KINH GIẢI THÂM MẬT
HT. Thích Trí Quang dịch giải 23.10.1988 PL 2532
Đệ Tử Thượng Thiện Hạ Thanh, Long Beach CA, USA Ấn Tống
Phẩm ba: Tâm Thức (50)
HT. Thích Trí Quang dịch giải 23.10.1988 PL 2532
Đệ Tử Thượng Thiện Hạ Thanh, Long Beach CA, USA Ấn Tống
Phẩm ba: Tâm Thức (50)
Lúc bấy giờ đại bồ tát Quảng tuệ thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, như Ngài nói Bồ tát khéo biết mật nghĩa (51) tâm ý thức, vậy Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức là ngang đâu mới được gọi là Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức? và ngang đâu mới được Ngài qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức (52) ? Đại bồ tát Quảng tuệ bạch hỏi như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Tốt lắm, Quảng tuệ, ông có thể hỏi Như lai cái thâm nghĩa như vậy. Vậy là ông muốn lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người, và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kyծ Như lai sẽ nói cho ông về mật nghĩa tâm ý thức.
Lược Giải.-
Phẩm này tiêu đề nói về tâm ý thức, nhưng thực ra nói nhiều hơn về bản thức, cho thấy Nó là cái Tâm siêu việt (đã nói và còn nói đến hết kinh), là cái căn bản của các pháp (sẽ nói trong các phẩm 4 và 5).
Chính Văn.-
(Trước hết), Quảng tuệ, ông nên nhận thức rằng sự sinh tử trong sáu đường, chúng sinh chết ở thế giới nào rồi sinh vào thế giới nào (53) , thì thân thể hoặc sinh trong loài sinh bằng trứng, hoặc sinh trong loài sinh bằng thai, hoặc sinh trong loài sinh bằng ẩm thấp, hoặc sinh trong loài sinh bằng biến hóa. Sự sinh ấy đầu tiên do chủng tử thức vốn đã thành thục nay triển chuyển hóa hợp, tuần tự lớn lên (53B) , với hai sự chấp thọ của thức ấy: một là chấp thọ các sắc căn và sở y của các sắc căn, hai là chấp thọ chủng tử của tướng, danh và phân biệt, loại chủng tử do ngôn từ hý luận mà có (54) . Sinh trong thế giới có hình sắc thì có đủ hai sự chấp thọ vừa nói, còn sinh trong thế giới không hình sắc thì không đủ hai sự chấp thọ ấy (55) .
Thứ nữa, Quảng tuệ, thức ấy cũng tên là a đà na, vì nó theo mà nắm giữ thân thể; cũng tên là a lại da, vì nó chấp thọ mà cùng yên cùng nguy với thân thể; cũng tên là tâm, vì nó do sắc thanh hương vị xúc pháp tích tụ tăng trưởng (56) .
Sau nữa, Quảng tuệ, chính a đà na thức làm nền tảng và xây dựng mà phát sinh sáu thức nhãn nhĩ tyՠthiệt thân ý: do nhãn căn và sắc cảnh làm duyên tố mà phát sinh nhãn thức, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với nhãn thức ấy; do các căn nhĩ tyՠthiệt thân và các cảnh thanh hương vị xúc làm duyên tố mà phát sinh các thức nhĩ tyՠthiệt thân, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với các thức nhĩ tyՠthiệt thân ấy. Như vậy nếu một lúc nào đó chỉ có một thức phát sinh thì lúc đó chỉ có một ý thức cùng phát sinh với một thức ấy, nếu một lúc nào đó có hai đến năm thức phát sinh thì lúc đó cũng chỉ có một ý thức cùng phát sinh với hai đến năm thức ấy. Ví như dòng nước chảy vừa mạnh vừa lớn, nếu có duyên tố nổi một cơn sóng thì một cơn sóng nổi lên, nếu có duyên tố nổi hai đến nhiều cơn sóng thì hai đến nhiều cơn sóng nổi lên, nhưng bản thân dòng nước vẫn chảy mãi, không đứt không hết. Lại như mặt gương tốt và sáng, nếu có duyên tố hiện một hình ảnh thì chỉ một hình ảnh hiện ra, nếu có hai đến nhiều duyên tố hiện hai đến nhiều hình ảnh thì hai đến nhiều hình ảnh hiện ra, nhưng không phải mặt gương biến thành hình ảnh, cũng không có sự hết hiện hình ảnh. Tương tự như vậy, do dòng nước a đà na thức làm nền tảng và xây dựng, nên một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của một thức thì lúc đó một thức phát sinh, nếu một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của hai đến năm thức thì lúc đó có hai đến năm thức phát sinh (57) .
Lược Giải.-
Đoạn này có 3 đoạn nhỏ, nói bản thức là căn bản của thân thể (và thế giới của thân thể) của sự sống (và đời sống) của các thức (và đối tượng của các thức). Một cách nhìn khác, năng tính (chủng tử) và biểu hiện (hiện hành) của các pháp toàn là bản thức. Cái gọi là thế giới chỉ là sự biểu hiện tương tự (cọng biến) của các nghiệp thức tương tự (cọng nghiệp).
Chính Văn.-
Quảng tuệ, như trên là Bồ tát do cái trí pháp trú (58) làm nền tảng và xây dựng mà khéo biết mật nghĩa tâm ý thức. Thế nhưng Như lai không ngang đây qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức. Quảng tuệ nếu Bồ tát từ bên trong và rành rẽ, đúng như sự thật mà không thấy (59) a đà na và a đà na thức, không thấy a lại da và a lại da thức, không thấy tích tập và tích tập tâm, không thấy nhãn căn sắc cảnh và nhãn thức, cho đến không thấy ý căn pháp cảnh và ý thức, như thế mới gọi là vị Bồ tát khéo biết thắng nghĩa, và ngang đây Như lai qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết thắng nghĩa; cũng ngang đây gọi là vị Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức, và cũng ngang đây Như lai qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức.
Lược Giải.-
Đoạn này đáp 2 câu hỏi mà, nói chung, biết tâm thức chưa phải khéo biết, biết tâm thức tự siêu việt (biết chân như thắng nghĩa của tâm thức) mới khéo biết. Để dẫn ra cái biết này, mạt na đã được ẩn lược.
Chính Văn.-
Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên lúc bấy giờ đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.
Thức a đà na
cùng cực vi tế,
tất cả chủng tử
như dòng nước mạnh (59B) .
Như lai không nói
cho kẻ phàm ngu,
sợ họ phân biệt
chấp làm bản ngã.
Lược Giải.-
Chỉnh cú này cho thấy càng rõ cái lý do ẩn lược mạt na, cái ý thức về ngã. Do vậy, nói a lại da là cốt phủ nhận Phạn thể (bản ngã) và thần ngã (tự ngã), nhưng không biết đúng như sự thật thì có thể a lại da cũng sẽ bị coi như bản ngã và tự ngã.
Nói Tính Cách Có Của Các Pháp
Chính Văn.-