- Thư Tòa Sọan
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử.. (Thích Thiện Nhơn)
- Mạng xã hội với những thách thức… (Thích Bảo Nghiêm)
- Trích kinh Đức Phật dạy về chữ Hiếu (Ban Biên tập VHPG)
- Đức Phật dạy gì về “Vô ngã”? (Trịnh Đình Hỷ)
- Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)
- Các bước đào luyện tâm linh của người Phật tử (An Khánh)
- Tìm trong sống chết (Nguyễn Thế Đăng)
- Chữ Hiếu dưới lăng kính kết nối truyền thông (Nguyên Cẩn)
- Tuổi trẻ và Vu-lan góc nhìn từ Phật giáo (Thích Phước Nghiêm)
- Chùa Cần Đước (chùa Prếk On Đơk)… (Thích Minh Tiến)
- Một thời làm điệu (Thích Trung Định)
- Người Việt có ba thứ chữ viết (An Chi)
- Không biết (Alex Tzelnic, Cao Huy Hóa dịch)
- Vu-lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ (Phí Thành Phát)
- Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)
- Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ (Thích Huệ Thông)
- Ông cha ta giữ gìn biển đảo (Tôn Thất Thọ)
- Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)
- Tàu đến Mạc Tư Khoa (Trần Đức Tuấn)
- Quản lý nóng giận bằng phát triển tâm từ (Thích Quảng Tiến Nhẫn)
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020
Vu-lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ
(Phí Thành Phát)
Người xưa thường dạy: “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên, nhơn sanh do tổ do tông”, có nghĩa là “Cây có cội, nước có nguồn, còn con người thì có tổ tông”.
Do đó, hiếu thảo là một trong những đức tính hàng đầu được gia đình và trường học dạy dỗ từ lúc còn tấm bé. Trong đạo Phật, hiếu thảo là một trong tứ đại trọng ân mà Đức Phật đã dạy, đứng đầu là ân cha mẹ. Ngoài tấm gương đại hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên mà người con Phật được biết đến qua kinh “Vu-lan và Báo hiếu” hay “Mục Liên sám pháp”, thì vẫn còn nhiều câu chuyện kể về đạo hiếu trong cửa Phật và trong cuộc sống đời thường. Do tấm lòng hiếu thảo ấy mà Đức Phật đã dạy cho các môn đồ đệ tử rằng Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ, ấy là lúc chư Tăng-Ni mãn hạ an cư, đây chính là lúc thân và tâm của chư Tăng-Ni rất thanh tịnh nên thiết lễ cúng dường đặng nhờ chư Tăng- Ni chú nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phước tăng thọ, tổ tiên quá vãng được siêu sanh tịnh độ.
Cho nên với người con Phật, tháng Bảy – mùa Vu-lan – là dịp để hàng con hiếu tri ân đặc biệt đến công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên.
Trong những ngôi chùa xưa ở Nam Bộ, một năm diễn ra nhiều lễ cúng như húy kỵ tổ sư, cúng rằm, Phật đản, lễ vía các vị Phật, Bồ-tát,… trong đó đặc biệt là lễ Vu-lan vào tháng Bảy âm lịch các chùa đều có tổ chức.
Vu-lan trong tiếng Phạn gọi là “Ullambana”, được phiên âm Hán-Việt là “Vu-lan-bồn”, tuy có người giải thích là “giải cứu nạn treo ngược”, nhưng thực ra là ý Đức Phật khuyên Tôn giả Mục- kiền-liên cúng dường chư Tăng để có được khả năng vào địa ngục cứu mẹ. Từ đó về sau, Vu-lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên của kiếp này và nhiều kiếp về trước. Đây là ngày lễ quan trọng, mang ý nghĩa to lớn, có công đức thù thắng nên còn được gọi là “Vu-lan thắng hội”.
Ngày tổ chức lễ Vu-lan ở các chùa vùng Nam Bộ xưa và cho đến nay không đồng loạt tổ chức vào ngày Rằm mà được các tổ linh hoạt chọn một ngày trong tháng Bảy âm lịch để tổ chức. Có những chùa chọn ngày tổ chức lễ Vu-lan trùng vào ngày kỵ tổ sư trong tháng Bảy, ở những trường hương thường tổ chức sau khi mãn hạ trước khi chư hành giả an cư trở về trú xứ của mình; có nhiều chùa chọn một ngày cố định để hằng năm tổ chức và trở thành ngày truyền thống của tự viện hoặc cũng có những chùa mỗi năm đều chọn một ngày trong tháng Bảy để tổ chức nhằm mục đích thuận tiện cho các công tác Phật sự ở chùa.
Buổi đầu, từ những nhu cầu của cư dân nơi vùng đất mới là một đạo Phật đáp ứng được hai yếu tố giúp người dân cầu an và cầu siêu, nên vào tháng Bảy, người dân đến chùa ghi tên thân quyến đã quá vãng nhờ các vị sư ở chùa tụng kinh siêu độ để những người mất được siêu sanh về miền tịnh cảnh. Cũng chính vì thế, vào ngày mùng Một tháng Bảy âm lịch các chùa tổ chức lễ khai kinh Vu-lan và nghinh thỉnh Cửu huyền Thất tổ để hằng ngày cúng cơm và hồi hướng cầu siêu sau những thời khóa tụng kinh ở chùa. Người đến chùa gửi cúng phần nhiều vẫn có những người dân bình thường chưa hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng họ đến chùa với tấm lòng cung kính, hiếu thảo và quen theo phong tục đi chùa, một nếp sống truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Chính vào lúc này, bằng những phương tiện hoằng pháp, các vị sứ giả của Như Lai sẽ là người hướng dẫn cho đại chúng hiểu về đạo Phật.
Khi xưa, chương trình Vu-lan thắng hội thường diễn vào hai ngày. Cho đến nay, vẫn còn những ngôi cổ tự, tổ đình vẫn còn duy trì theo nghi lễ xưa. Còn phần lớn về sau này, các chùa tổ chức một ngày, trước để thuận tiện cho việc sắp xếp, tổ chức trong ngày lễ, sau là không trùng ngày cúng ở nhiều chùa trong cùng địa phương để Phật tử tiện đến tham gia và hỗ trợ công quả ở các chùa.
Vào 15 giờ ngày đầu cử hành nghi thức Nhập tịch. Đây là nghi thức vào đám, khai chung bảng.
Khai chung bảng là một nghi thức long trọng của Phật giáo, nội dung chính của lễ này là làm thủ tục khai tiểu chung, bản, hồng chung, đại cổ, chuông, mõ gia trì và nhạc lễ rồi trổi ba hồi chuông trống Bát-nhã thỉnh chư Phật giáng lâm. Sau đó, các nhạc công đánh lớp xổ và đánh trống đàn khai lễ vào đám. Nhập tịch là nghi thức đầu tiên mở đầu cho chương trình Vu-lan thắng hội.
Tiếp theo là khoa Nghinh thỉnh Đức Địa Tạng vương Bồ-tát hay còn được gọi là khoa Nghinh Thần chủ. Đây là nghi thức thỉnh Bồ-tát Địa Tạng chứng minh trong lễ Vu-lan thắng hội.
Tiếp theo là khoa Phát tấu, Phần chỉ và Khai xá. Đây là nghi thức cúng vật thực và tấu trình với Thập điện Minh vương và Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Lúc này, ban lễ sư tán tụng hòa trong nhạc lễ, sau khi Thầy cả đọc điệp, một vị lễ sư thực hiện khai quang vị sứ giả cưỡi tứ bất tướng để nhờ sứ giả mang điệp trình với Thập điện Minh vương. Sau phần Khai xá, một vị Thầy cả khác bước ra múa đuốc để đốt hình nộm sứ giả để sứ giả lên đường đi trình điệp, gọi là nghi Phần chỉ (đốt giấy) nghi thức này còn được gọi là “múa rọi” hay “đi rọi”.
Tiếp theo là nghi thức Khai kinh đàn. Đây là nghi thức tán tụng khai kinh kệ. Trong khóa lễ, ban lễ sư đi nhiễu đàn tụng chú Phổ am nên gọi là “Huân đàn Phổ am” mà dân gian thường gọi là “chạy kinh đàn” hay bị đọc trại âm là “chạy kim đàn”. Huân đàn do vị Duy-na dẫn đầu, đi theo chiều thuận, chiều nghịch và xang lồi tối. Sau khi vị Sám chủ đọc sớ cúng khai kinh bạch Phật, một vị lễ sư thực hiện khai quang vị sứ giả cưỡi bạch hạc nên nghi này còn gọi là “Khai xá hạc” để nhờ sứ giả về Tây phương dâng sớ lên Phật tổ Như Lai đệ đạt nguyện vọng khẩn cầu của trai đàn pháp hội Vu- lan. Sau nghi thức khai kinh, chư tôn đức Tăng-Ni và Phật tử tụng kinh Vu-lan và Báo hiếu.
Nghi thức cuối cùng của ngày lễ đầu tiên là Chẩn tế. Đây là một trong những khoa nghi quan trọng trong chương trình Vu-lan thắng hội, trong đó “chẩn” được hiểu là cứu giúp, “tế” là tế độ muôn loài chúng sinh từ bờ mê sang đến bến giác ngộ. Theo quan niệm của dân gian, tháng Bảy âm lịch còn được gọi là tháng “Địa quan xá tội” hay được hiểu là thời gian cửa ngục được mở ân xá cho các vong nhân. Trong số những vong nhân này có thể có những thân bằng quyến thuộc của mình ở đời này hoặc nhiều kiếp trước, nên với lòng thương tưởng đó các chùa đã thiết
lễ Chẩn tế với ý nghĩa phổ đồng cúng dường cho thập loại cô hồn, để cô hồn, ngạ quỷ đến pháp hội lễ bái chư Phật, nghe thuyết pháp, nhận của bố thí và nương tựa công đức này được siêu sinh
Tịnh độ . Khoa nghi này thật sự là bản bi hùng ca có nội dung cảnh tỉnh thế gian hồi đầu hướng thiện . Lồng trong mỗi câu chữ của vị Thầy cả và ban lễ sư xướng lên là những giáo pháp từ bi của đạo Phật thông qua phương tiện là nghi lễ nhằm nhắn nhủ đến mọi người đang tham dự trong pháp hội.
Ngoài ra, ở một số chùa còn có nghi thức Thượng phan, nghi thức này phần nhiều là các chùa ở khu vực miền Tây Nam Bộ thực hiện; nghi thức Đề phan, đây là nghi thức ban thụy, hiệu và tặng chữ cho người quá vãng cũng tương tự như nghi thứcThuyết minh sanh… Và cũng nhân dịp này, nhiều chùa tổ chức lễ quy y Tam bảo cho Phật tử.
** *
Đặc biệt, ở tổ đình Phước Lưu (Trảng Bàng, Tây Ninh) Vu-lan thắng hội được tổ chức vào ngày húy kỵ tổ sư Yết-ma Tâm Hữu (Nhị tổ tổ đình Phước Lưu) nên còn có nghi thức Trình lục cúng, đây là nghi thức trình, dâng lễ vật cúng dường lên tổ sư. Lễ vật hiến cúng gồm có hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Nghi thức do hai vị Thầy cả cùng ban lễ sư, học trò lễ thực hiện hiến cúng. Thầy cả văn cùng hai vị tả, hữu Dạ đà tán tụng bằng nhiều giọng điệu khác nhau như nói lối, tư rơi, xuân nữ, nam ai, nam xuân, bụa và hồ quảng được các vị lễ sư linh hoạt dùng trong khi hành lễ hòa trong tiếng tum, đẩu và nhạc lễ; cùng với đó là vị Thầy cả võ bằng các bước chân theo điệu Thất tinh, tay cầm khăn ấn (hoặc linh) dẫn học trò lễ dâng lễ vật. Bốn vị học trò lễ được chia đứng hai bên vị Thầy cả võ, hai vị đứng trước cầm đăng, hai vị đứng sau cầm đài. Trong đàn trình, các học trò lễ bước đi theo điệu chữ tâm hoặc chữ bát và có xang nhiều bộ, điệu khác nhau như xang lưỡng nghi, xang tứ tượng, xang bát quái.
Sang ngày thứ hai, vào lúc 9 giờ thực hiện nghi thức Cúng Phật hay còn gọi là Cúng Ngọ. Đây là nghi thức cúng dường Phật, bát cơm dâng Phật có ý nghĩa biểu trưng cho tấm lòng thành kính hướng về chư Phật, ngoài ra trong nghi thức cúng Ngọ còn phổ đồng cúng dường đến chư Hiền thánh và chúng sinh trong lục đạo. Với những chùa tổ chức lễ Vu-lan vào ngày kỵ tổ, sau phần cúng Phật là nghi thức Tiến sư, hiếu đồ dâng trà, cơm và quả phẩm cúng dường tổ sư.
Đến giờ Ngọ, cử hành lễ Vu-lan. Đây là phần lễ chính đặc biệt quan trọng để những người con hiếu đối trước sự chứng minh của chư sơn thiền đức tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục và bày tỏ tình cảm đến hai đấng sinh thành.
Ý nghĩa lễ Vu-lan, công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ được nêu lên trong buổi lễ. Đặc biệt trong buổi lễ này là nghi thức Cài hoa hồng, một nghi thức xuất phát từ phong tục của người Nhật được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đưa về nước ta từ những năm 1960 . Vì đây là một phong tục đẹp, nên được người Việt tiếp nhận và thực hành trong mùa báo hiếu.
Bông hoa hồng tượng trưng cho niềm hạnh phúc, cài bông hồng lên ngực để tỏ lòng tôn kính, mến yêu cha mẹ. Người nào còn đủ cả cha mẹ thì cài bông hồng đỏ tươi, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn, người nào đã mất cả cha mẹ thì cài bông hồng trắng. Còn đối với bậc xuất gia thì cài bông hồng vàng, bởi màu vàng là màu của vô thượng phước điền y, màu của tuệ giác, màu của sự giải thoát giác ngộ và là màu của đất; người tu sĩ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để trên cầu sự giải thoát, báo Phật ân đức, dưới cứu độ chúng sanh. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện tiền và cha mẹ ở nhiều đời khác.
Đặc biệt nơi vùng đất Nam Bộ với nghệ thuật đờn ca tài tử, chính vào lúc này các nghệ sĩ cất tiếng hát, những bản nhạc, bản tân cổ, cải lương vang lên “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ…” như chạm đến tận đáy lòng của những người con hiếu thảo.
Đại diện cho chư sơn thiền đức, một vị sư trong ban chứng minh ban đạo từ đến chư tôn đức Tăng-Ni và toàn thể Phật tử. Bằng những câu chuyện kể về lòng hiếu thảo trong Phật giáo hoặc trong đời sống sẽ dẫn dắt cho những bài học cao quý về đạo hiếu và bổn phận của người làm con đối với hai đấng sinh thành mà vị sư muốn nhắc nhở gửi đến đại chúng.
Chư tôn đức Tăng Ni cử hành nghi thức Quá đường, trong nghi thức này dùng tiếng khánh (hoặc bảng) làm hiệu lệnh và tán tụng. Trước khi thọ trai, cử hành nghi thức Cúng dường Tam bảo, quán tưởng Tam đề, Ngũ quán và sau đó giữ chính niệm trong lúc ăn. Đây là nghi thức đặc biệt trong việc tri ân và báo ân ngay trong bữa ăn. Ngoài ra, trong nghi thức Quá đường có phần cúng Xuất sanh là cúng một phần thức ăn cho đại bàng, mẹ con quỷ La-sát và các loài quỷ thần ngoài đồng trống… theo như luật Phật đã dạy. Trong lúc chư tôn đức thọ trai, vị trụ trì chùa và Phật tử thực hiện nghi thức Cúng dường Trai tăng và Dâng Pháp y và đem công đức thù thắng này hồi hướng đến cha mẹ và tổ tiên. Đây cũng là nghi thức sau cùng khép lại lễ Vu-lan thắng hội.
Với những vị thuộc phẩm trật từ Tỳ-kheo trở lên, khi hoàn thành khóa an cư kiết hạ sẽ được tính thêm một tuổi đạo. Cũng vào dịp này, các chùa tổ chức lễ Khánh tuế đến thầy bổn sư, mừng thầy thêm một tuổi đời và một tuổi đạo. Ở tổ đình Phước Lưu (Trảng Bàng, Tây Ninh) và nhiều chùa vùng Nam Bộ, nơi Tổ đường thường treo đôi liễn có nội dung:
生 前教養得人無子也有子
沒 後 聲 名 在 世 雖 亡 而 不 亡.
Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhơn vô tử dã hữu tử Một hậu thanh danh tại thế tuy vong nhi bất vong.
Ngụ ý nói đến công ơn của thầy tổ là sống giáo huấn được người, không con mà tựa có, chết lưu danh tại thế, tuy mất vẫn như còn. Đây chính là dịp để môn đồ đệ tử tưởng nhớ đến ân giáo dưỡng của thầy tổ cũng tương tự như ân đức sinh thành của cha mẹ. Lúc này, thầy bổn sư ban lời huấn từ sách tấn, khuyên bảo các hàng đệ tử trên bước đường tu nhơn học Phật.
Cũng trong mùa Vu-lan báo hiếu, các chùa tổ chức tặng quà đến những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống nhằm thực hiện theo
Lễ Vu-lan tại Tổ đình Phước Lưu
lời Đức Phật dạy “Bố thí chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Phong trào thiết thực này ngày càng được lan tỏa đã thể hiện được tinh thần nhập thế độ sanh, tấm lòng từ bi của nhà Phật và cũng là một việc làm ý nghĩa mang đến công đức thù thắng trong mùa hiếu hạnh.
Vu-lan là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng của Phật giáo, là dịp để những người con hiếu thể hiện tấm lòng tri ân đến hai đấng sinh thành và tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong những ngôi chùa xưa ở Nam Bộ, Vu-lan thắng hội là dịp để các nhà sư hoằng pháp độ sanh theo như lời Đức Phật dạy trong kinh Vu- lan: “Như sau đệ tử xuất gia, Vu-lan bồn pháp dùng mà độ sanh…”, bằng những nghi lễ cổ truyền đặc trưng nơi vùng đất Nam Bộ đã thể hiện được tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của nhà Phật cùng hòa quyện nhuần nhuyễn với truyền thống, văn hóa tốt đẹp của tổ tiên nhằm hướng con người đến sự an vui, hạnh phúc, biết tri ân, báo ân và tiến đến sự giác ngộ, giải thoát.
Qua đây đã góp phần mang lại sự truyền bá đạo Phật rộng rãi đến với đại chúng.
Chú thích:
1. Bích Liên, Nguyễn Văn Thoa (2016), Mông Sơn thí thực khoa nghi, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.7-8.
2. Huỳnh Ngọc Trảng (2019), Gia Định – Sài Gòn hò, hát, lý, vè, và diễn xướng lễ hội, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ, TP.Hồ Chí Minh, tr.395. 3. https://vietnammoi.vn/y-nghia-3-sac-thai-bong-hong-
cai-ao-mua-le-vu-lan-139332.htm, truy cập ngày 18/8/2020.
* Ảnh của tác giả