Ba Pháp

03/01/201112:00 SA(Xem: 16574)
Ba Pháp

KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

BA PHÁP

21. PHẨM TAM BẢO

KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Tự quy có ba đức. Những gì là ba? Đó là quy y Phật là đức thứ nhất; quy y Pháp là đức thứ hai; [602a01] quy y Tăng là đức thứ ba.[1] 

“Sao gọi là đức quy y Phật? Trong các loại chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên trời Nê-duy-tiên,[2] trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng không ai có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô, từ tô được đề-hồ.[3] Song ở trong đó đề-hồ lại tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, trong các loại những chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên Nê-duy-tiên thiên, trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng, không ai có thể sánh bằng. Những chúng sanh nào phụng thờ Phật, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất. 

“Sao gọi là đức tự quy y Pháp? Các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn; trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn, tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô; từ tô được đề-hồ. Song trong đó đề-hồ lại là tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn. Song ở trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Chúng sanh nào phụng thờ Pháp, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ở ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất. 

“Sao gọi là đức tự quy y Thánh chúng? Trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sanh, trong các chúng ấy, Chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô; từ tô được đề-hồ. Song trong đó đề-hồ lại là tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sanh trong các chúng ấy, Chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

[602b01]Thứ nhất tôn thờ Phật,

Tối tôn không gì hơn.

Kế lại tôn thờ Pháp

Vô dục, không dính trước.

Kính phụng Chúng Hiền Thánh, 

ruộng phước tốt nhất.

Người đó trí bậc nhất,

Thọ phước ở trước hết.[4]

Nếu ở trong trời người,

Thủ lãnh trong các chúng.

Ngồi trên chỗ vi diệu;

Tự nhiên thọ cam lồ;

Thân mặc y bảy báu;

Được người đời tôn kính.

Giới thành tựu bậc nhất;

Các căn không khuyết mất;

Cũng được biển trí huệ;

Dần đến niết-bàn giới.

Ai có ba quy nầy

Đến đạo cũng không khó.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba phước nghiệp nầy.[5] Sao gọi là ba? Thí là phước nghiệp, bình đẳngphước nghiệp, tư duyphước nghiệp

“Sao gọi thí là phước nghiệp? Nếu có một người mở lòng bố thí Sa-môn Bà-la-môn, người bần cùng, người cô độc, người lang thang; ai cần thức ăn cho thức ăn, cần nước uống cho nước uống, quần áo, đồ ăn thức uống, gường chiếu, ngọa cụ, thuốc trị bệnh, hương hoa, ngủ nghỉ, tùy theo nhu cầu không gì luyến tiếc. Đây gọi là nghiệp phước bố thí

“Sao gọi là bình đẳng[6] là phước nghiệp? Nếu có một người không sát sanh, không trộm cắp, thường biết tàm quý, không nảy tưởng ác. Cũng không trộm cắp, ưa ban thí cho người, không có tâm tham lam keo kiết, lời nói hòa nhã không tổn thương lòng người. Cũng không gian dâm vợ người, tự tu phạm hạnh, tự đủ với sắc mình. Cũng không vọng ngữ, thường nghĩ chí thành, không lời dối trá, được người đời tôn kính, không có thêm bớt. Cũng không uống rượu, luôn biết tránh xa loạn động

“Lại rải tâm từ trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, trải khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, không thể cùng, không thể tính kể; rải tâm từ này phủ khắp tất cả, mong cho được an ổn

“Lại rải tâm bi, hỷ, xả* trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, tất khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, [0602c01] không thể tính kể; rải tâm bi, hỷ, xả nầy tất khắp trong đó. Đó gọi là bình đẳngphước nghiệp

“Sao gọi tư duy[7] là phước nghiệp? Ở đây, Tỳ-kheo tu hành niệm giác chi, y vô dục, y viễn ly,[8] y diệt tận, y xuất yếu; tu trạch pháp giác chi, tu hỷ* giác chi, tu khinh an* giác chi, tu định giác chi, tu xả* giác chi; y vô dục, y viễn ly, y diệt tận, y xuất yếu. Đó gọi tư duyphước nghiệp. Như vậy Tỳ-kheo, có ba phước nghiệp này.” 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Bố thíbình đẳng

Từ tâm, xả*, tư duy

Có ba xứ sở [9] nầy

Được người trí gần gũi.

Đời nầy thọ báo kia,

Trên trời cũng như vậy.

Duyên có ba xứ này

Sanh thiên ắt không nghi.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện cầu ba xứ* nầy. Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

 Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba nhân duyên thức đến thọ thai.[10] Những gì là ba? Ở đây, Tỳ-kheo, mẹ có dục ý, cha mẹ hội hợp ở một chỗ và cùng ngủ chung, nhưng thức bên ngoài chưa đến kịp lúc thì chẳng thành thai. Nếu thức muốn đến, nhưng cha mẹ không hội hợp một chỗ, chẳng thành thai. Nếu người mẹ không dục, dù cha mẹ hội hợp một chỗ, nhưng lúc đó dục ý của cha thạnh mà mẹ thật không ân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, dục ý của mẹ thạnh mà cha thật không ân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, cha mắc bệnh phong, mẹ mắc bệnh lãnh, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, mẹ bị bệnh phong, cha bị bệnh lãnh, chẳng thành thai. Nếu có khi cha mẹ hợp một chỗ, nhưng chỉ riêng thân cha thủy khí nhiều, mẹ không có chứng này, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, tướng cha có con, tướng mẹ không con, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ [603a01] cùng hợp một chỗ, tướng mẹ có con, tướng cha không con, chẳng thành thai. Nếu khi tướng cha mẹ đều không con, chẳng thành thai. Nếu có khi thần thức đến thai, mà cha đi vắng, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng mẹ đi xa, không có mặt, không có thai. Nếu có lúc cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng người cha gặp bệnh nặng, khi thần thức đến, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ đáng hợp một chỗ, thần thức có đến, song người mẹ mắc bệnh nặng, chẳng thành thai. Nếu có lúc cha mẹ nên hợp một chỗ, thần thức đến, nhưng cha mẹ đều mắc bệnh, chẳng thành thai. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu cha mẹ hợp ở một chỗ, cha mẹ không chứng tật gì, thần thức đến, tướng cha mẹ đều có con, đây thành thai. Đó gọi là có ba nhân duyên thức đến thọ thai. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện đoạn dứt ba nhân duyên

“Này các Tỳ kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thê tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nếu có chúng sanh muốn khởi từ tâm, có ý chí tín, vâng phục phụng sự cha mẹ, anh em, tông tộc, gia thất, bè bạn tri thức, nên an lập những người này trên ba xứ khiến không di động.[11] Những gì là ba? Khiến họ phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai[12], tâm không di động rằng: ‘Ngài là Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn.’ Lại khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Chánh pháp[13] rằng: ‘Pháp được Như Lai khéo nói, vô ngại, cực kỳ vi diệu, do đây mà thành quả; pháp như vậy được học và biết bởi người trí.’ Cũng khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Thánh chúng này[14] rằng: ‘Thánh Chúng của Như Lai tất cả đều hòa hợp, không có lẫn lộn, thành tựu pháp, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát kiến huệ. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám hạng, mười hai Hiền Thánh.[15] Đây là Thánh Chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quí. Đây là ruộng phước vô lượng thế gian.’ Các Tỳ-kheo nào học ba xứ nầy sẽ thành tựu quả báo lớn. 

“Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, [603b01] hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5[16]
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Tỳ-kheo Cù-ba-li[17] đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Rồi vị Tỳ-kheo kia bạch Phật:

“Những việc mà Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên này làm, thật là xấu xa, làm các ác hành.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Chớ nói những lời như vậy. Ông hãy phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai. Những việc mà Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm đều là thuần thiện, không có việc nào xấu ác.”

Khi đó, Tỳ-kheo Cù-ba-li hai ba lần bạch Thế Tôn:

“Những điều đức Như Lai nói thật không hư vọng. song những việc Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm đều thật xấu ác, không có gốc rễ thiện.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này kẻ ngu si kia, ngươi há không tin những gì Như Lai đã nói sao? Vì vậy mà ngươi nói những việc Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên làm đều rất xấu ác. Nay ông tạo hành vi xấu ác này, sau không lâu sẽ nhận quả báo.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia ngay trên chỗ ngồi, thân mọc nhọt độc lớn bằng hạt cải, chuyển như hạt đậu lớn, dần dần bằng trái a-ma-lặc, gần bằng hồ đào, rồi bằng nắm tay, máu mủ tuôn ra, thân hoại mạng chung, sanh trong địa ngục Hoa sen.[18]

Khi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Cù-ba-li mạng chung, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Một lát sau, rời khỏi chỗ ngồi, bạch Thế Tôn:

“Tỳ-kheo Cù-ba-li bị sinh nơi nào?”

Thế Tôn bảo:

“Người đó mạng chung, sinh trong địa ngục Hoa sen.”

Mục-liên bạch đức Thế Tôn:

“Nay con muốn đi đến địa ngục kia giáo hóa người này.”

Thế Tôn bảo:

“Mục-liên, không cần đến đó.”

Mục-liên lập lại bạch Thế Tôn lần nữa:

“Con muốn đến địa ngục kia giáo hóa người đó.”

Thế Tôn cũng im lặng không đáp. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Xá-vệ biến mất, hiện đến trong địa ngục lớn Hoa sen. Ngay lúc đó, Tỳ-kheo Cù-ba-li thân thể bị lửa đốt, lại có hàng trăm con trâu cày trên lưỡi ông. 

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ngồi kiết già ở giữa không trung, búng ngón tay gọi Tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo kia liền ngửa mặt hỏi:

“Ông là người nào?”

Mục-kiền-liên đáp:

“Cù-ba-li, tôi là đệ tử của đức Phật Thích-ca Văn, tên Mục-kiền-liên, họ Câu-lị-đà.”

Khi Tỳ-kheo thấy [603c01] Mục-liên, liền buông lời hung dữ như vầy: “Nay ta đọa ác thú nầy, còn không tránh khỏi ông ở trước mặt sao?” Nói như vậy rồi, ngay lúc đó có ngàn con trâu cày lên lưỡi ông. Mục-liên thấy vậy càng thêm sầu não, trong lòng nuối tiếc, biến mất ở nơi đó, trở về Xá-vệ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Mục-liên đem nhân đem nhân duyên nầy bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Thế Tôn bảo: 

“Trước Ta đã nói với ông, không cần đến đó gặp người ác nầy.” 

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ thế nầy:

Phàm người sinh ra,

Búa ở trong miệng.

Sở dĩ chém thân,

Do lời ác kia.

Người dứt ta dứt,

Cả hai đều thiện.

Đã tạo hành ác, 

Tất đọa đường ác. 

Đó là cực ác,

Có hết, không hết.

Ác đối Như Lai,

Tội nầy rất nặng.

Một vạn ba ngàn

Sáu mốt ngục Tro; 

Chê Thánh rơi vào,

Do thân khẩu tạo.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nên học ba pháp, thành tựu hạnh mình. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, và ý nghĩ thiện. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập những điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[19]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu ba pháp, ở trong hiện pháp khéo được khoái lạc, dõng mãnh tinh tấn hữu lậu dứt sạch.[20] Thế nào là ba? Ở đây, Tỳ-kheo, các căn tịch tịnh,[21] ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành[22]. 

“Tỳ-kheo, thế nào các căn tịch tịnh? Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm,[23] được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy[24] nên luôn thủ hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngưởi hương, lưỡi biết vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ ý căn. Như vậy là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh

“Sao gọi là Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ? Ở đây, Tỳ-kheo suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì [604a01] thân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ cũ,[25] khiến cảm thọ* mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’ Cũng như thân nam, nữ nổi lên nhọt độc, phải dùng cao mỡ bôi nhọt. Sở dĩ bôi nhọt là muốn chóng khỏi. Đây cũng như vậy, các Tỳ-kheo, ăn uống biết tiết độ. Ở đây, Tỳ-kheo suy xét đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ* cũ, khiến cảm thọ* mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’Cũng như xe cộ chở nặng, sở dĩ bôi mỡ trục là muốn đem vật nặng đến nơi. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, ăn uống biết tiết độ, suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu đến, ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ* cũ, khiến cảm thọ* mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’ Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ là như vậy.

“Sao gọi là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành? Ở đây, Tỳ-kheo, đầu hôm cuối hôm luôn nhớ kinh hành không sai thời khóa, thường niệm tưởng buộc ý vào trong đạo phẩm. Nếu là ban ngày, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái.[26] Rồi lúc đầu hôm, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Rồi vào giữa đêm nằm nghiêng bên phải, tư duy buộc ý vào nơi ánh sáng. Rồi đến cuối hôm thức dậy, hoặc đi, hoặc tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Như vậy là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành.

“Nếu có Tỳ-kheo nào mà các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý vào trong đạo phẩm, Tỳ-kheo này đạt được một trong hai quả[27], ở trong hiện pháp hoặc chứng chánh trí,[28] hoặc đắc A-na-hàm. Cũng như người đánh xe giỏi, ở trên đường bằng thẳng, đánh xe tứ mã không bị ngưng trệ, muốn đến nơi nào, chắc chắn được không nghi ngờ. Tỳ-kheo nầy cũng lại như vậy, các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý ở trong đạo phẩm, Tỳ-kheo nầy liền thành một trong hai quả, ở trong hiện pháp hoặc dứt sạch các lậu, hoặc đắc A-na-hàm[29].”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thê tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba bệnh lớn. Những gì là [604b01] ba? Phong là bệnh lớn; đàm là bệnh lớn; lãnh là bệnh lớn. Các Tỳ-kheo, đó gọi là ba bệnh lớn. Lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba? Nếu bệnh phong, tô[30] là thuốc hay, và tô dùng làm thức ăn. Nếu bệnh đờm, mật làm thuốc hay, và mật dùng làm thức ăn. Nếu bệnh lãnh, dầu[31] là thuốc hay, và dầu dùng làm thức ăn. Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này. 

“Cũng vậy, Tỳ-kheo cũng có ba loại bệnh lớn. Những gì là ba? Đó là tham dục, sân nhuế, ngu si. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba loại bệnh lớn này. Song, ba loại bệnh lớn nầy, lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba? Nếu lúc tham dục khởi, thường trị bằng bất tịnh, và tư duy bất tịnh đạo. Nếu bệnh lớn là sân nhuế, thường trị bằng từ tâm, và tư duy từ tâm đạo. Nếu bệnh lớn là ngu si, thường trị bằng trí huệ, và duyên khởi đạo. Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này. Cho nên Tỳ-kheo phải cầu phương tiện tìm ba loại thuốc nầy. 

“Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thê tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba hành vi ác. Những gì là ba? Đó là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba hành vi ác nầy, phải tìm cầu phương tiện tu ba hành vi thiện. Những gì là ba? Nếu thân làm ác, phải tu hành vi thiện nơi thân. Miệng nói ác, phải tu hành vi thiện nơi miệng. Ý nghĩ ác, phải tu hành vi thiện nơi ý.” 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:

Giữ thân không hành ác; 

Tu tập thân thiện hành. 

Niệm xả thân ác hành;

Hãy học thân thiện hành.

Giữ miệng không hành ác;

Tu tập miệng hành thiện.

Niệm xả miệng nói ác

Hãy học miệng nói thiện.

Giữ ý không hành ác;

Tu tập ý nghĩ thiện. 

Niệm xả ý hành ác;

Hãy học ý nghĩ thiện.

Lành thay, thân hành thiện!

Khẩu hành cũng như vậy

[604c01]Lành thay ý hành thiện!

Tất cả cũng như vậy.[32]

Giữ khẩu ý thanh tịnh,

Thân không hành vi ác.

Ba nghiếp đạo[33] thanh tịnh,

Đường vô vi Đại Tiên.[34]

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy xả bỏ ba hành vi ác, tu ba hành vi thiện. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9[35]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo, đến giờ, khoác y, cầm bát, vào thành khất thực. Lúc đó, các Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Chúng ta vào thành khất thực giờ này còn sớm. Giờ nên dẫn nhau đến chỗ của phạm-chí ngoại đạo[36].” Rồi số đông các Tỳ-kheo đi đến chỗ phạm-chí dị học.[37] Sau khi chào hỏi nhau xong, họ ngồi xuống một bên. Lúc đó ngoại đạo phạm-chí hỏi Sa-môn:

“Đạo sĩ Cù-đàm thường nói về dục luận,[38] sắc luận, thọ* luận, tưởng luận. Những luận như vậy có gì sai khác? Những gì chúng tôi luận cũng là những gì Sa-môn nói. Những gì Sa-môn nói cũng là những gì chúng tôi luận. Thuyết pháp giống như tôi thuyết pháp. Dạy dỗ giống như tôi dạy dỗ.”

Các Tỳ-kheo nghe những lời này xong, không nói đúng, cũng không nói sai, rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, vừa suy nghĩ, như vầy: “Chúng ta nên đem nghĩa nầy đến hỏi đức Thế Tôn.”

Các Tỳ-kheo sau khi ăn xong, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, các Tỳ-kheo đem nhân duyên đầu đuôi câu chuyện đã nghe từ chỗ Phạm-chí, bạch hết lên Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nếu phạm chí kia hỏi như vậy, các ngươi nên đem nghĩa nầy hỏi lại họ: ‘Dục có vị ngọt gì, lại có tai họa gì phải lìa bỏ dục?[39] Sắc có vị ngọt gì, lại có tai họa gì phải lìa bỏ sắc? Thọ có vị ngọt gì, lại có tai họa gì phải lìa bỏ thọ?’ Nếu các ngươi đem những lời nầy đáp lại câu hỏi của họ, các pham chí ấy sẽ lặng im không trả lời được. Giả sử có nói, cũng không thể giải thích nghĩa sâu xa nầy, mà còn tăng trưởng ngu hoặc, rơi vào ngõ cụt. Vì sao vậy? Vì chẳng phải cảnh giới của họ. Lại nữa, này Tỳ-kheo, Ma cùng Ma thiên, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương, Sa-môn, Bà-la-môn, người và phi nhân, ai mà có thể hiểu nghĩa sâu nầy, trừ [605a01] Như Lai Đẳng chánh giácThánh chúng của Như Lai, hay những người thọ giáo của Ta, những người nầy thì không luận đến.[40]

“Dục có vị ngọt gì? Đó chính là năm dục.[41] Những gì là năm? Sắc được thấy bởi mắt làm khởi nhãn thức, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích. Tiếng được nghe bởi, được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mịn láng được xúc bởi thân, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích. Khổ, lạc phát sinh từ trong năm dục này, đó gọi là vị của dục.

“Dục có tai họa gì? Ở đây, một thiện gia nam tử học các kỹ thuật để tự kinh doanh cho mình; hoặc học làm ruộng, hoặc học thư sớ, hoặc học làm thuê, hoặc học toán số, hoặc học cân dối, hoặc học chạm khắc, hoặc học thông tin qua lại, hoặc học hầu hạ vua, thân không lánh nắng mưa, mệt nhọc cần khổ, không được tự do. Làm những việc khổ cay nầy để thu hoạch sản nghiệp. Đó là tai họa lớn của dục. Khổ não trong đời này do ân ái này, đều do tham dục. Nhưng thiện gia nam tử kia lại làm việc cực khổ vậy mà không được của cải, trong lòng sầu lo khổ não không thể tính kể, tự suy nghĩ rằng, ‘Ta làm công lao này, bày các phương kế, mà không được tiền của.’ Các trường họp như vậy, nên nghĩ đến lìa bỏ. Đó là nên lìa bỏ dục. 

“Lại nữa, khi thiện gia nam tử kia, hoặc khi bày phương kế vậy mà được tiền của. Do được tiền của nên tìm đủ mọi cách thích hợp để luôn tự giữ gìn, sợ vua chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt. Lại nghĩ như vầy: ‘Ta muốn chôn dấu, nhưng sợ sau quên mất. Ta muốn xuất ra sinh lời lại sợ không thể giữ. Hay nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản của ta.’ Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này đưa đến tai biến này.

Lại nữa, thiện gia nam tử kia thường sanh tâm này, là muốn gìn giữ tài sản, sau đó vẫn bị quốc vương chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt; những thứ chôn dấu cũng lại không thể giữ. Ngay khi muốn xuất vốn kiếm lời cũng thu không được. Ở nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản. Tiền vạn không thu được một. Trong lòng sầu ưu, khổ não, đấm ngực kêu la: ‘Tiền của ta có trước kia nay mất tất cả!’ Người ấy trở nên ngu hoặc, tâm ý thác loạn. Cho nên, gọi dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này không đến vô vi được.

“Lại nữa, do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm dao gậy, công phạt lẫn nhau. Chúng đánh nhau, hoặc ở trước bầy voi, hoặc [605b02] ở trước bầy ngựa, hoặc ở trước bộ binh, hoặc ở trước xa binh; cho ngựa đấu ngựa, cho voi đấu voi, cho xe đấu xe, cho bộ binh đấu bộ binh; hoặc chém nhau, bắn nhau, hoặc đâm nhau. Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, vì dục là nguồn gốc đưa đến tai biến này.

“Lại nữa, do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm gậy, hoặc ở cửa thành, hoặc ở trên thành, chém nhau, bắn nhau, hoặc dùng dáo đâm, hoặc dùng bánh xe sắt nghiến đầu, hoặc tưới sắt nấu chảy, chịu đau đớn như vậy mà chết rất nhiều.

“Lại nữa, dục cũng không có thường, tất cả thay nhau biến đổi không ngừng. Không hiểu rõ dục này biến đổi vô thường, thì đây gọi dục là tai hoạn lớn.

“Sao phải lìa bỏ dục? Nếu ai hay tu hành trừ tham dục;[42] đó gọi là bỏ dục. 

“Các sa-môn, bà-la-môn mà không như thật biết tai hoạn lớn của dục, cũng lại không biết nguyên do xả ly dục; không biết sa-môn, oai nghi của sa-môn, không biết bà-la-môn, oai nghi của bà-la-môn, những người ấy chẳng phải là sa-môn, chẳng phải bà-la-môn, cũng lại không thể tự thân tác chứng mà tự an trú[43]. Nghĩa là các sa-môn, bà-la-môn mà xét biết dục là tai hoạn lớn, xa lìa dục, như thật không hư dối, biết sa-môn có oai nghi của sa-môn, biết bà-la-môn có oai nghi của bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú*. Đó là lìa bỏ dục.

“Sao gọi là vị ngọt của sắc? Khi nó thấy con gái dòng sát-lợi, con gái dòng bà-la-môn, con gái dòng trưởng giả, tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, không cao, không thấp, không mập, không ốm, không trắng, không đen, xinh đẹp vô song, hiếm có ở đời; vừa mới thấy nhan sắc ấy, nó liền khởi tưởng yêu thích. Đó gọi là vị của sắc.

“Sao gọi sắc là tai hoạn lớn? Lại nữa, sau nếu lại thấy người con gái kia, tuổi đã tám mươi, chín mươi, cho đến trăm tuổi, nhan sắc đổi khác, qua tuổi thiếu, tráng niên, răng rụng, tóc bạc, thân thể cáu ghét, da dùn, mặt nhăn, lưng khòm, rên rỉ, thân như xe cũ, hình dáng run rẩy, chống gậy mà đi. Thế nào, các Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy ban đầu, sau lại thấy đổi khác, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, ở đây nếu thấy người con gái kia thân mang trọng bịnh, nằm trên giường, đại tiểu tiện không thể đứng dậy. [605c01] Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy trước kia, nay trở nên bệnh này; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo: 

“Các Tỳ-kheo, đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu lại thấy người con gái kia, thân hoại mạng chung, được đem đến gò mả. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp trước kia đã thấy, nay đã biến đổi; ở trong đó mà tưởng khổ lạc; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp rằng:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo: 

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy người con gái kia, chết qua một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, cho đến bảy ngày; thân thể sình chướng, rữa thối, tan rã, rơi vãi một nơi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp có trước kia, đến nay thay đổi đến như vậy; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy người con gái kia, bị quạ, chim khách, kên kên, tranh nhau đến ăn thịt; hoặc bị beo, chó, sói, hổ, thấy mà ăn thịt; hoặc các loài trùng ngọ nguậy rất nhỏ, biết bò, bay, động đậy, thấy mà ăn thịt. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia vốn có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, thân bị trùng quạ đã ăn nửa, ruột, dạ dày, thịt, máu, ô uế bất tịnh. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp mà trước kia cô ấy có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ còn hài cốt liền nhau. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ có gân quấn ràng như bó củi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt tan rã mỗi nơi, hoặc xương chân một chỗ, hoặc xương tay một chỗ, hoặc [606a01] xương đùi một chỗ, hoặc xương hông một chỗ, hoặc xương sườn một chỗ, hoặc xương bả vai một chỗ, hoặc xương cổ một chỗ, hoặc đầu lâu một chỗ. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, xương cốt bạc trắng, hoặc giống sắc bồ câu. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt trải qua nhiều năm, hoặc bị mục nát, tan rã, giống như màu đất. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Lại nữa, sắc nầy vô thường biến đổi, không được lâu dài, không được bền vững[44]. Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

“Sao gọi sắc là xuất yếu[45]? Nếu hay lìa nơi bỏ sắc, trừ các loạn tưởng. Đó là lìa bỏ nơi sắc.[46] Những sa-môn, bà-la-môn mà đăm trước sắc nơi sắc, không như thật biết tai hoạn lớn, cũng không biết xả ly, đó không phải là sa-môn, bà-la-môn; đối với sa-môn mà không biết oai nghi của sa-môn, đối với bà-la-môn mà không biết oai nghi của bà-la-môn, không thể tự thân tác chứng mà tự an trú*. Nghĩa là các sa-môn, bà-la-môn mà không đắm trước sắc ở nơi sắc; biết rõ sâu xa đại hoạn, biết xả ly, những người ấy ở nơi sa-môn mà biết oai nghi của sa-môn, ở nơi bà-la-môn biết oai nghi của bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú*. Đó gọi là lìa bỏ đối sắc.

“Sao gọi là vị của thọ*? Ở đây, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, biết rằng ta có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, biết rằng ta có cảm thọ khổ. Khi có cảm thọ không khổ không lạc, biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc. Khi có cảm thọ lạc vật dục,[47] biết rằng ta có cảm thọ lạc vật dục. Khi có cảm thọ khổ vật dục,* biết rằng ta có cảm thọ khổ do ăn. Khi có cảm thọ không khổ không lạc do ăn,* biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc do ăn. Khi có [6b01] cảm thọ khổ phi vật dục,[48] biết rằng ta có cảm thọ khổ phi vật dục *. Khi có cảm thọ lạc phi vật dục,* biết rằng ta có cảm thọ lạc không do ăn. Khi có cảm thọ không khổ không lạc phi vật dục,* biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc phi vật dục *. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, khi ấy không có cảm thọ khổ, cũng lại không có cảm thọ không khổ không lạc; bấy giờ ta chỉ có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, khi ấy không có cảm thọ lạc, cũng lại không có cảm thọ không khổ không lạc, chỉ có cảm thọ khổ. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ không khổ không lạc, khi ấy không có cảm thọ lạc và cảm thọ khổ, mà chỉ có cảm thọ không khổ không lạc. 

“Lại nữa, thọ* là pháp vô thường biến đổi. Vì biết thọ* là pháp vô thường biến đổi, cho nên gọi thọ là tai hoạn lớn.

“Sao gọi thọ là xuất yếu? Nếu hay xả ly thọ nơi thọ, trừ các loạn tưởng.[49] Đó gọi là lìa bỏ đối cảm giác. Những sa-môn, bà-la-môn nào mà đắm trước thọ nơi thọ, không biết tai hoạn lớn, cũng không lìa bỏ, không như thật biết; những người ấy chẳng phải sa-môn, bà-la-môn. Ở nơi sa-môn không biết oai nghi của sa-môn. Ở nơi bà-la-môn không biết oai nghi của bà-la-môn. Không thể tự thân chứng, mà tự an trú*. Những sa-môn, bà-la-môn nào mà không đắm trước thọ nơi thọ, biết rõ sâu xatai hoạn lớn, hay biết xả ly, những người ấy ở nơi sa-môn mà biết oai nghi của sa-môn; ở nơi bà-la-môn mà biết oai nghi của bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú*. Đó gọi là xả ly thọ. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có sa-môn, bà-la-môn nào không biết cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc; không như thật biết, nhưng lại giảng dạy ngưới khác khiến thực hành. Điểu này không xảy ra. Nếu có sa-môn, bà-la-môn nào có thể xả ly thọ, như thật biết, lại khuyên dạy người xả ly. Điều này có xảy ra. Đó gọi là xả ly nơi thọ.

“Các Tỳ-kheo, nay Ta đã nói về sự đắm trước dục, vị của dục, dục là tai hoạn lớn, lại có thể xả ly; cũng nói về đắm trước sắc, vị của sắc, sắc là tai hoạn lớn, có thể xả ly sắc. Đã nói về sự đắm trước thọ, vị của thọ, thọ là tai hoạn lớn, có thể xả ly thọ.

“Những gì các Như Lai cần làm, những gì cần thi thiết, nay Ta đều đã chu tất. Các người hãy thường suy niệm ở dưới gốc cây, trong rừng vắng, thiền tọa tư duy, chớ có giải đãi. Đó là giáo sắc của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
[606c01]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba thứ không chắc thật. Những gì là ba? Thân không chắc thật, mạng không chắc thật, tài không chắc thật. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là ba thứ không chắc thật.

“Ở đây, Tỳ-kheo, trong ba thứ không chắc thật, hãy phương tiện tìm cầu làm thành ba thứ chắc thật. Những gì là ba? Thân không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật. Mạng không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật. Tài không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật. 

“Sao gọi là thân không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Nghĩa là khiêm nhường, cung kính, lễ bái, tùy lúc thăm hỏi. Đây là thân không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật. 

“Sao gọi là mạng không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Ở đây, thiện nam tử, thiện nữ nhân suốt đời không sát sanh, không dùng dao gậy, thường biết tàm quí, có tâm từ bi, nghĩ khắp tất cả chúng sanh; suốt đời không trộm cắp, thường niệm bố thí, tâm không ý tưởng keo lẫn; suốt đời không dâm dật, cũng không thông dâm vợ người; suốt đời không vọng ngữ, thường nghĩ đến chí thành không khi dối người đời; suốt đời không uống rượu, ý không tán loạn, giữ giới cấm của Phật. Đó gọi là mạng không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật.

“Sao gọi là tài không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Thiện nam tử, thiện nữ nhân thường niệm bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, các hàng nghèo khó. Người cần ăn thì cho ăn, cần nước uống cho nước uống, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh, nhà cửa thành quách, những thứ gì cần đều đem cho hết; tài sản không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật là như vậy.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có ba thứ không chắc thật này, tìm cầu nơi ba thứ chắc này.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Biết thân không chắc thật;

Mạng cũng không kiên cố;

Tài sản, pháp suy mòn;

Người nên cầu chắc thật.

Thân người thật khó được;

Mạng cũng chẳng dài lâu;

Tài sản cũng hủy hoại;

Hoan hỷ niệm bố thí.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Thứ nhất đức, phước nghiệp,

Ba nhân, ba an, sợ,

Ba đêm, bệnh, ác hành,

Trừ khổ, không chắc thật.

22. PHẨM BA CÚNG DƯỜNG

KINH SỐ 1
[607a01] Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba người, xứng đáng được người đời cúng dường. Ba người ấy là ai? Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, xứng đáng được người đời cúng dường. Đệ tử của đức Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường. Chuyển luân Thánh vương, xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà Như Lai xứng đáng được người đời cúng dường? Như Lai điều phục những ai chưa được điều phục, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến thành Niết-bàn những ai chưa bát-niết-bàn, cứu hộ những ai chưa được cứu hộ, làm con mắt cho những ai mù mắt. Như Lai là tối tôn đệ nhất, là ruộng phước tối tôn, đáng kính, đáng quý giữa Ma, hoặc Ma thiên, trời và người, làm đạo sư hướng dẫn loài người biết con đường chánh, thuyết đạo giáo cho những ai chưa biết đạo. Do nhân duyên này, Như Lai là xứng đáng được người đời cúng dường.

“Có nhân duyên gì mà đệ tử của Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường? Tỳ-kheo nên biết, A-la-hán lậu tận đã vượt qua được dòng sanh tử, không còn tái sinh, đã đắc pháp vô thượng; dâm, nộ, si vĩnh viễn diệt tận không còn, là ruộng phước của đời. Do nhân duyên này, A-la-hán lậu tận xứng đáng được người đời cúng dường.

“Lại nữa, do nhân duyên gì mà Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường? Các Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân Thánh vương dùng pháp để trị hóa, trọn không sát sanh, lại dạy dỗ người khiến không sát sanh; tự mình không trộm cắp và cũng dạy người khác không trộm cắp; tự mình không dâm dật và dạy người khác không dâm dật; tự mình không nói vọng ngữ và dạy người khác không vọng ngữ; tự mình không nói hai lưỡi đấu loạn kia-đây, lại cũng dạy người khác khiến không nói hai lưỡi; tự mình không ganh ghét, sân, si, lại dạy người khác cũng không tập pháp này; tự hành theo chánh kiến và dạy người khác không hành theo tà kiến. Do nhân duyên này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan: 

“Có ba thiện căn không thể cùng [607b01] tận, đưa dần đến Niết-bàn giới. Những gì là ba? Gieo trồng công đức ở nơi Như Lai, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Chánh pháp, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Thánh chúng, thiện căn nầy không thể cùng tận. Này A-nan, đó gọi là có ba thiện căn không cùng tận này, đưa đến Niết-bàn giới. Cho nên A-nan, hãy tìm cầu phương tiện để đạt được phước không thể cùng tận này. 

“A-nan, hãy học tập điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba thọ* này. Những gì là ba? Đó là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không khổ không lạc.[50]

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, cảm thọ lạc kia là sứ giả của ái dục. Cảm thọ khổ kia là sứ giả của sân nhuế sai khiến. Cảm thọ không khổ không lạc kia là sứ giả của si. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học phương tiện tìm cầu diệt các sứ giả này. Vì vậy, các ngươi hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Các Tỳ-kheo nên biết, sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nào tự niệm nhiệt hành tu hành pháp này, đắc pháp vô tỷ, người ấy chính là đệ nhất Thanh văn.

“Thế nào, Tỳ-kheo, hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Ở đây, Tỳ-kheo tự quán thân nơi nội thân, tự quán thân nơi ngoại thân, tự quán thân nơi ngoại thân mà tự an trú*; quán nội thọ, quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ; quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp tự an trú*. 

“Như vậy Tỳ-kheo, hãy tự nỗ lực tu hành pháp ấy, đắc pháp vô tỷ. Những Tỳ-kheo nào thực hành pháp nầy, người ấy là đệ tử bậc nhất ở trong hàng Thanh văn

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo: 

“Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.[51] Những gì là ba? Một là nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Hai là chú thuật bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Ba là nghiệp của tà kiến, [607c01] che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

“Lại có ba sự mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.[52] Những gì là ba? Mặt trời, mặt trăng, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Pháp ngữ của Như Lai, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nữ nhân cùng chú thuật,

Tà kiến hành bất thiện:

Đây ba pháp ở đời

Che dấu thì rất tốt.

Nhật, nguyệt chiếu khắp nơi;

Lời chánh pháp Như Lai:

Đây ba pháp ở đời

Hiện bày là đẹp nhất.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy hiển bày pháp Như Lai, chớ để che khuất

“Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba tướng hữu vi của hữu vi. Những là ba? Biết nó sinh khởi; biết nó biến thiên; biết nó diệt tận.[53] 

“Sao gọi đó là biết nó sinh khởi? Biết nó sanh, nó lớn, thành hính năm uẩn, đạt đến các giới và xứ[54]. Đó gọi là biết nó sinh khởi

“Sao gọi là nó diệt tận? Nó chết, mạng đã qua, không tồn tại, vô thường, các uẩn tan hoại, dòng họ chia lìa, mạng căn cắt dứt. Đó gọi là biết diệt tận. 

“Sao gọi là nó biến dịch? Răng rụng, tóc bạc, khí lực hao mòn, tuổi cao sức yếu, thân thể rã rời. Đó gọi là biệt pháp biết pháp biến dịch’. 

“Tỳ-kheo, đó là ba tướng hữu vi của hữu vi. Nên biết ba tướng hữu vi của hữu vi nầy. Hãy khéo phân biệt.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Người ngu có ba tướng, ba pháp không thể trông cậy.[55] Ba pháp gì? Ở đây, điều mà người ngu không nên tư duy mà cứ tư duy; điều không nên luận nói mà cứ luận thuyết; điều không nên hành mà cứ tu tập.

“Thế nào là người ngu tư niệm điều không nên tư duy? Ở đây, người ngu khởi ba hành của ý, rồi tư duy, ức niệm. Những gì là ba? [608a01] Người ngu khởi tâm ganh tị tài sảnnữ sắc nơi người khác, tâm nghĩ lời ác làm trổi dậy tâm ganh ghét, rằng ‘Mong những cái mà người ấy có thuộc về ta.’ Như vậy người ngu tư duy điều không nên tư duy.

“Thế nào là người ngu luận thuyết điều không nên luận thuyết? Ở đây, người ngu gây bốn tội lỗi nơi miệng. Những gì là bốn? Người ngu thường thích vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Người ngu bốn tội lỗi nơi miệng như vậy.

“Thế là người ngu tạo các hành vi ác? Ở đây, người ngu tạo hành vi ác bởi thân, thường nghĩ đến sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Người ngu có hành vi xấu ác như vậy. 

“Như vậy, Tỳ-kheo, người ngu có ba hành tích nầy, người ngu si tập hành ba sự nầy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có ba sự cần được niệm tưởng tu hành. Những gì là ba? Ở đây, người trí tư duy điều đáng tư duy; luận thuyết điều đáng luận thuyết; hành thiện điều đáng tu hành thiện.

“Thế nào là người trí tư duy điều đáng tư duy? Ở đây, người trí tư duy ba hành vi của ý. Những gì là ba? Người trí không ganh ghét, oán giận, si mê; thường hành chánh kiến, thấy tài sản của người khác không sanh tưởng niệm. Như vậy, người trí tư duy điều đáng tư duy.

“Thế nào là người trí luận thuyết điều đáng luận thuyết? Ở đây, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. Những gì là bốn? Người trí không nói dối, cũng không dạy người khác nói dối, thấy người nói dối, ý không hoan hỷ. Đó gọi là người trí giữ gìn miệng mình. Lại nữa, người trí không nói thêu dệt, ác khẩu, tranh loạn kia đây, cũng không dạy người khiến nói thêu dệt, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Như vậy, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. 

“Thế nào là người trí thành tựu ba hành vi của thân? Ở đây, người trí tư duy thân hành không có điều gì xúc phạm; song người trí lại tự mình không sát sanh, cũng không dạy bảo người sát sanh, thấy người khác giết hại, tâm không hoan hỷ; tự mình không trộm cắp, không dạy bảo người trộm cắp, thấy người khác trộm cắp tâm không hoan hỷ; cũng không dâm dật, thấy nữ sắc của kẻ khác tâm không khởi tưởng, cũng không dạy bảo người khiến hành dâm dật. Nếu thấy người già thì xem như mẹ, người vừa như chị, người nhỏ như em, ý không cao thấp. Người trí đã thành tựu ba hành của thân như vậy. 

“Đó gọi là những hành tích của người trí. 

“Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba tướng hữu vi này của hữu vi. [608b01] Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xả ly ba tướng của người ngu. Chớ nên phế bỏ ba điều sở hành của người trí. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 7
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, vì không được giác tri, không được thấy, không được nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Những gì là ba? Đó là giới Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền Thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe. Nay, như thân Ta, cùng với các ngươi, thảy đều giác tri cấm giới Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền thánh, thảy đều thành tựu, nên không còn tái sinh nữa, đã đoạn nguồn gốc sanh tử. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tu hành ba pháp này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp rất đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Ba pháp gì? Trẻ khỏe là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Không bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tuổi thọ bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

“Lại nữa Tỳ-kheo, tuy có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham đắm này, nhưng lại có ba pháp không đáng mền yêu mà người đời không tham muốn. Ba pháp gì? Tỳ-kheo nên biết, tuy có trẻ khỏe, nhưng ắt sẽ già, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có không bệnh, song tất sẽ bệnh, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Tỳ-kheo nên biết, tuy có sống lâu, song tất sẽ chết, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, tuy có trẻ khỏe, nhưng phải tìm cầu cái không già, đến Niết-bàn giới. Tuy có không bệnh, nhưng phải tìm cầu phương tiện để không có cái bệnh. Tuy có sống lâu, nhưng hãy [608c01] tìm cầu phương tiện để không bị chết. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 9
 Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Giống như mùa Xuân, trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sanh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao vậy? Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sanh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, trạo cử[56]. Bị ba sự nầy quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác

“Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự an trú*.[57] Ba pháp gì? Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình. Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình. Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên nầy khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sanh vào ba đường dữ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp nầy.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Ganh tị, ngủ, trạo cử;

Tham dục là pháp ác 

Lôi người vào địa ngục,

Cuối cùng không giải thoát.

Vì vậy phải lìa bỏ

Ganh tị, ngủ, trọ cử.

Và cũng xả bỏ dục,

Đừng tạo hành ác kia.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tránh xa sự ganh tị, không có tâm keo kiệt, thường hành huệ thí, không ham ngủ nghỉ, thường hành không nhiễm,[58] không đắm tham dục

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba pháp nầy, tập hành chúng, thân cận chúng, không hề biết chán đủ, lại cũng không thể đến chỗ tĩnh chỉ. Những gì là ba? Đó là tham dục, mà người nào tập pháp nầy, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập uống rượu, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập ngủ nghỉ, ban đầu không chán đủ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có người tập ba pháp nầy, ban đầu không chán đủ, lại cũng không thể đến nơi diệt tận. Cho nên, Tỳ-kheo, thường phải lìa bỏ ba pháp nầy, không gần gũi nó. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.” 

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

Kệ tóm tắt:

Cúng dường, ba thiện căn,

Ba thọ, ba khuất lộ,

Tướng, pháp, ba bất giác,

Mến yêu, xuân, không đủ.[59]

23. PHẨM ĐỊA CHỦ 

KINH SỐ 1
[609a14] Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bảo các quần thần:

“Các ngươi hãy mau chỉnh bị xe có gắn lông chim.[60] Ta muốn đến chỗ đức Thế Tôn, lễ bái thăm hỏi.”

Tả hữu vâng lệnh vua, chỉnh bị xe có gắn lông chim* xong, liền tâu vua: 

“Đã chỉnh bị xong, nay đã đến lúc.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền lên xe có gắn lông chim*, có vài nghìn người đi bộ và cỡi ngựa, vây quanh trước sau, ra khỏi nước Xá-vệ, đến tinh xá Kỳ-hoàn, đến chỗ đức Thế-tôn. Như phép của các vua, cởi bỏ năm món nghi trương, đó là: lọng, mũ, kiếm, giày và quạt vàng,[61] để hết một bên, vua đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết cho pháp thâm diệu cho vua, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe thuyết pháp, bạch Thế Tôn:

“Cúi mong đức Thế Tôn nhận thỉnh cầu ba tháng[62] của con, cùng Tỳ-kheo Tăng không ở nơi khác.” 

Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của vua Ba-tư-nặc. Khi vua Ba-tự-nặc thấy đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi. 

Về đến thành Xá-vệ, vua ra lệnh các quần thần: 

“Ta muốn cúng dường phạn thực cho Phật và Tỳ-kheo Tăng ba tháng, cung cấp những vật cần dùng, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, [609b01] các ngươi cũng nên phát tâm hoan hỷ.”

Quần thần đáp:

“Xin vâng.”

Vua Ba-tư-nặc cho xây dựng đại giảng đường ở ngoài cửa cung, cực kỳ đẹp đẽ, treo lụa là, tràng phan, dù lọng, trỗi nhạc hát múa, không thể kể. Lập các hồ tắm, bày biện nhiều đèn dầu, dọn nhiều thức ăn, có đến trăm vị. Rồi vua Ba-tư-nặc liền đến bạch: 

“Đã đến giờ, cúi xin đức Thế Tôn quang lâm đến nơi này.”

Bấy giờ Thế Tôn thấy đã đến giờ, đắp y cầm bát, dẫn các Tỳ-kheo Tăng, vây quanh trước sau, vào thành Xá-vệ, đến chỗ giảng đường kia. Đến rồi, vào chỗ ngồi mà ngồi, và các Tỳ-kheo Tăng theo thứ tự cũng ngồi.

Khi đó, vua Ba-tư-nặc hướng dẫn các cung nhân, tự tay mang thức ăn, và cung cấp những thứ cần dùng, cho đến ba tháng mà không có gì thiếu hụt; cung cấp các thứ áo chăn, cơm nước, giường chiếu, thuốc trị bịnh.

Thấy Thế Tôn ăn xong, vua đem các thứ hoa rải lên Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng, rồi lấy ghế nhỏ ngồi ở trước Như Lai, bạch Thế Tôn

“Con đã từng nghe từ Phật, do nhờ nhân duyên bố thí cho súc sanh ăn mà được phước gấp trăm; cho người phạm giới ăn được phước gấp ngàn; cho người trì giới ăn được phước gấp vạn; cho Tiên nhân đoạn dục ăn được phước gấp ức; cho vị Tu-đà-hoàn hướng ăn được phước không thể tính kể, huống lại là vị thành Tu-đà-hoàn ư? Huống chi là vị hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm, huống chi vị hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm, huống chi vị A-la-hán hướng, đắc A-la-hán quả, huống chi vị Bích-chi-phật hướng, đắc Bích-chi-phật quả, huống chi bậc hướng Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, huống chi bậc thành Phật và Tỳ-kheo Tăng, công đức phước báu đó không thể tính kể. Những việc làm công đức hiện tại của con, hôm nay đã xong.”

Thế Tôn bảo:

“Đại vương, chớ nói như vậy! Làm phước không nhàm chán, sao hôm nay lại nói đã làm xong? Vì sao như vậy? Vì sanh tử lâu dài không thể kể.

“Quá khứ lâu xa có vua tên là Địa Chủ, thống lãnh cõi Diêm-phù này. Vua đó có vị đại thần tên là Thiện Minh, ngay từ thiếu thời đã quanh quẩn bên vua không hề sợ khó. Sau đó, vua kia chia nửa cõi Diêm-phù cho vị đại thần đó trị. Khi đó, tiểu vương Thiên Minh tự xây thành quách, dọc mười hai do tuần, ngang bảy do tuần, đất đai phì nhiêu, Nhân dân đông đúc.

“Bấy giờ, thành đó tên là Viễn chiếu. Đệ nhất phu nhân của vua Thiện Minh tên là Nhật Nguyệt Quang, không cao, không thấp, [609c01] không mập, không gầy, không trắng, không đen, nhan sắc xinh đẹp, hiếm có trên đời, miệng tỏa mùi hương hoa ưu-bát, thân thơm hương chiên-đàn. Một thời gian sau, bà mang thai. Vị phu nhân đó liền đến tâu vua rằng, ‘Nay thần thiếp có thai.’

“Vua nghe lời này, vui mừng hớn hở, không thể kiềm được, liền sai kẻ hầu cận, bày biện giường chiếu cực kỳ khoái lạc. Phu nhân mang thai đủ ngày, sanh một nam nhi. Lúc đương sanh, đất cõi Diêm-phù hiện rực sáng màu vàng, tướng mạo xinh đẹp, đủ ba mươi hai tướng tốt, thân thể sắc vàng. Đại vương Thiện Minh thấy thái tử này, hoan hỳ phấn khởi, mừng rỡ khôn lường, liền triệu các thầy đạo sĩ bà-la-môn, tự bồng thái tử đến để họ xem tướng, ‘Nay ta đã sanh thái tử. Các khanh hãy xem tướng giúp ta, rồi đặt cho tên.’

“Khi đó, các thầy tướng vâng lịnh vua. Họ cùng bồng, xem xét tướng mạo, rồi cùng nhau tâu vua, ‘Thánh vương Thái tử đoan chánh vô song. Các căn đầy đủ. Có ba mươi hai tướng tốt. Nay Vương tử này, sẽ có hai đường hướng: Nếu ở nhà sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, đầy đủ bảy báu. Bảy báu gồm có: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là bảy báu. Vua sẽ có một ngàn người con, dõng mãnh cang cường, có thể dẹp quân địch, ở trong bốn biển này, không cần đao trượng mà tự nhiên khuất phục. Hoặc Vương tử này sẽ xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chánh giác, danh đức vang xa, khắp cả thế giới. Ngay ngày sinh Vương tử này, ánh sáng chiếu xa, nay đặt tên Vương tử là Đăng Quang.’ Các thầy tướng sau khi đặt tên xong, họ rời chỗ ngồi mà đi.

“Nhà vua suốt ngày bồng thái tử, không hề rời mắt. Rồi vua xây cho vương tử nầy ba giảng đường thích hợp với ba mùa Thu, Đông và Hạ. Cung nhân thể nữ đầy cả trong cung. Sau đó để cho thái tử của ông ở đó vui chơi.

“Khi vương thái tử được hai mươi chín tuổi, bằng tín tâm kiên cố, xuất gia học đạo. Ngày xuất gia, ngay đêm đó thành Phật

“Bấy giờ, khắp cõi Diêm-phù-đề đều nghe biết, thái tử của vua kia xuất gia học đạo, ngay ngày ấy thành Phật. Sáng sớm phụ vương nghe vương thái tử xuất gia học đạo, ngay đêm đó thành Phật. Vua liền nghĩ rằng: ‘Đêm qua ta nghe chư thiên trên không thảy đều ca tụng tốt lành. Đây tất là điềm lành, chứ không phải là tiếng vang xấu. Nay ta hãy đi [610a01] gặp gỡ.’

“Rồi vua dẫn bốn mươi ức nam nữ vây quanh, đi đến chỗ Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức người cũng làm lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó Như Lai lần lượt thuyết các đề tài vi diệu cho phụ vương và bốn mươi ức người. Các đề tài đó là luận về thí, luận về giới, luận về sanh thiên, dục là ô uế, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất giacon đường xuất yếu, đạt được quả báo thanh tịnh

“Bấy giờ, Như Lai quán sát tâm ý của chúng sanh này, tâm tánh đã hòa dịu, bèn như phápchư Phật Như Lai thường thuyết, nói về khổ, tập, diệt, đạo; Ngài cũng vì bốn mươi ức người mà nói rộng hết nghĩa này. Ngay trên chỗ ngồi, họ sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Khi đó, bốn mươi ức người bạch đức Đăng Quang Như Lai, ‘Chúng con muốn cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo.’ 

“Đại vương nên biết, bấy giờ, hết thảy bốn mươi ức người được xuất gia học đạo, ngay trong ngày đó thảy đều thành A-la-hán.

“Bấy giờ, đức Đăng Quang Như Lai dẫn bốn mươi ức người đều là bậc Vô trước,[63] du hành trong nước này. Nhân dân trong nước cúng dường tứ sự, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, không thiếu hụt một thứ gì. 

“Khi đó, Đại vương Địa Chủ nghe Đăng Quang thành vô thượng chánh chân, Đẳng chánh giác, đang dẫn bốn mươi ức người đều là bậc Vô trước, du hành trong nước kia. Vua nghĩ, ‘Nay ta sai tín sứ đến thỉnh Như Lai sang du hóa ở đây. Nếu Ngài đến, bổn nguyện của ta thỏa mãn. Nếu không đến, ta đích thân đến lễ lạy, thăm hỏi.’ Vua liền sai một vị đại thần, ‘Ngươi đến đó, nhân danh ta đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Như Lai, đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khoẻ không? Hãy thưa: Vua Địa Chủ thăm hỏi Như Lai, đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Cúi xin Thế Tôn chiếu cố chốn nầy.’

“Người đó vâng lệnh vua đi đến đất nước kia. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa như vầy: ‘Đại vương Địa Chủ lễ sát chân Như Lai. Lễ xong thăm hỏi đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Cúi xin Thế Tôn chiếu cố nước này.’

“Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu ấy. Rồi Như Lai Đăng Quang dẫn đại chúng, lần lượt du hành trong dân gian, cùng với bốn mươi ức đại Tỳ-kheo, ở bất kỳ nơi nào cũng đều được cung kính, cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc men trị bệnh. Như Laiđại chúng đi lần đến nước Địa Chủ. 

“Đại vương Địa Chủ nghe Đăng Quang Như Lai đến nước mình, hiện đang ở trong vườn [610b01] Bà-la phía Bắc, dẫn bốn mươi ức đại Tỳ-kheo. Vua nghĩ, ‘Nay ta nên đích thân đến nghinh đón.’

“Khi đó, đại vương Địa Chủ cũng lại dẫn bốn mươi ức người đến chỗ đức Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, vua đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức người lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

“Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang lần lượt trực tiếp nói các đề tài vi diệu cho vua cùng với bốn mươi ức người nghe. Ngài nói về thí, về giới, về sanh thiên, về dục là ô uế, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất giacon đường xuất yếu, đạt được quả báo thanh tịnh

“Như Lai quán sát tâm ý của chúng sanh này, tâm tánh đã hòa dịu, bèn như phápchư Phật Như Lai thường thuyết, nói về khổ, tập, diệt, đạo; Ngài cũng vì bốn mươi ức người mà nói rộng hết nghĩa này. Ngay trên chỗ ngồi, họ sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Khi đó bốn mươi ức người bạch Như Lai Đăng Quang rằng, ‘Chúng con có ý muốn cạo bảo râu tóc, xuất gia học đạo.’

“Đại vương nên biết, bấy giờ cả thảy bốn mươi ức người đều được xuất gia học đạo. Ngay ngày hôm ấy, họ thảy đều đắc đạo, thành A-la-hán. Khi đó quốc vương Địa Chủ từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ sát chân Phật rồi thối lui ra về.

“Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang dẫn tám mươi vạn ức người đều là A-la-hán, du hành trong nước. Nhân dân trong nước cúng dường tứ sự, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh, cung cấp mọi thứ, không gì thiếu hụt

“Thời gian sau, quốc vương Địa Chủ lại dẫn các quần thần đến chỗ đức Như Lai đó, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, đức Như Lai Đăng Quangquốc vương kia thuyết pháp vi diệu. Quốc vương Địa Chủ bạch đức Như Lai rằng, ‘Cúi xin đức Thế Tôn cho con được suốt đời cúng dường Ngài và Tỳ-kheo Tăng, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc mên trị bệnh, sẽ không có gì thiếu hụt.’ 

“Như Lai Đăng Quang im lặng nhận lời thỉnh cầu của vua kia. Khi vua thấy đức Phật im lặng nhận thỉnh, lại tiếp bạch Thế Tôn, ‘Nay con có điều cầu nguyện từ Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn chấp nhận.’ Thế Tôn bảo, ‘Pháp của Như Lai siêu quá nguyện này.’[64] Vua bạch Thế Tôn, ‘Nguyện cầu của con hôm nay rất là tịnh diệu.’ Thế Tôn bảo, ‘Những điều nguyện cầu tịnh diệu ấy là gì?’ Vua bạch Thế Tôn, ‘Như ý của con, hôm nay chúng tăng ăn bằng bát này, ngày mai ăn dùng bát khác; hôm nay chúng tăng mặc y phục này, ngày mai mặc y phục khác; hôm nay chúng tăng ngồi tòa này, ngày mai ngồi tòa khác; hôm nay sai [610c01] người này đến hầu chúng tăng, ngày mai thay đổi người khác đến hầu chúng tăng. Những điều mà con cầu mong chính là như vậy.’ Như Lai Đăng Quang bảo, ‘Tùy ý nguyện của vua. Nay là lúc thích hợp.”

Đại vương Địa Chủ vui mừng hớn hở không thể tự chế, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi thối lui, trở về cung. 

“Về đến nơi, vua bảo các quần thần, ‘Nay ta phát tâm trọn đời cúng dường Như Lai Đăng Quang, Chí chân, Đẳng chánh giác và chúng Tỳ-kheo, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Ta khuyên các khanh cũng nên giúp ta lo việc cúng dường.’ Các đại thần đáp, ‘Như lời Đại vương dạy.’ 

“Cách thành không bao xa, trong vòng một do tuần, vua cho xây dựng giảng đường chạm trổ điêu khắc, năm màu rực rỡ, treo màn, tràng phan, dù lọng, trổi nhạc hát múa, rưới hương trên đất, sửa sang hồ tắm, bày đủ thứ đèn đuốc, sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt, bày biện chỗ ngồi. Rồi đến cho biết đã đến giờ, bạch, ‘Bây giờ, đã đúng giờ, xin Thế Tôn chiếu cố.’

“Như Lai biết đã đến giờ, khóac y cầm bát, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh, đi đến chỗ giảng đường. Mọi người ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi đại vương Địa Chủ thấy đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng ngồi xong, dẫn cung nhân thể nữ và các quan đại thần, tự tay rót nước, bưng sớt nhiều đồ ăn thức uống, có đến trăm vị.

“Đại vương nên biết, khi ấy quốc vương Địa Chủ cúng dường Như Lai Đăng Quang và tám mươi ức vị A-la-hán trong vòng bảy vạn năm, chưa từng lười bỏ. Khi đức Như Lai đó giáo hóa khắp tất cả xong, bèn nhập Niết-bàn ở trong vô dư Niết-bàn giới.

“Khi đó, đại vương Địa Chủ dùng hàng trăm thứ hoa thơm cúng dường. Rồi ở các ngả tư đường dựng bốn tháp lớn. Mỗi tháp được làm bằng bảy báu, vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh; treo lụa, phướn, dù lọng. Tám mươi ức A-la-hán cũng lần lượt nhập Niết-bàn ở trong vô dư Niết-bàn giới. Bấy giờ đại vương thâu lấy xá-lợi của tám mươi ức vị đó, thảy đều xây tháp, treo lụa, phướn, dù lọng, cúng dường hoa thơm.

“Đại vương nên biết, bấy giờ đại vương Địa Chủ lại cúng dường tháp Như Lai Đăng Quang và tám mươi ức A-la-hán. Rồi trải qua bảy vạn năm, tùy thời cúng dường, đốt đèn, rải hoa, treo lụa, phan, cái.

“Đại vương nên biết, giáo pháp Như Lai Đăng Quang truyền lại bị diệt tận, sau đó vị vua này mới diệt độ.

“Đại vương Địa Chủ lúc bấy giờ há là ai khác chăng? Đừng nghĩ vậy, Vì sao? Đại vương Địa Chủ lúc bấy giờ chính là [611a01] thân Ta. Ta lúc bấy giờ, trong bảy vạn năm, đem các thứ y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, cúng dường Phật đó, không để giảm thiếu. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, lại trong bảy vạn năm cúng dường hình tượng xá-lợi, thắp hương, đốt đèn, treo lụa, phướn, dù lọng, không thứ gì thiết hụt. Vào lúc bấy giờ, Ta đem công đức này cầu hưởng phước lành trong sanh tử, không cầu giải thoát

“Đại vương nên biết, phước lành có được lúc bấy giờ, nay có còn lại gì chăng? Đừng nghĩ vậy! Như hôm nay Ta xem thấy sự giàu có kia không còn mảy may nào như lông tóc. Vì sao vậy? Sanh tử triền miên không thể kể được, ở trong đó tất đã hưởng hết phước, không còn mảy may nào như sợi tóc. Cho nên Đại vương đừng nói như vầy, ‘Phước lành mà ta làm hôm nay đã xong.’ Đại vương nên nói như vầy, ‘Những gì tôi đã làm bằng thân, miệng, ý hôm nay, hết thảy để cầu giải thoát, chứ không cầu hưởng phước nghiệp kia ở trong sanh tử. Như thế sẽ lâu dài được an ổn vô lượng.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc trong lòng kinh sợ, toàn thân lông dựng đứng, thương khóc lẫn lộn, lấy tay gạt nước mắt, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, tự trình bày tội trạng:

“Con như ngu si, như khờ dại, không hiểu biết gì hết. Cúi xin Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Nay con năm vóc gieo sát đất, sửa đổi những lỗi lầm đã qua, không tái phạm những lời nầy nữa. Cúi mong đức Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con.”

Ba lần như vậy.

Đức Thế Tôn bảo: 

“Lành thay, lành thay, Đại vương! Nay ở trước Như Lai sám hối sự phi pháp của mình, đổi lỗi qua, tu sửa về sau. Nay Ta nhận sự sám hối lỗi của Vua. Chớ có tái phạm nữa.”

Bấy giờ ở trong đại chúng, có Tỳ-kheo-ni tên là Ca-chiên-diên, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, bạch đức Thế Tôn:

“Những gì Thế Tôn dạy hôm nay rất là vi diệu. Lại nữa, Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc rằng, ‘Đại vương nên biết, những hành vi gì đã làm bằng thân, khẩu, ý là để cầu giải thoát, chớ đừng cầu hưởng phước nghiệptrong vòng sanh tử, như vậy sẽ lâu dài được an ổn vô lượng.’ Sự thật là như vậy. Vì con[65] nhớ lại ba mươi mốt kiếp về trước đã từng dâng cơm cho Như Lai Thi-khí[66], Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, Minh hạnh túc[67], Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế tôn, bấy giờ du hóathế giới Dã mã.[68]

“Bấy giờ, đức Phật đó, đến giờ, đắp y cầm bát vào thành Dã mã khất thực. Trong thành có một [611b01] người làm thuê tên là Thuần Hắc. Khi người làm thuê kia thấy đức Như Lai cầm bát vào thành khất thực, liền nghĩ thầm, ‘Nay đức Như Lai vào thành, ắt cần ăn uống.’ Người ấy liền chạy vào nhà lấy thức ăn ra cúng cho Như Lai, và phát lời nguyện này: ‘Bằng công đức nầy, tôi sẽ khỏi đọa trong ba đường dữ. Mong cho tôi đời sau cũng gặp vị như Thánh tôn này, cũng sẽ mong Thánh tôn kia thuyết pháp cho tôi, để được giải thoát.’

“Thế Tôn và vua Ba-tư-nặc cũng biết điều này. Người làm thuê Thuần Hắc lúc bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ có xem vậy! Vì sao? Người làm thuê Thuần Hắc lúc bấy giờ, chính là thân con. Con lúc đó cúng cơm cho Như Lai Thi-khí*, phát thệ nguyện này: ‘Bằng công đức nầy, tôi sẽ khỏi đọa trong ba đường dữ. Mong cho tôi đời sau cũng gặp vị như Thánh tôn này, cũng sẽ mong Thánh tôn kia thuyết pháp cho tôi, để được giải thoát.’ Con trong ba mươi mốt kiếp không đọa vào ba đường dữ, sanh trong trời người, cuối cùng hôm nay nhận thân phần nầy, gặp gỡ Thánh tôn được xuất gia học đạo, tận trừ hữu lậu, thành A-la-hán. Như những gì Thế Tôn thuyết rất là vi diệu.”

Rồi cô nói với vua Ba-tư-nặc:

“Những gì được làm bởi thân, khẩu, ý đều để cầu giải thoát, chẳng cầu hưởng phước nghiệptrong vòng sanh tử. Nếu khi tôi gặp Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào tỏ tâm ý hoan hỷ hướng đến Như Lai, tôi liền nghĩ như vầy: ‘Các hiền sĩ này dụng ý như không ái kính cung phụng Như Lai.’ Nếu tôi gặp bốn bộ chúng, liền đến bảo: ‘Này các bạn, cần vật gì? Y bát chăng? Ni-sư-đàn chăng? Ống kim chăng? Bình nước rửa chăng? Và những thứ đồ dùng khác của sa-môn, tôi sẽ cung cấp hết.’ Tôi đã hứa vậy rồi, khất cầu khắp nơi. Nếu tôi được, thì đó là đại hạnh. Nếu không được, tôi đến Uất-đơn-việt, Cù-da-ni, Phất-vu-đãi tìm kiếm cầu cho. Vì sao vậy? Vì đều do chúng bốn bộ này mà được đạo Niết-bàn.”

Bấy giờ đức Thế Tôn quán sát tâm Tỳ-kheo ni Ca-chiên-diên này, liền bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi có thấy ai có tín tâm giải thoát như Tỳ-kheo ni Ca-chiên-diên này không?”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Không thấy, bạch Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Trong số Thanh văn của ta, người có tín giải thoát đệ nhất trong các Tỳ-kheo ni chính là Tỳ-kheo ni Ca-chiên-diên vậy.”[69]

Tỳ-kheo ni Ca-chiên-diên và vua Ba-tư-nặc sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, hoan hỷ [611c] phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, tôn giả Bà-câu-lư[70] ở tại một eo núi chắp vá y cũ. Khi đó Thích Đề-hoàn Nhân từ xa thấy tôn giả Bà-câu-lưu ở tại một eo núi, đang vá y cũ. Thấy vậy, ông nghĩ thầm: “Tôn giả Bà-câu-lư này đã thành A-la-hán, các trói buộc đã mở, sống lâu vô lượng, hằng tự hàng phục, tư duy vô thường, khổ, không, vô ngã, không vướng việc đời, lại cũng không thuyết pháp cho người khác, tịch lặng tự tu giống như dị học ngoại đạo. Không rõ tôn giả này có thể vì người khác thuyết pháp cho người khác hay là không kham nổi? Nay ta nên thử xem.”

Bấy giờ, Thiên đế Thích biến mất khỏi trời Tam thập tam, hiện đến núi Kỳ-xà-quật, đứng ở trước tôn giả Bà-câu-lư. Sau khi đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ nầy:

Thuyết được người trí khen;

Vì sao không thuyết pháp?

Phá kết, được hạnh Thánh

Sao lại trụ lặng im.

Tôn giả Bà-câu-lư đáp Thích Đề-hoàn Nhân bằng bài kệ này :

Có Phật, Xá-lợi-phất

A-nan, Quân-đầu,[71] Bàn,[72]

Và cùng các Tôn trưởng,

Khéo hay nói pháp mầu.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch tôn giả Bà-câu-lư: 

“Căn của chúng sanh có nhiều loại khác nhau. Song ngài nên biết, Thế Tôn cũng nói chủng loại chúng sanh nhiều hơn bụi đất, vì sao tôn giả Bà-câu-lư không vì người khác mà thuyết pháp?”

Bà-câu-lư đáp:

“Chủng loại chúng sanh khó có thể hiểu biết. Thế giới có nhiều quốc độ không giống nhau, thảy đều chấp trước ngã sở, phi ngã sở. Nay tôi sau khi quán sát nghĩa này, không thuyết pháp cho mọi người.”

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

“Xin ngài nói cho tôi nghe nghĩa của ngã sở, phi ngã sở.”

Tôn giả Bà-câu-lư nói:

“Ta, người, thọ mạng,[73] hoặc nam, hoặc nữ, con người,[74] các loại ấy thảy đều y nơi mạng này mà tồn tại. Nhưng, lại nữa, này Câu-dực, Thế Tôn cũng nói, ‘Tỳ-kheo nên biết, nên tự nổ lực, không khởi tà pháp, cũng nên im lặng như Thánh hiền. Tôi sau khi quán [612a01] sát nghĩa này, bèn im lặng.”

Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân từ xa hướng về Thế Tôn chắp tay, nói kệ nầy:

Quy mạng đấng Mười Lực,

Sáng tròn không mù che.

Vì khắp cả mọi người.

Người nầy thật kỳ lạ.

Tôn giả Bà-câu-lư đáp:

“Tại sao Đế Thích nói như vầy, ‘Người này thật kỳ lạ?’”

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

“Tôi nhớ ngày xưa đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi lễ sát chân Thế Tôn rồi hỏi nghĩa nầy, ‘Loài trời, người, có tưởng niệm gì?’ Bấy giờ Thế Tôn bảo tôi, ‘Thế giới này ngần ấy loại, tất cả đều sai khác nhau, nguồn gốc không đồng.’ Tôi nghe những lời này rồi, liền đáp, ‘Thật vậy, Thế Tôn, ddúng như những lời Thế Tôn đã nói. Thế giới ngần ấy loại, mỗi mỗi đều không đồng. Có thể chăng, nếu thuyết pháp cho chúng sanh kia, thảy đều thọ trì và có người thành quả Thánh! Vì vậy nên tôi nói ‘Người nầy thật lạ kỳ!’ Song những gì tôn giả Bà-câu-lư nói đã nói, cũng lại như vậy, ‘Thế giới ngần ấy loại, mỗi mỗi không đồng.’” 

Rồi Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ thầm: “Tôn giả này có khả năng thuyết pháp cho người, chứ không phải không thể.” Rồi Thích Đề-hoàn Nhân từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì tôn giả Bà-câu-lư thuyết, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[75]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở bên bờ hồ Lôi thanh,[76] nước Chiêm-bà.[77] 

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ[78] sống một nơi vắng, tự tu gốc pháp, không bỏ mười hai pháp hạnh đầu-đà, đêm ngày kinh hành, không lìa giáo lý ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Hoặc ngồi, hoặc đi, thường tu chánh pháp. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm, thường tự cố gắng không bỏ một giây. Song tâm vẫn không được giải thoát khỏi dục, các pháp hữu lậu

Lúc bấy giờ, chỗ mà Tôn giả Thập Nhị Ức Nhĩ kinh hành, máu từ bàn chân bị nát chảy đầy tràn cả lề đường, giống như chỗ mổ bò. Quạ, diều đến ăn máu. Song tâm vẫn không được giải thoát khỏi dục, các pháp hữu lậu. Rồi Tôn giả Nhị Thập Ức nghĩ thầm: “Trong những người đệ tử khổ hành tinh tấn của đức Phật Thích-ca, ta là người đứng đầu. Song nay tâm của ta vẫn không được giải thoát khỏi các lậu. Vả lại, gia nghiệp ta nhiều tiền của. Ta nên xả bỏ pháp phục, trở về làm bạch y, đem tiền của bố thí rộng rãi. Chứ làm sa-môn như hiện nay thật khó, không dễ.”

Bấy giờ, Thế Tôn từ xa biết được những gì Nhị Thập Ức Nhĩ suy nghĩ, liền [612b01] lướt qua hư không mà đi, đến chỗ Tôn giả kinh hành, trải tọa cụ mà ngồi. Khi đó, tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đến trước chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Thế Tôn hỏi tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ:

“Vừa rồi ngươi vì cớ gì mà nghĩ rằng, ‘Trong những người đệ tử khổ hành tinh tấn của đức Phật Thích-ca, ta là người đứng đầu. Song nay tâm của ta vẫn không được giải thoát khỏi các lậu. Vả lại, gia nghiệp ta nhiều tiền của. Ta nên xả bỏ pháp phục, trở về làm bạch y, đem tiền của bố thí rộng rãi. Chứ làm Sa-môn như hiện nay thật khó, không dễ.’?”

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp: 

“Thật vậy, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo: 

“Nay Ta hỏi lại ngươi, ngươi tùy đó trả lời Ta. Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, trước kia khi còn tại gia ngươi giỏi khảy đàn chăng?”

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp: 

“Thật vậy, bạch Thế Tôn. Trước kia khi còn tại gia con khảy đàn rất giỏi.”

Thế Tôn bảo: 

“Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn căng quá thì âm hưởng không đều. Khi đó tiếng đàn nghe có hay không?”

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp : 

“Thưa không, Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo: 

“Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn lại chùng, khi đó tiếng đàn nghe có hay không?”

Nhị thập Ức Nhĩ đáp: 

“Thưa không, Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn không căng không chùng, khi đó âm đàn nghe có hay không?”

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn. Nếu dây đàn không chùng, không căng, lúc ấy âm đàn nghe rất hay.”

Thế Tôn bảo:

“Ở đây cũng như vậy. Quá tinh tấn, cũng bằng như trạo cử.[79] Nếu lười biếng, đây sẽ rơi vào tà kiến. Nếu có thể ở giữa, đó là hành bực thượng. Như vậy không lâu sẽ thành người vô lậu.”

Thế Tôn sau khi thuyết pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Nhị-thập-ức-nhĩ xong, trở về bên bờ hồ Lôi âm.[80]

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ suy nghĩ những gì Thế Tôn đã dạy bảo, ở nơi nhàn tịnh, liên tục không ngừng tu hành pháp đó, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến như thật biết rằng, ‘sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.’ Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đã thành A-la-hán.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Đệ tử siêng năng, đệ nhất khổ hành trong hàng Thanh văn của Ta chính là Nhị Thập Ức Nhĩ.”[81] 

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4[82] 
[612c1] Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, ở trong thành Xá-vệ, trưởng giả Sa-đề[83] mắc bệnh, mạng chung. Nhưng trưởng giả đó không có con cái, nên mọi tài bảo đều nhập hết vào cung. 

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc người dính đầy bụi bặm, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Thế Tôn hỏi vua:

“Đại vương, vì sao đi đến Ta với thân hình đầy bụi bặm?”

Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

“Trong thành Xá-vệ này có trưởng giả tên là Sa-đề, hôm nay mạng chung. Ông không có con cái. Con tự thân đến trưng thâu tài sản, xử lý nhập cung. Riêng vàng ròng tám vạn cân, huống chi những tạp vật khác. Nhưng trưởng giả kia ngày còn sống, ăn những đồ ăn rất là tệ dở, không ăn thứ ngon. Những y phục ông mặc thì cáu bẩn, không sạch. Con ngựa kéo xe cho ông thật gầy yếu.”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, Đại vương, như vua vừa nói. Phàm người tham lam keo kiết được tiền của nầy không dám ăn, không cho cha mẹ, vợ con, tớ hầu, nô tỳ. Cũng lại không cho bằng hữu quen biết. Cũng không cho sa-môn, bà-la-môn và các tôn trưởng. Nếu người có trí có được tài bảo này, thì hay huệ thí, cứu giúp rộng rãi, tất cả không chút gì luyến tiếc, cung cấp sa-môn, bà-la-môn và các vị cao đức.”

Khi đó vua Ba-tư-nặc hỏi:

“Trưởng giả Sa-đề này mạng chung bị sanh vào chốn nào?”

Thế Tôn bảo:

“Trưởng giả Sa-đề này mạng chung sẽ sanh vào trong đại địa ngục Thế khốc.[84] Vì sao vậy? Vì người này đoạn mất thiện căn, nên thân hoại mạng chung sanh vào trong địa ngục Thế khốc.”

Vua Ba-tư-nặc hỏi:

“Trưởng giả Sa-đề đoạn thiện căn sao?”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, Đại vương, như vua đã nói, trưởng giả kia đã đoạn mất thiện căn. Song trưởng giả kia phước cũ đã hết không tạo lại cái mới.”

Vua Ba-tư-nặc hỏi:

“Trưởng giả kia còn sót lại phước nào không?”

Thế Tôn bảo:

“Không, Đại vương, không còn sót mảy may nào tồn tại. Như người nhà nông kia chỉ thu mà không trồng, nên sau lại bị khốn cùng, dần dà cho đến chết. Vì sao vậy? Vì chỉ tiêu dùng sản nghiệp cũ mà không tạo mới. Trưởng giả này cũng như thế, chỉ hưởng phước cũ lại không tạo của mới. Đêm nay, trưởng giả này sẽ vào trong địa ngục Thế khốc.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, trong lòng lo sợ, lau nước mắt mà thưa:

“Trưởng giả này [612c] ngày trước đã tạo ra công đức phước nghiệp gì mà được sanh vào nhà giàu có, lại đã tạo ra gốc rễ bất thiện nào mà không hưởng được của cải cực giàu này, cũng không an trú trong ngũ dục?”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:

“Vào quá khứ xa xưa, thời Phật Ca-diếp, trưởng giả này ở trong thành Xá-vệ, là con nhà nông. Sau khi đức Phật nhập diệt, có Bích-chi-phật xuất hiện ở đời, đến nhà của trưởng giả này. Khi trưởng giả này thấy Bích-chi-phật đứng ở trước cửa, liền nghĩ thầm: ‘Như Tôn giả này xuất hiện ở đời rất khó. Nay ta hãy đem đồ ăn thức uống đến bố thí người này.’ 

“Bấy giờ trưởng giả bố thí cho vị Bích-chi-phật kia. Vị Bích-chi-phật này ăn xong, liền bay lên hư không mà đi. 

“Khi trưởng giả đó thấy vị Bích-chi-phật hiện thần túc, liền phát thệ nguyện như vầy: ‘Nguyện đem gốc thiện này, khiến cho đời đời sanh ở chỗ nào cũng không đoạ vào ba đường dữ, thường nhiều của báu.’ Sau đó lại có tâm hối tiếc: ‘Những thức ăn vừa rồi đáng lẽ cho nô bộc chứ không cho đạo nhân đầu trọc này ăn.’ Trưởng giả nhà nông lúc đó há là người nào khác chăng? Chớ có nghĩ vậy. Trưởng giả nhà nông lúc đó, nay chính là trưởng giả Sa-đề này.

“Khi đó thí xong, phát thệ nguyện này, do công đức nầy, ông sinh ra nơi cũng không đọa đường dữ, thường nhiều của, lắm báu, sanh nhà phú quý, không thiếu thốn một thứ gì. Nhưng sau khi đã bố thí, lại sanh tâm hối, ‘Đáng lẽ ta cho nô bộc ăn, chứ không cho đạo nhân trọc đầu này ăn.’ 

“Vì do nguyên nhân này, nên ông không hưởng được của cực giàu này, cũng không thích sống trong năm dục. Tự mình không cúng dường, lại không cho cha mẹ, anh em, vợ con, tớ hầu, bạn bè quen biết; không bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, các vị tôn trưởng. Chỉ hưởng nghiệp cũ mà không tạo cái mới. Đại vương, cho nên kẻ có trí được của cải này nên ban thí khắp, đừng có tiếc nuối, rồi sẽ được của cải vô số. Đại vương, hãy học điền này như vậy.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn

“Từ nay về sau, con sẽ bố thí khắp cho sa-môn, bà-la-môn, chúng bốn bộ. Nhưng các dị học ngoại đạo đến cầu thực, con không thể cho.”

Thế Tôn bảo: 

“Đại vương, chớ nghĩ như vậy. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều do thức ăntồn tại. Nếu không ăn thì sẽ bị chết.” 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ như vầy

[613a1] Nên niệm bố thí khắp;

Mãi chẳng dứt tâm thí.

Ắt sẽ gặp Hiền thánh,

Độ nguồn sanh tử này.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Phật

“Nay con lại càng rất hoan hỷ hướng về Như Lai. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều do thức ăntồn tại, không ăn thì không tồn tại.” 

Khi đó, vua Ba-tư-nặc nói: 

“Từ nay về sau con sẽ bố thí khắp, không có gì hối tiếc.” 

Bấy giờ, sau khi Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho vua Ba-tư-nặc xong, vua từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui về.

Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5[85]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ tôn giả A-nan ở nơi nhàn tịnh, nghĩ thầm như vầy: “Thế gian có hương này chăng, hương ngược gió, hương xuôi gió, hương vừa ngược vừa xuôi gió?”[86]

Rồi tôn giả A-nan rời chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và ngồi qua một bên. Khi ấy tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng: 

“Con ở nơi nhàn tịnh nghĩ thầm: Thế gian có hương này chăng, hương ngược gió, hương xuôi gió, hương vừa ngược vừa xuôi gió?”

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan: 

“Có diệu hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió.”

A-nan bạch Thế Tôn:

“Đấy là loại hương nào, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió?”

Thế Tôn bảo:

“Có loại hương này, mà hơi của nó là hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió.”

An-nan bạch Phật:

“Đó là những hương nào, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió?”

Thế Tôn bảo:

“Có ba loại hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió.”

A-nan bạch:

“Ba loại đó là những gì?”

Thế Tôn bảo:

“Hương giới, hương văn, hương thí. Này A-nan, có ba loại hương này, là hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. Trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp. Cũng như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có tô, từ tô có đề-hồ, nhưng đề-hồ này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, [613c01] không thứ gì bì kịp. Ở đây cũng vậy, trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:

Mộc mật và chiên-đàn;

Ưu-bát và các hương:

Trong hết thảy hương này,

Hương giớitối thắng.

Thành tựu được giới này,

Không dục, không bị nhiễm,

Chánh trígiải thoát.

Chỗ đi, Ma chẳng biết.

Hương này tuy tuyệt diệu:

Là các hương đàn, mật.

Nhưng hương giới tối diệu,

Mười phương đều nghe biết.

Chiên-đàn tuy có hương,

Ư-bát và các hương;

Ở trong các hương này,

Hương văn là đệ nhất.

Chiên-đàn tuy có hương,

Ư-bát và các hương;

Ở trong các hương này,

Hương thí là đệ nhất.

“Đó gọi là có ba loại hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. Cho nên, này A-nan, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu ba hương này. 

“Này A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại Ca-lan-đà, trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng với năm trăm đại Tỳ-kheo. 

Đến giờ, Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào thành La-duyệt khất thực. Khi đó, Đề-bà-đạt-đâu cũng vào thành khất thực. Khi Đề-bà-đạt-đâu vào ngõ hẻm, Phật cũng đến đó. Nhưng Phật từ xa thấy Đề-bà-đạt-đâu tới, liền muốn đi lui lại. A-nan bạch Thế Tôn:

“Vì sao Thế Tôn muốn tránh đi hẻm này?”

Thế Tôn bảo:

“Đề-bà-đạt-đâu đang ở hẻm này, cho nên phải tránh đi.”

A-nan bạch Phật:

“Thế Tôn, há sợ Đề-bà-đạt-đâu sao?”

Thế Tôn bảo:

“Ta không sợ Đề-bà-đạt-đâu, nhưng người xấu này không nên gặp gỡ.”

A-nan bạch rằng:

“Nhưng, Thế Tôn, có thể khiến Đề-bà-đạt-đâu này đi phương khác.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:

Ta trọn không tâm này,

Khiến kia đi phương khác. 

[613c1] Nơi đó y gây nghiệp

Tự tại theo ý mình.”

A-nan bạch Thế Tôn:

“Nhưng Đề-bà-đạt-đâu có lỗi đối với Như Lai.”

Thế Tôn bảo:

“Không nên gặp người ngu hoặc.”

Khi đó đức Thế Tôn quay sang A-nan mà nói kệ này:

Không nên gặp người ngu; 

Đừng a tòng người ngu;

Cũng đừng cùng thảo luận

Tranh luận chuyện thị phi.

Khi đó, A-nan lại dùng kệ hỏi Thế Tôn:

Người ngu khả năng gì?

Người ngu có lỗi gì?

Giả sử cùng ngôn luận,

Kết cuộc thất thố gì?

Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ này đáp:

Người ngu tự gây nghiệp

Việc làm đều phi pháp.

Chánh kiến phản luật thường

Tà kiến ngày càng thêm.

“Cho nên, này A-nan, chớ tùng sự với ác tri thức. Vì sao vậy? Vì tùng sự với người ngu, sẽ không có tín, không giới, không văn, không trí. Tùng sự thiện tri thức càng tăng trưởng công đức, giới được thành tựu đầy đủ. 

“Này A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-lan-đà, trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng với năm trăm Tỳ-kheo. 

Bấy giờ vua A-xà-thế thường xuyên cung cấp cho Đề-bà-đạt-đâu năm trăm chõ cơm. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đâu danh vang bốn phương, giới đức trọn vẹn, danh xưng đầy đủ, mới có thể khiến cho vua hằng ngày đến cúng dường.

Khi các Tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đâu đã được lợi dưỡng này, họ đến bạch Thế Tôn

“Nhân dân trong nước ca ngợi Đề-bà-đạt-đâu nổi tiếng khắp nơi, mới khiến cho vua A-xà-thế thường xuyên đến cúng dường.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Tỳ-kheo các ngươi chớ ôm lòng ham muốn lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đâu này. Vì sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đâu là người ngu gây ra ba sự này, các hành vi của thân, miệng, ý, nhưng không hề kinh sợ, cũng không sợ hãi. Như Đề-bà-đạt-đa hiện nay là người ngu nên tiêu hết các công đức thiện. Như bắt chó dữ mà đánh vào mũi nó, càng làm nó hung dữ thêm. Người ngu Đề-bà-đạt-đâu cũng như [614a] vậy, nhận lợi dưỡng này liền nổi lên cống cao. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cũng đừng khởi lên ý tưởng đắm trước lợi dưỡng. Tỳ-kheo nào đắm trước lợi dưỡng thì không được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là không thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Tỳ-kheo nào không đắm vào lợi dưỡng thì sẽ được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Nếu thành tựu được ba pháp nầy sẽ phát thiện tâm, không đắm vào lợi dưỡng.

“Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba bất thiện căn này. Những gì là ba? Tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.[87] Tỳ-kheo nào có ba gốc rễ bất thiện này sẽ bị đọa vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như vậy, Tỳ-kheo, nếu người nào có ba gốc rễ bất thiện này thì sẽ có ba đường dữ.

“Tỳ-kheo nên biết, có thiện căn này. Những gì là ba? Vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn. [88] Tỳ-kheo, đó gọi là có thiện căn. Người nào có ba gốc thiện này, liền có hai nẽo lành, và Niết-bàn là ba. Những gì là hai nẽo lành? Đó là người và trời. Tỳ-kheo, đó gọi là ai có ba thiện này, sẽ sanh vào chỗ lành này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy lìa ba gốc rễ bất thiện, tu ba gốc rễ thiện.

“Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba tụ này. Những gì là ba? Đó là chánh tụ,[89] tà tụ, bất định tụ.[90] 

“Sao gọi là chánh tụ*? Có chánh kiến[91], chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là chánh tụ . 

“Sao gọi là tà tụ? Nghĩa là có tà kiến, tà tư duy, tà ngũ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Đó gọi là tà tụ

“Sao gọi là bất định tụ? Nghĩa là có chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết tận, chẳng biết đạo, chẳng biết chánh [614c] tụ, chẳng biết tà tụ. Đó gọi là bất định tụ.

“Các Tỳ-kheo nên biết, lại có ba tụ. Những gì là ba? Nghĩa là có thiện tụ, chánh tụ, định tụ.

“Sao gọi là thiện tụ? Chính là ba thiện căn. Những thiện căn nào? Vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn. Đó gọi là thiện tụ.

“Sao gọi là chánh tụ? Chính là tám đạo phẩm của Hiền Thánh gồm: chánh kiến, chánh trị, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấnchánh định. Đó gọi là chánh tụ.

“Sao gọi là định tụ? Nghĩa là có biết khổ, biết tập, biết tận, biết đạo, biết thiện tụ, biết ác tụ[92], biết định tụ. Đó gọi là định tụ.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, ở trong ba tụ này, hãy tránh tà tụbất định tụ. Hãy phụng hành chánh tụ này.

“Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có ba suy tầm này. Những gì là ba? Suy tầm dục tưởng, sân nhuế tưởng, sát hại tưởng.[93] Tỳ-kheo đó gọi là ba tưởng.

“Tỳ-kheo nên biết, nếu người suy tầm dục tưởng, khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục. Nếu suy tầm sân nhuế tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài súc sanh, thuộc vào các loài gà, chó; sinh trong các loài rắn, trùng. Nếu suy tầm hại tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài ngạ quỷ, thân hình bị thiêu đốt, đau khổ không thể kể được. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba suy tâm này, sẽ sinh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Lại có ba suy tầm.[94] Những gì là ba? Đó là tầm xuất ly, tầm không sát hại, tầm không sân nhuế.[95] Nếu người nào có tầm xuất ly, khi mạng chung sẽ sanh trong loài người. Nếu người nào có tầm không sát hại, khi mạng chung sẽ sanh lên trời một cách tự nhiên. Nếu người nào có tầm không sân nhuế, khi mạng chung, đoạn trừ năm kết sử, ở nơi kia[96] nhập bát-niết-bàn. Tỳ-kheo đó gọi là ba tầm, hãy thường niệm tu hành. Hãy xa lìa ba ác tưởng này. 

“Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

Kệ tóm tắt:

Địa chủ, Bà-câu, Nhĩ,

Bà-đề, hương thuận nghịch 

[615a1]Ngu, thế, ba bất thiện,

Ba tụ, quán sau cùng.[97]

24. PHẨM CAO TRÀNG 

KINH SỐ 1[98]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Xưa, Thiên đế Thích bảo với Trời Tam thập tam rằng: ‘Các khanh khi vào trận chiến lớn, nếu ai có tâm kinh hãi lo sợ, thì các khanh hãy quay lại nhìn lá cờ rộng lớn của ta. Nếu ai thấy lá cờ của ta, liền hết sợ hãi. Nếu khanh nào không nhớ cờ của ta, hãy nhớ cờ của Y-sa Thiên vương,[99] vì ai nhớ cờ kia thì những sự sợ hãi đang có liền tự tiêu diệt. Nếu các khanh không nhớ cờ của ta và cờ của Y-sa Thiên vương, lúc đó nên nhớ cờ của Bà-lưu-na[100] Thiên vương, vì nhớ cờ đó thì những sự sợ hãi đang có sẽ tự tiêu diệt.

“Nay Ta cũng lại bảo các ngươi: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào mà sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, bấy giờ nên niệm thân Ta, rằng ‘Đây là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc*, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế tôn xuất hiện ở đời.’ Giả sử có sự sợ hãi toàn thân lông dựng đứng, sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt. Nếu ai không niệm Ta, lúc đó nên niệm Pháp, rằng ‘Pháp của Như Lai rất là vi diệu, được người trí học tấp.’ Do niệm pháp mà mọi sợ hãi tự tiêu diệt. Nếu không niệm Ta, cũng không niệm Pháp, khi đó nên niệm Thánh Chúng, rằng ‘Thánh Chúng của Như Lai rất là hòa thuận, pháp tùy pháp thành tựu,[101] giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí huệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến huệ thành tựu, gồm có bốn đôi tám bậc. Đó là Thánh chúng Như Lai, đáng kính, đáng thờ, là ruộng phước của thế gian.’ Đó gọi là Thánh chúng Như Lai. Bấy giờ, nếu niệm Tăng rồi, mọi sợ hãi tự tiêu diệt.

“Tỳ-kheo nên biết, Thích Đề-hoàn Nhân còn có dâm, nộ, si. Song trời Tam thập tam niệm tưởng chủ mình mà hết sợ hãi, huống chi Như Lai không còn có tâm dục, nộ, si, nên niệm tưởng đến mà có sợ hãi sao? Nếu tỳ-kheo nào có sợ hãi, sợ hãi tự tiêu diệt. Cho nên, này các tỳ-kheo, hãy niệm tam tôn: Phật, Pháp và Thánh chúng.

“Này các tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, trong nước Bạt-kỳ có con quỷ tên là Tỳ-sa,[102] ở nước đó rất là hung bạo, giết dân vô số, thường mỗi ngày giết một người, hoặc ngày hai người, ba người, bốn người, năm người, mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người. Nước đó bấy giờ đầy dẫy các quỷ thần, La-sát. Lúc bấy giờ nhân dân nước Bạt-kỳ tụ hội lại, cùng bàn luận

“Chúng ta có thể tránh nước này, sang nước khác, không cần ở đây.”

Bấy giờ, ác quỷ Tỳ-sa biết được ý nghĩ trong lòng những người dân kia, liền bảo nhân dân kia: 

“Các ngươi chớ rời nơi này đến nước khác. Vì sao vậy? Cuối cùng không thoát tay ta. Mỗi ngày các ngươi mang một người tế ta, ta sẽ không quấy nhiễu các ngươi.” 

Khi ấy, dân Bạt-kỳ hằng ngày bắt một người tế ác quỷ kia. Khi ác quỷ kia ăn thịt người rồi, lấy hài cốt ném vào nơi khác trong núi, nên hang suối trong núi kia đầy những xương. 

Bấy giờ, có trưởng giả tên là Thiện Giác sống tại nơi đó, nhiều tiền lắm của, tiền chứa ngàn ức; la, lừa, lạc đà không thể tính hết; kim ngân, trân bảo, xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách cũng không thể kể. Trưởng giả kia có con trai nhỏ tên là Na-ưu-la. Vì chỉ có một con trai, nên rất được yêu quý, thương nhớ chưa từng rời mắt. Theo kỳ hạn này, bấy giờ đến lượt đứa trẻ Na-ưu-la phải tế quỷ. Bấy giờ, cha mẹ Na-ưu-la tắm rửa đứa trẻ này và mặc y phục đẹp, dẫn đến nơi gò mả chỗ quỷ kia. Đến đó, rồi khóc lóc, kêu la không thể kể xiết, và nói như vầy

“Các thần và địa thần, thảy đều chứng minh cho. Chúng tôi chỉ có một đứa con này. Xin các thần sáng suốt hãy chứng minh cho. Hai mươi tám vị đại quỷ thần vương xin hãy gia hộ cho, khiến đừng bị tai ách. [615c1] Xin đảnh lễ hết thảy Tứ thiên vương, xin thủ hộ đứa trẻ này khiến được cứu thoát. Cũng xin đảnh lễ Thích Đề-hoàn Nhân, xin cứu mạng đứa trẻ này. Cũng lại đảnh lễ Phạm Thiên vương, xin cứu thoát mạng này. Cũng xin đảnh lễ chư quỷ thần hộ thế, để thoát ách này. Nay con cũng xin đảnh lễ các vị A-la-hán lậu tận, đệ tử Như Lai để thoát ách này. Cũng lại đảnh lễ các vị Bích-chi-phật vô sư, tự giác, để thoát ách này. Nay cũng tự đảnh lễ Như Lai kia, hàng phục người chưa hàng phục, độ người chưa được độ, bảo hộ người chưa được bảo hộ, cứu thoát người chưa được cứu thoát, khiến bát-niết-bàn người chưa được bát-niết-bàn, cứu hộ cho người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù, làm đại y vương cho người bịnh. Đối với trời, rồng, quỷ thần, tất cả nhân dân, Ma và Ma thiên, Ngài là bực tối tôn thượng, không ai có thể sánh bằng, đáng kính đáng quý, làm ruộng phước lành cho mọi người, không ai hơn Như Lai. Vậy, xin Như Lai hãy giám sát cho. Xin Như Lai hãy rọi đến lòng chí thành này.”

Cha mẹ Na-ưu-la sau khi đưa đứa trẻ cho quỷ rồi, lui trở về.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bằng thiên nhãn thanh tịnh, lại bằng thiên nhĩ nghe thấu những lời này, cha mẹ của Na-ưu-la khóc lóc van xin không thể kể xiết. Khi đó, đức Thế Tôn dùng thần túc lực đến chỗ ở của con quỷ dữ trong núi kia. Lúc ác quỷ kia đang tụ tập tại chỗ quỷ thần phía bắc Tuyết sơn, Thế Tôn vào tại trú xứ của quỷ mà ngồi, ngồi kiết già chánh thân, chánh ý. 

Lúc đó, đứa trẻ Na-ưu-la lần hồi đi đến chỗ trú xứ của quỷ kia. Từ xa, đứa trẻ Na-ưu-la nhìn thấy Như Lai trú xứ của ác quỷ, ánh sáng rực rỡ, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước, nhan sắc đoan chánh ít có trên đời, các căn tịch tịnh, có nhiều công đức hàng phục các ma. Những công đức như vậy không thể kể xiết. Có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, như núi Tu-di vượt trên các đỉnh núi. Gương mặt Ngài như mặt trời, mặt trăng, cũng như ánh sáng của núi vàng chiếu xa. Thấy vậy rồi, nó sanh tâm hoan hỷ, hướng về Như Lai mà nghĩ như vầy: “Đây ắt không phải ác quỷ Tỳ-sa. Vì sao vậy? Vì nay ta thấy người này mà tâm rất hoan hỷ. Nếu người chính là ác quỷ thì cứ tùy ý mà ăn.”[103]

Lúc đó, đức Thế Tôn bảo:

“Na-ưu-la, đúng như những lời ngươi nói. Ta nay là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, đến cứu ngươi và, hàng phục ác quỷ này.”

Na-ưu-la nghe những lời này [616a1], vui mừng hớn hở không thể tự chế, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, Thế Tôn nói cho đứa bé nhiều đề tài vi diệu; luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên, dục là nhơ ác, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất gia là con đườn xuất yếu, trừ khử các loạn tưởng

Khi đức Thế Tôn đã thấy tâm ý đứa trẻ Na-ưu-la hoan hỷ, tánh ý nhu nhuyến. Như Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo, bấy giờ Thế Tôn cũng vì bé mà thuyết đủ. Bé liền ở trên chỗ ngồi sạch hết các trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Bé đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tiếp nhận các pháp khôngnghi ngờ, hiểu được lời dạy Như Lai, quy y Phật, Pháp, Thánh chúng và, thọ năm giới.

Khi ấy, ác quỷ Tỳ-sa trở về đến trú xứ mình.[104] Từ xa, ác quỷ trông thấy Thế Tôn đang ngồi đoan chánh tư duy, thân không lay động. Thấy vậy, nó nổi sân hận phẫn nộ, nổi mưa, sấm sét, hoặc mưa đao kiếm nhắm đến Như Lai; nhưng khi chưa rơi xuống đất liền biến thành hoa sen ưu-bát. Khi đó quỷ kia càng thêm thịnh nộ, làm mưa xuống các núi, sông, vách đá; nhưng khi mưa chưa rơi xuống đất liền biến thành vô số đồ ăn thức uống. Quỷ kia lại hoá làm con voi lớn, gầm thét nhắm đến chỗ Như Lai. Thế Tôn lại hóa làm sư tử chúa. Quỷ kia lại biến làm hình sư tử nhắm đến chỗ Như Lai. Thế Tôn biến làm một đám lửa lớn. Quỷ kia lại càng thịnh nộ, biến thành rồng lớn có bảy đầu. Thế Tôn biến làm kim xí điểu lớn. Khi đó quỷ kia liền nghĩ thầm như vầy: “Nay những thần mà ta có, hiện đã trổ hết rồi. Song không động đến lông áo của Sa-môn này. Nay ta nên đến hỏi ông ta nghĩa sâu này.” 

Khi đó quỷ kia hỏi Thế Tôn:

“Nay ta muốn hỏi nghĩa sâu xa. Nếu không thể trả lời được, ta sẽ nắm hai chân ông quăng xuống biển nam.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Ác quỷ nên biết, Ta tự quán sát thấy không có trời và người, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc người, hoặc phi nhân nào có thể nắm hai chân Ta ném xuống biển nam. Nhưng nay ngươi muốn hỏi nghĩa thì có thể hỏi.”

Khi đó, ác quỷ hỏi:

“Sa-môn, những gì là hành cũ, những gì là hành mới, những gì là hành diệt?”

Thế Tôn bảo:

“Ác quỷ nên biết, mắt là hành cũ, do duyên là những gì được làm từ trước mà sinh thọ[105] thành hành. Tai, mũi, lưỡi[106], thân, ý; đó là các hành cũ, do duyên là những gì được làm từ trước mà sinh thọ* [616b1] thành hành. Ác quỷ, đó gọi đây là các hành cũ.”

Quỷ Tỳ-sa hỏi:

“Sa-môn, những gì là hành mới?”

Thế Tôn bảo:

“Những gì được làm trong hiện tại, ba bởi thân, bốn bởi miệng, ba bởi ý. Ác quỷ, đó gọi là hành mới.”

Ác quỷ hỏi:

“Những gì là hành diệt?”

Thế Tôn bảo:

“Ác quỷ nên biết, hành cũ đã diệt tận không còn tái sinh; hành mới không được tạo tác; cái chấp thủ này vĩnh viễn không sanh, vĩnh viễn diệt tận không còn tàn dư. Đó gọi là hành diệt.”

Khi đó quỷ kia bạch Thế Tôn:

“Nay ta rất đói, tại sao cướp thức ăn của ta? Đứa trẻ này là thức ăn của ta. Sa-môn, trả đứa trẻ này lại cho ta!”

Thế Tôn bảo:

“Xưa kia, khi Ta chưa thành đạo, từng làm Bồ-tát, có chim bồ câu bay núp nơi Ta, Ta còn không tiếc thân mạng cứu nguy bồ câu kia, huống chi nay Ta đã thành Như Lai, há lại có thể bỏ đứa trẻ này cho ngươi ăn thịt! Ác quỷ, nay ngươi có dùng hết thần lực của ngươi, Ta quyết không trao đứa trẻ này cho ngươi. Thế nào, ác quỷ, thời Phật Ca-diếp ngươi đã từng làm sa-môn tu trì phạm hạnh, sau lại phạm giới sanh làm ác quỷ này.”

Bấy giờ, ác quỷ nương vào oai thần của Phật, liền nhớ lại những viêc đã làm đời trước. Ác quỷ bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và nói như vầy:

“Nay con là người ngu si không phân biệt chân nguỵ, mới sanh tâm này đối với Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận sự sám hối của con.”

Như vậy ba, bốn lần.[107]

Thế Tôn bảo:

“Cho phép ngươi hối lỗi, đừng tái phạm nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn vì quỷ Tỳ-sa thuyết pháp vi diệu khiến sinh hoan hỷ. Sau đó, ác quỷ kia tự tay dâng lên Thế Tôn hàng ngàn lạng vàng, bạch Thế Tôn: “Nay con đem hang núi này cúng dường chiêu-đề Tăng, cúi xin đức Thế Tôn vì con mà thọ nhận nó và hàng ngàn lạng vàng này.”

Nó nói ba lần như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn liền tiếp nhận hang núi này, rồi nói kệ này:

Thí vườn trái mát mẻ;

Làm cầu bắc ngang sông.

Hoặc giả làm thuyền lớn;

Cùng các đồ nuôi sống;

Ngày đêm không lười mỏi,

Được phước không thể lường.

Pháp nghĩa, giới thành tựu

Chết rồi được sanh Thiên.

Khi đó, quỷ kia bạch Thế Tôn

“Không biết Thế Tôn còn có gì chỉ dạy?”

Thế Tôn bảo:

“Nay ngươi bỏ hình cũ của ngươi, mặc ba y làm sa-môn, [616c1] vào thành Bạt-kỳ, đến bất kỳ nơi chốn nào, nói lời dạy này: ‘Các hiền nên biết, Như Lai xuất hiện ở đời, hàng phục người chưa được hàng phục, độ người chưa được độ, giải thoát người chưa được giải thoát, cứu hộ người chưa được cứu hộ, người mù làm mắt sáng, ở giữa chư thiên, người đời, thiên long, quỷ thần, Ma hoặc Ma thiên, hoặc người, phi nhân, Ngài là bực tối tôn thượng, không ai sánh bằng, đáng kính, đáng quý, làm ruộng phước lành cho loài người. Hôm nay, Ngài đã độ cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa, các hiền có thể đến đó để được thọ giáo.”

Đáp: 

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, quỷ Tỳ-sa làm Sa-môn, mặc ba pháp y, vào các đường hẻm trong làng, làm theo sự chỉ dạy này: “... Hôm nay, Ngài đã độ cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa, các bạn có thể đến đó để được thọ giáo.’

Vào bấy giờ, nhân dân trong nước Bạc-kỳ sôi động. Lúc đó, trưởng giả Thiện Giác nghe những lời này rồi, vui mừng hớn hở, không thể tự chế, dẫn tám vạn bốn ngàn người dân đến chỗ đức Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy nhân dân trong thành Bạt-kỳ có người làm lễ sát chân Phật, hoặc có người đưa cao tay lên chào. 

Khi tám vạn bốn ngàn người đã đến ngồi qua một bên, đức Thế Tôn lần lượt nói pháp vi diệu cho họ; luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạn lớn.

Rồi đức Thế Tôn quán sát tâm tám vạn bốn ngàn người dân kia, ý đã hoan hỷ. Như Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, khổ, tập, tận, đạo, Ngài cũng thuyết pháp này cho tám vạn bốn ngàn người dân kia. Mọi người ngay trên chỗ ngồi sạch hết bụi trần, được mắt pháp trong sạch, như áo trắng tinh dễ nhuộm ra màu. Tám vạn bốn ngàn người dân này cũng vậy, rũ sạch bụi trần, được mắt pháp trong sạch, được pháp, thấy pháp, phân biệt các pháp, không có nghi ngờ, đạt không chỗ sợ, tự quy y tam tôn: Phật, Pháp, Thánh chúng và thọ năm giới.

Bấy giờ, trưởng giả cha của Na-ưu-la bạch Thế Tôn:

“Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời thỉnh của con.”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Sau khi trưởng giả đó thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, lui trở về nhà. Sắp đặt các thứ đồ ăn thức uống, ngần ấy hương vị. Sáng sớm tự báo đến giờ.

Khi ấy đến giờ, Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào thành Bạt-kỳ, đi đến nhà trưởng giả, chỗ trên ngồi dọn sẵn. 

[617a1] Khi trưởng giả thấy Thế Tôn đã ngồi an vị, bèn tự tay rót nước, châm sớt vô số đồ ăn thức uống. Sau khi thấy Thế Tôn ăn xong, dùng nước rửa, ông lấy một chiếc ghế ngồi trước Như Lai, bạch Thế Tôn:

“Lành thay, Thế Tôn, nếu chúng bốn bộ cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, đều đến nhà con lấy.”

Thế Tôn bảo: 

“Được, Trưởng giả. Như lời ông nói.” 

Thế Tôn liền nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Thuyết pháp xong, Ngài rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Bấy giờ, trong khoảng như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn biến khỏi Bạt-kỳ trở về lại đến tinh xá Kỳ-hoàn tại Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Nếu chúng bốn bộ cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, đến nhà trưởng giả cha Na-ưu-la[108] lấy.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo các tỳ-kheo: 

“Hiện nay, như Ta, đệ tử đứng đầu trong hàng ưu-bà-tắc không gì lẫn tiếc đó chính là cha của Na-ưu-la.”

Các tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Ni-câu-loại[109], giữa những người họ Thích[110], cùng với năm trăm đại tỳ-kheo. 

Bấy giờ, có hàng ngàn người thuộc hào tộc của họ Thích đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, họ đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ những người họ Thích bạch Phật:

“Nay Ngài nên làm vua cai trị đất nước này, để dòng họ chúng ta không bị mục nát, không để ngôi Chuyển luân Thánh vương đến Ngài thì đoạn tuyệt. Nếu Thế Tôn không xuất gia, Ngài sẽ là Chuyển luân Thánh vương ở trong thiên hạ, thống lãnh bốn thiên hạ, có đủ ngàn người con. Dòng họ của chúng ta nổi danh khắp nơi, rằng Chuyển luân Thánh vương xuất hiện trong dòng họ Thích. Vì vậy, Thế Tôn, Ngài hãy làm vua cai trị, đừng để dòng vua dứt mất.”

Thế Tôn bảo: 

“Nay Ta chính là thân vua, gọi là Pháp vương. Vì sao vậy? Nay Ta hỏi các ngươi. Thế nào, các vị họ Thích, nói rằng Chuyển luân Thánh vương là có đầy đủ thất bảo, ngàn người con trai dõng mãnh. Nay Ta, ở trong ba ngàn đại thiên sát-độ, là tối tôn thượng, không ai có thể sánh bằng, thành tựu bảo bảy giác chi, có vô số hàng ngàn người con là các Thanh văn hầu quanh.” 

Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ này:

Ngôi vị kia làm gì?

Được rồi, sau lại mất. 

 [617b1] Ngôi này tối tôn thắng,

Không tận cùng, khởi thủy.

Chiến thắng không thể đọat:

Chiến thắng này tối thắng.

Phật có vô lượng hành,

Không dấu; ai thấy dấu?”

“Cho nên, các vị Thích chủng hãy tìm phương tiện cai trị bằng chánh pháp

“Các vị Thích chủng phải học những điều này như vậy.”

Các vị Thích chủng sau khi nghe những gỉ Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4[111]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Khi đó có một tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ tỳ-kheo kia bạch Phật

“Có sắc nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động? Có thọ*, tưởng, hành, thức mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động?”

Thế Tôn bảo: 

“Này Tỳ-kheo, không có sắc nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động. Cũng không có thọ*, tưởng, hành, thức nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động.

“Tỳ-kheo, nếu có sắc này, thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian; người phạm hạnh không được phân biệt.[112] Hoặc thọ, tưởng, hành, thức tồn tại mãi ở thế gian không biến dịch; người phạm hạnh không được phân biệt. Cho nên, Tỳ-kheo, vì sắc (không thể phân biệt),[113] không còn mãi ở thế gian, cho nên phạm hạnh mới được phân biệt để diệt tận gốc khổ. Cũng không có thọ*, tưởng, hành, thức nào mà còn mãi ở thế gian, cho nên phạm hạnh mới được phân biệt để diệt tận gốc khổ.”

Bấy giờ đức Thế Tôn lấy một ít đất bỏ lên móng tay, rồi nói với tỳ-kheo kia: 

“Sao, Tỳ-kheo, có thấy đất trên móng tay này không?” 

Tỳ-kheo đáp:

“Dạ vâng, Thế Tôn, con đã thấy.”

Phật bảo tỳ-kheo:

“Nếu có sắc chỉ nhiều ngần ấy mà thường hằng tồn tạithế gian; người phạm hạnh không được phân biệt được diệt tận khổ. Cho nên, Tỳ-kheo, vì không có sắc ngần ấy mà thường tại nên có hành phạm hạnh để diệt tận gốc khổ. 

“Sở dĩ như vậy, Tỳ-kheo nên biết, xưa ta từng làm Đại vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng pháp để trị hóa, thống lãnh nhân dân, bảy báu đầy đủ. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu.

“Tỳ-kheo nên biết, vào lúc bấy giờ, khi Ta làm [617c1] Chuyển luân Thánh vương này, thống lãnh bốn thiên hạ, có tám vạn bốn ngàn voi thần, voi tên Bồ-hô.[114] Lại có tám vạn bốn ngàn xe có gắn lông chim,[115] có xe dùng da sư tử phủ, có xe dùng da chó sói phủ, thảy đều treo tràng phan, lọng cao. Lại có tám vạn bốn ngàn đài cao rộng, giống như chỗ ở của Thiên Đế. Lại có tám vạn bốn ngàn giảng đường, giống như Pháp giảng đường.[116] Lại có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, giống như thiên nữ. Lại có tám vạn bốn ngàn tòa rộng lớn, thảy đều được cân bằng vàng, bạc, bảy báu. Lại có tám vạn bốn ngàn y phục, trang sức, đều là màu sắc đẹp mềm mại. Lại có tám vạn bốn ngàn đồ đựng thức ăn uống, bao nhiêu là hương vị khác nhau.

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ ta cỡi một con voi lớn, màu trắng tinh, miệng đẹp có sáu ngà, được trang sức bằng vàng, bạc, có thể bay đi, cũng có thể ẩn hình hoặc lớn hoặc nhỏ, voi tên Bồ-hô.[117] Ta bấy giờ cỡi một con ngựa thần, lông đuôi màu son đỏ, khi đi thân không lắc, thân trang sức vàng bạc, có thể bay đi, cũng có thể ẩm hình, hay có thể biến lớn biến nhỏ. Ngựa tên Mao vương.[118] Lúc bấy giờ, Ta sống tại một lâu đài trong số tám vạn bốn ngàn tòa lâu đài cao rộng. Lâu đài này tên là Tu-ni-ma,[119] hoàn toàn làm bằng vàng. Bấy giờ Ta nghỉ đêm trong một giảng đường. Giảng đường tên là Pháp thuyết, hoàn toàn làm bằng vàng. Ta đi trên một chiếc xe có gắn lông chim.* Xe tên là Tối thắng,[120] được làm toàn bằng vàng. Ta dẫn một ngọc nữ theo bên mình sai khiến cũng giống như chị em. Ta ngồi trên một tòa trong số tám vạn bốn ngàn tòa cao rộng, vàng bạc anh lạc không thể kể xiết. Ta mặc một bộ y phục mềm dịu giống như thiên y. Những thức Ta ăn có vị như cam lồ

“Vào lúc Ta đang làm Chuyển luân Thánh vương, có tám vạn bốn ngàn voi thần, sáng nào cũng kéo tới ngoài cửa thành, gây hại rất nhiều, không thể kể xiết. Lúc đó Ta nghĩ thế này: ‘Tám vạn bốn ngàn voi thần này, sáng nào cũng đi tới ngoài cửa thành gây hại rất nhiều, không thể kể xiết. Nay trong ý ta muốn chia làm hai phần. Bốn vạn hai ngàn sáng nào cũng đến nghinh giá.’ 

“Các tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ thế này: ‘Xưa, Ta đã tạo phước gì, mà nay được oai lực này?’ Cho đến, Ta lại nghĩ: ‘Do ba nguyên nhân khiến ta được phước lành này. Những gì là ba? Đó là huệ thí, nhân từ và, tự [618a1] thủ hộ.

“Tỳ-kheo, hãy quán sát, các hành bấy giờ hoàn toàn bị diệt tận không còn tàn dư. Sống an trú trong với dục ý bấy giờ không nhàm chán. Nhưng lại nhàm chán giới luật Hiền thánh

“Sao, tỳ-kheo, sắc này thường hay vô thường?”

Tỳ-kheo đáp: 

“Vô thường, bạch Thế Tôn!”

“Nếu vô thường, là pháp biến đổi, ngươi có nên sanh tâm này: ‘Cái này là của ta; ta là của cái này’[121] không?”

Đáp:

“Không, bạch Thế Tôn!”

“Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”

Tỳ-kheo đáp: 

“Vô thường, bạch Thế Tôn!”

“Nếu là vô thường thì là pháp biến đổi, ngươi có nên sanh tâm này: ‘Cái này là của ta; ta là của cái này’ không?”

Đáp: 

“Không, bạch Thế Tôn!”

“Cho nên, này Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần; sắc nầy chẳng phải của ta, ta không phải của sắc này. Như vậy được giác tri[122] bởi người trí.[123] Những gì là thọ hoặc quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc xa hoặc gần; thọ này cũng chẳng phải của ta, ta không phải của thọ này. Như vậy được giác tri bởi người trí. 

“Tỳ-kheo, hãy quán như vầy: hàng Thanh văn nhàm tởm mắt, nhàm tởm sắc, nhàm tởm thức con mắt, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên thức con mắt; cũng nhàm tởm tai, nhàm tởm thanh, nhàm tởm thức của tai, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên thức của tai; cũng nhàm tởm mũi, lưỡi, thân, ý và pháp, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên bởi ý. Đã nhàm tởm, được giải thoát. Đã giải thoát, được trí giải thoát, biết như thực rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia được Thế Tôn chỉ dạy như vậy, ở nơi vắng vẻ, tự tu, tư duy, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, lìa bỏ gia đình, tu vô thượng phạm hạnh, cho đến, như thực biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, biết như thật. Tỳ-kheo kia đã thành A-la-hán.

Tỳ-kheo kia sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở dưới bóng cây đạo tràng, nước Ma-kiệt, lúc mới thành Phật

Bấy giờ Thế Tôn nghĩ như vầy: “Nay Ta đã được pháp thật sâu xa này, khó rõ, khó tường, khó hiểu, khó biết, rất là vi diệu, [618b1] được giác tri bởi bực trí. Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước nhất, để người đó rõ được pháp của Ta?”

Rồi Thế Tôn lại nghĩ: “A-la-lam,[124] với các căn đã thuần thục, đáng được độ trước. Vả lại, ông ấy đang trông đợi Ta có Pháp.” Vừa nghĩ như vậy, tức thì giữa hư không có vị trời bạch Thế Tôn rằng: 

“A-la-lam đã chết bảy ngày rồi.” 

Bấy giờ, Thế Tôn lại nghĩ: “Khổ thay, sao người ấy chưa nghe được Pháp của Ta mà đã chết rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.” 

Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước để người này được giải thoát? Uất-đầu-lam-phất[125] đáng được độ trước. Hãy thuyết pháp cho ông ấy trước hết. Nghe ta thuyết pháp xong sẽ được giải thoát trước nhất.”

Khi Thế Tôn vừa nghĩ vậy, giữa hư không có vị trời nói rằng: 

“Ông ấy đã chết rồi, vào nửa đêm hôm qua.” 

Khi đó Thế Tôn lại nghĩ rằng: ‘Uất-đầu-lam-phất này, khổ thay, sao chưa nghe được pháp của Ta mà đã chết mất rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.” 

Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Ai nghe pháp của ta trước hết, được giải thoát?” Thế Tôn lại nghĩ: “Năm tỳ-kheo đã làm nhiều lợi ích cho Ta, vẫn theo sau Ta khi Ta mới sanh.” Rồi Thế Tôn lại nghĩ: “Năm Tỳ-kheo này hiện ở đâu?” Bèn dùng thiên nhãn quán sát, thấy năm tỳ-kheo này đang ở trong vườn Nai, trú xứ Tiên nhân, Ba-la-nại. “Nay Ta hãy đến đó thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước nhất. Nghe pháp ta rồi, họ sẽ được giải thoát.” 

Bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày nhìn chăm chú vào cây đạo thọ, mắt không hề nháy.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ này:

Chỗ Ta ngồi nay đây

Trải qua khổ sanh tử.

Nắm chặt búa trí huệ

Chặt đứt rễ gai nhọn.

Thiên vương đến nơi đây.

Cùng các Ma, quyến thuộc.

Hàng phục bằng phương tiện,

Khiến đội mũ giải thoát.

Nay ở dưới cây này,

Ngồi trên tòa kim cương,

Chứng đắc huệ vô ngại,

Thành tựu nhất thiết trí.

Ta ngồi dưới cây này

Thấy rõ khổ sinh tử.

Đã dứt nguồn gốc tử

Già bệnh hẳn không còn.

Thế Tôn sau khi nói kệ này, rời chỗ ngồi đứng dậy, đi về hướng [618c1] nước Ba-la-nại. 

Lúc đó phạm chí Ưu-tỳ-già[126] từ xa thấy Thế Tôn, sắc sáng rực rỡ che khuất ánh mặt trời mặt trăng. Thấy vậy, ông bạch Thế Tôn:

“Cù-đàm, Sư chủ của ông hiện đang ở đâu? Ông nương theo ai xuất gia học đạo? Thường thích thuyết pháp nào để dạy? Ông từ đâu lại? Ông muốn đi đến đâu?”

Thế Tôn nhìn phạm chí kia mà nói kệ này:

Ta thành A-la-hán,

Thế gian không ai bằng.[127]

Trời cùng người thế gian

Nay Ta là tối thượng.

Ta cũng không thầy dạy,

Cũng không ai bì kịp;

Độc tôn, không ai hơn;

Mát lạnh, không còn nóng.[128]

 Ta đang chuyển pháp luân,

Đi đến nước Ca-thi.

Nay đem thuốc cam lồ

Mở mắt người mù kia.

Đất nước Ba-la-nại,

 Vương thổ nước Ca-thi,[129]

Trú xứ năm tỳ-kheo;

Ta sẽ thuyết diệu pháp,

Khiến họ sớm thành đạo,

Và được lậu tận thông,

Để trừ nguồn pháp ác.

Cho nên, Ta tối thắng.

Khi đó phạm chí kia than, lắc đầu, khoanh tay, búng ngón tay, mỉm cười, rồi nhắm theo đường mà đi.

Khi Thế Tôn đến Ba-la-nại, năm tỳ-kheo từ xa thấy Thế Tôn đến. Thấy vậy, họ bảo nhau: “Đó là Sa-môn Cù-đàm, đang từ xa đến. Tánh tình đã tán loạn, tâm không chuyên tinh. Chúng ta đừng nói chuyện, cũng đừng đón tiếp, cũng đừng mời ngồi.” Rồi năm người nói kệ này:

Người này không đáng kính,

Đừng gần gũi ân cần,

Cũng đừng có chào mừng

Và cũng đừng mời ngồi.

Năm tỳ-kheo kia nói kệ rồi, cùng im lặng. Bấy giờ đức Thế Tôn đến chỗ năm tỳ-kheo, càng lúc càng gần, năm tỳ-kheo kia cũng từ từ đứng dậy nghinh tiếp. Người thì trải chỗ ngồi. Người thì lấy nước. Thế Tôn liền ngồi trước mặt họ, tư duy như vầy: “Những con người ngu si, cuối cùng không thể giữ trọn giao ước của mình.”

Bấy giờ năm tỳ-kheo gọi đức Thế Tôn bằng ‘bạn.’[130] Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:

“Các ngươi chớ gọi bậc Vô thượng, Chí chân, Đẳng chánh giác là bạn[619a1] Vì sao vậy? Nay Ta đã thành Vô thượng, Chí chân, Đẳng chánh giác, đã được thiện cam lồ. Các ngươi hãy chú tâm nghe pháp ngữ của Ta.”

Bấy giờ năm tỳ-kheo kia nói với Thế Tôn:

“Cù-đàm, xưa tu khổ hạnh còn không thể được pháp thượng nhân, huống chi hôm nay ý tình tán loạn mà nói đắc đạo ư?”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào, năm người, các ngươi đã từng nghe Ta vọng ngữ chưa?”

Năm tỳ-kheo đáp:

“Chưa, Cù-đàm!”

Thế Tôn bảo:

“Như Lai, Đẳng chánh giác, đã có được cam lồ. Các ngươi hãy chú tâm nghe ta thuyết pháp.” 

Khi đó đức Thế Tôn lại nghĩ thầm: “Nay Ta có thể hàng phục năm người này.” Rồi Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Này năm tỳ-kheo, các ngươi nên biết, có bốn chân lý này. Những gì là bốn? Đó là khổ đế, khổ tập đế, khổ tận đế, khổ xuất yếu đế.

“Thế nào là khổ đế? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ưu bi não khổ, sầu ưu khổ, không thể kể hết. Oán ghét gặp nhau khổ, ân ái chia lìa khổ, không được những điều ham muốn cũng lại là khổ. Nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ đế.

“Thế nào là khổ tập đế? Ái đưa đến tái sanh, tập hành không mệt mỏi, ý thường tham đắm.[131] Đó gọi là khổ tập đế.

“Thế nào là khổ tận đế? Ái kia diệt tận không dư tàn, cũng không tái sanh khởi. Đó gọi là khổ tận đế.

“Thế nào là khổ xuất yếu đế? Đó là tám phẩm đạo của Hiền Thánh[132], gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định

“Đó gọi là pháp tứ đế

“Lại nữa, này năm Tỳ-kheo, pháp bốn thánh đế này, khổ đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ. Đó là pháp trước kia chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ đếchân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ đế.

“Khổ tập đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tập đếchân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều được Thế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tập đế.

“Khổ tận đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tận đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tận đế.

“Khổ xuất yếu đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, [619b01] sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ xuất yếu đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ xuất yếu đế.

“Năm tỳ-kheo nên biết, bốn đế này được ba lần chuyển với mười hai hành. Ai không biết như thật, không thành Vô thượng Chánh chân, Đẳng chánh giác. Ta vì đã phân biệt bốn đế này, ba lần chuyển với mười hai hành, biết nó như thật, cho nên thành Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác.”

Sau khi nghe thuyết pháp này, A-nhã Câu-lân dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Lúc đó đức Thế Tôn bảo A-nhã Câu-lân:

“Nay Ông đã đến với pháp, đã đắc pháp.”[133]

Câu-lân đáp:

“Thưa vâng, Thế Tôn! Con đã đến với pháp, đã đắc pháp.”

Địa thần sau khi nghe nghe những lời như vậy, liền xướng rằng: 

“Nay Như Lai tại nước Ba-la-nại đã chuyển pháp luânchư Thiên, người đời, Ma và Ma thiên, người cùng phi nhân, đều không chuyển được. Hôm nay Như Lai chuyển pháp luân này, A-nhã Câu-lân đã được pháp cam lồ.” 

Khi đó, Tứ Thiên vương nghe địa thần xướng, lại chuyển lời tiếp xướng rằng: 

“A-nhã Câu-lân đã đắc pháp vị cam lồ.” 

Rồi trời Tam thập tam lại nghe từ Tứ Thiên vương. Diễm Thiên nghe từ Trời Tam thập tam, cho đến Đâu-suất thiên, lần lượt nghe tiếng, và cho đến Phạm thiên cũng nghe tiếng: “Như Lai tại nước Ba-la-nại đã chuyển pháp luânchư Thiên, người đời, Ma và Ma thiên, người cùng phi nhân, đều không chuyển được. Nay Như Lai chuyển pháp luân này.” Bấy giờ liền có tên gọi là A-nhã Câu-lân.

Rồi Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:

“Các ngươi, hai người ở lại để được chỉ dạy; ba người đi khất thực. Ba người khất thực được rồi thì sáu người sẽ cùng ăn. Ba người ở lại để được chỉ dạy, hai người đi khất thực. Hai người khất thực được rồi thì sáu người cùng ăn.” 

Bấy giờ, bằng sự giáo huấn này mà trở thành pháp vô sanh Niết-bàn, cũng thành không sanh, không bệnh, không già, không chết. Lúc đó cả thảy năm tỳ-kheo đều thành A-la-hán. Bấy giờ, ba ngàn đại thiên sát độ có năm vị A-la-hán, với Phật là sáu.

Rồi Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:

“Tất cả các ngươi cùng nhau đi khất thực trong nhân gian. Cẩn thận đừng đi một mình.[134] Còn những chúng sanh mà các căn thuần thục, những người đáng được độ. Nay Ta sẽ đến thôn Ưu-lưu-tì,[135] thuyết pháp tại đó.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn đi đến thôn xóm Ưu-lưu-tì. Khi đó bên dòng sông Liên-nhã[136] có Ca-diếp[137] [619c1] đang sinh sống tại đó. Ông biết thiên văn, địa lý; không gì không thông suốt. Toán số cây lá tất cả đều biết rõ. Ông dẫn năm trăm đệ tử thường ngày đi giáo hóa. Cách Ca-diếp không xa có thạch thất. Ở trong thạch thất, có rồng độc đang sống tại đó. 

Thế Tôn đến chỗ Ca-diếp, nói với Ca-diếp: 

“Tôi muốn ngủ nhờ trong thạch thất một đêm. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ đến ở.” 

Ca-diếp đáp rằng: 

“Tôi không tiếc gì. Nhưng ở đó có một con rồng độc, sợ nó sẽ làm tổn hại đến ông.”

Thế Tôn bảo:

“Ca-diếp, đừng lo, rồng không hại Ta! Chỉ cần đồng ý, Ta ở đó một đêm.”

Ca-diếp đáp:

“Nếu ông muốn ở, tùy ý đến ở.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vào thạch thất, trải chỗ nằm mà nghỉ, kiết già phu tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm tại tiền. Lúc đó, rồng độc thấy Thế Tôn ngồi; nó liền phun lửa độc. Thế Tôn nhập từ tam-muội, xuất từ tam-muội, nhập diệm quang tam-muội. 

Bấy giờ lửa của rồng và ánh sáng Phật cùng lúc phát sáng. Đêm đó Ca-diếp dậy quan sát tinh tú, thấy trong thạch thất có ánh sáng và lửa lớn. Thấy vậy, ông bảo các đệ tử:

“Sa-môn Cù-đàm này dung mạo xinh đẹp, nay bị con rồng này hại. Thật đáng thương tiếc. Trước đây, ta cũng đã có lời này, ở đó có rồng ác không thể nghỉ đêm!” 

Lúc đó Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:

“Các người cầm bình nước và mang thang cao đến chữa lửa, để Sa-môn kia được thoát khỏi nạn này.”

Bấy giờ, Ca-diếp dẫn năm trăm đệ tử đến thạch thất để chữa lửa này. Người thì cầm nước rưới, người thì bắc thang. Nhưng không thể dập tắt được lửa, đều là do oai thần của Như Lai tạo nên. 

Bấy giờ, Thế Tôn nhập từ tam-muội dần dần khiến cho con rồng kia không còn sân hận nữa. Lúc này tâm rồng ác kia tỏ ra sợ sệt, chạy qua chạy lại muốn thoát ra khỏi thạch thất, nhưng không ra khỏi thạch thất được. Khi đó con rồng ác kia, hướng đến Như Lai, chui vào bát Thế Tôn ở. Khi đó, Thế Tôn dùng tay phải xoa mình rồng ác, rồi nói kệ này:

Rồng[138] xuất thế khó có.

Rồng với rồng gặp nhau.

Rồng chớ nổi tâm hại.

Rồng xuất thế, hó có..

Quá khứ hằng sa số,

Chư Phật bát-niết-bàn;

Mà ngươi chưa hề gặp

Đều do lửa sân hận

[620a1]Tâm thiện hướng Như Lai,

Mau bỏ độc sân này.

Đã trừ độc sân nhuế,

Liền được sanh lên Trời.[139]

Bấy giờ, con rồng dữ kia thè lưỡi liếm tay Như Lai và nhìn kỹ mặt Như Lai. Sáng hôm sau, Thế Tôn mang rồng dữ đó đến gặp Ca-diếp và nói với Ca-diếp:

“Đây là con rồng dữ, thật hung bạo. Nay nó đã bị hàng phục.”

Khi Ca-diếp thấy được rồng dữ, trong lòng hoảng sợ, bạch Thế Tôn:

“Thôi, thôi, Sa-môn! Đừng bước tới, rồng sẽ gây hại!”

Thế Tôn bảo:

“Ca-diếp, đừng sợ! Nay Ta đã hàng phục nó rồi, sau này sẽ không gây hại nữa. Vì sao vậy? Vì rồng này đã được giáo hóa rồi.” 

Bấy giờ, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử khen ngợi: 

“Việc chưa từng có! Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm này oai thần thật lớn, có thể hàng phục con rồng dữ này, khiến không nó làm ác. Tuy vậy, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn[140].” 

Bấy giờ Ca-diếp bạch Phật:

“Đại Sa-môn, hãy nhận lời thỉnh cầu chín mươi ngày của tôi. Những thứ cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, tôi sẽ cung cấp hết thảy.”

Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Ca-diếp. Thế Tôn đem rồng thần này thả vào trong biển lớn. Rồng dữ kia tùy theo mạng sống dài ngắn, sau khi mạng chung sanh lên trời Tứ Thiên vương. Sau đó Như Lai trở về nghỉ tại thạch thất. Ca-diếp sắp đặt nhiều đồ ăn uống xong, đến bạch Thế Tôn:

“Đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong, xin mời đến thọ thực.”

Thế Tôn bảo:

“Ca-diếp về trước. Tôi sẽ đi ngay vậy.”

Sau khi Ca-diếp đi khỏi, Phật liền đến trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây diêm-phù, nhặt quả diêm-phù[141] rồi, trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Khi Ca-diếp về đã thấy Thế Tôn ở trong thạch thất, liền bạch Thế Tôn:

“Sa-môn từ đường nào đến thạch thất?”

Phật bảo Ca[620b1]-diếp:

“Sau khi Ông đi, tôi đến phía trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây diêm-phù, nhặt quả diêm-phù rồi trở về ngồi đây. Ca-diếp nên biết, quả này rất thơm ngon, hãy cầm lấy mà ăn.”

Ca-diếp đáp:

“Tôi không cần cái này. Sa-môn tự lấy ăn.”

Bấy giờ Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn này có thần túc siêu việt, có oai lực lớn, mới có thể đến phía trên cõi Diêm-phù nhặt trái ngon này. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.” 

Sau khi Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Sáng sớm Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

“Đã đến giờ ăn, mời đến thọ thực.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”

Ca-diếp vừa đi khỏi, Phật liền đến phía trên cõi Diêm-phù, nhặt trái a-ma-lặc[142] rồi trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Thế Tôn:

“Sa-môn từ đường nào đến chốn nầy?”

Phật trả bảo:

“Sau khi Ông đi, tôi đến trên cõi Diêm-phù, nhặt trái này lại, nó rất là thơm ngon, nếu cần thì lấy ăn!”

Ca-diếp đáp:

“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy ăn.”

Khi đó Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này rất có thần lực, có oai thần lớn. sau khi ta đi, đi lấy quả này về. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.” 

Sau khi Thế Tôn ăn xong liền trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn mà nói rằng:

“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Bắc Uất-đan-viết lấy lúa tẻ chín tự nhiên,[143] rồi trở về trước thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”

Thế Tôn bảo:

“Sau khi ông đi, tôi đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muộn tự nhiên rất là thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”

Ca-diếp đáp:

“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”

Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.”

Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn nói:

“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Cù-da-ni [620c1] nhặt quả a-lê-lặc,[144] về trước vào thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Sau khi Ông đi, tôi đến Cù-da-ni nhặt quả này lại rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”

Ca-diếp đáp rằng:

“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”

Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc chơn đạo.”

Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn bạch:

“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực!”

Phật bảo Ca-diếp:

“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Phất-vu-đãi nhặt trái tì-hê-lặc[145] rồi, về trước ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Sau khi ông đi, tôi đến Phất-vu-đãi nhặt quả này rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”

Ca-diếp đáp:

“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”

Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.” 

 Thế Tôn ăn xong trở về chỗ kia nghỉ ngơi.

Lúc bấy gời Ca-diếp đang chuẩn bị đại tế đàn. Năm trăm đệ tử cầm búa bửa củi. Tay nhấc búa lên nhưng búa không xuống. Lúc đó, Ca-diếp nghĩ thầm như vầy: “Đây chắc Sa-môn làm.” Khi đó Ca-diếp hỏi Thế Tôn:

“Nay muốn bửa củi, vì sao búa không hạ xuống được?”

Thế Tôn bảo:

“Muốn cho búa hạ xuống được phải không?”

Đáp:

“Muốn hạ xuống.”

 Búa liền hạ xuống. Lúc búa kia đã hạ xuống, lại không nhấc lên được. Ca-diếp lại bạch Phật:

“Búa sao không nhấc lên được?”

Thế Tôn bảo:

“Muốn cho búa lên chăng?”

Đáp:

“Muốn nhấc lên.”

Búa liền nhấc lên. 

Bấy giờ, đệ tử của Ca-diếp muốn nhen lửa, nhưng nhen không cháy. Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Đây chắc Sa-môn Cù-đàm gây ra.” 

Ca-diếp bạch Phật:

“Vì sao nhen lửa không cháy?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Muốn lửa cháy phải không?”

Đáp:

“Muốn cho cháy.” 

Lửa liền cháy. Sau đó muốn dập tắt, lửa lại không tắct. Ca-diếp bạch Phật:

“Sao lửa dập không tắt?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Muốn cho lửa tắt phải không?”

Đáp:

“Muốn cho tắt.”

Lửa liền tắt ngay. Ca-diếp liền nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này [621a1] diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Quốc vương, nhân dân tất cả đều tụ tập. Nếu họ thấy Sa-môn này, ta sẽ không còn được cúng dường. Sa-môn này ngày mai không đến sẽ là đại phúc.”

Thế Tôn biết những suy nghĩ trong lòng Ca-diếp. Sáng hôm sau, Phật đến Uất-đan-viết, lấy lúa chín muôn tự nhiên; đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến ao A-nậu-đạt mà dùng. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn hỏi:

“Sa-môn, hôm qua sao không đến?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Hôm qua ông đã nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Nếu quốc vương, nhân dân thấy được Sa-môn này, sẽ cắt đứt cúng dường cho ta. Nếu ông ta không đến sẽ là đại phúc.’ Tôi biết được những suy nghĩ trong lòng của ông, mới đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muôn tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến bên ao A-nậu-đạt mà ăn. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.”

Khi ấy Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Đại Sa-môn này, có thần túc lớn, có thật oai thần. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chân.” 

Thế Tôn ăn xong, trở về thạch thất nghỉ ngơi. Ngay đêm đó, Tứ Thiên vương đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Tứ Thiên vương cũng có ánh sáng, Phật cũng phóng ánh sáng lớn, chiếu cả sơn động hoang dã kia tỏa sáng một màu. Đêm hôm đó Ca-diếp thấy được ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

“Đêm qua, ánh sáng gì chiếu sáng núi non hoang dã này?”

Thế Tôn bảo:

“Đêm qua Tứ Thiên vương đến chỗ tôi nghe Pháp. Đó là ánh sáng của Tứ Thiên Vương kia.”

Lúc đó Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này rất có thần lực, mới khiến cho Tứ Thiên vương đến nghe kinh pháp. Tuy nhiên, thần lực này vẫn không bằng ta đắc đạo chân.” 

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Thế Tôn nghe pháp. Ánh sáng của Thiên Đế lại chiếu sáng núi đó. Ca-diếp kia đêm dậy ngắm sao, thấy ánh sáng này. Sáng hôm sau, Ca-diếp tới chỗ Thế Tôn, hỏi:

“Cù-đàm, đêm qua có ánh sáng thật là đặc biệt. Vì sao có ánh sáng như vậy?”

Thế Tôn bảo:

“Đêm qua, Thiên đế [621b1] Thích đến đây nghe kinh. Cho nên có ánh sáng như vậy.”

Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn Cù-đàm này thật có thần lực, có oai thần lớn, mới có thể khiến cho Thiên Đế Thích đến nghe kinh pháp. Tuy vậy vẫn không bằng ta đắc đạo chân.” 

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm Phạm Thiên vương phóng ánh sáng lớn chiếu xuống núi này, đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Đêm đó Ca-diếp thức dậy, thấy ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, hỏi:

“Đêm qua, ánh sáng chiếu sáng hơn ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Có những nhân duyên gì mà có thứ ánh sáng này?”

Thế Tôn bảo:

“Ca-diếp nên biết, đêm qua, Đại Phạm Thiên vương đến chỗ Ta nghe kinh pháp.”

Lúc đó Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, mới khiến Tổ phụ của ta đến chỗ Sa-môn này mà nghe kinh pháp. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”

Bấy giờ, Thế Tôn được y năm mảnh cũ rách,[146] muốn giặt dũ, nghĩ thầm: “Ta sẽ giặt y này ở chỗ nào?” 

Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền biến ra một hồ tắm, rồi bạch Thế Tôn: ‘Xin hãy đến đây giặt y.’

Thế Tôn lại nghĩ thầm: “Ta phải đứng chỗ nào để đạp giặt y này?”

Lúc đó, Tứ Thiên vương biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền nhấc một tảng đá vuông lớn đặt mé nước, rồi bạch Thế Tôn: “Xin hãy đứng chỗ này mà đạp y.”

Thế Tôn lại nghĩ: “Ta phơi y này ở chỗ nào?”

Lúc đó, Thần cây biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền làm oằn nhánh cây xuống, rồi bạch Thế Tôn: “Cúi xin Thế Tôn phơi y chỗ này.”

Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn

“Chỗ này trước đây không có ao, nay có ao này? Trước không có cây, nay có cây này? Trước không có đá, nay có tảng đá này. Nguyên nhân gì mà có sự thay đổi này?”

Thế Tôn bảo:

“Đây là hôm qua Thiên đế Thích biết tôi muốn giặt y cho nên làm hồ tắm này. Tôi lại nghĩ: ‘Đứng chỗ nào để đạp giặt y này?’ Tứ Thiên vương biết tôi đang nghĩ gì, liền mang đá này đến. Tôi lại nghĩ: ‘Phơi y này ở chỗ nào?’ Thần cây biết tôi đang nghĩ gì, liền oằn nhánh cây này vậy.”

Lúc đó, Ca-diếp nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này tuy có thần lực những vẫn [621c1] không bằng ta đắc đạo chân.”

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, có nhiều mây đen nổi lên, rồi đổ mưa lớn. Sông lớn Liên-nhã bị nước lũ ngập tràn. 

Lúc đó, Ca-diếp nghĩ thầm: “Nước lũ tràn sông này, Sa-môn nhất định sẽ bị nước cuốn trôi. Nay ta ra xem thử.”

Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đi ra bờ sông. Bấy giờ Thế Tôn đang đi trên nước, chân không bị dính nước. Khi đó Ca-diếp từ xa thấy Thế Tôn đi trên mặt nước. Ca-diếp thấy vậy, liền nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm lại có thể đi trên mặt nước. Ta cũng có thể đi trên mặt nước, nhưng không thể khiến cho chân không dính nước mà thôi. Sa-môn này tuy thật có thần lực. Nhưng vẫn không bằng ta đắc đạo chân.” 

Khi đó Thế Tôn bảo Ca-diếp:

“Ông không phải là A-la-hán, cũng không biết đạo A-la-hán. Ông còn chưa biết tên A-la-hán, huống chi là đắc đạo sao? Ông là người mù. Mắt không trông thấy gì hết. Như Lai đã biến hóa ngần ấy sự, mà ông vẫn cứ nói ‘Không bằng ta đắc đạo chân.’ Ông vừa nói rằng: ‘Ta có thể đi trên mặt nước.’ Bây giờ là lúc thích hợp. Có thể cùng đi trên mặt nước chăng? Ông nay hãy bỏ tâm tà kiến, đừng để phải chịu khổ não lâu dài như vậy.”

Khi Ca-diếp nghe Thế Tôn nói như vậy, liền đến trước, mặt đảnh lễ sát chân: “Con xin hối lỗi, biết rõ sai trái xúc phạm Như Lai. Cúi xin nhận sự sám hối này.” Như vậy ba lần.

Thế Tôn bảo:

“Chấp nhận sự hối lỗi của ông, đã biết tội quấy nhiễu Như Lai.”

Lúc đó, Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:

“Các ngươi, mỗi người hãy làm theo những gì mình thích. Ta nay tự quy y Sa-môn Cù-đàm.”

Khi ấy năm trăm đệ tử bạch Ca-diếp:

“Chúng con trước đây, lúc hàng phục rồng cũng có ý muốn quy Sa-môn Cù-đàm. Nếu thầy tự quy y Cù-đàm thì năm trăm đệ tử chúng con thảy đều tự quy y với Cù-đàm.”

Ca-diếp nói:

“Nay thật là thích hợp. Nhưng tâm ta lại chấp vào sự ngu si này, thấy ngần ấy sự biến hóa mà tâm ý vần còn không tỏ, vẫn tự xưng ta được đạo chân chánh.” 

Rồi Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử vây quanh trước sau đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con được làm Sa-môn, tu hạnh thanh tịnh.”

Theo pháp thường của chư Phật, nếu Phật nói ‘Thiện lai, Tỳ-kheo!’ Người ấy liền thành Sa-môn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo [622a1] Ca-diếp:

“Thiện lại, Tỳ-kheo! Pháp này vi diệu. Hãy khéo tu phạm hạnh.” [147]

Ngay khi ấy, y phục đang mặc của Ca-diếp và năm trăm đệ tử thảy đều biến thành cà-sa, tóc trên đầu tự rụng, giống như cạo tóc được bảy ngày. Rồi những dụng cụ học thuậtliên hệ đến chú thuật của Ca-diếp đều được ném xuống sông. Sau đó, năm trăm đệ tử bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn cho chúng con được làm Sa-môn!”

Thế Tôn bảo:

“Thiện lai, Tỳ-kheo!”

Tức thì, năm trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng.

Lúc bấy giờ, thuận dòng nước về hạ lưu có phạm-chí[148] tên là Giang Ca-diếp[149] sống ở bên sông. Khi Giang Ca-diếp thấy những dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, bèn nghĩ: ‘Ối! Đại huynh của ta bị nước nhận chìm rồi!’

Giang Ca-diếp liền dẫn ba trăm đệ tử theo dòng sông lên thượng lưu, tìm thi hài của đại huynh. Từ xa, thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, thuyết pháp cho Đại Ca-diếp và năm trăm đệ tử, trước sau vây quanh. Thấy vậy, ông đến trước Ca-diếp mà nói: “Việc này há tốt đẹp sao? Trước kia làm thầy người. Nay làm đệ tử. Vì sao đại huynh làm đệ tử của Sa-môn?’

Ca-diếp đáp:

“Nơi này tuyệt diệu. Không nơi nào hơn.” 

Lúc đó Ưu-tỳ Ca-diếp[150] quay sang Giang Ca-diếp mà nói kệ này:

Thầy này trời người quý;

Nay ta thờ làm Thầy.

Chư Phật hiện thế gian,

Gặp được thật là khó.

Lúc đó Giang Ca-diếp nghe danh hiệu Phật, lòng rất vui mừng hớn hở khôn xiết, đến trước bạch Thế Tôn:

“Xin cho phép tu đạo!”

Thế Tôn bảo:

“Thiện lai, tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.”

Khi đó Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng. Rồi Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử ném hết dụng cụ chú thuật xuống nước.

Bấy giờ thuận theo dòng nước cuối sông, có phạm-chí* tên là Già-di Ca-diếp[151] sống ở bên sông.[152] Từ xa, trông thấy dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, liền nghĩ: “Ta có hai người anh học đạo ở trên đó. Nay dụng cụ chú thuật bị nước cuốn hết. Hai đại Ca-diếp chắc bị nước hại.” Nghĩ rồi, liền dẫn hai trăm đệ tử theo sông lên thượng lưu, đến chỗ học thuật. Từ xa thấy hai anh đang làm sa-môn, liền nói: “Nơi này tốt đẹp chăng? Xưa là bực tôn kính của người, [622b1] nay làm đệ tử Sa-môn!”

Ca-diếp đáp:

“Nơi này rất tốt đẹp. Không nơi nào hơn.”

Già-di Ca-diếp suy nghĩ: “Hai anh của ta biết nhiều, học rộng. Nơi này chắc là mảnh đất tốt, mới khiến cho hai anh của ta vào học đạo. Nay ta cũng nên xin vào học đạo.”

Già-di Ca-diếp bèn đến trước, bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.”

Thế Tôn bảo:

“Thiện lai, tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.”

Già-di Ca-diếp tức thì trở thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng giống như cạo đầu được bảy ngày.

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở dưới cây ni-câu-loại bên sông kia, sau khi thành Phật chưa bao lâu, đã có một ngàn đệ tử, đều là các bậc bậc kỳ túc trưởng lão

Lúc đó, Thế Tôn giáo hóa bằng ba sự. [153] Thế nào là ba? Đó là thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa,[154] huấn hối giáo hóa.

“Sao gọi là thần túc giáo hóa? Bấy giờ Thế Tôn hoặc biến ra nhiều hình rồi hợp lại một, hoặc hiện hoặc ẩn. Đi qua vách đá mà không gì chướng ngại. Hoặc ra khỏi mặt đất, hoặc nhập vào đất giống như xuống nước mà không bị trở ngại. Hoặc ngồi kiết-già đầy khắp giữa hư không như chim bay trên không chẳng bị ngăn cản. Cũng như núi lửa lớn, phun khói vô lượng. Như mặt trời mặt trăng kia có đại thần lực, có thần lực lớn không thể hạn lượng, mà có thể dùng tay với đến. Thân cao cho đến Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như vậy.

“Sao gọi là ngôn giáo giáo hóa? [155] Bấy giờ Thế Tôn dạy các tỳ-kheo nên xả điều này, nên giữ điều này; nên gần điều này, nên xa điều này; nên nhớ điều này, nên trừ điều này; nên quán điều này, nên không quán điều này.[156] 

“Sao gọi là nên tu điều này, không tu điều này? Hãy tu bảy giác chi, diệt ba kết. Sao là nên quán, không nên quán? Hãy quán ba kết, và ba thiện của sa-môn, đó là lạc do xuất yếu, lạc do không nhuế, lạc do không nộ.[157] Sao gọi là không quán? Đó là ba khổ của sa-môn. Những gì là ba? Dục quán, nhuế quán, nộ quán.[158] Sao gọi là niệm, sao gọi là không niệm? Bấy giờ, nên niệm khổ đế, nên niệm tập đế, nên niệm tận đế, nên niệm đạo đế; chớ niệm tà đế, thường kiến,[159] vô thường kiến; biên kiến, vô biên kiến; mạng khác thân khác;[160] chẳng phải mạng chẳng phải thân;[161] Như Lai mạng chung, Như Lai không mạng chung, vừa hữu chung vừa vô chung; cũng chẳng hữu chung cũng chẳng vô chung.[162] Đừng niệm như vậy.[163] 

“Sao gọi là huấn hối giáo [622c1] hóa? Lại nữa, hãy đi như vầy, không nên đi như vầy; nên đến như vậy, không nên đến như vậy; nên im lặng như vậy, nên nói năng như vậy; phải thọ trì y như vậy, không được thọ trì y như vầy; nên vào thôn như vầy, không nên vào thôn như vầy. Đây gọi là huấn hối giáo giới.”

Lúc đức Thế Tôn bằng ba sự này giáo hóa một ngàn tỳ-kheo, những tỳ-kheo đó nhận được sự giáo hóa của Phật xong, trở thành một ngàn A-la-hán. 

Khi ấy Thế Tôn thấy một ngàn tỳ-kheo đã đắc A-la-hán. Bấy giờ cõi Diêm-phù-đề có một ngàn A-la-hán cùng năm tỳ-kheo và Phật là sáu, Ngài quay ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ. 

Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp suy nghĩ như vầy: “Vì sao Thế Tôn ngồi quay lại hướng về Ca-tỳ-la-vệ?” Rồi Ưu-tỳ Ca-diếp liền đến trước, quỳ thẳng bạch Thế Tôn:

“Chẳng hiểu tại sao Như Lai ngồi quay hướng về Ca-tỳ-la-vệ?”

Thế Tôn bảo:

“Như Lai ở đời cần làm năm việc. Sao gọi là năm? Một là chuyển pháp luân; hai là thuyết pháp cho cha; ba là thuyết pháp cho mẹ; bốn là dẫn dắt phàm phu lập hạnh Bồ-tát; năm là thọ ký riêng cho Bồ-tát. Này Ca-diếp, đó gọi là Như Lai xuất hiện ở đời cần làm năm việc như vậy.”

Ưu-tỳ Ca-diếp bèn nghĩ: “Như Lai vì nhớ thân tộc xứ sở nên quay hướng đó ngồi vậy.”

Khi đó năm tỳ-kheo lần hồi đi đến bờ sông Ni-liên.[164]Đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Lúc đó Tôn giả Ưu-đà-da[165] xa thấy Thế Tôn ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ. Thấy vậy liền nghĩ rằng: “Nhất định Thế Tôn muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ để thăm thân quyến.” Ưu-đà-da liền tới trước quỳ thẳng bạch Thế Tôn:

“Nay con kham nhậm có điều muốn hỏi, xin được giải bày.”

Thế Tôn bảo:

“Muốn hỏi gì thì cứ hỏi.”

Ưu-đà-da bạch Thế Tôn:

“Xem ý Như Lai muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ?”

“Thật vậy, như lời ông nói. Ưu-đà-da, nên biết, ông hãy tới chỗ Bạch Tịnh Vương[166] trước. Ta sẽ đến sau. Vì sao vậy? Vì phải báo cho chủng tộc sát-lợi biết tin trước, rồi sau Như Lai mới tới. Ngươi đến bẩm với Vua rằng, bảy ngày sau Như Lai sẽ về thăm Vua.”

Ưu-đà-da đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Bấy giờ Ưu-đà-da từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục lễ [623a1] sát chân Thế Tôn, rồi biến mất khỏi Thế Tôn, hiện đến Ca-tỳ-la-vệ, tới chỗ của Chân Tịnh vương,[167] đến rồi đứng ở phía trước vua.

Khi Chân Tịnh vương đang ở trên đại điện, ngồi cùng với các thể nữ, lúc ấy Ưu-đà-da đang bay ở trên không. Rồi Chân Tịnh vương thấy Ưu-đà-da tay mang bình bát, cầm trượng, đang đứng trước mặt. Thấy vậy, trong lòng lo sợ mà nói rằng: 

“Đây là người nào? Là người, hay phi nhân; trời, hay quỷ, dạ-xoa, la-sát, thiên long, quỷ thần?” 

Lúc đó Chân Tịnh vương hỏi Ưu-đà-da: 

“Ngươi là người nào?” 

Lại nói với Ưu-đà-da bằng bài kệ này:

Là trời, hay là quỷ,

Hay càn-thát-bà chăng?

Ông nay tên là gì?

Hiện tại ta muốn biết.

Lúc bấy giờ Ưu-đà-da lại dùng kệ này đáp vua:

Tôi cũng chẳng là trời,

Chẳng phải càn-thát-bà.

Ở nước Ca-tỳ này,

Người đất nước Đại vương.

Xưa phá mười tám ức

Quân Ba-tuần xấu ác:

Thích-ca Văn, Thầy tôi.

Tôi đệ tử của Ngài.

Chân Tịnh Vương lại dùng kệ này hỏi Ưu-đà-da:

Ai phá mười tám ức

Quân Ba-tuần xấu ác?

Thích-ca Văn là ai

Nay Ông lại ca ngợi?

Ưu-đà-da lại nói kệ này:

Lúc Như Lai mới sanh

Trời đất rung động khắp.

Thệ nguyện quyết làm xong,

Nên gọi hiệu Tất-đạt.

Người thắng mười tám ức

Quân Ba-tuần xấu ác,

Người tên Thích-ca Văn.

Ngày nay thành Phật đạo.

Người kia con họ Thích,

Đệ tử thứ Cù-đàm;

Hôm nay làm Sa-môn,

Vốn tên Ưu-đà-da.

Chân Tịnh vương nghe những lời này rồi, trong lòng lvui mừng không thể tự kiềm được, hỏi Ưu-đà-da rằng:

“Thế nào Ưu-đà-da, Thái tử Tất-đạt nay vẫn còn sống sao?”

Ưu-đà-da đáp:

“Thích-ca Văn Phật nay đang hiện tại.”

Vua hỏi:

“Nay đã thành Phật rồi sao?”

Ưu-đà-da đáp:

“Nay đã thành [623b1] Phật.”

Vua lại hỏi:

“Hôm nay Như Lai đang ở đâu?”

Ưu-đà-da đáp rằng:

“Như Lai hiện đang ở dưới cây ni-câu-loại tại nước Ma-kiệt.”

Rồi vua lại hỏi:

“Những người đệ tử theo hầu là những ai?”

Ưu-đà-da đáp:

“Hàng ức chư Thiên cùng một ngàn tỳ-kheo và Tứ Thiên Vương thường ở hai bên.”

Lúc đó vua hỏi:

“Mặc những loại y phục như nào?”

Ưu-đà-da đáp:

“Y Như Lai mặc được gọi là ca-sa.”

Rồi vua hỏi:

“Ăn những loại thức ăn nào?”

Ưu-đà-da đáp:

“Thân Như Lai dùng pháp làm thức ăn.”

Vua lại hỏi:

“Thế nào Ưu-đà-da, có thể gặp Như Lai được không?”

Ưu-đà-da đáp:

“Vua đừng sầu lo, sau bảy ngày Như Lai sẽ vào thành.”

Bấy giờ Vua rất vui mừng không kiềm chế được, tự tay rót nước cúng dường Ưu-đà-da. Rồi Chân Tịnh Vương đánh trống lớn, lệnh cho nhân dân cả nước sửa bằng đường lộ, dọn dẹp sạch sẽ, rưới dầu thơm trên đất, treo lụa tràng phan, bảo cái, trổi các kỷ nhạc không thể tính kể. Lại ra lệnh trong nước những người đui, điếc, ngọng, câm đều không được xuất hiện, bảy ngày sau Tất-đạt sẽ vào thành. Sau khi Chân Tịnh Vương nghe Phật sẽ vào thành, trong bảy ngày cũng không ngủ nghỉ.

Bấy giờ đã đến ngày thứ bảy, Thế Tôn nghĩ thầm: “Nay Ta nên dùng sức thần túc đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ.” Rồi Thế Tôn dẫn các tỳ-kheo trước sau vây quanh đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Đến nơi, Ngài vào vườn Tát-lư[168] ở phía bắc thành.

Bấy giờ đó vua Chân Tịnh nghe Thế Tôn đã đến Ca-tỳ-la-vệ, ở trong vườn Tát-lư phía bắc thành. Vua bèn dẫn những người họ Thích đến chỗ Thế Tôn. Lúc đó Thế Tôn nghĩ thầm: “Nếu Vua Chân Tịnh tự thân hành đến đây, điều này không thích hợp cho Ta. Nay Ta phải đi gặp Vua. Vì sao vậy? Ân cha mẹ rất nặng, tình dưỡng dục sâu dày. Rồi Thế Tôn dẫn các tỳ-kheo đến cửa thành, bay lên hư không, cách đất bảy nhẫn. Vua Chân Tịnh thấy Thế Tôn đoan chánh không gì bằng, hiếm có trên đời, các căn tịch tịnh, không có các vọng niệm, thân có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm, liền phát tâm hoan hỷ, tức liền đảnh lễ sát chân mà nói: 

“Tôi Vua dòng sát-lị, tên là Chân Tịnh Vương.”

Thế Tôn bảo: 

[623c1] “Chúc Đại vương hưởng thọ vô cùng. Đại vương hãy dùng chánh pháp cai trị giáo hóa, đừng dùng tà pháp. Đại vương nên biết, những ai dùng chánh pháp để cai trị giáo hóa, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi thiện, ở trên trời.”

Rồi Thế Tôn từ trên không trung đi vào trong cung vua Chân Tịnh. Đến nơi, ngồi lên chỗ dọn sẵn.

Khi vua thấy Thế Tôn ngồi yên ổn, tự tay châm nước, phục vụ vô số đồ ăn uống. Khi Thế Tôn ăn xong, đã dùng nước rửa rồi, vua lấy một cái ghế nhỏ, ngồi nghe pháp.

Bấy giờ đức Thế Tôn thuận tự thuyết nghĩa vi diệu cho vua Chân Tịnh; luận về thí, luận về giới, luận về sanh thiên, dục là hạnh bất tịnh, xuất yếuan lạc.[169]

Bấy giờ đức Thế Tôn thấy tâm ‎ý vua đã giải khai. Như Pháp mà chư Phật thường thuyết; Phật giảng thuyết tường tận cho vua nghe, về khổ, tập, tận, đạo. Khi đó vua Chân Tịnh liền ngay trên chỗ ngồi, sạch hết các trần cấu, được mắt pháp trong sạch.

Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho vua nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. 

Lúc đó vua Chân Tịnh tập họp toàn bộ dòng họ Thích lại và nói: 

“Các sa-môn[170] đều có mặt mày xấu xí. Dòng sát-lị mà dẫn theo chúng bà-la-môn như vậy là không thích hợp. Dòng họ Thích sát-lị phải có chúng sát-lị, vậy thì mới tốt đẹp.”

Các người họ Thích đáp:

“Thật vậy, Đại vương! Như Đại vương dạy, dòng sát-lị phải có chúng sát-lị, như vậy mới tuyệt.”

Bấy giờ vua bố cáo trong nước, những gia đình có anh em hai người thì bắt một người phải hành đạo. Ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Khi trong dòng họ Thích nghe vua ra lịnh, “Gia đình có hai người là anh em thì bắt một người phải hành đạo, ai không theo mệnh lệnh sẽ xử phạt nặng”, bấy giờ Thích Đề-bà-đạt-đâu nói với Thích A-nan rằng: 

“Nay vua Chân Tịnh ra lệnh, ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo. Nay ngươi nên xuất gia học đạo. Ta phải ở nhà giữ gìn gia nghiệp.” 

Lúc đó Thích A-nan vui mừng hớn hở nói: 

“Như lời anh dạy”. 

Lúc đó Thích Nan-đà[171] nói với Thích A-na-luật rằng: 

“Vua Chân Tịnh ra lệnh rằng ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo, ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Nay ngươi xuất gia, ta sẽ ở nhà”.

Thích A-na-luật nghe được những lời như vậy rồi, vui mừng hớn hở, không thể kiềm chế, đáp lại

“Thật vậy, như lời anh nói.”

Lúc đó vua Chân Tịnh dẫn Thích Hộc Tịnh, Thích Thúc Tịnh, Thích Cam Lộ[172] đến chỗ Thế Tôn. Vua ngự giá bằng xe tứ mã, xe màu trắng, lọng màu trắng, ngựa kéo xe màu trắng. [624a1] Vị họ Thích thứ hai đi bằng xe màu xanh, lọng màu sanh, ngựa kéo xe màu xanh. Vị họ Thích thứ ba đi bằng xe màu vàng, lọng màu vàng, ngựa kéo xe màu vàng. Vị họ Thích thứ tư đi bằng xe màu đỏ, lọng màu đỏ, ngựa kéo xe màu đỏ. Cũng có những người họ Thích khác đi bằng voi, bằng ngựa, thảy đều tập hợp đến.

Thế Tôn từ xa thấy vua Chân Tịnh dẫn dòng họ Thích đến, bèn bảo các tỳ-kheo: 

“Các ông xem chúng họ Thích này, và xem những người theo vua Chân Tịnh. Tỳ-kheo nên biết, trời Tam thập tam khi ra dạo vườn cảnh cũng như vậy, không có gì khác.” 

Khi đó A-nan đi voi lớn màu trắng, áo màu trắng, lọng màu trắng. Thấy vậy, Phật bảo các tỳ-kheo: 

“Các ông thấy Thích A-nan này, đi voi trắng, áo trắng chưa?”

Các tỳ-kheo đáp:

“Dạ vâng, Thế Tôn, chúng con đã thấy.”

Phật bảo các tỳ-kheo:

“Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành đa văn đệ nhất, chịu hầu hạ gần gũi Ta. Các ông thấy A-na-luật này không?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Dạ vâng, chúng con thấy.”

Phật bảo các tỳ-kheo:

“Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành thiên nhãn đệ nhất.”

Khi ấy Vua Chân Tịnh, bốn anh em cả thảy, cùng A-nan-đà, đều đi bộ tới trước, cởi bỏ năm loại nghi trượng, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:

“Đêm hôm qua tôi sanh ý niệm như vầy: ‘Chúng sát-lị không nên dẫn chúng bà-la-môn, mà dẫn chúng sát-lị, như vậy là thích hợp. Tôi liền ra lịnh trong nước, nhà nào có hai người anh em, một người phải xuất gia học đạo. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ xuất gia học đạo.”

Thế Tôn đáp:

“Lành thay, Đại vương! Trời người được nhiều lợi ích, được an vui. Vì sao vậy? Thiện tri thức này là ruộng phước tốt. Ta cũng nhờ thiện tri thức mà thoát được sanh, lão, bịnh, tử này.”

Khi đó chúng họ Thích được xuất gia.[173] Rồi Vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn dạy dỗ những vị tân tỳ-kheo này cũng như dạy dỗ Ưu-đà-da. Vì sao vậy? Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực. Xin Tỳ-kheo Ưu-đà-da được ở lại trong cung giáo hóa, khiến cho các loài chúng sanh được an ổn lâu dài. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo này rất có thần lực. Lần đầu tôi gặp tỳ-kheo Ưu-đà-da liền phát tâm hoan hỷ, tôi liền khởi nghĩ như vầy: Đệ tử còn có thần lực huống chi Như Lai kia lại không có thần lực này?”

Thế Tôn đáp:

“Thật vậy, [624b01] Đại vương, như lời đại vương dạy, Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực, có oai đức lớn.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Các tỳ-kheo, đệ tử đứng đầu việc hiểu rộng biết nhiều mà Quốc vương nghĩ đến chính là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân. Có thể khuyến hóa nhân dân chính là Tỳ-kheo Ưu-đà-da. Có trí mau lẹ chính là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. thường thích phi hành chính là Tỳ-kheo Tu-bà-hưu. Đi lại trên không chính là Tỳ-kheo Bà-phá. Có nhiều đệ tử, là Tỳ-kheo Ưu-tỳ Ca-diếp. Ý đắc quán Không, là tỳ-kheo Giang Ca-diếp. Ý đắc chỉ quán chính, Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp[174].”

Bấy giờ Thế Tôn giảng rộng pháp vi diệu cho vua Chân Tịnh nghe. Vua nghe pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra về.

Các tỳ-kheo cùng Vua Chân Tịnh sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Trong mười lăm ngày, có ba pháp trai[175]. Những gì là ba? Ngày mồng tám, ngày mười bốn và, ngày mười lăm.[176] Tỳ-kheo nên biết, hoặc có khi vào ngày trai ngày mồng tám, Tứ thiên vương sai các vị phụ thần xem xét thế gian, có những ai làm lành, làm ác; những chúng sanh nào từ hiếu với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; những chúng sanh nào vui thích bố thí, tu giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, diễn rộng nghĩa kinh, trì bát quan trai; thảy đều phân biệt đầy đủ. Hay nếu khôngchúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng sư trưởng, lúc đó phụ thần bạch Tứ thiên vương, ‘Hiện tại thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, đạo sĩ, hành bốn vô lượng tâm,[177] thương xót chúng sanh.’ Tứ thiên vương sau khi nghe rồi, trong lòng [624c01] sầu ưu, buồn bã, không vui. Bấy giờ, Tứ thiên vương đi đến giảng đường Tập thiện pháp[178] trên trời Đao-lợi,[179] đem nhân duyên này trình bày hết cho Đế Thích, ‘Thiên Đế nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, nghe những lời này rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng. 

“Hoặc giả, lại có khi chúng sanh thế gian có người hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; thọ trì bát quan trai, tu đức thanh tịnh, không phạm mảy may vào giới cấm lớn. Bấy giờ sứ giả sẽ vui mừng phấn khởi, không tự chế được, bạch Tứ thiên vương, ‘Hiện nay, thế gian này, có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Thiên vương nghe rồi rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đen nhân duyên này bạch Đế Thích, ‘Thiên Đế nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, thảy đều vui mừng, không tự chế được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng trưởng, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm. Mọi đánh khảo địa ngục tự nhiên đình chỉ, khổ độc không thi hành

“Nếu là ngày mười bốn, ngày trai. Thái tử được sai xuống quan sát thiên hạ, dò xét nhân dân thi hành thiện ác; có chúng sanh tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; có ưa thích bố thí thọ trì bát quan trai, đóng bít lục tình, phòng chế ngũ dục hay không? Nếu khôngchúng sanh nào tu theo chánh pháp, hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, bấy giờ Thái tử bạch Tứ thiên vương. Tứ thiên vương nghe rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui; đi đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Thiên Đế, Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng. 

“Hoặc giả, lại có khi, có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ, thái tử vui mừng phấn khởi, không thể tự kiềm được liền đến bạch Tứ thiên vương, ‘Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha [625a01] mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Tứ thiên vương sau khi nghe những lời này rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ cho Thiên Đế, ‘Thánh vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì tam tự qui, từ tâm, can gián, thành tín, không dối trá.’ Lúc bấy giờ, Thiên Đế, Tứ thiên vương cùng Trời Tam thập tam đều mừng vui, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm.

“Tỳ-kheo nên biết, ngày mười lăm, thời thuyết giới,[180] đích thân Tứ thiên vương xuống xem xét khắp thiên hạ, dò xét người dân, những chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn cùng các tôn trưởng, ưa thích bố thí, trì bát quan trai, trai pháp của Như Lai. Nếu khôngchúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng, bấy giờ Tứ thiên vương, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, đến chỗ Đế Thích, đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này, không có chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng trưởng

“Hoặc giả, vào lúc ấy nếu có chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ Tứ thiên vương lại vui mừng phấn khởi, không thể tự chế được, liền đến chỗ Đế Thích đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, cùng Tứ thiên vương đều mừng vui, phấn khởi, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Ngày mười lăm, trì pháp bát quan trai như thế nào?”

Các tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Như Lai là vua các pháp, là ấn của các pháp. Nguyện xin Thế Tôn nên vì các tỳ-kheo mà giảng rộng nghĩa này. Các tỳ-kheo nghe xong sẽ phụng hành.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt nói đầy đủ cho các ngươi nghe. 

“Ở đây, này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vào ngày mười bốn, mười lăm trong tháng, là ngày trì trai thuyết giới, đến [625b01] giữa bốn bộ chúng[181] mà nói như vầy, ‘Hôm nay là ngày trai, tôi muốn trì pháp bát quan trai.[182] Nguyện xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.’ Bấy giờ chúng bốn bộ nên dạy cho người đó pháp bát quan trai. Trước hết nên bảo người đó nói như vầy, ‘Này thiện nam tử, hãy tự xưng tên họ.’ Người kia đã xưng tên họ rồi, nên trao cho pháp bát quan trai. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người trước đó nói như vầy: ‘Nay con vâng giữ trai pháp của Như Lai cho đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt ra lời ác, ý sanh niệm ác; thân ba, miệng bốn, ý ba; các điều ác đã làm, sẽ làm, hoặc vì tham dục mà tạo, hoặc vì sân nhuế mà tạo, hoặc vì ngu si mà tạo, hoặc vì hào tộc mà tạo, hoặc vì nhân ác tri thức mà tạo, hoặc thân này, thân sau vô số thân, hoặc không hiểu Phật, không hiểu Pháp, hoặc gây đấu loạn giữa các Tỳ-kheo Tăng, hoặc sát hại cha mẹ, chư tôn sư trưởng; nay con sám hối, không tự che dấu. Nương giới, nương pháp mà thành tựu giới hạnh của mình, thọ trì pháp bát quan trai của Như Lai

“Những gì là pháp bát quan trai? Thọ trì tâm, như Chơn nhân,[183] trọn đời không sát,[184] không có tâm hại, có tâm từ đối với chúng sanh; nay con tên là … trì trai cho đến sáng sớm ngày mai không sát, không có tâm hại, có tâm từ đối với tất cả chúng sanh

“‘Như A-la-hán không có tà niệm,[185] trọn đời không trộm cắp, ham thích bố thí. Nay con tên là… trì trai cho đến sáng sớm ngày mai [186] không trộm cắp, từ nay đến ngày mai. 

“‘Thọ trì tâm, như Chân nhân trọn đời[187] không dâm dật,[188] không có tà niệm, thường tu phạm hạnh, thân thể thơm khiết; con [189] hôm nay trì giới không dâm, cũng không nghĩ đến vợ mình, lại cũng không nghĩ tưởng đến người nữ khác, cho đến sáng sớm ngày mai, không xúc phạm.

“‘Như A-la-hán suốt đời không nói dối, luôn biết thành thật, không dối người; con* từ nay đến ngày mai không nói dối. Con từ nay trờ về sau[190] không nói dối nữa.

“‘Như A-la-hán trọn đời[191] không uống rượu, tâm ý không loạn, thọ trì cấm giới của Phật không điều nào xúc phạm; nay con cũng như vậy, từ nay cho đến sáng mai không uống rượu, thọ trì giới cấm của Phật không xúc phạm.

“‘Như A-la-hán trọn đời không hoại trai pháp,[192] hằng [625c01] ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị, nay con cũng như vậy, nguyện (trọn đời)[193] không hoại trai pháp, hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị. Từ ngày nay đến sáng mai không xúc phạm.

“‘Như A-la-hán (trọn đời)* hằng không ngồi trên giường cao rộng. (Giường cao rộng là giường vàng, bạc, ngà voi, hoặc giường sừng tòa của Phật, tòa của Bích-chi-phật, tòa của A-la-hán, toà của các tông sư. A-la-hán không ngồi trên tám loại toà này);[194] con cũng không phạm ngồi vào chỗ ngồi này.[195]

“‘Như A-la-hán (trọn đời) không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp; nay con cũng như vậy, nguyện một ngày một đêm[196] không đeo hương hoa, phấn sáp tốt đẹp.[197]

“‘Nay con tên là … lìa tám việc này, nguyện trì pháp bát quan trai, không đọa vào ba đường dữ; nhờ công đức này mà không vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và tám nạn; thường được thiện tri thức, không tùng sự ác tri thức; thường được sinh vào nhà cha mẹ tốt lành, không sinh vào nơi biên địa không Phật pháp, không sinh lên trời Trường thọ, không làm nô tỳ cho người, không làm Phạm thiên, không làm thân Đế Thích, cũng không làm Chuyển luân Thánh vương; thường sinh trước Phật, tự mình thấy Phật, tự mình nghe pháp khiến các căn không loạn. Nếu con thề nguyện hướng đến ba thừa tu hành, thì mong sẽ chóng thành đạo quả.’

“Tỳ-kheo nên biết, nếu có ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào trì pháp bát quan trai này, thiện nam tử, thiên nữ nhân đó sẽ hướng đến ba đường, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh lên trời, hoặc bát-niết-bàn.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này.

Không sát, cũng không trộm,

Không dâm, không nói dối,

Tránh rượu, xa hương hoa,

Người đắm vị phạm trai,

Ca múa cùng xướng hát,

Học La-hán, tránh xa.

Nay trì bát quan trai,

Ngày đêm không quên mất.

Không có khổ sinh tử,

Không kỳ hạn luân hồi;

Chớ tập cùng ân ái,

Cũng chớ hội oán tắng.

Nguyện diệt khổ năm uẩn,

Các bệnh não sinh tử.

Niết-bàn không các hoạn,

Nay Ta tự quay về.

“Cho nên, này tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, muốn trì bát quan trai, lìa các khổ, được chỗ lành; muốn diệt tận các lậu [626a01], vào thành Niết-bàn, phải tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Vì sao vậy? Vinh vị ở cõi người không đủ làm cao quí, mà khoái lạc trên trời thì không thể kể xiết. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu phước vô thượng, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Nay Ta răn dạy lại các ngươi, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thành tựu bát quan trai, mà muốn cầu sinh lên cõi trời Tứ thiên vương, cũng sẽ đạt được nguyện này. Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện. Vì vậy nên Ta nói nghĩa này. Vinh vị cõi người không đủ làm cao quí. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, trì bát quan trai, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành, trên trời, hoặc sinh Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, trọn không hư dối. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện. 

“Các tỳ-kheo, nay Ta nhắc lại cho các ngươi, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, cũng thành tựu sở nguyện của mình sẽ sinh về các cõi trời Dục giới, sinh về các cõi trời Sắc giới. Vì sao như vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.

“Lại nữa, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai mà muốn sinh về các cõi trời Vô sắc, cũng được kết quả như sở nguyện kia . 

“Tỳ-kheo nên biết, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn sinh vào nhà bốn chủng tánh, lại cũng được sinh. 

“Lại, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn cầu làm thiên tử một phương, thiên tử hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện kia. Muốn cầu làm Chuyển luân Thánh vương cũng được như sở nguyện kia. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện. 

“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu thành Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa, ắt sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Ta thành Phật là nhờ trì giới kia. Năm giới, mười thiện, không nguyện nào là không được.

“Các tỳ-kheo, nếu muốn thành đạo kia, hãy học điều này.”

Bấy giờ các tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7[198]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ.

Bấy giớ Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Có ba sự hiện tiền,[199] khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Những gì là ba? Tín hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Tài[200] hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu [626b01] trì phạm hạnh hiện tiền,[201] khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có ba sự hiện tiền thì được phước vô lượng.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:

 Tín, tài, phạm khó được,

 Người thọ, người trì giới;

 Biết ba sự này rồi,

 Người trí tùy thời thí.

 Luôn luôn được an ổn,

 Chư thiên thường nâng đỡ;

 Nơi đó tự an trú

 Ngũ dục không đủ chán.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu ba pháp này. Này các tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.

Các tỳ-kheo sau khi nghe nhữ gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8[202]
Tôi nghe như vầy

Một thời, Phật trú tại vườn Cù-sư-la,[203] thành Câu-thâm[204]. Bấy giờ, tỳ-kheo Câu-thâm thường ưa tranh tụng, phạm các ác hành. Mỗi khi đối diện bàn cãi, hoặc có lúc dùng dao gậy gia hại nhau.[205] Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn đến chỗ các tỳ-kheo kia. Đến nơi đó, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo kia:

“Này các tỳ-kheo, cẩn thận chớ tranh tụng, chớ nói chuyện thị phi, mà nên cùng hòa hợp nhau. Cùng một thầy học, đồng nhất như nước với sữa, tại sao lại tranh tụng?”

Bấy giò tỳ-kheo Câu-thâm bạch Thế Tôn rằng:

“Cúi xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự tư duy về lý này. Theo như lỗi lầm này, chúng con tự biết tội của nó.”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào, các ngươi vì dòng họ Vua mà hành đạo, vì sợ hãihành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?”

Các tỳ-kheo đáp:

“Không phải vậy, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo:

“Thế nào tỳ-kheo, các ngươi há chẳng phải vì muốn lìa sinh tử, cầu đạo vô vi, nên hành đạo đó sao? Song thân năm uẩn thật không thể bảo toàn.”

Các tỳ-kheo đáp:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn, như lời dạy của Thế Tôn. Chúng con là những thiện gia nam tử xuất gia học đạo là vì lý do cầu đạo vô vi, diệt thân năm uản, nên học đạo.”

Thế Tôn bảo:

“Các tỳ-kheo, không nên hành đạo mà lại đi đấu tranh, đấm đá lẫn nhau, gặp mặt nhau là buông lời thị phi, xấu ác với nhau. Các ngươi cần phải thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, cùng theo một thầy, cũng nên thực hành sáu pháp tôn trọng[206] này, cũng nên thực hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên thực hiện việc cúng dường[207] các vị phạm hạnh.”

Các tỳ-kheo [626c01] đáp rằng:

“Đây là việc của chúng con, không đáng cho Thế Tôn lo lắng việc này.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo Câu-thâm:

“Thế nào, những người ngu, các ngươi không tin những lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các ngươi sẽ tự nhận báo ứng về tà kiến này.”

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo các tỳ-kheo kia rằng:

“Về quá khứ xa xưa, trong thành Xá-vệ này, có Vua tên là Trường Thọ,[208] thông minh trí tuệ, không việc gì không biết. Tuy thiện nghệ về môn đao kiếm nhưng lại thiếu bảo vật, các kho không đầy, tài sản sa sút, binh bốn bộ lại cũng không nhiều, thuộc hạ quần thần phò tá lại cũng ít oi.

“Vào lúc bấy giờ, nước Ba-la-nại, có vua tên là Phạm-ma-đạt,[209] dũng mãnh kiên cường, không đâu không hàng phục. Tiền của bảy báu đều đầy kho. Binh bốn bộ lại cũng không thiếu. Quần thần phò tá đầy đủ. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt nghĩ thầm: ‘Vua Trường Thọ này không có quần thần phò tá, lại thiếu của cải, không có trân báu. Nay ta có thể đến chinh phạt nước này.’

“Rồi vua Phạm-ma-đạt liền hưng binh đến chinh phạt nước kia. Vua Trường Thọ nghe việc hưng binh chinh phạt nước mình liền thiết lập phương kế: ‘Nay tuy ta không có của cải bảy báu, thuộc hạ quần thần phò tá, binh bốn bộ. Vua kia tuy có nhiều binh chúng. Hôm nay theo sức một mình ta cũng đủ để tiêu diệt trăm nghìn binh chúng kia. Nhưng sát hại chúng sanh vô số kể, không thể vì vinh quang một đời mà tạo tội muôn đời. Nay ta có thể ra khỏi thành này, lánh tại nước khác để không xảy ra đấu tranh.’

“Bấy giờ vua Trường Thọ không nói với quần thần, đem Đệ nhất phu phân, cùng một người nữa, ra khỏi thành Xá-vệ, vào trong núi sâu. Lúc này quần thần phò tá, nhân dân trong thành Xá-vệ, vì không thấy vua Trường Thọ, liền sai tín sứ đến chỗ vua Phạm-ma-đạt nói như vầy: ‘Cúi xin đại vương đến đất nước này. Hiện tại vua Trường Thọ không biết ở đâu.’ Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt đến nước Ca-thi cai trị. Vua Trường Thọ có hai phu phân, đều mang thai sắp đến ngày sinh. Khi ấy phu phân nằm mộng thấy sinh giữa đô thị. Lại thấy, vào lúc mặt trời mới mọc, binh bốn bộ tay cầm đao năm thước đứng vây quanh. Chỉ sinh một mình, không người giúp đỡ. Thấy vậy, bà giật mình thức giấc, đem nhân duyên này tâu với vua Trường Thọ. Vua bảo phu phân rằng, ‘Chúng ta [627a01] nay đang ở trong rừng sâu này, vì đâu mà bảo là sinh tại giữa đô thị trong thành Xá-vệ? Nay phu phân mà sắp sinh thì phải sinh như nai.

“Lúc ấy phu phân nói. ‘Nếu tôi không được sinh như vậy, thì chắc tôi phải chết.’

“Khi vua Trường Thọ nghe những lời này, ngay trong đêm đó đổi y phục, không đem theo người nào, đi vào thành Xá-vệ. Vua Trường Thọ có một đại thần tên là Thiện Hoa,[210] vốn rất thương mến nhau. Ông này nhân có chút việc ra khỏi thành, gặp vua Trường Thọ đang đi vào thành. Đại thần nhìn sững vua, liền bỏ đi, than thở rơi lệ, rồi cứ theo đường mà đi. Vua Trường Thọ đuổi theo đại thần kia, đến chỗ vắng nói rằng: ‘Xin cẩn thận chớ nói ra.’

Đại thần đáp. ‘Sẽ theo như lời dạy của Đại vương. Không hiểu Minh vươngđiều chi dạy bảo không.’

“Vua Trường Thọ nói, ‘Nếu ông nhớ ơn xưa của ta thì nên đền trả.’

“Đại thần đáp, ‘Đại vương có ra lệnh, thần sẽ lo liệu xong.’

“Vua Trường Thọ nói, ‘Đêm qua, Phu nhân của ta nằm mộng thấy sinh giữa đô thị, lại có binh bốn bộ vây quanh; sinh ra một nam nhi rất là xinh đẹp. Nếu như không sinh theo mộng thì trong vòng bảy ngày sẽ chết.’

“Đại thần đáp, ‘Thần có thể lo việc này, theo như lời dạy của vua.’ 

“Nói lời này xong, mỗi người đi mỗi đường. 

“Sau đó, đại thần liền đến chỗ vua Phạm-ma-đạt, tâu như vầy, ‘Trong vòng bảy ngày, ý tôi muốn xem qua quân lính tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh của đại vương, để biết là nhiều ít.’ Vua Phạm-ma-đạt liền ra lệnh cho tả hữu, ‘Hãy hối thúc binh chúng theo lời Thiện Hoa.’

“Khi ấy, trong vòng bảy ngày, đại thần Thiện Hoa tụ tập binh chúng tại giữa đô thị Xá-vệ. Trong vòng bảy ngày phu phân kia đến ở giữa đô thị. Khi đại thần Thiện Hoa từ xa nhìn thấy phu phân lại liền nói, ‘Hãy đến đây, Hiền nữ. Nay là lúc thích hợp.’ Phu nhân sau khi thấy binh lính bốn bộ rồi, lòng sinh hoan hỷ, sai người hầu cho giăng bức màn lớn. Khi mặt trời vừa lên phu phân sinh hạ một nam nhi, đẹp đẽ vô song hiếm có trên đời. Khi phu phân ôm đứa bé trở lại trong núi, vua Trường Thọ từ xa nhìn thấy phu phân ôm đứa bé đến, liền bảo, ‘Mong con sống lâu dài, thọ mạng vô cùng.

“Phu nhân thưa vua, ‘Xin vua đặt tên cho.’

“Vua liền đặt tên Trường Sanh.[211]

“Khi [627b01] Thái tử Trường Sanh lên tám tuổi, phụ vương Trường Thọ có chút việc vào thành Xá-vệ. Bấy giờ có quan kiếp-tỷ[212] ngày xưa của vua Trường Thọ thấy vua vào thành, liền ngắm kỹ mãi từ đầu đến chân. Thấy rồi, vội đến chỗ vua Phạm-ma-đạt thưa rằng, ‘Đại vương, thật là buông lung. Vua Trường Thọ hiện nay đang ở tại thành này.’

“Bấy giờ, nhà vua nổi giận, sai kẻ tả hữu vội vã tìm bắt vua Trường Thọ. Lúc bấy giờ các đại thần tả hữu dẫn kiếp-tỷ này theo, tìm kiếm khắp đông tây. Khi kiếp-tỷ từ xa trông thấy vua Trường Tho, liền chỉ và bảo đại thần, ‘Đây là vua Trường Thọ.’ Họ liền đến bắt, dẫn tới chỗ vua Phạm-ma-đạt. Đến nơi, tâu rằng, ‘Đại vương, người này chính là vua Trường Thọ.

“Nhân dân trong nước, tất cả đều nghe biết vua Trường Thọ đã bị bắt. Bấy giờ phu phân cũng lại nghe vua Trường Thọ đã bị Phạm-ma-đạt bắt được, bà nghĩ, ‘Nay ta còn sống để làm gì? Thà cùng chết với Đại vương một lúc.’ Phu nhân liền dẫn thái tử vào thành Xá-vệ. Phu nhân bảo thái tử rằng, ‘Nay con hãy tìm chỗ sống.’ 

“Thái tử Trường Sanh nghe xong, im lặng không nói. Phu nhân đi thẳng đến chỗ vua Phạm-ma-đạt. Vua từ xa nhìn thấy bà đến vui mừng phấn khởi, không tự chế được, liền bảo đại thần đem phu phân này cùng vua Trường Thọ đến ngã tư đường phân thành bốn đoạn. Các đại thần vâng theo lệnh vua, đem vua Trường Thọ và phu phân trói ngược dẫn quanh thành Xá-vệ cho muôn dân thấy. Bấy giờ, nhân dân không ai là không đau lòng. Lúc đó thái tử Trường Sanh ở trong đám đông thấy cha mẹ bị đem đến chợ để giết, vẻ mặt không đổi. 

“Vua Trường Thọ quay lại bảo Trường Sanh rằng, ‘Con đừng nhìn dài, cũng đừng chớ nhìn ngắn[213].’ 

“Sau đó nói bài kệ này:

Oán oán không dừng nghỉ,

Pháp này có từ xưa.

Không oán mới thắng oán,

Pháp này luôn bất hủ.[214]

“Bấy giờ các đại thần bảo nhau rằng, ‘Vua Trường Thọ này mê loạn quá mức rồi. Thái tử Trường Sanh là người nào mà ở trước chúng ta nói kệ này?’ Lúc ấy, vua Trường Thọ bảo quần thần rằng, ‘Ta không mê loạn. Ở đây, chỉ có người trí mới hiểu lời ta. Chư hiền nên biết, chỉ dùng sức một người như ta đủ để có thể phá tan trăm vạn người này. Nhưng ta lại nghĩ như vầy: Những chúng [27c01] sanh bị chết này khó mà tính số. Không thể vì một thân ta mà chịu tội nhiều đời. ‘Oán oán không dừng nghỉ, Pháp này có từ xưa; Không oán mới thắng oán, Pháp này luôn bất hủ.’

“Rồi quần thần kia đem vua Trường Thọ, và phu phân đến ngã tư đường phân làm bốn đoạn rồi, sau bỏ về nhà. Lúc đó thái tử Trường Sanh chờ cho đến chiều, gom góp cây cỏ, hỏa táng cha mẹ xong rồi đi. 

“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt ở trên lầu cao, từ xa trông thấy một đứa bé hỏa táng vua Trường Thọ và phu phân. Thấy vậy sai kẻ tả hữu rằng, ‘Đây ắt là thân quyến của vua Trường Thọ. Các ngươi hãy nhanh chóng bắt về đây.’

“Các thần dân liền đến chỗ đó. Chưa đến kịp thì cậu bé đã chạy mất rồi. Bấy giờ thái tử Trường Sanh nghĩ thầm: ‘Vua Phạm-ma-đạt này giết cha mẹ ta, lại ở trong nước ta. Nay ta phải báo oán cho cha mẹ ta.’ Thái tử liền tìm đến chỗ ngươi dạy đàn. Đến nơi đó, nói như vầy, ‘Nay con muốn học đàn.’ Thầy dạy đàn hỏi, ‘Con họ gì? Cha mẹ ở đâu?’ Cậu bé đáp, ‘Con không còn cha mẹ. Con vốn ở trong thành Xá-vệ này. Cha mẹ đã mất sớm.’ Thầy dạy đàn bảo, ‘Con muốn học thì học.’

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ thái tử Trường Sanh học đàn, học ca, học hát kịch. Thái tử Trường Sanh vốn có tố chất thông minh, nên chưa qua mấy ngày mà đã có thể đàn, ca, hát kịch. Không thứ gì không biết. 

“Sau đó, thái tử Trường Sanh ôm đàn đến chỗ vua Phạm-ma-đạt. Khi vắng người, ở trong chuồng voi, cậu một mình đàn và cất tiếng ca trong veo. Lúc ấy vua Phạm-ma-đạt đang ngồi trên lầu cao nghe tiếng đàn ca, liền hỏi kẻ tả hữu rằng, ‘Người nào ở trong chuồng voi, đàn ca vui thú một mình vậy?’ Kẻ tả hữu tâu, ‘Ở trong thành Xá-vệ này, có một cậu bé thường đàn ca vui thú một mình.’ Vua bèn bảo quân hầu rằng, ‘Ngươi hãy khiến cậu bé này đến chơi tại đây. Ta muốn gặp nó.’ Người được sai kia vâng lời dạy của vua, đến gọi cậu bé này đến chỗ vua. 

“Vua Phạm-ma-đạt hỏi cậu bé, ‘Đêm hôm qua ngươi đàn ở trong chuồng voi phải không?’ Tâu, ‘Thật vậy, Đại vương.’

“Phạm-ma-đạt hỏi, ‘Nay ngươi có thể ở bên cạnh ta, đánh đàn, ca, múa. Ta sẽ cung cấp quần áo, đồ ăn thức uống.’

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, thái tử Trường Sanh ở trước [628a01] Phạm-ma-đạt đánh đàn, ca, múa, rất là tuyệt diệu. Khi vua Phạm-ma-đạt nghe tiếng đàn này, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền bảo thái tử Trường Sanh, ‘Hãy giữ kho bảo vật của ta.’

“Thái tử Trường Sanh chấp hành lệnh của vua, chưa từng bị thất thoát; hằng tùy thuận ý vua, cười trước nói sau, luôn nhường ý vua. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt lại ra lịnh rằng, ‘Lành thay, lành thay! Hiện tại ngươi là người rất thông minh. Nay ta cho ngươi vào nội cung, coi sóc mọi thứ, được không?’ 

Khi thái tử Trường Sanh ở trong nội cung, đem tiếng đàn dạy cho các cung nữ, lại cũng dạy cỡi voi, cỡi ngựa, các kỹ thuật, không việc gì không biết.

“Bấy giờ, ý vua Phạm-ma-đạt muốn xuất du, dạo xem vườn rừng, cùng vui thú, liền sai thái tử Trường Sanh nhanh chóng sửa soạn xe có gắn lông chim. Thái tử Trường Sanh vâng lệnh vua, lo chuẩn bị xe có gắn lông chim, trải thảm lên voi, thắng yên cương bằng vàng bạc xong, trở lại tâu vua, ‘Đã sửa soạn xe xong, xin vua nên biết đã đến giờ.’ 

“Vua Phạm-ma-đạt đi xe có gắn lông chim, sai Trường Sanh điều khiển, cùng đem theo binh chúng bốn bộ. Lúc này, thái tử Trường Sanh điều khiển xe dẫn đường, luôn luôn cách ly quân chúng.

“Vua Phạm-ma-đạt hỏi thái tử Trường Sanh, ‘Hiện tại binh lính ở đâu?’

Trường Sanh tâu, ‘Thần cũng không biết quân lính ở đâu.’

“Vua bảo, ‘Hãy dừng lại một chút. Người ta mỏi mệt vô cùng; muốn dừng nghỉ một chút.’

“Thái tử Trường Sanh liền cho dừng lại để vua nghỉ ngơi trong chốc lát khi quân lính chưa đến.

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ vua Phạm-ma-đạt gối đầu trên đầu gối thái tử Trường Sanh ngủ say. Thái tử Trường sanh thấy vua đang ngủ, liền nghĩ: ‘Vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay mà không báo oán thì lúc nào sẽ báo? Bây giờ ta phải dứt mạng hắn.’ Thái tử Trường Sanh tay phải rút kiếm, tay trái tóm tóc vua; nhưng lại nghĩ thầm: ‘Lúc cha ta sắp lâm chung đã bảo ta rằng: Trường Sanh nên biết, đừng nhìn dài, cũng đừng nhìn ngắn. Còn nói bài kệ này: 

Oán oán không dừng nghỉ,

Pháp này có từ xưa;

Không oán mới thắng oán,

Pháp này luôn bất hủ.

“‘Nay ta nên bỏ oán này.’ Rồi tra kiếm vào vỏ. Ba phen như vậy, lại tự [628b01] nghĩ: ‘Vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay mà không báo oán thì lúc nào sẽ báo? Nay đúng là lúc ta phải dứt mạng hắn, mới gọi là báo oán.’ Rồi lại nhớ đến: ‘Trường Sanh, con đừng nhìn dài, cũng đừng nhìn ngắn. Phụ vương có những lời dạy này: 

Oán oán không dừng nghỉ,

Pháp này có từ xưa;

Không oán mới thắng oán,

Pháp này luôn bất hủ.

“‘Nay ta hãy bỏ oán này.’ Liền tra kiếm vào vỏ. Trong khi ấy vua Phạm-ma-đạt lại mộng thấy con trai vua Trường Thọthái tử Trường Sanh muốn bắt mình giết, vì vậy nên kinh sợ thức giấc. Thái tử Trường Sanh thưa, ‘Đại vương! Vì sao nổi kinh sợ đến như vậy?’

“Phạm-ma-đạt nói, ‘Lúc ngủ ta mộng thấy con trai vua Trường Thọthái tử Trường Sanh rút kiếm muốn bắt ta giết. Cho nên ta kinh sợ!’ Bây giờ, thái tử Trường sanh nghĩ thầm: ‘Hiện tại vua này đã biết ta là thái tử Trường sanh.’ Tay phải vội rút kiếm, tay trái tóm tóc mà nói vua rằng, ‘Hiện tại, tôi chính là thái tử Trường Sanh con trai của vua Trường Thọ. Song vua là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay không báo oán thì đợi lúc nào?’

“Vua Phạm-ma-đạt liền quay qua Trường Sanh mà nói rằng, ‘Nay mạng của ta ở trong tay ngươi, xin được toàn mạng!’

“Trường Sanh đáp, ‘Tôi có thể cho vua sống. Nhưng vua không để tôi toàn mạng!’

“Vua trả lời Trường Sanh, ‘Xin tha mạng. Ta không bao giờ giết ngươi.’

“Bấy giờ Thái tử Trường Sanh cùng vua thề rằng, ‘Cả hai cùng tha mạng cho nhau, không bao giờ hại nhau.’

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Thái tử Trường Sanh liền tha mạng sống cho vua. Lúc đó vua Phạm-ma-đạt bảo Thái tử Trường Sanh rằng, ‘Xin Thái tử cùng tôi trở lại chuẩn bị xe lông chim để trở về nước.’

“Bấy giờ, Thái tử liền chuẩn bị xe lông chim, cả hai cùng ngồi trên xe về đến thành Xá-vệ. Vua Phạm-ma-đạt liền tập họp quần thần nói rằng, ‘Nếu các khanh gặp con trai vua Trường Thọ, sẽ làm gì?’

“Trong đó, hoặc có đại thần tâu rằng, ‘Sẽ chặt chân tay.’ Hoặc có vị tâu, ‘Sẽ phân thân làm ba đoạn.’ Hoặc có vị tâu, ‘Sẽ bắt giết đi.’

“Lúc đó Thái tử Trường Sanh ngồi bên cạnh vua, chánh thân, chánh ý suy nghĩ về những lời nói này. Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt đích thân tự tay [628c01] nắm lấy tay Thái tử nói với mọi người rằng, ‘Đây là Thái tử Trường Sanh. Con trai vua Trường Thọ, chính là người này. Các khanh không được nói lại những lời như vậy. Vì sao vậy? Vì Thái tử Trường Sanh đã tha mạng sống cho ta. Ta cũng tha mạng sống cho người này.’

“Quần thần sau khi nghe những lời này, khen là chưa từng có. Thái tử con vua này thật là kỳ đặc, đối với oán mà có thể không báo oán. 

“Lúc đó vua Phạm-ma-đạt hỏi Trường sanh, ‘Đáng ra ngươi bắt ta giết. Nhưng tại sao lại tha không giết? Có nhân duyên gì? Nay xin được nghe.’

“Trường Sanh đáp, ‘Đại vương khéo lắng nghe! Khi phụ vương tôi sắp lâm chung, dặn lại rằng: Nay con chớ nhìn dài, cũng chớ nhìn ngắn. Lại dặn những lời này:

Oán oán chẳng dừng nghỉ;

Từ xưa có pháp này.

Không oán hay thắng oán;

Pháp này luôn bất tử.

“Các đại thần khi nghe những lời này của phụ vương tôi, đều bảo với nhau rằng: Vua này mê loạn nên nói lung tung. Vậy chớ Trường Sanh là người nào? Vua Trường Thọ đáp: Các khanh nên biết, trong đây có người trí sẽ rõ những lời này. Khi nhớ lại những lời này của phụ vương, cho nên tôi tha cho vua toàn mạng.’ 

“Vua Phạm-ma-đạt sau khi nghe những lời này rồi, lấy làm lạ lùng và khen là chưa từng có ai có thể giữ lời dạy dỗ của người cha quá cố không để trái phạm.

“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt nói Thái tử rằng, ‘Ý nghĩa của những lời ông nói hôm nay, ta vẫn chưa hiểu. Nay hãy nói cho ta nghĩa của chúng để ta được thông suốt.’

“Thái tử Trường Sanh đáp, ‘Đại vương khéo lắng nghe! Tôi sẽ nói. Vua Phạm-ma-đạt bắt vua Trường Thọ giết. Nếu có quần thần rất thân tín nào của vua Trường Thọ bắt vua giết, thì lại có quần thần phò tá của vua Phạm-đạt-ma cũng sẽ bắt quần thần phò tá của vua Trường Thọ mà giết. Đó gọi là oan oán không bao giờ dứt tuyệt. Muốn đoạn tuyệt oán này chỉ có người không báo oán. Vì tôi đã xét nghĩa này nên không giết vua.’

Vua Phạm-đạt-ma nghe những lời này xong, nghĩ vị vương tử này rất là thông minh, mới có thể quảng diễn được nghĩa này, nên lòng rất vui mừng hớn hở không tự chế được. 

“Lúc ấy vua Phạm-đạt-ma liền hướng về vương tử sám hối tội lỗi của mình là đã bắt giết vua Trường Thọ. Sau đó cỡi lấy mũ mình đội cho Trường Sanh, rồi gả con gái và giao nước Xá-vệ cùng nhân dân lại cho Trường Sanh thống lĩnh. Vua trở về cai trị Ba-la-nại. [629a01]

“Tỳ-kheo nên biết, các nhà vua thời thượng cổ đã có pháp thường này. Tuy có sự tranh giành đất nước như vậy, nhưng vẫn còn nhẫn nhịn nhau chứ không làm tổn hại nhau. Huống chi các ngươi là Tỳ-kheo, vì lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, xả bỏ lòng tham dục, sân nhuế, ngu si, nay lại tranh khắc nhau, không hòa thuận nhau, không ai nhịn nhau, không chịu hối cải. Này các Tỳ-kheo, căn cứ vào nhân duyên này mà biết rằng tranh cãi chẳng phải là điều nên làm. Cùng một thầy học, như nước với sữa, chớ tranh tụng nhau.” 

Bấy giờ, Thế Tôn, liền nói bài kệ này:

Không tranh, cũng không cãi;

Tâm từ thương tất cả.

Tất cả không ưu hoạn:

Điều chư Phật ngợi khen.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, cần phải tu hạnh nhẫn nhục. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Bấy giờ Tỳ-kheo Câu-thâm bạch đức Thế Tôn:

“Nguyện xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự phân giải sự việc này. Thế Tôn tuy có dạy những lời này. Nhưng sự việc không phải vậy.”

Thế rồi, Thế Tôn liền bỏ đi đến nước Bạt-kỳ. 

Bấy giờ,[215] trong nước Bạt-kỳ có ba thiện gia nam tử là A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la.[216] Các vị thiện gia nam tử này cùng giao ước với nhau: “Nếu ai ra đi khất thực, vị còn lại sau phải rưới nước,[217] quét đất sạch sẽ, không sót việc gì. Vị đi khất thực về sẽ chia phần cho ăn. Đủ chia thì tốt, không đủ tùy ý ăn phần mình. Cơm còn dư, đổ vào đồ đựng, rồi bỏ đó mà đi. Nếu vị nào khất thực về sau cùng, đủ ăn thì tốt, không đủ thì lấy cơm trong đồ đựng kia rồi bỏ vào bát mình mà ăn nhưng phải tự để vào bát mình. Sau đó xách bình nước đặt một nơi. Mỗi ngày phải quét sạch nhà cửa, rồi tìm nơi vắng vẻ chánh thân chánh ý buộc niệm trước mặt tư duy diệu pháp. Họ tự tuyệt đối im lặng, không nói chuyện với nhau.”

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật tư duy dục bất tịnh tưởng[218], có niệm, khinh an và hỷ[219] mà vào sơ thiền. Lúc đó, Nan-đề và Kim-tỳ-la biết trong tâm niệm của A-na-luật, nên cũng tư duy dục bất tịnh tưởng, có niệm, khinh an và hỷ* mà vào sơ thiền. Nếu tôn giả A-na-luật tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, bấy giờ tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nếu Tôn giả [629b01] A-na-luật tư duy không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu tôn giả A-na-luật tư duy diệt tận định,[220] bấy giờ tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy diệt tận định. Như các pháp này, các hiền giả cũng tư duy như vậy. 

Bấy giờ, Thế Tôn đến vườn Sư tử,[221] lúc đó người giữ vườn[222] từ xa trông thấy Thế Tôn đến, liền thưa:

“Sa-môn chớ vào trong vườn! Vì sao vậy? Vì trong vườn này có ba vị thiện gia nam tử tên là A-na-luật, Nan-đề và, Kim-tỳ-la. Hãy cẩn thận chớ quấy nhiểu họ.”

Lúc đó, tôn giả A-na-luật bằng thiên nhĩ thông[223] nghe người giữ vườn nói với Thế Tôn như vậy, không để Ngài vào vườn*, Tôn giả A-na-luật liền ra bảo người giữ cửa[224] rằng:

“Chớ ngăn! Nay Thế Tôn đến đây, là muốn đến thăm chỗ này.”

Sau đó tôn giả A-na-luật liền vào báo Kim-tỳ-la:

“Đi nhanh, Thế Tôn hiện đang ở ngoài cửa vườn.”

Bấy giờ ba tôn giả liền rời khởi tam-muội,[225] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Mỗi vị tự thưa:

“Lành thay, Thế Tôn đã đến!”

Tôn giả A-na-luật đón lấy bình bát Thế Tôn. Tôn giả Nan-đề trải chỗ ngồi. Tôn giả Kim-tỳ-la lấy nước cho Thế Tôn rửa chân.

Bấy giờ Thế Tôn bảo tôn giả A-na-luật:

“Ba ngươi ở đây hòa hợp không có trái ý nhau? Khất thựcnhư ý không?”

A-na-luật thưa:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn, khất thực không gì khó nhọc. Vì sao vậy? Vì khi con tư duy sơ thiền, bấy giờ Nan-đề, Kim-tỳ-la cũng tư duy sơ thiền. Nếu con tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định, lúc đó Nan-đề, Kim-tỳ-la cũng tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con tư duy về pháp này.”

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, lành thay, A-na-luật! Vào lúc ấy các ngươi có đạt được pháp thượng nhân không?”

A-na-luật thưa:

“Thật vậy, thưa thế tôn, chúng con đạt được pháp thượng nhân.”

Thế Tôn bảo:

“Pháp thượng nhân là gì?”

A-na-luật thưa:

“Có pháp vi diệu này vượt lên trên pháp thượng nhân. Nếu chúng con lại rải tâm từ trải đầy khắp một phương; hai phương, ba phương, bốn phương cũng lại như vậy; bốn phía, trên dưới cũng lại như vậy; trong tất cả, mỗi mỗi đều rải tâm từ trải đầy khắp trong đó, vô số, vô hạn, không thể tính hết, mà tự an trú*. Lại rải tâm bi, tâm hỉ, tâm hộ (xả) đầy khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, và bốn phía, trên dưới mà tự an trú cũng lại như vậy. Đó gọi là, bạch Thế Tôn, chúng con đạt thêm được pháp thượng nhân nữa.”

Bấy giờ, tôn giả Nan-đề, Kim-tỳ-la nói với A-na-luật:

“Có bao giờ chúng tôi đến tôn giả để hỏi nghĩa này đâu, mà hôm nay trước Thế Tôn lại tự nói như vậy?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Các Hiền giả cũng chưa bao giờ đến tôi để hỏi nghĩa này. Nhưng chư thiên đã đến chỗ tôi mà nói nghĩa này, cho nên ở trước Thế Tôn tôi nói nghĩa này vậy. Lại nữa, lâu nay tôi biết tâm ý của các Hiền giả, là các Hiền giả đã đạt được tam-muội này, nên ở trước Thế Tôn tôi nói những lời này.”

Trong lúc thuyết pháp này, đại tướng Trường Thọ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi đại tướng Trường Thọ[226] bạch Thế Tôn:

“Hôm nay có phải Thế Tôn vì các Tỳ-kheo này mà thuyết pháp?”

Lúc ấy Thế Tôn đem nhân duyên này kể lại cho đại tướng Trường Thọ. Đại tướng bạch Thế Tôn:

“Đại quốc Bạt-kỳ sớm được lợi lớn, vì có ba thiện gia nam tử A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la này du hóa.”

Thế Tôn bảo:

“Đại tướng, thật vậy, như lời ông nói. Đại quốc Bạt-kỳ được thiện lợi. Hãy không nói đại quốc Bạt-kỳ, mà đại quốc Ma-kiệt cũng được thiện lợi mới có ba vị thiện gia nam tử này. Nếu mọi người dân trong đại quốc Ma-kiệt này mà nhớ đến ba thiện gia nam tử này, sẽ được an ổn lâu dài. Đại tướng nên biết, nếu huyện ấp, thành quách nào có ba vị thiện gia nam tử này ở trong những thành quách đó, mọi người dân sẽ được an ổn lâu dài. Nhà nào sinh ra ba vị thiện gia nam tử này cũng được lợi lớn, vì đã sinh ra người được tôn quý nhất này. Cha mẹ năm đời thân tộc của họ, nếu nhớ đến ba người này thì cũng được lợi lớn. Nếu trời, rồng, quỷ, thần nhớ đến ba thiện gia nam tử này, thì cũng được lợi lớn. Nếu có người nào khen ngợi bậc A-la-hán thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Nếu có người nào khen ngợi người không tham dục, không ngu si, không sân nhuế thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Nếu có người nào khen ngợi người có ruộng phước này thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Như Ta ở trong ba A-tăng-kỳ kiếp thực hành cần khổ thành vô thượng đạo, khiến ba người này thành tựu nghĩa pháp này. Cho nên Đại tướng đối với ba thiện gia nam tử này nên khởi lòng hoan hỷ. Đại tướng, hãy học điều này như vậy.”

Đại tướng sau khi nghe những gì Thế Tôn dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Có ba kết sử trói buộc chúng sanh khiến không thể từ bờ này đến bờ kia được. Những gì là ba? Là thân tà, giới đạo, nghi.”[227]

“Thế nào gọi là kết bởi thân tà? Chấp thân có ngã, nảy sinh tưởng về tôi ta, có tưởng về chúng sanh, có mạng, có thọ, có nhân, có sĩ phu, có duyên, có trước. Đó gọi là kết bởi thân tà.

“Thế nào là kết bởi nghi? Có ngã chăng? Vô ngã chăng? Có sinh chăng? Không sinh chăng? Có ngã, nhân, thọ mạng, chăng? Không ngã, nhân, thọ mạng chăng? Có phụ mẫu chăng? Không phụ mẫu chăng? Có đời này, đời sau chăng? Không đời này, đời sau chăng? Có sa-môn, bà-la-môn chăng? Không sa-môn, bà-la-môn chăng? Đời có A-la-hán chăng? Đời không A-la-hán chăng? Có người chứng đắc chăng? Không người chứng đắc chăng? Đó gọi là kết bởi nghi.

“Thế nào là kết bởi giới đạo? Ta do giới này mà sinh vào gia đình giòng họ lớn, sinh nhà trưởng giả, sinh nhà bà-la-môn, hoặc sinh lên trời, hay trong các thần. Đó gọi là kết của giới đạo.

“Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba kết này trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bờ này đến bờ kia. Giống như hai con bò cùng một ách tất không rời nhau.[228] Chúng sanh này cũng lại như vậy, bị ba kết trói chặt không thể từ bờ này đến bờ kia được.

“Thế nào là bờ này, thế nào là bờ kia? Bờ này chính là thân tà; bờ kia chính là thân tà bị diệt. Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba kết trói buộc chúng sanh, không thể từ bờ này đến bờ kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cần phải tìm cách tiêu diệt ba kết này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10[229]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Có ba tam-muội này. Những gì là ba? Là Không tam-muội, Vô tướng tam-muội, Vô nguyện tam-muội.[230]

“Thế nào là Không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam-muội.

“Thế nào là vô tướng tam-muội? Vô tướng là đối với tất cả các pháp tất cả đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam-muội.

“Thế nào là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam-muội. 

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai không đạt được ba tam-muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đạt được tam-muội này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
 
 

Kệ tóm tắt:

Tràng, Tỳ-sa, pháp vương,

Cù-mặc, thần túc hóa;

Trai giới, hiện tại tiền,

Trường Thọ, kết, tam-muội.[231]
 
 

[1] Tham chiếu Pāli, A IV 34 Aggappasadā (R ii. 34): bốn đức (tịnh tín) tối thượng: tịnh tín Phật (buddhe pasannā), tịnh tín Pháp là Thánh đạo tám chi (ariye aṭṭhaṇgike magge pasannā), tịnh tín Pháp ly dục (virāge dhamme pasannā), tịnh tín Tăng (saṅghe pasannā). 

[2] Nê-duy-tiên 尼維先: phi tưởng phi phi tưởng. Pāli: nevasaññināsaññino, cf. A. ibid.

[3] Nhũ 乳, lạc 酪, tô 酥, đề hồ 醍醐; 5 vị từ sữa, Pāki: khīra: sữa; dadhi: sữa đông (lạc), navanīta: bơ sống (sanh tô), sappi: bơ lỏng; sappimaṇḍa: bơ đặc (đề hồ).

[4] Pāli, ibid., hưởng năm phước: tuổi thọ (āyu), nhan sắc (vaṇṇa), danh tiếng (yaso kitti), an lạc (sukkha), sức lực (bala).

[5] Cf. Trường kinh 9: Chúng tập; Tập dị 5 (tr. 385c12), ba phước nghiệp sự: thí loại phước nghiệp sự 施類福業事, giới loại phước nghiệp sự 戒類福業事, tu loại phước nghiệp sự 修類福業事. Pāli: tīṇi puññakiriyavatthūni– dānamayaṃ puññakiriyavatthu, sīlamayaṃ puññakiriyavatthu,

bhāvanāmayaṃ puññakiriyavatthu (D 10, R. iii. 218).

[6] Bình đẳng phước nghiệp平等福業. Theo nội dung, nên hiểu là giới (Pāli: sīla).

[7] Tư duy 思惟, ở đây hiểu là tu tập (Pāli: bhāvanā).

[8] Nguyên Hán: y vô quán 依無觀, nghĩa không rõ. Trên kia dịch là y quán依觀. Xem Phẩm 12, kinh 2, cht. 35.

[9] Xứ sở 處所, hay xứ 處. Tập dị, ibid.: sự; Pāli, ibid. vatthu, căn cứ, cơ sở.

[10] Tham chiếu Pāli, M 38 Mahā-taṇhāsaṅkhaya (R.i. 266) , do ba sự hòa hiệp mà có nhập thai (tiṇṇaṃ sannipātā gabbhassāvakkanti hoti): cha mẹ giao hội (mātāpitaro sannipatitā), mẹ có kinh nguyệt (mātā utunī hoti), hương ấm hiện diện (gandhabbo paccupaṭṭhito hoti). Xem Tì-bà-sa 48 (tr. 24888c24).

[11] Tham chiếu, A III 75 Nivesaka (R. i. 222): khuyến khích (samādapetabbā), xác lập (nivesetabbā), an lập (patiṭṭhāpetabbā) những người mình yêu thương (ye anukampeyyātha) trong ba xứ (tīsu ṭhānesu).

[12] Pāli, ibid., buddhe aveccappasāde, Phật chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) ở nơi Phật.

[13] Pāli, ibid., dhamme aveccappasāde, Pháp chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) nơi Pháp.

[14] Pāli, ibid., saṅghe aveccappasāde, Tăng chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) nơi Tăng.

[15] Thập nhị Hiền Thánh十二賢聖, chưa rõ cách tính này. Xem Trung kinh 127 (Phước điền): 18 bậc Thánh hữu học; cf. Pāli, A. II. 4.4.

[16] Pāli, S. 6. 10 Kokālika (R. i. 149).

[17] Cù-ba-li 瞿波離. Pāli: Kokālika.

[18] Liên hoa địa ngục 蓮華地獄. Pāli: Paduma-niraya.

[19] Pāli, A III 16 Apaṇṇaka (R.i. 113).

[20] Pāli, ibid., bhikkhu apaṇṇakapaṭipadaṃ paṭipanno hoti, yoni cassa āraddhā hoti āsavānaṃ khayāya, tỳ kheo hành đạohý luận, đó là căn nguyên dẫn đến diệt tận các lậu.

[21] Pāli, ibid., indriyesu guttadvāro, thủ hộ căn môn.

[22] Hán: bất thất kinh hành 不失經行. Pāli: jāgariyaṃ anuyutto, tinh cần tỉnh giác.

[23] Pāli: na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī, không nắm bắt tướng chung, không nắm bắt tướng riêng.

[24] Pāli: ibid., Yatvādhikaraṇamenaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Do những nhân tố nào mà tham ưu, và pháp ác, bất thiện chảy lọt vào, do nhãn căn không được thủ hộ; để phòng hộ nhân tố ấy, nên thủ hộ nhãn căn.

[25] Hán: cố thống 故痛. Pāli: purāṇañca vedanaṃ.

[26] Hán: ấm cái 陰蓋, hay triền cái. Pāli: āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti, làm thanh tịnh khỏi các pháp phú chướng.

[27] Hán: thành nhị quả 成二果; trong hiện tại đạt được hai quả: chánh trí A-la-hán, hoặc A-na-hàm. bản Hán sót. Đaon dưới chi tiết đủ hơn.

[28] Câu này nhảy sót trong bản Hán. Xem cht, ngay trên.

[29] Xem các cht. 17 & 28 ngay trên.

[30] Tô 酥; gồm sanh tô (Pāli: takka) và thục tô (Pāli: navanīta). Xem cht. 3 kinh số 3 ở trên.

[31] Du 油; thường là dầu mè (Pāli: tela).

[32] Cf. Pāli, Dhp. 361. kāyena saṃvaro sādhu, sādhu vācāya saṃvaro; manasā saṃvaro sādhu, sādhu sabbattha saṃvaro; sabbattha saṃvuto bhikkhu, sabbadukkhā pamuccati, Lành thay, thân phòng hộ! Lành thay, ngữ phòng hộ! Lành thay, ý phòng hộ! Tỳ-kheo tất cả phòng hộ, giải thoát tất cả khổ.

[33] Tam hành tích; chỉ ba nghiệp đạo (Pāli: kammapatha)

[34] Xem, kệ Thất Phật, Tứ phần Tỳ-kheo giới bản (T22n1429, tr. 1022c5). Cf. Pāli, Dhp. 281 vācānurakkhī manasā susaṃvuto, kāyena ca nākusalaṃ kayirā ete tayo kammapathe visodhaye, ārādhaye maggam isippaveditaṃ, thủ hộ ngôn ngữ, chế ngự ý; thân không hành bất thiện, ba nghiệp đạo này tịnh, đạt đến con đường mà đấng Đại Tiên (Phật) đã chỉ.

[35] Pāli, M 13 Mahādukkhakkhandhasuttaṃ (R.i. 83). Hán, Trung 99 (T1n26, tr. 584c8).

[36] Ngoại đạo Phạm chí 外道梵志. Pāli: aññatitthiya-paribbājaka, ngoại đạo xuất gia, phổ hành (du sỹ) dị học.

[37] Dị học Phạm chí 異學梵志, như ngoại đạo Phạm chí.

[38] Pāli, ibid., kāmānaṃ pariññaṃ kāmānaṃ pariññaṃ, thi thiết dục biến tri, chủ trương nhận thức để đoạn trừ các dục.

[39] Pāli, ibid., kāmānaṃ assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇaṃ? Dục có vị ngọt gì? Nguy hiểm gì? Xuất yếu gì?

[40] Hán: thử tức bất luận 此即不論; nghĩa không rõ, hoặc Hán đọc nhầm từ nguyên bản. Tham chiếu Pāli, ibid.: ito vā pana sutvā, hay những người đã nghe từ đây. Hình như Hán đọc là: ito vā na sutvā.

[41] Ngũ dục. Pāli: pañca kāmaguṇā, năm dục công đức, năm chất liệu của dục.

[42] Pāli, ibid., kiñca kāmānaṃ nissaraṇaṃ? yo kāmesu chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ–, sự xuất yếu (thoát ly) của dục là gì? Chế ngự ham muốn, đoạn trừ ham muốn trong các dục vọng.

[43] Hán: tự du hý 自遊戲, hiểu là tự an trú (sống với).

[44] Để bản: vô hữu lão ấu 無有老幼.

[45] Xuất yếu 出要; đoạn trên nói là xả ly. Cùng nghĩa. Pāli: nisssara.

[46] Xem cht. 38 trên.

[47] Hán: thực lạc thống 食樂痛; xem cht. 18, kinh 1 phẩm 12.

[48] Hán: bất thực khổ thống 不食苦痛; xem cht. 19, kinh 1 phẩm 12.

[49] Pāli, ibid., yo vedanāsu chandarāgavinayo, chandarāgappahānaṃ, chế ngự ham muốn, đoạn trừ ham muốn nơi các thọ.

[50] Hán: tam thống 三痛, ba thọ hay cảm thọ. Cf. D 10 Saṅgīti (R.iii. 216): tisso vedanā– sukhā vedanā, dukkhā vedanā, adukkhamasukhā vedanā.

[51] Cf. A III 129 Paṭicchannasuttaṃ (R i. 182): tīṇimāni paṭicchannāni āvahanti no vivaṭāni, ba sự kiện này được che dấu thì có hiệu quả, chứ không phải hiển lộ.

[52] Cf. Pāli, ibid., tīṇimāni vivaṭāni virocanti, no paṭicchannāni, ba sự kiện này được hiển lộ thì chiếu sáng, chứ không phải bị che dấu.

[53] Cf. A III 47 Saṅkhatalakkhaṇa (R i. 152): tīṇimāni, saṅkhatassa saṅkhatalakkhaṇāni. katamāni tīṇi? uppādo paññāyati, vayo paññāyati, ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati. Cf. Dẫn bởi Câu-xá 5 (tr. 27a17); Tỳ-bà-sa 38 (tr. 198a11): 有為之起亦可了知。盡及住異亦可了知, sinh khởi của hữu vi cũng đã được biết; tận và trú dị cũng đã được biết.

[54] Hán: trì nhập 持入. Pāli: dhātu, āyatana.

[55] Cf. A III 3 Cintīsuttaṃ (R.i. 102): tīṇimāni bālassa bālalakkhaṇāni bālanimittāni bālāpadānāni, có ba đặc tính ngu, ba dấu hiệu ngu, ba hành tích ngu của người ngu.

[56] Điệu hy, hay trạo cử, vọng động

[57] Cf. A III 127 (R.i. 281).

[58] TNM: thường hành bất tịnh quán.

[59] Bản Hán, hết quyển 12.

[60] Vũ bảo chi xa 羽寶之車, xem cht. 38, kinh 11, phẩm 19.

[61] Hán: kim phất 金拂, quạt lông cán bằng vàng.

[62] Tam nguyệt thỉnh 三月請, thỉnh cầu ba tháng an cư mùa mưa.

[63] Vô trước 無著, dịch nghĩa từ A-la-hán.

[64] Thành ngữ, định cú, trước khi Phật hứa khả điều thỉnh nguyện. Xem Tứ phần 10 (T22n1428, tr. 629b1); Thập tụng 27, (tr. 195c17). Pāli, Vin. i. 292 atikkantavārā kho … thāgatā, “Các đức Như Lai siêu quá các ước nguyện.” Nghĩa là, chỉ hứa khả những thỉnh nguyện như pháp

[65] Tự xưng của Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.

[66] Để bản: phạn Thức cật 飯式詰. TNM: hữu Thức khí 有式詰. Thường nói là Phật Thi-khí. Pāli: Sikhi-buddha. Nhưng ở đây có thể không hoàn toàn đồng nhất.

[67] Nguyên Hán: Minh hạnh thành.

[68] Dã mã thế giới 野馬世界. Skt. Marīcika-lokadhātu; cf. Div. 52.5.

[69] Cf. A. I. 14. 5 (R. i. tr. 25): đệ nhất tín giải thoát (saddhādhimuttānaṃ) trong các Tỳ-kheo-ni, là Siṅgālakamātā. Truyện tiền củaliên hệ đến Phật Liên Hoa Thượng (Padumuttara). Xem Phẩm 5 kinh 1. 

[70] Bà-câu-lư 婆拘盧. Kinh 5 phẩm 4: Bà-câu-la 婆拘羅. Pāli: Bakkula (Bākula).

[71] Quân-đầu 均頭, có lẽ là Sa-di Quân-đầu, thị giả của ngài Xá-lợi-phất; xem kinh 9 phẩm 26. Pāli: Cunda Samaṇuddesa.

[72] Bàn, có lẽ chỉ Bàn-đặc 槃特. Xem kinh 6 phẩm 4. Pāli: Mahā-Panthaka.

[73] Ngã, nhân, thọ mạng 我人壽命: các từ chỉ tự ngã, tương đương Pāli: attā (tự ngã), puggala (nhân cách), jīva (sinh hồn).

[74] Hán: sĩ phu 士夫. Pāli: purusa, khái niệm phổ quát về con người.

[75] Tham chiếu, Pāli, A IV 55 Soṇa (R. iii. 375). Hán, Trung kinh 123; Tạp (Việt) kinh 256.

[76] Lôi thanh trì. Pāli: Gaggarā-pokkharaṇī, một ao sen ở Campā. 

[77] Chiêm-ba 占波. Pāli: Campā. Cf. Pāli, ibid. Phạt trú tại Rājagaha, trên Gijjhakūṭa. Trung 29, Phật tại Xá-vệ.

[78] Nhị Thập Ức Nhĩ 二十億耳. Truyện kể chi tiết, xem Tứ phần 38 (T22n1428, 843b12 tt), nhân duyên Thủ-lung-na 守籠那. Pāli: Soṇa Klivisa. 

[79] Nguyên Hán: Điệu hí 調戲.

[80] Lôi âm 雷音, đầu kinh nói Lôi thanh.

[81] Xem trên, kinh 2, phẩm 4. Pāli, A I 14.2 (R. i. 23): āraddhavīriyānaṃ yadidaṃ soṇo koḷiviso.

[82] Tham chiếu Pāli, S. 3. 20 Aputtaka (R. i. 91). Hán, Tạp (Việt) 1236.

[83] Để bản: Bà-đề trưởng giả 婆提長者, phiên âm, nên đọc là sa. Pāli: Seṭṭhi-gahapati. Tạp ibid.: trưởng giả tên Ma-ha-nam 摩訶男.

[84] Thế khốc địa ngục 涕哭地獄; cũng gọi là Đề khốc hay Khiếu hoán 叫喚. Xem Trường 19 (T1n1, tr. 121c6, 123c29). Pāli:Roruva, cf. S. i. 30.

[85] Tham chiếu Pāli, A III 79 Gandha (R. i. 225).

[86] Pāli, ibid., ba loại hương này: hương của rễ (mūlagandho), hương của lõi (sāragandho), hương của hoa (pupphagandho), chỉ thơm theo chiều. Có hương nào ngược gió cũng thơm, vừa ngược vừa xuôi gió cũng thơm?

[87] Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 376b12). Pāli, A III 69 (R. i. 201): tīṇimāni akusalamūlāni: lobho akusalamūlaṃ, doso, moho akusalamūlaṃ.

[88] Cf. Tạp dị 3 (T26n1536, tr. 376c21) Pāli, Ibid. (R.i. 203): tīṇimāni, bhikkhave, kusalamūlāni: alobho kusalamūlaṃ, adoso kusalamūlaṃ, a-moho kusalamūlaṃ.

[89] Nguyên hán: đẳng tụ 等聚.

[90] Cf. Trương 8 (T1n1, tr. 50b18): Ba tụ: chánh định tụ 正定聚, tà định tụ 邪定聚, bất định tụ 不定聚; Tập dị 4 (T26n1536, tr. 381a1). Cf. D 27 Saṅgīti (R.iii. 217): tayo rāsī– micchattaniyato rāsi, sammattaniyato rāsi, aniyato rāsi.

[91] Đẳng kiến 等見. Trên kia, có chỗ nói là chánh kiến

[92] Để bản: ác thú 惡趣.

[93] Nguyên Hán: quán tưởng 觀想. Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377a26): Ba bất thiện tầm 三不善尋: dục tầm 欲尋, nhuế tầm 恚尋, hại tầm 害尋. Cf. D 27 Saṅgīti (R.iii. 215): tayo akusalavitakkā– kāmavitakko, byāpādavitakko, vihiṃsā-vitakko.

[94] Nguyên Hán: tưởng 想.

[95] Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377b8): Ba thiện tầm三善尋; xuất ly tầm 出離尋, vô nhuế tầm 無恚尋, vô hại tầm 無害尋. Pāli, ibid., tayo kusalavitakkā– nekkhammavitakko, abyāpādavitakko, avihiṃsā-vitakko.

[96] Trong năm Tịnh cư thiên.

[97] Bản Hán, hết quyển 13.

[98] Pāli, S. 11. 3 Dhajaggasuttaṃ (R i. 218). 

[99] Y-sa Thiên vương 伊沙天王. Skt. Īśāna (Y-xá-na thiên), một trong Hộ thế Thiên vương của Mật giáo. Pāli: Īsāna, một trong các Thượng đẳng thần của các Bà-la-môn. Cf. D.i. 244.

[100] Bà-lưu-na 婆留那. Skt.Varuṇa (Thủy thiên), một trong 12 chư thiên của Mật giáo, chủ quản các bộ quỷ thần. Pāli, ibid, đồng, được kể chúng với Īsāna, Indra, Soma, Pajāpati, Brahmā.

[101] Pháp pháp thành tựu 法法成就, tức thành thành tựu pháp tùy pháp , sự hành trì pháp theo tuần tự của pháp. Pāli: dhammānudhammapaṭipanna.

[102] Tỳ-sa 毘沙; quỷ Tỳ-xá-xà, ăn tinh khí của người. Skt. Piśāca. Thường đồng nhất với yakkha (dạ-xoa) trong văn học Pāli.

[103] Truyện kể gần giống với truyện Hatthaka Āḷavaka, Pāli, cf. AA. i. 212.

[104] Nội dung gần với truyện kể Phật đến trú xứ của quỷ A-lạp 阿[月*葛], cf. Tạp, kinh 1340.

[105] Nguyên bản: Thống.

[106] Để bản: khẩu 口; chép nhầm.

[107] Nguyên Hán: tam tứ. Lặp lại ba lần thôi, không có bốn. Hán chép dư.

[108] Na-ưu-la phụ 那優羅父; có thể tương đương Pāli: Nakulapitā, đệ nhất thâm tín (vissāsakānaṃ) trong các ưu-bà-tắc, nhưng chuyện kể hoàn toàn không giống ở đây. Cf. A. i. 26. AA. i. 216. 

[109] Ni-câu-lưu 尼拘留.

[110] Thích-sí 釋翅, xem kinh 10, phẩm 17.

[111] Pāli, S. 22. 97 Nakhāsika (R. iii. 247).

[112] Tham chiếu Pāli, ibid., nayidaṃ brahmacariyavāso paññāyetha sammā dukkhakkhayāya, đời sống phạm hạnh này không được thiết lập cho mục đích chân chánh diệt khổ.

[113] Bản Hán có thể chép dư, nên cho vào ngoặc.

[114] Bồ-hô 菩呼; xem Trung, kinh 61, 138: voi chua Vu-sa-hạ于娑賀. Pāli: Uposatha-nāgarāja

[115] Xem cht. 38 kinh 11 phẩm 19. 

[116] Pháp giảng đường 法講堂. Pāli: Dhammapāsāda, cung điện Pháp; cf. D. ii 187.

[117] Bồ-hô 菩呼. Pāli, ibid., Uposatha

[118] Mao vương 毛王. Xem Trung, kinh 61, 138: Mao mã vương [馬+毛] 馬王. Pāli, ibid., Valāhaka, Vân mã vương.

[119] Tu-ni-ma 須尼摩. Pāli, ibid., Mahāviyūhakūṭāgāra, lâu đài Đại trang nghiêm.

[120] Tối thắng 最勝. Pāli, ibid., Vejayantaratha.

[121] Thử thị ngã hứa, ngã thị bĩ sở此是我許。我是彼所. Pāli, định cú: netaṃ mama, nesohamasmi, nameso attā’ti, “Cái này không phải là của tôi. Tôi không phải là cái này. Cái này không phải là tự ngã của tôi.”

[122] Để bản: học 學. Theo ngữ cảnh dưới, nên sửa lại là giác 覺. 

[123] Pāli, định cú: evametaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya passati, vị ấy bằng chánh trí mà thấy như thực như vậy.

[124] La-lặc Ca-lam 羅勒迦藍. Pāli, Āḷāra Kālāma; cf. Mahāvagga, Vin. i. 7. Hán, Tứ phần 32 (T22n1428, tr. 787b06): A-lan Ca-lan 阿蘭迦蘭. 

[125] Uất-đầu Lam-phất 鬱頭藍弗. Pāli, ibid., Uddaka-Rāmaputta.

[126] Ưu-tỳ-già 優毘伽. Pāli, Upaka, đạo sư lõa hình (ājīvaka).

[127] Tham chiếu Pāli, ibid., sabbābhibhū sabbavidūhamasmi, Ta, con người toàn thắng, hiểu biết tất cả.

[128] Pāli, ibid., sītibhūtosmi nibbuto, ta đã mát mẻ (thanh lương), nguội lạnh (tịch diệt).

[129] Ca-thi 加尸. Pāli: Kāsi, một trong 16 đại quốc, mà Bārāṇasi là thủ đô.

[130] Khanh 卿, trong Hán dịch; āvuso, trong Pāli.

[131] Tham chiếu Pāli, ibid., taṅhā ponobbhavikā, nandīrāgasahagatā‚ tatratatrābhinandinī, seyyathidaṃ– kāmataṅhā, bhavataṅhā, vibhavataṇhā, ái đưa đến hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú sẽ ở đây, ở kia, tức là, ái, hữu ái, phi hữu ái.

[132] Nguyên Hán: Đẳng kiến, đẳng trị, đẳng ngữ, đẳng nghiệp, đẳng mạng, đẳng phương tiện, đẳng niệm, đẳng định.

[133] Hán dịch không hết ý nguyên lai có tên gọi “A-nhã.” Pāli, ibid. Phật nói: “Người đã hiểu (aññāsi vata), này Kiều-trần-như ( bho koṇḍañño)”, do đó Trưởng lão Kiều-trần-như (Koṇḍañña) được gọi là “A-nhã Kiều-trần-như” (aññāsikoṇḍañño: Aññāta-Koṇḍañña)

[134] Hán: thận mạc độc hành 慎莫獨行. Pāli, ibid., mā ekena dve agamittha, hai người chớ đi theo một hướng.

[135] Ưu-lưu-tỳ 優留毘. Pāli: Uruvelā.

[136] Liên-nhã 連若, cũng nói là Ni-liên-thuyền. Pāli: Nerañjarā.

[137] Ưu-lưu-tỳ Ca-diếp 優羅毘迦葉, hay Uất-tỳ-la (Ưu-lâu-tần-loa) Ca-diếp. Pāli: Uruvelakassapa, đạo sĩ bện tóc (jaṭila).

[138] Đây chỉ Phật.

[139] Bản Hán, hết quyển 14.

[140] Đạo chân 道真, đây chỉ quả vị A-la-hán, chỉ chung các bậc Thánh, không riêng Thánh giả trong Phật giáoTứ phần 32: :Nhưng ông không bằng ta, người đắc quả A-la-hán.” Mahāvagga, Vin. i. 24: na tveva ca kho arahā yathā ahan ti, “Nhưng ông chưa phải là vị A-la-hán như ta.”

[141] Diêm-phù quả 閻浮果, Skt. jambu, một loại đào đỏ.

[142] A-ma-lặc quả 阿摩勒果. Skt. āmalika1/ āmalaka: dư cam tử (tamarindus indica); thường dễ nhầm với am-ma-lặc (la), Skt. āmra, quả xoài.

[143] Tự nhiên canh mễ 自然粳米. Pali: akaṭṭhapākasāli, lúa tự chín, không cần gieo trồng. 

[144] Ha-lê-lặc quả 呵梨勒果. Skt. harītaki, trái kha tử. Ngũ phần 16: rừng ha-lê-lặc 訶梨勒林, ngoài biên cõi Diêm-phù-đề.

[145] Tỳ-hê-lặc 毘醯勒. Skt. vibhītaka, tên khoa học: Tẻminalia Belerica, một loại dược thảo, quả xuyên luyện.

[146] Pāli, ibid. Thế Tôn lượm được y phấn tảo (samayena bhagavato paṃsukūlaṃ uppannaṃ hoti).

[147] Pāli, inid., etha bhikkhavo, svākkhāto dhammo, caratha brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāyā, “Hãy đến đây, các Tỳ-kheo! Pháp đã được giảng thuyết hoàn hảo. Hãy tu hành Phạm hạnh để chân chánh diệt tận khổ.”

[148] Cũng đạo sỹ bện tóc (jaṭila), không phải Bà-la-môn.

[149] Giang Ca-diếp 江迦葉, hay Na-đề Ca-diếp. Pāli: Nadīkassapa.

[150] Ưu-tỳ Ca-diếp, tức Ưu-tỳ-la Ca-diếp.

[151] Già-di Ca-diếp 伽夷迦葉. Pāli: Gayākassapa.

[152] Theo tên gọi, nên hiểu là ông này sống trên núi Già-da hay Tượng đầu sơn (Gaya).

[153] Tam sự giáo hóa 三事教化; cf. Tứ phần 33 (T22n1428, tr. 797a13): thần túc giáo hóa 神足教化, ức niệm giáo hóa 憶念教化, thuyết pháp giáo hóa 說法教化. Đây chỉ ba thị đạo;. Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 389b17), ba thị đạo 三示導: thần biến thị đạo 神變示導, ký tâm thị đạo 記心示導, giáo giới thị đạo 教誡示導. Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 «Kiên cố» (Đại 1, tr. 101c8), có ba thần túc: thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Pāli: tīṇi pāṭihāriyāni– iddhipāṭihāriyaṃ, ādesanāpāṭihāriyaṃ, anusāsanīpāṭihāriyaṃ. 

[154] Ngôn giáo hóa言教教化, từ này có thể Hán dịch sai. Xem cht. 56 ngay trên và tiếp theo dưới.

[155] Ngôn giáo giáo hóa 言教教化. Huyền Trang, ibid.,: ký tâm thị đạo. Pāli, ibid., ādesanā-pāṭihāriya. Có thể Hán dịch hiểu Pl. ādesana (Skt. ādeśana) là “thuyết giáo” thay vì “ký thuyết” từ đó có nghĩa “ký tâm” tức nói lên ý nghĩ của người khác đang nghĩ.

[156] Đoạn Hán dịch này có thể sai. Đây là đọc được ý người khác đang nghĩ như vậy, chứ không phải bảo họ nên làm hay nên nghĩ như vậy. 

[157] Đây muốn nói ba thiện tầm (Pāli: tayo kusalavitakkā): xuất ly, vô nhuế, vô hại. Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377a26).

[158] Đây muốn nói ba bất thiện tầm (Pāli: tayo akusalavitakkā): tham dục, sân nhuế, não hại; Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377a26). 

[159] Thường, vô thường, v.v.: từ đây xuống, là 14 vấn đề thuộc trí vấn, hay vô ký thuyết; những câu hỏi Phật không trả lời. Hán dịch đưa vào đây, có sự gượng ép, không phù hợp.

[160] Bỉ mạng bỉ thân 彼命彼身, nên hiểu mạng (ngã hay linh hồn) và thân là dị biệt.

[161] Phi mạng phi thân 非命非身, nên hiểu: mạng và thân không phải là một.

[162] Như Lai mạng chung 如來命終…; Hán dịch không chính xác. Nên hiểu: Như Lai sau khi chết tồn tại hay không tồn tại. Xem Trung kinh 221 Tiễn dụ (T1n26, tr. 804b4). Pāli, M 63 Cūḷa-Mālukyasuttaṃ (R. i. 1426): hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, na hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, … 

[163] Nguyên đoạn này có thể không có trong nguyên văn Phạn, nhưng do dịch giả hiểu nhầm từ ādeśana là thuyết pháp, thay vì đọc ý nghĩ của người khác, thành ra là thuyết pháp, cho nên diễn giải thêm như vậy. Xem Trường kinh 24 (Kiên cố).

[164] Ni-liên 尼連, tức trên kia âm là Liên-nhã.

[165] Ưu-đà-da 優陀耶. Hán dịch có nhảy sót nên truyện kể thiếu mạch lạc. Phật bản hành 51 (T3n190, tr. 889c18): Khi hay tin Thái tử thành Phật, vua Tịnh Phạn sai Ưu-đà-di 憂陀夷, con trai của Quốc sư đi thỉnh Phật về thăm quê. Pāli: Kāḷudāyī, AA. i. 302 ff.

[166] Bạch Tịnh Vương 白淨王; đoạn dưới dịch là Chân Tịnh Vương 真淨王. Quen gọi là Tịnh Phạn Vương. Pāli: Suddhodana.

[167] Xem cht. 19 trên.

[168] Tát-lư viên 薩盧園. 

[169] Xuất yếu vi lạc出要為樂; các đoạn trên kia dịch là xuất gia vi yếu.

[170] Đay chỉ các tỳ kheo đi theo Phật.

[171] Các tài liệu khác đều nói Ma-ha-nam, chứ không phải Nan-đà, là anh em với A-na-luật. Xem Tứ phần, tr. 590b.

[172] Những người em của Vua Tịnh Phạn (Pl. Suddhodana): Hộc Tịnh 斛淨 (Pl. Dhotodana), Thúc Tịnh 叔淨 (Sukkodana), Cam Lộ 甘露 (Pl. Amitodana).

[173] Tứ phần, trrr. 591a: tàm vương tử họ Thích và ngài thợ cạo Ưu-ba-li cùng xuất gia một lần: A-na-luật, Bạt-đề, Nan-đề, Kim-tỳ-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa. Pāli, Vin. ii. tr. 182: tám vương tử: Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta.

[174] Tượng Ca-diếp 象迦葉, tức trên kia dịch âm là Già-di Ca-diếp.

[175] Trai pháp. Pāli: uposatha. Tham chiếu, A III 36, 70 (R . 142, 207).

[176] Nếu tính thánh 30 ngày, phải kể thêm: ngày 23, 29 và 30.

[177] Bốn đẳng tâm.

[178] Tập thiện pháp giảng đường 集善法講堂. Pāli, Sudhamma-sabhā, hội trường của chư thiên Tam thập tam.

[179] Đao-lợi, dịch âm mà tiếp theo dưới dịch nghĩa là Tam thập tam.

[180] Ngày bố-tát, Tăng thuyết giới, tức tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa.

[181] Chúng bốn bộ 四部眾 thường chỉ gồm tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Nhưng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di không truyền trai giới tám chi được. Hán văn nói theo quán tính.

[182] Bát quan trai pháp 八關齋法; hay bát chi trai, bát chi cận trụ. Cf. Trung 55, kinh 202 (T1n26, tr. 770b24): Thánh bát chi trai 聖八支齋. Pāli: aṭṭhaṅga-samannāgata-uposatha.

[183] Chơn nhơn 真人, đây chỉ A-la-hán. Văn thọ tám chi trai, xem Trung 55, dẫn trên.

[184] Văn thọ trai giới tám chi, Pāli, cf. A III 70 (R.i. 211): yāvajīvaṃ arahanto pāṇātipātaṃ pahāya (…) ahampajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ pāṇātipātaṃ pahāya (…), như A-la-hán trọn đời đoạn trừ sát sanh (…) tôi nay cũng một ngày một đêm đoạn trừ sát sanh (…). 

[185] Hán: vô hữu tà niệm 無有邪念, nghi chép dư.

[186] Bản Hán: tận hình thọ 盡形壽, trọn đời. Hán chép nhầm. Theo văn chuẩn, nên sửa lại.

[187] Bản Hán: ngã kim tận hình thọ 我今; chép dư 2 chữ ngã kim. Theo văn chuẩn, nên lược bỏ.

[188] Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī ārācārī (…), như A-la-hán trọn đời đoạn trừ phi phạm hạnh, hành phạm hạnh (…). 

[189] Hán không có; nên thêm vào cho đúng quy tắc văn thọ giới.

[190] Ý tưởng này không chuẩn xác đối với văn thọ giới tám chi. Đề nghị lược bỏ.

[191] Hán không có, theo văn chuẩn nên thêm vào.

[192] Ý nói: không ăn sau ngọ. Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto ekabhattikā rattīparatā viratā vikālabhojanā (…), Như A-la-hán trọn đời chỉ ăn một bữa, không ăn đêm, không ăn phi thời (…)

[193] Hán: tận hình thọ 盡形壽; Hán dịch hoàn toàn sai, nên cho vào ngoặc. Trai giới tám chi chỉ thọ trì một ngày một đêm.

[194] Đoạn này nghi là phụ chú giải thích giới điều của người dịch, hay người truyền tụng, chứ không phải chính văn thọ giới, nên cho vào ngoặc. Văn đoạn này cũng thiếu lời nguyện “một ngày một đêm.” Đề nghị thêm vào. Tham chiếu văn thọ Hán, Trung 55, đã dẫn. 

[195] Dịch ý. Để bản: ngã diệc thượng tọa bất phạm thử tọa 我亦上坐不犯此坐 “Tôi cũng thượng tọa không phạn chỗ ngồi này” (?). Có sai sót trong tả bản này, nên các bản khác có sửa lại. TNM: bỏ 2 chữ “ngã diệc 我亦”. Bản Thánh: thượng tọa ngã diệc上坐 我亦. Nhưng cũng không làm cho văn sang rõ hơn.

[196] Nguyên Hán: tận hình thọ; không đúng văn chuẩn, đề sửa lại như trên.

[197] Điều học này còn thiếu phân nữa: không ca, múa, xướng hát, và cố ý đi xem nghe. Xem thêm Pāli, và Trung 55 đã dân trên.

[198] Bản Hán, TNM bắt đầu quyển 16.

[199] A. III. 46 (tr.150): tiṇṇaṃ sammukhībhāvā.

[200] Tài 財. Pāli: deyyadhammaṃ, hiện vật bố thí.

[201] Để bản: trì phạm hạnh 持梵行. TNM: trì phạm hạnh nhân, người trì phạm hạnh 持梵行人. Pāli: dakkhiṇeyyānṃ sammukhībhāvā, sự hiện diện của những vị xứng đáng cúng dường.

[202] Tham chiếu Pāli, M. 48 Kosambiyasuttaṃ (R.i. 320ff); Hán, Trung, kinh 72 (T1n26, tr. 532c9)

[203] Cù-sư-la viên 瞿師羅園. Pāli: Ghositārāma.

[204] Câu-thâm 拘深; bản khác: Câu-thiểm-di. Pāli: Kosambi.

[205] Xem Tứ phần 43: vấn đề Câu-thiểm-di 拘睒彌揵度 (T22n1428, tr. 879b23); Thập tụng 30: trường hợp Câu-xá-di 俱舍彌法 (T23n1435, tr. 214a20). Pāli, Mahāvagga, Vin. i. 337.

[206] Lục chủng chi pháp 六種之法. Để bản chép nhầm trọng 重 thành chủng 種. Nên sửa lại là lục trọng pháp 六重法. Cũng thường nói là pháp lục hòa. Pāli, M.i. 322: “chayime, bhikkhave, dhammā sāraṇiyā piyakaraṇā garukaraṇā saṅgahāya avivādāya sāmaggiyā ekībhāvāya saṃvattanti, “Này các Tỳ-kheo, có sáu pháp này, cần ghi nhớ, khiến thành thân yêu, tác thành sự tôn kính, đưa đến đoàn kết, không tranh tụng, hòa hợp, nhất trí.”

[207] Cúng dường, đây hiểu là tôn kính.

[208] Trường Thọ vương 長壽王. Trung kinh 72. Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la 拘娑羅國王. Pāli, Mahāvagga, Vin, i. 342: Dīghīti, vua nước Kosala. Chuyện cũng được kể trong Jātaka 428.

[209] Phạm-ma-đạt 梵摩達. Trung, ibid., Phạm-ma-đạt-đá 梵摩達哆, vua nước Da-xá 加赦國王 (Pāli: nước Kāsi). Pāli, ibid. Brahmadatta, vua nước Kāsi, trị vì tại Bārāṇasī.

[210] Thiện Hoa 善華. Trung, ibid., Phạm chí Quốc sư của vua Phạm-ma-đạt-đa. Pāli, ibid. Bà-la-môn tư tế (Purohita-brāhmaṇa) của vủa Brahmadatta, bạn cũ của Dīghīti.

[211] Trường Sanh 長生. Pāli: Dghāvu.

[212] Kiếp-tỷ 劫比. Pāli: kappaka, người hớt tóc. đọc đúng là kiếp-bắc劫[*]北. Xem kinh 4 phẩm 50.

[213] Được hiểu là không nhìn xa cũng không nhìn gần; nghĩa là chớ trông đợi báo thù. Pāli: mā kho tvaṃ, tāta dīghāvu, dīghaṃ passa, mā rassaṃ.

[214] Pāli, Dhp. 5.

[215] Từ đây trở xuống, tương đương Pāli, M. 128 Upakkilesasuttaṃ (R.iii. 155ff). 

[216] A-na-luật 阿那律 (Anuruddha), Nan-đề 難提 (Nandiya), Kim-tỳ-la 金毘羅 (Kimbīla), ba vương tử họ Thích. Pāli, ibid., ba vị này ở trong vườn Nai Pācivaṃsa(Migadāya), vương quốc Cetiya. Trung kinh 72, đã dẫn, nói ba vị này đang trú tại rừng Ban-ba-man-xà tự 般那蔓闍寺林.

[217] Hán: hậu trụ giả 後住者. Nhưng Hán dịch này không rõ, hoặc có nhầm lẫn. Các Tỳ-kheo sang sớm phải đi khất thực. Trung kinh 72, và M 128 đều nói việc phân công này chỉ sau khi khất thực về. Ai về trước, ai về sau, phải làm gì.

[218] Dục bất tịnh tưởng 欲不淨想; quán tưởng dục là bất tịnh. Chính xác, đây hiểu là tu bất tịnh tưởng (Pāli: asubhasaññā). Nhưng theo Trung kinh 72, M 128, tôn giả này tu quang minh tưởng (obhāsa). Có sự liên hệ gì giữa asubha (Skt. aśubha) và obhāsa (Skt. avabhāsa)?

[219] Niệm thị hỷ an 念恃喜安.

[220] Chi tiết này có thể Hán dịch diễn thêm.

[221] Sư tử quốc 師子國. Có lẽ là tên khu vườn chứ không phải tên nước. Theo ngữ cảnh dưới, nên hiểu đây là một khu vườn. Có lẽ viên chép nhầm là quốc. Xem cht. dưới. Pāli: Sīha (Skt. Siṃha)? Không thấy trong danh sách các nước đương thời Phật. Hoặc có liên hệ phát âm nào giữa Migadāya (Skt. Mṛgadāya), khu vườn họ đang ở, với Migarājā (Skt. Mṛgarājā), từ khác chỉ Sư tử?

[222] Để bản: thủ quốc nhơn 守國人. TNM: thủ viên nhơn 守國人. 

[223] Chi tiêt thêm do Hán dịch.

[224] Thủ môn nhơn 守門人. Có lẽ là người giữ vườn như trên.

[225] Hán: tùng tam-muội khởi 從三昧起. Có lẽ nguyên là nói “từ chỗ thiền tọa đứng dậy.” Người chép kinh hiểu nhầm chỗ thiền tọa với thiền định (tam-muội). Pāli thường gặp: paṭisallānā vuṭṭhito. Hán cũng thường dịch: tùng thiền định giác.

[226] Trường Thọ Đại tướng 長壽大將 (?).

[227] Thân tà, giới đạo, nghi 身邪,戒盜,疑. Cf. Trung 1 (T1n26, tr. 424b28): “Thân kiến 身見, giới thủ 戒取, nghi 疑, ba kết đoạn tận, đắc Tu-đà-hoàn.” Tỳ-bà-sa 46 (T27n1545, tr. 237c5), ba kết: hữu thân kiến 有身見, giới cấm thủ 戒禁取, nghi 疑. Pāli, cf. D 33 Saṅgīti (R.iii. 216): tīṇi saṃyojanāni– sakkāyadiṭṭhi, vicikicchā, sīlabbataparāmāso.

[228] Định nghĩa từ Pl. saṃyojana (=Skt.), do yuga: cách ách, và động từ yuñjati: buộc vào ách.

[229] Tham chiếu Pāli, A III 163 (R.i. 299 ).

[230] Không, vô nguyện, vô tưởng 空 無願 無想. Pāli, A. ibid.: rāgassa, abhiññāya tayo dhammā bhāvetabbā. suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi– để biết rõ tham, hay tu ba pháp: Không tam-muội, Vô tướng tam-muộn, Vô nguyện tam-muội. Cf. Câu-xá 28 (T29n1558, tr. 149c13), có ba đẳng trì (=tam-muội): không 空, vô nguyện 無願, vô tướng 無相. 

[231] Bản Hán, hết quyển 16.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.