Bốn Pháp

03/01/201112:00 SA(Xem: 19100)
Bốn Pháp

KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

BỐN PHÁP

25. PHẨM TỨ ĐẾ

KINH SỐ 1[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Nên tu tập pháp bốn đế. Những gì là bốn? Thứ nhất là Khổ đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ hai là Khổ tập đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ ba là Khổ tận đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận. Thứ tư là Khổ xuất yếu đế, mà nghĩa không thể tận, nghĩa không thể cùng, thuyết pháp vô tận.

“Thế nào là Khổ đế? Khổ đế, là khổ bởi sanh, khổ bởi già, khổ bởi bệnh, khổ bởi chết, khổ bởi buồn lo phiền não, khổ bởi oán ghét gặp nhau, khổ bởi ân ái bị chia lìa, khổ bởi những gì cầu mà không được, nói tóm lại là khổ bởi năm thủ uẩn[2]. Đó gọi là sự thật về khổ.

“Thế nào là Khổ tập đế? Tập đế, là ái tương ưng với dục, tâm thường nhiễm đắm. Đó gọi là khổ tập đế.

“Thế nào là Khổ tận đế? Tận đế, là dục ái bị diệt tận không còn tàn dư, không tái sanh khởi. Đó gọi là Khổ tận đế.

“Thế nào là Khổ xuất yếu đế? Khổ xuất yếu, là tám phẩm đạo Hiền thánh. Nghĩa là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh tam-muội. Đó gọi là Khổ xuất yếu đế.

“Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn đế này là thật hữu, không hư dối, là điều mà Thế Tôn nói, cho nên gọi là đế. Trong các loài chúng sanh hai chân, bốn chân ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, Như Laitối thượng, đã thành tựu bốn đế này, nên gọi là bốn đế.

“Đó gọi là, này các Tỳ-kheo, có bốn đế mà do không giác tri nên sống chết xoay vần mãi trong năm nẻo. Nay Ta do đạt được bốn đế này, từ bờ này đến bờ kia, thành tựu [631b01] nghĩa này, đoạn trừ cội gốc sinh tử, như thực biết rằng không còn tái sinh nữa.” 

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nay có pháp bốn đế,

Nếu không như thật biết,

Luân hồi trong sinh tử,

Quyết không được giải thoát.

Như nay có tứ đế,

Đã giác, đã hiểu rõ,

Nên đoạn gốc sinh tử,

Cũng không còn tái sinh.

“Nếu có chúng bốn bộ nào không được đế này, không giác, không tri, sẽ đọa vào năm nẻo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn đế này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

“Có bốn pháp này, lợi ích nhiều cho mọi người. Những gì là bốn? Pháp thứ nhất là nên gần gũi thiện tri thức. Thứ hai là nên nghe pháp. Thứ ba là nên biết pháp. Thứ tư là nên phân minh pháp và pháp tướng. [3] Đó gọi là, này Tỳ-kheo có bốn pháp này, lợi ích nhiều cho mọi người

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn pháp này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[4]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan: 

“Nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu[5] xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Các loài chúng sanh này bị nhiều đắm nhiễm. Nếu khi nói pháp không đắm nhiễm, chúng cũng vâng lãnh, niệm tưởng tu hành, tâm không xa lìa. Đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất xuất hiện ở đời, nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời. 

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này luôn luân chuyển không dừng trong năm nẻo. Giả sử Ta muốn nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa. Nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ hai này xuất hiện ở đời.

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không rời đầu mối tâm. Giả sử Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa [631c01] lìa. Này A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không bỏ chốc lát nào. Giả sử khi Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh. Đó gọi là pháp chưa từng có thứ ba xuất hiện ở đời.

“Lại nữa, A-nan, chúng sanh này bị vô minh che kín. Giả sử khi Ta nói pháp minh, chúng cũng vâng lãnh mà không quên mất. Lại nữa, này A-nan, nếu khi Ta nói pháp minh, vô minh này, mà tâm ý chúng nhu hòa luôn thích tu hành; đó gọi là, này A-nan, khi Như Lai xuất ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ tư này xuất hiện ở đời. 

“Nếu lúc Như Lai[6] đang hiện tại, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời. Cho nên, này A-nan, hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Như Lai. A-nan, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4[7]
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay Ta sẽ nói về gánh nặng, cũng sẽ nói về người mang gánh nặng, cũng sẽ nói về nhân duyên của gánh nặng, và cũng sẽ nói về sự buông gánh nặng.[8] Các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Nay Ta sẽ nói.”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy như vậy. Thế Tôn bảo:

“Thế nào là gánh nặng? Đó là năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc, thọ*, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là gánh nặng.

“Thế nào là người mang gánh? Người mang gánh, đó là thân người, tự gì, tên gì, sinh như vậy, thức ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ ngắn dài như vậy. Đó gọi là người mang gánh.

“Thế nào là nhân duyên của gánh nặng[9]? Nhân duyên của gánh nặng, đó là nhân duyên bởi ái trước câu hữu với dục, tâm không xa lìa.[10] Đó gọi là nhân duyên gánh.

“Thế nào là buông gánh nặng? Ái kia đã khiến bị diệt tận không còn tàn dư, đã trừ, đã nhổ ra. Đó gọi là buông gánh nặng.

“Như vậy, Tỳ-kheo, nay Ta đã nói về gánh nặng, đã nói về nhân duyên của gánh nặng, đã nói về người mang gánh nặng, đã nói về buông gánh nặng. Những gì Như Lai cần làm, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới cây, chỗ nhàn tịnh, ngồi ngoài trời, hằng niệm tọa thiền, chớ có buông lung.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hãy niệm bỏ gánh nặng,

Chớ tạo gánh mới nữa.

[631c29] Gánh là bệnh thế gian,

Buông gánh, lạc đệ nhất.

Ái kết cũng đã trừ,

Phi pháp hành cũng xả;

Vĩnh viễn xa ly đây,

Không còn tái sinh nữa.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện buông xả gánh nặng. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.” 

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn loại sinh. Những là bốn? Sinh từ trứng, sinh từ thai, sinh từ ẩm, sinh từ hóa.[11]

“Thế nào là sinh từ trứng? Sinh ra từ trứng, các loại như gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến; thảy đều là sinh trứng. Đó gọi là sinh trứng.

“Thế nào là sinh từ thai? Người cùng súc sinh, đến loài vật hai chân. Đó gọi là sinh từ thai.

“Thế nào là sinh từ nhân duyên[12]? Những con trùng được sinh từ trong thịt rữa, trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết; thảy đều được gọi là sinh từ nhân duyên.

“Thế nào là sinh từ hóa? Đó là các loại trời, địa ngục, ngạ quỉ, hoặc người, hoặc súc sanh. Đó gọi là sinh từ hóa.

“Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn loại sinh này. Các Tỳ-kheo lìa bỏ bốn loại sinh này, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn đế. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[13]
Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên ở Ca-lan-đa, trong vườn Trúc, thành La-duyệt.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo: 

“Thế gian có bốn hạng người này. Những gì là bốn? Thứ nhất, người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết như thật có.[14] Hoặc người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có. Hay người không có kết sử tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật là không có. Hoặc người không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật là không có.

“Các Hiền giả nên biết, hạng người thứ nhất có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết; trong hai người có kết này, người này rất thấp hèn. Người thứ hai có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật [632b01] có, người này thật là tối ưu. Người thứ ba không có kết tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật; trong hai người không có kết, người này rất là thấp hèn. Người thứ tư không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật; trong người không có kết, thì người này là thật là đệ nhất.

«Các Hiền giả, nên biết, thế gian có bốn hạng người này.»

Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi Xá-lợi-phất:

«Vì lý do gì người cùng có kết tiềm phục, mà một người thì thấp hèn, một người thì tối ưu? Lại vì lý do gì, hai người không kết tiềm phục này, một người thì thấp hèn, một người thì tối ưu?»

Xá-lợi-phất đáp:

«Người có kết tiềm phục, không biết như thật bên trong có kết, người kia nghĩ thầm, ‘ta đang có tưởng tịnh.’ Người ấy tư duy có tưởng tịnh. Lúc đang có tưởng tịnh, tâm dục khởi. Khi tâm dục khởi, người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si. Người ấy đã không tìm cầu phương tiện diệt tâm dục này, mà mạng chung với tâm sân nhuế, ngu si

“Mục-liên nên biết, giống như có người đến chợ mua được đồ đồng, bụi bặm bám bẩn, rất là bất tịnh. Người kia không tùy thời chịu lau chùi, không tùy thời rửa sạch, đồ đồng kia càng ngày càng thêm ố bẩn, rất là bất tịnh. Người thứ nhất này cũng như vậy, cáu bẩn bám theo, bên trong có kết mà không biết như thật. Người kia nghĩ thầm: ‘Ta sẽ tư duy tưởng tịnh.’[15] Khi tư duy tưởng tịnh, tâm dục sinh. Khi tâm dục sinh, không tìm cầu phương tiện diệt tâm dục này, người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si.

“Người thứ hai kia có kết tiềm phục, mà biết như thật bên trong có kết. Người ấy nghĩ: ‘Nay ta sẽ xả bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh.’ Người kia xả bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Khi tư duy tưởng bất tịnh, tâm dục không sinh, tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, thành tựu những gì chưa thành tựu, bèn không còn tham dục, sân nhuế, ngu si. Người ấy mạng chung mà không có kết. 

“Giống như có người từ trong chợ mua được đồ đồng dính bám bụi bẩn. Người kia tùy thời lau chùi, tẩy rửa sạch sẽ. Người này cũng như vậy, có kết tiềm phục, mà biết như thật bên trong có kết. Người này liền bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Khi tư duy tưởng bất tịnh, người ấy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, [632b29] tác chứng những gì chưa tác chứng. Người này mạng chung với tâm không dục, không sân nhuế, không ngu si. Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người có kết tiềm phục này, một người hèn hạ, một người tối ưu.”

Mục-liên nói:

“Lại vì lý do gì khiến hai hạng người không có kết tiềm phục này, một người hèn hạ, một người lại tối ưu?”

Xá-lợi-phất nói:

“Hạng người thứ ba không có kết tiềm phục kia, mà không biết như thật bên trong không có kết. Người ấy không tự tư duy rằng: ‘Ta tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng.’ Người kia mạng cung với tâm bị trói buộc bởi dục, sân nhuế, ngu si

“Giống như có người đến chợ mua đồ đồng không[16] bị dính bụi bẩn, nhưng không tùy thời lau chùi, cũng không tùy thời tẩy rửa. Người thứ ba này cũng như vậy, không có kết tiềm phục, mà không biết như thật bên trong không kết, cũng không học điều này: ‘Ta nên tìm cầu phương tiện diệt trừ các kết này.’ Người ấy mạng chung với tâm tham dục, sân nhuế, ngu si.

“Hạng người thứ tư không câu hữu với kết, mà biết như thật bên trong không kết. Người kia tự tư duy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người kia mạng chung mà không có kết này. 

“Giống như có người đến chợ mua được đồ đồng tốt, rất là tinh sạch, lại thêm tùy thời chăm sóc lau rửa đồ này. Bấy giờ, đồ kia lại càng sạch đẹp. Người thứ tư này lại cũng như vậy, không có kết tiềm phục, biết như thật bên trong không kết. Người kia tự tư duy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người kia thân hoại mạng chung không có kết sử tham dục, sân nhuế, ngu si. Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người này, không có kết tiềm phục, (mà biết nó như thật bên trong không kết,)[17] nhưng một người thì cao quí, một người thì hèn hạ.”

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên hỏi Xá-lợi-phất:

“Vì sao gọi là kết[18]?”

Xá-lợi-phất nói:

“Mục-liên, nên biết, pháp ác bất thiện, khởi các tà kiến, đó gọi là kết.[19]

“Hoặc lại có người nghĩ như vầy, ‘Mong Như Lai hỏi nghĩa ta trước, sau đó mới nói pháp cho các Tỳ-kheo. Chứ Như Lai không hỏi nghĩa Tỳ-kheo khác, mà nói pháp cho các Tỳ-kheo.’ Nhưng lại có lúc Thế Tôn nói với Tỳ-kheo khác mà thuyết pháp, chứ không nói với Tỳ-kheo kia. (Người ấy bèn nghĩ)[20] [633a01] ‘Như Lai thuyết pháp. Nhưng Như Lai không nói với ta mà lại thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.’ Do vậy, hoặc có bất thiện, hoặc có tham dục. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.[21]

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong khi vào thôn khất thực ta thường đi phía trước các Tỳ-kheo. Chớ để Tỳ-kheo khác đi phía trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực.’ Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác đi phía trước khi vào thôn khất thực, không để Tỳ-kheo kia đi phía trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực. (Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không đi phía trước Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực.’ Đã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Mục-liên, nên biết, hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong ta ngồi phía trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước; chớ để Tỳ-kheo khác ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước.’ Nhưng lại có Tỳ-kheo khác ngồi phía trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước, không để Tỳ-kheo kia ngồi trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước. (Tỳ kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không ngồi phía trước Tỳ-kheo; không nhận nước trước, không được thức ăn trước.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong khi ăn xong, ta nói pháp cho đàn việt. Chớ để Tỳ-kheo khác nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong.’ Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong, chứ không để cho Tỳ-kheo kia nói pháp cho đàn việt sau khi ăn xong. (Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ:) “Ta không được thuyết pháp cho đàn việt sau khi ăn xong.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc, Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Mong ta đến nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn ở trong vườn.[22] Chớ để cho Tỳ-kheo khác đến nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn ở trong vườn. Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn, không để Tỳ-kheo ấy đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn. (Tỳ kheo ấy bèn nghĩ:) ‘Ta không đến trong vườn nói pháp cho trưởng giả, bà-la-môn.’ Đã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Cầu mong các Tỳ-kheo không biết ta phạm giới.’ Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo kia phạm giới, mà các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo này phạm giới. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều [633b01] bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Chớ để Tỳ-kheo khác nói rằng ta phạm giới.’ Nhưng lại có lúc, Tỳ-kheo ấy phạm giới, Tỳ-kheo khác nói Tỳ kheo ấy phạm giới. (Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng:) ‘Các Tỳ-kheo khác nói ta phạm giới.’ Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới. Mong Tỳ-kheo thanh tịnh nói với ta; không để Tỳ-kheo không thanh tịnh nói với ta.’[23] Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo không thanh tịnh nói Tỳ-kheo kia rằng Tỳ-kheo kia phạm giới. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

“Hoặc có lúc Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Nay ta phạm giới, nếu có Tỳ-kheo nào nói với ta, nên ở nơi khuất kín, không ở giữa đại chúng.’ Nhưng lại có lúc, Tỳ-kheo kia phạm giới, bị nói tội ở giữa đại chúng, không ở nơi khuất kín. Đã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.

«Mục-liên, nên biết, gốc của các pháp này khởi dậy các hành vi này, gọi là kết sử

“Mục-liên, lại nên biết, những ai trong chúng bốn bộ mà phạm các hành vi, mọi người đều nghe, đều biết phạm, tuy người đó có nói rằng tôi hành a-lan-nhã, sống ở nơi nhàn tịnh, và ngay dù có khoác y năm mảnh, thường hành khất thực không lựa giàu nghèo, đi không thô tháo, qua lại, đi dừng, nằm ngồi, động tịnh, nói năng, im lặng. Nhưng Tỳ-kheo ấy lại nghĩ như vầy: ‹Mong Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tư, các vị phạm hạnh luôn đến cung kính cúng dường ta.› Tỳ-kheo ấy tuy có nghĩ vậy, song cũng không được chúng bốn bộ tùy thời cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có ác, bất thiện hành chưa được trừ, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết. Giống như người có đồ đồng thật sạch sẽ; lại đựng đầy đồ bất tịnh trong bình đồng, rồi dùng đồ khác phủ lên rồi mang đi vào quốc giới. Mọi người thấy hỏi người kia rằng: ‹Anh mang vật gì vậy? Chúng tôi muốn được thấy qua.› Khi ấy mọi người vốn đã đói kém, kêu lên rằng: ‹Ồ! Đây là đồ ăn thức uống ngon.› Rồi họ mở nắp đậy ra, mọi người đều trông thấy đồ bất tịnh. Ở đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Tuy có hành a-lan-nhã, tùy thời khất thực, mặc y năm mảnh, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước. Người ấy tuy có ý nghĩ này: ‹Mong sao các vị phạm hạnh tùy thời đến cung kính cúng dường.’ Nhưng [633c01] các vị phạm hạnh lại không tùy thời cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có pháp ác, bất thiện, kết sử, mà chưa diệt tận.

«Mục-liên, nên biết, những Tỳ-kheo nào không có pháp ác, bất thiện; kết sử đã diệt tận, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết; vị ấy dù sống bên thành ấp cũng vẫn là người trì pháp. Hoặc được người thỉnh mời, hoặc nhận được sự cúng dường của các gia chủ. Nhưng Tỳ-kheo ấy không có tưởng tham dục này. Khi ấy chúng bốn bộ và các đồng phạm hạnh đều đến cúng dường. Vì sao? Vì hành vi của Tỳ-kheo kia thanh tịnh, mà mọi người đều thấy, đều nghe, đều niệm, đều biết. 

“Giống như người có bình đồng tốt, đựng đầy đồ ăn thức uống, mùi vị rất thơm, lại lấy nắp đậy lên, rồi mang đi vào quốc giới. Mọi người thấy, hỏi người kia rằng: ‹Đây là vật gì? Chúng tôi muốn được xem qua.’ Rồi sau đó mở ra xem, thấy đồ ăn thức uống, cùng lấy ăn. Ở đây cũng như vậy, Tỳ-kheo được thấy, được nghe, được niệm, được biết, tuy đi ở bên thành ấp nhận sự cúng dường của gia chủ, nhưng không nghĩ: ‹Mong sao các đồng phạm hạnh đến cúng dường.’ Tuy vậy, các đồng phạm hạnh đều đến cung kính cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia có ác bất thiện hành đã được tận trừ. Cho nên, Mục-liên do các hành này, nên gọi là kết sử.” 
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khen:

“Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Sự việc như vầy. Xưa kia tôi trú tại Ca-lan-đà, trong Trúc lâm, thành La-duyệt này; đến giờ, tôi khóac y ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, đến nhà thợ làm xe kia, đứng im lặng ở ngoài cửa. Lúc ấy, người thợ kia tay cầm búa đẽo gỗ. Bấy giờ lại có người thợ già, có chút việc đến nhà người thợ này. Khi người thợ kia đang sửa bản gỗ thì người thợ già này nảy sinh ý nghĩ: ‹Người thợ trẻ đẽo gỗ này như ý ta chăng?› Nay ta phải xem qua. Lúc ấy, những chỗ không vừa ý người thợ kia đã được người thợ này đẽo hết. Người thợ già kia rất lấy làm hoan hỷ, nghĩ rằng: ‹Hay thay, hay thay! Bạn đẽo gỗ thật là vừa ý ta.› Ở đây cũng như vậy, các Tỳ-kheo mà tâm không nhu hòa, bỏ hạnh Sa-môn, ôm lòng gian ngụy, không theo pháp Sa-môn, tánh hạnh thô tháo, không biết tàm quý, mặt trơ chịu nhục mà làm hành vi thấp hèn, không có dũng mãnh, hoặc hay quên lãng nhiều, không nhớ những gì đã làm, tâm ý không định, hành động [634a01] nhầm lẫn, các căn không định; nhưng vị ấy nay được Tôn giả Xá-lợi-phất quán sát tánh hạnh mà sửa chữa.

«Có nhiều vị thiện gia nam tử, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, rất cung kính giới, không bỏ pháp Sa-môn Hiền thánh, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn; những vị ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, liền tự vâng lãnh, cũng không để quên sót. 

“Giống như, hoặc có người nam hay người nữ nào xinh đẹp vô song, tự tắm gội, mặc y phục mới, dùng hương thoa người. Lại có người đem hoa ưu-bát đến tặng cho. Người kia được hoa, liền đội lên đầu, vui mừng hớn hở không tự chế được. Ở đây cũng lại như vậy, nếu có vị thiện gia nam tử nào, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, đối với giới cung kính, không để mất pháp Sa-môn, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn. Người ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời này rồi, lòng thật vui mừng không tự chế được, mà vâng lãnh lời dạy này. Như vậy, Ngài nói giáo pháp này cho các vị thiện gia nam tử.»

Các Hiền giả mỗi người sau khi nghe những gì đã được nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Có bốn loại trái này.[24] Những gì là bốn? Hoặc có trái sống mà tựa chín, hoặc có trái chín mà tựa sống, hoặc có trái chín mà tựa chín, hoặc có trái sống mà tựa sống. Đó là, này Tỳ-kheo thế gian có bốn loại trái này. Cũng lại như vậy, thế gian có bốn hạng người này. Thế nào là bốn? Hoặc có người sống mà giống chín, hoặc có người chín mà giống sống, hoặc có người chín mà giống chín, hoặc có người sống mà giống sống. 

«Thế nào là người sống mà giống chín? Hoặc có người qua lại, đi bước không hành thô tháo. Mắt nhìn ngó phải thuận theo pháp giáo. Đắp y, mang bát cũng lại theo pháp. Bước đi, nhìn xuống đất, không liếc nhìn hai bên. Nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; thật chẳng phải sa-môn mà giống sa-nôm; không hành phạm hạnh mà tự nói hành phạm hạnh; bại hoại Chánh pháp; là loại mà rễ đã mục. Người này [634b01] gọi là sống mà giống chín.[25]

«Thế nào là người chín mà giống sống? Hoặc có Tỳ-kheo tánh hạnh có vẻ quê mùa, nhìn ngó không ngay, cũng không đi đúng theo pháp, hay liếc ngó hai bên. Nhưng lại tinh tấn nghe nhiều, tu hành pháp thiện, thường giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi. Người này gọi là chín mà giống sống.

«Thế nào là người sống mà giống sống? Hoặc có Tỳ-kheo không giữ giới cấm, không biết lễ tiết bước đi, cũng lại không biết ra vào đi lại, cũng lại không biết đắp y, mang bát, các căn thác loạn, tâm đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới cấm, không hành Chánh pháp, không là sa-môn mà giống sa-môn, không hành phạm hạnh mà giống phạm hạnh; là người mà rễ đã mục không thể cứu chữa. Người này gọi là sống mà giống sống.

«Thế nào là người chín mà giống chín? Hoặc có Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, đi bước, không mất thời tiết, nhìn ngó không mất oai nghi, lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, mọi oai nghi lễ tiết đều thành tựu, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi huống chi là to lớn. Người này gọi là chín mà giống chín. 

«Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có (bốn) hạng người như bốn loại trái này. Hãy học người quả chín. Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Hôm nay, không trung có gió lốc xoáy. Nếu như có con chim nào lại bay đến đó, như ô thước, hồng hộc, gặp gió này thì đầu, não, lông cánh, mỗi thứ mỗi nơi. Ở đây, một Tỳ-kheo cũng lại như vậy, bỏ giới cấm rồi sống đời bạch y. Khi ấy, sáu vật tùy thân như ba y, bình bát, ống đựng kim, v.v.., thuộc mỗi thứ ở mỗi nơi, giống như gió lốc xoáy thổi chết chim kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành phạm hạnh. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo nên biết, có bốn loại chim này. Những gì là bốn? Hoặc có chim tiếng hót hay mà hình thì xấu. Hoặc có chim hình [634c01] đẹp, mà tiếng hót thì dở. Hoặc có chim tiếng hót dở mà hình cũng xấu. Hoặc có chim hình đẹp, tiếng hót cũng hay.

«Thế nào là chim có tiếng hót hay mà hình thì xấu? Đó là chim câu-sí-la.[26] Chim này tiếng hay mà hình thì xấu. 

«Thế nào là chim hình đẹp mà tiếng hót dở? Đó là chim chí.[27]Chim này có hình đẹp mà tiếng hót dở. 

«Thế nào là chim có tiếng hót dở mà hình thì đẹp? Đó là chim cú. Chim này có tiếng hót dở hình cũng xấu.

«Lại có chim gì tiếng hót hay hình cũng đẹp? Đó là chim công. Chim này có tiếng hót hay hình cũng đẹp.

«Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại chim này, mà mọi người đều biết. Ở đây cũng vậy, thế gian cũng có bốn hạng người như chim, mà mọi người đều biết. 

«Những gì là bốn? Ở đây, hoặc có Tỳ-kheo nhan sắc đoan chánh, ra vào đi lại, đắp y mang bát, co duỗi, cúi ngước, oai nghi thành tựu, nhưng lại không thể đọc tụng được những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện; không thể vâng lãnh giáo pháp, cũng lại không thể khéo đọc tụng. Đó là người này có hình đẹp mà tiếng không hay.

«Lại có những người nào mà tiếng hay nhưng hình xấu? Hoặc có Tỳ-kheo, ra vào, đi lại, co duỗi, cúi ngước, đắp y mang bát, mà không thành tựu oai nghi; nhưng hằng thích nói rộng. Người ấy lại siêng năng trì giới, nghe pháp, có khả năng biết những điều học, nghe nhiều những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện, nghĩa lý sâu xa, tu phạm hạnh đầy đủ. Hơn nữa, đối pháp kia, khéo thọ trì, khéo đọc tụng. Người này gọi là có tiếng hay mà hình xấu.

«Lại có những người nào có tiếng dở mà hình cũng xấu? Hoặc có người phạm giới, không siêng năng, không nghe nhiều, những gì đã nghe liền quên. Cần phải đầy đủ phạm hạnh ở trong pháp này, nhưng người không vâng lãnh. Người này gọi là tiếng dở mà hình cũng xấu.

«Lại có những người nào có tiếng hay, hình cũng đẹp? Hoặc có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, mang bát, không nhìn ngó hai bên; rồi lại siêng năng tu hành thiện pháp, giới luật đầy đủ, thấy điều phi pháp nhỏ còn luôn ôm lòng sợ hãi huống nữa là lớn, cũng lại nghe nhiều, ghi nhận không quên; lại tu hành tốt đẹp những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện. Người ấy khéo thọ trì, đọc tụng pháp như vậy. Pháp như vậy khéo đọc tụng. Người này gọi là tiếng hay thân cũng đẹp.

«Đó gọi là thế gian có bốn hạng người này ở đời, mà mọi người đều biết. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học tiếng hay, hình cũng đẹp. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Có bốn loại mây.[28] Những gì là bốn? Hoặc có mây, sấm mà không mưa. Hoặc có mây, mưa mà không sấm. Hoặc có mây, vừa mưa vừa sấm. Hoặc có mây cũng không mưa cũng không sấm. Đó gọi là bốn loại mây. 

«Thế gian có bốn hạng người giống như mây. Những gì là bốn hạng người? Hoặc có Tỳ-kheo sấm mà không mưa. Hoặc có Tỳ-kheo mưa mà không sấm. Hoặc có Tỳ-kheo cũng không mưa cũng khộng sấm. Hoặc có Tỳ-kheo cũng mưa cũng sấm.

«Thế nào là Tỳ-kheo sấm mà không mưa? Hoặc có Tỳ-kheo lớn tiếng tập tụng Khế kinh, Kỳ dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt, Nhân duyên, Dĩ thuyết, Sanh kinh, Tụng, Phương đẳng, Vị tằng hữu pháp, Thí dụ; những pháp như vậy khéo đọc tụng, không mất nghĩa nó, nhưng không rộng nói pháp cho người khác. Người này gọi là sấm mà không mưa.[29]

«Thế nào là Tỳ-kheo mưa mà không sấm? Hoặc có Tỳ-kheo có tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tới dừng đều biết tất cả, tu tất cả pháp thiện không mảy may để mất; song không nghe nhiều, cũng không lớn tiếng đọc tụng, lại không tu hành Khế kinh, Kỳ dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt, Nhân duyên, Thí dụ, Sanh kinh, Phương đẳng, Vị tằng hữu pháp, song theo người khác vâng lãnh cũng không quên mất, thích cùng theo với thiện tri thức. Nhưng cũng thích nói pháp cho người khác. Người này gọi là mưa mà không sấm.[30]

«Thế nào là Tỳ-kheo cũng không mưa cũng lại không sấm? Hoặc có người tướng mạo không đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tiến dừng tất cả đều thiếu sót, không tu các pháp thiện, mà lại không nghe nhiều, cũng không lớn tiếng đọc tụng, lại không tu hành Khế kinh cho đến Phương đẳng, cũng lại không vì người khác nói pháp. Người này gọi là cũng không mưa cũng không sấm.

«Thế nào là Tỳ-kheo cũng mưa cũng sấm? Hoặc có người tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đi lại, tiến dừng biết rõ tất cả, ưa thích học vấn, những gì đã nhận không quên, cũng thích nói pháp cho người khác. Khuyến khích người khác khiến họ vâng lãnh. Người này gọi là cũng sấm cũng mưa. 

«Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Cho nên, Tỳ-kheo hãy học điều này.» 

Sau khi nghe những gì đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Đế, nhiêu ích, A-nan,

Gánh nặng, bốn sanh, kết;

Bốn quả, gió lốc xoáy,

Bốn chim, sấm sau cùng.[31]

26. PHẨM BỐN Ý ĐOẠN

KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

«Giống như núi sông, vách đá, trăm cỏ, ngũ cốc, đều nương trên đất mà được tăng trưởng lớn mạnh. Vì vậy, đất này là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, các pháp đạo phẩm thiện, trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp thiện được tăng trưởng lớn mạnh. Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn chánh đoạn,[32] tu tập nhiều bốn chánh đoạn. Những gì là bốn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh[33]. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt[34], tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.

«Tỳ-kheo, tu bốn chánh đoạn như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bốn chánh đoạn. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.” 

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

«Tỳ-kheo nên biết, có nhiều túc tán quốc vương[35] và các đại vương cùng đến phụ cận Chuyển luân Thánh vương. Đối với họ, Chuyển luân Thánh vương là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, trong các thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, pháp không phóng dật là tối đệ nhất. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu [635c01] phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 

«Trong những ánh sáng tinh tú, ánh sáng mặt trăngtối thượng đệ nhất. Ở đây cũng như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

«Trong các loại hoa như hoa chiêm bặc,[36] hoa tu-ma-na[37] trên chư thiên giữa loài người, hoa bà-sư[38] là tối đệ nhất. Ở đây cũng lại như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh*. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp [636a01] thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5[39]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc thắng xe lông chim ra khỏi thành Xá-vệ đến tinh xá Kỳ-hoàn muốn hầu Thế Tôn. Theo pháp thường, các vua có năm thứ nghi trượng. Vua bỏ hết sang một bên, đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo vua:

«Đại vương nên biết, thế gian có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Hoặc có người trước tối sau sáng. Hoặc có người trước sáng sau tối. Hoặc có người trước tối sau tối. Hoặc có người trước sáng sau sáng.[40]

«Thế nào là người trước tối sau sáng? Ở đây, hoặc có người sinh vào nhà ti tiện, như dòng Chiên-đà-la, dòng hàng thịt,[41] dòng thợ thuyền, hoặc sinh nhà dâm dật, hoặc không mắt, hoặc không chân tay, hoặc thường gót chân trần,[42] hoặc các căn thác loạn. Nhưng thân, miệng hành pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện. Người này gặp sa-môn, bà-la-môn, các bậc trưởng giả, thường niệm lễ bái, không mất thời tiết, đứng dậy nghinh đón, đứng dậy tiễn đưa, trước cười sau nói, tuỳ thời cung cấp. Hoặc có lúc, gặp người ăn xin, hay sa-môn, bà-la-môn, người đi đường, người nghèo thiếu, nếu có tiền của thì đem giúp cho họ. Nếu khôngcủa cải, người đó đến nhà trưởng giả cầu xin giúp đỡ cho. Hoặc gặp người khác giúp đỡ liền sinh lòng hoan hỷ hớn hở không tự chế. Người thân hành pháp thiện, miệng tu pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi thiện, trên trời. Giống như có người từ đất lên giường, từ giường lên ngựa, từ ngựa cỡi voi, từ voi vào giảng đường. Do vậy, nay Ta nói, người này trước tối sau sáng. Đại vương, như vậy, người này gọi là trước tối sau sáng.

«Thế nào là người trước sáng sau tối? Ở đây, hoặc có người sinh vào gia tộc lớn, hoặc dòng sát-lợi, dòng trưởng giả,[43] dòng bà-la-môn, nhiều của, nhiều báu vật vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, thuỷ tinh, lưu ly, tôi tớ, nô tì không thể kể hết; voi, ngựa, heo, dê, tất cả đầy đủ. Tướng mạo người này xinh đẹp như màu hoa đào, nhưng người này lại thường ôm lòng tà kiến, tương ưng với biên kiến, có kiến chấp như vầy: ‹Không có bố thí, không có thọ nhận, không có vật cúng thí cho tiền nhân,[44] cũng không có quả báo thiện ác, cũng không có đời này đời sau, cũng không có người đắc đạo, đời không A-la-hán đáng thờ kính, đời này đời sau có thể tác chứng.›[45]. Nếu gặp Sa-môn, Bà-la-môn, họ liền nổi sân hận, không lòng cung kính. Nếu thấy người khác bố thí, lòng họ không vui vẻ; những tạo tác của thân, miệng, ý không quân bình.[46] Do tạo các hành vi phi pháp, người này thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như có người từ giảng đường xuống voi, từ voi xuống ngựa, từ ngựa xuống giường, từ giường xuống đất. Vì thế, nên Ta nói người này như vậy Đại vương, nghĩa là người này trước sáng sau tối.

«Thế nào là người từ tối đến tối? Có người sinh nhà ti tiện, hoặc nhà Chiên-đà-la, hoặc nhà hàng thịt, hoặc nhà cùng cực thấp hèn. Người này đã sinh vào đây, có khi các căn ắt không đủ, tướng mạo xấu xí, mà người này lại thường ôm tà kiến, có kiến chấp như vầy: ‹Không có đời này, đời sau, không Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không người đắc đạo, cũng không A-la-hán đáng thờ kính, cũng không đời này đời sautác chứng.› Nếu gặp sa-môn, bà-la-môn, họ liền nổi sân hận, không lòng cung kính. Nếu thấy người đến bố thí, lòng không vui vẻ, những tác hành của thân, miệng, ý không bình đẳng, phỉ báng thánh nhân, huỷ nhục Tam tôn[47]. Người đó đã không giúp tự mình bố thí, thấy người khác bố thí, lòng rất sân hận. Vì đã tạo hành sân nhuế, nên thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như người từ tối đến tối, từ lửa bừng đến lửa bừng, bỏ trí tới ngu. Do vậy mà nói, người này có thể gọi là trước tối sau tối. Đại vương nên biết, cho nên gọi người này là từ tối đến tối.

«Thế nào là người từ sáng đến sáng? Hoặc có người sinh vào nhà vọng tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc nhà quốc vương, hoặc nhà đại thần, nhiều của, lắm vật báu không thể kể hết, mà người kia tướng mạo lại xinh đẹp như màu hoa đào, người này thường có chánh kiến, tâm không thác loạn. Người ấy có những chánh kiến này: ‹Có thí, có phước, có người nhận, có báo quả thiện ác, có đời này đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn.› Vả lại, người này, nếu gặp sa-môn, bà-la-môn khởi lòng cung kính, vui hiện nhan sắc. Tự thân thường thích bố thí, lại cũng khuyên người khiến thực hành bố thí. Nếu ngày nào bố thí thì lòng thường hớn hở không kiềm chế được. Họ thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, nên thân hoại mạng chung sinh về cõi thiện. Giống như có người từ giảng đường đến giảng đường, từ cung đến cung. Do vậy mà nói, nay Ta nói người này từ sáng đến sáng. Đại vương, đó là thế gian có bốn hạng người này.»

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Vua nên biết, người nghèo

Có tín, thích bố thí;

Gặp Sa-môn, Bà-la,

Cùng những người đáng thí;

Thường đứng dậy đón, tiếp;

Lại khuyên bảo chánh kiến;

Lúc thí, thật vui mừng;

Không trái điều người xin.

Người kia là bạn tốt,

Quyết không làm hạnh ác,

Thường thích hành chánh kiến,

Hay nghĩ cầu pháp thiện.

Đại vương như người kia,

Lúc chết, nơi sinh về,

Quyết sinh trời Đâu-suất.

Trước tối mà sau sáng.

Như người hết sức giàu,

Không tín, hay sân hận,

Lòng tham lam, khiếp nhược,

Tà kiến mà không đổi;

Gặp sa-môn, bà-la-môn,

Cùng những người ăn xin,

Thường chửi mắng, nhiếc móc;

Tà kiến, nói không có;

Thấy thí, nổi sân giận;

Không muốn có người thí;

Người kia hành rất tệ,

Tạo mọi nguồn gốc ác.

Những người kia như vậy,

Đến khi mạng sắp chết,

Sẽ sinh vào địa ngục:

Trước sáng mà sau tối.

Như có người bần tiện,

Không tín, hay sân hận;

Tạo mọi hành bất thiện;

Tà kiến không chánh tín;

Nếu gặp vị sa-môn,

Cùng người đáng thừa sự,

[637a0]Mà luôn khinh huỷ họ;

Xan tham không tín tâm;

Lúc cho mà không vui;

Thấy người cho cũng vậy.

Hành vi người kia làm, 

Không dẫn đến an vui.

Những hạng người như vậy,

Cho đến khi mạng chung

Sinh vào trong địa ngục:

Trước tối sau cũng tối.

Như người rất có của;

Có tín, thích bố thí,

Chánh kiến, không niệm quấy,

Thường thích cầu pháp thiện.

Nếu thấy các đạo sĩ,

Những người đáng bố thí,

Đứng dậy cung kính đón,

Học tập theo chánh kiến,

Khi cho thật hoà vui,

Thường niệm tưởng bình đẳng;

Bố thí không tiếc lẫn,

Không trái với lòng người.

Người ấy sống[48] lương thiện,

Không tạo mọi phi pháp.

Nên biết người như vậy,

Đến khi mạng sắp chết

Quyết sinh chỗ tốt lành:

Trước sáng mà sau sáng.

«Cho nên Đại vương, hãy học trước sáng mà sau sáng, chớ nên học trước sáng mà sau tối. Đại vương, nên học điều này như vậy.» 
Sau khi vua Ba-tư-nặc đã nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả A-nan đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Sau đó không lâu lại lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi dùng miệng hôn lên chân Như Lai, mà nói như vầy

«Thân thể của đấng Thiên Tôn vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy! Thân Như Lai không như xưa.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, A-nan, như những gì ông nói. Nay thân Như Lai, da thịt đã nhăn, thân thể hiện tại không như xưa. Sở dĩ như vậy là vì, phàm có thân thể là bị bệnh thúc ép. Đáng bệnh, chúng sanh bị bệnh vây khốn; đáng chết, chúng sanh bị chết bức bách. Nay Như Lai tuổi đã suy vi, đã hơn 80.» 
A-nan nghe những lời này, buồn khóc nghẹn ngào không tự nén được lời liền nói lời này:

«Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!»

Bấy giờ, đã đến giờ, Thế Tôn khóac y mang bát vào thành Xá-vệ khất [637b01] thực. Thế Tôn đi khất thực, lần hồi đến cung vua Ba-tư-nặc. Trong lúc đó, trước cửa của vua Ba-tư-nặc có vài mươi chiếc xe hư cũ bị bỏ một bên. Tôn giả A-nan thấy những cỗ xe bị vất ở một bên như vậy, liền bạch Thế Tôn:

«Đây là những chiếc xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm thật là tinh xảo, nhưng ngày nay trông chúng cũng như màu gạch đá.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, A-nan, như những gì ngươi đã nói. Những chiếc xe như đang được thấy đây, xưa kia thật là tinh xảo, làm bằng vàng bạc. Ngày nay đã hư hỏng, không thể dùng được nữa. Vật bên ngoài còn hư hoại như vậy, huống chi là bên trong.» 

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này: 

Ôi! Già, bệnh, chết này,

Hoại người sắc cực thịnh.

Lúc đầu tâm hoan lạc,

Nay bị chết bức bách.

Dù tuổi thọ trăm năm 

Đều qui về cái chết.

Không ai thoát khổ này;

Hết thảy về đường này.

Những gì có trong thân,

Bị chết rượt đuổi đi.

Bốn đại ở bên ngoài

Đều quay về gốc không.

Cho nên cầu không chết,

Chỉ có về Niết-bàn; 

Nơi không chết không sinh

Đều không các hành này.

Bấy giờ, Thế Tôn liền tới chỗ vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc bày biện đồ ăn thức uống cúng dường Thế Tôn. Thấy Thế Tôn đã ăn xong, vua liền lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, bạch Thế Tôn:

«Sao vậy, Thế Tôn, hình thể của chư Phật đều là kim cương, mà cũng phải chịu già, bệnh, chết sao?»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, Đại vương, như lời Đại vương. Như Lai cũng phải có sinh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Ma-da, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Phật hiện giữa loài người

Cha tên là Chân Tịnh,

Mẹ tên Cực Thanh Diệu, 

Dòng sát-lợi quyền quý.

Đường chết thật là khốn

Đều không xét tôn ti.

Chư Phật còn không khỏi,

Huống chi lại phàm phu.

[ 637c01]Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này cho vua Ba-tư-nặc:

Tế tự: tế lửa nhất;

Thi thơ: tụng tối tôn;

Nhân gian: vua là quý;

Các sông: biển là đầu;

Các sao: trăng trên hết;

Ánh sáng: mặt trời nhất.

Tám phương, trên, dưới, giữa

Nơi thế giới vận hành,

Trời cùng người thế gian:

Như Lai là tối tôn

Muốn cầu phước lộc kia

Hãy cúng dường Tam-Phật.[49]

Thế Tôn nói kệ này rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, trở về tinh xá Kỳ-hoàn, đến chỗ ngồi mà ngồi.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Có bốn pháp được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn? Tuổi trẻ tráng niên được người thế gian ái kính; không có bệnh đau được người ái kính; tuổi thọ được người ái kính; ân ái tụ hợp được người ái kính. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp được mọi người thế gian ái kính.

«Lại nữa Tỳ-kheo, lại có bốn pháp không được người thế gian ái kinh. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết, tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích; người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích; được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích; ân ái hội hợp sau lại chia lìa. Đó là những điều người đời không thích. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này. Tỳ-kheo, đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường. Thế nào là bốn? Giới Thánh hiền, tam muội Thánh hiền, trí tuệ Thánh hiền, giải thoát Thánh hiền. Tỳ-kheo, đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thụ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thể Như Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu Niết-bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng biến dịch vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.» 

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, [638a01] hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quan phụ tá sửa soạn xe lông chim. Vua muốn ra xem đất, giảng đường, ngoài thành Xá-vệ. Trong lúc đó, mẹ vua[50] Ba-tư-nặc vừa qua đời. Bà sống đến một trăm tuổi, rất là suy yếu, vua rất tôn kính nhớ thương chưa từng rời mắt. Lúc đó, bên cạnh vua Ba-tư-nặc có đại thần tên Bất-xà-mật, tài cao cái thế, được mọi người tôn trọng. Đại thần suy nghĩ: “Mẹ của vua Ba-tư-nặc này vừa đúng tuổi trăm, hôm nay mạng chung. Nếu nghe được vua rất lo sầu, quên ăn bỏ uống mà bị bệnh nặng. Nay ta phải tìm cách nào khiến vua không lo sầu cũng không bị bệnh.” 

Bấy giờ, đại thần chuẩn bị năm trăm voi trắng, năm trăm ngựa tốt; lại cách đặt năm trăm lính bộ, năm trăm kỹ nữ, năm trăm lão mẫu, năm trăm bà-la-môn, và có năm trăm sa-môn; lại chuẩn bị năm trăm bộ y phục, năm trăm thứ trân bảo làm cỗ quan tài lớn đẹp cho người chết, vẽ vời thật là tinh xảo; treo phướn lọng, trổi kỹ nhạc, không thể kể hết được, rồi đưa ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc đó, vì có chút việc, vua Ba-tư-nặc trở vào lại trong thành. Từ xa, vua nhìn thấy có người chết, hỏi tả hữu:

«Đây là ai mà cúng dường đến thế?»

Bất-xà-mật tâu:

«Trong thành Xá-vệ này có mẹ Trưởng giả vô thường. Đó là vật dụng của họ.»

Vua lại hỏi:

«Những voi, ngựa, xe cộ này lại dùng để làm gì?»

Đại thần tâu:

«Năm trăm lão mẫu này, dùng để dâng lên vua Diêm-la để chuộc mạng.»

Vua liền cười và nói:

«Đây là cách của người ngu. Mạng cũng khó mà giữ, làm sao có thể đổi được? Như có người rơi vào miệng cá ma-kiệt, muốn mong thoát ra lại thật khó được. Ở đây cũng vậy, đã rơi vào chỗ vua Diêm-la, muốn cầu ra khỏi thì thật khó có thể được.»

«Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để chuộc mạng.»

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu những kỹ nữ này không thể được, thì sẽ dùng cách khác để chuộc.»

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu điều này không thể được, thì phải dùng năm trăm trân bảo để chuộc.»
Vua bảo:

«Điều này cũng khó [638b01] được.»

Đại thần tâu:

«Nếu điều này không thể được, thì dùng năm trăm y phục để chuộc.»
Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu y phục này không thể được, thì phải dùng chú thuật của năm trăm bà-ma-môn này làm chú thuật để lấy lại

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu năm trăm bà-la-môn này không thể được, thì lại phải đem những vị sa-môn tài cao thuyết pháp này để chuộc.»

Vua bảo:

«Điều này cũng không thể được.»

Đại thần tâu:

«Nếu thuyết pháp không thể được, thì sẽ tập họp binh chúng gây trận đánh lớn để chiếm lại.» 

Lúc này, vua Ba-tư-nặc cười lớn mà nói:

«Đây là cách của người ngu, vì đã rơi vào miệng cá ma-kiệt, thì quyết không thoát được.” 

Vua nói tiếp:

«Ngươi nên biết, có gì sinh mà không chết ư?» 

Đại thần tâu:

«Điều này thật không thể được.»

Vua bảo:

«Thật không thể được, chư Phật cũng dạy: ‹Phàm có sinh thì có chết, mạng cũng khó được.›»

Lúc đó, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:

«Cho nên, Đại vương chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sanh đều qui về cái chết.»
Vua bảo:

«Sao ta phải sầu lo?»

Đại thần tâu vua:

«Vua nên biết, hôm nay, mẹ Đại vương đã mất.»

Cho nên, vua Ba-tư-nặc nghe những lời này xong, thở dài tám chín lần, rồi bảo đại thần:

«Lành thay, như những gì ông nói, là hay biết dùng phương tiện khéo léo.»

Sau đó, vua Ba-tư-nặc trở vào thành, sắm sửa các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng dường vong mẫu xong, liền trở lại xe, đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:

«Đại vương, vì sao người dính đầy bụi bặm?»

Vua bạch Thế Tôn:

«Mẹ con qua đời, vừa đưa ra ngoài thành. Nay con đến chỗ Thế Tôn để hỏi lý do ấy. Lúc còn sống, mẹ con trì giới tinh tấn, thường tu pháp thiện, tuổi vừa một trăm, nay đã qua đời, nên đến chỗ Thế Tôn. Nếu con phải đem voi để mua mạng được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu phải dùng ngựa để chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng ngựa để chuộc. Nếu phải dùng xe cộ để chuộc mạng được, con sẽ dùng xe cộ để chuộc. Nếu phải dùng vàng bạc trân bảo để chuộc được, con cũng sẽ dùng vàng bạc trân bảo để chuộc. Nếu phải dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc mạng được, thì con cũng sẽ dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc. Nếu phải dùng nhân dân đất nước Ca-thi[51] để [638c01] chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng nhân dân đất nước Ca-thi để chuộc, không để cho mạng mẹ con mất»

Thế Tôn bảo:

«Đại vương, chớ quá lo sầu, vì tất cả chúng sanh đều qui về cái chết. Tất cả mọi pháp đều biến dịch. Cho nên, nếu muốn không biến dịch, quyết không có việc này. Đại vương nên biết, pháp của thân người giống như nắm tuyết, tất sẽ tan chảy. Cũng như nắm đất, rồi cũng vỡ vụn, không thể giữ lâu; Cũng như quáng nắng,[52] huyễn hoá, hư nguỵ không thật; cũng như nắm tay không, dùng để gạt con nít. Cho nên, Đại vương, chớ mang sầu lo, trông cậy vào thân này. Đại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi này, sẽ mang đến thân này không thể ngăn che được, cũng không thể dùng ngôn ngữ, chú thuật, thuốc men, phù thư để có thể trừ khử. Những gì là bốn? Một là già làm bại hoại tráng niên khiến không nhan sắc. Hai là bệnh làm bại hoại hết người không bệnh. Ba là chết làm bại hoại hết mạng căn. Bốn là vật hữu thường trở về vô thường.

«Đại vương, có bốn pháp này không thể ngăn che được, không dùng sức để hàng phục. Đại vương nên biết, giống như bốn hướng có bốn núi lớn, từ bốn hướng dồn ép đến chúng sanh, chẳng phải sức để loại bỏ. Cho nên, này Đại vương, chẳng phải vật kiên cố, không thể nương tựa. Do đó, Đại vương nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Vua cũng không còn bao lâu sẽ đến biển sinh tử. Vua cũng nên biết những người dùng pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh về nơi thiện, trên trời. Nếu người nào dùng phi pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Cho nên, này Đại vương, nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Đại vương, hãy học điều này như vậy.»

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, bạch Thế Tôn:

«Pháp này có tên là gì? Nên phụng hành thế nào?» 

Thế Tôn bảo:

«Pháp này tên là trừ sầu ưu.» 
Vua bạch Phật

«Thật vậy, Thế Tôn, sở dĩ như vậy, vì con nghe pháp này rồi, mọi sầu lo có được hôm nay đã trừ. Thế Tôn, việc đất nước bề bộn, con muốn trở về cung.»
Thế Tôn bảo:

«Nên biết đúng thời.» 

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.

Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
[639a01] Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

«Nay Ta không những chỉ tối tôn trong hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, mà còn tối tôn đến cả trong loài người. Nay có bốn pháp mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiênloài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Những gì là bốn? Một là, tất cả các hành đều vô thường, mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Hai là, tất cả các hành khổ. Ba là tất cả các hành vô ngã. Bốn là Niết-bàn tịch tĩnh, mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bốn pháp mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư thiền và loài người, tự mình giác tri, tự thân tác chứng

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Lúc ấy, Thế Tôn muốn đến thành La-duyệt hạ an cư. Xa-lợi-phất cũng muốn đến thành La-duyệt hạ an cư, và một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử đều muốn thành La-duyệt hạ an cư. Nhưng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên hạ an cư xong sẽ nhập Niết-bàn.

Sau khi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… đến Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt, hạ an cư xong. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

«Nay một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử vì các ông mà hạ an cư nơi này. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên sắp diệt độ. Thế nào, Xá-lợi-phất, thầy có thể vì các Tỳ-kheo nói diệu pháp không? Ta nay đau lưng, muốn nghỉ một chút»

Xá-lợi-phất thưa:

«Kính vâng, Thế Tôn!»

Bấy giờ, Thế Tôn tự mình gấp tăng-già-lê[53], nằm nghiêng hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau, để tâm nơi ánh sáng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

«Lúc tôi mới thọ giới, trải qua nửa tháng, chứng đắc bốn biện tài, tự thân tác chứng, đầy đủ nghĩa lý.[54] Nay tôi sẽ phân biệt nói rõ ý nghĩa cho các thầy biết, phân biệt rõ ràng. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!» 

Các Tỳ-kheo thưa:

«Thưa vâng!»

Các Tỳ-kheo vâng theo lời của Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất hỏi:

«Những gì là bốn biện tài tôi đã chứng được? Đó là nghĩa biện, tôi do đây mà chứng được;[55] là pháp biện,[56] tôi do đây mà chứng được; là ứng biện,[57] tôi do đây mà chứng được; là tự biện,[58] (tôi do đây mà chứng được).[59] 

“Nay tôi sẽ phân biệt rộng nghĩa của chúng. Nếu chúng bốn bộ có ai hồ nghi, bây giờ có thể hỏi tôi nghĩa của chúng. Nếu các Hiền giả đối với bốn thiền mà có ai hồ nghi, hoặc các Hiền giả đối với bốn vô lượng tâm* mà có ai hồ nghi có thể hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu các Hiền giả đối với bốn chánh đoạn mà có ai hồ nghi có thể hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói; hoặc đối với bốn thần túc, bốn niệm xứ*, bốn đế mà có ai hồ nghi, nên đến hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói. Nay nếu không ai hỏi, sau có hối cũng vô ích. Nay cũng nên hỏi tôi về những pháp sâu xa, cùng những sở của Thế Tôn Vô sở trước, Đẳng chánh giác, tôi sẽ nói cho. Nếu không hỏi, sau chớ có hối.»

Bấy giờ, Tôn giả đại Mục-kiền-liên, đã đến giờ, đắp y, cầm bát vào thành La-duyệt khất thực. Các phạm-chí chấp trượng[60] từ xa trông thấy Mục-liên đến, bảo nhau rằng: “Đây là một trong những đệ tử Sa-môn Cù-đàm, không ai hơn người này. Chúng ta cùng nhau bao vây đánh chết đi.” Các phạm-chí kia liền bao vây, dùng gạch đá đánh chết rồi bỏ đi. Thịt xương thân thể không nơi nào không nát hết, đau đớn khổ não quá không thể kể được. Khi Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm: “Các phạm-chí này vây ta, đánh xương thịt nát nhừ rồi bỏ ta mà đi. Nay thân thể ta không nơi nào không bị đánh, vô cùng đau nhức, lại không còn khí lực sao trở về Trúc viên được. Nay ta có thể dùng thần túc trở về tinh xá.” Rồi Mục-liên liền dùng thần túc trở về tinh xá, đến chỗ Xá-lợi-phất, ngồi xuống một bên. Tôn giả đại Mục-kiền-liên nói với Xá-lợi-phất:

«Các phạm-chí chấp trượng này vây tôi đánh xương thịt nát hết, thân thể đau nhức thật không thể chịu được. Nay tôi muốn vào Niết-bàn nên đến từ giả thầy.»

Xá-lợi-phất nói:

«Trong đệ tử Thế Tôn, thầy thần túc đệ nhất, có đại oai lực. Sao không dùng thần túc mà tránh?»

Mục-liên đáp:

«Hành vi mà tôi đã làm trước kia thật là sâu nặng, khi đòi hỏi phải thọ báo thì quyết không thể tránh. Không phải ẩn trong hư không mà có thể tránh được báo ứng này. Hôm nay, thân thể tôi thật là đau nhức, nên đến từ giả thầy để nhập Niết-bàn.» 
[639c01] Xá-lợi-phất nói:

«Những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào mà tu bốn thần túc, phần nhiều diễn rộng nghĩa của nó, theo ý người đó muốn, trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp, cho đến không diệt độ. Vì sao thầy không trụ, mà diệt độ?»

Mục-kiền-liên nói:

«Thật vậy, Xá-lợi-phất, Như Lai dạy, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tu bốn thần túc, muốn sống thọ trải qua nhiều kiếp, cũng có thể được. Nếu Như Lai chỉ trụ một kiếp, tôi cũng trụ vậy. Nhưng hiện tại Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Bát-niết-bàn. Thọ mạng các loài chúng sanh rất ngắn. Lại nữa, tôi không nỡ khi nhìn Thế Tôn vào Bát-niết-bàn. Bây giờ thân thể tôi thật là đau đớn, nên tôi muốn nhập Bát-niết-bàn.›»

Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói Mục-liên:

«Nay thầy chờ một chút, tôi sẽ diệt độ trước.» 

Mục-liên im lặng không đáp. Lúc đó Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:

«Nay con muốn diệt độ. Cúi xin cho phép

Lúc đó, Thế Tôn im lặng không đáp. Xá-lợi-phất ba lần bạch Thế Tôn:

«Nay là lúc thích hợp, con muốn nhập Bát-niết-bàn.»

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

«Tại sao, nay thầy không trụ một kiếp hay hơn một kiếp?»

Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:

«Tự thân con nghe, tự thân vâng lãnh lời của Thế Tôn, rằng thọ mạng các loài chúng sanh rất ngắn, thọ nhất bất quá trăm năm. Vì thọ mạng chúng sanh ngắn nên tuổi thọ Như Lai cũng ngắn. Nếu tuổi thọ Như Lai sẽ một kiếp, tuổi thọ của con cũng sẽ một kiếp.» 

Thế Tôn bảo:

«Như lời Xá-lợi-phất, vì mạng chúng sanh ngắn, nên thọ mạng của Như Lai cũng ngắn. Nhưng điều này cũng lại không thể luận bàn. Sở dĩ như vậy là vì, a-tăng-kỳ kiếp lâu xa về trước, có Phật tên Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai, Chí Cchơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời. Tuổi thọ con người vào lúc bấy giờ là tám vạn năm, không có ai chết yểu giữa chừng. Đức Như Lai Thiện Niệm Thệ Nguyện kia ngay lúc thành Phật, liền hôm đó hoá làm vô lượng Phật, an lập vô lượng chúng sanh hành theo ba thừa, có người trụ vào địa vị bất thối chuyển; lại an lập vô lượng chúng sanh nơi bốn chủng tánh; lại an lập vô lượng chúng sanh vào cung Tứ thiên vương, Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Hoá tự tại thiên, Tha hoá tự tại thiên, Phạm-ca-di thiên, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên, và cũng ngày hôm đó ở trong Vô dư Niết-bàn giới mà nhập Bát-niết-bàn. [640a01]. Nhưng nay, Xá-lợi-phất nói vì tuổi chúng sanh ngắn nên thọ mạng Như Lai cũng ngắn.

«Thế nào, Xá-lợi-phất, thầy nói rằng ‘Như Lai trụ một kiếp hay hơn một kiếp, con cũng trụ một kiếp hay hơn một kiếp.’ Nhưng chúng sanh lại không thể biết thọ mạng Như Lai ngắn hay dài. Xá-lợi-phất nên biết, Như Lai có bốn sự không thể nghĩ bàn, chẳng phải điều mà Tiểu thừa có thể biết. Thế nào là bốn? Thế giới không thể nghĩ bàn; chúng sanh không thể nghĩ bàn; long cung không thể nghĩ bàn; cảnh giới Phật độ không thể nghĩ bàn. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là có bốn việc không thể nghĩ bàn.»

Xá-lợi-phất thưa:

«Thật vậy, Thế Tôn! Có bốn sự không thể nghĩ bàn: thế giới, chúng sanh, long cung, Phật độ, thật không thể nghĩ bàn. Nhưng trong một thời gian dài con nghĩ rằng Phật Thích-ca Văn cuối cùng không trụ một kiếp. Lại nữa, chư thiên đến chỗ con, bảo con rằng: ‘Phật Thích-ca Văn không ở đời lâu dài, khi tuổi vào tám mươi.’ Vậy nay, Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Nay con không cam nhìn Thế Tôn nhập Bát-niết-bàn. Vả lại, chính con nghe từ Như Lai dạy rằng: ‘Các đệ tử thượng túc của chư Phật quá khứ, tương lai, hiện tại đều nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó Phật mới nhập Bát-niết-bàn, và đệ tử cuối cùng cũng nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó không lâu Thế Tôn sẽ diệt độ.’ Nguyện xin Thế Tôn cho phép con diệt độ

Thế Tôn bảo:

«Nếu thời gian thích hợp.» 

Xá-lợi-phất liền ngồi trước Như Lai, chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước mà vào sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, lại vào nhị thiền. Từ nhị thiền khởi, lại vào tam thiền. Từ tam thiền khởi, lại vào tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, lại vào không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng khởi, vào diệt tận định. Từ diệt tận định khởi, vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, vào vô sở hữu xứ, thức xứ, không xứ. Từ không xứ khởi, vào đệ tứ thiền. Từ đệ tứ thiền khởi, vào đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, vào đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, vào sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, vào đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, vào đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, vào đệ tứ thiền. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất từ tứ thiền khởi, bảo các Tỳ-kheo:

«Đây gọi là định sư tử phấn tấn.» 

Lúc này, các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: 

«Chưa từng có, thật là kỳ [640b01] diệu. Tôn giả Xá-lợi-phất nhập định nhanh chóng như vậy!»

Bấy giờ, Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi lui đi. Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo đi theo sau Xá-lợi-phất. Xá lợi-phất quay lại bảo:

«Chư Hiền, các vị muốn đi đâu?» 

Các Tỳ-kheo đáp:

«Chúng tôi muốn được cúng dường xá-lợi Tôn giả.» 

Xá-lợi-phất bảo:

«Thôi, thôi, các Hiền giả! Vậy gọi là cúng dường rồi. Tôi đã có Sa-di đủ để cúng dường rồi. Các vị hãy về lại chỗ mình, tư duy hoá đạo, khéo tu phạm hạnh, hết sạch khổ nạn. Như Lai ra đời rất khó gặp được. Thật lâu mới hiện, giống như hoa Ưu-đàm-bát thật lâu mới nở. Như Lai cũng lại như vậy, ức kiếp mới hiện ra. Thân người cũng lại khó được. Có tín thành tựu lại cũng khó được. Muốn mong xuất gia học pháp Như Lai cũng lại khó được. Muốn cho tất cả các hành không diệt tận, điều này cũng khó được. Hãy diệt tận ái dục, không còn dư tàn, Niết-bàn diệt tận. 

“Nay có bốn pháp mà Như Lai đã nói. Những gì là bốn? Tất cả các hành vô thường, đó gọi là pháp thứ nhất mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành là khổ, đó gọi là pháp thứ hai mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành vô ngã, đó gọi là pháp thứ ba mà Như Lai đã nói. Niết-bàn là vĩnh tịch, đó gọi là pháp thứ tư mà Như Lai đã nói.

«Này các Hiền giả, đó gọi là bốn pháp mà Như Lai đã nói.»

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đều cùng rơi lệ

«Xá-lợi-phất, nay sao diệt độ nhanh như vậy!»

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

«Thôi, thôi, các Hiền giả chớ lo sầu. Pháp biến dịch mà muốn khiến không biến dịch, thì việc này không thể. Núi Tu-di còn có biến đổi vô thường, huống là cái thân hạt cải. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất mà thoát khỏi tai hoạn này sao? Thân kim cương của Như Lai không bao lâu cũng sẽ nhập Bát-niết-bàn, huống chi là thân tôi. Vậy các thầy hãy tu hành pháp này thì sẽ được hết khổ.»

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất về đến tinh xá, đến rồi thu cất y bát, ra khỏi Trúc viên trở về nơi sinh quán. Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực lần hồi đến nước Ma-sấu.[61] Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất về sống tại Ma-sấu nơi Ngài đã sinh ra, thân mang bệnh tật thật là đau nhức. Khi ấy, chỉ có Sa-di Quân-đầu[62] hầu hạ, trông nom dọn dẹp các thứ bất tịnh, đem lại sạch sẽ. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân biết tâm niệm Xá-lợi-phất, khoảnh khắc giống như co duỗi cánh tay của lực sĩ, biến mất khỏi trời Tam thập tam, xuất hiện trong tinh xá Xá-lợi-phất. Đến nơi, đảnh lễ sát chân, rồi dùng hai tay sờ chân Xá-lợi-phất, tự xưng tên họ mà nói rằng: 

«Tôi là Đế Thích, vua của Trời.»

Xá-lợi-phất nói:

«Vui sướng thay, cầu mong Thiên Đế thọ mạng vô cùng!»

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

«Nay tôi muốn cúng dường xá-lợi Tôn giả.[63]» 

Xá-lợi-phất nói:

«Thôi, thôi, Thiên Đế! Vậy là cúng dường rồi. Cầu mong chư thiên thanh tịnh, A-tu-la, rồng, quỷ cùng chúng chư thiên cũng vậy.[64] Nay tôi đã có Sa-di, đủ để sai khiến

Thích Đề-hoàn Nhân lần thứ ba bạch Xá-lợi-phất:

«Nay tôi muốn tạo phước nghiệp, chớ làm trái nguyện. Nay muốn cúng dường xá-lợi Tôn giả.» 

Xá-lợi-phất im lặng không trả lời. Thích Đề-hoàn Nhân đích thân đổ phẩn, không từ hiềm khổ. Ngay đêm hôm đó Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn. Bấy giờ, mặt đất này chấn động sáu cách, có âm vang lớn. Chư thiên mưa hoa, trổi lên kỹ nhạc. Chư thiên đầy khắp hư không. Chư thiên thần diệu cũng rải hoa câu-mâu-đầu, hoặc dùng hương bột chiên-đàn rải lên trên. Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã diệt độ, chư thiên ở giữa hư không đều bi thương, khóc lóc không kiềm chế được. Cũng lại như vậy, bấy giờ, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên ở giữa hư không, tất cả đều rơi lệ giống như mưa phùn, hoà xướng mùa xuân: “Nay Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn sao mà chóng thế!”

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân gom góp tất cả các loại hương mà thiêu thân Tôn giả Xá-lợi-phất; cúng dường các thứ xong, thâu nhặt xá-lợi, cùng y bát trao lại Sa-di Quân-đầu và bảo:

«Đây là xá-lợi cùng y bát của Thầy Ông. Hãy đem dâng Thế Tôn. Đến nơi, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thế Tôn. Nếu Ngài có dạy điều gì thì cứ theo đó mà làm theo.»

Quân-đầu đáp:

«Thật vậy, Câu-dực.»

Sa-di Quân-đầu mang y bát cùng xá-lợi đến chỗ A-nan, bạch A-nan:

«Thầy con đã diệt độ. Nay mang y bát cùng xá-lợi đến dâng lên Thế Tôn.» Sau khi thấy, A-nan liền rơi lệ và nói:

«Ông với ta [641a01] cùng đến chỗ Thế Tôn, đem nhân duyên này cùng bạch lên Thế Tôn. Nếu Thế Tôn dạy điều gì thì chúng ta sẽ làm theo vậy.»

Quân-đầu đáp:

«Thưa vâng, Tôn giả.» 

Rồi A-nan dẫn Sa-di Quân-đầu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:

«Sa-di Quân-đầu này đến chỗ con, thưa con rằng: ‘Thầy con đã diệt độ. Nay đem y bát dâng lên Như Lai.’ Hôm nay tâm ý con phiền não, tánh chí hoang mang, không còn biết gì. Nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn, con thương tâm buồn bã.» 

Thế Tôn bảo:

«Thế nào, A-nan, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn với thân giới ư?» 

A-nan thưa:

«Chẳng phải vậy, Thế Tôn.» 

Thế Tôn bảo:

«Thế nào, A-nan, diệt độ với thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát sở kiến sao?»[65] 

A-nan bạch Phật:

«Tỳ-kheo Xá-lợi-phất không diệt độ với giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát sở kiến thân. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay giáo hoá, thuyết pháp không biết chán, và giáo giới cho các Tỳ-kheo cũng không biết chán. Nay con nhớ ân sâu quá nhiều này của Xá-lợi-phất, cho nên ưu sầu vậy.» 

Thế Tôn bảo:

«Thôi, thôi, A-nan! Chớ ôm lòng sầu ưu. Vật không thường, muốn còn mãi, việc này không thể. Phàm có sinh thì có chết. Thế nào, A-nan, chư Phật quá khứ đều chẳng phải diệt độ sao? Giống như cây đèn, dầu hết thì tắt. Như từ Bảo Tạng Định Quang đến nay, bảy Phật cùng các đệ tử đều chẳng phải nhập Bát-niết-bàn sao? Cũng vậy, Bích-chi-phật như Thẩm Đế, Cao Xưng, Viễn Văn, Ni-sa, Ưu-ni-bát-sa, Già-la, Ưu-bát-già-la,[66] các Bích-chi-phật nơi đây đều chảng phải đã diệt độ sao? Thánh vương đầu tiên của đại quốc tên là Thiện Duyệt Ma-ha-đề-bà thuộc hiền kiếp, cũng như Chuyển luân Thánh vương hiện tại, há chẳng phải đều nhập Bát-niết-bàn sao?» 

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tất cả hành vô thường.

Có sinh tất có chết.

Không sinh thì không diệt;

Diệt này tối đệ nhất.[67] *[68]

Thế Tôn bảo A-nan:

«Nay ngươi mang xá lợi của Xá-lợi-phất lại phải không?» 

A-nan thưa:

«Thật vậy, Thế Tôn!»

Bấy giờ, A-nan trao xá-lợi đến tay Thế Tôn. Thế Tôn tay cầm xá-lợi rồi bảo các Tỳ-kheo:

«Đây là xá-lợi của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, bậc trí tuệ, thông minh, tài cao trí lớn, ngần này loại trí: trí không thể cùng, trí không bờ đáy, có trí nhanh nhạy, có trí nhẹ nhàng, có trí sắc bén, có trí thật sâu, có trí thẩm sát.[69] Đó là người ít muốn, biết đủ, thích nơi nhàn tịnh, ý chí dõng mãnh, việc làm không loạn, tâm không khiếp nhược, thường nhẫn nhục, trừ bỏ pháp ác, thể tánh nhu hoà, không thích tranh tụng, thường tu tinh tấn, hành tam-muội, tập trí tuệ, niệm giải thoát, tu hành thân tri kiến giải thoát.

«Tỳ-kheo nên biết, giống như đại thọ mà không có cành. Nay trong Tăng Tỳ-kheo, Như Laiđại thọ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã diệt độ, Ta giống như cây không cành. Nếu Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đi đến địa phương nào, địa phương đó gặp được đại hạnh, nói rằng ‘Xá-lợi-phất nghỉ lại ở địa phương này.’ Sở dĩ như vậy là vì, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay luận đàm cùng với các dị học ngoại đạo, không ai mà không bị hàng phục

Đại Mục-kiền-liên sau khi nghe Xá-lợi-phất diệt độ, liền dùng thần túc đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:

«Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, nay đã diệt độ. Nay con cũng muốn từ giã Thế Tôn để diệt độ

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không trả lời. Như vậy, tôn giả lại bạch Thế Tôn lần thứ ba:

«Con muốn diệt độ

Bấy giờ, Thế Tôn cũng lại im lặng không trả lời. Mục-liên thấy Thế Tôn im lặng không trả lời, liền lễ sát chân Thế Tôn rồi lui đi, về đến tinh xá thâu cất y bát, ra khỏi thành La-duyệt, tự về nơi [641c01] sinh quán. Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo theo sau Tôn giả Mục-liên đến thôn Ma-sấu. Khi trú tại đây, Mục-liên mang trọng bệnh.

Bấy giờ, Mục-liên tự thân trải toà giữa đất trống mà ngồi, nhập sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, nhập tam-muội hoả quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập định diệt tận.

Từ định diệt tận khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập tam-muội hảo quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập định hữu tưởng vô tưởng. Từ định hữu tưởng vô tưởng khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập thức xứ, không xứ, tứ thiền, tam thiền, nhị thiền, sơ thiền.

Từ sơ thiền khởi, bay lên giữa hư không, ngồi nằm, kinh hành. Thân trên ra lửa, thân dưới ra nước; hoặc thân trên ra nước, thân dưới ra lửa, tạo ra mười tám cách biến hoá thần túc. Sau đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuống lại chỗ cũ ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước. Lại nhập sơ thiền. Từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ khởi, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi, nhập tam-muội hoả quang. Từ tam-muội hoả quang khởi, nhập tam-muội thuỷ quang. Từ tam-muội thuỷ quang khởi, nhập định diệt tận.

Từ định diệt tận khởi, nhập thuỷ quang, hảo quang, phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ, thức xứ, không xứ, tứ thiền, tam thiền, nhị thiền, sơ thiền.

Lại từ sơ thiền khởi, nhập đệ nhị thiền. Từ đệ nhị thiền khởi, nhập đệ tam thiền. Từ đệ tam thiền khởi, nhập đệ tứ thiền. Từ tứ thiền khởi, và diệt độ ngay lúc đó. 

Khi Đại Mục-liên diệt độ, lúc này mặt đất chấn động rất mạnh. Chư thiên cùng bảo nhau hiện xuống, hầu thăm Đại Mục-kiền-liên, mang [642a01] các thứ đến cúng dường Tôn đức, hoặc các loại hương hoa đến cúng dường. Chư thiên giữa hư không trổi kỹ nhạc, gẩy đàn, ca múa đề cúng dường lên Tôn giả Mục-kiền-liên. 

Sau khi Tôn giả đại Mục-kiền-liên đã diệt độ rồi, lúc ấy khoảng một do tuần trong thôn Na-la-đà[70] đầy kín chư thiên trong đó. Khi ấy, lại có nhiều Tỳ-kheo mang các thứ hương hoa rải lên thi thể Tôn giả Mục-kiền-liên.

Bấy giờ, Thế Tôn từ thành La-duyệt tuần tự khất thực, dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hoá nhân gian, đi đến thôn Na-la-đà cùng với năm trăm Tỳ-kheo. Khi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên diệt độ chưa bao lâu, bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng nơi đất trống, quan sát các Tỳ-kheo. Sau khi im lặng quán sát các Tỳ-kheo xong, Thế Tôn rồi bảo các Tỳ-kheo:

«Nay Ta quán sát trong chúng này có sự mất mát quá lớn. Sở dĩ vậy là vì trong chúng này nay không có Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu địa phương nào Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến, địa phương đó không trở thành trống rỗng, mà nghe rằng, ‘Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên nay ở địa phương này.’ Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên có thể hàng phục ngoại đạo ở đây.»

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Những gì chư Phật đã làm thì thật là kỳ diệu, có hai đệ tử trí tuệ, thần túc này nhập Bát-niết-bàn; nhưng Như Lai không có sầu ưu. Ngay dù hằng sa Như Lai quá khứ, cũng có đệ tử trí tuệ, thần túc này, và ngay đến chư Phật xuất hiện ở tương lai, cũng sẽ có đệ tử trí tuệ, thần túc này.

«Tỳ-kheo nên biết, thế gian có hai thí nghiệp. Thế nào là hai? Tài thí, pháp thí. Tỳ-kheo, nên biết, nếu luận về tài thí, hãy tìm cầu từ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu muốn cầu pháp, hãy tìm cầu từ nơi Ta. Sở dĩ như vậy là vì, nay Như Lai, Ta không có tài thí. Hôm nay, các ngươi có thể cúng dường xá-lợi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.» 

Bấy giờ, A-nan bạch Phật:

«Chúng con cúng dường xá-lợi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên như thế nào?»

Thế Tôn bảo:

«Nên gom góp các loại hương hoa, ở ngã tư đường dựng lên bốn tháp. Sở dĩ như vậy là vì nếu có dựng chùa tháp,[71] phải là bốn hạng người này mới đáng dựng tháp. Thế nào là bốn? Là Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được dựng tháp, A-la-hán lậu tận xứng đáng được tháp, Bích-chi-phật [642b01] xứng đáng được tháp, và Như Lai xứng đáng được tháp.» 

Lúc này, A-nan bạch Thế Tôn:

«Vì nhân duyênNhư Lai đáng dựng tháp? Lại vì nhân duyên gì Bích-chi-phật, A-la-hán lậu tận, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng được dựng tháp?» 

Thế Tôn bảo:

«Nay các ngươi, nên biết, Chuyển luân Thánh vương tự hành thập thiện, tu mười công đức; cũng lại khuyên dạy người hành thập thiện, công đức. Thế nào là mười? Tự mình không sát sinh, lại khuyên bảo người khác không sát sinh. Tự mình không trộm cắp, lại dạy người khác khiến không trộm cắp. Tự mình không dâm dật, lại dạy người khác khiến không dâm dật. Tự mình không nói dối, lại dạy người khác khiến không nói dối. Tự mình không ỷ ngữ, lại dạy người khác khiến không ỷ ngữ. Tự mình không ganh ghét, lại dạy người khác khiến không ganh ghét. Tự mình không tranh tụng, lại dạy người khác khiến không tranh tụng. Tự mình chánh ý, lại dạy người khác khiến ý không loạn. Tự mình chánh kiến, lại dạy người khác khiến hành chánh kiến. 

«Tỳ-kheo, nên biết, Chuyển luân Thánh vương có mười công đức này, cho nên đáng cho dựng tháp.» 

A-nan bạch Thế Tôn:

«Lại vì nhân duyênđệ tử Như Lai xứng đáng được dựng tháp?» 

Thế Tôn bảo:

«A-nan nên biết, A-la-hán lậu tận, không còn tái sinh nữa, sạch như vàng trời, ba độc, năm sử vĩnh viễn không còn hiện khởi nữa. Vì nhân duyên này đệ tử Như Lai đáng được dựng tháp.»

A-nan bạch Phật:

«Vì nhân duyên gì Bích-chi-phật đáng được dựng tháp?» 

Thế Tôn bảo:

«Các Bích-chi-phật không thầy mà tự ngộ, đoạn trừ các kết sử, không còn tái sinh nữa, cho nên đáng được dựng tháp.» 

A-nan bạch Thế Tôn:

«Lại vì nhân duyênNhư Lai đáng cho dựng tháp?» 

Thế Tôn bảo:

«A-nan, ở đây Như Laimười lực, bốn vô sở uý, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, khiến chứng đắc những ai chưa đắc đạo, khiến Bát-niết-bàn những ai chưa được Bát-niết-bàn; mọi người khi gặp, trong lòng cực kỳ hoan hỷ

«Đó gọi là, này A-nan, Như Lai đáng được dựng tháp. Đó gọi là Như Lai đáng được dựng tháp.» 

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10. 
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [642c01] Bấy giờ, Tôn giả Bà-ca-lê[72] thân mắc bệnh nặng, nằm trên đại tiểu tiện, ý muốn cầm dao tự sát, nhưng không có sức để có thể tự ngồi dậy. Tôn giả Bà-ca-lê bảo thị giả:

«Ông hãy mang đao đến. Ta muốn tự sát. Sở dĩ như vậy là vì như trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn hôm nay, người có tín giải thoát không ai vượt hơn ta. Nhưng hôm nay ta tâm không giải thoát khỏi hữu lậu. Sở dĩ như vậy là vì như đệ tử của Như Lai khi gặp phải khổ não, cũng lại tìm dao tự sát. Nay ta với mạng sống này mà không thể từ bờ này đến bờ kia.»
Bấy giờ, đệ tử của Bà-ca-lê vì xuất gia chưa lâu, chưa biết đời này đời sau, không biết từ bờ này đến bờ bên kia, cũng lại không biết chết đây sinh kia, nên liền trao dao cho. Lúc Bà-ca-lê tay cầm đao rồi, với tín kiên cố, cầm dao tự đâm. 

Bà-ca-lê vừa cầm dao tự đâm, suy nghĩ: ‹Trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn, ai đã làm những việc phi pháp, sẽ mắc lợi ác, chẳng được lợi thiện. Ở trong pháp Như Lai, đã không được thủ chứng mà lại mạng chung!› Bấy giờ, Tôn giả Ba-ca-lê liền tư duy về năm thủ uẩn: đây là sắc, đây là tập khởi của sắc; đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ*, tưởng, hành, thức; đây là tập khởi của, tưởng, hành, thức; đây là sự diệt tận của thọ*, tưởng, hành, thức. Ông tư duy thuần thục năm thủ uẩn này. Các pháp có sinh đều là pháp tử. Biết vậy rồi, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu. Bấy giờ, Tôn giả Bà-ca-lê nhập Niết-bàn trong vô dư Niết-bàn giới.

Thế Tôn bằng thiên nhĩ, nghe Tôn giả Bà-ca-lê đòi cầm đao tự sát. Thế Tôn bảo A-nan:

«Hãy tập họp các Tỳ-kheo tại thành Xá-vệ lại một chỗ. Ta muốn dạy bảo.» 

Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn dạy, tập họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ tập,[73] rồi trở về bạch lại Thế Tôn:

«Nay Tỳ-kheo đã vân tập về một chỗ.» 

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá Tỳ-kheo Bà-ca-lê kia. Trong lúc đó, tệ ma Ba-tuần muốn biết được thần thức Tôn giả Bà-ca-lê đang ở tại chỗ nào: tại loài người hay phi nhân, trời, rồng, quỷ thần, càn-đạp-hoà, A-tu-la, ca-lưu-la, ma-hưu-lặc, dạ-xoa? Nay thần thức này cuối cùng đang ở đâu, sinh nơi nào mà [643a01] không thấy Nó tìm kiếm khắp mọi nơi, bốn phía đông, tây, nam, bắc, trên dưới, đều không biết chổ của thần thức. Lúc bấy giờ, thân thể ma Ba-tuần rất là mỏi mệt, mà vẫn chẳng biết ở đâu.

Khi Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá kia, bấy giờ, Thế Tôn quan sát, thấy ma Ba-tuần muốn biết thần thức đang ở đâu. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Các ngươi nghe trong tinh xá này có tiếng lớn không? Lại có ánh sánh quái dị nữa?» 

Các Tỳ-kheo thưa:

«Thật vậy, Thế Tôn, chúng con đã thấy.» 

Thế Tôn bảo:

«Đó là tệ ma Ba-tuần này, muốn được biết thần thức của Bà-ca-lê đang ở đâu.» 

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

«Cúi xin Thế Tôn cho biết thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê đang ở đâu?» 

Thế Tôn bảo:

«Thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê không còn trụ vào bất cứ đâu. Thiện gia nam tử kia đã Bát-niết-bàn. Hãy ghi nhận như vậy.»[74] 

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

«Tỳ-kheo Bà-ca-lê này đã đắc bốn đế này khi nào?» 

Thế Tôn bảo:

«Đã đắc bốn đế này trong ngày hôm nay.» 

A-nan bạch Phật:

«Tỳ-kheo này vốn là người phàm, đã mang bệnh từ lâu.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, A-nan, như những lời ngươi nói. Nhưng Tỳ-kheo này chịu khổ rất lâu. Trong các đệ tử của Phật Thích-ca Văn có tín giải thoát thì người này là tối thắng, nhưng vì tâm chưa được giải thoát khỏi hữu lậu, nên suy nghĩ: ‹Nay ta muốn cầm dao tự đâm mình.› Trong lúc Tỳ-kheo này sắp tự đâm mình, liền tư duy đến công đức Như Lai. Ngày bỏ tuổi thọ, tư duy năm thủ uẩn: đây là sắc tập; đây là sắc diệt tận. Khi Tỳ-kheo này tư duy như vậy, các pháp tập khởi đều được diệt tận, Tỳ-kheo này Bát-niết-bàn.» 

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Pháp thuộc bốn chánh đoạn,

Bốn ám, pháp già suy,

A-di, pháp bản mạt,

Xá-lợi, Bà-ca-lê.

27. PHẨM ĐẲNG THÚ BỐN ĐẾ

KINH SỐ 1[75]
Tôi nghe như vầy:

 Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Các Tỳ-kheo, pháp mà Ta thường nói, đó là bốn đế; bằng vô số phương tiệnquán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Những gì là bốn? Đây là pháp khổ [643b01] đế. Ta bằng vô số phương tiệnquán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Bằng vô số phương tiện diễn nói Tập, Tận, Đạo đếquán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người

«Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất kia dùng vô số phương tiệndiễn thuyết bốn đế, quảng diễn cho mọi người. Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người, cho các chúng sanh và chúng bốn bộ, khi ấy có nhiều chúng sanh không thể kể đã sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh

«Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là cha mẹ sinh ra chúng sanh. Đã được sanh, rồi người dưỡng cho lớn khôn là Tỳ-kheo Mục-kiền-liên. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu bốn đế; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu đệ nhất nghĩa, và thành tựu hành vô lậu. Vì vậy các ngưoi hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.» 

Thế Tôn, sau khi nói những lời này, trở về tịnh thất. Sau khi Thế Tôn đi chưa lâu, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

«Ở đây, có ai đắc pháp bốn đế, người đó nhanh chóng được lợi thiện. Những gì là bốn? Đây là khổ đế, mà ý nghĩa được quảng diễn bằng nhiều phương tiện

«Thế nào là khổ đế? Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, buồn lo thương xót khổ, oán gặp nhau khổ, ân ái chia lìa khổ, cầu mà không đạt được là khổ. Nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ đế.

«Thế nào là khổ tập đế? Đó là ái kết.

«Thế nào là tận đế? Tận đế là ái dục kết diệt tận không còn dư tàn. Đó gọi là tận đế.

«Thế nào là đạo đế? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là đạo đế. Chúng sanh này vì có được lợi thiện nên mới được nghe pháp bốn đế này.» 

Trong lúc Tôn giả Xá-lợi-phất đang nói pháp này, vô lượng chúng sanh không thể kể hết, khi nghe pháp này, sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh

“Chúng ta cũng vì được lợi thiện, nên Thế Tôn nói pháp cho chúng ta, đặt chúng ta vào chỗ phúc địa. Cho nên chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành bốn đế này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các [643c01] Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2[76]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ. Khi ấy, số đông các Tỳ-kheo này suy nghĩ: ‹Chúng ta đi khất thực, trời còn sớm quá. Chúng ta hãy đi đến thôn dị học ngoại đạo để cùng luận nghị.› Rồi các Tỳ-kheo liền đi đến trong thôn ngoại đạo; đến nơi, sau khi cùng nhau hỏi thăm, các vị rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, các dị học hỏi đạo nhân rằng: 

«Sa-môn Cù-đàm nói pháp này cho đệ tử: ‹Tỳ-kheo các ngươi, tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Chúng tôi cũng vậy, nói pháp này cho đệ tử: ‹Các ngươi tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Sa-môn Cù-đàm cùng chúng tôi có những gì sai khác, có gì hơn kém nào? Nghĩa là Sa-môn nói pháp, ta cũng nói pháp. Sa-môn dạy bảo ta cũng dạy bảo!» 
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời này, không nói đúng, cũng không nói sai, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Rồi các Tỳ-kheo tự bảo nhau rằng: ‹Chúng ta hãy đem nghĩa này đến bạch Thế Tôn.› 

Các Tỳ-kheo sau khi vào thành Xá-vệ khất thực, ăn xong thu cất y bát, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai trái, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, các Tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch hết lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Nếu ngoại đạo kia hỏi vậy, các ngươi nên đem lời này đáp họ: ‹Có một cứu cánh, hay có nhiều cứu cánh?›[77] Hoặc phạm-chí kia mà nói một cách bình đẳng,[78] họ phải nói: ‹Một cứu cánh, chứ không phải nhiều cứu cánh.› 

«Cứu cánh ấy[79] là cứu cánh liên hệ dục, hay là cứu cánh không dục?[80] Cứu cánh kia, phải nói[81] là cứu cánh vô dục. 

«Lại hỏi, cứu cánh của ấy, là cứu cánh liên hệ sân hay là cứu cánh không sân? Phải nói cứu cánhcứu cánh không sân; chứ không phải cứu cánh liên hệ sân. 

«Thế nào, cứu cánh ấy liên hệ si, hay cứu cánh không si? Phải nói, cứu cánh ấy là cứu cánh không si. 

«Thế nào, cứu cánh ấy là gì, là cứu cánh liên hệ ái, hay cứu cánh không ái?[82] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh không ái. 

«Thế nào, cứu cánh ấy [644a1] là cứu cánhchấp thủ hay cứu cánh không có chấp thủ?[83] Cứu cánh ấy là cứu cánh không chấp thủ.

«Thế nào, cứu cánh ấy là cho người trí hay là người chẳng phải trí? Đó là cứu cánh của người trí.

«Cứu cánh ấy là cứu cánh của người phẫn nộ, hay cứu cánh của người không phẫn nộ?[84] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh của người không phẫn nộ.

«Này Tỳ-kheo, có hai loại kiến này. Hai loại kiến ấy là gì? Kiến chấp hữu và kiến chấp vô.[85] Những sa-môn, bà-la-môn nào do không biết gốc ngọn của hai kiến này nên có tâm dục, có tâm sân nhuế, có tâm ngu si, có tâm ái, có tâm chấp thủ[86]. Họ là những kẻ vô tri. Họ có tâm phẫn nộ,[87] không tương ưng với hành.[88] Người kia không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não, chua, cay, muôn mối khổ không thoát được.

«Những sa-môn, bà-la-môn nào biết điều đó như thật, họ không có tâm sân nhuế, ngu si, hằng tương ưng với hành, nên thoát khỏi được sanh, già, bệnh, chết. Nay nói về nguồn gốc của khổ như vậy.

«Tỳ-kheo, có diệu pháp này, đó gọi là pháp bình đẳng. Những ai không hành pháp bình đẳng thì đọa vào năm kiến. 

«Nay sẽ nói về bốn thủ.[89] Bốn thủ ấy? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Đó gọi là bốn thủ. Nếu có sa-môn, bà-la-môn nào biết hết tên của dục thủ; tuy họ biết tên của dục thủ, nhưng lại không phải người tương ưng.[90] Họ biết phân biệt hết tên của các thủ, nhưng chỉ phân biệt được tên của dục thủ trước, mà không phận biệt được tên của kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không có khả năng phân biệt được tên của ba thủ này.[91] 

«Cho nên, hoặc có sa-môn, phân biệt được hết các thủ, nhưng họ chỉ phân biệt được dục thủkiến thủ, chứ không phân biệt được giới thủ và ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những Sa-môn, Bà-la-môn kia không thể phân biệt được hai thọ này. 

«Hoặc khiến Sa-môn, Bà-la-môn có thể phân biệt hết các thủ, nhưng lại cũng không đầy đủ. Họ có thể phân biệt được dục thủ, kiến thủgiới thủ còn không phân biệt được ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không thể phân biệt được ngã thủ. 

«Cho nên, có những sa-môn, bà-la-môn tuy phân biệt hết các thủ, nhưng lại không đầy đủ. Đây gọi là bốn thủ. Chúng có những nghĩa gì? Làm sao phân biệt? Bốn thọ là do ái sinh. Như [644b01] vậy, Tỳ-kheo có diệu pháp này cần được phân biệt. Nếu ai không hành các thủ này, ở đây không được gọi là bình đẳng. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa của các pháp khó tỏ, khó bày. Nghĩa phi pháp như vậy không phải là những lời dạy của Tam-da-tam-Phật.[92]

«Tỳ-kheo, nên biết, Như Lai hay phân biệt hết tất cả các thủ. Vì hay phân biệt tất cả các thủ nên cùng tương ưng, và hay phân biệt dục thủ, kiến thủ, ngã thủ, giới thủ. Cho nên khi Như Lai phân biệt tất cả các thủ, thì cùng tương ưng với pháp không chống trái nhau

«Bốn thủ này do gì sinh? Bốn thủ này do ái mà sinh, do ái mà lớn, và thành tựu thủ này. Đối với ai mà các thủ không khởi, vì các thủ không khởi, nên người ấy không có sự sợ hãi. Do không có sự sợ hãi nên Bát-niết-bàn, biết rõ như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.

«Như vậy, Tỳ-kheo, có diệu pháp này, như thật mà biết, thành tựu đầy đủ các pháp, căn cản của pháp hành. Sở dĩ như vậy là vì pháp kia thật là vi diệu, được chư Phật tuyên thuyết, cho nên đối với các hành không có sự thiếu sót.

«Tỳ-kheo, ở trong đây[93] có đệ nhất Sa-môn, đệ nhị Sa-môn, đệ tam Sa-môn, đệ tứ Sa-môn, không có Sa-môn nào nữa vượt khỏi trên đây, thù thắng hơn đây.[94] Hãy rống tiếng rống sư tử như vậy»

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[95]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Dộc[96] đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi trưởng giả:

«Thế nào, Trưởng giả, nhà ông thường hay bố thí phải không?» 

Trưởng giả bạch Phật:

«Nhà con nghèo[97] mà thường hành bố thí. Nhưng đồ ăn thô dở, không đồng như thường.» 

Thế Tôn bảo:

«Nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, mà không dụng tâm ý, lại không phát nguyện, và không có tín tâm; do hành báo này mà sinh nơi nào nơi ấy không có được thức ăn ngon, không có được ý ham cầu lạc, cũng không có được ý ham cầu mặc y phục đẹp, cũng không có được ham cầu nghiệp nông tốt đẹp, tâm cũng không có được ham cầu trong ngũ dục. Giả sử, có được tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng cũng không chịu vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì do trong lúc bố thí không dụng tâm, nên thọ nhận [644c01] báo này. 

“Này Trưởng giả, nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, hãy chí thành dụng tâm, chớ có thêm bớt, xây dựng cầu đò đời sau, mà sinh nơi nào, nơi ấy có đồ ăn thức uống tự nhiên, bảy loại tài sản đầy đủ, tâm hằng có được hoan lạc trong ngũ dục. Giả sử có tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng hằng vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì trong lúc bố thíphát tâm hoan hỉ.

«Trưởng giả nên biết, thời quá khứ xa xưa có phạm chí tên Tỳ-la-ma[98] nhiều của báu, trân châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thuỷ tinh, lưu li, lòng ham thích bố thí. Khi bố thí, ông đem tám vạn bốn nghìn bát bạc đựng đầy vàng vụn, lại đem tám vạn bốn nghìn bát vàng đựng đầy bạc vụn, để bố thí như vậy.

«Lại đem tám vạn bốn nghìn cái bình rửa bằng vàng bạc ra bố thí. Lại đem tám vạn bốn nghìn con bò đều dùng vàng bạc bịt sừng, để bố thí như vậy. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngọc nữ bố thí với y phục được mặc. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngoạ cụ đều được phủ lên bằng thảm đệm có thêu thùa văn vẻ mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn áo xiêm mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn voi lớn,[99] thảy đều được trang sức bằng các thứ vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn con ngựa, thảy đều được đóng yên cương bằng vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn cỗ xe mà bố thí. Ông bố thí lớn như vậy.

“Lại bố thí tám vạn bốn ngàn phòng xá. Ông lại bố thí ở trong bốn cỗng thành; những ai cần thức ăn thì cho thức ăn; cần áo thì cho áo; cần chăn, màn, ẩm thực, giường chõng, đồ trải nằm, thuốc trị bịnh các thứ. Thảy đều cung cấp hết. 

«Trưởng giả nên biết, tuy Tỳ-la-ma này làm việc bố thí như vậy, nhưng không bằng dựng một phòng xá đem bố thí chiêu-đề Tăng.[100] Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng lập phòng xá để bố thí chiêu-đề Tăng, cũng không bằng tự thân thọ ba quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng tạo phòng xá, lại thọ tam tự quy, dù có phước này, vẫn không bằng thọ trì năm giới. Giả sử người ấy bố thí, cùng tạo phòng xá, thọ tam tự quy và, thọ trì năm giới, dù có phước này, nhưng vẫn không bằng chỉ trong khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh. Phước này, công đức không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, tạo phòng xá, thọ tam tự quy, [645a01] vâng giữ năm giới, cùng khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, dù có phước này, vẫn không bằng trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc. Phước này, công đức không thể lường được. Song, những công đức người kia đã làm, Ta chứng minh hết. Tạo dựng Tăng phòng, Ta cũng biết phước này. Thọ ba tự quy, Ta cũng biết phước này. Thọ trì năm giới, Ta cũng biết phước này. Trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, Ta cũng biết phước này. Trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc, Ta cũng biết phước này.»

«Bấy giờ, bà-la-môn kia đã tạo đại thí như vậy, há phải là ai khác ư? Chớ tưởng như vậy. Sở dĩ như vậy là vì, người chủ thí bấy giờ chính là thân Ta vậy. 
«Trưởng giả nên biết, quá khứ lâu xa Ta đã tạo ra công đức, tín tâm không dứt, không khởi tưởng đắm trước. Cho nên, này Trưởng giả, nếu khi muốn bố thí dù nhiều hay ít, dù ngon hay dở, nên hoan hỷ bố thí, chớ có khởi tưởng đắm trước. Hãy tự tay bố thí, chớ sai người khác. Phát nguyện cầu báo, sau cầu thọ phước. Trưởng giả nên biết, được phước vô cùng.

«Này Trưởng giả, hãy học điều này như vậy.»

Trưởng giả sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Khi mặt trời vừa lên, mọi người cùng nhau làm ruộng, trăm chim hót vang, trẻ thơ la khóc. Tỳ-kheo nên biết, nay Ta lấy đây làm thí dụ, hãy hiểu nghĩa của nó. Nghĩa này phải hiểu làm sao? Khi mặt trời mới mọc, đây dụ Như Lai ra đời. Người dân khắp nơi cùng làm ruộng, đây dụ cho đàn-việt thí chủ tùy thời cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Trăm chim hót vang, đây dụ cho Pháp sư cao đức, có thể vì chúng bốn bộ mà thuyết pháp vi diệu. Trẻ thơ khóc la, đây dụ cho tệ ma Ba -tuần. 

“Cho nên, các Tỳ-kheo, như mặt trời mới mọc, Như Lai ra đời trừ bỏ bóng tối, không nơi nào là không chiếu sáng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân, rồi [645b01] ngồi qua một bên. Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Thê tôn:

“Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu bao nhiêu pháp để hành đàn ba-la-mật, đầy đủ sáu ba-la-mật, nhanh chóng thành Đạo[101] Vô thượng Chánh chơn?”

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

“Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát hành bốn pháp bổn, đầy đủ sáu ba-la-mật, sẽ nhanh chóng thành Vô Thượng Chánh Chơn Đẳng Chánh Giác. Sao gọi là bốn? Ở đây Bồ-tát huệ thí từ Phật, Bích-chi-phật xuống cho đến người phàm thảy đều bình đẳng không lựa chọn người, thường nghĩ vầy: ‘Tất cả do ăn mà tồn tại, không ăn thì tiêu vong.’ Đó gọi là Bồ-tát thành tựu pháp thứ nhất này, đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Bồ-tát khi bố thí đầu, mắt, tủy não, nước, của, vợ con, vui vẻ bố thí không sinh tưởng đắm trước. Như người đáng chết, đến khi chết thì sống lại, vui mừng hớn hở không tự kềm chế được. Bấy giờ, Bồ-tát phát tâm vui thích cũng lại như vậy; bố thí thệ nguyện không sinh tưởng đắm trước. 

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát lúc bố thí khắp đến tất cả, không tự vì mình, mà vì để thành Đạo Vô thượng Chánh chơn. Đó gọi là thành tựu ba pháp này đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc bố thí tự tư duy, ‘Trong các loài chúng sanh, Bồ-tát là đứng đầu trên hết, đầy đủ sáu độ liễu đạt gốc của các pháp. Vì sao vậy? Vì các căn tịch tĩnh, tư duy cấm giới, không khởi sân nhuế, tu hành tâm từ, dõng mãnh tinh tấn, tăng trưởng pháp thiện, trừ pháp bất thiện, thường hằng nhất tâm, ý không tán lọan, đầy đủ pháp môn biện tài, hoàn toàn không vượt thứ lớp, khiến cho các thí này đầy đủ sáu độ, thành tựu đàn ba-la-mật. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nào hành bốn pháp này, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Cho nên, này Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc muốn bố thí, nên phát thệ nguyện đầy đủ các hạnh này.

“Này Di-lặc, hãy học điều này như vậy.”

Di-lặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[102] 
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai ra đời có bốn vô sở úy.[103] Như Lai được bốn vô sở úy này, nên không bị dính trước bất cứ điều gì trên thế gian, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển Phạm luân[104]. Sao gọi là bốn? Nay Ta đã thành tựu pháp này, cho dù ở trong đại chúng hoặc sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên cho đến loài bọ bay, cựa quậy, nói rằng Ta không thành tựu pháp này, không có trường hợp này. Ở trong đó Ta đắc vô sở úy. Đó là vô sở úy thứ nhất.[105]

“Như hôm nay, Ta các lậu đã diệt tận, không còn tái sinh nữa. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói rằng Ta các lậu chưa diệt tận, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ hai.[106]

“Nay Ta đã lìa pháp si ám, mà muốn khiến trở lại pháp si ám,[107] hoàn toàn không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sinh nào, ở trong đại chúng nói Ta đã trở lại pháp si ám, việc này không đúng. Đó gọi là vô sở úy thứ ba của Như Lai.[108]

“Pháp xuất yếu của các bậc Hiền thánh để sạch hết bờ khổ mà muốn nói đó không là xuất yếu, hoàn toàn không có việc này. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói, Như Lai chưa tận cùng biên tế khổ, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ tư của Như Lai.[109] 

“Như vậy, này Tỳ-kheo, với bốn vô sở úy, Như Lai ở trong đại chúng có thể rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh Phạm luân. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn vô sở úy.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7[110]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có có bốn hạng người thông minh, dũng mãnh, thông suốt xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.[111] Sao gọi là bốn? Tỳ-kheo đa văn thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất. Tỳ-kheo-ni đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là tối đệ nhất*.[112] Ưu-bà-tắc đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*. Ưu-bà-di đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*. 

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn hạng người ở trong đại chúng thật là đệ nhất.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Dũng mạnh, không sợ hãi,[113]

Đa văn, hay thuyết pháp[114],

Trong chúng là sư tử

Hay trừ pháp khiếp nhược.

Tỳ-kheo, thành tựu giới;

Tỳ-kheo-ni đa văn;

[646a01]Ưu-bà-tắc có tín;

Ưu-bà-di cũng vậy;

Trong chúng là đệ nhất*.

Hoặc hay hòa thuận chúng. 

Muốn biết được nghĩa này,

Như lúc trời mới mọc.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thông suốt việc xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại chim cánh vàng[115]. Những gì là bốn? Có chim cánh vàng sinh bằng trứng, có chim cánh vàng sinh bằng thai, có chim cánh vàng sinh do ẩm, có chim cánh vàng sinh do biến hóa. Đó là bốn loại chim cánh vàng.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, có bốn loài rồng. Những gì là bốn? Có rồng sinh bằng trứng, có rồng sinh bằng thai, có rồng sinh do ẩm thấp, có rồng sinh do biến hóa. Này Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn loài rồng.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng trứng kia muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa[116] tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm, dưới có bốn loại cung rồng. Có rồng loại trứng, có rồng loại thai, có rồng loại ẩm thấp, có rồng loại biến hóa. Khi ấy loài chim cánh vàng loại trứng dùng cánh lớn quạt nước rẽ hai bên, bắt loại rồng trứng ăn, nếu gặp phải loài rồng bằng thai, thân chim cánh vàng sẽ bị chết ngay. Bấy giờ, chim cánh vàng quạt nước bắt rồng, nước còn chưa hoàn lại, nó đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng thai muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước, xuống đến gặp loài rồng thai, nếu gặp loài rồng trứng cũng có thể bắt chúng, ngậm đem ra khỏi nước biển. Nếu gặp loài rồng sinh ẩm thấp, thân chim chết ngay.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh do ẩm thấp muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nếu nó gặp loài rồng sinh bằng trứng, rồng sinh bằng thai, rồng sinh do ẩm thấp, đều có thể bắt chúng. Nếu gặp phải rồng hóa sinh, thân chim chết ngay.

“Này Tỳ-kheo, khi chim cánh vàng do hóa sinh muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước xuống, đến gặp phải rồng trứng, rồng thai, [646b01] rồng ẩm thấp, rồng hóa sinh, đều có thể bắt chúng. Khi nước biển chưa hoàn lại, đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi Long vương đang thừa sự Phật, chim cánh vàng không thể ăn thịt được. Vì sao vậy? Như Lai thường hành bốn vô lượng tâm*, vì vậy cho nên chim không thể ăn rồng. Sao gọi là bốn vô lượng tâm? Là Như Lai thường hành tâm từ, thường hành tâm bi, thường hành tâm hỷ, thường hành tâm xả*. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Như Lai thường có bốn vô lượng tâm này; có gân sức mạnh, dõng mãnh lớn, không thể ngăn và hoại được. Vì vậy, nên chim cánh vàng không thể ăn rồng. Cho nên các Tỳ-kheo phải hành tâm tứ vô lượng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu lúc thiện tri thức bố thí, có bốn sự công đức. Sao gọi là bốn? Biết thời mà bố thí chứ không phải không biết thời. Tự tay huệ thí không sai người khác. Bố thí thường trong sạch, chẳng phải không trong sạch. Bố thí thật vi diệu, không có vẩn đục. Thiện tri thức khi bố thí có bốn công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân lúc bố thí nên đủ bốn công đức này. Do đủ công đức này, được phước nghiệp lớn, được sự tịch diệt của cam lồ. Nhưng phước đức này không thể đo lường, nên nói sẽ có ngần phước nghiệp như vậy mà hư không không thể dung chứa hết. Giống như nước biển không thể đong để nói là một hộc, nửa hộc, một lẻ[117], nửa lẻ. Nhưng phước nghiệp này không thể trần thuật đầy đủ. Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đã tạo ra những công đức không thể kể, được phước nghiệp lớn, được cam lồ tịch diệt, nên nói sẽ có ngần ấy phước đức như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân nên đủ bốn công đức này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có bốn hạng người đáng kính, đáng quý, là ruộng phước thế gian. Sao gọi là bốn? Là tùy tín hành[118], [646c01] tùy pháp pháp,[119] thân chứng,[120] kiến đáo[121]. 

“Sao gọi là người tùy tín hành? Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan; có tín tâm nơi Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu là Phật Thế Tôn, cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai, cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh[122]; hằng có tín nơi lời người khác, không tùy theo trí của mình. Đó gọi là người trì tín.

“Sao gọi là người tùy pháp hành? Ở đây, có người phân biệt ở nơi pháp, không tin người khác; quán sát pháp rằng, ‘Có chăng? Không chăng? Thật chăng? Hư chăng?’ Rồi người ấy nghĩ thầm: ‘Đây là lời Như Lai, đây là lời đồng phạm hạnh*.’ Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì. Nếu là những lời của ngoại đạo, người ấy xa lìa. Đó gọi là người tùy pháp pháp.

“Sao gọi là người thân chứng? Ở đây, có người tự thân tác chứng, cũng không tin người khác, cũng không tin lời Như Lai và, những ngôn giáo của các Tôn túc đã dạy lại cũng chẳng tin, chỉ theo tính mình mà chứng nhập.[123] Đó gọi là người thân chứng.

“Sao gọi là người kiến đáo? Ở đây, có người đoạn ba kết, thành pháp bất thối chuyển Tu-đà-hoàn. Người ấy có kiến giải này: ‘Có bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v.’ Người ấy vâng lời dạy, tin vào tự thân tác chứngtự chứng nhập.[124]

Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn hạng người này. Hãy niệm trừ ba hạng người đầu. Hãy niệm tu pháp thân chứng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[125]

28. PHẨM THANH VĂN

KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà, trong vườn Trúc, thành La-duyệt, [647a01] cùng năm trăm vị đại Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, bốn Đại Thanh văn, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Tân-đầu-lô, cùng họp một chỗ, nói như vầy: “Chúng ta cùng xem trong thành La-duyệt này ai là người không tạo công đức cúng dường Phật, Pháp, Thánh chúng? Do bởi không có tín, chúng ta hãy khuyến khích họ tin pháp của Như Lai.” 

Bấy giờ, có trưởng giả tên Bạt-đề, nhiều của báu không thể kể hết, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, kẻ hầu người hạ đều đầy đủ; nhưng lại xan tham không chịu bố thí. Đối với Phật, Pháp, chúng Tăng ông không có mảy may điều thiện, không có chí tín; phước cũ đã hết, lại không tạo phước mới. Ông thường ôm lòng tà kiến, cho rằng không có thí, không có phước, cũng không người nhận, cũng không có báo của thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, và người đắc A-la-hán, lại cũng không có người thủ chứng. 

“Nhà trưởng giả kia có bảy lớp cửa. Cửa nào cũng có người giữ không cho ăn xin đến. Lại cũng dùng lưới sắt phủ giữa sân, vì sợ có chim bay vào trong sân.

Trưởng giả có người chị gái[126] tên là Nan-đà, cũng lại keo lẫn không chịu huệ thí, không trồng cội rễ công đức; phước cũ đã hưởng hết, mà phước mới không được tạo thêm. Cũng ôm lòng tà kiến, rằng không có thí, không có phước, cũng không người nhận, cũng không có báo của thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, và người đắc A-la-hán, lại cũng không có người thủ chứng. 

Cửa nhà Nan-đà cũng có bảy lớp, cũng có người giữ cửa, không cho những người ăn xin đến; cũng lại dùng lưới sắt phủ lên không cho chim bay vào trong nhà.

“Hôm nay, chúng ta hãy làm cho Mẹ Nan-đà[127] chí tín Phật, Pháp, chúng Tăng.”

 Sáng sớm hôm đó, trưởng giả Bạt-đề ăn bánh. Tôn giả A-na-luật, bấy giờ đã đến giờ, khóac y, cầm bát, rồi từ dưới đất trong nhà trưởng giả vọt lên, đưa bát cho trưởng giả. Ông trưởng giả rất buồn trong lòng, trao cho A-na-luật một ít bánh. Khi A-na-luật được bánh rồi, trở về chỗ mình. Bấy giờ, trưởng giả liền nổi thịnh nộ, nói với người giữ cửa rằng: 

«Ta đã có lệnh, không được cho người vào trong cửa. Tại sao lại cho người vào?»

Người giữ cửa thưa:

«Cửa nẻo kiên cố, không biết Đạo sĩ này từ đâu vào?» 

Trưởng giả khi ấy im lặng không nói. [647b01] Khi trưởng giả đã ăn bánh xong, tiếp ăn cá thịt. Tôn giả Đại Ca-diếp khóac y, cầm bát, đến nhà trưởng giả, từ dưới đất vọt lên, đưa bát cho Trưởng giả. Trưởng giả lòng rất sầu ưu, trao cho Ngài một tí cá thịt. Ca-diếp được thịt, liền biến mất, trở về chỗ mình. Lúc này, Trưởng giả lại càng giận, bảo người giữ cửa rằng:

«Trước ta đã ra lệnh, không cho người vào trong nhà. Tại sao lại cho hai sa-môn vào nhà khất thực?» 

Người giữ cửa thưa:

«Chúng tôi chẳng thấy sa-môn này lại từ ngõ nào mà vào? »

Trưởng giả bảo:

«Sa-môn đầu trọc này giỏi làm trò huyễn thuật, mê hoặc người đời. Không có chánh hạnh gì!» 

Bấy giờ, vợ Trưởng giả ngồi cách đó không xa. Người vợ trưởng giả này là em gái trưởng giả Chất-đa,[128] cưới từ Ma-sư-san[129] về. Lúc đó, người vợ bảo Trưởng giả:

«Hãy giữ miệng mình, chớ nói những lời này, rằng ‘Sa-môn học huyễn thuật.’ Sở dĩ như vậy là vì các Sa-môn này có oai thần lớn. Họ mà đến nhà trưởng giả là có nhiều lợi ích. Trưởng giả có biết Tỳ-kheo trước là ai không?»

Trưởng giả đáp:

«Tôi không biết.» 

Người vợ nói:

«Trưởng giả có nghe con vua Hộc Tịnh, nước Ca-tỳ-la-vệ, tên A-na-luật, lúc đang sinh mặt đất chấn động sáu cách. Cách chung quanh nhà trong vòng một do tuần, mỏ quý tự nhiên xuất hiện không?»

Trưởng giả đáp:

«Tôi có nghe A-na-luật, song chưa gặp ông ấy»

Người vợ bảo Trưởng giả:

«Vị con nhà hào tộc này lìa bỏ gia cư, đã xuất gia học đạo, tu hành phạm hạnh, đắc đạo A-la-hán, là thiên nhãn đệ nhất không có ai vượt qua. Chính Như Lai cũng nói: ‹Thiên nhãn đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, chính là Tỳ-kheo A-na-luật.› Tiếp đến, Ông có biết vị Tỳ-kheo thứ hai vào đây khất thực không?» 

Trưởng giả đáp:

«Tôi không biết.»

Người vợ Trưởng giả bảo:

«Trưởng giả có nghe Đại Bà-la-môn tên Ca-tỳ-la[130] trong thành La-duyệt này, nhiều của báu không thể kể hết, có chím trăm chín mươi chín con bò cày ruộng không?»

Trưởng giả đáp:

«Chính tôi đã thấy bà-la-môn này.» 

Người vợ Trưởng giả bảo:

«Trưởng giả, ông có nghe con của bà-la-môn kia tên là Tỷ-ba-la-da-đàn-na,[131] thân màu vàng, vợ tên là Bà-đà,[132] là người đặc biệt nhất trong phái nữ. Dù có đem vàng tử ma đến trước cô, thì cũng giống như đen so với trắng không?» 

Trưởng giả đáp:

«Tôi có [647c01] nghe có con bà-la-môn này, tên là Tỷ-ba-la-da-đàn-na, nhưng lại chưa gặp.» 

Người vợ Trưởng giả nói:

«Chính là vị Tỳ-kheo vừa đến sau đó. Bản thân ông đã bỏ báu ngọc nữ này, xuất gia học đạo, nay đắc A-la-hán, thường hành đầu đà. Người có đầy đủ các pháp hạnh đầu đà, không ai vượt hơn Tôn giả Ca-diếp. Thế Tôn cũng nói: ‘Tỳ-kheo hạnh đầu đà đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta chính là Đại Ca-diếp.’ Hôm nay Trưởng giả được rất nhiều thiện lợi, mới khiến các vị Hiền thánh đến nơi này khất thực. Tôi đã quán sát ý nghĩa này, nên bảo ông khéo giữ miệng mình, chớ huỷ báng bậc Hiền thánh cho rằng: ‹Làm trò huyễn hoá.› Các vị đệ tử đức Thích-ca này đều có thần đức.”

Trong lúc đang nói lời này, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đắp y, cầm bát, bay qua hư không đến nhà Trưởng giả, làm vỡ lồng lưới sắt, rồi ngồi kiết già ở giữa hư không. Trưởng giả Bạt-đề lúc này thấy Mục-kiền-liên ngồi ở giữa hư không, liền sợ hãi mà nói:

«Ngài là trời chăng?» 

Mục-liên đáp:

«Ta chẳng phải trời.» 

Trưởng giả hỏi:

«Ngài là Càn-thát-bà chăng?» 

Mục-liên đáp:

«Ta chẳng phải Càn-thát-bà.» 

Trưởng giả hỏi:

«Ngươi là quỷ chăng?» 

Mục-liên đáp:

«Ta chẳng phải quỷ.» 

Trưởng giả hỏi:

«Ngươi là quỷ la-sát ăn thịt người chăng?» 

Mục-liên đáp:

«Ta cũng chẳng phải là quỷ la-sát ăn thịt người.» 

Bấy giờ, trưởng giả Bạt-đề liền nói kệ này:

Là trời, càn-thát-bà,

La-sát, quỷ thần chăng?

Lại nói chẳng phải trời,

La-sát, hay quỷ thần;

Chẳng giống càn-thát-bà.

Chỗ đang sống là đâu?

Hiện ông tên là gì?

Nay tôi muốn được biết.

Bấy giờ, Mục-liện lại dùng kệ đáp:

Chẳng trời, càn-thát-bà,

Chẳng loài quỷ la-sát.

Ba đời được giải thoát;

Nay ta là thân người.

Thầy ta Thích-ca Văn,

Có thể hàng phục ma;

Thành tựu đạo vô thượng.

Ta tên Đại Mục-liên.

Trưởng giả Bạt-đề nói với Mục-liên rằng:

«Tỳ-kheo có dạy bảo điều gì không?» 

Mục-liên đáp:

«Nay tôi muốn nói pháp cho ông nghe. Hãy khéo suy niệm kỹ.» 

Khi ấy [648a01] trưởng giả lại nghĩ: “Các Đạo sĩ này lúc nào cũng dính đến sự ăn uống. Nay mà muốn luận bàn, chính là muốn luận bàn về ăn uống. Nếu đòi ăn nơi ta, ta sẽ nói ‘không’.” Nhưng lại nghĩ thầm: “Ít nhiều gì nay ta cũng nghe thử người này nói cái gì.”

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm Trưởng giả, liền nói kệ này:

Như Lai nói hai thí:

Pháp thítài thí.

Nay sẽ nói pháp thí

Chuyên tâm nhất ý nghe.

Khi trưởng giả nghe, sẽ nói về pháp thí, tâm liền hoan hỷ, nói với Mục-liên rằng:

«Mong Ngài diễn nói. Tôi nghe sẽ hiểu.» 

Mục-liên đáp:

«Trưởng giả nên biết, Như Lai nói về năm sự đại thí, suốt đời hãy niệm mà tu hành.» 

Trưởng giả lại nghĩ: “Vừa rồi Mục-liên muốn nói về hành pháp thí, nay lại nói có năm sự đại thí.”

Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm của Trưởng giả, lại bảo Trưởng giả rằng:

«Như Lai nói có hai đại thí, là pháp thí và, tài thí. Nay tôi sẽ nói về pháp thí, không nói tài thí.» 

Trưởng giả nói:

«Cái gì là năm sự đại thí?» 

Mục-liên đáp:

«Một là không được sát sinh, đây gọi là đại thí, Trưởng giả nên tu hành suốt đời. Hai là không trộm cắp, gọi là đại thí, nên tu hành suốt đời. Không dâm, không nói dối, không uống rượu, nên tu hành suốt đời

«Này Trưởng giả, đó gọi là có năm đại thí này nên niệm mà tu hành.» 

Trưởng giả Bạt-đề nghe những lời này xong, lòng rất hoan hỷnghĩ thầm: “Những điều Phật Thích-ca Văn nói rất là vi diệu. Nay những điều diễn nói, chẳng cần đến bảo vật. Như hôm nay, ta không kham sát sinh. Điều này có thể phụng hành được. Hơn nữa, trong nhà ta của báu thật nhiều, quyết không trộm cắp, và đây cũng là việc làm của ta. Lại, trong nhà ta có đàn bà rất đẹp, quyết không dâm vợ người, đây cũng là việc làm của ta. Vả lại, ta không phải là người thích nói dối, huống chi tự mình nói dối, đây cũng là việc làm của ta. Như hôm nay, ý ta không nghĩ đến rượu, huống chi tự mình uống, đây cũng là việc làm của ta.” Rồi thì, Trưởng giả thưa Mục-liên rằng:

«Năm thí này, tôi có thể làm theo.» 

Khi ấy, trong lòng trưởng giả suy nghĩ: “Nay ta có thể mời Mục-liên này dùng cơm.” Trưởng giả ngước đầu lên thưa Mục-liên rằng: 

«Mời Ngài khuất thần hạ cố xuống đây ngồi!» 

Mục-liên theo lời, ngồi xuống.

Trưởng giả Bạt-đề tự thân dọn các thứ đồ ăn thức uống cho Mục-liên. Mục-liên ăn xong, dùng nước rửa. Trưởng giả nghĩ: “Ta có thể đem một tấm giạ dâng lên Mục-liên.” Sau đó, ông vào trong kho lựa lấy thảm trắng; muốn lấy loại xấu, nhưng lại gặp loại tốt. Tìm rồi lại bỏ, mà lựa lại thảm khác, lại vẫn tốt như vậy, bỏ đó rồi lại lấy đó. 

Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm Trưởng giả, liền nói kệ này:

Thí cùng tâm tranh đấu,

Phước này Thánh hiền bỏ.

Khi thí thời chẳng tranh.

Đúng thời tuỳ tâm thí.

Bấy giờ, Trưởng giả liền nghĩ: “Nay Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm ta.” Liền đem đệm trắng dâng lên Mục-liên. Mục-liên liền chú nguyện:

Quán sát thí đệ nhất;

Biết có bậc Hiền thánh,

tối thượng trong thí.

Ruộng tốt sinh hạt chắc.

Khi Mục-liên chú nguyện xong, nhận đệm trắng ấy, khiến Trưởng giả được phước vô cùng. Lúc ấy, Trưởng giả liền ngồi qua một bên. Mục-liên lần lượt vì ông nói pháp với các đề tài vi diệu. Các đề tài ấy luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là an vui. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn đã nói, là khổ, tập, tận, đạo; Mục-liên bấy giờ cũng vì ông nói hết. Từ trên chỗ ngồi ông được mắt pháp thanh tịnh. Như áo trắng tinh dễ nhuộm màu. Ở đây, trưởng giả Bạt-đề cũng lại như vậy, từ trên chỗ ngồi được mắt pháp thanh tịnh. Ông đã đắc pháp, thấy pháp, không còn hồ nghi nữa. Ông thọ trì năm giới, tự quay về Phật, Pháp, và Thánh chúng

Mục-liên sau khi thấy Trưởng giả được mắt pháp thanh tịnh, liền nói kệ này:

Kinh mà Như Lai thuyết,

Nguồn gốc tất đầy đủ.

Mắt tịnh, không tì vết,

Không nghi, không do dự.

Khi ấy, trưởng giả thưa Mục-liên:

«Từ nay về sau, Ngài cùng chúng bốn bộ thường nhận lời thỉnh cầu cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men, trị bệnh không chút luyến tiếc của con.»

Mục-liên sau khi nói pháp cho trưởng giả xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Còn các đại Thanh văn, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả A-na-luật nói với Tôn giả Tân-đầu-lô rằng:

«Chúng tôi đã độ [648c01] trưởng giả Bạt-đề. Nay thầy có thể đến hàng phục lão bà Nan-đà kia.» 

Tân-đầu-lô đáp:

«Việc này thật hay.»

Bấy giờ, lão bà Nan-đà đang tự mình làm bánh sữa. Đã đến giờ, Tôn giả Tân-đầu-lô đắp y, cầm bát, vào thành La-duyệt khất thực, tuần tự đến nhà lão bà Nan-đà. Ngài từ trong lòng đất hiện ra, tay cầm bát đưa đến lão bà Nan-đà xin ăn. Khi lão mẫu thấy Tân-đầu-lô, trong lòng nổi giận, nói những lời hung dữ: 

«Tỳ-kheo nên biết, dù mắt ông có lòi ra, tôi cũng không bao giờ cho ông ăn.»

Tân-đầu-lô liền nhập định, khiến hai mắt lòi ra. Khi đó lão bà Nan-đà lại càng nổi giận hơn, lại nói dữ:

«Dù Sa-môn có treo ngược giữa hư không, ta quyết cũng không cho ông ăn!»

Tôn giả Tân-đầu-lô lại dùng định lực, treo ngược giữa hư không. Khi đó lão bà Nan-đà lại càng nổi giận hơn lên, nói dữ:

«Dù toàn thân Sa-môn có bốc khói, ta quyết cũng không cho ông ăn!» 
Tôn giả Tân-đầu-lô, lại dùng định lực, khiến toàn thân bốc khói. Lão bà thấy vậy lại càng thêm phẫn nộ hơn, nói:

«Dù toàn thân Sa-môn có bốc cháy, ta quyết cũng không cho ông ăn!» 
Tân-đầu-lô liền dùng tam-muội, khiến toàn thân thể bốc cháy. Lão bà thấy vậy lại nói:

«Dù toàn thân Sa-môn có ra nước, ta quyết cũng không cho ông ăn!» 
Tân-đầu-lô lại dùng định lực, khiến toàn thân đều ra nước. Lão bà thấy vậy, lại nói:

«Dù sa-môn chết ở trước ta, ta quyết cũng không cho ông ăn!»

Tôn giả Tân-đầu-lô liền nhập diệt tận định không còn hơi thở ra vào, chết trước mặt lão mẫu. Khi đó lão bà vì không thấy hơi thở ra vào nữa nên đâm ra sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, rồi nghĩ thầm: “Sa-môn con dòng họ Thích này được nhiều người biết đến, được Quốc vương kính trọng. Nếu họ nghe biết ông chết tại nhà ta, chắc ta sẽ gặp quan sự, sợ rằng không thoát khỏi.” Bà liền nói:

«Sa-môn sống trở lại đi! Ta sẽ cho Sa-môn ăn.»

Tân-đầu-lô tức thì ra khỏi tam-muội. Lúc đó, lão bà Nan-đà nghĩ thầm: “Cái bánh này lớn quá. Hãy làm lại cái nhỏ để cho ông.” Lão bà lấy một ít bột gạo làm bánh, bánh bèn lớn hơn. Lão bà thấy vậy, lại nghĩ: “Bánh này lớn quá! Phải làm nhỏ lại.” Nhưng bánh vẫn lớn. “Thôi, [649a01] lấy cái làm trước tiên đem cho.” Bà liền lấy cái làm trước tiên, nhưng những cái bánh đó đều lại dính vào nhau. Lão bà lúc này nói với Tân-đầu-lô rằng:

«Ông cần ăn thì tự lấy, cớ sao lại quấy nhiễu nhau vậy?» 

Tân-đầu-lô đáp:

«Đại tỷ nên biết, tôi không cần ăn. Chỉ cần muốn nói với lão bà thôi!»
Lão bà Nan-đà nói:

«Tỳ-kheo, dạy bảo điều gì?»

Tân-đầu-lô nói:

«Lão bà nên biết, nay đem bánh này đến chỗ Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có dạy bảo điều chi, thì chúng ta sẽ cùng làm theo.»

Lão bà đáp:

«Việc này thật là thú vị!»

Lúc này, lão bà tự mình mang bánh này theo sau Tôn giả Tân-đầu-lô đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, Tôn giả đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Tân-đầu-lô bạch Thế Tôn:

«Lão bà Nan-đà này, là chị của Trưởng giả Nan-đề, tham lam ăn một mình không chịu thí người. Cúi xin Thế Tôn vì bà mà nói pháp để phát khởi chí tín, tâm được khai mở.»

Thế Tôn bảo lão bà Nan-đà:

«Nay bà đem bánh cúng cho Như Lai và Tăng Tỳ-kheo.»

Lão bà Nan-đà liền đem bánh dâng lên Như Lai cùng Tăng Tỳ-kheo khác. Song, bánh vẫn còn dư. Lão bà Nan-đà bạch Thế Tôn:

«Số bánh vẫn còn dư.»

Thế Tôn bảo:

«Cúng lần nữa cho Phật và, Tỳ-kheo Tăng.»

Lão bà Nan-đà vâng theo lời dạy của Phật, đem bánh này cúng lần nữa cho Phật cùng Tỳ-kheo Tăng. Cuối cùng, bánh đó vẫn còn. Phật bảo lão bà Nan-đà:

«Nay, lão bà nên đem bánh này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

Nhưng số bánh đó vẫn còn. Thế Tôn bảo:

«Hãy đem số bánh này bố thí cho những người nghèo khổ.

Song số bánh đó vẫn còn. Thế Tôn bảo:

«Hãy đem số bánh này bỏ nơi đất sạch, hay đặt vào trong nước cực sạch. Sở đĩ như vậy là vì Ta chưa bao giờ thấy Sa-môn, Bà-la-môn, trời cùng con người nào có thể tiêu được bánh này, trừ Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác

Bà thưa:

«Thưa vâng, Thế Tôn.» 

Lão bà Nan-đà đem bánh này thả vào trong nước sạch, tức thì lửa bùng lên. Lão bà Nan-đà thấy vậy, lòng đầy sợ hãi. Bà đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn thứ tự nói pháp cho bà nghe. Ngài nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là ô uế, xuất giagiải thoát. Bấy giờ, Thế Tôn biết lão bà Nan-đà tâm ý đã khai [649b01] mở. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường nói, là khổ, tập, tận, đạo; bấy giờ, Thế Tônlão bà Nan-đà nói hết. Lão bà ngay trên chỗ ngồi được mắt pháp thanh tịnh. Giống như tấm thảm trắng dễ được nhuộm màu, ở đây lại cũng như vậy. Lão bà bấy giờ đã sạch hết trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bà đã đắc pháp, thành tựu pháp, không còn hồ nghi, đã vượt qua do dự, được vô sở uý, mà thừa sự Tam bảo, thọ trì năm giới.

Bấy giờ, Thế Tôn vì bà nói pháp lại, khiến bà phát lòng hoan hỷ. Nan-đà khi ấy bạch Thế Tôn:

«Từ nay về sau, chúng bốn bộ hãy đến nhà con nhận cúng dường. Từ nay về sau con sẽ luôn luôn bố thí, tu các công đức, phụng thờ Hiền thánh

Sau đó, bà từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đi.

Trưởng giả Bạt-đề và lão mẫu Nan-đà có người em tên Ưu-bà-ca-ni, lúc còn thơ ấu chơi thân với vua A-xà-thế, cả hai rất quý mếm nhau. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-bà-ca-ni đang làm ruộng, nghe anh Bạt-đề và chị Nan-đà đã được Như Lai giáo hóa. Nghe vậy, ông vui mừng hớn hở không thể tự kiềm, trong cả bảy ngày không ngủ nghỉ và ăn uống được. Sau khi công việc ruộng đồng đã làm xong, ông trở về thành La-duyệt. Giữa đường, ông nghĩ thầm: “Nay, trước tiên ta nên đến chỗ Thế Tôn, sau đó mới về nhà.” Trưởng giả đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Trưởng giả bạch Thế Tôn:

«Anh Bạt-đề cùng chị Nan-đà con đã được Như Lai giáo hóa rồi sao?»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, Trưởng giả. Nay Bạt-đề và Nan-đà đã thấy bốn đế, tu các pháp thiện.» 

Trưởng giả Ưu-bà-ca-ni bạch Thế Tôn:

«Gia đình chúng con rất được đại lợi.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, trưởng giả, như những lời ông nói, cha mẹ ông nay rất được đại lợi, đã gieo phước đời sau

Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Trưởng giả nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui ra. Ông đi về đến chỗ vua A-xà-thế, ngồi một bên.

Vua hỏi trưởng giả:

«Anh và chị ông đã được Như Lai giáo hóa rồi chăng?»

Tâu:

«Thật vậy, Đại vương.» 

Vua nghe lời này vui mừng hớn hở không tự chế được, liền gióng chuông trống ra lệnh trong thành: “Từ nay trở về sau, những nhà thờ Phật khỏi phải bị nộp thuế. Những người phụng sự Phật [649c01] đến thì được nghinh đón, đi thì được đưa tiễn. Sở dĩ như vậy là vì họ là anh em đạo pháp của ta.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế cho xuất các thứ đồ ăn thức uống đem cho trưởng giả. Trưởng giả liền nghĩ thầm: “Ta chưa bao giờ nghe Thế Tôn dạy phàm pháp Ưu-bà-tắc là nên ăn những thứ đồ ăn nào? Nên uống những thứ nước nào? Nay, trước ta nên đến chỗ Thế Tôn, hỏi nghĩa này, sau đó mới ăn.” Trưởng giả bèn bảo một người thân cận: 

«Ngươi đi đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi đảnh lễ sát chân, đem những lời của ta bạch lên Thế Tôn: Trưởng giả Ưu-bà-ni-ca bạch Thế Tôn, phàm pháp của Hiền giả trì bao nhiêu giới? Lại phạm bao nhiêu giới chẳng phải là Ưu-bà-tắc? Nên ăn thức ăn nào, uống nước uống nào?»

Người kia vâng lời trưởng giả, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Rồi người kia đem tên trưởng giả bạch Thế Tôn:

«Phàm pháp Ưu-bà-tắc, nên giữ bao nhiêu giới? Phạm bao nhiêu giới chẳng phải là Ưu-bà-tắc? Lại nên ăn thức ăn nào? Uống nước uống nào?»

Thế Tôn bảo:

«Nay ông nên biết, ăn có hai loại, đáng thân cận, và không đáng thân cận. Thế nào là hai? Nếu thân cận thức ăn mà pháp bất thiện khởi lên làm pháp thiện tổn giảm, thức ăn này không thể thân cận. Nếu lúc được thức ănpháp thiện tăng ích, pháp bất thiện tổn giảm, thức ăn này đáng thân cận.

«Nước cũng có hai loại. Nếu lúc được nước uống mà pháp bất thiện khởi làm pháp thiện tổn giảm, đây chẳng thể thân cận. Nếu lúc được nước uống mà pháp bất thiện bị tổn giảm, pháp thiệntăng ích, đây có thể thân cận. 

«Phàm pháp Ưu-bà-tắc, giới cấm có năm. Trong đó có thể giữ một giới, hai giới, ba giới, bốn giới cho đến năm giới; thảy đều phải giữ. Nên hỏi lại ba lần, người có thể giữ thì khiến cho họ giữ. Nếu Ưu-bà-tắc nào phạm vào một giới rồi, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Nếu Ưu-bà-tắc nào vâng giữ chỉ một giới, sẽ được sinh về cõi lành, trên trời, huống chi là giữ hai, ba, bốn, năm giới.» 

Người kia sau khi nhận lãnh những lời dạy từ Phật rồi, đảnh lễ sát chân Phật và lui đi. Người kia đi chưa xa, bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, cho phép trao năm giới và ba tự quy cho Ưu-bà-tắc. Nếu Tỳ-kheo nào khi muốn trao giới cho Thanh tín nam nữ, dạy họ để trống cánh tay, chấp tay, bảo xưng tên họ, nguyện quy y Phật. Pháp, chúng Tăng ba lần. Sau khi bảo xưng tên họ quy y Phật, Pháp, chúng Tăng rồi, lại tự xưng: ‘Nay con đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Như Phật Thích-ca Văn lần đầu tiên đã cho năm trăm khách buôn thọ ba tự quy, con nguyện suốt đời không giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu.’ Nếu ai giữ một giới thì còn lại bốn giới; nếu giữ hai giới thì còn lại ba giới; nếu giữ ba giới thì còn lại hai giới; nếu giữ bốn giới thì còn lại một giới; nếu giữa năm giới, đó là người giữ đầy đủ.»

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[133]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

«Mặt trời, mặt trăng, bị bốn sự che khuất[134] khiến không phóng ra được ánh sáng. Thế nào là bốn? Một là mây, hai là bụi gió, ba là khói, bốn là A-tu-la,[135] khiến mặt trời, mặt trăng bị che khuất, không phóng ánh sáng được. Này Tỳ-kheo, đó gọi là mặt trời, mặt trăng bị bốn sự che khuất này, khiến không phóng ánh sáng lớn được. Ở đây cũng vậy, Tỳ-kheo có bốn kết sử[136] che kín tâm người không khai mở được. Thế nào là bốn? Một là dục kết, che lấp tâm người không khai mở được, hai là sân nhuế, ba là ngu si, bốn là lợi dưỡng, che khuất tâm người không khai mở được.[137] 

«Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn kết này che khuất tâm người không khai mở được, hãy tìm cầu phương tiện tiêu diệt liền bốn kết này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.

KINH SỐ 3[138]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở cạnh miếu A-la-tỳ[139]. Bấy giờ, trời rất là lạnh, cây cối xác xơ, trơ trụi. Khi ấy, con trai của Thủ trưởng giả, người A-la-bà,[140] ra khỏi thị trấn ấy, đi bách bộ bên ngoài, dần dần đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Con Trưởng giả kia bạch Thế Tôn:

«Trong đêm hôm qua không rõ Thế Tôn ngủ có được ngon không?» 

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, Đồng tử, Ta ngủ thật ngon.» 

Con trưởng giả bạch Phật:

«Hôm nay trời lạnh quá, muôn vật xác xơ, trợ trụi. Song, Thế Tôn lại dùng đệm cỏ để ngồi, mặc y áo rất là mỏng manh. Sao Thế Tôn nói là: ‹Ta ngủ thật ngon được?›»

Thế Tôn bảo:

«Đồng tử lắng nghe! Nay Ta hỏi lại, ngươi cứ theo đó mà trả lời. Giống như nhà Ttrưởng giả được che kín chắc chắn, phòng ốc không có [50b01] gió bụi. Trong nhà đó có giường được trải thẩm, nệm, đệm lông, mọi thứ đầy đủ. Có bốn ngọc nữ nhan sắc xinh đẹp, mặt như hoa đào hiếm có trên đời, nhìn không biết chán. Đèn đốt sáng trưng. Vậy trưởng giả kia lại[141] có ngủ ngon được không?»

Con trưởng giả thưa:

«Thật vậy, Thế Tôn! Có giường tốt thì sẽ ngủ ngon được.» 

Thế Tôn bảo:

«Thế nào con trai của trưởng giả? Nếu khi người kia đang ngủ ngon, mà có ý dục nổi lên, duyên bởi ý dục này, có không ngủ được phải không?» 

Con trưởng giả thưa:

«Thật vậy, Thế Tôn! Nếu người kia ý dục nổi lên sẽ không ngủ được.» 

Thế Tôn bảo:

«Như ý dục người kia đang mạnh, trong khi Như Lai diệt tận không còn dư tàn, gốc rễ không sinh trở lại, không trổi lên lại nữa. Thế nào, con trai của trưởng giả, nếu người mà tâm sân nhuế, ngu si khởi lên, há ngủ ngon được sao?» 

Đồng tử thưa:

«Không ngủ ngon được. Sở dĩ như vậy là vì do tâm có ba độc.» 

Thế Tôn bảo:

«Như Lai nay không còn các tâm này, diệt tận không còn dư tàn, cũng không còn gốc rễ. Đồng tử nên biết, nay Ta sẽ nói về bốn loại chỗ ngồi. Những gì là bốn? Có chỗ ngồi thấp, có chỗ ngồi chư Thiên, có chỗ ngồi Phạm thiên, có chỗ ngồi Phật. 

«Đồng tử nên biết, chỗ ngồi thấp là toà của Chuyển luân Thánh vương. Chỗ ngồi chư Thiên là toà của Thích Đề-hoàn Nhân. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của Phạm thiên vương. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn đế. 

«Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi hướng Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi đắc Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi hướng Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn niệm xứ.

«Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi đắc Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi hướng A-na-hàm. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi đắc A-na-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn vô lượng tâm
«Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi dục giới. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi sắc giới. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi vô sắc giới. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn thần túc
«Cho nên, Đồng tử, nên biết, Như Lai do ngồi chỗ ngồi bốn thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó, không khởi dâm, nộ, si. Đã không khởi tâm ba độc này, bèn ở trong vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn, biết như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Cho nên, này con trai của trưởng giả, khi Ta quán sát ý nghĩa này xong, nên nói Như Lai được ngủ ngon.» 

[650c02] Bấy giờ, con Ttrưởng giả liền nói kệ này:

Gặp nhau đã lâu ngày,

bà-la-môn Bát-niết-bàn.[142]

Nhờ nương sức Như Lai,

Mắt sáng[143] mà diệt độ.[144]

Toà thấp và toà Thiên

Toà Phạm, cùng toà Phật;

Như Lai phân biệt rõ,

Cho nên được ngủ ngon.

Tự quy Nhân Trung Tôn

Cũng quy Nhân Trung Thượng

Nay con chưa thể biết

Là nương những Thiền nào?

Con trai của trưởng giả đọc những lời này xong, Thế Tôn bằng lòng ấn khả. Bấy giờ, con Trưởng giả nghĩ thầm: “Thế Tôn đã bằng lòng ấn khả. Ta rất là vui mừng, không thể tự chế được.” Bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đi.

Đồng tử kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, Thế Tôn từ tịnh thất ra, đi xuống núi Linh thứu cùng với bà-la-môn Lộc Đầu,[145] lần hồi du hành đến bãi tha ma đáng sợ.[146] 

Khi ấy, Thế Tôn cầm đầu lâu một người chết trao cho bà-la-môn và nói:

«Ông bà-la-môn, ông giỏi xem tinh tú, lại kiêm cả y dược, có thể trị mọi thứ bệnh, hiểu rõ tất cả các định hướng tái sinh, và cũng còn có thể biết nhân duyên người chết. Nay Ta hỏi ông, đây là đầu lâu của người nào? Là nam hay là nữ? Do bệnh gì mà qua đời?» 

Bà-la-môn liền cầm lấy đầu lâu, xoay qua xoay lại quan sát, lại dùng tay gõ vào nó, và bạch Thế Tôn:

«Đây là đầu lâu của người nam, chẳng phải người nữ.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, bà-la-môn, như lời ông đã nói. Đây là người nam, chẳng phải người nữ.» 

Thế Tôn hỏi:

«Do đâu qua đời?»

Bà-la-môn lại dùng tay gõ vào nó. Bạch Thế Tôn:

«Đây do nhiều bệnh tập họp. Trăm đốt xương đau buốt quá mà chết.» 

Thế Tôn bảo:

«Phải trị bằng phương thuốc nào?» 

Bà-la-môn Lộc Đầu bạch Phật:

«Phải dùng quả ha-lê-lặc[147] hoà chung với mật, sau đó cho uống, bệnh này sẽ lành.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, như những lời ông nói, nếu người này được thuốc này, đã không qua đời. Nay người này lúc mạng chung, sinh về nơi nào?» 

Bà-la-môn nghe rồi, lại cầm đầu lâu gõ, [651a01] và bạch Thế Tôn:

«Người này mạng chung sinh về ba đường dữ, chẳng sinh về nơi lành.» 

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, bà-la-môn, như những lời ông nói, sinh vào ba đường dữ, không sinh về nơi lành.» 

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho bà-la-môn. Hỏi bà-la-môn:

«Đây là người nào? Là nam hay nữ?» 

Lúc này bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Đầu lâu này là thân người nữ.» 

Thế Tôn bảo:

«Do bệnh tật gì mà mạng chung?» 

Lúc này, bà-la-môn Lộc Đầu lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người nữ này mạng chung khi còn mang thai.» 

Thế Tôn bảo:

«Người nữ này do đâu mà mạng chung?» 

Bà-la-môn bạch Phật

«Người nữ này do sinh con chưa đầy tháng nên qua đời.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, bà-la-môn, như những lời ông đã nói. Vả lại, người nữ mang thai kia nên trị bằng phương thuốc gì?» 

Bà-la-môn bạch Phật:

«Như người bệnh này, phải cần tô đề hồ để uống thì khỏi.» 

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, thật vậy, như những gì ông đã nói. Nay người nữ này sau khi mạng chung sinh về nơi nào? » 

Bà-la-môn bạch Phật:

«Người nữ này sau khi mạng chung sinh vào trong súc sanh.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, bà-la-môn, như những gì ông đã nói.» 

Rồi Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa trao cho bà-la-môn, và hỏi bà-la-môn:

«Là nam hay nữ?» 

Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Đầu lâu này là thân người nam.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay. lành thay, như những gì ông đã nói. Do tật bệnh gì mà mạng chung?» 
bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người này mạng chung do vì ăn uống ngộ độc, bị thổ tả mà mạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Bệnh này dùng trị bằng phương thuốc?» 

bà-la-môn bạch Phật:

«Nhịn ăn trong vòng ba ngày, trừ khỏi được liền.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Người này sau khi mạng chung sinh về nơi nào?» 

Lúc này, bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người này mạng chung sinh vào trong ngạ quỷ. Sở dĩ như vậy là vì ý chỉ tưởng đến nước.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói.» 

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho bà-la-môn, hỏi bà-la-môn:

«Là nam hay là nữ?» 

Phạm chi lúc này dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Đầu lâu này là [651b01] thân của người nữ.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Người này mạng chung do bệnh tật gì?» 

Bà-la-mônv lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Lúc đang sinh thì mạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Tại sao lúc đang sinh thì mạng chung?» 

Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Thân người nữ này khí lực hư, cạn kiệt, lại đói quá nên mạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Người này mạng chung sinh về nơi nào?» 

Lúc này, bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người này mạng chung sinh vào loài người.» 

Thế Tôn bảo:

«Phàm người chết đói mà muốn sinh nơi lành, việc này không đúng. Phải sinh vào ba đường dữ mới hợp lý

Lúc này, bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người nữ này trì giới hoàn hảomạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Thân người nữ kia trì giới hoàn hảo đến khi mạng chung. Sở dĩ như vậy là vì phàm có người nam người nữ nào mà trì cấm giới hoàn toàn thì lúc mạng chung sẽ về hai đường, hoặc lên trời hay là loài người.» 

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm đầu lâu nữa trao cho bà-la-môn, hỏi:

«Nam hay là nữ?» 

Lúc này, bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Đầu lâu này là thân nam tử.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Người này do bệnh tật gì khiến phải mạng chung?» 

Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người này không bệnh, bị người hại khiến mạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những lời ông đã nói, bị người hại khiên mạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Người này mạng chung sẽ sinh nơi nào?»

Lúc này, bà-la-môn dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Người này mạng chung sinh lên trời, xứ thiện.» 

Thế Tôn bảo:

«Như những lời ông đã nói, lời bàn trước, bàn sau mâu thuẫn nhau.» 

bà-la-môn bạch Phật:

«Căn bản do duyên gì mà mâu thuẫn nhau?» 

Thế Tôn bảo:

«Những người nam, nữ mà bị người hại khiến mạng chung, đều sinh hết về ba đường dữ. Sao ông nói là sinh về xứ thiện, lên trời?» 

Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn

«Vì người này vâng giữ năm giới kiêm hành thập thiện, nên đến khi mạng chung sinh lên trời, xứ thiện .» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như [651c01] những lời ông đã nói. Người giữ giới, không xúc phạm, sẽ sinh lên trời, xứ thiện.» 

Thế Tôn lại bảo:

«Người này đã trì mấy giới mà mạng chung?» 

Bấy giờ, bà-la-môn một lòng chuyên chú không nghĩ gì khác, dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Trì một giới chăng? Chẳng phải. Hai, ba, bốn, năm giới chăng? Chẳng phải. Người này trì pháp bát quan traimạng chung.» 

Thế Tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, như những lời ông đã nói.Trì bát quan trai mà mạng chung.» 

Bấy giờ, trong cảnh giới phương Đông, tại phía nam núi Phổ hương, phương Đông, có Tỳ-kheo Ưu-đà-diên nhập Niết-bàn trong vô dư Niết-bàn giới. Khi ấy, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, Thế Tôn đến lấy đầu lâu kia, đem về trao cho bà-la-môn, và hỏi bà-la-môn:

«Là nam hay nữ?» 

Lúc này, bà-la-môn lại cùng tay gõ, và bạch Thế Tôn:

«Tôi xem đầu lâu này, nguồn gốc của nó chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ. Sở dĩ như vậy là vì tôi quán đầu lâu này cũng chẳng thấy sinh, cũng cũng chẳng thấy đoạn, cũng chẳng thấy xoay vần qua lại. Sở dĩ như vậy là vì quan sát tám phương, trên dưới đều không âm vọng. Nay tôi chưa rõ đầu lâu của người này là ai?»[148] 

Thế Tôn bảo:

«Thôi, thôi, bà-la-môn, rốt lại, ôÔng không biết là đầu lâu của ai. Ông nên biết, đầu lâu này không đầu không cuối, cũng không sinh tử, cũng không đi về đâu trong tám phương, trên dưới. Đây chính là đầu lâu của A-la-hán, Tỳ-kheo Ưu-đà-diên đã nhập Niết-bàn trong vô dư Niết-bàn giới, trong cảnh giới phương Đông, tại phía nam núi Phổ hương.» 

Sau khi bà-la-môn nghe những lời này xong, khen chưa từng có, liền bạch Thế Tôn:

«Nay tôi quan sát loài trùng kiến này từ nơi nào đến, đều biết tất cả. Nghe tiếng vọng của chim thú mà có thể phân biết rõ ràng: đây là con đực, đây là con cái. Nhưng tôi quan sát vị A-la-hán này, hoàn toàn không thấy gì, không thấy chỗ đến, cũng không thấy chỗ đi. Chánh pháp Như Lai thật là kỳ diệu. Sở dĩ như vậy là vì gốc của các pháp phát xuất từ cửa miệng của Như Lai, còn A-la-hán phát xuất từ gốc của kinh pháp

Thế Tôn bảo: 

«Thật vậy, bà-la-môn, như những gì ông đã nói. Gốc của các pháp phát xuất từ miệng Như Lai. Ngay đến chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, quyết không biết được chỗ đến của A-la-hán.» 

Bấy giờ, bà-la-môn đảnh lễ sát chân, và bạch Thế Tôn:

«Tôi có thể biết hết nơi thu hướng của chín mươi sáu loại đạo. [652a01] Thảy đều biết tất cả. Nhưng chỗ thú hướng của pháp của Như Lai, không thể phân biệt được. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được vào đạo.» 

Thế Tôn bảo: 

«Lành thay, bà-la-môn, hãy tu phạm hạnh, cũng sẽ không có người nào biết được chỗ thu hướng của ông.»

Khi ấy, bà-la-môn được xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ tư duy thuật đạo, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc mặc ba pháp y, cho đến như thực biết rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Lúc đó, bà-la-môn thành A-la-hán.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Đầu bạch Thế Tôn:

«Nay con đã biết pháp tu hành của A-la-hán.» 

Thế Tôn bảo:

«Ông biết thế nào về hành của A-la-hán?» 

Lộc Đầu bạch Phật:

«Nay có bốn giới. Những là bốn? Địa giới, thuỷ giới, hoả giới, phong giới. Như Lai, đó gọi là có bốn giới này. Khi một người mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió.» 

Thế Tôn bảo:

«Thế nào, Tỳ-kheo, nay có bao nhiêu giới?» 

Lộc Đầu bạch Phật:

«Sự thực có bốn giới. Nhưng nghĩa có tám giới.» 

Thế Tôn bảo:

«Thế nào là bốn giới, mà nghĩa có tám giới?» 

Lộc Đầu bạch Phật:

«Nay có bốn giới. Những gì là bốn giới? Đất, nước, lửa, gió. Đó gọi là bốn giới. Thế nào là nghĩa có tám giới? Đất có hai loại: đất trong và đất ngoài. Sao gọi đại chủng đất bên trong ? Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da bọc ngoài, gân cốt, tuỷ não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ thận. Đó gọi là đại chủng đất trong. Thế nào là đại chủng đất bên ngoài? Đó là những gì cứng chắc. Đó gọi là đại chủng đất bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng đất.

«Sao gọi đại chủng nước? Đại chủng nước có hai: đại chủng nước bên trong, đại chủng nước bên ngoài. Đại chủng nước bên trong là đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tuỷ. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Còn các vật mềm ướt bên ngoài. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng nước.

«Sao gọi đại chủng lửa? Đại chủng lửa có hai: đại chủng lửa bên trong, đại chủng lửa bên. Sao gọi là lửa trong? Là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn, không còn dư sót. Đó gọi là lửa bên trong. Sao gọi là lửa bên ngoài? Những vật giữ hơi nóng, vật ở bên ngoài. Đó gọi là loại lửa ngoài. 

«Tại sao gọi là đại chủng gió? Đại chủng gió có hai: gió trong và gió ngoài. Gió trong là gì? Đó là gió trong môi, [652b01] gió mắt, gió đầu, gió thở ra, gió thở vào, gió trong tất cả các khớp tay, chân. Đó gọi là gió trong. Sao gọi là gió ngoài? Đó là vật khiến lay động nhẹ, nhanh chóng. Đó gọi là gió ngoài. Bạch Thế Tôn, đó gọi là có hai loại. Sự thật có bốn, mà số có tám.

«Như vậy, Thế Tôn, con quán sát nghĩa này, rằng con người khi mạng chung, bốn đại chủng ấy trở về gốc của chúng.»

Thế Tôn bảo:

«Pháp vô thường cũng không cùng chung với pháp thường. Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ, đất trong là pháp vô thường, là pháp biến dịch, còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi.[149] Đó gọi là đất có hai loại không tương ưng với thường và vô thường. Còn ba đại kia cũng lại như vậy, giữa thường và vô thường không tương ưng nhau. 

«Cho nên, này Lộc Đầu, tuy có tám loại, kỳ thật chỉ có bốn. Lộc Đầu, hãy học điều này như vậy.» 

Lộc Đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5[150]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

«Nay có bốn đại nghĩa được quảng diễn.[151] Những là bốn? Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Đó gọi là bốn.[152]

«Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Đông[153] đến, tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.’ Giả sử, Tỳ-kheo kia có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng.[154] Hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn. Thế nào là y chiếu theo cùng thảo bàn? Y chiếu theo pháp mà luận, đó là bốn đại luận được quảng diễn này. Tức là Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nên cùng với Tỳ-kheo kia phân biệt pháp được nói bởi Khế kinh, được hiển hiện trong Luật. Giả sử khi tìm trong Khế kinh được nói, trong Luật được hiểrn hiện, trong pháp được phân biệt; nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời người kia như vầy: ‘Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Mà những lời bạn nói, chẳng phải gốc của chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nay tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm.’ Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới. Nếu không tương ưng với giới hạnh, [652c01] nên nói với người kia: ‘Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!’ Hãy lập tức đuổi đi. Đây gọi là gốc của nghĩa đại nghĩa được quảng diễn thứ nhất.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Nam đến nói rằng: ‹Tôi có thể tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.› Giả sử Tỳ-kheo ấy có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Nên cùng với Tỳ-kheo kia luận nghĩa. Giả sử những điều Tỳ-kheo kia nói mà không tương ưng với nghĩa, thì nên đuổi đi. Nếu tương ưng với nghĩa, thì nên bảo người kia rằng: ‹Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh.› Khi ấy, nên chọn lấy nghĩa đó, chứ đừng nhận gốc chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa là căn nguyên để hiểu kinh. Đây gọi là gốc của đại nghĩa được diễn thứ hai.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Tây đến (nói rằng: ‘Tôi) tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.’ Nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Nhưng Tỳ-kheo kia chỉ hiểu vị,[155] chứ không hiểu nghĩa, nên bảo Tỳ-kheo kia rằng: ‘Chúng tôi không rõ những lời này có phải là những lời được thuyết bởi Như Lai hay không’ Giả sử khi thuyết Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm chỉ hiểu vị, chứ không hiểu nghĩa. Tuy nghe những gì Tỳ-kheo kia nói, nhưng cũng chưa đủ để khen tốt, cũng chưa đủ để nói là dở. Lại phải đem giới hạnh để hỏi. Nếu cùng tương ưng, thì nệm mà chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì giới hạnh cùng tương ưng với vị, nhưng nghĩa thì không thể rõ. Đây gọi là nghĩa diễn giải thứ ba.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Bắc đến, tụng kinh, trì pháp, phụng hành cấm giới, (nói rằng:) ‘Các Hiền giảnghi vấn, hãy đến hỏi nghĩa, tôi sẽ nói cho.’ Nếu Tỳ-kheo kia có nói gì cũng chưa đủ để chấp nhận ngay, chưa đủ để phúng tụng. Nhưng nên hướng về Tỳ-kheo kia hỏi về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu cùng tương ưng, thì nên hỏi nghĩa. Nếu lại tương ưng cùng nghĩa, thì nên khen ngợi Tỳ-kheo kia rằng: ‹Lành thay, lành thay, Hiền giả, đây chính là nghĩa Như Lai đã nói, không nhầm lẫn, tất cả đều cùng tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. 

«Hãy theo pháp mà cúng dường, tiếp đãi Tỳ-kheo kia. Sở dĩ như vậy là vì Như Lai cung kính pháp, nên ai cung kính pháp, tức là cung kính Ta. Ai quán thấy pháp, người ấy quán thấy Ta. Ai có pháp, người ấy có Ta. Đã có pháp thì có Tỳ-kheo Tăng. Có pháp thì [653a01] có chúng bốn bộ. Có pháp thì có bốn chủng tánh ở đời. Sở dĩ như vậy là vì do có pháp ở đời, nên trong Hiền kiếp có Đại Oai Vương[156] ra đời, từ đó về sau có liền bốn chủng tánh ở đời. 

«Nếu pháp có ở đời, liền có bốn chủng tánh ở đời: sát-lợi, bà-la-môn, công nhân, dòng cư sĩ. Nếu pháp có ở đời thì, liền có ngôi vị Chuyển luân Thánh vương không dứt. Nếu pháp có ở đời, liền có Tứ Thiên Vvương, Đẩu-suất thiên, Diễm thiên, Hoá tự tại thiên, Tha hoá tự tại thiên xuất hiện ở đời. Nếu pháp có ở đời, liền có Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Vô sắc giới thiên hiện ở đời. Nếu pháp có ở đời, liền có quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi-phật, Phật thừa hiện ở đời. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy khéo cung kính pháp. Hãy tuỳ thời cúng dường cung cấp mọi thứ cần dùng cho Tỳ-kheo kia. Nên nói với Tỳ-kheo kia rằng: ‹Lành thay! lành thay! Như những gì thầy đã nói. Những lời nói hôm nay thật là những lời nói của Như Lai

«Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn đại nghĩa diễn quảng diễn này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy trì tâm nắm giữ ý thực hành bốn sự này, chớ để mất sót. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, vào buổi sáng sớm, tập họp bốn binh chủng, cởi xe gắn lông chim* đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi đại vương:

«Đại vương từ đâu đến mà trên người dính đầy bụi bặm vậy? Có duyên sự gì mà tập họp bốn binh chủng?»

Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

«Nay, nước nhà này có giặc lớn nổi lên. Nửa đêm qua, con đem binh bắt được, nên thân thể mệt mỏi, muốn trở về cung. Nhưng giữa đường lại nghĩ thầm: ‹Trước tiên ta nên đến chỗ Như Lai, rồi sau đó mới về cung.› Vì sự việc này mà ngủ nghỉ không yên. Nay nhờ có công lao dẹp giặc, lòng vui mừng hớn hở không tự chế được, cho nên đến đảnh lễ thăm hầu Như Lai. Nếu ngay đêm qua, con không hưng binh ngay thì không bắt được giặc.»

Thế Tôn bảo:

«Thật vậy, Đại vương, như những gì vua nói. Vua nên biết rằng, có bốn căn duyên sự việc, [653b01] trước khổ sau vui. Những gì là bốn? Sáng thức dậy sớm; trước khổ sau vui. Hoặc dùng dầu, tô, trước khổ sau vui. Hoặc lúc dùng thuốc, trước khổ mà sau vui. Gia nghiệp, cưới gã, trước khổ sau vui. Đại vương, đó gọi là có bốn căn duyên sự việc này, trước khổ sau vui.»

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

«Những gì Thế Tôn nói thậthợp lý, có bốn căn duyện sự việc trước khổ sau vui này. Sở dĩ như vậy là vì như ngày hôm nay, con quán sát bốn sự này như nhìn hạt châu trên tay, đều có nghĩa trước khổ sau vui.»

Bấy giờ, Thế Tôn vì vua Ba-tư-nặc nói pháp vi diệu, khiến phát lòng hoan hỷ. Sau khi nghe pháp rồi, vua bạch Thế Tôn:

«Việc nước đa đoan, con muốn trở về cung.» 

Thế Tôn bảo:

«Nên biết đúng lúc

Vua Ba-tư-nặc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui đi. Vua đi chưa lâuThế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Nay có bốn căn duyên sự này, trước khổ sau vui. Thế nào là bốn? Tu tập phạm hạnh, trước khổ sau vui. Tập tụng văn kinh, trước khổ sau vui. Tọa thiền nghĩ niệm định, trước khổ sau vui. Đếm hơi thở ra vào, trước khổ sau vui. Tỳ-kheo, đó gọi là hành bốn sự này trước khổ sau vui. 

«Nếu có Tỳ-kheo nào hành pháp trước khổ sau vui này, quyết sẽ được ứng quả báo vui Sa-môn sau này. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo siêng thực hành pháp này, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ do viễn ly sanh, tâm nhập sơ thiền.[157] Đó gọi là đạt được lạc trú[158] thứ nhất của Sa-môn.

«Lại nữa, không tầm không tứ,[159] nội tâm định tĩnh, chuyên tinh nhất ý; , không tứ, có hỷ lạc do định sinh, nhập nhị thiền.[160] Đó gọi là lạc trú thứ hai của Sa-môn.

«Lại nữa, ly hỷ, an trú xả, hằng tự giác tri, thân có tri giác lạc, điều mà các hiền thánh nói là xả, niệm, an trú lạc nhập tam thiền. Đó gọi là được lạc trú thứ ba của Sa-môn.

«Lại nữa, lạc khổ diệt, ưu và hỷ từ trước đã trừ, không lạc không khổ, xả, niệm thanh tịnh, tâm nhập tứ thiền. Đó gọi là có bốn lạc trú của Sa-môn này.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào thực hành trước khổ này, sau được bốn báo vui của Sa-môn, đoạn ba lưới kết, thành Tu-đà-hoàn, được pháp thối chuyển, nhất định hướng đến diệt độ.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, ba kết này đã đoạn; dâm, giận, si [653c01] mỏng đi, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này một lần, tất hết biên tế khổ.

«Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào dứt năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, nhập Bát-niết-bàn ở nơi kia,[161] không trở lại thế gian này. 

«Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo mà hữu lậu đã diệt tận, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng, tự an trú, tự biết như thật rằng, ‹sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.› Đó là Tỳ-kheo kia tu pháp trước khổ này, sau được lạc bốn quả Sa-môn.

«Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu sự trước khổ sau vui này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại vướn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xa-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

«Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Có hạng Sa-môn tợ hoa hoàng lam,[162] có hạng Sa-môn tợ hoa bân-đà-lợi,[163] có hạng Sa-môn tợ nhu nhuyến,[164] có hạng Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.[165]

«Thế nào gọi Sa-môn kia như hoa hoàng lam? Ở đay có một hạng người diệt trừ ba kết sử, thành Tu-đà-hoàn, được pháp không thối chuyển, quyết định đến Niết-bàn,[166] nhưng chậm nhất là phải trải qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Hoặc thành bậc gia gia,[167] nhất chủng,[168] giống như hoa hoàng lam sáng ngắt, chiều lớn. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, ba kết diệt tận, thành Tu-đà-hoàn, được pháp không thối chuyển, ắt đến Niết-bàn, chậm nhất cho đến qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Nếu tìm cầu phương tiện, có ý dõng mãnh, hoặc thành gia gia, hoặc thành nhất chủng, rồi vào đạo tích. Đó gọi là Sa-môn như hoa hoàng lam.

«Thế nào gọi Sa-môn kia là như hoa phân-đà-lợi? Ở đây có một hạng người ba kết đã diệt; dâm, nộ, si mỏng, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này, dứt hết bờ khổ. Nếu người hơi chậm, trở lại đời này lần nữa, rồi dứt hết bờ khổ. Nếu dõng mãnh, thì ngay trong đời này dứt hết bờ khổ. Giống như hoa phân-đà-lợi sớm bóc, chiều úa tàn. Đó gọi là Sa-môn như hoa phân-đà-lợi. 

«Thế nào là Sa-môn kia nhu nhuyến? Hoặc có một hạng người đoạn năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, rồi nơi trên kia mà nhập Bát-niết-bàn, không trở lại đời này. Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến.

«Thế nào là Sa-môn kia nhu nhuyến trong nhu nhuyến? Hoặc có [654a01] một hạng người diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng, tự du hí, biết như thật rằng, ‹Sinh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.› Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.

«Đây gọi là Tỳ-kheo có bốn hạng người này xuất hiện ở đời. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện làm Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.

«Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.»

Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.

Kệ tóm tắt:

Tu-đà, Tu-ma-quân

Tân-đầu-lô, uế, thủ, 

Lộc Đầu, nghĩa diển rộng,

Sau vui, kinh nhu nhuyến.[169] 

29. PHẨM KHỔ LẠC

KINH SỐ 1
Nghe như vậy:

Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Nay có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Hoặc có người trước khổ, sau vui; hoặc có người trước vui sau khổ; hoặc có người trước khổ sau khổ; hoặc có người trước vui, sau vui.

«Thế nào là người trước khổ sau vui? Hoặc có một người sinh nhà ti tiện, hoặc dòng sát nhân[170], hoặc giới thợ thuyền, hoặc sinh nhà tà đạo, cùng các giới bần khổ khác, áo cơm không đủ. Tuy họ sinh vào những nhà đó, nhưng người kia lại không có tà kiến, thấy rằng ‘Có bố thí, có người nhận, có đời này, có đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, đời có A-la-hán, người lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.’ Nếu thấy có nhà nào rất giàu, thì họ biết đó nhờ báo đức bố thí, báo không phóng dật ngày xưa. Hoặc họ lại thấy nhà không áo cơm, biết những người này không tạo đức bố thí thường gặp bần tiện. ‘Nay ta lại gặp bần tiện, không có áo cơm, đều do ngày xưa không tạo phước, mê hoặc người đời, hành pháp phóng dật. Duyên báo ác hạnh này, nay gặp nghèo hèn áo cơm không đủ.’ Khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn tu pháp thiện, người ấy liền hướng về sám hối, sửa đổi những việc làm xưa. Nếu có của dư, đem chia cho người. Người này sau khi qua đời sinh về xứ thiện, lên trời. Nếu sinh cõi người thì lắm tiền nhiều của báu, không thiếu hụt. Hạng người này gọi là trước khổ sau vui.

«Hạng người nào trước vui sau khổ? Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà hào tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng trưởng giả, hoặc nhà dòng họ lớn; hoặc sinh vào các nhà giàu sang, áo cơm đầy đủ. Nhưng người đó thường ôm lòng tà kiến tương ưng cùng biên kiến. Họ thấy như vầy, ‘Không có bố thí, không có người nhận, cũng không có báo đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không có [655b01] A-la-hán, cũng không có người tác chứng, lại cũng không có báo thiện ác.’ Người đó có những tà kiến như vậy. Khi thấy nhà giàu sang, họ nghĩ, ‘Người này lâu nay vẫn có của báu này; người nam đã lâu vẫn là người nam, người nữ đã lâu vẫn là người nữ, súc sanh đã lâu vẫn là súc sanh.› Người ấy không thích bố thí, không giữ giới luật. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn vâng giữ giới, người này nổi sân nhuế nghĩ, ‘Người ấy hư nguỵ, nơi nào sẽ có phước báo ứng?’ Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu được làm người thì sinh vào nhà bần cùng, không có áo cơm, thân thể loã lồ, cơm áo thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước vui sau khổ.

«Hạng người nào trước khổ sau khổ? Ở đây, có người sinh vào gia đình bần tiện, hoặc dòng sát nhân*, hoặc giới thợ thuyền; hoặc sinh vào những gia đình hạ liệt, không có áo cơm. Nhưng người này thân ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, nên họ thấy như vầy, ‘Không bố thí, không có người nhận, cũng không có báo thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không A-la-hán.’ Người ấy không thích bố thí, không vâng giữ giới. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn, người ấy liền nổi sân nhuế đối với các bậc Hiền thánh. Người này thấy người nghèo thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy người giàu thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy cha, xưa đã là cha; thấy mẹ, xưa đã là mẹ. Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu sinh cõi người thì rất là nghèo hèn, áo cơm không đủ. Hạng người này gọi là trước khổ sau khổ.

«Thế nào là hạng người trước vui sau vui? Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà giàu sang, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng bà-la-môn, hoặc sinh vào dòng quốc vương, hoặc sinh dòng trưởng giả, cùng sinh vào gia đình lắm tiền nhiều của. Nơi sinh ra không bị thiếu hụt. Người này sinh vào những nhà như vậy, nhưng người này lại có chánh kiến không có tà kiến. Họ có cái thấy này: ‹Có bố thí, có người nhận, có đời này đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, cũng có báo thiện ác, có cha có mẹ, đời có A-la-hán.’ Người này khi thấy gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của, liền nghĩ thầm, ‘Người này có được là nhờ ngày xưa bố thí.’ Hoặc lại thấy nhà nghèo hèn thì nghĩ, ‘Người này trước kia do không bố thí. Nay ta nên tuỳ thời bố thí, [655c01] chớ để sau này sinh nhà nghèo hèn.’ Vì vậy nên người này thường thích bố thí cho người. Người này nếu thấy sa-môn đạo sĩ thì tuỳ thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh; thảy đều bố thí hết. Nếu sau khi mạng chung tất sinh xứ thiện lên trời. Nếu cõi người tất sinh vào nhà giàu sang, lắm tiền nhiều của. Hạng người này gọi là trước vui sau vui.»

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

«Con thấy chúng sanh đời này trước khổ sau vui; hoặc ở đời này có chúng sanh trước vui sau khổ; hoặc ở đời này có chúng sanh trước khổ sau khổ; hoặc có chúng sanh trước vui sau vui.» 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

«Có nhân duyên này, khiến loài chúng sanh trước khổ sau vui; lại cũng có chúng sanh này trước vui sau khổ; lại cũng có chúng sanh này trước khổ sau khổ; lại cũng có chúng sanh này trước vui sau vui.» 

Tỳ-kheo bạch Phật:

«Lại vì nhân duyên gì trước vui sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau vui? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước vui sau vui?» 

Thế Tôn bảo:

«Tỳ-kheo nên biết, nếu người sống trăm tuổi. Giả sử đúng mười lần mười như vậy, người ấy sống thọ hết đông, hạ, xuân, thu. Này Tỳ kheo, người ấy trong một trăm năm tạo các công đức, rồi một trăm năm tạo các ác nghiệp, tạo các tà kiến. Một thời gian sau, người ấy mùa đông được vui, mùa hạ chịu khổ. Nếu trăm năm công đức đầy đủ chưa từng bị thiếu; rồi ở trong vòng trăm năm nữa, người ấy tạo các tà kiến, tạo hạnh bất thiện; nó trước chịu tội kia, sau thọ phước nọ.

“Nếu lúc nhỏ làm phước, lúc lớn gây tội, thì đời sau lúc nhỏ hưởng phức, lúc lớn chịu tội

“Nếu lúc nhỏ tạo tội, lớn lên cũng tạo tội, thì người ấy khi đời sau trước khổ sau cũng khổ. 

“Nếu lại lúc nhỏ tạo các công đức, bố thí phân-đàn,[171] (lớn lên cũng tạo các công đức cũng bố thí phân đàn)[172], thì đời sau người ấy trước vui sau cũng vui.

“Này chư Tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này trước khổ mà sau vui, cũng do nhân duyên này trước vui mà sau khổ, cũng do nhân duyên này trước khổ sau cũng khổ, cũng do nhân duyên này trước vui sau cũng vui.”

Tỳ-kheo bạch Phật

“Quả vậy,[173] bạch Thế Tôn, nếu có chúng sanh nào muốn trước vui mà [656a1] sau cũng vui thì nên hành bố thí để cầu trước vui sau cũng vui.” 

Thế Tôn bảo: 

“Thật vậy, Tỳ-kheo, như những lời ông nói. Nếu có chúng sanh nào muốn thành tựu Niết-bàn, và đạo A-la-hán cho đến Phật quả thì ở trong đó phải hành bố thí, tạo công đức

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.” 

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2 
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Hoặc có người thân vui tâm không vui; hoặc có người tâm vui thân không vui; hoặc có người tâm cũng không vui, thân cũng không vui; hoặc có người thân cũng vui tâm cũng vui.

“Những người nào thân vui tâm không vui? Ở đây, người phàm phu tạo phước, đối với bốn sự cúng dường như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, không gì thiếu thốn; nhưng không thoát các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cũng lại không thoát khỏi trong ác thú. Đây gọi là người thân vui tâm không vui.

“Những người nào tâm vui thân không vui? Chỉ những vị A-la-hán không tạo công đức. Ở đây, trong bốn sự cúng dường, tự mình không thể tự lo xong, không bao giờ có được. Chỉ thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Giống như Tỳ-kheo La-hán Duy Dụ.[174] Đó gọi là người này tâm vui thân không vui.

“Những người nào thân cũng không vui, tâm cũng không vui? Là người phàm phu không tạo công đức, không thể có được bốn sự cúng dường như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, lại không thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó gọi là người này thân cũng không vui, tâm cũng không vui.

“Những người nào thân cũng vui, tâm cũng vui? Chỉ cho các A-la-hán tạo công đức, bốn sự cúng dường không gì thiếu thốn như y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, thuốc men trị bệnh. Lại thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó chính là Tỳ-kheo Thi-ba-la[175].

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Cho nên Tỳ-kheo nên cầu phương tiện, như Tỳ-kheo Thi-ba-la. 

“Các Tỳ-kheo hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. 

[656a29] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay Ta sẽ nói về bốn phước của Phạm thiên.[176] Sao gọi là bốn? Thiện nam tử, thiện nữ nhân nơi chưa dựng tháp[177], ở nơi đó mà xây tháp. Đó gọi là phước thứ nhất của Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân tu sửa chùa cũ. Đó gọi là phước thứ hai của Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân tạo sự hòa hợp Thánh chúng. Đó gọi là phước thứ ba của Phạm thiên. Lại nữa, khi Như Lai[178] sắp chuyển pháp luân, chư thiên, người đời khuyến thỉnh chuyển pháp luân. Đó gọi là phước thứ tư của Phạm thiên. Đó gọi là bốn phước của Phạm thiên.”

Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng: 

“Phước của Phạm thiên rốt ráo là nhiều hay ít?” 

Thế Tôn bảo: 

“Lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, nay Ta sẽ nói.” 

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng.” 

Thế Tôn bảo: 

“Cõi Diêm-phù-đề[179] từ Đông Tây, bảy ngàn do tuần, Nam Bắc hai vạn một ngàn do tuần, địa hình giống như chiếc xe. Ở trong đó, công đức có được của chúng sanh cũng bằng công đức của một vị Chuyển luân Thánh vương

“Lại có cõi tên Cù-da-ni dọc ngang ba mươi hai vạn dặm, địa hình như nửa mặt trăng. Các Tỳ-kheo nên biết, công đức của nhân dân trong cõi Diêm-phù-đề và một Chuyển luân Thánh vương so với người ở đó thì chỉ bằng phước của một người thôi. 

“Lại nữa, Tỳ-kheo, Phất-vu-đãi dọc ngang ba mươi sáu vạn dặm, địa hình vuông vức. Nếu tính phước của hai cõi Diêm-phù-đề và Cù-da-ni thì không bằng phước của một người cõi Phất-vu-đãi này. 

“Tỳ-kheo nên biết, Uất-đơn-viết, dọc ngang bốn mươi vạn dặm, địa hình giống như mặt trăng tròn. Nếu tính phước của nhân dân trong ba cõi trên thì cũng không bằng phước của một người ở cõi Uất-đơn-viết. 

“Tỳ-kheo nên biết, nếu tính phước của nhân dân bốn thiên hạ, không bằng đức của Tứ thiên vương. Nếu tính phước nhân dân bốn thiên hạ cùng cõi Tứ thiên vương thì cũng không bằng phước của cõi Tam thập tam thiên. Nếu tính phước của bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, cùng Tam thập tam thiên, cũng không bằng phước của một vị Thích Đề-hoàn Nhân. Nếu tính phước của bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, Tam thập tam cùng Thích Đề-hoàn Nhân, cũng không bằng phước một Diễm thiên. Nếu tính phước bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, Tam thập tam, Thích Đề-hoàn Nhân cùng Diễm thiên thì cũng không bằng phước trời Đâu-suất. Nếu tính phước bốn thiên hạcho đến phước trời Đâu-suất thì cũng không bằng phước trời Hóa tự tại. [656c01] Nếu tính phước bốn thiên hạ, cho đến trời Hóa tự tại cũng chẳng bằng phước trời Tha hóa tự tại. Nếu tính phước từ bốn thiên hạ cho đến cõi trời Tha hóa tự tại cũng chẳng bằng phước đức của Phạm thiên vương

“Tỳ-kheo nên biết, phước của Phạm thiên như vậy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cầu phước đó, theo đây mà suy lường. Cho nên, này Tỳ-kheo, muốn cầu phước Phạm thiên, nên tìm cầu phương tiện để thành tựu công đức này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Chúng sanh có bốn loại thức ăn nuôi lớn chúng sanh.[180] Những gì là bốn? Đó là đoàn thực, hoặc lớn hay nhỏ; xúc thực[181], niệm thựcthức thực. Đây là bốn loại thức ăn

“Sao gọi là đoàn thực? Đoàn thực là như những thức ăn của người hiện nay, vật để đưa vào miệng có thể ăn. Đó gọi là đoàn thực

“Sao gọi là xúc thực*? Xúc thực là chỉ cho y phục, lọng dù, hương hoa, sưởi lửa, dầu thơm hay sự tụ hội với phụ nữ, và những thứ khác được xúc chạm[182] bởi thân thể. Đó gọi là xúc thực

“Sao gọi là niệm thực? Tất cả những niệm tưởng, những gì được niệm tưởng, được tư duy trong ý, những gì được nói bởi miệng, hoặc được xúc bởi thân, cùng những pháp được ghi nhớ. Đó gọi là niệm thực

“Sao gọi là thức thực? Những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý, từ Phạm thiên làm đầu cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, dùng thức làm thức ăn. Đó gọi là thức thực

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại thức ăn này. Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển trong sanh tử, từ đời này sang đời khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả ly bốn loại thức ăn này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn loại biện tài.[183] Những gì là bốn? Đó là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện. 

“Sao gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là những điều nói ra của người này hay người kia, hoặc những điều nói ra từ trời, rồng, quỷ thần, [657a01] đều có thể phân biệt ý nghĩa của chúng. Đó gọi là nghĩa biện

“Sao gọi là pháp biện? Mười hai bộ kinhNhư Lai nói ra bao gồm: Khế kinh, Kỳ dạ, Phúng tụng, Nhân duyên, Thọ ký, Thí dụ, Bổn sanh, Bổn sự, Tự thuyết, Phương đẳng, Hiệp tập, Vị tằng hữu, cùng các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp ấy thật không thể biến hoại, được tổng trì. Đó gọi là pháp biện. 

“Sao gọi là từ biện?[184] Như ở trước chúng sanh, lời nói dài hay ngắn,[185] lời nói nam hay nữ,[186] lời Phật, lời bà-la-môn, thiên long, quỷ thần; những lời được nói bởi A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la nói cho họ;[187] tùy theo căn nguyên của họ mà vì họ thuyết pháp. Đó gọi là từ biện. 

“Sao gọi là ứng biện? Trong lúc thuyết pháp không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện. 

“Nay Ta sẽ bảo các ngươi, phải như ông Ma-ha Câu-hy-la.[188] Vì sao vậy? Vì Câu-hy-la có đủ bốn biện tài này, hay vì chúng bốn bộ mà rộng phân biệt giảng nói. Như hôm nay, Ta thấy trong các chúng, được bốn biện tài không có ai hơn được Câu-hy-la, như Như Lai có được bốn biện tài này. Này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tự bốn biện tài này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn sự trọn không thể nghĩ bàn. Những gì là bốn? Chúng sanh không thể nghĩ bàn, thế giới không thể nghĩ bàn, quốc độ của loài rồng không thể nghĩ bàn và, cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn.[189] Vì sao vậy? Vì không do nơi này đưa đến tận diệt Niết-bàn.

“Vì sao chúng sanh không thể nghĩ bàn? Các chúng sanh này từ đâu đến? Đi về đâu? Lại từ đâu sinh khởi? Chết ở đây sẽ sinh về đâu? Chúng sinh không thể nghĩ bàn là như vậy.

“Vì sao thế giới không thể nghĩ bàn? Những người có tà kiến hoặc cho rằng thế giới đoạn diệt, thế giới chẳng đoạn diệt; thế giới hữu biên, thế giới vô biên; mạng tức là thân, mạng chẳng phải là thân; thế giới này do Phạm thiên tạo ra, hay các đại quỉ thần tạo ra?” 

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

 [657b01]Phạm Thiên tạo nhân dân?

Quỉ thần tạo thế gian?

Hay thế gian tạo ra quỷ?

Lời này ai sẽ định?

Bị dục sân trói buộc,

Cả ba đều đồng đẳng.

Tâm không được tự tại,

Thế tụctai biến.

“Này Tỳ-kheo, thế gian không thể nghĩ bàn là như vậy. 

“Vì sao cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn? Mưa này là từ miệng rồng phun ra hay sao? Vì sao vậy? Vì những hạt nước mưa chẳng phải từ miệng rồng phun ra vậy. Vậy thì từ mắt, tai, mũi của rồng mà ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì hạt nước mưa không phải là từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra mà chỉ là những gì được niệm tưởng trong ý rồng. Nếu niệm ác, cũng mưa; hay niệm thiện, cũng mưa. Do bản hành mà tạo mưa này. Sở dĩ như vậy, nay trong bụng núi Tu-di lại có trời tên là Đại Lực, biết được những ý nghĩ của tâm chúng sanh, cũng có thể tạo mưa. Nhưng mưa không ra từ miệng trời kia, hay ra từ mắt, tai, mũi mà đều do trời kia có thần lực nên có thể làm mưa. Cũng vậy, Tỳ-kheo, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn.

“Vì sao cảnh giới Phật quốc không thể nghĩ bàn? Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai hấp thụ các khí trời, thanh tịnh không cấu uế. Là do người tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì vượt qua hành động con người. Thân Như Lai là thân Trời[190] chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai không thể tạo tác, chẳng phải chỗ chư thiên với tới. Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc. Như Laitrường thọ chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai xoay vần cùng khắp thế gian, cùng tương ưng với các phương tiện thiện xảo, nên thân của Như Lai không thể suy lường, không thể nói cao nói thấp, âm thanh cũng không thể định chuẩn Phạm âm Như Lai. Trí tuệ biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ nhân dân sánh bằng. Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn như vậy. 

“Như vậy, Tỳ-kheo, có bốn trường hợp này không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ người thường nghĩ bàn. Nhưng bốn sự này không có gốc rễ thiện, cũng chẳng do đây mà được tu phạm hạnh, không đưa đến được chốn an chỉ,[191] [657c01] cho đến không đạt đến chỗ Niết-bàn. Chỉ khiến người tâm cuồng mê, ý thác lọan, khởi các nghi kết. Vì sao vậy? 

Các Tỳ-kheo nên biết, thuở quá khứ lâu xa, trong thành Xá-vệ này có một người bình thường suy nghĩ như vầy, ‘Nay ta phải tư duy về thế giới.’ Rồi người kia ra khỏi thành Xá-vệ, ở cạnh một hồ sen, ngồi kiết già tư duy về thế giới: ‘Thế giới này thành thế nào? Hoại thế nào? Ai tạo thế giới này? Chúng sanh này từ đâu đến? Từ đâu xuất hiện? Sinh lúc nào?’ Khi người kia đang trầm tư, ngay lúc đó nó thấy trong ao nước có bốn binh chủng ra vào, nó nghĩ thầm, ‘Nay ta tâm cuồng mê, ý thác loạn, điều mà thế gian không có, nay ta thấy có.’ Người kia bèn trở vào thành Xá-vệ, đi trong một ngõ đường nói rằng, ‘Các hiền giả nên biết, điều mà thế giới là không nay tôi thấy có.’ 

“Bấy giờ, số đông người hỏi người kia, ‘Điều mà thế giới không có nay ông thấy nó, là thế nào?’ Người kia trả lời mọi người: ‘Vừa qua, để tư duy rằng thế giới sinh từ đâu, tôi ra khỏi thành Xá-vệ, ở bên ao sen, trầm tư rằng thế giới từ đâu đến? Ai tạo ra thế giới này? Các loài chúng sanh này từ đâu đến? Do ai đã sanh ra? Khi mệnh chung, sẽ sanh về chỗ nào? Lúc tôi đang suy nghĩ, ngay lúc đó tôi thấy trong ao nước có bốn binh chủng ra vào. Điều mà thế giới không có nay tôi thấy có.’ 

“Khi ấy, mọi người bảo người kia, ‘Như ông thì thật cuồng ngu. Trong ao nước làm sao có thể có bốn binh chủng. Những người cuồng mê trong thế gian, ông là tối thượng.’

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, Ta đã từng quán sát nghĩa này rồi cho nên bảo các ngươi vậy. Vì sao vậy? Vì đây chẳng là công đức của gốc thiện, không khiến tu phạm hạnh được, cũng lại dẫn đến được Niết-bàn xứ. Nhưng suy gẫm điều này, thời khiến con người tâm cuồng, ý thác loạn. Song, các Tỳ-kheo nên biết, người kia thật đã thấy bốn binh chủng. Vì sao vậy? Vì xưa kia chư Thiên và A-tu-la đánh nhau. Lúc đang đánh nhau, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la thua trận. Khi ấy, A-tu-la cảm thấy lo sợ, nên hóa thân cực nhỏ chui vào lỗ ngó sen, mắt Phật mới thấy được, ngoài ra chẳng có ai khác thấy đến. 

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tư duy bốn đế. Vì sao vậy? Vì [658a01] bốn đế này có nghĩa, có lý, khiến tu phạm hạnh được, hành pháp Sa-môn, đến được Niết-bàn. Vì vậy, các Tỳ-kheo, hãy xả ly các pháp của thế gian này, nên tìm cầu phương tiện tư duy bốn đế. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn thứ thần túc.[192] Sao gọi là bốn? Đó là tự tại tam-muội hành tận thần túc, tâm tam-muội hành tận thần túc, tinh tấn tam-muội hành tận thần túc và, giới tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là tự tại tam-muội hành tận thần túc[193]? Nghĩa là những ai có tam-muội mà tự tại đối với những gì ý muốn, tâm ưa thích, khiến thân thể nhẹ nhàng, có thể ẩn thân cực nhỏ. Đó gọi là thần túc thứ nhất.

“Sao gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc[194]? Nghĩa là tâm biết pháp phổ biến khắp mười phương, vách đá đều vượt qua không gì trở ngại. Đó gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc[195]? Nghĩa là tam-muội này không có lười mỏi, cũng không sợ hãi, có ý dõng mãnh. Đó gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là giới tam-muội hành tận thần túc[196]? Những ai có tam-muội này biết những ý nghĩ trong tâm chúng sanh, lúc sanh lúc diệt, thảy đều biết cả; có tâm dục hay không có tâm dục, có tâm sân nhuế hay không có tâm sân nhuế, có tâm ngu si hay không có tâm ngu si, có tâm ganh ghét hay không có tâm ganh nghét, có tâm loạn hay không tâm loạn, có tâm hẹp hòi hay không có tâm hẹp hòi, có tâm rộng lớn hay không có tâm rộng lớn, có tâm hạn lượng hay không tâm hạn lượng, có tâm định hay không tâm định, có tâm giải thoát hay không tâm giải thoát, tất cả đều biết rõ. Đó gọi là giới tam-muội hành tận thần túc.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn loại thần túc, nếu muốn biết những ý nghĩ trong tâm của tất cả chúng sanh, hãy tu hành bốn thần túc này. 

“Các Tỳ-kheo hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn pháp sinh khởi ái.[197] Khi Tỳ-kheo sinh khởi ái, nó liền khởi. Sao gọi là bốn? Tỳ-kheo do duyên y phục [658b01] nên có ái sinh khởi; do khất thực nên có ái sinh khởi; do chỗ nằm ngồi nên có ái sinh khởi; do thuốc men nên có ái sinh khởi. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp này sinh khởi ái, có chỗ nhiễm đắm. 

“Nếu trong đây Tỳ-kheo đắm trước y phục, Ta không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được y, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước. 

“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước thức ăn, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa khất thực được, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước. 

“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước chỗ nằm ngồi, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được giường chiếu, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước. 

“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước thuốc men, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được thuốc men, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước. 

“Tỳ-kheo nên biết, nay Ta sẽ nói hai việc về y phục: đáng thân cận, và không nên thân cận. 

“Sao gọi là đáng thân cận? Sao gọi là không nên thân? Nếu khi được y phục, vì quá ái trước y phục nên khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu khi được y phục mà khởi thiện pháp, tâm không ái trước; đây nên thân cận. Nếu khi khất thực mà khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp thiện; đây nên thân cận. Nếu được giường nằm, chỗ ngồi, mà khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu được giường nằm, chỗ ngồi, mà khởi pháp thiện; đây cũng nên thân cận. Đối với thuốc men cũng như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên thân cận pháp thiện, trừ bỏ pháp ác. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy, để cho muốn khiến đàn-việt thí chủ kia được công đức, hưởng phước vô cùng, được cam lồ tịch diệt.”

 Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Y phục để bố thí,

Thức ăn, chỗ nằm ngồi,

Trong đó chớ khởi ái,

Chẳng sanh các thế giới

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay có bốn con sông lớn, nước từ ao A-nậu-đạt chảy ra.[198] Những gì là bốn? Đó là Hằng-già,[199] Tần-đầu[200], Bà-xoa[201] và Tư-đà[202]. Nước Hằng-già kia phát nguyên từ cửa khẩu Ngưu đầu,[203] chảy về hướng Đông. Sông Tân-đầu [658c01] phát nguyên từ cửa khẩu Sư tử,[204] chảy về hướng Nam. Sông Tư-đà phát nguyên từ cửa Tượng khẩu,[205] chảy về hướng Tây. Sông Bà-xoa phát nguyên từ cửa Mã khẩu,[206] chảy về hướng Bắc. Bấy giờ, nước của bốn con sông lớn sau khi chảy quanh ao A-nậu-đạt, rồi sông Hằng-già chảy vào biển Đông, sông Tân-đầu chảy vào biển Nam, sông Bà-xoa chảy vào biển Tây, sông Tư-đà chảy vào biển Bắc. Sau khi bốn con sông lớn này chảy vào biển rồi, không còn tên gọi trước nữa mà chỉ gọi chung là biển. 

“Ở đây cũng vậy, có bốn chủng tánh. Bốn chủng tánh ấy là gì? Đó là sát- lợi, bà-la-môn, trưởng giảcư sĩ. Ở chỗ Như Lai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì, không còn dòng họ cũ nữa mà chỉ gọi là Sa-môn đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì chúng Như Lai cũng như biển lớn, bốn đế cũng như bốn sông lớn, diệt trừ kết sử khiến vào thành Niết-bàn vô úy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những ai trong bốn chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, họ sẽ diệt tên họ trước kia, tự gọi là đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì nay Ta chính là con của họ Thích-ca, từ dòng họ Thích xuất gia, học đạo

“Các Tỳ-kheo nên biết, muốn nói về ý nghĩa của con đẻ, phải gọi là Sa-môn con nhà họ Thích. Vì sao vậy? Vì sinh đều từ Ta sinh ra, từ pháp mà khởi, từ pháp mà thành.[207] Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để được làm con nhà họ Thích

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Có bốn loại tâm. Những gì là bốn? Đó là từ, bi, hỷ, xả. Vì sao được gọi là Phạm trụ[208]? 

“Các Tỳ-kheo nên biết, có Phạm, Đại Phạm tên là Thiên,[209] không ai ngang bằng, không có ai trên hơn, thống lãnh ngàn quốc giới, cung điện nơi đây gọi là Phạm trụ.

“Tỳ-kheo, thế lực mà bốn Phạm trụ này có được, là có thể quan sát hàng nghìn quốc giới này, cho nên được gọi là Phạm trụ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào muốn vượt qua các trời Dục giới mà lên địa vị vô dục, chúng bốn bộ kia nên tìm cầu phương tiện thành tựu bốn Phạm trụ này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[210]

30. PHẨM TU-ĐÀ

KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại núi Ba-sa,[211] nước Ma-kiệt cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn ra ngoài tịnh thất kinh hành. Lúc đó, Sa-di Tu-đà[212] kinh hành theo sau Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn quay lại hỏi Sa-di:

“Nay Ta muốn hỏi nghĩa ngươi. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Sa-di Tu-đà đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo:

“Có sắc thường và sắc vô thường, chúng là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?”

Sa-di Tu-đà bạch Phật:

“Có sắc thường và sắc vô thường, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì sắc thường ở trong và sắc vô thường ở ngoài, vì vậy cho nên nghĩa chúng có nhiều, chẳng phải là một.”

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những lời ngươi đã khéo nói nghĩa này. Sắc thường, sắc vô thường, nghĩa này nhiều, không phải một nghĩa. Thế nào, Tu-đà, nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu, là một nghĩa hay nhiều nghĩa?”

Sa-di Tu-đà thưa:

“Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu, là nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa hữu lậukết sử sinh tử, nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn. Vì vậy cho nên nghĩa có nhiều, không phải một nghĩa.”

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Hữu lậusinh tử, vô lậu là Niết-bàn.” 

Thế Tôn lại hỏi:

“Pháp tụ, pháp tán, là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?”

Sa-di Tu-đà bạch Phật rằng:

“Sắc của pháp tụ, sắc của pháp tán, [659b01] nghĩa này là nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì sắc của pháp tụthân tứ đại; sắc của pháp tán là khổ tận đế. Vì vậy nên nói nghĩa có nhiều, không phải một nghĩa.”

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Sắc của pháp tụ, sắc của pháp tán có nhiều nghĩa, không phải một nghĩa.

“Thế nào, Tu-đà, nghĩa thủ[213], nghĩa uẩn là một nghĩa hay có nhiều nghĩa?”

Sa-di Tu-đà bạch Phật rằng:

“Nghĩa của thủ cùng uẩn có nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì thủ thì vô hình không thể thấy; uẩn thì có sắc có thể thấy. Vì vậy cho nên có nhiều nghĩa, không phải một nghĩa.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Nghĩa của thủ, của uẩ; có nhiều nghĩa, chẳng phải một.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Có tự, không có tự[214], có nhiều nghĩa không phải một nghĩa. 

Sa-di bạch Phật:

“Hữu tự, vô tự có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì có tự là kết sinh tử, không có tự là Niết-bàn. Cho nên nói có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Có tự là sinh tử, không có tự là Niết-bàn.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, Tu-đà, vì sao nói có tự là sinh tử, không có tự là Niết-bàn?”

Sa-di bạch Phật:

“Có tự thì có sinh có tử, có tận cùng, có khởi thủy. Không có tự thì không sinh không tử, không tận cùng, không khởi thủy.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Có tự là pháp sinh tử; không có tự là pháp Niết-bàn.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Sa-di tiếp: 

“Ngươi khéo nói những lời này. Nay Ta cho phép ngươi làm đại Tỳ-kheo[215].”

Bấy giờ, Thế Tôn trở về giảng đường Phổ tập bảo các Tỳ-kheo: 

“Đất nước Ma-kiệt rất được thiện lợi, nên khiến Sa-di Tu-đà đến đất nước này. Ai đem y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh cúng dường cũng sẽ được thiện lợi. Cha mẹ sinh ra ông cũng được thiện lợi, vì đã sinh ra Tỳ-kheo Tu-đà này. Nếu Tỳ-kheo Tu-đà sinh vào gia đình nào, gia đình đó được đại hạnh này. Nay Ta bảo các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo Tu-đà này rất là thông minh, thuyết pháp thông suốt, cũng không khiếp nhược. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại Ca-lan-đà, [659b29] trong Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp cho vô số chúng vây quanh trước sau. Khi ấy, có một trưởng lão Tỳ-kheo ở trong chúng này duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ. Sa-di Tu-ma-na bấy giờ mới lên tám, ngồi kết già, chú niệm trước mắt, cách Thế Tôn không xa. Bấy giờ, Thế Tôn đưa mắt nhìn trưởng lão Tỳ-kheo đang duỗi chân mà ngủ; lại nhìn Sa-di ngồi thẳng tư duy. Thế Tôn sau khi thấy vậy, liền nói kệ này:

Được gọi là Trưởng lão

Chưa hẵn do râu tóc. 

Tuổi tác dù đã lớn,

Không khỏi làm việc ngu.

Ai có pháp kiến đế,

Không gây hại sinh linh,

Xả các hành ô uế, 

Đó gọi là Trưởng lão.

Nay Ta gọi Trưởng lão,

Không vì xuất gia trước.

Ai có nghiệp gốc thiện,

Phân biệt nơi chánh hành;

tuổi trẻ ấu niên,

Các căn không thủng, sứt,

Đó mới gọi trưởng lão,

Phân biệt hành chánh pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi có thấy Trưởng lão duỗi chân mà ngủ không?”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng con đều thấy.”

Thế Tôn bảo:

“Trưởng lão Tỳ-kheo này trong vòng năm trăm năm thường làm thân rồng. Nay mà mạng chung cũng sẽ sinh vào trong loài rồng. Sở dĩ như vậy là vì không có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào loài rồng. Các ngươi có thấy Sa-di Tu-ma-na tuổi vừa lên tám, ngồi thẳng tư duy, cách Ta không xa không?”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Sa-di này, ngay sau đây bảy ngày sẽ đạt được bốn thần túc, cùng đắc pháp bốn đế, được tự tại trong bốn thiền, khéo tu bốn chánh đoạn. Sở dĩ như vậy là vì Sa-di Tu-ma-na này có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng. Vì vậy cho nên, các Tỳ-kheo hãy luôn luôn siêng năng cung kính Phật, Pháp và Thánh chúng. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
[660a01] Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi đại Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, có Trưởng giả tên Cấp Cô Độc[216] lắm tiền nhiều của, vàng bạc, trân bảo, xa-cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu li, voi ngựa, trâu dê, nô tì, tôi tớ không thể kể hết. Lúc ấy, trong thành Mãn phú[217] có Trưởng giả tên Mãn Tài[218] cũng lắm tiền nhiều của, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu li, voi ngựa, trâu dê, nô tì, tôi tớ không thể điếm hết. Thuở nhỏ, ông là bạn cũ tốt của Cấp Cô Độc, yêu kính nhau, chưa từng quên nhau. Trưởng giả Cấp Cô Độc thường xuyên có mấy nghìn vạn hàng hóa trân quý để mua bán trong thành Mãn phú kia, nhờ trưởng giả Mãn Tài quản lý, kinh doanh. Trưởng giả Mãn Tài cũng có mấy nghìn vạn hàng hóa trân quý để mua bán tại trong thành Xá-vệ, nhờ trưởng giả Cấp Cô Độc quản lý, kinh doanh. 

Bấy giờ, Cấp Cô Độc có người con gái tên là Tu-ma-đề,[219] nhan sắc xinh đẹp như màu hoa đào, hiếm có trên đời. Trưởng giả Mãn Tài có một ít việc đến thành Xá-vệ, đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Đến nơi, ông ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi ấy, cô gái Tu-ma-đề từ trong phòng riêng ra. Trước tiên, cô quỳ lạy cha mẹ, sau quỳ lạy trưởng giả Mãn Tài, rồi về phòng riêng lại.

Trưởng giả Mãn Tài sau khi thấy con gái Tu-ma-đề nhan sắc xinh đẹp, như màu hoa đào hiếm có trên đời, bèn hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:

“Đây là con gái nhà ai?”

Cấp Cô Độc đáp:

“Cô gái vừa rồi là con đẻ của tôi.”

Trưởng giả Mãn Tài nói:

“Tôi có đứa con trai nhỏ chưa có hôn ước. Cô có thề làm dâu nhà tôi được không?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc liền đáp:

“Việc này không nên.”

Trưởng giả Mãn Tài nói:

“Vì lẽ gì mà việc này không nên? Vì giòng họ hay vì của cải?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:

“Giòng họ, của cải, đều tương xứng. Nhưng việc ông thờ phụng thần linh không giống với tôi. Con gái tôi thờ Phật, đệ tử Thích-ca. Còn các ông thờ dị học ngoại đạo. Vì vậy cho nên không theo ý ông được.”

Trưởng giả Mãn Tài nói:

“Việc thờ phụng của chúng tôi, chúng tôi sẽ tế tự riêng. Việc thờ ai của con gái ngài, cô ấy sẽ tự cúng dường riêng.”

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:

“Con gái tôi nếu phải gả cho nhà ông, tài bảo [660b01] bỏ ra không thể kể xiết. Trưởng giả phải bỏ ra tài bảo không thể kể hết.”

Trưởng giả Mãn Tài nói:

“Nay ông đòi bao nhiêu tài bảo?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:

“Nay tôi cần sáu vạn lượng vàng.”

Trưởng giả Mãn Tài liền trao ngay cho sáu vạn lượng vàng. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại nghĩ thầm: “Ta đã tìm cách từ khước trước, nhưng vẫn không thể ngăn cản được.” Ông nói với Trưởng giả kia rằng:

“Nếu tôi gả con gái, tôi phải đi hỏi Phật. Nếu Thế Tôn có dạy bảo điều gì, tôi sẽ làm theo.”

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc lấy cớ có công việc cần đi một lát. Ông ra khỏi cửa, đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn:[220]

“Con gái Tu-ma-đề của con được trưởng giả Mãn Tài trong thành Mãn phú cầu hôn. Con có nên gả hay không nên gả?”

Thế Tôn bảo:

“Nếu con gái Tu-ma-đề về nước kia, sẽ mang lại nhiều lợi ích, độ thoát nhân dân không thể kể hết.”

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc nghĩ thầm: “Thế Tôn đã dùng trí phương tiện bảo nên gả sang nước kia.” Rồi ông đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, và cáo lui. Về đến nhà, ông sai bày biện các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt thết đãi trưởng giả Mãn Tài.

Trưởng giả Mãn Tài nói:

“Tôi đâu cần sự ăn uống này. Nhưng ông có gả con gái cho con tôi?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc nói:

“Đã muốn vậy, tôi thuận theo ý ông. Mười lăm ngày sau bảo con trai ông đến đây.”

Nói những lời như vậy xong, cáo lui từ giả.

Bấy giờ, Trưởng giả Mãn Tài sửa soạn đầy đủ những vật cần thiết, đi xe lông chim đến trong khoảng tám mươi do tuần[221]. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại trang điểm cho con gái mình, tắm gội xông hương, đánh xe lông chim đưa con gái đi đón con trai trưởng giả Mãn Tài. Giữa đường họ gặp nhau. Khi trưởng giả Mãn Tài nhận được cô gái, ông liền đưa về trong thành Mãn phú.

Bấy giờ, nhân dân trong thành Mãn phú có ra hạn chế: “Trong thành này, nếu có người nữ nào đem gả cho người nước khác thì sẽ chịu hình phạt nặng. Nếu lại đến nước khác hỏi vợ đem vào nước thì cũng chịu hình phạt nặng.” Trong nước ấy có sáu nghìn bà-la-môn. Người trong nước đều tuân theo hạn chế này. Có điều lệ: “Nếu ai phạm luật thì phải đãi cơm cho sáu nghìn bà-la-môn.” 

Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài tự biết mình đã phạm luật, nên đãi cơm cho sáu nghìn bà-la-môn. Song, món ăn của các bà-la-môn đều dùng thịt heo, canh thịt heo và [660c01] rượu được chưng lại. Y phục của các bà-la-môn thì hoặc bằng giạ trắng, hoặc bằng lông thú. Nhưng theo pháp của các bà-la-môn, khi vào nước thì phải lấy y vắt lên vai phải, để lộ nửa thân.

Bấy giờ, Trưởng giả bạch:

“Đã đến giờ, cơm nước đã đủ.”

Khi ấy, sáu nghìn bà-la-môn đều vắt xiêm y một bên, để lộ nửa thân, vào nhà Trưởng giả. Trưởng giả thấy các bà-la-môn đến, ông bò trên đầu gối đến rước đón, và làm lễ cung kính. bà-la-môn lớn nhất đưa tay khen tốt, ôm cổ trưởng giả, rồi đến chỗ ngồi. Các bà-la-môn khác tùy theo thứ lớp mà ngồi.

Sau khi sáu nghìn bà-la-môn đã định chỗ ngồi xong, trưởng giả bảo cô Tu-ma-đề rằng:

“Con hãy sửa soạn ra làm lễ thầy chúng ta.”

Cô Tu-ma-đề thưa:

“Thôi, thôi, Đại gia! Con không thể làm lễ những vị khỏa thân được.”

Trưởng giả nói:

“Đây không phải là những vị khỏa thân, không biết xấu hổ. Nhưng những y phục mặc này là pháp phục của họ.”

Cô Tu-ma-đề thưa:

“Đây là những người không biết hổ thẹn, tất cả đều để lộ thân hình ra bên ngoài. Có dùng pháp phục gì đâu. Xin Trưởng giả nghe con. Thế Tôn cũng nói có hai nhân duyên của sự mà người đời quí là có tàm, có quý. Nếu không có hai sự này, năm thân: cha, mẹ, anh, em, giòng họ, thảy đều không phân biệt người trên, kẻ dưới. Nếu như vậy cũng đồng như các loài gà, chó, heo, dê, lừa, loa, đều không có tôn ti. Do có hai pháp này ở thế gian nên biết có tôn ti trật tự. Nhưng những người này bỏ hai pháp này, giống như cùng loại với gà, chó, heo, dê, lừa, loa. Thật tình con không thể làm lễ họ được.”

Chồng Tu-ma-đề bảo vợ:

“Nay cô hãy đứng lên làm lễ thầy chúng ta. Những vị này đều là Trời mà tôi phụng sự.”

Cô Tu-ma-đề đáp:

“Hãy thôi đi công tử. Tôi không thể làm lễ những người lõa hình không biết hổ thẹn này. Nay tôi là người làm lễ lừa, chó sao!”

Người lại chồng nói:

“Thôi, thôi, quí nữ, chớ nói vậy. Hãy giữ miệng cô, chớ có xúc phạm. Họ cũng chẳng phải lừa, lại chẳng phải dối gạt, nhưng những thứ họ đang mặc chính là pháp y.”

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề rơi lệ khóc lóc, nhan sắc biến đổi, và nói như vầy:

“Cha mẹ năm thân của tôi thà chịu hủy hoại thân hình, phân thây năm đoạn[222] mà chết, nhất định không rơi vào tà kiến này.” 

Lúc đó, sáu nghìn bà-la-môn, đồng lớn tiếng nói:

“Thôi, thôi, Trưởng giả! [661a01] Có gì khiến con tiện tì này mắng chửi như vậy? Nếu có thỉnh mời, đúng giờ hãy bày biện đồ ăn thức uống ra đi!”

Trưởng giả cùng chồng Tu-ma-đề bấy giờ bày biện thịt heo, canh thịt heo, rượu chưng lại, khiến sáu nghìn bà-la-môn đều ăn đầy đủ. Các bà-la-môn ăn xong, bàn luận chút ít, rồi đứng lên ra về.

Khi ấy, trưởng giả Mãn Tài ở trên lầu cao, phiền oán sầu hận, ngồi tư duy một mình: “Nay ta đem cô gái này về liền bị phá nhà, không khác nào làm nhục nhà cửa ta.” Trong lúc đó, có bà-la-môn tên Tu-bạt, đã đạt ngũ thông và đắc tứ thiền. Trưởng giả Mãn Tài tỏ ra quí trọng. bà-la-môn Tu-bạt nghĩ thầm: “Ta cùng trưởng giả xa nhau đã lâu ngày, nay hãy ghé thăm.” Bà-la-môn vào thành Mãn Phú đến nhà Ttrưởng giả, hỏi người giữa cửa rằng:

“Trưởng giả nay đang làm gì?”

Người giữa cửa đáp:

“Trưởng giả ở trên lầu, đang rất sầu ưu. Rất không thể nói chuyện.”

Bà-la-môn bèn đi tắt lên trên lầu, gặp trưởng giả. Bà-la-môn hỏi trưởng giả:

“Cớ gì mà ông sầu ưu đến như vậy? Không phải bị huyện quan, trộm cướp, tai biến nước lửa gây ra chăng? Cũng không phải trong nhà không hòa thuận chăng?”

Trưởng giả đáp:

“Không có tai biến huyện quan, trộm cướp. Nhưng trong gia đình có chút chuyện nhỏ không như ý.”

Bà-la-môn hỏi:

“Mong được nghe câu chuyện ấy, và do bởi duyên cớ gì.”

Trưởng giả đáp:

“Hôm qua, tôi cưới vợ cho con trai, lại phạm luật nước, thân tộc bị nhục. Có mời các thầy đến nhà, bảo vợ con trai ra làm lễ mà nó không vâng lời.”

Bà-la-môn Tu-bạt nói:

“Cưới hỏi gần xa, nhà cô này ở nước nào?”

Trưởng giả đáp:

“Cô này là con gái của trưởng giả Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ.”

Khi bà-la-môn Tu-bạt nghe những lời này rồi, ngạc nhiên kinh dị, hai tay bịt tai nói rằng:

“Ối chao! Trưởng giả! Quá kỳ lạ! Chuyện hiếm có! Cô này vẫn còn sống, không tự sát, không gieo mình xuống lầu, thì thật là may lớn. Vì sao vậy? Vì Thầy mà cô này phụng thờ đều là người phạm hạnh. Hôm nay mà còn sống thì thật là chuyện lạ!”

Trưởng giả nói:

“Tôi nghe những lời của ngài lại muốn phì cười. Vì sao vậy? Ngài là dị học ngoại đạo, tại sao khen ngợi hạnh của Sa-môn dòng họ Thích? Thầy của cô này phụng thờoai đức gì? Có thần biến gì?”

bà-la-môn đáp:

“Trưởng giả! Muốn nghe thần đức của Thầy cô này chăng? Nay tôi sẽ kể sơ nguồn gốc này.”

Trưởng giả nói:

“Mong được nghe [661b01] nói về điều đó.”

bà-la-môn nói:

“Trước kia, khi sống tại bắc Tuyết sơn, tôi đi khất thực trong nhân gian. Được thức ăn rồi, tôi bay đến suối A-nậu-đạt. Lúc trời, rồng, quỷ thần ở đó từ xa thấy tôi đến, đều cầm đao kiếm đến chỗ tôi cùng bảo tôi rằng: ‘Tiên sĩ Tu-bạt, chớ đến bên suối này, chớ làm bẩn suối này. Nếu không nghe lời ta, ta lấy ngay mạng sống của ông.’

“Tôi nghe những lời này, liền đi khỏi suối này không xa mà ăn. Trưởng giả nên biết, Thầy cô này phụng thờ có người đệ tử nhỏ nhất tên là sa-di Quân-đầu.[223] Sa-di này cũng đến bắc Tuyết sơn nầy khất thực, bay đến suối A-nậu-đạt, tay cầm y người chết ở nghĩa trang dính dầy máu nhơ. Khi ấy, đại thần A-nậu-đạt, trời, rồng, quỷ thần, đều đứng dậy tiến lên cung kính nghinh đón thăm hỏi: Xin chào thầy của loài người. Ngài có thể ngồi đây. Sa-di Quân-đầu đến bên suối nước. 

“Lại nữa, trưởng giả, chính giữa suối nước hiện có cái bàn vàng ròng. Sa-di Quân-đầu lấy y người chết này ngâm vào trong nước, sau đó ngồi ăn. Ăn xong, rửa bát, rồi ngồi kiết già ở trên bàn vàng, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập vào sơ thiền. Từ sơ thiền xuất, nhập vào nhị thiền. Từ nhị thiền xuất, nhập vào tam thiền. Từ tam thiền xuất, nhập vào tứ thiền. Từ tứ thiền xuất, nhập vào không xứ. Từ không xứ xuất, nhập vào thức xứ. Từ thức xứ xuất, nhập vào vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ xuất, nhập vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào diệt tận định. Từ diệt tận định xuất, nhập vào diễm quang tam-muội. Từ diễm quang tam-muội xuất, nhập vào thủy khí tam-muội. Từ thủy khí tam-muội xuất, nhập vào diễm quang tam-muội. Kế đó, lại nhập vào diệt tận định, lại nhập vào phi tưởng phi phi tưởng xứ tam-muội, lại nhập vô sở hữu xứ tam-muội, lại nhập thức xứ tam-muội, lại nhập không xứ tam-muội, lại nhập tứ thiền, lại nhập tam thiền, lại nhập nhị thiền, lại nhập sơ thiền. Từ sơ thiền xuất mà giặt y người chết. Lúc ấy, trời, rồng, quỷ thần hoặc giúp vò đạp y, hoặc lấy nước, hay lấy nước uống. Giặt y xong, đem phơi nơi chỗ trống. Sau khi thu xếp y xong, Sa-di kia liền bay lên không trung, trở về chỗ ở. 

“Trưởng giả nên biết, lúc đó tôi chỉ từ xa [661c01] nhìn thấy chứ không được gần. Thầy của cô này phụng sự, mà đệ tử nhỏ nhất còn có thần lực này, huống chi là những vị đại đệ tử, làm sao ai có thể sánh bằng? Huống chi vị Thầy kia là Như Lai Chí chơn, Chánh đẳng Chánh giác, ai có thể sánh kịp? Xét nghĩa này xong, nên tôi nói: Thật là kỳ lạ, cô này có thể không tự sát, không dứt mạng căn!”

Lúc đó, trưởng giả nói với bà-la-môn rằng:

“Chúng tôi có thể gặp được Thầy của cô ta phụng thờ chăng?”

Bà-la-môn đáp:

“Có thể hỏi lại cô ấy.”

Trưởng giả bèn hỏi cô Tu-ma-đề:

“Nay ta muốn được gặp Thầy mà con phụng thờ. Con có thể thỉnh về đây được không?”

Sau khi nghe xong, cô vui mừng hớn hở, không tự chế được, liền nói:

“Xin chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ. Ngày mai, Như Lai sẽ đến đây cùng với Tăng Tỳ-kheo.”

Trưởng giả bảo:

“Nay con tự mời, ta không biết cách.”

Bấy giờ, con gái trưởng giả tắm gội thân thể, tay bưng lò hương lên trên lầu cao, chấp tay hướng về Như Lai mà bạch:

“Nguyện xin Thế Tôn, đấng Vô năng kiến đảnh,[224] mong quán sát rõ nơi này. Nhưng Thế Tôn không việc gì không biết, không việc gì không xét. Nay con đang ở chỗ nguy khốn này, cúi xin Thế Tôn quán sát rõ cho.”

Rồi cô tán thán bằng bài kệ này:

Con mắt Phật quán sát,

Thấy khắp nơi thế gian.

Hàng phục quỷ, thần vương;

Hàng phục qủy tử mẫu.

Như quỉ ăn người kia, 

Lấy ngón tay làm chuổi;

Sau lại muốn hại mẹ

Nhưng bị Phật hàng phục.

Lại nơi thành La-duyệt,

Voi dữ muốn đến hại,

Thấy Phật, tự qui phục.

Chư thiên khen lành thay!

Lại đến nước Mã-đề,

Gặp long vương hung ác;

Thấy lực sĩ Mật-tích,

Long vương tự qui phục.

Biến hóa kể không hết,

Đều đưa vào đạo chánh.

Nay con lại gặp nguy

Cúi xin Phật đoái hoài.

Bấy giờ hương như mây,

Lơ lững giữa hư không,

Xâm nhập khắp Kỳ-hoàn,

Hiện ở trước Như Lai.

Chư Thích giữa hư không

Vui mừng mà làm lễ.

[662a01] Lại thấy hương trước mặt,

Tu-ma-đề thỉnh cầu.

Mưa xuống nhiều loại hoa,

Không làm sao kể hết.

Tràn khắp rừng Kỳ-hoàn,

Như Lai cười phóng quang.

Bấy giờ, A-nan thấy trong Kỳ-hoàn có mùi hương vi diệu, bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. A-nan bạch Thế Tôn:

“Cúi xin Thế Tôn, đây là loại hương gì mà lan khắp trong tinh xá Kỳ-hoàn?”

Thế Tôn bảo:

“Hương này là do sứ giả của Phật mang điều thỉnh cầu của cô Tu-ma-đề trong thành Mãn phú. Nay ngươi hãy gọi các Tỳ-kheo họp hết một chỗ mà bốc xá-la[225] và ra lệnh này: ‘Các Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, đắc thần túc hãy nhận thẻ. Sáng ngày mai hãy đến trong thành Mãn phú nhận lời thỉnh của Tu-ma-đề.’” 

A-nan bạch Phật:

“Kính vâng Thế Tôn!”

A-nan nhận vâng lời Thế Tôn, họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ hội, nói:

“Các vị nào đắc đạo A-la-hán thì hãy lấy thẻ. Ngày mai đến nhận thỉnh cầu của Tu-ma-đề.”

Ngay lúc đó, một Thượng tọa trong chúng Tăng, tên là Quân-đầu-ba-hán[226] đắc Tu-đà-hoàn, kết sử chưa diệt tận, không được thần túc. Thượng tọa này nghĩ thầm: ‘Nay trong đại chúng, ta là hàng Thượng tọa lớn, mà kết sử lại chưa dứt, chưa được thần túc. Ngày mai, ta không được đến trong thành Mãn phú thọ thực. Song, trong chúng của Như Lai, vị Sa-di hạ tọa nhỏ nhất tên là Quân-đầu, người có thần túc, có đại oai lực, được đến đó thọ thỉnh. Nay ta cũng nên đến kia thọ thỉnh.”

Bấy giờ, Thượng tọa dùng tâm thanh tịnh, nơi địa vị hữu học mà nhận thẻ. Lúc đó, Thế Tôn, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy Quân-đầu-ba-hán đang tại địa vị hữu học mà nhận thẻ tức thì đạt được được vô học, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

“Trong đệ tử của Ta, người nhận thẻ đệ nhất chính là Tỳ-kheo Quân-đầu-ba-hán vậy.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo thần túc: Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Tu-bồ-đề, Ưu-tỳ Ca-diếp, Ma-ha Ca-thất[227]-na, Tôn giả La-hầu-la, Châu-lợi Bàn-đặc, cùng Sa-di Quân-đầu, các vị dùng thần túc đến trong thành kia trước.

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Lúc ấy, người giúp việc của Tăng tên là Càn-trà, sáng sớm hôm sau thân vác chõ lớn bay trên không trung đến thành kia. Lúc đó, Trưởng giả này cùng dân chúng lên trên lầu cao muốn xem Thế Tôn, từ xa nhìn thấy người giúp việc của Tăng thân vác chõ đến. Trưởng giả bèn nói với cô gái bằng bài kệ này:

Người áo trắng, tóc,

Thân hiện như gió cuốn,

Mình trần, nhanh như gió.

Thầy con đó, phải chăng?

đáp lại bằng bài kệ:

Chẳng phải đệ tử Phật.

Người giúp việc của Phật.

Đủ ngũ thông, ba đường.

Người này tên Càn-trà.

Bấy giờ, người giúp viêc là Càn-trà nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả

Cũng lúc đó Sa-di Quân-đầu hóa làm năm trăm cây hoa có đủ màu sắc, thảy đều nở rộ, màu sắc rất đẹp, như hoa sen ưu-bát. Những loại hoa như vậy không thể kể hết, tất cả đều được mang đến thành kia. Khi Trưởng giả từ xa nhìn thấy Sa-di đến, lại dùng kệ này để hỏi:

Ngần ấy loại bông hoa,

Đều ở trong hư không;

Lại có người thần túc:

Có phải thầy con không?

Bấy giờ, cô lại dùng kệ đáp:

Trước, Tu-bạt có nói,

Vị Sa-di trên suối.

Đó chính là người này.

Thầy là Xá-lợi-phất.

Sa-di Quân-đầu khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả. Cũng lúc đó, Tôn giả Bàn-đặc hóa làm năm trăm con bò; lông phủ toàn xanh, ngồi kiết già trên lưng bò, đến thành kia. Khi Trưởng giả từ xa nhìn thấy Tôn giả đến, lại dùng kệ này để hỏi cô:

Các đàn bò lớn này,

Lông phủ toàn màu xanh.

Ngồi một mình trên lưng:

Đây là Thầy con chăng?

Cô lại dùng kệ đáp:

Hay hóa nghìn Tỳ-kheo

Tại trong vườn Kỳ-vực;

Tâm thần rất là sáng.

Đây gọi là Bàn-đặc.

Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc khi ấy nhiễu quanh thành kia ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả

Cũng lúc đó, La-hầu-la lại hóa làm năm trăm khổng tước đủ các loại màu sắc, [662c01] ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Trưởng giả trông thấy rồi, lại dùng kệ này để hỏi cô:

Năm trăm khổng tước này

Màu sắc nó thật đẹp.

Như đại tướng quân kia,

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô dùng kệ này đáp:

Cấm giới Như Lai lập,

Tất cả đều không phạm;

Vị ấy nghiêm trì giới,

Là La-hầu-la, con Phật.

La-hầu-la khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả

Cũng lúc đó, Tôn giả Ca-thất-na hóa làm năm trăm chim cánh vàng cực kỳ dũng mãnh, ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, lại dùng kệ này để hỏi cô:

Năm trăm chim cánh vàng,

Cực kỳ là dũng mãnh;

Ngồi trên, không sợ hãi:

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô dùng kệ đáp:

Hay hành thở ra vào

Tâm luân chuyển hành thiện

Sức tuệ thật dũng mãnh

Đó là Ca-thất-na.

Tôn giả Ca-thất-na khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp hóa làm năm trăm con rồng, thảy đều có bảy đầu, ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, lại dùng kệ này hỏi cô:

Nay rồng bảy đầu này,

Tướng mạo thật đáng sợ.

Người đến nhiều vô kể.

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô đáp:

Thường có nghìn đệ tử,

Thần túc hóa Tỳ-sa.[228]

Ngài Ưu-tỳ Ca-diếp

Chính thật là người này.

Ưu-tỳ Ca-diếp khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề hóa làm núi lưu ly, rồi vào trong ngồi kiết già, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:

Núi này thật là đẹp,

Làm toàn màu lưu ly.

[663a01]Hiện ngồi ở trong hang,

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô lại dùng kệ này đáp:

Vốn do báo bố thí,

Nay được công đức này.

Đã thành ruộng phước tốt

Tu-bồ-đề, tỏ Không.

Tu-bồ-đề khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên lại hóa làm năm trăm con thiên nga, màu trắng tinh, đến thành kia. Sau khi trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:

Nay năm trăm thiên nga,

Màu sắc đều trắng tinh,

Đầy khắp trong hư không:

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô lại dùng kệ này đáp:

Phân biệt nghĩa văn cú,

Những điều được Kinh thuyết;

Lại giảng tụ kết sử:

Đó là Ca-chiên-diên.

Tôn giả đại Ca-chiên-diên khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Ly-việt hóa làm năm trăm con hổ, ngồi ở trên mà đến thành kia. Trưởng giả thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:

Nay, năm trăm hổ này

Toàn lông thật mượt đẹp

Có người ngồi ở trên:

Đây là thầy con chăng?

Thời cô lại dùng kệ này đáp:

Trước ở tại Kỳ-hoàn,

Sáu năm không di động;

Tối đệ nhất tọa thiền:

Đó gọi là Ly-việt.

Tôn giả Ly-việt khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả A-na-luật hóa làm năm trăm sư tử rất là dõng mãnh, ngồi ở trên, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:

Năm trăm sư tử này

Dõng mãnh thật đáng sợ,

Người ngồi ở trên đó:

Đây là Thầy con chăng?

Thời cô lại dùng kệ đáp:

Lúc sinh, động trời đất;

Từ đất hiện trân bảo;

Mắt trong sạch không nhơ

A-na-luật, em Phật.

A-na-luật khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả [663b01] Đại Ca-diếp hóa làm năm trăm tuấn mã, lông đuôi đều đỏ, được trang sức vàng bạc, ngồi ở trên, và làm cơn mưa hoa trời, đi đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:

Ngựa vàng, lông đuôi đỏ,

Số chúng có năm trăm,

Đó là vua Chuyển luân:

Đây là Thầy con chăng?

Cô lại dùng kệ đáp:

Hành đầu đà đệ nhất,

Hay thương kẻ bần cùng;

Như Lai nhường nửa tòa:

Đó là Đại Ca-diếp.

Đại Ca-diếp khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hóa làm năm trăm voi trắng, đều có sáu ngà, trang điểm vàng bạc, bảy chỗ bằng phẳng, ngồi ở trên mà đến, rồi phóng ánh sáng lớn đầy khắp thế giới, đến giữa hư không, tại thành kia, xướng kỹ nhạc vô số kể, mưa rơi các thứ tạp hoa, lại treo phướn lọng giữa hư không, thật là kỳ diệu. Sau khi Trưởng giả từ xa thấy rồi, dùng kệ hỏi cô:

Voi trắng có sáu ngà,

Ngồi trên như Thiên vương;

Nay nghe tiếng kỹ nhạc;

Chính Thích-ca Văn chăng?

Thời cô dùng kệ đáp:

Ở trên núi lớn kia,

Hàng phục rồng Nan-đà,

Vị thần túc đệ nhất,

Gọi là Đại Mục-liên.

Thầy con vẫn chưa lại.

Đây là chúng đệ tử.

Nay Thánh sư sẽ đến,

Ánh sáng chiếu mọi nơi.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, đến nhà Trưởng giả.

Cũng lúc ấy, Thế Tôn biết đã đến giờ, khóac tăng-già-lê, bay trên hư không cách đất bảy nhẫn. Bên phải Như LaiTôn giả A-nhã-câu-lân, bên trái Như LaiTôn giả Xá-lợi-phất. Khi ấy, Tôn giả A-nan nương vào oai thần Phật, tay cầm phất tử ở phía sau Như Lai. Một nghìn hai trăm đệ tử vây quanh trước sau, Như Lai ở giữa các đệ tửthần túc như: A-nhã-câu-lân hóa làm Nguyệt Thiên tử. Xá-lợi-phất hóa làm Nhật Thiên tử. [663c01] Các Tỳ-kheo có thần túc khác, hoặc hóa làm Thích Đề-hoàn Nhân, hoặc hóa làm Phạm thiên, hoặc có vị hóa làm Đề-đầu-lợi-tra, Tỳ-lưu-lặc, Tỳ-lưu-bác-xoa, hoặc hóa làm hình Tỳ-sa-môn lãnh đạo các quỷ thần, hoặc hóa làm hình Chuyển luân Thánh vương, hoặc có vị nhập hỏa quang tam-muội, hoặc có vị nhập thủy tinh tam-muội, hoặc có vị phóng quang, hoặc có vị phun khói, tạo ra các thứ thần túc. Lúc này, bên phải Như Lai Phạm Thiên vương, bên trái Như Lai Thích Đề-hoàn Nhân tay cầm phất tử, phía sau Như Lai lực sĩ Kim cang Mật Tích tay cầm chày kim cương, phía trên Như Lai ở giữa hư không Tỳ-sa-môn Thiên vương tay cầm lọng bảy báu, vì sợ có bụi bặm bám thân Như Lai. Cùng lúc này, Bà-giá-tuần tay cầm đàn lưu ly tán thán công đức Như Lai. Các thiên thần tất cả đều ở giữa hư không xướng lên nghìn vạn thứ kỹ nhạc, mưa tuôn các thứ hoa trời rải lên Như Lai.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, trưởng giả Cấp Cô Độcnhân dân trong thành Xá-vệ, đều thấy Như Lai ở giữa hư không cách mặt đất bảy nhẫn. Thấy vậy, tất cả vui mừng hớn hở, không tự chế được. Lúc ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc liền nói kệ này:

Như Lai thật thần diệu,

Thương dân như con đỏ.

Vui thay! Tu-ma-đề,

Sẽ nhận pháp Như Lai.

Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc cùng trưởng giả Cấp Cô Độc rải các thứ danh hương và các thứ hoa. 

Thế Tôn dẫn theo các chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, cùng các thiên, thần không thể kể, tựa như phượng hoàng, ở giữa hư không, đi đến thành kia.

Bấy giờ, Ban-giá-tuần[229] dùng kệ tán thán Phật:

Kết sinh đã diệt tận,

Ý niệm không tán loạn,

Không bụi nhơ ngăn ngại

Mà vào đất nước kia.

Tâm tính thật trong sạch,

Đoạn ác niệm tà ma,

Công đức như biển lớn,

Nay vào đất nước kia.

Tướng mạo thật đặc thù,

Các sử không tái khởi

Vì kia không tự xứ, 

Nay vào đất nước kia.

Đã vượt bốn giòng sâu,

Thoát khỏi sinh, già, chết;

Để đoạn gốc các hữu,

Nay vào đất nước kia. 

[664a01] Lúc ấy, tTrưởng giả Mãn Tài nhìn thấy Thế Tôn từ xa đi lại, các căn Thế Tôn tịch tĩnh ít có, sạch như vàng ròng của trời; có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp biểu hiện ngoài thân; giống như núi Tu-di vượt trên các núi, cũng như khối vàng toả ánh sáng lớn. Khi ấy, Ttrưởng giả dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Đây là ánh mặt trời?

Vẻ này chưa từng thấy. 

Nghìn vạn ức tia sáng,

Chưa dám nhìn thẳng lâu.

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề quỳ gối chấp tay hướng về Như Lai, dùng kệ này đáp Trưởng giả:

Mặt trời, phi mặt trời,

Mà phóng nghìn thứ sáng,

Vì tất cả chúng sanh:

Đó chính là Thầy con.

Thảy đều ngợi Như Lai

Như trước đã có nói.

Nay sẽ được quả lớn

Lại siêng cúng dường hơn.

Trưởng giả Mãn Tài khi ấy quỳ gối phải sát đất, lại dùng kệ khen Như Lai:

Tự qui đấng Mười Lực,

Thể sắc vàng viên quang;

Được trời người kính khen.

Nay con tự quy y.

Ngài là đấng Nhật Vương;

Như trăng sáng giữa sao,

Để độ người chưa độ.

Nay con tự quy y.

Ngài như tượng Thiên Đế,

Như tâm từ phạm hạnh,

Tự thoát, thoát chúng sanh.

Nay con tự quy y.

Tối tôn giữa trời người,

Trên vua các quỷ thần,

Hàng phục các ngoại đạo,

Nay con tự quy y.

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề quỳ gối chấp tay, tán thán Thế Tôn:

Tự hàng, hàng phục người;

Tự chánh, lại chánh người;

Tự độ, độ người dân;

Đã giải, lại giải người.

Tự tịnh, khiến người tịnh,

Tự soi, soi quần sinh.

Không ai không được độ;

Dẹp đấu loạn, không tranh.

An trụ cực tịnh khiết;

Tâm ý không lay động.

[664b01] Mười Lực thương xót đời:

Con kính lễ lần nữa.

“Ngài có tâm từ, bi, hỉ, xả,* đầy đủ Không, Vô tướng, Vô nguyện.[230] Ở trong cõi dục là tối tôn đệ nhất. Trên tất cả trời. Bảy thánh tài đầy đủ. Các hàng trời, người, đấng Tự nhiên,[231] hàng Phạm sanh,[232] cũng không ai bằng, cũng không thể giống tướng mạo. Nay con tự quy y.”

Khi ấy, sáu nghìn bà-la-môn thấy Thế Tôn tạo ra mọi thần biến như thế, mọi người tự bảo nhau: “Chúng ta nên rời nước này dời đến nước khác. Sa-môn Cù-đàm này đã hàng phục nhân dân trong nước này.” Sáu nghìn bà-la-môn lúc đó liền đi ra khỏi nước, không trở lại nước này nữa. Giống như sư tử vua loài thú ra khỏi sơn cốc, nhìn quanh bốn hướng, rồi rống lên ba tiếng mới đi tìm mồi. Các loài thú đều tìm đường bỏ chạy mà không biết chạy đi đâu, bay tìm chỗ núp kín. Hoặc ngay đến voi có thần lực nghe tiếng sư tử, chúng cũng tìm đường bỏ chạy không thể tự yên. Vì sao vậy? Vì Sư tử, vua loài thú thậtoai thần. Ở đây cũng vậy, sáu nghìn bà-la-môn kia nghe tiếng Thế Tôn, thảy đều bỏ chạy, không tự yên được. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có oai lực lớn.

Bấy giờ, Thế Tôn xả thần túc, đi bình thường, vào trong thành Mãn Phú. Khi chân Thế Tôn vừa đạp lên ngưỡng cửa, ngay đó trời đất chấn động mạnh. Các chư thiên, tôn thần rải hoa cúng dường. Nhân dân khi thấy dung nhan Thế Tôn các căn tịch tĩnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hiển hiện, họ liền nói kệ này:

Lưỡng túc tôn vi diệu;

Bà-la-môn không dám đương.

Vô cớ thờ bà-la-môn,

Mất đấng Nhân trung tôn.

Thế Tôn khi đến nhà Trưởng giả, tới chỗ ngồi mà ngồi. Bấy giờ, nhân dân nước kia thật là đông đảo. Nhà trưởng giả lúc ấy có tám vạn bốn nghìn người dân, tất cả đều vân tập, để nhìn Thế Tôn cùng chúng Tăng, khiến nhà cửa của nhà Trưởng giả muốn sụp đổ. Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ: “Nhân dân ở đây ắt có gây thiệt hại. Ta nên dùng thần túc khiến cho nhân dân cả nước thấy thân Ta cùng Tăng Tỳ-kheo.”

Rồi Thế Tôn liền hoá nhà cửa trưởng giả thành sắc lưu ly, trong ngoài thấy nhau, giống như xem châu trong bàn tay. Khi ấy, cô Tu-ma-đề đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, buồn vui lẫn lộn, liền nói [664c02] kệ này:

Đấng Nhất thiết trí trọn đủ,

Độ tận tất cả pháp,

Đã đoạn kết dục ái;

Nay con tự quy y.

Thà cho cha mẹ con,

Huỷ hoại đôi mắt con;

Chớ để con đến đây,

Trong ngũ nghịch, tà kiến.

Xưa tạo duyên ác nào,

Nên bị đến nơi này?

Như chim vào lưới bẩy.

Nguyện dứt kết nghi này.

Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp cô rằng:

Nay con chớ lo sầu,

Định tĩnh tự mở ý.

Cũng đừng khởi tưởng chấp.

Nay Như Lai sẽ giảng.

Con vốn không do tội

Mà khiến phải đến đây.

quả báo thệ nguyện

Muốn độ chúng sanh này.

Nay hãy nhổ gốc rễ,

Không đọa ba đường ác.

Hàng nghìn loài chúng sanh

Con sẽ được độ trước.

Ngày nay hãy trừ sạch,

Khiến mắt trí tỏ sáng;

Khiến cho loài trời người,

Thấy con như xem châu.

Cô Tu-ma-đề nghe những lời này xong, vui mừng hớn hở không kể xiết được.

Bấy giờ, trưởng giả đem người hầu của mình theo cung cấp đồ ăn thức uống, những món ngon ngọt. Thấy Thế Tôn ăn xong, đã dùng nước rửa, ông bèn lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, cùng các người tuỳ tùng và tám vạn bốn nghìn chúng đều lần lượt ngồi, hoặc có người tự xưng tên họ mà ngồi. Thế Tôn lần lượt nói các đề tài vi diệu cho trưởng giả và tám vạn bốn nghìn nhân dân kia. Các đề tài luận về giới, luận về thí, luận về sinh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu ô uế, xuất giacon đường xuất yếu.

Thế Tôn khi thấy trưởng giả và cô Tu-ma-đề cùng tám vạn bốn nghìn nhân dân tâm ý khai mở, nên các pháp khổ, tập, diệt, đạo mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết; Thế Tôn đều thuyết cả cho chúng sanh ở đây. Mọi người ngay trên chỗ ngồi mà sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Giống như vải cực trắng sạch dễ nhuộm màu. Ở đây cũng như vậy, trưởng giả Mãn Tài, cô Tu-ma-đề và tám vạn bốn nghìn nhân dân sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, được không sợ hãi, thảy đều tự quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới. Bấy giờ, cô Tu-ma-đề ở trước Phật nói kệ này:

Như Lai tai trong suốt,

Nghe con gặp khổ này,

Giáng thần đến đây rồi,

Mọi người được pháp nhãn.

Thế Tôn nói pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về trú xứ. Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Cô Tu-ma-đề vốn đã tạo nhân duyên gì mà sinh trong nhà phú quý? Lại tạo nhân duyên gì mà rơi vào nhà tà kiến này? Lại tạo công đức lành nào, nay được pháp nhãn thanh tịnh? Lại tạo công đức nào khiến tám vạn bốn nghìn người đều được pháp nhãn thanh tịnh?”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có Phật Ca-diếp, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn. Ngài ở tại nước Ba-la-nại, đi du hoá nơi này, cùng chúng hai vạn đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ, có vua tên Ai Mẫn, có con gái tên Tu-ma-na. Cô này rất có tâm cung kính hướng về Như Lai Ca-diếp, vâng giữ giới cấm, thường thích bố thí, và cúng dường bốn việc. Thế nào là bốn? Một là bố thí, hai là ái kính, ba là lợi người, bốn là đồng lợi.[233]

Cô ở chỗ Như Lai Ca-diếp mà tụng Pháp cú. Ở trên lầu cao, lớn tiếng tụng tập, phát nguyện rộng lớn này: “Con hằng có pháp bốn nhiếp thọ[234] này; lại ở trước Như Lai mà tụng Pháp cú. Trong đó nếu có chút phước nào, cầu cho con sinh vào chỗ nào, không rơi vào ba đường dữ, cũng không rơi vào nhà nghèo; đời vị lai cũng sẽ lại gặp bậc tối tôn như vầy. Khiến cho con chẳng chuyển đổi thân nữ mà được pháp nhãn thanh tịnh.” Nhân dân trong thành sau khi nghe vương nữ thệ nguyện như vậy đều cùng tụ tập đến chỗ vương nữ, nói:

“Hôm nay, Vương nữ rất là chí tín, tạo các công đức, bốn sự[235] không thiếu: Bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi. Lại phát thệ nguyện, mong đời sau gặp bậc như vậy, thuyết pháp cho nghe để được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay, Vương nữ đã phát thệ nguyện, cùng với nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ.”

Bấy giờ, Vương nữ đáp:

“Tôi đem công đức này cùng thí đến các [665b01] người. Nếu gặp Như Lai thuyết pháp, sẽ cùng lúc được độ.

“Tỳ-kheo, các ngươi há có nghi sao? Chớ quán sát vậy. Vua Ai Mẫn lúc ấy, nay chính là trưởng giả Tu-đạt. Vương nữ lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề. Nhân dân trong nước lúc ấy, nay chính là tám vạn bốn nghìn chúng. Do thệ nguyện kia, nay gặp thân Ta, nghe pháp đắc đạo; cùng nhân dân kia đều được pháp nhãn thanh tịnh. Hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này. Vì sao vậy? Vì bốn sự này là ruộng phước tốt nhất. Nếu có Tỳ-kheo nào thân cận bốn sự, liền được bốn đế. Nên cầu phương tiện thành tựu pháp bốn sự. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.[236]

31. PHẨM TĂNG THƯỢNG

KINH SỐ 1[237]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Sanh Lậu bà-la-môn đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi thăm nhau rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, bà-la-môn bạch Thế Tôn:

“Sống trong rừng, ở trong hang, thật là khổ thay! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó!”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, bà-la-môn, như những gì ông nói. Sống trong rừng, ở trong hang, thật là khổ thay! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó! Vì sao vậy? Ngày xưa, lúc Ta chưa thành Phật đạo, hành hạnh Bồ-tát, Ta thường nghĩ: ‘Sống trong rừng, ở trong hang, thật là khổ thay! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó!”

Bà-la-môn bạch Phật

“Đối với các thiện gia nam tử với tín tâm kiên cố xuất gia học đạo, Sa-môn Cù-đàm là tối thượng thủ, đem lại nhiều lợi ích, [665c01] làm người dẫn đường cho đám bằng hữu ấy.”

Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, bà-la-môn, như những gì ông nói. Có những thiện gia nam tử, với tín tâm kiên cố, Ta là tối thượng thủ, đem lại nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho đám bằng hữu ấy. Nếu thấy Ta, họ đều khởi lòng hổ thẹn, đến trong núi khe, sống trong động vắng vẻ.

“Bấy giờ, Ta nghĩ thầm, các Sa-môn, Bà-la-môn có thân hành bất tịnh, mà gần gũi, sống chỗ vắng vẻ không người, do thân hành bất tịnh, thì ở đó chỉ luống nhọc công, chẳng phải hành chân thật, mà là pháp ác, bất thiện, sự kinh sợ. Nhưng nay, Ta với thân hành không phải bất tịnh, gần gũi, sống nơi vắng vẻ. Với những gì là thân hành bất tịnh, do gần gũi, sống nơi vắng vẻ, những điều ấy không có nơi Ta. Vì sao vậy? Nay, Ta thân hành thanh tịnh. Trong những vị A-la-hán,[238] do thân hành thanh tịnh, ưa ở nơi hang vắng, Ta là tối thượng thủ. Cũng vậy, bà-la-môn, Ta tự quán thân, thấy sở hành thanh tịnh nên ưa ở nơi vắng vẻ, lại càng vui thích.

“Bấy giờ, Ta nghĩ thầm, những Sa-môn, Bà-la-môn nào với ý hành không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, mà gần gũi, sống nơi vắng vẻ không người; họ tuy có hạnh này mhưmg vẫn không phải chân chánh; do đó, họ đều đầy đủ pháp ác bất thiện,[239] điều này Ta không có. Vì sao vậy? Vì nay những việc làm của thân, miệng, ý, mạng Ta đều thanh tịnh.

“Có những Sa-môn, Bà-la-môn thân, miệng, ý, mạng đều thanh tịnh, ưa ở nơi vắng vẻ thanh tịnh, điều này thì Ta có. Vì sao vậy? Vì nay những sở hành bởi thân, miệng, ý, mạng, của Ta thanh tịnh. Trong những A-la-hán do thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, nên ưa ở nơi thanh vắng, Ta là tối thượng thủ. Như vậy, bà-la-môn, khi Ta có thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, khi ấy lại càng ưa thích sống nơi vắng vẻ. 

“Bấy giờ, Ta nghĩ thầm, Sa-môn, Bà-la-môn có nhiều điều phải sợ hãi kinh khiếp khi sống ở nơi nhàn vắng; đó là pháp ác bất thiện, sự sợ hãi kinh khiếp. Nhưng nay, Ta không có bất cứ sự sợ hãi nào khi sống nơi vắng vẻ không người. Trong các Sa-môn, Bà-la-môn có tâm sợ hãi kinh khiếp khi sống ở chỗ vắng vẻ, trong số đó không có Ta. Vì sao vậy? Vì nay Ta không có bất sứ sợ hãi nào ở nơi vắng vẻ mà tự an trú. Ta không ở trong số những người có tâm sợ hãi kinh khiếp khi sống ở nơi vắng vẻ. Vì sao vậy? Vì nay Ta đã lìa khổ hoạn, không đồng với họ. Như vậy, bà-la-môn, Ta quán sát ý nghĩa này rồi, không có sợ hãi, lại càng thêm vui thích.

“Những Sa-môn, Bà-la-môn nào mà khen mình, chê người, tuy sống ở chỗ vắng vẻ vẫn có tưởng bất tịnh.[240] Nhưng Ta, này bà-la-môn, Ta không chê bai người khác, [666a01] cũng không tự khen mình. Những ai tự khen mình lại chê bai người khác, Ta không phải người đó. Vì sao vậy? Vì nay Ta không có mạn. Trong các Hiền thánh không có mạn, Ta là tối thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn[241].

“Những Sa-môn[242] nào ham cầu lợi dưỡng, không hề biết đủ. Nhưng hôm nay, Ta không ham cầu lợi dưỡng. Vì sao vậy? Vì nay Ta không cầu có nhiều hơn người, và cũng tự biết đủ. Trong những người biết đủ, Ta là thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại vui thích hơn.

“Những Sa-môn, Bà-la-môn nào ôm lòng biếng nhác, không chuyên cần tinh tấn, mà gần gũi nơi vắng, Ta không phải người đó. Vì sao vậy? Vì nay Ta có tâm dõng mãnh, nên trong đó không lười mệt. Trong các Hiền thánh có tâm dõng mãnh, Ta là tối thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn.

“Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào hay nhiều quên lãng, mà sống ở nơi vắng vẻ; tuy có hạnh này vẫn có pháp ác bất thiện[243]. Nhưng nay Ta không có những điều quên lãng. Lại này bà-la-môn, Ta không có trong số những người hay quên lãng. Trong các Hiền thánh không hay quên lãng, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn.

“Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào mà ý loạn, không định; những người ấy liền có pháp ác bất thiện, cùng chung với hành ác. Nhưng nay Ta ý không hề loạn, thường như nhất tâm. Ta không có trong số những người có tâm ý loạn, bất định. Vì sao thế? Vì Ta thường nhất tâm. Trong các Hiền thánh có tâm chuyên nhất, định tĩnh, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn khi sống ở nơi vắng vẻ.

“Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào mà ngu si, tăm tối cũng như bầy dê, người ấy liền có pháp ác bất thiện. Ta không phải người đó. Nhưng nay Ta thường có trí tuệ, không có chỗ ngu si, sống ở nơi vắng. Những hành như vậy, có ở nơi Ta. Nay Ta thành tựu trí tuệ. Trong các Hiền thánh thành tựu trí tuệ, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn khi sống ở nơi vắng vẻ.

“Khi Ta sống ở nơi vắng vẻ, lúc đó, giả sử cây cối gãy đổ, chim thú chạy bay, bấy giờ Ta nghĩ thầm: ‘Đây là khu rừng đáng kinh sợ.’ Rồi lại nghĩ thầm, ‘Nếu có điều kinh sợ xảy đến, Ta sẽ tìm cầu phương tiện khiến nó không xảy đến nữa.’ Khi Ta đi kinh hành, nếu có sự kinh sợ xảy đến, lúc này, Ta cũng không ngồi, nằm; chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi, nằm. Khi Ta đứng, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy Ta không kinh hành, cũng không ngồi xuống, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi. Khi Ta ngồi, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy Ta không kinh hành, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, rồi sau mới ngồi. Khi Ta nằm, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy, Ta không kinh hành, cũng không ngồi, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi. 

“Bà-la-môn nên biết, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu đạo lý ban ngày với ban đêm, nay Ta nói người ấy rất ngu si.[244] Nhưng Ta, này bà-la-môn, hiểu đạo lý ở trong ban ngày và ban đêm, thêm có tâm dũng mãnh, cũng không hư vọng, ý không thác loạn, hằng chuyển nhất tâm, không tưởng tham dục, có tầm có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh,[245] nhập sơ thiền. Đó là, này bà-la-môn, tâm thứ nhất Ta sống an lạc trong hiện pháp.[246] 

“Trừ tầm và tứ, nội tâm tịch tĩnh, chuyên nhất ý, không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sinh, chứng nhậpan trú nhị thiền, nhập nhị thiền. Đó là, này bà-la-môn, Ta tâm thứ hai sống an lạc trong hiện pháp.[247]

“Ta ly hỷ, an trú xả, hằng tự giác tri, thân có tri giác lạc, điều mà các hiền thánh nói là xả, niệm, an trú lạc, nhập tam thiền. Đó là, này bà-la-môn, tâm thứ ba sống an lạc trong hiện pháp.[248]

“Lại nữa, khổ, lạc đã trừ, ưu và hỷ từ trước đã trừ, không lạc không khổ, xả, niệm thanh tịnh, nhập tứ thiền. Đó là, này bà-la-môn, tâm tăng thượng thứ tư mà Ta tự giác tri, tâm ý an trú.

“Khi Ta đang sống ở nơi vắng vẻ, có bốn tâm tăng thượng này, Ta do tâm tam-muội này, thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kết sử, được không sợ hãi, tự biết túc mạng một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, nghìn đời, kiếp thành hoại đều phân biệt hết. Ta từng sinh chỗ nọ, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế , v.v.. Từ đó Ta chết mà sinh nơi này, chết đây sinh kia, nhân duyên gốc ngọn đều rõ ràng hết.

“Bà-la-môn nên biết, vào đầu hôm Ta đắc được [666c01] minh thứ nhất, trừ vô minh, không u tối nữa, tâm ưa sống nơi vắng vẻ mà tự giác tri.

“Lại nữa, với tâm tam-muội không tỳ vết, không kết sử, tâm ý tại định, được không sợ hãi mà biết chúng sanh người sinh, người chết. Ta lại dùng thiên nhãn quán chúng sanh người sinh, người chết, sắc lành sắc dữ, cõi lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, tuỳ hạnh thiện ác đều phân biệt hết. Có các chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền thánh, hằng ôm tà kiến, tương ưng với tà kiến, khi thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục. Có các chúng sanh thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, không phỉ báng Hiền thánh, hằng tu chánh kiến, tương ưng với chánh kiến, khi thân hoại mạng chung sinh đường lành lên trời. Ta lại dùng thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết quán chúng sanh người sinh, người chết, sắc lành, sắc dữ, đường lành, đướng ác, hoặc tốt hay xấu, các hạnh bổn Ta đều biết rõ. 

“Bà-la-môn nên biết, vào lúc giữa đêm, Ta được minh thứ hai, không còn tăm tối, tự giác tri, vui sống ở nơi vắng vẻ.

“Ta, lại với tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kết sử, tâm ý được định, được không sợ hãi, được tâm diệt tận lậu, cũng biết như thật không hư dối, rằng ‘Đây là khổ.” Ngay khi ấy, Ta được tâm này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; sau khi giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh, như thật mà biết. 

“Đó là, này bà-la-môn, Ta cuối đêm được minh thứ ba, không u tối nữa.

“Thế nào, này bà-la-môn, có tâm này chăng, Như Laitâm dục, tâm sân hận, tâm ngu si chưa dứt, khi sống ở nơi vắng vẻ? Này bà-la-môn, chớ xem như thế. Vì sao thế? Vì ngày nay Như Lai vĩnh viễn diệt trừ các lậu, hằng ưa sống nơi thanh vắng, không sống giữa người đời. Hôm nay, Ta khi quán sát hai ý nghĩa này, thích sống nơi vắng vẻ. Thế nào là hai? Tự mình sống ở nơi vắng vẻ, và độ hết chúng sanh không thể tính kể.”[249]

Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu bạch Phật:

“Ngài đã vì thương xót chúng sanh, độ cho tất cả.”

Rồi bà-la-môn lại bạch Phật:

“Thôi, thôi, Thế Tôn! Những điều được nói đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mê được đường, người mù được mắt, trong tối thấy sáng. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện, vì con mà thuyết pháp. [667a01] Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau con thọ trì ngũ giới, không sát sanh nữa, làm Ưu-bà-tắc.”

Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở vườn Cù-sư, ở Câu-thâm, nơi bốn đức Phật đời quá khứ đã ở.

Bấy giờ, vua Ưu-điền[250] cùng phu phân Xá-di[251] và năm trăm cô gái muốn đến vườn dạo chơi ngắm cảnh. Ngay khi ấy, trong thành Xá-vệ có một Tỳ-kheo nghĩ: ‘Ta xa Thế Tôn đã lâu, muốn đến lễ bái thăm hỏi.’

Đến giờ, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; ăn xong thu xếp y bát, toạ cụ. Ông lại dùng thần túc bay lên hư không, đến nước Câu-thâm.[252] Tỳ-kheo ấy xả thần túc, đi vào rừng, đến một chỗ vắng, ngồi kiết già tĩnh toạ, chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước. Khi ấy, phu phân Xá-di dẫn năm trăm cô gái đến rừng này. Phu nhân Xá-di từ xa trông thấy Tỳ-kheo dùng thần túc đến ngồi dưới bóng cây, liền đến trước Tỳ-kheo cúi lạy rồi chấp tay đứng trước, năm trăm cô gái đều cúi lạy và chấp tay đứng vây quanh.

Lúc ấy, vua Ưu-điền từ xa trông thấy năm trăm cô gái chấp tay đứng vây quanh Tỳ-kheo này, liền nghĩ: “Trong đây chắc có bầy nai, hoặc có các loài thú, chắc chắn không nghi.” Vua liền cỡi ngựa chạy mau đến đám phụ nữ. Phu nhân Xá-di xa thấy vua đến liền nghĩ: “Vua Ưu-điền cực kỳ hung ác, có thể hại Tỳ-kheo này.” Phu nhân bèn đưa tay mặt lên tâu vua:

“Đại vương nên biết, đây là Tỳ-kheo, chớ có kinh sợ.”

Vua liền xuống ngựa, bỏ cung, đến chỗ Tỳ-kheo, bảo Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, thuyết pháp cho ta nghe!”

Tỳ-kheo ấy đưa mắt trông vua, im lặng không nói.

Vua lại bảo Tỳ-kheo: 

“Mau thuyết pháp cho ta!”

Tỳ-kheo lại đưa mắt nhìn vua, im lặng không nói.

Vua lại nghĩ: “Nay ta hãy hỏi những sự việc ở trong thiền. Nếu thuyết cho ta, ta sẽ cúng dường, trọn đời thí cho y phục, [667b01] thức ăn uống, giường chõng, thuốc thang trị bệnh. Nếu chẳng thuyết cho ta, ta sẽ giết.” Vua lại bảo Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, thuyết pháp cho ta!”

Tỳ-kheo kia vẫn im lặng không đáp.

Bấy giờ, thọ thần biết tâm vua, liền hoá ra một bầy nai ở đàng xa, muốn làm loạn tai mắt của vua khiến khởi nghĩ chuyện khác. Khi ấy, vua thấy nai liền nghĩ: “Ta hãy bỏ Sa-môn này. Sa-môn rốt cuộc đi đâu cho khỏi.”

Vua liền cỡi ngựa đi bắn bầy nai. Phu nhân bèn thưa:

“Nay Tỳ-kheo đến đâu?”

Tỳ-kheo nói:

“Tôi muốn đến trú xứ của bốn Phật, đến gặp Thế Tôn.”

Phu nhân bạch:

“Tỳ-kheo, nay đã đúng lúc. Ngài mau đi đến đó, đừng ở đây nữa, sẽ bị vua hại thì tội vua rất nặng.”

Tỳ-kheo ấy liền đứng lên xếp y bát bay lên hư không đi về phương xa. Phu nhân thấy Tỳ-kheo bay cao trên hư không, bèn gọi vua nói:

“Kính mong Đại vương, xem Tỳ-kheo này có đại thần túc. Ngay ở hư không vọt lên, ẩn mất tự tại. Nay Tỳ-kheo ấy còn có sức này, huống Phật Thích-ca Văn mà có thể bì kịp sao?”

Tỳ-kheo ấy đến vườn Cù-sư, xả thần túc, bằng pháp bình thường đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo:

“Thế nào, Tỳ-kheo, nhập hạ ở thành Xá-vệ có nhọc nhằn chăng? Tuỳ thời khất thựcmệt mỏi không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Con ở thành Xá-vệ không có gì mệt mỏi.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hôm nay cớ sao đến đây?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Con cốt đến hầu thăm sức khỏe Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo:

“Nay ngươi thấy Ta và trụ xứ của bốn đức Phật thời quá khứ đây chăng? Nay ngươi thoát khỏi tay vua, rất là đại kỳ! Sao ngươi không thuyết pháp cho vua? Lại nữa, vua Ưu-điền nói: ‘Nay Tỳ-kheo hãy thuyết pháp cho ta. Nay cớ sao ông không thuyết pháp cho ta?’ Nếu Tỳ-kheo thuyết pháp cho vua, vua Ưu-điền sẽ rất hoan hỷ. Đã hoan hỷ, vua sẽ suốt đời cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Vì vua muốn hỏi những sự việc ở trong thiền nên con không đáp nghĩa này.”

Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo! Tỳ-kheo sao không nói cho vua nghe những sự việc [667c0] ở trong thiền?”

Tỳ-kheo đáp:

“Vua Ưu-điền dùng thiền này làm gốc; ôm lòng hung bạo, không có tâm từ, sát hại chúng sanh vô kể, tương ưng với dục, ba độc lừng lẫy, chìm trong vực sâu, không thấy Chánh pháp, tập hoặc vô tri, nhóm đủ các ác, hành động kiêu mạn, ỷ thế lực vua, tham đắm tài bảo, khinh mạn người đời, mù không có mắt. Người này dùng thiền làm gì? Phàm pháp thiền định là pháp vi diệu trong các pháp, khó thể giác tri, không có hình tướng, chẳng phải đem tâm lường được. Đây chẳng chỗ người thường đến được, chỉ người trí mới biết. Vì những cớ này nên con không thuyết pháp cho vua.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo:

“Nếu y cũ rách cần phải giặt mới sạch. Dục tâm cực thịnh cần nên quán tưởng bất tịnh, sau đó bèn trừ được. Nếu sân giận thịnh thì dùng tâm từ trừ đi. U ám ngu si thì dùng pháp mười hai duyên sau đó trừ hết. Này Tỳ-kheo, cớ sao không thuyết pháp cho vua Ưu-điền? Nếu thuyết pháp, vua sẽ hết sức hoan hỷ. Ngay dù lửa cực mạnh vẫn có thể diệt được, huống nữa là người?”

Tỳ-kheo kia im lặng chẳng nói. Bấy giờ, Phật bảo Tỳ-kheo:

“Như Lai xử thế rất đặc biệt. Dù trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, ai hỏi nghĩa Như Lai, Ta sẽ thuyết cho họ. Giả sử quốc vương đại thần, nhân dân hỏi nghĩa Như Lai, Ta cũng sẽ thuyết cho họ. Nếu dòng sát- lợi, bốn chủng tánh, đến hỏi nghĩa, Ta cũng sẽ thuyết pháp cho. Vì sao thế? Vì hôm nay, Như Lai được bốn vô sở uý, thuyết pháp không có khiếp nhược; cũng được bốn thiền, trong đó tự tại, kiêm đắc bốn thần túc chẳng thể tính kể, hành bốn vô lượng tâm. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không có khiếp nhược. La-hán, Bích-chi-phật không có thể kịp được. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không khó. Nay, các Tỳ-kheo, các ngươi hãy tìm phương tiện hành bốn vô lượngg tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Vì sao Thế? Nếu Tỳ-kheo vì chúng sanh, thiện tri thức được gặp, và tất cả cha mẹ, tri thức, thân thuộc đều nhân lấy bốn sự dạy khiến họ biết pháp. Thế nào là bốn? Nên cung kính Phật là bậc Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật Thế tôn, độ người vô lượng

“Hãy nên cầu pháp, tu hành [668a01] pháp chính chân, trừ bỏ hành uế ác. Đây là điều mà bậc trí giả tu hành

“Hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chúng Tăng. Chúng của Như Lai thường hoà hợp nhau không có tranh tụng, pháp tùy pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Đó là bốn đôi, tám bậc, mười hai hiền sĩ. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng tôn đáng quí, là ruộng phước vô thượng của Thế gian

“Lại nên khuyến trợ khiến hành pháp luật Hiền Thánh, không nhiễm ô, tịch tĩnh vô vi. Nếu có Tỳ-kheo nào muốn hành đạo, nên hành đủ pháp bốn sự[253] này. Vì sao thế? Vì pháp cúng dường Tam bảo, tối tôn, tối thượng không ai sánh kịp. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn hành tích của sự.[254] Thế nào là bốn? Có hành tích lạc mà sở hành ngu hoặc;[255] đây là hành tích thứ nhất. Có hành tích lạc mà sở hành nhanh chóng; có hành tích khổ mà sở hành ngu hoặc; có hành tích khổ mà sở hành nhanh chóng. 

“Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người tham dục, sân giận, ngu si lừng lẫy, sở hành rất khổ không tương ưng với gốc của hạnh. Người ấy năm căn ngu tối không được lanh lợi. Thế nào là năm? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Nếu đem ý ngu để cầu tam-muội dứt hữu lậu, đấy gọi là lạc hành tích, độn căn đắc đạo.

“Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người không dục, không dâm, hằng tự giảm bớt tham dục không ân cần; sân hận, ngu si rất giảm thiểu. Năm căn lanh lợi, không buông lung. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm căn. Có được năm căn, thành tựu tam-muội, diệt tận hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là bằng lợi căn mà hành nơi đạo tích. 

“Thế nào gọi là hành tích khổ, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người lòng dâm quá nhiều; sân giận, ngu si lừng lẫy. Người ấy sống với pháp này mà dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là khổ hành tích độn căn.

“Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người ít dục, ít dâm, không sân hận, cũng không khởi tưởng hành ba việc này. Lúc ấy, năm căn này không thiếu sót. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm. Người ấy bằng pháp này mà được tam-muội, dứt hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là khổ hành lợi căn

“Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn hành tích này. Hãy tìm cầu phương tiện bỏ ba hành tích trước, vâng hành một hành sau. Vì cớ sao? Vì với khổ hành tích, khó đắc tam-muội. Khi đã đắc, liền thành đạo, tồn tại lâu ở đời. Vì sao thế? Chẳng thể đem lạc cầu lạc, do khổ mà sau mới thành đạo. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường dùng phương tiện thành tựu hành tích này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở thành La-duyệt, trong khu Ca-lan-đà, Trúc viên, cùng với đại chúng năm trăm Tỳ-kheo. 

Bấy giờ, bốn bà-la-môn cùng đắc ngũ thông, tu hành pháp lành, ở chung một chỗ, bàn luận với nhau rằng: “Lúc thần chết đến, chẳng tránh người mạnh khoẻ. Mỗi người hãy ẩn nấp khiến thần chết không biết chỗ đến.”

Sau đó, một bà-la-môn bay lên không trung, muốn được khỏi chết; nhưng tránh chẳng khỏi, mà chết ở không trung. Vị bà-la-môn thứ hai lặn xuống đáy biển lớn, muốn được khỏi chết, nhưng chết ở đó. Bà-la-môn thứ ba muốn khỏi chết, chui vào lòng núi Tu-di và chết trong đó. Bà-la-môn thứ tư chui xuống đất, đến biên tế kim cang, muốn được thoát chết, lại chết ở đó.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy bốn bà-la-môn, mỗi người đều tránh chết mà thảy đều chết. Thế Tôn liền nói kệ:

Không phải hư không, biển,

Không phải vào hang đá,

Không có địa phương nào,

Thoát khỏi không bị chết.[256]

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ở đây, này Tỳ-kheo, có bốn vị bà-la-môn, tụ tập một nơi, muốn được khỏi chết. Mỗi người quay tìm chỗ chạy mà không [668c01] khỏi chết. Một người ở hư không, một người vào biển lớn, một người vào lòng núi, một người xuống đất, đồng chết hết. Thế nên, các Tỳ-kheo, muốn được khỏi chết, nên tư duy bốn pháp bổn.[257] Thế nào là bốn?

“Tất cả hành vô thường; đó là pháp bổn thứ nhất, hãy niệm tưởng tu hành. Tất cả hành là khổ, đó là pháp bổn thứ hai, hãy nên tư duy. Tất cả pháp vô ngã; đây là pháp bổn thứ ba, hãy nên tư duy. Niết-bàn là diệt tận; đây là pháp bổn thứ tư, hãy nên cùng tư duy. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy cùng tư duy bốn pháp này. Vì sao thế? Vì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo não khổ. Đây là nguồn của khổ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trời Tam thập tam có bốn vườn cảnh để ngắm. Chư thiên ở đó vui chơi hưởng vui ngũ dục. Bốn vườn gì? Vườn cảnh Nan-đà-bàn-na,[258] vườn cảnh Thô sáp,[259] vườn cảnh Trú dạ,[260] vườn cảnh Tạp chủng.[261]

“Trong bốn vườn có bốn ao tắm, ao tắm rất mát, ao tắm hương thơm, ao tắm nhẹ nhàng, ao tắm trong suốt. Thế nào là bốn? Ao tắm Nan-đà,[262] ao tắm Nan-đà đảnh, ao tắm Tô-ma;[263] ao tắm Hoan duyệt.[264] Tỳ-kheo nên biết, trong bốn vườn có bốn ao tắm này khiến người thân thể thơm sạch, không có bụi bặm.

“Vì sao gọi là vườn Nan-đà-bàn-na? Nếu Trời Tam thập tam vào vườn Nan-đà-bàn-na, tâm tánh sẽ vui vẻ không dừng được; ở đó vui chơi, nên gọi là vườn Nan-đa-bàn-na.

“Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Nếu Trời Tam thập tam vào trong vườn này, thân thể sẽ hết sức thô. Ví như mùa đông lấy hương bôi lên thân, thân hết sức thô, chẳng như lúc thường. Vì thế nên gọi là vườn Thô sáp.

Sao gọi là vườn Trú dạ? Khi Trời Tam thập tam vào trong vườn này, nhan sắc chư Thiên sẽ khác nhau, tạo bao nhiêu hình thể, ví như phụ nữ mặc các loại áo xiêm, chẳng giống lúc thường. Đây cũng như thế. Nếu Trời Tam thập tam vào trong vườn sẽ trở thành các hình sắc không giống lúc thường. Vì thế nên gọi là vườn Trú dạ.

“Vì sao gọi là vườn Tạp chủng? Bấy giờ, các vị trời tôn quý nhất, và trời bậc trung và trời bậc thấp, khi vào trong vườn này đều trở thành giống nhau. Nếu là trời thấp nhất thì không được vào ba vườn kia. Ví như vườn của Chuyển luân Thánh vương vào, các vua khác không được vào vườn tắm rửa. Còn nhân dân chỉ có thể đứng xa nhìn. Đây cũng như thế, nếu chỗ Trời thần cao nhất vào tắm rửa, các Trời nhỏ khác không được vào. Thế nên, gọi là vườn Tạp chủng.[265]

“Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà? Nếu Trời Tam thập tam vào trong vườn này, lòng sẽ rất vui vẻ. Thế nên gọi là ao tắm Nan-đà.

“Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà đảnh? Nếu Trời Tam thập tam vào trong vườn này, từng cặp hai người nắm tay chà trên đỉnh đầu mà tắm. Ngay trong Thiên nữ cũng làm như thế. Do đó gọi là ao tắm Nan-đà dảnh.

“Vì sao gọi là ao tắm Tô-ma? Nếu Trời Tam thập tam vào trong ao tắm này, bấy giờ, nhan mạo chư Thiên đều giống như người, không có đa dạng. Thế nên gọi ao tắm Tô-ma.

“Vì sao gọi là ao tắm Hoan duyệt? Nếu Trời Tam thập tam vào trong ao này sẽ đều không có lòng kiêu mạn cao thấp, tâm dâm giảm bớt, bấy giờ đồng nhất tâm mà tắm. Thế nên gọi là ao tắm Hoan duyệt.

“Đó là, này Tỳ-kheo, có nhân duyên này, có tên này.

“Nay trong Chánh pháp của Như Lai cũng lại như thế. Có tên bốn vườn. Thế nào là bốn? Vườn Từ, vườn Bi, vườn Hỷ, vườn Xả*. Đó là, Tỳ-kheo, trong chánh pháp Như Lai có bốn vườn này.

“Tại sao gọi là vườn Từ? Tỳ-kheo nên biết, do vườn Từ này mà sinh lên trời Phạm thiên; từ cõi trời Phạm thiên đó chết đi, sinh trong nhà hào quý, nhiều tiền lắm của, hằng có vui ngũ dục, an trú chưa từng rời mắt. Thế nên gọi là vườn Từ.

“Vì sao gọi là vườn Bi? Tỳ-kheo nên biết, nếu hay thân cận tâm bi giải thoát thì sinh cõi trời Phạm Quang Âm. Nếu sinh trở lại trong [69b01] loài người thì sinh nhà tôn quí, không có sân giận, cũng nhiều tiền lắm của. Vì thế nên gọi là vườn Bi.

“Vì sao gọi là vườn Hỷ? Nếu người hay thân cận vườn Hỷ thì sinh trời Quang âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà Quốc vương, lòng thường hoan hỷ. Vì thế nên gọi là vười Hỷ.

“Vì sao gọi là vườn Xả*? Nếu người thân cận vườn xả thì sẽ sinh trời Vô tưởng, thọ bốn vạn tám nghìn kiếp. Nếu lại sinh trong loài người thì sinh nhà ở chốn trung ương, cũng không sân hận, hằng xả[266] tất cả hành phi pháp. Vì thế nên gọi là vườn Xả.

“Tỳ-kheo nên biết, trong Chánh pháp Như Lai có bốn vườn này khiến các Thanh văn được dạo chơi trong ấy. Trong bốn vườn này của Như Lai có bốn hồ tắm để hàng Thanh văn của Ta tắm rửa, dạo chơi trong ấy, dứt hết hữu lậu thành tựu vô lậu, không còn trần cấu. Những gì là bốn? Hồ có tầm, có tứ; hồ tắm không tầm, không tứ; hồ tắm xả* niệm;[267] hồ tắm không khổ, không lạc.[268]

Thế nào là hồ tắm có tàm có tứ? Tỳ-kheo đắc sơ thiền, ở trong các pháp hằng có tầm tứ, tư duy pháp trừ bỏ kết sử triền cái, vĩnh viễn không còn dư tàn. Thế nên gọi có tầm có tứ. 

Thế nào là hồ tắm không tầm không tứ? Tỳ-kheo đắc nhị thiền, diệt có tầm có tứ, lấy thiền làm thức ăn. Vì thế gọi là không tầm không tứ.

Thế nào gọi là hồ tắm xả* niệm? Tỳ-kheo đắc tam thiền[269], diệt có tầm có tứ; không tầm, không tứ, hằng xả* niệm tam thiền. Vì thế gọi là hồ tắm xả niệm.

Thế nào gọi là hồ tắm không khổ không lạc? Tỳ-kheo đắc tứ thiền[270], cũng không niệm lạc, cũng chẳng niệm khổ; cũng không niệm pháp quá khứ, vị lai, chỉ dụng tâm ở trong pháp hiện tại, thế nên gọi là hồ tắm không khổ không lạc.

“Do vậy, này các Tỳ-kheo, trong Chánh pháp của Như Lai có bốn hồ tắm này, để hàng Thanh Văn của Ta ở trong ấy tắm rửa, diệt hai mươi mốt kết, qua biển sinh tử, vào thành Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu muốn qua biển sinh tử này, hãy tìm cầu phương tiện diệt hai mươi mốt kết, vào thành Niết-bàn. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy [669c01] học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[271]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ví như bốn con rắn độc lớn hết sức hung bạo được bỏ chung trong một cái hộp. Nếu có người từ bốn phương đến, muốn sống, không muốn chết, muốn tìm vui không tìm khổ, chẳng ngu chẳng tối, tâm ý không rối loạn, không bị trói buộc, khi ấy, nếu vua hay đại thần của vua gọi người này bảo, ‘Nay có bốn con rắn độc lớn, hết sức hung bạo. Ông nên tùy thời nuôi nấng, tắm rửa chúng cho sạch; tùy thời cho ăn uống, đừng để thiếu thốn. Nay là lúc thích hợp, hãy đi mà làm đi!’

“Người kia trong lòng sợ hãi không dám tới thẳng trước, bèn bỏ chạy mà không biết chạy đường nào. Người kia lại được bảo rằng, ‘Nay ta sai năm người cầm đao kiếm theo sau ông. Nếu họ bắt được sẽ dứt mạng ông. Không được chậm trễ.’

“Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, bèn phóng chạy tứ tung, không cần biết chạy đi đâu. Người kia lại được bảo rằng: ‘Nay ta lại sai sáu oan gia theo sau ông. Ai bắt được ông sẽ dứt mạng ông. Muốn làm gì hãy làm cho kịp thời!’ 

“Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ sáu oan gia, liền phóng chạy khắp nơi. Người kia khi thấy cái xóm hoang, muốn vào trong đó mà núp; nó gặp một căn nhà trống, gặp tường vách đổ, không có gì chắc chắn; nó thấy một cái ghe trống, hoàn toàn không có gì. Khi ấy có người thân hữu với nó, muốn giúp đỡ nó cho khỏi nạn, liền bảo, ‘Xóm vắng này có nhiều giặc cướp, muốn làm gì thì cứ tùy ý.’

“Người kia đã sợ bốn rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ oan gia, lại sợ cái xóm vắng, liền phóng chạy khắp nơi. Người ấy nhắm phía trước, thấy có con sông lớn, vừa sâu vừa rộng, cũng không có người và cầu đò để có thể qua được bờ kia, mà chỗ người ấy đứng lại nhiều giặc cướp hung ác. Lúc đó, người ấy nghĩ, ‘Sông này rất sâu rộng, nhiều giặc cướp, làm sao qua được bờ kia? Nay ta nên gom góp cây cối, cỏ rác làm bè, nương vào bè này mà [670a01] từ bờ bên đây qua đến bờ bên kia.’ Người ấy liền gom cây cỏ làm bè, rồi qua được bờ kia, chí không di động.

“Các Tỳ-kheo nên biết, nay ta lấy ví dụ, nên khéo suy nghĩ. Nói nghĩa này là có nghĩa gì?

“Bốn rắn độcbốn đại. Những gì là bốn đại? Đó là đất, nước, gió, lửa. Đó là bốn đại.

“Năm người cầm kiếm tức năm thủ uẩn. Những gì là năm? Đó là sắc uẩn, thọ* uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

“Sáu oan giaái dục.

“Xóm vắng là sáu xứ bên trong.[272] Thế nào là sáu? Đó là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Nếu người có trí tuệ, khi quán mắt, thấy thảy đều trống không, không chỗ gì, hư dối, vắng lặng, không bền chắc. Khi quán tai, mũi, miệng, thân, ý, thấy đều trống không, đều rỗng lặng, cũng không bền chắc.

“Nước là bốn bộc lưu. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, vô minh bộc lưu, kiến bộc lưu

“Bè lớn là tám đạo phẩm của Hiền Thánh. Thế nào là tám? Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh.

“Muốn vượt qua nước là sức tinh tấn với phương tiện khéo léo. Bờ này là thân kiến.[273] Bờ kia là diệt thân kiến. Bờ này là quốc giới của vua A-xà-thế. Bờ kia là quốc giới của vua Tỳ-sa. Bờ này là quốc giới của Ba-tuần. Bờ kia là quốc giới của Như Lai.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.

Lúc ấy trong thành Xá-vệ, có một Ưu-bà-tắc vừa mạng chung và lại sinh trong nhà đại trưởng giả tại thành Xá-vệ. Vị phu phân lớn nhất mang thai. Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết để xem; thấy Ưu-bà-tắc này sinh trong nhà trưởng giả giàu nhất thành Xá-vệ. Ngay ngày đó lại có bà-la-môn thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục. Thế Tôn cũng dùng thiên nhãn xem thấy. Cũng ngay ngày đó, trưỏng giả Cấp Cô Độc mạng chung, sinh cõi thiện, lên trời. Thế Tôn cũng dùng thiên nhãn xem thấy. Ngay ngày hôm đó, cũng có một Tỳ-kheo [670b01] chứng nhập Niết-bàn, Thế Tôn cũng bằng thiên nhãn mà nhìn thấy.

Bấy giờ, Thế Tôn thấy bốn việc này rồi, liền nói kệ này:

Nếu người thọ bào thai,

Hành ác vào địa ngục;

Người lành sinh lên trời.

Vô lậu nhập Niết-bàn.

Nay người hiền thọ thai.

Bà-la-môn vào địa ngục.

Tu-đạt sinh lên trời.

Tỳ-kheo thì diệt độ.

Bấy giờ, Thế Tôn rời tĩnh thất, đến giảng đường Phổ tập mà ngồi. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có bốn việc mà nếu người tu hành theo thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh trong loài người. Thế nào là bốn? Người mà thân, miệng, ý và mạng thanh tịnh không tỳ vết, lúc mạng chung sẽ được sinh trong loài người.

“Này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp mà ai tập hành, người đó sẽ vào trong địa ngục. Thế nào là bốn? Thân, miệng, ý, và mạng không thanh tịnh. Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này mà ai thân cận thì khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp mà nếu ai tu tập hành theo thì sẽ sinh cõi lành, lên trời. Thế nào là bốn? Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi.[274] Đó là, này Tỳ-kheo, ai hành pháp này, khi thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành, lên trời.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp nếu ai tập hành theo, khi thân hoại mạng chung, diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa. Thế nào là bốn? Thiền có tầm có tứ; thiền không tầm, không tứ; xả* niệm; thiền khổ lạc diệt.[275] Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này, nếu ai tu tập thực hành theo đó thì sẽ diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.

“Thế nên, này các Tỳ-kheo, thiện gia nam tử trong bốn bộ chúng, muốn sinh trong loài người, hãy tìm cầu phương tiện hành thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh. Nếu muốn được sinh lên cõi trời, cũng hãy tìm cầu phương tiện hành bốn ân huệ.[276] Nếu muốn được hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, cũng hãy tìm cầu phương tiện hành bốn thiền. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo [670c01] nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8[277]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ngoài thành Tỳ-xá-ly, trong một khu rừng. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Xưa, lúc Ta chưa thành đạo, lúc ấy, Ta sống trong núi Đại úy.[278] Nếu ai có lòng dục hay không lòng dục mà vào trong núi này, taòn thân lông dựng ngược. Lại gặp lúc quá nóng nực, sóng nắng tung hoành, Ta cởi trần mà ngồi, ban đêm thì vào rừng sâu. Lúc trời quá lạnh, gió mưa dồn dập thì ban ngày Ta vào trong rừng, ban đêm ngủ ngoài trời. Bấy giờ, Ta hay tụng một bài kệ mà xưa chưa từng nghe, chưa từng thấy:

Lạnh lẽo, đêm nghỉ

Trong núi Đại uý;

Thân thể cởi trần:

Ta đã thệ nguyện.[279]

“Hoặc Ta đến gò mả để lấy áo người chết che mình. Bấy giờ, có người xóm Án-trá[280] đến lượm nhánh cây đâm vào tai Ta hay thọc vào mũi Ta. Có người khạc nhổ, có người đi tiểu hoặc lấy đất bôi lên mình Ta. Nhưng Ta trọn không nghĩ gì về họ. Lúc ấy, Ta có tâm xả này.

“Bấy giờ, tại chỗ chuồng bò, nếu thấy phân bê, Ta liền lấy ăn. Nếu không có phân bê, Ta liền ăn phân bò. Khi ăn món này, Ta nghĩ: ‘Nay ăn để làm gì? Hãy nhịn trọn ngày.’ Lúc Ta nghĩ vậy, chư thiên đến chỗ Ta bảo, ‘Nay Ngài chớ nhịn ăn nữa. Nếu Ngài nhịn, tôi sẽ đem cam lồ, tinh khí giúp Ngài sống.’ Ta lại nghĩ: ‘Đã nhịn ăn sao lại để chư thiên đem cam lồ cho Ta? Đó là sự dối trá.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Nay Ta có thể ăn các thứ mè, gạo bỏ dư.’ Bấy giờ, mỗi ngày Ta ăn một hạt mè, một hạt gạo, thân hình liệt nhược, xương cốt dính nhau. Trên đỉnh đầu mọc mụt nhọt, da thịt rơi rớt. Ví như trái bầu khô vỡ, không lành lặn, đầu Ta lúc ấy cũng thế, trên đỉnh mọc nhọt, da thịt rơi rớt, do không ăn. Cũng như tinh tú hiện trong giếng sâu; lúc ấy, mắt Ta cũng thế, đều vì không ăn. Ví như xe cũ [671a01] hư nát, thân Ta cũng thế, tất cả đều hư hỏng không thể theo ý mình. Cũng như dấu chân lạc đà, hai xương cùng của Ta cũng thế. Nếu khi Ta lấy tay đè bụng, liền đụng xương sống. Nếu lúc đè xương sống, liền đụng da bụng. Thân thể ốm yếu đều vì không ăn. Bấy giờ, Ta đã dùng một hạt mè, một hạt gạo làm thức ăn mà trọn vô ích, chẳng được pháp thượng tôn. Nếu muốn đại, tiểu tiện, Ta liền té xuống đất, không tự đứng lên được.

“Bấy giờ, chư thiên trông thấy liền nói, ‘Sa-môn Cù-đàm đã diệt độ!’ Lại có chư thiên nói, ‘Sa-môn này chưa chết, nay ắt phải chết.’ Có chư thiên lại nói, ‘Sa-môn này không phải chết! Sa-môn này thực là A-la-hán. Pháp La-hán thường có khổ hành này.’

“Bấy giờ, Ta còn thần thức, biết được chuyện bên ngoài. Ta lại nghĩ: ‘Nay lại nhập vào thiền không hơi thở.’ Và Ta liền nhập vào thiền không hơi thở, đếm hơi thở ra vào. Ta do đếm hơi thở ra vào, giác biết có hơi từ lỗ tai ra. Khi ấy, tiếng gió như tiếng sấm. Ta lại nghĩ: ‘Nay Ta ngậm miệng, bịt tai cho hơi thở không ra.’ Hơi thở vì không ra được, khi đó hơi thở theo chân và tay mà ra. Giả sử khi hơi không ra từ tai, mũi, miệng, bấy giờ, bên trong như tiếng sấm rền. Ta cũng thế, khi ấy thần thức vẫn còn chuyển theo thân.

Ta lại nghĩ: ‘Ta hãy nhập lại thiền nín thở.’ Khi ấy, Ta phong bế hết các lỗ thở. Ta vì phong bế các hơi thở ra vào, đầu trán liền đau nhức như có người lấy dùi mà dùi đầu. Ta cũng vậy, đầu đau rất khổ sở.

“Bấy giờ, Ta vẫn còn thần thức. Ta lại nghĩ: ‘Nay Ta nên ngồi [671b01] thiền, dứt hơi thở, không cho hơi thở ra vào.’ Khi ấy, Ta liền bít hơi thở ra vào. Các hơi thở dồn xuống bụng. Lúc hơi thở chuyển động hết sức nhỏ nhiệm, như đồ tể cầm đao giết bò, Ta cũng vậy, hết sức đau đớn. Cũng như một người yếu đuối bị hai người mạnh khỏe nắm lấy đem nướng trên lửa, đau đớn chịu không nỗi. Ta cũng vậy, khổ đau này không thể trình bày đầy đủ.

“Bấy giờ, Ta vẫn có thần thức. Ngày ngày Ta ngồi thiền, thân thể không có màu sắc giống người. Có người trông thấy nói, ‘Sa-môn này có màu da quá đen.’ Có người thấy nói, ‘Sa-môn này có da như màu chàm.’[281]

“Tỳ-kheo, nên biết, trong sáu năm tu hành khổ hạnh này mà chẳng được phép thượng tôn, bấy giờ, Ta nghĩ: ‘Nay Ta nên ăn mỗi ngày một trái cây.’ Ta liền ăn một trái. Khi Ta ăn ngày một trái, thân hình yếu đuối, không thể tự đi đứng, như một trăm hai mươi tuổi, đốt xương rời rạc, chẳng thể nâng đỡ. Tỳ-kheo nên biết, một quả khi ấy bằng một trái táo nhỏ bây giờ. Bấy giờ, Ta lại nghĩ: ‘Đây chẳng phải căn bản Ta thành đạo. Hẵn phải có con đường khác.’

“Ta lại nghĩ: ‘Ta nhớ lại ngày xưadưới gốc cây của Phụ vương, không dâm, không dục,[282] trừ bỏ pháp ác bất thiện, nhập sơ thiền. Không tầm không tứ, nhập nhị thiền.[283] Xả[284] niệm thanh tịnh, không có các tưởng, nhập tam thiền.[285] Không khổ lạc, xả niệm thanh tịnh,[286] nhập tứ thiền. Có thể đây là đạo. Nay Ta nên tìm đạo này.’

“Trong sáu năm, Ta cầu đạo cần khổ mà không thành tựu, hoặc nằm trên gai góc, hoặc nằm trên ván đóng đinh sắc, hoặc treo thân thể cách xa mặt đất, hai chân ở trên, đầu chúc xuống, hoặc tréo chân, ngồi chồm hỗm, hoặc để râu tóc dài không hề cạo hớt, hoặc ngày phơi lửa thiêu đốt, hoặc thời tiết đông lạnh ngồi trên băng, thân thể chìm trong nước, hoặc lặng lẽ không nói, hoặc có lúc một ngày ăn một bữa, hoặc hai ngày ăn một bữa, hoặc ba ngày một bữa, hoặc bốn ngày một bữa, cho đến bảy ngày một bữa, hoặc ăn rau trái, hoặc ăn lúa mè, hoặc ăn rễ cỏ, hoặc ăn trái cây, hoặc ăn hương hoa, hoặc ăn các thứ quả, củ. Có lúc ở trần, có lúc mặc y rách nát, hoặc đắp y bằng cỏ gấu, hay đắp y lông da, có lúc lấy tóc người che thân, có lúc để tóc dài, có lúc lấy tóc người khác đội thêm.

“Như thế Tỳ-kheo, khi xưa Ta khổ hành đến như vậy mà chẳng thu hoạch được căn bản của bốn pháp. Thế nào là bốn? Nghĩa là giới luật Hiền thánh khó tỏ, khó biết; trí tuệ Hiền thánh khó tỏ, khó biết; giải thoát Hiền Thánh, khó tỏ, khó biết; tam-muội Hiền thánh[287] khó tỏ, khó biết. Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này. Xưa Ta khổ hạnh chẳng được cốt yếu này.

“Bấy giờ, Ta lại nghĩ, ‘Nay Ta cần phải [671cb01] tìm cầu được đạo vô thượng. Thế nào là đạo vô thượng? Đó là hướng về bốn pháp này: Giới luật Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, giải thoát Hiền thánh.’

“Rồi Ta lại nghĩ, ‘Chẳng thể đem thân ốm yếu này mà cầu đạo thượng tôn. Ta nên ăn chút ít để được khí tinh vi, nuôi nấng thân thể, khí lực mạnh mẽ. Sau đó mới tu hành đắc đạo.’

“Ngay khi Ta ăn chút ít, được khí tinh vi, năm Tỳ-kheo bỏ Ta mà đi, ‘Sa-môn Cù-đàm này tánh hạnh thác loạn, bỏ chân pháp theo nghiệp tà.’

“Lúc đó, Ta từ chỗ ngồi đứng dậy, kinh hành theo hướng đông. Ta lại nghĩ, ‘Chỗ thành đạo của hằng sa chư Phật đời quá khứ là ở đâu?’ Ngay khi ấy, phía trên Ta, có thiên thần đứng giữa hư không, nói vói Ta rằng, ‘Hiền sỹ, nên biết, hằng sa chư Phật quá khứ ngồi dưới bóng mát cây đạo thọ mà thành Phật.’ Rồi Ta lại nghĩ, ‘Ngồi chỗ nào mà được thành Phật?’ Chư thiên lại bảo Ta, ‘Quá khứ hằng sa chư Phật ngồi trên đệm cỏ, rồi sau đó mới thành Phật.’

“Khi ấy, cách Ta không xa, có bà-la-môn Cát Tường cắt cỏ một bên. Ta liền đến đó hỏi, ‘Ông là ai? Tên gì? Có họ gì?’ Bà-la-môn đáp, ‘Tôi tên Cát Tường, [288] họ Phất tinh.’[289] 

“Ta bảo người ấy, ‘Lành thay, lành thay! Tên họ như thế rất hiếm có trên đời. Họ tên không dối mới thành hiệu này. Cầu mong cho ông đời hiện tại tốt lành, không điều gì bất lợi, trừ sạch sanh, già, bệnh, chết. Ông họ Phất tinh, thật phù hợp với Ta. Nay Ta muốn xin ít cỏ.’ Cát Tường hỏi, ‘Cù-đàm dùng cỏ để làm gì?’ Ta đáp Cát Tường, ‘Ta muốn trải dưới cây Thọ vương để cầu bốn pháp. Thế nào là bốn? Đó là giới luật Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, giải thoát Hiền thánh.’

“Tỳ-kheo nên biết, bây giờ Cát Tường tự thân đem cỏ trải dưới cây Thọ vương. Rồi Ta ngồi lên, chính thân, chính ý, ngồi kiết già, buộc niệm ở trước. Bây giờ, tâm ý Ta cởi bỏ tham dục, trừ các ác pháp, có tầm có tứ, nhập sơ thiền. Trừ diệt có tầm có tứ, tâm nhập nhị thiền, tam thiền; xả* niệm thanh tịnh, ưu hỷ trừ sạch, tâm nhập tứ thiền[290].

“Bấy giờ, Ta với tâm thanh tịnh, [672a01] trừ các kiết sử, đắc vô sở uý, tự biết túc mạng biến đổi vô số. Ta liền tự nhớ việc vô số đời, hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn, năm đời, mười đời, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm đời, nghìn đời, trăm nghìn, vạn đời; kiếp thành kiếp hoại, vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, vô số kiếp thành hoại. Ta từng chết đây, sinh kia; từ kia mạng chung đến sinh nơi này; nguồn gốc nhân duyên gốc ngọn. Ta nhớ việc vô số đời như thế.

“Ta lại bằng thiên nhãn thanh tịnh, không tỳ vết, quán chúng sanh, kẻ sinh, người chết, cõi lành sắc lành, cõi ác sắc ác, hoặc đẹp hay xấu tùy hành nghiệp từ trước, Ta thảy đều biết rõ. Hoặc có chúng sanh do thân, miệng, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, tạo gốc nghiệp tà, tương ưng với tà kiến, thân hoại mạng chung, sinh trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh do thân, miệng, ý hành thiện không phỉ báng Hiền thánh, tương ưng với chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh ở nhân gian. Đó là chúng sanh mà thân, miệng, ý không có tà nghiệp.

“Ta do tâm tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh, liền thành vô thượng Chánh chơn.

“Này các Tỳ-kheo, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn rõ biết các nẻo[291], nhưng những nẻo đường này, vốn ngày xưa Ta chưa có đường nào chẳng đi, chỉ trừ chưa hề một lần sinh lên trời Tịnh cư vì ở đó không còn tái sinh trở lại cõi này. Hoặc với một số Sa-môn, Bà-la-môn, đó là chỗ đáng tái sinh nhưng Ta chẳng sinh, vì không thích hợp. Vì đã sinh lên trời Tịnh cư thì không còn trở lại thế gian này nữa. 

“Các ngươi đã đạt được giới luật Hiền thánh, Ta cũng đạt được. Các ngươi đạt được tam-muội Hiền thánh, Ta cũng đạt được. Các ngươi đạt được giải thoát Hiền thánh, Ta cũng đạt được. Các ngươi đạt được giải thoát tri kiến Hiền thánh, Ta cũng đạt được. Ta đã cắt dứt gốc rễ bào thai, sinh tử đã hết hẳn, không còn tái sinh.

“Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện thành tựu bốn pháp. Vì sao thế? Vì nếu Tỳ-kheo nào được bốn pháp này thì thành đạo không khó. Như ngày nay, Ta thành Đạo vô thượng Chánh chơn đều do bốn pháp này mà được thành quả. Như thế, các Tỳ-kheo, [672b01] hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Quá khứ lâu xa, Trời Tam thập tam là Thích Đề-hoàn Nhân cùng các ngọc nữ đến vườn Nan-đà-bàn-na dạo chơi. Có một vị trời làm kệ:

Không thấy vườn Nan-đàn,

Thì chẳng biết có vui.

Các chỗ chư thiên ở,

Không đâu hơn nơi này.

Bấy giờ, có vị trời khác bảo vị trời ấy rằng:

“Ông không có trí, không biết phân biệt chánh lý. Vật ưu khổ mà ngược lại cho là vui. Vật không bền chắc mà nói là bền. Vật vô thường nói ngược là thường. Vật không lõi chắc lại nói lõi chắc. Vì sao thế? Ông há không nghe Như Lai nói kệ sao?

Tất cả hành vô thường.

Có sanh tất có chết.

Chẳng sanh thì không chết;

Diệt này là vui nhất.

“Đã có nghĩa này, lại có kệ này. Sao ông nói cõi này vui nhất? Nay ông nên biết, Như Lai cũng nói pháp bốn bộc lưu. Nếu chúng sanh chìm trong những dòng lũ này, trọn chẳng đắc đạo. Những gì là bốn? Nghĩa là dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu.

“Thế nào gọi là dục bộc lưu? Đó là năm dục. Những gì là năm? Mắt thấy sắc khởi thức tưởng của mắt; tai nghe tiếng khởi thức tưởng của tai, mũi ngửi mùi khởi thức tưởng của mũi, lưỡi nếm vị khởi thức tưởng lưỡi, thân biết xúc chạm khởi thức tưởng thân. Đó gọi là dục bộc lưu.

“Thế nào là hữu bộc lưu? Đó là ba hữu. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Đó là hữu bộc lưu.

“Thế nào gọi là kiến bọc lưu? Chấp thế gian là thường, vô thường; thế gianhữu biên, vô biên; có thân, có mạng; chẳng phải thân, chẳng phải mạng; Như Lai có chết, Như Lai không chết, hoặc Như Lai vừa chết Như Lai không chết, không phải Như Lai vừa chết cũng không phải Như Lai không chết. Đó gọi là kiến bộc lưu.

“Thế nào là [72c01] vô minh bộc lưu? Vô minh là không biết, không tin, không thấy; tâm ý tham dục, hằng mong cầu và có ngũ cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo cử cái, nghi cái. Lại chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo. Đó gọi là vô minh bộc lưu.

“Thiên tử nên biết, Như Lai nói bốn dòng lũ này. Nếu có ai chìm vào đây thì chẳng thể đắc đạo.

“Bấy giờ, vị trời kia nghe lời này xong, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ trời Tam thập tam biến mất, đi đến chỗ Ta, cúi lạy rồi đứng một bên. Trời ấy bạch với Ta:

“Lành thay, Thế Tôn, khéo nói nghĩa này: Như Lai đã nói bốn dòng lũ. Nếu phàm phu chẳng nghe bốn dòng lũ này thì chẳng được bốn an lạc. Thế nào là bốn? Đó là lạc do an chỉ,[292] lạc chánh giác, lạc của Sa-môn, lạc Niết-bàn. Nếu phàm phu chẳng biết bốn dòng lũ này thì chẳng được bốn an lạc này.

Nói vậy xong, Ta lại bảo:

“Thật vậy, Thiên tử, như lời ông nói, nếu không biết được bốn dòng này thì không biết được bốn an lạc này.

“Rồi Ta tuần tự nói các đề tài cho vị trời kia, đề tài về thí, đề tài về giới, đề tài về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạn lớn, xuất yếuan lạc.

“Bấy giờ, vị trời ấy đã phát tâm hoan hỷ, Ta liền diễn nói rộng về pháp bốn dòng lũ và nói về bốn an lạc. Khi ấy, vị trời kia chuyên tâm nhất ý tư duy pháp này, sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Nay Ta cũng nói bốn pháp, bốn lạc này, để được pháp bốn đế. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nên tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục giới, ái sắc giới, ái vô sắc giới, đoạn tận vô minh, đoạn tận kiêu mạn. Ví như đốt cháy cây cỏ, tất cả đều dập tắt hết. Đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kết sử. Vì sao thế?

“Ngày xưa rất lâu, có một thiên tử đem năm trăm ngọc nữ, theo nhau kẻ trước người sau, đến dạo chơi trong vườn Nan-đàn-bàn-na, chơi đùa dần dần đến dưới cây Ca-ni, [673a01] hưởng thú ngũ dục. Rồi thiên tử kia leo lên cây chơi, hái hoa, tâm ý rối loạn, rơi xuống cây mà chết. Ông sinh trong nhà Trưởng giả lớn trong thành Xá-vệ này. Bấy giờ, năm trăm ngọc nữ đấm ngực kêu gào không ngớt. Ta dùng thiên nhãn trông thấy thiên tử chết sinh trong nhà đại trưởng giả, trong thành Xá-vệ. Qua tám chín tháng sinh một bé trai xinh đẹp vô song, như màu hoa đào. Con trưởng giả dần dần khôn lớn. Cha mẹ liền tìm vợ cho nó. Cưới vợ chưa bao lâu, nó lại chết, sanh trong biển lớn làm thân rồng. Bấy giờ, trong nhà trưởng giả kia, cả nhà đều kêu khóc đau đớn rất thương tâm. Rồng ấy lại bị chim cánh vàng ăn thịt, chết sinh trong địa ngục, Bấy giờ, các long nữ lại thiết tha thương nhớ vô tả.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Trời kia lúc hái hoa,

Tâm ý loạn không an, 

Như nước trôi thôn xóm, 

Tất chìm không vớt được.

Bấy giờ chúng ngọc nữ

Vây quanh mà khóc lóc,

Mặt mày rất xinh đẹp

Yêu hoa mà mạng chung.

Loài người cũng than khóc,

Mất khúc ruột của ta.

Vừa bụng lại mạng chung.

Bị vô thường tan hoại.

Long nữ theo sau tìm,

Các rồng đều tụ tập,

Bảy đầu thật dũng mãnh;

Bị chim cánh vàng hại.

Chư thiên cũng ưu sầu.

Loài người cũng như thế.

Long nữ cũng sầu ưu.

Địa ngục chịu đau khổ.

Diệu pháp bốn đế này

Mà chẳng biết như thật

Có sinh thì có chết,

Chẳng thoát biển sông dài.

Thế nên hãy khởi tưởng,

Tu các pháp thanh tịnh;

Tất sẽ lìa khổ não;

Lại chẳng bị tái sinh.

“Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nên tu hành tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, sẽ đoạn dục ái, sắc ái, vô sắc ái, cũng đoạn kiêu mạn, đoạn tận vô minh không dư tàn. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 11
[673b01] Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đệ tử Tôn giả Mục-liên và đệ tử Tôn giả A-nan, hai người nói chuyện:

“Hai chúng ta đồng tụng kinh xem ai hay hơn!”

Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo nghe hai người thảo luận, bèn đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

“Nay có hai người bàn luận: ‘Hai chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay!’”

Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi đi gọi hai Tỳ-kheo ấy đến đây.”

Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến hai người kia bảo họ:

“Thế Tôn cho gọi hai ông.”

Hai người nghe Tỳ-kheo nói, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo hai người:

“Các ngươi ngu si! Các ngươi thực có nói: ‘Chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay hơn’ không?”

Hai người đáp:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo:

“Các ngươi có nghe Ta nói pháp này: ‘Hãy cạnh tranh với nhau chăng?’ Pháp như thế đâu khác bà-la-môn?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Con chẳng nghe Như Lai nói pháp này.”

Thế Tôn bảo:

“Ta do không thuyết pháp này cho Tỳ-kheo, vì vậy mà các ngươi tranh hơn thua chăng? Nhưng Pháp mà Ta thuyết hôm nay là muốn có người được hàng phục, có người được giáo hoá. Tỳ-kheo nào lúc thọ lãnh pháp, hãy nhớ suy nghĩ bốn duyên, xem có tương ưng với Khế kinh, A-tỳ-đàm, Luật không? Nếu tương ưng, hãy nhớ vâng làm.”

Bậy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Tụng nhiều việc vô ích;

Pháp này chẳng phải hay,

Như đi đếm số bò,

Chẳng thiết yếu Sa-môn.[293]

Nếu tụng tập chút ít,

Nhưng thực hành theo pháp;

Pháp này là trên hết,

Đáng gọi pháp Sa-môn.[294]

Tuy tụng đến nghìn chương,

Không nghĩa đâu ích gì?

Chẳng bằng tụng một câu

Nghe xong đắc đạo được.[295]

Tuy tụng đến nghìn lời

Không nghĩa đâu ích gì?

Chẳng bằng tụng một nghĩa

Nghe xong đắc đạo được.[296]

Dẫu tại bãi chiến trường, 

Thắng nghìn nghìn quân địch;

Tự thắng mình tốt hơn:

Chiến thắng thật tối thượng.[297]

“Thế nên, này các Tỳ-kheo, từ nay về sau chớ nên tranh tụng, chớ có tâm hơn thua. Vì sao thế? Hãy nghĩ hàng phục tất cả mọi người. Nếu Tỳ-kheo có tâm hơn thua, tâm tranh tụng nhau mà cùng cạnh tranh thì phải lấy pháp luật mà trị. Tỳ-kheo, vì thế hãy tự tu hành.”

Hai Tỳ-kheo nghe Phật nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy Thế Tôn sám hối:

“Từ nay về sau, chúng con không làm vậy nữa. Cúi xin Thế Tôn nhận lời con hối lỗi.” Thế Tôn bảo:

“Trong đại pháp, các ngươi đã chịu sửa lỗi, tự biết có tâm cạnh tranh. Ta nhận sự hối lỗi của các ngươi. Các Tỳ-kheo, chớ nên thế nữa. Như thế, các Tỳ-kheo hãy học điều này.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Tăng thượng, toạ, hành tích,

Vô tình, vườn quán, hồ,

Vô lậu, vô tức, thiền,

Bốn lạc, không tranh tụng.[298]

[1] Tham chiếu Pāli, S. 56. 21 Vijjā (R. v. 431).

[2] Ngũ thạnh ấm 五盛陰, tức năm thủ uẩn (Pāli: pañca-upādānakkhandha).

[3] Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 393a11), Pháp uẩn 2 (T26n1537, tr. 458b26), bốn Dự lưu chi 預流支: thân cận thiện sỹ 親近善士, thính văn chánh pháp 聽聞正法, như lý tác ý 如理作意, pháp tùy pháp hành 法隨法行. Pāli, D 33 Saṅgīti (R.iii. 227 ): cattāri sotāpattiyaṅgāni– sappurisasaṃsevo, saddhammassa-vanaṃ, yonisomanasikāro, dhammānudhammappaṭipatti.

[4] Tham chiếu Pāli, A IV 127 Adbhūtadhammā (R.ii. 131).

[5] Vị tằng hữu pháp. Pāli 未曾有法: adbhūtadhamma. 

[6] Trong bản: Đa-tát-a-kiệt .多薩阿竭. 

[7] Tham chiếu Pāli, S.22. 22 Bhāra (R. iii. 25).

[8] Dẫn bởi Câu-xá 30 (T29n1558, tr. 155a27): trọng đảm 重擔 (Pāli: bhāra), hà trọng đảm 荷重擔 (Pāli: bhārahāra), xả trọng đảm 捨重擔 (Pāli: bhāranikkhepana).

[9] Pāli: bhāranidāna.

[10] Pāli, định cú: yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandīrāgasahagatā tatratatrābhinandinī seyyathidaṃ– kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā, ái đương lai hữu, câu hữu với hỉ tham, mong ước ta sẽ ở đây, ta sẽ ở kia, tức là, dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

[11] Cf. M 12 Mahā-Sīhanādasuttaṃ (R.i. 73): catasso yoniyo: aṇḍajā yoni, jalābujā yoni, saṃsedajā yoni, opapātikā yoni.

[12] Nhân duyên sinh 因緣生. Tức thấp sinh kể trên.

[13] Tham chiếu Pāli, M. 5 Anaṅgaṇasuttaṃ (R. i. 24); Hán, Trung 22 kinh 87 (T1n26, tr. 566a13).

[14] Pāli, ibid., sāṅgaṇova (…) ajjhattaṃ aṅgaṇan’ti yathābhūtaṃ nappajānāti, có ô uế, nhưng không như thực biết rằng ta bên trong có ô uế.

[15] Pāli: subhanimittaṃ manasi karissati, nó sẽ tác ý đến dấu hiệu tinh sạch.

[16] Để bản nhảy sót. Tham chiếu Pāli, ibid.; Trung 22, dẫn trên.

[17] Câu này nghi để bản chép dư, nên cho vào ngoặc.

[18] Kết 結; đây hiểu là “bẩn”; Trung 22 nói là uế 穢. Pāli nói là aṅgaṇa (vết bẩn). 

[19] Cf. Trung 22: “Vô lượng pháp ác bất thiện phát sinh từ dục, đó gọi là uế.” Pāli: pāpakānaṃ akusalānaṃ icchāvacarānaṃ adhivacanaṃ yadidaṃ aṅgaṇan ‘ti, ác, bất thiện, cảnh giới của dục, là những từ đỗng nghĩa của cáu bẩn.

[20] Trong ngoặc, không có trong Hán dịch, nhưng được thêm vào cho rõ nghĩa.

[21] Cf. Trung 22, ibid.: “Vị ấy liền sinh ác tâm. Khi tâm sinh ác và tâm sinh dục, thảy đều bất thiện.” Cf Plia, ibid., so kupito hoti appatīto. kopo yo ca appaccayo– ubhayametaṃ aṅgaṇaṃ, vị ấy phẩn nộbất mãn. Phẩn nộbất mãn, cả hai đều ô uế.

[22] Viên 園, tức trong tăng già lam, hay tăng viện. Pāli: ārāma.

[23] Hán dịch có sự nhầm lẫn. Tỳ-kheo không thanh tịnh không được nói tội Tỳ-kheo khác. Cf. Vin.i. 170. Tham chiếu, Trung 22: “Ta phạm giới, mong người hơn ta chỉ tội, chứ không phải người không bằng ta chỉ tội.” Pāli: sappaṭipuggalo maṃ codeyya, no appaṭipuggalo’ti.

[24] Cf. A IV 105 Ambasuttaṃ (R.ii. 106): Có bốn loại xoài (amba: am-ma-lặc).

[25] Pāli, ibid. “Hạng người tới lui, cúi ngước, co duỗi, v.v., thảy đều đoan chánh, nhưng không như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v. : sống mà có màu sắc như trái chín.”

[26] Câu-sí-la 拘翅羅. Chưa rõ chim gì. Skt. (Pāli): kokila, chim cuốc.

[27] Chí điểu 鷙鳥; một loại diều hâu, chim dữ.

[28] Cf. A IV 102 Dutiyavalāhakasuttaṃ (R.ii. 103).

[29] Pāli, ibid. “Thông suốt Khế kinh (sutta), Ứng tụng (geyya), v.v., nhưng không như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v.: sấm mà không mưa”

[30] Pāli, ibid., “Không thông suốt Khế kinh, Ứng tụng, v.v., nhưng như thực biết đây là khổ, đây là tập, v.v.: mưa mà không sấm.”

[31] Bản Hán, hết quyển 17.

[32] Tứ ý đoạn 四意斷 . Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 391c06): Tứ chánh đoạn giả 四正斷者. Pháp uẩn 3 (T26n1537, tr. 467c24): Tứ chánh thắng 四正勝. Đại trí độ 19 (T25n1509, tr. 197b20): Tứ chánh cần 四正懃. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 221): cattāro sammappadhānā. Skt. samyak-prahāna/ samyak-pradhāna.

[33] Nguyên Hán: Linh diệt 令滅. Có sự nhầm lẫn. Nên sửa lại, vì đấy đối với pháp chưa sanh.

[34] Nguyên Hán: Linh bất sanh 令不生. Có sự chép nhầm. Nên sửa lại.

[35] Túc tán quốc vương 粟散國王. Chỉ các Tiểu vương, chư hầu. Skt. koṭa-rāja, lãnh chúa tại một địa phương (Skt. pradeśa-rāja).

[36] Chiêm-bặc 瞻蔔. Skt (Pāli). campaka, một loại hoa vàng, hoàng hoa, kim sắc hoa. 

[37] Tu-ma-na 須摩那. Skt. (Pāli) sumanas (sumanā): tố hương, hảo ý hương.

[38] Bà-sư 婆師. Skt. vārṣika (Pāli: vassika), ha gian hoa, hạ sinh hoa, một hoa nở mùa hè.

[39] Pāli, S 3. 21 Puggalasutta (R.i. 93). Hán, No 127 Tứ nhân kinh.

[40] Pāli, ibid., tamotamaparāyano, tamojotiparāyano, jotitamaparāyano, jotijotiparāyano, từ bóng tối đi đến bóng tối, từ bóng tối đi đến ánh sáng, từ ánh sáng đi đến bóng tối, từ sáng đi đến sáng.

[41] Đạm nhân 噉人, nghĩa đen, “ăn thịt người (?)” Có lẽ chỉ người bán thịt. No 127: Khôi khoái gia 魁膾家.

[42] Hán: Lõa tiển 裸跣.

[43] Trưởng giả chủng 長者種, đây chỉ đẳng cấp thứ ba, phệ-xá hay cư sĩ.

[44] Hán diễn ý thay vì dịch từ tương đương Pāli: huta: phẩm vật hiến tế; xem D. i. 55, thuyết đoạn diệt (uccheda) của Ajitakesakambala.

[45] Thuyết của Ajitakesakambala, D. 2 Samaññaphala (R.i. 55). 

[46] Hán: Bất bình quân 不平均; đoạn dưới: bất bình đẳng 不平等. Nên hiểu là “Không chân chánh.” 

[47] Tam tôn 三尊, tức Tam bảo.

[48] Hán: thọ mạng 受命; được hiểu là “chánh mạng”, sống bằng nghề nghiệp lương thiện.

[49] Tam-Phật 三佛, phiên âm, Pāli = Skt. Sambuddha.

[50] Cf. Tạp (Việt) 1031: Tô mẫu (bà nội). Pāli, S. 3 22: ayyakā.

[51] Ca-thi 加尸. Pāli: Kāsi, thời Phật, thuộc quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc.

[52] Hán: dã mã 野馬.

[53] Tăng-ca-lợi 僧迦利, tức y tăng-già-lê.

[54] Bốn biện tài 四辯才, cũng nói là bốn vô ngại biện hay bốn vô ngại giải. Pāli: Cf. A IV 172 Vibhattisuttaṃ (R. ii. 160).

[55] Nghĩa biện 義辯, hay nghĩa vô ngại giải. Pāli, ibid. atthapaṭisambhidā sacchikatā odhiso byañjanaso, do từng trường hợp, y theo văn, tôi tác chứng nghĩa vô ngại giải.

[56] Pháp biện 法辯. Pāli: dhammapaṭisambhidā.

[57] Ứng biện 應辯, tức từ vô ngại giải. Pāli: iruttipaṭisambhidā, giải thích từ nguyên thông suốt.

[58] Tự biện 自辯, hay biện (tài) vô ngại giải. Pāli: paṭibhānapaṭisambhidā.

[59] Trong ngoặc, nhảy sót trong để bản, nên thêm vào cho đủ văn.

[60] Chấp trượng phạm chí 執杖梵志, nhóm ngoại đạo cầm gậy. Tỳ-nại-da tạp sự 18 (T24n1451, tr. 287a26): Nhóm ngoại đạo tà mạng, cầm gậy và bện tóc, đón đường đánh chết Mục-kiền-liện. Tỷ-nại-da 2 (T24n1464, tr. 857c27): nhóm phạm chí chấp trượng, cầm gậy có hình như đầu người. Truyền thuyết Pāli, Ngài bị giết bởi nhóm Nigaṇṭha.

[61] Ma-sấu 摩瘦. Cf. Tây vực ký 4 (T51n2087, tr. 890a28): Mạt-thố-la 秣菟羅, tại đó có tháp thờ di thân của Xá-lợi-phất. Phiên âm của Mathurā hay Madhurā (Skt., Pāli đồng).

[62] Quân-đầu Sa-di 均頭沙彌. Pāli: Cunda Samaṇuddesa. Cf. S. 47. 13 Cundasuttaṃ (R.v. 161)

[63] Để bản: Cúng dường Tôn giả xá-lợi 供養尊者舍利. Hoặc nói đủ là “Cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất.” Ý Đế Thích muốn phục vụ nuôi bệnh ngài Xá-lợi-phất.

[64] Không thể phục vụ người bịnh, vì dơ bẩn.

[65] Cf. S 47 ibid. : Xá-lợi-phất y trên giới uẩn ( sīlakkhandhaṃ vā ādāya), hay y trên định uẩn (samādhikkhandhaṃ vā ādāya), tuệ uẩn (paññākkhandhaṃ), giải thoát uẩn (vimuttikkhandhaṃ), giải thoát tri kiến uẩn (vimuttiñāṇadassanakkhandhaṃ) mà nhập Niết-bàn (parinibbuto)?

[66] Danh sách các Bích-chi-phật, xem phẩm 38 kinh 7 dưới. Pāli, cf. M 116 Isigili (R.iii. 68): Ariṭṭho; Upariṭṭho; Tagarasikhī; Yasassī; Sudassano; Piyadassī; Gandhāro; Pinḍolo; Upāsabho; Nīto; Tatho, Sutavā; Bhāvitatto. 

[67] Pāli, D 16 Mahāparinibbānasuttaṃ (R.ii. 157): aniccā vata saṇkhārā, uppādavaya-dhammino; uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho.

[68] Bản Hán, hết quyển 18.

[69] Các loại trí của Xá-lợi-phất, cf. Pāli, S 8.7 Pavāraṇāsuttaṃ (R.i. 191): paṇḍito (bác huệ), mahāpañño (đại huệ), puthupañño (quảng huệ), hāsapañño (tật huệ), javanapañño (tiệp huệ), tikkhapañño (lợi huệ), nibbedhikapañño (quyết trạch huệ).

[70] Na-la-đà thôn 那羅陀村. Pāli: Nālaka, một ngôi làng Bà-la-môn gần Vương xá, sinh quán của Xá-lợi-phất. Theo truyến thống Pāli, sinh quán Mục-kiền-liên tại Kolita, cũng ngôi làng gần Vương xá.

[71] Hán: Tự thâu-bà 寺偷婆. Skt. stūpa (Pāli: thūpa).

[72] Bà-ca-lê 婆迦梨. Pāli: Vakkali. Cf, S.22. 87 Vakkalisuttaṃ (R. iii. 119). Hán. Tạp (Việt) kinh 1279: Bạt-ca-lê 跋迦梨.

[73] Phổ Tập giảng đường 普集講堂: Hội trường của các Tỳ-kheo trong mỗi tinh xá. Cũng gọi là cần hành đường, hay thị giảng đường. Pāli: upaṭṭhāna-sālā.

[74] Pāli, ibid., appatiṭṭhitena ca viññāṇena vakkali kulaputto parinibbuto, thức của Vakkali vô trụ mà nhập Niết-bàn.

[75] Tham chiếu Pāli, M141 Saccavibhaṅgasuttaṃ (R. iii. 247). Hán, Trung 7 kinh 31(T1n26, tr. 467a28).

[76] Tham chiếu Pāli, M 11 Cūḷa-Sīhanādasuttaṃ (R. i. 63). Hán, Trung 26 kinh 103 (T1n26, tr. 590b5).

[77] Pāli, ibid., ekā niṭṭhā, udāhu puthu niṭṭhā’ti?

[78] Bình đẳng thuyết; được hiểu là “trả lời chân chánh, hay chánh xác.” Pāli: sammā byākaramānā.

[79] Hán: Bỉ cứu cánh 彼究竟, được hiểu là “cứu cánh là một ấy.”

[80] Pāli: sā niṭṭhā sarāgassa udāhu vītarāgassā’ti? Đó là cứu cánh cho người có tham, hay cho người ly tham?

[81] Pāli: sammā byākaramānā, trả lời chân chánh.

[82] Pāli: sā niṭṭhā sataṇhassa udāhu vītataṇhassā’ti, đó là cứu cánh cho người có khát ái, hay cho người không còn khát ái?

[83] Thọ 受, đây nên hiểu là chấp thủ. Pāli: sā niṭṭhā sa-upādānassa udāhu anupādānassā’ti? Đó là cứu cánh cho người có chấp thủ, hay cho người không còn chấp thủ?

[84] Hán: Nộ giả sở cứu cánh 怒者所究竟; nên hiểu là không bất mãn với hoàn cảnh. Pāli: sā niṭṭhā anuruddhappaṭiviruddhassa udāhu ananuruddha-appaṭiviruddhassā’ti? Đó là cứu cánh cho người thuận tùng (lạc quan) hay người vi nghịch (bi quan), hay không thuận tùng, không vi nghịch?

[85] Hữu kiến, vô kiến 有見無見. Pāli: bhavadiṭṭhi vibhavadiṭṭhi.

[86] Thọ 受, đây hiểu là chấp thủ. Pāli: upādāna.

[87] Xem cht. 17 trên; cuối cùng trong các trả lời về cứu cánh đoạn trên. Pāli: te anuruddhappaṭiviruddhā, họ là những người có lạc quan, có bi quan.

[88] Bất dữ hành tương ưng 不與行相應. Pāli: te papañcảāmā, họ là những người ưa hý luận.

[89] Tứ thọ 四受. Pāli: cattārimāni pādānāni: kāmupādānaṃ, diṭṭhupādānaṃ, sīlabbatupādānaṃ, attavādu-pādāna, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ..

[90] Pāli: “Một số Sa-môn Bà-la-môn tự tuyên bố (paṭijānamānā) là chủ trương biến tri tất cả dục thủ (kāmupādānapariññāvādā) nhưng họ không chỉ thị ra được (paññapenti) sự biến tri tất cả thủ một cách chân chánh.”

[91] Cf. Trung 26, ibid. “Họ thi thiết (=chủ trương) đoạn dục thọ (=dục thủ), nhưng không thi thiết đoạn ba thọ kia. Vì họ không biêt ba trường họp này một cách như chơn.”

[92] Tam-da-tam-phật 三耶三佛, Pāli: sammāsambuddha (Skt. samyak-sambuddha), Phật Chánh đẳng Chánh giác.

[93] Ư thị 於是, ở đây, chỉ ở trong Phật pháp.

[94] Cf. Trung 26: Thử hữu (…) thử ngoại cánh vô Sa-môn 此有 … 此外更無沙門, chỉ trong đây (trong Phật pháp), ngoài đây ra (ngoài Phật pháp) không có Sa-môn (…). Pāli:idheva samaṇo, suññā parappa-vādā samaṇebhi aññehī’ti, chính nơi đây mới có Sa-môn (đệ nhất…đệ tứ). Các giáo thuyết khác trống không, không có Sa-môn.

[95] Tham chiếu Pāli, A. IX. 20 Velāma (R. iv. 392). Hán, Trung 39 kinh 125 (T1n26, tr. 677a8).

[96] A-na-bân-để 阿那邠邸. 

[97] Bấy giờ, gia sản Cấp Cô Độc bị khánh kiệt. Cf. Sớ giải Pháp cú, DhA. iii. 11.

[98] Tỳ-la-ma 毘羅摩, Pāli: Velāma.

[99] Hán: Long tượng 龍象. 

[100] Chiêu-đề Tăng 招提僧; Tăng du hành bốn phương, không trú xứ nhất định. Pāli: catuddisā-saṅgha.

[101] Đạo , dịch từ bodhi (bồ-đề).

[102] Tham chiếu Pāli, A IV 8 Vesārajjasutta (R. ii. 9).

[103] Bốn vô sở úy 四無所畏. Pāli: cattārimāni tathāgatassa vesārajjāni, bốn điều tự tín của Như Lai. Cf. Câu-xá 27 (T29n1558, tr. 140c17).

[104] Phạm luân 梵輪. Pāli: brahmacakka.

[105] Cf. Câu-xá, dẫn trên: Chánh đẳng giác vô úy 正等覺無畏, Skt. sarva-dharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya, tự tin, không do dự, khi tuyên bố tự thân chứng giác tất cả các pháp.

[106] Cf, Câu-xá, ibid., lậu vĩnh tận vô úy 漏永盡無畏, Skt. sarvāsrava-kṣaya-jñāna-vaiśāradya, tự tin, khi tuyên bố tự thân biết rõ tất cả các đã diệt tận.

[107] Pāli: antarāyikā dhammā vuttā, những pháp được nói là chướng ngại. Bản Hán có thể đọc Skt. andharakāra-dharmā (Pāli: andhakāra-dhammā): Pháp u ám, thay vì Skt. anatarāyika-dharmā (Pāli: antarāyika-dhammā): Pháp chướng ngại.

[108] Câu-xá, ibid., thuyết chướng pháp vô úy 說障法無畏. Skt. anatarāyikadharmānyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya, tự tin khi tuyên bố xác nhận quyết định không thay đổi những gì là pháp chướng ngại đạo.

[109] Câu-xá, ibid., thuyết xuất đạo vô úy 說出道無畏. Skt. sarvasampad-adhigamāya nairyāṇikapratipat-tathāva-vaiśāradya, tự tin khi tuyên bố không thể đổi khác con đường hành trì dẫn đến chứng đắc.

[110] Tham chiếu Pāli, A IV 7 Sobhanasutta (R. ii. 8).

[111] Pháp pháp thành tựu.

[112] Pāli: Saṅghaṃ sobhenti, những người ấy làm sáng chói Tăng.

[113] Vô sở úy 無所畏; Pāli: Visārada, tự tin, không do dự.

[114] Thuyết pháp 說法. Pāli: Dhammadhara, trì pháp.

[115] Kim sí điểu 金翅鳥. Pāli: Garuḷa (Skt. garuḍa). Xem Trương 19, kinh Thế ký, phẩm Long điểu.

[116] Thiết xoa thọ 鐵叉樹. Trường ibid., Cứ-la thiểm-ma-la. Pāli: simbala (Skt. śimbala).

[117] Mười lẻ là một thưng.

[118] Nguyên Hán: trì tín 持信. Tùy tín hành 隨信行, thấp nhất trong bảy bậc Thánh của Thanh văn. Cf. Tập dị 16 (T26n1536, tr. 435b15): Thất bổ-đặc-già-la 七補特伽羅. Pāli: saddhānusārī; cf. M. 70 Kīṭāgirisutta (M. i. 479)

[119] Nguyên Hán: phụng pháp 奉法; tùy pháp hành 隨法行, hàng thứ hai từ thấp trong 7 bảy bậc Thánh Thanh văn; cf. Tập dị, ibid. Pāli: dhammānusārī, cf. Kīṭgiri, ibid.

[120] Thân chứng 身證; hàng thứ năm từ dưới, nhảy hàng ba và tư. Trong liệt kê này, Hán dịch nhảy sót hàng thứ ba: tín thắng giải (Pāli: saddhāvimutto). cf. Tập dị, ibid. Pāli, ibid. kāyasakkhi.

[121] Kiến đáo 見到; hay kiến chí見至, hàng thứ tư, Hán dịch thứ tự nghịch đảo. Cf. Tập dị, ibid. Pāli, ibid., diṭṭhippatto

[122] Phạm chí ngữ 梵志語, ở đây nên hiểu là lời của các đồng phạm hạnh (Pāli: sabrahmacarī), tức những bạn đồng tu.

[123] Cf. Tập dị, ibid., “Đã tự thân tác chứng nơi tám giải thoát, nhưng chưa được huệ giải thoát, đó gọi là Thân chứng.” Tức vị A-na-hàm khi chứng đắc diệt tận định, được gọi là vị Thân chứng.

[124] Cg. Tập dị, ibid: “Hạng tùy pháp hành, khi chứng đắc đạo loại trí, xả địa vị tùy pháp hành, trở thành Kiến chí.”

[125] Bản Hán, hết quyển 19.
 
[126] Để bản: Tỷ 姊. TNM: Muội.

[127] Nan-đà Mẫu 難陀母.

[128] Chất-đa Trưởng giả 質多長者. Pāli: Citta-gahapati, người ở Macchikāsaṇda.

[129] Ma-sư-san 摩師山; phiên âm. Để bản hiểu nhầm san 山 là tên núi, thay vì từ phiên âm, nên chép “Ma-sư san trung.” Pāli: Macchikāsaṇda, một thị trấn ở Kāsi.

[130] Ca-tỳ-la 迦毘羅. Pāli: Kapila, tên người Bà-la-môn, thân phụ ngài Đại Ca-diếp.

[131] Tỷ-ba-la-da-đàn-na 比波羅耶檀那. Pāli: Pippāli, tên của Đại Ca-diếp.

[132] Bà-đà 婆陀. Pāli: Bhaddhā Kāpilāni.

[133] Tham chiếu Pāli, A IV 50 Upakkilesasutta (R. ii. 53). 

[134] Pāli: cattārome candimasūriyānaṃ upakkilesā, bốn sự che mờ (upakkilesa: sự làm hoen ố, ô nhiễm, tùy phiền não) của mặt trời, mặt trăng.

[135] Pāli: Rāhu asurinda.

[136] Pāli: cattāro upakkilesā, bốn tùy phiền não (=sự làm hoen ố). 

[137] Pāli, ibid., bốn ô nhiễm: uống rượu (suraṃ pivanti), tập hành dâm dục (methunaṃ dhammaṃ paṭisevanti), thọ dụng vàng bạc (jātarūparajataṃ sādiyanti, sống bằng tà mạng (micchājīvena jīvanti).

[138] Tham chiếu Pāli, A III 24 Hatthakasutta (R.i. 137).

[139] A-la-tỳ từ 阿羅毘祠. Pāli: Āḷavī, thị trấn cách Xá-vệ 30 di-tuần, tại đó có miếu thờ Aggāḷva.

[140] Thủ A-la-bà trưởng giả 手阿羅婆長者. Pāli: Hatthaka Āḷavaka.

[141] Để bản: khiếp 怯. Có thể khoái 快, bị chép nhầm.

[142] Pāli: Sabbadā ve sukhaṃ seti, brāhmaṇo parinibbuto, đấng Bà-la-môn đã hoàn toàn tịch diệt, ngủ an lạc trong mọi thời

[143] Để bản: Minh miên 明眠. Có thể minh nhãn 明眼, chép nhầm.

[144] Cf. Pāli: Upasanto sukhaṃ seti, tịch tĩnh, ngủ an lạc.

[145] Lộc Đầu phạm chí; có thể đồng nhất Pāli Migasira, Trưởng lão A-la-hán, nguyên người Bà-la-môn, sau xuất gia ngoại đạo (pabbājika), cuối cùng theo Phật. Ông có biệt tài gõ vào đầu lâu mà biết người chết sinh về đâu.

[146] Có lẽ Pāli, Sītavana (Hàn lâm), thường được mô tả là bhayabherava-sītavana, khu rừng lạnh đầy sợ hãi kinh khiếp.

[147] Ha-lê-lặc 呵梨勒; Pāli: harīṭaka, harītakī (Skt. đồng), kha tử 柯子.

[148] Xem, ThaA, ii. 52, chuyện Mgasira.

[149] Câu này nên tồn nghi trong Hán dịch.

[150] Tham chiếu Pāli, A IV 180 Mahāpadesasutta (R.ii. 167).

[151] Cf. Pāli: cattārome mahāpadese, bốn đại xứ (địa phương, khu vực). Hán đọc là desanā (Skt. deśanā): Giáo thuyết, pháp thuyết.

[152] Bốn đại nghĩa: Kinh, Luật, A-tì-đàm, Giới. Hán dịch có sự nhầm lẫn. Theo nội dung đoạn sau, đây là bốn y cứ để thẩm sát trong bốn trường hợp khi nào điều được nói là do chính Phật nói.

[153] Pāli: desa (Skt. deśa), trong truyền bản Pāli được hiểu hiểu theo nghĩa bóng: 1. Pháp nghe từ chính Thế Tôn nói, 2. Nghe từ một Thượng tọa Trưởng lão trong Tăng nói, 3. Nghe từ nhiều tỳ kheo trưởng lão nói, 4. Nghe từ một tỳ kheo nào đó. Trong truyền bản Hán dịch này, được hiểu là phương hướng, tức bốn phương đông, tây, nam bắc.

[154] Oali, ibid., “Không hoan hỷ cũng không mạ lỵ (neva abhinanditabbaṃ nappaṭikkositabbaṃ).

[155] Vị 味. Đây chỉ văn từ. Pāli: vyañjana. 

[156] Đại Oai vương 大威王; TNM: Đại Thạnh vương大盛王. Có lẽ tương đương Pāli Mahāsammato được nói đến trong Aggaññasutta, D. iii. 80. Xem Trường, kinh 5 (Tiểu duyên); Trung kinh 154 (Bà-la-nà-đường).

[157] Nguyên Hán: vô dục ác pháp, niệm trì hye an, du ư nhị thiền 無欲惡法。念持喜安遊心初禪. Về bốn thiền, đoạn dịch Việt đã đính nhiều chỗ sai sót trong bản Hán, xem cht. 42 và tiếp, phẩm 12, kinh số 1.

[158] Bốn thiền được gọi là bốn hiện pháp lạc trú.

[159] Nguyên trong bản: hữu giác hữu quán, tức hữu tầm hữu tứ; nhưng nhị thiền không có tầm và tứ (giác quán). Hán chép nhảy một phủ định từ.

[160] 

[161] A-na-hàm nhập Niết-bàn trên một trong năm Tịnh cư thiên.

[162] Hoàng lâm hoa 黃藍花. Pāli: (samaṇa)macala (?). Từ diển PTS không thấy từ này. Macala cũng là tên một tụ lạc tại Magadha. Cf. A IV 88, bản dịch Hoa văn (Nam truyền) đọc là samaṇam-acalam, “bất động Sa-môn.” Sớ giải: đây chỉ vị Tu-đà-hoàn an trụ vững trong Thánh giáo (sāsane laddhappatiṭṭhattā).

[163] Bân-đà-lợi 邠陀利. Pāli: puṇḍrīka, sen trắng.

[164] Tợ nhu nhuyến Sa-môn 似柔軟沙門. Pāli: samaṇapaduma, Sa-môn sen hồng.

[165] Pāli: samaṇesu samaṇasukhumālo, Sa-môn nhu hòa trong các Sa-môn.

[166] Pāli: niyato sambodhiparāyaṇo, quyết định hướng đến Chánh giác.

[167] Gia gia 家家; (Skt. kulaṃkula), hạng Tu-đà-hoàn quả hướng đến Tư-đà-hàm, tái sinh Dục giới tối đa ba lần, rồi nhập Niết-bàn.

[168] Nhất chủng 一種 (Skt. ekabījika), hoặc nhất gián (Skt. ekavīcika), hạng Bất-hoàn hướng, còn một lần tái sinh Dục giới.

[169] Bản Hán, hết quyển 20.

[170] Sát nhân chủng 殺人種; đây chỉ lớp tiện dân chiên-đà-la (Pāli, Skt. caṇḍāla), phần lớn làm nghề giết chó, được xem là hung dữ. Các nghề nghiệp hạ tiện, xem kinh số 5, phẩm 26.

[171] Phân-đàn bố thí 分檀布施; có lẽ phiên âm, Pāli: piṇḍa-dāyaka, người bố thí vật thực. Đoạn tiếp, TNM: bố thí phần đoạn, cùng ý nghĩa.

[172] Trong ngoặc, câu này để bản nhảy sót. Đây y theo TNM thêm vào.

[173] Để bản: Duy nguyện 唯願. TNM: duy nhiên 唯. 

[174] La-hán Duy Dụ 羅漢唯喻; chưa rõ.

[175] Thi-ba-la 尸波羅. Đồng nhất với Pāli, Sīvalī, được Phật tuyên bố là đệ nhất lợi đắc cúng dường (aggaṃ lābhīnaṃ), cf. A.i. 24. 

[176] Tứ phạm chi phước 四梵之福; đoạn dưới có khi nói: Phạm thiên chi phước 梵天之福, có khi nói thọ phạm chi phước 受梵之福. Có thẻ tương đương Pāli, brahmadeyya, tặng vật của Phạm thiên, được hiểu là tặng vật cao thượng nhất.

[177] Nguyên Hán dịch: Thâu-bà 偷婆, Skt. stūpa (Pāli: thūpa).

[178] Nguyên trong bản: Đa-tát-a-kiệt.

[179] Nguyên Hán dịch: Diêm-phù-lý-địa 閻浮里地, phiên âm Skt. Jambudvīpa (Jambudīpa).

[180] Xem Trường 8, kinh 9 Chúng tập (T1n1, tr. 50c2): Bốn loại thức ăn 四種食: Đoàn thực 摶食, xúc thực 觸食, niệm thực 念食, thức thực 識食. Tập dị 8 (tr. 400b2):: Đoạn thực hoặc thô hoặc tế 段食或<gaiji cb='CB0715' des='[色-巴+鹿]' uni='9E81' >麁</gaiji>或細; xúc thực 觸食; ý tư thực 意思食; thức thực 
<lb n="0400b03"/>識食. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 228): cattāro āhārā– kabaḷīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.

[181] Nguyên Hán dịch: Cánh lạc thực 更樂食. Được hiểu là những thứ tạo ra sự thoái mái cho xúc giác.

[182] Nguyên Hán dịch: Cánh lạc 更樂. 

[183] Tứ biện 四辯. Xem trên, kinh 9 phẩm 26: Bốn biện tài. Cf. Câu-xá 27 (T29n1558, tr. 142a22): bốn vô ngại giải (Skt. catasraḥ pratisaṃvidaḥ), 1. pháp vô ngại giải 法無礙解 (dharma-pratisaṃvid); 2. nghĩa vô ngại giải 義無礙解 (artha-p.); 3. từ vô ngại giải 詞無礙解 (nirukti-p.); 4. biện vô ngại giải 辯無礙解 (pratibhāna-p.). 

[184] Từ biện: Từ nguyên luận hay ngữ pháp luận. Cf. Pāli, Vin. ii. 139: có hai Tỳ-kheo, Yameḷu và Tekula, cho nhiều tỳ kheo thuộc giai câp thấp, đọc sai lời Phật về mặt ngữ pháp ( te sakāya niruttiyā buddha-vacanaṃ dūsenti), họ không phân biệt đọc âm dài, âm ngắn, giống đực, giống cái, nên muốn chuẩn hóa lời Phật theo đúng ngữ pháp cho các Tỳ-kheo. Nhưng Phật không cho phép.

[185] Hán: Trường đoản chi ngữ 長短之語; các từ ngữ có âm dài, âm ngắn.

[186] Nam ngữ, ngữ nữ 男語女語: Danh từ giống đực, giống cái.

[187] Chỉ ngữ pháp khác nhau giữa các chủng loại, các địa phương, và giai cấp.

[188] Ma-ha-câu-hy-la 摩訶拘絺羅. Pāli: Mahā-Koṭṭhika, được Phật khen là đệ nhất vô ngại giải (paṭisambhidāpattānaṃ, A.i. 24). Xem trên, kinh 3 phẩm 4.

[189] Cf. A IV 77 Acinteyyasutta (R. ii. 80), bốn điều bất khả tư nghị (acinteyyāni): 1. cảnh giới Phật của chư Phật (buddhānaṃ buddhavisayo), 2. cảnh giới thiền của những người tu thiền (jhāyissa jhānavisayo), 3. dị thục của nghiệp (kammavipāko), 4. tư duy về thế giới (lokacintā).

[190] Để bản: Đại thân 大身.

[191] Hưu tức xứ 休息處; cung dịch là tô tức xứ 蘇息處, sự phục hồi hơi thở bình thường; chỉ trạng thái an ổn của A-la-hán. Pāli: assānīya-dhamma. 

[192] Bốn thần túc 四神足. Cf. Trường 8 kh 9: Chúng tập (T1n1, tr. 50c17): Tư duy dục định diệt hành thành tựu 思惟欲定滅行成就; tinh tấn định 精進定; ý định 意定; tư duy định 思惟定. Pháp uẩn 4 (T26n1537, tr. 471c13). 

[193] Tự tại tam-muội hành tận thần túc 自在三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Dục tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 欲三摩地勝行成就神足. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 221): chandasamādhipadhāna- 

[194] Tâm tam-muội hành tận thần túc 心三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Tâm tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 心三摩地勝行成就神足 Pāli, ibid., cittasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti.. 

[195] Tinh tấn tam-muội hành tận thần túc 精進三昧行盡神足. Pháp uẩn,: Cần tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 勤三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., 3. vīriyasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. 

[196] Giới tam-muội hành tận thần túc 誡三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid.: Quán tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 觀三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., vīmaṃsāsamādhipadhāna-saṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. 

[197] Bốn pháp ái khởi 四起愛之法. Cf. Pāli, A IV Taṇhuppādasutta (R. ii. 10).

[198] Xem Trường 18, kinh Thế ký, phẩm Diêm-phù-đề.

[199] Hằng gìà 恒伽. Skt. Gaṅgā.

[200] Tân-đầu 新頭. Skt. Shintu (Pāli: Shindu).

[201] Bà-xoa 婆叉. Skt. Vakṣu.

[202] Tư-đà 私陀. Skt. Sitā.

[203] Ngưu đầu khẩu 牛頭口. Pāli: Usabhamukha.

[204] Sư tử khẩu 師子口. Pāli: Sīhamukha.

[205] Tượng khẩu 象口. Pāli: Hatthimukha.

[206] Mã khẩu 馬口. Pāli: Asamukha.

[207] Nghĩa là được hóa sanh từ pháp.

[208] Nguyên Hán: Phạm đường 梵堂. Thường nói là Phạm trú. Pāli: Brahmavihāra.

[209] Thiên 千: một nghìn Pāli: Sahampati (Skt. Sahāmpati), Chúa của thế giới Saha (Skt. Sahā-loka: thế giới Ta-bà hay Sa-bà); cũng thường gọi là Thế giới chủ, Ở dây, Hán dịch hiểu Sahā (Skt.) là sahaśra (Pāli: sahasa): Số một nghìn.

[210] Bản Hán, hết quyển 21.

[211] Ba-sa sơn 波沙山.

[212] Tu-đà 須陀. Skt. Sodayin; xem cht. 5 dưới.

[213] Thọ, tức thủ hay chấp thủ. Pāli upādāna.

[214] Hữu tự, vô tự 有字無字; chưa rõ. Có lẽ Skt. sa-akṣaya (sa-akkhaya): hữu tận nhưng Hán đọc là sa-akṣara: hữu tự. 

[215] Cf. Câu-xá 14 (T29n1558, tr. 74c1): Tô-đà-di 蘇陀夷, đắc giới cụ túc do khéo trả lời. Câu-xá luận ký 14 (T41n1821, tr. 222b25), và Câu-xá luận sớ 14 (T41n1822, tr. 643c23) đều nói, sa-di Tô-đà-di mới 7 tuổi đắc giới cụ túc, do khéo trả lời. Phật hỏi Tô-đà-di: “Nhà ngươi ở đâu?” Tô-đà-di đáp: “Ba cõi không nhà.” Skt. Sodāyin (Kośa-bhāṣya). Không tìm thấy đồng nhất trong văn hệ Pāli.

[216] A-na-bân-để.

[217] Mãn phú 滿富, xem cht. 8 dưới. 

[218] Mãn Tài 滿財. No 130: Trưởng giả Mô-thi-la 謨尸羅, thành Phước tăng 福增. No 129 nói ông này là quốc vương của Nan quốc 難國王, tên là Phân-pha-đàn 分陂檀. Cf. Dvy. 402, tên thành phố này là Puṇḍavardhana (Mãn phú), mà No 130 đọc là Puṇyavardhana (Phước tăng).

[219] Tu-ma-đề 修摩提. No 130: Thiện Vô Độc 善無毒. N0 129: Tam-ma-kiệt 三摩竭. Dvy. 402, cô này tên là Sumāgadhā. Pāli: Cūḷa-Subhaddhā.

[220] Truyền thuyết Pāli. Sớ giải Dhp. iii. 465, nói ông là phú hộ Ugga ở thị trấn Ugganagara. Sớ giải A. IV 24 Kāḷakārāmasutta, sớ giải nói, ông này là Kāḷaka ở Sāketa. 

[221] Do-diên.

[222] Để bản: ngũ khắc 五刻. TNM: Ngũ ngoan. Hình phạt chặt 2 tay, 2 chân và chém đầu.

[223] Quân-đầu sa-di. Xem cht 31 kinh 9 phẩm 26.

[224] Vô năng kiến đảnh còn gọi là Vô kiến đảnh tướng, 1 trong 80 tùy hình hảo, vẻ đẹp của Phật.

[225] Phát thẻ nhận phần đi phó trai. Pāli: Salākā.

[226] Quân-đầu-ba-hán 君頭波漢, trên kia phiên âm là Quân-đầu-bà-mạc. Xem kinh 3 phẩm 4, cht 26.

[227] Để bản: thất. Bản Tống: Tthuật.

[228] Tỳ-sa, vua Bình-sa (Tần-bà-sa-la; Pāli: Bimbisāra).

[229] Ban-giá-tuần, Ngũ kế nhạc thần, một càn-thát-bà, thần âm nhạc của Đế Thích. Pāli: Pañcasikha.

[230] Để bản: Không, Vô tướng, Nguyện; có nhảy sót.

[231] Tự nhiên 自然, Skt. svayaṃbhū, từ khác chỉ Phạm thiên (Brahman), tự sinh. Skt. 

[232] Phạm sanh 梵生, Skt. Brahmaja, được sinh bởi Brahman, chỉ hàng chư thiên thượng đẳng.

[233] Bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

[234] Tứ thọ chi pháp 四受之法, được hiểu là bốn pháp nhiếp thọ, tức bốn nhiếp pháp hay nhiếp sự. Pāli: cattāri saṃgahavatthūni.

[235] Tứ sự 四事, cũng tức bốn nhiếp sự. Xem cht. trên.

[236] Bản Hán, hết quyển 22.

[237] Tham chiếu Pāli, M. 4 Bhayabherava (R.i. 16).

[238] Pāli, ibid., ye hi vo ariyā parisuddhakāyakammantā, những vị Thánh mà thân hành thanh tịnh.

[239] Hán dịch đoạn này thiếu: “Sự kinh sợ” được nói ở đoạn trên. Pāli, ibid., : te bhonto samaṇabrāhmanā akusalaṃ bhayabheravaṃ avhāyanti, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy làm nổi lên sự kinh sợ khiếp đảm, bất thiện.

[240] Hán lược bỏ, theo văn mạch trên: (…) cho đến, “sợ hãi kinh khiếp.”

[241] Hán lược bỏ ý: Không sợ hãi khiếp đảm.

[242] Hán dịch lược bỏ: Sa-môn, Bà la-môn.

[243] Hán lược bỏ: Sợ hãi khiếp đảm.

[244] Pāli, ibid., những Sa-môn, Bà-la-môn tưởng ban ngày như là ban đêm (rattiṃyeva samānaṃ divāti sañjānanti), ta nói họ sống trong si ám (sammohavihārasmiṃ). Những người này, để không kinh sợ, ngày mà tưởng tượng là đêm; đêm mà tươhngr tượng là ngày.

[245] Niệm trì hỷ lạc 念持喜樂. Văn chuẩn về bốn thiền, xem kinh 1, phẩm 12, và các cht. 42 tt.

[246] Sơ thiền: Hiện pháp lạc trú thứ nhất.

[247] Nhị thiền: Hiện pháp lạc trú thứ hai.

[248] Tam thiền: Hiện pháp lạc trú thứ ba.

[249] Pāli, ibid.: Sống tại núi rừng thanh vắng (araññavanapathāni), vì hai mục đích (dve atthavase): tự mình sống an lạc ngay trong hiện tại, hiện pháp lạc trú (attano diṭṭhadhammasukhavihāraṃ), và vì thương tưởng chúng sanh trong tương lai (pacchimañca janataṃ anukampamāno).

[250] Ưu-điền 優填; Pāli: Udena, quốc vương nước Kosambī (Hán dịch Câu-thâm).

[251] Xá-di phu nhân 舍彌夫人. Pāli: Sāmāvatī.

[252] Để bản: Câu-thâm viên 拘深園, chép nhầm. Nên sửa lại là Câu-thâm quốc.

[253] Bốn sự nói trên, tức bốn bất hoại tín, bất động tín, hay bốn chứng tịnh. Pāli: avecca-pasāda.

[254] Bốn sự hành tích 四事行跡; bốn thông hành 四通行, xem Pháp uẩn 3 (T26n1537, tr. 465a23): khổ trì thông hành 苦遲通行, khổ tóc thông hành 苦速通行, lạc trì thông hành 樂遲通行, lạc tốc thông hành 樂速通行. Pāli, D 33 Saṅgīti (R.iii. 229): Catasso paṭipadā– dukkhā paṭipadā dandhābhiññā, dukkhā paṭipadā khippābhiññā, sukhā paṭipadā dandhābhiññā, sukhā paṭipadā khippābhiññā, bốn sự hành trì: hành trì khổ chứng trí chậm, hành trì; hành trì khổ, chứng trí nhanh; hành trì lạc, chứng trí chậm; hành trì lạc, chứng trí nhanh.

[255] Ngu hoặc, ở đây được hiểu là chậm lụt.

[256] Dhp. 128: na antalikkhe na samuddamajjhe, na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa, na vijjatī so jagatippadeso, yatthaṭṭhitaṃ nappasaheyya maccu.

[257] Tứ pháp bổn 四法本, tức bốn pháp ấn.

[258] Nan-đàn-ba-na 難檀槃那. Skt. (Pāli đồng): Nandana-vana. Xem Trường 20, kinh 30, phẩm Đao-lợi.

[259] Thô sáp 麤澀. Skt. Pāruṣya. (Pāli: Phārusa, Phārusaka). Xem Trường 20, dẫn trên.

[260] Trú dạ 晝夜. Theo giải thích đoạn sau, rõ ràng Hán dịch từ này sai. Skt. Caitrarati (Pāli: Cittalatā-vana; Cf. J.i. 204). Xem Trường 20, dẫn trên: Họa lạc viên 畫樂園.

[261] Tạp chủng 雜種. Skt. Miśraka (Pāli: Missaka). Xem Trường 20, dẫn trên.

[262] Nan-đà dục trì 難陀浴池. Pāli: Nandā-pokkharaṇī, cf. J. 204. 205.

[263] Tô-ma 蘇摩.

[264] Hoan duyệt 歡悅. 

[265] Văn Hán dịch đoạn này mâu thuẫn nhau. Nên hiểu, chỉ vườn Tạp chủng, chư thiên bình đẳng vào được hết. Ba vườn kia, tùy theo bậc lớn nhỏ.

[266] Hán: Hộ, nghĩa không rõ bằng xả.

[267] Hán kể ngược; đây là thiền thứ tư: xả niệm thanh tịnh địa. Xem cht. tiếp theo

[268] Hán kể ngược thứ tự: đây là thiền thứ ba, ly hỷ diệu lạc địa. Xem cht. ngay trên.

[269] Xem cht. 30 trên.

[270] Xem cht. 31 trên.

[271] Tham chiếu Pāli, S 55 197 Āsīvisopama (R.iv. 172).

[272] Nội lục nhập 內六入, tức sáu nội xứ. 

[273] Thân tà 身邪, tức hữu thân kiến.

[274] Bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

[275] Xem cht. 30 * 31, kinh số 5 phẩm 31.

[276] Bốn nhiếp sự.

[277] Tham chiếu Pāli, M 12 Mahāsīhanādasutta (R. i. 68).

[278] Đại úy sơn. Pāli, ibid. tr. 79: aññataraṃ bhiṃsanakaṃ vanasaṇḍaṃ, vào một khu rừng rậm hãi hùng; không phải danh từ riêng.

[279] Pāli, ibid., esanāpasuto munī”ti., ẩn sỹ (mâu-ni) với ước nguyện nhiệt thành.

[280] Án-tra thôn nhơn. Pāli, ibid. gāmaṇḍala, bọn mục đồng. Nhưng Hán đọc là Aṇḍalagāma, đảo âm vận.

[281] Để bản: tợ chung 似終, như người chết. TNM: tợ lục, như màu xanh lục.

[282] Vô dâm vô dục, trạng thái ly dục của sơ thiền; Hán dịch điệp từ.

[283] Hán dịch có thể khoa đại. Bấy giờ thái tử Tấ-đạt-đa chỉ có thể chứng đắc sơ thiền thôi.

[284] Để bản nháy sót.

[285] Xem cht. 30 & 31 kinh 5 phẩm 31.

[286] Trong bản Hán: ý niệm thanh tịnh. Bản Hán này lẫn llọn thiền thứ ba và thứ tư.

[287] Đaọn hán này kể đảo ngướic thứ tự: giới, định, tuệ, giải thoát. Xem tiếp đoạn kế chánh văn.

[288] Cát Tường 吉祥, tên người cắt cỏ theo Pāli: Sotthiya.

[289] Phất tinh 弗星, sao Phất, Skt. Puṣya(nakṣatra), sao Quỷ trong 28 tú; khoảng tháng 6 dương lịch. Trường A-hàm, phần kết: Phật thành đạo vào tháng Phất tinh.

[290] Để bản, nhảy sót tam thiền. Xem kinh 1, phẩm 12; kinh 5 phẩm 31.

[291] Chư thú, các nẻo đường tái sinh.

[292] Phục tức 伏息, hay tô tức 蘇息, sự điều phục hơi thở; chỉ trạng thái an ổn của A-la-hán. Pāli: Assānīya-dhamma.

[293] Cf. Dhp. 19.

[294] Cf. Dhp. 20.

[295] Cf. Dhp. 101.

[296] Cf. Dhp. 100.

[297] Cf. Dhp. 103.

[298] Bản Hán, hết quyển 23.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.