- Mục Lục
- Từ Phẩm 01 Đến Phẩm 10
- Từ Phẩm 11 Đến Phẩm 16
- Từ Phẩm 17 Đến Phẩm 19
- Từ Phẩm 20 Đến Phẩm 22
- Từ Phẩm 23 Đến Phẩm 24
- Từ Phẩm 25 Đến Phẩm 26
- Từ Phẩm 27 Đến Phẩm 29
- Từ Phẩm 30 Đến Phẩm 31
- Từ Phẩm 32 Đến Phẩm 33
- Phẩm 34
- Từ Phẩm 35 Đến Phẩm 37
- Từ Phẩm 38 Đến Phẩm 39
- Từ Phẩm 40 Đến Phẩm 41
- Từ Phẩm 42 Đến Phẩm 43
- Từ Phẩm 44 Đến Phẩm 45
- Từ Phẩm 46 Đến Phẩm 48
- Từ Phẩm 49 Đến Phẩm 50
- Từ Phẩm 51 Đến Phẩm 52
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ - Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - PL 2541 - TL 1997
Từ Phẩm 11 Đến Phẩm 16
11 Phẩm Bất Đãi
12 Phẩm Nhập đạo
13 Phẩm Lợi dưỡng
14 Phẩm Ngũ giới
15 Phẩm Hữu vô
16 Phẩm Hỏa diệt
XI. Phẩm Bất đãi
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm. Thế nào là một pháp? Đó là tham dục. Các Tỳ-kheo, hãy diệt tham dục. Ta chứng cho các Thầy thành A-na-hàm.
Bấy
giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bị
nhiễm bởi tham dâm,
Chúng
sanh đọa đường ác,
Hãy
cần bỏ tham dục,
Liền
thành A-na-hàm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm. Thế nào là một pháp? Nghĩa là sân giận. Các Tỳ-kheo nên diệt sân giận, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bị
nhiễm bởi sân giận,
Chúng
sanh đọa đường ác,
Hãy
cần bỏ sân giận,
Liền
thành A-na-hàm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp. Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm. Thế nào là một pháp? Đó là ngu si. Thế nên, các Tỳ-kheo hãy diệt trừ ngu si, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bị
nhiễm bởi ngu si,
Chúng
sanh rơi đường ác,
Nên
cần bỏ ngu si,
Liền
thành A-na-hàm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp. Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm. Thế nào là một pháp? Đó là xan tham. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên diệt xan tham, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành A-na-hàm.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bị
xan tham làm nhiễm,
Chúng
sanh đọa đường ác,
Nên
cần bỏ xan tham,
Liền
thành A-na-hàm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp nào không thể hàng phục, khó được thời nghi (tiện dụng), chịu các khổ báo như là tâm. Này các Tỳ-kheo, tâm này chẳng thể hàng phục, khó được thời nghi, chịu các khổ báo. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm, khéo nhớ các gốc lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp nào không dễ hàng phục, dễ được thời nghi, hưởng các báo lành như là tâm. Này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, khéo nhớ các gốc lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, nếu có một người nghĩ điều gì, Ta đều biết rõ. Về sau người này ở trong đại chúng, không vì ăn uống mà nói lời hư vọng, nhưng hoặc vào lúc khác, Ta xem thấy người này vì sanh tâm nhiễm trước, nghĩ nhớ tài vật nên ở trong đại chúng nói lời hư dối. Sở dĩ như thế, này các Tỳ-kheo, vì dính mắc tài vật thật là khó bỏ, khiến người đọa vào ba đường ác, chẳng được đến chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh tâm này liền nên rời bỏ, dù người chưa sanh chớ có khởi lòng dính mắc tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, nếu ai nghĩ rằng: 'Thà mất mạng chứ chẳng ở trong chúng mà nói dối'. Ở lúc khác, Ta lại xem thấy người này sanh tâm dính mắc nghĩ nhớ tài vật, rồi ở trong chúng mà nói dối. Sở dĩ như thế, này các Tỳ-kheo, vì tài vật làm dính mắc rất là khó bỏ, khiến người đọa vào ba đường ác, chẳng được đến chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh tâm này liền nên rời bỏ, nếu người chưa sanh, chớ có khởi lòng dính mắc tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng đại chúng năm trăn Tỳ-kheo.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy có thể thấy pháp của Đề-bà-đạt-đa thanh tịnh chăng? Ngược lại, Đề-bà-đạt-đa tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp không thể chữa trị. Đối với pháp của Ta, chẳng thấy được một ngày mảy may điều lành có thể kể ra được. Nay Ta nói đầu mối các tội của Đề-bà-đạt-đa chẳng thể chữa trị. Ví như có người rơi vào cầu tiêu sâu, thân hình chìm lỉm, không một chỗ sạch. Có người muốn đến cứu vớt vị ấy lên chỗ sạch, họ xem khắp bờ xí và thân người đó xem có chỗ nào sạch, liền nghĩ: 'Ta muốn nắm vị ấy kéo lên'. Họ nhìn kỹ không một chỗ sạch để có thể nắm được, liền bỏ mà đi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, Ta xem Đề-bà-đạt-đa là người ngu si, chẳng thấy chút gì đáng nhớ, sẽ chịu tội nhiều kiếp chẳng thể chữa trị. Sở dĩ như thế vì Đề-bà-đạt-đa một mực ngu si, thiên về lợi dưỡng, tạo tội ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sanh trong đường ác. Như vậy, này các Tỳ-kheo, lợi dưỡng sâu nặng khiến người chẳng đến được chỗ an ổn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh tâm lợi dưỡng hãy nên lìa bỏ. Nếu người chưa sanh, chớ khởi lòng nhiễm trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng đại chúng năm trăm Tỳ-kheo.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo nghe Như Lai thọ ký riêng Điều-đạt (Đề-bà-đạt-đa) sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Tỳ-kheo ấy liền đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi nhau xong rồi ngồi một bên.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia hỏi Tôn giả A-nan rằng:
- Thế nào, thưa Tôn giả A-nan, Như Lai xem hết nguồn gốc của Đề-bà-đạt-đa rồi sau đó thọ ký riêng cho ông ta chịu tội một kiếp không thể chữa trị sao? Lại có lý do có thể thọ ký được ư?
Tôn giả A-nan nói:
- Lời Như Lai trọn không hư dối, thân hành với khẩu hành không khác nhau. Như Lai chân thật thọ ký Đề-bà-đạt-đa chịu tội sâu nặng sẽ suốt kiếp không thể chữa trị.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn:
- Có một Tỳ-kheo đến chỗ con nói rằng: 'Thế nào, thưa Tôn giả A-nan! Như Lai xem hết nguồn gốc của Đề-bà-đạt-đa, sau đó thọ ký riêng cho ông ta chịu tội một kiếp không thể trị liệu sao? Lại có lý do có thể thọ ký được ư?' Nói như thế xong bỏ đi.
Thế Tôn dạy rằng:
- Tỳ-kheo đó chắc là xuất gia tu học trễ muộn, mới đến trong pháp Ta chưa được bao lâu. Lời Như Lai trọn không hư vọng, tại sao lại khởi do dự?
Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
- Thầy đến chỗ Tỳ-kheo ấy bảo: 'Như Lai gọi Thầy'.
A-nan đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn liền đến chỗ Tỳ-kheo kia, đến rồi, bảo Tỳ-kheo kia rằng:
- Như Lai gọi Thầy.
Tỳ-kheo kia đáp:
- Xin vâng, Tôn giả.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia liền sửa sang pháp y phục, cùng A-nan đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy Thế Tôn và ngồi một bên.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
- Này người ngu! Thầy không tin lời Như Lai sao? Như Lai dạy không có hư vọng. Nay Thầy lại muốn tìm hư vọng của Như Lai?
Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
- Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa có đại thần lực, có oai thế lớn, làm sao Thế Tôn thọ ký Thầy ta một kiếp chịu tội nặng được?
Phật bào Tỳ-kheo:
- Hãy giữ mồm miệng của Thầy, chớ để mãi mãi chịu khổ vô lượng.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Dạo
Thiền thế tục không,
Rốt
cuộc không giải thoát,
Chẳng
đến chỗ diệt tận,
Trở
lại đọa địa ngục.
Giả sử Ta thấy Đề-bà-đạt-đa, thân có một chút pháp lành thì Ta trọn không thọ ký Đề-bà-đạt-đa chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Thế nên, này người ngu! Ta chẳng thấy Đề-bà-đạt-đa có một chút pháp lành, vì thế nên thọ ký Đề-bà-đạt-đa chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như thế vì Đề-bà-đạt-đa ngu si, tham đắm lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo năm điều nghịch ác, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục. Sở dĩ như thế là vì tâm lợi dưỡng nặng, làm hư hỏng gốc lành của người, khiến người không đến được chỗ an ổn. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên, liền nên cầu diệt. Nếu không có tâm, chớ khởi tưởng dính mắc. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ Tỳ-kheo kia từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, cúi lạy Thế Tôn và bạch:
- Nay con tự hối lỗi, cúi mong Thế Tôn rũ lòng tha thứ, vì con ngu si tạo hạnh chẳng lành. Như Lai không nói hai lời mà con ngu si khởi tưởng do dự. Cúi mong Thế Tôn nhận lời cho con sám hối điều cũ để tu sửa về sau.
Thưa như thế đến ba lần. Thế Tôn dạy:
-Lành thay, Tỳ-kheo! Thầy biết hối hận về ý niệm của mình. Ta tha thứ cho Thầy, vì Thầy không hiểu kịp. Chớ đối với Như Lai mà khởi ý tưởng do dự! Nay Ta nhận cho Thầy hối lỗi, sau chớ làm đến ba bốn lần.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Dù
có làm tội nặng,
Hối
lỗi rồi không phạm,
Người
này nên cấm giới,
Nhổ
căn nguyên tội này.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Bốn
loại A-na-hàm,
Hai
tâm và hai thực (quả),
Bà-đạt
và khế kinh,
Người
trí hãy giác tri.
--------------------------------------------------------------------------------
XII. Phẩm Nhập đạo
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có một lối vào đạo làm trong sạch hạnh của chúng sanh, trừ bỏ sầu lo không có các não, được đại trí tuệ, thành tựu chứng quả Niết-bàn. Đó là nên diệt Ngũ cái, tư duy Tứ ý chỉ (Tứ niệm xứ). Thế nào là một lối vào? Nghĩa là chuyên nhất tâm. Đó là một lối vào. Thế nào là đạo? Nghĩa là Tám đạo phẩm của Hiền Thánh:
1.
Chánh kiến.
2.
Chánh chí (tư duy).
3.
Chánh nghiệp.
4.
Chánh mạng.
5.
Chánh phương tiện (tinh tấn).
6.
Chánh ngữ.
7.
Chánh niệm.
8.
Chánh định.
Đó gọi là đạo. Đó là một lối vào Đạo. Thế nào là nên diệt Ngũ cái? Nghĩa là tham dục cái, sân nhuế cái, điều hí cái (trạo cử), thùy miên cái, nghi cái. Đó là nên diệt Ngũ cái. Thế nào là tư duy Bốn ý chí? Ở đây, Tỳ-kheo bên trong tự quán thân, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo, bên ngoài tự quán thân trừ bỏ miệng ác, không có sầu lo, trong, ngoài quán thân trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo. Trong quán thọ khổ mà tự vui thích, ngoài quán thọ khổ, trong ngoài quán thọ khổ, trong quán tâm mà tự vui thích, ngoài quán tâm, trong ngoài quán tâm; trong quán pháp, ngoài quán pháp, trong ngoài quán pháp mà tự vui thích.
Thế nào là Tỳ-kheo trong quán thân mà tự vui thích? Ở đây Tỳ-kheo quán thân này tùy theo tánh mà hành: từ đầu đến chân, từ chân đến đầu; quán trong thân này thảy đều chẳng sạch, không có gì đáng tham đắm. Lại quán thân này có lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, mỡ miếng, mỡ nước, ruột, bao tử, tim, gan, tỳ, thận đều quán biết hết, phẩn, tiểu, sanh tạng, thục tạng, nước mắt, đờm dãi, huyết mạch, mỡ, mật, đều nên quán biết, không có gì đáng tham đắm. Như thế, các Tỳ-kheo quán thân tự vui thích, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo. Lại nữa, này Tỳ-kheo, lại quán thân này có phải là địa chủng chăng? Là thủy, hỏa, phong chủng chăng? Tỳ-kheo quán thân này như thế.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này phân biệt các giới có bốn loại. Giống như người khéo mổ trâu, hoặc học trò người mổ trâu, xẻ từng phần để tự xem xét: đây là chân, đây là tim, đây là đốt xương, đây là đầu. Như thế Tỳ-kheo ấy phân biệt giới này mà tự quán sát: thân này có các giới đất, nước, gió, lửa. Tỳ-kheo quán sát thân như thế mà tự vui thích.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ rỉ chảy chẳng sạch, giống như người kia quán vườn trúc hay quán bụi lau. Như vậy Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ chảy ra các thứ bất tịnh.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi hoặc chết một ngày hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, thân thể sình trướng, hôi thối chẳng sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân cùng kia không khác, thân ta chẳng thoát khỏi hoạn này. Hoặc Tỳ-kheo lại quán tử thi bị quạ, thước, kên kên ăn nuốt, hoặc bị hổ lang, chó sói, các loài trùng thú trông thấy ăn thịt. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta chẳng lìa khỏi hoạn này. Đó là Tỳ-kheo quán thân mà tự vui thích.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi hoặc bị ăn một nửa rơi rớt trên đất hôi thúi chẳng sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta chẳng lìa pháp này.
Lại nữa, quán tử thi bị ăn hết thịt chỉ còn có xương bê bết máu. Tỳ-kheo lại đem thân này quán như thân kia cũng không có khác. Tỳ-kheo quán thân này như thế.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi gân ràng rịt như bó củi. Tỳ-kheo lại tự quán thân cùng thân kia không khác. Tỳ-kheo quán thân này như thế.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi từng đốt xương phân tán rơi vãi khắp nơi. Hoặc xương tay, xương chân mỗi thứ một nơi, hoặc xương đùi, hoặc xương hông, hoặc xương cùng, hoặc xương tay, hoặc xương vai, hoặc xương sườn, hoặc xương sống, hoặc xương cổ, hoặc đầu lâu. Lại nữa, thân này cùng kia chẳng khác. Ta chẳng thoát khỏi pháp này. Thân ta cũng sẽ bại hoại. Như thế Tỳ-kheo quán thân mà tự vui thích.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi màu trắng, màu ngọc trắng. Tỳ-kheo lại tự quán thân này cùng kia không khác, ta chẳng lìa khỏi pháp này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo nếu thấy tử thi, tưởng xương xanh bầm, không có gì đáng tham đắm, hoặc cùng màu tro đất chẳng thể phân biệt, thời như thế Tỳ-kheo tự quán thân trừ bỏ niệm ác không có sầu lo. Thân này vô thường là pháp phân tán. Như thế Tỳ-kheo nội tự quán thân, ngoại quán thân, nội ngoại quán thân hiểu rằng không có.
Thế nào là Tỳ-kheo nội quán thọ khổ? Ở đây, Tỳ-kheo, lúc được thọ vui thì tự giác tri mình được thọ vui, lúc bị thọ khổ thì tự giác tri mình bị thọ khổ, lúc được thọ không vui không khổ tức tự giác tri ta được thọ không khổ không vui. Nếu lúc thọ vui, liền tự giác tri ta thọ vui. Nếu lúc thọ khổ, liền tự giác tri ta thọ khổ. Nếu lúc thọ không khổ không vui, liền tự giác tri ta thọ không khổ không vui. Nếu lúc không thọ vui, liền tự giác tri ta không thọ vui. Nếu lúc không thọ khổ, liền tự giác tri ta không thọ khổ. Nếu lúc thọ không khổ kho vui, liền tự giác tri ta thọ không khổ không vui. Tỳ-kheo nội tự quán thọ như thế.
Lại nữa, nếu Tỳ-kheo lúc được thọ vui, lúc ấy không bị thọ khổ, thời tự giác tri ta được thọ vui. Nếu lúc thọ khổ, lúc ấy không được thọ vui thời tự giác tri ta thọ khổ. Nếu lúc được không khổ không vui, lúc đó không phải khổ, không phải vui thời tự giác tri ta thọ không khổ không vui. Người đó tập pháp mà tự vui thích, cũng quán diệt pháp, lại quán pháp tập và diệt. Hoặc lại có thọ hiện ở trước, có thể biết, có thể thấy, suy nghĩ nguồn gốc của nó thì không có chỗ y cứ, bèn tự vui thích, không khởi tưởng thế gian. Ở trong đó cũng không kinh sợ. Vì không kinh sợ liền được Niết-bàn: 'Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa', như thật mà biết. Tỳ-kheo nội tự quán thọ như thế, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo, ngoại tự quán thọ, nội ngoại quán thọ, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Như thế Tỳ-kheo nội ngoại quán thọ.
Thế nào là Tỳ-kheo quán tâm, tâm pháp mà tự vui thích? Ở đây, Tỳ-kheo có tâm ái dục, liền tự giác tri có tâm ái dục, không có tâm ái dục cũng tựgiác tri không có tâm ái dục. Có tâm sân nhuế, liền tự giác tri có tâm sân nhuế; không tâm sân nhuế cũng tự giác tri không tâm sân nhuế. Có tâm ngu si, liền tự giác tri có tâm ngu si; không có tâm ngu si cũng tự giác tri không có tâm ngu si. Có tâm ái niệm, liền tự giác tri có tâm ái niệm; không tâm ái niệm cũng tự giác tri không có tâm ái niệm. Có tâm thọ nhận, liền tự giác tri không tâm thọ nhận. Có tâm loạn niệm, liền tự giác tri có tâm loạn niệm; không có loạn tâm cũng tự giác tri không có loạn tâm. Có tâm tán lạc, liền tự giác tri có tâm tán lạc; không tâm tán lạc cũng tự giác tri không tâm tán lạc. Có tâm phổ biến cũng tự giác tri có tâm phổ biến. Có tâm lớn, liền tự giác tri có tâm lớn; không có tâm lớn cũng tự giác tri không có tâm lớn. Có tâm vô lượng, liền tự giác tri có tâm vô lượng; không có tâm vô lượng cũng tự giác tri không có tâm vô lượng. Có tâm tam muội, liền tự giác tri có tâm tam muội; không có tâm tam muội cũng tự giác tri không có tâm tam muội. Tâm chưa giải thoát, liền tự giác tri tâm chưa giải thoát; tâm đã giải thoát cũng tự giác tri tâm đã giải thoát.
Như thế, Tỳ-kheo! Hãy quán ý chỉ, quán tập pháp, quán diệt pháp, cùng quán pháp tập diệt; suy nghĩ về pháp để tự vui thích. Hãy biết, hãy thấy, hãy tư duy, chớ suy nghĩ việc không có chỗ nương tựa, không được khởi tưởng thế gian. Đã không khởi tưởng liền không sợ hãi, đã không sợ hãi liền được vô dư, đã được vô dư liền nhập Niết-bàn: 'Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa', như thật mà biết.
Như vậy, Tỳ-kheo! Nội quán tự tâm, tâm ý dừng bặt, trừ bỏ loạn tưởng, không có sầu lo, ngoại quán tâm, nội ngoại quán tâm, tâm ý dừng bặt, trừ bỏ loạn niệm, không có sầu lo. Ngoại quán tâm, nội quán tâm, tâm ý dừng. Như vậy Tỳ-kheo tâm tâm quán nhau, ý dừng.
Thế nào là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác ý, y quán, y vô dục, y diệt tận, bỏ các pháp ác, tu pháp giác ý, tu tinh tấn giác ý, tu niệm giác ý, tu hỷ (khinh an) giác ý, tu tạm muội giác ý, tu hộ (xả) giác ý, y quán, y vô dục, y diệt tận, bỏ các pháp ác. Như vậy là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng.
Lại nữa, Tỳ-kheo đối với ái dục giải thoát, trừ pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có buộc niệm vui ở Sơ thiền mà tự vui thích. Như thế là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng.
Lại nữa, Tỳ-kheo bỏ giác, bỏ quán, bên trong phát hoan hỉ chuyên nhất ý, thành tựu không giác, không quán niệm niệm nương vào hỷ mà an; vui ở Nhị thiền mà tự vui thích. Như vậy là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng.
Lại nữa, Tỳ-kheo xả niệm, tu ở hộ. Hằng tự giác tri thân (giác), vui chỗ cầu của chư Hiền Thánh, hộ niệm thanh tịnh hành ở Tam thiền. Như vậy là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng.
Lại nữa, Tỳ-kheo xả tâm khổ vui, lại không lo mừng, không khổ vui, hộ niệm thanh tịnh vui ở Tứ thiền. Như vậy là Tỳ-kheo pháp pháp tương quán ý dừng.
Vị ấy hành tập pháp, hành diệt pháp cùng hành pháp tập diệt mà tự vui thích, liền được pháp ý dừng hiện ở trước, có thể biết, có thể thấy, trừ bỏ loạn tưởng không chỗ nương tựa, chẳng khởi tưởng thế gian. Đã chẳng khởi tưởng liền không sợ hãi. Đã không sợ hãi thời: 'Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa', như thật mà biết.
Này các Tỳ-kheo, nương một lối vào đạo, chúng sanh sẽ được thanh tịnh, xa lìa buồn lo, lại không có tưởng vui, liền có trí tuệ, chứng được Niết-bàn. Đó là diệt Năm triền cái, tu Bốn ý chỉ.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong đây, không thấy một pháp nào mau đưa đến hoại diệt như là ganh ghét, đố kỵ Phạm hạnh. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy tu hành từ nhẫn, thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, tối tôn, tối thượng trong các Trời, Người, Ma và Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, không ai sánh bằng, là phước điền đệ nhất, đáng phụng sự, đáng cung kính.
Thế nào là một người? Nghĩa là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là một người xuất hiện ở đời vượt hẳn Trời, Người, A-tu-la, Ma và Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, là bậc tối tôn, tối thượng, không ai sánh bằng, là phước điền bậc nhất, đáng phụng sự, đáng cung kính. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy thường nên cung dường Như Lai. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.
Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào trong chư Thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn mà bố thí tối thượng hơn sự bố thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, sẽ thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp, được vị cam lồ. Nghĩa là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác biết rằng bố thí tối thượng không gì hơn thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói như thế. Săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc Ta không khác. Các Thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người tán thán A-lan-nhã (tịch tĩnh) là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì nay Ta thường tự tán thán hạnh A-lan-nhã. Nếu có người phỉ báng A-lan-nhã tức là phỉ báng Ta. Nếu có người tán thán khất thực tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người hay khất thực. Nếu người hủy báng khất thực là đã hủy báng Ta. Có người tán thán độc cư tức là tán thán Ta. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người độc cư. Có người hủy báng người độc cư là đã hủy báng Ta. Có người tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa. Ai hủy báng người này tức là đã hủy báng Ta. Nếu có người tán thán người ngồi dưới gốc cây tức là tán thán Ta không khác. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người ngồi dưới gốc cây. Nếu có ai hủy báng người ngồi dưới gốc cây tức là đã hủy báng Ta. Nếu có ai tán thán người ngồi chỗ đất trống, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, là vì Ta hằng tán thán người ngồi nơi đất trống (lộ tọa). Ai hủy nhục người ngồi nơi đất trống tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn. Ai hủy nhục người ở chỗ vắng vẻ an hành tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người mặc áo năm mảnh là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người mặc áo năm mảnh. Ai hủy nhục người mặc áo năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người giữ ba y tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người giữ ba y. Ai hủy nhục người giữ ba y tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ngồi ở gò mả là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ngồi ở gò mả. Ai hủy nhục người ngồi ở gò mả tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta thường tán thán người ăn một bữa. Ai hủy nhục người ăn một bữa tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn đúng ngọ là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người ăn đúng ngọ. Ai hủy báng người người ăn đúng ngọ tức là hủy báng Ta. Ai tán thán người hành đầu đà tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán các người hành đầu đà. Ai hủy nhục người hành đầu đà tức là đã hủy nhục Ta. Nay Ta dạy các Tỳ-kheo hãy như sở hành của Đại Ca-diếp, không có sơ sót. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp có các hạnh này. Thế nên các Tỳ-kheo, hãy thường nên học như Đại Ca-diếp.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị.
Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp trụ A-lan-nhã. Đến giờ khất thực, Tôn giả không phân biệt giàu nghèo. Tôn giả ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc ở chỗ vắng vẻ trọn không dời đổi, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn chính ngọ, hoặc hành đầu đà mặc dù tuổi cao già cả. Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp ăn xong liền đến dưới một cội cây thiền định, thiền định xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, đi đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn từ xa trông thấy Ca-diếp đến. Thế Tôn bảo rằng:
- Khéo đến, Ca-diếp!
Ca-diếp đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn dạy rằng:
- Ca-diếp! Nay Thầy đã lớn tuổi, già cả, quá suy, lọm khọm, vậy Thầy nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu đà, mà nên nhận lời mời của các Trưởng giả và nhận y áo.
Ca-diếp đáp:
- Con không dám theo lời Như Lai dạy. Vì sao? Vì nếu Như Lai không thành đạo Vô thượng Chánh chân, thì con ắt thành Bích-chi Phật, mà Bích-chi Phật trọn hành A-lan-nhã. Đến giờ khất thực, con không phân biệt giàu, nghèo. Con ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc chỗ vắng vẻ trọn chẳng dời đổi, hoặc mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành đầu đà. Nay con chẳng dám bỏ thói cũ mà học hạnh khác.
Thế Tôn bảo rằng:
- Lành thay! Lành thay Ca-diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca-diếp! Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì Thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.
Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo Vô thượng Chánh chân. Vì sao như thế? Này các Tỳ-kheo, Đề-bà-đạt-đa ngu si kia nhận năm trăm nồi cơm của Vương tử Ba-la-lưu-chi (A-xà-thế) cúng dường. Nếu ông ta không cho, Đề-bà-đạt-đa ngu si trọn không tạo việc ác này. Vì Vương tử Ba-la-lưu-chi hằng ngày đem năm trăm nồi cơm đến cúng dường nên Đề-bà-đạt-đa mới khởi năm điều nghịch ác, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục A-tỳ. Do phương tiện này mà biết lợi dưỡng quá nặng khiến người chẳng đến được đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng, chớ nên sanh, đã sanh thì nên diệt đi. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị.
Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa làm rối loạn chúng Tăng, làm chân của Như Lai bị thương, xúi A-xà-thế giết vua cha, lại giết La-hán Tỳ-kheo-ni, rồi tuyên bố với đại chúng rằng: 'Chỗ nào có ác, ác từ đâu sanh? Ai làm việc ác này, phải chịu quả báo đó. Ta cũng chẳng làm việc ác này mà phải chịu quả báo'.
Bấy giờ có nhiều chúng Tỳ-kheo vào thành La-duyệt khất thực, nghe nói Đề-bà-đạt-đa ngu si tuyên bố ở trong đại chúng: 'Chỗ nào có ác, ác từ đâu sanh? Ai làm việc ác này phải chịu quả báo đó'.
Bấy giờ những Tỳ-kheo ấy ăn xong, liền cầm y bát, vắt tọa cụ lên vai mặt, đi đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên. Bấy giờ các chúng Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Đề-bà-đạt-đa ngu si tuyên bố ở trong đại chúng rằng: 'Vì sao làm ác không có tai ương, làm lành không có quả báo? Đó là vì không có quả báo thiện ác'.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ác thì có tội, các hạnh thiện ác đều có báo ứng. Nếu Đề-bà-đạt-đa ngu si kia biết có quả báo thiện ác, thì sẽ khô héo, sầu lo chẳng vui, máu sôi sẽ phun đầy mặt. Vì Đề-bà-đạt-đa chẳng biết quả báo của thiện ác, do đó mới ở trong đại chúng mà tuyên bố không có quả báo thiện ác, làm ác không tai ương, làm thiện không có phước quả.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Người
ngu tự xét rõ,
Làm
ác không có phước báo,
Nay
Ta rõ biết trước,
Báo
ứng của thiện ác.
Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy xa lìa ác, làm phước chớ mệt mỏi. Các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nhận lợi dưỡng của người rất nặng, chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao như thế? Vì quả báo của lợi dưỡng cắt vào da người; vì cắt vào da liền cắt thịt, vì cắt thịt liền đứt xương, vì đứt xương liền thấu tủy. Này các Tỳ-kheo, hãy dùng phương tiện này liền biết lợi dưỡng rất nặng. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng thì chớ sanh, đã sanh thì khiến cho diệt. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nhận lợi dưỡng của người thật là chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao như thế? Nếu Tỳ-kheo Lợi-sư-la kia chẳng tham lợi dưỡng thì chẳng làm việc sát sanh vô lượng như thế, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nhận
lợi dưỡng người nhiều,
Hoại
hạnh thanh bạch người,
Thế
nên chế ngự tâm,
Chớ
tham đắm mùi vị.
Lợi-sư
được định rồi
Cho
đến trời Đế Thích
Thần
thông bị tổn giảm,
Đọa
vào ngục chém giết.
Các Tỳ-kheo hãy dùng phương tiện này liền biết nhận lợi dưỡng của người thật chẳng phải dễ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: 'Chưa sanh tâm lợi dưỡng phải chế ngự khiến chẳng sanh, đã sanh tâm này hãy cầu phương tiện khiến cho tiêu diệt'. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
--------------------------------------------------------------------------------
XIII. Phẩm Lợi dưỡng
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nhận lợi dưỡng của người thật chẳng dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo Tu-la-đà không tham lợi dưỡng thì đã không ở trong pháp mà xa ba pháp y để làm cư sĩ. Tỳ-kheo Ta-lu-đà vốn tu hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, hoặc ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, thích chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể, hành hạnh đầu đà này. Lúc này, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường của quốc vương Mãn Hô, hàng ngày cung cấp món ăn trăm vị.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia ý nhiễm thức ăn này, dần dần bỏ hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, ở chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể. Bỏ hết những điều này, bỏ ba pháp y; vị ấy trở lại làm người bạch y, giết trâu sát sanh chẳng thể tính kể, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.
Các Tỳ-kheo, do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy diệt một pháp, Ta sẽ chứng cho các Thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt. Thế nào là một pháp? Đó là tham đắm mùi vị. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy diệt sự tham vị này, Ta sẽ chứng cho Thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Chúng
sanh đắm vị này.
Chết
đọa trong đường ác,
Nay
nên xả dục này,
Liền
thành A-la-hán.
Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên xả bỏ ý tưởng tham đắm vị này. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một Trưởng giả vừa chết một đứa con trai mà ông rất yêu thương chưa hề xa lìa. Ông ta thấy con chết liền phát cuồng, đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi:
- Có thấy con tôi không?
Bấy giờ ông ta đi dần dần đến Tinh xá Kỳ Hoàn, đến chỗ Thế Tôn và đứng một bên. Bấy giờ, ông ta bạch Thế Tôn rằng:
- Sa-môn Cù-đàm! Có thấy con tôi không?
Thế Tôn bảo Trưởng giả:
- Vì sao mặt mày không vui, các căn rối loạn?
Bấy giờ Trưởng giả thưa đức Cù-đàm:
- Không như vầy sao được? Vì sao? Tôi chỉ có một đứa con, nó lại bỏ tôi mà chết. Tôi rất nhớ thương nó, chưa hề rời mắt, vì thương xót đứa con ấy nên tôi phát cuồng. Nay tôi hỏi Sa-môn, có thấy con tôi không?
Thế Tôn dạy rằng:
- Đúng vậy, Trưởng giả. Như lời Ông hỏi: sanh, già, bịnh, chết là phép thường ở đời; ân ái biệt ly khổ; oán ghét gặp gỡ khổ. Đứa con vì vô thường mà bỏ Ông há không nghĩ đến được sao?
Bấy giờ ông ta nghe Thế Tôn nói, không bằng lòng bèn bỏ đi; đi đường gặp người ông liền nói:
- Sa-môn Cù-đàm nói rằng: 'Ái ân biệt ly liền có khoái lạc'. Sa-môn nói như vậy, xét có đúng không?
Người kia đáp:
- Ân ái biệt ly mà vui cái gì?
Ngay lúc đó, cách thành Xá-vệ không xa, có nhiều người đang đánh bạc với nhau. Bấy giờ, ông ta liền nghĩ rằng: 'Các ông này thông minh trí tuệ, không việc gì chẳng biết. Nay ta nên đem nghĩa này hỏi họ'.
Bấy giờ ông ta đến chỗ đánh bạc hỏi mọi người rằng:
- Sa-môn Cù-đàm bảo tôi rằng: 'Ân ái biệt ly khổ, oán ghét gặp gỡ khổ. Đây là khoái lạc'. Nay các Ông nghĩ sao?
Bấy giờ những người đánh bạc đáp ông ta:
- Ân ái biệt ly có gì vui? Nói là khoái lạc, nghĩa này không đúng.
Bấy giờ ông ta liền nghĩ: 'Xét lời Như Lai trọn không hư dối. Sao nói xa lìa ân ái lại có vui ư?' Nghĩa này không đúng.
Bấy giờ người kia vào thành Xá-vệ, đến ngoài cửa cung kêu lên:
- Sa-môn Cù-đàm dạy rằng: 'Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp. Đây là khoái lạc.'
Bấy giờ cả thành Xá-vệ và người trong cung truyền lời này khắp nơi. Ngay lúc đó, đại vương Ba-tư-nặc và phu nhân Mạt-lợi đang ở trên lầu vui vầy với nhau. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bảo phu nhân Mạt-lợi:
- Sa-môn Cù-đàm thật có lời này: 'Ân ái ly biệt, oán ghét gặp gỡ. Đây đều là khoái lạc chăng?'
Phu nhân đáp:
- Tôi nghe Như Lai dạy lời này, nhưng nếu đúng Như Lai có dạy như thế, cũng chẳng phải là việc hư dối.
Vua Ba-tư-nặc bảo:
- Ví như thầy dạy đệ tử: 'Làm điều này, bỏ điều này'. Đệ tử đáp rằng: 'Xin vâng, Đại sư'. Nay phu nhân Mạt-lợi, Bà cũng như thế. Sa-môn Cù-đàm kia tuy nói lời này mà Bà ưng thuận nói rằng như thế chẳng khác, không có hư vọng. Vậy Bà hãy đi mau, đừng có đứng trước mặt ta.
Bấy giờ phu nhân Mạt-lợi bảo Bà-la-môn Trúc-bác:
- Nay Ông đến Tinh xá Kỳ Hoàn, tới chỗ Như Lai, đem tên của ta, quỳ dưới chân Như Lai lấy nghĩa này bạch đầy đủ cho Thế Tôn rằng: 'Trong thành Xá-vệ và người trong cung có luận bàn điều mà Sa-môn Cù-đàm nói: 'Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp. Đây đều là khoái lạc'. Chẳng rõ Thế Tôn có dạy như thế chăng?'. Nếu Thế Tôn có dạy điều gì, Ông hãy khéo nhận lời rồi về nói lại cho ta.
Bấy giờ Bà-la-môn Trúc-bác nhận sắc lịnh của phu nhân, tìm đến Tinh xá Kỳ Hoàn. Đến chỗ Thế Tôn chào hỏi, chào hỏi xong ngồi một bên. Rồi Phạm chí kia bạch Thế Tôn:
- Phu nhân Mạt-lợi cúi lạy Thế Tôn và thăm hỏi Như Lai có được nhẹ nhàng dễ chịu, đi đứng có mạnh khỏe không, Giáo hóa người mê muội có mệt nhọc không. Rồi lại nói rằng: 'Trong thành Xá-vệ này loan truyền rằng Sa-môn Cù-đàm dạy: 'Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp. Đây đều là khoái lạc'. Chẳng rõ Thế Tôn có dạy như thế chăng?'
Bấy giờ Thế Tôn bảo Bà-la-môn Trúc-bác rằng:
- Ở trong thành Xá-vệ này có một Trưởng giả bị chết mất một đứa con. Ông ta nhớ đứa con này đến cuồng loạn mất tánh, chạy khắp Đông Tây gặp ai cũng hỏi: 'Ai thấy con tôi?'. Vậy thì, Bà-la-môn! Ân ái biệt ly, oán ghét tụ hội khổ. Đây đều không có hoan lạc.
Ngày xưa trong thành Xá-vệ này, lại có người mất mẹ già, cũng cuồng loạn chẳng biết gì cả. Lại có người mất cha già; lại cũng có anh em, chị em thảy đều vô thường. Họ thấy sự biến đổi vô thường này sanh ra cuồng loạn chẳng biết Đông Tây.
Này Bà-la-môn! Ngày xưa trong thành Xá-vệ này, có một người vừa rước một người vợ đoan chánh vô song về. Bấy giờ ông ta không bao lâu bị nghèo cùng. Cha mẹ vợ ông ta thấy ông ta nghèo liền nghĩ:
- 'Ta hãy đoạt con gái về gả cho người khác'.
Người kia rình nghe cha mẹ vợ muốn đoạt vợ mình để gả cho người khác. Bấy giờ, ông ta dắt dao bên trong áo rồi đến nhà vợ. Bà vợ ông ta đang ngồi dệt ở ngoài vách. Ông ta bước vào nhà cha mẹ vợ hỏi:
- 'Nay vợ tôi ở đâu?'
Mẹ vợ đáp:
- 'Vợ con đang dệt ở bóng mát ngoài bờ tường'.
Ông ta liền đến chỗ vợ hỏi:
- 'Cha mẹ nàng muốn đoạt nàng để gả cho người khác phải không?'
Vợ đáp:
- 'Thật có lời này, nhưng tôi không ưa nghe nói vậy.'
Bấy giờ người kia rút dao bén đâm chết vợ, rồi lại tự đâm vào bụng mình và nói:
- 'Cả hai ta cùng chết'.
Này Bà-la-môn, hãy dùng phương tiện này mà biết ân ái biệt ly, oán ghét hội họp khổ. Đây đều là buồn lo thật chẳng thể nói được.
Bấy giờ Bà-la-môn Trúc-bác bạch Thế Tôn:
- Đúng vậy Thế Tôn! Có các thứ khổ não này thực chẳng vui. Vì sao thế? Xưa con có một đứa con trai nó chết đi, bỏ con, ngày đêm con nhớ mãi chẳng rời tâm. Rồi con vì nhớ con, tâm ý cuồng hoặc, chạy khắp Đông Tây, gặp người liền hỏi: 'Ai thấy con tôi?' Này Sa-môn Cù-đàm nói thật đúng như thế. Việc nước bận rộn, con muốn về nhiệm sở.
Thế Tôn dạy:
- Nay là đúng lúc.
Bà-la-môn Trúc-bác liền từ chỗ ngồi đứng lên, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đi. Đến chỗ phu nhân Mạt-lợi đem việc này tâu đầy đủ cho phu nhân. Phu nhân Mạt-lợi liền đến chỗ vua Ba-tư-nặc thưa:
- Bây giờ tôi có chỗ muốn hỏi, mong Đại vương nghe rồi trả lời từng việc một. Thế nào? Đại vương có nhớ vương tử Lưu Ly chăng?
Vua đáp:
- Rất nhớ, thương xót không rời lòng.
Phu nhân hỏi:
- Nếu vương tử chết đi, Đại vương có lo chăng?
Vua lại đáp;
- Đúng vậy, phu nhân! Như lời bà nói.
Phu nhân hỏi:
- Đại vương nên biết ân ái biệt ly đều gây sầu lo. Thế nào? Đại vương có nhớ Vương tử Y La chăng?
Vua đáp:
- Ta rất yêu kính.
Phu nhân hỏi:
- Đại vương! Nếu vương tử chết đi, Đại vương có sầu lo chăng?
Vua đáp:
- Rất sầu lo.
Phu nhân bảo rằng:
- Hãy lấy phương tiện này mà biết ân ái biệt ly không có hoạn lạc. Thế nào? Đại vương có nhớ Tát-la-đà dòng Sát-lợi không?
Vua đáp:
- Rất yêu kính, nhớ nghĩ.
Phu nhân nói:
- Thế nào Đại vương, giả sử phu nhân Tát-la-đà có sự biến đổi, Đại vương có lo không?
Vua đáp:
- Có lo sầu chứ!
Phu nhân nói:
- Đại vương nên biết ân ái biệt ly, đây đều là khổ.
Phu nhân lại nói:
- Vua nhớ thiếp chăng?
Vua nói:
- Ta yêu nhớ Ái khanh.
Phu nhân nói:
- Giả sử thân thiếp biến đổi, Đại vương có buồn lo không?
Vua nói:
- Nếu thân Khanh có gì biến đổi, thì ta buồn lo ngay.
- Đại vương, hãy dùng phương tiện này mà biết ân ái biệt ly, oán ghét gặp gỡ không có vui vẻ gì.
Phu nhân lại nói:
- Thế nào Đại vương? Có nhớ nhân dân Ca-thi Câu-tát-la không?
- Ta rất yêu nhớ nhân dân Ca-thi Câu-tát-la.
Phu nhân nói:
- Nhân dân Ca-thi Câu-tát-la giả sử biến đổi, Đại vương có buồn lo không?
Vua nói:
- Nhân dân Ca-thi Câu-tát-la nếu có biến đổi thì mạng ta cũng chẳng còn, huống là chỉ buồn lo. Vì sao thế? Ta nhờ sức của nhân dân nước Ca-thi Câu-tát-la mới được tồn tại. Dùng phương tiện này biết mạng cũng chẳng còn, hà huống chẳng sanh buồn lo!
Phu nhân nói:
- Lấy đây mà biết: ân ái biệt ly đều có cái khổ não, không có vui vẻ.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Thế Tôn mà nói:
- Thật kỳ lạ! Thật kỳ lạ! Thế Tôn nói được pháp này. Nếu Sa-môn Cù-đàm đến đây, tôi sẽ cùng bàn luận.
Vua lại bảo phu nhân:
- Từ đây về sau, ta sẽ lại xem trọng Khanh hơn ngày thường, cho mang đồ phục sức không khác ta.
Bấy giờ Thế Tôn nghe phu nhân Mạt-lợi cùng Đại vương lập căn bản luận này, liền bảo các Tỳ-kheo:
- Phu nhân Mạt-lợi rất thông minh. Nếu vua Ba-tư-nặc hỏi Ta lời này, Ta cũng lấy nghĩa này mà nói cho vua ấy giống như phu nhân đã nói không khác. Ngài lại bảo các Tỳ-kheo:
- Trong hàng Thanh văn của Ta, Ưu-bà-di chứng đắc lòng tin kiên cố thuần thành bậc nhất là phu nhân Mạt-lợi.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Bạt-kỳ, trong vườn Nai rừng Quỷ, núi Thi-mục-ma-la.
Bấy giờ Trưởng giả Na-ưu-la-công đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên, chốc lát lui ngồi bạch Thế Tôn:
- Nay con già cả lại thêm bệnh tật, nhiều điều ưu não, cúi mong Thế Tôn tùy thời dạy dỗ khiến chúng sanh được an ổn lâu dài.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Trưởng giả rằng:
- Đúng như lời Ông nói, thân có nhiều sợ hãi, đau đớn, đâu thể nương cậy, chỉ có một lớp da mỏng che đậy bên ngoài. Này Trưởng giả, nên biết người ỷ lại thân này, chính là được cái vui trong chốc lát. Đây là tâm ngu ngốc, chẳng phải điều người trí tuệ quí. Thế nên Trưởng giả, tuy thân có bệnh hãy khiến tâm không bệnh. Như thế, Trưởng giả, hãy học điều này!
Bấy giờ Trưởng giả nghe lời nói như thế liền từ chỗ ngồi đứng dậy cúi lạy Thế Tôn rồi lui ra.
Bấy giờ Trưởng giả lại nghĩ: 'Nay ta có thể đến hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất nghĩa này'.
Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới gốc cây cách đó không xa. Bấy giờ Na-ưu-la-công đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, quỳ lạy rồi ngồi một bên.
Tôn giả Xá-lợi-phất bèn hỏi Trưởng giả:
- Nhan mạo Ông vui hòa, các căn tịch tĩnh ắt có lý do. Này trưởng giả, chắc Ông đã nghe Phật nói pháp phải không?
Trưởng giả bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Thế nào Tôn giả Xá-lợi-phất? Làm sao nhan mạo không vui vẻ được? Vì sao thế? Vì tôi được Thế Tôn đem pháp cam lồ tưới rót vào lòng.
Trưởng giả đáp tiếp:
- Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi đến chỗ Thế Tôn quỳ lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ tôi bạch Thế Tôn; 'Con tuổi già sức yếu hằng ốm bệnh tật, khổ đau rất nhiều không thể tính kể, cúi mong Thế Tôn, phân biệt thân này khiến khắp chúng sanh đạt được an ổn'. Bấy giờ Thế Tôn bảo tôi rằng: 'Đúng vậy Trưởng giả! Thân này có nhiều suy mòn đau khổ, chỉ có lớp da mỏng che đậy bên ngoài. Trưởng giả nên biết, người nương cậy thân này, chính có thể vui chốc lát mà chẳng biết bị khổ vô lượng lâu dài. Thế nên, Trưởng giả, thân này tuy có hoạn nạn, nên khiến cho tâm đừng lo hoạn. Như thế Trưởng giả, nên học điều này'. Thế Tôn dùng pháp cam lộ này tưới rót cho tôi.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
- Thế nào Trưởng giả? Sao không hỏi lại Thế Tôn nghĩa này: Thế nào là thân có hoạn mà tâm không hoạn? Thế nào là thân có bệnh, tâm không bệnh?
Trưởng giả bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Thật sự tôi đã không đem việc này hỏi lại Thế Tôn là thân có hoạn, tâm không hoạn; thân có bệnh, tâm không bệnh. Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả chắc rõ việc này, mong phân biệt đầy đủ cho.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng rộng nghĩa này cho Ông.
- Xin vâng, Tôn giả Xá-lợi-phất.
Trưởng giả vâng lời dạy rồi, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Ông ta:
- Ở đây, Trưởng giả! Người phàm phu chẳng gặp Thánh nhân, chẳng được Thánh giáo, chẳng theo sự dạy dỗ này, cũng chẳng gặp Thiện tri thức, chẳng theo hầu Thiện tri thức, họ chấp sắc là ngã, sắc là của ngã, ngã là của sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, sắc kia sắc ta hội họp một chỗ. Sắc kia sắc ta đã hội họp một chỗ rồi, sắc liền bại hoại, dời đổi chẳng dừng, trong đó lại khởi sầu lo khổ, não; cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành thức đều quán ngã có thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức, thức kia thức ta hội họp một chỗ. Thức kia thức ta đã họp một chỗ rồi, thức liền bại hoại, dời đổi chẳng dừng, trong đó lại khởi sầu, lo, khổ, não. Như thế Trưởng giả, thân cũng có hoạn, tâm cũng có hoạn.
Trưởng giả hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Thế nào là thân có hoạn, tâm không có hoạn?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
- Ở đây, Trưởng giả! Đệ tử bậc Hiền Thánh thừa sự Thánh Hiền, tu hành cấm pháp, theo hầu Thiện tri thức, thân cận Thiện tri thức. Người đó không quán ngã có sắc, chẳng thấy trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, chẳng thấy sắc là của ngã, ngã là của sắc. Sắc kia dời chuyển chẳng dừng. Sắc kia đã chuyển đổi, chẳng sanh hoạn sầu, lo, khổ, não theo sắc, cũng lại không thấy thọ, tưởng, hành thức; chẳng thấy trong thức có ngã, trong ngã có thức, cũng chẳng thấy thức là của ngã, cũng chẳng thấy ngã là của thức. Thức kia thức ngã đã hội một chỗ, thức liền bại hoại, trong đây không khởi buồn, lo, khổ, não. Như vậy Trưởng giả! Thân có hoạn mà tâm không hoạn. Thế nên Trưởng giả, hãy học tập như thế, trừ thân bỏ tâm, cũng không nhiễm trước. Này Trưởng giả, nên học điều này.
Bấy giờ Na-ưu-la-công nghe Xá-lợi-phất dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp cho vài ngàn muôn chúng vây quanh trước sau. Lúc đó Bà-la-môn Giang Trắc thân gánh một gánh nặng đến chỗ Thế Tôn, đến rồi đặt gánh xuống đến một bên Thế Tôn, và đứng lặng yên. Bấy giờ Bà-la-môn đó suy nghĩ thế này: 'Hôm nay Sa-môn Cù-đàm vì mấy ngàn muôn chúng vây quanh trước sau mà thuyết pháp. Ta nay thanh tịnh không khác gì Sa-môn Cù-đàm. Vì sao thế? Sa-môn Cù-đàm ăn lúa gạo tốt, các thứ ngon lành. Nay ta ăn quả trái để tự nuôi mạng sống'.
Bấy giờ Thế Tôn đã biết tâm niệm Bà-la-môn liền bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có chúng sanh đem hai mươi mốt kiết làm dính mắc tâm, nên biết người đó ắt đọa đường ác chẳng sanh cõi lành. Thế nào là hai mươi mốt kiết? Đó là sân tâm kiết, nhuế hại tâm kiết, thùy miên tâm kiết, điều hý tâm kiết, nghi tâm kiết, nộ tâm kiết, kỵ tâm kiết, não tâm kiết, tật tâm kiết, tắng tâm kiết, vô tàm tâm kiết, vô quý tâm kiết, huyễn tâm kiết, gian tâm kiết, ngụy tâm kiết, tranh tâm kiết, kiêu tâm kiết, mạn tâm kiết, đố tâm kiết, tăng thượng mạn tâm kiết, tham tâm kiết. Này các Tỳ-kheo, nếu người có hai mươi mốt kiết làm dính mắc tâm này, nên biết người đó ắt đọa đường ác chẳng sanh cõi lành. Ví như áo lông dạ trắng mới, lâu ngày cũ nát có nhiều bụi bặm, ý muốn nhuộm thành màu xanh, vàng, đỏ, đen trọn chẳng thành được. Vì sao? Vì có bụi bặm. Như thế, này Tỳ-kheo, nếu có người đem hai mươi mốt kiết làm dính mắc tâm này, hãy quán người này ắt đọa đường ác chẳng sanh cõi lành. Nếu lại có người không có hai mươi mốt kiết làm dính mắc tâm này, nên biết người đó ắt sanh lên trời, không rơi trong địa ngục; ví như dạ trắng sạch, mới tùy ý muốn nhuộm màu nào: xanh, vàng, đỏ, đen ắt thành màu đó, trọn chẳng bại hoại. Vì sao như thế? Vì nó sạch vậy. Đây cũng như thế, ai không có hai mươi mốt kiết này làm dính mắc tâm bên biết người này ắt sanh lên Trời, không rơi đường ác. Nếu bậc Hiền Thánh kia khởi sân nhuế tâm kiết, quán rồi liền có thể dừng được; khởi nhuế hại tâm kiết, khởi thùy miên tâm kiết, khởi điều hý tâm kiết, khởi nghi tâm kiết, khởi nộ tâm kiết, khởi kỵ tâm kiết, khởi não tâm kiết, khởi tắng tâm kiết, khởi vô tàm tâm kiết, khởi vô úy tâm kiết, khởi huyễn tâm kiết, khởi gian tâm kiết, khởi ngụy tâm kiết, khởi tranh tâm kiết, khởi kiêu tâm kiết, khởi mạn tâm kiết, khởi đố tâm kiết, khởi tâm thượng mạn tâm kiết, khởi tham tâm kiết. Nếu bậc Hiền Thánh kia không sân, không nhuế, không có ngu hoặc; tâm ý vui hòa, dùng tâm từ rải khắp một phương mà tự vui thú: phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư cũng lại như thế; bốn phía trên, dưới, đối với một trong tất cả cũng thế. Tất cả thế gian vô hạn vô lượng không thể tính kể; tâm không giận dữ mà tự du hí, tâm từ này rải khắp trong đó, được hoan hỉ rồi, tâm ý liền chính.
Lại dùng tâm bi rải khắp một phương mà tự vui thú phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư cũng lại như thế; bốn phía trên, dưới, một trong tất cả cũng vậy. Tất cả thế gian dùng vô lượng, vô hạn cũng không thể tính kể; tâm không giận dữ mà tự du hí, đem tâm bi rải khắp trong đó, được hoan hỉ rồi, tâm ý liền chính.
Lại dùng tâm hỉ rải khắp một phương mà tự vui thú; phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư cũng vậy; bốn phía, trên, dưới, một trong tất cả cũng vậy. Tất cả thế gian dùng vô lượng, vô hạn không thể tính kể; tâm không giận dữ mà tự du hí, dùng tâm hỉ này rải khắp trong đó, được hoan hỉ rồi, tâm ý liền chính.
Lại dùng tâm xả (hộ) rải khắp một phương mà tự vui thú; phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư cũng vậy; bốn phía, trên, dưới, một trong tất cả cũng vậy. Tất cả thế gian dùng vô lượng, vô hạn không thể tính kể; tâm không giận dữ mà tự du hí, đem tâm hỉ này tràn khắp trong đó, được hoan hỉ rồi, tâm ý liền chính.
Lại đối với Như Lai thành tựu tín căn, căn bản không dời, dựng cờ cao hiển không thể di động. Chư Thiên, Long Thần, A-tu-la, Sa-môn, Bà-la-môn hoặc Người đời, trong đây được hoan hỉ, tâm ý liền chính. Đây là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo PHáp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, trong đây được hoan hỉ, tâm ý liền chính.
Cũng lại thành tựu đối với pháp. Pháp của Như Lai rất là thanh tịnh, không thể dời đổi, được người yêu kính. Như vậy người trí nên quán điều này, liền ở trong đó được hoan hỉ, tâm ý liền chính.
Cũng lại thành tựu đối với chúng. Thánh chúng của Như Lai rất là thanh tịnh, tánh hạnh thuần hòa, pháp pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu. Thánh chúng gồm bốn đôi tám bậc. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng yêu, đáng quý, thật đáng thừa sự, trong đây được hoan hỷ, tâm ý liền chính.
Người ấy lại dùng tam-muội này, tâm được thanh tịnh không có vết nhơ. Các kiết liền dứt sạch, cũng không nhiễm ô, tánh hạnh nhu nhuyến, có được thần thông, liền tự biết được việc của vô lượng đời trước. Từ nơi nào đến đều biết hết, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời; kiếp thành bại, kiếp không thành, hoại, vô số kiếp thành, hoại, vô số kiếp không thành, hoại. 'Ta từng ở chỗ kia, tự là gì, tên gì, họ gì, sanh như thế, ăn như thế, chịu khổ vui như thế, thọ mạng ngắn hay dài. Từ chỗ kia chết sanh ở đây.' Như thế tự biết việc vô số kiếp trước.
Lại do tam-muội này, tâm thanh tịnh không có vết nhơ, biết tâm chúng sanh nghĩ việc gì. Người đó lại dùng Thiên nhãn xem có người sanh, có người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường ác, hoặc tốt hoặc xấu tùy hạnh của chúng sanh, đã tạo quả báo thảy đều biết hết. Hoặc có chúng sanh thân làm ác, miệng làm ác, tâm làm ác, phỉ báng Hiền Thánh, tạo hạnh tà kiến, thân hoại mạng chung sanh trong ba đường ác, trong địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, tâm nghĩ thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, chánh kiến không có tà kiến, thân hoại mạng chung sanh chỗ lành, lên Trời. Đó là thiên nhãn thanh tịnh xem các loài chúng sanh, có người sanh, có người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường ác, hoặc tốt, hoặc xấu tùy hạnh chúng sanh, quả báo tạo ra thảy đều biết hết.
Người đó lại dùng tam-muội này, tâm thanh tịnh không vết nhơ, không có kiết sử, tâm tánh nhu nhuyến được thần thông. Lại dùng lậu tận thông mà tự vui thú. Người đó quán khổ này, biết như thực. Lại quán khổ tập, lại quán khổ tận, lại quán khổ xuất yếu, biết như thực. Người đó quán như thế xong, tâm dục lậu được giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát. Được giải thoát rồi liền được trí giải thoát: 'Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa', biết như thực.
Như thế, này Tỳ-kheo, bậc Hiền Thành tâm được giải thoát, tuy có ăn cao lương mỹ vị, các thứ ngon lành nhiều như Tu-di cũng trọn không tội. Vì sao? Vì không dục ái, đã dứt sạch dục ái vậy; vì không sân, đã dứt sân vậy, vì không ngu si, đã dứt ngu si vậy. Đây là Tỳ-kheo ở trong Tỳ-kheo, đã tắm rửa sạch sẽ hoàn toàn bên trong.
Bấy giờ Bà-la-môn ở cạnh bờ sông bạch Thế Tôn rằng:
- Sa-môn Cù-đàm có thể đến bên sông Tôn-đà-la tắm rửa.
Thế Tôn bảo rằng:
- Thế nào Bà-la-môn, sao gọi đó là nước sông Tôn-đà-la?
Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
- Nước sông Tôn-đà-la, phước của nó rất thâm sâu, là ánh sáng của đời. Nếu có nhân vật nào tắm tại nước sông đó, tất cả các ác đều trừ sạch cả.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Thân
này vố số kiếp,
Từng
đến tắm sông kia,
Và
các ao vũng nhỏ,
Không
đâu không trải khắp.
Người
ngu thường thích đó,
Mờ
ám không thanh tịnh,
Tội
cũ đầy trong thân,
Sông
kia sao cứu được.
Người
tịnh thường an lạc,
Người
giữ giới cũng vậy,
Người
sạch làm hạnh sạch,
Kìa
nguyện tất quả thành,
Hộ
trì, không chấp thủ
Hành
từ không sát sanh,
Giữ
thành thật không dối,
Tâm
bi không tăng giảm.
Nay
Ông tắm ở đây,
Ắt
được chỗ an ổn,
Sông
kia đến chỗ nào,
Như
mù nhảy vào tối.
Bấy giờ Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
- Thật đầy đủ, thật đầy đủ! Thưa Cù-đàm! Ví như người gù được thẳng, người tối được sáng, người mê được thấy đường, như đèn sáng trong nhà tối, làm con mắt cho người không mắt. Như vậy, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện thuyết diệu pháp này. Nguyện xin cho con hành đạo.
Bấy giờ Bà-la-môn ở cạnh bờ sông liền được nhập đạo, thọ giới cụ túc. Cũng như người nào có tâm xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng mong đạt đến: 'Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa', vị ấy như thực rõ biết. Lúc này, Tôn giả Tôn-đà-la-đế-lợi thành bậc A-la-hán.
Bấy giờ Tôn giả Tôn-đà-la-đế-lợi nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành la-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân lúc trời đã về chiều liền đến chỗ Thế Tôn, quỳ lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân liền dùng kệ tụng hỏi nghĩa Như Lai:
Hay
thuyết, hay tuyên bố,
Vượt
dòng thành vô lậu,
Để
qua vực sanh tử,
Nay
hỏi nghĩa Cù-đàm.
Con
quán chúng sanh này,
Việc
tạo nghiệp phước đức,
Tạo
các hạnh dường ấy,
Thí
ai, phước tối tôn?
Nay
con tại Linh Thứu,
Xin
mong giảng nghĩa này,
Biết
ý thú của Ngài,
Cũng
vì người thí nói.
Bấy
giờ Thế Tôn dùng kệ đáp:
Bốn
đường tạo phước khm
Bốn
quả đầy đủ thánh,
Các
người học được vết,
Nên
tin phụng pháp này.
Không
dục cũng không giận,
Hết
si thành vô lậu,
Vượt
hết tất cả vực,
Thí
kia thành quả lớn.
Các
loại chúng sanh này,
Chỗ
tạo nghiệp phước đức,
Tạo
hạnh bao nhiêu thứ,
Thí
Tăng, được phước nhiều,
Chúng
này độ vô lượng,
Như
biển xuất trân bảo,
Thánh
chúng cũng như vậy,
Diễn
pháp tuệ quang minh.
Cù-đàm
chỗ lành kia,
Người
hay thí chúng Tăng,
Được
phước không thể kể,
Bậc
tối thắng đã nói.
Khi Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, quỳ lạy Phật rồi lui ra.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề, cũng tại thành Vương Xá, bên cạnh núi Kỳ-xà-quật, làm riêng một thất lợp lá để tự thiền tư. Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề thân bị khổ hoạn rất trầm trọng, liền nghĩ rằng: 'Các thống khổ của ta đây sanh ra từ đây, từ đâu diệt, rồi đi về đâu?'
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề liền ở ngoài trời trải tọa cụ, chánh thân chánh ý, chuyên chú nhất tâm, ngồi kiết-già, suy nghĩ các nhập, dục hại thống khổ.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân, biết ý nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, liền dùng kệ sai Ba-giá-tuần rằng:
Thiện
nghiệp, thoát trói buộc,
Ở
tại núi Linh Thứu,
Nay
bị bịnh rất nặng,
Vui
không, các căn định.
Mau
đến thăm hỏi bịnh,
Săn
sóc tôn thượng nhân,
Sẽ
thâu được phước lớn,
Trồng
đức không gì hơn.
Ba-giá-tuần đáp:
- Xin vâng, Tôn giả.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân đem năm trăm Thiên nhân và Ba-giá-tuần; ví như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, liền biến mất khỏi cõi trời Ba mươi ba; hiện đến núi Linh Thứu, cách Tôn giả Tu-bồ-đề không xa, lại dùng kệ bảo Ba-giá-tuần rằng:
Nay
Ông biết Thiện Nghiệp,
Vui
Thiền định tam-muội,
Tiếng
nhu hòa thanh tịnh,
Nay
khiến từ thiền dậy.
Ba-giá-tuần đáp:
- Xin vâng!
Bấy giờ Ba-giá-tuần nghe lời Thích-đề-hoàn- nhân, liền đem đàn lưu ly đến trước Tu-bồ-đề, rồi dùng kệ này khen Tu-bồ-đề rằng:
Kiết
tận trọn vô dư,
Các
niệm không lầm lẫn,
Các
trần cấu đếu dứt,
Nguyện
mau từ Thiền tỉnh.
Tâm
dừng, qua sông hữu,
Hàng
ma độc các kiết,
Công
đức như biển lớn,
Nguyện
mau từ Định khởi.
Mắt
sạch như hoa sen,
Các
uế trọn chẳng vướng,
Vô
quy cùng tác quy,
Không
Định, hãy mau dậy.
Vượt
bốn dòng vô vi.
Khéo
giải không giả bệnh,
Để
thoát nạn hữu vi,
Cúi
mong giờ Định tính (giác).
Năm
trăm trời ở trên,
Thích
chủ cũng thân đến,
Muốn
hầu Thánh tôn nhan,
Giải
không! Hãy mau dậy!
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề liền từ tòa đứng dậy, rồi khen Ba-giá-tuần rằng:
- Lành thay! Ba-tuần! Nay tiếng Ông cùng tiếng đàn hòa, đàn cùng tiếng hòa, không khác. Mà tiếng đàn không rời tiếng ca, tiếng ca không rời tiếng đàn, hai việc hợp với nhau mới thành tiếng hay.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân liền đến chỗ Tôn giả Tu-bồ-đề, quỳ lạy rồi ngồi một bên. Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bạch Tu-bồ-đề:
- Ngài Thiện Nghiệp bị bịnh khổ có tăng giảm không? Nay thân này bịnh từ đây sanh, từ thân sanh chăng, ý sanh chăng?
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề bảo Thích-đế-hoàn-nhân rằng:
- Lành thay, Câu Dực! Pháp pháp tự sanh, pháp pháp tự diệt; pháp pháp cùng động, pháp pháp tự dừng. Ví như, này Câu Dực, có độc dược, lại có hại độc dược. Thiên Đế Thích! Đây cũng là thế, pháp pháp cùng loạn, pháp pháp tự dừng; pháp có thể sanh pháp, pháp đen dùng pháp trắng trị, pháp trắng dùng pháp đen trị. Thiên Đế Thích! Người bịnh tham dục dùng bất tịnh trị, người bịnh sân giận dùng tâm từ trị, người bịnh ngu si dùng trí tuệ trị. Như thế, này Thích-đế-hoàn-nhân, tất cả pháp có đều quy về không, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không sĩ, không phu, không hình, không tượng, không nam, không nữ. Ví như, này Thích-đế-hoàn-nhân! Gió làm gãy đại thị cành lá xác xơ, mưa đá làm hại mầm, hoa quả vừa tốt không nước bị héo, trời giáng mưa xuống nẩy mầm được tồn tại. Như thế, Thiên Đế Thích! Pháp pháp cùng loạn, pháp pháp tự định. Ta vốn bịnh hoạn đau khổ não. Hôm nay đã trừ không còn hoạn khổ nữa.
Bấy giờ Thích-đế-hoàn-nhân bạch Tu-bồ-đề rằng:
- Tôi cũng có sầu, lo, khổ, não. Nay nghe pháp này không còn sầu, lo nữa. Các việc bận rộn, muốn trở về Trời, việc mình cũng có và các việc Trời đều rất nhiều.
Tôn giả Tu-bồ-đề nói:
- Nay chính là lúc nên đi.
Bấy giờ Thích-đế-hoàn-nhân liền từ chỗ ngồi đứng lên, quỳ lạy Tôn giả Tu-bồ-đề, nhiễu ba vòng rồi đi.
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề liền nói kệ:
Năng
nhân nói lời này,
Căn
bản đều đầy đủ,
Người
trí được an ổn,
Nghe
pháp dứt các bịnh.
Bấy giờ Thích-đế-hoàn-nhân nghe Tôn giả Tu-bồ-đề nói xong, vui vẻ vâng làm.
Diều-đạt
và hai kinh,
Da
và Lợi-sư-la
Trúc-bác,
Tôn-đà-lợi
Thiện
Nghiệp, Thích-đế-hoàn
--------------------------------------------------------------------------------
XIV. Phẩm Ngũ giới
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Này các Tỳ-kheo! Nếu có người ý thích sát sanh liền đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu sanh trong loài Người thọ mạng rất ngắn. Vì sao thế? Vì đoạn dứt mạng kẻ khác vậy. Thế nên, hãy học chớ sát sanh. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành rồi, đã thực hành nhiều rồi được hưởng phước, trong loài Người, hưởng phước trên Trời, được chứng Niết-bàn như là chẳng sát sanh.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người chẳng hành sát sanh, cũng không nghĩ giết, thọ mạng rất dài. Vì sao thế? Vì họ không nhiễu loạn vậy. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên học chẳng sát sanh. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã được thực hành, thực hành nhiều rồi lại thành hạnh địa ngục, hạnh ngạ quỷ, hạnh súc sanh, nếu sanh trong loài Người rất là nghèo túng, áo không đủ che thân, cơm chẳng đầy miệng như là việc ăn trộm.
Này các Tỳ-kheo! Nếu có người ý thích trộm cắp lấy tài vật của người khác, liền đọa trong ngạ quỷ, súc sanh; nếu sanh trong loài Người rất là nghèo túng. Vì sao thế? Vì đoạn dứt nghiệp sống của người khác. Thế nên này các Tỳ-kheo, hãy học đừng lấy của chẳng cho. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã được thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, được chứng Niết-bàn, như là bố thí rộng rãi.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người rộng hành bố thí, ở đời hiện tại được sắc đẹp được sức lực, được đầy đủ, trên Trời, trong loài Người hưởng phước vô lượng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên hành bố thí, chớ có tâm keo kiệt. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành rồi, đã thực hành nhiều rồi thành hạnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu sanh trong loài Người ở nhà gian dâm không có tịnh hạnh, bị người chê bai, thường bị phỉ báng. Thế nào là một pháp? Đó là tà dâm.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người dâm dật vô độ, thích xâm phạm vợ người, liền đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nếu sanh trong loài Người, khuê môn dâm loạn. Thế nên các Tỳ-kheo thường nên chính ý, chớ khởi nghĩ dâm, cẩn thận chớ dâm người khác. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi, hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn, như là không tà dâm, thân thể thơm sạch cũng không có ý tưởng tà vạy.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người tinh khiết không dâm liền hưởng phước trong loài Người, trên Trời. Thế nên các Tỳ-kheo, chớ hành tà dâm làm hưng khởi ý dâm. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi thành hạnh địa ngục, hạnh ngạ quỷ, hạnh súc sanh, nếu sanh trong loài Người thì hơi miệng hôi thối, làm người chán ghét, như là vọng ngữ. Này các Tỳ-kheo, nếu có người nói dối, nói thêu dệt, cãi lẫy thị phi, liền đọa trong súc sanh, ngạ quỷ. Vì sao thế? Vì nói dối vậy. Thế nên hãy chí thành, không được vọng ngữ. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Đó là không nói dối. Các Tỳ-kheo, người không vọng ngữ hơi miệng thơm tho, tiếng tăm vang xa. Thế nên các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi chịu tội súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu sanh trong loài Người thì cuồng, ngu si, hoặc, chẳng biết chân, ngụy như là uống rượu. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tâm thích uống rượu, chỗ sanh ra không có trí tuệ, thường chịu ngu si. Như thế, này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ uống rượu. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào hơn pháp này: đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Đó là không uống rượu. Này các Tỳ-kheo, nếu có người chẳng uống rượu, sanh ra liền thông minh không có ngu dốt, biết rộng nhớ nhiều, ý không nhầm lẫn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Kinh
Địa ngục thứ năm,
Đây
gọi hạnh bất thiện,
Còn
năm, Trời và Người,
Khiến
biết số thứ tự.
--------------------------------------------------------------------------------
XV. Phẩm Hữu vô
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên biết có hai kiến (chấp) này. Thế nào là hai? Nghĩa là hữu kiến và vô kiến. Có các Sa-môn, Bà-la-môn đối với hai kiến này đã học tập, đã tụng đọc, trọn không theo pháp, như thực chẳng biết. Đây chẳng phải là Sa-môn, Bà-la-môn. Ở trong Sa-môn thì phạm pháp Sa-môn, ở trong Bà-la-môn thì phạm pháp Bà-la-môn. Sa-môn, Bà-la-môn này trọn chẳng do thân tác chứng mà tự du hí.
Có các Sa-môn, Bà-la-môn đối với hai kiến này tụng đọc, nghĩ nhớ biết xả bỏ, như thực mà biết. Đây là Sa-môn biết giữ hạnh Sa-môn, Bà-la-môn biết giữ hạnh Bà-la-môn, tự thân thụ chứng, để tự du hí; sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Thế nên, các Tỳ-kheo, đối với hai kiến này, chẳng nên học hành, chẳng nên đọc tụng, nên lìa bỏ hẳn. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai kiến này. Thế nào là hai kiến? Đó là hữu kiến và vô kiến. Thế nào là hữu kiến? Nghĩa là dục hữu kiến, sắc hữu kiến, vô sắc hữu kiến. Thế nào là dục hữu kiến? Nghĩa là ngũ dục. Thế nào là ngũ dục? Nghĩa là mắt thấy sắc rất yêu thích nghĩ nhớ. Người đời tôn thờ chưa từng xa lìa, như tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm, ý rõ các pháp. Đó là hữu kiến.
Thế nào gọi là vô kiến? Nghĩa là thấy hữu thường và thấy vô thường. Có cái thấy đoạn diệt và thấy không đoạn diệt, thấy hữu biên, thấy vô biên; thấy có thân, thấy không thân; thấy có mạng, thấy không mạng; thấy thân khác, thấy mạng khác. Sáu mươi hai kiến (chấp) này gọi là vô kiến, cũng chẳng phải là chân kiến. Đó gọi là vô kiến.
Thế nên, các Tỳ-kheo, nên bỏ hai kiến này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai sự bố thí này. Thế nào là hai? Đó là pháp thí và tài thí. Này các Tỳ-kheo! Bố thí hơn hết không gì qua pháp thí. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên thường học pháp thí. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai nghiệp. Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp và có tài nghiệp. Nghiệp trên hết không gì qua pháp nghiệp. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên học pháp nghiệp, chớ học tài nghiệp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai ơn này. Thế nào là hai? Đó là ơn pháp và ơn tài. Hơn hết trong các ơn, không gì qua ơn pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành ơn pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Người ngu si có hai thứ tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người ngu đối với việc không đáng làm mà làm, việc làm sắp xong thì chán bỏ. Đó là, này các Tỳ-kheo, người ngu có hai tướng mạo này.
Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có hai tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người trí đối với việc không đáng làm thì không làm, việc làm gần xong không chán bỏ.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, hai tướng mạo của người ngu phải nên xa lìa. Nên nhớ tu hành hai tướng mạo của người trí. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp này, trong tự suy xét chuyên chú một lòng cũng như lễ Như Lai. Thế nào là hai pháp? Đó là trí tuệ và diệt tận.
Như thế Tỳ-kheo đối với hai pháp này trong tự suy xét, chuyên chú một lòng cũng như lễ Như Lai. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp này, trong tự suy xét, chuyên chú một lòng cũng như lễ Pháp bảo hay thần miếu của Như Lai. Thế nào là hai pháp? Có lực, có vô úy. Như thế, Tỳ-kheo đối hai pháp này trong tự suy xét, chuyên chú một lòng như lễ Pháp bảo và thần miếu của Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp này, trong tự suy xét, chuyên chú một lòng như lễ chùa của Như Lai. Thế nào là hai pháp? Như Lai cùng người thế gian không có ai bằng. Như Lai có đại từ, đại bi, thương xót nhớ nghĩ mười phương. Như thế, Tỳ-kheo đối hai pháp này, trong tự suy xét, chuyên chú một lòng như lễ chùa của Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Thế nào là hai? Nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về chỉ, quán trong lòng. Như thế, Tỳ-kheo đối hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Nhị
kiến và nhị thí,
Người
ngu có hai tướng.
Lễ
pháp, miếu Như Lai,
Chánh
kiến ở sau cùng.
*
XVI. Phẩm Hỏa diệt
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả Nam-đà ở trong vườn Tượng Hoa, lúc đó Tôn giả Nan-đà ở chỗ vắng vẻ liền nghĩ rằng:
- Như Lai ra đời rất khó gặp, ức kiếp mới xuất hiện, thật không thể thấy Như Lai trải qua một thời gian lâu xa mới xuất hiện; như hoa Ưu-đàm-bát xuất hiện, đây cũng như thế. Như Lai ra đời rất khó gặp, ức kiếp mới xuất hiện thật không thể thấy. Nơi này cũng khó gặp; tất cả hành thảy đều dứt hẳn, ái sạch không sót, cũng không ô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn.
Bấy giờ có một Thiên tử Ma hạnh, biết được tâm tư của Tôn giả Nan-đà, liền đến chỗ Tôn-đà-lợi, con gái họ Thích; bay trên không, dùng bài tụng này tán thán:
Nay
Cô hãy vui vẻ,
Mặc
đẹp, trổi ngũ nhạc,
Nan-đà
bỏ pháp phục,
Tương
lai cùng vui thú.
Bấy giờ cô gái họ Thích Tôn-đà-lợi nghe Thiên tử nói xong, hoan hỷ nhảy nhót không dừng được, liền tự trang điểm, dọn dẹp nhà cửa, trải tọa cụ tốt, thổi kỹ nhạc như lúc Nan-đà còn ở nhà không khác.
Bấy giờ vui Ba-tư-nặc đang nhóm tại giảng đường Phổ Hội, nghe Tỳ-kheo Nan-đà trả lại pháp phục, học tập nghiệp nhà. Vì sao thế? Vì có vị Trời ở trên hư không bảo người vợ như thế. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe lời này xong lo buồn liền cỡi voi trắng đi đến vườn kia. Đến nơi, vào trong hồ Hoa Tượng, trông thấy Tôn giả Nan-đà từ xa, liền đến chỗ Nan-đà quỳ lạy rồi ngồi một bên.
Bấy giờ Tôn giả Nan-đà bảo vua Ba-tư-nặc rằng:
- Vì sao Ngài lại đến đây, mặt mày biến sắc, có việc gì mà đến chỗ tôi?
Vua Ba-tư-nặc đáp:
- Tôn giả nên biết, tôi ở giảng đường Phổ Tập, nghe Tôn giả bỏ pháp phục, sống lại đời bạch y. Nghe lời này, xong, nên mới đến đây. Chẳng rõ Tôn giả chỉ dạy thế nào?
Lúc này Tôn giả Nan-đà cười nụ rồi chậm rãi bảo vua:
- Không thấy, không nghe, này Đại vương, tại sao lại nói như thế? Đại vương, há không nghe Như Lai nói tôi đã trừ các kiết, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa, như thật mà biết; nay thành A-la-hán, tâm được giải thoát sao?
Vua Ba-tư-nặc nói:
- Tôi chẳng nghe Như Lai nói Tỳ-kheo Nan-đà sanh tử đã dứt, đắc A-la-hán, tâm được giải thoát. Vì sao thế? Có vị Trời đến bảo con gái họ Thích Tôn-đà-lợi như thế. Bấy giờ, phu nhân Tôn-đà-lợi nghe lời này rồi, liền xướng kỹ nhạc, sửa sang phục sức, trải các tọa cụ. Tôi nghe vậy, liền đến chỗ Tôn giả.
Nan-đà bảo vua:
- Vua chẳng biết, chẳng nghe, cớ sao lại nói thế? Có các Sa-môn, Bà-la-môn lúc nào cũng vui cái vui ngưng dứt, vui thiện thệ, vui Sa-môn, vui Niết-bàn này chẳng ai đã tự xem dâm như hầm lửa mà còn đến đó. Việc này không đúng. Xương như vòng khóa, thịt như đống đá, như dao bôi mật, ngồi tham chút lợi nhỏ, chẳng lo cái hoạn về sau, cũng như trái nhiều thì cành gãy, cũng như mắc nợ không lâu phải trả, giống như rừng cây kiếm, cũng như thuốc độc hại, cũng như lá độc, như hoa trái độc. Tôi quán dâm dục này cũng lại như thế, mà còn có ý nhiễm trước thì việc này không đúng. Từ hầm lửa dục cho đến trái độc, nếu không quán việc này mà muốn qua được dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu, và muốn vào cõi Vô dư Niết-bàn để Bát-niết-bàn. Việc này không đúng.
Đại vương nên biết! Có các Sa-môn, Bà-la-môn quán sát: Đây là cái vui ngưng dứt, vui thiện thệ, vui Sa-môn, vui Niết-bàn. Việc này ắt đúng. Người ấy quán sát như thế này: hiểu rõ hầm lửa dâm giống như khối xương, đống thịt, dao bén bôi mật, trái nhiều cành gãy, mắc nợ; cũng như cây kiếm, cây độc, như thuốc độc hại, thảy đều quán biết rõ. Đây là điều có được. Đã hiểu biết rõ chỗ nổi lên của lửa dâm, liền có thể qua được dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu. Việc này ắt đúng.
Thế nào, Đại vương, lấy gì thấy, lấy gì biết mà nói thế? Nay tôi, này Đại vương, đã thành A-la-hán, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn vào thai mẹ nữa, tâm được giải thoát.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc trong lòng vui vẻ, tâm lành nảy sinh, bạch Tôn giả Nan-đà rằng:
- Nay tôi không còn hồ nghi chút nào nữa, biết Tôn giả đã thành A-la-hán. Nay xin phép cáo từ, vì việc nước bộn bề.
Tôn giả Nan-đà đáp:
- Nên biết phải lúc.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy rồi lui đi. Vua Ba-tư-nặc đi chưa bao lâu, thì Thiên ma kia đến chỗ Tôn giả Nan-đà, đứng giữa hư không, lại dùng kệ này nói với Tôn giả Nan-đà:
Mặt
phu nhân như trăng,
Thân
vàng bạc ngọc ngà,
Nhớ
dáng và nét mặt,
Ngũ
nhạc thường tự vui,
Gãy
đàn, đánh trống ca,
Âm
thanh rất mềm mại,
Hay
trừ các sầu lo,
Sao
vui trong rừng này.
Bấy giờ Tôn giả Nan-đà liền nghĩ rằng:
- Đây là Thiên nhân Ma hạnh.
Hiểu biết vậy rồi, ngài dùng kệ đáp:
Ta
xưa có tâm này,
Dâm
dục không biết chán,
Bị
dục cột vào trong,
Chẳng
biết già, bịnh, chết.
Ta
qua vực ái dục,
Không
dơ, không đắm nhiễm,
Vinh
hoa thảy là khổ,
Riêng
vui pháp chân như.
Nay
ta không các kiết,
Dâm,
nộ, si đều dứt,
Không
còn tập pháp này,
Người
ngu nên giác tri.
Bấy giờ, Thiên nhân Ma hạnh kia nghe lời này liền ôm sầu lo, rồi ở đó biến mất.
Lúc đó, nhiều Tỳ-kheo đem chuyện này bạch lại đầy đủ với Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo đoan chính không ai hơn Tỳ-kheo Nan-đà; các căn đạm bạc cũng là Tỳ-kheo Nan-đà; không có tâm dục cũng là Tỳ-kheo Nan-đà; không có sân giận cũng là Tỳ-kheo Nan-đà; không có ngu si cũng là Tỳ-kheo Nan-đà; thành A-la-hán cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Vì sao như thế? Tỳ-kheo Nan-đà đoan chánh, các căn tịch tĩnh.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Đệ tử đoan chánh trong hàng Thanh văn của Ta là Tỳ-kheo Nan-đà, các căn tịch tĩnh cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng theo.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp về Niết-bàn này. Thế nào là hai? Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết-bàn.
Kia tại sao gọi là Hữu dư Niết-bàn? Ở đây, Tỳ-kheo diệt Năm hạ phần kiết sử, tức người đó nhập Niết-bàn, không trở lại cõi này. Đó gọi là Hữu dư Niết-bàn.
Kia tại sao gọi là Vô dư Niết-bàn? Nghĩa là Tỳ-kheo dứt hết hữu lậu thành vô lậu, ý giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân tác chứng mà tự du hý, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân nữa, như thật mà biết. Đó là Vô dư Niết-bàn.
Trong hai Niết-bàn này, nên tìm phương tiện đến Vô dư Niết-bàn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói thí dụ về quạ, cũng sẽ nói thí dụ về heo. Hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo rằng:
- Kia tại sao gọi là người ví như quạ? Ví như có người ở chỗ tịch tĩnh, hằng tập dâm dục làm các hạnh ác; sau bèn xấu hổ, rồi tự hối lỗi, và trình bày rõ việc mình làm cho người nghe. Vì sao như thế? Hoặc bị các người Phạm hạnh thấy chỉ trích. Người này quen thói dâm dục, làm các hạnh ác. Người ấy làm các hạnh ác rồi, hối lỗi với người, tự biết xấu hổ. Giống như con quạ hằng chịu đói khổ, ăn đồ dơ dáy rồi chùi mỏ sợ có chim khác thấy, nói rằng con quạ này ăn đồ bẩn thỉu. Đây cũng như thế, nếu có một người ở chỗ vắng vẻ, tập dâm dục, làm hạnh chẳng lành, sau lại xấu hổ mà tự hối lỗi, trình bày với người việc mình làm. Sở dĩ như thế, hoặc bị các người Phạm hạnh trông thấy nhớ biết người này tập dục, làm các hạnh ác. Đó gọi là người giống như quạ.
Kia sao gọi là người như heo?
Nếu có một người ở chỗ vắng vẻ, tập mãi dâm dục, làm các hạnh ác, cũng chẳng xấu hổ, lại không hối lỗi, đối với người tự khen mình, cống cao tự dụng: "Tôi có thể được ngũ dục tự vui thú, mấy người này không có thể được ngũ dục". Người ấy làm ác rồi không xấu hổ. Người này ví như heo, hằng ăn đồ dơ bẩn, nằm chỗ bất tịnh, rồi lại lăng xăng đối với các heo khác. Đây cũng như thế, nếu có người tập thói dâm dục, làm các hạnh ác, cũng chẳng xấu hổ, lại chẳng hối lỗi, đối với người tự khen mình, cống cao, tự cho là: "Ta có thể được ngũ dục để vui thú, các người này không thể được ngũ dục để vui thú". Đây gọi là người như heo. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy nên xa lìa. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hôm nay Ta sẽ nói về: Có người giống lừa, có người giống trâu. Lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ đó!
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Kia sao gọi là người giống lừa?
Nếu có một người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Bấy giờ người kia các căn bất định. Nếu mắt thấy sắc theo đó khởi tưởng về sắc, theo đuổi vạn mối lúc đó nhãn căn không trong sạch, sanh các loạn tưởng, không thể gìn giữ, các ác đến đủ khắp; cũng lại chẳng thể hộ trì nhãn căn; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm, ý biết pháp, theo đó khởi thức bịnh, rong ruổi vạn mối. Bấy giờ ý căn không thanh tịnh, sanh các loạn tưởng, chẳng thể gìn giữ, các ác đến đủ, cũng lại chẳng thể hộ trì ý căn, không có oai nghi lễ tiết cần thiết; bước đi, tiến dừng, co duỗi, cúi ngước, cầm giữ y bát đều trái giới cấm, liền bị người có Phạm hạnh trông thấy chỉ trích. "Chao ôi! Người ngu này tựa như Sa-môn" rồi chịu sự chê trách: "Nếu là Sa-môn đáng ra không nên như thế". Người ấy nói rằng: "Tôi cũng là Tỳ-kheo! Tôi cũng là Tỳ-kheo!" Ví như con lừa vào trong bầy trâu rồi tự xưng rằng: "Tôi cũng là trâu, tôi cũng là trâu", nhưng xem hai lỗ tai lại chẳng giống trâu, sừng cũng không giống, đuôi cũng chẳng giống, âm thanh cũng khác. Bấy giờ bầy trâu hoặc lấy sừng húc, hoặc lấy chân đá hoặc lấy miệng cắn. Nay Tỳ-kheo này cũng lại như thế, các căn bất định, nếu mắt thấy sắc, theo khởi tưởng sắc, rong ruổi muôn mối; bấy giờ nhãn căn chẳng thanh tịnh, sanh các loạn tưởng, chẳng thể gìn giữ, các ác đến đủ, cũng lại chẳng thể hộ trì về nhãn căn, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý biết pháp, theo đó khởi thức bịnh, rong ruổi muôn mối. Bấy giờ ý căn chẳng thanh tịnh, sanh các loạn tưởng, chẳng thể gìn giữ, các ác đủ cả; cũng lại chẳng thể hộ trì ý căn; không có oai nghi lễ tiết đáng làm; đi bước, tiến dừng, co duỗi, cúi ngước, cầm giữ y bát, đều trái cấm giới, liền bị người có Phạm hạnh trông thấy chỉ trích: "Ôi! Người ngu này tựa như Sa-môn" rồi bị nêu lỗi: "Nếu là Sa-môn, đáng ra không nên như thế!". Người ấy nói rằng: "Tôi là Sa-môn", giống như con lừa vào trong bầy trâu. Đó là người giống lừa.
Người kia tại sao giống trâu?
Nếu có một người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Bấy giờ người kia các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết chế, suốt ngày kinh hành chưa hề rời xa, ý nghĩ pháp Ba mươi bảy đạo phẩm. Nếu mắt thấy sắc, chẳng khởi tưởng sắc, cũng không niệm rong ruổi. Bấy giờ, nhãn căn sẽ được thanh tịnh, sanh các tưởng lành, cũng hay gìn giữ không có các ác nữa, thường ủng hộ nhãn căn; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý biết pháp, chẳng khởi thức bịnh. Bấy giờ ý căn được thanh tịnh. Người kia liền biết đến chỗ các người Phạm hạnh. Các bậc Phạm hạnh từ xa trông thấy người ấy đến, ai nấy tự kêu lên: "Chào mừng, bạn đồng học!"
Rồi tùy thời cúng dường, không để thiếu thốn. Ví như trâu tốt vào trong bầy trâu tự xưng rằng: "Nay tôi là trâu", thì lông, đuôi, tai, sừng, âm thanh đều đúng là trâu. Các con trâu thấy rồi, mỗi con đến liếm thân. Đây cũng như thế, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Bấy giờ người kia, các căn thanh tịnh, uống ăn biết tiết độ, trọn ngày kinh hành chưa hề lìa bỏ, ý đạo trong pháp Ba mươi bảy đạo phẩm. Nếu mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc, cũng không niệm rong ruổi. Bấy giờ, nhãn căn được thanh tịnh, sanh các tưởng lành, cũng hay gìn giữ, không có các điều ác nữa, thường ủng hộ nhãn căn; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý biết pháp, chẳng khởi thức bịnh. Bấy giờ ý căn được đầy đủ. Đó là người giống trâu.
Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học như trâu, chớ giống như lừa. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói về hạnh thiện và bất thiện. Lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ đó!
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Thế Tôn dạy:
- Thế nào gọi là bất thiện? Thế nào gọi là thiện? Nghĩa là: sát sanh là bất thiện, không sát sanh là thiện; lấy của không cho là bất thiện, lấy của cho là thiện; dâm là bất thiện, không dâm là thiện; nói dối là bất thiện, không nói dối là thiện; nói thêu dệt là bất thiện, không nói thêu dệt là thiện; nói hai lưỡi là bất thiện, không nói hai lưỡi là thiện, đấu loạn kia đây là bất thiện, không đấu loạn kia đây là thiện; tham của người là bất thiện, không tham của người là thiện; tà kiến là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như thế, này các Tỳ-kheo, hành điều ác này xong, đọa trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu người làm lành liền sanh trong loài Người, lên Trời và trong các đường lành, A-tu-la. Thế nên, hãy xa lìa hạnh ác, tu tập hạnh lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta sẽ thuyết pháp vi diệu cho các Thầy; ban đầu lành, ở giữa lành và đến cuối cũng lành, có nghĩa, có ý vị, tu pháp Phạm hạnh được đầy đủ. Đó là hai pháp. Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói đầy đủ cho các Thầy.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Lúc này các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Thế nào là hai pháp? Nghĩa là tà kiến và chánh kiến; tà chí và chánh chí (tư duy); tà ngữ và chánh ngữ; tà nghiệp và chánh nghiệp; tà mạng và chánh mạng; tà phương tiện và chánh phương tiện (tinh tấn); tà niệm và chánh niệm; tà tam muội và chánh tam muội. Đó là, này các Tỳ-kheo, gọi là hai pháp. Nay Ta đã nói hai pháp này cho các Thầy. Như Lai điều đáng làm nay đã chu tất, khéo nhớ, quán, tụng chớ có lười mỏi. Nay các Thầy không hành, về sau hối chẳng kịp.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói về pháp "đuốc sáng", cũng sẽ nói nghiệp đuốc soi đường. Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tại sao gọi đó là đuốc sáng? Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si.
Tại sao gọi đó là nghiệp đuốc soi đường? Nghĩa là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh định, chánh tam muội. Đó là nghiệp đuốc soi đường. Ta vì các Thầy đã nói về đuốc soi sáng, cũng nói về nghiệp đuốc soi đường. Như Lai điều đáng làm nay đã chu tất. Hãy khéo nhớ tụng đọc, chớ có giải đãi. Nay chẳng hành, về sau hối không kịp.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh Đẳng Giác.
Lại nữa, nếu không có hai lực này, trọn chẳng ở xứ Ưu-lưu-tỳ khổ hạnh sáu năm, lại cũng không thể hàng phục ma oán, thành đạo Vô thượng Chánh Chân ngồi ở đạo tràng. Vì Ta có sức nhẫn, sức tư duy nên có thể hàng phục chúng ma, thành đạo Vô thượng Chánh Chân, ngồi tại đạo tràng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực và tư duy lực; liền thành đạo Tu-đà-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán, ở Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở nước Câu-thi-na-kiệt là nơi sanh của ngài. Lúc đó, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và năm trăm Thiên nhân cùng hai mươi tám Đại quỷ thần vương liền đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Đến xong cúi đầu lạy rồi đứng một bên, lại dùng kệ này khen A-na-luật:
Quy
mạng nhân trung thượng,
Được
mọi người kính thờ,
Nay
chúng tôi chẳng biết,
Đang
nương loại Thiền nào?
Bấy giờ có Phạm chí tên là Xà-bạt-trá là đệ tử của Phạm-ma-dụ, lại đến chỗ Tôn giả A-na-luật, quỳ lạy rồi ngồi một bên. Lúc đó Phạm chí kia hỏi Tôn giả A-na-luật rằng:
- Xưa tôi sanh tại Vương cung, chưa hề được nghe mùi thơm tự nhiên này, có người nào đến nơi đây? Hay là Thiên long, quỷ thần, nhân và phi nhân chăng?
Bấy giờ ngài A-na-luật đáp Phạm chí:
- Vừa rồi, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và năm trăm Thiên nhân cùng hai mươi tám Đại quỷ thần vương đi đến chỗ tôi, quỳ lại rồi đứng một bên, lại dùng kệ này mà khen tôi:
Quy
mạng nhân trung thượng,
Được
mọi người kính thờ,
Nay
chúng tôi chẳng biết,
Đang
nương loại Thiền nào?
Phạm chí hỏi rằng:
- Vì sao mà nay tôi không thấy hình bóng họ? Thích, Phạm, Tứ Thiên vương đang ở đâu?
Tôn giả A-na-luật đáp:
- Vì ông không có Thiên nhãn cho nên không thấy Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và năm trăm Thiên nhân cùng hai mươi tám Đại quỷ thần vương.
Phạm chí hỏi:
- Nếu tôi có được Thiên nhãn thì thấy được Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và hai mươi tám Đại quỷ thần vương này chăng?
Tôn giả A-na-luật đáp:
- Nếu có được Thiên nhãn thì có thể thấy được Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và hai mươi tám Đại quỷ thần vương. Nhưng mà này Phạm chí, thiên nhãn này đâu đủ cho là kỳ lạ; có Phạm thiên tên là Thiên Nhãn (ngàn mắt), ông ta thấy ngàn thế giới này như người có mắt tự xem mũ báu trong bàn tay mình. Vị Phạm thiên này cũng vậy, thấy ngàn thế giới này không có chướng ngại. Nhưng vị Phạm thiên này không tự thấy được phục sức trên thân mình.
Phạm chí hỏi:
- Vì cớ sao mà Phạm thiên có Thiên nhãn lại không tự thấy phục sức trên thân mình?
Tôm giả A-na-luật nói:
- Vì vị Trời kia không có mắt trí tuệ vô thượng, nên không tự thấy phục sức trên thân mình.
Phạm chí hỏi:
- Nếu tôi có được mắt trí tuệ vô thượng thì có thể thấy phục sức trên thân này không?
Tôn giả A-na-luật nói:
- Nếu có được con mắt trí tuệ vô thượng thì có thể thấy phục sức trên thân mình.
Phạm chí hỏi:
- Mong Tôn giả vì tôi nói pháp cực diệu, khiến tôi được con mắt trí tuệ vô thượng.
Tôn giả A-na-luật nói:
- Ông có giới không?
Phạm chí hỏi:
- Thế nào gọi là giới?
Tôn giả A-na-luật nói:
- Chẳng tạo các ác, chẳng phạm phi pháp.
Phạm chí đáp:
- Nếu giới là như thế, thì tôi kham phụng trì giới như thế.
Tôn giả A-na-luật nói:
- Phạm chí! Nay Ông nên giữ cấm giới không sơ sót mảy may, cũng nên trừ khử sự ràng buộc (kiết) của kiêu mạn, chớ chấp ngô ngã, sanh tưởng dính mắc.
Phạm chí lại hỏi ngài A-na-luật:
- Thế nào là ngô? Thế nào là ngã? Thế nào là kiêu mạn kết?
Tôn giả A-na-luật nói:
- Ngô là thần thức. Ngã là thân thể. Ở trong đó khởi thức sanh ngô ngã. Đó gọi là kiêu mạn kiết. Thế nên, Phạm chí, nên tìm phương tiện trừ các kiết này. Như vậy, Phạm chí, nên học điều này.
Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy ngài A-na-luật, nhiễu ba vòng mà đi. Chưa đến chỗ ở, giữa đường vị ấy suy nghĩ nghĩa này, các trần cấu dứt hết, được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ có vị Trời, khi xưa là bạn thân của Phạm chí này, biết được trong tâm Phạm chí, được trần cấu dứt hết, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Lúc đó vị Trời kia lại đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cúi lạy xong đứng một bên, liền đem bài kệ này khen ngài A-na-luật rằng:
Phạm
chí chưa đến nhà,
Giữa
đường được dấu đạo,
Bụi
dứt, mắt pháp sạch,
Không
nghi, không do dự.
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật lại dùng kệ bảo vị Trời rằng:
Tôi
trước quán tâm kia,
Khoảng
giữa ứng dấu đạo,
Kia
ở Phật Ca-diếp,
Từng
nghe dạy pháp này.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật rời khỏi nơi ấy, đi dạo trong nhân gian, dần dần đến chỗ Thế Tôn, ở nước Xá-vệ, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ Thế Tôn dạy đủ lời pháp cho A-na-luật. Tôn giả A-na-luật nhận lời Phật dạy rồi liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy và lui đi.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Đệ tử trong hàng Thanh văn của Ta, được Thiên nhãn đệ nhất là Tỳ-kheo A-na-luật.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng lãnh.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả La-vân (La-hầu-la) vâng tu cấm giới không hề xúc phạm, tội nhỏ còn tránh hà huống tội lớn; nhưng tâm hữu lậu không được giải thoát.
Bấy giờ các Tỳ-kheo liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
- Tỳ-kheo La-vân vâng tu cấm giới, không có xúc phạm, nhưng mà tâm hữu lậu không được giải thoát.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Đầy
đủ pháp cấm giới,
Các
căn cũng thành tựu,
Dần
dần sẽ đạt được,
Tất
cả kiết sử dứt.
Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên nghĩ nhớ tu tập Chánh pháp, không có sơ sót. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Nan-đà, Niết-bàn, quạ,Lừa, bất thiện có hai,
Đuốc, nhẫn, tư duy,
Phạm chí và La-vân.