PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Minh Trực
Thiền Sư Việt dịch
6. Phẩm Sám Hối
(Ăn năn tội
trước, chừa bỏ lỗi sau)
Lúc kia, Đại Sư thấy các quan dân ở Quảng Châu, Thiều Châu, và bốn phương đồng kéo nhau tụ tập trong núi đặng nghe pháp, thì Ngài lên tòa giảng mà bảo chúng rằng:
“Chư Thiện tri thức, hãy lại gần đây. Việc này phải do trong tánh mình mà khởi ra. Trong cả thảy thời gian, niệm niệm mình phải lóng sạch tâm mình, mình phải trau sửa nết hạnh của mình, mình phải thấy pháp thân của mình, mình phải thấy Phật tâm của mình, mình phải độ và răn lấy mình, thì đến đây mới là hữu ích, chẳng uổng công lao. Các vị đã từ phương xa mà đến, đồng hội hiệp tại chỗ này, ấy là các vị đều có duyên với nhau. Vậy bây giờ các vị cả thảy phải quỳ xuống. trước hết, ta truyền cho năm phần Chơn Hương của Pháp Thân Trong Bổn Tánh Mình, kế ta truyền pháp Sám Hối Không Tướng (Vô Tướng Sám Hối).
Cả thảy đồng quỳ.
Sư nói rằng: “Một là Giới Hương, nghĩa là tâm mình không tưởng điều quấy, không toan việc dữ, không sanh ghen ghét, không sanh tham lam giận hờn, không mong cướp hại của người. Ấy gọi là Giới Hương.
Hai là Định Hương, nghĩa là xem thấy các cảnh tướng lành dữ mà tâm mình chẳng tán loạn. Ấy gọi là Định Hương.
Ba là Huệ Hương, nghĩa là tâm mình không bị ngăn lấp, mình thường lấy trí huệ mà quán chiếu tánh mình và chẳng tạo các điều dữ. Tuy mình tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước, thường kính kẻ trên, tưởng kẻ dưới, hay xót thương những kẻ côi cút nghèo nàn. Ấy gọi là Huệ Hương.
Bốn là Giải Thoát Hương, nghĩa là tâm mình không đeo níu vào một cảnh vật nào, mình chẳng nghĩ điều lành, không tưởng việc dữ, thong thả suốt thông. Ấy gọi là Giải Thoát Hương.
Năm là Giải Thoát Tri Kiến Hương, nghĩa là tâm mình tuy đã không đeo níu vào một cảnh vật nào, mình chẳng nghĩ điều lành, không tưởng việc dữ, nhưng chẳng nên trầm không thủ tịch (đắm vào cảnh không, giữ lòng vắng lặng như loại Vô Ký Không mà trong phẫm Bát Nhã đã có nói). Phải học rộng, nghe nhiều, phải biết Bổn Tâm của mình, phải rõ thông đạo lý của Chư Phật, phải xen lộn trong thế gian mà cứu nhơn lợi vật, không phải nhơn ngã. Phải đạt ngay cõi Chánh Giác, Chơn Tánh không đổi dời. Ấy gọi là Giải Thoát Tri Kiến Hương.
Chư Thiện tri thức, Chơn Hương này, mỗi phần tự có cái chất xông thơm bên trong, đừng tìm kiếm nơi ngoài.
Bây giờ ta truyền cho các vị pháp Sám Hối Không Tướng; Pháp này tiêu diệt hết các tội trong ba đời (đời trước, đời nay, và đời sau) khiến cho ba nghiệp (Thân, khẩu, ý) đều được trong sạch.
Chư Thiện Tri Thức, hãy đồng xướng lên một lượt và nói theo ta.
Chúng đệ tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngu mê. Các tội do nghiệp ác ngu mê đã tạo ra từ trước đều ăn năn, nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Chúng đệ tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngạo dối. Các tội do nghiệp ác ngạo dối đã tạo ra từ trước đều ăn năn, nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Chúng đệ tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ganh ghét. Các tội do nghiệp ganh ghét đã tạo ra từ trước đều ăn năn, nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Chư Thiện tri thức, các lời sám hối kể trên gọi là Sám Hối Không Tướng.
Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối?
Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét đã tạo ra từ trước, tất cả ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám.
Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là hối.
Cho nên kêu là Sám Hối.
Các người phàm phu ngu muội chỉ biết ăn năn tội trước của mình, mà chẳng biết ăn năn lỗi sau. Bởi chẳng ăn năn, nên tội trước chưa dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, thì sao gọi là Sám Hối được.
Chư Thiện tri thức, đã sám hối rồi, bây giờ ta cho các ngươi lập Bốn Điều Thệ Nguyện Lớn. Mỗi người phải dùng tâm chơn chánh mà nghe ta dạy:
Chúng sanh không giới hạn trong tâm mình đều thề nguyền hóa độ.
Cả thảy các điều phiền não chẳng xiết kể trong tâm mình đều thề nguyền dứt bỏ.
Cả thảy các pháp môn kể không hết trong tánh mình đều thề nguyền học cả.
Đạo Phật cao hơn hết trong tánh mình thề nguyền tu đến thành công.
Chư Thiện tri thức, cả thảy các vị há chẳng nói: “Cả thảy chúng sanh không giới hạn trong tâm mình đều thề nguyền hoá độ.” ? Thế thì chẳng phải Sư Huệ Năng độ.
Chư Thiện tri thức, chúng sanh trong tâm mình tức là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ganh ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh. Mỗi người phải dùng tánh mình mà độ lấy mình, mới gọi là thiệt độ.
Cả thảy phiền não chẳng xiết kể đều thề nguyền dứt bỏ, nghĩa là đem Trí Bát Nhã của tánh mình mà dứt bỏ lòng nghĩ tưởng giả dối. Thế mới gọi là thiệt học.
Đạo Phật cao hơn hết thề nguyền tu đến thành công, nghĩa là đã thường hạ cái tâm, làm việc chơn thành, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát Nhã, bỏ chơn trừ vọng, tức khắc thấy tánh Phật. Ấy là nghe nói pháp rồi, liền thành Phật đạo.
Thường thường tưởng đến việc tu hành là cái chánh pháp tạo nên sức thề nguyện vậy.
Chư Thiện tri thức, nay đã phát Bốn Điều Thề Nguyền Lớn rồi, ta lại truyền cho các vị Lời Răn Dạy Về Pháp Quy Y Không Tướng.
Chư Thiện tri thức, phải quy y ba pháp này:
Hãy quy y các
Diệu Giác của tánh mình là pháp tôn quý gồm đủ cả hai công đức.
Hãy quy y cái
Chánh Pháp của tánh mình là pháp tôn quý lìa bỏ các điều tà dục.
Hãy quy y cái Thể
Thanh Tịnh của tánh mình là pháp tôn quý nhất trong các hạnh.
Từ đây sắp sau, hãy xưng Giác là Thầy, chẳng nên quy y theo tà ma ngoại đạo. Hãy lấy ba pháp báu của tánh mình mà tự thường chứng tỏ các công đức của mình. Ta khuyên Chư Thiện tri thức phải quy y theo ba pháp báu của tánh mình là: 1. Phật nghĩa là Giác, 2. Pháp nghĩa là Chánh, 3. Tăng nghĩa là Tịnh.
Tâm mình quy y theo tánh Giác, thì tà mê chẳng sanh. Lại ít có sự ham muốn, thường biết đủ dùng, lìa được của tiền và sắc dục, gọi là pháp tôn quý gồm cả hai công đức.
Tâm mình quy y tánh Chánh, thì niệm niệm không sanh tà kiến. Bởi không tà kiến, nên không có lòng nhơn ngã cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Pháp tôn quý lìa bỏ các điều tà dục
Tâm mình quy y theo tánh Tịnh, thì cả thảy các cảnh giới trần lao, ái dục, tâm mình chẳng nhiễm chẳng vương, gọi là pháp tôn quý nhất trong các hạnh.
Tu các hạnh này, ấy là mình quy y Bổn Tánh của mình. Các người phàm phu từ ngày tới đêm nói rằng chịu tu theo ba Quy Giới, mà chẳng hiểu lý quy y. Nếu nói quy y Phật, thì Phật ở xứ nào? Bằng không thấy Phật, thì quy y chỗ nào? Nói thế thành ra giả dối.
Chư Thiện tri thức, mỗi người hãy tự xem xét, chớ lầm dùng tâm ý. Kinh văn nói rõ quy y Phật ở tánh mình, chớ chẳng nói quy y Phật nơi nào khác. Phật ở tánh mình mà chẳng quy y, thì không có chỗ nào mà quy y vậy.
Nay các vị đã tự ngộ, thì mỗi người phải quy y ba pháp báu ở tâm mình. Trong phải điều tâm tánh, ngoài phải kính mọi người, tức là mình quy y tâm mình vậy.
Chư Thiện tri thức, đã quy y ba pháp báu ở tánh mình rồi, các vị hãy chí tâm, ta nói cho mà rõ cái pháp Phật Một Thể Ba Thân Trong Tánh Mình, khiến cho các vị thấy ba thân rõ ràng, tự tánh mình tỏ sáng tánh mình.
Cả thảy hãy đồng nói theo ta:
Tự sắc thân mình quy y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật
Tự sắc thân mình quy y Viên Mãn Báo Thân Phật
Tự sắc thân mình quy y Thiên Bá Ức Hóa Thân Phật
Chư Thiện tri thức, sắc thân là quán xá, không thể nói quy y được. Phải dòm ngó Phật Ba Thân trong tánh mình. Người thế gian đều có Phật Ba Thân. Bởi tâm mình mê muội, nên không thấy thể sáng suốt trong tánh mình. Người ta cứ tìm Phật Ba Thân ở ngoài, mà chẳng thấy Phật Ba Thân ở trong thân của mình. Các vị nghe ta nói, khiến các vị ngó trong thân mình và thấy Bổn Tánh mình có Phật Ba Thân. Phật Ba Thân này do nơi tánh mình mà sanh, chớ chẳng phải do nơi ngoài mà tìm đặng.
Sao gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật? Bổn tánh của người thế gian vốn trong sạch. Muôn pháp đều do nơi bổn tánh mình mà sanh: Nghĩ tính các điều dữ, liền sanh hạnh dữ. Nghĩ tính các hạnh lành, liền sanh hạnh lành. Thế thì, các pháp trong tánh mình, ví cũng như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, nhưng vì bị mây che nên trên sáng dưới tối. Thình lình gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, thì muôn hình ngàn tượng đều hiện ra. Tánh của người thế gian thường hay dời đổi cũng như mây trên trời kia vậy
Chư Thiện tri thức, Trí như mặt trời, Huệ như mặt trăng. Trí Huệ thường sáng, nhưng bởi tâm dính níu cảnh vật ở bên ngoài, rồi bị mây vọng niệm của mình che án tánh mình, nên Trí Huệ chẳng đặng tỏ sáng. Nếu gặp bạn Thiện tri thức, nghe người giảng chánh pháp, rồi tự mình dứt các điều mê hoặc, trong ngoài sáng thấu, thì trong tánh, muôn pháp đều hiện ra rõ ràng. Người thấy tánh cũng giống như thế. Ấy gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Chư Thiện tri thức, tâm mình quy y tánh mình. Ấy là quy y Chơn Phật. Tự mình quy y, nghĩa là dứt trừ hết các tật xấu trong tâm mình là: Lòng chẳng lành, lòng ganh ghét, lòng tà vạy, lòng vị ngã, lòng giả dối, lòng khi người, lòng nhạo người, lòng tà kiến, lòng cống cao, cùng các hạnh bất thiện trong cả thảy thời gian, lại thường thấy lỗi mình, chẳng nói việc tốt xấu của người. Ấy là tự mình quy y tánh mình vậy.
Thường hạ tâm mình, cung kính mọi người, thấy tánh sáng suốt, không ngưng trệ. Ấy là tự mình quy y tánh mình.
Sao gọi là Viên Mãn Báo Thân Phật? Tỷ như một cái đèn có thể trừ được chỗ tối đã có từ ngàn năm, một cái trí có thể diệt được sự ngu đã nhiễm từ muôn thuở. Đừng nghĩ đến việc trước, chẳng đặng nghĩ đến việc đã qua rồi, thường nghĩ đến việc về sau. Niệm niệm hoàn toàn sáng suốt và tự mình thấy Bổn tánh mình. Điều lành điều dữ tuy là khác nhau, chớ cái Bổn tánh không hai. Cái tánh không hai gọi là Thật Tánh. Trong cái Thật Tánh chẳng nhiễm điều lành điều dữ, ấy gọi là Viên Mãn Báo Thân Phật.
Tánh mình khởi một niệm dữ, thì tiêu hết muôn kiếp hột giống lành. Tánh mình sanh một niệm lành, thì hằng hà sa tội dữ đều diệt hết và chứng ngay quả Vô Thượng Bồ Đề. Niệm niệm mình thấy tánh mình, chẳng sai bổn niệm. Ấy gọi là Báo Thân.
Sao gọi là Thiên Bá Ức Hóa Thân Phật? Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, thì tánh vốn như trống không. Một niệm nghĩ tính, gọi là biến hóa: Nghĩ tính điều dữ, hóa làm Địa Ngục. Nghĩ tính việc lành, hóa làm Thiên Đường. Lòng độc hại hóa ra rồng rắn. Lòng từ bi hóa ra Bồ Tát. Lòng Trí Huệ hóa làm Thượng Giới, lòng ngu si hóa làm Hạ Phưong. Cái tánh của mình biến hóa rất nhiều. Người mê, không tỉnh giác được, nên niệm niệm gây ra việc dữ, thường thường theo đường dữ. Nếu trở lại khởi một niệm lành, thì Trí Huệ thường sanh. Ấy gọi là Tự Tánh Hóa Thân Phật.
Chư Thiện tri thức, cái Pháp thân vốn là đầy đủ. Niệm niệm tánh mình tự nhiên hiện ra tỏ sáng, tức là Báo Thân Phật. Do cái Báo Thân nghĩ tính tức là Hóa Thân Phật.
Mình tự ngộ tự tu các công đức trong tánh mình, mới thiệt là quy y. Chứ da thịt là sắc thân, sắc thân là nhà trọ tạm bợ, không thể nói là quy y được. Nếu mình hiểu rõ Ba Thân trong Tánh mình, tức là mình biết Phật trong tánh mình vậy.
Ta có một bài tụng không tướng. Nếu năng trì tụng, thì khi dứt lời, các tội ngu mê của các vị chất chứa trong muôn kiếp trước đồng tiêu diệt hết một lần
Tụng rằng:
(Bản dịch của HT Thích Từ Quang)
Người mê tu phước chẳng hành đạo
Chỉ nói tu phước ấy là đạo
Bố thí cúng dường, phước vô cùng
Ba ác trong tâm gốc còn tạo
Tưởng rằng tu phước, tội được tiêu
Đời sau được phước, nhưng còn tội
Chỉ trừ tội-nghiệp ở nội tâm
Mới thật tự tánh chơn sám hối
Bỏ tà làm chánh là không tội
Học đạo, hằng xem ở tự tánh
Các Phật cùng ta đồng một loại
Tổ xưa chỉ truyền Đốn Pháp này
Nguyện cho chúng sanh đồng thấy tánh
Nếu muốn về sau thấy pháp thân
Lìa các pháp tướng, rửa lòng sạch
Gắng công tự thấy, chớ thờ ơ
Dứt tuyệt niệm sau, một đời rảnh
Ngộ được Đại Thừa, thấy tự tánh
Chấp tay cung kính chí tâm cầu
Sư nói: “Chư Thiện
tri thức, cả thảy phải tụng bài kệ này, và y theo lời dạy trong đó mà tu
hành. Tụng rồi phải liền thấy tánh. Được như thế, tuy cách ta ngàn
dặm, cũng như thường ở bên ta. Còn tụng rồi mà tâm không giác ngộ, thì
dầu ở trước mặt ta, cũng như cách xa ngàn dặm. Há cần từ phương xa mà đến
đây! Khá trân trọng và giữ lấy.”
Đại chúng nghe pháp, tâm tánh đều mở mang tỏ sáng. Cả thảy đồng vui vẻ vâng làm theo lời dạy.