- Thư Tòa Sọan
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử.. (Thích Thiện Nhơn)
- Mạng xã hội với những thách thức… (Thích Bảo Nghiêm)
- Trích kinh Đức Phật dạy về chữ Hiếu (Ban Biên tập VHPG)
- Đức Phật dạy gì về “Vô ngã”? (Trịnh Đình Hỷ)
- Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)
- Các bước đào luyện tâm linh của người Phật tử (An Khánh)
- Tìm trong sống chết (Nguyễn Thế Đăng)
- Chữ Hiếu dưới lăng kính kết nối truyền thông (Nguyên Cẩn)
- Tuổi trẻ và Vu-lan góc nhìn từ Phật giáo (Thích Phước Nghiêm)
- Chùa Cần Đước (chùa Prếk On Đơk)… (Thích Minh Tiến)
- Một thời làm điệu (Thích Trung Định)
- Người Việt có ba thứ chữ viết (An Chi)
- Không biết (Alex Tzelnic, Cao Huy Hóa dịch)
- Vu-lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ (Phí Thành Phát)
- Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)
- Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ (Thích Huệ Thông)
- Ông cha ta giữ gìn biển đảo (Tôn Thất Thọ)
- Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)
- Tàu đến Mạc Tư Khoa (Trần Đức Tuấn)
- Quản lý nóng giận bằng phát triển tâm từ (Thích Quảng Tiến Nhẫn)
Vu-lan lại trở về với người con Phật và những người con hiếu đạo, trên tinh thần này, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm và đọc lại bài kinh số 31, Ngang Bằng Với Phạm Thiên, phẩm IV, Sứ giả của Trời, trong Tăng chi bộ Kinh III, Đức Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên”. Ở đây, cha mẹ được Ngài ví như Phạm Thiên bởi vì cha mẹ giúp đỡ con cái rất nhiều trong việc yêu thương, dưỡng dục và đưa chúng ta vào đời.
Thật vậy, công ơn cha mẹ rất lớn đối với con cái. Vì thế, trong Phật Giáo nói riêng và nền văn hóa tâm linh dân tộc nói chung, sự báo hiếu công ơn cha mẹ là một trong những biểu tượng văn hóa tâm linh cao nhất được đề cao xuyên suốt trong dòng lịch sử và nó trở thành một ngày riêng biệt, một lễ hội đặc thù với danh xưng lễ hội Vu-lan. Vì lý do đó, Vu-lan không còn là của riêng Phật giáo mà nó trở thành ngày lễ hội văn hóa tâm linh không thể thiếu trong mọi người con hiếu đạo.
Vu-lan, tiếng Phạn gọi là ullambana, Trung Hoa dịch là Giải Đảo Huyền. Trong đó, Giải nghĩa là sự giải cứu, giải thoát nỗi khổ, Đảo Huyền chỉ cho nỗi đau khổ cùng cực của chúng sanh trong địa ngục, những gì họ phải trả do những ác nghiệp đã làm trong quá khứ. Vậy Vu-lan mang nhiều ý nghĩa tích cực không những giúp cho người đã quá vãng có cơ hội được thoát khỏi cảnh khổ mà còn giúp cho người sống thấy được “nhân quả” để hướng thiện và làm lợi ích cho xã hội.
Hơn nữa, lễ Vu-lan được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, điều này còn mang ý nghĩa rất đặc biệt mà được Đức Phật nhấn mạnh trong Tăng chi bộ Kinh III, bài kinh số 36 – Bốn Bậc Đại Vương: “Này các Tỷ- kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha (Bố-tát), bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có ai hiếu với mẹ, có kính Sa-môn, Bà-là-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha có đề cao cảnh giác, có làm các công đức”. Trong ngày này, nếu ai hiếu kính với cha mẹ và làm các công đức, thì chư Thiên sẽ hoan hỷ vì “Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm”. Vì vậy, ngày Vu-lan được tổ chức nhân ngày rằm càng tăng thêm giá trị cho buổi lễ vì không những chư Tăng hoan hỷ trong tinh thần giác ngộ, phát lồ sám hối để hồi hướng công đức cho cha mẹ mà chư Thiên cũng ca ngợi và ghi nhận tấm lòng chí thành chí kính này.
Sau ba tháng an cư, đạo hạnh và giới luật của chư Tăng càng tăng trưởng, ngày hoan hỷ của hàng Tăng chúng khắp nơi. Ngày ấy được gọi là ngày “Tự tứ”.
Tự tứ theo tiếng Sanskrit (Phạn) là Pràvaràna, phiên âm Hán–Việt là Bát Hòa La hay Bát Lặc Đà Lặc Noa, từ Hán dịch là Tự tứ, có nghĩa là sự thỉnh mời, là mặc tình. Trong Phật học đại từ điển, Khải Minh Thư Cục Đài Loan thì giải nghĩa từ Tự tứ như sau: “Sử tha thanh tịnh tứ cử kỳ sở phạm chi tội, đối tha Tỳ kheo nhi sám hối chi”,nghĩa là “Khiến cho chúng Tỳ kheo thanh tịnh, người khác mặc tình nêu các tội mà mình đã vi phạm, mình sám hối các tội ấy với các vị Tỳ kheo”. Đồng thời giải nghĩa hai chữ“tùy ý” như sau: “Sở tùng tha nhân chi ý tứ cử kỳ sở phạm cố vân tùy ý”, có nghĩa là “Do ý của người khác mặc tình nêu lên sự sai phạm của mình thì gọi là tùy ý”. Như những cách giải thích trên đây thì Tự tứ là hình thức tập thể phê bình một cá nhân và cá nhân hoan hỷ nhận khuyết điểm, tỏ ra hối tiếc và hứa sẽ sửa chữa nếu mình có sai phạm. Cụ thể ở đây là sự việc một Tỳ kheo để cho các Tỳ kheo khác nêu ra những sai phạm của mình để từ đó vị Tỳ kheo này sám hối trước tập thể chư vị Tỳ kheo.
Trong Tương ưng bộ Kinh (Samyutta Nikaya) đã ghi lại ngày tự tứ vào thời Đức Phật, trong những năm đầu mới hình thành như sau:
“Nhân ngày trăng tròn của Bố tát và Tự tứ, Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, năm trăm vị Tỳ-kheo đã đắc quả Alahan im lặng ngồi vây quanh Ngài. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỳ-kheo, Ngài mở lời: “Này các Tỳ-kheo, nay ta mời các Tỳ-kheo nói lên các Tỳ-kheo có điều gì chỉ trích ta hay không,về thân hay về lời nói?”.
Khi đó Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y, đảnh lễ Đức Phật và tác bạch: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không có gì chỉ trích Thế Tôn về thân hay về lời nói. Bạch Đức Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi, con đường chưa được biết, Thế Tôn làm cho được biết, con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo. Bạch Đức Thế Tôn, các đệ tử nay là những người sống hành đạo và sẽ thành tựu đạo về sau. Bạch Đức Thế Tôn, con xin thỉnh mời đức Thế Tôn nói lên, đức Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không về thân hay về lời nói?”.
Thế Tôn đáp: “Này Xá-lợi-phất, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói. Này Xá-lợi-phất, ông là bậc đại trí, quảng trí, tốc trí, tiệp trí, nhuệ trí, nhập trí, này Xá-lợi-phất ví như trưởng tử của vua chuyển luân chân chánh vận chuyển bánh xe pháp đã được vua cha vận chuyển, cũng vậy, này Xá-lợi-phất, Ông chân chánh vận chuyển pháp luân Vô Thượng đã được ta vận chuyển”.
Tôn giả Xá-lợi-phất: “Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay về lời nói. Bạch Đức Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ-kheo ở đây, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân hay về lời nói không?”. Thế Tôn đáp: “Này Xá-lợi-phất, trong khoảng năm trăm Tỳ-kheo ở đây, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc tam minh, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc thắng trí, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc câu phần giải thoát, và các vị còn lại đều là bậc tuệ giải thoát”.
Buổi lễ tự tứ được kết thúc sau khi Tôn giả Vangisa đắp y xin phép Đức Phật đọc lên bài kệ tán thán buổi Tự tứ…
Nét đẹp truyền thống Tự tứ vẫn được giữ đến ngày nay, để kết thúc mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng Ni tại các trường hạ đều tiến hành ngày tự tứ. Như chúng ta đã biết, ngày Tăng Tự tứ là ngày mà đại chúng phát lồ sám hối, mỗi cá nhân đem lỗi mà mình mắc phải bạch trước đại chúng và xin sám hối, tự khắc kỷ bản thân là không bao giờ phạm phải nữa, kế đến tha thiết khẩn cầu đại chúng chỉ rõ những lỗi lầm sai phạm của mình để kịp thời khắc phục chuyển hóa bản thân. Có thể nói đây là một tinh thần tu tập rất tự giác, một ý chí hướng thượng rất tuyệt vời, một hình ảnh vô cùng cao đẹp mà trên thế gian này hiếm có một tôn giáo nào thực hiện được điều đó. Với tinh thần tự giác và ý chí hướng thượng dõng mãnh của chư Tăng, Ni trong ngày Tự tứ đã làm tăng thêm tính thuần khiết thanh tịnh trong tâm thể của Tăng chúng trong suốt ba tháng an cư. Tinh thần giác ngộ trong ý nghĩa phát lồ sám hối của chư Tăng sẽ chiêu cảm và hóa giải được những ai mang trong lòng sự bảo thủ, cố chấp. Chính vì vậy mà Đức Phật khuyên Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ đau nên cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ.
Thật ra, tinh thần giác ngộ trong đạo Phật chính là tinh thần tự giác, tự giác để thường xuyên hướng thượng. Điều then chốt trong tinh thần tự giác đó là mỗi người tự nhìn nhận một cách trung thực và chân thật nhất về những lỗi lầm nơi tự thân thì mới có cơ hội để tiến tu trên con đường đạo pháp. Tựu trung, ngày chư Tăng Tự tứ trên căn bản được hình thành từ tinh thần giác ngộ. Kết hợp giữa sức chú nguyện từ tâm thể thanh tịnh của oai lực đại chúng Tăng, với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật đã hình thành ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vu-lan báo hiếu. Tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật trong lễ Vu-lan là biểu hiện của niềm tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần hướng thượng. Bởi vì, chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về chánh pháp và được sự chú nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gỡ nghiệp lực và hóa giải mọi khổ đau phiền trược. Do vậy, Vu-lan bồn (Ulambana) có nghĩa là tháo gỡ nghiệp lực, hóa giải nghiệp lực, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc…
Có thể nói ý nghĩa cao thượng lễ Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ là cơ hội quý báu để hàng Phật tử gieo trồng nhân phước thiện trên mảnh đất thanh tịnh này. Các lễ vật đúng như pháp để cúng dường chúng Tăng nhân cơ hội này được gọi là Tứ sự cúng dường bao gồm“y phục, sàng tọa, ẩm thực và y dược”. Những vật dụng này hỗ trợ đời sống tu hành của chư Tăng, giúp cho các Ngài yên ổn đời sống vật chất bên ngoài để phát triển phần tâm linh bên trong. Vì thế, cúng dường đúng pháp sẽ đem lại nhiều phước báu và những phước báu này cũng có thể hồi hướng đến cha mẹ hiện còn cũng như đã mất của thí chủ.
Đặc biệt, khi nói về Vu-lan, ta không đơn thuần nói về sự trả hiếu cho cha mẹ bằng cách cúng dường Tăng chúng trong ngày Tự tứ. Bởi vì công ơn cha mẹ thật rộng lớn, nên ta không thể dùng một ngày trong một năm mà có thể trả hết được. Vì thế, báo hiếu phải đúng cách và đúng pháp mới đem lại lợi ích lâu dài và có hiệu quả. Trong bài kinh Lễ bái sáu phương, Giáo giới Thi Ca La Việt, Đức Phật đưa ra từng nhóm vấn đề cụ thể để làm nên những mối quan hệ gắn bó, quan hệ có đạo đức và văn hóa trong từng gia đình và trong cộng đồng xã hội, trong đó có 5 bổn phận con cái đối với Cha Mẹ.
– Phụng dưỡng cha mẹ
– Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ
– Giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình -Bảo vệ tài sản thừa tự
– Lo chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp
Và cũng trong Tăng chi bộ Kinh tập 1 đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ với vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích cha mẹ theo thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ”.
Báo hiếu về vật chất: là giúp đỡ cha mẹ về miếng ăn, giấc ngủ, thuốc thang khi bệnh hoạn, đỡ đần công việc nặng nhọc, không để cho cha mẹ thiếu thốn những vật dụng cơ bản nhất.
Báo hiếu về tinh thần: khuyên cha mẹ bố thí, cúng dường chúng Tăng, khuyên cha mẹ quy y Tam Bảo, khuyến khích cha mẹ thọ trì Tam quy Ngũ giới, bố thí, xả bỏ xan tham, phát khởi tín tâm… là cách báo hiếu cao cả nhất trong Phật giáo.
Trong hai cách báo hiếu này, thì cách thứ hai được ca ngợi và tán dương nhiều hơn cả. Nhân dịp Vu-lan về, tất cả các người con muốn đền đáp công ơn ấy thì nên khuyên cha mẹ đến chùa, làm điều thiện, học cách ăn chay niệm Phật, ngăn cản cha mẹ tạo ác nghiệp và dần dần chuyển hóa cha mẹ quy y. Đây là tinh thần báo hiếu đúng theo quan điểm của Phật giáo. Bởi vì lo báo dưỡng vật chất thì chỉ làm cho cha mẹ bớt khổ trong đời này, nhưng khuyên cha mẹ tu tập mới giúp cha mẹ thoát khổ trong kiếp tương lai.
Vu-lan là ngày truyền thống báo hiếu trong Phật Giáo. Đây là ngày những người con hướng về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhân dịp ngày chúng Tăng ra hạ (Tự tứ), giới hạnh thanh tịnh, các người con chí hiếu sắm sửa lễ vật cúng dường để hồi hướng công đức cho cha mẹ mình. Nghĩa cử này giúp người con không những biết về hạnh báo hiếu mà còn học được hạnh “tri ân và báo ân”. Vì thế, ngày Vu-lan giúp kết nối thế hệ cha mẹ sang thế hệ con cái và từng thành viên trong gia đình cũng như xã hội.