Phút quay về

19/10/20186:54 SA(Xem: 3951)
Phút quay về

PHÚT QUAY VỀ

Kinh Kim Cang được kết thúc bằng bài kệ:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
Được dịch nghĩa:
“Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.”
Thiền sư Vạn Hạnh, một vị cao tăng từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, cũng chính là người thầy, đã ảnh hưởng rất nhiều, rất sâu đậm cho Lý Công Uẩn một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập, cũng lưu lại cho hậu thế một bài kệ sau:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Hòa thượng Thích Mật Thể dịch:

“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Trích dẫn hai bài kệ trên ra đây, tôi không hề có ý lạm bàn, hay bình luận phân tích gì gì hết về Quán Chiếu, mà chỉ để mở lối để vào một mảnh sân nho nhỏ đang đầy nắng sớm dìu dịu, đặng giới thiệu đến chư vị một ca khúc Phật giáo rất ít người biết đến:
blank“Phút quay về”
Năm 1983, lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc này, tôi không thể nào quên giây phút đó đến tận bây giờ, đó là một khoảnh khắc chớp nhoáng chấn động tâm can, sau đó là lặng người, râm ran niềm xúc động, cảm thấy mình bay bổng chơi vơi như chân không chạm đất. Tôi như vừa được nghe một bài kệ với lời lẽ dung dị, khẽ khàng, nghe tới đâu thấm tới đó, hiểu ngay tức thời, và tiếp nhận được âm hưởng thiêng liêng kỳ diệu của pháp Phật nhiệm mầu vào tâm thức vốn đang còn ngủ vùi trong vô minh u tối bao năm ròng…

Ca khúc “Phút quay về” được các em Phật tử tuổi thanh thiếu niên của Ban Hộ Niệm chùa Long Quang hòa ca ngân vang lên từ gian thờ Hậu Tổ phía sau chánh điện khi nghi thức tụng niệm hằng đêm vừa dứt. Tiếng ca của các em, những sinh linh mang tâm hồn thơ ngây thanh khiết, đã hòa nhịp cùng tiếng đệm của cây đàn guitar thùng mộc mạc, nghe sao mà tha thiết quá chừng quá đỗi:

“Nhạc hòa reo
Người người vui
Ôi… linh thiêng, trầm nghi ngút
Hương muôn phương theo gió về…
Lòng hân hoan
Quỳ nơi đây
Như hoa sen thường thơm ngát
Dâng tâm tư theo khói hương…
Trôi, dòng đời trôi 
như cánh hoa vàng, như suối băng ngàn, như sương sớm đọng, như chớp mưa nguồn
Vừa trông đã tan.
Thôi, dừng đi thôi
Quên hết đua chen
Bao nỗi ưu phiền, bao nỗi ưu sầu


Theo tiếng kinh cầu tan như khói mây.”

Chỉ nhiêu đó thôi, không lê thê thậm thượt, không cao siêu hoa mỹ, mà vẫn thừa đạo lực để thức tỉnh bao chúng sanh đang còn mê đắm giữa dòng trôi huyễn ảo.
Sau lần đầu tiên được nghe đó, tôi và bào đệ Út Bình đã được thầy trú trì giao phó cho nhiệm vụ đệm đàn mỗi khi “Phút quay về” được ngân vang, cùng những bài Đạo Ca khác như Đoàn Ca, Lên Đường Dựng Xây… mà chính thầy là tác giả cả ca từ lẫn nhạc điệu.

Năm 1984, vì lý do chính trị, thầy trú trì lâm vào vòng lao lung, chư tăng tứ tán, Phật tử không người dẫn dắt, ngôi chùa mái tranh vách đất ở vùng quê nghèo trở nên hoang lạnh, buồn hiu hắt trong tăm tối một thời gian dài…

Năm 1988, lúc đó tôi và bào đệ Út Bình đang là những người con Phật đầu tiên phập những nhát cuốc nhát xẻng khai phá dọn dẹp bãi rác khổng lồ bên tay phải đường vào chùa Tỉnh Hội để bắt đầu xây dựng công trình “Hoa Viên Long Sơn Tự” do quý thầy Minh Thông và Chơn Trí chủ trương, chỉ đạo. Sau đó, thầy Minh Thông đã giao cho hai anh em tôi phụ trách phần văn nghệ đón mừng Đại Lễ Phật Đản năm đó (PL: 2532), tập dợt vào buổi tối tại chùa và tư gia của các vị cư sĩ…

Vậy là, ngay vào thời điểm Lễ Dâng Hoa cúng dường Tam Bảo ngày Đại Lễ Phật Đản 2612, ca khúc “Phút quay về” sau nhiều năm lặng âm tắt tiếng đã được ngân vang giữa ngôi đại hùng bảo điện của Chùa Long Sơn đang rợp sắc y vàng của chư tôn đức tăng ni… Tôi đã xúc động, vừa ôm đàn đệm vừa hát hòa theo các em Ban Văn Nghệ, mà rơm rớm nước mắt, vì phút quay về đó thiêng liêng biết bao!

Sau lần tái xuất hiếm hoi đó, “Phút quay về” lại rơi vào quên lãng, không còn ai hát lại nữa, và cũng không còn ai được nghe hát nữa. Cái Duyên của ca khúc này quả thật là như mộng huyễn, bọt bóng, sương, chớp, khói, mây…

Nhưng tối hôm nay, tôi lục lại trong ngăn hộc tủ, lôi “Phút quay về” bản gốc có thủ bút tác giả ra khỏi hốc tối hẩm hiu, để ôm đàn ngồi hát một mình, để nhớ chùa Long Quang (Bàu Cạn- Long Thành), để nhớ chư tăng thuộc tông môn Linh Sơn Pháp Bảo (quý thầy Tâm Hải, Tâm Hòa, Tâm Tường, Tâm Châu…), và đặc biệt là nhớ đến thầy trú trì Tâm Quang, tác giả của “Phút quay về”, cũng chính là bào huynh Vĩnh Hảo của tôi.
“Thôi, dừng đi thôi
Quên hết đua chen
Bao nỗi ưu phiền, bao nỗi ưu sầu
Theo tiếng kinh cầu tan như khói mây.”

Tâm Không- Vĩnh Hữu

blank


















blank




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.