Thư Viện Hoa Sen

So Sánh Liệu Pháp Tâm Lý Học Hiện Đại Và Liệu Pháp Tâm Lý Học Phật Giáo | Thích Nữ Quảng Minh

02/07/20253:38 SA(Xem: 51)
So Sánh Liệu Pháp Tâm Lý Học Hiện Đại Và Liệu Pháp Tâm Lý Học Phật Giáo | Thích Nữ Quảng Minh

SO SÁNH LIỆU PHÁP
TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI
LIỆU PHÁP TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

Thích Nữ Quảng Minh *

 

 

tam ly hocA. DẪN NHẬP

Ngày nay, con người trên thế giới, có một bộ phận rất lớn đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần, tâm lý. Và càng ngày, số lượng mắc bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh lý càng gia tăng nhanh chóng. Tạm thời gạt qua một bên những nguyên nhân đã dẫn tình trạng này, các ngành khoa học đang từng ngày không ngừng nỗ lực trong việc tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả. Trong đó, tâm lý học trị liệu là ngành có trách nhiệm liên đới nhất.

Cùng với những thành tựu về các học thuyết khoa học và kỹ thuật công nghệ, tâm lý trị liệu hiện đại đã có rất nhiều thành tựu lớn lao trong việc chữa trị cũng như chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân loại nói chung.

Tuy nhiên, việc đi tìm một sự toàn hảo trong một thế giới bất toàn dường như là điều không thể. Tâm lý trị liệu hiện đại mặc dù được sinh ra từ các học thuyết lý luận khoa học mới nhất, cùng với sự giúp đỡ của những thành tựu về công nghệ tối tân nhất, nhưng chung quy vẫn không thể thoát ra khỏi con đường mòn duy lý cố hữu của khoa học vốn thấm đẫm màu sắc của tư duy hữu ngã. Chính vì vậy, cho đến nay, tâm lý trị liệu vẫn chưa thể đưa ra được một phương pháp nào có thể trị tận gốc những nỗi khổ niềm đau của con người.

Trong khi đó, Phật giáo với tư cách như một thực thể hội đủ tất cả những thuộc tính của khoa học, cũng đã đưa ra phương pháp điều trị mang tính đặc thù. Với bản chất hoàn toàn trái ngược với lối tư duy hữu ngã của khoa học nói chung và của tâm lý học trị liệu nói riêng, trị liệu Phật giáo được xây dựng trên nền tảng tư tưởng cơ bản là vô thường, vô ngã. Và do đó, Phật giáo của Phật giáo không bị rơi vào sự khủng hoảng và bế tắc về lý luận cũng như phương pháptâm lý học đang gặp phải. Chính vì vậy, liệu pháp tâm lý Phật giáonăng lực điều trị những căn bệnh về tâm lý của con người từ gốc rễ.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, vì vẫn chưa thoát ra khỏi quan niệm phổ thông cho rằng Phật giáotôn giáo; hơn nữa, bản thân Phật giáo cũng không phải là một ngành khoa học; cho nên, tư tưởng nói chung cũng như phương pháp trị liệu tâm lý nói riêng của Phật giáo chưa được phổ cập một cách rộng rãi, chưa nghiêm túc và chưa có hệ thống.

Thiết nghĩ, nếu muốn đem đến lợi ích cho mọi người ngang qua liệu pháp tâm lý Phật giáo thì việc nên làm đầu tiên là cần bắt đầu từ sự hiểu rõ và thay đổi về nhận thức, tư duy. Nếu có thể đưa liệu pháp tâm lý học Phật giáo ra tham chiếu cùng với liệu pháp tâm lý học phương Tây thì điều này hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành nên một cái nhìn khác khách quan và thuyết phục hơn về tư tưởng Phật giáo nói chung và về phương pháp trị liệu tâm lý nói riêng. Chính vì lý do này, việc so sánh giữa liệu pháp tâm lý hiện đại và liệu pháp tâm lý Phật giáo là một hướng tiếp cận cần thiết và đáng được quan tâm.

B. NỘI DUNG

1. Tâm lý trị liệu hiện đại

1.1. Khái niệm chung

Theo Alexander thì tâm lý trị liệu là “không gì khác hơn ngoài việc áp dụng một cách có hệ thống, một cách có ý thức những phương phápchúng ta áp dụng để ảnh hưởng lên những người sống xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác mà thay vào đó là phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý động học.”[1]

Theo GS Ngô Gia Hy thì tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) là: “Điều trị các vấn đề tâm lý, cảm xúc bằng các phương pháp tâm lý. Trong tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề mà họ mắc phải và thiết lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của quá trình này là giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứhiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh.”[2]

Còn trong Đại cương Tâm lý trị liệu và các trường phái Tâm lý trị liệu lớn, Bs Trịnh Tất Thắng đưa ra khái niệm về Tâm lý trị liệu là “một can thiệp điều trị bằng tâm lý đối với những rối loạn tâm thần, những rối loạn về hành vi, những vấn đề gây ra một sự đau đớn, tuyệt vọng về tâm lý. Mục đích của tâm lý trị liệu là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh thay đổi về nhận thức, cảm xúc, hành vi, nhân cách để thích nghi tốt hơn trong cuộc sống. Đây là phương pháp điều trị chỉ sử dụng những biện pháp tâm lý để điều trị những rối loạn tâm thần và cơ thể.”[3]

Riêng Nguyễn Công Khanh thì lại định nghĩa rằng: “Liệu pháp tâm lý chính là những biện pháp, kỹ thuật trị liệu nào đó đã được chấp nhận và được thực hiện bởi những người có chuyên môn hoặc đã qua những lớp đào tạo, huấn luyện với những ràng buộc đạo đức, nghề nghiệp – pháp lý.[4]

Mục đích của liệu pháp tâm lý là nhằm thay đổi xúc cảm, cảm giác, nhận thứchành vi, những yếu tố đang duy trì trạng thái tâm lý bất ổn của cá nhân. Đó là quá trình tương tác qua lại giữa nhà trị liệu (với tư cách người thầy có kỹ năng, kinh nghiệm được huấn luyện) và thân chủ (là chủ thể đang có những vướng mắc không tự giải quyết được). Trong đó, nhà trị liệu lắng nghe, thấu hiểu, nhạy cảm với những vấn đề của thân chủ thông qua mối quan hệ đồng cảm và bằng kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, giúp tháo gỡ, giải toả những vướng mắc trói buộc về cơ thể, xúc cảm tình cảm, tư tưởng nhận thức do những stress, nếp nghĩ, thói quen tập nhiễm tạo ra. Các liệu pháp tâm lý bao giờ cũng liên quan tới việc sử dụng một hệ thống những biện pháp, những kỹ thuật” tác động, điều chỉnh tiếp cận theo hướng động thái tâm lý. nhận thức–hành vi, hiện tượng học hay hoạt động liên cá nhân… để đạt được những hiệu quả nào đó lên một chứng bệnh hoặc một rối nhiễu tâm trí. Tuy nhiên có những ràng buộc về mặt pháp lý và nghề nghiệp liên quan tới việc thực hành các kỹ thuật trị liệu tâm lý.[5]

Tựu trung lại thì Tâm lý trị liệu là:

Phương pháp không sử dụng thuốc trong trị liệu mà dùng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để điều trị. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho thân chủ thay đổi về nhận thức, cảm xúc, hành vi, để thích nghi trong cuộc sống. Ở đây, có một mối quan hệ được thiết lập giữa nhà trị liệu và thân chủ, và cả hai cùng làm việc để tìm ra giải pháp, giúp thân chủ được giúp đỡ để hiểu biết về bản thânvấn đề của mình, từ đó có thể chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của tự thân.

1.2. Các liệu pháp tâm lý phổ biến

1.2.1. Liệu pháp hành vi (Behavior Therapy hay comportementaliste)

Đây là một trong những phương pháp trị liệu ra đời từ rất sớm. Tiêu biểu có Ivan Pavlov (1849 – 1936), Watson (1878 – 1958), Skinner (1904 – 1990).

Trường phái liệu pháp này quan niệm điều trị chỉ tác động lên các hành vi quan sát được mà không quan tâm đến quá trình tư duy nhận thức, cảm xúc. Liệu pháp này giúp thay đổi các hành vi tự hủy hoại bản thân và những hành vi lệch chuẩn, không lành mạnh.Trong liệu pháp hành vi, chuyên gia sẽ tạo ra các kích thích bằng hành động nhằm thiết lập phản xạ có điều kiện, có thưởng có phạt.

Như vậy, người bệnh sẽ thay đổi các hành vi dị thường của bản thân và có hành vi đúng đắn hơn trong các tình huống của cuộc sống. Phương pháp này được áp dụng cho nhiều rối loạn tâm thầnđặc biệthiệu quả với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng Self-Harm và rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng chất. Trong phương pháp này bao gồm nhiều liệu pháp nhỏ khác sẽ được chuyên gia cân nhắc để lựa chọn liệu pháp phù hợp với từng bệnh nhân.

1.2.2. Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy hay cornitiviste)

Cha đẻ của trường phái liệu pháp này là Edward Tolman (1886 – 1959). Tuy nhiên, phải vào năm 1960, liệu pháp nhận thức mới chính thức ra đời bởi Bác sĩ, chuyên gia tâm thần học người Mỹ Aaron T. Beck. Sau đó, trường phái này tiếp được phát triển và kế thừa bởi Piaget (1896 –1980), Herber Simon (1916 – 2001), Noam Chomsky (1928), Geogers Miler (1920).

Liệu pháp này thường được thực hiện ngắn hạn với mục đích điều chỉnh nhận thức (suy nghĩ) của bệnh nhân. Bởi liệu pháp nhận thức cho rằng, cảm xúchành vi của mỗi người bị chi phối bởi nhận thức (suy nghĩ).Tập trung vào suy nghĩ sẽ giúp người bệnh điều chỉnh những quan niệm lệch lạc, tiêu cực, qua đó giúp giải tỏa cảm xúc và định hình hành vi lành mạnh, đúng đắn hơn. Trong liệu pháp nhận thức, chuyên gia không tập trung tìm hiểu những sự kiện gây tổn thương trong quá khứ mà hướng đến việc giải quyết vấn đềhiện tại.

1.2.3. Liệu pháp hành vi – nhận thức (Cognitive – comportementaliste hay Cognitive behavioral therapy – CBT)

Đây là phương pháp kết hợp biện pháp tâm lý phù hợp của Ellis với biện pháp nhận thức của Beck.

Liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng rộng rãi nhất ở thời điểm hiện tại. Liệu pháp này được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn hành vi và các rối loạn nhân cách. Nhìn chung, CBT được đánh giá cao. CBT cung cấp các thông tin và sự hiểu biết, giúp bệnh nhân xác định và điều chỉnh những suy nghĩ lệch lạc, không lành mạnh về bản thân và mọi khía cạnh trong cuộc sống, kết hợp với việc củng cố những hành vi phù hợp bằng những đáp ứng tích cực và những đáp ứng tiêu cực để loại bỏ những hành vi không phù hợp. Thông qua CBT, bệnh nhân sẽ biết cách đánh giá và nhìn nhận mọi thứ khách quan và thực tế. Phương pháp này cũng bao gồm nhiều liệu pháp nhỏ và chuyên gia sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp với từng bệnh nhân.

1.2.4. Liệu pháp phân tâm (Psychoanalytic Therapy)

Liệu pháp phân tâm học cũng là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp thông qua ngôn ngữ, dựa trên lý thuyết về phân tâm học của Bác sĩ Sigmund Freud ra mắt vào cuối thế kỷ 19.

Lý thuyết phân tâm học cho rằng hành vi của con người bị chi phối bởi những động lực vô thức, đồng thời các trạng thái cảm xúc bất thường bắt nguồn từ xung đột giữa tâm tríý thứcvô thức. Ngoài ra, lý thuyết này cũng cho rằng, quá trình phát triển nhân cách bị ảnh hưởng đáng kể bởi những sự kiện xảy ra từ thời thơ ấu. Do đó, chuyên gia sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật để khởi gợi các ký ức, cảm xúc bị kìm nén ở sâu bên trong để đánh giá ảnh hưởng của sự kiện đối với nhân cách, cảm xúc, tư duyhành vi hiện tại của người bệnh.

Liệu pháp phân tâm học bao gồm nhiều phương pháp như:

  • Phân tích mộng
  • Liên tưởng tự do
  • Phân tích chuyển di
  • Phân tích chống đối

Trong liệu pháp phân tâm học, nhà trị liệu sẽ dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ từ bệnh nhân. Phương pháp này được áp dụng trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý, đặc biệt là bệnh lý có liên quan đến những sự kiện sang chấn xảy ra trong quá khứ. Nhiều cuộc đánh giá được thực hiện để xác định tính hiệu quả của liệu pháp phân tâm học cho thấy, phương pháp này có thể cải thiện lâu dài các triệu chứng của bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,…

Dầu vậy, thời gian trị liệu bằng liệu pháp phân tâm học tương đối dài (khoảng 3 – 5 buổi/ tuần và kéo dài trong ít nhất 1 năm). Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị căng thẳng khi trị liệu bằng phương pháp này do việc khơi gợi những ký ức và cảm xúc đau buồn trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là một phần của điều trị và điều này cũng sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của sự kiện đối với hành vi hiện tại của bản thân.

1.2.5. Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy)

Liệu pháp hệ thống còn được gọi là trị liệu gia đình (Family Therapy) và được khai sinh bởi Gregory Beteson (1904 – 1980), kế thừa có Paul Watzlawick.

Liệu pháp này quan niệm rằng cá nhân là một phần của hệ thống và chịu tác động từ hệ thống đó. Trong liệu pháp hệ thống, nhà trị liệu không đánh giá cá nhân một cách độc lập mà nhìn toàn cảnh trong bối cảnh gia đình, văn hóaxã hội. Thông qua liệu pháp này, chuyên gia sẽ thay đổi ảnh hưởng/ tương tác của hệ thống đối với cá nhân nhằm giúp người bệnh thay đổi cảm xúcthái độ. Liệu pháp hệ thống rất có hiệu quả trong việc tháo gỡ xung đột, mâu thuẫn và giúp những người xung quanh hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc của người bệnh.

Ngoài ra, liệu pháp hệ thống cũng được áp dụng cho những trường hợp cả gia đình đều bị rối loạn tâm thần (thường do di truyền hoặc ảnh hưởng do quá trình sống chung). Trong trường hợp này, việc can thiệp trị liệu độc lậpthể không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, tiếp cận đến toàn bộ các thành viên trong gia đình sẽ mang lại hiệu quả cao và giúp các bệnh nhân hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

1.2.6. Liệu pháp nhân văn (Humanistic Therapy)

Tiêu biểu có Carl Rogers (1902 – 1987), Fritz Perls (1892 – 1970).

Liệu pháp nhân văn ít được sử dụng hơn so với các phương pháp trên. Liệu pháp này hướng đến việc bộc lộ con người thật để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Liệu pháp nhân văn được xây dựng dựa trên quan niệm, mỗi người sẽ có cái nhìn riêng về thế giới và điều này chi phối hành vi, cảm xúc và những lựa chọn trong cuộc sống. Liệu pháp này cũng giúp người bệnh hiểu rằng, việc đánh giá thấp bản thân sẽ khó có thể phát huy tiềm năng của chính mình.

Nhìn chung, liệu pháp nhân văn giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về thế giới quan và học cách chấp nhận chính mình. Hay nói cách khác, liệu pháp này cho rằng, con người có nguồn lực tự nhiên tiềm ẩn, khi được giải phóng sẽ tự vượt qua được mọi hoàn cảnh khó khăn. Khác với liệu pháp phân tâm học, liệu pháp này không tập trung vào những trải nghiệm trong quá khứ mà hướng đến cuộc sống hiện tại của người bệnh.

1.2.7. Các liệu pháp hỗ trợ

Ngoài các phương pháp trị liệu chính, bệnh nhân cũng sẽ được xem xét thực hiện thêm một số liệu pháp hỗ trợ như:

  • Lao động liệu pháp
  • Thở dưỡng sinh
  • Âm nhạc trị liệu
  • Liệu pháp tâm kịch
  • Thiền định

2. Tâm lý trị liệu Phật giáo

2.1. Khái niệm về điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo

Theo Đào Thanh Phong thì “Điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo là sự chỉnh sửa lại các yếu tố tâm lý bị sai lệch để cho phù hợp với bản thân theo giáo nghĩa tu hànhĐức Phật đã dạy. Giải trừ phiền não trong tâm chính là để tác động tích cực đến hoạt động của con người và được thể hiện qua các phương pháp quán từ bi, quán nhân duyên, quán vô thường, cầu nguyện, tọa thiền.[6]

Còn theo Thích Pháp Tịnh thì “Điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo là sự chỉnh sửa lại các yếu tố tâm lý sai lệch thành đúng đắn theo giáo lý Đức Thế Tôn”.[7]

Từ định nghĩa này có thể hiểu rằng sự điều chỉnh tâm lý là khởi đầu với nhận thức về tự ngã, tiến dần lên thanh tịnh hóa tự ngã. Nếu trong tâm còn chấp ngã thìd vĩnh viễn khó đạt được an lạc. Chỉ có phá bỏ tự ngã mới có thể đạt được yên vui giải thoát. Cho nên nhà Phật mới dùng pháp “vô ngã” để an tâm.

2.2. Khái niệm về Tâm lý trị liệu Phật giáo

“Tâm lý trị liệu Phật giáo là cách thức điều trị cho những thân chủ đang gặp khó khăn tâm lý bằng phương pháp tâm lý, dựa trên nền tảng lý thuyếtthực hành của Phật giáo.”[8]

2.3. Các phương pháp tâm lý trị liệu Phật giáo

2.3.1. Phương pháp quán từ bi

2.3.1.1. Khái niệm

“Là dùng trí tuệ để soi xét diệt trừ cái khổ, làm cho mình và mọi người được an vui, hạnh phúc.”[9]

Hay “Quán từ bi là sự chiêm nghiệm, diệt trừ khổ đau bằng trí tuệtình thương yêu rộng lớn đến cho mọi người mọi loài được yên vui hạnh phúc.[10]

2.3.1.2. Trường hợp thực hiện

-        Thứ nhất, khi bị phản bội thì hãy tha thứ.

-        Thứ hai, khi bị xúc phạm thì hãy lấy lòng khoan dung, độ lượng để đối đãi.

-        Thứ ba, khi gặp người vô cớ cáu giận với ta thì hãy tìm hiểutha thứ.

-        Thứ tư, khi ai đó đắc tội với chúng ta thì hãy nghĩ rằng ở đời không có ai là hoàn hảo.

-        Thứ năm, khi người khác không tôn trọng mình thì hãy bao dungchấp nhận để điều chỉnh tâm mình.

-        Thứ sáu, khi người thân làm cho mình phiền não thì hãy bao dungthương yêu.

2.3.1.3. Lợi ích của thực hành quán từ bi

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, thực hành quán từ bi sẽ có được nhiều lợi ích như sau:

-        Khi thức hay ngủ đều được yên vui.

-        Hiện tại được nhiều người thương.

-        Sống trong đời không bị tai nạn trộm cướp.

2.3.1.4. Mục đích quán từ bi

-        Trừ được lòng sân hận, độc ác

-        Từ bỏ được ngã chấp hẹp hòi. 

-        Đoàn kết được với mọi người

-        Đời sống cá nhâncộng đồng nhờ thế được vui vẻ, có ý nghĩa.  

2.3.2. Phương pháp quán nhân duyên

2.3.2.1. Khái niệm

Là dùng trí tuệ của mình quán chiếu những yếu tố gây ra đau khổ, phiền não của con người để giúp con ngườitâm lý an lạc, hạnh phúc.”[11]

Hay “Quán nhân duyên là sự chiêm nghiệm, dùng trí tuệ soi xét, phát 11 hiện ra những yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, nguyên nhân dẫn đến đau khổ, phiền não để giúp con người có tâm trạng thoải mái, hạnh phúc.”[12]

2.3.2.2. Trường hợp thực hiện

-        Thứ nhất, khi tâm phiền ý loạn, hãy tự nhận thức xem phiền não khởi phát từ đâu.

-        Thứ hai, khi gặp chuyện trái ý, cần nhận thức được rằng phàm làm việc gì cũng đều có nhân quả của nó.

-        Thứ ba, khi gặp chuyện không tốt, hãy bình thản tiếp nhận.

-        Thứ tư, khi cuộc sống không được như ý, nên giữ thái độ bình thản trước cuộc sống.

-        Thứ năm, khi bị người khác đối xử không tốt, cần lắng tâm quan sát lại mình.

2.3.2.3. Vai trò của phương pháp quán nhân duyên

-        Giúp nhìn nhận vấn đề đúng đắn.

-        Giúp giữ quan hệ tốt với mọi người.

-        Vì tin vào nhân quả nên giảm thiểu và không làm điều bất thiện.

2.3.3.   Phương pháp quán vô thường

2.3.3.1. Khái niệm

Là dùng trí tuệ để soi xét vấn đề trong sự tồn tại khách quan, trong biến đổi tương tục, chuyển hóaphụ thuộc lẫn nhau.”[13]

Hay “Quán vô thường là dùng trí tuệ để soi xét vấn đề trong sự tồn tại khách quan, sự vật, hiện tượng luôn dịch chuyển biến đổi, không có gì là trường tồn vĩnh viễn.”[14]

2.3.3.2. Trường hợp thực hiện

-        Thứ nhất, khi gặp sự việc khiến cho mình đau khổ, hãy nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều luân chuyển và thay đổi.

-        Thứ hai, khi người thân qua đời, hãy quán xét: mạng sống là vô thường.

-        Thứ ba, khi đau yếu bệnh tật, ta biết rằng: đó là điều mà người đời không thể tránh khỏi.

-        Thứ tư, đừng quá cố chấp vào cái được và cái mất, như vậy, tâm lý sẽ được nhẹ nhàng, thư thái.

-        Thứ năm, khi bị phiền não quấy nhiễu, ta nghĩ phiền não cũng là vô thường, nhất định nó sẽ qua đi.

2.3.3.3. Vai trò của phương pháp quán vô thường trong điều chỉnh tâm lý

-        Giúp nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn.

-        Giúp tâm lý được thoải mái, an lạc.

-        Giúp có được cách sống phù hợp, tốt cho sức khỏe.

-        Giúp nhận thức về lý vô thường, nhờ đó, tâm dễ dàng an định, không tán loạn.

2.3.4.   Phương pháp cầu nguyện

2.3.4.1. Khái niệm[15]

Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có thể làm lắng dịu nỗi lo âusợ hãiphiền muộnthất vọng và khổ đau.

Cầu nguyện cũng là cách thức mỗi tín đồ gửi gắm những suy nghĩ của mình.

Cầu nguyện chân chính là xuất phát từ tấm lòng vô ngãvị tha mong muốn mọi người sống an vui, hạnh phúc.

2.3.4.2. Trường hợp thực hiện

-        Thứ nhất, khi gặp chuyện đau khổ bi thương, nên tụng Kinh hoặc niệm Phật.

-        Thứ hai, khi tâm trí tán loạn, cầu nguyện sẽ làm cho tĩnh tâm trở lại.

-        Thứ ba, khi cảm thấy sợ hãi, nên niệm Phật để tâm được an ổn.

2.3.4.3. Vai trò của phương pháp cầu nguyện

-        Hướng ta càng tin sâu vào Tam Bảo.

-        Giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề đúng như thật.

-        Giúp chúng ta sống có hiệu quả, được an lạc.

-        Giúp chúng ta tìm được cách thức giải quyết vấn đề phù hợp với hoàn cảnh bản thân.

2.3.5.   Phương pháp tọa thiền

2.3.5.1. Khái niệm

“Là hình thức ngồi trong trạng thái trầm lắng để tâm chuyên chú vào một đối tượng nào đó, qua đó giúp chúng ta chuyển hóa được trạng thái tâm lý tiêu cực, duy trì trạng thái tâm lý tích cực.”[16]

2.3.5.2. Trường hợp thực hiện

-        Thứ nhất, khi buồn phiền, hãy tĩnh tâm, tư duy quán chiếu để chuyển hóa.

-        Thứ hai, khi nóng giận, nên quán chiếu hơi thở, giữ tâm điều hòa, chuyển hóa cơn giận.

-         Thứ ba, khi luyện tập ngồi thiền thì từng bước sẽ chuyển hóa được tâm lý tiêu cực một cách đáng kể.

2.3.5.3. Vai trò của phương pháp tọa thiền

-        Phiền não khổ đau trước đây được chuyển hóa.

-        Giúp cho tinh thần thoải mái an lạc.

-        Hiểu đời sống hạnh phúc, an lạc.

-        Làm việc hiệu quả hơn.

-        Có trí tuệ sáng suốt, có sức khỏe tốt.

3. So sánh liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo

3.1. Về cơ sở lý luận

Xét về phương diện cơ sở lý luận thì cả liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc và khả tín. Đó chính là một hệ thống mang tính sâu và rộng, trình bày đầy đủ những nội dung tinh yếu nhất, diễn giải toàn bộ các lý thuyết của học phái.

Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất về cơ sở lý luận giữa liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo chính là tính đặc thù về nội dung chuyển tải. Nếu tâm lý học hiện đại lấy hệ thống lý thuyết của những nhà tâm lý thuộc nhiều trường phái khác nhau, vốn trung thành với nguyên lý của tri thức khoa học tự nhiênxã hội và các thành tựu công nghệ kỹ thuật làm căn bản, thì tâm lý học Phật giáo lại được xây dựng trên cơ sở của những lời dạy của Đức Phật, mà cốt lõi chính là giáo lý Giới – Định – Tuệ vốn luôn gắn liền với cảnh giới của tâm và sự thực hành, thể nghiệm, đã được kết tập thành Tam Tạng Kinh Điển. Ngoài ra, tu sức thêm cho giáo lý Giới – Định – Tuệ thì cơ sở lý luận của tâm lý học Phật giáo còn có thêm thuyết Tứ ĐếTứ Vô lượng tâm.[17]

Như vậy, cơ sở lý luận của liệu pháp tâm lý học hiện đại như một khu vườn nhiều sắc màu nhờ sự đa đạng bởi lý thuyết của những khoa học gia; trong khi đó, điểm nhấn tạo nên sự nổi bật đặc thù của liệu pháp tâm lý học Phật giáo chính là sự thống nhất về quan điểm mang tính cốt lõi dựa trên những giáo lý căn bản vốn được thuyết ra chỉ từ chính duy nhất Đức Phật.

Bên cạnh đó, do được xuất phát từ nền tảng của khoa học nên cơ sở lý luận của liệu pháp tâm lý học hiện đại mang thuộc tính của duy lý. Còn liệu pháp tâm lý học Phật giáo vốn được xây dựng từ sự chú trọng thực hành Giới – Định – Tuệ nên mang thuộc tính của thực nghiệm.

Lại nữa, học thuật phương Tây có câu nói rằng: “Triết học là khoa học của các khoa học”. Điều này có nghĩa là tất cả các ngành khoa học khác đều từ triết học mà chia tách ra. Hay nói cách khác, nếu ví von triết học như người mẹ thì các ngành khoa học khác như những cô con gái. Và những cô con gái này sau khi lớn lên, trưởng thành thì rời khỏi vòng tay của mẹ, đi ra lập gia đình và có một cuộc sống riêng. Cũng vậy, tâm lý học hiện đại vốn từ triết học mà hình thành, nhưng ngày nay lại tồn tại hoàn toàn độc lập. Và ngay trong chính bản thân của ngành khoa học này, từ khi ra đời với sự sáng lập của Wilhelm Wundt – người theo chủ nghĩa cấu trúc, quan tâm đến những gì tạo thành ý thức và mong muốn phân loại não ra thành những mảng nhỏ khác nhau để nghiên cứu từng phần riêng biệt, thì đến nay đã hình thành và phát triển nên rất nhiều trường phái, học thuyết về tâm lý khác nhau mà như phần trên đã trình bày.

Từ đó, có thể nói rằng, cơ sở lý luận của khoa học phương Tây nói chung và của Tâm lý trị liệu hiện đại nói riêng càng ngày càng đa dạng, nhưng đồng thời, cũng càng ngày càng đi xa gốc; thậm chí, cái sau còn phủ định cả cái trước.

Trong khi đó, triết học Phật giáo cũng như Tâm lý trị liệu Phật giáo lại phát triển dựa trên những nguyên lý nền tảng hay giáo lý cơ bản mà đức Phật đã đã tuyên thuyết trong hệ thống Tam Tạng Kinh điển. Tất cả các trường phái lẫn học thuyết về sau chỉ là sự giải thích, chú giải những lời dạy của Đức Phật. Hay nói cách khác, toàn bộ những tư tưởng, học phái được hình thành và phát triển sau thời Đức Phật chỉ là nhằm giải thích, làm sáng tỏ Kinh điển mà thôi.

Do đó, cơ sở lý luận của Tâm lý trị liệu Phật giáo cũng giống như dòng sông của vị triết gia Hy-lạp cổ đại nổi tiếng Heraclitus. Đó là một dòng sông luôn nhận nước mới chảy qua trong từng giờ từng phút, nó không ngừng trôi đi, không ngừng đổi mới; dẫu vậy, dòng sông ấy vẫn không rời khỏi cội nguồn, như một người con luôn giữ lấy mẹ để rồi lớn lên và trưởng thành trong lòng của mẹ. Chính vì nghĩa này mà có thể gọi cơ sở lý luận của Tâm lý trị liệu Phật giáo là một “triết lý vĩnh cửu” mà như Huxley đã sử dụng thuật ngữ này khi nói về minh triết phương Đông.[18]

3.2. Đối tượng

Đối tượng áp dụng mà các liệu pháp tâm lý học hiện đại lẫn liệu pháp tâm lý học Phật giáo đều hướng đến chính là con người. Mà nói một cách cụ thể hơn thì đó là những con người đang gặp khổ đau về tinh thần. Và những nỗi khổ niềm đau này thật muôn hình vạn trạng. Có người khốn đốn, túng quẫn tinh thần vì những thiếu thốn về vật chất, có người đau khổgia đình hoặc những vấn đề liên quan đến tình cảm, cũng có người luôn sống trong sự dằn vặt vì mặc cảm tội lỗi, hoặc có khi đó là những trạng thái tâm lý nặng nề do áp lực công việc hay do sự mất hài hoà giữa các mối quan hệ… Nhưng chung quy lại, theo quan điểm của Phật giáo, tất cả những khổ đau này được chia thành tám loại lớn: một là cái khổ của sự sanh, hai là cái khổ của sự già, ba là cái khổ của sự bệnh, bốn là cái khổ của sự chết, năm là cái khổ của sự mong cầu mà không thể đạt được, sáu là cái khổ của sự yêu thương nhưng phải xa lìa, bảy là cái khổ của sự thù ghét mà phải gặp thấy nhau, tám là cái khổ của sự khônɡ điều hòa với nhau của năm yếu tố nhóm hợp lại thành con nɡười (Sắc, thọ, tưởnɡ, hành, thức), và điều thứ tám này bao quát bảy món khổ phía trước.

Nói tóm, đối tượng của cả hai dòng trị liệu tâm lý đều là những con người đang sống chìm trong khổ đau.

Nhưng điểm khác biệt nhất về đối tượng giữa liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo là ở chỗ: nếu như đối tượng trị liệu của tâm lý học hiện đại là những người đang vướng phải những vấn đề về sức khoẻ tâm thần (Mental Health) mang tính phổ biến của thời đại (rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm và rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn hành vi và các rối loạn nhân cách) mà tâm lý học gọi là “thân chủ”, thì đối tượng trị liệu của tâm lý học Phật giáo chính là tất cả “chúng sanh”, những ai chưa thoát ra khỏi khổ đau, chưa trị được tận gốc những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, và chưa tự mình thể nghiệm được trạng thái an lạcgiải thoát của tinh thần.

Do đó, đối tượng trị liệu của tâm lý học Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi của những người đang sống trong khổ hay đang gặp phải những vấn đề về sức khoẻ tâm thần, mà nếu nói theo lối tư duy của nhà Phật thì đó chính là toàn bộ những ai chưa giác ngộthực chứng được giáo pháp Tứ Đế. Hay nói cách khác, một người bình thường không có bất cứ một triệu chứng nào về bệnh lý tâm thần vẫn có thể thực hành theo liệu pháp Phật giáo để có được sự cải thiện về chất lượng cuộc sống hiện tạiđạt đến sự an lạc, giải thoát hoàn toàn trong tương lai.

Như vậy, phạm vi về đối tượng của liệu pháp Phật giáo rộng lớn hơn nhiều và nó bao gồm cả đối tượng trị liệu của liệu pháp tâm lý học hiện đại.

3.3. Hình thức

Về hình thức thì liệu pháp tâm lý hiện đại đã được xây dựng thành một hệ thống quy mô, chặt chẽ và khoa học. Hệ thống này được kiến tạo trên một nền tảng cơ sở lý luận và cũng đưa ra những phương pháp trị liệu tương ứng mang tính khoa học cao.

Trong khi đó, liệu pháp tâm lý học Phật giáo cho đến nay, vẫn chưa phát triển thành một hệ thống khoa học mang tính phổ biến cao và cũng chưa hoàn chỉnh, mặc dù tâm lý học Phật giáo thật sự hội đủ các yếu tố của một ngành khoa học. Trị liệu Phật giáo về mặt hình thức vẫn đang còn tồn tại ở dạng manh mún, riêng lẻ. Những công trình nghiên cứu lẫn tài liệu sách vở đề cập đến trị liệu tâm lý Phật giáo về tổng quan là rất hiếm hoi và thiếu sự nhất quán cao mang tính hệ thống.

3.4. Tính chất

Xét về tính chất thì liệu pháp tâm lý hiện đại và liệu pháp tâm lý Phật giáo đều là những biện pháp chữa trị cho tâm bệnh của con người. Cả hai đều đóng vai trò như một phương thuốc hay để chữa lành bệnh tật.

Tuy nhiên, liệu pháp của tâm lý học thì thiên về tính duy lý, nghĩa là nó là sản phẩm của những lý luận thuần tính lý thuyết của những khoa học gia. Hiểu theo lối tư duy Phật giáo thì đây thuộc về phạm trù của tỷ lượng. Nghĩa là hệ thống lý thuyếtphương pháp đó là do nghiên cứu mà có, là sản phẩm của tư duy chứ không phải là hiện thân của chân lý. Cho nên, nó có thể đúng đắn nhưng cũng có thể sai lầm. Và vì vậy, những phương pháptâm lý học đưa ra luôn cần phải được thực tiễn vào trong quá trình trị liệu để chứng minh cho tính đúng đắn của lý thuyết. Do đó, trong khoa học nói chung và tâm lý học nói riêng, việc cải chính hay thay đổi quan điểm hay quan niệm về một vấn đề khoa học nào đó là rất thường thấy.

Trong khi đó, liệu pháp của tâm lý học Phật giáo lại thiên về tính thực nghiệm. Ở đây, người viết không sử dụng thuật ngữ duy tâm để tạo nên sự đối lập với tính duy lý của tâm lý học hiện đại; bởi vì, quan niệm về duy tâm của Phật giáo và của khoa học hoàn toàn khác nhau về nội hàm, e ngại sẽ dễ dẫn đến sự hiểu lầm hay ngộ nhận.

Tính thực nghiệm của trị liệu tâm lý Phật giáo thể hiện ở chỗ nó được xây dựng trên  một cơ sở lý luận vốn xuất phát từ trí tuệ như thật của một bậc đã trải qua sự thực hành và đã đạt được sự thực chứng. Đức Phật sau khi hoàn thành quả vị giác ngộ, Ngài đã tuyên thuyết toàn bộ Kinh điển trong cảnh giới của một người đã hoàn toàn thấy rõ như thật bản chất của toàn bộ vũ trụ nhân sinh mà nhà Phật gọi là thế giới hiện lượng. Hiện lượng nghĩa là hiểu biết trực tiếp những cảnh vật, đối tượng đã được hiện bày đầu tiên và sự hiểu biết hiện lượng hoàn toàn không có ý niệm diễn dịchsuy luận.[19] Trình bày một cách dễ hiểu hơn thì hiện lượng là thấy – nghe – ngửi – nếm – xúc chạm – tri kiến đúng như sự thật; bởi vì đối tượng của hiện lượng vốn là tánh cảnh.

Vì vậy, thực hành liệu pháp của tâm lý học Phật giáo chính là quay trở về lại với chân lý chứ không phải là đi tìm hay cố công chứng minh chân lý.

Ngoài ra, tâm lý trị liệu hiện đại tuy là một ngành khoa học nhưng đồng thời nó cũng mang tính chất của một hình thức nghề nghiệp. Do đó, tâm lý trị liệu gắn liền với lợi ích về kinh tế. Một “thân chủ” nếu khôngđiều kiện về tài chính thì khó lòng có thể tiếp cận được với loại hình điều trị này vì giá thành chữa trị rất cao.

Trong khi đó, đối với Phật giáo, mỗi một cá nhân bất kỳ đều có thể thực hành theo phương pháp trị liệu mà không cần phải tốn kém về mặt tiền bạc. Với Phật giáo, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người có thể tiếp nhậnthực hành theo liệu pháp chứ không phải đặt nặng về tài chính. Do đó, trị liệu tâm lý Phật giáo đem lại lợi ích cho tất cả số đông một cách không điều kiện.

3.5. Phương pháp

Về phương pháp thì liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng.

Theo Rhys David thì kiến thức Phật giáo về tâm lý cùng với các kỹ thuật và liệu pháp tâm lý mới nhất hiện nay có nhiều điểm tương đồng.[20] Cụ thể như:

1. Chánh niệm Phật giáo và liệu pháp Gestalt:

Trong trị liệu Gestalt, các kỹ thuật tập trung chủ yếu vào thực tế hiện tượngkinh nghiệm tức thời của bây giờ và ở đây trong tất cả các lĩnh vực như thể chất, cảm xúctinh thần. Phương pháp này cho rằng việc trị liệu nên thực hiện với toàn bộ con người, để phát triển sự khôn ngoan, sự hiểu biết đúng đắn.

phương pháp này đã được sử dụng phổ biến ngay từ thời Đức Phật. Sau này, nó trở thành phương tiện của liệu pháp Gestalt. Chánh niệm trong Đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh vào thời điểm hiện tạinâng cao nhận thức. Nó cho thấy nhận thức không chỉ về toàn bộ bản thân, mà còn mở rộng chánh niệm bên ngoài tâm trí và cơ thể. Lúc xảy ra xung đột là thời điểm tốt nhất để áp dụng điều này.

2. Nỗ lực đúng đắn của Phật giáo và Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý:

Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý được phát triển bởi Tiến sĩ Albert Ellis. Lý thuyết này gợi ý loại bỏ những suy nghĩ phi lý khỏi tâm trí. Những cảm xúc tiêu cực cần được thay thế bằng việc xây dựng những cảm xúchành vi tích cực.

Đức Phật đã từng đề cập rằng tâm là một con ngựa hoang. Nếu bạn không điều khiển nó, nó sẽ khó kiểm soát được. Để thoát khỏi những cảm xúc vô dụng, chúng ta cần tìm ra những nhận thức nào tạo ra vấn đềcăng thẳng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng tính hợp lý của tâm trí, suy nghĩcảm xúc. Đây là nỗ lực đúng đắn.

3. Suy nghĩ đúng đắn và Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT):

Trị liệu hành vi nhận thức hoạt động dựa trên cảm xúcsuy nghĩ làm việc trên các hành vi rối loạn chức năng, không đúng đắn và các quá trình nhận thức thông qua một số quy trình có hệ thống rõ ràng, hướng đến mục tiêu. Nó loại bỏ những suy nghĩ phi lý. Theo CBT, kỳ vọng không thực tế (ảo) là nguyên nhân của sự đau khổ của chúng sinh; vì vậy, chúng ta nên học cách sống thực tếhợp lý.

Phật giáo nói về Tanha (ham muốn), nói về sự vô thường, nhân quả, điều kiện, đau khổniềm tin thực tế, rất giống với CBT. Đức Phật dạy rằng những cơn đau thương bên ngoài không phải là nguyên nhân của những đau khổ của chúng ta, nhưng nó cùng chất lượng của tâm trí chúng ta là một, bởi vì tâm hình thành nhận thứcphản ứng.

Bát Chánh Đạo tập trung vào suy nghĩ đúng đắn. Tương tự trị liệu hành vi nhận thức cũng tập trung vào trực quan và tự nói chuyện tích cực để giảm bớt các giả định, nỗi sợ hãi, ám ảnhniềm tin. Hành vi là sản phẩm của những suy nghĩ. Không có một hành vi tích cực, chúng ta không thể tồn tại trong xã hội. Do đó, tốt hơn là nên kiểm tra nguồn gốc của những suy nghĩ.

4. Thiền và Hệ thần kinh:

Ban đầu, người ta cho rằng hệ thần kinh hoạt động phổ biến nhất khi một người không tập trung vào thế giới bên ngoài và bộ não đang ở trạng thái nghỉ ngơi. Tuy nhiên, hiện nay người ta biết rằng nó có thể đóng góp cho các yếu tố kinh nghiệmliên quan đến hiệu suất tác vụ bên ngoài. Nó cũng hoạt động khi cá nhân đang nghĩ về người khác, nghĩ về bản thân, nhớ về quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai.

Thiền cải thiện các kỹ năng tập trung của các học viên và mang lại sự yên tĩnh và hạnh phúc trong cuộc sống. Thiền Vipassana tăng cường sự rõ ràng về nhận thức và giảm hoạt động tự động. Thiền Mettha hoặc Thiền từ yêu thương tăng cường cảm giác của lòng tốtlòng từ bi. Thiền từ bi kích hoạt các khu vực của não có liên quan đến sự đồng cảm và xử lý cảm xúctăng cường tương tự. Thiền Anapanasati sẽ dẫn đến chánh niệm. Điều đó làm giảm những suy nghĩ lặp đi lặp lại. Thiền là một phương pháp hoạt động não bộ đúng đắn.

5. Đồng cảm và phân tâm học của Phật giáo:

Phân tâm học là một khái niệm phổ biến của Sigmund Freud và Carl Jung. Nó hoạt động trên các khu phức hợp và ký ức bị chôn vùi nhằm để khám phá chúng cho mục đích trị liệu và đưa chúng đến cấp độ ý thức.

Phật giáo tin vào sự hiểu biết đúng đắn. Nó cũng hoạt động trên vô thức và xử lý vấn đề thông qua các phương phápthực hành trực tiếp để phát hiện ra vô thức và điều này rất giống với phân tâm học. Phật giáo nhấn mạnh vào việc có lòng trắc ẩn đối với một người bị rối loạn tâm thần, đồng thời cũng nhấn mạnh vào từng khoảnh khắc nhận thức về các trạng thái của tâm, suy nghĩcảm xúc của chúng ta, rất hữu ích trong việc giảm bớt nỗi đau và đau khổ do chấp trước. Điều này chắc chắn sẽ giúp loại bỏ các vấn đề từ gốc.

6. Sự suy xét độc lậptâm lý trị liệu:

Tâm lý trị liệu là lĩnh vực tập trung vào tiềm năng của con người chứ không phải bệnh lý của con người. Tâm lý trị liệu tin vào việc tiếp cận vô thứctiềm thức của tâm trí để điều trị.

Còn tâm lý trị liệu của Phật giáo lại quan sát những đau khổ trong cuộc sống như một cơ hội để tăng trưởng, thay đổi và phát triển tiềm năng của con người. Tâm lý học Phật giáo không chỉ là tâm lý con người, tâm lý học nhận thức, phân tâm họctâm lý hiện sinh, mà nó là sự kết hợp của tất cả, rất giống với tâm lý trị liệu ngày nay.

Nhưng có một sự khác biệt. Phật giáo đề nghị không chấp trước, để làm trống các hiện tượng tâm lý. Nhưng tâm lý trị liệu đề nghị hiểu các hiện tượng tâm lý để hiểu nó ảnh hưởng đến mối quan hệ và sự hòa hợp của chúng ta như thế nào. Ở đây, cả hai phương pháp điều trị đều bổ sung cho nhau. Cả hai đều nhấn mạnh vào việc giảm bớt đau khổ. Nếu một người có thể điều trị một vấn đề bằng cả hai thủ thuật này, cá nhân đó có thể làm nên điều kỳ diệu.

7. Sự tập trung và hành vi:

Lĩnh vực này đặc biệt gắn liền với Ivan Pavlov cùng những chú chó của ông và B.F. Skinner. Hoạt động dựa trên các nguyên tắc hành vi có thể được điều khiển để tạo ra những tác động tích cực trong cuộc sống của con người.

Bát chánh đạo về các hành động chân chánh, lời nói chân chánh và nghề nghiệp chân chánh trong Phật giáo rất giống với lý thuyết hành vi. Việc thực hành tập trung làm cho một cá nhân hành động tích cực vì lợi ích của bản thân, gia đìnhxã hội.

8. Liệu pháp Phật giáo giúp sửa đổi và tập trung vào giải pháp:

Liệu pháp này khuyến khích con người đó sửa đổi lý tưởng cá nhân và đặt ra các mục tiêutriển vọng. Do đó, suy nghĩ đúng đắn và hiểu đúng là ứng dụng duy nhất có thể can thiệp trị liệu thành công. Vì tâm lý học hiện đại chỉ chú trọng vào việc giảm triệu chứng, phương pháp của Phật giáo có thể làm giảm bớt sự bất hòaxung đột từ gốc rễ, sự kết hợp của cả hai làm tăng hiệu quả điều trị.

9. Sự đồng cảm của Phật giáo và Liệu pháp Rogerian:

Rogerian là một liệu pháp tập trung vào con người.

Theo Đức Phật, sự lắng nghe thấu đáo, suy tư và xác nhận những suy nghĩcảm xúc giúp bệnh nhân mang lại những thay đổi tích cực. Sự xem xétđiều kiện và tính chân thực của nhà trị liệu có thể giúp người bệnh phát triển và tiến hóa. Do đó liệu pháp tập trung vào con người đã trở thành thành phần cơ bản của tâm lý trị liệu hiện đại.

Sự khác biệt duy nhất là nơi để đặt trọng tâm. Chúng ta nên cởi mở với đau khổ, cảm nhận và trải nghiệm nó, nhưng không bị nhấn chìm bởi nó. Tất cả các nghịch cảnh giúp cho cá nhân có thể chọn giải pháp thay thế tốt nhất phù hợp với bản thân.

10. Tự trị liệuHành vi biện chứng (DBT):

Trị liệu hành vi biện chứng được phát triển bởi Marsha Linehan, hướng dẫn về sự điều tiết cảm xúc và khả năng chịu đựng đối với những người bị rối loạn nhân cách ranh giới. DBT kết hợp các kỹ thuật hành vi nhận thức tiêu chuẩn để điều chỉnh cảm xúckiểm tra thực tế với các khái niệm về sự chịu đựng, chấp nhậnnhận thức chánh niệm phần lớn xuất phát từ thực hành thiền định của Phật giáo. Liệu pháp này có nguồn gốc từ Phật giáo. Các phương pháp thực tập chánh niệm cốt lõi (tập trung, từ bi, tò mò, bình tĩnh nội tâm, cân bằng và nhận thức) dẫn đến sự thanh thản.

3.6. Mục đích

Như đã đề cập ở những phần trước, cả tâm lý trị liệu hiện đại lẫn tâm lý trị liệu Phật giáo giống như phương thuốc để chữa trị những căn bệnh về tâm lý của con người, giúp con người thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách hành động. Từ đó, đưa con người đến với những giá trị tích cực, hạnh phúc, bình an. Đây là điểm tương đồng nhất về mục đích của cả hai loại liệu pháp.

Tuy nhiên, ở đây vẫn tồn tại một điểm dị biệt mang tính căn bảnquyết định nhất giữa tâm lý trị liệu hiện đạitâm lý trị liệu Phật giáo. Đó là:

Tâm lý trị liệu nhắm đến việc củng cố “cái tôi” ngày càng vững chắc. Bởi vì xét đến cùng thì đây vẫn là một ngành khoa học. Mà nguyên tắc của khoa học thì luôn lấy chủ nghĩa duy lý, vật chất làm nền tảng; chính vì vậy, tâm lý trị liệu không thể thoát ra khỏi phạm vi của tư duy hữu ngã, tức tư duy về tồn tại hay tư duy vật chất, kỹ thuật. Cho nên, mặc dù mục tiêu hướng đến của tâm lý trị liệu hiện đại là đem lại sự khoẻ mạnh về tinh thần, tâm lý cho con người, nhưng mục đích sau cùng vẫn là “giúp thân chủ củng cố một cái ‘Tôi’ vững mạnh, toàn vẹnan toàn.”[21]

Mặt tích cực của tâm lý trị liệu là làm tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó “tự hiện thực hóa bản thân mình” ngang qua sự gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột, gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ, giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn. Tuy nhiên, tất cả những lợi íchtâm lý trị liệu mang lại sau cùng vẫn là vì phục vụ cho bản năng tự vệ và tự tồn của con người mà thôi. Ở đây, đấng toàn năng điều khiển con người không phải là ai khác mà chính là bản ngã hay cái tôi cố hữu tồn tại trong chính bản thân của mỗi một con người.

Trong khi đó, mục đích cứu cánh của tâm lý trị liệu Phật giáo lại chính là sự giải thoát. Tức là không còn quan niệm về “tôi, cái của tôi và tự ngã của tôi”. Nói cách khác, ngã chấp được đoạn trừ hoàn toàn. Ngay lúc đó, mỗi một chủ thể sẽ an trú trong một trạng thái tịch tĩnh, vắng lặng, hoàn toàn không có sự tồn tại của những khổ đau và nguyên nhân dẫn đến khổ đau – là cảnh giớiPhật giáo gọi là Niết-bàn.

Các liệu pháp tâm lý Phật giáo thực chất là những phương pháp tu tập cụ thểmầu nhiệm để giải quyết một cách rốt rát sự khổ đau phiền não của con người, giúp con người thoát khỏi một cách tận gốc rễ sự tử sanh thống khổ. Càng tu tập theo phương pháp của Phật Giáo thì bản ngã càng bị thu hẹp dần và cuối cùng bị triệt hủy toàn diện để đạt đến tâm thức giác ngộ, giải thoát tự tại tuyệt đối. Riêng tâm lý trị liệu ngày nay thì gần như chỉ xoa dịu, vuốt ve tâm lý con người để con người thỏa mãn được ngã chấp. Và cuối cùng, vấn đề khổ đau trầm thống của con người vẫn không sao bứng nhổ, diệt trừ một cách tận gốc rễ dù cho có đôi nét, vài điểm gần như tương tự về cách nhìn so với Phật giáo.[22]

Và đối với Phật giáo thì phương tiện chính là cứu cánh và ngược lại. Trong phương tiện vốn có cứu cánh, trong cứu cánh vốn có phương tiện, phương tiệncứu cánh không hai, không khác. Cho nên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói rằng: “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường.”

Trong khi đó, đối với tâm lý học thì phương tiệnmục đích thuộc về hai phạm trù khác nhau. Do đó, các phương pháp trị liệu chỉ là phương tiện, công cụ để hiện thức hoá mục đích. Đây cũng chính là điểm sai biệt to tát giữa liệu pháp tâm lý Phật giáotâm lý học trị liệu Tây phương.

C. KẾT LUẬN

Việc so sánh liệu pháp tâm lý học hiện đại và liệu pháp tâm lý học Phật giáo đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về hai phương pháp trị liệu tâm lý tiêu biểu cho hai nền văn hoá Đông – Tây. Ngoài ra, nó còn giúp cho chúng ta thấy rõ được những điểm tương đồng cũng như dị biệt mang tính đặc thù của hai phương pháp trên. Từ đó, tuỳ theo thiên hướng của mình mà mỗi người sẽ có được sự lựa chọn, lấy – bỏ phù hợp với bản thân.

Tuy nhiên, do tâm lý trị liệu hiện đạitâm lý trị liệu Phật giáo vốn khác nhau hoàn toàn về bản chất. Một cái thuộc về phạm vi thế gian còn một cái lại thuộc về phạm vi xuất thế gian. Nếu hai yếu tố không cùng một phạm trù mà lại đem chúng đi so sánh với nhau thì về cơ bản đó là một sự khập khiễng trong tư duy biện chứng. Chính vì vậy, sự so sánh này về cơ bản cũng chỉ dừng lại ở mức độ tương đối.

Lại nữa, cũng đứng ở phương diện tương đối mà nói, nếu có thể áp dụng cả hai loại liệu pháp trên vào chữa trị tâm lý thì hiệu quả đạt được sẽ rất lớn, giống như Jyoti Gaur đã nhận định: “Cả hai phương pháp điều trị đều bổ sung cho nhau. Hai lĩnh vực có thể nói là hai mặt của cùng một đồng tiền.[23]

Ngoài ra, ngang qua sự đối chiếu giữa hai phương pháp trị trên, có thể nhận thấy rằng, Phật giáo đi trước khoa học đã hơn 2500. Do đó, những liệu pháp hiện đại dường như là một công trình nghiên cứu quy mô, từng bước chứng minh cho những gì mà Đức Phật đã dạy cách đây hơn 20 thế kỷ. Giá trị chân chánh và đúng đắn của tư tưởng Phật giáo không những vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến tận hôm nay, mà càng ngày càng trở thành chỗ nương tựa tâm linh cho nhân loại thời hiện đại.

(*) Thích Nữ Quảng Minh, hiện đang là sinh viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS Ngô Gia Hy (Chủ biên), Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh-Việt, NXB Y Học Tp.HCM, 2005.

2. Nguyễn Hùng Hậu, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây – Một vài điểm tham chiếu, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (77), 2014.

3. Nguyễn Công Khanh, Tâm lý trị liệu, bản PDF, 2000.

4. Đào Thanh Phong, Điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo, Tóm tắt luận án tiến sĩ Tâm lý học, Hà Nội – 2018.

5. Trần Huy Tạo, Vài nét về nhận thức luận trong triết học Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 7/2016.

6. Trịnh Tất Thắng, Đại cương Tâm lý trị liệu và các trường phái Tâm lý trị liệu lớn, Tài liệu lưu hành nội bộ, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

7. Nguyễn Minh Tiến, Trần Thị Thu Vân, Giáo trình Đại cương Tâm lý trị liệu, Tài liệu lưu hành nội bộ, Tp. HCM, 2015.

8. Thích Pháp Tịnh, Tâm lý học Phật giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

9. Thích Nhật Từ, Thích Đức Thiện (chủ biên), Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hoà hợp, chăm sóc sức khoẻ, xã hội bền vững (Kỷ yếu hội thảo Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2019), NXB. Hồng Đức.

10. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.



[1] Nguyễn Minh Tiến, Trần Thị Thu Vân, Giáo trình Đại cương Tâm lý trị liệu, Tài liệu lưu hành nội bộ, Tp. HCM, 2015, tr.5

[2] GS Ngô Gia Hy (Chủ biên), Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh-Việt, NXB Y Học Tp.HCM, 2005, tr.784

[3] Trịnh Tất Thắng, Đại cương Tâm lý trị liệu và các trường phái Tâm lý trị liệu lớn, Tài liệu lưu hành nội bộ, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tr.9

[4] Nguyễn Công Khanh, Tâm lý trị liệu, bản PDF, 2000, tr.20

[5] Nt

[6] Đào Thanh Phong, Điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo, Tóm tắt luận án tiến sĩ Tâm lý học, Hà Nội – 2018, tr.10

[7] Thích Pháp Tịnh, Điều chỉnh tâm lý con người theo Phật giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

[8] Thích Pháp Tịnh, Tâm lý học Phật giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

[9] Thích Pháp Tịnh, Sđd

[10] Đào Thanh Phong, Sđd, tr.10

[11] Thích Pháp Tịnh, Sđd

[12] Đào Thanh Phong, Sđd, tr.10, 11

[13] Thích Pháp Tịnh, Sđd

[14] Đào Thanh Phong, Sđd, tr. 11

[15] Thích Pháp Tịnh, Sđd

[16] Thích Pháp Tịnh, Sđd

[17] Dẫn theo Thích Pháp Tịnh, Sđd

[18] Tham khảo từ Nguyễn Hùng Hậu, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây – Một vài điểm tham chiếu, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (77), 2014, tr.39

[19] Trần Huy Tạo, Vài nét về nhận thức luận trong triết học Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 7/2016, tr.28

[20] Thích Nhật Từ, Thích Đức Thiện (chủ biên), Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hoà hợp, chăm sóc sức khoẻ, xã hội bền vững (Kỷ yếu hội thảo Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2019), NXB. Hồng Đức, tr.284-293
[21] Tâm lý trị liệu, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày đăng: 2 tháng 7 năm 2023

[22] Thích Viên Lý (dịch), Phật giáotâm lý học hiện đại, https://thuvienhoasen.org/p24a7359/phat-giao-va-tam-ly-hoc-hien-dai , số đăng: 20/11/2010

[23] Thích Nhật Từ, Thích Đức Thiện (chủ biên), Sđd, tr.290, 293

 

Tạo bài viết
07/11/2010(Xem: 144632)
16/11/2010(Xem: 46140)
30/10/2010(Xem: 53438)
20/11/2010(Xem: 140912)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.