THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn)
Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008
Chương ba: Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
IV. Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
IV.1 Yếu Điểm Của Tọa Thiền
Yếu điểm của việc Tọa Thiền căn cứ theo “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký”.
IV.1.1 Tào Động Tông Là Tông Tọa Thiền
Tào Động Tông là Tông Tọa Thiền cho nên Tăng lữ, Đàn Tín Đồ và những ai mang tâm nguyện vào cửa Tào Động phải cung kính Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đấng Giáo Chủ và Lịch Đại Tổ Sư, và tin rằng từ Phật cho đến chư vị Tổ Sư có một sự truyền thừa liên tục, thuần nhất với Phật tâm (chơn tâm) và truyền thống, tiêu biểu là Cao Tổ Thiền Sư Đạo Nguyên và Thái Tổ Thiền Sư Oánh Sơn, cho nên phải vững tin và tuân thủ những lời giáo huấn và sống với Tông Chỉ, như Chỉ Quán Đả Tọa (chỉ chuyên tâm ngồi thiền), Tức Tâm Thị Phật (cung cách ngồi thiền và tâm sống động như Đức Phật đang sống). Trong “Tào Động Tông Tông Chế” phần “Tào Động Tông Tông Hiến” ghi thật rõ ràng: “Bổn Tông luôn tôn trọng Chánh pháp, do Phật Tổ truyền nhau; Pháp chỉ quán đả tọa, tức tâm thị Phật đương nhiên là sự truyền thừa và là Tông Chỉ”.
Bởi tọa thiền là Tông Chỉ của Tông Tào Động, cho nên căn bản sinh hoạt của Tông là hành thiền, thực tập tự giác như Phật, sống và sinh hoạt thực tiển như Đức Phật. Mỗi ngày ít nhất phải ngồi thiền 3 thời.
IV.1.2 Thiền Và Lịch Sử
Thiền, tiếng Sanskrit là Dhyana, tiếng Pàli là Jana, có từ thời Ấn Độ cổ đại, người Trung Hoa dịch là Thiền Na, gọi tắt là Thiền, nghĩa là tập trung tư tưởng vào một chỗ, tư duy thâm sâu và yên tĩnh quán tưởng. Tiếng Sanskrit còn gọi là Samadhi, dịch âm là Tam Muội, còn dịch là Định, chỉ cho trạng thái tâm an tĩnh, tâm đang an định. Trước đây chữ Định giống như chữ Thiền, về sau hợp chung lại gọi là Thiền Định.
Theo nghĩa đơn thuần chữ Hán, Thiền nghĩa là các vị Thần trên trời hay các vị Thần ở cửa sông hay Thần đất đai, khi cử hành tế lễ gọi là “Phong Thiền. Khi Thiên Tử truyền ban địa vị cho ai, gọi là “Thiền Nhượng”. Chữ “Thị Thiên” nghĩa là chỉ ra đơn lẽ, công bình. Theo Phật Giáo Thiền là tập trung tâm, suy nghĩ thâm sâu, an tịnh quán tưởng, ngoài ra không còn nghĩa khác, song ngày nay khi dùng chữ Thiền, cảm nhận như đã mất đi ý nghĩa nguyên thỉ rồi.
Tại Ấn, Thiền có trước thời Phật, là pháp môn tu của ông Uất Đầu Lam Phất (Udraka Ramaputra). Khi Đức Thích Tôn từ bỏ Pháp Minh Tưởng, pháp tu thời Ấn Độ cổ đại, vì nhận thấy có nhiều khuyết điểm ngay từ ban đầu của pháp môn ấy và khám phá ra một pháp môn mới chính là Thiền Phật Giáo.
Tổ Đạt Ma Đại Sư mang pháp môn Tọa Thiền truyền thống từ thời Phật truyền sang Trung Hoa trở thành Thiền của Ngài Đạt Ma Đại Sư, phát huy mạnh mẽ, đặc sắc. Về sau phát triển về phương Nam, được Lục Tổ Huệ Năng xiển dương đặc tính siêu việt của Thiền phù hợp với căn cơ trình độ mọi nguời và hình thành một phái riêng biệt gọi là Thiền Tông.
Trong lịch sử Trung Hoa, Thiền Tông phát triển càng ngày càng rộng lớn, tùy theo đời sống tu tập của từng vị Tổ quảng bá và lưu lại ảnh hình, về sau Thiền truyền sang Triều Tiên và các nước thuộc bán đảo Đông Dương (gồm Việt Nam và các nước khác). Thiền Tông Trung Hoa gọi là “Ngũ Gia Thất Tông”, bắt đầu hệ thống từ Thiền Sư Huệ Năng, đến Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất tại Giang Tây, Thiền Sư Thạch Đầu Hy Thiên ở Hồ Nam, tượng của Tổ Sư nầy được thờ tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Môn sinh của Thiền Sư Mã Tổ là Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư , đệ tử của Linh Hựu là Ngưỡng Sơn Huệ Hạc Thiền Sư thuộc Quy Ngưỡng Tông. Rồi Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền lập ra Lâm Tế Tông. Từ hệ mạch Thiền Sư Thạch Đầu, Thiền Sư Động Sơn Lương Giới cùng với Đệ Tử, Thiền Sư Tào Sơn Bổn Tịch lập ra Tào Động Tông. Thiền Sư Vân Môn Văn Yển thành Vân Môn Tông. Thiền Sư Pháp Nhãn Văn Ích hình thành Pháp Nhãn Tông, tất cả gọi là 5 nhà của Thiền Tông.
Về sau, Tông Lâm Tế chia hai: Thiền Sư Hoàng Long Huệ Nam và Thiền Sư Dương Kỳ Phương Hội trở thành Hoàng Long Phái và Dương Kỳ Phái, tất cả hợp lại thành Ngũ Gia Thất Tông.
Như trên đã trình bày, Thiền Sư Đạo Nguyên ở Nhật thuộc phái Hoàng Long, Thiền Lâm Tế của Thiền Sư Vinh Tây , đệ tử học đạo với Hòa Thượng Minh Toàn. Khi sang Trung Hoa chủ yếu tu học theo Thiền Lâm Tế. Nhưng về sau học theo Thiền Sư Như Tịnh , thuần túy chánh thống của pháp hệ Thiền Sư Động Sơn Lương Giới, cho nên từ đó Thiền Tào Động truyền sang Nhật Bản.
IV.1.3 Truyền Thống Của Tào Động Tông
Thiền Sư Đạo Nguyên chính là Thỉ Tổ của Tông Tào Động truyền thống ở Nhật Bản. Căn cứ theo biểu đồ của lịch sử Đại Tổ Sư , thứ tự như sau:
Bảy vị Phật trong quá khứ. Phật trong hiện tại là Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị Tổ truyền thừa:
1. Ma Ha Ca Diếp
2. A Nan Đà
3. Thương Na Hòa Tu
4. Ưu Ba Cúc Đa
5. Đề Đa Ca
6. Di Già Ca
7. Ba Tu Mật
8. Phật Đà Nan Đề
9. Phục Đà Mật Đa
10. Bà Phiếu Thấp Phược (Hiếp Tôn Giả)
11. Phú Na Dạ Xà
12. A Na Bồ Đề (Mã Minh)
13. Ca Tì Ma La
14. Na Già Phạt Lặc Thụ Na (Long Thọ)
15. Ca Na Đề Bà
16. La Hầu La Đa
17. Tăng Già Nan Đề
18. Già Da Xá Đa
19. Cưu Ma La Đa
20. Xà Dạ Đa
21. Bà Tu Bàn Đầu
22. Ma Noa La
23. Hạc Lặc Na
24. Sư Tử Bồ Đề
25. Bà Xá Tư Đa
26. Bất Như Mật Đa
27. Bát Nhã Đa La
28. Bồ Đề Đạt Ma, Sơ Tổ Trung Quốc (cho đến đây là những vị Tổ Sư người Ấn Độ)
29. Thái Tổ Huệ Khả
30. Giám Trí Tăng Xán
31. Đại Y Đạo Tín
32. Đại Mãn Hoằng Nhẫn
33. Đại Giám Huệ Năng
34. Thanh Nguyên Hành Tư
35. Thạch Đầu Hy Giá
36. Dược Sơn Duy Nghiêm
37. Vân Nham Đàm Thịnh
38. Động Sơn Lương Giới
39. Vân Cư Đạo Ưng
40. Đồng An Đạo Phủ
41. Đồng An Quán Chí
42. Lương Sơn Duyên Quán
43. Đại Dương Cảnh Huyền
44. Đầu Tử Nghĩa Thanh
45. Phù Dung Đạo Giai
46. Đan Hà Tử Thuần
47. Trường Lô Thanh Liễu
48. Thiên Đồng Tông Giác
49. Tuyết Đậu Trí Giám
50. Thiên Đồng Như Tịnh (cho đến đây là những Thiền Sư Trung Quốc)
51. Vĩnh Bình Đạo Nguyên
52. Cô Vân Hoài Tráng
53. Triệt Thông Nghĩa Giới
54. Oánh Sơn Thiệu Cẩn.
Tại đây chia hai:
Minh Phong Tố Triết (từ đây xuống dưới lượt bớt)
Nga Sơn Thiều Thạc (từ đây xuống dưới lượt bớt).
IV.1.4 Thiền Có Nghĩa Là Tọa Thiền
Khi Thiền Sư Đạo Nguyên từ Trung Hoa về lại Nhật, tiếng nói đầu tiên, được ghi trong sách “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi”, là tuyên bố: “Tọa Thiền là việc tốt đẹp“. Ngài cũng giảng về pháp môn tọa Thiền thích hợp từng cá nhân để “thân tâm tự nhiên thoát lạc và bổn lai diện mục hiện tiền”. Ngài còn dạy “Chỉ quán tham thiền biện đạo” là những đề tài khi Tọa Thiền chú tâm để thân tâm rốt ráo an định, thống nhất, điều hòa, nhất là dung hòa với trong thực tế chính mình. Cho nên tham thiền mới có thể tiến tu theo con đường Phật Đạo được.
Vả lại, Thiền Sư Đạo Nguyên nói rằng: “Tham thiền cũng chính là tọa thiền” vì Ngài chú trọng pháp môn hành trì Thiền Tọa hơn là nói về Thiền. Ngồi thể hiện bằng động tác như ngồi là rõ biết một cách đích xác về chính mình . Hơn nữa Thiền Sư Đạo Nguyên quan tâm ngồi của tọa Thiền, tham Thiền tức là Tọa Thiền còn Tham Thiền của Tông Lâm Tế, nhận lãnh công án từ Sư Gia, tham cứu một cách công phu và nhập thất độc tham.
IV.1.5 Chỉ Quán Đả Tọa Và Tức Tâm Thị Phật
Trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, phần “Tam Muội Vương Tam Muội” tham thiền được giải thích rằng: “Thân ngồi kiết già phu tọa, tâm cũng phải kiết già phu tọa, để cuối cùng thân tâm thoát lạc kiết già phu tọa”. Ngồi bằng thân thể, ngồi bằng tâm nghĩa là toàn thân và linh thức đều ngồi. “Ngày đêm chỉ quán phu tọa, lúc vào cũng Tam Muội Vương Tam Muội” nghĩa là ngày đêm lúc nào cũng Tọa Thiền, mà Tọa Thiền là chỉ quán đả tọa như thế thôi.
Phật dạy: “Ngồi thiền để thân tâm giải thoát và an lạc. Khi chỉ quán đả tọa thì không cần đốt hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, xem Kinh v.v...
Đôi khi, Thiền Sư Đạo Nguyên dùng ngôn ngữ của Thiền Sư Như Tịnh, bổn sư Ngài dẫn chứng khi thuyết giảng về Tọa Thiền như là tham thiền để thân tâm được giải thoát và an lạc, mà Chỉ Quán Đả Tọa có khả năng làm cho thân tâm giải thoát an lạc trước nhất, khi đó những pháp môn tu hành khác như thiêu hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, xem kinh v.v... không còn cần thiết nữa. Một khi thành tựu Thiền Chỉ Quán Đả Tọa, sẽ biết một cách rõ ràng “Tức Tâm Thị Phật” “tâm nầy là tâm Phật”.
Thế nhưng dù “Tức Tâm Thị Phật” nhưng không được gọi là Phật, cũng chẳng phải là linh hồn trường cửu bất diệt ngoài nhục thân nầy, bởi vì tâm còn bị phiền não nhiễm ô và tâm không ngoài tinh thần và vật chất của xác thịt nầy. Trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, phần “Tức Tâm Thị Phật” Thiền Sư Đạo Nguyên lý giải về sự hiểu lầm “Tức Tâm Thị Phật” như sau:
Trước tiên “tâm chẳng nhiễm ô là tâm Phật” nghĩa là tâm không bị phiền não nhiễm ô khuấy động chính là tâm Phật. Tiếp đến “tâm nầy chánh truyền, nhứt tâm nhứt thiết pháp; nhứt thiết pháp nhứt tâm”. Tâm nầy tồn tại ở tất cả mọi nơi và trong tất cả mọi nơi đều có tâm nầy có thể gọi Pháp, sự vật, sự tồn tại. Nhứt tâm và nhứt thiết pháp. Nhứt thiết pháp và nhứt tâm nghĩa là tất cả là một, nếu gọi bình thường là tinh thần, tâm, linh hồn, tâm linh, v.v... và các tác dụng tinh thần, tâm lý v.v.. ., không phải Tùng (từ) Tâm Thị Phật, mà là Tức Tâm Thị Phật, Ta và Đại Vũ Trụ, tâm và vật là một (nhất như), thân tâm nhứt thể như thế, đó là Tức Tâm Thị Phật.
Kế đến “Tức Tâm Thị Phật“ là phát tâm tu hành chứng đắc quả vị Bồ Đề giác ngộ, viên mãn con đường Niết Bàn của chư Phật”. Đạo lý Tức Tâm Thị Phật như thế, là sự thật tuyệt đối. Nói cách khác, không có tính cách nhất định về quan niệm, tất nhiên phát tâm rồi tu hành, khai, thị, ngộ, nhập rất cụ thể và thực tiển, biểu hiện hoàn toàn rất cụ thể trên thân tâm. Nếu chẳng phát tâm, chẳng tu hành, không khai ngộ, chắc chắn rằng sẽ không thể nghiệm “Tức Tâm Thị Phật”, không thể gọi là chư Phật được.
Như thế, “Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật, chính Ngài trở thành Tức Tâm Thị Phật. Chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và trong vị lai phải thành Phật như Đức Thích Ca Mâu Ni vậy, mới gọi là Tức Tâm Thị Phật”. Nói Chư Phật là bao gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều vị Phật khác, gọi chung là Thích Tôn, mà Thích Tôn là “Tức Tâm Thị Phật“, vượt qua khỏi giới hạn của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai, vượt qua ý niệm không gian, không còn lãnh vực Đông, Tây, Nam, Bắc. Tất cả chư Phật khi thành Phật trở thành Đức Thích Tôn, vị Phật “Tức Tâm Thị Phật”.
Như trước đã trình bày, phải thực hành Chỉ Quán Đả Tọa mới lãnh hội Thích Tôn, mới có thể nói rằng nối thẳng trực ngộ.
IV.1.6 Tọa Thiền Dụng Tâm Ký
Những điểm quan trọng của tác phẩm “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi”, do Thiền Sư Đạo Nguyên biên soạn như Tọa Thiền phải dụng tâm và tường thật tỉ mĩ v.v... đều ghi lại đầy đủ và trân trọng trong tác phẩm “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” của Thiền Sư Oánh Sơn, có thể nói rằng một tác phẩm giải thích, hướng dẫn phương pháp Tọa Thiền thông dụng, thực tế và hiếm thấy. Bởi mọi nguời biết tác phẩm “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi” hơn “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký”, cho nên “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” được giới thiệu và giải thích những điểm quan trọng việc Tọa Thiền, chánh truyền từ Phật đến Tổ đến hôm nay.
IV.1.7 Tọa Thiền Nghĩa Là Gì?
Tựa đề “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” giải thích từ văn chữ Hán như sau: “Tọa Thiền khai sáng tâm địa, làm cho con người trở nên chánh trực và an trụ vào tự thân, còn gọi là bổn lai diện mục, bổn địa phong quang và làm cho thân tâm được giải thoát an lạc”. Tọa Thiền làm cho tâm được sáng sủa và an trụ. Tâm sáng suốt rõ biết và tự chiếu linh nhiên, chỉ cho chơn tâm thanh tịnh sáng tỏ, vượt khỏi thị phi, thiện ác. Như người đi tìm quê hương khác, qua lại đó đây không cần thiết nữa, bây giờ chúng ta hãy về nhà ngồi yên và lưu trú lại lâu dài.
IV.1.8 Cách Dụng Tâm Thứ Nhất
Phát tâm chân thành, quyết tâm đoạn trừ vô minh (những sự mê vọng của mình), xem việc Tọa Thiền là quan trọng và cần thiết, bỏ hết mọi ngoại duyên, tinh tấn tọa Thiền, không còn gì khác hơn dụng tâm, quyết định và không còn do dự.
IV.1.8.1 Điều Tâm
Điều lưu ý là khi Tọa Thiền đầu tiên điều tâm, tiếp đến điều thân và cuối cùng điều hơi thở.
Trước tiên là Điều Tâm, nghĩa là bắt đầu điều chỉnh tâm mình khi Tọa Thiền. Quan trọng và cần thiết là buông xả không vướng mắc vào những vấn đề như: kỹ thuật, học nghệ, y học, ca múa, kỹ nhạc, tranh luận, luận nghị, danh dự, lợi hại v.v... ngay cả chẳng dính mắc vào văn chương, học thuật v.v...
IV.1.8.2 Điều Thân
Tiếp theo Điều Thân, không được dùng y phục áo quần sặc sỡ hay bẩn thiểu, phải mặc áo quần sạch sẽ. Ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ phải đầy đủ, nhưng không được ăn quá no, phải ăn vừa bụng (khoảng 8 phần 10) để dễ tiêu hóa, không ăn những món ăn không thích hợp với cơ thể, không ăn thức ăn ngon, không ăn thức cay nồng, mè, khoai v.v...
IV.1.8.3 Điều Tức (Điều Hòa Hơi Thở)
Cuối cùng điều hơi thở.
Tọa Thiền không được ngồi dựa lưng vào tường, hoặc ngồi trên ghế dựa, nơi gió nhiều, chỗ cao v.v... Điều hòa hơi thở cần thiết làm cho thân thể không nóng quá mà cũng không lạnh quá, không khí chung quanh không khô quá, không tốt cho thân thể, cảm thấy khó chịu, bực dọc, hôn trầm, rơi vào chỗ hoang tưởng, khiến thần kinh quá nhạy. Nếu khó thể điều hòa hơi thở, phải làm cho trung hòa lại. Để điều hòa hơi thở trở lại, thỉnh thoảng mở miệng ra, hơi thở dài cứ thở dài, hơi thở ngắn cứ thở ngắn, từ từ hơi thở sẽ quân bình.
Khi bịnh khó điều hơi thở được, có thể có cảm giác hôn trầm, không yên tỉnh, động đậy, khó chịu, có thể nhìn ra bên ngoài, hoặc nhìn vào bên trong thân thể của mình, hay ngắm Phật, Bồ Tát, hay thả hồn tư duy về sự tốt đẹp; hay tư duy ý nghĩa câu Kinh v.v... đại loại như thế, song không thể gọi là điều hòa hơi thở được.
Chỗ an tâm – Khi hơi thở không thể điều hòa được, hãy mang tâm mình lên để nơi hai chân thử xem. Khi tâm lắng xuống, mang lên để nơi giữa hai chân mày, như khi tâm tán loạn, tư duy mũi có thẳng với đan điền (lỗ rốn) không? Bình thường Tọa Thiền, phải để tâm mình phía bên trái. Tọa Thiền lâu không điều hòa hơi thở được, đừng lo lắng. Ngữ lục chư Tổ Sư dạy vì nhìn quá nhiều hay đọc sách quá nhiều tâm không an, thân tâm mệt mõi, nguyên nhân phát sinh ra bệnh.
IV.1.8.4 Ngoại Cảnh Chung Quanh Khi Ngồi Thiền
Lúc ngồi thiền, không nên ngồi những khi có nạn lửa cháy, nước lụt, gió bão, trộm cướp v.v...không nên ở những nơi gần biển, tửu quán, phòng dâm, đàn bà góa chồng, nơi đàn bà tụ họp, phường hát múa, những người quyền lực như Vua tôi, Đại Thần; những người tham danh lợi; những kẻ ham hý luận v.v... Không nên ngồi chỗ quá sáng, quá tối, quá lạnh, quá nóng v.v... Không nên gần gũi kẻ lãng du, kỹ nữ v.v... phải ở trong Tăng Đường, nơi có những Thiện Tri Thức, nơi thâm sơn u cốc, nơi trong sạch, thích hợp, thanh tịnh, không có gió, lửa, mưa, sương, vào mùa Đông phải ấm, mùa Hè phải mát.
Đạo tràng ngồi thiền phải lau chùi sạch sẽ, thường dâng cúng hoa hương lên Phật, Bồ Tát hay La Hán, khởi tâm từ bi, tưởng nhớ công đức của tất cả chúng sanh. Khi Tọa Thiền đã thành thục rồi, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không chi phối người ngồi Thiền, khi đó việc nơi chốn trở nên không cần thiết chọn lựa nữa.
IV.1.8.5 Nội Dung Của Việc Tọa Thiền
Thật sự, Tọa Thiền để khai mở tâm địa, an trụ vào bổn phận (chính mình) và đi vào cửa chánh của Phật Đạo, mà những điều đó liên hệ với tư tưởng của Phật Giáo.
Tọa Thiền và Giáo – Hạnh – Chứng:
Giáo là lý luận Phật Giáo. Hạnh là những điều thực tiển. Chứng là kết quả của Giáo và Hạnh. Tông Phái nào cũng phải nói về Giáo, Hạnh và Chứng nầy. Giáo là dạy phải bỏ những điều ác và tu những việc lành. Hạnh có nghĩa là phải nổ lực thực hiện. Còn Chứng là giác ngộ. Từ Giáo đến Hạnh rồi từ Hạnh đến Chứng luôn tiến hành như thế.
Thật là sai nếu suy nghĩ một cách nông cạn về Tọa Thiền chánh truyền. Thật ra, Giáo là những lời dạy chơn chánh của Phật Tổ. Hành là thực hành những điều thâm diệu của Phật Tổ và Chứng là chứng được “Tam Muội Vương Tam Muội”, “bản hữu đại giác”. Từ đây Giáo, Hạnh và Chứng được thành lập. Bên trong tư duy như thế, bên ngoài tinh tấn hành Thiền gọi là Tọa Thiền.
Tọa Thiền và Giới, Định, Huệ:
Giới là sinh hoạt có giới hạn. Định là tâm yên tỉnh và Huệ là thâm nhập và tư duy sâu xa về Giới và Định. Thực hành Giới sẽ được Định và thực hành Định sẽ có Huệ. Thế nhưng, việc chánh truyền của Tọa Thiền là nơi chốn ngồi thiền và thực hành Giới, Định và Huệ.
Giới còn có nghĩa là tâm địa vô tướng. Định có nghĩa là có tướng định khi nhập vào Đại Định. Huệ có nghĩa là tướng huệ - Đại Huệ. Theo ý nghĩa nầy, Tọa Thiền phải tu Giới, Định và Huệ vậy.
Như thế, ngoài Giáo, Hạnh và Chứng ra còn có Giới, Định và Huệ nữa. Đây chính là những điểm căn bản của tư tưởng Phật Giáo.
IV.1.9 Phương Pháp Ngồi Thiền Có Tính Cách Cụ Thể
Khi ngồi Thiền, theo nguyên tắc phải đắp y (Cà Sa), ngồi trên bồ đoàn (đường kính 38,19 cm, chu vi 119,97 cm) và 2 chân phải ngồi tréo với nhau và xương sống phải thẳng xuống chỗ ngồi.
Phương pháp ngồi gồm có Kiết-già phu tọa và Bán-già phu tọa. Bây giờ sẽ nói về Kiết-già phu tọa.
Đầu tiên lấy chân phải để lên bên trái, lấy chân trái để lên trên chân phải. Còn y phục thì nên mặc cho rộng một chút.
Tay phải để lên chân trái và tay trái để lên trên chân phải. Hai ngón tay cái của hai bàn tay đâu lại với nhau. Hai tay đặt ngang nơi vị trí của rốn mình.
Ngồi ngay thẳng, không được nghiêng bên trái, không được nghiêng bên phải, không được ngã phía trước và cũng không được ngã về phía sau. Tai, vai, mũi, lỗ rốn phải tương đối thẳng tắp.
Lưỡi đưa lên hàm trên, miệng ngậm lại, lấy hơi thở từ lỗ mũi. Môi và răng khít nhau. Mắt không được mở hoàn toàn, cũng không được nhắm hoàn toàn.
Hãy điều chỉnh dáng ngồi như thế, miệng có thể mở một đôi lần để cho không khí ra. Đoạn phía nửa thân hình bên trên dao động 7 hay 8 lần từ trái qua phải, từ ít đến nhiều. Rồi từ từ động tác ấy dừng lại và ngay ở điểm trung tâm là được.
Phương pháp chánh của Hành Thiền (Tọa Thiền) là “phi tư lượng”, nghĩa là phải lìa xa tất cả những phân biệt suy nghĩ, mà Theo Chỉ Quán Đả Tọa, tham thiền là một pháp môn đại an lạc, tu hành bất nhiễm ô vậy.
Nếu khi muốn xả Thiền, trước tiên phải đưa hai tay lên cao, rồi lại để lên đầu gối và dao động nửa thân trên bảy hay tám lần từ nhẹ đến mạnh, từ trái sang phải, mở miệng, thở ra và mở chân ra. Hai tay chống xuống mặt đất, từ từ đứng dậy, rồi bắt đầu đi chầm chậm.
IV.1.10 Khi Buồn Ngủ Thì Phải Làm Sao?
Tọa Thiền mà cảm thấy buồn ngủ, nên dao động thân thể, mở mắt ra và dán tâm vào giữa hai lông mày, lau mắt và xoa bóp thân thể, đi kinh hành một hơi thở nửa bước, rửa mặt làm cho đầu lạnh, đọc lời tựa của Bồ Tát Giới Kinh, tự thệ với mình v.v... cũng có nhiều phương pháp khác nữa có thể tự mình suy nghĩ lấy.
IV.1.11 Khi Tán Loạn Thì Phái Làm Sao?
Lúc tâm tán loạn, không kèm chế được, hãy dùng tâm ấy đặt thẳng nơi sống mũi và đan điền. Hoặc thở hơi ra và thử đếm số lần. Nếu không trị được, hãy dùng công phu để nghiên tầm công án. Thực hành như thế vẫn không được, dừng hít thở, dụi hai mắt và luyện tập công phu khác để xem sao?
IV.1.12 Cảnh Địa Của Việc Tọa Thiền
Thiền Sư Thạch Sương Khánh Chư , hành giả tu Thiền ở Trung Hoa, đời Đường chỉ rõ phải hướng về cảnh địa “Thất Khứ”. Thất Khứ được giải thích như sau:
Hưu Khứ: nghĩa là hãy dừng những suy nghĩ phân biệt có tính cách bình thường lại.
Hiết Khứ: phải buông hết, từ từ làm cho thân thể an lạc.
Lãnh Tưu Tưu Địa Khứ: tức là buông xả mọi việc, đừng giữ lại nữa, như nước ao lạnh xua tan nhiệt khí phiền não, không còn bị phiền não thiêu đốt nữa.
Nhứt Niệm Vạn Niên Khứ: thu về một hơi thở. Khi Tọa Thiền triệt để vượt ra khỏi thời gian.
Hàn Than Khô Mộc Khứ: không còn bị những sự vật cảnh tượng ảnh hưởng. Tâm sáng suốt khi ngồi thiền.
Cổ Miếu Hương Lô Khứ: nghĩa là đạt được cảnh giới Định (cổ miếu) và Huệ (hương lô).
Nhứt Điều Bạch Luyện Khứ: Trắng và đẹp như thớ gân và mềm như lụa trắng. Dù ở bất cứ nơi đâu, ánh sáng của việc Tọa Thiền vẫn làm cho tâm thuần khiết an lạc và thanh tịnh.
IV.2 Lời Dạy Của “Tu Chứng Nghĩa”
Đây là một quyển sách cần thiết của tín ngưỡng
IV.2.1 Tu Chứng Nghĩa
Với Tín Đồ của Tông Tào Động, “Tu Chứng Nghĩa“ là Tông Điển rất gần gũi thân thiết. Phần “Tào Động Tông Nghi Lễ Quy Trình” trong “Tào Động Tông Tông Chế” cho rằng: “Tu Chứng Nghĩa” là Tông Điển sử dụng hằng ngày trong cuộc sống. Vả lại, “Tào Động Tông Tông Hiến” quy định “Bổn Tông lấy bốn đại cương của Tu Chứng Nghĩa làm nguyên tắc, mà đại cương ấy thực hành giáo nghĩa thực tiển của Thiền Giới Nhứt Như và Diệu Đế tu chứng bất nhị”. Vả lại, “Tu Chứng Nghĩa” chỉ rõ giáo nghĩa của Tông Tào Động.
IV.2.2 Sự Hình Thành Của “Tu Chứng Nghĩa”
Năm Minh Trị (Meiji) thứ 20, để đơn giản hóa lời dạy của Thiền Sư Đạo Nguyên dành cho Tín Đồ tại gia, người ta trích trong tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” gồm 95 quyển ra những câu văn dễ hiểu rồi biên tập thành sách hướng dẫn, mà hầu hết những người Tín Đồ tại gia đó chính là những Tăng lữ của Tông Tào Động đã hoàn tục, có người hợp tác thành lập trường “Nhật Bản Manh Á Học Hiệu” (dạy cho những người mù và câm), có người là hiệu trưởng của Đại Học Đông Dương, có người xây dựng Tú Anh Xá (dùng làm chỗ in ấn, trong đó có Đại Nhật Bản Ấn Loát), Hồng Minh Xã (làm công việc xuất bản sách báo của Phật Giáo), có người đi làm công tác từ thiện, xã hội, giáo dục, hoặc những Phật sự do Đại Nội Thanh Loan Cư Sĩ chủ xướng và phát hành “Đổng Thượng Tại Gia Tu Chứng Nghĩa” do cư sĩ Thanh Loan, người bị sa thải ra khỏi giáo đoàn, soạn.
“Đổng Thượng Tại Gia Tu Chứng Nghĩa” được xem là tác phẩm tiêu chuẩn hoằng hóa của cư sĩ tại gia, song bị Thiền Sư Thác Cốc Triện Tông – Takiya Takushyu , Quản Thủ đại bổn sơn Vĩnh Bình Tự, và Thiền Sư Bạn Thượng Mai Tiên – Azegami Baisen , Quản Thủ đại bổn sơn Tổng Trì Tự kịch liệt phê bình nội dung đến nổi bị những cơ quan liên hệ phải thẩm bàn lại.
Thế nhưng, vào ngày mồng một, tháng 2 năm Minh Trị thứ 23, tác phẩm nầy được công bố không chỉ dành cho cư sĩ mà cho chư Tăng thuộc Tông nữa, thế nên được đổi là “Tào Động Giáo Hội Tu Chứng Nghĩa”. Hơn nữa, trong hiện tại chỉ gọi đơn thuần là “Tu Chứng Nghĩa”, đồng thời, còn chế ra các nghi lễ: Tang lễ, Chẩn tế Thí thực v.v... dành cho Tín Đồ, cho nên họ rất thích đọc tụng.
IV.2.3 Đại Ý
“Tu Chứng Nghĩa” được rút từ tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” 95 quyển, gồm có 24 quyển, có 3.704 chữ, chia thành 5 chương, 31 tiết. Chương một là phần tựa. Chương hai nói về sám hối diệt tội. Chương ba nói về thọ giới nhập vị. Chương tư nói về phát nguyện lợi sanh. Chương năm nói về hành trì báo ân.
Giải thích đơn giản theo tựa đề, “Tu Chứng Nghĩa” có nghĩa là; Tu là phương pháp tu hành; Chứng là sự chứng ngộ nói khác là mục tiêu hướng đến; Nghĩa là ý nghĩa, có thể hiểu là phương pháp, mục tiêu và ý nghĩa của Thánh Điển.
Phương pháp ấy là gì? Là phương pháp thành Phật. Mục tiêu gì? Là Phật, giác ngộ. Phật sanh từ chơn tâm, hướng dẫn cho người sống trong xã hội, chính là con người, phải làm thế nào để thành Phật. Hoặc có thể nghĩ rằng con người như thế nào là Phật. Nội dung của tác phẩm nầy trả lời nghi vấn đó. Theo cá nhân tôi, chương thứ năm là chương quan trọng nhất của “Tu Chứng Nghĩa” nói về “hành trì báo ân”. Song chương thứ ba lại là chương trọng yếu nhất của “Tu Chứng Nghĩa” nói về thọ giới. Tuy nhiên, nhìn sự sắp xếp trên, có thể suy nghĩ rằng chương thứ ba nói về vấn đề thọ giới có tính cách cụ thể (về phương diện sinh hoạt xã hội Phật Giáo). Hai chương nầy có thể xem là trung tâm điểm được chăng? Bởi vì chương thứ nhất về lời tựa, chương thứ hai về sám hối diệt tội, chương thứ ba và chương thứ tư là thuộc về phần nhập đạo, chương thứ năm là chương tối quan trọng về hành trì báo ân. Sau đây sẽ giải thích về đại ý của mỗi chương.
IV.2.3.1 Chương 1 – Lời Tựa
Mục tiêu chính của tín đồ Phật Giáo là phải thấy bản chất sinh tử của chính mỗi người. Được làm người và gặp Phật Pháp là điều vô cùng hy hữu ngay bây giờ, cho nên đừng đánh mất ý nghĩa cuộc sống của con người, phải gióng lên tiếng nói thức tĩnh cho những ai chưa hoàn hảo, đừng nên chấp vào biên kiến, đối đãi như thiện và ác; nhơn và quả; nghiệp và báo; quá khứ, hiện tại và vị lai, trong ba đời, nếu chỉ dùng biên kiến đối đãi nhau, không thể lãnh hội tư tưởng Phật Giáo.
IV.2.3.2 Chương 2 – Sám Hối Diệt Tội
Với chúng ta, lòng từ bi của chư Phật, chư Tổ quảng đại vô biên, mở cho chúng ta cánh cửa giải thoát. Để được vào cửa nầy, phải phản tỉnh về ngã kiến, tha thiết sám hối ác nghiệp đã phạm trong quá khứ. Tất nhiên sẽ được chư Phật, chư Tổ gia hộ, sống trong năng lượng an lạc vô biên như chư Phật, chư Tổ.
IV.2.3.3 Chương 3 – Thọ Giới Nhập Vị
Sám hối xong, trước tiên phải quy y Tam Bảo, tin sâu lời Phật, không mê tín ngoại đạo tà giáo, phát nguyện thọ trì ba giới trong mười giới cẩn trọng và thanh tịnh. Nhờ thọ giới, niềm tin càng thêm tăng trưởng và tuyệt đối. Nhờ tin Phật, mỗi tự thể chúng sanh có thể mở cho mình một lối sống chân thật. Trong xã hội, nếu có nhiều người tin Phật như thế, thế giới nầy sẽ được bình an.
IV.2.3.4 Chương 4 – Phát Nguyện Lợi Sanh
Hãy buông xả tất cả những công việc riêng tư, phát nguyện lợi sanh và khởi tâm vị tha. Bất cứ ai có tâm như thế, dù chỉ là cô bé tuổi lên bảy, cũng có thể gọi là người gương mẫu trong cuộc sống nầy. Hãy phát nguyện như thế, bởi vì đây là việc vô cùng cần thiết mà phát nguyện bao gồm bốn chân lý đó là:
Sống không tham đắm,
Có lòng từ và hòa ái,
Thực hành thiện hạnh,
Buông bỏ lối sống riêng tư, sống thân thiện nhau.
IV.2.3.5 Chương 5 – Hành Trì Báo Ân
Thật sự, không đơn thuần sống một cách trọn vẹn với bốn chơn lý trên, cho nên trong đời nầy, cần phải nương tựa giáo Pháp Thế Tôn và chư vị Tổ Sư, phải niệm ân chư Phật, chư Tổ. Song nếu không biết rõ ân đức cao vời ấy, làm sao báo ân? Thật ra, không gì hơn phương pháp tưởng niệm cuộc đời đức Phật trong sinh hoạt hằng ngày, dù phải làm gì đi nữa, bởi vì thời gian trôi qua như tên bắn, cuộc đời mong manh như sương mai, tự mình mỗi ngày kính ngưỡng đức Phật và sự tu hành giải thoát giác ngộ của Phật. Nếu mỗi ngày sống trong niệm tưởng như thế và luôn luôn tôn trọng mạng sống của những kẻ khác, sẽ được cộng thông cùng chư Phật, lãnh hội cốt tủy Phật Pháp của Đức Thích Tôn, được gọi là Tức Tâm Thị Phật, bởi vì chỉ còn trong đầu hoặc nơi tiếng nói, trong suy nghĩ là Tức Tâm Thị Phật. Đừng nói gì cả, hãy tự hỏi và tự nghiệm với chính mình Tức Tâm Thị Phật là việc của ai vậy? Trả lời được chính là báo ân Phật vậy.
IV.2.4 Thiền Giới Nhứt Như
Theo Tông chỉ của Tông Tào Động, Chỉ Quán Đả Tọa và Tức Tâm Thị Phật là ngôn ngữ biểu trưng đặc tính của Thiền trong Phật Giáo. Thế nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, Tông Chỉ nầy phải được thực hiện như thế nào? Vả lại, nguyên tắc sinh hoạt tín ngưỡng của Tông Tào Động căn cứ tác phẩm “Tu Chứng Nghĩa“ có thể tương ưng với Giáo Lý chăng?
Theo “Tu Chứng Nghĩa” nguyên tắc sinh hoạt tín ngưỡng có bốn Đại Cương Lãnh, được biết với những thuật ngữ như:
• Sám Hối Diệt Tội,
• Thọ Giới Nhập Vị,
• Phát Nguyện Lợi Sanh
• Hành Trì Báo Ân.
Bốn đại cương lãnh, theo giải thích ở trên, là bốn cương yếu quan trọng, còn có thể gọi là Thiền Giới Nhứt Như hay Tu Chứng Bất Nhị, sẽ được lý giải ở sau.
Thiền Giới Nhứt Như nghĩa là Thiền và Giới là một, mà nếu nói tổng quát, Giới là giới luật, không làm điều ác, hãy làm việc lành, nghiêm cấm những việc làm ảnh hưởng đến đạo đức và luân lý, phải sống hướng thượng, có nhân cách, hòa bình, dù sống cá nhân hay sống tập thể, không thể thiếu luân lý đạo đức, vì đó là điều kiện tiên quyết, không cần nói cũng phải hiểu. Thế nhưng, căn cứ vào cái gì để xác định đạo đức và luân lý? Có lẽ có nhiều suy nghĩ và nhiều lập trường khác nhau, song tất cả cùng chung một điều vốn có sẵn đó là lấy con người làm trọng tâm, không chấp thủ, phải có tâm yêu thương. Tâm ấy, theo Phật Giáo, là Phật-tâm, Phật-tánh.
Tư duy về chơn tâm không phải để nói, để hành động, mà trở về với đạo đức chơn thật, luân lý đứng đắn. Lịch sử và xã hội có thể biến đổi, song thông thường đạo đức và luân lý nhằm hóa giải tánh xấu của mỗi cá thể không bao giờ khác biệt bởi dù ở đâu, bất cứ lúc nào, cho bất cứ ai. Thực tế, tất cả mọi đời sống của mọi loài không thể tồn tại mãi mãi.
Như thế, trên bình diện vũ trụ quan, tất cả đời sống chỉ là sự tự giác chơn tâm của con người, là Thiền, không có gì khác (Chỉ Quán Đả Tọa; Tức Tâm Thị Phật) và trên bình diện tự giác, cuộc sống ấy là giới. Nói khác, Thiền là cuộc sống thuộc phương diện tịnh của chơn tâm, Giới là cuộc sống thuộc phương diện động. Thiền triển khai từ Giới; Giới và Thiền quy về một. Với ý nghĩa đó, tuy Thiền và Giới là hai; nhưng thực tế là một. Ở đây, Giới chính là Phật giới (giới của Phật). Sinh hoạt Phật giới phải vượt lên khỏi luân lý, đạo đức, thiện, ác bình thường, không có đối lập giữa thiện và ác, cũng không bị thiện, ác trói buộc. Việc ác cho mấy cũng chuyển hoán thành thiện để tô bồi cuộc sống. Vả lại, không thể làm việc ác được, bởi vì đã đứng lên trên cao, mà trong phần ý nghĩa của chương thứ ba nói về Thọ Giới Nhập Vị đã giải rõ.
IV.2.5 Tu Chứng Bất Nhị
Tu Chứng Bất Nhị nghĩa là tu hành và chứng ngộ là một. Với quan niệm bình thường, tu hành đạt đến chứng ngộ không cần phải trải qua một quá trình, mà một khi tu hành là chứng ngộ rồi. Thật ra, bản chất của giai đoạn tu hành và giai đoạn chứng ngộ không giống nhau. Tu hành là tu hành, chứng ngộ là chứng ngộ. Nếu đạt đến cảnh giới chứng ngộ thì không cần tu hành nữa. Đại để, từ hiện thực sinh hoạt khổ não đến lý tưởng đời sống chân thật, dù có liên hệ đi nữa, cũng không phải là bản chất hiện thực của lý tưởng, mà chỉ gọi là thể nghiệm tâm linh từ tu hành đến chứng ngộ, cho nên trước tiên phải xác nhận sự hiện thực của lý tưởng ấy. Thật ra, nên biết rằng trong quá trình tu hành đã có chứng ngộ, trong chứng ngộ đã hiện hữu sự tu hành rồi. Nếu không tu hành, không chứng ngộ. Dẫu gọi là tu hành hay gọi là chứng ngộ đi nữa, nói theo tổng quan, một khi đời sống chúng ta nối kết trực tiếp với đại vũ trụ ngay bây giờ và ở đây, bản chất hiện thực của lý tưởng tuyệt đối tự nó hiển hiện rõ ràng, không thể phủ nhận, không phải thêm vào. Ngay trong cuộc sống tự nó đã hiện hữu liên tục và ngay trong phương pháp sống, tự nó rõ biết thế nào, đó chính là tu hành và cũng gọi là chứng ngộ. Tu hành và chứng ngộ ấy gọi là “Tu Chứng Bất Nhị”. Theo “Tu Chứng Nghĩa”, vấn đề nầy dùng để nói lên tính cụ thể mà trong chương hai nói về sám hối diệt tội, chương ba nói về thọ giới nhập vị đã chứng minh. Còn chương tư nói về phát nguyện lợi sanh và chương năm nói về hành trì báo ân được gọi là Tu, cũng còn gọi là Chứng nữa.
Như trước đã trình bày, từ quan điểm tự giác, tính chất tuyệt đối của cuộc sống đặc biệt chính là Bổn Chứng hay gọi là Tu, đặc biệt tự thể những hoạt động ấy là Diệu Tu, cho nên cũng gọi là “Bổn Chứng Diệu Tu”. Bởi thế “Tu Chứng Nghĩa” dù được viết lên bằng chữ nghĩa văn chương nhưng không sai với chơn ý. Hãy chí thành đọc tụng dùng bằng đôi mắt thật là sáng suốt.
IV.2.6 Tu Chứng Nghĩa
Sau đây là phần được dịch từ ngôn ngữ Nhật hiện đại, xin xem ghi chú của dịch giả. Chương một bắt đầu phần tổng quát.
IV.2.6.1 Chương 1: Phần Tổng Tự
Sanh là gì? Tử là gì? Với đạo Phật, làm sao sáng tỏ sanh và tử là một việc làm vô cùng quan trọng. Thật ra, vẫn sống trong thế giới sanh tử hiện thực nầy, song với Đức Phật, Ngài không bị khổ não do sanh tử chi phối, bởi vì Ngài đã rõ biết chân thật nguyên thỉ của nó, Ngài không chối bỏ sự thật sanh tử khi đạt được Niết Bàn. Còn chúng ta, vấn đề trước tiên là để giải quyết sự mê mờ khi đối đầu với vấn đề sanh tử, phải nghiên cứu thật rõ lời Phật dạy.
Thật ra, được làm thân người là khó, gặp Phật pháp cũng khó, song chúng ta nhờ trợ duyên từ những việc lành từ thuở xa xưa, lãnh thọ thân người là điều hy hữu, lại gặp Phật Pháp nữa thật là quý hiếm, cho nên trong cuộc sống nầy, phải sống một đời thật có ý nghĩa, đừng uổng phí thân thể và trí tuệ nầy, cũng chẳng phải làm gì, hãy như làn gió thổi tan những giọt sương trên đầu ngọn cỏ, cũng đừng chấm dứt.
Sống trong cuộc sống vô thường đổi thay nầy, chẳng có gì có thể nương tựa vào được. Đời sống chẳng khác nào giọt sương trên đầu ngọn cỏ, không ai có thể biết cho đến lúc nào và kết quả ra sao, rồi đi về đâu. Thân nầy chẳng thể giữ mãi như mình mong muốn. Sinh mạng trôi theo ngày tháng, không thể dừng lại bất cứ nơi đâu, dù cho nhỏ như một hạt bụi trần. Dù thời trai trẻ, nhan sắc đẹp tuyệt vời, song vô thường chợt đến, nó tan đâu mất, dù có tìm lại được việc trước, cũng chẳng còn nguyên hình dáng cũ. Nếu quan sát cho kỹ, không ai có thể nắm bắt quá khứ. Sự chết chợt đến dù cho Quốc Vương, Đại Thần, bằng hữu, bộ hạ, thê tử, tài sản đi nữa, chẳng thể cứu được. Chỉ cô độc một mình trên chuyến lữ hành đi về cõi chết, mà hành lý mang theo chính là nghiệp thiện và nghiệp ác, mà mình đã tạo trong cuộc sống cũ mà thôi.
Những kẻ tà tâm, sống trong cuộc đời, không màng đạo lý, không màng nhân quả, không màng quả báo của những hành vi thiện, ác, không màng quá khứ, hiện tại, tương lai, không phân biệt thiện, ác, chẳng màng tất cả mọi việc, vẫn phải lãnh thọ quả báo nhân quả theo đạo lý, mà không một chút ánh sáng nào có thể soi rọi cho. Khi mọi việc trôi qua rồi, kẻ ác sẽ bị đọa lạc, người làm lành được thác sanh theo nhân cách hướng thượng.
Hơn nưa, nếu không có nhơn và không có quả, thì đạo lý nhân quả sai lệch rồi chăng? Ngài Bồ Đề Đạt Ma Tổ Sư từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng chẳng phải để truyền con đường của Phật.
Thời gian mà hành vi thiện và ác biểu hiện thành kết quả phải trải qua 3 giai đoạn. Trước tiên, thọ nhận kết quả ngay trong đời sống hiện tại, gọi là thuận hiện báo. Tiếp theo, thọ nhận ở đời khác, gọi là thuận sanh báo và thứ ba, thọ nhận ở đời sau nữa, gọi là thuận hậu báo.
Lãnh hội giáo huấn của chư Phật và chư Tổ, trước tiên chúng ta phải rõ những tạo tác trong ba thời qua đạo lý nhân quả. Nếu không, tư duy của chúng ta trở thành sai lệch, đưa đến đọa lạc vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để thọ nhận khổ não đời đời. Rõ được như vậy thật là quý hóa. Trong đời nầy, đã quan niệm Ta, không thể có hai cũng không thể có ba, mà tư duy đó hoàn toàn không hợp lý, dẫn đến tạo tác những hành vi độc ác, để rồi phải thọ nhận hậu quả, không hối tiếc sao? Nếu cho rằng làm ác, không gặp ác, thế thì định luật nhân quả không hợp lý sao? Không bao giờ tạo ác mà không thọ nhận hậu quả cả.
IV.2.6.2 Chương 2: Sám Hối Diệt Tội
Ăn năn sửa đổi những ác nghiệp trong quá khứ, nguyện với Phật sẽ không tạo nữa.
Thương tưởng chúng ta, Chư Phật và chư Tổ đã mở con đường đi vào Phật đạo thênh thang. Nếu sống đúng và sống trọn vẹn, chắc chắn sẽ đạt được cảnh giới giác ngộ, không sai chút nào. Thọ thân dù là Người, hay Trời đi nữa cũng từ ác nghiệp trong ba thời mà sanh. Nếu chân thành sám hối, quả báo to lớn có thể trở thành nhỏ và nhẹ, hẳn nhiên đến lúc nào đó tội sẽ tiêu diệt và thân nầy trở thành thanh tịnh. Chỉ cần đem tâm tha thiết sám hối trước Phật, chúng ta sẽ được cứu độ và trở nên thanh tịnh. Nhờ năng lực hành trì tạo thành công đức sám hối, mà công đức nầy không có gì ngoài lòng tin. Đó chính là việc trưởng dưỡng tâm linh bằng sự nỗ lực. Nhờ tín tâm mà tâm được thanh tịnh. Hơn nữa, cả mình lẫn người trở nên thanh tịnh giống nhau, vượt qua cảnh giới Trời, Người và vượt qua tất cả.
Phương pháp sám hối phát nguyện trước Đức Phật là:
“Xin cho con được ăn năn sám hối những hành vi bất thiện chất chồng, mà con lỡ tạo trong quá khứ.
Xin cho con được lãnh thọ lời Phật dạy để đề phòng những hành động ấy tái sanh.
Xin cho con được đi trên con đường giác ngộ, mà chư Phật chư Tổ đã đi qua.
Xin cho con thấy rõ và ra khỏi vòng vây của nghiệp bất thiện
Xin cho con vượt qua mọi chướng ngại trên con đường theo Phật.
Xin cho con nguyện vâng lời chư Phật, chư Tổ truyền trao, nguyện tích phước, tạo công đức không chỉ giới hạn trong vũ trụ nầy. Trong vũ trụ nầy bao gồm tất cả,
Xin cho con được Phật gia hộ được làm người tinh tấn trên con đường giác ngộ, để trở thành Phật Tổ.
Xin cho con được sám hối tất cả lỗi lầm, sanh ra từ thân, miệng, ý, tạo các ác nghiệp, bởi tham, sân, si nhiều đời nhiều kiếp”.
Sám hối như vậy, chắc chắn chư Phật, chư Tổ không thể không gia hộ. Một khi niệm thành kính chư Phật hiện hữu ở trong tâm, chí thành chí kính đảnh lễ chư Phật và thiết tha tỏ bày trước Phật, chắc chắn tất cả tội lỗi được hòa tan vào trong biển năng lực thành tâm sám hối và chí thành cầu nguyện nầy.
IV.2.6.3 Chương 3: Thọ Giới Nhập Vị
(Thọ giới và bước lên địa vị Phật).
Phật là bậc Giác Ngộ, còn gọi là rõ biết, Pháp là những lời dạy của Phật và Tăng là người thực hành và truyền trao những lời dạy ấy đến mọi người. Đó là ba ngôi Tam Bảo tôn kính. Dù cho ở đời nầy hay tái sanh trong đời khác, dù được thân nào đi nữa, chúng ta vẫn cúng dường và tôn kính Tam Bảo. Dù đuợc truyền thừa chánh truyền từ Phật ở Ấn Độ hay từ Chư Tổ ở Trung Hoa, chúng ta có bổn phận tôn kính Phật, Pháp và Tăng. Do nghiệp chướng đã tạo, có nhiều người không nghe được Tam Bảo, vì thế nên quy y khi được gặp Tam Bảo. Đừng vì sự bất hạnh, không an mà nương tựa vào Thần Núi, Thần Miễu, Thần Từ Đường, hay các loại Quỷ Thần v.v... cho dù nương tựa vào những nơi đó, khổ não vẫn còn, không sao có thể giải thoát được. Hãy mau quy y Tam Bảo, chẳng những vượt qua biển khổ mà còn viên mãn giác ngộ nữa.
Quy y Tam Bảo, tâm được thanh tịnh. Dù Phật còn tại thế hay đã nhập diệt, chúng ta vẫn chấp tay, chí thành chí kính bày tỏ niềm tin Đức Thích Tôn, xuất phát từ chơn tâm thanh tịnh rằng:
“Con nguyện quy y Phật,
Con nguyện quy y Pháp,
Con nguyện quy y Tăng”.
Phật là một bậc đạo sư cao quý, cho nên chúng ta xin quay về nương tựa Phật. Pháp là phương thuốc hay cho nên chúng ta xin quay về nương tựa giáo Pháp. Tăng là bậc thiện hữu tri thức, nên chúng ta xin trở về nương tựa chư Tăng. Điều bắt buộc khi trở thành đệ tử Phật là phải quy y Tam Bảo. Muốn lãnh thọ giới Pháp nào đi nữa, điều trước tiên vẫn là quy y Tam Bảo, bởi vì quy y Tam Bảo là việc chính, cho dù trên hết giới vẫn là hộ thân cho từng người. Thành tựu công đức quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, chắc chắn sẽ thành tựu đạo nghiệp nếu qua tâm Phật. Như tất cả chúng sanh trong cõi người, cõi Trời, cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, dù bị khổ não bức bách đến mấy đi nữa, nếu có quy y sẽ lãnh hội Tâm Phật.
Điều tối tôn, tối thượng cần rõ biết đó là một khi đã quy y rồi, dù sanh vào đâu đi nữa, gặp cảnh khổ đau nào đi nữa, công đức quy y Tam Bảo, được Đức Thích Tôn chứng minh, vẫn tích chứa và tăng dần cho đến khi đạt được giác ngộ vô thượng Bồ Đề, cho nên đời đời kiếp kiếp phải tin tưởng và thọ nhận.
Có ba Pháp vững chắc, cần lãnh thọ để tịnh hóa thân tâm trong cuộc sống hằng ngày:
Thứ nhất, không làm các điều ác,
Thứ hai, nguyện làm các việc lành
Thứ ba, chẳng chỉ vì lợi riêng, phải khởi tâm từ đến tất cả chúng sanh.
Tiếp theo phải giữ 10 giới:
Thứ nhất, không giết hại sinh mạng chúng sanh,
Thứ hai, không trộm cướp,
Thứ ba, không tà dâm,
Thứ tư, không nói dối,
Thứ năm, không mua bán rượu,
Thứ sáu không tìm khuyết điểm của người,
Thứ bảy, không tự khen mình chê người,
Thứ tám, không tham tiếc tiền của, phải bố thí,
Thứ chín, không giận hờn không nguôi,
Thứ mười, không hủy báng Tam Bảo.
(Ghi chú của dịch giả: 10 Giới nầy là 10 Giới Trọng của Bồ Tát Giới tại gia cũng như xuất gia theo tinh thần giới luật của Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc).
Như thế, quy y Tam Bảo để tịnh hóa cuộc sống theo ba Pháp trên và phát nguyện giữ 10 cấm giới, bởi vì chư Phật cũng thọ trì như vậy. Thọ giới được chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai chứng minh cho sự giác ngộ vô thượng sáng suốt của mình, chứ không có gì khác. Bất cứ ai, dù hiền hay không cũng chẳng có gì ngoài ý muốn cầu nguyện. Đức Thế Tôn vì chúng sanh mà chỉ rõ cho điều đó rằng: “Chúng sanh nào thọ nhận Phật giới, tức vào địa vị chư Phật. Đồng nghĩa với chỗ giác ngộ của chư Phật, chính là đệ tử của chư Phật”.
Chư Phật vẫn thường hiện hữu để quán sát và gia hộ chúng sanh trong mọi phương diện sống ở thế giới nầy, song không lưu bất cứ hành tung nào cả, bởi vì đối với chư Phật, mọi hoạt động trong cuộc sống đang tiếp diễn nầy, đều tự tại, đến đi không lưu dấu, mọi hiện hữu trong vũ trụ như đất đai, cây, cỏ cho đến hoa, đá, gạch ngói v.v... đều là Phật sự, cho nên cần phải phát triển thêm lên, ngay cả gió thổi, mây bay, nước chảy cũng đều mang lợi ích cho con người, nói không cùng tận. Sâu rộng hơn, con người không thể liễu tri tường tận năng lực từ bi cứu độ của chư Phật, mà chỉ nghe việc giác ngộ mà thôi. Đây vừa là kết quả tự nhiên của chính mình đã tạo, vừa là sự sống như Phật đang được tiếp diễn qua phát tâm quảng đại cứu độ chúng sanh.
IV.2.6.4 Chương 4: Phát Nguyện Lợi Sanh
(Phát thệ nguyện và làm lợi lạc chúng sanh)
Đã phát tâm Bồ Đề cầu Phật đạo, dù cho mình chưa chứng ngộ, nhưng phải nỗ lực phát nguyện độ tất cả chúng sanh, dù họ là người tại gia hay xuất gia, dù họ là chư Thiên hay loài người, dù họ đang ở trong hoàn cảnh khổ đau hay trạng thái hỷ lạc, vẫn phải cứu độ họ trước rồi mình mới giải thoát. Đó là vì tha nhân, phát tâm Bồ Đề cứu độ chúng sanh.
Một khi đã phát tâm Bồ Đề, liền trở thành bậc đạo sư cho tất cả chúng sanh. Như đứa bé gái tuổi vừa lên 7 đã làm Thầy những người có lòng tin học đạo ngay cả chư Tăng, Ni, trở thành bậc phụ mẫu của tất cả chúng sanh, bất luận nam hay nữ. Đây chính là pháp nhiệm mầu của đạo Phật.
Đã phát tâm Bồ Đề tìm cầu Phật đạo, song vẫn rơi vào trong các cảnh giới lục đạo như: Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh, A Tu La, Người, Trời v.v... hoặc thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hay hóa sanh, dù Sanh có khác, Tử có khác, trải qua nhiều cảnh ngộ có khác, song Tâm chơn thật tu hành và thệ nguyện cứu độ vẫn như vậy. Bởi thế không biết cuộc sống phải trải qua thời gian bao lâu, nếu chưa ra khỏi, hãy mau mau phát nguyện. Chính mình tích tụ công đức để thành Phật, song nếu đem tâm cầu nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh khác, họ cũng được thành Phật. Phải nỗ lực phát tâm như thế. Dù trải qua vô lượng kiếp cứu độ nhưng chưa thành tựu Phật đạo thì cũng đã mang lại lợi lạc cho chúng sanh, bởi mục đích cuối cùng thành Phật là để cứu độ chúng sanh.
Vì sự lợi lạc cho chúng sanh mà thực hành bốn điều chơn thật của trí tuệ đó là:
• Bố thí,
• Ái ngữ,
• Lợi hành,
• Đồng sự.
Bố thí nghĩa là không tham lam, hãy cho những gì không những của chính mình, mà còn vật bố thí ấy phải giúp cho người kia được lợi ích nữa mới là đúng ý nghĩa bố thí. Không luận vật bố thí nhiều, ít, tốt, xấu mà quan trọng khởi lên từ chơn tâm. Ban cho người một lời khuyên cũng là việc bố thí trong hiện tại, sẽ mang lại kết quả trong vị lai. Bố thí dù chỉ một đồng tiền hay một ngọn cỏ mà thôi vẫn tạo thành thiện căn trong đời nầy và đời khác. Pháp Phật là vàng ngọc, nếu thật tâm bố thí, dù tài vật nhiều mấy đi nữa cũng không hơn lời Phật. Tuyệt đối, đừng mong cầu báo đáp tạ ân từ người nhận sau khi mình bố thí, mà là tự nguyện của chính mình giống như sông để thuyền bơi, cầu để người qua sông rất tự nhiên, không vì bất cứ lý do nào mà bố thí.
Ái ngữ nghĩa là đối với chúng sanh, trước tiên phải khởi tâm từ ái, nói lời ngọt ngào thân thiện và thương mến quý trọng như con ruột của mình. Suy nghĩ và nói lời như thế gọi là ái ngữ. Nên tán thưởng những ai làm được việc lành đã đành song cũng nên dùng lời hòa nhã để nói chuyện khi người ta không làm được việc tốt. Hãy hàng phục oán hờn giận dỗi, dùng uy đức cao quý của con người. Nói lời ái ngữ là điều căn bản vậy. Nghe lời ái ngữ dù không gặp mặt, tâm cũng thấy vui. Không gặp mặt mà nghe lời ái ngữ, lời nói ái ngữ ấy sẽ in sâu vào tâm thức. Ái ngữ chính là tâm của Thiên Tử, an định loạn động trong thiên hạ. Nghe lời ái ngữ như thế không ai không tự an.
Lợi hành tùy theo lập trường khác nhau, song tất cả vì mang lại lợi ích cho chúng sanh.
Ngày xưa, thời nhà Tấn tại Trung Hoa có câu chuyện của Khổng Du ở Dư Bất Dinh, một ông già đi câu câu được một con rùa, đã thả lại trong nước, thay vì đem đi bán. Đến thời nhà Hậu Hán có câu chuyện của Dương Bảo thả những con kiến và chim se sẽ bị đánh nhốt trong bao tải. Hai câu chuyện thả rùa và thả chim là những truyền thuyết ngày xưa. Rùa bị vướng câu, chim bị nhốt hẳn nhiên rất lo sợ, không thể tự tìm đến ta để được cứu. Nếu đặt trường hợp ta là những con vật như thế, hẳn nhiên người ngu sẽ lo cứu mình trước, quên người khác ngay, nhưng cả ta và người đều cùng sống với nhau, khi người nầy được, chắc chắn người kia tổn giảm, cho nên làm sao cho mình và người, cả hai bên cùng được lợi lạc, không có khác biệt giữa mình và người. Chính mình chẳng khác biệt, người khác cũng chẳng khác biệt, tự, tha chẳng khác biệt. Đến thế giới loài người, Đức Thích Tôn cũng mang hình dáng con người, giống chúng ta, cho nên mình giống với người khác thì mình và và người không khác. Nếu có khác, chẳng qua vì không gian và thời gian khác nhau mà thôi, giống như biển cả đón nhận nước từ sông, rạch, suối chảy vào. Bởi thế mình và người đều là nước chảy vào biển cả. Thế cho nên thực hành hạnh nguyện tìm cầu Phật đạo là đạo lý tỉnh thức để nhận chân mình và cứu độ chúng sanh khi có thể còn cứu được. Công đức nầy đáng kính và đáng lễ bái.
IV.2.6.5 Chương 5: Hành Trì và Báo Ân
(Cuộc đời của Đức Phật, với ân Phật ấy ta phải báo đáp).
Có nhiều người sống trong quốc độ nầy và cũng có thân thể như chúng ta phát tâm cầu Phật đạo, chúng ta trong hiện tại có cơ hội phát tâm tìm cầu Phật đạo như thế, hãy tự mình phát nguyện khi đã được sinh vào thế giới hiện thật nầy, có thắng duyên được gặp giáo Pháp của Đức Thích Tôn. Thật ra, nếu chánh Pháp không được truyền thừa, dù có phát nguyện xả bỏ thân để tìm cầu Chánh Pháp đi nữa, cũng khó mà gặp được. Phật dạy nếu gặp trường hợp như thế, chúng ta hãy phát nguyện mong được gặp Phật và
“Gặp ai nói lời cao siêu phải xem đó là Thầy mình. Đừng nhìn cách sống cao thấp của người ấy, đừng để ý tới khuyết điểm của người ấy, đừng chỉ nghe nói lời ấy, hãy tôn trọng trí tuệ chơn thật kia, mỗi ngày ba lần: sáng, trưa và tối nên lễ bái, cung kính và tâm không khởi sanh phiền não”.
Bây giờ, được nghe thấy Pháp Phật, được chư Tổ trực tiếp truyền trao, chúng ta hãy thực hành và truyền bá rộng ra. Nếu chư Phật chư Tổ không truyền lại thì lấy gì chúng ta truyền đạt lại cho hậu lai bây giờ. Dù chi một câu thôi cũng nên cảm tạ báo ân, dù một lời dạy thôi cũng phải tạ ân, phải nguyện báo đền. Huống là Chánh Pháp Nhãn Tạng, giác ngộ tối thượng, là đại ân đức, sao không nguyện báo đền? Ân ấy không thể không báo đáp.
Con chim se sẽ không quên ơn được cứu, mang bốn viên ngọc tròn trắng tặng cho Dương Bảo, mà trải qua bốn đời họ Dương Gia sống cuộc sống vinh hoa ở địa vị Tam Công. Con rùa khốn khổ mang hầu ấn tạ lễ cho Khổng Du ở Dư Bất Dinh, được phong Chư Hầu. Loài vật còn có nghĩa như thế, còn chúng ta là con người tại sao dễ quên ơn? Đối với chư Phật và chư Tổ, không có cách nào khác hơn là báo ân. Mỗi ngày tu hành để báo ân Phật vừa là việc làm chơn chánh vừa là phương pháp báo ân vậy. Nói khác, trong cuộc sống đừng lãng phí thời gian, ngồi không nhàn rỗi, phải tu tập hành trì, đừng xao lãng việc tu hành để báo ân Phật.
Ngày tháng trôi nhanh như tên bắn, mạng người như sương mai, dù đẹp bao nhiêu đi nữa, một ngày qua rồi, không còn trở lại. Dù sống đến 100 tuổi cũng phải tiếc nuối ngày tháng và lo cho thân thể nầy càng ngày càng giảm dần, nếu không khéo tu, chúng ta chỉ làm nô lệ cho nó mà thôi. Một ngày thực hành lời Phật dạy và sống cuộc sống như Đức Phật, ngày ấy không những trở nên giá trị nhất trong đời người 100 năm, mà còn lợi lại cho những cuộc sống khác. Do vậy, dù chỉ một ngày ngắn ngủi so với dòng sinh mệnh dài nầy, nhưng cũng nên tôn trọng và quý thân thể một cách cẩn trọng. Thực hành được như thế, tự thấy thân nầy rất quý giá cần phải bảo vệ và nhờ nó chúng ta được thực hành tu niệm trong cuộc sống hằng ngày. Thể hiện việc tu hành cụ thể ấy nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường giải thoát, mà chư Phật đã khai mở. Nhờ tu hành ấy theo chư Phật, những hạt giống lành xuất hiện. Đó chính là cuộc sống tu hành của chư Phật vậy.
Ở đây, nói chư Phật nghĩa là nói Đức Thích Tôn, bởi vì khi Đức Thích Tôn hành Thiền, tâm dung thông tất cả chư Phật, cho nên nói là chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều đã thành Phật, thành Đức Thích Tôn. Một khi ngồi xuống Thiền Định được gọi là Phật, như vậy khi thực hành Thiền, tâm chúng ta cũng gọi là tâm Phật, bởi vì bất cứ ai muốn thực hành Thiền Định phải phát tâm nghiên cứu tường tận và nguyện báo ân chư Phật vậy.
IV.3 Trước Tác Chủ Yếu Của Hai Đại Tổ Sư
IV.3.1 Với Tấm Lòng Cung Kính Để Xem
Tăng sĩ và Tín Đồ Tông Tào Động đều biết rõ và không thắc mắc khi nói đến Tông Tổ là nói đến Lưỡng Tổ: Cao Tổ Thiền Sư Đạo Nguyên và Thái Tổ Thiền Sư Oánh Sơn. Tôn kính Lưỡng Tổ Đại Sư là tôn kính những tác phẩm được gọi là Thánh Giáo, mà quý Ngài đã soạn ra. Thật ra, một Thiền Tăng như Thiền Sư Đạo Nguyên có số tác phẩm như thế là nhiều lắm, vả lại nội dung các tác phẩm rất cao siêu bao hàm tính cách siêu việt của con người, rất thật tế cho nên phải nói rằng Ngài là bậc Thánh Tăng trác tuyệt, không riêng được Tăng Tín Đồ Tông Tào Động tôn kính mà những Tông khác nữa. Đối với ngoại quốc, Ngài là Thiền Sư Nhật được nhiều người lưu tâm nhất, bởi vì thế giới của Ngài Đạo Nguyên là tác phẩm Ngài đã viết và chính nhờ những tác phẩm đó mà Ngài trở thành Thiền Sư Đạo Nguyên của nhân loại.
Như Thiền Sư Đạo Nguyên, Thiền Sư Oánh Sơn cũng có nhiều tác phẩm, song những tác phẩm của Ngài hiện còn sót lại không nhiều bằng. Thật ra, tác phẩm của Thiền Sư Đạo Nguyên được nhiều người thích thú nghiên cứu, nhưng trước tác của Thiền Sư Oánh Sơn, dù nói cách nào đi nữa cũng phải thành thật mà nói, không được giới thiệu nhiều. Gần đây, có nhiều điều khá hơn, bởi vì trên thực tế nếu không đọc những trước tác của Thiền Sư Oánh Sơn, khó mà hiểu rõ Thiền Sư Đạo Nguyên. Nói khác, phải nói rằng nếu tôn kính Lưỡng Tổ của Tông Tào Động, không thể không quan tâm về những tác phẩm của Thiền Sư Oánh Sơn được, cho nên, sẽ giới thiệu đơn giản về những trước tác ấy, đặc biệt chỉ trích đoạn mà thôi.
Hơn nữa, những trước tác của Lưỡng Tổ Đại Sư không phải là những tác phẩm văn học, chẳng phải là những văn hiến lịch sử có tính cách lịch sử học, mà là những Thánh Giáo truyền trao cốt tủy Phật Pháp. Thật không sai khi nói rằng quý Ngài viết suốt cả đời người bằng kinh nghiệm tâm linh, hợp chân lý, tâm thanh tịnh, cho nên chúng ta phải đọc một cách cung kính, với tất cả thiện ý, không thể hiểu sai và xem như kim chỉ nam của nội tâm trong cuộc sống hằng ngày.
IV.3.2 Trước Tác Của Thiền Sư Đạo Nguyên
Giải thích những trước tác của Thiền Sư Đạo Nguyên.
IV.3.2.1 Bảo Khánh Ký (Bokyoki)
Thiền Sư Đạo Nguyên viết trong vòng bốn năm khi tu ở các chùa Trung Hoa, từ năm Trinh Ứng thứ 2 , lúc 24 tuổi, đến năm An Trinh nguyên niên lúc 28 tuổi. Khoảng thời gian ấy và suốt cả đời Ngài cung kính Thiền Sư Như Tịnh như bổn sư tại chùa Cảnh Đức, huyện Thiên Đồng, tỉnh Chiết Giang. Tác phẩm gọi là Bảo Khánh Ký hoàn thành từ ký ức Ngài về cuộc đời tu học của Ngài ở Trung Hoa, đa phần thuộc thể vấn đáp, viết bằng Hán Văn diễn tả khi Ngài còn là một Thiền Sư trẻ, có tư duy bao quát và bình luận những điểm chánh yếu trong Phật Pháp trở thành giáo thuyết nhưng cũng có một ít phê phán. Tác phẩm cho biết Thiền Sư Đạo Nguyên đã thọ giáo và có nhiều ảnh hưởng tư tưởng Thiền Sư Như Tịnh, tư tưởng thời nhà Tống năm Bảo Khánh nguyên niên đến năm thứ ba . Có lẽ tác phẩm nầy được viết vào khoảng thời gian đó, dù hôm nay không còn bản chính nữa. Năm Kiến Trường thứ năm Thiền Sư Đạo Nguyên viên tịch, Cao Đệ - Thiền Sư Hoài Tráng tìm thấy di thư nầy bèn yên lặng cho đến năm Khoan Diên thứ ba mới công bố phát hành quyển “Phật Tổ Chánh Truyền Bồ Tát Giới Tác Pháp – Butsuso Shoden Bosatsukai Saho”. Trong khi lưu học tại Trung Hoa, Thiền Sư Đạo Nguyên còn ghi lại tất cả nghi lễ tác pháp thọ giới từ Giới Sư Như Tịnh Thiền Sư vào ngày mồng 8 tháng 9 năm Bảo Khánh nguyên niên đời nhà Tống lúc Ngài 26 tuổi, thuộc Gia Lục nguyên niên 1225 của Nhật Bản. Đối với Giới Bồ Tát, theo “Tu Chứng Nghĩa” cho biết, ở chương thứ ba việc Thọ Giới Nhập Vị, có nói rõ: Tam Quy, Tam Tụ Tịnh Giới, Mười Giới Trọng của 16 Giới Điều và còn gọi là Phật Giới. Khi Tông Tào Động dạy về Giới thường căn cứ vào tác phẩm nầy và truyền lại cho đến ngày nay. Tác phẩm nầy phát hành năm Bảo Lịch năm thứ tám .
IV.3.2.2 Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi - Fukan Zazengi
Với Tông Tào Động, đây là Tông Điển được dùng hằng ngày. Năm An Trinh nguyên niên Thiền Sư Đạo Nguyên được 28 tuổi từ Trung Hoa trở về bắt đầu dạy Phật Pháp và Tọa Thiền theo Phật Tổ Chánh Truyền cho những người sơ cơ và soạn tác phẩm nầy với nội dung trình bày ý nghĩa Tọa Thiền, Truyền Thống, Tâm Đắc, Phương pháp, Công Đức v.v... Tác phẩm nầy được xem là sách hướng dẫn về Tọa Thiền rất căn bản đầu tiên ở Nhật, được viết bằng Hán Văn theo thể 4 và 6 chữ gọi là Biền Lệ (Benrei). Năm 34 tuổi, nhằm năm Thiên Phước nguyên niên Ngài hoàn thành tác phẩm tại am tranh chùa Hưng Thánh, Kyoto. Hiện nay bản gốc được lưu giữ tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự (tài liệu quý hiếm của quốc gia).
IV.3.2.3 Chánh Pháp Nhãn Tạng – Shoho Genzo
Có tất cả 95 quyển vừa là tác phẩm đại biểu trong những trước tác của Thiền Sư Đạo Nguyên, vừa là Tông Điển của Tông Tào Động. Gần 20 năm dài từ năm Khoan Hỉ thứ ba đến năm Kiến Tường thứ năm Ngài lưu trú tại chùa chùa Hưng Thánh và chùa Vĩnh Bình để biên soạn tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” nầy. Nội dung của tác phẩm đúng với chân tủy của Phật Pháp. Tên sách liên quan đến phương pháp Tọa Thiền và nội dung hàm chứa những đề tài giảng dạy của Thiền Sư Đạo Nguyên. Dường như, Ngài muốn dừng lại phần cuối ở quyển thứ 100. Tông Chỉ của Tông Tào Động, đặc biệt Giáo Nghĩa vẫn căn cứ theo tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” nầy. Trong 95 quyển, hoàn toàn là chữ viết tay của Thiền Sư Đạo Nguyên, được mang đi khắp các nơi trên toàn quốc. Năm Nguyên Lục thứ ba người ta viết lại còn 60 quyển, rồi 75 quyển rút gọn từ 95 quyển bằng hai ngôn ngữ Hán và Bình Giả Danh (viết theo lối tiếng Nhật), để truyền thừa cho mọi người khắp nơi.
Hơn nữa, viết thêm bằng thể văn chữ Hán “Chánh Pháp Nhãn Tạng” có ba quyển, sưu tập 301 câu chuyện cuộc đời các Thiền Tăng, được gọi là “Chánh Pháp Nhãn Tạng Tam Bách Trắc”. Nguyên bản nầy không còn nữa. Năm Minh Hòa thứ tư lần đầu tiên đã được công bố. Thật ra, Ngài vừa viết “Chánh Pháp Nhãn Tạng” 95 quyển và vừa tham khảo việc trình bày kiến giải hành trì của Tín Đồ, khi họ nghe giảng.
IV.3.2.4 Vĩnh Bình Quảng Lục – Eihei Koroku, 10 quyển
Đây là ngữ lục của Thiền Sư Đạo Nguyên. Ngữ lục là ghi chép của đệ tử về những điều thông thường, những lời giáo huấn đạo tình ý nghĩa thâm sâu của Bổn Sư, sau khi Bổn Sư viên tịch. Tác phẩm nầy ghi lại những lời giáo huấn của Thiền Sư Đạo Nguyên, không phải do Thiền Sư ghi chép, mà do các Đệ Tử lớn như: Thiền Sư Hoài Tráng, Thiền Sư Thuyên Huệ, Thiền Sư Nghĩa Diễn v.v... biên tập, bao gồm những bài thuyết pháp dành cho Tăng Ni và Tín Đồ tại chùa Hưng Thánh vào ngày 15 tháng 10 năm Gia Trinh thứ hai lúc Ngài 37 tuổi, những pháp ngữ, thơ văn, đề tán ở những năm về già tại chùa Vĩnh Bình.
Năm Văn Vĩnh nguyên niên Cao Đệ, Thiền Sư Nghĩa Y Thiền Sư sang Trung Hoa nhờ Thiền Sư Nghĩa Viễn, vị có uy tín đọc lại, nhuận văn và đặt tên “Vĩnh Bình Đạo Nguyên Thiền Sư Ngữ Lục”, có thể gọi là Lược Lục so với Quảng Lục. Quảng Lục viết vào năm Khoan Văn thứ 12 và Lược Lục vào năm Diên Văn thứ ba cả hai đã được công bố và xuất bản, còn gọi là Tông Điển của Tông Tào Động, viết bằng văn Hán, bản chánh không còn nữa. So với “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, đây là quyển sách bắt buộc phải đọc để hiểu rõ tư tưởng căn bản của Thiền Sư Đạo Nguyên.
IV.3.2.5 Học Đạo Dụng Tâm Tập – Gakudo Yojinshu
Năm 35 tuổi, Ngài bắt đầu viết
tác phẩm nầy vào ngày 9 tháng 3 năm Văn Lịch nguyên niên tại chùa Hưng Thánh ghi chép lại thật
cụ thể những
tâm đắc trong
học đạo, song Ngài đã chấp bút hai ba lần, sau đó các
đệ tử gần gũi gom lại thành một quyển.
Trước tiên, Ngài viết về
Bồ Đề Tâm, sau đó dạy việc thấy nghe chân chánh, bắt buộc
thực hành con đường Phật Đạo một cách
thực tiễn,
tiếp theo cho biết tác phẩm nầy không phải là đối tượng
tu hành để
giác ngộ, mà là bậc Thầy Chơn Chánh, với ngôn hạnh
nhất như, hướng dẫn những điều cần biết để
thực hành Thiền. Không
thực hành Tọa Thiền, không thể
thực hiện việc
học đạo.
Cuối cùng viết về
cuộc đời của những bậc cổ
Thánh Tiên Đức, để thấy rằng
con đường hướng tới Phật là
con đường phải
tu hành. Phần
giác ngộ được viết trong chương 10.
Tác phẩm nầy viết bằng Hán Văn, được
xem như là
Tông Điển của Tông
Tào Động, được phát hành lần đầu tiên vào năm Diên Văn thứ hai hiện nay không còn nguyên bản nữa.
Đặc biệt các
Tăng lữ của Tông
Tào Động bắt buộc phải đọc
tác phẩm nầy trong
thời gian tu hành.
IV.3.2.6
Vĩnh Bình Thanh Quy – Eihei Shingi - 6 tập
Cũng gọi là “Vĩnh Bình
Đại Thanh Quy” và “Vĩnh Bình
Đạo Nguyên Thiền Sư Thanh Quy”. Vĩnh Bình chỉ cho chùa Vĩnh Bình của Ngài
Đạo Nguyên và
Thanh Quy tức là những
quy tắc quy định sự
sinh hoạt căn bản cho
chư Tăng đang
tu hành tại
Đạo Tràng Tọa Thiền.
Tác phẩm nầy có thể
xem như Thanh Quy căn bản đầu tiên ở Nhật, ghi lại tất cả
nghi lễ của các
Tự Viện thuộc Tông
Tào Động, những
quy phạm sinh hoạt của
Tăng lữ, viết theo thể Hán Văn, được xem là
Tông Điển của Tông
Tào Động, phát hành đầu tiên vào năm Khoán Văn thứ 7, hiện nay không còn bản chính nữa.
IV.3.2.6.1
Điển Tọa Giáo Huấn – Tenzo Kyokun
Tác phẩm nầy được
Thiền Sư Đạo Nguyên viết vào
mùa Xuân năm Gia Trinh thứ 3 tại chùa Hưng Thánh chỉ lại cho những vị
Điển Tọa hay
chư Tăng đồng tu những
vấn đề ý nghĩa ẩm thực,
Phật sự cần thiết v.v..bằng văn phong kể chuyện
tâm đắc của Ngài.
IV.3.2.6.2 Đối Đại Kỷ Ngũ Hạ
Xà Lê Pháp – Taitaiko Goge Jariho
Tác phẩm nầy còn gọi là “Đối Đại Kỷ Pháp”, viết vào ngày 21 tháng 3 ba năm Khoan Nguyên thứ 2 tại chùa Kiết Phong,
Việt Tiền. “Đại Kỷ Ngũ Hạ Xà Lê“ nghĩa là
chư Tôn Đức
tiền bối sống thọ.
Tác phẩm nầy
diễn tả tất cả những
vấn đề nghi lễ,
tác pháp và 62 điều khác nhau giữa một vị Tân Tăng đối với Chư vị Tôn Đức. Về sau
tác phẩm nầy được rút gọn lại,
tuy nhiên, vẫn còn
tác phẩm nguyên thủy với nét bút của
Thiền Sư Đạo Nguyên.
IV.3.2.6.3 Pháp Biện Đạo– Bendoho
Tác phẩm được viết
vào khoảng tháng 3 năm Khoán Nguyên thứ 3 tại chùa
Đại Phật,
Việt Tiền, nói về những
quy định sinh hoạt chủ yếu và
cụ thể của một
đạo tràng tu hành như
tọa thiền, ngủ nghỉ, rửa mặt, Cách mặc (đắp)
Cà Sa (Y),
quy định về vải và màu vải y v.v...
IV.3.2.6.4
Thanh Quy Tri Sự – Chiji Shingi
Tác phẩm nầy viết vào ngày 15 tháng 6 năm Khoán Nguyên thứ 4 tại chùa Vĩnh Bình,
Việt Tiền.
Tri Sự có nghĩa là sáu người có chức vụ quan trọng của
tự viện, còn gọi là
Lục Tri Sự đó là
Đô Tự,
Giám Tự,
Phó Tự,
Duy Na,
Điển Tọa và
Trực Tuế.
Ngài cũng ghi rõ bằng những
câu chuyện tâm đắc đã xảy ra, những
nhiệm vụ của
Tri Sự và
giải thích cặn kẻ những việc hành xử v.v...
Đặc biệt,
giải thích rõ ràng về
Giám Tự,
Duy Na,
Điển Tọa và
Trực Tuế.
IV.3.2.6.5 Pháp
Phó Chúc Phạn– Fushuku Hanho
Đây là
phương pháp nhiếp phục được
tác pháp tại
Tăng Đường mỗi khi dọn cháo (buổi sáng) và cơm (buổi trưa) có thứ lớp,
vừa ý v.v.. ghi lại rất
rõ ràng.
IV.3.2.6.6
Quy Tắc Chúng Liêu Tạng– Shuryo Shingi
Tác phẩm nầy viết vào năm Bảo Trị thứ 3 tại chùa Vĩnh Bình để
chư Tăng đọc biết những
vấn đề liên quan ở trong phòng chúng như
tu bổ phòng ốc, những mẫu chuyện xảy ra
hằng ngày như viết thư tại liêu xá.
Ngoài ra, còn hướng dẫn 28 điều khoản về
tác pháp nghi lễ,
quan tâm kẻ khác, việc đáng làm v.v...
IV.3.2.6.7
Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký – Shobo Genzo Yuimonki
Tác phẩm gồm có 6 quyển do
Thiền Sư Hoài Tráng ghi lại những lời dạy của
Thiền Sư Đạo Nguyên ở chùa Hưng Thánh vào những năm Gia Trinh về sau tóm lược lại.
Nói đúng hơn,
tác phẩm nầy không do
Thiền Sư Đạo Nguyên trực tiếp viết nhưng cũng có thể gọi là
Ngữ Lục của
Thiền Sư Đạo Nguyên bởi vì tường thuật lại tất cả những
kinh nghiệm tu hành của
Thiền Sư Đạo Nguyên, những
câu chuyện tiểu sử chư
cổ đức, những bậc
tiền bối, những
vấn đáp của
Thiền Sư Hoài Tráng, những bài
thuyết pháp rất khúc chiết, thể văn viết gọn gàng dễ đọc.
Tác phẩm nầy còn được xem là tinh tủy của
Phật Pháp, có thể
so sánh với
Thánh Giáo “Chánh
Pháp Nhãn Tạng” song
rộng rãi hơn và gần gũi hơn.
Tác phẩm viết bằng Hán Văn và Hiragana (Chữ Nhật), nguyên
bản không còn nữa, song được
công bố vào năm Minh Hòa thứ 6 .
IV.3.2.6.8 Tán Tùng Đạo Vịnh Tập – Sansho Doeishu
Toàn là những bài Đạo Ca và Hòa Ca của
Thiền Sư Đạo Nguyên gồm có 64 khúc. Người
đời sau sưu tập lại thành một ca tập,
tuy nhiên có phải thuộc của
Thiền Sư Đạo Nguyên hay không đã sanh ra nhiều
tranh luận khác nhau.
Tác phẩm nầy được
công bố lần đầu tiên vào năm Diên Hưởng thứ 4.
IV.3.3 Trước Tác Của Oánh Sơn
Thiền Sư
Giải thích về những trước tác của Oánh Sơn
Thiền Sư.
IV.3.3.1
Truyền Quang Lục – Denkoroku.
Thiền Sau Oánh Sơn thay cho Bổn Sư -
Thiền Sư Nghĩa Giới,
thuyết pháp từ ngày mồng một tháng giêng năm Chánh An thứ 2 đến tháng giêng năm sau cho
chư Tăng đang tu tại chùa
Đại Thừa,
Gia Hạ. Sau đó
chư Tăng tập trung lại thành
tác phẩm ghi lại những
giáo huấn của
Thiền Sư Oánh Sơn, không phải là sách do chính
Thiền Sư chấp bút.
Tác phẩm nầy ghi lại những
phương pháp Tọa Thiền căn bản từ Đức Thích Tôn ở
Ấn Độ rồi chư Tổ ở
Trung Quốc cho đến Thiền Sư Hoài Tráng ở
Nhật Bản và 53 vị
Tổ Sư, cách
truyền thừa như thế nào,
đặc biệt đầu mỗi chương đều nêu lên những
nhân duyên ngộ đạo, truyện ký, mà
chủ đề là sự tỏ ngộ của các
Thiền Sư cũng như trích dẫn những
câu chuyện tiểu sử các Ngài, mà trong những chuyện ấy,
Thiền Sư Oánh Sơn
giải thích tường tận cho
chư Tăng,
thỉnh thoảng đan xem vài bài thơ.
Tác phẩm được xem là vừa nối tiếp
tác phẩm “Chánh
Pháp Nhãn Tạng”,
giáo huấn của
Thiền Sư Đạo Nguyên, vừa ghi lại
lịch sử của 53 vị Tổ
truyền thừa, cho nên không
đơn thuần là những
câu chuyện của các vị Tăng, mà ở Nhật từ trước ít có những loại
tác phẩm có nội dung như thế.
Tác phẩm nầy được viết bằng hai loại chữ Hán và chữ Nhật, được
tôn trọng như “Chánh
Pháp Nhãn Tạng”,
Tông Điển của Tông
Tào Động, phát hành lần đầu tiên vào năm An Chánh thứ 4, hiện nay không còn nguyên bản nữa.
IV.3.3.2
Tín Tâm Minh Niệm Đề - Shinjinmei Nentei
Trong
tác phẩm nầy,
Thiền Sư Oánh Sơn
giải thích về “Tín Tâm Minh” tại chùa
Đại Thừa có lẽ
vào khoảng giữa thời Gia Nguyên nguyên niên đến Chánh Hòa năm thứ 5.
“Tín Tâm Minh” là
tác phẩm của
Thiền Sư Giám Trí
Tăng Xán , Tổ thứ ba
Thiền Tông Trung Hoa, được xem là cốt tủy với nội dung trình bày
niềm tin mạnh mẽ vào
Phật Tâm sẵn có trong
mọi người.
Tác phẩm có 146 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 584 chữ Hán, là
Ngữ Lục quan trọng và quyết nghị mang tính
lịch sử của
Thiền Tông.
Thiền Sư Oánh Sơn trích dẫn và
giải thích áo nghĩa của Thiền, bằng
kiến thức uyên thâm của mình, thật
linh hoạt mà từ truớc đó và
cho đến bây giờ, chưa có ai sánh kịp. Có thể nói rằng với người Nhật, “Tín
Tâm Minh Niệm Đề” là
tác phẩm bình luận nổi tiếng và hay nhất từ xưa
đến nay, được viết bằng chữ Hán và
công bố lần đầu tiên vào năm Hưởng Bảo thứ 19.
IV.3.3.3
Thanh Quy Oánh Sơn
Hòa Thượng – Keizan Osho Shinki
Tác phẩm nầy rất
đặc sắc gồm có 2 quyển, còn gọi là “Đổng Cốc
Thanh Quy – Tokoku Shinki”, có thể cho rằng
tác phẩm được
biên soạn vào năm Chánh Hòa nguyên niên , khi chùa Vĩnh Bình mới bắt đầu, bởi vì nội dung
tác phẩm nói về những
quy định sinh hoạt trong
lãnh vực tu hành của chùa
Đại Thừa và chùa Vĩnh Bình,
dựa trên căn bản “Vĩnh Bình Thanh Quy” của
Thiền Sư Đạo Nguyên,
pháp hành của
Thiền Sư Hoài Tráng,
Thiền Sư Nghĩa Giới,
tham khảo những điểm
đặc biệt của chùa
Đại Thừa và chùa Vĩnh Bình, những
quy tắc sinh hoạt của
Thiền Tông Trung Hoa,
phối trí phân chia thành ba phần
hành sự: mỗi năm, mỗi tháng và mỗi ngày.
Tác phẩm nầy
nhấn mạnh phải
ưu tiên cho
chư Tăng đang tu và
Đàn Tín thuần tín
Tam Bảo, phải
tôn trọng họ,
chỉnh đốn lại
lễ nghi,
tán dương công đức họ, khuyến tấn họ
tu hành tinh tấn. Điểm
đặc sắc là tuy gọi là “Vĩnh Bình Thanh Quy” nhưng
ảnh hưởng nghi lễ của Tông
Tào Động rất nhiều. Thật ra, nội dung
tác phẩm nầy có thể người
đời sau có thêm vào đôi phần, bởi vì nguyên
bản không còn nữa và được
công bố lần đầu tiên vào năm Diên Bảo thứ 8.
Tác phẩm nầy đươc viết bằng Hán văn.
IV.3.3.4
Tọa Thiền Dụng Tâm Ký – Zazen Yojingi
Tác phẩm nầy chỉ có một quyển mà thôi do
Thiền Sư Oánh Sơn viết tại chùa Vĩnh Quang, chủ yếu căn
cứ theo “Phổ Khuyến
Tọa Thiền Nghi” của
Thiền Sư Đạo Nguyên.
Tác phẩm nầy là sách hướng dẫn rất
tinh tế về
ý nghĩa tọa thiền, điều tâm, điều
hơi thở, điều thân,
ẩm thực,
y phục,
ngoại cảnh v.v... và những điều cần
lưu ý như: khi ngồi, lúc bệnh và những sự việc
liên quan về
sinh lý v.v...
Hơn nữa,
tác phẩm còn gọi là “Thuyết
Tam Căn Tọa Thiền”
gồm có ba
phương diện tâm linh căn bản đó là thượng, trung và hạ mà
hành giả phải
nỗ lực hợp với đó.
Tác phẩm cho rằng: “Nếu hành thiền nghiêm mật, có
thể đạt đến những
cảnh giới cao của Thiền“
ý nghĩa nầy cũng
ám chỉ cho chùa Vĩnh Bình.
Tác phẩm “Tọa Thiền
Dụng Tâm Ký” viết bằng Hán văn, hiện nay không còn bản chính nữa và lần đầu tiên
công bố vào năm Diên
Bảo Phước thứ 8.
IV.3.3.5 Động Cốc Ký – Tokokugi
Tác phẩm được viết khoảng từ năm Chánh Hòa nguyên niên đến năm
Chánh Trung thứ hai tại chùa Vĩnh Quang ghi lại những mẫu chuyện trước và sau khi lập chùa Vĩnh Quang như:
nghi lễ,
tác pháp, những
sinh hoạt trong cuộc sống
hằng ngày,
các loại văn thư, điệp v.v... ngay cả
cảm hứng, hòa ca,
kệ tụng,
giáo huấn, tự truyện v.v...
Tuy nhiên cũng có một số văn thơ
liên hệ được người
đời sau thêm vào thành
tác phẩm vào những năm Ứng Vĩnh . Thật ra,
sinh hoạt về
Tôn Giáo của
Thiền Sư Oánh Sơn là những hình thái của
Tăng Đoàn Tông
Tào Động thời kỳ đầu ở Nhật.
Tác phẩm nầy cũng được
xem như tập hồi ký ghi lại
sinh hoạt văn hóa tại các địa phương
Bắc Lục vào
thời kỳ Trung Thế, rất đáng
trân trọng.
Tác phẩm được viết bằng Hán Văn, hiện nay không còn bản chính nữa và lần đầu tiên xuất bản vào năm Chiêu Hòa thứ 4.
IV.3.3.6
Duyên Khởi Thời
Trung Hưng Chùa
Tổng Trì – Sojiji Chuyuko Eingi
Tác phẩm nầy chỉ có một quyển, được viết vào năm Ngài 54 tuổi, ngày 17 tháng 6 năm Nguyên Hưởng nguyên niên ghi lại sự
phát nguyện và
lý do kiến lập sơn môn, khai sáng
Đại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự, lãnh nhận trách vụ Quyền
Luật Sư Định Giám,
khai sơn sáng lập các nơi thờ Đức
Quan Thế Âm và chư vị
Bồ Tát, tại Năng Chứng Tiết Tỷ Áp, huyện Ishigawa Monmaemachi, cho nên đổi
danh hiệu Viện là Chư Nhạc Sơn,
tự hiệu là
Tổng Trì Tự, một
thiền viện phù hợp với
giấc mộng của
Thiền Sư Oánh Sơn.
Lúc bấy giờ, Ngài
nhất tâm cầu nguyện cho việc
thành lập được
sơn môn chùa
Tổng Trì thành tựu viên mãn để
an trí tôn tượng Bồ Tát Phóng Quang,
đặc biệt nhờ
Bồ Tát Quan Thế Âm gia hộ tất cả
mọi việc đều
linh ứng. Về sau tại đây rất
thiêng liêng, ai
cầu nguyện đều được, ngay cả người sản mẫu có thai đến ngày sinh,
cầu nguyện trước
tôn tượng, việc sanh nở dễ dàng.
Tác phẩm do chính tay
Thiền Sư Oánh Sơn chấp bút bằng Hán Văn. Bản viết tay do Oánh Sơn
Thiền Sư viết được lưu giữ tại Tạng Khố của
Đại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự (được chính phủ
công nhận là
di sản thuộc về
văn hóa quốc gia), lần đầu tiên
công bố vào năm Chiêu Hòa thứ 4.
IV.3.3.7 Mười Loại Sắc Vấn – Jisshu Chokumon
Tác phẩm cũng chỉ có một quyển, còn gọi là “Thập Chủng Nghi Vấn” cũng còn gọi là “Mười loại nghi ngờ”. Theo
lịch sử truyền thừa của chùa
Tổng Trì, vào tháng 9 năm Nguyên Hưởng thứ 2, Chùa
Tổng Trì được ban
thụy hiệu “Nhật Bản
Tào Động Tông Sắc Tứ Xuất Thế Chi Đạo Tràng” nhờ
Thiền Sư Oánh Sơn nhận sự
thỉnh cầu trả lời giải trừ nghi vấn và cho
Thiên Hoàng Hậu
Đề Hồ biết phong cách,
địa vị ,
lập trường của
Đại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự.
Chùa Vĩnh Quang cũng
tương tự như vậy,
Thiên Hoàng Hậu
Đề Hồ đặt ra câu hỏi và được
giải đáp với “Thập Chủng Nghi Trệ”, cho dù cũng có
nghi vấn về
lịch sử. Nhờ
kết hợp với
Thiên Hoàng Đề Hòa và
chư Tôn Đức Tăng kiệt xuất của Phái
Pháp Đăng,
Tông Lâm Tế, mà
Thiền Sư Oánh Sơn cùng với
Thiền Sư Cô Phong
kiên định hết lòng duy trì phát triển từ chùa Vĩnh Quang đến chùa
Tổng Trì. Việc nầy
gián tiếp thừa nhận cho những ai
quan tâm về Thiền là “Mười loại Sắc Vấn” có thật
trong lịch sử, mà những
nghi vấn ấy dù
giải đáp thế nào đi nữa vẫn không thể
trả lời một cách
thỏa đáng.
Tác phẩm nầy có thể xem là định hướng
trọng yếu thật tiễn cho người học Thiền, được viết bằng Hán văn, hiện nay nguyên
bản không còn nữa và phát hành lần đầu tiên vào năm Nguyên Lục thứ 4.
IV.3.3.8
Ngữ Lục Của Oánh Sơn Thiền Sư– Keizan Zenji Goroku
Tác phẩm nầy cũng chỉ có một quyển, nếu nói rõ, phải gọi là “Ngữ Lục Năng Châu Động Cốc Sơn
Vĩnh Bình Tự Oánh Sơn Hòa Thượng”, bỏ phần dài phía sau, gọi là “Động Cố Ký”, do các
đệ tử Thiền Sư Oánh Sơn ghi lại những thời
thuyết pháp của Ngài tại chùa Vĩnh Quang sau
mùa hạ năm
Chánh Trung nguyên niên . Tuy
Thiền Sư Oánh Sơn không trực tiếp
biên soạn, nhưng văn mạch rất
rõ ràng và ý văn sắc sảo
mạnh bạo,
thật tế đối với Môn Hạ, Ngài rất khiêm cung, có thể nói
tác phẩm nầy
tượng trưng cho
gia phong.
Tác phẩm viết bằng Hán Văn, hiện nay không còn nguyên bản.
IV.3.3.9
Phật Tổ Chánh Truyền
Bồ Tát Giới Giáo Thọ Văn – Butsuso Shoden Bostsukai Kyojumon
Tác phẩm nầy cũng chỉ có một quyển, được viết năm Ngài 56 tuổi, vào ngày 28 tháng 8 năm Nguyên Hưởng thứ 3, tại chùa Vĩnh Quang, nhằm đọc lên trong
giới đàn truyền giới cho
Đại Tỷ Huệ Cầu thọ giới, bởi vì trước đó, tất cả
nghi quỹ đều là
khẩu truyền, cho nên
tác phẩm là tập sách mở đầu
nghi quỹ có
tính cách văn chương ghi lại
rõ ràng.
Tác phẩm nầy
căn cứ vào tác phẩm “Phật Tổ Chánh Truyền
Bồ Tát Giới Tác Pháp” của
Thiền Sư Đạo Nguyên, được viết bằng tiếng Nhật, do
Thiền Sư Oánh Sơn viết tay, được lưu giữ tại chùa Hải Ngoại, Huyện Phú Sơn (thuộc về
tài liệu văn hóa trọng yếu quốc gia).
Tổng cộng những sách vở của Lưỡng Tổ
Đại Sư viết có 33 quyển, được gọi là “Tào Động Tông Toàn Thơ”, do
Tào Động Tông Toàn Thơ San Hành Hội phát hành vào năm Chiêu Hòa thứ 53, tại
Tào Động Tông Tông Vụ Sảnh, mà có
thể tham chiếu thêm để biết rõ những
tài liệu nầy.
IV.4
Giải Thích Về
Thánh Điển
Những
Thánh Điển được dùng đến được
giải thích như sau.
IV.4.1 Những
Thánh Điển Được Dùng Đến
Căn cứ “Tào Động Tông Tông Chế” và “Tào Động
Tông Nghi Lễ Quy Trình” những
Kinh Điển,
Tông Điển và
Ngữ Lục thường dùng hằng ngày được gọi là
Thánh Điển của Tông
Tào Động.
IV.4.1.1
Kinh Điển
Kinh Điển thường tụng là
Kinh Pháp Hoa,
Kinh Hoa Nghiêm, Kinh
Bát Nhã, Kinh
Duy Ma,
Kinh Niết Bàn,
Kinh Phạm Võng,
Kinh Địa Tạng, Kinh
Cam Lồ Môn và
các loại Thần Chú -
Đà La Ni.
IV.4.1.2
Tông Điển
Tông Điển gồm
các loại như:
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Vĩnh Bình Quảng Lục,
Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi,
Học Đạo Dụng Tâm Tập,
Vĩnh Bình Thanh Quy,
Truyền Quang Lục,
Tọa Thiền Dụng Tâm Ký,
Oánh Sơn Thanh Quy,
Tu Chứng Nghĩa.
IV.4.1.3
Ngữ Lục
Ngữ Lục gồm các quyển như:
Tham Đồng Khế,
Bảo Cảnh Tam Muội,
Tín Tâm Minh và
Chứng Đạo Ca.
IV.4.1.4 Những
Kinh Điển Thường Dùng
Kinh Điển mà Tông
Tào Động dùng đến hầu như thuộc
Đại Thừa Phật Giáo phân loại như sau:
•
Kinh Phạm Võng thuộc
A Hàm Bộ
• Kinh Đại
Bát Nhã,
Bát Nhã Tâm Kinh,
Kim Cang Bát Nhã Kinh, Kinh Nhơn Vương
Bát Nhã thuộc
Bát Nhã Bộ
•
Kinh Hoa Nghiêm thuộc
Hoa Nghiêm Bộ
•
Kinh Pháp Hoa thuộc
Pháp Hoa Bộ
•
Kinh Niết Bàn thuộc
Niết Bàn Bộ
•
Kinh Địa Tạng thuộc
Đại Tập Bộ
• Kinh
Di Giáo, Kinh
Duy Ma thuộc
Kinh Tập Bộ
Khoảng
thời gian từ thế kỷ thứ nhất, trước kỷ nguyên đến 100 năm sau,
Kinh Điển Đại Thừa được hình thành như bộ
Bát Nhã và bộ
Pháp Hoa và được
sử dụng rất nhiều. Ngược lại, các
Kinh Điển thuộc
Mật Giáo Bộ như Kinh Đại Nhật hay thuộc
Bảo Tích Bộ như
Kinh Vô Lượng Thọ,
Kinh Quán Vô Lượng Thọ,
Kinh A Di Đà, hoặc Bổn Duyên Bộ như Kinh
Quá Khứ Hiện Tại Nhơn Quả,
Phật Sở Hành Tán v.v...hầu
như không được dùng hay đề cập đến.
Về
Tông Điển, chủ yếu trước tác của Lưỡng Tổ
Đại Sư (
Thiền Sư Đạo Nguyên và
Thiền Sư Oánh Sơn).
Về
Ngữ Lục, đa phần là những trước tác của những vị
Tổ Sư uy tín thuộc
Thiền Tông Trung Quốc.
Đương nhiên có nhiều vị muốn
nghiên cứu,
đọc tụng những loại khác ngoài
Thánh Điển, nhưng đó là
trường hợp quan tâm cá nhân, cũng có thể nói rằng đó là
Phật sự đặc thù của chùa đó.
IV.4.2 Đối Với
Thánh Điển Được
Tâm Đắc
Thiền Tông cả
Lâm Tế lẫn
Tào Động không
quy định chọn
bản Kinh nào
nhất định như
Tông Tịnh Độ và
Tịnh Độ Chơn Tông nương theo ba
bộ Kinh Tịnh Độ đó là
Kinh Vô Lượng Thọ,
Kinh Quán Vô Lượng Thọ và
Kinh A Di Đà, như Tông
Chơn Ngôn căn cứ vào ba
bộ Kinh Đại Nhật,
Kinh Kim Cang Đảnh và Kinh
Tô Tất Địa, như Tông
Nhật Liên căn cứ vào Kinh Pháp Hoa, mà các
Tông Phái xem những
Kinh Điển ấy là những
Kinh Điển tối cao của những
Tông Phái mình.
Thiền Tông không cho
bản Kinh nào
đặc biệt, mà
căn cứ vào Tông Chỉ cũng như
Giáo Nghĩa để
thành lập, song không phải dùng
Kinh Điển một cách không
ý thức. Tông
Tào Động có
Thánh Điển của Tông mình như
Kinh Điển,
Tông Điển và
Ngữ Lục, đã trình bày, như
Tông Lâm Tế dùng
Bát Nhã Tâm Kinh,
Kim Cang Bát Nhã Kinh thuộc
Bát Nhã Bộ,
Kinh Pháp Hoa thuộc
Pháp Hoa Bộ, và
các loại ấn chú thuộc
Đà La Ni Bộ, hoặc
Ngữ Lục của các vị
Tổ Sư thuộc
Tông Lâm Tế Nhật Bản và
Trung Quốc. Thật ra, có nhiều khác biệt về
vấn đề thọ nhận
Thánh Điển, giữa
Thiền Tông và những
Tông Phái khác.
Chữ Kinh vốn có nghĩa là sợi chỉ xâu dọc ngang nối kết lại.
Từ ý nghĩa đó, Kinh được dùng chỉ cho
đạo lý chân thật, không thay đổi.
Đọc Kinh để trừ những tà niệm, được
nhất tâm bất loạn cho nên phải dùng
toàn thân và toàn tâm
đọc Kinh. Mặt khác,
Thật không sai khi nói rằng Kinh là
giáo huấn của Đức Thích Tôn song không phải do
Đức Phật chấp bút viết, mà được những
đệ tử Phật
đời sau kết tập và
biên tập thành Kinh. Suốt
cuộc đời giáo hóa của Đức Thích Tôn không phải lúc nào cũng
thuyết giảng giống nhau cho
mọi người, mọi
hoàn cảnh bởi vì mỗi
thính giả có mỗi
hoàn cảnh, mỗi nguyện vọng và mỗi khả năng khác nhau. Hơn nữa để
thích ứng với số đông, người
đời sau chỉ lấy ý chính và những lời dạy
thâm sâu của Đức Thích Tôn
triển khai rộng thêm ra.
Thế cho nên có nhiều loại Kinh,
ước chừng 5.000 quyển Kinh, tạm gọi một cách
căn bản là 8 vạn 4 ngàn
pháp môn.
Thế nhưng, nói về nguyên thỉ
tâm linh và
lịch sử, chính Kinh nẩy sinh chư vị
Khai Tổ, ngay cả Đức Thích Tôn, bởi vì Kinh là Pháp mà Đức Thích Tôn thuyết qua
ngôn từ như
thế giới Thiền. Hơn nữa, Kinh
giải thích hay trình bày những
cảnh giới giác ngộ của Đức Thích Tôn, không ai được quên điểm nầy và phải
xem như lương dược chữa lành muôn bệnh, thuốc ấy là
pháp môn hành Thiền, bởi vì nếu hành thiền đúng, sẽ
đạt được cảnh giới tối cao như Đức Thích Tôn đã đạt, hoặc nói cách khác nhờ
Tọa Thiền mà
lãnh hội được những chơn ý của Kinh, cho nên nếu cho rằng có một
bản kinh nào đó
đặc biệt nghĩa là không
liễu tri toàn thể lời dạy của Đức Thích Tôn.
Trong đời sống
tu hành,
Tọa Thiền là chính, còn
vấn đề tụng
đọc Kinh Điển
tùy duyên, không nhứt thiết chọn bất cứ Kinh nào là
đặc biệt của
Phật Giáo. Cốt tủy
đạo Phật từ
Kinh Điển, nhưng
cảnh giới giác ngộ của
Đức Thế Tôn là
thế giới lãnh hội từ
Tọa Thiền. Kinh được
diễn đạt qua
ngôn ngữ văn tự không phải là Chơn Kinh.
Ngôn ngữ,
văn tự trong Kinh cũng không phải là Kinh, bởi vì trong
vũ trụ bao la nầy, tất cả những
vấn đề như thuyết pháp,
ăn uống, những công việc thường ngày vẫn luôn luôn diễn ra như là chơn lý, có những
vấn đề ngôn ngữ và
văn tự có thể
diễn đạt được, nhưng cũng có những việc mà
ngôn ngữ văn tự không thể
diễn đạt. Nhờ khả năng
hiểu biết, nghe
thuyết pháp lãnh hội được Kinh, song muốn
hiểu rõ Chơn Kinh, phải nhờ
năng lực Tọa Thiền. Dù
cố gắng miệt mài đọc tụng, bình giải, phân tích
Kinh Điển nhiều đến mấy đi nữa cũng không thể
liễu tri được Chơn Kinh.
Thế cho nên mục đích tụng Kinh là thấu đạt
chân lý, nhưng nếu chỉ tụng mà không
hành trì, thì việc
tụng Kinh cũng chẳng có
ý nghĩa gì cả.
Công đức tụng Kinh thật là
vô lượng, không có gì
sánh bằng,
xưa nay vốn không sai bao giờ.
Tụng Kinh hay
Tông Điển,
Ngữ Lục đều phải
xuất phát từ
thân tâm thanh tịnh, dù hiểu hay không hiểu nghĩa, có thể cho rằng chỉ đưa mắt theo chữ cũng tốt, nhưng không nên đọc suông, mà phải
lãnh thọ lời
dạy bảo.
Nếu không có
tâm thành kính, có thể dẫn đến nguy hại
như tự mình
sáng tác ra Kinh khác.
IV.4.3
Giải Thích Về
Kinh Điển
Những
Kinh Điển mà thường ngày Tông
Tào Động tụng đọc sẽ được
giải thích như sau:
IV.4.3.1
Kinh Pháp Hoa – Hokekyo
Kinh Pháp Hoa, nói rõ là “Kinh
Diệu Pháp Liên Hoa”,
bộ kinh tiêu biểu của
Phật Giáo Đại Thừa, được viết bằng tiếng Sanskrit, đã dịch sang Tạng ngữ và nhiều
ngôn ngữ khác. Có tất cả 6 bản dịch bằng chữ Hán, bản
chúng ta đang
sử dụng của
Ngài Cưu Ma La Thập dịch sang chữ Hán vào đầu thế kỷ thứ 5, gồm 7 quyển và 28 phẩm. Tại
Nhật Bản và Trung Hoa, Kinh nầy được
truyền bá sâu rộng, mà Đề Kinh có
ý nghĩa biểu tượng Chánh Pháp là
chân lý vô nhiễm, luôn luôn
thanh tịnh như
hoa sen không bị
ô nhiễm dù mọc trong bùn dơ.
Kinh Pháp Hoa,
Kinh Hoa Nghiêm, Kinh
Bát Nhã và một số
Kinh Điển khác là những Kinh quan trọng của
Đại Thừa, chiếm một
địa vị quan trọng trong
Phật Giáo. Không ai không biết
Kinh Pháp Hoa không những có
ảnh hưởng rất lớn đến
lãnh vực tư tưởng,
văn hóa và nghệ thuật,
tư tưởng ở Nhật mà Kinh nầy còn bao hàm
tính chất thực tiển về
tín ngưỡng, trình bày
tính cách thiêng liêng siêu việt và
quan tâm đến những
hiện tượng thế giới. Theo tôi (
tác giả),
không Tông Phái nào của Nhật không học
Kinh Pháp Hoa,
đặc biệt Tông Thiên Thai và Tông
Nhật Liên tôn sùng Kinh Pháp Hoa làm
căn bản cho
hệ thống Tông Phái mình.
Căn bản tư tưởng Kinh Pháp Hoa là
Nhất Thừa Diệu Pháp,
Cửu Viễn Bổn Phật (nghĩa là chỉ một
diệu pháp nhất thừa và đã
thành Phật từ xa xưa rồi).
Nhất Thừa Diệu Pháp nghĩa là những
bài Kinh mà Đức Thích Tôn
thuyết pháp trước đây chỉ
đáp ứng nguyện vọng,
năng lực và khả năng
tâm linh của
mọi người mà thôi, pháp chưa là
chân lý chân thật, chỉ có
Kinh Pháp Hoa, Đức Thích Tôn mới chỉ một
sự thật duy nhất đó là
Nhất Thừa.
Cửu Viễn Bổn Phật nghĩa là dù Đức Thích Tôn
nhập diệt vào năm Ngài 80 tuổi, nhưng
sự thật không phải vậy, Đức Thích Tôn từ
quá khứ đến
hiện tại và
vị lai chẳng
nhập diệt bao giờ mà luôn luôn
hiện hữu, bởi vì Phật với chư Phật đều giống nhau ở điểm đã
thành Phật rồi. Khi tín thành và
quy y Bổn Phật,
hành trì lời Phật dạy rất thật tiễn,
chúng ta có thể cảm nhận được niềm
an lạc vô biên của Phật. Đây quả là
vấn đề trọng tâm thảo luận để được
sáng tỏ hơn.
Thiền Sư Đạo Nguyên giảng về
Kinh Pháp Hoa rằng: “Trong tất cả các Kinh, Đức Thích Tôn
thuyết giảng,
Kinh Pháp Hoa là Vua của các Kinh, vị Thầy lớn (theo
Chánh Pháp Nhãn Tạng phần
Quy Y Tam Bảo)”. Thật là một sự
tán dương cao vời. Trong những trước tác của mình,
Thiền Sư Đạo Nguyên cũng đã trích dẫn
Kinh Pháp Hoa rất nhiều như:
- Phẩm
Phương Tiện thứ hai,
Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 1.5.8
Chánh Pháp Nhãn Tạng, “Chư Pháp Thật Tướng”, “A La Hán”, “Pháp Tánh”, “Chư Ác Mạt Tác”, “Vô Tình Thuyết Pháp”, “Thập Phương”, “Nhẫn Ma”, “Ưu Đàm Hoa”, “Phát
Vô Thượng Tâm”, “Cúng Dường Chư Phật”.
Phẩm
Thí Dụ thứ ba,
Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 5,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hải Ấn Tam Muội”, “Tam Giới Duy Tâm”.
Phẩm
Tín Giải thứ tư,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “A La Hán”.
Phẩm thứ 8 Ngũ Bá
Đệ Tử Thọ Ký,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Thọ Ký”.
Phẩm thứ 9, Thọ
Học Vô Học Nhơn Ký,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “37 Phẩm
Bồ Đề Phần Pháp”.
Phẩm
Pháp Sư thứ 10,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Thọ Ký”, “Chư Pháp Thật Tướng”, “Kiến Phật”, “Như Lai Tạng Thân”.
Phẩm thứ 11, Kiến
Bảo Tháp,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hành Phật Uy Nghi”, “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 12,
Đề Bà Đat Đa,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Như Lai Tàng Thân”.
Phẩm thứ 14,
An Lạc Hạnh,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Mộng Trung Thuyết Mộng”, “Kiến Phật”, “Tẩy Diện”.
Phẩm thứ 16,
Như Lai Thọ Lượng,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hành Phật Uy Nghi”, “Như Lai Tạng Thân”, “Tam Giới Duy Tâm”, “Kiến Phật”, “Phát
Bồ Đề Tâm”, “Xuất Gia”, “Quy Y Tam Bảo”.
Phẩm thứ 17,
Phân Biệt Công Đức,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 21,
Như Lai Thần Lực,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Thần Thông”, “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 23,
Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “37 Phẩm
Bồ Đề Phần Pháp”.
Phẩm thứ 27,
Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 28,
Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát,
Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.
Chánh Pháp Nhãn Tạng có tất cả 16 phẩm, tổng cộng 95 quyển trích dẫn
Kinh Pháp Hoa không ít như:
Thọ Ký,
Chư Pháp Thật Tướng,
Pháp Hoa Chuyển Pháp Hoa, Duy Phật Tả Phật v.v... song
Thiền Sư Đạo Nguyên sử dụng để
dẫn chứng chứ không
căn cứ vào Kinh Pháp Hoa làm
căn bản.
Với Tông
Tào Động, trong số 28 phẩm của
Kinh Pháp Hoa, phẩm 14
An Lạc Hạnh, phẩm thứ 16
Như Lai Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 21
Như Lai Thần Lực, phẩm thứ 25
Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, hoặc những
bài kệ của bốn phẩm nầy thường được
đọc tụng nhiều nhất.
Phẩm thứ 14
An Lạc Hạnh,
Đức Phật giảng về
hình ảnh phi thường của
Bồ Tát bốn sự
an lạc của chư vị
Bồ Tát đó là: hành xử,
ngôn luận,
tư tưởng và
thệ nguyện.
Phẩm thứ 16
Như Lai Thọ Lượng, Đức Thích Tôn
cho biết Ngài đã
thành Phật từ lâu rồi.
Phẩm thứ 21
Như Lai Thần Lực, Đức Thích Tôn dùng
đại thần lực thị hiện và
phó chúc Đại Pháp Pháp Hoa cho chư vị
Bồ Tát Tùng Địa Dõng Xuất như
Bồ Tát Thường Hành và
Bồ Tát Thủ Đạo.
Phẩm thứ 25
Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn,
Phật giới thiệu vị
Bồ Tát biến
hiện ra 33 thân và
hạnh nguyện cứu độ không
phân biệt của
Bồ Tát.
Trong bốn phẩm nầy,
đặc biệt phẩm
Như Lai Thọ Lượng (không có tự ngã kệ),
phẩm Phổ Môn (không có
Thế Tôn kệ) rất là gần gũi
thân thiết được trì tụng trong những thời khóa tụng buổi sáng và tất cả các
nghi lễ Phật sự quan
trọng như kỳ nguyện
bình an v.v....
IV.4.3.2
Kinh Hoa Nghiêm – Kegonkyo
Kinh Hoa Nghiêm, nói đủ là “Đại
Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh“, là
bản kinh tiêu biểu của
Phật Giáo Đại Thừa, với đề kinh có
ý nghĩa đem hoa đẹp
nghiêm sức chư Phật (
Đức Phật Tỳ
Lô Giá Na) qua
thời gian và
không gian. Nội dung
bản Kinh là
đức Phật trình bày
bản chất và
cảnh giới giác ngộ Ngài
đạt được dưới cội
Bồ Đề.
Kinh Hoa Nghiêm và
Kinh Pháp Hoa là hai Kinh
ảnh hưởng sâu đậm vào
tư tưởng tín ngưỡng Phật Giáo,
đặc biệt là
văn hóa Nhật Bản. Tông
Hoa Nghiêm căn cứ vào bản Kinh nầy (vị
Đại Phật ở Chùa
Đại Phật ở Nara cũng dựa từ
Kinh Hoa Nghiêm mà
kiến tạo). Ngay cả
tư tưởng sử
thế giới ngày nay cũng hòa mình trong biển cả
hoa Nghiêm, cho nên không phải chỉ có Tông
Hoa Nghiêm chiếm
địa vị độc tôn.
Trọng tâm của
Kinh Hoa Nghiêm, có thể nghĩ rằng, là triết lý Tánh Khởi, nghĩa là tất cả các Pháp đều được ánh sáng
Phật tánh chiếu soi, mà
Phật tánh tồn tại là một triết lý. Hơn nữa, còn có các
tư tưởng căn bản khác như:
Sự Sự Vô Ngại, nghĩa là tất cả các Pháp tạo thành chèn chịt và đan xen
với nhau không có hạn định. Nhứt tức nhứt thiết, nghĩa là tất cả các
Pháp như một hư lân, luôn luôn có một điểm, trong một điểm bao hàm
toàn thể thế giới.
Tâm Phật Chúng Sanh Thị
Tam Vô Sai Biệt, nghĩa là tâm của ta, của Phật và
chúng sanh không sai khác như ba loại riêng biệt.
Tam Giới Hư Vọng Đản Thị
Nhứt Tâm Tác, nghĩa là
thế giới nầy do Tâm
giả hợp tạo nên.
Hơn nữa, trong Kinh
diễn tả chàng thanh niên
Thiện Tài Đồng Tử đi
tham vấn việc
tu hành của 53 vị
thiện tri thức rất là
nổi tiếng. Thác Nước
Hoa Nghiêm hay
câu chuyện Tokaido 53 lần
tham vấn rút ra từ
Kinh Hoa Nghiêm rất gần gũi với người Nhật.
Kinh Hoa Nghiêm có tất cả 3 bản dịch đó là: “Kinh
Hoa Nghiêm Bốn Mươi Quyển” do Ngài
Bát Nhã Tam Tạng dịch; “Kinh
Hoa Nghiêm Sáu Mươi Quyển” do Ngài
Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông Tấn của Trung Hoa, được xem là bản dịch xưa nhất
vào khoảng thế kỷ thứ 5. “Kinh
Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển” do Ngài
Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời nhà Đường.
Đặc biệt trong
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Thiền Sư Đạo Nguyên, có một số
tư tưởng tu chứng cao vời và
vấn đề liên quan rút ra từ
Kinh Hoa Nghiêm như: “Hiện
Thành Công Án”, “Phật Tánh”, “Tam Giới Duy Tâm”, “Hữu Thời” v.v...
Ngay cả điển tích và
tư tưởng trong quyển “Hải Ấn Tam Muội” của
Chánh Pháp Nhãn Tạng căn cứ trực tiếp từ Kinh
Duy Ma, không thể
giải thích trên
phương diện của
Kinh Hoa Nghiêm, nhưng hầu hết những phần còn lại
Thiền Sư Đạo Nguyên đều
y cứ vào
Kinh Hoa Nghiêm như: phẩm “Tịnh Hạnh“, của “Kinh
Hoa Nghiêm Sáu Mươi Quyển” để
giải thích những
vấn đề “Tẩy Diện“, “Tẩy Tịnh”, “Vĩnh Bình Thanh Quy”, “Biện Đạo Pháp” v.v... trong “Chánh
Pháp Nhãn Tạng; phẩm “Hiền Thủ Bồ Tát“ trong “Kinh
Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển“
để lý giải phần “Phát
Vô Thượng Tâm” trong “Chánh
Pháp Nhãn Tạng“ và phẩm “Ly Thế Gian”, phẩm “Dạ
Ma Thiên Cung
Bồ Tát Thuyết Kệ”, ở “
Kinh Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển” để
biên soạn phần “Tam Giới Duy Tâm” v.v...trong “Chánh
Pháp Nhãn Tạng.”
IV.4.3.3 Kinh
Bát Nhã – Hannyagyo
Thật ra, Kinh
Bát Nhã gồm có hai bản văn:
-
Đại Phẩm Bát Nhã Kinh,
gồm có 28 quyển, 30 quyển, 40 quyển do
Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
-
Tiểu phẩm Bát Nhã Kinh gồm có 10 quyển do
Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
-
Đại Bát Nhã Kinh gồm 600 quyển do Ngài
Huyền Trang dịch.
-
Ngoài ra còn nhiều bản nữa. Tông
Tào Động thường dùng Kinh
Bát Nhã, sẽ
giới thiệu giản lược sau.
Như trên đã nói, Kinh
Bát Nhã cũng là
bản Kinh tiêu biểu của
Đại Thừa Phật Giáo, trong đó
tư tưởng “Không” được trình bày
rõ ràng và
chính yếu, mà
Thiền Tông rất tôn quý điểm nầy. “Không“ nghĩa là tất cả những
tồn tại được
nhận thức bằng mắt, tai như là
hiện thật,
hoàn toàn không tồn tại chơn thật, không phải là thật, mà
tồn tại thật sự không tăng, không giảm, giống như
hư không, thậm chí không có mê, cũng chẳng có giác. Đừng
vướng mắc vào bất cứ vật nào mới có thể gọi là
tự tại, sống thật với
hiện hữu.
Đối với người Nhật, Kinh Đại
Bát Nhã là
bản Kinh dùng để
Trấn Quốc, Chiêu Phước và
Trừ Tai. Đầu thế kỷ thứ 8, thời Nara, Vua sắc chỉ đem Kinh vào 4 chùa lớn ở cung điện tại Nara để
luân phiên đọc tụng (có một vị Tăng
đức độ mở
bản Kinh ra đọc rồi gấp quyển kinh lại
phiên dịch, sau đó
mọi người luân phiên đọc theo). Tất cả vừa làm lễ vừa
cầu nguyện. Vào ngày mồng ba tháng giêng, Tông
Tào Động cũng có lễ
chuyển đọc Đại
Bát Nhã 600 quyển trong ngày Hội Đại
Bát Nhã cầu an vào
mùa Xuân v.v...để
cầu nguyện cho
Đàn Tín Đồ
bình an mạnh khỏe,
gia đình yên ổn, tật bệnh
tiêu trừ, buôn may bán đắc, phát tài phát đạt, mùa màng tươi tốt,
Quốc Gia hưng thịnh và tránh các
độc hại v.v...
mọi người cùng đội Kinh trên đầu rồi
lễ bái.
Trong
chánh điện an trí 16 tượng
Thiện Thần.
Mọi người cùng
đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú
Tiêu Tai,
Lý Thú Phần của Đại
Bát Nhã 600 quyển kỳ nguyện và niệm ân. Tại
Đại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự, mỗi ngày trong khóa Kinh buổi sáng có tụng phần Hoàng thần và
tiếp theo là
Bát Nhã Tâm Kinh của Đại
Bát Nhã 600 quyển. Sự
chuyển đọc nầy có
mục đích cầu nguyện cho
Đàn Tín Đồ và
mọi người được
an lạc hạnh phúc.
IV.4.3.4
Bát Nhã Tâm Kinh – Hannya Shingyo
Bản kinh nầy chỉ có một quyển, còn gọi rõ là
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, giản lược từ
Đại Kinh Bát Nhã 600 quyển trình bày
tư tưởng Không.
Bản kinh thật ngắn, chỉ có 260 chữ thôi. Nội dung của Kinh rất gần gũi với người Nhật,
cho biết khi nhập sâu vào
Thiền Định,
hành giả đạt được trí tuệ để
nhận thức thực tại. Tông
Tào Động tụng đọc
thường xuyên (vào những khi: cúng ngọ,
tụng Kinh buổi sáng, chúc phước, tụng
Vi Đà Thiên, đi
khất thực, những
pháp sự tại gia đình
Phật Tử v..v.....có lúc theo
nghi thức của vị
Thủ Tọa, khi đọc chuyền nhau Kinh Đại
Bát Nhã). Có đến bảy bản dịch chữ Hán của
Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó bản được Tông
Tào Động thường dùng đọc tụng là bản văn do Ngài
Huyền Trang dịch vào thế kỷ thứ 7, vì bản văn nầy được xem là sáng sủa nhất. Nhứt Thiết
Giai Không (tất cả
mọi vật trên
thực tế là không),
Sắc Tức Thị Không,
Không Tức Thị Sắc (tất cả
mọi vật đều không, trong không có sắc) v.v... đó là những lời rất là
quen thuộc nổi tiếng.
Thiền Sư Đạo Nguyên, Thiền thường trích dẫn Kinh văn của
Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa và Đại
Bát Nhã tập 172 và tập 291 trong
Chánh Pháp Nhãn Tạng để
giải thích Kinh Văn
Bát Nhã một cách độc đáo
đặc biệt,
thỉnh thoảng dùng các phần
Tứ Nhiếp Pháp,
Xuất Gia,
Xuất Gia Công Đức v.v... trong Kinh Đại
Bát Nhã.
IV.4.3.5
Kinh Kim Cang Bát Nhã – Kongo Hannyagyo
Kinh nầy chỉ có một quyển còn gọi là
Kinh Kim Cang, nói giản lược từ “Năng Đoạn
Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh” và “Kim Cang
Bát Nhã Ba La Mật Kinh”, rút ra từ quyển thứ 577, “Đệ
Cửu Hội Năng Đoạn
Kim Cang Phần” của “Đại
Bát Nhã 600 Quyển”. Nội dung của Kinh cũng nói về “Không” song không hẳn là
sử dụng tư tưởng Không của
Bát Nhã (
Trí Tuệ). Ngoài bản dịch nguyên mẫu từ chữ Sanskrit và tiếng
Tây Tạng, có đến 6 bản dịch từ chữ Hán, song bản dịch của
Ngài Cưu Ma La Thập vào đầu thế kỷ thứ 5 thường được dùng tại Trung Hoa và
Nhật Bản. Đầu thế kỷ thứ 6, Ngài
Bồ Đề Lưu Chi cũng dịch và thêm vào phần văn dịch chữ Hán.
Bởi Kinh nầy tường thuật
vấn đề trí tuệ thực thể thường hằng, cố định, cho nên rất khó dùng
ngôn ngữ để
giải thích suông những gì được gọi là
chân lý,
bản chất mà
cần phải có
trí tuệ để
chứng đắc hoàn toàn.
“Ưng
Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm”, nghĩa là đừng có tâm
chấp trước vào bất cứ việc gì, hãy sống
tùy duyên. “Tức Phi” là tánh chơn thật của vật, mà trên
thực tế không có thể nắm bắt bằng
nhận thức và
tư duy, song nếu lìa chỗ thấy cũng không thể rõ tánh chơn thật.
Theo
Thiền Tông của
Trung Quốc và
Nhật Bản, Kinh nầy rất được
tôn sùng,
đọc tụng và
giải thích, có thể nói rằng có cả hằng trăm bản
chú giải khác nhau. Có một
câu chuyện rất
lý thú mà ai cũng biết đó là một trong những vị
Tổ Sư Thiền Trung Hoa,
Lục Tổ Huệ Năng xuất gia nhờ nghe một câu của Kinh nầy “Ưng
Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm”, đừng
để tâm vướng bận vào bất cứ đối tượng nào. Trong
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Thiền Sư Đạo Nguyên biên soạn những quyển như: “Tâm Bất Khả Đắc”, “Hậu Tâm Bất Khả Đắc” hay “Kiến Phật” đều lấy
từ ý chính có
tính cách độc đáo
sáng tạo từ kinh nầy. Trong “Vĩnh Bình Quảng Lục”, một bản văn dùng để
thuyết pháp, Ngài cũng trích dẫn từ Kinh nầy.
IV.4.3.6
Lý Thú Phần – Rishyukun
Tác phẩm chỉ có một quyển, do Ngài
Huyền Trang dịch, với nội dung tóm lược từ phần “Bát Nhã Lý Thú”, phần 10 quyển 578, Kinh Đại
Bát Nhã trình bày việc
Đức Phật giảng Kinh nầy với Kinh
Bát Nhã Thanh Tịnh cho chư vị
Bồ Tát tại
Thiên Cung cõi
Tha Hóa Tự Tại Thiên và tám trăm vạn
Bồ Tát khác nghe. Ai thường
thọ trì Kinh nầy, được
Bồ Tát bảo hộ, luôn luôn được
chư Thiên hộ trì, dù cho có bị
ác ma quấy phá cũng không bị hại, có thể được
vãng sanh quốc độ của chư Phật. Cuối bản văn có 3
Đà La Ni, những
pháp môn vi diệu vô thượng, sẽ được ghi lại ở phía sau.
IV.4.3.7 Kinh
Duy Ma – Yuimagyo
Kinh nầy
gồm có ba quyển, còn gọi là “Kinh
Duy Ma Cật Sở Thuyết”. Ngoài bản dịch tiếng
Tây Tạng, còn có ba bản dịch bằng chữ Hán, song bản dịch của
Ngài Cưu Ma La Thập vào cuối thế kỷ thứ 6
nổi tiếng hơn cả.
Cư Sĩ Duy Ma, còn gọi là
Duy Ma Cật, hay
Tịnh Danh dù chỉ là một vị
Trưởng Giả cư sĩ nhưng có
thể chất vấn các vị
đại đệ tử Phật như
Bồ Tát Văn Thù,
trưởng lão Xá Lợi Phất. Điều nầy
xem ra như là ngược lại với
tinh thần Kinh Điển thông thường nhưng lại
nổi bật lên
tinh thần thực tiển của
Đại Thừa Bồ Tát.
Trong Kinh nầy,
tư tưởng Không được
thành lập như một
phương pháp hành đạo rất thực tiển của
Bồ Tát, không những nói lên chủ trương hành tung của chư
Bồ Tát thật
tự do tự tại, nhằm
mục đích cứu đời
không giới hạn, điển hình như
Bồ Tát bệnh vì
chúng sanh bệnh, mà còn hướng dẫn người
cư sĩ tại gia một
cách sống cụ thể. Sự
im lặng của
Duy Ma là một tiếng nổ long trời, lở đất, hoặc
Bất Nhị Pháp Môn,
ý muốn nói lên
chân lý tất cả đều được
bình đẳng nên có
sai biệt và trong sự
sai biệt, các pháp đều
bình đẳng, ví dụ như trong sự sống đã có sự chết và trong khi chết đã hàm chứa sự sống. Cả hai đều có cội nguồn được
tìm thấy trong Kinh nầy.
Những đề tài như thế từng là những
vấn đề rất
nổi tiếng. Với
Thiền Tông, yên lặng là một tiếng nổ, được
tôn trọng như một
ngôn ngữ, từ xưa đã đọc được cho nên trong phần 37 phẩm
Bồ Đề của
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Thiền Sư Đạo Nguyên bài bác về sự đau bệnh ấy và
tôn trọng tư tưởng cư sĩ tại gia của Kinh nầy. Hơn nữa, trong phần
Thọ Ký,
Tứ Mã của
Chánh Pháp Nhãn Tạng hay “Vĩnh Bình Thanh Quy” trong
Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 5 và “Phó Chúc Phạn Pháp”
Thiền Sư dùng
ngôn ngữ của Kinh nầy để
thuyết pháp. Ngay cả, khi
trả lời vấn đáp Tông
Tào Động thường
sử dụng những
từ ngữ trong Kinh nầy.
IV.4.3.8
Kinh Niết Bàn – Nehangyo
Kinh Niết Bàn gồm có hai bản: Kinh
Tiểu Thừa Niết Bàn và
Đại Thừa Niết Bàn, đều gọi chung là
Kinh Đại Bát Niết Bàn.
Chữ
Niết Bàn xuất phát từ ý nghĩa chính, sự
nhập diệt của Đức Thích Tôn
chuyển đổi thành sự dập tắt lửa
phiền não, chứng được
cảnh giới giác ngộ. Thời Bắc Lương, Trung Hoa, Ngài
Đàm Vô Sấm dịch Kinh Niết Bàn ra chữ Hán tổng cộng 40 quyển, gọi là Bắc Bổn thường được dùng để
so sánh các bản khác, bởi vì
bản kinh nầy
tiêu biểu của
Phật Giáo Đại Thừa trình bày Đức Thích Tôn
nhập diệt là
trở về với
Pháp Thân Thường Trụ, được gọi là Phật, luôn luôn
tồn tại một cách
vĩnh viễn. Kinh nầy cũng nói: “Nhứt thiết
chúng sanh giai hữu Phật tánh“ như lời minh định rằng mọi
chúng sanh đều có
Phật tánh.
Chúng ta cũng tin rằng mình có
Phật tánh,
giữ gìn Phật tánh ấy, đồng
một thể với Phật. Kinh
cho biết có một
tự tánh chân thật tồn tại trong đời sống nầy đó là
thế giới Phật, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà ta thường vui với sự
thanh tịnh ấy.
Cả
Phật Giáo Trung Hoa và
Phật Giáo Nhật Bản đều
tôn trọng việc
hành trì kinh nầy.
Thiền Sư Đạo Nguyên cũng trích dẫn nhiều thuật từ của Kinh vào
Chánh Pháp Nhãn Tạng như: Phật-Tánh, hoặc
Nhứt Thiết Chúng Sanh Giai Hữu
Phật Tánh v.v... và phân tích
chú giải Kinh nầy theo
kiến giải sáng tạo, độc đáo,
tung hoành vô tận.
Ngoài ra, còn
sử dụng những
ngôn từ như: Chư Ác Mạt Tác; Vương Tác
Tiên Đà Bà,
Tứ Mã,
Phát Bồ Đề Tâm,
Cúng Dường Chư Phật,
Quy Y Tam Bảo v.v...
IV.4.3.9 Kinh
Di Giáo – Yuihyogyo
Kinh nầy chỉ có một quyển còn gọi là Phật Thùy
Bát Niết Bàn Lược Thuyết
Giáo Huấn Kinh, do
Ngài Cưu Ma La Thập dịch ra chữ Hán. Theo phân loại, Kinh thuộc về
Kinh Điển Tiểu Thừa, thuộc
Kinh Tập Bộ, cũng có khi xếp vào
Niết Bàn Bộ. Kinh nầy ghi lại những lời dạy
cuối cùng trước khi Đức Thích Tôn
nhập diệt, Ngài khuyên rằng sống trong cõi
vô thường, giả tạm nầy không được lười biếng, phải
tinh tấn,
giữ giới và
chế ngự dục vọng, như lời dạy có
tính cách vĩnh viễn. Kinh còn chỉ cho thấy
vấn đề tại sao
cố gắng sớm
được giải thoát. Trong
Chánh Pháp Nhãn Tạng Thiền Sư Đạo Nguyên trích dẫn kinh nầy ở phần Bát Đại Nhơn Giác và
Vĩnh Bình Quảng Lục quyển thứ 5,
đặc biệt Thiền Sư Đạo Nguyên soạn Bát Đại Nhơn Giác ở cuối đời. Ngài trích dẫn từ Kinh
Di Giáo dạy rằng:
1. Hãy
thiểu dục,
2. Biết đủ,
3. Mong được yên lặng,
4. Hãy
tinh tấn,
5. Hãy
thủ hộ pháp đừng có
vọng niệm,
6. Tâm
an thiền định,
7. Tu
trí tuệ,
8. Đừng rơi vào
hí luận.
Tất cả được gọi là 8 đức
giáo huấn cho chúng
đệ tử.
Thế cho nên, Tông
Tào Động đọc tụng Kinh
Di Giáo trong
Lễ Hội Niết Bàn ngày 15 tháng 2 mỗi năm, còn những khi
Tín Đồ quá vãng,
đọc tụng Bát Đại Nhơn Giác một cách trầm lắng xúc cảm. Những ngày 29 tháng 9, giỗ kỵ
Thiền Sư Đạo Nguyên hằng năm, bản văn nầy được ấn tống, biên chép,
đọc tụng v.v...
IV.4.3.10
Kinh Phạm Võng - Bonmogyo
Kinh nầy
gồm có hai quyển gọi là
Kinh Phạm Võng, hay Lô Xá Na
Phật Thuyết Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm, quyển 10 hoặc
Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, do
Ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thế kỷ thứ 5. Ở Trung Hoa, có thuyết cho là ngụy Kinh. Nguyên
nghĩa Tâm Kinh Phạm Võng nghĩa
ẩn dụ quan điểm ý kiến của
chúng sanh như mắc võng, song từ những
ý kiến đó,
Đức Phật chỉ chỗ cao tột của Tâm. Quyển thứ nhất trình bày 40 loại tâm trong quá trình
tu hành chuyển hóa theo
tâm cảnh Bồ Tát. Quyển thứ hai trình bày 10 giới quan trọng và 48 giới thông thường, cho rằng Giới
Bồ Tát là mẹ của Chư Phật và tường thuật về
Chủng Tử Phật-tánh. Nội dung quyển thứ hai được xem là
tư tưởng Bồ Tát Giới. Đối với
Phật Giáo Nhật Bản, Kinh nầy có
ảnh hưởng rất lớn, chính
Thiền Sư Đạo Nguyên trình bày 10 giới quan trọng nầy trong phần
Thọ Giới của
tác phẩm Chánh Pháp Nhãn Tạng.
Tuy nhiên cũng có đôi chút khác biệt song vẫn
dựa vào căn bản Kinh nầy. Hơn nữa, những phần như “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Lễ Bái Đắc Tủy” và “Tẩy Diện” cũng được trích dẫn từ Kinh nầy.
IV.4.3.11
Kinh Địa Tạng – Jizogyo
Kinh Địa Tạng gồm có hai quyển, gọi đầy đủ là “Địa Tạng
Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh“, do Ngài
Thật Xoa Nan Đà dịch, song Kinh nầy cũng được cho rằng
xuất phát “Đại Thừa Đại Tập
Địa Tạng Thập Luận” có 10 quyển ở Trung Hoa, do Ngài
Huyền Trang dịch, mà có thể từ bản văn nầy hình
thành Kinh Địa Tạng. Có thuyết khác cho rằng từ bản
văn Kinh Diên Mạng
Địa Tạng Bồ Tát, một quyển do Ngài
Bất Không dịch, nhưng cũng có thuyết cho rằng Kinh nầy được soạn tại Nhật. Trong
kinh Địa Tạng,
Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện cho đến khi nào trong
địa ngục không còn
chúng sanh cho đến khi đó Ngài mới
thành Phật. Ai bất hiếu với
cha mẹ, giết cha, giết mẹ, tạo các
ác nghiệp, sẽ đọa vào
địa ngục sau khi chết, nếu
xưng danh Bồ Tát Địa Tạng và
thành tâm,
thành kính tụng Kinh Địa Tạng, thậm chí
chí thành nghe Kinh, tội cũng tiêu mất. Kinh còn
cho biết ai ai cũng được
lợi ích, cho nên người Nhật tin cả
Bồ Tát Quan Thế Âm và
Bồ Tát Địa Tạng và
xem như hai vị là
biểu tượng tín ngưỡng dân gian, gần gũi và
mật thiết. Ngày Vía
Bồ Tát Địa Tạng, các
tự viện thuộc Tông
Tào Động đều tổ chức
lễ kỷ niệm trang nghiêm và
thanh tịnh.
IV.4.3.12
Cam Lồ Môn – Kanromon
Bản văn
Cam Lồ Môn chỉ có một quyển. Chữ
Cam Lồ ẩn dụ lời dạy của
Đức Phật ngọt ngào như giọt sương mai và
đồng thời chữ Môn có nghĩa là
nhập môn, vào cửa
Đạo học Phật. Bản văn còn gọi là Cải Chánh Thí
Ngạ Quỷ Tác Pháp.
Thiền Sư Diện Sơn Đoan Phương – Menzan Yuiho, một trong những
học Tăng thời Giang Hộ
biên soạn và ghi thêm những
Đà La Ni vào
nghi thức Thí Thực trong
Thanh Quy của
Thiền Sư Oánh Sơn, tên là
Cam Lồ Môn. Ở các
tự viện thuộc Tông
Tào Động mỗi ngày đều có khóa lễ buổi tối vào dịp trước và sau
Đại Lễ Vu Lan,
tụng Kinh nầy và
hành pháp Đại
Thí Thực, với
mục đích chính là
bố thí cho chư hương linh và
ngạ quỷ đồ
ăn uống.
Các Loại Đà La Ni
Đà La Ni là dịch âm từ chữ dharani, tiếng Sanskrit, nghĩa là không làm việc ác, hãy làm
việc lành,
ngoài ra còn nhiều
ý nghĩa thâm sâu khác nữa. Những câu chú ấy khi được trì tụng có
công năng tiêu trừ ma chướng,
đạt được lợi ích. Nếu
lễ bái cũng được
công đức tương tự. Có nhiều loại
Đà La Ni khác nhau, ở đây sẽ chọn một vài bài Chú mà Tông
Tào Động thường
đọc tụng.
IV.4.3.13
Đại Bi Tâm Đà La Ni – Daihi Shindarani
Bản văn nầy chỉ có một quyển, còn gọi là “Thiên Thủ
Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh”, nói
tóm tắt là “Chú Đại Bi”, do Ngài
Già Phạm Đạt Ma dịch ra chữ Hán,
vào khoảng thế kỷ thứ 7. Nội dung chú nầy là
quy y Tam Bảo,
lễ bái Đức
Quán Tự Tại Bồ Tát,
xướng danh Đức
Quán Tự Tại Bồ Tát,
cầu nguyện được
phước đức gia tăng và
vạn sự kiết tường. Tông
Tào Động thường
đọc tụng Chú nầy vào các khóa lễ như:
Chúc Thánh,
Quan Âm Sám Pháp, Khóa Lễ Buổi Sáng và những
nghi thức thông thường khác, bắt đầu bằng câu: Namo Kalatanso Toraya Ya.
Chú Đại Bi giống như
Bát Nhã Tâm Kinh rất gần gũi và
thông dụng. Trong các thời khóa
tụng kinh sáng tại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự và Tổ Viện thường
tụng chú nầy một cách
trang nghiêm, chậm rãi và từ giọng cao
xuống giọng trầm sau khi tụng cho Ngự Lưỡng Tôn.
IV.4.3.14
Tiêu Tai Kiết Tường Đà La Ni – Shosai Myogichijo Dalani
Bản văn nầy chỉ có một quyển.
Đà La Ni nầy rút ra từ “Phật Thuyết Xí Thạnh Quang
Đại Uy Đức Tiêu Tai Kiết Tường Đà La Ni Kinh”, nói gọn là “Chú Tiêu Tai”, do Ngài
Bất Không, đời Đường dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 8. Truyền rằng
Đà La Ni được tụng cho
Bắc Đẩu Thất Tinh (7 vì sao
Bắc Đẩu) và những
tinh tú khác chỉ cho
Uy Đức của
Đức Phật. Ai tụng đọc
Đà La Ni nầy sẽ thoát được
tai nạn và mọi điều luôn được
tốt đẹp. Tông
Tào Động thường
tụng chú nầy trong thời khóa
tụng Kinh buổi sáng tại
Phật Điện hay những lễ
cầu đảo phước lộc và các
nghi thức khác.
IV.4.3.15
Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni – Butsucho Sonsho Dalani
Bản văn cũng chỉ có một quyển, còn gọi
đơn giản là “Tôn Thắng
Đà La Ni”, do Ngài
Phật Đà Bà Lợi dịch ra chữ Hán, khoảng đầu thế kỷ thứ 7. “Phật Đảnh
Tôn Thắng Đà La Ni Kinh“ chuyên chở
Đà La Ni nầy diển tả
Thiện Trụ Thiên Tử khi gặp
Đế Thích Thiên,
cầu xin thức ăn để nuôi sống nhưng không có kết quả, cho nên đến gặp
Đức Phật, thấy Đức Thích Tôn
phóng quang từ đỉnh đầu và chiếu khắp
mười phương, rồi được
thọ lãnh Đà La Ni nầy, tất cả những
chướng ngại đều
tiêu trừ qua
thần lực ấy. Tông
Tào Động tụng Chú nầy khi cúng ngọ, khi cầu phước và những
nghi thức khác.
IV.4.3.16 Lăng Nghiêm Chú – Ryogonshu
Bản văn nầy cũng chỉ có một quyển, do Ngài Bàn Lạt Mật Đế dịch ra chữ Hán
vào khoảng thế kỷ thứ 8, thuộc quyển thứ 7 trong 10 quyển
Đà La Ni dài có tên là “Đại
Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn
Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư
Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh” còn gọi là “Đại
Phật Đảnh Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Đà La Ni”,
thỉnh thoảng còn gọi là “Bạch Tán Cái” (dù che màu trắng), mà tiếng phạn là “Saddha Dhapatara” – nghĩa là “Phật Đảnh”. Chú Lăng Nghiêm nghĩa là
xưng tán chư Phật và nhờ
năng lực từ bi có được từ
thần chú Đà La Ni khởi lên từ
Thiền Định Tam Muội,
hàng phục (
đối trị) những
tà ma khi
tu hành. Từ ngày 13 tháng 5
cho đến 90 ngày (3 tháng sau), trước khi tụng khóa lễ buổi sáng, Tông
Tào Động thường có Lăng Nghiêm Hội, vừa
đi Kinh hành nhiễu Phật vừa tụng
Đà La Ni nầy, để
cầu nguyện cho
chư Tăng đang
tu hành được
bình an vô sự. Vào ngày 15 tháng 2,
Niết Bàn Hội và ngày
lễ Vu Lan Đại
Thí Ngạ Quỷ Hội v.v... đều
đọc tụng Kinh nầy.
IV.4.3.17
Lý Thú Phần Của
Đà La Ni
Trong
Lý Thú Phần của
Đà La Ni gồm có bốn loại.
IV.4.3.17.1
Thập Lục Thiện Thần Vương Chú – Juroku Zenjin Osjiu
Đà La Ni do Ngài A Địa Cù dịch ra chữ Hán, trong phần “Đà La Ni Tập Kinh”.
Đà La Ni nầy là
quy y Tam Bảo,
chư Thiên, Thần, Vương, Nữ v.v...., ai
kính lễ,
cầu nguyện sẽ được
thành tựu, bởi vì khi trì tụng
Đà La Ni nầy, có 16
Thiện Thần hiện ra để cứu giúp.
IV.4.3.17.2 Đại
Bát Nhã Ba La Mật Đa Đà La Ni – Daihannya Haramitsuta Dalani
Đà La Ni nầy có
công năng xưng bái Đức Thích Tôn,
tán dương Bát Nhã Ba La Mật Đa Phật Mẫu và
ca ngợi Đại
Bát Nhã, ai trì
tụng chú nầy sẽ
hàng phục ma chướng, không còn
dục vọng và sớm
chứng ngộ.
IV.4.3.17.3
Bát Nhã Thông Minh Đà La Ni – Hannya Somyo Dalani
Đà La Ni có
công năng xưng tán Phật Mẫu, ai trì tụng
Đà La Ni nầy, sẽ
tiêu trừ nghiệp chướng, thường được gặp Phật và sớm được
chứng ngộ.
IV.4.3.17.4
Bát Nhã Văn Trì Bất Vọng
Đà La Ni – Hannya Monji Fumo Dalani
Đà La Ni nầy có
công dụng để
xưng tán Phật Mẫu, ai trì tụng sẽ
tiêu trừ chướng ngại, không quên những
lời Phật dạy và sớm
chứng ngộ.
IV.4.3.18
Xá Lợi Lễ Văn – Shari Raimon
Bản văn chỉ có một quyển, song không có trong “Tào Động Tông Tông Chế”. Hơn nữa không phải là
Đà La Ni, nhưng Tông
Tào Động thường
đọc tụng ba biến hay nhiều biến lúc hỏa tán, chôn cốt, lấy cốt hoặc
đốt hương bột, hoặc
lễ Phật Niết Bàn vào ngày 15 tháng 2,
đồng thời nhứt tâm đảnh lễ Đức
Thích Ca Như Lai, mà
ý nghĩa của
lễ bái là ta với Phật đồng
một thể. Nhờ
năng lực gia trì của Phật,
sở nguyện ta chơn thật sớm
thành tựu, đắc
đại trí tuệ.
Xá Lợi còn có nghĩa là cốt của
Đức Phật, ở đây thay thế bằng xương cốt của
Đệ Tử Phật hoặc
Đàn Tín Đồ. Lúc
Thiền Sư Đạo Nguyên nhập diệt,
trà tỳ các
Đệ Tử và các
Tín Đồ truyền đọc và
xướng lễ bài
Xá Lợi lễ văn nầy, do Ngài
Bất Không đời nhà Đường, Trung Hoa
biên soạn, song cũng có nhiều thuyết cho là không phải.
IV.4.4
Giải Thích Về
Ngữ Lục
Căn cứ vào Tông Điển của Tông
Tào Động như chương trước đã thấy. Ở đây lược bớt và
giải thích như sau.
IV.4.4.1
Tham Đồng Khế - Sandokai
Bản văn chỉ có một quyển, do
Thiền Sư Thạch Đầu Hi Thiên – Sekito Kisen trước tác. Ngài là một
Thiền Tăng Trung Hoa, thời nhà Đường, sống vào thế kỷ thứ 8,
trước tiên là học trò
Lục Tổ Huệ Năng, nhưng về sau học Thiền và
đắc pháp với
Thiền Sư Thanh Nguyên Hành Tư, Cao Đệ của
Thiền Sư Huệ Năng trở thành Tổ thứ 8 của
Thiền Tông Trung Hoa. Bây giờ, tượng của
Thiền Sư Thạch Đầu được
phụng thờ tại
Đại Bổn Sơn
Tổng Trì Tự.
Tham Đồng Khế có 220 chữ, là một bản văn ngắn hầu hết là
kệ tụng bằng thơ. Với nghệ thuật dùng thơ Ngũ Ngôn (năm chữ một câu, hai câu một vần)
diễn đạt Giáo Lý của
Phật Giáo, bản văn
toàn bộ có 44 câu như một
cổ thi. Đầu đề là “Tham” chỉ
thế giới hiện thực sai biệt. “Đồng biểu hiện tính
bình đẳng chơn thật của
thế giới. “Khế” nghĩa là khế hợp Tham và Đồng với
thế giới lại, nghĩa là
tự tánh chân thật thể hiện qua
đời sống của Thiền, bắt đầu bằng câu:
“Tâm
Đại Tiên Thiên Trúc,
Bí truyền Tây sang Đông”
Nghĩa là Đức Thích Tôn
giác ngộ và
hoằng dương Chánh Pháp tại
Thiên Trúc,
Ấn Độ.
Giáo Pháp ấy được chư vị
Tổ Sư truyền thừa nhau và truyền sang đất nước Trung Hoa ở phía Đông.
“Âm thanh luôn ngời sáng,
Trước sau bước chân đồng”
Nghĩa là những
hiện thực sai biệt làm sáng lên
tự tánh chân thật bình đẳng qua từng tiếng nói từng bước chân.
Mọi vật tồn tại trên
phương diện tương đối như khi bước đi, chân trước và chân sau khác nhau ở chỗ trước sau, nhưng dù sao đi nữa cũng là một bước, mà
chân không bao giờ
phân biệt chân trước và chân sau.
“Gắng
tu trì Chánh Pháp,
Ngày tháng chẳng luống qua.”
Nghĩa là hãy
cố gắng tu trì và
quý mến những ai cầu học tinh tủy
Phật pháp, không để
thời gian trôi qua lãng phí.
TôngTào Động bắt buộc tụng phần nầy tại
Tổ Đường trong thời khóa buổi sáng, thời
Lịch Đại Trụ Chúc và giỗ chư vị
Tổ Sư, cũng giống như tụng “Bảo Kính Tam Muội”. Thật sự, không biết bắt đầu từ lúc nào việc trì tụng nầy
trở thành thường xuyên vào mỗi sáng. Trong “Vĩnh Bình Quảng Lục” quyển 1, 3, 4, 5, 8 phần “Vĩnh Bình Thanh Quy”, “Chúng Liêu Châm Quy”, “Chánh
Pháp Nhãn Tạng”, “Phật Tánh”, “Phật Đạo”, “Gia Thường”, “Phật Hướng Sự Thật”,
Thiền Sư Đạo Nguyên có đề cập đến.
Ngoài ra, trong “Tham Đồng Khế”,
Thiền Sư Thạch Đầu bắt
đầu phần “Thảo Am Ca” sau đó viết nhiều
câu chuyện đời thường của
Thiền Sư.
IV.4.4.2
Bảo Kính Tam Muội – Bokyo Zanmai
Bản văn nầy cũng chỉ có một quyển, do
Thiền Sư Động Sơn Lương Giới – Tozan Ryokai
biên soạn.
Thiền Sư Động Sơn sống vào thế kỷ thứ 9, đời Đường, Trung Hoa,
đắc pháp với
Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiêm trở thành vị Tổ thứ 11 của
Thiền Tông Trung Hoa, được
tôn kính là vị Tổ của Tông
Tào Động.
Bảo Kính Tam Muội còn gọi là
Bảo Kính Tam Muội Ca gồm có 94 câu mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 376 chữ, thành một tập thơ nhỏ, với tựa đề
Bảo Kính Tam Muội, ý nói
Bảo Kính và
Tam Muội để
trang nghiêm việc
tu hành. Kính ấy
trong suốt, sạch sẽ và chiếu soi tất cả tâm của
chúng ta khi có
Tam Muội. Nội dung tập thơ
diễn tả việc
Tọa Thiền, như:
“Pháp
chân thật ấy.
Phật Tổ mật giao,
Giữ gìn cẩn thận,
Bây giờ truyền trao”
Nghĩa là từ
Ấn Độ, Đức Thích Tôn truyền trao
Phật pháp chân thật cho các vị
Tổ Sư, Chư
Lịch Đại Tổ Sư mật truyền cho nhau
cho đến bây giờ
chúng ta được thọ nhận mang vào thân, phải
giữ gìn cẩn thận. Đây là những câu thơ đầu, sau đó
tiếp theo:
“Hiện trên
Bảo Kính,
Hình ảnh của mình,
Đầy đủ năm tướng
Xinh hoặc chẳng xinh“
Nghĩa là khi đứng trước tấm kính quý ấy, hình của ta
hiển hiện hoàn toàn dù chỉ là một bức ảnh, bởi vì mình chẳng phải là ảnh mà ảnh chỉ là ảnh mà thôi, nhưng bức ảnh ấy
hiển hiện đầy đủ năm tướng một cách
tự nhiên xinh hoặc chẳng xinh.
“Ai
xa lìa dục,
Trang nghiêm đoan chánh,
Như cây cỏ dại,
Dù ba hay năm
Cùng gốc
Kim Cang.”
Một khi lìa khỏi
tham dục, tâm trở nên
trang nghiêm đoan chánh. Như bụi cỏ dại dù có ba hoặc năm vẫn
cùng chung một gốc cỏ.
Con người cũng vậy dù
biến đổi thành nhiều bộ mặt khác nhau nhưng tất cả chỉ là
biến đổi trên
hình thức mà thôi, song tâm vẫn
cùng chung một gốc như nhau.
“Vượt qua tình thức,
Không thể nghĩ bàn.”
Nghĩa là tâm như tấm kiếng. Nhờ
năng lực Thiền Định, tâm
vượt qua khỏi tình, thức, không thể nghĩ bàn.
“Tương tục
tương tục,
Thật ông chủ mình.”
Nghĩa là người tu được ánh sáng
Phật Pháp chiếu soi, thấy được chủ nhân mình.
Thiền Sư Đạo Nguyên không trực tiếp trích dẫn “Bảo Kính Tam Muội” nhưng
ngôn từ của
Thiền Sư Động Sơn được trích dẫn vào các phần
Khán Kinh,
Thần Thông,
Phật Hướng Thượng Sự,
Hành Trì,
Vô Tình Thuyết Pháp, Xuân Thu,
Vĩnh Bình Quảng Lục v.v....của
Chánh Pháp Nhãn Tạng, quyển 1, 3, 5, 6, 7, 9, tường thuật trong
Tông Chỉ. Thật là một
Ngữ Lục rất sâu sắc! Như
Tham Đồng Khế, bản văn nầy được tụng trong khóa
tụng Kinh sáng ở
Tổ Đường hoặc những ngày giỗ kỵ
Tổ Sư.
IV.4.4.3
Tín Tâm Minh – Shinjinmei
Bản văn chỉ có một quyển, do
Thiền Sư Giám Trí
Tăng Xán trước tác.
Thiền Sư Giám Trí
Tăng Xán là một
Thiền Tăng rất
nổi tiếng sống vào thế kỷ thứ 6, đời nhà Đường, Trung Hoa
trở thành vị Tổ thứ ba của
Thiền Tông.
Tác phẩm “Tín Tâm Minh”
gồm có 146 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng là 548 chữ, là một
Ngữ Lục quý giá trong
thời kỳ đầu
Thiền Tông Trung Hoa. Tựa đề “Tín Tâm Minh” có
tín tâm nghĩa là
chơn tâm và minh nghĩa là khắc chữ vào, như là:
“Chí đạo không khó,
Chỉ ngại chọn thôi.”
Nghĩa là
Phật pháp như
con đường lớn, đến với
con đường đó không phải là việc khó, chỉ cần buớc tới và
buông bỏ tất cả những
ham muốn thích hay không thích bằng
như tự ngã.
Bắt đầu:
“Đây chẳng
suy nghĩ,
Phân biệt không lường.”
Nghĩa là Thiền không phải là
thế giới của thích hay không thích. Ai còn dùng
phân biệt để suy lường không thể nào suy lường được.
Hay:
“Dứt bặt
ngôn ngữ,
Đến đi chẳng còn”
Nghĩa là Thiền là
thế giới của
chơn tâm, không thể dùng
ngôn ngữ để
diễn đạt được, cũng không thể dùng
đơn vị đến đi để
diễn đạt thời gian tồn tại của
chơn tâm như:
quá khứ,
hiện tại và
vị lai nữa.
Thiền Sư Oánh Sơn là người Nhật đầu tiên
chú giải bản văn “Tín Tâm Minh” nầy với tựa đề “Tín
Tâm Minh Niêm Đề”.
IV.4.4.4
Chứng Đạo Ca – Shodoka
Bản văn cũng chỉ có một quyển; do
Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác – Yoka Genkaku
biên soạn.
Thiền Sư Vĩnh Gia là một
Thiền Tăng, sống vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8, đời nhà Đường, Trung Hoa. Ngài tìm gặp được
Lục Tổ Huệ Năng, xin thỉnh Pháp. Qua vài lần
vấn đáp với Tổ, Ngài
ngộ Thiền Cơ, được
truyền Pháp. Ngài
chỉ trú tại ngôi chùa Ngài
Huệ Năng đang ở một đêm thôi và
hoàn thành tác phẩm Chứng Đạo Ca.
Chứng Đạo có nghĩa là ngộ lý đạo. Ca gồm 247 câu ca có tổng cộng 1714 chữ.
“Ngươi thấy chăng những người vui đạo,
Vui niềm vui
tuyệt học vô vi.”
Nghĩa là nhà ngươi không biết chăng bất cứ học nào cũng chẳng còn
cần thiết, hãy sống
tự do tự tại mới thật là người
nhàn rỗi.
Bắt đầu vào:
“Chơn chẳng tìm cầu, vọng chẳng trừ,
Hai pháp là không, tướng chẳng như. ”
Nghĩa là chẳng cần tìm cầu để ngộ lý chơn thật,cũng đừng
khổ tâm để đoạn trừ
mê vọng. Vì sao? Vì rõ biết tự thể của hai pháp là không, vốn là
vô tướng.
Sau đó:
“Ống ngắm, người nhìn chưa thấy rõ,
Giúp người Ta chỉ rõ thật hư.”
Nghĩa là người dùng ống nhòm để nhìn
Phật Pháp, làm sao thấy được
Phật Pháp rộng lớn
vô biên, mà
thật tế không thể lấy gì sánh được. Bây giờ để giúp người, Ta sẽ
giải thích thêm
một lần nữa để thấy
rõ ràng.
Chứng Đạo Ca hay nói rằng:
Đi cũng Thiền, ngồi cũng là Thiền.
Hay nói:
Ánh trăng vằng vặc trên sông ấy
Mấy cội tùng khua gió lao xao
Thăm thẳm đêm thu trôi
lặng lẽ
Mênh mông không chỗ để nương vào.
Hay nói:
Cội nguồn
tự tánh là
Chơn Phật.
Nghĩa là cội nguồn
tự tánh vốn là Phật rồi.
Tuyên bố nầy
trở thành một trong những câu nói
nổi tiếng, mà từ xưa
đến nay các
Thiền Tăng thích
đọc tụng và không chỉ
sử dụng như Pháp Ngữ
dẫn đường mà còn
tham khảo khi làm thơ. Nhiều người rút ra từ đây nhiều bài học
giá trị khác nhau như trong phần
Hành Trì của
Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Thiền Sư Đạo Nguyên giới thiệu Chứng Đạo Ca và
ca ngợi Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác rất nhiều.
Tăng lữ và
Tín Đồ Tông
Tào Động thường
đọc tụng bản văn nầy trong những
Phật sự cúng dường.
Ngoài ra, trong những
đạo tràng tu Thiền, các vị
Pháp Sư vẫn thường
giảng nghĩa tác phẩm để làm
sáng tỏ Tông Chỉ của Thiền.
Tác phẩm cũng là những bài học chính trong các Hội
Tham Thiền.
Hơn nữa, nên
tham cứu “Thiền Tông,
Độc Kinh Nhập Môn“ của
Đại Pháp Luân Các tuyển chọn và phát hành, tìm
tác phẩm nguyên văn
Thánh Điển đối chiếu với bản dịch
ngôn ngữ hiện đại để rõ thêm.