- Lời Giớì Thiệu
- Lời Nói Đầu
- 1. Phẩm Phật Quốc
- 2. Phẩm Phương Tiện
- 3. Phẩm Đệ Tử
- 4. Phẩm Bồ Tát
- 5. Phẩm Văn Thù Sư Lợi
- 6. Phẩm Bất Tư Nghị
- 7. Phẩm Quán Chúng Sanh
- 8. Phẩm Phật Đạo
- 9. Phẩm Vào Pháp Môn Không Hai
- 10. Phẩm Phật Hương Tích
- 11. Phẩm Hạnh Bồ Tát
- 12. Phẩm Thấy Phật A Súc
- 13. Phẩm Pháp Cúng Dường
- 14. Phẩm Chúc Lụy
Phật Lịch 2514
KINH DUY-MA-CẬT
Đời Diêu Tần, ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La
Thập
vưng chiếu dịch ra chữ Trung Hoa
Dịch giả: Thích Huệ Hưng
Dương
Lịch 1970
XII PHẨM THẤY PHẬT A SÚC(1)
Bấy giờ Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng :
- Ông muốn thấy Như Lai thì lấy chi quán sát ?
Ông Duy Ma Cật thưa :
- Như con quán thật tướng của thân, quán Phật cũng
thế. Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại không ở;
không quán sắc, không quán sắc như, không quán sắc tánh; không quán thọ, tưởng,
hành, thức, không quán thức như, không quán thức tánh; không phải tứ đại sinh,
cũng như hư không; sáu nhập không tích tập, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm đã
vượt qua; không ở ba cõi đã lìa ba cấu(2); thuận ba môn giải thoát; có đủ ba
minh(3), cùng ngang vô minh, không một tướng, không khác tướng, không có tự
tướng, không có tha tướng, không phải không tướng, không phải chấp tướng; không
bờ bên này, không bờ bên kia, không giữa giòng mà hóa độ chúng sanh; quán tịch
diệt cũng không diệt hẳn; không đây, không kia, không nương nơi đây, không
nương nơi kia; không thể dùng trí mà hiểu được, không thể dùng thức mà biết
được; không tối không sáng; không danh không tướng; không mạnh không yếu; không
phải sạch, không phải nhơ; không ở phương sở, không lìa phương sở; không phải
hữu vi, không phải vô vi; không bày không nói; không bố thí, không bỏn sẻn;
không giữ giới, không phạm giới; không nhẫn, không giận; không tinh tấn, không
giải đãi; không định, không loạn; không trí không ngu; không thật không dối; không
đến không đi; không ra không vào; bặt đường nói năng; không phải phước điền(4),
không phải không phước điền; không phải xứng cúng dường(5), không phải không
xứng cúng dường; không phải thủ, không phải xả; không phải có tướng, không phải
không tướng; đồng với chơn tế(6), bình đẳng như pháp tánh; không thể cân, không
thể lường, quá các sự cân lường, không lớn không nhỏ; không phải thấy, không
phải nghe; không phải giác, không phải tri; lìa các kiết phược, bình đẳng các
trí, đồng với chúng sanh; đối các pháp không phân biệt; tất cả không tổn thất,
không trược không não, không tác không khởi, không sanh không diệt, không sợ
không lo, không mừng không chán, không đã có, không sẽ có, không hiện có, không
thể lấy tất cả lời nói phân biệt chỉ bày được, – Bạch Thế Tôn ! Thân Như Lai
như thế, con quán cũng thế, nếu ngươi nào quán theo đây gọi là chánh quán, quán
khác gọi là tà quán.
Lúc ấy ông Xá Lợi Phất hỏi ông Duy Ma Cật rằng
:
- Ông ở đâu chết rồi sinh nơi đây ?
Ông Duy Ma Cật nói :
- Pháp của Ngài chứng đặng có chết rồi sinh không
?
Ông Xá Lợi Phất nói :
- Không chết không sinh.
- Nếu các pháp không có tướng chết rồi sinh, tại sao Ngài lại hỏi : ông ở đâu chết rồi sinh nơi đây ? - Ý Ngài nghĩ sao ? Ví như hình nam nữ của nhà huyễn thuật hóa ra có chết rồi sinh không ?
Ông Xá Lợi Phất nói :
- Không có chết rồi sinh.
- Ngài không nghe Phật nói các pháp tướng như huyễn đó sao ?
- Có nghe thế.
- Nếu các pháp tướng như huyễn thời tại sao Ngài hỏi rằng : ông ở đâu chết rồi sinh nơi đây ? Ngài Xá Lợi Phất ! Chết là cái tướng hoại bại của pháp hư dối, sinh là tướng tương tục của pháp hư dối, Bồ Tát dù chết không dứt mất gốc lành, dầu sống không thêm các điều ác.
Bấy giờ Phật bảo ông Xá Lợi Phất :
- Có cõi nước tên là Diệu Hỷ, Phật hiệu là Vô Động,
ông Duy Ma Cật này ở nước đó chết rồi sinh nơi đây.
Ông Xá Lợi Phất thưa :
- Chưa từng có vậy, Bạch Thế Tôn ? Ngươi này chịu bỏ
cõi thanh tịnh mà thích đến chỗ nhiều oán hại !
Ông Duy Ma Cật nói với ông Xá Lợi Phất rằng
:
- Ý Ngài nghĩ sao ? Lúc ánh sáng mặt trời chiếu lên
có hiệp với tối không ?
- Không, ánh sáng mặt trời khi mọc lên thì không còn tối nữa.
Ông Duy Ma Cật hỏi:
- Mặt trời tại sao lại đi qua cõi Diêm Phù Đề ?
- Muốn đem ánh sáng soi chiếu sự tối tăm cho cõi Diêm Phũ Đề.
Ông Duy Ma Cật nói :
- Bồ Tát cũng thế, dù sanh cõi Phật bất tịnh cốt để
hóa độ chúng sanh, chớ không có chung hiệp với kẻ ngu tối, cốt dứt trừ phiền
não đen tối của chúng sanh mà thôi. Bấy giờ cả đại chúng khao khát ngưỡng mong
muốn thấy cõi nước Diệu Hỷ, đức Vô Động Như Lai và các hàng Bồ Tát, Thanh Văn
kia.
Phật biết tâm niệm của chúng hội liền bảo ông Duy
Ma Cật rằng :
- Xin hiện cõi nước Diệu Hỷ, đức Vô Động Như Lai và
các hàng Bồ Tát, Thanh Văn cho chúng hội xem, đại chúng ai cũng đang ngưỡng mộ.
Lúc ấy ông Duy Ma Cật tâm nghĩ rằng : “Ta sẽ không rời chỗ ngồi mà tiếp lấy cõi nước Diệu Hỷ, núi, sông, khe, hang, ao hồ, biển lớn, nguồn suối, các núi Thiết vi, Tu di, và nhựt nguyệt, tinh tú, các cung điện của Thiên, Long, quỉ thần, Phạm Thiên cùng các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, thành ấp, tụ lạc, trai gái lớn nhỏ, cho đến Vô Động Như Lai và cây Bồ Đề, hoa sen quí có thể làm Phật sự trong mười phương, ba đường thềm báu từ cõi Diêm Phù Đề đến cõi trời Đạo Lợi, do thềm báu này chư Thiên đi xuống để làm lễ cung kính đức Vô Động Như Lai và nghe thọ kinh pháp; người ở cõi Diêm Phù Đề cũng lên thềm báu đó mà đi lên cõi trời Đạo Lợi để ra mắt chư Thiên kia. Cõi nước Diệu Hỷ thành tựu công đức vô lượng như thế, trên đến trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến thủy tế, dùng tay bên hữu chấn lấy rất nhanh như cái bàn tròn của người thọ gốm, rối đem về cõi Ta bà này cũng như đặng cái tràng hoa, để đưa cho đại chúng xem”. Ông suy nghĩ như vậy rồi liền nhập tam muội (chánh định) hiện sức thần thông lấy tay bên hữu chấn lấy cõi nước Diệu Hỷ để vào cõi Ta bà này. Các Bồ Tát và chúng Thanh Văn cùng các Thiên, nhơn có thần thông đều cất tiếng thưa rằng :
- Dạ ! Bạch Thế Tôn ! Ai đem con đi, xin Thế Tôn cứu hộ cho.
Phật Bất Động nói :
- Không phải Ta làm, đó là thần lực của ông Duy Ma
Cật làm như thế.
Ngoài ra những người chưa có thần thông không hay không biết mình đi đâu. Cõi nước Diệu Hỷ dù vào cõi Ta bà này mà không thêm không bớt, còn cõi Ta bà này cũng không chật hẹp, vẫn y nguyên như trước.
Bấy giờ Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đại chúng rằng
:
- Các ông hãy xem cõi nước Diệu Hỷ, Phật Vô Động Như
Lai, nước đó trang nghiêm tốt đẹp, chúng Bồ Tát hạnh thanh tịnh, hàng đệ tử
toàn trong sạch.
Đại chúng thưa rằng :
- Dạ ! Đã thấy.
Phật bảo :
- Các Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh như
thế, cần phải học cái đạo của đức Vô Động Như Lai đã làm.
Khi hiện ra cõi nước Diệu Hỷ này, cõi Ta bà có 14
na-do-tha(7) người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều nguyện sanh
sang cõi nước Diệu Hỷ. Phật Thích Ca Mâu Ni liền thọ ký cho rằng :
- Sẽ đặng sanh sang nước đó.
Bấy giờ nước Diệu Hỷ ở nơi cõi Ta bà này làm những việc lợi ích xong, liền trở về bổn xứ, cả đại chúng đều thấy rõ.
Phật bảo ông Xá Lợi Phất :
- Ông có thấy cõi nước Diệu Hỷ và đức Phật Vô Động
đấy chăng ?
- Dạ, bạch đã thấy. Bạch Thế Tôn ! Nguyện tất cả
chúng sanh được cõi thanh tịnh như Đức Phật Vô Động và thần thông như ông Duy
Ma Cật.
Bạch Thế Tôn ! Chúng con được nhiều lợi lành, được
thấy người này (Duy Ma Cật) gần gũi cúng dường. Còn những chúng sanh hoặc hiện
tại đây, hoặc sau khi Phật diệt độ mà nghe kinh này cũng được lợi lành, huống
lại nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng giải nói, đúng như pháp tu hành. Nếu
có người tay cầm được kinh điển này thì đã được kho tàng Pháp bảo. Nếu có người
đọc tụng giải thích nghĩa lý kinh này, đúng như lời nói tu hành thời được chư
Phật hộ niệm. Nếu có ai cúng dường người như thế, tức là cúng dường chư Phật.
Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này, chính là trong nhà người đó có Như
Lai. Nếu người nghe kinh này mà tùy hỷ thời người đó sẽ được đến bực “Nhứt
thiết trí”. Nếu người tin hiểu kinh này cho đến một bài kệ bốn câu rồi giải nói
cho người khác nghe, phải biết người đó được thọ ký quả Vô Thượng Chánh Đẳng
Chánh Giác.
Chú thích của phẩm XII
1. A Súc Phật : Tàu dịch là Bất Động. Phật Bất Động nghĩa là Pháp thân chẳng sanh, chẳng diệt, không tới không lui. Như nói “Không” chẳng phải thuộc “ngoan không”, như nói “Có” cũng chẳng phải sắc tướng, ở nơi Chánh Giác chẳng tăng thêm, ở nơi vô minh cũng chẳng kém thiếu, vắng lặng thường còn, không hề động chuyển, nên gọi là “Bất Động”.
2. Ba cấu : Cũng gọi là ba độc : Tham, sân-si, phiền não nhiễm ô trong 3 cõi.
3. Ba môn giải thoát - Ba Minh : Đã giải nơi phẩm IV số 24 và phẩm II số 25.
4. Phước điền : Ruộng phước : Ruộng có nghĩa là sanh trưởng. Đối các bậc đáng cúng dường mà cúng dường cung kính, thì sẽ hưởng được nhiều phước báu, cũng như người nông phu cấy lúa nơi ruộng mẫu, sẽ đưọc cái lợi thu gặt ở mùa thu. Cho nên hai chữ Phước điền là chỉ cho các bậc đáng cúng dường làm chỗ cho chúng sanh gieo trồng quả phước.
5. Xưng cúng dường : Bực đầy đủ phước huệ, dứt hết mê lầm tội lỗi, xa khỏi tất cả khổ lụy, đáng thọ sự cúng dường của tất cả phàm thánh.
6. Chơn tế : Chân lý chắc thật, thể tánh của các pháp.
7. Na-do-tha : Tàu dịch là ức, tức là 100 vạn.