- Thư Tòa Sọan
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử.. (Thích Thiện Nhơn)
- Mạng xã hội với những thách thức… (Thích Bảo Nghiêm)
- Trích kinh Đức Phật dạy về chữ Hiếu (Ban Biên tập VHPG)
- Đức Phật dạy gì về “Vô ngã”? (Trịnh Đình Hỷ)
- Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)
- Các bước đào luyện tâm linh của người Phật tử (An Khánh)
- Tìm trong sống chết (Nguyễn Thế Đăng)
- Chữ Hiếu dưới lăng kính kết nối truyền thông (Nguyên Cẩn)
- Tuổi trẻ và Vu-lan góc nhìn từ Phật giáo (Thích Phước Nghiêm)
- Chùa Cần Đước (chùa Prếk On Đơk)… (Thích Minh Tiến)
- Một thời làm điệu (Thích Trung Định)
- Người Việt có ba thứ chữ viết (An Chi)
- Không biết (Alex Tzelnic, Cao Huy Hóa dịch)
- Vu-lan thắng hội trong những ngôi chùa xưa ở Nam bộ (Phí Thành Phát)
- Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)
- Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ (Thích Huệ Thông)
- Ông cha ta giữ gìn biển đảo (Tôn Thất Thọ)
- Vài suy nghĩ về Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX (Cao Văn Thức)
- Tàu đến Mạc Tư Khoa (Trần Đức Tuấn)
- Quản lý nóng giận bằng phát triển tâm từ (Thích Quảng Tiến Nhẫn)
Trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer thì những ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt xã hội của người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và dân tộc Khmer nói chung. Bởi lẽ, từ ngàn đời nay, chùa Khmer không chỉ là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực, một biểu tượng văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Khmer.
Chùa Prếk On Đơk, dân địa phương thường gọi là chùa Cần Đước thuộc ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng luôn được nhắc đến là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer.
Theo lời kể người dân địa phương, chùa có tên là Prếk On Đơk là do ngày xưa khu này có rất nhiều con rùa nhỏ trong đồng ruộng, xung quanh chùa và cả trong sân chùa. Chùa được xây dựng vào năm 1783, đến nay đã được 237 năm hình thành và phát triển cùng trải qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước, chùa Cần Đước là một trong những ngôi chùa có nhiều công lao nuôi chứa cán bộ, hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trải qua 237 năm cùng tuế nguyệt, chùa Cần Đước nhiều lần xuống cấp. Trước đó, chùa được xây dựng bằng chất liệu gỗ, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến năm 1960, chùa được xây dựng bằng chất liệu bê-tông cốt thép như hiện nay. Trong khuôn viên rộng 3 hecta, nhiều cây xanh thoáng mát, ngôi chánh điện chùa Cần Đước đặt tại trung tâm khuôn viên chùa, trên nền cao 1,5m, được xây tường rào bao quanh, đây là nơi linh thiêng diễn ra các khóa lễ, nghi thức trang trọng. Xung quanh chánh điện là các công trình như: ngôi Sa-la (giảng đường), thư viện, trường Sơ cấp Pali, Tăng xá, tháp thờ ngọc Xá-lợi, Phật đài… được bố trí khá hài hòa.
Đối diện ngôi chánh điện là một cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật Thích-ca khi Ngài tọa thiền. Bao quanh khu cột cờ này là các dãy nhà dài, nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi. Chùa Cần Đước còn lưu giữ và tôn thờ ngọc Xá-lợi Phật được cung thỉnh về từ đất nước Ấn Độ và ngọc Xá-lợi của Tôn giả A-nan được thỉnh từ đất nước Sri Lanka.
Phía sau chùa là khuôn viên thanh tịnh, đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập Niết-bàn của Đức Phật. Đặc biệt là bảo tượng Phật nhập Niết-bàn dài 17m.
Với lối kiến trúc tinh xảo cùng các lớp hình tượng chạm trổ, hoa văn điêu khắc tỉ mỉ, ngôi chùa này đã thể hiện được nét đẹp trong tư duy và nét đẹp trong văn hóa kiến trúc của người Khmer Sóc Trăng nói riêng, người Khmer Nam Bộ nói chung. Đối với nhiều người dân ở ấp Cần Đước, thì đây không chỉ là nơi bảo tồn nét kiến trúc đặc sắc của người Khmer mà còn là ngôi nhà chung để Phật tử và bà con địa phương gắn bó cả cuộc đời.
Không chỉ riêng chùa Cần Đước, mà tất cả những ngôi chùa Khmer nói chung từ ngàn đời nay vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Từ những ngày lễ thuần túy của Phật giáo đến những ngày lễ, hội đặc biệt của người Khmer như: ChôlChnămThmây, Sêne Đôlta, Okombok, Lễ dâng y Kathynak… đều được diễn ra tại chùa và gắn liền với các hình thức văn hoá truyền thống của dân tộc, bên cạnh các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Thông qua các hoạt động này giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng chính là một trong những nét đẹp đoàn kết trong lối sống, văn hóa của người Khmer và là ý nghĩa quan trọng của ngôi chùa Khmer từ ngàn đời nay.
Đối với đồng bào Khmer địa phương, chùa Cần Đước không chỉ là nơi bảo tồn nét kiến trúc đặc trưng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà hơn hết còn là nơi để sư sãi tu học,Phật tử thờ phụng, tôn kính theo giáo lý của Đức Phật Thích Ca, là chỗ dựa tinh thần, hướng bản thân họ đến những giá trị tốt đẹp.
Chùa Cần Đước đã trải qua 14 đời trụ trì, trụ trì đời thứ 15 hiện nay là Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn, năm nay đã 90 tuổi, 71 hạ lạp. Hiện là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài là bậc trưởng lão đức hạnh và uy tín, là vị lãnh tụ tinh thần đối với sư sãi, đồng bào Khmer Nam Bộ. Là một trong những vị đầu tiên đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer tham gia vận động thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, Hòa thượng là người có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc.
Để góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa của dân tộc, với cương vị trụ trì, Hòa thượng Dương Nhơn đã bắt tay vào việc củng cố tổ chức và phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Vận động các chùa Nam tông mở trường dạy chữ Khmer, Pali, Vini và phổ cập tiểu học cho con em đồng bào dân tộc Khmer trong dịp hè từ lớp 1 đến lớp 12.
Năm 2009, Hòa thượng trụ trì và Ban quản trị chùa bắt đầu xây dựng trường Sơ cấp Pali, đến tháng 04/2010 hoàn thành. Khóa đầu tiên của trường Sơ cấp Pali được khai giảng vào năm 2012. Trường Sơ cấp Pali tại chùa Prếk On Đớk chính là nền tảng căn bản tạo điều kiện cho quý Sư sãi, Tăng sinh theo học các lớp cao hơn như trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ.
Thông thường, trẻ em Khmer vào 3 tháng hè đều được đưa đến chùa để học chữ Khmer nhằm giữ gìn chữ viết của đồng bào Khmer. Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang, Phó trụ trì chùa Cần Đước cho biết: “Hàng năm, vào mùa hè, chùa đều tổ chức lớp học chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc nhằm lưu giữ nét chữ đặc trưng của dân tộc. Nhiều trẻ em người Kinh, Hoa cũng tham gia lớp học để tìm hiểu và giao lưu về ngôn ngữ, văn hóa; ngoài việc dạy chữ Khmer, các Sư còn dạy thêm Phật pháp. Vì thế, chùa không chỉ là nơi rèn luyện về đạo đức và nhân cách cho các thế hệ thanh niên mà còn hướng mỗi người đến những điều tốt đẹp trong lối sống xã hội, biết báo hiếu, biết kính trọng, thương yêu lẫn nhau, đoàn kết, xây dựng xóm làng”.
Chùa Cần Đước lâu nay là niềm tự hào của người dân xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Người ta biết nhiều đến chùa chiền nơi đây không chỉ bởi tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là hạt nhân của phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới trong đồng bào dân tộc Khmer.
Những năm qua, dưới sự điều hành của Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn, Ban Quản trị chùa, Sư sãi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt tôn giáo, dân tộc cũng như công tác tuyên truyền, vận động Phật tử trong phum, sóc chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thấy được sự khó khăn của các địa phương, nhà chùa đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng Trường Tiểu học Thạnh Phú 3, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện và Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Thạnh Phú, góp phần tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất để con em đồng bào Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, chùa còn làm hàng ngàn mét đường giao thông, xây cầu, trị giá hàng tỷ đồng… góp phần xây dựng ấp văn hóa tiêu biểu, người dân an tâm sản xuất và phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội tại địa phương.
Trong giai đoạn hội nhập như hiện tại, chùa Cần Đước vẫn không ngừng phát huy vai trò Phật giáo, thể hiện đậm nét sức sống bền vững, truyền thống lâu đời của người Khmer, góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”.