ĂN CHÁNH NIỆM
(Trích từ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
do Hòa thượng Sīllānanda giảng, Sư Khánh Hỷ Soạn dịch)
(Trích từ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
do Hòa thượng Sīllānanda giảng, Sư Khánh Hỷ Soạn dịch)
Cơ thể chúng ta cần thức ăn mỗi ngày, bởi vậy hàng ngày chúng ta cần phải ăn để sống. Thức ăn trở thành một nhu cầu thiết yếu và lớn lao của cuộc sống. Chúng ta phải bỏ ra nhiều thì giờ để ăn, nghĩa là phải tốn thì giờ để kiếm thức ăn, để nấu, để ăn, rồi phải rửa dọn son, nồi, chén, bát nữa. Nhưng không phải mọi người đều ăn một cách tỉnh giác hay sáng suốt.
Một số người ăn kiêng theo sức khỏe của họ, và họ phải trả một số tiền cho việc ăn uống kiêng khem này. Chúng ta được may mắn hơn vì chúng ta biết hành Thiền Minh Sát. Thiền Minh Sát đã dạy cho chúng ta phải ăn một cách thông minh, sáng suốt. Thiền Minh Sát dạy chúng ta phải chú tâm vào mọi tác động bao gồm trong sự ăn. Nhờ chú tâm như thế nên chúng ta có thêm sức khỏe đồng thời có thể đạt được những tuệ giác minh sát do nhờ quán sát xuyên thấu vào bản chất của sự ăn.
Trong kinh Đại Niệm Xứ, có một chương Đức Phật dạy về Tỉnh Giác hay Ý Thức Sáng Suốt. Trong chương này, Đức Phật dạy chúng ta áp dụng tỉnh giác trong khi đi tới, tỉnh giác trong khi đi lui, tỉnh giác trong khi duỗi tay, tỉnh giác trong khi co tay...
“... Tỉnh giác trong khi ăn, uống, nhai, nếm".
Có bốn loại thực phẩm:
- Thực phẩm lỏng có thể uống như cháo.
- Thực phẩm mềm phải nhai như cơm hay thức ăn mềm.
- Thực phẩm cứng hơn phải cắn và nhai nhiều hơn như trái cây, bánh.
- Thực phẩm phải dùng lưỡi mà thưởng thức (nếm, liếm) như mật ong.
Như vậy, có bốn loại thực phẩm: thực phẩm uống, thực phẩm mềm, thực phẩm cứng, thực phẩm dùng lưỡi để tiêu thụ. Đức Phật dạy chúng ta, dầu dùng loại thực phẩm nào, cũng phải tỉnh giác hay ý thức sáng suốt trong khi dùng. Thật ra, muốn có tỉnh giác hay ý thức sáng suốt trong khi ăn, chúng ta cần phải chánh niệm, nếu không có chánh niệm thì không có sự định tâm, không có định tâm thì cũng không có tỉnh giác hay ý thức sáng suốt. Như vậy, một cách cơ bản chúng ta phải chánh niệm vào việc ăn. Những lời hướng dẫn của Đức Phật rất ngắn, chỉ một câu:
“Thầy Tỳ Khưu áp dụng tỉnh giác trong khi ăn, uống, nhai, nếm...”
Chắc chắn rằng Đức Phật dạy nhiều hơn, từng chi tiết trong sự ăn, nhưng điều này không được ghi lại trong kinh Đại Niệm Xứ. Những điều chỉ dẫn của Đức Phật được Đại Đức Ananda, thị giả của Ngài, nhớ và nói lại, rồi được các người kế thừa sau này tiếp nối nhau truyền tụng bằng cách đọc thuộc lòng. Và về sau, người ta viết thành sách gọi là những lời giảng giải linh tinh (rải rác, ngắn gọn). Các nhà chú giải viết ra chú giải, làm sáng tỏ những lời dạy của Đức Phật, rồi truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, trong chú giải có nhiều chi tiết được đưa ra.
Trước khi cố gắng tìm hiểu về tỉnh giác hay ý thức sáng suốt trong khi ăn, chúng ta phải hiểu tỉnh giác hay hay ý thức sáng suốt là gì. Tỉnh giác hay ý thức sáng suốt là sự hiểu biết đúng đắn. Chú giải đưa ra bốn loại tỉnh giác hay ý thức sáng suốt: ý thức sáng suốt về sự lợi ích hay lợi ích tỉnh giác, ý thức sáng suốt về sự thích nghi hay thích nghi tỉnh giác, ý thức sáng suốt về lĩnhvực hay lĩnh vực tỉnh giác, và ý thức sáng suốt về sự không si mê hay không si mê tỉnh giác.
1. Lợi ích tỉnh giác:
Tìm hiểu xem thức ăn mà chúng ta ăn có đem lại lợi ích cho cơ thể, cho sức khoẻ không?
2. Thích nghi tỉnh giác:
Sau khi tìm ra lợi ích của thức ăn, chúng ta coi thử thức ăn đó có thích nghi cho ta không? Có những loại thực phẩm khi ăn ta thấy khó chịu thì thực phẩm đó không thích hợp với ta. Nếu ăn một số loại thực phẩm mà tâm bất thiện khởi sinh, và những tâm sở thiện bị giảm sụt thì đó là thực phẩm hoàn toàn không thích hợp. Như vậy, chúng ta phải tìm xem thức ăn nào có lợi ích và thích hợp, thức ăn nào không lợi ích và không thích hợp. Chỉ khi nào thấy thức ăn vừa lợi ích vừa thích hợp chúng ta mới ăn.
Hai loại ý thức sáng suốt này có thể áp dụng cho người hành thiền và người không hành thiền. Khi hành thiền chúng ta có thể dùng hay áp dụng hai loại ý thức sáng suốt đầu tiên này.
3. Lĩnh vực tỉnh giác:
Có nghĩa là không bỏ hành thiền trong khi ăn. Tức là ăn với chánh niệm hay áp dụng chánh niệm vào những tác động bao gồm trong sự ăn. Đó là điều mà thiền sinh đã làm trong lúc hành thiền.
Khi ăn chúng ta đã làm những tác động gì? Theo những lời chỉ dẫn ghi trong chú giải, trước tiên ta bưng bát cơm lên, rồi cầm muỗng, múc thức ăn vào trong bát, múc muỗng cơm đưa lên miệng, há miệng đút thức ăn vào, nhai và nuốt xuống, thức ăn vào bụng rồi tiêu hóa, và sau đó được cơ thể hấp thụ. Chú giải nói những hoạt động hay những tác động đó chúng ta phải làm trong chánh niệm.
Khi nhìn vào thức ăn, hãy chánh niệm vào sự nhìn. Khi lấy thức ăn để vào bát, hãy chánh niệm ghi nhận hay vừa ghi nhận vừa niệm thầm “lấy, lấy, lấy”.
Khi đưa thức ăn vào miệng hãy chánh niệm ghi nhận hay vừa ghi nhận vừa niệm thầm “đưa, đưa, đưa”
Khi thực phẩm sẵn sàng nuốt xuống hãy chánh niệm ghi nhận, hay vừa ghi nhận vừa niệm thầm “nuốt, nuốt, nuốt”.
Chúng ta chánh niệm như thế được lợi ích gì?
Ngoài việc đem lại kết quả về tinh thần, ăn có chánh niệm còn giúp chúng ta không ăn quá độ. Bởi vì khi ăn bạn ghi nhận từng tác động một thì bạn sẽ không muốn ăn quá mức cần thiết. Nhờ chánh niệm, dần dần khi ăn các bạn thấy đây là gánh nặng. Lúc bấy giờ bạn sẽ không có khuynh hướng ăn quá độ, nhờ đó bạn cải thiện được cơ thể mình và sức khoẻ của mình. Như vậy, ăn chánh niệm đem lại lợi ích cho ta. Khi ăn với chánh niệm bạn phải chú ý vào các tác động nhỏ nhặt bao gồm trong sự ăn nhờ đó bạn đạt được sự tập trung tâm ý. Khi định tâm phát triển, bạn sẽ thấy được bản chất thật sự của những động tác trong sự ăn này. Vậy khi bạn thực hành lĩnh vực tỉnh giác, nghĩa là bạn chánh niệm trên sự ăn và tất cả các tác động bao gồm trong sự ăn. Khi lĩnhvực tỉnh giác chín muồi, có nghĩa là khi bạn đạt được định tâm cao. Bạn bắt đầu thấy một cách đúng đắn các tác động bao gồm trong sự ăn. Bạn bắt đầu thấy được chân tướng của sự vật. Như vậy, bạn có được tỉnh giác thứ tư. Đó là không si mê tỉnh giác.
4. Không si mê tỉnh giác.
Không si mê có nghĩa là hiểu được, hiểu một cách rõ ràng, đúng đắn. Bạn thấy rằng trong sự ăn chỉ bao gồm những yếu tố tứ đại: đất, nước, lửa, và gió. Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với bốn yếu tố này, nhưng ở đây chú giải thêm vào hai yếu tố nữa. Yếu tố thứ năm là hư không, yếu tố thứ sáu là thức tánh. Chú giải nói rằng sáu yếu tố trên đều bao gồm trong tác động của sự ăn. Thật ra, những tác động này không có gì cả mà chỉ là những yếu tố làm chức năng của chúng mà thôi. Khi bạn cầm bát lên, sự cầm này gây ra bởi yếu tố gió, và sự cầm này cũng gây ra bởi tâm hay hoạt động của tâm. Bạn có tâm muốn nắm lên, và do hoạt động của tâm muốn nắm lên, bạn mới nắm lên. Vậy ‘sự nắm lên’ được tạo ra bởi hoạt động của ‘tâm có ý muốn nắm lên’. Khi đã có ý muốn nắm lên thì sự muốn nắm lên này tạo nên yếu tố vật chất là gió trong cơ thể. Tác động này là tác động của yếu tố gió mà ta gọi là sự chuyển động. Thật ra, đó chỉ là sự khuếch tán hay bành trướng của yếu tố gió mà chúng ta gọi là sự di chuyển. Khi chúng ta thực hiện một sự di chuyển thì trong mỗi một tác động đều luôn luôn có yếu tố gió bao gồm trong đó. Bạn nắm lên do lực của yếu tố gió. Bạn đưa thực phẩm lên miệng, bỏ thực phẩm vào miệng; những tác động đó đều là yếu tố gió. Do sự bành trướng hay khuếch tán của yếu tố gió, bạn đưa thực phẩm đến miệng, bỏ vào miệng. Khi bạn làm những tác động này, bạn có thể thấy: Chẳng có gì gọi là cái ngã trong khi ăn. Tất cả đều chỉ là yếu tố gió làm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Chính yếu tố gió đã lấy thức ăn, yếu tố gió đưa thức ăn lên miệng, yếu tố gió đã mở miệng v.v…
Những gì bao gồm trong tác động ăn không phải chỉ có yếu tố gió mà còn bao gồm những yếu tố khác như yếu tố đất. Yếu tố đất có bản chất nhận chịu những gì đặt lên nó. Khi bạn đưa thức ăn vào miệng, khi bạn mở miệng v.v… thì đều có yếu tố đất bao gồm trong đó. Sau khi thức ăn được nhai nhuyễn bởi hàm trên và hàm dưới, rồi được đưa đến bao tử thì cũng nhờ yếu tố gió. Khi thức ăn được đưa vào bao tử tiêu hóa thì sự tiêu hóa này tạo bởi yếu tố lửa. Yếu tố lửa nấu thức ăn và tiêu hóa chúng. Sau đó, thức ăn đã được tiêu hóa chạy xuống ruột cũng được làm ra bởi yếu tố gió. Yếu tố nước làm cho thực phẩm ẩm ướt. Nếu yếu tố nước không làm nhiệm vụ của nó thì thực phẩm trở nên khô vì yếu tố lửa hiện diện. Để giữ cho thực phẩm không cứng, yếu tố nước có nhiệm vụ làm thực phẩm ẩm ướt. Trong tiến trình của sự ăn ta thấy có bốn yếu tố, bốn yếu tố này đã làm chức năng của chúng. Chúng làm nhiều chức năng khác nhau mà chúng ta gọi là ăn. Vì thế, trong tác động của sự ăn, chúng ta không thể thấy cái gì khác hơn là bốn yếu tố. Chúng ta không thấy có một người nào, một 'ngã' nào đang ăn, chỉ có những yếu tố đang thực hiện các chức năng thích ứng.
Trong sự ăn cũng còn bao gồm yếu tố hư không. Yếu tố hư không biểu hiện là một khoảng trống, một con đường, dẫn thực phẩm tiêu hóa vào phần dưới cơ thể. Không có ai cầm một cái cây đẩy thức ăn xuống, đó chỉ là yếu tố gió di chuyển thực phẩm đã được tiêu hóa xuống. Để cho thực phẩm chạy xuống thì yếu tố hư không làm chức năng như một con đường cho thực phẩm đi xuống. Tất cả các tác động bao gồm trong sự ăn, ngay cả lúc đầu như kiếm thức ăn v.v… cũng cần phải có tâm, cần phải có yếu tố hoạt động của tâm cùng làm việc. Như vậy, trong mỗi tác động của sự ăn ta tìm thấy sáu yếu tố đã làm những nhiệm vụ tương ứng. Ngoài sáu yếu tố đó ra, chúng ta không còn tìm thấy cái gì khác.
Khi chúng ta thấy rằng không có cái gì gọi là con người hay một tự ngã đang ăn mà chỉ có sáu yếu tố đang cùng nhau làm nhiệm vụ thì chúng ta có thể nói rằng: chúng ta đã có sự hiểu biết đúng đắn về những tác động trong khi ăn. Sự hiểu biết đúng đắn này chỉ có được khi chúng ta áp dụng chánh niệm vào các tác động trong sự ăn. Khi chánh niệm đã được thiết lập, chúng ta sẽ có định tâm. Khi tâm an tịnh, ổn cố sẽ giúp cho thiền sinh thấy rõ chân tướng.
Khi nước có chất bẩn ta không thể nhìn xuyên suốt qua nó, nhưng khi chất bẩn đã được lắng xuống, nước trở nên trong, chúng ta có thể thấy xuyên suốt qua nó. Cũng vậy, khi có ô nhiễm trong tâm chúng ta không thể thấy sự vật một cách rõ ràng, nhưng khi các chướng ngại trong tâm đã được chế ngự, đã lắng xuống chúng ta bắt đầu thấy sự vật một cách rõ ràng. Khi các chướng ngại đã được bình ổn, lắng xuống, chúng ta đạt được một số định tâm. Khi có định tâm, chúng ta sẽ thấy rõ bản chất thật sự của sự vật. Và khi chúng ta thấy rõ sự vật chỉ là sáu yếu tố làm những chức năng khác nhau vào lúc xảy ra tác động ăn mà không có một tác nhân hay một người nào cả thì chúng ta sẽ có được sự hiểu biết đúng đắn về các tác động của sự ăn.
Sự hiểu biết đạt được xuyên qua sự thực hành, không phải do đọc sách hay do ai nói. Bởi vì chính chúng ta phải thực hành mới thấy được nên chính chúng ta phải cố gắng, không ai có thể cố gắng thay cho chúng ta, không thể nào có chuyện một người thiền mà một người khác được lợi ích. Như vậy, chúng ta phải tự mình giúp cho chính mình. Chúng ta phải hành thiền, phải áp dụng chánh niệm trong tất cả mọi sự việc mà chúng ta đang làm. Chúng ta áp dụng ý thức sáng suốt vào trong tất cả mọi tác động. Đó là lý do tại sao khi hành Thiền Minh Sát chúng ta phải luôn luôn chánh niệm, phải luôn luôn chú tâm vào tất cả những đối tượng nổi bật trong giây phút hiện tại, nhất là trong lúc ăn chánh niệm. Ăn rất quan trọng, vì trong lúc ăn tất cả mọi hoạt động đều nổi bật, bởi thế nên chúng ta phải chánh niệm trong lúc ăn.
Nhưng đây là điều khó khăn đối với những người không có kinh nghiệm áp dụng chánh niệm vào các tác động trong lúc ăn. Những người không có kinh nghiệm chú tâm vào những tác động trong lúc ăn thì có thể cảm thấy chán nản trong khi chú tâm vào các tác động này. Nhưng muốn thấy rõ bản chất thật sự của các tác động trong lúc ăn, chúng ta phải quán sát kỹ càng, chúng ta phải quán sát một cách chánh niệm với ý thức sáng suốt, bởi vì có chánh niệm khắng khít vào đề mục chúng ta mới đạt được sự định tâm. Nhờ có sự định tâm, chúng ta mới đạt được sự hiểu biết đúng đắn về tiến trình của sự ăn. Tiến trình này chẳng có gì khác hơn là sáu yếu tố cùng tham dự trong tiến trình ăn. Sự hiểu biết như thế giúp chúng ta tránh được tham ái, dính mắc vào sự ăn hay vào thức ăn.
Khi tránh được tham ái, dính mắc vào thức ăn là chúng ta loại trừ phiền não trên từng sát na một. Sát na loại trừ phiền não này sẽ dẫn đến tạm thời loại trừ phiền não. Tạm thời loại trừ phiền não cuối cùng sẽ dẫn đến loại trừ phiền não hoàn toàn khi chúng ta đạt đạo quả giải thoát. Để đạt được giải thoát giác ngộ, chúng ta cần thấy rõ bản chất thật sự của sự vật. Chúng ta cần phải loại trừ tham ái đối với vật chất và tâm. Để loại trừ tham ái đối với tất cả hiện tượng có điều kiện vật chất và tâm, chúng ta cần thấy rõ bản chất thật sự của chúng. Để thấy rõ bản chất thật sự chúng ta cần phải quán sát, cần phải áp dụng chánh niệm và tỉnh giác (ý thức sáng suốt) vào sự ăn. Ăn là một phần của cuộc sống chúng ta. Chỉ cần áp dụng chánh niệm vào việc ăn chúng ta có thể xuyên thấu sâu xa vào bản chất của sự ăn. Chúng ta sẽ hiểu rõ rằng chẳng có gì có thể gọi là một con người hay tự ngã đang ăn mà chỉ là những yếu tố đang làm công việc của chúng. Chúng ta đạt được sự hiểu biết đúng đắn nhờ quán sát trực tiếp các tác động bao gồm trong sự ăn.
Bây giờ tôi sẽ đọc cho các bạn nghe những điều giải thích trong chú giải.
“Bên trong chẳng có cái ngã đang ăn. Sự thu nhận thức ăn xảy ra xuyên qua sự bành trướng của yếu tố gió, và yếu tố gió này là kết quả của tâm tác động. Hoạt động của tâm tạo ra yếu tố gió, và do sự bành trướng của yếu tố gió khiến cái tay đặt vào trong bát”.
Khi bạn đặt tay vào trong bát là bạn có ý muốn ăn (nhiều xứ Á Châu người ta thường ăn bằng tay). Bạn đưa tay vào bát lấy cơm, vo thành viên tròn, đưa lên miệng, bỏ vào miệng.
"Qua sự bành trướng của yếu tố gió, yếu tố gió này có nguyên nhân là hoạt động của tâm, khiến cho cái tay đặt vào trong bát lấy cơm, vo thành viên tròn, đưa lên miệng, và miệng mở ra.” Không ai mở miệng cho mình cả. Do tâm khởi sinh ý muốn khiến yếu tố gió đặt tay vào bát lấy cơm, vo tròn, đưa đến miệng, miệng mở ra, và bỏ cơm vào miệng. Hàm trên đứng yên giống phần dưới của cối xay bột, hàm dưới xoay quanh giống như phần trên của cối xay tác động bởi tay quay. Như vậy, thức ăn đã được trộn với nước miếng, được trộn bởi cái lưỡi. Trong tác động của sự ăn, không có ai tham dự vào. Tất cả do hoạt động của yếu tố gió. Yếu tố lửa tiêu hóa thức ăn, không ai nấu nó. Sau khi thức ăn được tiêu hóa, nó biến thành chất thải, không ai dùng cây để vất nó ra ngoài mà do yếu tố gió tống nó ra ngoài.
Tóm lại: “Yếu tố gió đưa thực phẩm vào miệng, yếu tố gió trộn lẫn, nghiền nát, thấm nước, yếu tố gió đẩy nó xuống bụng, tiêu hóa và tống khứ ra ngoài. Yếu tố đất giúp đỡ cho yếu tố gió trong các công tác trên. Yếu tố nước, thấm ướt thực phẩm, giữ nó ở tình trạng ướt. Yếu tố lửa tiêu hóa thức ăn và đưa nó vào bên trong cơ thể. Yếu tố hư không tạo con đường đi để thực phẩm đi vào, yếu tố gió trộn lẫn, và tống khứ ra ngoài. Yếu tố tâm tùy theo sự thích hợp tương ứng tham dự vào mọi nơi”.
(Theo bài pháp về Thực Phẩm của Người Ẩn Cư)
(Theo bài pháp về Thực Phẩm của Người Ẩn Cư)
https://thuvienhoasen.org/images/file/btGtK90W1QgQAONb/hieu-biet-tron-ven.pdf
- Từ khóa :
- Ăn chánh niệm