Lời tác giả
Mấy ngày đi lễ chùa đầu xuân Mậu Tuất, tôi được phước duyên hầu chuyện chư vị tăng nhân trú trì, và thật cảm kích khi được quý Thầy quan tâm thăm hỏi rất kỹ về "nghề văn nghiệp bút" của mình trong mấy năm qua, mấy năm mà tôi đã tuyên bố "dần dần rửa tay gác bút Báo Đời, chuyển hướng phụng sự Báo Đạo".
Đặc biệt, khi nghe tôi thổ lộ tâm sự, kể về "cái sự Vô Duyên" của tập bản thảo "Động Cửa Thiền" (ĐCT), hoàn tất chỉnh chu từ năm 2010 cho đến nay đã 8 năm ròng, mà vẫn còn nằm trong hộc tủ im lìm đến mức... tịnh mịch, thì một vị Tỳ Kheo đã thốt lên:
"Gọi duyên cho nó. Sao lại không?"
Gọi Duyên. Những pháp sư thần cơ diệu toán ngày xưa có thuật hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh... còn mình chỉ là một kẻ phàm phu hậu học, bình thường như bao người người bình thường, thì chỉ có nước gào gọi la hét lên giữa dòng đời xuôi ngược, giữa nắng sương mưa gió thôi.
Với tôi, câu hỏi đặt ra là "nên hay không nên", chứ không phải "dám hay không dám". Phàm, làm bất cứ điều gì cũng phải nghĩ trước đến kết quả của nó. Tôi đã nghĩ trước kết quả, biết là sẽ tốt đẹp, tin là sẽ như ý nguyện, nhưng đắn đo chần chừ đã mấy năm qua rồi, vì e ngại bị hiểu sai, hiểu lầm về động cơ, về mục đích của cuộc "gọi duyên" nếu chính mình khởi sự... gọi.
Nay, được Thầy gợi ý, khuyến khích hãy mạnh dạn lên, hãy vô ngại bằng "cái Tâm bằng ba cái Tài" của mình, và hứa sẽ luôn ủng hộ phía sau lưng nếu gặp chướng duyên vướng mắc, nên tôi đã quyết định... gọi.
"Động Cửa Thiền" là truyện ngắn đắc ý nhất của Tâm Không Vĩnh Hữu (TKVH), đã được rất nhiều trang web đăng tải, được vài tổ chức phi chính phủ đưa vào audio & Youtube "đọc truyện", được chuyển thể thành thơ lục bát, được đến 2 nhóm điện ảnh tự ý chuyển thể kịch bản phim để tham dự Liên hoan Phim Ngắn Quốc Tế, cũng được nhiều tác "giả" tự tiện cải tên đổi hiệu lấy làm sáng tác của chính mình, và kỳ lạ thay, ĐCT còn được một vài trang web của Công Giáo đăng tải, như muốn giới thiệu sự vi diệu của giáo lý nhà Thiền Phật Giáo.
"ĐCT" vì vậy được tôi chọn lấy để đặt tên chung cho Tuyển Tập Truyện Ngắn Phật Giáo.
Bản thảo Tuyển Tập ĐCT gồm 35 truyện ngắn được chọn lọc từ hơn 200 truyện của tác giả viết trong suốt thời gian 20 năm, từ năm 1992 đến 2012, đăng trên các báo-tạp chí trong nước từ Bắc chí Nam, ký với các bút danh: Mãn Đường Hồng, Uất Kim Hương, Hồng Mẫu Đơn, Huyền Nữ Dương Chi, Bảo Kiếm...
35 truyện ngắn đã được chọn lọc này đều mang dấu ấn, đượm màu sắc của chánh pháp nhà Phật: từ bi hỷ xả, nhân ái, hiếu thảo, nhẫn nhục, bố thí, khoan dung, đoạn ác tu thiện, thiểu dục tri túc, nhân quả báo ứng... hiển hiện như những phép mầu nhiệm giữa cuộc sống đời thường.
Bìa của Tuyển Tập ĐCT là họa phẩm của Họa sĩ Phượng Hồng, kỷ lục gia vẽ tranh Phật Giáo nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là bức tranh sơn dầu mà họa sĩ đã vẽ tặng Nữ sĩ Trinh Tiên- Tâm Tấn, mẫu thân của tôi, vào dịp sinh nhật của bà, năm 1988, nay còn treo trên vách tư thất.
35 bức tranh đi kèm theo 35 truyên ngắn có trong tuyển tập đều do chính tác giả TKVH vẽ minh họa.
Tập bản thảo Tuyển Tập ĐCT, cùng với đĩa CD chứa file văn bản, đã từng được mang từ Nha Trang vào Sài Gòn, dâng trình và gửi gắm đến tay một bậc cao tăng thạc đức vào năm 2010, với ước nguyện được Hòa thượng đỡ đầu xuất bản thành sách. Nhưng sau đó, vì nhiều lý do ngoài ý muốn, tuyển tập mất duyên.
Năm 2013, tập bản thảo này lại hữu duyên gặp được một Mạnh Thường Quân hứa hẹn hỗ trợ xuất bản thành Sách. Đó là một Việt kiều Pháp, bác sĩ chuyên khoa "Phòng & Phát Hiện Ung Thư. Rồi theo tháng ngày, cái duyên lại lặn chìm, im bặt.
Năm 2014, một người bạn trong giới sưu tầm sách xưa, chuyên viết sách dạng kiến thức tham khảo, đã tình nguyện cầm tập bản thảo Tuyển Tập ĐCT này, tận tình chạy đi gõ cửa một số Nhà Xuất Bản thân quen ở Sài Thành Hoa Lệ, để xin hỗ trợ xuất bản, nhưng rất tiếc, tuyển tập đề tài Phật giáo này lại không có được thuận duyên khai hoa nở nhụy.
Năm 2015, một lần nữa, bản thảo ĐCT được tôi gửi đi “cầu duyên” qua bưu điện đến Chùa Giác Ngộ (TP.HCM), với ước mong được tiếp nhận, trợ duyên xuất bản thành một tác phẩm văn học nằm trong Tủ Sách Phật Học. Nhưng, thời gian trôi đi, tôi không nhận được một tín hiệu hồi âm nào, biết là lại vô duyên nữa rồi.
Vô duyên mấy lượt, nay nghe lời gợi ý của một vị tỳ kheo, TKVH viết bài này, như một bức tâm thư gửi đến tất cả thân bằng quyến thuộc, chư đạo hữu, chư huynh đệ tỷ muội bằng hữu tam kỳ tứ xứ gần xa, để "gọi Duyên về", hợp duyên hợp lực, hỗ trợ tiếp sức cho Tuyển Tập ĐCT, đứa con tinh thần mà TKVH đã ấp ủ cưu mang từ 8 năm qua được chào đời với hình hài một quyển sách mang theo tâm nguyện cúng dường Tam Bảo, đóng góp vào kho tàng văn học Phật Giáo nước nhà.
"Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" (Truyện Kiều -Nguyễn Du)
Tôi đã mạnh dạn phát tâm và khởi sự gọi duyên. Đây không phải là một cuộc vận động quyên góp tài lực để "mượn đầu heo nấu cháo" như trên thương trường lắm mưu mẹo hơn thua, càng không phải là một cuộc bán- mua văn hóa phẩm, mà chỉ là sự kết nối tình cảm giữa những người mến quý nhau, giữa những tâm hồn đồng điệu yêu văn chương thi phú, và đặc biệt là giữa những cái Tâm thành tín tôn kính Chánh Pháp của nhà Phật.
Tuyển Tập Truyện Ngắn Phật Giáo ĐCT đang được quý độc giả cầm trên tay, là nhờ sự trợ duyên, hộ trì của chư tôn đức các chùa Kim Sơn Sắc Tứ, Kỳ Viên Trung Nghĩa (Nha Trang-Khánh Hòa), Tu Viện Quảng Đức (Úc Đại Lợi), cùng sự khích lệ cổ vũ, động viên chia sẻ, hùn góp của đông đảo đạo hữu, anh chị em thân bằng quyến thuộc, bạn bè thi văn, huynh đệ tỷ muội kết nghĩa của tác giả ở khắp mọi miền gần xa.
Với vị trí là người chấp bút viết ra những truyện ngắn trong tuyển tập, một người con Phật thuần thành, TKVH cúi đầu đảnh lễ cung kính tạ ơn chư tôn đức, tri ân toàn thể mọi người đã góp duyên trợ lực cho Tuyển Tập ĐCT thành tựu như ý nguyện.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát ma ha tát!
Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu Mậu Tuất 2018
Tâm Không Vĩnh Hữu
Lời giới thiệu
Viết lời giới thiệu cho một tác phẩm văn học là việc làm không chuyên, tôi nhận lời mời của tác giả, đây quả nhiên xuất phát từ tình cảm tình, cảm cái tâm trung kiên với đạo, và chí hướng phụng sự.
Ba mươi lăm truyện ngắn được tuyển hợp thành một tập, lấy tựa đề một truyện làm tựa sách Động Cửa Thiền, trong rất nhiều truyện ngắn mà tác giả đã viết qua nhiều năm, được nhiều báo, tạp chí, trong và ngoài nước đăng tải.
Động Cửa Thiền nếu chưa đọc, chỉ nghe thôi, và cảm nhận đã có hương vị đạo. Đạo ở đây là con đường giác ngộ; là điểm tựa tâm linh, tác giả đã ân hưởng được một cội nguồn sâu xa, trong một gia đình nhiều đời lấy nếp sống đạo giải thoát làm cung bậc tư duy và tạo dựng an lành giữa cỏi đời mênh mông. Do vậy, đọc hết trọn vẹn tuyển tập truyện ngắn Phật giáo này, người đọc sẽ cảm nhận được hương vị đạo giải thoát len lỏi trong từng tư duy và hành xử rất gần với đời sống thực tại, chứ không phải xa vời và tách biệt với cuộc đời, tựa như ý niệm đạo với đời hoà quyện như nước với sữa, qua tâm bút tác giả đã mang đến:
“…
- Tội nghiệp ghê hén. Ai biểu mày ưa ăn cắp vặt, rủ rê bày vẽ cho thằng em tao “chôm chỉa” của hàng xóm, nên má tao mới cấm cản!
- Em tu rồi mà!
Bật cười, xoa đầu tóc thằng Cầu cho rối bời lên, anh Tư nói:
- Tu rồi hả? Mày mà tu rồi thì cả xóm này đêm ngủ khỏi cần đóng cửa cài then làm gì! Thôi được rồi, nếu mày đã biết ăn năn tu sửa thì không ai ngăn cản gì nữa đâu. Đứng đây chờ tao, tao vô nhà kêu thằng Kính ra cho!...” ( Chuông vọng đêm trường).
Phật dạy rồi, con người có Phật tánh, có tánh giác ngộ, phải tin tưởng chứ một khi nó biết tu, mà không khéo nó nhanh đạt đạo hơn người hiền lương, vì nó biết nỗ lực sau khi ngộ.
“
... Tôi cảm nhận, thấy và nắm bắt, sờ mó được sự mầu nhiệm của cuộc sống. Sự mầu nhiệm ấy không ở đâu xa, không phải ở trên trời cao xa vời huyền ảo, mà ở ngay nơi từng cơn gió trong lành thổi qua mặt mũi mình, hay ngay trong từng đêm trăng sáng vằng vặc soi rọi xuống những con đường đất ở vùng quê yên ả mình đang đi qua, và ngay nơi từng chén cơm chay của nhà chùa chỉ toàn là rau dưa, muối ớt, đậu hủ, tương chao… Bình dị nhưng đầy đủ, thanh đạm mà thanh tao, không lo lắng ưu phiền, không ham muốn khát vọng để rồi phải chật vật hối hả chạy theo cho kịp thiên hạ. Trăng thanh gió mát không tốn tiền, cơm chay thiểu dục tri túc, được làm việc đúng với sở trường của mình, sự mầu nhiệm của cuộc sống nằm những nơi ấy….” ( Cuộc sống mầu nhiệm).
Có gì hạnh phúc và giá trị hơn trong cảnh giới này, bằng con người có những giây phút, thời gian sống đúng nghĩa, thật với chính mình, và ngay trong thực tại đang là….. Tất cả con người đều tìm kiếm hạnh phúc, mà hạnh phúc phải chăng là thời điểm con người không bị ràng buộc bởi cơm áo gạo tiền, bởi hơn thua tủi nhục, bởi phiền não vây kín và bởi sự thôi thúc của dục tình tràn ngập.
Cứ đọc đi, đọc hết, rồi chúng ta sẽ có được nhiều phút giây nhẹ nhàng, đạo vị của tâm hồn, tinh thần sẽ được cởi trói những cố chấp, biết yêu thương và đồng cảm hơn cho muôn ngàn số phận, thanh thản giải quyết được nhiều hệ luỵ trong đời sống, bằng cái tâm yêu đời mến đạo của tác giả.
Đọc truyện đạo không bao giờ đưa chúng ta sống trong sự hệ luỵ yêu thương nhỏ hẹp, chỉ có một sự tiếp biến đó là bừng sáng tâm hồn, theo tinh thần tỉnh thức, đó là giá trị nhân văn và cần hơn nữa những ngòi bút phụng sự như thế.
Xin trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc gần xa.
Huệ Giáo
Trụ trì chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa- Nha Trang
Xem tại đây:
https://thuvienhoasen.org/a14161/truyen-ngan-phat-giao-tam-khong-vinh-huu
- Từ khóa :
- Mãn Đường Hồng