- Thư Tòa Sọan
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử.. (Thích Thiện Nhơn)
- Mạng xã hội với những thách thức… (Thích Bảo Nghiêm)
- Trích kinh Đức Phật dạy về chữ Hiếu (Ban Biên tập VHPG)
- Đức Phật dạy gì về “Vô ngã”? (Trịnh Đình Hỷ)
- Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)
- Các bước đào luyện tâm linh của người Phật tử (An Khánh)
- Tìm trong sống chết (Nguyễn Thế Đăng)
- Chữ Hiếu dưới lăng kính kết nối truyền thông (Nguyên Cẩn)
- Tuổi trẻ và Vu-lan góc nhìn từ Phật giáo (Thích Phước Nghiêm)
- Chùa Cần Đước (chùa Prếk On Đơk)… (Thích Minh Tiến)
- Một thời làm điệu (Thích Trung Định)
- Người Việt có ba thứ chữ viết (An Chi)
- Không biết (Alex Tzelnic, Cao Huy Hóa dịch)
- Vu-lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ (Phí Thành Phát)
- Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)
- Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ (Thích Huệ Thông)
- Ông cha ta giữ gìn biển đảo (Tôn Thất Thọ)
- Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)
- Tàu đến Mạc Tư Khoa (Trần Đức Tuấn)
- Quản lý nóng giận bằng phát triển tâm từ (Thích Quảng Tiến Nhẫn)
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020
Mạng xã hội với những thách thức trong công tác quản lý, giáo dục Tăng Ni trẻ và công tác Hoằng pháp hiện nay
(Thích Bảo Nghiêm)
I. Duyên khởi
Khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III (1969-1997), internet được xem như một phát minh vĩ đại của nhân loại. Nó mở toang mọi cánh cửa của các quốc gia trên hành tinh xanh. Nó tạo điều kiện cho tin tức, hình ảnh và âm thanh tràn ngập mọi ngõ ngách khắp năm châu bốn biển. Nhân loại như trải qua một thời kỳ được giải phóng toàn diện. Mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, địa dư, lịch sử, sắc tộc, chính trị… như bị phá vỡ hoàn toàn. Con người như được xích lại gần nhau trong gang tấc. Một sự kiện vừa xảy ra tại bất cứ nơi đâu trên thế giới đều sẽ lan truyền nhanh ra khắp địa cầu. Đây thật sự là một cuộc cách mạng vĩ đại trong bước tiến đời sống nhân loại.
Không dừng lại ở đấy, vào năm 1995 thế giới lại xuất hiện một loại hình dịch vụ tương tác cá nhân, đó là dịch vụ mạng xã hội (Social Networking Service – SNS ). Hiện nay thế giới có hàng trăm dịch vụ mạng xã hội khác nhau, với MySpace, Twitter và Facebook nổi tiếng nhất trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Dịch vụ mạng xã hội khác gặt hái được thành công đáng kể theo vùng miền như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều các dịch vụ mạng xã hội như: Zing Me, YuMe, Tamtay, Facebook, YouTube, Zalo, Butta…
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2010 cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra lại một lần nữa khi nơi nơi đều có thể sử dụng đường truyền tốc độ cao băng thông rộng, hơn thế nữa là những năm gần đây khi công nghệ 4G ra đời đã tạo nên một bước đột phá mạnh khi tất cả những chiếc điện thoại thông minh và thiết bị cầm tay đều có thể kết nối với tất cả các thiết bị ở bất cứ nơi nào qua đường truyền tốc độ cao của nghệ 4G thì mạng xã hội (MXH) đã có bước phát triển mạnh mẽ và đột phá, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. MXH đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH.
Tại Việt Nam, các MXH bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay (số liệu năm 2019), có khoảng 455 MXH được cấp giấy phép hoạt động, Theo báo cáo thống kê, tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020 hiện nay với khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet – và các dịch vụ truyền thông – MXH. Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua, trung bình hàng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút – tương đương với 1/4 ngày, để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15-40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động. Nhìn chung, họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới.
Từ khi điện thoại thông minh ra đời, MXH lại có thêm đông đảo người sử dụng. Bây giờ MXH không còn giới hạn trong giới trẻ nữa, mà đã lan rộng đến tất cả mọi lứa tuổi: từ một em thiếu niên cho đến cụ già “thất thập cổ lai hi” đều có thể tham gia vào một MXH nào đó. Về thành phần xã hội những người tham gia MXH giờ đây cũng không còn giới hạn trong học sinh sinh viên, công chức, trí thức… nữa, mà có thể nói bất cứ thành phần nào trong xã hội – miễn là người đó biết đọc biết viết – cũng đều có thể trở thành “cư dân” của MXH.
II. Những lợi ích do MXH đem lại
Các nhà xã hội học đã tổng kết được 10 lợi ích trong việc sử dụng MXH như sau:
1. Cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế.
2. Cải thiện chất lượng và tốc độ của báo chí và dịch vụ công.
3. Kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng.
4. Kết nối yêu thương và hòa nhập quốc tế.
5. Cải thiện kỹ năng sống, kiến thức.
6. Kinh doanh, quảng cáo miễn phí.
7. Tiết kiệm kinh phí, thời gian, sức lao động và thân thiện với môi trường.
8. Giải trí.
9. Khuyến khích, phát huy tài năng.
10. Bày tỏ và kiểm soát cảm xúc.
Với những lợi ích như trên khiến cho MXH trở thành người bạn đáng tin cậy của con người, do vậy không nên thắc mắc tại sao ngày càng có nhiều người đến với MXH.
III. Những bất lợi do MXH gây ra nếu bị lạm dụng
Bên cạnh những lợi ích mà MXH mang đến cho người dùng, người ta cũng tổng kết được 10 điều bất lợi của nó khi bị con người lạm dụng như sau:
1. Tốn thời gian và giảm tương tác
giữa người với người
Nhiều người trong chúng ta có thói quen truy
cập mạng bất cứ thời gian nào rảnh rỗi. Điều này khiến bạn mất đi khoảng thời gian để não được thư giãn và nghỉ ngơi thực sự. Nghiện MXH không chỉ khiến bạn dành ít thời gian cho người thật việc thật ở quanh mình, mà còn khiến họ buồn phiền khi bạn coi trọng bạn bè “ảo” hơn những gì ở trước mắt. Dần dần, các mối quan hệ sẽ bị rạn nứt và sẽ chẳng ai còn muốn gặp mặt bạn nữa.
2. Mong muốn được chú ý nhiều hơn
Đăng tải những status mơ hồ nhằm câu like và view không còn là chuyện lạ, song nó thực sự khiến người khác phát bực nếu dùng quá thường xuyên. MXH cũng góp phần tăng sự ganh đua, sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để tìm like và notification sẽ cướp đi đáng kể quỹ thời gian của bạn.
Sau một thời gian dài sử dụng, bạn dễ rơi vào trạng thái thích được đăng tải nhiều điều trong cuộc sống hơn và nhận lại lượt thích. Đôi khi bạn có thể cảm thấy những cái like “ảo” trên mạng là điều cần thiết mỗi khi bạn đăng bất cứ điều gì.
3. Xao lãng mục tiêu cá nhân
Quá chú tâm vào MXH dễ dàng làm người ta quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống. Thay vì chú tâm tìm kiếm công việc trong tương lai bằng cách học hỏi những kĩ năng cần thiết, các bạn trẻ lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím” và nổi tiếng trên mạng.
4. Suy nghĩ tiêu cực, có nguy cơ trầm cảm
Các nghiên cứu gần đây cho thấy những ai sử dụng MXH càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực hơn, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.
Điều này đặc biệt nguy hiểm với những ai đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm từ trước. Vì thế, nếu bạn phát hiện mình thường xuyên cảm thấy mất tinh thần, có lẽ đã đến lúc giới hạn thời gian sử dụng MXH rồi đấy!
5. Giết chết sự sáng tạo
MXH là phương tiện hiệu quả nhất để làm tê liệt và giết chết quá trình sáng tạo. Quá trình lướt các trang MXH, đặc biệt là Tumblr, có tác động suy giảm hoạt động não bộ tương tự như khi xem tivi trong vô thức. Nếu hôm nay bạn có kế hoạch làm việc thì hãy hạn chế thời gian sử dụng MXH.
6. Nhiễm bạo lực trên mạng
“Anh hùng bàn phím” là một từ không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Người ta cảm thấy thoải mái trên mạng nên họ thường nói những điều mà ngoài đời không dám phát biểu.
7. Tình yêu dễ đổ vỡ
Ghen tuông hay rình mò trên mạng không bao giờ mang đến kết quả tốt đẹp cho các đôi lứa đang yêu. MXH tưởng chừng là công cụ hiệu quả để “hâm nóng tình cảm”. Nhưng thực tế là lợi thì ít mà hại thì nhiều. Theo nghiên cứu, những ai sử dụng MXH càng nhiều thì họ càng có “tật” theo dõi mọi hành động của người ấy, dễ dẫn đến cãi vã và chia tay.
8. Thường xuyên so sánh bản thân với người khác
Những gì người ta khoe khoang trên mạng không hẳn là con người thật của họ, và việc thường xuyên so sánh những thành tựu của mình với bạn bè trên mạng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến tinh thần của bạn. Hãy dừng việc so sánh và nhớ rằng ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu của riêng mình.
9. Mất ngủ
Ánh sáng tỏa ra từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ đánh lừa não của bạn, gây rối loạn nhịp sinh học. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe và tinh thần.
10. Quyền riêng tư bị xâm phạm
Từng có tin đồn các trang MXH bán thông tin cá nhân của người sử dụng, lại thêm nhiều nguy cơ từ hacker, virus. Những điều này đều cảnh báo rằng sự riêng tư cá nhân đang dần mất đi trong khi MXH càng phát triển.
Nếu bạn không khôn ngoan khi post thông tin trên mạng, địa chỉ nhà, số điện thoại thì chính chúng sẽ gây ra rất nhiều phiền phức trong tương lai. Nguy hiểm nhất là những cuộc gọi giả mạo, lừa đảo.
IV. Tăng Ni trẻ và MXH
Như trên đã nói, hiện nay MXH không còn là riêng của thành phần nào trong xã hội. Tuy chưa có thống kê chính xác nào được đưa ra, nhưng người viết bài này có thể nói rằng 80% Tăng Ni trẻ hiện nay đều có sử dụng từ một hoặc hai, ba MXH cùng lúc, tôi muốn nói là họ sở hữu 1 hoặc 2, 3 nick name để ghi tên mình vào cộng đồng MXH. Sự tham gia MXH của Tăng Ni trẻ là không thể kiểm soát và càng không thể cấm đoán. Đây là một thực tế mà lãnh đạo các cấp Giáo hội phải mặc nhiên chấp nhận.
Trên thực tế nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy MXH mặc dù có mang lại sự lợi ích cho Tăng Ni trẻ, nhưng những thách thức mà nó đem đến
trong việc quản lý và giáo dục Tăng Ni trẻ theo đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm hướng đến hình ảnh mẫu người xuất gia hoàn thiện cũng gặp không ít khó khăn.
Về những lợi ích và những thiệt hại mà Tăng Ni trẻ có được hay phải gánh chịu, chúng ta có thể kết luận rằng việc Tăng Ni trẻ thường xuyên sử dụng MXH là “lợi bất cập hại”.
Đối với những lợi ích do MXH đem lại, quan sát kỹ 10 điều lợi ích mà phần trên bài này nêu lên, chúng ta sẽ thấy rằng MXH rất lợi ích cho đời sống hiện nay và công tác hoằng dương Chính pháp nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức vì chúng cũng còn rất nhiều mặt hạn chế có thể dẫn đến sự tiêu cực khó lường nếu người sử dụng MXH thiếu đi sự kiểm soát và không tỉnh thức. Có thể nói là lợi ích rất lớn nhưng tai họa cũng khó lường.
Sử dụng MXH mất kiểm soát, thiếu tinh thần tỉnh giác thì nơi đó sẽ là mảnh đất sinh ra bản năng thấp hèn của con người được kích hoạt. Người ta có thể nói ra bất cứ điều bậy bạ nào họ suy nghĩ mà không sợ bị phê phán; người ta có thể chửi mắng bất cứ ai họ ghét mà không sợ bị vạch mặt chỉ tên… bởi vì họ giấu con người thật của mình đằng sau những nick name và những hình ảnh không phải là ảnh thật của họ… Một “quốc độ” như thế làm sao người Phật tử xuất gia có thể “nhập tịch” làm cư dân cho được?
Tóm lại, sử dụng MXH một cách không kiểm soát đối với Tăng Ni trẻ là một nguy hiểm cho bản thân Tăng Ni trẻ và là thách thức lớn cho Giáo hội các cấp trong việc quản lý và giáo dục thế hệ Tăng Ni kế thừa sự nghiệp hoằng dương chính pháp sau này. Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu và cần thiết?
V. Giải pháp cho vấn đề
Trước vấn nạn nghiện MXH của một bộ phận Tăng Ni trẻ, các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cần đưa ra những giải pháp nào cho vấn đề này?
Người viết bài xin đề xuất 3 giải pháp. Chúng ta có thể chọn 1/3 giải pháp tốt nhất để thực hiện, hoặc kết hợp 2/3 hoặc cùng lúc thực hiện cả 3 giải pháp tùy theo hoàn cảnh cho phép.
Ba giải pháp đó là:
1.Cấm hẳn Tăng Ni trẻ sử dụng MXH
Giải pháp này quá cứng rắn và không khả thi. Do đó chắc không vị lãnh đạo nào chọn giải pháp này. 2. Cấm sử dụng MXH trong một số trường hợp nhất định
Giải pháp này có thể áp dụng trong các trường hợp như:
– Trong 3 tháng an cư kiết hạ
– Trong phạm vi không gian và thời gian cho phép tại các trường Phật học
– Trong các Thiền viện
– Trong các giờ học tập – công phu
– Vân vân…
Giải pháp này chỉ giải quyết tạm thời trong một trường hợp nào đó chứ không mang tính căn cơ bền vững.
3. Tăng cường giáo dục giúp Tăng Ni trẻ có nền tảng đạo đức, làm chủ bản thân, sử dụng MXH theo tinh thần chính niệm – góp phần quan trọng trong công tác hoằng pháp lợi sinh của thời đại công nghiệp 4.0 và tạo nên không gian mạng an toàn.
Đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất, tuy nhiên đòi hỏi phải có sự kiên trì bền bỉ trong thực hiện, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm chiếu lệ, làm cho có hình thức. Nếu giải pháp này được thực hiện đầy đủ sẽ mang lại kết quả lâu dài, bền vững hơn là cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng MXH.
Thực tế cho thấy có nhiều vị giáo phẩm đạo cao đức trọng hiện nay vẫn thường xuyên sử dụng MXH nhưng các vị ấy đâu có bị những tiêu cực của MXH tác động, ngược lại còn phát huy tính tích cực trong công tác quản lý – hoằng pháp một cách hiệu quả và đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực về nội dung hoằng pháp trong thời đại mới. Điều này cho thấy MXH cũng giống như con dao hai lưỡi, tùy người sử dụng mà đem lại lợi ích hay tác hại. Cũng vậy, nếu Tăng Ni trẻ hiểu được hai mặt lợi và hại của MXH, nếu Tăng Ni trẻ làm chủ được bản thân, có nền tảng đạo đức vững vàng do tiếp thu từ nền giáo dục của thầy tổ, các trường Phật học thì việc sử dụng MXH sẽ đem lại lợi lạc mà không gây tác hại cho Tăng Ni trẻ chúng ta.
Cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền sử dụng MXH theo tinh thần tại điểm thứ 8 của Nghị quyết về Phương hướng hoạt động Phật sự của Đại hội VIII nhiệm kỳ 2017-2022 “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Việc giáo dục tuyên truyền này cần được thường xuyên thực hiện từ tự viện gia giáo cho các buổi
họp Tăng sự của Giáo hội Phật giáo cấp huyện, tỉnh, Trung ương đến các trường Phật học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và cấp học viện và cần đặc biệt quan tâm đào tạo việc “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý – hoằng pháp thời đại mới” từ đó tạo cho các Tăng Ni có được một cái nhìn tổng thể và hiểu biết được những giá trị tích cực sử dụng MXH theo tinh thần chính niệm của người con Phật hướng đến “tịnh hóa công dân mạng” góp phần xây dựng “không gian mạng an toàn” là một nền tảng cần phải có trong việc phát triển bền vững hệ sinh thái số của nước nhà, góp phần quan trọng tích cực và hiệu quả cho việc giáo dục thanh thiếu niên, tạo nên một môi trường học tập lành mạnh, học tập mọi lúc mọi nơi thông qua chiếc điện thoại thông minh và thiết bị cầm tay.
VI. Kết luận
Ngày xưa, Đức Phật hằng dạy các đệ tử không nên sử dụng thần thông một cách bừa bãi là vì Ngài biết rằng thần thông sẽ làm thui chột các đức tính chân thiện mỹ của người xuất gia cầu giác ngộ giải thoát.
Ngày nay, trong thế kỷ XXI cách thời Phật hơn 2.600 năm, không ngờ Tăng Ni chúng ta đang sống dưới thời đại quá nhiều “thần thông” do khoa học đem lại, trong đó internet và MXH là một minh chứng. Nếu thiếu tỉnh thức trong việc sử dụng MXH cũng sẽ đem lại không ít chướng duyên đối với việc tu tập giải thoát và cũng là một vấn nạn thách thức lớn đối với Giáo hội các cấp trong công tác quản lý của ngành Tăng sự. Do vậy, đời sống hiện nay rất cần ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào đời sống tu tập thường nhật, nên các cấp Giáo hội cần thường xuyên và tăng cường việc vận động – tuyên truyền Giáo dục ý thức đối với Tăng Ni, cần sử dụng MXH đúng với tinh thần điểm thứ 8 của Nghị quyết phương hướng hoạt động Phật sự của Đại hội VIII đã đề ra “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp …” với tinh thần trách nhiệm và ý thức “sử dụng MXH theo tinh thần chính niệm” hướng đến “tịnh hóa công dân mạng” góp phần xây dựng “không gian mạng an toàn” là một nền tảng cần phải có trong việc phát triển bền vững hệ sinh thái số của nước nhà.
Nhớ lời Phật dạy, Tăng Ni chúng ta cần sáng suốt và bình tĩnh để làm chủ khoa học, thay vì làm nô lệ cho nó. Đó chính là điều mà tất cả những ai có trách nhiệm và tâm huyết với tương lai Đạo pháp cần tư duy quán chiếu thường xuyên.
Nguồn: vanhien.vn
.