàn em không có đứa nào học được cho hết cấp I. Về ngón nghề móc túi, chôm chỉa thì thằng Minh chỉ ở “trình độ tàm tạm”, nhưng bù lại nó có cái máu gan lì liều lĩnh khiến bốn đứa kia nhiều lần phải trố mắt nín thở rồi bái phục sát đất. Thêm biệt tài kể chuyện kinh dị, chuyện hình sự gay cấn, nó đã làm bốn đứa kia “tâm phục khẩu phục” cách đây nửa năm về trước, và được lên ngôi “ông trùm” thật oai phong bệ vệ.

           Khi đã lên làm đại ca của nhóm rồi, thằng Minh rất ít khi ra tay động thủ, mà chỉ ngồi một chỗ vạch kế hoạch, ban mệnh lệnh, cũng như toàn quyền xuất chi ngân quỹ, chia chác “chiến lợi phẩm” sau mỗi “phi vụ”thành công mỹ mãn. Nó ngồi ngẫm lại mà thấy mình sướng thật, đúng sướng, oai nữa chứ. Rõ ràng ràng là nó có số làm chỉ huy.

           Sự đời thay đổi quá mau chóng. Mới ngày nào nó còn là trưởng lớp gương mẫu của lớp 7A, rồi tiếp tục làm trưởng lớp của lớp 8B, được thầy cô cưng thương, bạn bè quý mến, vậy mà bây giờ nó ngồi nơi đây, nơi ghế đá công viên trước nhà ga với vị trí một “đại ca nhí xã hội đen” để chờ mấy đứa đàn em trở về báo công. Nghĩ vậy mà nó cười phì. Nhưng đâu ai biết được trong sâu thẳm tận đáy lòng của nó đang xôn xao một nỗi buồn tủi chua cay, đang âm ỉ day dứt một niềm luyến tiếc. Nó cười bề mặt mà khóc bên trong, tự mãn tự hào bề ngoài mà nhục nhã thẹn thùng trong lòng. Nào ai thấy biết được? Đâu phải nó muốn vậy.  Nó luôn luôn muốn được đi học, học miệt mài chăm chỉ cho đến nơi đến chốn để rồi trở thành một người thầy giáo đạo mạo hằng ngàyđứng trên bục giảng. Đó là ước mơ, là hoài bão mà nó đã từng ấp ủ suốt bao năm còn mài đủng quần trên ghế học đường. Nhưng hoàn cảnh gia đình đã dập tắt ước mơ đẹp tuyệt vời đó của nó một cách tàn nhẫn. Cha mẹ ly hôn. Cha theo vợ bé bỏ xứ đi bặt vô âm tín. Mẹ tái hôn với một người nát rượu hung hãn. Sau những trận đòn nhừ tử của dượng ghẻ, thằng Minh uất hận buồn đời bèn cuốn gói bỏ nhà ra đi vào một buổi tối trời mưa tầm tả, leo lên một chuyến tàu Bắc -Nam rời khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bỏ lại đằng sau bao kỷ niệm vui buồn, cùng với người mẹ tiều tuỵ luôn đầm đìa nước mắt vì thương nhớ đứa con trai một thời được cưng thương âu yếm…

“Anh Minh!”

Tiếng gọi làm thằng Minh giật thót mình. Nó quay về về hiện tại. Có thằng Tùng “trọc” đang đứng kề bên, nhe hàm răng vàng khè cười toe toét. “Đại ca” lườm mắt, hỏi:

“Được gì không?”

Tùng “trọc” ghé mông ngồi xuống băng ghế đá, giọng đầy phấn khích:

“Dĩ nhiên là được. Em chuyền cho con Thu “ròm” cất giấu trong bụng rồi.”

“Nó đâu? Thằng Tuấn, thằng Sạch đâu rồi?”

“Tụi nó tản đi ba hướng, và… đã trở ra rồi kìa.”

Thằng Minh đưa mắt nhìn qua nhà ga bên kia công viên, thấy thằng Tuấn “móm”, thằng Sạch “trơn” cùng con bé Thu “ròm” từ ba hướng khác nhau đồng lúc băng qua đường dập dìu xe cộ. Nhóm “Ngũ Quỷ” đã quây quần bên nhau mà không bị ai để ý. Con bé Thu “ròm” lôi trong bụng ra một chiếc ví da dầy cộp, trao qua cho “đại ca”. Thằng Minh nhận lấy với vẻ mặt lạnh lùng, không biểu lộ một chút háo hức vui mừng. Thằng Tùng “trọc” cười hề hề trong cao hứng, nói:

“Của một thằng cha cận thị, ăn mặc rất “bảnh” đó, anh Minh à!”

Thằng Tuấn “móm” phụ hoạ:

     “Thằng chả cứ như người vô hồn, mặt cứ trầm ngâm nghĩ ngợi không một chút cảnh giác. Tụi em “thộp” rồi chuyền cái ví này dễ như lấy đồ trong túi mình ra vậy.”

Cả bọn cười khúc khích, trừ thằng Minh. “Đại ca” không cười, nói:

“Lấy dễ, nhưng quan trọng là lấy cái gì? Trong này có được gì?”

Vừa hỏi xong, nó tự trả lời bằng cách mở banh chiếc ví ra. Một xấp giấy bạc loại 200 nghìn đồng polymer, và vài tờ 100 nghìn đồng khác. Lôi nguyên cả xấp tiền ra ngoài, thằng Minh đếm thật nhanh trước những ánh mắt sáng rỡ của tụi đàn em. Tổng cộng ba triệu hai trăm nghìn đồng. Trúng mánh rồi. Năm đứa ngó nhau cười thoả nguyện. Thằng Minh nhét hết xấp tiền vào túi quần sau, lục tiếp các ngăn khác của chiếc ví. Không có gì giá trị để lấy nữa, chỉ là mớ giấy tờ tuỳ thân. Bất chợt, thằng Minh kêu lên:

“Chết mẹ!”

“Gì vậy anh Minh?” Cả bốn đứa kia hốt hoảng đồng thanh hỏi.

thằng Minh đang rung lên từng hồi thấy rõ. Nó đang cầm giấy Chứng minh thư của chủ nhân chiếc ví. Đôi mắt nó trợn trừng lên tưởng như muốn rớt tròng ra bên ngoài. Miệng nó bỗng nhiên khô khốc như đã nhịn uống nước ba ngày trời rồi vậy. Thằng Tuấn “móm” cúi sát đầu xuống, mắt nhìn vào giấy Chứng minh thư đang nằm trên tay “đại ca” để xem cho rõ, thấy chân dung của một người lạ hoắc, bèn hỏi:

“Ai vậy, anh?”

“Đại ca”như kẻ mất hồn, buông thỏng một câu nghe như thều thàohết hơi:

“Thầy tao…”

Bốn đứa kia trố mắt ngó nhau. Thằng Minh lặp lại:

“Thầy tao… thầy tao… đây đúng là ông thầy của tao…”

“Phải vậy không?” Con bé Thu “ròm” hỏi một câu thậm vô duyên.

     “Chớ tao phịa làm gì?” Đôi mắt “đại ca” long lên thật hung dữ “Đây là thầy Duy, Hoàng Đức Duy, hồi đó là giáo viên chủ nhiệm lớp 8A mà tao làm trưởng lớp!”

Bốn đứa đàn em trơ mắt ra nhìn, không hiểu “đại ca”đang nghĩ gì và muốn gì. Giọng thằng Minh trầm xuống nặng nề:

“Hồi đó ổng cưng tao lắm… cưng lắm lận…”

Im phăng phắc cả đám. Chợt nghe thằng Tùng “trọc” reo lên thảng thốt:

“Ổng kia kìa.”

Cả năm đứa cùng đổ dồn mắt về phía trước nhà ga. Theo tay chỉ của thằng Tùng “trọc”, thằng Minh nhìn thấy một người đàn ông trung niên ăn mặc tươm tất, tay xách chiếc cặp da đen bóng, đang hớt hơ hớt hãi bước loanh quanh trước nhà ga, mắt dáo dác nhìn đông nhìn tây như đang tìm kiếm gì đó. Không sai trật vào đâu nữa rồi. Chính là thầy Duy. Chắc chắn là thầy đang hốt hoảng âu lo tìm kiếm chiếc ví đã mất một cách vô vọng. Thầy đâu hề biết được, trong lúc này có một đứa học trò cũ đang ngồi khuất bên trong công viên theo dõi thầy với chiếc ví của thầy trong tay.

Thằng Minh đứng vụt dậy. Dường như nó đã phải vận dụng hết sức lực để nhấc thân mình rời khỏi băng ghế đá. Nó lôi xấp tiền nhét lại vào trong chiếc ví, gập ví lại, lận bên trong bụng áo. Rồi không nói không rằng với bọn đàn em, nó bước sãi dài từng bước chân đầy quyết tâm băng nhanh qua đường tiến về phía nhà ga. Chỉ trong ba cái chớp mắt, thằng Minh đã đứng trước mặt người đàn ông trung niên đang tái xanh mặt mày. Nó vòng tay, cúi đầu thấp, khó lắm mới nói nên lời:

“Thầy… em chào thầy…”

Người đàn ông trung niên kinh ngạc, nhìn nó chăm chăm rồi reo lên:

“Minh? Có phải là em Minh đó không?”

Thằng Minh ngước mặt nhìn thầy Duy, đúng là thầy Duy chứ không lầm lẫn với ai khác, bằng đôi mắt cay xè. Nó bỗng thấy mình bé xíu như một hạt cát trước một ngọn núi hùng vĩ., chứ không còn là một người khổng lồ oai phong trước bốn đứa đàn em bé nhỏ kia nữa. Giọng nó lắp bắp:

“Dạ… đúng là em đây…”

Thầy Duy đặt chiếc cặp xuống đất, lay hai vai thằng Minh:

           “Té ra em bỏ nhà lưu lạc vào trong này à? Em đang ở đâu? Có còn đi học không?”

           Những câu hỏi dồn dập đầy lo lắng chân tình của người thầy cũ đã làm cho hai tai thằng Minh nghe kêu “ù ù o o”. Nó nghẹn ngào không nói được. Thầy Duy nhìn thấy đôi mắt của nó đang ướt đẫm, liền ôm nó vào lòng, dùng bàn tay gân guốc vỗ về vào tấm lưng đã hứng chịu phong trần của nó. Giọng thầy thật trầm ấm rót vào tai nó:

          “Thầy tìm đến nhà em ngay sau khi em bỏ học. Thầy đến nhiều lần, và rất hiểu hoàn cảnh gia đình em. Lần sau cùng thầy ghé lại nhà thăm hỏi tin tức của em, được biết mẹ và dượng em đã chia tay nhau mỗi người sống một phương rồi. Thầy nghe mẹ than thở, biết được rằng dượng em đã cuỗm đi một số gia sản rồi biến đi đâu không ai rõ, nghe hàng xóm nói đó là một người không tốt, là một kẻ lừa đảo, một kẻ lợi dụng… Em nên trở về với mẹ đi. Mẹ em đang cô độc lắm. Mẹ luôn trông nhớ đến em. Nếu có em một bên trong lúc tinh thần sa sút hoảng loạn này thì… mẹ em sung sướng, hạnh phúc xiết bao!”

            Thằng Minh bật khóc. Nó ngước mặt nhìn thầy, hỏi với hi vọng vừa loé sáng:

“Thật vậy sao thầy?”

“Thật vậy. Em hãy mau trở về. Nếu về cùng thầy thì hay biết mấy!”

             Đứa học trò cúi gục mặt, ngậm câm như hến, lại nghe thầy giáo hỏi:

“Em đang ở đâu? Làm gì?”

“Em ở đầu đường xó chợ … và…”

      “Không ai nuôi em à? Em lấy gì mà sống?”

“Thưa thầy… em… em xin lỗi thầy…”

“Lỗi gì?”

“Em… em… sống bằng nghề móc túi, chôm chỉa ạ...”

“Sao?” Thầy Duy trố mắt lên “ Không thể tin được!”

“Nhưng… đó là sự thật. Em hư hỏng quá rồi, thầy ơi!”

Nước mắt thằng Minh tuôn rơi hai hang, làm xót xa lòng người thầy giáo. Thầy Duy nói:

“Hư thì tu sửa. Nhưng thầy không tin những lời em vừa nói đâu.”

“Thầy không tin sao? Sao thầy không tin?”

“Vì …vì thầy không thể tin, và không dám tin!”

Thằng Minh liền lôi từ túi quần sau ra chiếc ví da, cầm bằng hai tay kính cẩn trao qua cho người thầy cũ. Thầy Duy há hốc mồm, nhướng mắt nhìn chiếc ví thật lâu. Thầy chỉ nhìn thôi, chứ không hề đưa tay sờ chạm vào chiếc ví của chính mình. Ngay trong khoảnh khắc mà hai thầy trò cùng nín lặng, người thì trong nỗi bàng hoàng, kẻ thì trong cơn dằn vặt đau xé, thì bốn đứa đàn em của “đại ca” Minh đã từ từ bước lại đứng vây xung quanh đưa mắt nhìn không dám chớp mắt. Rồi chợt nghe thầy Duy thở dài thõng thượt. Thầy cầm lấy chiếc ví, không mở ra xem mà nhét ngay vào túi áo trước ngực. Thầy đảo đôi mắt buồn tênh nhìn qua những gương mặt non dại đứng gần quanh mình với lòng quặn thắt như đang bị bàn tay ai đó nắm từng đoạn ruột mà xé, mà day… Giọng thầy buông ra thật nhẹ nhàng:

         “Các em có biết không? Khi nãy, khi mới vừa phát hiện mình bị móc túi mất chiếc ví đựng cả một số tiền mà thầy vừa được người chị ruột ở trong này giúp đỡ để mang về lo thuốc men cho con của thầy, thầy hoảng lắm, đau đớn lắm, mất hết cả bình tĩnh nên cứ chạy loanh quanh sân ga… Nhưng bây giờ thầy đã có lại được chiếc ví, chắc rằng số tiền bên trong ví cũng còn nguyên vẹn, đáng lẽ thầy mừng nhảy cẫng lên, hét lên một tiếng thật to để biểu lộ niềm vui sướng… Vậy mà thầy lại thấy đau đớn xót xa hơn, buồn hơn gấp trăm lần khi bị mất chiếc ví…”

Thằng Minh gục đầu, lắng nghe từng lời thầy rót vào tai, chảy vào tim đang đập rộn ràng sau ngực áo phong phanh. Bốn đứa kia im thin thít. Thầy nghẹn ngào:

“Thầy đau đớn trước một nỗi mất mát lớn hơn. Đó là nỗi đau mất đi một đứa học trò ngoan giỏi mà thầy đã từng đặt kỳ vọng vào nó. Đau lắm, các em ơi…”

Tiếng “ơi” của thầy như một đường kiếm ngọt sớt đâm xuyên qua trái tim nhỏ bé của thằng “đại ca”của nhóm “Ngũ Quỷ” vốn gan lì liều lĩnh. Thằng Minh quỳ sụp xuống trước người thầy cũ, rồi bật lên một tiếng khóc nghe thê lương thảm sầu… Thầy Duy vội đỡ đứa học trò cưng đứng dậy, giọng thật nghiêm mà cũng đầy âu yếm:

            “Em hãy dũng cảm đứng lên, và trở về!”

 Tiếng còi tàu hụ lên một hồi dài. Thằng Minh sướt mướt:

           “Thôi… thầy lên tàu đi. Tàu sắp chạy rồi. Coi chừng thầy bị trễ chuyến tàu…”

Vẫn thản nhiên, thầy Duy nói chắc rõ từng tiếng:

          “Thầy trễ tàu vẫn không sao, sẽ còn nhiều chuyến khác. Còn em, em hãy trở về cùng thầy, về với mẹ, với thầy cô, với bạn bè, với trường lớp, và với nẻo đường thân quen mà trước kia em đã từng ngày hai buổi đi qua. Trở về, không bao giờ là trễ cả!”

        … Trên chuyến tàu lăn bánh rời khỏi ga sáng sớm ngày hôm sau, có hai thầy trò ngồi bên cửa sổ nhoài người ra đưa tay vẫy chào từ giã thành phố hoa lệ và những người đứng trên sân ga ngậm ngùi tiễn biệt. Bốn đứa còn lại của nhóm “Ngũ Quỷ” đứng bên nhau buồn bã dõi mắt trông theo hình bóng một người bạn đã từng đồng cam cộng khổ với mình trong những tháng ngày bụi đời gió sương. Tàu đã mang hình bóng thân quen xa khuất dần sau một khúc ngoặt …

           Con bé Thu “ròm” làm ra bộ ta đây cứng cỏi, nói sau tiếng thở dài:

            “Cầu chúc cho đại ca được hạnh phúc!”

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.