BỊ THIÊU SỐNG
HỒI KÝ RÚNG ĐỘNG THẾ GIỚI VỀ TỘI ÁC VỚI PHỤ NỮ
Souad
Nguyễn Minh Hoàng dịch
Nhà xuất bản: Phụ Nữ
10 -
CHẾT
Tôi nằm trên một cái giường trong bệnh viện, co quắp dưới lớp chăn mỏng.
Một cô y tá lột áo của tôi ra. Cô ta nắm mép vải, giật mạnh và cơn đau làm tôi tê liệt. Tôi gần
như không nhìn thấy
gì nữa, cằm tôi như dính vào ngực và không thể ngóc đầu dậy. Hai tay tôi cũng không thể
cử động. Tôi thấy đau khắp người, trên đầu, trên vai, trên lưng, trên ngực. Tôi bốc mùi. Cô y tá
độc ác đến nỗi mỗi khi trông thấy cô ta bước vào tôi lại thấy sợ. Cô ta không nói gì với tôi. Cô ta chỉ đến giật từng mảng da
còn bám trên người tôi, áp lên đó một miếng gạc và cô ta bỏ đi.
Nếu có thể làm cho tôi chết, có lẽ cô ta đã làm rồi, tôi
chắc chắn như vậy. Tôi
là một đứa con gái hư hỏng, nếu người ta thiêu sống tôi thì cũng bởi
tại tôi là một đứa con gái không chồng mà lại có thai. Tôi đáng bị như vậy. Tôi biết cô ta nghĩ gì về tôi.
Tối đen.
Hôn mê. Đã bao nhiêu lâu rồi? Bao nhiêu ngày? Bao nhiêu đêm?...
Không ai muốn sờ vào tôi, không ai muốn chăm sóc tôi, không ai cho tôi ăn, không ai cho tôi uống, họ chỉ đợi tôi chết.
Tôi rất muốn được chết vì tôi
xấu hổ khi thấy mình còn sống. Tôi
đau đớn
xiết bao. Tôi muốn được
xoa dầu lên da để làm dịu vết bỏng. Tôi muốn có
ai nhấc chiếc chăn mỏng đang đắp trên người để tôi nguội đi một chút. Một
bác sĩ đang có mặt ở đây. Tôi nhìn thấy phần chân ông ta và vạt áo blouse trắng. Ông ta nói nhưng tôi không hiểu. Vẫn luôn là cô y tá ấy, đến rồi đi. Tôi có thể
cử động hai chân.
Thỉnh thoảng, tôi nhấc chân nâng tấm chăn mỏng lên. Tôi
cảm thấy phía sau lưng đau như dần, ở cạnh sườn tôi cũng thấy đau. Tôi
nằm ngủ, đầu cúi gập dính sát vào ngực như lúc tôi đang bị ngọn lửa đốt cháy.
Hai tay tôi trông rất kì lạ, hơi khuỳnh ra và cả hai tay đều bị liệt. Hai bàn tay tôi vẫn nguyên vẹn nhưng không còn giúp gì được. Tôi rất muốn gãi cho đỡ ngứa, rất muốn rứt bỏ lớp da để khỏi bị
đau đớn nữa.
Họ bắt tôi phải đứng lên. Tôi bước đi với cô y tá ấy. Tôi
cảm thấy hai mắt tôi đau nhức. Tôi nhìn thấy hai chân tôi, nhìn thấy hai bàn tay tôi đang buông thõng hai bên người, nhìn thấy sàn gạch lát. Tôi căm ghét cô y
tá. Cô ta đưa tôi vào một gian phòng và mở vòi nước rửa ráy cho tôi. Cô
ta bảo tôi hôi đến mức khiến cô ta buồn nôn. Tôi hôi quá, tôi bật khóc,
tôi đứng đó như một thứ
cặn bã gớm ghiếc, như
một sinh vật thối tha đang bị người ta lấy một xô nước giội vào. Như bãi phân trong phòng vệ sinh, người ta giật nước đổ ào cuốn đi, thế là hết. Mày chết phắt đi cho
rảnh. Dòng nước giật bong lớp da tôi, tôi kêu thét, tôi khóc, tôi
van xin, máu chảy đến các đầu ngón tay. Cô ta bắt tôi phải đứng như thế mãi.
Cô ta dùng vòi nước gỡ những mẩu thịt cháy đen, những mảnh quần áo còn sót lại, rác rưởi hôi hám đọng lại thành một đống nhỏ trên sàn phòng tắm. Người tôi bốc mùi thối rữa, mùi thịt cháy, mùi khói nồng nặc đến nỗi cô y tá phải đeo khẩu trang và chốc chốc lại chạy ra ngoài, vừa ho sù sụ vừa luôn mồm rủa tôi.
Tôi khiến cô ta
cảm thấy phát tởm. Lẽ ra tôi phải chết đi như một con chó, nhưng phải xa chỗ cô ta. Tại sao cô ta không làm tôi chết luôn cho xong? Tôi
quay về giường nằm, vừa thấy nóng ran vừa thấy lạnh buốt trong
người và cô ta quăng chiếc chăn mỏng lên tôi để khỏi phải nhìn thấy tôi
nữa. Cái nhìn của cô ta như muốn bảo tôi: “Chết nhanh đi. Chết nhanh để
người ta mang mày vứt đi chỗ khác”.
Cha tôi ngồi đó với cây gậy của ông. Ông đang
nổi giận, ông đập gậy xuống đất, ông muốn biết ai đã làm tôi có thai, ai đã đưa tôi vào đây và
sự việc xảy ra như thế nào. Hai mắt ông đỏ ngầu. Ông khóc, người đàn già ấy, nhưng ông vẫn làm tôi sợ với cây gậy của ông và tôi không thể
trả lời ông được. Tôi sắp ngủ, hay sắp chết, hoặc sắp
thức dậy, cha tôi vẫn ngồi đó, rồi không thấy ông đâu nữa.
Nhưng tôi không nằm mơ, giọng nói của ông vẫn còn vang trong đầu tôi: “Nói đi!”
Tôi gượng ngồi lên một chút, tựa đầu vào gối để khỏi phải
cảm thấy hai tay bị
dính chặt vào tấm chăn mỏng. Không có gì làm tôi bớt đau nhưng tôi có thể nhìn thấy những việc đang diễn ra trong hàng lang qua cánh cửa đang
hé mở. Tôi nghe thấy có ai đang
đi vào, tôi nhìn thấy hai bàn chân trần, một dáng người nhỏ nhắn như tôi,
mảnh khảnh, gần như là gầy guộc. Không phải cô y tá mà là mẹ tôi.
Với hai bím tóc được vuốt mượt bằng dầu ôliu, chiếc khăn trùm màu đen, trán bà gồ lên thật kì quái, gồ lên giữa hai cặp lông mày và dính liền vào mũi, trông bà chẳng khác nào một con chim ưng hoặc con diều hâu. Bà làm tôi sợ. Bà ngồi trên ghế đẩu, tay ôm giỏ xách, và bà bắt đầu sụt sùi
khóc, khịt mũi, vừa lấy khăn mùi soa lau nước mắt vừa lắc lắc đầu.
Bà khóc vì
buồn phiền và
hổ thẹn. Bà khóc cho chính bà và cho
gia đình. Tôi nhìn thấy nỗi căm hận hằn rõ trong mắt bà.
Bà tra vấn tôi trong khi tay vẫn ôm khư khư cái giỏ xách sát vào người. Nó rất
quen thuộc với tôi. Lúc nào đi
đâu bà cũng mang nó theo, lúc đi chợ hoặc khi ngoài đồng. Trong giỏ bà để bánh mì, một chai nhựa đựng nước, nước, có khi đựng sữa. Như thường lệ, tôi
cảm thấy sợ, nhưng không
sợ như lúc phải đối mặt với cha tôi. Cha tôi có thể giết chết tôi, nhưng mẹ tôi thì không. Bà hỏi tôi, bà tra vấn tôi bằng giọng rên rỉ, còn tôi
trả lời bằng giọng thì thào.
- “Nhìn tao đây, con ơi…Thế này thì tao không thể đưa mày về nhà được nữa rồi, mày không thể về sống ở nhà được nữa rồi. Mày đã nhìn thấy mày rồi chứ?
– Con có nhìn thấy được con đâu.
– Mày bị bỏng khắp người. Cả nhà đang
xấu hổ. Giờ thì tao không thể đưa được mày về nhà. Hãy nói cho tao biết làm thế nào mà mày có thai? Với đứa nào?
– Faiez. Con không biết họ của bố anh ấy.
– Faiez bên hàng xóm ấy à?”
Bà lại
tiếp tục khóc, vo tròn cái khăn mùi soa và châm lên mắt như thể bà muốn ấn sâu cái khăn vào trong đầu.
- “Mày làm chuyện ấy ở đâu? Ở đâu?
– Ngoài đồng.”
Bà nhăn mặt, bặm môi và khóc to hơn.
- “Nghe tao này, con ơi, nghe này. Tao rất muốn mày chết, mày nên chết đi là hơn. Em trai mày vẫn còn trẻ, mày mà không chết thì nó sẽ
gặp rắc rối.”
Em trai tôi sẽ
gặp rắc rối.
Rắc rối gì cơ chứ? Tôi không hiểu.
- “Cảnh sát đã đến nhà gặp
gia đình ta. Gặp tất cả
mọi người trong
gia đình. Cha mày, em trai mày, mẹ mày, anh rể mày,
tóm lại là tất cả
mọi người trong
gia đình. Nếu mày không chết, em trai mày sẽ bị
lôi thôi với
cảnh sát ngay.”
Có lẽ bà đã lấy cái cốc từ trong giỏ vì
xung quanh tôi chẳng thấy gì hết. Bàn kê cạnh giường cũng không. Không, tôi không trông thấy mẹ tôi lục tìm trong giỏ, bà đã lấy cái cốc bên mép cửa sổ, đó là cái cốc của bệnh viện. Nhưng tôi không trông thấy bà rót cái gì vào đấy.
- “Nếu mày không uống cái này thì em trai mày sẽ phải
gặp rắc rối ngay. Cảnh sát đã đến nhà ta.”
Có phải bà đã rót cái gì đấy vào cốc trong khi tôi mải khóc vì
xấu hổ, vì
đau đớn, vì sợ? Tôi đã khóc vì nhiều thứ, đầu gục xuống, nhắm mắt lại.
- “Uống đi con…Mẹ đưa cho mày uống đấy.”
Không bao giờ tôi quên được cái cốc to ấy, đầy đến tận miệng. Trong ly là một thứ nước trong veo, trong như nước lã.
- “Cứ uống đi, như thế em trai mày sẽ không gặp
lôi thôi. Như thế là
tốt hơn cả. Tốt cho mày, cho tao, cho cả em mày nữa.”
Rồi bà khóc. Tôi cũng khóc. Tôi còn nhớ những giot nước mắt chảy trên những vết bỏng ở cằm tôi, chảy dài trên cổ, những giọt nước mắt ấy cào cấu
da thịt tôi.
Tôi cố nhấc tay lên nhưng không được. Chính mẹ tôi đã luồn tay đỡ dưới đầu tôi, bà nâng đầu tôi về phía cái cốc bà đang cầm.
Cho đến lúc đó, tôi chưa được ai cho uống gì cả. Bà đưa cái cốc to ấy ghé sát miệng tôi.
Tôi định
ít nhất cũng nhúng môi vào vì tôi khát nước quá. Tôi cố nhìn lên nhưng tôi không thể.
Đột nhiên, ông
bác sĩ bước vào và mẹ tôi giật bắn người. Ông ta giằng lấy cái cốc, ông ta đặt mạnh xuống và quát lên thât to: “Không được!”
Tôi nhìn thấy chất lỏng trong cốc sánh ra mép cửa sổ, chảy dài xuống thành cốc, trong veo như nước lã.
Ông
bác sĩ nắm tay mẹ tôi kéo ra khỏi phòng. Tôi vẫn dán mắt vào cái cốc, thèm được uống cả những giọt đang loang trên sàn gạch, tôi muốn được thè lưỡi liếm như một con chó. Tôi đang rất khát, muốn được uống cũng như được chết.
Ông
bác sĩ quay vào và bảo tôi:
- “Cô còn may lắm nên tôi mới đến kịp lúc đấy. Hôm nọ là cha cô, hôm nay
lại đến mẹ cô! Từ giờ trở đi, người nhà cô sẽ không được vào đây nữa!”
Ông mang cái cốc đi và nhắc lại:
- “Cô
gặp may đấy nhé…Tôi không muốn thấy người nhà cô đến đây nữa!
– Nhưng Assad em trai tôi, tôi muốn được gặp nó, nó rất tốt.”
Tôi không nhớ ông ấy đã
trả lời tôi như thế nào. Tôi
cảm thấy rất lạ, mọi thứ trong đầu tôi đang rối tung lên. Mẹ tôi đã nhắc đến cảnh sát, đến chuyện em trai tôi có thể sẽ gặp rắc rối? Tại sao lại là nó? Chính Hussein đã tẩm xăng thiêu tôi cơ mà? Cái cốc đó là để cho tôi chết. Trên
mép cửa sổ vẫn còn vết hoen. Mẹ tôi mong tôi chết, tôi cũng mong thế.
Tuy nhiên tôi vẫn còn
may mắn, ông
bác sĩ bảo thế, vì ông đã kịp ngăn tôi uống thứ thuốc
độc không hình dạng ấy. Tôi
cảm thấy như
được giải thoát, như thể cái chết đã
mê hoặc được tôi và chỉ trong một giây, ông
bác sĩ đã khiến nó phải biến đi. Mẹ tôi là một người mẹ
tuyệt vời, người
mẹ tốt nhất. Khi đưa cho tôi cốc thuốc độc, bà đã làm tròn bổn phận của
mình. Như thế sẽ
tốt hơn cho tôi. Không nên cứu tôi khỏi bị lửa thiêu, không nên đưa tôi đến đây để tôi phải chịu
đau đớn và phải đợi quá lâu để được chết, để xoá đi nỗi nhục của chính tôi và của tất cả
mọi người trong
gia đình.
Ba bốn ngày sau, em trai tôi đến. Không bao giờ tôi quên chiếc túi xách bằng nhựa trong ấy. Nhìn qua lớp nhựa, tôi thấy có vài quả cam, và một quả chuối. Từ lúc vào đây, tôi không được
ăn uống gì. Không ai
tìm cách giúp đỡ tôi. Ngay đến ông
bác sĩ cũng không dám. Tôi hiểu
mọi người để mặc cho tôi chết. Không ai được phép
xen vào chuyện của tôi. Trong mắt
mọi người tôi là kẻ có tội. Tôi phải chịu số phận dành cho tất cả những
phụ nữ trót làm hoen ố
danh dự của những người đàn ông. Người ta rửa ráy
cho tôi chỉ vì người tôi bốc
mùi hôi thối quá chứ không phải để chăm sóc tôi. Người ta giữ tôi ở đây vì đây là nơi tôi có thể chết mà không gây
rắc rối cho
cha mẹ tôi và những người trong làng.
Hussein đã không làm tốt công việc được giao, anh ta để tôi
chạy thoát với ngọn lửa trên người.
Assad không hỏi tôi một câu nào. Nó sợ và nó vội
quay về làng.
- “Tôi phải đi tắt qua cánh đồng để không bị ai nhìn thấy.
Cha mẹ mà biết tôi đến thăm chị, tôi sẽ
gặp rắc rối ngay.”
Tôi đã rất mong nó đến,
tuy nhiên, khi nó cúi sát xuống nhìn tôi, tôi
cảm thấy lo lắng. Nhìn vào hai mắt nó, tôi biết nó ghê tởm vì những vết bỏng của tôi. Không một ai kể cả nó, muốn biết tôi đã
đau đớn đến mức nào, khi da trên người tôi cứ lõm xuống, thối rữa, rỉ mủ, và như nọc một
con
rắn độc cứ từ từ
gặm nhấm cả phần phía trên
thân thể của tôi, cái đầu trụi tóc của tôi, hai vai tôi, lưng tôi, hai tay tôi và hai vú tôi.
Tôi đã khóc rất nhiều. Có phải vì biết đây là lần
cuối cùng tôi được nhìn thấy nó mà tôi khóc không? Hay tôi khóc vì rất muốn được nhìn thấy các con của nó?
Lúc ấy, vợ nó chuẩn bị sinh. Sau này tôi được biết cô ta
sinh hai đứa con trai. Chắc tất cả
mọi người trong
gia đình đều
thán phục và khen ngợi cô ta.
Tôi không ăn được cam và chuối Assad
mang đến. Chỉ có
một mình, tôi không thể ăn được và rồi cái túi xách ấy cũng biến mất.
Từ đấy không bao giờ tôi còn gặp lại
gia đình mình nữa.
Hình ảnh cuối cùng về mẹ tôi là chiếc cốc đựng thuốc độc.
Hình ảnh cha tôi
giận dữ nện
chiếc gậy trên sàn gạch. Và
hình ảnh em trai tôi với túi
hoa quả.
Trong sâu thẳm nỗi đau, tôi vẫn luôn
tìm hiểu tại sao không nhìn thấy gì
khi ngọn lửa bắt đầu bốc cháy trên đầu tôi.
Lúc ấy, có một bình đựng xăng bênh cạnh tôi nhưng nó đã bị nút kín. Tôi không thấy Hussein cầm đến nó. Lúc anh ta bảo sẽ “lo cho tôi”, tôi đang cúi đầu xuống và trong vài giây, nụ cười có vẻ
thân thiện của anh ta và cọng cỏ anh ta đang nhai một cách
hiền lành trong miệng đã khiến tôi chắc mẩm mình sẽ được cứu. Nhưng
thực tế anh ta chỉ cố làm cho tôi yên tâm để tôi khỏi chạy. Anh ta đã
dự tính mọi việc với
cha mẹ tôi từ ngày hôm trước. Nhưng anh ta lấy lửa ở đâu? Trong đống than củi? Tôi không thấy gì cả. Hay anh ta có bao diêm nên mới nhanh như thế? Lúc nào tôi cũng có sẵn một bao diêm bên mình, nhưng tôi cũng không nhìn thấy nó. Vậy là anh ta có sẵn bật lửa trong túi… Chỉ vừa kịp
cảm thấy có nước chảy
lành lạnh trên tóc và lửa đã bốc cháy. Tôi rất muốn biết tại sao tôi lại không thấy gì.
Ban đêm
nằm ngủ trên chiếc giường bệnh viện là cả một cơn
ác mộng dài bất tận. Tôi nằm trong bóng tối mịt mù, tôi nhìn thấy tấm màn bao quanh,
cửa sổ biến mất. Một cơn đau kì lạ như nhát dao đâm vào bụng tôi, hai chân tôi run rẩy…tôi đang chết dần. Tôi cố nhỏm dậy nhưng không được. Hai tay tôi cứng đờ, hai vết thương lở loét không chịu giúp tôi. Không có bất kỳ ai, chỉ có mình tôi, vậy ai đã đâm dao vào bụng tôi?
Tôi thấy có cái gì vương vướng giữa hai đùi. Tôi co một chân, rồi co tiếp chân kia, tôi quơ hai chân để tìm. Tôi cố sức gỡ cái vật đang làm tôi hoảng hốt.
Ban đầu, tôi không biết là mình đang sinh con. Tôi đưa chân sờ soạng trong bóng tối. Tôi từ từ đẩy nó xuống lớp chăn mỏng mà không hề biết đó là một đứa bé. Rồi tôi nằm
bất động,
mệt lả người vì
gắng sức. Tôi khép hai chân lại và
cảm thấy da đùi mình đang chạm vào người đứa bé. Nó ngọ nguậy. Tôi nín thở
hồi hộp. Làm thế nào mà nó ra nhanh thế? Vừa thấy như có dao đâm vào bụng là nó đã ở đây rồi? Tôi
buồn
ngủ, nhưng không thể được, đứa trẻ không tự chui ra mà không
báo trước.
Tôi đang
trải qua một cơn
ác mộng.
Nhưng tôi không nằm mơ vì tôi đã cảm nhận được nó, giữa hai đầu gối tôi,
chạm vào da chân tôi. Hai chân tôi không bị bỏng, tôi cảm nhận mọi thứ qua lớp da ở đùi và chân. Tôi không dám
cử động thêm, thêm, rồi tôi giơ một chân lên giống như giơ một bàn tay để vuốt nhẹ…một cái đầu bé tí và hai cánh tay đang quơ quơ
yếu ớt.
Có lẽ tôi đã kêu lên một tiếng rất to. Tôi cũng không nhớ nữa. Ông
bác sĩ bước vào phòng, kéo bức màn, nhưng
xung quanh tôi vẫn tối đen. Bên ngoài có lẽ vẫn là ban đêm. Tôi chỉ trông thấy một chút ánh sáng trong hành lang qua cánh cửa mở. Ông
bác sĩ cúi xuống, giở tấm chăn mỏng ra, và ông mang đứa bé đi, thậm chí không để cho tôi nhìn thấy nó.
Khỏang giữa hai chân tôi không còn gì. Có ai đó kéo bức
màn che kín lại như cũ. Tôi không nhớ
gì nữa. Có lẽ tôi đã
ngất đi, có lẽ tôi đã ngủ thiếp đi thật lâu, tôi cũng không biết. Ngày hôm sau và những ngày
kế tiếp, tôi chỉ
chắc chắn một điều rằng đứa bé đã rời khỏi bụng tôi.
Tôi không biết nó còn sống hay đã chết, không ai nói cho tôi biết và tôi
không dám hỏi cô y tá khó chịu kia để biết người ta đã làm gì với đứa bé.
Mong nó tha lỗi cho tôi, tôi không có khả năng cho nó một cuộc sống tử tế. Tôi
biết mình đã sinh ra nó nhưng tôi không được nhìn mặt nó, người ta không cho tôi bế ẵm nó, tôi không biết nó là trai hay gái.
Lúc ấy, tôi không phải là một người mẹ mà là một nhúm thịt mang
hình hài con người đang bị khép tội chết. Chỉ có nỗi nhục nhã là mạnh hơn cả.
Sau này, ông
bác sĩ cho tôi biết là tôi đã sinh non khi mới được bảy tháng, đứa bé rất nhỏ nhưng còn sống và được
an toàn. Tôi chỉ nghe
loáng
thoáng những gì ông ta nói. Hai vành tai bị bỏng nặng khiến tôi đau rát. Phần phía trên cơ thể tôi chỉ có nỗi đau và tôi chuyển từ
trạng thái hôn mê sang nửa mê nửa tỉnh, không thể
phân biệt ngày và đêm.
Mọi người đều mong cho tôi chết và chờ đợi giây phút ấy.
Còn tôi, tôi thấy Đấng
Tối cao không cho tôi được chết nhanh như thế. Ngày và đêm
xen lẫn trong cùng một cơn
ác mộng. Trong những lúc
tỉnh táo
hiếm hoi, tôi chỉ có nỗi
ám ảnh duy nhất, lấy móng tay rứt bỏ những lớp
da gớm ghiếc và hôi hám đang
tiếp tục cắn xé tôi. Nhưng
bất hạnh thay, hai tay tôi không còn chịu sự
sai khiến của tôi nữa.
Một hôm, có ai đó bước vào phòng tôi, giữa lúc tôi đang mê loạn trong cơn
ác mộng. Tôi chỉ đoán có người
đi vào phòng chứ tôi cũng không nhìn thấy. Một bàn tay
phụ nữ như cái bóng lướt trên mặt tôi nhưng không chạm
vào tôi. Một giọng
phụ nữ với cách
phát âm khá kì cục đã nói với tôi bằng tiếng Ả Rập:
- “Tôi sẽ giúp cô…Cô hãy tin ở tôi, tôi sẽ giúp cô. Cô có nghe tôi nói không?”
Tôi đáp “có” nhưng không tin vào điều đó. Tôi đã nằm trên chiếc giường với xiết bao
đau đớn, bị
bỏ rơi giữa sự khinh bỉ của kẻ khác. Tôi không hiểu người ta sẽ làm như thế nào để giúp tôi và nhất là không hiểu ai là
ngừời có đủ
quyền lực để làm điểu đó.
Đưa tôi về với
gia đình tôi ư? Họ không muốn gặp tôi nữa. Một đứa con gái bị thiêu sống vì làm ô
danh gia đình sẽ phải bị thiêu
cho đến chết. Giúp tôi
chấm dứt cơn đau, giúp tôi được chết, đó là
giải pháp duy nhất.
Nhưng tôi vẫn
trả lời “có” để
đáp lại cái giọng
phụ nữ ấy và tôi không biết người
phụ nữ đó là ai.