KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hòa Thượng Thích Trí Quang Dịch Giải
Bảng viết tắt
Chính Đại
tạng kinh bản Đại chính tân tu.
Vạn Tục tạng
kinh bản chữ Vạn.
Td Hoa dịch Kim
cương của ngài Cưu ma la thập (đầu thế kỷ 5)
Bd hoa dịch Kim
cương của ngài Bồ đề lưu chi (đầu thế kỷ 6).
Chd hoa dịch
Kim cương của ngài Chân đế (giữa thế kỷ 6)
Cd hoa dịch
Kim cương của ngài Cấp đa (cuối thế kỷ 6)
Hd hoa dịch
Kim cương của ngài Huyền tráng (giữa thế kỷ 7)
ND hoa dịch
Kim cương của ngài Nghĩa tịnh (đầu thế kỷ 8)
Ecd Anh dịch Kim
cương của Edward Conze, Luân đôn, 1957. Bản dịch của Lệ pháp.
Ghi chú : Td, Bd, Chd, Cd và Nd, mang số hiệu của Chính như sau : 235, 236, 237, 238 và 239, cùng nằm trong Chính 8/748-775. Hd thì thuộc số hiệu 220, Chính 7/980-985.
Dẫn Nhập
Dẫn nhập này quá hơn những lời
hướng dẫn. Ở đây thực sự giải thích những gì cần làm trước như vậy về Kim
cương.
1. Kinh Kim cương
Trong văn chương Trung hoa, Kim
cương và Tịnh danh của ngài La thập dịch, được ưa thích không những từ phía
quần chúng mà còn từ phía trí thức. Phật tử hay người ngoài đều như vậy. Nhưng
trong hai kinh ấy, Kim cương được ưa thích hơn. Liêu trai cho thấy tác giả của
nó ưa thích Kim cương đến thế nào. Đó là chỉ nói một tác phẩm dị thường.
Trong sự tụng niệm, Kim cương với
Pháp hoa của ngài La thập dịch được tụng niệm nhiều nhất, ở các xứ Phật giáo
văn hệ Trung hoa. Nhưng trong hai kinh ấy, Kim cương cũng được tụng niệm nhiều
hơn.
Trong linh nghiệm, những sự ấy xảy
ra ở Trung hoa và còn được ghi lại thì Kim cương có 113 tờ so với 37 tờ của
Pháp hoa. Tất cả đều nằm trong Vạn 149/38-150. Trong số này, các tờ 60-73 là
trích Thái bình quảng ký, sách ngoài, có tiếng.
Đặc biệt nhất, Kim cương liên hệ
trọn vẹn đối với lục tổ Huệ năng, một hiện tượng rất độc đáo của Phật giáo Trung
hoa. Truyện kể khá rõ trong Pháp bảo đàn (Chính 48/337-364) và đại khái như
vầy. Có một chàng tiều phu không biết chữ, chưa vợ con, còn mẹ già. Một hôm
nhân bán củi mà được nghe tụng Kim cương, liền đốn ngộ. Hỏi, được biết ngũ tổ
Hoằng nhẫn dạy ai cũng nên tụng kinh ấy. Tiều phu liền thu xếp cho mẹ già, lặn
lội đến Hoàng mai yết kiến ngũ tổ. Rồi một đêm, tế nhị và bí mật, ngũ tổ lấy ca
sa trương ra che kín thiền thất, đem Kim cương giảng cho. Giảng đến câu
"hãy đừng ở vào bất cứ nơi nào mà sinh tâm ra" (đoạn 13) thì tiều phu
đại ngộ tất cả các pháp không ngoài tự tánh, và thưa rằng không ngờ tự tánh vốn
tự trong sáng, không ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt, không ngờ tự tánh vốn tự đủ
cả, không ngờ tự tánh vốn không dao động, không ngờ tự tánh vốn sinh vạn pháp. Đó
là cuộc truyền ngôi tổ vị thứ sáu, anh chàng tiều phu liền thành lục tổ Huệ
năng. Sau này lục tổ khuyên người làm theo chánh định Bát nhã bằng cách tụng
niệm Kim cương, với lời nói giản dị : lúc nào chỗ nào tâm cũng đừng ngu, ngu
một chút là bát nhã mất một chút, trí một chút là bát nhã sinh một chút.
Với văn dịch của Td, Kim cương hoa
văn quả thật ý càng cao từ càng giản, giản mà hoa. Đọc tụng cảm thấy tiêu sái,
khoái sảng, thấy chẳng có gì mà không bỏ nổi, chẳng có gì mà không làm được.
2. Tài liệu tham khảo để dịch
giải Kim cương.
Chính văn mà tôi dịch giải là Td.
Nhưng để hiểu chính văn này, cần phải tham khảo sáu bản dịch khác mà bảng viết
tắt đã liệt kê. Các bản chú thích phải tham khảo là của ngài Tăng triệu ; của
các đại sĩ Vô trước, Thế thân và Công đức thi ; của các đại sư Trí giả, Cát
tạng và Khuy cơ ; của các đại sư Trí nghiễm, Đức thanh, Trí húc và Thái hư cũng
có tham khảo. Văn bản của các vị trên đây nằm trong Chính 25 và 33, trong Vạn
38 và 39, riêng của đại sư Thái hư có đến ba bản, nằm trong toàn thư tập 11.
Đọc kỹ các bản dịch khác mới càng
thấy Td được tôn sùng rất phải. Cũng nhờ đọc các bản dịch khác mới hiểu Td rõ
ràng. Các bản dịch khác, Hd có lẽ bị thêm vài chỗ ; và khá kỳ, nhưng quí, là Cd
cố ý không đảo trang, nhuận sắc.
3. Vài dòng về dịch chủ La thập
và ngài Tăng triệu
Ai liên hệ đến Phật giáo văn hệ
Trung hoa đều biết ngài La thập, nhất là biết lối dịch thượng thặng của
"ông vua giới phiên dịch" ấy (từ ngữ của Lương Khải Siêu, Phật học
nghiên cứu bài 6). Sinh bình ngài có một sự tự than : nếu đặt bút viết A tỳ đạt
ma của đại thừa thì Ca chiên diên không bằng, nhưng ở đất Tần thì viết làm gì
(Chính 55/101). Khi lâm chung, thệ nguyện nếu phiên dịch không sai ý Phật thì
hỏa thiêu rồi lưỡi vẫn còn, và quả nhiên lưỡi vẫn còn. Sau đó có người cho biết
những gì ngài dịch chỉ được một phần mười những gì ngài thuộc lòng
(Chính55/102). Ngài thọ 70 tuổi, mất năm quí sữu (dương lịch 413) ngày 13 tháng
4 (ngài Tăng triệu ghi trong lời viếng thầy, Chính 52/264). Thì gian phiên dịch
chỉ được 12 năm (401-412), tạm ghi theo Lương Khải Siêu (Phật học nghiên cứu, phụ
lục bài 1).
Còn ngài Tăng triệu thì là Nhan
Hồi và Tăng Sâm của ngài La thập, đứng đầu tứ thánh thập triết. Ngoài sự cọng
tác việc dịch của thầy, ngài còn chú thích và trước thuật. Chú thích hiện còn
hai bản là Kim cương và Tịnh danh, trước thuật hiện còn, gọi là Triệu luận. Với
Triệu luận, cho đến nay ngài vẫn đứng đầu trong sự lĩnh hội Bát nhã, và ngoài
đời thì cũng với Triệu luận, ngài đi vào văn học gia và văn học sử Trung hoa.
Riêng bản chú thích Kim cương thì
Trung hoa thất lạc lâu lắm. Nhật bản năm 1688 mới phát hiện và ấn hành. Bản chú
thích này nếu không phải viết lúc ngài La thập đang còn thì sau đó cũng không
lâu, vì ngài Tăng triệu không thọ, mất lúc 31 tuổi, cùng năm với thầy (Chính
50/365). Chỉ tiếc là tôi có tìm mà chưa thấy khi ngài La thập dịch Kim cương
thì ai là người bút thọ, ai là người viết tựa mà tôi tin là có, và dịch vào năm
nào.
4. Cách dịch và cách giải Kim
cương được áp dụng
Như đã nói, chính văn mà tôi dịch
giải là Td. Lý do không những vì Td là định bản Kim cương, mà còn vì càng so
sánh với các bản dịch khác càng thấy nên lấy Td làm chính văn. Đại sư Khuy cơ,
đệ tử đắc truyền của ngài Huyền tráng, mà khi chú thích Kim cương cũng chú
thích Td, không chú thích bản dịch của thầy mình (Hd), như vậy cũng đủ biết giá
trị của Td.
Về cách dịch, để dễ tụng, tôi cố ý
dịch mỗi câu bốn chữ và mỗi đoạn không lẽ câu. Tổng cọng có 52 đoạn, 1544 câu.
Tuy nhiên, để mỗi dòng một câu thì dễ tụng mà đọc không dễ hiểu như bình thường
các câu liền nhau trong một dòng, nên phần tụng niệm tôi để mỗi dòng một câu,
mà phần giải thích thì để các câu liền nhau như tảng văn thường.
Trở lại nói cách dịch câu và đoạn
như trên. Cách ấy thật mất thì giờ và công sức. Nhưng điều ấy không đáng nói. Điều
đáng nói là dịch như vậy thì phải bớt hay phải thêm những chỗ không đáng bớt
hoặc không đáng thêm, thậm chí có chỗ còn hại ý nghĩa không nhỏ, chưa nói có
lúc vụng về một cách không đáng. Ấy thế nhưng tôi vẫn áp dụng cách dịch này ở
đây, vì cốt cho dễ tụng.
Lối giải thì những gì cần phải
giải thích trước và chung thì phải làm như vậy trong phần Dẫn nhập này, rồi sau
đó giải thích chính văn. Giải thích chính văn thì bằng ba mục là phân khoa, ghi
chú và lược giải. Dĩ nhiên chỗ nào không cần thì thôi một hay hai trong ba mục
ấy. Riêng mục ghi chú sẽ gồm có sự khảo dị, đối chiếu với các bản dịch khác, ở
những chỗ nào cần phải làm như vậy.
Cũng phải nói trước ở đây về mục
phân khoa, tức phân chia và tiêu đề các tiết mục mà lập thành Mục lục. Các tiết
mục này, phần đại thể thì tôi theo ngài Tăng triệu, và sẽ được nói sau đây, còn
phần hệ thuộc thì tôi phải tự làm lấy. Phân chia và tiêu đề các tiết mục cũng
là cách giải thích, nhưng là cách giải thích nói lên nhiều nhất ý kiến chính
của người giải thích. Nhất là trường hợp Kim cương trùng văn không ít, nhưng
phân chia và tiêu đề thì thấy liền văn giống mà ý khác. Tôi biết như vậy, nhất là
muốn dịch giải Kim cương một cách hết lòng cẩn trọng, nên không phải muốn khoe
khoang hay lập dị và tự làm như vừa nói. Tự làm chỉ vì sở tri lượng của tôi
phải tự làm mà thôi.
5. Đại thể của Kim cương
Ngài Tăng triệu nói chủ yếu của
kinh này là không tuệ, nên đại thể có ba phần : Các đoạn 1-15 nói cảnh không
(nhưng ý nói cảnh, chưa nói tuệ) ; các đoạn 16-28 nói tuệ không (nhưng chỉ nói
tuệ, chưa nói người) ; các đoạn 29-52 nói người không (tức là Bồ tát không).
Văn tự ba phần tự biểu hiện như thế, nên trước sau tuy có phần giống nhau mà
thật ra ý nghĩa không giống. Trong bốn thời Phật thuyết Bát nhã, kinh này là
thời đầu tiên. Lời ước lược, nghĩa phong phú, cái ý sâu kín khó mà thấy được
(Vạn 38/208B).
Không tuệ là tuệ Bát nhã : tuệ
giác như thật tri kiến về Như (coi ghi chú 11 của Dẫn nhập), nghĩa là không còn
ngã chấp nên gọi là không tuệ. Không tuệ ấy như thật tri kiến về đối tượng của
nó thì gọi là cảnh không, như thật tri kiến về bản thân của nó thì gọi là tuệ
không, như thật tri kiến về chủ thể của nó (về người tu không tuệ) thì gọi là
người không. Ba phần như vậy tôi đổi từ ngữ như sau và đã ghi trong Mục lục :
kim 1 như thật tri kiến về đối tượng, kim 2 như thật tri kiến về tuệ giác, kim 3
như thật tri kiến về chủ thể.
Nhưng ba tiết mục đại thể này
không được ngài Tăng triệu phân chia tiết mục hệ thuộc, nên việc ấy, như đã
nói, tôi phải tự làm. Và vì vậy mà có sự tách các đoạn 1 đến 6 làm kinh 1 mở
đầu, tách các đoạn 49 đến 52 làm kinh 3 kết thúc, còn các đoạn 7 đến 48 là kinh
2 nội dung gồm cả ba phần đại thể nói trên. Việc này không vì khuôn sáo mà vì
chia tiết mục đại thể và hệ thuộc thì văn kinh tự có như vậy.
Điều phải nói thêm, và đây mới
thật là đại thể của Kim cương, ấy là từ đại thể trên mà nhìn và nói cách khác
cho thật sát văn kinh, thì đại thể kinh này có hai phần. Phần 1, với hai câu
hỏi đáp mở đầu, cho thấy phải có Bát nhã loại bỏ ngã chấp mới phát nguyện và
phát huy bồ đề tâm một cách chính xác. Phần 2, từ đó cho đến cuối, cho thấy Bát
nhã ấy loại bỏ ngã chấp như thế nào. Cả hai phần này cùng với chi tiết như Mục
lục ghi (mà đổi số chút ít) chứ không chi khác.
6. Đối tượng của Kim cương.
Kinh này Phật cốt dạy cho ai ?
Trong phần mở đầu, trừ Nd và Ecd sau 1250 vị tỷ kheo ghi thêm chúng đại bồ tát,
tất cả các bản khác chỉ ghi 1250 vị tỷ kheo mà thôi. Thêm nữa, trong phần kết
thúc, Bd, Nd và Ecd ghi thêm bồ tát đại sĩ, nhưng các bản khác chỉ ghi bốn
chúng và chư thiên, nhân loại, a tu la, và chỉ ghi ở đây chứ không ghi trong
phần mở đầu. Như vậy đối tượng chủ yếu của Kim cương là các vị tỷ kheo, nói
cách khác là các vị Thanh văn.
Ở đây nên so sánh với Pháp hoa.
Pháp hoa lấy Thanh văn làm đối tượng, xác quyết là họ chưa được niết bàn hoàn
toàn. Niết bàn hoàn toàn là phải như Phật. Họ từng là đệ tử được Phật dạy cho
làm Phật chứ không phải làm La hán. Kim cương cũng vậy mà không vậy. Cái tim
của Thanh văn là vô ngã, Kim cương cho thấy họ chưa vô ngã. Kim cương không phủ
nhận Thanh văn bằng cách cho họ thấy họ tăng thượng mạn, tự tôn tự mãn với vị
trí mà Phật giả định Ố dầu đến đoạn 25, Kim cương cũng nói vì sự ấy mà họ không
tin nổi Kim cương. Thế nhưng Kim cương không phủ nhận gì hết, mà chỉ cốt dạy
cho Thanh văn cái tuệ giác Bát nhã để họ tự nhìn thấy cái ngã mà tận trừ, bước
tới. Do vậy, Kim cương ít nói lý pháp mà nói hạnh pháp và nói quả pháp nhiều
hơn : nói ngay cái tuệ giác, cái việc tu hành và đắc quả của tuệ giác ấy.
Nhưng trên đây chỉ là một cách xét.
Xét cách khác thì đối tượng Kim cương là Bồ tát. Bồ tát ở đây có hai. Một là
các vị Thanh văn đã hay có thể chuyển thành Bồ tát ; Bồ tát như vậy là như đã
nói trên đây. Hai là Bồ tát theo Bồ tát thừa ; các vị này, qua sự đối thoại với
ngài Tu bồ đề, Phật đã nói đến từ đầu đến cuối kinh này.
Bồ tát là gì ? Trong văn chương tư
tưởng bình dân của Ấn độ, Bồ tát là mẫu người lý tưởng. Tựa như quân tử của Trung
hoa, Bồ tát của Ấn độ cũng vậy mà hơn vậy : minh triết, dũng liệt, xả thân, cứu
đời... Phật giáo thì đời Phật, và ngay loài người, cũng có các vị Bồ tát nổi
tiếng. Thắng man phu nhân... nhóm Hiền hộ... và Duy ma, một người không những
là Bồ tát mà còn là Bồ tát bất khả tư nghị. Thêm nữa, nói về Bồ tát thì rõ ràng
có cái khuynh hướng cho tại gia cũng quan trọng, chưa nói có khi quan trọng hơn
; nói về Bồ tát hạnh thì rõ ràng quan trọng là bố thí, nhẫn nhục và tuệ giác ;
và căn bản của mọi sự trên đây là phát bồ đề tâm, chữ phát vừa có nghĩa phát
nguyện vừa có nghĩa phát huy. Bồ tát là như vậy, nhưng đứng về mặt Tam bảo thì
Bồ tát phải làm tỷ kheo mới được ngang với tỷ kheo, với Thanh văn, và cũng là
Tăng bảo ; chỉ đứng về mặt làm Phật thì Bồ tát mới được nhận là phật tử đích
thực, mới là người sẽ đạt đến địa vị của Phật.
Bồ tát, như vậy, không thể không có
Bát nhã -không thể còn có ngã chấp mà được gọi là Bồ tát, mà làm được việc của
Bồ tát. Đối tượng Bồ tát của Kim cương là như vậy.
7. Nội dung của Kim cương.
Ở đây sẽ đi sâu vào một vài chi
tiết mà qua đó càng thấy nội dung kinh này, ngoài nội dung đã thấy qua hai điều
5 và 6 ở trên.
a. Ý nghĩa danh h
iệu Kim cương bát nhã ba la mật.
Kim cương là chất kim cương, ở đây
lấy chất ấy ví dụ cho sự khó phá hủy. Bát nhã là tuệ giác như thật tri kiến về
Như (coi ghi chú 11 của Dẫn nhập). Ba la mật là rời bỏ, vượt đến : rời bỏ
bờ bến bên này là vượt đến bờ bến bên kia, tức là nói đến sự toàn hảo. Kim
cương bát nhã ba la mật có hai nghĩa.
Nghĩa thứ 1, kim cương ví dụ cho
ngã chấp; tuệ giác toàn hảo có năng lực phá hủy cái ngã chấp khó phá hủy đó,
nên gọi tuệ giác ấy là Kim cương bát nhã ba la mật. Hd và Nd thêm hai chữ năng
đoạn (Năng đoạn kim cương bát nhã ba la mật : Năng đoạn kim cương chi bát nhã
ba la mật) thì chỉ làm cho nghĩa thứ 1 này rõ hơn để khỏi lầm rằng Kim cương bát
nhã ba la mật có nghĩa thứ 2 dưới đây.
Nghĩa thứ 2, kim cương ví dụ cho chính tuệ giác ; tuệ giác toàn hảo có cái năng lực khó phá hủy là phá hủy được ngã chấp, nên tuệ giác ấy gọi là Kim cương bát nhã ba la mật.
Như vậy danh hiệu kinh này cho thấy kinh này cốt nói năng lực của Bát nhã và nói ngã chấp mà năng lực ấy phá hủy.
b. Ngã chấp trong Kim cương.
Kim cương nói về ngã chấp bằng bốn
tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Tướng, các bản khác dịch tưởng hay chấp,
vậy tướng là ý tưởng, tức khái niệm. Về bốn tướng, thứ tự có thể không phải là
ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, như Td và Bd ghi, mà là như sau, theo các
bản dịch khác : ngã, chúng sinh, thọ giả, nhân.
Ngã thì bản nào cũng dịch là ngã.
Chúng sinh thì Hd là hữu tình. Thọ giả thì Hd là mạng giả. Nhân thì Hd chỉ dịch
âm là bổ đặc dà la (dịch nghĩa : sát thủ thú), Chd là thọ giả (chữ thọ là
chịu), Nd là cánh cầu thú. Do sự cắt nghĩa của đại sĩ Thế thân (Chính 25/783 và
876) mà biết ngã là khái niệm tự ngã, chúng sinh là khái niệm sinh thể (hay
khái niệm liên tục), thọ giả là khái niệm đời sống (hay khái niệm tồn tại),
nhân là khái niệm tái sinh.
Nếu sắp thứ tự ngã, nhân, chúng
sinh, thọ giả thì đọc và hiểu dễ hơn, nhưng dầu muốn dầu không, thứ tự ấy cũng hàm
ý nghĩa ngã nhân là tự tha (tôi với anh), và chính hàm ý này lại khẳng định tự
ngã hơn lên.
Ngoài bốn tướng này, Hd còn nói sĩ
phu, ý sinh, ma nạp bà, tác giả, thọ giả. Trong 5 chữ này chữ ma nạp bà đáng
nói. Chữ ấy có người nói phải dịch là thắng ngã (Phật học đại từ điển 2569), và
nhân đấy nên nói lược về ngã chấp.
Ngoại đạo ban đầu nói chỉ ông trời
Đại phạn hay ông trời Đại tự tại mới có trước, tự có, rồi sinh ra và chi phối tất
cả, nghĩa là chỉ ông trời ấy mới là ngã. Kế đến, ông trời ấy biến thành phiếm
thần : cái bản thể phổ biến của ông trời ấy phú cho mỗi người mỗi vật đều có
một phần ; phần ấy đồng nhất với ông trời, vậy là ông trời = bản ngã = tự ngã.
Tự ngã này biểu thị lắm đặc tính tự tại chủ thể (tự chủ và chủ đạo) dưới những
danh xưng như những ký hiệu về nó : chúng sinh, thọ giả, nhân, v/v. Đó là ngã
chấp của kiến thức lý thuyết. Kiến thức lý thuyết ấy thật ra bắt nguồn rồi suy
diễn từ ngã chấp của mỗi người chúng ta, chưa nói của cả mọi loài động vật. Ngã
chấp ấy chỉ là và chính là ý thức cái tôi : cái tôi tự chủ (ngã tướng), cái tôi
mà do nó nên tôi là một sinh thể liên tục mà có tâm thức (chúng sinh tướng), là
một sinh mạng có đời sống và sống hết đời (thọ giả tướng), là một linh hồn sẽ
tái sinh những đời khác y như đời này (nhân tướng). Cái tôi như vậy không mấy
ai nghe nói đến, chứ chưa nói không mấy ai biết nói đến, nhưng không vì vậy mà
sự tự ý thức về nó không có. Trong ý thức bình thường rằng tôi đây, tôi khác
anh đây, cũng như anh đấy, anh không phải tôi đấy, thì ý thức này chính là ý
thức về ngã, càng đơn sơ bao nhiêu càng sâu dày bấy nhiêu. Ngã như vậy là bản
năng hơn là kiến thức, nên động vật hạ đẳng nhất cũng có chứ đừng nói loài người.
Ngã này là đệ thất thức, và mới đáng nói (vì Thanh văn cũng vẫn còn), hơn là
nói đến ngã chấp của ngoại đạo (mà Thanh văn đã hết). Ngã này không phải chỉ là
ngã trong hai thứ ngã với pháp, mà là ngã trong cả hai thứ ấy là nhân ngã và
pháp ngã. Nói giản dị, hễ có ngã thì nhìn vào đâu cũng thấy ta ; thấy không
phải ta chính là phản diện khẳng định sự thấy ta. Ngã này mới là cái ngã của Kim
cương nói đến, cái ngã mà chỉ có Bát nhã mới hủy diệt được.
c. Bát nhã của Kim cương.
Kim cương nói Phật có năm thứ mắt,
hai thứ nghĩa đen, ba thứ nghĩa bóng. Hai thứ nghĩa đen là nhục nhãn với thiên
nhãn. Nhục nhãn nhìn không suốt qua chướng ngại vật và bóng tối, nhìn không xa,
thiên nhãn trái lại, nhưng thứ nào cũng nhìn thấy hình sắc như người với trời.
Nói như người với trời mà thật ra không như rất nhiều : Phật thấy hình sắc mà
không bị hình sắc lừa dối, không như người với trời thấy hình sắc nhưng thật ra
chỉ nhìn thấy đối tượng. Ba thứ nghĩa bóng là tuệ nhãn, tức nhất thế trí, thấy thực
thể ; pháp nhãn, tức đạo chủng trí, thấy cách tu ; Phật nhãn, tức nhất thế
chủng trí, thấy hết thực thể, tướng dụng, cách tu. Tất cả năm thứ mắt này là
Bát nhã toàn hảo của Phật trong Kim cương. Nhưng sơ khởi Phật dạy cho người
nghe kinh này thì chính yếu là tuệ nhãn. Cách dạy nói khá nhiều là sở ngôn (nói
rằng, gọi là) tức phi (là phi, là không phải) và thị danh (thế nên nói là, vì
lý do ấy nên nói là). Dĩ nhiên sở ngôn, tức phi và thị danh không phải là một
ước lệ nhất quán trong Kim cương, nhưng quá rõ ràng thể thấy cách dạy này nhiều
chỗ giống nhau, và không thể không có tính cách nhất quán. Không những như vậy,
mà đoạn 10 chữ phi có kèm chữ tính (tính phi phước đức), và Hd đoạn 14, không
những "thân lớn ấy ngài nói là phi thân lớn, vì thế nên Ngài nói là thân
lớn" mà còn thêm, "chứ không phải vì là thân lớn mà Ngài nói là thân
lớn".
Cách dạy như vậy cho thấy, ví dụ,
chúng ta nói A thì Phật nói A đó là phi-A, và đó là tại sao Ngài nói là A (chứ
không phải vì A là A mà Phật nói là A). Như vậy phi-A không phải là B, mà là A
tự siêu việt, có trường hợp là tự phủ nhận, có trường hợp vừa tự phủ nhận vừa
tự siêu việt. Vậy Phi là thế nào ?
Ở chỗ khác, Phi là duyên sinh tính
không, là đương sinh vô sinh, hay thấp một chút là mộng ảo bào ảnh (mà đoạn 51
của Kim cương cũng nói đến, trong trình độ này). Nhưng ở Kim cương thì Phi có
cái ngữ khí trực chỉ : Phi là như thật tri kiến các pháp toàn là Như. Nói giản
dị một chút, Phi là siêu việt : siêu việt khái niệm và diễn tả. Cho nên A là
phi-A (là Như), và đó là lý do tại sao Phật nói là A ; nói A như vậy thì không
phải như ngã chấp chỉ thấy biết A là A và vì vậy mà nói là A.
Phi, như thế, là Bát nhã của Kim
cương, như thật thấy biết nên thấy biết gì cũng Phi, hủy bỏ cái ngã thấy biết
gì cũng là ngã cả.
d. Phát tâm, trú tâm và hàng
tâm.
Phát tâm, nói rõ là phát tâm bồ
đề, nói rõ hơn nữa là phát tâm vô thượng bồ đề, và nói rõ nhất là phát tâm vô
thượng chánh đẳng giác. Vô thượng chánh đẳng giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ
đề) là tuệ giác biết đúng, biết hết và biết hơn tất cả. Tuệ giác ấy là Bát nhã,
là tuệ giác của Phật. Phát nguyện cầu mong tuệ giác ấy, đồng thời phát huy tuệ
giác ấy, thì gọi là phát tâm Ố Phát huy trọn vẹn tuệ giác ấy là trở thành Phật
đà. Phát nguyện và phát huy tâm bồ đề như vậy có hai lý do, và do đó có hai việc
làm, ấy là vì thương nỗi đau khổ của chúng sinh mà nỗ lực cứu độ, vì xót sự suy
tàn của chánh pháp mà nỗ lực duy trì.
Phát tâm như vậy là căn bản của đại
thừa, là làm theo đại thừa (nên thay vì phát tâm bồ đề, có bản dịch là phát thú
đại thừa). Phát tâm thì phải trú tâm và hàng tâm. Trú là đứng vững, là trú ở.
Hàng là buộc đầu hàng, là chiến thắng, sửa chữa. Trú tâm là trú ở nơi sự phát
tâm, hàng tâm là hủy diệt ngã chấp. Nói cách khác, trú tâm hàng tâm là vận dụng
Bát nhã. Như vậy chủ đích Kim cương là dạy Bát nhã để phát tâm, trú tâm và hàng
tâm. Đó là nội dung căn bản của kinh này.
Ở tiểu thừa, tuệ giác các vị Thanh
văn hủy diệt ngã chấp chỉ là ngã chấp lý thuyết như ngoại đạo nói, còn ngã chấp
bản năng mà chúng sinh có thì Thanh văn còn tự mãn tự tôn là vẫn còn loại ngã
chấp ấy. Do vậy, sự phát tâm, trú tâm và hàng tâm đã nói trên không được có ở
các vị Thanh văn. Kim cương dẫn tiến Thanh văn, cũng dẫn tiến Bồ tát, là dẫn
tiến cái điều căn bản này đây.
8. Kim cương : đại thừa với
tiểu thừa
Vấn đề không phải cần đặt ra do
một số luận điệu gần đây liên hệ đến đại thừa tiểu thừa, mà vấn đề đặt ra để
một mặt nhìn nội dung Kim cương rõ hơn nữa, mặt khác cần nói đến mấy vấn đề căn
bản của đại thừa tiểu thừa, ít nhất cũng nói mở đầu và vắn tắt.
a. Vấn đề Phật.
Tiểu thừa thì nhất thiết cho Phật
cũng chỉ là một vị La hán. Căn cứ gần như duy nhất chỉ vì trong mười đức hiệu
của Phật có đức hiệu La hán, và vì khi năm vị tỷ kheo thành La hán đầu tiên thì
Phật nói thế gian có sáu vị La hán. Thật quá dễ dàng để thấy căn cứ như vậy
không xứng đáng là căn cứ để nói Phật cũng là và chỉ là một vị La hán.
La hán tương đồng được một phần với
Phật về đoạn đức (giải thoát), nhưng không tương đồng được phần nào với Phật về
trí đức (tuệ giác) và ân đức (độ sinh). La hán không có 10 lực, 18 bất cọng và
nhiều pháp khác của Phật, mà đó là những pháp số không phải chỉ đại thừa nêu lên.
Trong tín ngưỡng, bốn bất hoại tín tin Phật riêng, tin Tăng riêng ;và ba ngôi
báu cho thấy Phật bảo không thể là Tăng bảo. Trong qui chế, Phật không đồng
chúng kiết ma tác pháp tăng sự. Thành thật luận (của tiểu thừa) đã nói rõ như
vậy (Chính 32/258).
b. Vấn đề chúng sinh thành Phật
Tiểu thừa không công nhận, ngay cả
trong thì gian, rằng ai cũng có thể thành La hán, có đâu công nhận ai cũng trở
thành Phật đà. Đại thừa thì sự công nhận này là một trong những căn bản quan
trọng, đặc biệt quan trọng cho tín niệm độ sinh.
c. Vấn đề niết bàn
Hai vấn đề trên nói theo ngôn ngữ
Kim cương thì Như lai là Như, chúng sinh là phi chúng sinh (nghĩa là cũng Như).
Do vậy, cả hai vấn đề dẫn đến vấn đề Niết bàn, vì Niết bàn là Như chứ không chi
khác.
Tiểu thừa hay nói mình không đề
cập bản thể, có khi còn loạn hơn, cho bản thể là không có, là biến chế từ ngoại
đạo. Nhưng có lúc cũng thấy ra bản thân của mình, và đỉnh cao của mình là Niết
bàn, dầu nói hoa mỹ đến đâu cũng không khỏi bị cho là hư vô, đoạn kiến. Ấy thế
nên gần đây hay đề cao Như lai (Tathata). Như lai, đúng ra là Như, ở tiểu thừa
gần như không nói đến, trừ ra nói đến trong chữ Như lai, và Thành thật luận nói
thừa như thật đạo lai thành chánh giác (Chính 32/242) ; càng không xác định
rằng Như lai là sự thật, là bản thể trung thực. đại thừa, như Kim cương, với
chữ Phi, cho thấy Như lai là cả hai : là bản thể trung thực và vì bản thể này
mà sự thật các pháp không phải những gì ngã chấp thấy là thật. Nói giản dị, Như
là bản thể siêu việt của các pháp. Như ấy là Niết bàn.
Ở tiểu thừa, Niết bàn được chứng
dưới hai dạng : dạng thứ nhất đoạn tập đế mà còn khổ đế, dạng thứ hai khổ đế
cũng không còn. Thuật ngữ gọi hai dạng này là hữu dư y và vô dư y. Nhưng Niết
bàn rồi, nói nôm na, cái thân thuộc khổ đế này chết rồi, thì sau đó là thế nào ?
Ở đây chỉ còn diễn tả bằng mấy cách mà đáng nói là vài cách sau đây. Cách thứ
nhất, có người rành xương người chết. Ngươì chết đã là gì, và là gì sau khi
chết, người ấy cầm xương mà gõ là biết hết. Nhưng có một loại xương người ấy
cầm gõ không thể biết là gì cả, vì đó là xương La hán : La hán không còn sinh
ra nữa nên người ấy không thể biết là gì như đã biết các loại xương khác. Cách
thứ hai là nói Như lai phi chung phi bất chung - thì đại thừa mới cắt nghĩa
được cách nói này có ý nghĩa gì.
Đại thừa không nhận Niết bàn như
trên là cứu cánh. Niết bàn như trên, và đức Phật có Niết bàn như trên, gần như
không thể nói là liên quan đến sự tồn tại của chánh pháp và sự giải thoát của
chúng sinh.
Đại thừa nói căn bản của Niết bàn
là Như. Thực thể chúng sinh là Như nên Phật mới có thể làm cho Niết bàn thể
hiện. Niết bàn ấy là vô trú niết bàn : vì có đại bi nên không ham niết bàn, vì
có đại trí nên không bị sinh tử - đại nguyện tự tại ở trong sinh tử mà hóa độ
chúng sinh. Niết bàn của đại thừa là như vậy. Nên trong đoạn mở đầu Kim cương
đã nói đến Niết bàn, rồi trong đoạn gần cuối Kim cương nói rõ rằng tâm nguyện
bồ đề thì không nói đoạn diệt.
9. Thực hành Kim cương.
Những điều đã trình bày ở trên cho
thấy thực hành theo Kim cương là như thế nào. Phát tâm, trú tâm và hàng tâm là
quan trọng nhất. Thực hành theo Kim cương là như thế. Và như đã thấy, phát tâm,
trú tâm và hàng tâm là vô trú bát nhã, được diễn đạt bằng chữ Phi.
Sánh với chữ Không của toàn bộ Bát
nhã, chữ Vượt qua (yết đế) của bát nhã tâm kinh, thì chữ Phi của Kim cương bát nhã
hoạt bát hơn nhiều lắm.
Chữ Phi được thực hành bằng luận
chứng sơ khởi là bài chỉnh cú cuối cùng của Kim cương, quán sát các pháp hữu vi
như mộng ảo bào ảnh. Nhưng chữ Phi cũng có thể thực hành từ sơ khởi đến chung
cục theo phong cách của Thiền tông.
Theo phong cách ấy thì thấy gì
cũng phi cả. Nhất là phi cả cái Phi. Phi thì không vướng mắc vào đâu cả, nhất
là vướng mắc vào phóng đãng, phóng khí, tự nhiên, nhác, nhát, thoái chuyển,
lệch hướng. Phi thì làm cho tâm trí và tâm hồn rỗng thông như không gian mà
phong phú như hoa lá. Mình với cuộc đời phi tức mà cũng phi ly, siêu nhiên cũng
như tục lụy đều không vướng mắc.
Loài cọp cũng như loài mèo, khi bị
ném lên trong không thì có cái khả năng chuyển mình để rơi xuống vẫn chạm đất
bằng bốn chân. Chúng không thương tổn hay phải chết vì sự rơi xuống, dầu rơi
xuống từ cao. Thiền tông lấy hình ảnh này làm một bài học cho con người rơi vào
cuộc đời này. Bài học quan trọng ở chỗ ta có chuyển mình được như cọp với mèo
hay không. Chữ Phi là sự chuyển mình ấy.
10. Vị trí của Kim cương
Sự phát tâm và sự niết bàn của Kim
cương vừa nói trên đây cho thấy đại thừa không đặt sự tồn tại của chánh pháp ngoài
sự lợi ích của cuộc đời, không đặt sự toàn giác ngoài sự độ sinh. Do vậy, đại
thừa thích ứng mọi xã hội. Nhưng nội cách nói sở ngôn, tức phi và thị danh mà thôi,
Kim cương đã cho thấy đại thừa thích ứng như thế nào. Đại thừa không như phàm
phu và tiểu thừa thấy A vì A là A : thấy có hay thấy không đều thấy theo cái
ngã bản năng - Và chính vì thế mà tai họa cho cuộc đời, chính vì thế mà lý
tưởng vị tha cũng thành ra đỉnh cao vị kỷ. Đại thừa thấy vì A là phi-A nên mới
là A : biến mọi hoạt động của bản năng thành mọi hoạt dụng của đại thừa. Thích
ứng như vậy là Bát nhã của Kim cương được hoạt dụng vào sự thích ứng. Thì sự
thích ứng không những có, mà còn có một cách hoạt bát chứ không phải tha hóa,
không phải tục hóa. Khả năng này được đặt thành vấn đề, và là vấn đề chính yếu,
thì đại thừa và Kim cương của đại thừa phải được quan tâm nghiêm chỉnh.