- Mục Lục
- Tựa Của Bản Dịch Tiếng Việt, Năm 2011
- Tựa Của Bản Dịch Tiếng Việt, Năm 1985
- Lời Nói Đầu Của Giáo Sư Houston Smith
- Lời Tựa Của Tác Giả
- Chương I: Những Bài Giảng Nhập Môn Tu Thiền Của Lão Sư Bạch Vân
- Chương Ii Đề Xướng (Teisho) Của Lão Sư Bạch Vân Về Công Án Mu
- Chương Iii Những Cuộc Độc Tham Của Mười Người Phương Tây Với Lão Sư Bạch Vân
- Chương Iv Bài Thuyết Pháp Về Nhất Tâm Của Bạt Tụy Và Những Bức Thư Ông Gửi Môn Đệ
- Chương V Tám Kinh Nghiệm Ngộ Hiện Thời Của Người Nhật Và Người Phương Tây
- Chương Vi Những Bức Thư Ngộ Của Yaeko Iwasaki Gửi Lão Sư Đại Vân Và Những Lời Bình Của Ông
- Chương Vii Đạo Nguyên Nói Về “Hữu-thời”
- Chương Viii Mười Bức Tranh Chăn Trâu Với Lời Bình Và Kệ
- Chương Ix Minh Họa Các Tư Thế Tọa Thiền
- Chương X Chú Thích Dụng Ngữ Thiền Và Giáo Lý Phật Giáo
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
BA TRỤ THIỀN
GIÁO LÝ – TU TẬP – GIÁC NGỘ
Nguyên tác: The Three Pillars of Zen
Cập Nhật và Hiệu Đính
theo Ấn Bản Kỷ Niệm Năm Thứ 35 của Nguyên Tác Tiếng Anh
LỜI TỰA
CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP
Nói vắn tắt, Thiền là một tôn giáo có phương pháp huấn luyện thân tâm độc đáo với mục đích là giác ngộ, nghĩa là nhận ra Tự Tánh. Suốt tập sách này, tôi sẽ cố gắng chuyển vận đặc tính và tinh thần tôn giáo của Thiền, những nghi thức và biểu tượng của nó, tiếng gọi của nó đối với trái tim cũng như khối óc con người. Vì là một con đường giải thoát của Phật giáo, Thiền hầu như chắc chắn là một tôn giáo. Đặt nền tảng căn bản trên những lời dạy tối thượng của Phật, nó đã được mang từ Ấn độ đến Trung hoa, nơi mà các phương pháp và kỹ thuật của Thiền đã được phơi bày, và rồi qua hằng thế kỷ đã được định chế tại Nhật. Phật giáo Thiền như thế là tập đại thành của các kinh nghiệm tâm linh của ba nền văn minh vĩ đại của châu Á. Ngày nay ở Nhật, truyền thống ấy vẫn còn rất sống động ở các thiền tự, thiền viện và tại những tư gia, đàn ông và đàn bà, từ mỗi bước đi của cuộc sống, người ta có thể thấy thực sự đã thể nhập tọa thiền, nguyên tắc cơ bản của Thiền.
Ở mức sâu nhất, Thiền giống như mọi tôn giáo lớn khác, vượt qua giáo lý và phương pháp thực hành riêng của nó, song đồng thời cũng không có Thiền tách rời những cái ấy. Ở phương Tây, sự cố gắng cô lập Thiền trong khoảng trống không của lý trí, cắt đứt nó khỏi các phương pháp tu tập mà chúng là lý do tồn tại (raison d’être) của Thiền, đã nuôi dưỡng một thứ ngụy Thiền không gì khác hơn là một sai lạc do tâm trí kích động.
Đối với tôi, dường như cách hay nhất để sửa lại sự bóp méo này là biên tập một tập sách đưa ra những giáo lý tu tập chân chính của Thiền từ cửa miệng của các bậc thầy – vì ai là người biết các phương pháp này rõ hơn họ? – và chỉ cho thấy chúng vẫn còn sống nơi thân tâm của những người đàn ông và đàn bà ngày nay. Tôi đã làm việc này chủ yếu qua một bậc thầy thuộc phái Tào Động hiện đại, Lão sư Bạch Vân, một bậc thầy thuộc phái Lâm Tế ở thế kỷ 14, Thiền sư Bạt Tụy (Bassui-zenji), và những câu chuyện giác ngộ của những tín đồ người Nhật và người Mỹ theo Thiền. Những bài giảng nhập môn của Lão sư Bạch Vân, bài đề xướng (teisho) của ông về công án “Mu” và những cuộc độc tham của mười môn sinh phương Tây với ông tạo thành một mối nhất quán bao trùm toàn bộ cơ cấu tu tập Thiền theo truyền thống. Một người thiếu sự tiếp xúc với một vị lão sư chân chính, song muốn tự tu tập Thiền sẽ thấy tài liệu này không gì khác hơn là một cẩm nan để tự học.
Các phương pháp tu tập của hai phái Tào Động và Lâm Tế được giới thiệu ở đây – lần đầu tiên bằng một ngôn ngữ châu Âu, chúng tôi tin như là một toàn thể nguyên vẹn của giáo lý Thiền, và đây không phải là chuyện có tính cách hàn lâm mà là kinh nghiệm sống. Phương Tây biết phái Tào Động còn ít. Những người truyền bá Thiền sang phương Tây đã dành nhiều nhiệt tình cho phái Lâm Tế, họ ít để ý đến các giáo lý và phương pháp của Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen-zenji), cha đẻ của phái Thiền Tào Động Nhật bản và theo quan điểm của nhiều người, ông là một tâm hồn nhiều sinh lực nhất mà Phật giáo Nhật bản đã sản sinh. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên đối với số đông người phương Tây hướng về Thiền, thì chỉ quán đả tọa (shikan taza), trái tim của phép tu thiền định của Thiền sư Đạo Nguyên, còn khá khó hiểu. Trong toàn bộ tập sách này, mục đích và phương pháp của chỉ quán đả tọa cũng như phép tọa thiền công án, chủ trương của phái Lâm Tế, được Lão sư Bạch Vân, người sử dụng cả hai hệ thống trong giáo lý của mình, chủ yếu triển khai.
Trong các phần dẫn nhập tôi đã giới thiệu các tư liệu cơ bản và thêm phần phụ lục để giúp người đọc nắm được bản chất từng phần, nhưng tôi đã tự chống lại sự cám dỗ phân tích hay giải thích lời dạy của các sư. Nếu làm thế, tôi chỉ khuyến khích người đọc giải thích lại những giải thích của tôi, và dù muốn hay không người đọc cũng sẽ thấy mình sụp ngay vào vùng cát lún của lý trí và sự bành trướng của cái ta. Do dó, ngày nào đó người đọc nghiêm túc tu tập Thiền sẽ phải tự tháo lui một cách đau đớn. Rõ ràng vì chính lý do này, “việc bán tư tưởng” không bao giờ được các Thiền sư khuyến khích.
Tập sách này mang ơn nhiều người. Trước hết nó nợ lớn ơn sâu của Thiền sư Bách Vân, giáo lý của người đã bao trùm hơn nửa tập sách và đã cho phép chúng tôi sử dụng các giáo lý ấy để truyền bá ở đây. Những người cộng tác và tôi, đều là môn đệ của người, cảm ơn người sâu xa vì sự chỉ dạy trí tuệ và tinh thần cao cả của người đã khích lệ chúng tôi trong suốt việc làm.
Ân huệ mà tôi nợ Lão sư Canh Vân (Koun Yamada roshi), người thừa kế Lão sư Bạch Vân, không thể nói thành lời. Là bạn và là thầy, ông là tòa tháp sức mạnh để nương tựa. Nếu không có sự cố vấn trí tuệ và trợ giúp rộng lượng của ông, toàn bộ việc làm của tôi sẽ trở nên khó khăn vô lượng, nếu không nói là không thể thực hiện được. Chúng tôi đã hợp tác dịch: Bài thuyết pháp Nhất Tâm và các bức thư của Thiền sư Bạt Tụy, các phần trong các bức thư của Yaeko Iwasaki, các bài kệ trong mười bài kệ Chăn Trâu, những câu trích dẫn lời của Thiền sư Đạo Nguyên và các sư xưa, đoạn trích từ bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shobo Genzo) của Thiền sư Đạo Nguyên.
Akira Kubota, người hợp tác thứ nhì của tôi, cũng đã tu Thiền khoảng mười lăm năm dưới sự hướng dẫn của Lão sư Bạch Vân và là một trong các môn đệ hàng đầu của lão sư. Chúng tôi đã cùng nhau dịch bài đề xướng về công án Mu, những phần trong các bức thư của Iwasaki, các trường hợp thứ tư và thứ sáu trong phần kinh nghiệm ngộ. Tôi xin tỏ lòng biết ơn vì sự lao động cần mẫn của ông.
Tôi đặc biệt cảm ơn T.s. Carmen Blacker của Đại học Cambridge. Những bài dịch ngay tại chỗ của nhiều bài thuyết giảng của Lão sư Bạch Vân về thực hành Thiền mà bà đã hợp tác với tôi đã trở thành những bài dịch xuất hiện trong tập sách này. Hơn nữa, tôi đã tự do chọn lấy nhiều đoạn từ bản dịch riêng của bà mà không sửa đổi về các phần của cùng một tài liệu đã xuất bản trong tạp chí Phật giáo ở Anh The Middle Way [Trung Đạo], vì cách diễn đạt của bà rất đạt đến độ tôi khó mà hy vọng cải thiện được nữa.
Tôi thật cảm ơn vô cùng Tiến sĩ Huston Smith, Giáo sư Triết học ở Viện Kỹ thuật học Massachusettes, tác giả của The Religions of Man [Những Tôn giáo của Loài Người], vì sự cố vấn và khuyến khích vô giá của ông ở giai đoạn đầu của bản thảo và Lời Nói đầu của ông.
Brigitte D’Ortschy, một Đạo hữu, đã trợ giúp rất nhiều. Bà đã đọc kỹ toàn bộ bản thảo và đưa ra nhiều đề nghị có giá trị làm cho tập sách này được tốt hơn.
Tôi cũng đã nợ vợ tôi, deLancy, không ít. Bà đã khuyến khích tôi, cùng làm việc với tôi, trong tất cả mọi giai đoạn viết tập sách này. Sự thực, trong nhiều năm, những lao động ấy đã tạo thành sự thực hành chính của bà trong tọa thiền.
Trong các bài dịch chúng tôi đã cố gắng, một mặt tránh những cái không tốt của cách dịch tự do phóng túng, và mặt khác, tránh cả cách dịch từng chữ một. Nếu chúng tôi có tạo được sự lôi cuốn đầu tiên đối với người đọc, có thể không phải vì chúng tôi có bút pháp thanh nhã mà chỉ nhờ vào sức mạnh trực tiếp và sự lập lại có tính toán mà đó là khía cạnh độc đáo của Giáo lý Thiền. Hơn nữa, nếu chúng tôi cố bám một cách nô lệ vào từng chữ thì sẽ không thể tránh được sự cưỡng bức tinh thần và làm mờ tối ý nghĩa sâu xa bên trong của các bản văn.
Các bài dịch của chúng tôi có tính chất giải thích theo nghĩa toàn bộ bản dịch tham gia lựa chọn liên tục một trong số các từ ngữ khác nhau mà người dịch tin là có thể chuyển được nghĩa của nguyên tác. Những lựa chọn của người dịch hoặc thích đáng hoặc không, theo cách dịch thông thường tùy thuộc vào kỹ năng song ngữ và thói quen của bản thân người dịch đối với vấn đề. Song các bản văn Thiền lại rơi vào một phạm trù cá biệt. Vì chúng luôn luôn vắn tắt, mãnh liệt và các từ ngữ [Hán hoặc Nhật] có thể gây nghi ngờ vì có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, một chữ cốt lõi thường chuyển vận một trật toàn bộ các khái niệm, muốn lựa chọn được cái “thần” nghĩa phù hợp với văn mạch đặt biệt đòi hỏi ở người dịch sự nhạy bén về ngôn ngữ học hơn là kiến thức bác học hàn lâm về Thiền. Theo chỗ chúng tôi thấy, nó không đòi hỏi gì hơn là sự tu tập Thiền và kinh nghiệm ngộ, thiếu hai cái này người dịch hầu như chắc chắn sẽ làm lệch lạc sự trong sáng và làm suy yếu sức mạnh của nguyên tác ở các khía cạnh quan trọng.
Vì thế, đứng ở vị trí ấy mà nói thì mỗi người dịch ở đây đều đã tu tập Thiền trong một thời gian đáng kể dưới sự hướng dẫn của một hay nhiều nhiều bậc thầy đã được ấn chứng và đã mở con mắt Tâm đến một độ nào đó.
Nội dung của tập sách này được xếp theo thứ tự tự nhiên: Giáo lý, Tu tập, và Giác ngộ, song mỗi phần tự nó đầy đủ và người đọc có thể đọc theo ngẫu hứng của mình.
Philip Kapleau